Đề thi Học sinh giỏi môn Ngữ văn 12 năm học 2019-2020 của Sở GD&ĐT Đà Nẵng (có đáp án)
Đề thi Học sinh giỏi môn Ngữ văn năm học 2019-2020 của Sở GD&ĐT Đà Nẵng. Đề thi gồm 1 trang với 2 câu hỏi trong thời gian 150 phút. Tài liệu giúp bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Mời bạn đọc đón xem!
Preview text:
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KÌ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 12 CẤP THÀNH PHỐ
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM HỌC 2019-2020 MÔN: NGỮ VĂN
ĐỀ CHÍNH THỨC Thời gian làm bài: 150 phút (không tính thời gian giao đề)
(Đề thi có 01 trang) Câu 1. (4,0 điểm)
Ngạn ngữ châu Phi có câu: Đừng nhìn nơi bạn ngã, hãy quan sát nơi bạn bắt đầu trượt.
(Dẫn theo Tuyển chọn những câu chuyện hay nhất Hạt giống tâm hồn,
NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh)
Trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu ngạn ngữ trên. Câu 2. (6,0 điểm)
Cảm hứng lãng mạn đã nâng đỡ con người Việt Nam có thể vượt lên mọi thử
thách, trong máu lửa chiến tranh đã hướng tới ngày chiến thắng, trong gian khổ cơ
cực đã nghĩ tới ngày ấm no, hạnh phúc.
(Dẫn theo Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam)
Qua các tác phẩm văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 trong chương
trình Ngữ văn lớp 12, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. - Hết -
Họ và tên học sinh:…………………………………Số báo danh:…………..Phòng thi:……
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KÌ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 12 CẤP THÀNH PHỐ
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM HỌC 2019-2020
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN
Câu 1. (4,0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng
- Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí.
- Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
2. Yêu cầu về nội dung
Học sinh có thể trình bày bài viết theo nhiều cách khác nhau nhưng cần có các ý cơ bản sau: a) Giải thích
- Đừng nhìn nơi bạn ngã: Không nên quan tâm đến những thất bại, những kết quả
không đạt được như mong muốn.
- Quan sát nơi bạn bắt đầu trượt: Cần tìm hiểu những yếu tố, nguyên nhân dẫn đến thất bại.
- Ý kiến nêu lên cách ứng xử, thái độ của con người khi gặp thất bại trong cuộc sống:
Chúng ta không nên chú ý đến thất bại mà cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến kết quả không mong muốn đó. b) Bàn luận
- Nếu chúng ta quá chú tâm xem xét kết quả thất bại thì sẽ có thái độ tự ti, nản lòng,
buông xuôi; không có động lực tiếp tục hành động, phấn đấu để thay đổi cuộc sống.
- Khi xác định được những yếu tố, nguyên nhân dẫn đến thất bại, mỗi người sẽ rút ra
cho bản thân bài học kinh nghiệm, tìm ra cách thức phù hợp vượt qua khó khăn, thử thách để
tiếp tục vươn lên chinh phục thành công.
- Việc tìm hiểu nguyên nhân thất bại thể hiện thái độ bình tĩnh, sáng suốt và bản lĩnh
của con người khi đối mặt với những thách thức trong cuộc sống. Đó là thái độ của những
người có ý thức nỗ lực chinh phục hoàn cảnh, hoàn thiện bản thân, tạo nên những thành tích xứng đáng.
- Phê phán những người quá chú tâm vào sự thất bại của bản thân, chỉ nhìn vào kết quả,
sống bi quan, dễ dàng chấp nhận thất bại, không truy tìm nguyên nhân để vạch ra cách giải quyết vấn đề,…
c) Bài học nhận thức và hành động
- Hiểu được sự cần thiết của việc tìm hiểu nguyên nhân thất bại, biết rút kinh nghiệm
sau mỗi lần vấp ngã để vững vàng hơn trong cuộc sống.
- Cần tìm hiểu nguyên nhân thất bại với một thái độ khách quan, trung thực, cầu thị; nỗ
lực hoàn thiện bản thân để tìm ra cách thức phù hợp, hiệu quả vượt qua hoàn cảnh, vươn đến thành công. 3. Biểu điểm
- Điểm 4: Bài làm đạt các yêu cầu nêu trên. Có thể còn vài sai sót nhỏ.
- Điểm 3: Nắm vững yêu cầu đề, trình bày tương đối đầy đủ các yêu cầu về nội dung.
Bố cục cân đối. Diễn đạt rõ ý.
- Điểm 2: Hiểu đúng yêu cầu của đề bài. Nêu được một số ý cơ bản, song bài viết còn
bộc lộ nhiều hạn chế. Diễn đạt nhiều chỗ còn lúng túng.
- Điểm 1: Hiểu đề, song bài viết còn sơ lược. Diễn đạt yếu, mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề hoặc chỉ viết vài dòng chiếu lệ.
Câu 2. (6,0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng
- Biết cách làm bài văn phân tích, chứng minh một ý kiến bàn về văn học. Bố cục rõ
ràng, chặt chẽ, cân đối; diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc, không mắc lỗi dùng từ, đặt câu.
- Biết xây dựng luận điểm và phân tích để làm sáng tỏ ý kiến.
2. Yêu cầu về nội dung
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
a) Giới thiệu về văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 và giải thích ý kiến:
- Giai đoạn văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 ra đời và phát triển trong bối
cảnh đất nước ta diễn ra nhiều sự kiện lớn lao: chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài ba
mươi năm, công cuộc xây dựng cuộc sống mới, con người mới ở miền Bắc,… Đây là nền
văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
- Cảm hứng lãng mạn trong văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 được thể
hiện trong việc khẳng định những tình cảm mãnh liệt hướng về lí tưởng, khát vọng cao đẹp,
tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu người, ý chí mạnh mẽ của con người trong cuộc đấu tranh
chống các thế lực ngoại xâm, xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống mới.
- Ý kiến khẳng định cảm hứng lãng mạn đã trở thành sức mạnh tinh thần giúp con
người vượt lên trên hiện thực cuộc sống gian khổ, khắc nghiệt, mất mát để hướng tới ngày
chiến thắng và nghĩ đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc. b) Phân tích, chứng minh
- Văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 đã phản ánh bức tranh hiện thực đất
nước đau thương, mất mát trong hoàn cảnh chiến tranh; nhọc nhằn, vất vả trong cuộc sống lao động.
- Tình yêu, niềm tin vào lí tưởng, tinh thần lạc quan cách mạng, ước mong về tương lai
tươi sáng và khát vọng cháy bỏng về hòa bình, hạnh phúc đã trở thành nguồn sức mạnh tinh
thần giúp con người vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh, mất mát.
- Cảm hứng lãng mạn đã trở thành cảm hứng chủ đạo trong các thể loại từ thơ đến
truyện ngắn, tiểu thuyết, kí... được thể hiện trong tứ thơ, hình ảnh, giọng điệu; trong cách
xây dựng tình huống truyện; trong sự vận động của cốt truyện, xung đột nghệ thuật, của hình
tượng nhân vật, của dòng tư tưởng, cảm xúc của tác giả đi từ trong bóng tối hướng ra ánh
sáng, từ nỗi buồn đến niềm vui, từ hiện thực đói khổ nghĩ đến tương lai no ấm.
- Cảm hứng lãng mạn góp phần làm nổi bật vẻ đẹp của con người Việt Nam trong
những hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt và thể hiện giá trị đặc sắc của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975.
- Gợi ý một số tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 12 mà học sinh có thể lựa chọn để chứng minh:
+ Tây Tiến (Quang Dũng): cuộc hành quân đầy gian khổ, hi sinh và vẻ đẹp hào hùng,
hào hoa, bi tráng của những người lính Tây Tiến.
+ Việt Bắc (Tố Hữu): nghĩa tình sâu nặng với mảnh đất Việt Bắc trong những năm
tháng chiến tranh đầy gian khổ thiếu thốn và niềm tin, niềm tự hào về quê hương Việt Bắc anh hùng.
+ Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài): cuộc đời nô lệ đau thương của người dân vùng núi Tây
Bắc dưới sự thống trị của bọn chúa đất phong kiến trước Cách mạng và sự phát hiện, ngợi ca
sức sống tiềm tàng, khả năng cách mạng đã giúp cho con người Tây Bắc vượt lên hoàn cảnh
khắc nghiệt để tìm đến với tự do, hạnh phúc.
+ Vợ nhặt (Kim Lân): bức tranh hiện thực ảm đạm, thê lương trong nạn đói khủng
khiếp năm 1945 và khát khao hạnh phúc, niềm hi vọng vào một tương lai no ấm đã trở thành
động lực để con người tiếp tục sống. ... c) Đánh giá
- Khẳng định cảm hứng lãng mạn trong các tác phẩm và tính đúng đắn của ý kiến
- Cảm hứng lãng mạn là một đặc điểm cơ bản góp phần tạo nên vẻ đẹp riêng của văn
học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975; từ đó ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn và bản lĩnh con người Việt Nam. 3. Biểu điểm
- Điểm 6: Đảm bảo đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết có cảm xúc. Có thể còn mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 4-5: Hiểu đúng yêu cầu của đề. Đảm bảo được những ý cơ bản nhưng kĩ năng
chứng minh, phân tích vài chỗ còn hạn chế.
- Điểm 2-3: Hiểu yêu cầu của đề nhưng bài làm còn thiếu một số ý, kĩ năng chứng
minh, phân tích còn hạn chế, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
- Điểm 1: Hiểu yêu cầu của đề mơ hồ, phân tích chung chung, thiếu định hướng. Diễn đạt kém.
- Điểm 0 : Bỏ giấy trắng hoặc hiểu sai yêu cầu của đề bài.