






Preview text:
So sánh hình ảnh đoàn quân trong Tây Tiến và Việt Bắc chọn lọc hay nhất
1. Dàn ý chi tiết So sánh hình ảnh đoàn quân trong Tây Tiến Và Việt
Bắc chọn lọc hay nhất 1.1. Mở bài
Giới thiệu, dẫn dắt vào vấn đề và trích đoạn thơ xuất hiện đoàn quân trong 2 tác phẩm:
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm". ("Tây Tiến"- Quang Dũng)
"Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan". ("Việt Bắc"- Tố Hữu) 1.2. Thân bài
1. Khái quát chung: Giới thiệu 2 tác giả và 2 tác phẩm
Quang Dũng là gương mặt tiêu biểu của nền thơ ca trong thời kỳ kháng chiến chống pháp. Với một
hồn thơ hào hoa, lãng mạn thấm đượm tình quân dân. Bài thơ "Tây Tiến" được tác giả viết vào 1948
ở Phù Lưu Chanh, ban đầu có tên là "Nhớ Tây Tiến" sau đó năm 1957 khi in lại trong tập "Mây đầu ô"
tác giả đã đổi nhan đề thành "Tây Tiến".
Tố Hữu là cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ ông là sự kết tinh hài hòa
giữa chất chính trị và chất trữ tình, lãng mạn. Bài thơ "Việt Bắc" vừa là bản tình ca về tình cảm quân
dân trong kháng chiến, vừa là bản hùng ca về cuộc kháng chiến chống Pháp
2. Nêu cảm nhận về 2 đoạn thơ
2.1. Đoạn thơ trong bài "Tây Tiến"
a. Vẻ đẹp bi thương hào hùng của đoàn quân Tây Tiến trên đường hành quân "Tây tiến đoàn binh không
mọc tóc. Quân xanh màu lá dữ oai hùm":
- Phân tích các hình ảnh:
Hình ảnh "không mọc tóc" "xanh màu lá" là hậu quả của những ngày tháng hành quân và những cơn
sốt rét rừng làm con người ta tiều tụy.
"đoàn binh" gợi ra một đội ngũ đông đảo, hừng hực khí thế chiến đấu.
"quân xanh màu lá" có thể hiểu là màu lá ngụy trang, hay là màu da xanh, gầy yếu của những chiến sĩ
vì sốt rét, vì cuộc sống kham khổ nơi rừng thiêng nước độc
"dữ oai hùm" sự đối lập giữa ngoại hình và tính cách, phong độ, tinh thần sức mạnh chiến đấu của những người lính.
- Liên hệ: hình ảnh sốt rét xuất hiện nhiều lần trong thơ ca kháng chiến "Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh.
Sốt run người vầng trán đẫm mồ hôi" ("Đồng chí"- Chính Hữu)
- Nghệ thuật sử dụng từ ngữ tài tình của nhà thơ:
Cách nói "không mọc tóc" chứ không phải là "tóc không mọc" cách nói hóm hỉnh, lạc quan, vui tươi không ngại khó khăn.
"đoàn binh" chứ không phải "đoàn quân" gợi lên sự mạnh mẽ lạ thường. "dữ oai hùm" là một dáng vẻ
oai phong lẫm liệt. Do đó, chất thơ có hiện thực mà vẫn lãng mạn, bi mà vẫn tráng.
b. Những người lính mang vẻ đẹp hòa hoa, lãng mạn của những chàng trai Hà thành: "Mắt trừng gửi mộng
qua biên giới. Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"
- Người chiến sĩ gửi "mộng" từ nơi biên cương tổ quốc đầy bóng giặc về Tổ quốc, đôi "mắt trừng" ấy như
cháy lên ngọn lửa tình yêu Tổ quốc, lòng căm thù với tội ác của giặc, mang theo khát vọng và ý chí quyết chiến, quyết thắng.
- Họ không chỉ là những con người biết cầm súng, cầm gương theo tiếng gọi của non sông mà họ cũng có
một trái tim dạt dào tình cảm, dành một góc về "Hà Nội dáng kiều thơm".
- Hai câu thơ tưởng chừng đối nghịch những lại thống nhất nhưng lại làm nên vẻ hào hùng, hào hoa của
người lính Tây Tiến. Liên hệ câu thơ "Những đêm dài hành quân nung nấu, bỗng bồn chồn nhớ mắt người
yêu" ("Đất nước"- Nguyễn Đình Thi)
2.2. Đoạn thơ bài "Việt Bắc"
a. Vẻ đẹp hào hùng của đoàn quân: "Những đường Việt Bắc của ta. Đêm đêm rầm rập như là đất rung.
Quân đi điệp điệp trùng trùng":
- Đại từ sở hữu "của ta" vang lên dõng dạc thể hiện niềm tự hào của những người con được làm chủ đất nước.
- Những từ láy và động từ mạnh được sử dụng liên tiếp: "rầm rập", "điệp điệp", "trùng trùng", "rung" kết hợp
với biện pháp so sánh, tác giả đã giúp ta tái hiện ra cảnh đoàn quân của dân và quân ta ngày đêm tiến về
mặt trận, mỗi bước đi mang cả sức mạnh của dân tộc, của tinh thần yêu nước và lý tưởng cách mạng.
b. Vẻ đẹp lãng mạn của hình ảnh "Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan":
- Có nhiều cách hiểu về hình ảnh "ánh sao": đó là ánh sao sáng trên trời hay cũng có thể là ánh sáng của
ngôi sao trên chiếc mũ cối, biểu tượng cho lý tưởng của cách mạng soi đường cho người lính bước đi.
- Liên hệ với hình ảnh "Đầu súng trăng treo" trong thơ Chính Hữu
2.3. So sánh hình ảnh đoàn quân trong 2 đoạn thơ
- Giống nhau: đều khắc họa hình ảnh người lính vừa hào hùng, lãng mạn, bay bổng, toát lên vẻ đẹp người
lính và tinh thần yêu nước nồng nàn. - Khác nhau:
Đoạn thơ trong "Tây Tiến" khắc họa đoàn quân mang vẻ đẹp bi tráng nhưng cũng hào hoa lãng mạn,
cùng sự ước mơ về một cuộc sống hòa bình.
Đoạn thơ trong "Việt Bắc" khắc họa vẻ đẹp đoàn quân trong kháng chiến lãng mạn gắn liền với hiện thực.
Nhận xét về phong cách thơ của hai tác giả: Quang Dũng là một chàng trai rất hào hoa, nên thơ ông
có cái lãng mạn rất riêng. Còn Tố Hữu, thơ ông là thơ trữ tình cách mạng mang vẻ đẹp của thể thơ 6-
8 và luôn có cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào cách mạng. 1.3. Kết bài
Khẳng định lại vấn đề và giá trị của tác phẩm cũng như vị trí của 2 tác giả trong nền văn học Việt Nam và trong lòng độc giả.
2. Bài văn mẫu tham khảo 2.1. Mở bài
Đất nước ta trải qua hơn 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đã biết bao nhiêu người con ưu tú đã
hòa mình vào đất mẹ, hy sinh tuổi thanh xuân, tính mạng của mình cho Tổ quốc yêu dấu. Đó cũng chính là
những cảm hứng để bao thế hệ nhà văn, nhà thơ chắp bút nên những câu chuyện, những vần thơ khắc họa
về hình ảnh người lính trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giữ vững nền độc lập của nước nhà. Trong
nền cảm hứng bất tận ấy, mỗi hình ảnh người lính hiện lên được khai thác, khắc họa dưới một góc nhìn
mới, cái nhìn mới của tác giả, giúp cho chúng ta thấy được những vẻ đẹp khác nhau của người lính, của
đoàn quân anh dũng. Minh chứng cho điều ấy là 2 đoạn thơ của 2 tác giả Quang Dũng và Tố Hữu:
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm." ("Tây Tiến"- Quang Dũng)
"Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ ban." ("Việt Bắc"- Tố Hữu) 2.2. Thân bài
Tác phẩm "Tây Tiến" được nhà thơ Quang Dũng sáng tác vào năm 1948, với nỗi nhớ đồng đội, nhớ đơn vị
xưa mà ông đã viết bài thơ khi đang công tác tại Phù Lưu Chanh. Hồn thơ của Quang Dũng là một hồn thơ
hào hoa, lãng mạn, thấm đượm tình đồng bào và đồng chí. Tác phẩm có tên cũ là "Nhớ Tây Tiến" và đến
năm 1957 khi in lại trong tập thơ "Mây đầu ô" tác giả đã quyết định đổi tên thành "Tây Tiến". Tác phẩm "Việt
Bắc" được Tố Hữu sáng tác vào thời điểm sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ thắng lợi, Trung
ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô, tác phẩm vừa là bản tình ca về tình cảm cách
mạng, vừa là bản hùng ca về cuộc kháng chiến chống Pháp. Và tác phẩm thấm đượm hồn thơ trữ tình cách
mạng của Tố Hữu. Tuy sáng tác vào thời điểm khác nhau, cảm hứng sáng tác cũng như hồn thơ của mỗi
tác giả đều mang nét riêng, nhưng 2 ông đều đã thành công trong việc khắc họa hình ảnh đoàn quân và
người lính trong để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc.
Tây Tiến là một phân hiệu bộ đội được thành lập vào năm 1947, thành phần chủ yếu là thanh niên trí thức
Hà Nội trong đó có Quang Dũng. Vì thế, hơn ai hết Quang Dũng càng hiểu hơn những khó khăn, thiếu thốn,
gian khổ trong thời gian kháng chiến:
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân Xanh màu lá dữ oai hùm"
Hai câu thơ mở đầu gợi lên vẻ đẹp bi tráng. Đó là cái bi thương gợi lên từ ngoại hình của người lính "không
mọc tóc" và "xanh màu lá", cách miêu tả thật là chân thực từ nhà thơ. Câu thơ đã cho chúng ta hai cách
hiểu, người lính Tây Tiến đầu trọc da xanh là do hậu quả của những ngày hành quân vất vả, hậu quả của
những trận sốt rét rừng ác tính khiến tóc không mọc lại được, da dẻ thì héo úa như tàu lá. Nhưng không vì
thế mà câu thơ bao trùm sự yếu đuối, nhọc nhằn khi tác giả sử dụng từ "đoàn binh"- gợi ra một đội ngũ
đông đảo những người lính hừng hực khí thế chiến đấu, xông pha trên mọi mặt trận, đương đầu với kẻ thù.
Hình ảnh "quân xanh màu lá" có thể hiểu đó là màu xanh của lá rừng ngụy trang, hay đó cũng là hình ảnh
màu da xanh của những chiến sĩ vì bị sốt rét nơi rừng thiêng nước độc. Mặc dù hiện thực khắc nghiệt là vậy
nhưng những người lính Hà thành vẫn giữ được vẻ ngoài phong độ, sức mạnh tinh thần khỏe khoắn qua
cụm từ "dữ oai hùm" đó như là một sức mạnh của chúa tể rừng xanh, khiến kẻ thù phải kinh hồn bạt vía.
Nhà thơ Quang Dũng đã không né tránh những hiện thực khắc nghiệt ấy, cũng giống như nhà thơ Chính
Hữu cũng đã khắc họa hình ảnh người lính thiếu thốn, gian khổ trong những ngày chiến tranh đau thương chống Pháp:
"Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán đẫm mồ hôi" ("Đồng chí"- Chính Hữu)
Có thể thấy, hai câu thơ trên Quang Dũng đã thể hiện rất tài tình nghệ thuật sử dụng từ ngữ: cách nói
"không mọc tóc" chứ không phải là "tóc không mọc" đã chuyển tình thế bị động sang chủ động, sự chủ động
không thèm mọc tóc ấy đã giúp người lính Tây Tiến hiện lên không hề tiều tụy và kiêu bạc, ngang tàng, đó
cũng chính là cách nói hóm hỉnh, lạc quan của tác giả. Cách nói "đoàn binh" chứ không phải "đoàn quân"
như cách nói thông thường, đã gợi lên sự mạnh mẽ lạ thường, sự hùng dũng oai phong lẫm liệt. Do đó ta
có thể thấy trong chất thơ có hiện thực mà vẫn lãng mạn, bi mà vẫn tráng.
Bên cạnh chất bi hùng, đoạn thơ còn để lại dấu ấn lãng mạn của những chàng trai Hà Nội mang tâm hồn hào hoa:
"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm".
Người chiến sĩ ấy đã gửi "mộng" từ phía xa nơi biên cương Tổ quốc, có lẽ đó là một khát vọng về hòa bình,
về một ngày đất nước không còn bóng dáng quân thù. Cùng với đó là đôi "mắt trừng" ấy như cháy lên ngọn
lửa của tình yêu Tổ quốc, lòng căm thù đối với tội ác của giặc, qua đây ta có thể thấy được trong người lính
ấy luôn toát lên khát vọng, ý chí quyết chiến quyết thắng, khát vọng lập chiến công- những giấc mộng đẹp
của biết bao người thanh niên thời ấy. Những "đêm mơ" ấy, tâm hồn họ trở lại về với quê hương- nơi có
bóng dáng của những người yêu dấu, "dáng kiều thơm" đó đã trở thành một vầng sáng lung linh trong ký ức
của những chàng lính Tây Tiến. Hình ảnh này gợi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Đình Thi trong bài "Đất
nước": "Những đêm dài hành quân nung nấu. Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu".
Những người lính ấy họ không chỉ là những con người biết cầm súng, cầm gương theo tiếng gọi của Tổ
quốc mà họ còn là những con người có trái tim dạt dào yêu thương, tình cảm. Điều đó cho thấy, khi chiến
đấu họ vô cùng anh dũng, nhưng khi trở về với những phút lặng của tâm hồn, họ lại là những con người
tình cảm. Hai phương diện tưởng chừng đối lập nhưng lại thống nhất tạo nên vẻ đẹp hào hùng, hào hoa
của người lính Tây Tiến.
Nhà thơ trữ tình chính trị Tố Hữu, đã lấy cảm hứng cho những vần thơ của mình từ cuộc chia tay bịn rịn,
đầy ân tình giữa cán bộ, chiến sĩ với nhân dân Việt Bắc. Những kỷ niệm ấy lần lượt ùa về, hiện ra như vẫn
còn đang hiện hữu trong hiện tại, và những kỉ niệm ấy được nhà thơ diễn tả bằng những câu thơ mang đậm
dấu ấn ca dao đậm đà tình nghĩa, đó là bức tranh ra trận đầy khí thế của quân dân ta:
"Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung"
Đại từ sở hữu "của ta" vang lên dõng dạc như một sự khẳng định chủ quyền dân tộc, và thể hiện niềm tự
hào của những người con được làm chủ đất nước. Tố Hữu đã sử dụng một loạt các động từ mạnh, từ láy
liên tiếp để khắc họa hình ảnh đoàn quân ra trận điệp điệp, trùng trùng vô cùng hùng vĩ trong cuộc kháng
chiến chống Pháp: "rầm rập", "điệp điệp", "trùng trùng", "rung" kết hợp với biện pháp so sánh đã vẽ ra trước
mắt chúng ta sức mạnh, ý chí đoàn kết của cả dân tộc Việt Nam. Đó chính là sức mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam:
"Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan"
Tố Hữu đã rất tài tình trong việc thể hiện ý thơ khắc họa hiện thực, từ một đội Việt Nam tuyên truyền giải
phóng quân chỉ với 34 đội viên, xuất quân vào ngày 22/12/1944 tại Tân Trào, Tuyên Quang, mà đến thời
điểm chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra quân đội ta đã trưởng thành với đoàn "quân đi điệp điệp trùng trùng".
Đó không chỉ là sự lớn mạnh về đội ngũ lực lượng quân đội kháng chiến, đó cũng có thể là hình ảnh của
những đoàn dân công đang góp sức, góp của vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Những đoàn quân ấy đã nối
dài trên những con đường Việt Bắc, đó là một hình ảnh thật hùng vĩ trên mặt trận kháng chiến, và thể hiện
sức mạnh của cả dân tộc, tinh thần yêu nước và niềm tin yêu vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và lý tưởng cách mạng.
Hình ảnh đoàn quân ra trận đã được cảm hứng lãng mạn tạo nên tầm vóc vũ trụ bởi hình ảnh "ánh sao đầu
súng", một hình ảnh rất thực nhưng cũng rất lãng mạn. Đó có thể là ánh sao trên trời hay cũng có thể là ánh
sao của ngôi sao trên chiếc mũ cối, đây là một biểu tượng đẹp cho lý tưởng của cách mạng luôn sáng soi,
dẫn lối cho người lính bước đi. Một hình ảnh rất thực nhưng cũng rất lãng mạn, hình ảnh người lính hành
quân trong đêm dưới trời sao, ánh sao trời soi vào đầu súng thép lên lấp lánh, đó cũng có thể là ánh sao tự hào trên chiếc mũ.
Từ hình ảnh này, nhà thơ đã dựng lên trước mắt người đọc vẻ đẹp của những đoàn binh ra trận mà như
một dải ngân hàng lấp lánh cuồn cuộn đổ về phía tiền phương. Hình ảnh đẹp đẽ ấy cho ta liên tưởng tới câu
thơ "Đầu súng trăng treo" trong thơ Chính Hữu, một hình ảnh đẹp phi thường giữa người lính và thiên
nhiên, giữa khát vọng hòa bình và hiện thực tàn khốc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.
Qua việc phân tích trên có thể thấy: hai bài thơ đều được lấy cảm hứng từ hình ảnh người lính trong kháng
chiến chống Pháp, đều sử dụng bút pháp sử thi, lãng mạn để miêu tả đoàn quân nhất là cảm hứng lãng
mạn được hai nhà thơ sử dụng một cách triệt để là tài tình. Sự kết hợp của những câu thơ lãng mạn, cách
sử dụng từ ngữ điêu luyện, đã xây dựng nên một tầm vóc của những người lính chống Pháp sánh với sao
trời, hình ảnh người lính hiện lên thật đẹp và hào hùng biết bao.
Tuy nhiên giữa hai nhà thơ đều có những nét riêng độc đáo, để lại dấu ấn trong lòng độc giả theo những
cách khác nhau. Người lính và đoàn quân Tây Tiến hiện lên với nhiều hình ảnh của hiện thực tàn khốc, khó
khăn, gian khổ, ốm đau của những ngày đầu kháng chiến, nhưng họ vẫn không mất đi chất thép, chất hào
hoa của những chàng trai Hà thành, mà họ hiện lên thật "dữ oai hùm". Qua đây có thể thấy hồn thơ Quang
Dũng thiên về miêu tả cái phi thường trong hoàn cảnh phi thường và toát lên phong cách thơ rất hào hoa,
lãng mạn bi tráng. Còn người lính, đoàn quân trong Việt Bắc, được Tố Hữu viết sau chiến thắng Điện Biên
Phủ cùng với hồn thơ trữ tình, chính trị nên thiên về ngợi ca, biểu dương nên hình ảnh thơ bay bổng, tự
hào. Từ đây, Tố Hữu cũng đã khẳng định được một phong cách thơ rất riêng biệt: trữ tình cách mạng và
mang vẻ đẹp của thể thơ 6-8 truyền thống, bao trùm lên đó là cái nhìn lạc quan, luôn tin tưởng vào cách
mạng, vào niềm tin tất thắng của dân tộc ta. 2.3. Kết bài
Cùng lấy cảm hứng từ những người lính trong kháng chiến chống Pháp, cùng miêu tả hình ảnh đoàn quân
ra trận nhưng với phong cách thơ khác nhau, sự thể hiện tài tình câu chữ riêng biệt, cách khắc họa hình
tượng khác nhau Quang Dũng và Tố Hữu đã thực sự để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc, để lại
những rung động, ấn tượng mạnh mẽ về hình ảnh người lính thật đẹp và vĩ đại.