-
Thông tin
-
Hỏi đáp
Ẩn dụ là gì? Cho ví dụ về ẩn dụ? Chức năng của ẩn dụ là gì? - Ngữ Văn 6
Phạm trù ẩn dụ đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu trong một truyền thống từ lâu đời. Đã có rất nhiều định nghĩa về nó. Mỗi định nghĩa là biểu hiện một cách nhìn - một góc độ nghiên cứu đối với ẩn dụ. Tài liệu giúp bạn tham khảo ôn tập và đạt kết quả cao. Mời bạn đọc đón xem!
Preview text:
Ẩn dụ là gì? Cho ví dụ về ẩn dụ? Chức năng của ẩn dụ là gì?
Ẩn dụ là một trong những biện pháp tu từ phổ biến trong văn học nói chung. Vậy ẩn dụ là gì
và những ví dụ về ẩn dụ, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.
Mục lục bài viết
1. Ẩn dụ là gì?
2. Các hình thức ẩn dụ
3. Ví dụ về ẩn dụ
3.1. Ẩn dụ hình thức
3.2. Ẩn dụ cách thức
3.3. Ẩn dụ phẩm chất
3.4. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác
4. Chức năng của ẩn dụ
4.1. Chức năng biểu cảm
4.2. Chức năng tạo dựng hình ảnh
4.3. Chức năng thẩm mĩ
4.4. Chức năng nhận thức 1. Ẩn dụ là gì?
Phạm trù ẩn dụ đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu trong một truyền thống từ lâu đời. Đã có
rất nhiều định nghĩa về nó. Mỗi định nghĩa là biểu hiện một cách nhìn - một góc độ nghiên cứu
đối với ẩn dụ. Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, ẩn dụ là biện pháp tu từ dùng tên gọi của sự vật,
hiện tượng này bằng tên của sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng giữa hai đối tượng về mặt
nào đó (như tính chất, trạng thái, màu sắc, ...) nhằm tăng sức gợi hình và gợi cảm cho diễn đạt.
Theo tác giả Đinh Trọng Lạc (tác giả cuốn sách 99 Phương tiện và Biện pháp tu từ tiếng Việt, xuất
bản năm 1994) thì "ẩn dụ là sự định danh thứ hai mang ý nghĩa hình tượng, dựa trên sự tương
đồng hay giống nhau (có tính chất hiện thực hoặc tưởng tượng ra) giữa khách thể (hoặc hiện
tượng, hoạt động, tính chất) A được định danh với khách thể (hoặc hiện tượng, hoạt động, tính
chất) B có tên gọi được chuyển sang dùng cho A". Như vậy, về bản chất, ẩn dụ chính là một sự so
sánh ngầm, là sự gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng có nét tương đồng với
nó. Trong đó, phương diện so sánh, từ so sánh và vế A (sự vật, sự việc được so sánh) ẩn đi, chỉ
còn vế B (sự vật, sự việc được so sánh) bộc lộ ra, là đối tượng được dùng để biểu thị.
Tóm lại, ẩn dụ là một hiện tượng đã được nghiên cứu từ rất sớm, là biện pháp (hay phương thức)
tu từ đã và đang được sử dụng rất phổ biến trong ngôn ngữ nói chung và văn học nói riêng đến
thời điểm hiện tại. Với bản chất giàu tính hình tượng và hàm súc, ẩn dụ làm cho ngôn từ, lối diễn
đạt trở nên bóng bảy, trau chuốt, chứa đựng nhiều tầng nghĩa tinh tế, đẹp và gợi cảm hơn.
2. Các hình thức ẩn dụ
Có 04 hình thức ẩn dụ thường gặp, đó là:
Ẩn dụ hình thức (tức là tương đồng về hình thức);
Ẩn dụ cách thức (tức là tương đồng về cách thức);
Ẩn dụ phẩm chất (tức là tương đồng về phẩm chất);
Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (tức là chuyển từ cảm giác này sang cảm giác khác hoặc cảm nhận bằng giác quan khác).
Mỗi hình thức ẩn dụ sẽ mang lại một hàm ý, cách diễn đạt riêng. Ở phần tiếp theo đây, Luật Minh
Khuê sẽ làm rõ về các hình thức ẩn dụ thường gặp trên, đồng thời đưa ra các ví dụ cụ thể cho từng hình thức.
3. Ví dụ về ẩn dụ 3.1. Ẩn dụ hình thức
Ẩn dụ hình thức là kiểu ẩn dụ mà người nói hay người viết dựa trên điểm tương đồng của hai sự
vật, hiện tượng để tạo hình ảnh ẩn dụ, tuy nhiên trong câu văn, câu thơ lại bị ẩn đi một phần ý
nghĩa. Nói chung, có thể coi đây là hình thức chuyển đổi tên gọi dựa trên cơ sở hai sự vật, hiện
tượng có sự giống nhau về hình thức hoặc một đặc điểm hình thức.
Ví dụ về ẩn dụ hình thức: Trong tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du có hai câu thơ:
"Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông"
Ở đây, "lửa lựu" được tác giả sử dụng là hình ảnh ẩn dụ, dùng để diễn đạt cho ý nghĩa rằng "hoa
lựu đỏ như màu ngọn lửa". Hay trong hai câu thơ này:
"Về thăm quê Bác làng Sen
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng"
Ở đây, phép ẩn dụ được sử dụng là phép ẩn dụ hình thức, theo đó sự tương đồng là "màu hồng của
lửa" với "màu đỏ của hoa râm bụt". 3.2. Ẩn dụ cách thức
Ẩn dụ cách thức là hình thức ẩn dụ giúp người nói hay người viết đa dạng hóa cách diễn đạt và
diễn đạt một cách có hàm ý về một vấn đề nào đó. Có thể coi đây là phương thức chuyển nghĩa
dựa trên sự giống nhau về cách thức thực hiện giữa hai sự việc.
Ví dụ về ẩn dụ cách thức: Trong câu tục ngữ quen thuộc "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".
Ở đây, ẩn dụ được thể hiện trong sự tương đồng về cách thức là "ăn quả" tương đồng với "hưởng
thành quả lao động", còn "trồng cây" tương đồng với "công lao của người tạo ra thành quả". 3.3. Ẩn dụ phẩm chất
Ẩn dụ phẩm chất là ẩn dụ dựa trên nét tương đồng về phẩm chất, đặc điểm, đặc tính để thay thế sự
vật, hiện tượng này bằng sự vật, hiện tượng khác.
Ví dụ về ẩn dụ phẩm chất: Trong hai câu thơ của nhà thơ Minh Huệ dưới đây:
"Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm"
Ở đây, có thể thấy tác giả đã sử dụng thành công phép ẩn dụ đặc sắc. Sự tương đồng được thể hiện
rõ khi hình ảnh "người Cha" được dùng để chỉ Bác Hồ. Bởi vì giữa người cha và Bác Hồ có nét
tương đồng về phẩm chất, đó là tình yêu thương, sự chăm sóc chu đáo, ân cần của Bác đối với các
chiến sĩ. Điều này đã được thể hiện cụ thể qua hành động "đốt lửa". Bên cạnh đó, hình ảnh ẩn dụ
còn xóa nhòa khoảng cách giữa vị lãnh tụ vĩ đại với nhân dân, giúp chúng ta hiểu được tình cảm
nâng niu, trân trọng, ngưỡng mộ của tác giả dành cho Bác Hồ - Người cha già kính yêu của dân tộc.
3.4. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác
Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác là hình thức ẩn dụ miêu tả đặc tính của sự vật, hiện tượng được nhận
biết rằng giác quan này nhưng lại dùng từ ngữ cho giác quan khác để cảm nhận sự vật.
Ví dụ về ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Trong câu nói "Trời hôm nay nắng giòn tan". Có thể thấy,
đây là câu nói sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Theo đó, thay vì sử dụng giác quan
thị giác (mắt) để cảm nhận thì khi miêu tả trời nắng lại sử dụng từ "giòn tan", là từ phải sử dụng
vị giác. Mục đích của ẩn dụ ở đây là miêu tả cảm giác nắng rất lớn, có thể làm khô mọi vật.
4. Chức năng của ẩn dụ
4.1. Chức năng biểu cảm
Có thể nói rằng, ẩn dụ nổi bật ở tính biểu cảm. Qua biện pháp tu từ ẩn dụ, người nói hay người
viết bộc lộ tình cảm, cảm xúc, thái độ đối với đối tượng được thể hiện một cách kín đáo, tế nhị và
sâu sắc. Trong thực tế sử dụng ngôn từ, những ẩn dụ mang tính tích đẹp đẽ để thể hiện tình cảm
yêu mến, thái độ ca ngợi của người sử dụng. Hay ngược lại, để thể hiện sự căm ghét, phê phán,
người nói hay người viết sẽ sử dụng các ẩn dụ tu từ mang tính tiêu cực, xấu xa, thậm chí là thấp hèn.
4.2. Chức năng tạo dựng hình ảnh
Biện pháp ẩn dụ tu từ bên cạnh chức năng biểu đạt cảm xúc, còn có tác dụng tạo ra những hình
ảnh nghệ thuật, hoa mĩ. Qua đó gợi lên những cảm giác lạ lùng và thú vị. 4.3. Chức năng thẩm mĩ
Việc sử dụng biện pháp ẩn dụ trên thực tế có giá trị thẩm mĩ rất cao, tạo nên vẻ đẹp của ngôn từ,
nên qua đó cũng thể hiện tài năng của người sử dụng. Bởi lẽ, ẩn dụ tu từ đã sử dụng những hình
ảnh đẹp, bóng bảy, đầy sức hấp dẫn, lôi cuốn, ... Điều này đã đánh thức trong lòng, trong tâm
trí người nghe và người đọc những cảm quan nghệ thuật hằng ấp ủ bấy lâu.
4.4. Chức năng nhận thức
Có thể nói, biện pháp ẩn dụ đã thể hiện được nhạn thức rất phong phú, sâu rộng, chính xác của
người nói hay người viết về các sự vật, hiện tượng cũng như mối quan hệ giữa chúng. Đồng thời,
ẩn dụ còn làm phong phú thêm và góp phần phát triển tư duy, nhận thức cho chính người nghe,
người đọc. Ẩn dụ đã mở ra khả năng vô tận cho việc nhìn ra những nét tương đồng của các sự vật,
hiện tượng khác nhau trong thế giới này.