-
Thông tin
-
Quiz
Cảm nhận về nhân vật trữ tình trong bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương | Ngữ văn 11
Nền văn học Việt Nam đã ghi nhận dấu ấn sâu sắc của nhiều tác giả tài năng, trong đó, không thể không kể đến thi sĩ với phong cách độc đáo và đầy cá tính - Hồ Xuân Hương, người được mệnh danh là “Bà Chúa Thơ Nôm”. Bà để lại cho đời nhiều tác phẩm nổi tiếng, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, trong đó bài thơ “Tự tình II” nổi bật trong chùm thơ Tự tình. Tài liệu giúp bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao. Mời bạn đọc đón xem!
Văn mẫu 11 321 tài liệu
Ngữ Văn 11 1.2 K tài liệu
Cảm nhận về nhân vật trữ tình trong bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương | Ngữ văn 11
Nền văn học Việt Nam đã ghi nhận dấu ấn sâu sắc của nhiều tác giả tài năng, trong đó, không thể không kể đến thi sĩ với phong cách độc đáo và đầy cá tính - Hồ Xuân Hương, người được mệnh danh là “Bà Chúa Thơ Nôm”. Bà để lại cho đời nhiều tác phẩm nổi tiếng, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, trong đó bài thơ “Tự tình II” nổi bật trong chùm thơ Tự tình. Tài liệu giúp bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao. Mời bạn đọc đón xem!
Chủ đề: Văn mẫu 11 321 tài liệu
Môn: Ngữ Văn 11 1.2 K tài liệu
Thông tin:
Tác giả:





Preview text:
Cảm nhận về nhân vật trữ tình trong bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương
1. Cảm nhận về nhân vật trữ tình trong bài thơ Tự tình của Hồ
Xuân Hương - Mẫu số 1
Nền văn học Việt Nam đã ghi nhận dấu ấn sâu sắc của nhiều tác giả tài năng, trong đó, không thể không kể
đến thi sĩ với phong cách độc đáo và đầy cá tính - Hồ Xuân Hương, người được mệnh danh là “Bà Chúa
Thơ Nôm”. Bà để lại cho đời nhiều tác phẩm nổi tiếng, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, trong đó bài thơ “Tự
tình II” nổi bật trong chùm thơ Tự tình.
Bài thơ mở ra với cảnh đêm khuya tĩnh mịch:
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non”
Không gian đêm khuya tĩnh lặng, càng làm nổi bật tiếng trống canh vọng xa, như âm vang từ cõi sâu thẳm
của đêm đen u tịch. Trong bức tranh ấy, hiện lên hình ảnh nữ thi sĩ tài hoa, lẻ loi, “trơ” lại giữa cuộc đời. Cái
"trơ" ấy không chỉ là sự cô đơn, mà còn chứa đựng nỗi đắng cay của người phụ nữ tài sắc nhưng lại gặp
nhiều trắc trở trong tình duyên. Trong cảnh ngộ ấy, bà tìm đến chén rượu để tạm quên đi nỗi sầu:
“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”
Chén rượu không làm bà say, mà chỉ làm rõ thêm nỗi bất hạnh của mình. Vầng trăng “bóng xế khuyết chưa
tròn” như một nhân chứng im lặng cho những nỗi niềm đau khổ của bà. Trăng khuyết, tượng trưng cho
những gì còn dang dở, chưa trọn vẹn, cũng chính là tình duyên của bà, chưa đạt đến bến bờ hạnh phúc.
Cảm giác lẻ loi giữa không gian bao la, trong đêm tối lạnh lùng, càng làm cho nỗi cô đơn thêm nặng nề, trĩu lòng.
Trong cảnh cô đơn ấy, bà bộc lộ rõ nét cá tính mạnh mẽ của mình:
“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”
Các động từ “xiên ngang”, “đâm toạc” diễn tả sự mạnh mẽ, quyết liệt, như muốn phá tung mọi ràng buộc,
bất công mà thân phận bà phải chịu. Những đám rêu, hòn đá nhỏ nhoi giữa không gian rộng lớn càng làm
cho cảnh vật thêm phần đìu hiu, trơ trọi. Nghệ thuật đảo ngữ giúp tác giả khắc họa mạnh mẽ cá tính độc
đáo của mình, một phong cách mà chúng ta cũng thấy trong thơ Bà Huyện Thanh Quan:
“Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà”
Cách dùng từ tài tình kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên hoang sơ, tĩnh lặng,
đồng thời làm nổi bật tâm trạng của người sáng tác.
Hai câu thơ cuối cùng của bài thể hiện sự chán chường trước vòng xoay của cuộc đời:
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”
Xuân đến rồi lại đi, như sự tuần hoàn của tự nhiên, nhưng trong mắt người phụ nữ cô đơn, nó trở nên vô
nghĩa. “Xuân” không chỉ là mùa đẹp trong năm mà còn là tuổi trẻ của nữ thi sĩ, đang dần trôi qua mà không
có được tình yêu trọn vẹn. Mối tình duyên nhỏ bé, phải san sẻ với người khác, làm cho tình cảm càng thêm
ít ỏi, không đủ để sưởi ấm trái tim lạnh lẽo. Hai câu thơ là lời than thở chua xót về hiện thực đầy đắng cay,
đồng thời thể hiện khát khao hạnh phúc trong tình yêu của Hồ Xuân Hương.
Bài thơ “Tự tình II” không chỉ phản ánh nỗi đau, sự phẫn uất trước duyên phận hẩm hiu mà còn thể hiện ý
chí, khát vọng vươn lên của nữ thi sĩ. Qua đó, chúng ta thấy được tài năng xuất sắc của bà trong việc sử
dụng ngôn từ, nghệ thuật để tạo nên những câu thơ đầy cảm xúc và ý nghĩa.
Dù thời gian có trôi qua, phong cách thơ văn của Hồ Xuân Hương vẫn luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong
lòng độc giả. Bài thơ “Tự tình II” không chỉ khẳng định tài năng của bà mà còn góp phần làm phong phú
thêm kho tàng văn học Việt Nam, để lại dấu ấn đậm nét cho nhiều thế hệ sau.
2. Cảm nhận về nhân vật trữ tình trong bài thơ Tự tình của Hồ
Xuân Hương - Mẫu số 2
Hồ Xuân Hương, một nữ thi sĩ xuất sắc của nền văn học Việt Nam, đã để lại nhiều tác phẩm nổi bật với
phong cách sáng tác đặc trưng tả cảnh ngụ tình. Bà còn được biết đến với hình ảnh của một nữ thi sĩ viết
nhiều về thân phận người phụ nữ, đề cao vẻ đẹp, sự hy sinh và đức hạnh của họ, đồng thời lên tiếng bênh
vực và phê phán gay gắt chế độ xã hội cũ. Trong số những tác phẩm đặc sắc của bà, bài thơ "Tự tình II" nổi
bật với nhiều cung bậc cảm xúc sâu lắng, không chỉ phản ánh tâm trạng riêng của tác giả mà còn đại diện
cho nỗi lòng chung của người phụ nữ thời bấy giờ.
Bài thơ "Tự tình II" mở đầu với hai câu thơ vừa tả cảnh, vừa tả hình ảnh một người phụ nữ - hay có thể gọi
là hồng nhan. Thế nhưng, hồng nhan đó lại rơi vào hoàn cảnh cô đơn, trống vắng giữa đêm khuya u tịch:
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non”
Những cơn sóng cảm xúc đang cuộn xoáy trong lòng khiến nữ sĩ suy tư, trăn trở, thao thức thâu đêm. Tiếng
trống canh lâu lâu lại điểm, báo thời gian đang trôi qua. Bước chân của đêm tối càng làm in sâu nỗi đau đời
âm ỉ, dai dẳng thiêu đốt tâm can nữ sĩ, bật thốt thành lời chua chát, đắng cay. Là một người phụ nữ có nhan
sắc, nhưng lại được miêu tả “trơ với nước non”, người phụ nữ đó nhận ra thân phận mình lẻ loi đơn chiếc.
Tiếng trống canh lại càng điểm thêm một nỗi buồn, trống vắng khó tả. Trong cảnh đơn côi ấy, người phụ nữ
đã tìm đến rượu để giải sầu:
“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”
Những tưởng rằng nỗi bất hạnh đã khiến tâm hồn hóa thành gỗ đá, nhưng không phải. Trái tim còn đập,
nên ý thức vẫn còn. Nữ sĩ đành say để quên đi tất cả, nhưng nghịch lý thay, chén rượu đưa lên mũi, hương
nồng vào mũi mà người muốn say nhưng tâm trí lại tỉnh táo. Nỗi buồn càng hiện rõ, như vầng trăng khuyết
chưa tròn. Có lẽ đây là hình ảnh ngụ ý cho thân phận, cho hạnh phúc của chính tác giả: là người tài giỏi
nhưng duyên phận hẩm hiu, chưa một lần trọn vẹn. Tuổi xuân dần đi qua mà hạnh phúc vẫn chưa tới bến đỗ.
Tỉnh thì đau khổ, nhưng mình vẫn còn là mình, không đến nỗi tuyệt vọng. Lời dạy của trời đất sâu kín mà
rành rành trước mắt, ngụ ở ngay trong rêu đá:
“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”
Hình ảnh rêu tuy mỏng manh, nhỏ bé nhưng lại có sức sống mạnh mẽ, không ngừng chống chọi với điều
kiện khắc nghiệt. Rêu "xiên ngang mặt đất" và đá "đâm toạc chân mây" tượng trưng cho sự phản kháng
mạnh mẽ và khát vọng tự do của nữ sĩ. Dù kiếp làm vợ lẽ, dù cố thoát ra nhưng vẫn không được. Cho nên mới có hai câu cuối:
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”
Xuân đi rồi xuân lại tới, nhưng tuổi xuân của con người thì không bao giờ trở lại. Đáng buồn thay cho số
phận hẩm hiu, chờ mong cả tuổi xuân mà hạnh phúc vẫn chưa tới. Từ "ngán" phần nào diễn tả nỗi lòng của
thi sĩ: mảnh tình đã nhỏ bé lại còn phải san sẻ. Không được hưởng một tình yêu trọn vẹn, tới khi tìm đến với
hạnh phúc lại phải san sẻ, thật quả là đáng thương. Qua đây, tác giả ngầm ẩn ý về những số phận của
người phụ nữ, chịu cảnh thê thiếp dưới chế độ cũ, không được coi trọng và không có quyền lên tiếng.
"Tự tình II" là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách của Hồ Xuân Hương, đặc biệt là những vấn
đề xoay quanh người phụ nữ. Bài thơ trĩu nặng một nỗi buồn nhưng không bi lụy, vì nổi bật lên trên hết là
cốt cách cứng cỏi, tâm hồn nhạy cảm và mạnh mẽ của nữ sĩ. Bài thơ vừa là tiếng lòng riêng của nữ sĩ, vừa
là tiếng lòng chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến thuở ấy. Qua đây, chúng ta thấy được một Hồ
Xuân Hương vừa yếu mềm nhưng cũng thật ngang tàng mạnh mẽ khi dám bộc lộ những suy nghĩ của chính mình.
Tác phẩm "Tự tình II" đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc qua nhiều thế hệ, không chỉ vì nội
dung sâu sắc mà còn vì tài năng nghệ thuật của Hồ Xuân Hương. Bà đã góp phần làm phong phú thêm kho
tàng văn học dân tộc, tạo nên những tác phẩm vượt thời gian, để lại tiếng vang lâu dài trong lịch sử văn học Việt Nam.
3. Cảm nhận về nhân vật trữ tình trong bài thơ Tự tình của Hồ
Xuân Hương - Mẫu số 3
Hồ Xuân Hương, một trong những nữ thi sĩ tài hoa của thế kỉ XVIII, được nhà thơ Xuân Diệu ca ngợi là "Bà
chúa thơ Nôm". Trong giai thoại dân gian, bà được biết đến như một người phụ nữ đa tài, đa tình, có tính
cách phóng khoáng và mạng lưới bạn bè văn chương rộng lớn. Tuy nhiên, cuộc đời tình duyên của nữ sĩ lại
gặp nhiều trắc trở, nhiều lần kết hôn nhưng đều không trọn vẹn, khiến bà sống trong nỗi cô đơn sâu sắc.
Bài thơ "Kể nỗi lòng" (Tự tình II) có lẽ ra đời từ những tâm trạng bi thương đó.
Trong một ngày, lúc hoàng hôn hay đêm khuya tĩnh mịch thường dễ gợi lên nỗi buồn nhất. Đối với những
người nhạy cảm như Hồ Xuân Hương, đây là thời điểm sống thật với lòng mình. Sau bao sóng gió cuộc đời,
tâm trạng của bà chẳng khác mấy với Thuý Kiều khi một mình một bóng dưới ngọn đèn khuya:
“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa!”
Những cơn sóng cảm xúc cuộn trào trong lòng, khiến nữ sĩ trăn trở, thao thức suốt đêm. Tiếng trống cầm
canh vang lên từng hồi, báo hiệu thời gian đang trôi đi:
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.”
Bước chân của đêm tối nặng nề, chậm chạp, như thể thời gian chậm lại, nhưng vẫn trôi đi. Tâm trạng buồn
thương của con người trong đêm khuya lắng đọng, chốc chốc như dồn thêm, làm lòng người càng nặng
trĩu. Nỗi đau đời âm ỉ, dai dẳng thiêu đốt tâm can nữ sĩ, bật thốt thành lời chua chát, đắng cay. Hồng nhan,
biểu tượng cho vẻ đẹp phụ nữ, trong cách dùng của Hồ Xuân Hương mang ý mỉa mai, hạ nó xuống ngang
hàng với những vật vô tri vô giác. Thật xót xa, hờn tủi khi bà gọi mình là "cái hồng nhan" trơ trọi giữa nước
non, tức là đã chai sạn mọi cảm xúc trước cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp. Đó là tình cảnh và tâm trạng bi đát
của nữ sĩ trong giờ khắc đặc biệt này.
Tưởng chừng nỗi bất hạnh đã khiến tâm hồn hóa thành gỗ đá, nhưng trái tim còn đập, ý thức vẫn còn, nữ sĩ
đành say cho quên nỗi sầu:
“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”
Muốn mượn chén rượu để say cho quên hết đau khổ, nhưng không sao quên được. Hết say lại tỉnh, những
hững hờ, dối trá của người đời vẫn sờ sờ ra đó, nỗi bẽ bàng, đau khổ của mình vẫn còn nguyên. Ước mong
một chút an ủi cũng không thành. Vầng trăng bóng xế giống như đời mình đã ngả chiều, chờ đợi mỏi mòn
mà ước mong vẫn khuyết chưa tròn. Vậy thì đến bao giờ trăng mới tròn, hỡi trời?
Tỉnh thì đau khổ nhưng mình vẫn là mình, không đến nỗi tuyệt vọng. Niềm tin của nữ sĩ vẫn còn, trước hết
là tin ở lòng mình, sức mình. Lời dạy của trời đất sâu kín, ngụ ở trong rêu đá:
“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mấy, đá mấy hòn.”
Rêu yếu ớt mà từng đám, vẫn xiên ngang mặt đất đón ánh mặt trời. Đá im lìm, hòn nọ tảng kia như đua
nhau đâm toạc chân mây khẳng định sự hiện diện của mình. Cách đặt câu, đảo ngược đưa tính từ lên trước
nhấn mạnh sức sống bất diệt của thiên nhiên. Mình là con người, đâu dễ dàng biến thành gỗ đá?
Con người cô độc, bất hạnh trong thời điểm đó, không gian đó chợt bừng tỉnh, muốn như rêu đá, xiên
ngang, đâm toạc những gì ngăn trở, giam hãm mình. Khổ nỗi, thực tế xã hội với bao dối trá, lạnh nhạt, áp
bức, bất công… vẫn còn đó. Trái tim rạo rực cảm xúc của nữ sĩ không chịu im tiếng, có nhu cầu được bày tỏ và chia sẻ:
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!”
Ngày tháng cứ trôi qua, xuân đi xuân lại theo nhịp tuần hoàn của đất trời, nhưng trong mắt đầy tâm trạng
của nữ sĩ, nó như sự cố tình trêu ngươi, vì mùa xuân đời người chỉ có qua đi mà không bao giờ trở lại.
Ngẫm đến mình, tuổi xuân trôi qua đã lâu, tình chỉ còn một mảnh nhỏ. Cụ thể hóa tình yêu đến thế, nữ sĩ
không chỉ chán chường mà còn ngao ngán đến cực độ. Tuy nhiên, vẫn chưa tuyệt vọng. Dù tình yêu, tình
đời chỉ còn một mảnh tí con con, nữ sĩ vẫn muốn san sẻ, mong ước chân thành để nhân tình thế thái bớt
xanh như lá, bạc như vôi. Đọc kĩ câu thơ, ta nghe nỗi hờn giận, đau xót thấm tận chân tơ kẽ tóc, từng tế
bào nhưng nữ sĩ vẫn không nguôi hy vọng.
Bài thơ "Kể nỗi lòng" in đậm dấu ấn cá tính và phong cách thơ của Hồ Xuân Hương. Bài thơ trĩu nặng nỗi
buồn nhưng không bi lụy. Cốt cách cứng cỏi, tâm hồn nhạy cảm và mạnh mẽ đã giúp nữ sĩ vượt qua bao
bất hạnh cuộc đời. Bài thơ là tiếng lòng riêng của nữ sĩ, là tiếng lòng chung của phụ nữ trong xã hội phong
kiến. Dù buồn, nữ sĩ vẫn đắm say, thiết tha với cuộc sống. Đó là điều cốt lõi đáng trân trọng của Hồ Xuân
Hương – “Bà chúa thơ Nôm”.