Bài nghị luận đánh giá tác phẩm truyện Hai đứa trẻ Ngữ văn 10 sách Kết Nối Tri Thức
Bài nghị luận đánh giá tác phẩm truyện Hai đứa trẻ được sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết.
Chủ đề: Tài liệu chung Ngữ Văn 10
Môn: Ngữ Văn 10
Sách: Kết nối tri thức
Thông tin:
Tác giả:
Preview text:
Bài nghị luận đánh giá tác phẩm truyện Hai đứa trẻ
Thạch Lam là một trong số những gương mặt tiêu biểu của nhóm Tự lực văn đoàn
và cũng là một trong những cây bút văn xuôi xuất sắc của văn học Việt Nam giai
đoạn 1930 – 1945. Ông được biết đến với tư cách là một nhà văn lãng mạn, nhưng
tác phẩm của ông lại giàu yếu tố hiện thực và thấm đượm tấm lòng nhân ái cùng
niềm xót thương cho những con người nhỏ bé bất hạnh. Mỗi truyện ngắn của ông
được ví như một bài thơ trữ tình đượm buồn và "Hai đứa trẻ" cũng không phải
trường hợp ngoại lệ. Tác phẩm thể hiện niềm xót thương chân thành và thấm thía
của nhà văn với những kiếp người cơ cực, quẩn quanh, mòn mỏi trong phố huyện
tăm tối, đồng thời thông qua nội dung tác phẩm, nhà văn cũng thể hiện sự trân trọng,
nâng niu với những mong ước khiêm nhường, nhỏ nhoi trong tâm hồn họ, đúng như
câu văn đã khái quát được cả chủ đề của truyện: "Chừng ấy người trong bóng tối
mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ."
Tác phẩm đã xây dựng bức tranh nơi làng quê chìm trong bóng tối. Ấn tượng đầu
tiên gợi lên trong tâm trí người đọc về bức tranh phố huyện lúc trời tối chính là hình
ảnh bóng đêm. Một bóng đêm khổng lồ rộng lớn trùm lên con người và cảnh vật:
"Đường phố và các ngõ con dần chứa đầy bóng tối", "Tối hết cả con đường thăm
thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn
nữa." Trong bóng tối bao trùm phố huyện vẫn thấp thoáng hiện ra ánh sáng, nhưng
cũng chỉ là thứ ánh sáng rất đỗi nhỏ bé yếu ớt: ở một vài cửa hàng, cửa chỉ hé ra
một vài "khe ánh sáng"; "quầng sáng thân mật" quanh ngọn đèn chị Tí; một "chấm"
lửa nhỏ từ gánh phở của bác Siêu và cả "hột" sáng thưa thớt trong ngọn đèn nhà
Liên lọt qua phên nứa. Có thể thấy ánh sáng vẫn còn rải rác trong không gian phố
huyện nhưng nó le lói như chính cuộc đời, số phận của những người dân phố huyện.
Trong tương quan giữa bóng tối và ánh sáng, ta thấy bóng tối bao trùm, ngự trì, dày
đặc, còn ánh sáng thì nhỏ nhoi, mong manh đến tội nghiệp. Phải chăng đây đều là
những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng? Bóng tối gợi người ta liên tưởng đến sự
nghèo đói, tù túng, bế tắc, còn ánh sáng chính là niềm tin, hy vọng, là ước mơ của con người.
"Bóng tối" trong tác phẩm còn là bóng tối của của cuộc đời biết bao con người nơi
phố huyện. Mẹ con chị Tí ban ngày mò cua bắt tép, tối về dọn hàng nước, như một
thói quen, khách hàng cũng quen thuộc, ngày qua ngày tẻ nhạt, nhàm chán, lặp lại
trong mỏi mòn và đơn điệu, trong cái chép miệng ngán ngẩm: Ối chao, sớm với
muộn mà có ăn thua gì. Bác Siêu cùng cái bóng “mênh mông ngả xuống…” gợi ra
cảm giác về kiếp người cô đơn, lủi thủi, tội nghiệp. Gánh phở chẳng ăn nhập với
phố huyện nghèo, nhưng bác cứ quẩn quanh và bế tắc trong mưu sinh như thế. Gia
đình bác xẩm với những đứa con nhặt rác và âm thanh của tiếng đàn bầu buồn bã.
Bà cụ Thi điên với tiếng cười khanh khách, với cử chỉ ngửa cổ ra đằng sau uống
một hơi cạn sạch cút rượu rồi từ từ đi lẫn vào bóng đêm… Cảnh hai chị em Liên
đứng sững nhìn theo cụ không chỉ thể hiện cảm giác sợ hãi mà còn bộc lộ nỗi xót
thương, ái ngại cho một kiếp người tàn lụi đang hiện lên trước mắt. Liệu rồi đây nếu
cứ mải quẩn quanh nơi phố huyện tù đọng nghèo khó này thì những người như chị
Tí, như Liên có trở nên giống như cụ Thi điên hay không? Cuộc đời họ có tươi sáng
hơn hay cũng chìm vào bóng tối như Thi điên tan biến vào bóng tối trước mặt Liên
và An? Bản thân hai chị em Liên cũng đang sống trong một kiếp đời tàn. Mặc dù
đang ở tuổi ăn tuổi lớn, cái tuổi hồn nhiên tươi vui nhưng cuộc sống của hai chị em
ngày này qua ngày khác chỉ bó hẹp trong không gian phố huyện và trói buộc với
một cửa hàng tạp hóa bé xíu để mưu sinh. Từ ngày bố bị mất việc, cả nhà phải
chuyển từ Hà Nội về quê, cuộc sống của hai chị em không còn bất cứ niềm vui, hi
vọng nào. Hình ảnh của cuộc sống tươi vui hạnh phúc nhiều màu sắc chỉ còn lại
trong kí ức xa xôi mơ hồ.
“Chừng ấy người” sống chìm khuất trong bóng tối của sự khổ nghèo, mỏn mỏi, đơn
điệu, tù túng. Nhưng họ vẫn “mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ
hàng ngày của họ”. Thông qua cảnh đợi tàu, Thạch Lam đã thắp sáng những ước
mơ trong họ về một sự thay đổi. Đêm nào Liên và An cũng cố thức để đợi đoàn tàu
từ Hà Nội đi qua phố huyện, không phải để bán hàng, mà để nhìn ngắm một hoạt
động rộn ràng cuối ngày, một thế giới khác đi ngang qua. Khi tàu chưa đến, họ
mong đợi, háo hức trông ngóng thấy chiếc đèn ghi, màu ngọn lửa xanh biếc và nghe
thấy tiếng còi vang lại… Khi tàu đến, họ choáng ngợp, ngây ngất trước âm thanh
rầm rộ của đoàn tàu, trước các toa đèn sáng trưng, những toa hạng sang lố nhố
những người, đồng và kền lấp lánh… Khi tàu đi xa, họ ngậm ngùi, nuối tiếc, nhìn
theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo ở toa sau cùng, xa mãi rồi khuất lấp sau
rặng tre.... Đoàn tàu ấy mang đến một thế giới khác: nếu phố huyện tàn tạ, tối tăm
thì đoàn tàu sáng trưng và rực rỡ, nếu phố huyện tù đọng, ngưng trệ thì đoàn tàu náo
nhiệt và sống động, nếu phố huyện xơ xác, nghèo khổ thì đoàn tàu sang trọng và
giàu có. Sự khác biệt sâu sắc giữa hai thế giới đó là nguyên nhân của niềm khao
khát đợi tàu của Liên và An. Cho dù đoàn tàu đến và đi rất nhanh, giống như một
viên đá ném xuống ao tù chỉ đủ gợi lên một gợn sóng rồi mọi thứ lại trở về như cũ,
đối với hai đứa trẻ, đó lại thực sự là những giây phút đáng sống nhất trong ngày. Nó
là biểu tượng cho một thế giới thật đáng sống, biểu tượng cho ngày xưa, cho hạnh phúc, cho sung túc…
Qua tác phẩm nói chung và và cảnh đợi tàu nói riêng, người đọc có thể cảm nhận
được tấm lòng của Thạch Lam đối với những kiếp người nhỏ bé, bất hạnh đang bị
lãng quên trong cuộc đời. Nhà văn đã trân trọng, nâng niu khát vọng vượt ra ánh
sáng, thoát khỏi cuộc sống tù túng, quẩn quanh, không cam chịu hiện thực tầm
thường, nhạt nhẽo đang vây quanh hai đứa trẻ. Phải yêu thương, thấu hiểu nhân vật
biết bao, nhà văn mới để cho nhân vật của mình được tiếp tục ước mơ và khát vọng
về một cái gì đó tươi sáng hơn, đẹp đẽ hơn trong cuộc sống nghèo khổ, trong cảnh
tù đày tăm tối nơi con phố huyện nhỏ nghèo nàn.