Những kiến thức cơ bản về nhà nước - Pháp luật đại cương | Đại học Tôn Đức Thắng
Từ thời xa xưa loài người đã đưa ra nhiều cách lý giải khác nhau về nguồn gốc nhà nước. Cho đến nay, vấn đề này vẫn là chủ đề nổi bật trong các cuộc đấu tranh tư tưởng trên thế giới. Tài liệu giúp bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao. Mời bạn đọc đón xem!
Môn: Pháp luật đại cương (PL101)
Trường: Đại học Tôn Đức Thắng
Thông tin:
Tác giả:
Preview text:
BÀI 1: NHỮNG KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC
I. NGUỒN GỐC CỦA NHÀ NƯỚC
1. Các quan niệm về nguồn gốc nhà nước
Từ thời xa xưa loài người đã đưa ra nhiều cách lý giải khác nhau về nguồn gốc nhà nước.
Cho đến nay, vấn đề này vẫn là chủ đề nổi bật trong các cuộc đấu tranh tư tưởng trên thế giới.
Theo thuyết thần học, thượng đế là lực lượng siêu nhiên sáng tạo ra xã hội loài người
trong đó có nhà nước. Quyền lực nhà nước là vĩnh cửu, bất biến, thượng đế trao quyền
lực này cho một số người thay mặt (thượng đế) để quản lý xã hội. Quan niệm này tồn tại
hầu hết trong các giáo lý của các tôn giáo.
Theo thuyết gia trưởng, nhà nước ra đời từ sự phát triển của hình thức gia đình, là hình
thức tổ chức tự nhiên, cơ bản của đời sống con người. Xã hội như một gia đình thu nhỏ,
quyền lực của nhà nước về bản chất cũng giống như quyền lực của người gia trưởng. Đại
diện cho học thuyết này là Aristote. ( – 384 ) 322 TCN
Theo thuyết “Khế ước xã hội”, sự hình thành nhà nước là kết quả của khế ước (hợp đồng)
được kí kết giữa những con người sống trong trạng thái tự nhiên không có nhà nước.
Thuyết khế ước xã hội bác bỏ quan điểm của thuyết thần học về sự ra đời của nhà nước,
coi quyền lực của nhà nước được tạo ra từ con người. Tuy nhiên, thuyết khế ước giải
thích nguồn gốc nhà nước trên cơ sở duy tâm, nhà nước ra đời theo ý chí chủ quan của
các bên “tham gia hợp đồng”. Quan điểm này mang tính siêu hình, không giải thích được
cội nguồn vật chất và bản chất giai cấp của nhà nước. Tiêu biểu cho thuyết khế ước xã
hội là các nhà tư tưởng tư sản như Thomas Hobben (1588-1679), John Locke (1632-
1704), Montesquieu (1689-1775).
Theo thuyết bạo lực, nhà nước xuất hiện trực tiếp từ việc sử dụng bạo lực của thị tộc này
với thị tộc khác. Nhà nước được hình thành nên từ kết quả của kẻ chiến thắng. Đại diện
cho thuyết này là Đuyring (1833 – 1921).
Do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, những học thuyết kể trên đều
mang tính siêu hình, chưa giải thích đúng nguồn gốc của nhà nước.
Quan điểm của chủ nghĩa Mác–Lênin về nguồn gốc nhà nước: nhà nước và pháp luật chỉ
xuất hiện khi xã hội loài người đã phát triển đến một giai đoạn nhất định. Nhà nước và
pháp luật luôn vận động theo sự biến đổi của hình thái kinh tế xã hội. “Nhà nước là sản
phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được.”.
2. Bản chất của nhà nước
Bản chất của nhà nước được thể hiện qua tính giai cấp của nhà nước và vai trò xã hội của nhà nước.
2.1. Tính giai cấp của nhà nước
Nhà nước chỉ sinh ra và tồn tại trong một xã hội có giai cấp. Bản thân nhà nước là một bộ
máy hoạt động nhằm duy trì sự thống trị của giai cấp cầm quyền. Sự thống trị này thể
hiện trên ba loại quyền lực mà giai cấp cầm quyền nắm giữ sau:
Quyền lực về kinh tế: Giai cấp thống trị nắm sở hữu về tư liệu sản xuất của xã hội. Của
cải của xã hội làm ra, họ có quyền phân phối, định đoạt, bắt các giai cấp khác lệ thuộc
giai cấp mình về kinh tế.
Quyền lực về chính trị: Quyền lực chính trị được tạo ra từ quyền lực kinh tế. Quyền lực
chính trị không tự nhiên mà có, không phải do ban phát mà do đấu tranh giai cấp. Ý chí
của giai cấp thống trị được hợp pháp hóa thành ý chí của nhà nước, buộc các giai cấp
khác phải tuân theo. Giai cấp thống trị sử dụng bộ máy nhà nước để trấn áp các giai cấp khác.
Quyền lực về tư tưởng: Tính tất yếu tạo ra từ hai yếu tố kể trên. Bất kì một nhà nước nào
cũng tạo cho mình một hệ thống tư tưởng phục vụ cho giai cấp cầm quyền.
Khi xem xét bản chất giai cấp của nhà nước, chúng ta cần xem xét quyền lực của nhà
nước đó thuộc về giai cấp nào, phục vụ cho lợi ích của giai cấp nào trong xã hội.
2.2. Vai trò xã hội của nhà nước
Bên cạnh bản chất giai cấp, nhà nước còn mang tính xã hội. Vai trò xã hội của nhà nước
được thể hiện qua tính phục vụ cộng đồng không mang tính vụ lợi của nhà nước. Tính
chất này, trên một số phương tiện thông tin hiện nay còn gọi là Dịch vụ công.
Vai trò dịch vụ công của nhà nước đảm nhận các công việc khi tư nhân không thể làm
được hoặc mặc dầu tư nhân cũng có thể làm được, tuy nhiên họ không muốn làm vì lợi
nhuận không cao, không lợi nhuận hoặc có thể bị thua lỗ.
Một nhà nước của dân, do dân và vì dân khi vai trò xã hội của nhà nước được nâng cao,
bản chất nhà nước không còn đúng nghĩa thống trị, cưỡng chế mà chỉ còn vai trò chủ yếu
là phục vụ. Bản chất của nhà nước chỉ còn “nửa nhà nước”, nhà nước không nguyên nghĩa.
3. Đặc trưng cơ bản của nhà nước
Nhà nước là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, giữ vai trò trung tâm, chi phối
đến sự phát triển của xã hội. Nhà nước có những thuộc tính riêng, không có tổ chức nào có được.
Thứ nhất: Nhà nước thiết lập quyền lực công cộng: Để giữ vai trò quyền lực thống trị,
nhà nước có một bộ máy đặc biệt được thiết lập nhằm xây dựng những thiết chế phục vụ
cho giai cấp thống trị. Quyền lực này bảo đảm cho ý chí của giai cấp thống trị trở
thành chí của toàn xã hội (ý chí của nhà nước).
Thứ hai: Nhà nước phân chia dân cư theo các đơn vị hành chính lãnh thổ. Mọi nhà nước
đều có lãnh thổ riêng để cai trị và quản lý. Đơn vị hành chính, lãnh thổ được phân chia
không phụ thuộc vào huyết thống, dân tộc… Quan hệ giữa người dân với nhà nước thông
qua mối quan hệ quốc tịch - chế định quy định sự lệ thuộc của một công dân vào một nhà nước.
Thứ ba: Nhà nước có chủ quyền quốc gia: Chủ quyền quốc gia thể hiện quyền tự quyết
của nhà nước về mọi chính sách đối nội, đối ngoại không phụ thuộc vào bất kì một quốc
gia nào khác. Chủ quyền quốc gia thể hiện sự bình đẳng của các quốc gia với nhau trên
các phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa…
Thứ tư: Nhà nước ban hành các luật thuế và tiến hành thu các loại thuế: Thuế là nguồn
sống của bộ máy nhà nước, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ máy nhà nước,
đảm bảo cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội … ở mỗi quốc gia.
Thứ năm: Nhà nước ban hành pháp luật và bảo đảm thực hiện pháp luật. Pháp luật là
công cụ chủ yếu để điều chỉnh các chức năng của nhà nước. Pháp luật có tính bắt buộc
chung buộc mọi người phải tuân theo.
II. CHỨC NĂNG CỦA NHÀ NƯỚC 1. Định nghĩa
Chức năng của nhà nước được xét là các phương diện hoạt động cơ bản của nhà nước
nhằm thực hiện những nhiệm vụ đặt ra cho nhà nước. Chức năng nhà nước thể hiện bản
chất và vai trò của nhà nước.
Chức năng của nhà nước được quy định bởi cơ sở kinh tế, cơ cấu giai cấp và bản chất của
nhà nước đó. Tùy thuộc vào bản chất của nhà nước mà mỗi nhà nước có những chức năng khác nhau.
2. Các chức năng của nhà nước
2.1 . Chức năng đối nội
Chức năng đối nội là những hoạt động chủ yếu, cơ bản của nhà nước, thường giới hạn
trong lãnh thổ quốc gia. Chức năng đối nội bao gồm:
- Giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ trật tự pháp luật, đảm bảo an toàn xã hội.
- Tổ chức và quản lý nền kinh tế.
- Tổ chức và quản lý nền văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ.
2.2 . Chức năng đối ngoại
Chức năng đối ngoại là những mặt hoạt động chủ yếu thể hiện vai trò của nhà nước trong
quan hệ với các nước, vùng lãnh thổ và các dân tộc trên thế giới. Chức năng đối ngoại bao gồm: - Bảo vệ tổ quốc.
- Thiết lập củng cố phát triển quan hệ đối ngoại trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi,
không can thiệp vào nội bộ của nhau.
- Tham gia bảo vệ hoà bình và tiến bộ thế giới.
Hai nhóm chức năng này có mối quan hệ mật thiết với nhau, thực hiện tốt chức năng đối
nội sẽ có thuận lợi cho việc thực hiện các chức năng đối ngoại và ngược lại. Tuy nhiên,
vai trò của nhà nước được thể hiện rõ hơn trong các chức năng đối nội.
Ta cũng có thể chia ra những chức năng cụ thể. Các chức năng có sự giao thoa, và mỗi
nhà nước có thể coi trọng chức năng này hoặc chức năng kia. Thậm chí trong một nước,
tùy vào từng thời gian có thể xem nhẹ hay coi trọng một chức năng nào đó.
3. Hình thức và phương pháp thực hiện chức năng của nhà nước.
Để thực hiện chức năng của mình, nhà nước sử dụng nhiều hình thức và phương pháp
khác nhau, trong đó có các hình thức chính là: - Xây dựng pháp luật - Thực hiện pháp luật - Bảo vệ pháp luật
Trong mỗi hình thức nói trên, cách thức thực hiện cũng tùy vào từng quốc gia cụ thể, tuy
nhiên có hai phương pháp thực hiện chủ yếu
- Phương pháp thuyết phục
- Phương pháp cưỡng chế
III. BỘ MÁY NHÀ NƯỚC, THIẾT CHẾ NHÀ NƯỚC
Bộ máy nhà nước là hệ thống các cơ quan nhà nước, từ trung ương đến địa phương, được
tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung, thống nhất nhằm thực hiện những
nhiệm vụ và chức năng của nhà nước, vì lợi ích của giai cấp thống trị.
Thiết chế nhà nước là tổng thể các yếu tố cấu thành, các hình thức thực hiện, các quá
trình tác động có định hướng của quyền lực nhà nước đối với các quan hệ xã hội
1. Nguyên tắc tổ chức nhà nước
Nguyên tắc tập quyền: Quyền lực tập trung thống nhất, không thể phân chia: Ví dụ: Dưới
thời quân chủ chuyên chế của chế độ phong kiến, quyền lực tập trung vào tay nhà vua.
Nguyên tắc phân quyền: Tư tưởng này có từ thời cổ đại, được phát triển trong thời kì cận
đại. Nguyên tắc phân quyền là một nguyên tắc tiến bộ lớn so với chế độ quân chủ. Theo
nguyên tắc này quyền lực được phân chia thành các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa: Quyền lực được tập trung thống nhất, có sự phân
công hợp lý giữa các cơ quan thực hiện các công việc Lập pháp, hành pháp, tư pháp.
2. Hệ thống các cơ quan nhà nước
2.1. Đặc điểm hệ thống cơ quan nhà nước
Cơ quan nhà nước là một bộ phận cấu thành nhà nước, có những quyền hạn và nhiệm vụ
nhất định để thực hiện nhiệm vụ và chức năng của nhà nước. Cơ quan nhà nước, thay mặt
nhà nước, nhân danh nhà nước. Khi một công chức nhà nước làm sai, trách nhiệm trước
hết thuộc về nhà nước, sau đó nhà nước mới truy cứu trách nhiệm tới những cơ quan hoặc
công chức trực tiếp gây ra những hành vi trái pháp luật. Nếu phải bồi thường thì nhà
nước đứng ra bồi thường và sau đó nhà nước đòi lại người có hành vi vi phạm.
Cơ quan nhà nước mang quyền lực, sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Hoạt động của
các tổ chức thì không có tính chất này. Cưỡng chế đối lập với thỏa thuận; nhà nước không
thể thỏa thuận sự đồng ý hay không đồng ý của đương sự.
Hoạt động trên cơ sở pháp luật và do luật định: "Chỉ được làm những gì pháp luật quy định".
Quản lý con người chặt chẽ: Nhà nước quản lí con người từ lúc sinh ra cho đến khi chết
đi, quản lí ở trong nước, ngoài nước, các hoạt động khác liên quan đến con người
2.2. Các loại cơ quan nhà nước:
Tùy theo từng nước và tùy theo bản chất nhiệm vụ chức năng của mỗi nước cũng như các
điều kiện về lịch sử, văn hóa, truyền thống, hệ thống các cơ quan nhà nước được tổ chức
khác nhau. Không có mô hình chung về hệ thống các cơ quan nhà nước cho từng quốc
gia, tuy nhiên, nhìn chung hiện nay các nước trên thế giới phân chia các loại cơ quan sau:
Nguyên thủ quốc gia: là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước về đối nội và đối ngoại.
Ở Việt Nam, chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. (được quy định tại Hiến
pháp 2013, chương VI, từ điều 86 đến điều 93).Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số
đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc
hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới
bầu Chủ tịch nước mới.
Hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước:
Quốc hội: (được quy định tại Hiến pháp 2013, chương V, từ điều 69 đến điều 85). Quốc
hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của
nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhiệm kỳ của mỗi khoá Quốc hội là năm năm.
Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, quyền lập pháp. Hiến pháp được thông
qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Luật, nghị
quyết của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Uỷ ban thường vụ
Quốc hội gồm có: Chủ tịch Quốc hội; Các Phó Chủ tịch Quốc hội; Các ủy viên.
Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội phải được quá nửa tổng số thành
viên Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.
Hội đồng nhân dân: là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí,
nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách
nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước: gồm Chính phủ; các Bộ, các cơ quan ngang Bộ;
các cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp
Chính phủ: (được quy định tại Hiến pháp 2013, chương VII, từ điều 94 đến điều
101). Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính
phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường
vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và
Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.
Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về
hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng
Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng
các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu
bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm
quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc
thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ; thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý.
Cơ quan thuộc Chính phủ: Các cơ quan này có bộ máy tổ chức giống Bộ: Tổng cục; Viện; Ban..
Uỷ ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là
cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương,
chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Uỷ
ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực
hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.
Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân: (Sở , phòng, ban..): Các cơ quan này
có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương.
Hệ thống cơ quan xét xử:
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực
hiện quyền tư pháp. (Điều 102, Hiến pháp 2013). Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân
tối cao và các Tòa án khác do luật định.
Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân,
bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức,
cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự và các Toà
án khác do luật định là những cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hệ thống cơ quan kiểm sát:
Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. (Điều 107,
Hiến pháp 2013.) Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các
Viện kiểm sát khác do luật định.
Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền
công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà
nước, quyền và lợi ích
hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. IV. KIỂU NHÀ NƯỚC
Kiểu nhà nước là những nét đặc thù cơ bản của nhà nước, thể hiện bản chất giai cấp, vai
trò xã hội, điều kiện tồn tại, phát triển của nhà nước trong khuôn khổ một hình thái kinh
tế - xã hội nhất định. Mỗi hình thái kinh tế - xã hội quyết định những dấu hiệu cơ bản,
đặc thù của một kiểu nhà nước tương ứng.
Tùy vào những hình thái kinh tế khác nhau mà có kiểu nhà nước khác nhau. Trong lịch sử
xã hội đã tồn tại bốn hình thái kinh tế xã hội tương ứng với các loại hình thái kinh tế - xã
hội này có những kiểu nhà nước: Nhà nước chủ nô; nhà nước phong kiến; nhà nước tư
sản; nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Sự thay thế kiểu nhà nước mang tính tất yếu khách quan, chịu sự tác động của quy luật
phát triển các hình thái kinh tế xã hội. Sự thay thế kiểu nhà nước là một quá trình giằng
co, chuyển biến từng bước nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng quốc gia và từng giai
đoạn cụ thể. Việc thay thế kiểu nhà nước được thực hiện bằng cuộc cách mạng xã hội.
Kiểu nhà nước sau tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn kiểu nhà nước trước.
V. HÌNH THỨC NHÀ NƯỚC
Hình thức nhà nước là cách thức tổ chức quyền lực nhà nước cùng với các phương pháp
thực hiện quyền lực đó.
Hình thức nhà nước được hình thành từ ba yếu tố: Hình thức chính thể, hình thức cấu trúc và chế độ chính trị.
1. Hình thức chính thể:
Hình thức chính thể là cách thức tổ chức và trình tự thành lập các cơ quan tối cao của nhà
nước và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước.
1.1. Chính thể Quân chủ
Quân chủ chuyên chế: Trên thế giới hiện còn bốn nước quân chủ chuyên chế: Va-ti-căng,
Ả-rập Xê-út, Bru-nây và Ô-man. Trừ Va-ti-căng là trung tâm Giáo hội Thiên Chúa giáo
La Mã, ba nước quân chủ chuyên chế còn lại đều là các nước quân chủ Hồi giáo, tổ chức
bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Hồi, người nắm
giữ quyền lực tối cao trong bộ máy nhà nước là nhà vua. Cơ quan lập pháp, nếu có, cũng
chỉ là cơ quan tư vấn chứ không phải là một nhánh quyền lực có thực quyền.
Quân chủ nhị nguyên: Có 9 nước có hình thức chính thể quân chủ nhị nguyên: Mô-na-cô,
Ma-rốc, Xoa-di-len, Bu-tan, Cô-oét, Ba-ranh, Qua-ta, Gioóc-đa-ni và Tông-ga. Tại các
nước này, mặc dù vị trí của Quốc vương vẫn là tối cao nhưng quyền lực lập pháp, hành
pháp, tư pháp phải chia sẻ cho các cơ quan khác. Cơ quan lập pháp các nước này có
quyền lực nhiều hơn so với cơ quan lập pháp các nước quân chủ chuyên chế cả trong lĩnh
vực lập pháp cũng như kiềm chế quyền hành pháp. Tuy nhiên, vai trò của cơ quan lập
pháp tại các nước quân chủ nhị nguyên cũng không giống nhau.
Quân chủ đại nghị: Trên thế giới còn có trên 30 nước có chính thể quân chủ đại nghị
(trong đó có đến 15 nước nằm ở châu Mỹ, châu Đại Dương có nguyên thủ về hình thức là
Nữ hoàng Anh.) Nghị viện các nước này đều được trao quyền lực rộng lớn, bao gồm
quyền lập pháp và quyền thành lập cũng như giải tán chính phủ. Vai trò của nhà vua
không lớn hoặc chỉ mang tính hình thức, chính phủ được thành lập trên cơ sở và chịu
trách nhiệm trước nghị viện (hạ viện).
1.2. Chính thể Cộng hòa
Cộng hòa Tổng thống: Hơn 40 nước trên thế giới lựa chọn chính thể cộng hòa tổng
thống. Hầu hết các nước này đều áp dụng phân quyền một cách triệt để. Tuy nhiên, một
số nước ở châu Á, châu Phi, bộ máy nhà nước mang tính tập quyền, quyền lực tập trung
vào tay tổng thống, trong khi quyền lực của nghị viện rất mờ nhạt. Tại các nước cộng hòa
tổng thống áp dụng phân quyền, mà Mỹ là điển hình, cơ quan lập pháp do không thể bị
nguyên thủ giải tán và cơ chế đảng phái phức tạp cho phép nghị viện có thực quyền hơn
hẳn nhiều nước đại nghị, bảo đảm cho nó thực thi quyền lực theo đúng thực quyền.
Cộng hòa Đại nghị: Trên thế giới có hơn 30 nước có chính thể cộng hòa đại nghị, tập
trung ở châu Âu (được 29/43 nước châu Âu lựa chọn). Tại các nước theo chính thể này,
nghị viện thường được coi là cơ quan quyền lực cao nhất, do nhân dân trực tiếp bầu ra.
Trong các mô hình chính thể tư sản thì chính thể đại nghị được coi là dân chủ nhất, ít có
khả năng biến thành chế độ độc tài hay nguy cơ bất ổn nghiêm trọng dẫn đến nội chiến.
Nhưng ngược lại, nó không bảo đảm cho một nền hành pháp mạnh mẽ để điều hành đất
nước, thường xuyên có những chính phủ “chết yểu”. Cơ quan lập pháp tại các nước này
đều đuợc hiến pháp bảo đảm quyền lực rộng lớn nhưng thực quyền của nó phụ thuộc vào
cơ chế chính trị và tính chất đảng phái nhiều hơn.
Cộng hòa hỗn hợp: Hơn 50 quốc gia trên thế giới có chính thể cộng hòa hỗn hợp. Các
nước Pháp, Ba Lan, Phần Lan, Hàn Quốc, Mông Cổ… nghiêng về phía cộng hòa đại
nghị, trong khi Nga, Bê-la-rút, Gru-di-a, Ca-dắc-xtan, Xri Lan-ca… nghiêng về phía cộng
hòa tổng thống. Nghị viện các nước nghiêng về chính thể cộng hoà đại nghị có nhiều
quyền hơn so với các nước nghiêng về chính thể cộng hoà tổng thống và các nước này
cũng bảo đảm dân chủ nhiều hơn trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Ưu điểm của
chính thể này là hạn chế sự tập trung quyền lực vào tay tổng thống, tránh độc tài mà vẫn
bảo đảm một nền hành pháp mạnh. Tuy nhiên, tổng thống lại nắm quyền hành pháp rộng
lớn và có quyền giải tán nghị viện nên rất dễ lạm quyền, vì thế vai trò của cơ quan lập pháp bị hạn chế.
2. Hình thức cấu trúc nhà nước
Hình thức cấu trúc nhà nước là sự phân chia nhà nước thành các đơn vị hành chính lãnh
thổ và xác lập mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương với cơ quan nhà nước ở địa phương.
Nhà nước đơn nhất: Chủ quyền chung, có duy nhất một hệ thống cơ quan quyền lực và
quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương: Việt Nam, Pháp, Lào,…
Nhà nước liên bang: Có hai hay nhiều nước thành viên hợp lại với nhau. Trong nhà nước
liên bang có hai hệ thống cơ quan quyền lực và cơ quan quản lý: chung cho toàn liên
bang và riêng đối với các tiểu bang: Nga, Mỹ, Đức, Ấn Độ,…
Nhà nước liên minh: Liên kết tạm thời của nhiều nhà nước nhằm thực hiện một số mục
đích nhất định của lịch sử đặt ra. Sau đó có thể giải tán hoặc chuyển thành nhà nước liên
bang. Ví dụ: nhà nước Hoa Kì giai đoạn 1776-1787.
3. Chế độ chính trị
Chế độ chính trị là tổng thể các phương pháp mà nhà nước sử dụng để thực hiện quyền
lực nhà nước. Chế độ chính trị có quan hệ mật thiết với bản chất của nhà nước
Có hai dạng chế độ chính trị: Chế độ chính trị dân chủ và chế độ chính trị phi dân chủ.
CÂU HỎI HƯỚNG DẪN ÔN TẬP.
1. Trình bày các quan niệm khác nhau về nguồn gốc của nhà nước.
2. Nêu bản chất của nhà nước.
3. Nêu và phân tích các đặc trưng cơ bản của nhà nước.
4. Nêu và phân tích các chức năng cơ bản của nhà nước.
5. Nêu đặc điểm hệ thống cơ quan nhà nước.
6. Hệ thống các cơ quan nhà nước của nước ta.
7. Kể tên một số cơ quan nhà nước, địa chỉ tại địa phương bạn thường trú.
8. Trình bày những hiểu biết cơ bản về hình thức chính thể nhà nước. Kể tên chính thể
của một số nước trên thế giới.