-
Thông tin
-
Quiz
Nét đẹp khăn chầu áo ngự trong tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt Nam | Báo cáo Mỹ thuật
Thờ Mẫu từ lâu đã là nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam dựa trên việc tôn trọng người phụ nữ, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” quý báu. Nét đẹp này được thể hiện trong sự kỳ công chuẩn bị trước mỗi giá hầu, đặc biệt là trang phục của người hầu đồng. Tài liệu giúp bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao. Mời đọc đón xem!
Mỹ thuật 4 tài liệu
Học viện Báo chí và Tuyên truyền 2.5 K tài liệu
Nét đẹp khăn chầu áo ngự trong tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt Nam | Báo cáo Mỹ thuật
Thờ Mẫu từ lâu đã là nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam dựa trên việc tôn trọng người phụ nữ, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” quý báu. Nét đẹp này được thể hiện trong sự kỳ công chuẩn bị trước mỗi giá hầu, đặc biệt là trang phục của người hầu đồng. Tài liệu giúp bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao. Mời đọc đón xem!
Môn: Mỹ thuật 4 tài liệu
Trường: Học viện Báo chí và Tuyên truyền 2.5 K tài liệu
Thông tin:
Tác giả:



















Tài liệu khác của Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Preview text:
ĐỀ TÀI:
NÉT ĐẸP KHĂN CHẦU ÁO NGỰ TRONG TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU CỦA NGƯỜI VIỆT NAM.
Tóm tắt nội dung: Thờ Mẫu từ lâu đã là nét đẹp trong văn hóa tâm linh của
người Việt Nam dựa trên việc tôn trọng người phụ nữ, thể hiện truyền thống
“Uống nước nhớ nguồn” quý báu. Nét đẹp này được thể hiện trong sự kỳ công
chuẩn bị trước mỗi giá hầu, đặc biệt là trang phục của người hầu đồng. Với hệ
thống trang phục đa dạng, phong phú phần nào khẳng định niềm tin, sự trân
trọng của một bộ phận người Việt đối với nét đẹp tâm linh lâu đời này. Trang
phục của người hầu đồng không chỉ có ý nghĩa về mặt thẩm mỹ mà còn là nét
đặc sắc trong văn hóa vùng miền, mang đậm dấu ấn đặc sắc mỗi dân tộc.Tiếp
cận văn hóa thờ Mẫu dưới góc độ trang phục là một cách để nét đẹp này càng thêm rõ nét.
Từ khóa: tín ngưỡng, Đạo Mẫu, văn hóa tâm linh, tứ phủ. A. MỞ ĐẦU
Thờ Mẫu là một trong những nét đặc sắc văn hóa của những người con đất Việt,
phản ánh nét đặc trưng văn hoá của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Nhắc
tới tín ngưỡng thờ Mẫu là nhắc tới câu chuyện nhớ ơn các vị anh hùng, những
bậc được tôn là Thánh cứu nước giúp dân. Ngoài tên gọi “thờ Mẫu”, tín ngưỡng
này cũng được nhắc tới nhiều tên khác như “hầu đồng, hầu bóng, lên đồng,...”
Tuy nhiên khi mới tiếp cận hiện tượng tín ngưỡng này, nhiều nghi vấn được đặt
ra như đây là mê tín hay không mê tín, là văn hóa hay phi văn hóa, là giá trị hay
đang đi ngược lại với những giá trị… Có thể nói cho đến thời điểm hiện tại, vấn
đề này vẫn đang được tiếp tục được bàn luận, cần được xem xét và nghiên cứu
một cách nghiêm túc. Lựa chọn tìm hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn thông
qua trang phục cũng là một trong những cách giúp người đọc hiểu hơn về tín
ngưỡng, có góc nhìn rộng hơn thay vì gói gọn thờ Mẫu trong hoạt động thờ
cúng hay có những biểu hiện tâm linh của người hầu đồng. B. NỘI DUNG 1. Cơ sở lý thuyết
1.1. Sự ra đời của tín ngưỡng thờ mẫu
Thờ Mẫu là 1 tín ngưỡng dân gian xuất hiện từ rất sớm trong đời sống văn hóa
của người Việt, mang đậm chất bản địa, nguyên thuỷ và tồn tại cùng chiều dài
lịch sử của dân tộc. Nó có nguồn gốc sâu xa từ chế độ mẫu hệ, khi người mẹ,
người vợ giữ vị trí quan trọng trong gia đình. 1
Đó là tập tục thờ các vị nữ thần có từ thời nguyên thuỷ đại diện cho thiên nhiên
như mẹ Đất, mẹ Nước, mẹ Lúa… bởi trong quá trình mưu sinh tìm nguồn sống,
con người luôn phải dựa vào thiên nhiên nên họ đã tôn thờ các hiện tượng tự
nhiên như đấng tối cao là Mẫu và thờ Mẫu, với mong muốn Mẫu sẽ bảo trợ và
che chở cho cuộc sống của họ. Do đó, tín ngưỡng thờ Mẫu lúc này là sự tin
tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần được cho là có khả
năng siêu phàm, có thể điều khiển được các hiện tượng tự nhiên mang tính quy
luật nhằm che chở cho sự sống của con người.
Trong quá trình phát triển, Đạo Mẫu đã thu nhận những ảnh hưởng của Đạo
giáo, Phật giáo và thậm chí cả Nho giáo.
Theo thời gian, khái niệm Mẫu được mở rộng để bao hàm các nữ anh hùng, các
vị công chúa, hoàng hậu, hay bà tổ cô của dòng họ, bà tổ nghề của một làng
nghề…; còn trong dân gian, là những người phụ nữ nổi lên trong lịch sử với vai
trò người bảo hộ, khi sống tài giỏi, có công với nước, với dân, khi mất hiển linh
phù trợ cho người an, vật thịnh. Những nhân vật này được kính trọng, tôn thờ và
cuối cùng được thần thánh hóa để trở thành một trong các hiện thân của thánh
Mẫu. Họ là những vị thần vừa có quyền năng màu nhiệm vừa là người mẹ bao
dung che chở, vừa huyền bí lại vừa gần gũi.
Các vị nữ thần được tôn vinh với các chức vị thánh Mẫu phải kể đến như như
Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu, Thượng
Ngàn Thánh Mẫu… hoặc Quốc Mẫu như Quốc Mẫu Âu Cơ, người mẹ của 2
Thánh Gióng được tôn vinh là Vương Mẫu…Tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng
nhiều giá trị văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng. Tôn thờ người Mẹ,
đồng nghĩa với mong muốn bảo trợ, sinh sôi, sáng tạo. Nó không giống các tôn
giáo, tín ngưỡng khác ở chỗ hướng về đời sống thực tại, trần tục, gần gũi bởi
đạo Mẫu quan tâm trước hết đến đời sống trần gian của con người về nhiều mặt
như sức khỏe, tiền tài, may mắn, hạnh phúc…
Tục thờ Mẫu cũng thể hiện một cách độc đáo tinh thần yêu nước, đạo lý uống
nước nhớ nguồn bởi các nhân vật được thờ ở các phủ, điện thờ Mẫu thường là
những anh hùng đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
1.2. Ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu
Có thể thấy, tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam mang tính chất bản địa rất sâu sắc,
có sức mạnh rất lớn xuyên suốt lịch sử. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam đa dạng
về hình thức biểu hiện đồng thời mang tính thống nhất rất cao ở tính bản địa và
quy về một mối là giúp nước, giúp dân trong chống thiên nhiên và chống giặc
ngoại xâm giành, giữ, bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc. Hình ảnh Mẹ Việt
Nam Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời minh chứng cho
sự tôn vinh người phụ nữ. Sự tôn vinh Mẹ Việt Nam Anh hùng chính là tiếp nối
truyền thống phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam và mang bản sắc văn hóa
tôn giáo dân tộc sâu sắc. Hình ảnh đó cũng đã vượt lên khỏi tính chất huyền 3
thoại thể hiện giá trị ở tính hiện thực nhân đạo, nhân văn một cách điển hình nhất.
Hiện nay, nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân ngày càng mở rộng. Mỗi
người dân Việt Nam đều có quyền tin theo một tôn giáo, tín ngưỡng. Do đó, cần
khai thác các giá trị, nhân tố tích cực trong các tín ngưỡng, tôn giáo và đặc biệt
là giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu vào xây dựng môi trường văn hoá.
Đó là các phong tục tập quán có từ lâu đời từng hun đúc lên sức mạnh của Nhân
dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; là nền tảng đạo đức trong
cách thức ứng xử giữa con người với con người, được thể hiện ở sự kính trọng
với những người đã sinh thành ra mình, những người có công với dân, với nước.
Bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng là bảo vệ, phát huy những giá trị
có tính bản địa, ý nghĩa tích cực của tín ngưỡng thờ Mẫu trong thực hiện đại
đoàn kết toàn dân tộc và phát triển chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn, tiến bộ trong
tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay.
( theo TS. Nguyễn Văn Thanh, TS. Lê Trọng Tuyến, tạp chí Dân Vận)
2. Trang phục trong vấn hầu của người hầu đồng
Trang phục đẹp tạo hưng phấn, thăng hoa cho thanh đồng cũng như người tham
dự buổi lễ. Người ta gọi trang phục trong hầu đồng là khăn chầu áo ngự, là các
y phục của chư thánh giá ngự. Để tạo nên sự đĩnh đạc khi hầu ghế các Quan và
sự thướt tha, mềm mại khi hầu ghế hàng Cô không chỉ là sự nhập vai của các
thanh đồng thể hiện qua nét mặt, động tác mà còn là trang phục của các ông
đồng, bà đồng. Không ít thanh đồng là nữ nhưng thường hầu giá hàng quan, giá
Đức ông và cũng có không ít thanh đồng là nam nhưng thường hầu giá Chầu
Bà, Thánh Cô. Mặc dầu vậy khi nhập vai thì thần thái của họ rất giống với bậc
tiên thánh mà họ đang hầu. Tuy nhiên kiểu dáng, màu sắc trang phục có những
quy định chung nhưng không mang tính bắt buộc, mỗi nơi lại có những phiên
bản khác nhau theo vùng miền. Dự một buổi hầu, người xem không chỉ được
thỏa mãn về mặt thính giác mà còn có những giây phút mãn nhãn, thăng hoa
cùng người trong vấn hầu.
Mũ áo, xiêm y hay còn gọi là khăn chầu, áo ngự mà các thanh đồng sử dụng khi
thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu rất đa dạng, phong phú. Trong khi hầu đồng,
người hầu đồng sẽ diễn tả lại tính cách, cuộc đời của một vị thánh mình đang
hầu. đó là những vị thánh giúp nước giúp dân. gọi là một giá đồng. Trong hầu
bóng có tất cả 36 giá đồng vì vậy nếu có điều kiện, thanh đồng cũng cần chuẩn 4
bị 36 bộ trang phục tương ứng, kèm theo đó là các phụ kiện như trâm, lược,
vòng tay, kiềng cổ, xà tích, đai, nét, mạng, chấn tâm, cờ, đao, kiếm, cung
tiễn....Tuy nhiên số lượng trên không bắt buộc với tất cả thanh đồng, có thể ít
hơn tùy theo khả năng của mỗi thanh đồng.
2.1. Chất liệu trang phục của người hầu đồng trong vấn hầu Trang phục hầu bóng được chia thành hai loại chính: hàng tinh và hàng chợ. Tùy theo mức giá mà chất liệu được sử dụng cũng có sự khác nhau. Nếu là trang phục hàng chợ thì chất liệu sẽ là lụa pha tỉ lệ sợi nylon cao, các họa tiết được thêu theo dây chuyền. Công đoạn này được hỗ
trợ bằng máy móc, sản xuất hàng loạt, mức giá cần bỏ ra cũng rẻ hơn so với
hàng tinh. Ngược lại với hàng tinh - loại trang phục cao cấp, chất liệu sẽ thường
là lụa 100% hoặc tỉ lệ sợi nylon chỉ chiếm 10-20%. Cao cấp hơn nữa là chất liệu
gấm. Gấm, lụa có thể có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc một số quốc gia khác.
Gấm là loại vải quý, cao cấp nhất trong tất cả các sản phẩm tơ lụa, kỹ thuật dệt
đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, óc thẩm mỹ tốt. Ưu điểm của loại vải
cao cấp này đó là màu sắc vô cùng đa dạng, có độ bền cao kết hợp hoa văn tinh
xảo độc đáo. Ngoài ra, đây cũng là chất liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi
trường do có nguồn gốc chủ yếu từ sợi tơ tằm. Trong khăn chầu áo ngự, đây là
chất liệu rất được ưu tiên, giúp hình ảnh của người hầu đồng trở nên uy nghiêm hơn.
2.2. Chi tiết trên trang phục hầu đồng
Sự cầu kỳ của trang phục hầu đồng không chỉ dừng lại ở khâu chọn chất liệu,
với những bộ có giá trị cao, sau khi đã có được phần vải gấm đạt chuẩn, người 5
thợ cần tiếp tục thực hiện công đoạn thêu hoa văn trên mặt gấm. Áo của các vị
thánh nam được dệt từ gấm và có hoa văn hình rồng, ổ rồng, ổ ngũ phúc, chữ
thọ,... còn áo của các vị thánh nữ dệt phượng, dệt công, hoặc cành hoa, hoa tứ
quý, thanh đồng nào có điều kiện kinh tế thì có áo thêu rất tinh xảo bằng sợi tơ
bóng, kim tuyến, hoặc đơn giản hơn thì thêu bằng sợi len các màu. Trong quan
niệm dân gian thường có 36 giá đồng tương ứng với 36 giá Thánh sẽ có 36 bộ
trang phục dành riêng cho mỗi giá. Các bộ trang phục hết sức phong phú, đa
dạng nhưng dù thế nào vẫn có sự thống nhất về kiểu cách, màu sắc, phục sức đi
kèm. Để có thể làm nên những bộ trang phục này, người thợ thêu phải am
tường, tuân thủ các kĩ thuật thêu, các họa tiết thêu, từ vảy rồng sẽ khác vảy ra
như thế nào, đi kèm với hình rồng thường sẽ là mây với những chấm tròn to nhỏ khác nhau ra làm sao.
Mỗi họa tiết hoa văn được thêu trên khăn chầu áo ngự cũng ẩn chứa những ý
nghĩa riêng. Hoa văn phải tuân theo thứ bậc, vai vế, mỗi vị thánh lại có sự giống
và khác nhau trong phần hình thêu trên khăn áo. Bên cạnh màu sắc thì chi tiết
trên khăn áo cũng là điểm để người xem nhận biết vị Thánh đang trong giá hầu.
Ảnh: Báo Thương hiệu và Pháp luật
Một bộ trang phục hầu đồng bao giờ cũng có 5 màu sắc cơ bản như xanh, đỏ,
trắng, vàng, lam. Nhưng để tạo ra các màu sắc khác, các thợ thêu cần phải biết
phương pháp nhuộm và phối màu.Các vị Thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu ngự
trị, cai quản khắp vũ trụ và được phân chia trong Tứ phủ (bốn miền) tương ứng 6
với bốn màu tượng trưng: Thiên phủ (miền trời) - màu đỏ; Nhạc phủ (thượng
ngàn - miền rừng núi) - màu xanh; Thoải phủ (miền sông nước) - màu trắng và
Địa phủ (miền đất đai, đồng bằng) - màu vàng. Theo thứ tự trong thần điện,
không kể hàng Thánh Mẫu (không mở khăn khi hầu), các vị Thánh hay giáng
đồng phân chia các hàng cơ bản: Quan lớn, Chầu Bà, Ông Hoàng, Thánh Cô, Thánh Cậu.
Với quy ước như vậy, trang phục các vị Thánh sử dụng luôn có bốn gam màu
sắc chủ đạo tương ứng với phủ (miền) mà vị Thánh đó ngự trị, cai quản, bất kể
là nam thần hay nữ thần. Cụ thể: Thiên phủ - màu đỏ (hồng), có các vị: Quan
lớn Đệ Nhất, Chầu Bà Đệ Nhất, Chầu Cửu tỉnh, Ông Hoàng Cả, Cô Đệ Nhất,
Cô Chín Sòng, Cậu Cả Quận…; Nhạc phủ - màu xanh (lá, chàm, thiên thanh),
có các vị: Quan lớn Đệ Nhị (giám sát), Chầu Bà Đệ Nhị, Chầu Năm, Chầu Lục,
Chầu Bảy, Chầu Bé, Ông Hoàng Đôi, Ông Hoàng Bảy, Cô Đôi Thượng, Cô
Năm Suối Lân, Cô Sáu Lục Cung, Cô Tám Đồi Chè, Cô Bé Thượng, Cậu Đôi,
Cậu Bé…; Thoải phủ (Thủy phủ) - màu trắng, có các vị: Quan lớn Đệ Tam,
Quan lớn Tuần Tranh (riêng ngài mặc dù thuộc Thoải phủ nhưng lại ngự trang
phục màu lam), Chầu Bà Đệ Tam, Chầu Bé Thoải, Ông Hoàng Bơ, Cô Bơ, Cô
Bé Thủy tinh, Cô Bé Thác Bờ, Cậu Bé Thoải…; Địa phủ - màu vàng, có các vị:
Quan lớn Đệ Tứ, Chầu Bà Đệ Tứ Khâm sai, Ông Hoàng Mười, Cô Tư…
2.2.1. Chi tiết trên trang phục hàng quan lớn
Hàng quan lớn trong tứ phủ là 5 vị quan trong Ngũ Vị Tôn Quan, con trai Đức
Vua Cha Bát Hải Động Đình. Trang phục của năm vị quan này gồm có 5 màu:
Quan Đệ Nhất màu đỏ, Quan Đệ Nhị màu xanh, Quan Đệ tam màu trắng, Quan
Đệ tứ màu vàng, Quan Đệ Ngũ màu lam. Áo dài may năm thân (áo có khuy cài
nách) hai tà trước, hai tà sau và một tà phụ ở bên trong (vì khi xưa khổ dệt vải
nhỏ nên mỗi thân áo phải may nối liền lại để khổ vải lớn vừa thân người). Áo
các quan lớn có thêu rồng, hổ phù, tức là mặt rồng nhìn thẳng, hoặc thêu bối tử
vuông trước ngực, thân rồng uốn lượn xen lẫn đoản mây, trên ngực áo thêu ổ
rồng mây hình lá xen bao quanh viền cổ. Cổ áo có hai rồng chầu, gấu áo thêu
thủy ba sóng gợn hoặc cá hóa rồng xen lẫn thủy ba, tay áo có thể thêu thủy ba
cửa tay hoặc viền đường chữ chiện xen lẫn rồng mây. 7
Tòa khăn áo Quan lớn Đệ Nhất, thanh đồng Trần Thị Duyên - Thủ nhang phủ chính Tiên
Hương (ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Long Hưng)
Trang phục các quan lớn có thể cũng có thể làm từ vải gấm dệt ổ hoa, chữ thọ
chữ phúc , dơi chầu,hoặc dệt hình rồng lẫn mây, trên vai vắt một mạng chéo
thêu rồng chầu mặt nguyệt từ bên trái kéo xuống sườn bên phải.
Trước đây, áo quan lớn bằng gấm phổ biến hơn áo quan lớn thêu chữ, thêu kim
tuyến như bây giờ. Khi lên áo quan lớn có thêm thẻ bằng ngà ghi hiệu tôn quan,
hoặc ghi chung là Ngũ vị Tôn Quan hoặc Ngũ vị Tôn Ông, hay Ngũ Vị Vương
Quan, hoặc cũng có thể ghi là Tứ phủ công đồng, được cài vào khuy áo ngực
bên tay phải. Lưu ý khi hầu giá quan lớn không được đeo kiềng, đeo khánh,
không được đeo các chuỗi hàng tràng như thể quan tướng nhà Minh, nhà Thanh
bên Trung Quốc, sẽ làm mất đi sự uy nghiêm của các Đức Tôn Quan.Các Quan
lớn và Quan hoàng, Thánh cậu dùng khăn tấu hương màu đỏ thêu rồng để tế lễ khi làm việc quan. 8
2.2.2. Chi tiết trên trang phục hàng chầu bà
Sang đến phủ các Thánh bà
thì trang phục hầu đồng đa dạng và phong phú hơn vì
tùy theo từng vùng miền mà trang phục các Thánh khác
nhau về kiểu cách và màu sắc, nhưng nhìn chung, áo
thánh bà có thể thêu phượng
thêu hoa hoặc áo gấm, áo lụa
dệt phượng, dệt hoa may theo
lối năm thân khuy cài nách,
hoặc áo tứ thân xẻ giữa thân trước. Xưa kia các thanh
đồng tiền bối hầu Chầu Bà ít
mặc quần. Để tạo nên sự
mềm mại và duyên dáng cho các thánh bà, ngày nay đa
phần các thanh đồng đều mặc
quần, cạp quấn quanh lưng,
gấu quần dài đến mắt cá chân, màu đen thêu hoa hay
thêu thủy ba. Cũng có thanh
đồng thích đơn giản để trơn
không thêu. Các thánh bà vùng trung châu khi ngự đồng thì choàng khăn voan
mỏng thêu phượng, thêu hoa trên đầu.
Chầu Đệ Nhất áo đỏ, khăn choàng đỏ; Chầu Đệ Nhị áo xanh, khăn choàng
xanh; Chầu Đệ Tam áo trắng, khăn choàng trắng; Chầu Đệ Tứ áo vàng, khăn
choàng vàng; Chầu Cửu áo đỏ, khăn choàng đỏ hoặc màu cánh sen. Riêng Chầu
Đệ Tứ khâm sai tứ phủ nên nhiều thanh đồng tiền bối khi hầu Ngài có thể sử
dụng khăn áo là một trong bốn màu đỏ, xanh, trắng và vàng. Các Thánh bà trên
cổ đều đeo chuỗi hạt tùy theo điều kiện của thanh đồng, hoặc đeo diều sây thêu
phượng thêu hoa, lưng thắt đai dải lụa các màu khác với màu áo cho nổi, thả cả
dải về đằng trước. Tai đeo hoãn vàng, hoãn bạc hình hoa hình phượng, tay đeo
vòng vàng, đầu trâm hoa cài, chân đi hài phượng, hài hoa, tay cầm quạt, cầm khăn.
Các Thánh bà miền sơn trang núi rừng thì khăn áo theo vùng miền sơn trang,
màu sắc và bản sắc dân tộc thiểu số khác nhau nhưng vẫn có cốt cách chung là:
khăn chít củ ấu, đầu trâm hoa cài, cổ vắt hai tràng mạng trước ngực và có hai
dải vải buộc vòng sau lưng buộc về đằng trước, thả hai dải một ngắn một dài. 9
Trên đai có giắt dây xà tích bạc, có ống vôi trầu con dao bài, ống thuốc lào ….;
cổ đeo kiềng bạc, tay đeo khuyên tròn bạc. Đôi bên sườn có túi trầu, túi dao
thêu. Cũng mặc quần hoặc chân quấn xà cạp tạo dáng vẻ người sơn trang. Ví
dụ: Chầu Đệ nhị mặc áo xanh lá cây, Chầu Lục Cung Nương mặc áo xanh lam;
Chầu Mười mặc áo xanh chàm sẫm hoặc thời vây giờ Chầu Mười mặc áo màu
vàng; Chầu Bé mặc áo tứ thân xanh lục, khăn củ ấu màu lam, thắt đai xanh, còn
Chầu Bát mặc áo màu vàng, đội khăn xếp chít nét màu vàng, có thể giắt cờ nhỏ
sau lưng tạo hình tượng một vị nữ tướng. Không nên mặc bộ áo giáp vàng đội
mũ tướng khi hầu Bà, để bảo tồn nề nếp của các thanh đồng tiền bối, không
“sân khấu hóa” phá đi nét đẹp truyền thống cổ truyền của dân tộc.
Thanh đồng hầu giá Chúa Bà Thác Bờ thì mặc áo cõn trắng ngắn đến bụng,
quầy đen thắt đai xanh và giắt dao quai, túi vóc, xà tích bạc, quấn quanh lưng
miến thổ cẩm đỏ, khăn trắng trâm hoa, cổ không đeo kiềng bạc như các chúa, tai
đeo hoẵn bạc, tọa nét thanh cao của người Mường ở Hòa Bình.
Trang phục của các giá Chầu Bà thường rất đẹp vì đó là hóa thân của các Mẫu,
như trang phục của Chầu Đệ Tam với khăn áo màu trắng cầm quạt trắng lấp
lánh tượng trưng cho miền Thoải Phủ. Trang phục của các giá Quan Lớn, Quan
Hoàng lại vô cùng uy nghi, đẹp đẽ giống trang phục các vị quan trong triều đại phong kiến.
2.2.3. Chi tiết trên trang phục hàng các quan hoàng
Thập vị Quan Hoàng hay còn được gọi là Tứ phủ Quan Hoàng bởi đây là hàng
thứ 4 sau Tam tòa Thánh Mẫu, Ngũ Vị Tôn Quan, và Tứ Phủ Chầu Bà. Thập vị
Quan Hoàng gồm có mười vị Quan Hoàng là các hoàng tử được quy về làm con
Đức Vua cha Bát Hải Động Đình, đều hầu cận vua cha ở đền Đồng Bằng. Đây
là những vị hoàng khi sống thì cứu nước cứu dân, khi mất lại hóa thần phù hộ
cho giang sơn xã tắc, cho nhân dân được no ấm yên bình, thật khó có thể kể hết
được các công lao to lớn của các vị thánh hoàng này.
Trang phục khăn áo Hoàng gần giống trang phục các Quan áo dài cài vạt chéo,
màu sắc tuân thủ theo 4 phủ . Chỗ khác là ở mẫu đồ họa thêu, các ông Hoàng
thêu ổ ngũ phúc ( rồng tròn ). Họa tiết hoa văn “Phúc-Lộc -Thọ”, theo hình tròn
3 lớp: lớp trong thêu hình chữ “Thọ” bằng chỉ màu xanh, lớp giữa thêu hoa dây
xen bốn con bướm chỉ ngũ sắc, lớp ngoài cùng thêu 6 con dơi xen hình hoa lá. 10
Nguồn ảnh: Facebook “Vạn Thiên Ý”
Những hình thêu này phân bố đều khắp trên 2 thân áo trước sau và 2 tay áo.
Đầu chít khăn nét ngang thêu rồng, đuôi nét thả phía sau. Búi tóc cài trâm, giắt
lược theo lối nam thần. Vai vắt 2 mạng chéo thêu rồng mặt nguyệt. Cổ đeo
kiềng có kim khánh đồng tiền, phía dưới đính dây kim tằng. Bụng thắt đai thêu
hay dải lụa,, bên sườn có bầu rượu túi thơ, tay đeo vòng vàng, chân dận hài
thêu. Khi người hầu là nữ trong giá ông Hoàng thì cài thêm 1 hoặc 2 trâm và
không đeo đai chéo vai như đồng nam
2.2.4. Chi tiết trên trang phục hàng các thánh cô
Tứ Phủ Thánh Cô là 12 Thánh Cô trong Tứ Phủ.Truyền thuyết về các Thánh Cô
chủ yếu bắt nguồn từ các tỉnh miền núi phía bắc, như Cô Bé Tân An ở Lào Cai,
Cô Bé Cây Xanh ở Tuyên Quang, Cô Bé Thác Bờ ở Hòa Bình,... Trong 12 vị
Thánh Cô thì có 4 vị thánh cô thường xuyên ngự đồng là: Cô Đôi Thượng
Ngàn, Cô Bơ Thoải, Cô Chín Sòng Sơn và Cô Bé Đông Cuông.
Cô Đệ Nhất Thượng Thiên áo thêu hoa, thêu phượng màu đỏ, hoặc gấm lụa đỏ
dẹt hoa, cổ đeo chuỗi hạt (xưa kia không mặc quần). Ngày nay có thể mặc thêm
quầy cho yểu điệu thướt tha. Đầu đội khăn xếp chít nét ngang màu đỏ trâm cài
hoa giắt, tay đeo hoãn vàng. 11
Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên khi loan giá ngự đồng Nguồn ảnh: Internet
Cô Đôi Thượng Ngàn lại mặc áo cõn xanh lá cây thêu hoa hoặc gấm dệt, mặc
quầy thắt đai, cổ đeo kiềng bạc, tay đeo hoãn bạc, đầu chít khăn củ ấu, hoặc tết
bông hoa theo lối thượng ngàn sơn trang. Nhưng ngày nay, một số thanh đồng
trang phục Cô Đôi Thượng lại lên giống như hầu các cô dưới trung châu, như
Cô Đệ Nhất, Cô Bơ Thoải Cung hoặc Cô Chín Sòng Sơn mặc áo dài, đội khăn
xếp chít nét ngang màu xanh, điều này không phù hợp với cảnh thượng ngàn sơn trang. 12
Hoa hậu Tiểu Vy trong bộ ảnh “Cô đôi Thượng Ngàn nguồn ảnh: Internet
Cô Bơ Thoải Cung ngự áo trắng thêu phượng thêu hoa, hoặc áo gấm, áo lụa dệt
hoa dệt phượng, có thể mặc áo năm thân trắng, vai vắt hai tràng mạng nhỏ màu
trắng thêu hoa hoặc thêu phượng, cổ đeo chuỗi hạt, tay đeo hoãn vàng, thắt đai
ba màu, xà tích vắt ngang, đầu đội khăn xếp nhỏ chít nét ngang ba màu, xanh
hồng trắng., đầu lược ngà chải chuốt, trâm hoa cài đủ sắc xinh tươi. Xưa kia cô
không mặc quần, ngày nay có thể mặc thêm quần tạo sự mềm mại khi ngự đồng
làm việc. Khi hầu Cô Bơ, có thanh đồng đầu không đội khăn xếp mà lại tết hoa
bằng vải voan trắng tạo ra hình bông hoa trên đỉnh đầu đúng hình tượng của
Thủy cung tiên nữ. Có thanh đồng lại hầu Cô theo lối khăn áo dân gian như thắt
yếm, mặc quần đen, áo cánh cổ thìa, dải đai ngang lưng, mặc áo tứ thân mớ ba
(tức ba áo mỏng ba màu chồng lên nhau) buộc vạt, cổ đeo chuỗi hạt, tay đeo
hoãn vàng, đầu vấn tóc đuôi gà hoa cài trâm giắt, chít nét ngang ba màu dịu nhẹ thanh cao. 13
Cô Tư lại mặc áo dài vàng hoặc màu hoa hiên, với hình tượng giống Cô Đệ
Nhất. Cô Năm Thượng Sơn Trang mặc áo cõn xanh da trời, quầy đen hoặc quầy
xanh, khăn chít củ ấu hoặc tết bông hoa, cổ đeo kiềng bạc, tay đeo hoãn bạc.
Cô Sáu Lục Cung trong văn miêu tả Cô rất rõ ràng về trang phục : “áo lam ngắn
vạt, rông tay, khăn chít củ ấu, tóc mây hoa cài”. Cô mặc quần lửng, chân quấn
xà cạp. Thực tế người dân tộc trên đền cô đều không mặc quần lửng mà mặc
quần, chân quần quấn xà cạp khi đi rừng làm ruộng, nhưng khi hầu Cô Sáu
khoogn thể mặc áo ngắn vạt với quần trắng hạ y được phải cải biên mặc quầy
lửng, cổ đeo kiềng bạc, tai đeo hoãn bạc, sau lưng có chiếc gùi hoa lên rừng.
Cô Tám đồi chè thì mặc áo cõn xanh mang lối người Mường Thanh Hóa, cũng
quầy đen, áo cõn, đai xanh, chít khăn Mường xanh giống như hầu chúa Thác
Bờ, hoặc tết khăn bông hoa xanh, vai gánh đôi lãng hoa hay gánh hai lẵng trà.
2.2.5. Chi tiết trên trang phục hàng các thánh cậu
Các vị chết trẻ linh thiêng được tôn thờ gọi là Cậu. Các Cậu có lòng từ bi cứu
nhân độ thế nên các kỳ tạ phủ, mở phủ thường kiều các giá Cậu giáng phàm
trần. Hàng Cậu cũng có đến 12 Cậu. Trong Tứ phủ có nhắc đến Cậu Hoàng Cả,
Cậu Hoàng Đôi, Cậu Hoàng Ba, Cậu Bé Đồi là các Cậu có nguồn gốc Thượng
giới hoặc Thoải phủ có tài kiếm cung, có quyền uy giúp đời. Trang phục các
Cậu gồm một áo dài trắng mặc trong. Bên ngoài khoác một áo may kiểu gile 14
thêu cầu kỳ. Câu nào hầu ông Hoàng nào thì áo mang màu sắc giống màu đỏ.
Khi giáng đồng cậu mặc trang phục, đầu buộc khăn, hai bên cài hoa, chân quấn
xà cạp, khi giày thêu trông trẻ thơ và ngộ nghĩnh. Các Cậu sử dụng 1 số đồ
trang sức như:/ hai vòng tay bằng bạc đính 5 lục lạc / vòng cổ bằng bạc có đính
khánh bạc tròn, nối liền 1 khánh khắc hình quả hạnh, dưới cùng là 3 lục lạc tròn.
Các Cậu về làm lễ rồi đi hèo, múa lân, phát lộc một cách hồn nhiên, giọng nói nũng nịu, ngọng nghịu. (nguồn: Internet) 2.2.6. Bộ lót mình
Một bộ trang phục không thể không nhắc tới là bộ lót mình của thanh đồng,
nhất thiết phải là màu trắng, ngoài hàm ý thân tâm trong sáng khi vào hầu
Thánh, còn có tác dụng làm tôn màu sắc trang phục của các vị Thánh khi ngự
đồng. Bộ lót mình được gọi trang trọng là “hạ y”, bao gồm: áo cánh trắng, quần
áo dài màu trắng và bít-tất trắng. Màu trắng tinh tế, hài hòa, không xung đột với
tất cả các màu trong bốn phủ và đặc biệt, cùng với các lớp áo trong, ngoài sẽ
che kín da thịt thanh đồng (trừ khuôn mặt và đôi bàn tay), tạo nên nét đẹp trang
nghiêm của các vị Thánh ngự đồng. Trước kia, một bộ hạ y màu trắng gồm
quần trắng, gấu quần khâu bản to, khoảng 4-5cm, rộng khoảng 25-28cm, áo 15
cánh trắng, may theo lối nam, nữa khác nhau, áo dài trắng ngắn hơn áo hầu
quan lớn khoảng 10cm, vạt gấu khâu to nếu thanh đồng là nam, vạt gấu khâu
nhỏ nếu thanh đồng là nữ, và ống tay đều may nhỏ ngắn hơn áo hầu; và có một
đôi tất trắng. Thậm chí, ngày trước, tay áo hầu Thánh còn may theo lối búp
măng - nhỏ dần về phía cổ tay, để khi “làm việc Thánh” (thực hành vũ đạo) sẽ
không lộ phần da thịt phía trong tay áo. Hiện nay, nếu tay áo hầu rộng cỡ một
gang, thanh đồng cẩn thận sẽ nịt thêm ghệt tay vào lớp áo phía trong cũng mang ý nghĩa như vậy. nguồn ảnh: Internet
3. Trang phục hầu đồng bị biến tướng
Hầu đồng là nhu cầu tâm linh, hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của một
bộ phận người Việt. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nét đẹp này đã được nhìn
nhận và đánh giá một cách công tâm, được UNESCO công nhận là di sản văn
hóa phi vật thể, là vốn quý tiền nhân trao lại cho hậu thế. Theo cùng sự đón
nhận, nét đẹp này cũng đang dần bị biến tướng bởi những cá nhân, tập thể với
mục đích vụ lợi. Điều này kéo theo những “đồng giả” không nắm được những
kiến thức về khăn áo nên sử dụng sai giá trị gốc. Nhiều thanh đồng quá chạy
theo thị hiếu, kiểu dáng, màu sắc không phù hợp. Thậm chí còn bị biến tướng
nghiêm trọng như hầu giá Tôn Ngộ Không, mặc trang phục của Từ Hy Thái
Hậu gây làn sóng bức xúc từ phía dư luận. Một số thanh đồng mặc trang phục
hở hang và múa theo những điệu nhạc rock, rap... gây phản cảm. Với hơn 40
năm gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa tín ngưỡng thờ Tam phủ của người Việt 16
nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh chia sẻ: “Mở trang cá nhân, đập vào mắt là
một video quay cảnh hầu đồng với hình ảnh thanh đồng mặc quần áo kiểu như
đóng khố, trông rất phản cảm nhưng vẫn bắc ghế hầu Thánh. Nhà tôi bao đời
gìn giữ và thực hành nghi lễ hầu đồng, bản thân tôi cũng có 40 bắc ghế hầu
Thánh nhưng chưa từng thấy có giá nào ăn mặc như thế này để hầu cả. Vài ngày
sau tôi lại xem được một clip, một thanh đồng đang hầu thì ở dưới xảy ra cãi
nhau, người gây rối còn nhảy cả lên sập để phá. Thật sự rất phản cảm và ảnh
hưởng tới hình ảnh văn hoá đã được UNESCO vinh danh”.Nguyên nhân cho
những hành động này xuất phát từ đâu vẫn luôn là câu hỏi đòi hỏi được giải đáp.
Hình ảnh được cắt từ video
Năm 2017 Lãnh đạo Cục di sản văn hóa cho biết sẽ có quy định thống nhất về
trang phục hầu đồng, đồ cung tiến, vàng mã..., để tránh biến tướng và lãng phí
trong hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy nhiên cách làm này vẫn chưa thực sự
giải quyết được tận gốc vấn đề. Theo nhà văn hóa Nguyễn Chí Bền, ông cho
rằng việc này cần có thảo luận trong cộng đồng người hát văn để được chấp
thuận. Theo ông, hầu đồng phải diễn ra ở nơi thờ Mẫu, các địa điểm như Chùa
Một Cột, đền thờ Hai Bà Trưng... không thích hợp diễn ra hầu đồng."Nơi không
có điện thờ Mẫu mà hầu đồng là không chính xác, có thể bị lợi dụng. Việc biến
tướng hầu đồng chắc chắn có, nếu cộng đồng không hiểu rõ giá trị của tín
ngưỡng", ông Nguyễn Chí Bền nói. Còn theo ông Đặng Ngọc Anh, cần thành
lập một hội chuẩn để phối hợp cùng địa phương trong việc giám sát hoạt động
hầu đồng của từng khu vực.
Song cách giải quyết triệt để nhất có lẽ phải đến từ những người làm thầy-người
dẫn dắt con nhang đệ tử đi theo hướng đúng đắn, có sự nghiêm túc trong việc
tìm hiểu tín ngưỡng và xây dựng tư duy để thực hành tín ngưỡng một cách chân
chính. Bên cạnh đó là vai trò không thể thiếu của những người tham gia xem 17
hầu. Họ phải là những người có cái nhìn nghiêm túc, sẵn sàng lên án loại bỏ
những hoạt động sai trái, bôi nhọ tín ngưỡng để loại trừ những “đồng giả” ra
khỏi phạm vi tín ngưỡng.
Bởi lẽ sự nghiêm trang của cả buổi hầu nói chung và vấn hầu nói chung đòi hỏi
sự nghiêm túc nhìn nhận từ các phía, từ người trực tiếp tham gia hầu tới người
xem và các cơ quan quản lý. Chỉ khi tư duy được thay đổi mới kéo theo hành động đúng đắn.
Hiện nay, theo cùng sự phát triển, nhiều thanh đồng cũng có những sự sáng tạo
trong vấn đề trang phục như sử dụng trang phục dân tộc Mông, Dao đỏ trong
các vấn hầu. Tuy nhiên theo các chuyên gia, sự sáng tạo này phải luôn đúng
mực, dựa trên giá trị gốc, tránh làm mất đi bản sắc văn hóa. Giá trị tiêu biểu của
nghi lễ lên đồng là tính ước lệ, đề cao ý nghĩa biểu tượng. Trang phục cũng vậy,
rực rỡ sắc màu bốn phủ, nhưng trang nghiêm, phép tắc, không quá xa hoa, lộng
lẫy để người phàm trần khi “cận Thánh” (tham dự vấn hầu) vừa khép mình tôn
kính, vừa có cảm giác gần gũi, thân thiết như con cái gần bên cha mẹ. Chẳng
thế mà các kiểu khăn áo lai căng, như Quan lớn đội mũ như vua quan trên sân
khấu, Chầu Bà, Thánh Cô xiêm y thướt tha như tiên nữ trong phim cổ trang
nước ngoài, hay màu sắc không theo đặc trưng từng phủ, lối lên khăn áo làm
mất bản sắc vùng miền (thượng du, đồng bằng),… đều bị lên án là biến tướng. C. KẾT LUẬN
Có thể khẳng định tầm quan trọng của trang phục trong tín ngưỡng thờ mẫu.
Mỗi bộ trang phục không chỉ mang ý nghĩa hiện thân cho các vị Thánh, là yếu
tố giúp người tham dự buổi hầu đồng biết được phần nào chân dung các Tiên
Thánh mà còn thể hiện những đặc sắc văn hóa vùng miền. Đó còn là sự tinh tế
trong việc hoàn thiện một bộ trang phục từ những bước đầu tiên. Sau mỗi bộ
trang phục trên giá hầu lại là một câu chuyện khác nhau, màu sắc được lựa chọn
cũng mang trong mình những ý nghĩa. Như miền trời ứng với màu đỏ, miền
rừng ứng với màu xanh lá, miền nước ứng với màu trắng và miền đất ứng với
màu vàng. Trang phục trong tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tổng hòa của nhiều yếu
tố từ thẩm mỹ, văn hóa và cả những yếu tố lịch sử. Mỗi giá đồng là một câu
chuyện về một vị anh hùng, lúc sinh thời là người có đức độ, tài giỏi, có công
với dân với nước, do đó được hầu cái bóng của các vị là niềm vinh dự, tự hào.
Vậy nên không chỉ dừng lại ở phát huy, mỗi người cần có trách nhiệm trong
việc giữ gìn tín ngưỡng một cách nghiêm túc, để tín ngưỡng Việt Nam được
trọn vẹn và giữ đúng ý nghĩa vốn có của nó. 18 TÀI LIỆU THAM KHẢO
● Nguyễn Ngọc Mai, 2011, Hiện tượng lên đồng trong bối cảnh mới
Nghiên cứu trường hợp ở đồng bằng Bắc bộ, Học viện Khoa học Xã hội,
Thư viện Quốc gia Việt Nam.
● Nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu, Báo Phụ nữ Việt Nam
● Hạnh Hoa, Khăn chầu, áo ngự trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, VOV 2.
● Hồng Hà, Thực hành, quảng bá nét đẹp chuẩn mực của di sản Tín
ngưỡng Thờ Mẫu, Báo Tổ Quốc
● Tình Lê, Hầu đồng đang bị biến tướng, xuyên tạc, Vietnamnet
● Th.s Trần Quang Dũng, Đặc sắc phục trang trong nghi lễ lên đồng, Báo Thời Đại 19