Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2021 - Đề 6 (có đáp án)
Đề thi thử THPT Quốc gia môn NGỮ VĂN năm 2021 - Đề số 6 có hướng dẫn chi tiết. Đề thi được biên soạn dưới dạng file PDF gồm 2 trang với 2 phần: Đọc hiểu và làm văn giúp bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Mời bạn đọc đón xem!
Preview text:
Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 6
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Đọc đoạn trích sau:
“Hầu hết những ngôi nhà có giá trị trên 250 ngàn đô la Mỹ đều có thư viện. Sự thật đó có khiến
bạn suy nghĩ điều gì không? Hãy bỏ bữa nếu cần thiết, nhưng đừng bỏ qua một cuốn sách. Một
số người tuyên bố rằng có thể đọc vài cuốn tiểu thuyết rẻ tiền bởi vì đôi khi bạn vẫn tìm thấy vài
điều ý nghĩa trong đó. Bạn cũng có thể tìm thấy mẩu bánh mì trong thùng rác, nếu bạn tìm kiếm
đủ lâu. Nhưng có cách khác tốt hơn mà.
Tất cả những gì bạn cần để tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn và thành công hơn đã được viết ra
hết rồi. Và hãy đoán xem: chúng luôn sẵn có cho bạn. Tất cả những gì bạn cần làm là đọc chúng.
Sách rất dễ tìm và dễ mua. Một cuốn sách thông thường hiện nay có giá khoảng 70-80 nghìn.
Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở giá của cuốn sách, vấn đề nằm ở cái giá bạn sẽ phải trả nếu không đọc nó”.
(Trích “Triết lý cuộc đời” – Jim Rohn, Thủy Hương dịch)
Thực hiện các yêu cầu:
1. Theo tác giả, đâu là điểm chung của những ngôi nhà có giá trị trên 250 ngàn đô la Mỹ?
2. Câu văn “Hãy bỏ bữa nếu cần thiết, nhưng đừng bỏ qua một cuốn sách” muốn nhắn nhủ tới chúng ta điều gì?
3. “Bạn cũng có thể tìm thấy mẩu bánh mì trong thùng rác, nếu bạn tìm kiếm đủ lâu. Nhưng có
cách khác tốt hơn mà”. Theo anh / chị, “cách khác” mà tác giả muốn nói đến ở đây nhằm ám chỉ điều gì?
4. Anh / chị có đồng tình với quan điểm: “vấn đề không nằm ở giá của cuốn sách, vấn đề nằm ở
cái giá bạn sẽ phải trả nếu không đọc nó” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm) Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh / chị về vấn đề: Thời đại ngày nay có cần phải đọc sách? Câu 2 (5,0 điểm)
Về việc “nhặt” được vợ của nhân vật Tràng (“Vợ nhặt” – Kim Lân), ta thấy có một số tình tiết đáng chú ý sau:
– Lần thứ nhất, khi gặp người vợ nhặt, Tràng “đang gò lưng kéo cái xe bò thóc lên dốc tỉnh, hắn
hò một câu CHƠI cho đỡ nhọc. Hắn hò rằng:
Muốn ăn cơm trắng mấy giò này
Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì.
– Lần thứ hai gặp gỡ, sau khi đã đãi người đàn bà ăn bốn bát bánh đúc, Tràng buông một câu
NÓI ĐÙA: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”.
– Khi đưa người vợ nhặt về nhà ra mắt bà cụ Tứ, Tràng giới thiệu: “Nhà tôi nó mới về làm bạn
với tôi đấy u ạ ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau… Chẳng qua nó cũng là cái số cả…”.
Phân tích nhân vật Tràng qua những tình tiết trên, từ đó làm rõ sự trưởng thành trong quá trình
nhận thức về hạnh phúc của nhân vật này. Hết
Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn Văn 2021 - đề số 6
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Theo tác giả, điểm chung của những ngôi nhà có giá trị trên 250 ngàn đô la Mỹ đều có thư viện.
2. Câu văn “Hãy bỏ bữa nếu cần thiết, nhưng đừng bỏ qua một cuốn sách” muốn nhắn nhủ chúng
ta hãy về tầm quan trọng của sách và việc đọc sách.
3. “Bạn cũng có thể tìm thấy mẩu bánh mì trong thùng rác, nếu bạn tìm kiếm đủ lâu. Nhưng có
cách khác tốt hơn mà”. “Cách khác” mà tác giả muốn nói rằng: thay vì đọc những loại tiểu
thuyết rẻ tiền để tìm kiếm một vài điều có ý nghĩa hiếm hoi trong đó, hãy đọc những loại sách thực sự có giá trị.
4. Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm. Tham khảo: Đồng tình:
Lí giải: số tiền mà bạn bỏ ra để mua một cuốn sách, nếu đem so với những giá trị mà quyển sách
đem lại cho bạn, thì quả thực là vô cùng rẻ. Cho nên nếu chúng ta vì tiếc tiền mà không mua
sách, không đọc sách, thì sau này, những hệ lụy của việc không đọc sách gây ra sẽ vô cùng nghiêm trọng.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm) Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh / chị về vấn đề: Thời đại ngày nay có cần phải đọc sách?
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách
nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:
- Thời đại ngày nay, con người ta bị cuốn theo những thiết bị công nghệ thông minh, sống nhiều
trong thế giới của mạng Internet nên thói quen đọc sách bị mai một nghiêm trọng.
- Dù Internet luôn hứa hẹn mang cả thế giới vào ngôi nhà của bạn, nhưng kể cả như vậy, thì
chúng ta vẫn không thể phủ nhận tầm quan trọng, những lợi ích của việc đọc sách, vì một số lý do sau:
+ Thời đại nào thì con người cũng cần phải nỗ lực hoàn thiện mình: nâng cao tri thức và bồi
dưỡng tâm hồn, và đọc sách giúp cho con người thực hiện điều đó.
+ Trong nhịp sống hối hả hôm nay, đọc sách giúp cho con người có những phút trầm tư mặc
tưởng, sống chậm lại, qua đó giúp cân bằng tâm trí.
+ Đọc sách trong thời đại công nghệ giúp con người có bản lĩnh văn hóa vững vàng, do đó có thể
tránh xa những thứ dễ dãi, phù phiếm, thậm chí là nguy hại.
+ Đọc sách giúp chúng ta tiếp xúc với những nguồn tri thức đáng tin cậy, đã được kiểm chứng qua thời gian. v.v… d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. Câu 2 (5,0 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
c. Triển khai vấn đề nghị luận:
1. Nêu những nét khái quát nhất về tác giả Kim Lân và tác phẩm “Vợ nhặt”, nêu vấn đề.
2. Phân tích nhân vật Tràng qua những chi tiết:
- Lần thứ nhất, câu hò của Tràng chỉ đơn thuần mang tính chất vui đùa để xua tan nỗi mệt nhọc,
chứ không có ý định chòng ghẹo cô nào. Đó chỉ là một hành động vu vơ, không có chủ đích,
không hề liên quan đến khát vọng hạnh phúc. - Lần thứ hai:
+ Nhìn bề ngoài, đó chỉ là một câu nói đùa.
+ Tuy nhiên, nếu xét kĩ, khác với lần 1 là một câu nói đùa vu vơ, thì lần này là một câu nói đùa
đầy ẩn ý và có chủ đích.
Thứ nhất: Tràng thông qua hình thức nói đùa để thông báo về tình trạng độc thân của mình.
Thứ hai, Tràng thông qua câu nói đùa để bộc lộ ý muốn của mình: ý muốn có vợ. Ý muốn táo
bạo này nếu nói thẳng sẽ rất khó khăn và thành trơ trẽn, nên Tràng đã dùng cách nói nửa đùa nửa thật.
- Lần thứ ba: đến thời điểm này, mọi bông đùa đã khép lại để nhường cho sự nghiêm túc. Câu
nói của Tràng với mẹ cho ta thấy:
+ Thứ nhất, Tràng đã thay đổi để trở thành một con người chín chắn.
+ Thứ hai, bây giờ, ý định lấy vợ đã trở thành một nguyện vọng nghiêm túc, và Tràng đang có cơ
hội vô cùng lớn để hiện thực quá điều đó (người con gái đã theo về, giờ chỉ chờ quyết định của
bà cụ Tứ). Cho nên, Tràng đã tìm mọi cách, viện đến duyên kiếp, số phận để thuyết phục mẹ mình.
=> Như vậy, qua ba lần gặp gỡ với người đàn bà, Tràng đã có những biến chuyển rõ rệt trong
quá trình nhận thức về hạnh phúc: Từ chỗ đùa vui một cách vu vơ đến chỗ thể hiện khát vọng
một cách nửa đùa nửa thật, và để rồi cuối cùng là một nguyện vọng nghiêm túc, thiết tha muốn
có được hạnh phúc gia đình. 3. Bàn luận:
- Thông qua việc miêu tả con đường đi đến hạnh phúc của nhân vật Tràng, Kim Lân đã cho thấy
rằng: dù ở bên bờ vực của cái chết, con người vẫn luôn khao khát tình thương, khao khát hạnh phúc lứa đôi.
- Điều đó làm nên giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm.
4. Đánh giá chung về vấn đề, về tác giả và tác phẩm d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. -/-
...................................