lam lũ với hàng nước đơn sơ, dẫu “chả kiếm được bao nhiêu” nhưng ngày nào
cũng chăm chỉ dọn hàng, gắng gượng bám víu lấy sự sống, bám víu cuộc đời.
Đồng trang lứa với An là mấy đứa trẻ em nhà nghèo, tí tuổi đầu đã vội vã lao vào
đời, với nỗi lo cơm áo. Trong buổi chiều chập choạng, Liên trông thấy đám trẻ “cúi
lom khom” “nhặt nhạnh” những thứ còn sót lại để kiếm sống. Dáng hình cong
cong như dấu hỏi của những đứa trẻ ấy đè nặng tâm trí người đọc, giống như Liên,
độc giả cũng “động lòng thương” cho thế hệ trẻ em nghèo trong câu chuyện rất
đời, rất thực. Trong khoảnh khắc đó, phố huyện đẹp nhưng buồn, cái buồn của buổi
chiều quê tự nhiên “thấm thía vào tâm hồn ngây thơ” của Liên, khiến Liên cũng
“buồn man mác”. Phải chăng Thạch Lam đã “bỏ buồn” vào trong câu chữ? Ngay
từ đầu tác phẩm, có thể khẳng định Thạch Lam là nhà văn của nỗi buồn, của những
u hoài xa xôi trong quá vãng…
Không dừng lại ở đó, Thạch Lam đã bóc trần hết mức sự khổ nghèo, tàn tạ của phố
huyện và con người. Theo chiều thời gian, “trời đã bắt đầu đêm”. Đêm mùa hạ
miền Bắc tuy êm ả như nhung và mát lành ngọn gió nhưng lại tối tăm đến ngợp
thở. Bóng tối tưởng chừng như nuốt chửng ánh sáng, nuốt chửng con người. Đây
không phải là một bức tranh với mảng màu sáng tối mà là một tác phẩm nghệ thuật
ngôn từ. Cái hay của Thạch Lam là đã tạo được sự đối lập giữa bóng tối và ánh
sáng, bóng tối chiếm ưu thế, còn ánh sáng đơn độc, nhỏ nhoi. Con đường “tối hết”,
ngõ quê “chứa đầy bóng tối”, ánh sáng leo lét với những “khe”, “hột”, “chấm”,
“quầng”… không biết lúc nào sẽ vụt tắt hẳn đi. Có một thời đất nước mình “tối
tăm” đến vậy! Đó là bóng tối của xã hội thực dân phong kiến đày đọa, đè nén bao
thế hệ con người. Nhân dân chìm đắm trong bóng tối như ánh sáng ngụp lặn giữa
màn đêm, không tìm thấy hướng đi cho cuộc đời. Trong đêm phố huyện xuất hiện
hình ảnh bác phở Siêu với gánh phở ngon – thức quà hạng sang, nỗi khát thèm của
trẻ con phố huyện. Chị Tí ngồi ngóng cổ đợi khách, ý thức về thời gian đã mất đi
tự lúc nào trong chị qua lời đáp “sớm với muộn mà có ăn thua gì”. Vợ chồng bác
Xẩm hát chẳng ai nghe, “tiếng đàn bầu bật lên” như tiếng buồn của cuộc đời, cuối
cùng cũng ngủ gật trên manh chiếu. Như bao người khác sống bằng nghề mua
gánh bán bưng nơi phố huyện nghèo, chị em Liên cũng ế hàng, ngồi nhìn ra phố,
mở rộng lòng mình cảm nhận cuộc sống buồn bã, luẩn quẩn và tù đọng chốn này,
nghĩ về tuổi thơ với bao hồi ức đến nay vẫn còn tươi rói. Nhà văn đã hạ bút viết
một câu nghe thật xót xa: “Chừng ấy người trong bóng tối đang mong đợi một cái
gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”. Ngay cả Thạch Lam, người
sinh ra “chừng ấy người” cũng chẳng biết cái “tươi sáng” ấy là gì thì huống chi là
Liên, An, bác phở Siêu, chị Tí…?