Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình - Ngữ Văn 6 Kết Nối Tri Thức
Soạn Ngữ văn 6 Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình gồm có phần yêu cầu, phần đáp án chuẩn và phần giải thích, hướng dẫn chi tiết cho từng câu hỏi có trong cuốn sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 tập 1 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Tài liệu được soạn dưới dạng file word, mời các em tham khảo và tải về dưới đây!
Chủ đề: Bài 2: Gõ cửa trái tim (KNTT)
Môn: Ngữ Văn 6
Sách: Kết nối tri thức
Thông tin:
Tác giả:
Preview text:
Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình lớp 6
1. Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình Ngắn gọn
Trong chủ điểm Gõ cửa trái tim ở lớp 6, em rất ấn tượng với bài thơ Mây và sóng. Tác phẩm thơ này đã khắc họa tình mẫu tử thiêng liêng, khăng khít.
Tình mẫu tử là tình cảm giữa mẹ và con. Đó là sự yêu thương, sẻ chia, hi sinh, đùm bọc vô điều kiện và cũng chẳng cần hồi báo nào. Người con từ khi sinh ra, đã luôn quấn quýt với mẹ của mình. Chẳng đứa trẻ nào lại muốn rời xa mẹ của mình cả. Giống như đứa trẻ trong Mây và sóng. Dù các trò chơi, các lời rủ rê có hấp dẫn đến thế nào, thì chỉ cần phải rời xa mẹ là đều trở nên vô nghĩa. Đó cũng là lý do mà các em nhỏ khi đi học ngày đầu thường khóc nức nở. Bởi các em đang nhớ mẹ của mình. Nhưng điều gì lại khiến người con luôn muốn quẩn quanh bên mẹ của mình? Đó chính là tình mẫu tử. Tình yêu thương ấy khiến con luôn muốn gần mẹ, muốn được mẹ yêu thương, được mẹ vỗ về. Bởi vậy, người con trong bài thơ Mây và sóng đã nghĩ ra các trò chơi thật đơn giản, ngây ngô nhưng không hề tẻ nhạt. Vì trong trò chơi đó, đứa trẻ được sà vào lòng mẹ, được nằm trong vòng tay mẹ yêu.
Tuy nhiên, theo sự trưởng thành, những đứa trẻ rồi cũng phải khôn lớn, cũng đến lúc phải rời xa vòng tay của mẹ. Nhưng chắc chắn rằng, tâm hồn và trái tim của người con vẫn sẽ mãi nhỏ bé, vẫn mãi mang theo hình bóng của mẹ bên mình. Giống như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết:
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con…
2. Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình Hay nhất
Qua tác phẩm Bức tranh của em gái tôi, em cảm nhận được tình anh em sâu sắc.
Tình anh em là một tình cảm thiêng liêng và đầy ý nghĩa. Những người anh chị em trong một gia đình luôn được gắn kết với nhau chặt chẽ bởi một sợi dây vô hình. Người anh, người chị có thể vừa là anh chị, vừa là bạn bè, vừa là thầy cô. Họ chăm sóc, vui chơi và dạy cho em của mình những điều tốt đẹp. Tình cảm ấy xuất phát từ chính trái tim chứ không vì một ràng buộc nào cả. Sự cao cả ấy khiến cho tình anh em trở nên vô giá.
Qua hình ảnh bé Mèo, em thấy được tình yêu và ngưỡng mộ anh trai của một cô bé mới lớn. Dù có lúc anh cáu gắt vô cớ, mặc kệ cô không quan tâm. Nhưng sau tất cả, anh vẫn là người mà cô luôn yêu quý nhất. Cũng từ người anh trai ấy, em thấy được những người đã có một sai lầm trong cuộc sống gia đình. Chính là mặc nhiên đón nhận tình cảm từ người thân yêu và đối xử khắt khe, lạnh lùng với họ. Chúng ta thường tử tế với người ngoài và nóng nảy với người thân. Hiện tượng ấy thật kì lạ nhưng vẫn đang xảy ra mỗi ngày trong xã hội. Có lẽ, chính bởi vì biết rằng những người anh em của ta sẽ mãi luôn yêu quý và ở bên bao dung cho ta, nên mới có điều đó xảy ra.
Nhưng cuối cùng, như bé Mèo vẫn luôn yêu quý anh trai, và anh trai cũng nhận ra tình cảm ấy. Chúng ta cũng cần phải luôn biết trân trọng và yêu quý tình cảm gia đình.
3. Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình lớp 6
Gia đình là hai tiếng thiêng liêng và ấm áp. Đó là nơi nuôi dưỡng, vun vén cho hạnh phúc của mỗi người. Tuy nhiên, theo một cách nào đó, mà không phải gia đình nào cũng tồn tại đúng với ý nghĩa của nó.
Những gia đình mà tôi muốn nói đến, chính là những gia đình đã và đang đè nặng áp lực tinh thần lên vai con cái của mình. Bố mẹ luôn là người yêu thương, quan tâm, hi sinh cho con của mình vô điều kiện. Bao nhiêu vất vả, khó khăn, họ đều gồng gánh, chỉ mong con cái mình được hạnh phúc, đủ đầy. Chỉ vậy thôi là đã vui lắm rồi. Tuy nhiên, tấm lòng ấy nhiều khi lại không được thể hiện đúng cách, đúng trường hợp, vô tình tạo nên khối áp lực nặng nề đè lên vai những đứa trẻ.
Nhiều bậc phụ huynh gò ép, bắt buộc con mình phải học tập thật nhiều, suốt cả ngày đến không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Những đứa trẻ ấy cả ngày ngồi bên sách vở, với những giờ học mãi chẳng kết thúc. Từ học văn hóa, đến các môn năng khiếu, thể thao… Các em cứ phải học mãi. Không chỉ thế, những phụ huynh ấy, còn tìm cách “triệt tiêu” những thứ có nguy cơ ảnh hưởng đến thành tích học tập của con em mình. Như cấm không cho đọc truyện, chơi game, không được đi chơi với bạn bè… Họ buộc con mình vào một không gian nhỏ bé, chật chội. Hơn thế nữa, các phụ huynh còn thường xuyên đè nặng thành tích lên người các con. Thành tích cao thì được thưởng, nhưng nếu có điểm thấp, không có giấy khen… thì sẽ bị mắng, bị đánh. Điều đó, khiến tâm lý các em luôn trong trạng thái bị đè nén bởi sự sợ hãi, lo lắng, áp lực.
Chúng ta đều biết rằng cha mẹ làm những điều đó đều vì yêu thương con cái. Những đứa con đau khổ, thì họ cũng mệt mỏi, buồn bã lắm chứ. Tuy nhiên, chính cái cách thức hành động sai lầm, đã khiến những người bố, người mẹ ngày càng xa rời con cái mình hơn. Vậy nên, để gắn chặt tình cảm gia đình, chúng ta cần nhiều hơn những giây phút chia sẻ, đồng điệu với nhau. Con cái tâm sự với bố mẹ những mong mỏi, nguyện vọng của mình. Bố mẹ gửi gắm đến con những kì vọng, và yêu thương. Cả hai phía sẵn sàng thấu hiểu nhau, có như thế, tình cảm gia đình mới ấm êm và thuần túy nhất.
Trên đây là một vấn đề không hề mới, nhưng vẫn đã và đang rất nhức nhối trong xã hội. Nó là mang tính tiêu cực, dù xuất phát điểm lại từ thứ tình cảm tích cực. Mong sao, mọi thành viên trong gia đình sẽ luôn yêu thương, chia sẻ cho nhau, để tổ ấm luôn là nơi hạnh phúc khi trở về.
-------------------------------------------------