Văn mẫu lớp 8: Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) Ngữ Văn 8 | Kết nối tri thức
Văn mẫu lớp 8: Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) Ngữ Văn 8 | Kết nối tri thức. Tài liệu được biên soạn dưới dạng file PDF bao gồm 12 trang tổng hợp các kiến thức chọn lọc giúp các bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Mời các bạn đón xem!
Chủ đề: Bài 6: Chân dung cuộc sống (KNTT)
Môn: Ngữ Văn 8
Sách: Kết nối tri thức
Thông tin:
Tác giả:
Preview text:
Văn mẫu lớp 8
Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện)
Dàn ý bài văn phân tích một tác phẩm truyện 1. Mở bài
⚫ Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm: nhan đề, tác giả
⚫ Nêu ý kiến khái quát về tác phẩm 2. Thân bài
⚫ Tóm tắt văn bản (nếu có)
⚫ Nêu nội dung chính của tác phẩm
⚫ Nêu chủ đề của tác phẩm
⚫ Phân tích một số nét đặc trưng về nghệ thuật. 3. Kết bài
Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.
Bài văn phân tích một tác phẩm truyện - Mẫu 1
Nguyễn Ngọc Thuần là một nhà văn khá nổi tiếng. Tác phẩm tiêu biểu của ông có
thể kể đến truyện “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”.
Truyện kể về một cậu bé được bố dạy cho những bài học quý giá. Đầu tiên, cậu
phải nhắm mắt lại, rồi chạm vào những bông hoa và đoán. Trò chơi này không chỉ
diễn ra trong vườn mà còn trong nhà. Nhân vật tôi còn đoán được các đồ vật trong
gia đình và đoán được bố đang đứng cách mình bao xa. Ngay cả việc chỉ cần ngửi
đã biết được đó là loại hoa gì và không bao giờ nhầm lẫn. Điều này làm nhân vật
tôi rất vui và mãn nguyễn vì nhớ những điều đó mình có thể cảm nhận được cả
vườn hoa theo cách rất riêng. Cậu nhận ra những bông hoa là người đưa đường,
dẫn lối cho trong khu vườn. Qua câu chuyện này, tác giả muốn gửi gắm bài học ý
nghĩa về cuộc sống. Khi cảm nhận mọi thứ bằng cả tâm hồn, chúng ta sẽ phát hiện
ra những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Cùng với câu chuyện của tôi là câu chuyện về thằng Tý. Một lần, cả nhà đang ăn
cơm thì mọi người nghe thấy tiếng hét. Tôi đoán ra được tiếng hét phát ra ở hướng
nào, mẹ nói đó là ở bờ sông. Bố quăng chén cơm băng vườn chạy ra, cứu được
thằng Tí. Từ đó, thằng Tí thường hay đem đến biếu bố những trái ổi to. Dù ít khi
ăn ổi, nhưng bố vẫn vui vẻ ăn. Khi nhân vật tôi cảm thấy thắc mắc và hỏi bố.
Người bố đã giải thích cho cậu nghe ý nghĩa của món quà. Điều đó được thể hiện
qua câu nói của người bố: “Một món quà bao giờ cũng đẹp. Khi ta nhận hay cho
một món quà, ta cũng đẹp lây vì món quà đó”. Một món quà luôn gửi gắm tình
cảm, tâm ý của người gửi. Bởi vậy dù là người nhận hay cho món quà một cách
trân trọng thì cũng thể hiện nét đẹp của mình. Ở đây, tác giả cũng muốn gửi gắm
bài học về thái độ trân trọng, biết ơn đối với những người dành tình cảm cho chúng ta.
Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, lời của nhân vật “tôi” giúp cho câu chuyện
thêm sinh động, chân thực. Giọng điệu hồn nhiên, ngây thơ của một đứa trẻ cùng
với đó là lời văn giản dị góp phần gửi gắm thông điệp nhân văn, dễ hiểu.
Như vậy, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần là một câu
chuyện nhẹ nhàng, đơn giản nhưng gửi gắm bài học vô cùng sâu sắc, ý nghĩa.
Bài văn phân tích một tác phẩm truyện - Mẫu 2
Thanh Tịnh đã diễn tả được những kỉ niệm trong sáng của tuổi học trò, đặc biệt là
buổi đầu đi học qua dòng suy tư, hồi tưởng của nhân vật tôi trong truyện ngắn “Tôi đi học”.
Mở đầu, tôi đã nhắc đến cơ sở để nhớ lại những kỉ niệm của buổi tựu trường. Đó là
thời gian, không gian quen thuộc: “hằng năm cứ vào cuối thu khi lá ngoài đường
rụng nhiều, trên không có những đám mây bàng bạc” hay hình ảnh vẫn thường
thấy: “những em bé núp dưới nón mẹ trong buổi đầu đến trường”. Trong lòng của
nhân vật tôi lúc này: “lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man”, “quên thế nào
được những cảm giác trong sáng ấy”, “lòng tôi lại tưng bừng rộn rã”. Các từ láy
được sử dụng để diễn tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật khi nhớ lại buổi tựu
trường như nao nức, mơn man, tưng bừng, rộn rã,… đã góp phần thể hiện sự
chuyển biến của tâm trạng từ trong sâu kín đang dần bộc lộ ra bên ngoài. Đó là
những cảm xúc trong sáng, thuần khiết biết bao.
Tiếp đến, nhân vật tôi hồi tưởng lại kỉ niệm khi cùng mẹ đến trường. Cảnh vật, con
đường vốn đi lại nhiều lần nhưng hôm nay bỗng nhiên thấy lạ. Tôi cũng cảm nhận
thấy bản thân dường như đã thay đổi: “Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy
mình trang trọng và đứng đắn hơn”. Đặc biệt suy nghĩ của tôi khi muốn thử sức tự
cầm sách vở. Và chính bản thân tôi cũng cảm thấy bỡ ngỡ trong buổi đầu đến trường.
Khi đến trường, khung cảnh trước sân trường Mĩ Lí dày đặc người, ai cũng quần
áo sạch sẽ. Không khí tựu trường vui tươi, nhộn nhịp. Điều đó khiến tôi cảm thấy
bỡ ngỡ, có chút rụt rè. Đến khi ông đốc gọi tên, tôi lo sợ và nép vào lòng mẹ bật
khóc. Nhưng những lời an ủi của ông đốc vang lên khiến đám học sinh an tâm hơn,
theo thầy giáo bước vào lớp học.
Khi ngồi trong lớp học, tôi đã cảm thấy mùi hương lạ xông vào lớp học, ngắm nhìn
mọi vật xung quanh, không cảm thấy xa lạ với người bạn bên cạnh, nhìn theo cánh
chim ngoài kia để nhớ lại kỉ niệm cũ. Và rồi, tôi trở lại với không khí của lớp học:
“Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm nhẩm đánh vần đọc: Bài viết
tập: Tôi đi học”. Đó là cách kết thúc tự nhiên, bất ngờ. Dòng chữ: “Tôi đi học”
khép lại truyện ngắn nhưng mở ra một bầu trời mới.
Văn bản Tôi đi học đã nói hộ được những suy nghĩ và tình cảm của rất nhiều người
đọc: những cảm xúc của buổi đầu tựu trường, gợi lên trong mỗi người nhớ về những kỉ niệm đó.
Bài văn phân tích một tác phẩm truyện - Mẫu 3
Thạch Lam là nhà văn tiêu biểu thuộc nhóm Tự lực văn đoàn. Truyện ngắn Gió
lạnh đầu mùa là một truyện ngắn xuất sắc của ông viết về đề tài trẻ em.
Truyện bắt đầu bằng khung cảnh của buổi sáng mùa đông được nhà văn khắc họa
tinh tế. Chỉ sau một đêm mưa rào, trời bắt đầu nổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến
khiến con người tưởng rằng mình đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn tung chăn
tỉnh dậy, cậu thấy mọi người trong nhà, mẹ và chị đã trở dậy, ngồi quạt hỏa lò để
pha nước chè uống. Mọi người đều “đã mặc áo rét cả rồi”. Ở ngoài sân “Gió vi vu
làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Bầu trời không
u ám, toàn một màu trắng đục”. Những cây lan trong chậu “lá rung động và hình
như sắt lại vì rét”. Và sơn cũng thấy lạnh, cậu vơ vội cái chăn trùm lên đầu rồi gọi chị.
Mẹ Sơn đã bảo Lan - chị gái của Sơn vào buồng lấy thúng áo ra. Mẹ Sơn lật cái vỉ
buồm, lục đống quần áo rét. Bà giơ lên một chiếc áo bông cánh xanh đã cũ nhưng
còn lành. Đó chính là chiếc áo của Duyên - đứa em gái đáng thương của Sơn đã
mất năm lên bốn tuổi. Người vú già đã “với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay
mân mê các đường chỉ”. Khi nghe mẹ nhắc về em gái, Sơn cũng cảm thấy “nhớ em,
cảm động và thương em quá”. Cậu xúc động khi thấy mẹ “hơi rơm rớm nước mắt”.
Chiếc áo bông chính là kỉ vật gợi nhớ về người em gái đã mất với biết bao tình yêu thương sâu sắc.
Sau khi mặc xong áo ấm, chị em Sơn đi ra chợ chơi.Thằng Cúc, thằng Xuân, con
Tí, con Túc - những đứa trẻ em nghèo khổ vẫn phải mặc những bộ quần áo nâu bạc
đã rách vá nhiều chỗ. Môi chúng nó “tím lại”, chỗ áo quần rách “da thịt thâm đi”.
Gió lạnh thổi đến, chúng nó lại “run lên, hai hàm răng đập vào nhau”. Khi nhìn
thấy Sơn và Lan trong những bộ quần áo ấm áp, chúng cảm thấy xuýt xoa, ngưỡng
mộ. Hai chị em Sơn tỏ ra thân thiết với chúng chứ không khinh khỉnh như các em họ của Sơn.
Và đặc biệt là khi Lan nhìn thấy Hiên đang đứng “co ro” bên cột quán, trong gió
lạnh chỉ mặc có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”. Cả hai chị em đều cảm
thấy thương xót cho con bé. Sơn chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo, nhớ đến em
Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt thoáng qua
trong tâm trí Sơn - đó là đem chiếc áo bông cũ của em Duyên cho Hiên. Nghĩ vậy,
cậu đã nói với chị gái của mình, nhận được sự đồng tình của chị. Chị Lan đã “hăm
hở” chạy về nhà lấy áo. Còn Sơn thì đứng yên lặng đợi chờ, trong lòng tự nhiên
thấy “ấm áp vui vui”. Cái áo cũ mà chị em Sơn đem cho Hiên thể hiện tấm lòng
nhân hậu của hai đứa trẻ.
Về đến nhà, hai chị em Sơn lo lắng khi người vú già biết mẹ đã biết chuyện hai chị
em lén mang áo cho Hiên. Sơn cảm thấy lo lắng, sợ hãi và sang nhà tìm Hiên để
đòi lại áo. Nhưng đó là một phản ứng bình thường của một đứa trẻ khi mắc lỗi và
bị phát hiện. Đến khi trở về nhà, chị em Sơn vô cùng ngạc nhiên khi thấy mẹ con
cái Hiên đang ở nhà mình. Mẹ Hiên đem chiếc áo bông đến trả mẹ của Sơn. Có thể
thấy dù sống khó khăn, khổ cực nhưng bà vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp: “Đói
cho sạch, rách cho thơm”. Còn người mẹ của Sơn, sau khi nghe rõ việc, bà đã cho
mẹ của Hiên mượn năm hào về may áo ấm cho con. Điều đó thể hiện mẹ Sơn là
một người trái tim nhân hậu. Sau khi mẹ con Hiên về, mẹ Sơn không tức giận,
đánh mắng con mà còn “vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm”. Đó chính là tấm lòng vị
tha cũng như giàu lòng yêu thương của người mẹ.
Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” nhẹ nhàng mà thật sâu sắc. Tác phẩm đã giúp
người đọc hiểu hơn về giá trị của tình yêu thương giữa con người. Đây quả là tác
phẩm xuất sắc của nhà văn Thạch Lam.
Bài văn phân tích một tác phẩm truyện - Mẫu 4
Nam Cao là một nhà văn hiện thực xuất sắc. Hai mảng đề tài chính trong các tác
phẩm của ông là người nông dân và tri thức nghèo. Một trong những tác phẩm tiêu
biểu viết về người nông dân là truyện ngắn Lão Hạc.
“Lão Hạc” được đăng báo lần đầu năm 1943. Truyện kể về Lão Hạc là một người
nông dân nghèo khổ. Lão có một đứa con trai nhưng vì nhà nghèo, không có tiền
lấy vợ nên bỏ đi đồn điền cao su. Cả gia tài của lão chỉ có mảnh vườn vốn là của
hồi môn của con trai và con chó Vàng sống cùng để bầu bạn. Sau trận ốm thập tử
nhất sinh, nhà lão không còn gì để ăn. Lão đành phải bán con Vàng đi. Số tiền bán
chó và bán mảnh vườn, lão đem gửi ông giáo và nhờ khi nào anh con trai về sẽ trao
lại cho anh. Còn bản thân thì đến xin Binh Tư một ít bả chó để tự tử.
Nhân vật chính trong truyện là lão Hạc, một người nông dân nghèo khổ nhưng
sống tình cảm. Điều này được thể hiện rõ qua sự gắn bó, đau xót, tiếc thương của
lão khi phải bán đi cậu Vàng. Bên cạnh đó, lão còn là một người cha yêu thương
con hết mực, luôn nghĩ cho con và dành dụm cho con. Không chỉ vậy, Lão cũng là
một người có lòng tự trọng. Dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn nhưng
không có những suy nghĩ, việc làm trái với lương tâm và cũng không muốn ảnh
hưởng, phiền hà đến bất cứ ai.
Nhân vật ông giáo xuất hiện với vai trò người kể chuyện, xưng “tôi”. Nhân vật này
là hàng xóm cũng có thể coi là người bạn tâm giao của lão Hạc. Ông giáo là người
được lão Hạc tin tưởng. Lão kể cho ông giáo nghe về việc bán con chó Vàng, lão
nhờ ông giáo giữ hô số tiền bán mảnh vườn và con chó để khi con trai của lão trở
về sẽ giao lại. Không chỉ vậy, qua nhân vật ông giáo, Nam Cao cũng gửi gắm một
số triết lí về cuộc sống, tư tưởng sâu sắc.
Bên cạnh những thành công về nội dung, truyện ngắn còn gây ấn tượng với người
đọc bởi nghệ thuật tác giả sử dụng vô cùng đặc sắc. Đầu tiên phải kể đến nghệ
thuật xây dựng và khắc họa nhân vật vô cùng tiêu biểu, đậm nét. Lấy hình ảnh một
con người để nói đến một bộ phận người. Tiếp đến là nghệ thuật miêu tả chân dung
nhân vật vô cùng tài tình. Sự kết hợp giữa phương thức tự sự và trữ tình cũng tạo
nên sự đa chiều của câu chuyện. Có lúc là giọng văn tự sự mẫu mực, có lúc lại
khiến người đọc rưng rưng xúc động với những xúc cảm do tác giả thể hiện.
Lão Hạc của nhà văn Nam Cao xứng đáng là một tác phẩm hay. Truyện không chỉ
thành công bởi những giá trị về nội dung mà còn cả bởi giá trị về nghệ thuật.
Bài văn phân tích một tác phẩm truyện - Mẫu 5
Tạ Duy Anh là một cây bút trẻ thời kỳ đổi mới. Các tác phẩm của ông đã để lại
nhiều ấn tượng với bạn đọc. Một trong số đó là truyện ngắn “Bức tranh của em gái
tôi”. Tác phẩm đã khắc họa tình cảm trong sáng hồn nhiên và lòng nhân hậu của
người em gái. Từ tình cảm đó đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở chính.
Truyện xoay quanh nhân vật người anh và cô em gái nhỏ có tài năng hội hoạ. Hai
anh em đã rất thân thiết với nhau cho đến khi tài năng hội hoạ của em mình được
phát hiện, người anh đã ghen tị và trở nên gắt gỏng với em. Từ đó hai anh em cũng
không còn chơi với nhau như trước nữa. Cho đến tận khi đứng trước bức tranh vẽ
mình của em gái người anh mới hiểu ra tình cảm của em, thấy day dứt và có lỗi với
em. Từ đây, người anh cũng nhận ra được những yếu kém của mình, đồng thời
cũng hiểu được tâm hồn cũng như tấm lòng nhân hậu của em.
Trước hết là nhân vật người anh, khi thấy em gái mình chế màu vẽ, người anh đã tỏ
ý xem thường và gọi em gái là Mèo. Khi tài năng hội họa của em gái được phát
hiện người anh tỏ thái độ không vui và ghen tị với Kiều Phương. Từ đây, tình cảm
giữa hai anh em đã không còn thân thiết như trước. Người anh vốn đã coi thường
em gái, cho em gái là đồ nghịch bẩn; nay bỗng dưng em lại thua kém em gái, đó là
điều mà em cảm thấy khó chấp nhận nhất. Sự mặc cảm, tự ái trong người anh diễn
ra rất tự nhiên, rất phù hợp với tâm lý lứa tuổi như các em.
Đến khi người anh nhận ra nhân vật chính trong bức ảnh đạt giải nhất của Kiều
Phương chính là mình, người anh đã đi từ ngỡ ngàng đến hãnh diện và sau cùng là
xấu hổ. Đó là cái ngỡ ngàng vì không nghĩ rằng trong mắt em gái mình lại toàn mỹ
đến thế. Hãnh diện vì tài năng của em mình, vì sự hoàn hảo của mình trong bức
tranh. Bức tranh "Anh trai tôi" là hình ảnh một cậu bé đang nhìn ra ngoài cửa sổ,
nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ, toát lên ở tư
thế ngồi là sự mộng mơ của một tâm hồn thơ bé. Đó là một người anh trong những
suy nghĩ và có cả sự tưởng tượng của người em gái. Chính điều đó đã làm cho
niềm vui, niềm hạnh phúc của người anh chuyển thành xấu hổ. Dưới con mắt của
em gái, người anh thật hoàn hảo, nhưng thực tế người anh chưa làm được những gì
xứng đáng với suy nghĩ của người em. Trước bức tranh của em gái, người anh đã
nhận ra những khuyết điểm của mình đồng thời cũng hiểu được tình cảm của em.
Trái ngược với người anh, Kiều Phương được miêu tả là một cô bé vô cùng dễ
thương. Hai anh em luôn sống vui vẻ, yêu thương, hoà thuận với nhau từ nhỏ. Anh
trai cô hay gọi cô là Mèo vì cô hay bày trò pha màu, tô vẽ làm bẩn chính mình khi
vẽ. Nhưng Kiều Phương chưa bao giờ buồn và vẫn kiên trì với niềm đam mê của
mình. Đến khi tài năng của Phương được phát hiện cả nhà đã vô cùng xúc động
chúc mừng cô bé nhưng anh trai cô lại tỏ ra ghen tị và cảm thấy bản thân mình
kém cỏi. Quan hệ giữa hai anh em từ đây mà trở nên không còn thân thiết. Người
anh thường xuyên kiếm cớ cáu giận, quát mắng Phương. Hành động của anh đã
khiến cô bé rất buồn, thậm chí có chút không dám lại gần anh. Nhiều hôm cô thấy
anh trai ngồi bên cửa sổ mặt mơ màng suy nghĩ vẩn vơ một điều gì đó. Cô bé
không biết anh lo lắng hay nghĩ ngợi điều gì, muốn hỏi anh trai mình nhưng lại sợ
bị mắng nên thôi. Bằng tất cả tình yêu thương, Kiều Phương đã vẽ lại dáng vẻ thẫn
thờ đó của anh mình bên bàn học. Bức tranh “Anh trai tôi” của Phương đã đạt giải
cao nhất trong cuộc thi vẽ tranh đó. Điều đó khiến anh trai cô bé rất ngỡ ngàng,
hạnh phúc rồi đến xấu hổ.
Bức tranh của em gái tôi là một câu chuyện cảm động về tình cảm anh em sâu
đậm. Truyện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng những độc giả yêu thích tác phẩm của Tạ Duy Anh.
Bài văn phân tích một tác phẩm truyện - Mẫu 6
Nguyễn Ngọc Thuần là cây bút chuyên sáng tác cho trẻ em. Tác phẩm của ông
mang đến một thế giới trong trẻo, tươi mới và ấm áp. Một trong những tác phẩm
của ông là truyện “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” sẽ gửi gắm đến bạn đọc bài học giá trị.
Nhân vật chính trong tác phẩm là “tôi” - một cậu bé. Ngôi nhà của cậu có một khu
vườn rộng lớn. Mỗi buổi chiều ra đồng về, “tôi” lại được theo bố ra vườn tưới
nước cho cây cối. Người bố đã nghĩ ra một trò chơi thú vị, đó là yêu cầu tôi nhắm
mắt lại rồi đi đến chạm vào từng bông hoa và đoán xem đó là hoa gì. Sau nhiều lần,
cậu đã đoán được tên gọi của tất cả các loài hoa. Không dừng lại ở đó, người bố lại
nghĩ ra một trò chơi khác. Bố sẽ đứng ở đâu đó rồi hỏi “tôi” đoán xem khoảng cách
là bao xa, nhân vật “tôi” từ không đoán được đến “Bây giờ chỉ cần nghe tiếng bước
chân cũng biết bố cách xa bao nhiêu”. Người chú ban đầu không tin, nhưng nhân
vật “tôi” đã dần chứng minh được sự tự giác và khả năng của mình. Sau đó, lại một
trò chơi khác được nghĩ ra. Thay vì được chạm thì bây giờ nhân vật “tôi” chỉ được
ngửi rồi gọi tên. Khi đã thuần thục, cậu đã nhận được lời khen của bố là người có
chiếc mũi tuyệt nhất thế gian. Nhân vật tôi nhận ra rằng chính những bông hoa là
người đưa đường, dẫn lối cho cậu trong khu vườn. Người bố thật tinh tế khi đã
nghĩ ra những trò chơi thú vị, dạy cho con biết cảm nhận thiên nhiên và cuộc sống.
Còn nhân vật “tôi” lại là một đứa trẻ ngoan ngoãn, kiên trì và nhạy cảm khi biết cảm nhận thiên nhiên.
Không chỉ dừng lại ở đó, người bố còn dạy cho tôi về ý nghĩa giá trị của món quà.
Một hôm, cả nhà đang ăn cơm thì mọi người nghe có tiếng la hét. Nhân vật “tôi”
đã đoán ra hướng của tiếng hét, mẹ nói rằng nó ở phía bờ sông. Vậy là bố đã quăng
chén cơm ăn dở, băng qua vườn chạy ra bờ sông và cứu được thằng Tý. Khi nhận
được món quà của thằng Tý là: “Trái ổi to được lựa để dành cho bố đều có bịch ni
lông bọc lại đàng hoàng. Những trái ổi vừa to vừa mềm, cắn vài rất đã”. Vậy nên
dù rất ít khi ăn ổi nhưng người bố đã vui vẻ thưởng thức nó. Khi “tôi” cảm thấy
thắc mắc, bố đã giải thích cho cậu hiểu về giá trị của những món quà. Dù là một
món quà nhỏ bé, hết sức đơn giản nhưng quan trọng nhất là tâm ý của người tặng
món quà. Bởi vậy dù là người nhận hay cho món quà một cách trân trọng thì cũng
thể hiện nét đẹp của mình.
Có thể khẳng định rằng, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là một câu chuyện nhẹ
nhàng, nhưng gửi gắm bài học giá trị nhân văn sâu sắc.
Bài văn phân tích một tác phẩm truyện - Mẫu 7
Truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê” của nhà văn Khánh Hoài gửi
gắm bài một bài học sâu sắc. Tổ ấm gia đình là vô cùng quý giá và quan trọng. Mỗi
người hãy cố gắng bảo vệ và giữ gìn, không nên vì bất cứ lý do gì làm tổn hại
những tình cảm tự nhiên, trong sáng.
Nhan đề “Cuộc chia tay của những con búp bê” đem đến nhiều ý nghĩa. Búp bê chỉ
là một món đồ vật không có nhận thức, không có cảm giác. Vậy nên chúng không
thể chia tay nhau. Trong truyện, hai anh em Thành và Thủy không được sống cùng
với nhau nữa vì bố mẹ ly hôn nên dẫn đến hai con búp bê là Vệ Sĩ và Em Nhỏ mới phải chia tay.
Hai anh em Thành và Thủy hết mực yêu thương nhau. Nhưng vì bố mẹ ly hôn nên
hai anh em không thể tiếp tục sống với nhau được nữa. Trước ngày chia tay, mẹ ra
lệnh cho cả hai phải chia đồ chơi. Khi nghe thấy mẹ yêu cầu, Thành và Thủy đau
đớn nhận ra sự thật rằng cả hai sắp phải chia tay nhau. Thủy bất giác “run lên bần
bật, kinh hoàng đưa cặp mắt tuyệt vọng nhìn anh; cặp mắt đen của em lúc này buồn
thăm thẳm, hai bờ mi đã sưng mọng lên vì khóc nhiều, khóc cả đêm”. Còn Thành
khi “nghe tiếng khóc tức tưởi của em, cứ phải cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng
khóc to, nhưng nước mắt cứ tuôn ra như suối, ướt đầm cả gối và hai cánh tay áo”.
Những câu văn trên đã diễn tả tâm trạng buồn bã, đau đớn của Thành và Thủy.
Tiếp đến, cảnh tượng chia đồ chơi diễn ra thật cảm động. Thành dành toàn bộ độ
chơi cho em dù chẳng có gì nhiều: bộ tú lơ khơ, bàn cá ngựa, những con ốc biển và
bộ chỉ màu và ngay cả hai con búp bê là Em Nhỏ và Vệ Sĩ. Ngay cả Thủy cũng
muốn để lại hết cho anh. Có thể thấy, Thành và Thủy rất mực gần gũi, cả hai anh
em đều nhường nhịn và yêu thương nhau. Sau khi chia đồ chơi, Thành đã đưa
Thủy đến trường. Thủy đứng ở ngoài nhìn vào lớp học. Em “cắn chặt môi im lặng,
mắt đăm đăm nhìn khắp sân trường rồi bật khóc thút thít”. Cô giáo nhận ra Thủy
và kêu em vào lớp học. Cô tặng cho em một cái bút máy nắp vàng và một quyển sổ.
Cô tặng cho Thủy một quyển sổ và một chiếc bút mực nhưng Thủy không dám
nhận vì không còn được đi học nữa. Điều đó đã khiến cho cô giáo và các bạn sửng
sốt. Ai cũng cảm thấy thương cho Thủy. Một đứa trẻ đáng lẽ ra phải được học hành
mà bây giờ đã phải mang gánh nặng mưu sinh.
Cuối truyện, một cuộc chia tay chính thức đã diễn ra. Khi vừa tới nhà, hai anh em
đã nhìn thấy một chiếc xe tải đỗ trước cổng, mấy người hàng xóm đang giúp khuân
đồ lên xe. Cuộc chia tay quá đột ngột khiến Thành và Thủy vô cùng bất ngờ. Thủy
thì người như người mất hồn, mặt tái xanh như tàu lá. Em vội vàng chạy vào trong
nhà lấy con Vệ Sĩ đưa cho anh để nó trông cho anh ngủ. Còn Thành thì qua những
làn nước mắt, Thành nhìn theo mẹ và em đang trèo lên xe. Bỗng nhiên Thủy chạy
lại và đưa con Em Nhỏ cho anh, bắt anh phải hứa không bao giờ để chúng xa nhau.
Thành hứa với em, rồi đứng lặng nhìn theo cái bóng nhỏ liêu xiêu của em. Chi tiết
này gợi lên tình cảm yêu thương sâu sắc mà Thủy dành cho anh trai. Đối với Thủy,
hai con búp bê cũng giống như hai anh em và Thủy thì không muốn chúng phải
chia cắt. Truyện kết thúc thật ám ảnh “chiếc xe tải rồ máy, lao ra đường và phóng đi mất hút”.
Tác phẩm đã cho thấy được rằng tổ ấm gia đình là vô cùng quan trọng với mỗi con
người. Chính vì vậy, mọi người hãy cố gắng bảo vệ và gìn giữ nó.