Phiếu bài tập ôn hè lớp 5 lên lớp 6 năm 2024 môn Tiếng Việt - Đề 4
Phiếu bài tập ôn hè lớp 5 lên lớp 6 năm 2024 môn Tiếng Việt - Đề 4. Hi vọng tài liệu này sẽ giúp các bạn học tốt, ôn tập hiệu quả, đạt kết quả cao trong các bài thi, bài kiểm tra sắp tới. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây nhé.
Preview text:
Phiếu bài tập ôn hè lớp 5 lên lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề 4
Phần 1: Đọc hiểu
Xuất hiện vào khoảng thế kỉ XVI tại phố Hội (Quảng Nam) và tồn tại hơn 400 năm như
một trong những sản phẩm nghệ thuật thủ công truyền thống lâu đời tại Việt Nam. Đèn lồng
Hội An lưu giữ trong mình một nét hoài cổ, tinh tế mà huyền dịu trong mắt người dân địa
phương và cả bạn bè thế giới. Tựa một nét đặc trưng rất riêng, khi nhắc đến Hội An, không
ai không nhớ đến đèn lồng tỏa sáng cả một trời phố Cổ vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán hay
lung linh, mấp mé trên dòng sông Hoài những ngày trăng tròn.
Không phải ngẫu nhiên mà đèn lồng nơi đây lại trở thành nét đẹp văn hóa, đó là bởi
những tinh túy, sự cẩn trọng và nâng niu mà người dân nơi đây chắt chiu trong từng sản
phẩm thủ công xinh xắn qua nhiều thế hệ. Bắt đầu từ khâu chọn tre đến xử lí tre và định hình
khung cho đèn, người nghệ nhân tỉ mẩn, khéo léo uốn và tạo hình khung cho chiếc đèn, điều
đặc biệt ở đây là kích thước của đèn lồng sẽ phụ thuộc vào kích thước nan tre làm nên chiếc
đèn ấy. Sau khi tạo khung đèn, quá trình bọc vải cho khung chính là công đoạn tạo nên vẻ
đẹp gây ấn tượng của sản phẩm. Phải kể đến chất liệu của vải bọc đèn lồng Hội An, thường
được sử dụng là vải lụa tơ tằm, họa tiết thanh thoát đồng thời mang đậm nét văn hóa Á Đông
cổ điển với gam màu đơn sắc. Bên cạnh đó, đèn lồng cũng được trang trí bên ngoài bằng
những bức tranh non nước gần gũi về con người và thiên nhiên nước Việt trên nền vải trắng
trang nhã. Không chỉ đa dạng về mẫu mã, độc đáo về chất liệu, người nghệ nhân còn sáng
tạo thêm những kiểu dáng mới lạ và sang trọng nhưng vẫn giữ được tinh hoa trong chiếc đèn
lồng để phù hợp trang trí cho nhiều không gian khác nhau như : đèn lồng bánh ú, đèn củ tỏi,
đèn tròn, đèn củ tỏi ngược, đèn kiểu dù hay kiểu quả trám…
Câu 1: Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng.
1. Đèn lồng Hội An thường được thắp vào các dịp nào? (0,5 điểm)
A. Trên dòng sông Hoài mỗi dịp trăng tròn.
B. Trên đường phố Sài Gòn
C. Trên sân khấu chào mừng năm học mới D. Trên các chuyến tàu
2. Kích thước của những chiếc đèn lồng Hội An phụ thuộc vào điều gì? (0,5 điểm)
A. Bàn tay của người thợ làm đèn lồng.
B. Yêu cầu của người mua đèn lồng.
C. Kích thước nan tre làm nên chiếc đèn lồng.
D. Kích thước tấm vải bọc bên ngoài đèn lồng đã được vẽ sẵn.
3. Nghệ nhân thường dùng loại vải nào để bọc bên ngoài đèn lồng? (0,5 điểm) A. Vải bò B. Vải lụa tơ tằm C. Vải bông D. Vải gai
Câu 2: Để đèn lồng Hội An có thể phù hợp với nhiều không gian và tiếp tục phát triển ở môi
trường đèn điện vô cùng phổ biến như hiện nay, các nghệ nhân đã làm điều gì? (1 điểm)
Phần 2: Luyện từ và câu
Câu 1: Hãy xác định chủ ngữ, vị ngữ trong câu sau (0,5 điểm):
“Phải kể đến chất liệu của vải bọc đèn lồng Hội An thường được sử dụng là vải lụa tơ
tằm, họa tiết thanh thoát đồng thời mang đậm nét văn hóa Á Đông cổ điển với gam màu đơn sắc”.
Câu 2: Viết 1 đoạn hội thoại ngắn giữa em và bạn, trong đó có sử dụng 1 cặp từ trái nghĩa
và 1 cặp từ đồng nghĩa (1 điểm).
Câu 3: Từ chân trong câu dưới đây là từ nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Giải thích. (1 điểm)
Nhờ tài đá bóng cừ khôi, Tuấn đang có một chân trong đội bóng của trường.
Câu 4: Đặt câu ghép với cặp quan hệ từ “Tuy… nhưng…”. Xác định các thành phần của câu vừa đặt (1 điểm)
Phần 3: Tập làm văn (4 điểm)
Em hãy kể lại buổi lễ bế giảng cuối cấp của mình.
Đáp án phiếu bài tập ôn hè lớp 5 lên lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề 4
Phần 1: Đọc hiểu Câu 1: 1. A 2. C 3. B Câu 2:
Các nghệ nhân đã sáng tạo thêm những kiểu dáng mới lạ và sang trọng nhưng vẫn giữ
được tinh hoa trong chiếc đèn lồng để phù hợp trang trí cho nhiều không gian khác nhau, và
đáp ứng thị hiếu của con người hiện đại như: đèn lồng bánh ú, đèn củ tỏi, đèn tròn, đèn củ
tỏi ngược, đèn kiểu dù hay kiểu quả trám…
Phần 2: Luyện từ và câu Câu 1:
“Phải kể đến chất liệu của vải bọc đèn lồng Hội An thường được sử dụng là vải lụa tơ
tằm, họa tiết thanh thoát đồng thời mang đậm nét văn hóa Á Đông cổ điển với gam màu đơn sắc”.
→ Chủ ngữ: chất liệu của vải bọc đèn lồng Hội An thường được sử dụng.
Vị ngữ: là vải lụa tơ tằm, họa tiết thanh thoát đồng thời mang đậm nét văn hóa Á Đông
cổ điển với gam màu đơn sắc. Câu 2:
Đoạn hội thoại mẫu:
Lan: Nhi ơi, chiều mai cậu có rảnh không? Sang nhà tớ cho xem cái này hay lắm!
Nhi: Cậu muốn cho mình xem cái gì đấy? Nó có xinh xắn không?
Lan: Có, nó xinh đẹp lắm. Là một chú cún con đấy, lông nó trắng mà mềm như bông cơ.
Nhi: Ôi, thích thế. Tiếc thật, chiều mai tớ lại bận mất rồi. Tớ có hẹn đi tập bơi với chị Mai.
Lan: Chán thế nhỉ. Vậy hôm nào có thời gian cậu sang ngắm em cún con với tớ nhé?
Nhi: Tất nhiên rồi!
→ Cặp từ đồng nghĩa: xinh xắn, xinh đẹp.
Cặp từ trái nghĩa: rảnh - bận Câu 3:
Từ “chân” trong câu văn là từ nghĩa chuyển.
- Nghĩa gốc: bộ phận dưới cùng của con người, dùng để đứng, chống đỡ cơ thể và di chuyển.
- Nghĩa chuyển của từ chân trong câu văn: ý chỉ một vị trí, chỗ đứng, địa vị trong 1 tập thể. Câu 4: Ví dụ:
(Tuy) bạn Minh | học không giỏi, (nhưng) bạn ấy | chơi thể thao rất tuyệt. CN1 VN1 CN2 VN2
Phần 3: Tập làm văn
Gợi ý dàn bài: 1. Mở bài
- Giới thiệu về buổi lễ bế giảng cuối cấp của em.
(Ví dụ: Sau 5 năm được học tập và rèn luyện dưới mái trường tiểu học thân yêu, thì hôm nay
ngày chia tay cũng đến. Em và các bạn sẽ tạm biệt trường để đến học ở một ngôi trường
mới. Và như một lời chia tay, trường em đã tổ chức buổi lễ bế giảng cuối năm học để chúng
em và thầy cô được ngồi lại chuyện trò với nhau) 2. Thân bài
- Giới thiệu thời gian, địa điểm diễn ra buổi lễ bế giảng và các khách mời sẽ đến tham dự.
- Những yêu cầu dành cho học sinh, giáo viên, phụ huynh đến tham dự (về trang phục, thời
gian, lời tri ân, tiết mục văn nghệ…)
- Khung cảnh thiên nhiên ngày diễn ra buổi lễ bế giảng cuối cấp (nắng/mưa, mát mẻ/nóng
bức, gió nhẹ/mây xanh…)
- Trước khi diễn ra buổi lễ bế giảng:
+ Em có những suy nghĩ, cảm xúc gì? Em đến trường với những gì khác so với
thường ngày? (đến trường sớm hơn, ngắm nhìn mọi thứ thật kĩ, bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm cũ…)
+ Sân trường và sân khấu được trang trí như thế nào? (trải thảm dọc lối đi, đặt các
lẵng hoa, bong bóng, dãy bàn ghế cho mọi người ngồi…)
+ Các học sinh, giáo viên, phụ huynh có mặt trước buổi lễ hoạt động như thế nào (tụ
tập nói chuyện, chụp ảnh, tâm sự, học sinh chơi trò chơi…)
+ Ban hậu cần tranh thủ điều chỉnh lại sân khấu, loa mic để buổi lễ diễn ra tốt đẹp. - Buổi lễ diễn ra:
+ 2 MC dẫn chương trình đọc qua các phần của buổi lễ và tuyên bố khai mạc buổi lễ bế giảng năm học.
+ Mọi người đứng dậy sửa soạn trang phục để chào cờ và hát quốc ca.
+ Phần phát biểu đầy cảm động của thầy cô, cô chú phụ huynh cùng các bạn học sinh.
+ Những tiết mục văn nghệ hấp dẫn (hát, múa, nhảy, diễn kịch…)
+ Phần trao phần thưởng cho từng bạn học sinh.
+ MC tuyên bố kết thúc buổi lễ.
→ Trong suốt quá trình diễn ra buổi lễ, em có suy nghĩ, cảm xúc như thế nào? - Kết thúc buổi lễ:
+ Mọi người thu dọn và trở về nhà
+ Em có nán lại, đi thăm 1 vòng quanh trường lần cuối. 3. Kết bài:
- Những tâm trạng, suy nghĩ của em khi kết thúc buổi lễ bế giảng cuối cấp.
- Em sẽ trở lại thăm trường một lần nữa.