-
Thông tin
-
Hỏi đáp
Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử
Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử
Lịch sử nhà nước và pháp luật 2 tài liệu
Trường Đại học Kinh Tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh 1.4 K tài liệu
Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử
Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử
Môn: Lịch sử nhà nước và pháp luật 2 tài liệu
Trường: Trường Đại học Kinh Tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh 1.4 K tài liệu
Thông tin:
Tác giả:
Tài liệu khác của Trường Đại học Kinh Tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Preview text:
TỈNH UỶ TỈNH AN GIANG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TÔN ĐỨC THẮNG ------ ------ BÀI THU HOẠCH NGHIÊN CỨU THỰC TẾ
CHỦ ĐỀ: CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ THÁP BÀ PONAGAR THÀNH PHỐ NHA TRANG, TỈNH KHÁNH HOÀ Họ và tên học viên: Nguyễn Thị Thùy Duyên Đơn vị công tác: Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Lớp: TCLLCT A92 AN GIANG, NGÀY 15 THÁNG 8 NĂM 2023 |
MỞ ĐẦU
Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội; là năng lực sáng tạo, trí tuệ, tài năng, đạo đức của con người; trụ cột phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc và nhân loại. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vai trò của văn hóa càng được khẳng định. Trải qua nhiều thế kỷ, quá trình cộng cư và hòa cư các dân tộc anh em đã tạo nên cho Khánh Hòa ngày nay một sắc thái văn hóa độc đáo, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình tồn tại và phát triển, cư dân cổ Chămpa đã để lại một khối lượng di sản văn hóa khổng lồ về văn hóa vật chất, tinh thần trên dải đất miền Trung và Tây Nguyên ngày nay đặc biệt là tại Thành Phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Các di sản văn hóa tự nó không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không tổ chức việc tham quan để giới thiệu tuyên truyền về nó. Chỉ có tham quan mới có thể tạo điều kiện cho người xem hiểu phần trưng bày bảo tàng một cách rõ ràng, đồng thời hiểu biết cụ thể những di vật lịch sử, nắm được quy luật phát triển của lịch sử tự nhiên và xã hội. Công tác bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước, nhớ nguồn; nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo của dân tộc, tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Có thể nói, các giá trị văn hóa truyền thống đã trở thành sức mạnh tinh thần để gắn kết cộng đồng, khơi dậy tình cảm quê hương và tinh thần đoàn kết cộng đồng. Trên nền tảng đó, nên tôi chọn đề tài “Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Tháp Bà Ponagar thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà” là đề tài nghiên cứu. Đồng thời, tôi muốn nghiên cứu một cách sâu sắc, cụ thể hơn để có thể tự tin quảng bá hình ảnh đẹp này đến với những bạn bè trong và ngoài nước, những ai chưa biết đến Tháp Bà Ponagar - một khu di tích lịch sử của thành phố biển Nha Trang xinh đẹp.
NỘI DUNG 1. THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Đặc điểm vấn đề nghiên cứu:
1.1.1. Khái quát về tỉnh Khánh Hòa
Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước. Tỉnh Khánh Hòa có hình dạng thon hai đầu và phình ra ở giữa, ba mặt là núi, phía Đông giáp biển. Đất nông nghiệp tương đối phì nhiêu tạo thuận lợi cho sản xuất các loại cây lương thực, cây công nghiệp và cây ăn trái có giá trị. Nằm ở vị trí trung tâm của các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Khánh Hòa có mạng lưới giao thông khá thuận lợi, trên các trục giao thông quan trọng của cả nước, là nơi hội tụ “phía Bắc đi vào, phía Nam đi ra, Tây Nguyên đi xuống”. Có quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về quốc phòng và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước; mũi Đôi là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc; là cửa ngõ hướng biển, tâm điểm kết nối vùng giữa Tây Nguyên với Nam Trung Bộ. Khánh Hòa là trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn là vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời. Khánh Hòa là vùng đất có bề dày văn hóa, tại đây đã từng tồn tại một nền văn hóa Xóm Cồn, có niên đại lâu trước cả văn minh Sa Huỳnh. Các cư dân sinh sống ở ven biển và đồng bằng, còn các cư dân sinh sống sâu trong đất liền thì thích nghi với điều kiện thiên nhiên ở vùng rừng núi. Người Chăm và Raglay vốn định cư từ rất sớm, được coi là cư dân bản địa của Khánh Hòa. Trải qua quá trình cộng cư của các dân tộc và sự du nhập của các tôn giáo nước ngoài, Khánh Hòa có sự đa dạng về tôn giáo. Trong suốt chiều dài lịch sử, các dân tộc ở Khánh Hòa luôn đoàn kết bên nhau ứng phó với thiên nhiên khắc nghiệt, vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng cuộc sống. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, người dân Khánh Hòa đã khai phá và xây dựng, tạo nên non nước Khánh Hòa tươi đẹp như ngày nay.
Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, lịch sử văn hóa đã tạo cho Khánh Hòa địa quân sự khá đặc biệt về quốc phòng và an ninh; là địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, tạo động lực cho sự phát triển của khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.
1.1.2. Khái quát về Khu di tích lịch sử - văn hóa Tháp Bà Ponagar:
Dưới vương triều Panduranga, người Chăm xây dựng các đền tháp trên đồi Cù Lao ở xứ Kauthara, để thờ Nữ thần Ponagar là Mẹ Xứ sở của người Chăm, tên thường gọi là Tháp Bà Ponagar. Di tích có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII. Khu đền tháp có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tinh thần của dân tộc Chăm. Mỗi công trình chứa đựng những tinh hoa nghệ thuật của văn hóa Chămpa.
Tháp Bà Ponagar Nha Trang còn có tên gọi khác là Yang Po Inư Nagar hay Yang Pô Ana Gar (Inư, Ana trong tiếng Chăm, Eđê, Jarai có nghĩa là giống Cái) (tên đầy đủ là Po Inư Nagar, hay còn gọi là Po ANagar). Tên gọi "Tháp Po Nagar" được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét. Tháp Bà Ponagar Nha Trang là quần thể kiến trúc Chăm Pa lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tất cả được chia ra thành 3 mặt bằng: Khu vực Tháp Cổng, Mandapa (khu tiền đình) và cuối cùng là khu đền tháp. Và do trải qua biến động của lịch sử và thời gian. Hiện nay, tháp bà chỉ còn lại 5 công trình kiến trúc tập trung ở Mandapa và Đền Tháp ở trên. Các tháp ở đây đều được xây bằng gạch, trang trí nghệ thuật bằng chất liệu đá gốm, nội dung thể hiện gắn liền với các vị thần được thờ. Đặc biệt nhất là những viên gạch xây chồng khít lên nhau mà không cần bất kỳ một loại chất kết dính nào, đây là bí ẩn mà cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa khám phá ra được người Chăm đã làm thế nào để được như vậy.
* Mandapa (Khu Tiền Đình)
Tổng thể kiến trúc có niên đại ở thế kỷ XI đều xây bằng gạch nung gồm 4 hàng cột lớn. Trong đó: có 12 cột nhỏ bên ngoài hình bát giác, 10 cột lớn phía trong. Xác suất cao đây là kiến trúc hở tường bao và có mái che. Vì thời gian, đến nay không còn lại mái che nữa. Mặc dù vậy nhưng đây cũng là điểm nhấn rất độc đáo của Tháp Bà không lẫn vào đâu được.
* Khu đền tháp
Theo những di tích để lại thì khu đền tháp có tổng cộng là 6 Kalan. Kalan theo tiếng Chăm Pa là đền/tháp. Đang hiện hữu còn 4 Tháp, 2 tháp phía sau đã bị hủy và chỉ còn lại nền móng. Các tháp đều được xây dựng một kiểu giống nhau, chỉ khác về kích thước và độ rộng.
+ Tháp Đông Bắc
Tháp Chính – tháp lớn nhất trong số các tháp Chăm còn tồn tại ở Việt Nam. Tháp được xây dựng bằng gạch nung, bình đồ hình vuông, cao khoảng 23m. Trên vòm cửa là tấm phù điêu bằng đá hình lá đề thể hiện âm tính của thần Siva 4 tay đang múa. Phù điêu có niên đại thế kỷ XI và là một trong những tấm phù điêu đẹp nhất của văn hóa Chăm pa còn được lưu giữ ở Việt Nam. Niên đại của tháp chính được xây dựng lần đầu tiên vào các năm 813 – 817 và trải qua những biến cố của lịch sử, tháp đã được xây dựng lại vào thế kỷ XI – XII. Bên trong tháp là điện thờ tượng Nữ thần Ponagar - ngẫu tượng thờ là phần hồn của di tích.
Đây cũng là tượng của Uma (vợ - biểu hiện âm tính của thần Shiva).
+ Tháp Nam
Tháp lớn thứ 2 sau tòa tháp chính với độ cao 18m. Nhìn vào thì vẫn nhận ra kiến trúc xây theo mô típ cũ nhưng chỉ riêng phần mái có điều khác lạ. Chúng được thu gọn thành một tầng chóp kéo là lên trên, trên đỉnh có đặt 1 trụ linga. Được cho là nơi thờ thần Shiva – chồng Nữ Thần, cũng còn có tên là tháp Ông.
Có niên đại vào thế kỷ XIII.
+ Tháp Tây Bắc
Tháp cao 9m, là ngôi tháp duy nhất còn khá nguyên vẹn về kiến trúc và trang trí. Trên mỗi ô cửa giả đều có hoa văn trang trí hình các linh vật, được chạm trổ tinh xảo trên nền gacgh nung xây tháp. Trên ô cửa giả phía nam là hình ảnh chim thần Garuda, ô cửa giả phía bắc là hình ảnh đầu con Sư Tử, ô cửa giả phía tây là hình tượng nữ thần cưỡi voi. Đây là tháp thờ thần Ganesha – vị thần biểu tượng của may mắn, trí tuệ và hạnh phúc.
+ Tháp Đông Nam
Chỉ cao 7,1m và cũng là tháp nhỏ nhất trong tất cả. Tháp được xây dựng cũng khá đơn giản với mái hình yên ngựa hay hình thuyền. Hình ảnh quen thuộc của những ngư dân Đông Nam Á Hải Đảo. Là kiến trúc phụ và thuộc loại muộn, ở thế kỷ XI – XII. Tháp thờ vị thần tượng trung cho sức mạnh và chiến tranh Skandha. Đây cũng là tháp thờ ông bà Tiều – người đã cưu mang và nuôi dưỡng Nữ Thần Thiên Y A Na.
+ Bia Ký
Bia ký cổ Chămpa tại Tháp Bà Pô Nagar có giá trị rất lớn đối với các nhà nghiên cứu cho văn hóa, tôn giáo và lịch sử của vương quốc Chăm Pa. Phía sau Tháp chính có tấm bia do Phan Thanh Giản – một vị quan Thượng thư bộ Lễ dưới triều Nguyễn ghi chép, biên soạn và cho khắc vào năm 1856 (triều vua Tự Đức). Bằng chữ Hán – Nôm nói về truyền thuyết Thiên Y A Na Thánh Mẫu của người Việt.
* Lễ hội tháp bà và điệu múa bóng huyền thoại
Đây là lễ hội văn hóa dân gian lớn nhất của hai dân tộc Việt – Chăm ở Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ, thu hút đông đảo người Việt, người Chăm, người Hoa và du khách đến dự. Lễ hội Tháp Bà PoNagar là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, góp phần làm nên các yếu tố cố kết cộng đồng của các dân tộc trên dải đất miền Trung. Lễ hội là hoạt động góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Hằng năm cứ đến ngày 20-23 tháng 3 âm lịch, lễ hội tháp bà được diễn ra rất long trọng. Đặc biệt với màn múa bóng điêu luyện của các cô gái trẻ, đầu đội lễ vật, người hoa tươi, người đèn lồng ngũ sắc. Các cô gái mặc những bộ áo xiêm rực rỡ, mới nhất, xiêm y của người Chăm Pa và ngã nghiêng, uốn lượn theo điệu nhạc. Điệu múa bóng là đặc trưng của người Chăm, chỉ múa dâng lên mẹ (Bà Thiên Y) mỗi khi dịp lễ.
1.1.3. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa
Tháp Bà Ponagar
Trong quá trình tồn tại và phát triển, cư dân cổ Chămpa đã để lại một khối lượng di sản văn hóa khổng lồ về văn hóa vật chất, tinh thần trên dải đất miền Trung và Tây Nguyên ngày nay. Những thành tựu của nền văn hóa Chămpa được thể hiện trên nhiều lĩnh vực: nghệ thuật xây dựng đền tháp; nghệ thuật điêu khắc; bia ký; chữ viết; tôn giáo tín ngưỡng …
Điểm nhấn trong hoạt động tuyên truyền về di sản văn hóa có hiệu quả, mô hình tiểu biểu được nhân rộng trong cả nước là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa và Luật Di sản văn hóa, nhất là đối tượng thanh thiếu niên - thế hệ trẻ hiểu rõ giá trị di sản văn hóa của tỉnh Khánh Hòa, từ đó khơi dậy tình yêu, niềm tự hào của thế hệ trẻ. Từ năm 2017, ngành Văn hóa và Thể thao đã tổ chức thành công các Hội thi “Tìm hiểu di sản văn hóa” ở quy mô từ cấp huyện đến cấp tỉnh dành cho các em học sinh cấp THCS.
Mặt khác, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đã gắn kết, góp phần quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phục vụ tốt cho hoạt động du lịch trên địa bàn. Di tích Tháp bà Ponagar trong 5 năm qua đã thu hút gần 15 triệu (14.831.500) lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, số lượt khách và nguồn thu từ phí tham quan năm sau đều cao hơn năm trước.Nguồn thu từ kết quả hoạt động phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được đầu tư để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp đối với các hạng mục trong di tích và các hoạt động giữ gìn giá trị di sản văn hóa, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác quản lý, hướng dẫn tổ chức các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị lễ hội truyền thống, tín ngưỡng tại Khu di tích luôn được theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ. Lễ hội Tháp Bà PoNagar truyền thống hàng năm được tổ chức an toàn, đúng theo nghi lễ truyền thống.
1.2. Kết quả đạt được và nguyên nhân
1.2.1. Kết quả đạt được
Hiện nay, đã trải qua nhiều thế kỷ, chịu nhiều sự tàn phá của tự nhiên và chiến tranh, nhưng kiến trúc di tích Tháp Bà còn giữ lại được những công trình tương đối hoàn chỉnh so với các đền tháp Chămpa còn lại trên đất nước Việt Nam. Với những giá trị đặc sắc về kiến trúc và nghệ thuật, năm 1979, quần thể Tháp bà Ponagar được xếp hạng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia.
Di tích luôn được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trở thành trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu của nhân dân khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhất là dịp Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội Tháp Bà Ponagar được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2012.
Loại hình du lịch văn hóa gắn với di tích kiến trúc nghệ thuật ở Khánh Hòa được du khách quan tâm, tìm hiểu nhiều nhất khi đến Khánh Hòa. Tiêu biểu nhất là di tích tháp Bà Ponagar. Số lượng du khách tham quan và doanh thu tại di tích tháp Bà đã tăng theo từng năm. Hơn nữa, doanh thu tại di tích tháp Bà Ponagar không chỉ đảm bảo tự chủ trong chính sách lương thưởng cho đội ngũ cán bộ và nhân viên Trung tâm Di tích tỉnh Khánh Hòa, mà nó còn là nguồn kinh phí chủ đạo cho hoạt động trùng tu, tôn tạo nhiều di tích khác trong tỉnh.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã tích cực triển khai quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích với nhiều hình thức. Thành lập Ban quản lý di tích nhằm bảo tồn, quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Ngoài ra, cũng tích cực giáo dục về di sản trong trường học, tổ chức các hoạt động thăm quan các di tích trên địa bàn. Hàng năm, thực hiện rà soát các di tích, kịp thời phát hiện tình trạng xuống cập, sữa chữa, trùng tu. Hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích được các cấp, ngành trên địa bàn quan tâm chỉ đạo thực hiện; nhận thức của cán bộ, nhân dân trong vùng có di tích đã có sự chuyển biến, thể hiện rõ qua công tác xã hội hóa như: Đóng góp kinh phí, ngày công vào việc tu bổ, tôn tạo di tích.
Năm 2022, công tác tổ chức lễ hội Tháp Bà Ponagar đã được thực hiện bài bản, trang nghiêm, lành mạnh, đảm bảo phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong, ngoài tỉnh. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, địa phương tiếp tục thực hiện đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
1.2.2. Nguyên nhân:
Một là, các công trình kiến trúc ở đây đã trải qua hơn nghìn năm và chịu nhiều sự tác động của tự nhiên và con người, của chiến tranh. Từ đầu thế kỷ XX đến nay, Tháp Bà Ponagar đã trải qua một số lần trùng tu tôn tạo. Lần thứ nhất người Pháp tu bổ vào những năm 30 của thế kỷ XX. Dấu ấn rõ nhất của đợt tu bổ này là những chỗ gạch trát xi măng. Sau đó, những năm 90 của thế kỷ XX, chúng ta đã tiếp tục tu bổ để bảo tồn những ngôi tháp cổ. Lần tu bổ gần đây nhất là năm 2010 ở tháp Nam.
Hai là, do di tích tích hợp giá trị văn hóa, khoa học, tâm linh, lịch sử, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời di tích được các cấp chính quyền, ban ngành thường xuyên quan tâm tôn tạo và đầu tư cơ sở vật chất tốt.
Ba là, để tăng cường công tác bảo vệ, giữ gìn giá trị di tích, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn việc lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 11, năm 2022. Sở cũng quán triệt đến các địa phương về việc tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử - văn hóa theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Bốn là, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã ban hành quy chế thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu, giúp cho nhân dân hiểu rõ hơn về sinh hoạt văn hóa tâm linh này. Sở Văn hóa và Thể thao đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Sở đang xây dựng để tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế bảo vệ và phát huy di sản trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, có cơ chế cụ thể nhằm thực hiện một cách đồng bộ, tránh sự chồng lấn.
1.3. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
1.3.1. Tồn tại, hạn chế
Ngoài yếu tố khách quan là khí hậu, thời gian hay sự thoái hóa của các chất liệu thì kinh doanh du lịch cũng đã làm giảm tuổi thọ của di tích. Tình trạng xâm hại di tích vừa nghiêm trọng vừa kéo dài do vấn đề phát triển nhanh.
Hoạt động hướng dẫn tham quan trong khu di tích có thể nhận thấy không đồng đều. Họ làm thuyết minh từ vốn hiểu biết, tự học hỏi từ công việc chuyên môn hàng ngày, hoặc qua truyền miệng...dẫn đến chất lượng hiệu quả công việc không cao.
Số lượng thuyết minh ít trong khi đó nhu cầu nghe thuyết minh của khách thì ngày càng nhiều, nhất là các ngày lễ lớn mà điều kiện kinh phí, lương và chế độ còn thấp dẫn đến chất lượng, hiệu quả công việc không cao.
Chỉ có một bài thuyết minh chung cho tất cả các đối tượng khách tham quan, không biên soạn những bài thuyết minh cho từng đối tượng khách dẫn đến nội dung tuy phong phú và hấp dẫn những không thể chuyển tải hết những nét đặc sắc, nét riêng cho từng đối tượng hiểu.
Công tác trùng tu, tôn tạo các di tích vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, kinh phí chủ yếu phụ thuộc ngân sách nên còn hạn hẹp...
1.3.2. Nguyên nhân tồn tại, hạn chế:
Một là, nhận thức bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa chưa song hành với nhau.
Hai là, các cấp chính quyền, các ngành quản lý địa phương nhận thức chưa đúng và đầy đủ về những giá trị của di tích.
Ba là, công tác nghiên cứu, đào tạo, quản lý, bảo tồn và phát huy di tích chưa đồng bộ còn mang tính hình thức là chủ yếu. Còn chú trọng về khai thác các giá trị từ khu di tích vì mục tiêu doanh thu mà khai thác ồ ạt, quá tải.
Bốn là, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, liên kết vùng nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa chưa đoực thực hiện mạnh mẽ và đồng bộ.
2. GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ
2.1. Giải pháp
Một là, chúng ta phải nhận thức bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa phải luôn song hành với nhau. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử - văn hóa. Đồng thời công tác bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa Tháp Bà Ponagar phải phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Mặt khác, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch phải biết vận dụng linh hoạt của ba phương thức: bảo tồn nguyên trạng, bảo tồn kế thừa và bảo tồn phát triển.
Hai là, các cấp chính quyền, các ngành quản lý địa phương nhận thức đúng và đầy đủ về những giá trị của di tích. Đặc biệt là ngành quản lý văn hóa nên khảo sát tổng thể, kỹ lưỡng, đánh giá đúng về nguồn lực này của Khu di tích lịch sử - văn hóa Tháp Bà Ponagar. Ngành quản lý văn hóa phải thường xuyên kiểm kê, nghiên cứu thực địa nhằm phát hiện nhân tố tác động đến thực trạng, tương lai di sản văn hóa cả góc độ khách quan và chủ quan, từ đó xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị.
Ba là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đào tạo, quản lý, bảo tồn và phát huy di tích phải đồng bộ. Công tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực phải được ưu tiên trước, từ đó định hướng chiến lược phát triển du lịch bền vững. Chúng ta nhận thức không chỉ bền vững trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, mà chúng ta còn phải bền vững trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển. Vì thế mà những nhà quản lý, nhân viên, thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch, văn nghệ sĩ phải được đào tạo chuyên nghiệp, đồng thời phải có đạo đức nghề, nắm vững kiến thức lịch sử và văn hóa vùng đất. Đặc biệt là thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch trong hội nhập quốc tế không chỉ thành thạo đa ngoại ngữ, mà họ còn phải hiểu biết đa văn hóa.
Bốn là, công tác bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa giữa ngành du lịch với ngành Văn hóa phải có trách nhiệm song hành. Khắc phục thực trạng công tác bảo tồn và phát huy di tích là hai đường thẳng song song. Đồng thời loại bỏ tư duy khai thác di tích theo tư duy “ăn xổi ở thì”, nghĩa là khai thác vì lợi ích trước mắt. Mặt khác, ngành Du lịch nên nhận thức tài nguyên văn hóa giống như tài nguyên thiên nhiên, nếu chỉ khai thác mà không tái tạo, sáng tạo giá trị mới thì sẽ bị mai một và khó phục dựng nguyên trạng. Ngành Du lịch và ngành Văn hóa không vì mục tiêu doanh thu mà khai thác ồ ạt, quá tải. Vì sự quá tải sẽ làm ảnh hưởng đến sự bền vững của di tích.
Năm là, lựa chọn đầu tư phục dựng, làm mới, trùng tu, tôn tạo các hạng mục thành những điểm tham quan du lịch phải giữ được truyền thống, quy mô tương xứng, dịch vụ đồng bộ, ấn tượng và hấp dẫn du khách. Theo đó, khi trùng tu, tôn tạo, hoặc xây mới cần nghiên cứu kỹ về quy mô, phong cách kiến trúc, vật liệu và nghệ thuật trang trí… Mặt khác, việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch không được xâm phạm và ảnh đến môi trường sinh thái – nhân văn của di tích. Thêm vào đó, chính quyền địa phương không vì mục tiêu phát triển du lịch mà chuyển đổi hoặc làm biến dạng chức năng của di tích.
Sáu là, việc bảo tồn và phát huy di tích nên lắng nghe, tôn trọng những chủ thể đã sáng tạo và trao truyền các giá trị. Mặt khác, việc phát huy du lịch di sản văn hóa phải đảm bảo lợi ích cộng đồng và vì cộng đồng. Đồng thời loại bỏ thực trạng “Việt/Kinh hóa”, “sân khấu hóa”, “thương mại hóa” các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục du lịch.
Bảy là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, liên kết vùng nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Khánh Hòa với các địa phương trong nước như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam,
Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nội. Mặt khác, đẩy mạnh công tác học tập, trao đổi kinh nghiệm với những quốc gia giàu kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ý…
2.2. Kiến nghị
2.2.1. Đối với địa phương
Một là, nâng cao nhận thức giá trị và vai trò của Khu di tích lịch sử - văn hóa Tháp Bà Ponagar trong đời sống văn hóa cộng đồng
Hai là, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, sưu tầm, hoàn thiện tư liệu lịch sử và hiện vật nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử văn hóa Tháp Bà Ponagar.
Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào các hoạt động quản lý và nghiệp vụ
Bốn là, phát huy vai trò của cộng đồng đối với vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa Tháp Bà Ponagar.
Năm là, cần có chế độ đãi ngộ đối với những người trực tiếp làm công tác thuyết minh về mặt vật chất cũng như tinh thần. Có chính sách ưu đãi để bồi dưỡng hoặc tuyển dụng cán bộ thuyết minh có trình độ ngoại ngữ nghe và nói tốt.
2.2.2. Đối với Trường Chính trị Tôn Đức Thắng
Tiếp tục giới thiêu và tạo điều kiện cho học viên các lớp khác đến nghiêṇ cứu, học tập kinh nghiệm tại những địa phương có các di tích lịch sử để tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc.
- VẬN DỤNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TẾ
3.1. Kinh nghiệm về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử:
Nhận thức rõ văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội; là năng lực sáng tạo, trí tuệ, tài năng, đạo đức của con người; trụ cột phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc và nhân loại. Vì vậy qua chuyến đi nghiên cứu thực tế tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Tháp Bà Ponagar, tôi rút ra được kinh nghiệm về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử như sau:
Một là, di tích lịch sử - văn hóa là tài sản quý của cộng đồng các dân tộc và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Vấn đề bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đặc biệt là di tích lịch sử – văn hóa là một mục tiêu vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội, song quan trọng và quyết định nhất vẫn là vai trò của Nhà nước.
Hai là, tăng cường các hình thức bảo vệ, chống vi phạm di tích, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra hiện tượng vi phạm về trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai, cảnh quan môi trường ở di tích.
Ba là, nhất thiết xây dựng đội ngũ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có tâm huyết, có trình độ, năng lực chuyên môn. Đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về di sản văn hóa cho đội ngũ làm công tác văn hóa thông tin nhất là ở cơ sở; đội ngũ quản lý bảo vệ và tổ chức hoạt động tại các di tích. Đào tạo đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, nhất là các điểm di tích có khả năng khai thác phục vụ du lịch.
Bốn là, phát triển loại hình du lịch văn hóa với di tích khảo cổ học, di tích lịch sử cách mạng, di tích kiến trúc nghệ thuật; loại hình du lịch sinh thái gắn với danh lam thắng cảnh; loại hình du lịch văn hóa lễ hội; loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống và đương đại cần được phối hợp chặt chẽ và đồng nhất với nhau.
3.2. Vận dụng kết quả nghiên cứu thực tế đối với địa phương tỉnh An
Giang
Một là, phải nhận thức bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh An Giang phải luôn song hành với nhau. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa phải phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Mặt khác, bảo tồn và phát huy giá trị giá trị của di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch phải biết vận dụng linh hoạt của ba phương thức: bảo tồn nguyên trạng, bảo tồn kế thừa và bảo tồn phát triển.
Hai là, các cấp chính quyền, các ngành quản lý địa phương nhận thức đúng và đầy đủ về những giá trị giá trị của di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tình An Giang. Ngành quản lý văn hóa phải thường xuyên kiểm kê, nghiên cứu thực địa nhằm phát hiện nhân tố tác động đến thực trạng, tương lai giá trị của di tích lịch sử - văn hóa cả góc độ khách quan và chủ quan, từ đó xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị của chúng.
Ba là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực phải được ưu tiên trước, từ đó định hướng chiến lược phát triển du lịch di tích lịch sử - văn hóa bền vững. Chúng ta nhận thức không chỉ bền vững trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, mà chúng ta còn phải bền vững trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển. Vì thế mà những nhà quản lý, nhân viên, thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch, văn nghệ sĩ phải được đào tạo chuyên nghiệp, đồng thời phải có đạo đức nghề, nắm vững kiến thức lịch sử và văn hóa vùng đất. Đặc biệt là thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch trong hội nhập quốc tế không chỉ thành thạo đa ngoại ngữ, mà họ còn phải hiểu biết đa văn hóa.
Bốn là, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa giữa ngành du lịch với ngành Văn hóa phải có trách nhiệm song hành. Khắc phục thực trạng công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là hai đường thẳng song song. Mặt khác, ngành Du lịch nên nhận thức tài nguyên văn hóa giống như tài nguyên thiên nhiên, nếu chỉ khai thác mà không tái tạo, sáng tạo giá trị mới thì sẽ bị mai một và khó phục dựng nguyên trạng.
Năm là, lựa chọn đầu tư phục dựng, làm mới, trùng tu, tôn tạo di sản văn hóa vật thể thành những điểm tham quan du lịch phải giữ được truyền thống, quy mô tương xứng, dịch vụ đồng bộ, ấn tượng và hấp dẫn du khách. Theo đó, khi trùng tu, tôn tạo, hoặc xây mới cần nghiên cứu kỹ về quy mô, phong cách kiến trúc, vật liệu và nghệ thuật trang trí… Thêm vào đó, chính quyền địa phương không vì mục tiêu phát triển du lịch mà chuyển đổi hoặc làm biến dạng chức năng của di tích.
Sáu là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, liên kết vùng nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh An Giang.
Bảy là, tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của toàn dân trong công tác tôn tạo di tích, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, vận động sức dân là chính”. Xây dựng các đề án xã hội hóa trong công tác bảo tồn tôn tạo di tích gắn với khai thác phát triển du lịch – nhất là các di tích quốc gia đặc biệt có lợi thế; Mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng liên kết hợp tác, hình thành các điạ chỉ du lịch hấp dẫn gắn với di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tạo lập sự hài hòa giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới với bảo vệ di sản văn hóa và phong trào xây dựng di sản văn hóa cơ sở. Hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch các di tích quốc gia đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư, xã hội hóa trong công tác khai thác và phát huy giá trị di tích. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản di tích phải đảm bảo tính trung thực, tính đặc trưng là giá trị gốc của di tích. Thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích trên cơ sở đảm bảo tính nguyên vẹn, tôn trọng yếu tố gốc, sự bền vững, sự hài hòa của di tích với cảnh quan lịch sử - văn hóa của khu vực.
KẾT LUẬN
Khu di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang là điểm hội tụ các giá trị truyền thống của qúa trình giao lưu Việt – Chăm trong lịch sử, là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, góp phần làm nên các yếu tố cố kết cộng đồng của các dân tộc Việt Nam hôm nay và điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi đến Nha Trang – Khánh Hòa.
“Ai buông Trầm! Mây trắng vấn vương Mềm nét lượn ÁP SA RA huyền thoại
Tháp Bà thả hồn Cù Lao, Sông Cái
Lửa bập bùng hoang lắng trống Ghi-Năng”
Di tích lịch sử - văn hóa là tài sản của các thế hệ đi trước trao truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử chính là thể hiện cụ thể tinh thần yêu nước, sự biết ơn của chúng ta đối với các bậc tiền nhân, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, đó là cội nguồn, đồng thời là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Cuộc sống luôn vận động, phát triển với những tiêu chí văn hóa mới và nhu cầu mới. Tính không lặp lại của di sản lịch sử - văn hóa đòi hỏi phải có nhận thức đúng, có chính sách bảo vệ một cách bền vững, lâu dài. Trách nhiệm với di tích lịch sử là tổng hòa trách nhiệm chung của toàn xã hội, của mỗi địa phương, không phải của riêng cơ quan quản lý, càng không phải của riêng người dân./.