Bài tập Các kiểu đoạn văn: diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp Ngữ Văn 8 | Kết nối tri thức
Bài tập Các kiểu đoạn văn: diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp Ngữ Văn 8 | Kết nối tri thức. Tài liệu được biên soạn dưới dạng file PDF bao gồm 20 trang tổng hợp các kiến thức chọn lọc giúp các bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Mời các bạn đón xem!
Chủ đề: Bài 3: Lời sông núi (KNTT)
Môn: Ngữ Văn 8
Sách: Kết nối tri thức
Thông tin:
Tác giả:
Preview text:
Bài tập các kiểu đoạn văn: diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp I. Lý thuyết
1. Đoạn văn diễn dịch
- Đoạn văn diễn dịch có câu chủ đề đứng ở đầu đoạn, các câu còn lại triển khai cụ
thể ý của câu chủ đề. - Ví dụ:
Lời chào hỏi có ý nghĩa quan trọng trong giao tiếp giữa con người với con
người. Đặc biệt là đối với con người Việt Nam vốn coi trọng những quy tắc, lễ
nghĩa. Lời chào hỏi thường được sử dụng cho cả những người thân quen hoặc xa lạ.
Đa số đều do người nhỏ tuổi chào hỏi người lớn tuổi trước. Vai trò của lời chào
trong cuộc sống không mang ý nghĩ xã giao như nhiều người thường nghĩ. Một lời
chào hỏi trước hết thể hiện được sự tôn trọng đối với người nhận được. Đồng thời,
nó còn cho thấy tình cảm quý mến, quan tâm của người nói với người nhận. Một
lời chào cũng giống như một lời cảm ơn hay xin lỗi, không làm con người nghèo đi
hay giàu lên. Nhưng nó góp phần thể hiện một nhân cách tốt đẹp, trình độ văn
minh của con người. Bởi vậy mà ông cha mới có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”
hay “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” để khuyên
nhủ con người có ý thức giữ gìn những lễ nghi, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
2. Đoạn văn quy nạp
- Đoạn văn quy nạp là đoạn văn có câu chủ đề ở cuối đoạn. Nội dung của đoạn văn
được triển khai chi tiết từ cụ thể đến khái quát. Đối với đoạn văn quy nạp, câu chủ
đề không có tính định hướng nội dung cho toàn đoạn văn, mà sẽ khái quát lại nội dung. - Ví dụ:
Tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong quá khứ được thể hiện qua những trang
sử những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê
Lợi, Quang Trung… Đến ngày hôm nay tinh thần đó lại tiếp tục được phát huy.
Tinh thần yêu nước luôn tồn tại trong mỗi người không phân biệt tuổi tác: “Từ các
cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ”. Hay giai cấp: “Từ những nam nữ
công nhân… đến những đồng bào điền chủ…”. Thậm chí là cả khoảng cách địa lý:
“Từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng bị tạm chiếm, từ
nhân dân miền ngược đến miền xuôi...”. Tinh thần yêu nước giống như chủ tịch
Hồ Chí Minh khẳng định là “thứ của quý”, và trách nhiệm của mỗi người dân
là phải giữ gìn và phát huy truyền thống quý giá đó.
3. Đoạn văn phối hợp
- Đoạn văn phối hợp (tổng phân hợp) có sự kết hợp giữa đoạn văn diễn dịch và quy
nạp. Câu mở đầu nêu khái quát về nội dung, câu kết đoạn có tính tổng hợp, liên hệ
mở rộng. Các câu trong đoạn văn tập trung triển khai nội dung của đoạn văn. - Ví dụ:
Thời đại công nghệ với sự ra đời của nhiều mạng xã hội đã phục vụ cho nhu
cầu giải trí của con người. Các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram,
Youtube... được rất nhiều người sử dụng, đặc biệt là đối tượng học sinh. Bên cạnh
những tiện ích mà nó mang lại, thì các trang mạng xã hội này cũng đem đến nhiều
tác hại. Nhiều học sinh chìm đắm trong thế giới của mạng xã hội, dẫn đến tình
trạng “nghiện mạng xã hội”. Mạng xã hội khiến chúng ta dần rời xa cuộc sống thực
tế. Đôi khi trên các trang mạng xã hội còn những nguồn thông tin không lành mạnh
về cách hành vi bạo lực, các web đen, các loại văn hóa phẩm đồi trụy… ảnh hưởng
không tốt đến nhân cách, đạo đức của học sinh. Chính vì vậy, gia đình và nhà
trường cần phải có biện pháp quản lí trong việc sử dụng mạng xã hội của học sinh.
Bản thân mỗi học sinh cũng cần tỉnh táo trong việc sử dụng các trang mạng xã hội.
Việc chúng ta sử dụng mạng xã hội là tốt, nhưng cần biết sử dụng sao cho phù hợp và khoa học.
4. Đoạn văn song song
- Đoạn văn song song (song hành) là đoạn văn mà các nội dung được triển khai
song song nhau. Các nội dung tồn tại độc lập, mỗi câu trong đoạn nêu một khía
cạnh chủ đề đoạn văn để làm rõ nội dung cho đoạn. - Ví dụ:
Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Tri. Quê làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân (nay là
xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Ông được coi là một nhà văn hiện
thực xuất sắc trước Cách mạng tháng 8, với những truyện ngắn, truyện dài chân
thực viết về người nông dân nghèo đói bị vùi dập và người trí thức nghèo sống
mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ. Sau Cách mạng, Nam Cao sáng tác tận tụy sáng
tác phục vụ kháng chiến. Ông đã hy sinh trên đường vào công tác vùng sau lưng địch tháng 11 năm 1951. II. Luyện tập
Bài 1. Xác định kiểu đoạn văn trong các trường hợp dưới đây: a.
Chúng ta cần đối xử thân thiện với động vật. Bởi chúng có vai trò quan trọng đối
với con người, cũng như trái đất. Động vật là một phần không thể thiếu trong hệ
sinh thái. Ngoài ra, chúng còn cung cấp nguồn thực phẩm cho con người. Một số
loài vật còn trở thành thú cưng - được con người nuôi dưỡng, chăm sóc như một
người bạn. Trái đất là một ngôi nhà, mà ở đó tất cả cùng chung sống. Bởi vậy, con
người cần biết đối xử với các loài động vật một cách trân trọng và thân thiện. b.
Nhân dân Việt Nam có một lòng yêu nước nồng nàn. Đó là một trong những truyền
thống vô cùng tốt đẹp của đáng quý của nhân dân ta. Từ xưa đến nay, tinh thần yêu
nước đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Mỗi khi
có giặc xâm lược, lòng yêu nước lại dâng trào mãnh liệt. Điều đó thể hiện qua các
triều đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Đến ngày
hôm nay, tinh thần yêu nước lại tiếp tục được kế thừa mạnh mẽ. Tình yêu nước
xuất phát ở mọi lứa tuổi, vùng miền, nghề nghiệp hay tuổi tác… Mỗi người dân
Việt Nam đều muốn cống hiến, dựng xây đất nước ngày càng phát triển, sánh vai
với các cường quốc năm châu. Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý vì
vậy bổn phận của chúng ta là trưng bày vẻ đẹp của quý ấy. c.
Lũ lụt là một trong những thiên tai xảy ra khá thường xuyên ở nước ta nói riêng
cũng như trên thế giới nói chung. Mỗi cơn lũ đi qua phá hoại của cải của con người
như nhà cửa, xe cộ, đồng ruộng, vật nuôi,... Không chỉ vậy, lũ lụt kéo dài sẽ ảnh
hưởng đến hoạt động kinh tế như sản xuất nông nghiệp, hạn chế các hoạt động đi
lại hay phát triển du lịch. Từ đó, cuộc sống của con người cũng sẽ bị ảnh hưởng, ví
dụ như thiếu lương thực, nước uống. Đặc biệt, lũ lụt còn khiến nhiều người bị mất
tích, thương vong. Bên cạnh đó, lũ lụt kéo theo những chất thải, rác thải từ cống
rãnh, ao hồ và các khu dân cư, khu đổ rác gây ra nguy cơ ô nhiễm trực tiếp đến
nguồn nước sinh hoạt. Từ đó làm con người dễ bị nhiễm virus, bệnh ngoài da, bệnh
đường ruột,... Lũ lụt đang gây ra những tác hại to lớn đến cuộc sống của con người và Trái Đất. d.
Nguyễn Du sinh năm 1765, mất năm 1820. Tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên.
Quê gốc làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh và trải qua
thời niên thiếu ở Thăng Long. Nguyễn Du sinh trưởng trong một gia đình đại quý
tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học. Cha của ông là Nguyễn
Nghiễm, đỗ tiến sĩ và từng làm đến chức Tể tướng. Anh trai cùng cha khác mẹ là
Nguyễn Khản cùng từng làm quan to dưới triều Lê - Trịnh. Đáp án: a. Đoạn văn diễn dịch b. Đoạn văn phối hợp c. Đoạn văn quy nạp d. Đoạn văn song song
Bài 2. Xác định câu chủ đề trong các đoạn văn sau: a.
Chúng ta cần sử dụng nước ngọt một cách hợp lí, tiết kiệm. Bởi nguồn nước ngọt
đang dần cạn kiệt, cũng như đối mặt với nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mà con
người thì không thể sống thiếu nước. Hẳn vẫn có nhiều người nghĩ rằng trên trái
đất, chẳng có gì nhiều như nước. Nhưng đó là một suy nghĩ sai lầm, theo tổ chức Y
tế thế giới, có khoảng hơn hai tỷ người đang sống trong cảnh thiếu nước ngọt. Một
con số thật đáng báo động. Và nó sẽ còn tăng lên nếu con người không biết cách sử
dụng tiết kiệm, cũng như bảo vệ nguồn nước. b.
Đời sống của các loài trên Trái Đất rất dễ bị tổn thương. Động vật và thực vật tồn
tại và phát triển thành từng quần xã. Và giữa các loài trong quần xã luôn tồn tại
mối quan hệ hỗ trợ hay đối kháng. Trên Trái Đất, con người cũng chỉ là một loài.
Sự tồn tại của các loài khác cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con người. Chúng ta đã
dần ý thức được điều đó, và có những biện pháp tích cực. Có thể khẳng định rằng,
trên hành tinh đẹp đẽ này, muôn loài đều cần thiết cho nhau. Đáp án:
a. Câu chủ đề: Chúng ta cần sử dụng nước ngọt một cách hợp lí, tiết kiệm.
b. Câu chủ đề: Có thể khẳng định rằng, trên hành tinh đẹp đẽ này, muôn loài đều cần thiết cho nhau.
Bài 3. Cho câu chủ đề dưới đây, viết tiếp nội dung của đoạn văn.
a. Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất.
b. Máy vi tính có một vai trò quan trọng trong cuộc sống của nhân loại. Đáp án: a.
Lòng yêu nước từ lâu đã trở thành một truyền thống quý giá với dân tộc Việt Nam.
Từ trong quá khứ, nhân dân ta đã cùng nhau đoàn kết chống lại kẻ thù xâm lược.
Nhưng rõ ràng, lòng yêu nước không phải chỉ cần thể hiện khi Tổ quốc bị xâm
lăng. Ngay trong hòa bình, chúng ta cũng cần tích cực thể hiện lòng yêu nước.
Chúng ta tiếp thu văn minh hiện đại của nước ngoài dựa trên nguyên tắc “hòa nhập
chứ không hòa tan”. Nhiều bạn trẻ tài năng với những phát minh khoa học được
thế giới công nhận lại nguyện trở về Việt Nam xây dựng sự nghiệp. Sinh viên vừa
mới tốt nghiệp, tình nguyện trở về quê hương để xây dựng cho quê hương mình.
Mỗi công dân cần kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của quốc gia,
dân tộc. Hành động nhỏ nhưng đều sẽ góp phần xây dựng đất nước trở nên phồn
vinh hơn, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu. Tuy nhiên, không ít người
sẵn sàng chạy theo lối sống thực dụng, ăn chơi sa đọa, lãng phí, sống tự do, cá
nhân, vô tổ chức. Đó là hành động đáng lên án và tránh xa. Có thể khẳng định rằng,
trong bất cứ hoàn cảnh nào, lòng yêu nước cũng cần được phát huy. b.
Máy vi tính có một vai trò quan trọng trong cuộc sống của nhân loại. Đầu tiên,
chúng ta phải kể đến vai trò hỗ trợ con người trong công việc, học tập. Một chiếc
máy vi tính có kết nối internet sẽ giúp tra cứu thông tin nhanh chóng, cập nhật mọi
sự kiện diễn ra trên khắp thế giới. Các phần mềm, công cụ được cài đặt trong máy
vi tính hỗ trợ cho con người ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Bộ nhớ của máy vi tính có
thể lưu trữ khối lượng dữ liệu khổng lồ, giúp ích trong việc lưu trữ thông tin. Nhờ
có máy vi tính, con người có thể hoàn thành công việc hiệu quả hơn, năng suất lao
động cao hơn. Không chỉ vậy, con người còn sử dụng chúng cho việc giải trí như
chơi game, xem phim, nghe nhạc hoặc giao lưu, kết nối với bạn bè khắp bốn
phương. Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức được việc sử dụng máy vi tính cần phải
khoa học, hiệu quả vì sử dụng quá lâu sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của mỗi người.
Bài 4. Viết một đoạn văn diễn dịch với chủ đề tự chọn. Xác định câu chủ đề của đoạn văn. Đáp án: Mẫu 1
Hiện tượng nước biển dâng có những ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống con
người. Trước hết, nước biển dâng có gây ra xói mòn đất tại các vùng ven biển,
cũng như lũ lụt xảy ra nhiều hơn hay các cơn bão diễn ra nguy hiểm hơn. Đất nông
nghiệp sẽ bị nhiễm mặn, đe dọa đến môi trường sống của các loài động vật dưới
nước. Không chỉ vậy, nền kinh tế cũng sẽ phải chịu nhiều tổn hại, đặc biệt là ở
những quốc gia có nền kinh tế dựa vào ngành công nghiệp và thủy sản. Những đô
thị và cơ sở hạ tầng bên bờ biển sẽ bị đe dọa bởi sự tăng mực nước biển, gây ra sự
mất an toàn về tính mạng và của cải với những người sống ở đó. Việc phải di dời
hệ thống hạ tầng cơ sở như cảng biển, đường bờ biển, các nhà máy điện gió sẽ là
một khoản chi phí đáng kể, ngoài ra còn đe dọa đến các dịch vụ cơ bản như truy
cập Internet và điện thoại,...
Câu chủ đề: Hiện tượng nước biển dâng có những ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống con người. Mẫu 2
Sách là để đọc, không phải để trưng bày. Con người đã tạo ra sách để lưu giữ
nguồn tri thức rộng lớn của nhân loại. Khi đọc sách, chúng ta sẽ biết thêm được
nhiều nguồn thông tin, kiến thức phong phú thuộc mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
Bạn cũng sẽ khám phá ra những điều mới lạ mà trước đây bạn chưa từng thấy,
hoặc thấy rồi nhưng theo một chiều hướng khác. Có đôi khi những cuốn sách còn
giúp bạn xác định được cho mình những mục tiêu, gây dựng những ước mơ tốt đẹp.
Đồng thời, có những cuốn sách còn giúp con người có thêm niềm tin, sức mạnh để
vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống. Một cuốn sách còn giúp
nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm hoặc trở thành người bạn để chia sẻ với con người.
Câu chủ đề: Sách là để đọc, không phải để trưng bày.
Bài 5. Viết một đoạn văn quy nạp theo chủ đề tự chọn, xác định câu chủ đề của đoạn văn. Đáp án: Mẫu 1
Lũ lụt, trước hết, gây ra thiệt hại to lớn về tính mạng của con người. Chúng ta
không thể nào thống kê được hết số người đã chịu thiệt mạng vì lũ lụt. Có thể kể
đến trận lũ lụt đồng bằng sông Hồng năm 1971 khiến cho khoảng hơn năm trăm
người chết và hơn một trăm nghìn người bị thương nặng. Tiếp đến, sau mỗi trận lũ
lụt đi qua, nhiều của cải của con người cũng bị tàn phá nặng nề, ví dụ như nhà cửa,
cây trồng, vật nuôi,... Nếu tình trạng bão lũ kéo dài còn khiến cho việc trồng trọt bị
ảnh hưởng, các loại cây lương thực bị ngập úng mà chết, từ đó ảnh hưởng đến
nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ cho cuộc sống của con người. Ngoài ra, khu
lũ lụt xảy ra, kéo theo những chất thải từ cống rãnh, ao hồ và các khu đổ rác làm ô
nhiễm trực tiếp đến nguồn nước công cộng. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước
khiến cho con người dễ bị nhiều bệnh về đường ruột hay tạo điều kiện cho các loại
vi-rút xuất hiện. Có thể khẳng định, lũ lụt đang gây ra những tác hại to lớn đến
cuộc sống của con người và Trái Đất.
Câu chủ đề: Có thể khẳng định, lũ lụt đang gây ra những tác hại to lớn đến cuộc
sống của con người và Trái Đất. Mẫu 2
Khoảng tám mươi phần trăm diện tích bề mặt trái đất là nước. Bởi vậy nhiều người
nghĩ rằng chẳng có gì nhiều như nước. Nhưng trên thực tế, lượng nước ngọt mà
con người có thể sử dụng được lại không nhiều. Dân số gia tăng, nhu cầu sử dụng
nước là rất lớn. Trong sinh hoạt hay sản xuất, con người đều cần đến nguồn nước.
Nguồn nước đang đối mặt với nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng và trở nên dần cạn
kiệt. Chính vì vậy, chúng ta cần sử dụng nước ngọt một cách hợp lí, tiết kiệm.
Câu chủ đề: Chính vì vậy, chúng ta cần sử dụng nước ngọt một cách hợp lí, tiết kiệm.
Bài 6. Viết một đoạn văn song song và một đoạn văn phối hợp theo chủ đề tự chọn. - Đoạn văn song song: Mẫu 1
Sự thật là những điều có thật hoặc phản ánh đúng với khách quan cuộc sống. Còn
ngược lại, giả dối là những điều ngược lại, gắn với hành động nói dối để che giấu
đi sự thật. Bản thân sự thật và giả dối cũng tồn tại những nghịch lí. Có những lời
nói dối mang đến cho con người những điều tốt đẹp, nhưng cũng có những sự thật
lại gây ra tổn thương. Nhưng dù vậy, chúng ta vẫn cần tôn trọng sự thật và tránh xa việc nói dối. Mẫu 2
“Lão Hạc” được đăng báo lần đầu năm 1943. Truyện kể về Lão Hạc - một người
nông dân nghèo khổ, sống một mình cùng với con chó Vàng - người bạn duy nhất
của lão. Lão có một đứa con trai nhưng vì nhà nghèo, không có tiền lấy vợ nên bỏ
đi đồn điền cao su. Cả gia tài của lão chỉ có mảnh vườn vốn là của hồi môn của con
trai và con chó Vàng sống cùng để bầu bạn. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, nhà lão
không còn gì để ăn. Lão đành phải bán con Vàng đi. Số tiền bán chó và bán mảnh
vườn, lão đem gửi ông giáo và nhờ khi nào anh con trai về sẽ trao lại cho anh. Còn
bản thân thì đến xin Binh Tư một ít bả chó, nói dối là để đánh bả con chó nhưng
thực ra là để tự tử. - Đoạn văn phối hợp: Mẫu 1
“Có chí thì nên” là câu tục ngữ gửi gắm bài học về ý chí, nghị lực trong cuộc sống.
Con người có ý chí, nghị lực và sự kiên trì sẽ đạt được ước mơ, gặt hái được thành
công. Mạc Đĩnh Chi là một trong những tấm gương tiêu biểu. Ông sống trong một
gia đình nghèo khó. Ban ngày còn phải làm kiếm sống chỉ tối đến mới có thời gian
học tập. Không có tiền mua dầu thắp đèn, cậu bé họ Mạc phải bắt đom đóm bỏ vào
vỏ trứng rồi soi lên trang sách mà đọc chữ. Với ngọn đèn đom đóm ấy, cậu bé miệt
mài học tập và đến khoa thi năm 1304 cậu đã thi đỗ trạng nguyên rồi trở thành một
vị quan có tài năng lớn trong triều nhà Trần. Như vậy, đức kiên trì, bền bỉ chính là
một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Trái ngược với người “Có chí thì nên”
là những người “Thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Họ luôn sợ hãi thử thách, khi gặp
phải khó khăn thì chỉ biết lùi bước. Những người như vậy sẽ mãi gặp phải thất bại.
Bởi vậy, mỗi người hãy coi câu “Có chí thì nên” là một bài học quý giá cho bản thân. Mẫu 2
Kho tàng tục ngữ Việt Nam đã gửi gắm thật nhiều bài học giá trị, trong đó tôi thích
nhất là câu: “Thương người như thể thương thân”. Trước hết, “thương người” là
tình cảm yêu mến gắn liền với hành động quan tâm, giúp đỡ những người xung
quanh. Còn “thương thân” chính là trân trọng, yêu thương chính bản thân. Cách so
sánh “thương người như thể thương thân” nhằm nhắn nhủ mỗi con người hãy biết
yêu thương những người xung quanh giống như yêu chính bản thân. Mỗi người
sinh ra đều có quyền được mọi người xung quanh yêu thương, tôn trọng. Không
chỉ vậy, tình yêu thương giữa con người sẽ luôn đem đến những điều tốt đẹp xóa đi
mọi khoảng cách, giúp xã hội trở nên văn minh hơn. Bài học được gửi gắm qua câu
tục ngữ là mỗi người cần có tấm lòng yêu thương, biết chia sẻ và đồng cảm với
mọi người xung quanh. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, vẫn còn nhiều người
sống vô cảm, ích kỉ. Họ thờ ơ khi thấy người đang gặp khó khăn. Đó là những
hành động cần lên án, tránh xa. Tóm lại, câu tục ngữ “Thương người như thể
thương thân” tuy ngắn gọn nhưng lại giàu ý nghĩa.
Bài 7. Tìm câu chủ đề trong các đoạn văn dưới đây và xác định kiểu đoạn văn: a.
Tình yêu đất nước có thể là tình yêu với những gì thuộc về đất nước như xóm làng
quen thuộc, cánh đồng lúa chín hay con sông hiền hòa. Có thể, tình yêu mà mỗi
người dành cho lời ru của mẹ, câu chuyện kể của bà. Ngoài ra còn có thể là hành
động của những bạn trẻ học tập thật tốt để tương lai cống hiến cho đất nước. Hay
sự tiếp thu văn hóa nước ngoài một cách có chọn lọc dựa trên tinh thần giữ gìn bản
sắc dân tộc. Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất. b.
Chúng ta cần đối xử thân thiện với động vật. Chúng không hề xa lạ mà vô cùng
gắn bó với cuộc sống của con người. Câu chuyện về chú chó trung thành cứu chủ
thoát chết. Hay hình ảnh con trâu cùng người nông dân lao động vất vả. Cả chú dế
mèn được các cậu học trò nâng niu như báu vật. Những loài động vật nhỏ bé đã
nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ của mỗi người. Chúng tạo nên kí ức đẹp đẽ về bức
tranh cuộc sống đầy màu sắc. c.
Sách là người bạn đường đáng tin cậy. Có sách đồng hành trong cuộc sống, chúng
ta sẽ học hỏi và tích lũy được những điều quý giá. Từ xưa, con người đã sáng tạo
ra sách để lưu trữ lại nguồn tri thức cho nhân loại. Đọc sách sẽ giúp tích lũy và học
hỏi thêm nhiều kiến thức, kĩ năng bổ ích. Nhiều cuốn sách giúp định hướng mục
tiêu, hoạch định tương lai cho mỗi người. Không chỉ vậy, sách còn sách cũng giúp
chữa lành vết thương, an ủi tâm hồn với con người. Bởi vậy, sách đã trở thành
người bạn đồng hành quý giá. Qua thời gian, bạn bè cũng có thể thay đổi. Nhưng
sách thì sẽ vẫn mãi như vậy. Con người cần biết trân trọng sách như trân trọng người bạn của mình. Đáp án: a.
- Câu chủ đề: Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất. - Đoạn văn: quy nạp b.
- Câu chủ đề: Chúng ta cần đối xử thân thiện với động vật. - Đoạn văn: diễn dịch c.
- Câu chủ đề: Sách là người bạn đường đáng tin cậy./Con người cần biết trân trọng
sách như trân trọng người bạn của mình.
- Đoạn văn: tổng phân hợp
Bài 8. Viết câu chủ đề cho các đoạn văn dưới đây:
a. Trước hết, keo kiệt có nghĩa là hà tiện, chỉ biết giữ của cho riêng mình. Còn tiết
kiệm là sử dụng đúng mức, biết dành dụm của cải. Người keo kiệt thường sẽ ích kỉ,
không biết đến chia sẻ với mọi người. Điều này khiến họ bị xa lánh, ghét bỏ. Đây
là một tính xấu trong xã hội. Còn người tiết kiệm sẽ biết chi tiêu hợp lí, trân trọng
mọi thứ. Vì vậy, họ sẽ biết đồng cảm, chia sẻ với mọi người. Con người cần tránh
thói keo kiệt, biết tiết kiệm để cuộc sống tốt đẹp hơn.
b. Hằng năm, đất nước Việt Nam cũng như thế giới đã phải hứng chịu nhiều trận lũ
lụt. Mỗi cơn lũ đi qua phá hoại của cải của con người như nhà cửa, xe cộ, đồng
ruộng, vật nuôi,... Không chỉ vậy, lũ lụt kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh
tế như sản xuất nông nghiệp, hạn chế các hoạt động đi lại hay phát triển du lịch. Từ
đó, cuộc sống của con người cũng sẽ bị ảnh hưởng, ví dụ như thiếu lương thực,
nước uống. Đặc biệt, lũ lụt còn khiến nhiều người bị mất tích, thương vong. Nhiều
người đã mất đi người thân sau mỗi trận lũ lụt, có những đứa trẻ phải chịu cảnh bơ
vơ không nơi nương tựa. Bên cạnh đó, lũ lụt kéo theo những chất thải, rác thải từ
cống rãnh, ao hồ và các khu dân cư, khu đổ rác gây ra nguy cơ ô nhiễm trực tiếp
đến nguồn nước sinh hoạt. Từ đó làm con người dễ bị nhiễm virus, bệnh ngoài da, bệnh đường ruột,...
c. Trước hết, tình yêu quê hương, đất nước là tình cảm gắn bó, yêu mến và tự hào
của con người với quê hương, đất nước của mình. Tình cảm này đã được truyền từ
đời này qua đời khác, trở thành một truyền thống quý giá của dân tộc Việt Nam.
Trong quá khứ, dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ
nước. Suốt quá trình đó, chúng ta đã phải đấu tranh chống lại nhiều kẻ thù xâm
lược. Biểu hiện của tình yêu quê hương, đất nước chính là hành động đấu tranh,
không ngại hy sinh để giành lại độc lập cho Tổ quốc. Lịch sử dân tộc chứng kiến
hơn một nghìn năm Bắc thuộc với biết bao mất mát, đau thương. Ở bất cứ thời nào
cũng có những bậc anh hùng đứng lên lãnh đạo nhân dân chống lại kẻ thù như Bà
Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,… Cùng với đó là sự đồng
lòng, chung sức của nhân dân cùng đấu tranh giành lại độc lập cho Tổ quốc.
Nhưng năm tháng hào hùng nhất có lẽ phải kể đến cuộc đấu tranh kháng chiến
chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh -
vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam - Người cũng là tấm gương sáng ngời
cho lòng yêu nước thương dân sâu sắc, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng
đánh bại kẻ thù xâm lược. Biết bao nhiêu chàng trai, cô gái - họ ra đi khi tuổi đời
còn quá trẻ, mang trong trái tim mình tình yêu với mảnh đất quê hương. Ở hiện tại,
tình yêu Tổ quốc xuất phát từ những hành động bình dị, nhưng ý nghĩa. Thế hệ trẻ
ra sức cố gắng học tập, rèn luyện để xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp. Hay
ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia. Tình yêu dành cho từng
con đường, ngôi nhà của quê hương, đất nước. Truyền thống yêu nước đã trở thành
một nguồn sức mạnh lớn lao để giúp cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn,
ngày càng vững vàng và phát triển hơn. Đáp án:
a. Keo kiệt và tiết kiệm có sự khác nhau.
b. Lũ lụt đã gây ra nhiều thiệt hại to lớn.
c. Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống, trong đó phải kể đến tình yêu quê hương, đất nước.
Bài 9. Em hãy viết một đoạn văn với chủ đề tự chọn, xác định câu chủ đề và kiểu
đoạn văn của đoạn văn đó. Đáp án: Mẫu 1
Mỗi người sinh ra đều có điểm mạnh và điểm yếu, tôi cũng như vậy. Trước hết,
điểm mạnh của tôi là khả năng giao tiếp tốt. Tôi cảm thấy tự tin khi đứng trên sân
khấu để trò chuyện, trao đổi với người nghe. Điều này đã giúp ích cho tôi trong
việc học tập như khi thuyết trình bài học trên lớp, tham gia các cuộc thi hùng biện
của trường,... Không chỉ vậy, tôi cũng không ngại trò chuyện, chia sẻ với mọi
người xung quanh. Tôi được mọi người yêu mến và tôn trọng. Nhưng điểm yếu
của tôi là khá nóng vội, hấp tập. Tôi thường chưa suy nghĩ kĩ càng mà đã đưa ra
quyết định và thực hiện. Vì vậy, tôi thường gây ra sai sót trong nhiều việc. Hiểu
được điểm mạnh, điểm yếu đó, tôi cố gắng để thay đổi và hoàn thiện bản thân.
⚫ Câu chủ đề: Mỗi người sinh ra đều có điểm mạnh và điểm yếu, tôi cũng như
vậy./Hiểu được điểm mạnh, điểm yếu đó, tôi cố gắng để thay đổi và hoàn thiện bản thân.
⚫ Kiểu đoạn văn: phối hợp Mẫu 2
Có thể khẳng định rằng, nước Đại Việt ta là một quốc gia có lịch sử, truyền thống
lâu đời. Từ thời kì dựng nước của các Vua Hùng cho đến nay, nhân dân ta đã phải
đối mặt với rất nhiều kẻ thù xâm lược. Nhưng ở bất cứ thời đại nào, chúng ta cũng
đều kiên cường, đoàn kết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của dân tộc.
Không chỉ vậy, nước Đại Việt ta còn có một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc,
với nhiều di sản vật thể và phi vật thể thuộc nhiều lĩnh vực được công nhận là di
sản văn hóa thế giới. Bên cạnh đó, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta như
tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn đã trở thành một nét đẹp, được lưu giữ từ
đời này sang đời khác, trở thành niềm tự hào của dân tộc. Đất nước và con người
đã trải qua biết bao thăng trầm, nhưng nước Đại Việt ta vẫn vững vàng, trở thành
một quốc gia có vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.
⚫ Câu chủ đề: Có thể khẳng định rằng, nước Đại Việt ta là một quốc gia có lịch
sử, truyền thống lâu đời.
⚫ Kiểu đoạn văn: diễn dịch Mẫu 3
Một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là đoàn kết. Từ trong
quá khứ, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc.
Những cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, bà Triệu đến Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn
mười hai sứ quân. Rồi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng
hay cuộc kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt và cả Hưng Đạo vương -
Trần Quốc Tuấn ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông và cả trong hai cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Đến ngày hôm nay, tinh thần đó
lại tiếp tục được phát huy. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều cường quốc trên
thế giới phải điêu đứng trước dịch bệnh. Nhưng đất nước Việt Nam, từ nhà nước
đến nhân dân đều trên dưới một lòng, cùng chung tay để chống lại dịch bệnh. Có
đôi khi, tinh thần đoàn kết cũng rất đơn giản như trong một lớp học, các học sinh
giúp đỡ nhau trong học tập, cùng nhau xây dựng để đưa lớp học của mình trở thành
một tập thể giỏi. Dù ở bất cứ thời đại nào, đoàn kết cũng là một truyền thống cần
được giữ gìn và phát huy mạnh mẽ, hiệu quả.
⚫ Câu chủ đề: Một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là
đoàn kết. /Dù ở bất cứ thời đại nào, đoàn kết cũng là một truyền thống cần
được giữ gìn và phát huy mạnh mẽ, hiệu quả.
⚫ Đoạn văn: phối hợp Mẫu 4
Xứ Huế rất nổi tiếng với các điệu hò. Mỗi câu hò gắn với tâm tình của người hò.
Ca Huế được trình diễn trên một khoang thuyền với đầy đủ các loại nhạc cụ. Các
ca công còn rất trẻ, nam mặc áo dài the, quần thụng, đầu đội khăn xếp, nữ mặc áo
dài, khăn đống duyên dáng. Ca Huế được hình thành từ dòng ca nhạc dân gian và
ca nhạc cung đình. Thú nghe ca Huế thể hiện sự tao nhã, đầy sức quyến rũ.
⚫ Câu chủ đề: không có ⚫ Đoạn văn: song song Mẫu 5
Lũ lụt là một trong những thiên tai xảy ra khá thường xuyên ở nước ta nói riêng
cũng như trên thế giới nói chung. Mỗi cơn lũ đi qua phá hoại của cải của con người
như nhà cửa, xe cộ, đồng ruộng, vật nuôi,... Không chỉ vậy, lũ lụt kéo dài sẽ ảnh
hưởng đến hoạt động kinh tế như sản xuất nông nghiệp, hạn chế các hoạt động đi
lại hay phát triển du lịch. Từ đó, cuộc sống của con người cũng sẽ bị ảnh hưởng, ví
dụ như thiếu lương thực, nước uống. Đặc biệt, lũ lụt còn khiến nhiều người bị mất
tích, thương vong. Bên cạnh đó, lũ lụt kéo theo những chất thải, rác thải từ cống
rãnh, ao hồ và các khu dân cư, khu đổ rác gây ra nguy cơ ô nhiễm trực tiếp đến
nguồn nước sinh hoạt. Từ đó làm con người dễ bị nhiễm virus, bệnh ngoài da, bệnh
đường ruột,... Lũ lụt đang gây ra những tác hại to lớn đến cuộc sống của con người và Trái Đất.
⚫ Câu chủ đề: Lũ lụt đang gây ra những tác hại to lớn đến cuộc sống của con người và Trái Đất. ⚫ Đoạn văn: quy nạp
Bài 10. Viết đoạn văn phối hợp, với chủ đề tự chọn. Mẫu 1
Một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về ca Huế là “Ca Huế trên sông Hương”
của Hà Anh Minh đã đem đến cho người đọc nhiều cảm nhận sâu sắc, tinh tế. Mở
đầu tác phẩm, nhà văn đã khẳng định xứ Huế nổi tiếng với các điệu hò. Sau đó tác
giả tiếp tục giới thiệu những nét đặc sắc của ca Huế được thể hiện qua dàn nhạc cụ,
qua ngón đàn tuyệt kĩ của các ca công và giọng hát ngọt ngào của ca nhi. Tiếp đến,
tác giả còn lý giải cho người đọc hiểu được nguồn gốc của ca Huế: “Ca Huế là sự
giao hòa giữa dòng nhạc cung đình sang trọng, thanh nhã và dòng nhạc dân gian
hồn nhiên, duyên dáng. Sự giao hòa đó thể hiện ở nội dung và hình thức, trong
cách biểu diễn của ca nhi, nhạc công và trang phục…”. Cuối cùng, Hà Ánh Minh
đã cho người đọc được chứng kiến một đêm ca Huế trên sông Hương. Với phông
màn là thiên nhiên với bầu trời lồng lộng, với sông nước huyền ảo và thơ mộng.
Cảnh vật lung linh, hư ảo: “Đêm. Thành phố lên đèn như sao sa. Màn sương dày
dần lên, cảnh vật mờ đi trong một màu trắng đục”. Còn nhân vật chính trong bài thì:
“Tôi như một lữ khách thích giang hồ với hồn thơ lai láng, tình người nồng hậu
bước xuống một con thuyền rồng, có lẽ thuyền này xưa kia chỉ dành cho vua chúa.
Trước mũi thuyền là một không gian rộng thoáng để vua hóng mát ngắm trăng,
giữa là một sàn gỗ bào nhẵn có mui vòm được trang trí lộng lẫy, xung quanh
thuyền có hình rồng và trước mũi là một đầu rồng như muốn bay lên”. Khi đọc
những dòng này, chúng ta có cảm giác như đang được cùng tác giả lênh đênh trên
con thuyền lững lờ trôi giữa dòng Hương giang êm đềm, thả hồn theo những lời ca
mênh mang hòa trong tiếng đàn réo rắt, du dương và tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng. Ca
Huế trên sông Hương quả là một tác phẩm giá trị khi viết về ca Huế - một nét văn
hóa độc đáo của mảnh đất thơ mộng này. Mẫu 2
Kho tàng tục ngữ Việt Nam đã gửi gắm thật nhiều bài học giá trị, trong đó tôi thích
nhất là câu: “Thương người như thể thương thân”. Trước hết, “thương người” là
tình cảm yêu mến gắn liền với hành động quan tâm, giúp đỡ những người xung
quanh. Còn “thương thân” chính là trân trọng, yêu thương chính bản thân. Cách so
sánh “thương người như thể thương thân” nhằm nhắn nhủ mỗi con người hãy biết
yêu thương những người xung quanh giống như yêu chính bản thân. Mỗi người
sinh ra đều có quyền được mọi người xung quanh yêu thương, tôn trọng. Không
chỉ vậy, tình yêu thương giữa con người sẽ luôn đem đến những điều tốt đẹp xóa đi
mọi khoảng cách, giúp xã hội trở nên văn minh hơn. Bài học được gửi gắm qua câu
tục ngữ là mỗi người cần có tấm lòng yêu thương, biết chia sẻ và đồng cảm với
mọi người xung quanh. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, vẫn còn nhiều người
sống vô cảm, ích kỉ. Họ thờ ơ khi thấy người đang gặp khó khăn. Đó là những
hành động cần lên án, tránh xa. Tóm lại, câu tục ngữ “Thương người như thể
thương thân” tuy ngắn gọn nhưng lại giàu ý nghĩa. Mẫu 3
Treo biển là truyện cười giàu ý nghĩa, nhằm phê phán thói xấu trong xã hội - thiếu
chính kiến. Họ là những người không có suy nghĩ, quan điểm cá nhân và hành xử
theo kiểu “gió chiều nào, theo chiều ấy”. Cũng giống như nhà hàng trong truyện,
treo biển lên nhằm mục đích thông báo cho khách hàng biết thông tin. Khi có sự
góp ý của mọi người xung quanh, nhà hàng chưa kịp suy xét xem ý kiến có hợp lí,
đúng đắn không mà đã vội vàng nghe theo. Kết quả là, nhà hàng đã cất luôn chiếc
biển thông báo đi. Rõ ràng, nhà hàng đã không có chính kiến, dù việc treo biển là
không hề sai và thừa. Trong từng vấn đề, mỗi người đều có quan điểm khác nhau,
nếu chúng ta không biết suy xét thấu đáo, mà vội vàng nghe theo, sẽ dễ dàng gặp
phải sai lầm, bị lợi dụng. Người thiếu chính kiến cũng khó đạt được thành công, vì
họ không kiên định với mục tiêu của bản thân. Nhưng cũng cần phân biệt được
giữa sống có chính kiến riêng với sống “bảo thủ” - nghĩa là không chịu tiếp thu
những quan điểm đúng đắn, lúc nào cũng coi quan điểm của bản thân là đúng,
không sai. Tóm lại, chúng ta cần có cách sống sao cho đúng đắn, để hoàn thiện bản
thân ngày càng phát triển hơn. Mẫu 4
Đến bấy giờ, tôi vẫn còn nhớ về kỉ niệm của ngày đầu tiên đi học. Từ sáng sớm, tôi
đã thức dậy để vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng. Sau đó, tôi mặc quần áo gọn gàng và
chuẩn bị sách vở thật đầy đủ. Đúng bảy giờ, ông nội chở tôi đến trường trên chiếc
xe đạp vốn đã rất thân quen. Bầu trời hôm nay dường như cao và xanh hơn mọi
ngày. Tôi ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường mà lòng cảm thấy bồi hồi. Trên
đường, tôi nhìn thấy rất nhiều bạn học sinh trong bộ quần áo mới, ngồi phía sau bố,
mẹ. Khuôn mặt của các bạn vừa có chút lo âu, vừa có chút háo hức. Dù đã đến
trường nhận lớp và được làm quen với thầy cô, bạn bè trước đó. Nhưng tôi vẫn
cảm thấy háo hức lắm. Ông nội dắt tôi vào lớp học. Cô giáo đã đứng chờ ở cửa lớp.
Tôi chào tạm biệt ông mà lòng có chút lo lắng. Buổi học đầu tiên diễn ra rất vui vẻ.
Những bài học đánh vần, những con số và phép toán được học mà đến bây giờ tôi
vẫn còn nhớ. Nhưng có lẽ nhớ nhất đó là giọng nói nhẹ nhàng của cô giáo khi
giảng bài. Một ngày trôi qua thật nhanh, phải chia tay lớp học khiến tôi cảm thấy
khá tiếc nuối. Trên đường về nhà, tôi đã kể cho ông nội nghe về ngày hôm nay -
ngày đầu tiên đi học. Kỉ niệm về ngày đầu tiên đi học đã trở thành hành trang quý giá của tôi.