Đề thi thử THPTQG môn Ngữ văn năm 2024 - Đề 5 (có đáp án)
Trọn bộ Đề thi thử THPTQG môn Ngữ văn năm 2024 - Đề 5 có đáp án. Tài liệu được biên soạn dưới dạng file PDF gồm 2 trang với 2 phần: đọc hiểu và làm văn giúp bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Mời bạn đọc đón xem!
Preview text:
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn - Đề số 5 I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới:
(1) Sau Tết Nguyên Đán một tháng là thời gian thích nhất ở rừng. Cây cối đều nhú
lộc non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng vừa tình cảm. Điều
ấy một phần là do mưa xuân
(2) Khoảng thời gian này mà đi trong rừng, chân giẫm lên lớp lá ải mục, hít thở
không khí trong lọc, thỉnh thoảng lại được thót mình bởi một giọt nước trên cây rỏ
xuống vai trần thì thật tuyệt thú. Tất cả những trò nhố nhăng đê tiện vấp phải hàng
ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc nhỏ trên cành dâu da.
(3) Chính dịp đó ông Diểu đi săn.
(4) Ý nghĩ đi săn nảy sinh khi thằng con học ở nước ngoài gửi về biếu ông khẩu
súng hai nòng. Khẩu súng tuyệt vời, nhẹ bỗng, hệt như một thứ đồ chơi, thật nằm
mơ cũng không thấy được. Ở tuổi sáu mươi, đi săn trong rừng vào một ngày xuân kể cũng đáng sống. …
(5) Ông Diểu thấy buồn tê tái đến tận đáy lòng. Ông nhìn cả hai con khỉ và thấy cay
cay sống mũi. Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề.
« Thôi tao phóng sanh cho mày!» – Ông Diểu ngồi yên một lát rồi bỗng đứng dậy
nhổ bãi nước bọt dưới chân mình. Lưỡng lự giây phút rồi ông vội vã bước đi. Hình
như chỉ chờ có thế, con khỉ cái vọt ngay ra khỏi chỗ nấp, chạy vội đến con khỉ đực nằm.
(6) Ông Diểu rẽ sang một lối đi khác. Ông muốn tránh sẽ gặp người. Lối này đầy
những bụi gai ngáng đường nhưng hoa tử huyền nhiều không kể xiết. Ông Diểu
dừng lại sững sờ. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp
hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người
ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước
thanh bình, mùa màng phong túc.
(Muối của rừng, Nguyễn Huy Thiệp, Tập truyện Tình yêu, tội ác và trừng phạt, NXB Trẻ, 2012)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Ý nghĩ đi săn của ông Diểu nảy sinh khi nào?
Câu 3. Theo anh/chị, hình ảnh hoa tử huyền trong văn bản có ý nghĩa như thế nào?
Câu 4. Anh/chị có suy nghĩ gì về việc ông Diểu phóng sinh cho con khỉ đực? II. LÀM VĂN
Câu 1. Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200
chữ) nêu suy nghĩ của anh/ chị về cách con người nên ứng xử với thiên nhiên? Câu 2.
Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến
quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi
giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ. Và rồi,
như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng
đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Đối với Huế,
nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình. Riêng với sông
Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này
thực bất ngờ biết bao. Có một cái gì rất lạ với tụ nhiên và rất giống con người ở đây;
và để nhân cách hóa nó lên, tôi gọi đây là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín
đáo của tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ này, sông
Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển
cả: "Còn non, còn nước, còn dài, còn về, còn nhớ...”. Lời thề ấy vang vọng khắp lưu
vực sông Hương thành giọng hò dân gian; ấy là tấm lòng người dân nơi Châu Hóa
xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở.
(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.200-201)
Anh/chị hãy cảm nhận đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về nét tài hoa, uyên bác của
Hoàng Phủ Ngọc Tường khi viết về hình tượng sông Hương.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn - Đề số 5 I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên: tự sự Câu 2.
Ý nghĩ đi săn nảy sinh khi thằng con học ở nước ngoài gửi về biếu ông khẩu súng hai nòng Câu 3.
Hình ảnh hoa tử huyền gợi đến nhiều ý nghĩa:
– Kết tinh vẻ đẹp của núi rừng thiên nhiên.
– Hình ảnh mang tính chất đánh giá và dự báo Câu 4.
– Thí sinh nêu có thể nêu ra đánh giá về sự việc theo định hướng sau:
+ Ông Diểu phóng sinh vì nhìn thấy con khỉ đực này còn có gia đình và vai trò,
trách nhiệm với gia đình của nó; vì ông nhận ra hành động đi săn sẽ giết chết con
khỉ đực, phá hoại một gia đình.
+ Qua việc này, ta thấy ông là một người có tấm lòng nhân hậu, yêu thiên nhiên… II. LÀM VĂN Câu 1.
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cách con người nên ứng xử với thiên nhiên
Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận
theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề Có thể theo hướng:
– Thiên nhiên có vai trò rất quan trọng với sự sinh tồn của con người vì thế con
người cần có cho mình sự gắn bó, hòa hợp với thiên nhiên, coi đó là người bạn để
cùng chung sống hòa bình.
– Cần ý thức sâu sắc vai trò của thiên nhiên để luôn trân quý những giá trị của thiên nhiên quanh mình.
– Cần tích cực hành động để bảo vệ thiên nhiên bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất:
không vứt rác bừa bãi, tích cực trồng và chăm sóc cây xanh…
– Phê phán và lên án những hành động phá hoại thiên nhiên như xả rác bừa bãi, chặt
cây cối và săn bắn động vật trái phép,… Câu 2.
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập
luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:
Giới thiệu khái quát về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác phẩm và đoạn trích.
Cảm nhận về sông Hương qua góc nhìn địa lí:
+ Khung cảnh thơ mộng, êm đềm đậm chất Huế trên đường rời khỏi kinh thành của
sông Hương: đảo cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói; màu xanh biếc
của tre trúc, những hàng cau của vùng ngoại ô Vĩ Dạ -> đến tận lúc chia tay xứ cố
đô, sông Hương vẫn cố ghi dấu trong mình những địa danh nổi tiếng, những cảnh
sắc đặc trưng của Huế - mối quan hệ gắn bó
+ Phép nhân hóa đã thổi vào dòng sông một linh hồn với đầy tâm tư vương vấn: ôm
lấy đảo cồn Hến, lưu luyến ra đi qua vùng ngoại ô Vĩ Dạ, như sực nhớ lại một điều
gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành
phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ.
-> Thủy trình của dòng sông được tái hiện một cách chân thực mà cũng đầy thú vị.
Qua cái nhìn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, đó còn là cuộc chia ly của người con gái
Hương giang với người tình mong đợi nên chứa đầy lưu luyến, bịn rịn.
- Cảm nhận về sông Hương qua lăng kính tình yêu: Tác giả đã liên tưởng tình cảm
của sông Hương dành cho Huế với mối tình Thúy Kiều – Kim Trọng trong danh tác
của Nguyễn Du. Đây là sự liên tưởng tinh tế và bao hàm nhiều ý nghĩa: sông Hương
luôn dành cho Huế nhiều vấn vương, chút lẳng lơ kín đáo như nàng Kiều trong đêm
trăng tình tự, hẹn thề; lời thề Kim – Kiều ấy cũng chính là khúc hát cho xứ Huế “Còn non, còn nước...
-> Qua hình ảnh dòng sông, tác giả đã khái quát cả tình cảm thủy chung son sắt của
con người xứ Huế dành cho quê hương đất nước. Vì thế, sông Hương không chỉ là
dòng sông địa lí mà đã trở thành gương mặt tâm hồn, gắn bó chặt chẽ với đời sống của con người Huế.
=> Với nghệ thuật nhân hóa, cùng những liên tưởng đặc biệt thú vị, lời văn đầy chất
thơ,... nhà văn đã thổi hồn vào dòng sông, tạo nên sự kết nối đặc biệt giữa sông
Hương với con người và văn hóa mảnh đất kinh kì qua hình ảnh dòng sông khi chia
tay thành phố để ra biển.
* Nhận xét về nét tài hoa, uyên bác của Hoàng Phủ Ngọc Tường khi viết | 0,5 về hình tượng sông Hương
- Sự uyên bác được thể hiện qua những hiểu biết sâu rộng của nhà văn và cách tiếp
cận, khám phá vẻ đẹp sông Hương ở nhiều góc độ:
+ Tái hiện chân thực đặc điểm dòng chảy của sông Hương khi ra khỏi thành phố Huế
+ Hình ảnh sông Hương còn được cảm nhận qua góc nhìn văn hóa khi tác giả liên
tưởng tới tình cảm Thúy Kiều, Kim Trọng cùng những lời thề son sắt => Sông
Hương như một người tình dịu dàng, duyên dáng, thủy chung.
- Nét tài hoa của nhà văn còn nằm ở những hình thức nghệ thuật đặc sắc: + Sử dụng
biện pháp nhân hóa và sự am hiểu tâm lí con người khiến sông Hương hiện lên như
một người tình thủy chung
+ Tác giả đã sáng tạo nên những trang văn đẹp, giàu hình ảnh, được tạo bởi kho từ
vựng phong phú, tinh tế và uyển chuyển, mượt mà.
+ Các câu văn dài, nhịp nhàng, uyển chuyển, giọng văn đầy cảm xúc, sử dụng thành
công các biện pháp nhân hoá, so sánh, liên tưởng mang đến cho người đọc nhiều bất ngờ, thú vị.
+ Kết hợp nhuần nhuyễn bút pháp kể và tả làm nổi bật vẻ đẹp của dòng sông.
=> Bằng sự tài hoa, uyên bác, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tái hiện vẻ đẹp độc đáo,
riêng biệt của sông Hương. Đó là dòng sông mang đậm tính cách, tâm hồn của con người xứ Huế.
Qua đó, ta thấy được tình yêu say đắm của nhà văn đối với dòng sông, với quê hương xứ sở.