thì nhiều. Chỉ sau một năm chiến đấu, binh đoàn Tây Tiến đã hi sinh gần hết,
đơn vị tan rã, đại đội trưởng Quang Dũng được chuyển sang một đơn vị khác
và Tây Tiến sát nhập vào Trung đoàn 52. Một lần, ngồi bên dòng sông Đáy
hiền hòa thuộc tỉnh Hà Đông cũ, kỉ niệm, kí ức về những tháng năm gắn bó
cùng đồng đội thân yêu, vào sinh ra tử lại ùa về. Tây Tiến được viết lên trong
nỗi nhớ trào dâng, da diết Quang Dũng gửi đến cho đất và người trọn vẹn
một tình yêu.
Tác phẩm văn học có thể coi như đứa con tinh thần của nhà văn, nhà thơ.
Chính vì thế đặt tên cho tác phẩm cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở của mỗi
tác giả. Có những tác phẩm tên được đặt đi, đặt lại. “Tây Tiến” của Quang
Dũng mới ra đời nó có tên là “Nhớ Tây Tiến”. Nhưng có lẽ sau này Quang
Dũng hiểu rằng, thơ là “ý tại ngôn ngoại”, không nói nhớ mà nỗi nhớ cứ như
sóng trào dâng qua từng lời, từng câu, từng chữ, từng nhịp thơ. Đấy mới là
cái tài hoa của người nghệ sĩ. Nhan đề đã được tinh giản chỉ còn “Tây Tiến”
mà nỗi nhớ vẫn chơi vơi, như mạch ngầm và là nguồn cảm hứng của cả bài.
Bài thơ được in trong tập “Mây đầu ô” xuất bản năm 1948.
Cảm xúc chủ đạo của đoạn thơ đầu tiên chính là nỗi nhớ về thiên nhiên miền
Tây Tổ quốc hùng vĩ, dữ dội, bí hiểm mà thơ mộng, trữ tình. Qua đó làm hiện
lên hình ảnh người lính trên chặng đường hành quân đầy gian nan, nguy
hiểm; tuy vất vả, hi sinh nhưng vẫn ngang tàng, trẻ trung, lãng mạn.
Hai câu thơ mở đầu gợi nhớ, gợi thương, nhớ miền Tây, nhớ núi rừng, nhớ
dòng sông Mã thương yêu:
Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Hành hương về quá khứ, Quang Dũng đã nhắc tới sông Mã như một biểu
tượng đầu tiên của nỗi nhớ. Đây là dòng sông chạy dọc theo địa bàn biên giới
Việt Nam với nhiều ghềnh thác dữ dội, một mình băng băng giữa núi rừng
hùng vĩ. Sông Mã còn là dòng sông gắn liền với chặng đường hành quân vất
vả của trung đoàn , từng chứng kiến và sẻ chia những buồn vui, những mất
mát, hi sinh của người lính. Sông Mã không còn là dòng sông vô tri trên bản
đồ địa lí, nó đã trở thành người bạn, người thân, là nhân chứng lịch sử đi theo
bước quân hành của người lính Tây Tiến, ghi dấu bao nhiêu kỉ niệm. Hai tiếng
“xa rồi” gợi nhắc về thời gian, tất cả những kỉ niệm với đoàn quân Tây Tiến
nay đã lùi xa vào dĩ vãng. Nhịp thơ 4/3 với dấu ngắt ở giữa dòng như một
phút ngừng lặng để nhận ra sự trống trải, mênh mông trong thực tại , để sau
đó, hiện tại mờ đi, nỗi nhớ ùa vào trong tiếng gọi tha thiết hướng về quá khứ.
Tây Tiến ơi! Tiếng gọi tha thiết, khắc khoải. Dường như Tây Tiến không còn là