-
Thông tin
-
Hỏi đáp
Phân Tích Bài Thơ Bếp Lửa Của Bằng Việt - Ngữ Văn 9
Có những thi nhân lang thang trên triền đê của ký ức.Trong số ấy có một thi sĩ vì quá đỗi nhớ người yêu, trong cơn điên loạn bất giác kêu lên: "Anh đã đi qua bao bão lốc từng cơn Cây rụng lá trong chiều thanh thản nhất Anh qua cả màu không gian ngây ngất Một tiếng thầm trong tháng mới lao xao... Em đã đến rồi đi như một giấc chiêm bao!". Tài liệu được sưu tầm giúp bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới. Mời bạn đọc đón xem !
Preview text:
PHÂN TÍCH BÀI THƠ "BẾP LỬA" CỦA BẰNG VIỆT Bài làm
Có những thi nhân lang thang trên triền đê của ký ức.Trong số ấy có một thi sĩ vì quá đỗi nhớ người yêu,
trong cơn điên loạn bất giác kêu lên:
"Anh đã đi qua bao bão lốc từng cơn
Cây rụng lá trong chiều thanh thản nhất
Anh qua cả màu không gian ngây ngất
Một tiếng thầm trong tháng mới lao xao...
Em đã đến rồi đi như một giấc chiêm bao!"
Và cũng chính thi nhân ấy trong hành trình mở lối tới xứ sở cái đẹp của thơ ca, ta bắt gặp anh dừng chân
bên vệ đường nhặt nhạnh những mẩu lá khô nhóm nhen mảnh hồi ức về thời thơ ấu thuở hoa mới đơm
nụ. "Bếp lửa" - trạm dừng chân ký ức của Bằng Việt, bếp lửa giản dị mà thiêng liêng, chân quê và thân
thương. Bếp lửa vẫn cháy hoài qua năm tháng có lẽ bởi ngọn lửa rạo rực tình bà cháu của thi nhân thiêng
liêng đến khó tả, thiêng liêng đến nằm ngoài quy luật băng hoại của thời gian.
Bằng Việt là nhà thơ cùng lứa với các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ như Nguyễn Duy,
Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh..."Vào những năm đầu của thập kỷ 60, Bằng Việt xuất hiện giữa làng thơ
Việt Nam như một ánh đèn nê-ông kỳ ảo, tỏa sáng trí tuệ, sự mát mẻ của tuổi xuân và cái dịu dàng của
hồn thơ anh"(Phạm Hải). Bằng Việt xếp chữ nên thơ như nỗi trải lòng mềm mại, chính vì vậy mà giáo sư
Lê Đình Kỵ nhận thấy trong anh "cái tâm hồn nhiều suy nghĩ và rung động tinh tế", còn Hồng Thọ cảm
được "sự suy nghĩ có tình có nghĩa được bộc lộ nhất quán trong thơ anh". Cũng như bao người con đem
theo trái tim tràn đầy thương nhớ khi xa nhà, Bằng Việt đem theo tình yêu bà và quê hương da diết tới
miền đất Liên Xô xa xôi. Bài thơ Bếp Lửa ra đời trong nỗi yêu nhớ dâng trào trong lòng tác giả và được
đưa vào tập "Hương Cây - Bếp Lửa" - tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ. Bài thơ như con
thác chảy từ quá khứ tới hiện tại theo một vòng tuần hoàn mạch cảm xúc. Đó là những năm tháng nhọc
nhằn, đói khổ nhưng lại rất vui khi bên bà, đó cũng là quá trình trưởng thành của cháu dọc theo năm
tháng, là nơi những rung động tinh tế chớm nảy nở trong hơi ấm nồng nàn của bếp lửa, trong vòng tay
bao bọc và thương yêu vô vàn của bà trước "biết mấy nắng mưa".
Như một quy luật nghiệt ngã của văn chương, của sáng tạo nghệ thuật, bất kỳ ai khi viết về tuổi thơ cũng
thường không tránh khỏi bị lan man, không nổi bật tâm điểm bởi bao bọc những tháng năm qua mãi ấy là
những cảm xúc da diết, những nỗi nhớ tiếc khôn nguôi. Bằng Việt cũng viết về kỉ niệm ấu thơ nhưng thi sĩ
đã chọn lựa cho mình một chi tiết độc đáo, tuy bình dị nhưng độc giả phải tinh tế mới nhận ra: "Bếp lửa".
Nhớ về tuổi thơ, nghĩ về bếp lửa, sóng lòng thi nhân lại dạt xúc cảm của mình tới hình ảnh người bà
thương yêu - một hình ảnh xuyên suốt bài thơ lúc nào cũng chập chờn lay động:
"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa..."
Tiếng "một bếp lửa" dường như đã trở thành một điệp khúc, thân thuộc trong mỗi căn bếp của gia đình
Việt Nam. "Bếp lửa chờn vờn", "bếp lửa ấp iu", bếp lửa ấy như cháy hoài, cháy mãi bằng bàn tay nhen
nhóm đầy chi chút, khéo léo của bà mỗi sớm tinh mơ. Cái "chờn vờn", bập bùng của ngọn lửa trong căn
bếp dường như không chỉ rạo rực vách tường mỗi sớm mai hôm nào mà giờ đây còn là cái "chập chờn"
trong lòng của người con xa xứ, "chờn vờn" của kí ức ùa về trong mênh mang nỗi nhớ, tình cảm trực trào ra một cách tự nhiên:
"Cháu thương bà biết mấy nắng mưa"
"Nắng mưa" là hình ảnh ẩn dụ khéo léo cho cuộc đời khổ cực, lao đao của bà. Có lẽ lúc này, người cháu
đã nhận thức được đôi vai gầy bà đã gánh gồng bao sương gió, tấm lưng còng vì đã đội bao mưa nắng,
chính vì thế mà thương bà nhiều hơn. Hai thanh bằng "thương bà" đi liền với nhau kéo theo tình cảm dài
xao xuyến, chữ "thương" như nốt luyến đưa cảm xúc lan tỏa, thấm đượm vị sương gió đời bà đã trải để từ
đó, nỗi thương bà ngày một dâng trào, bù đắp bao giờ cho đủ cay cực bà phải chịu đựng. Nốt lặng "ba
chấm" cuối khổ thơ như muốn lắng đọng từng giọt cảm xúc người cháu bật ra, cũng là cơi mở cho thứ tình
cảm của cháu ngân nga, quấn quýt mãi bên người bà thương yêu.
Thước phim thời gian tua ngược chầm chậm lại vào thời cháu lên bốn:
"Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xé khô rạc ngựa gầy"
Thuở ấu thơ của cậu bé quê mùa chen chúc hương khói bếp. Dường như mùi hương ấy cứ lan tỏa theo
năm tháng, đến nỗi đã trở thành quen thuộc với đứa trẻ mới được sống bốn năm đầu đời. Ấy là một tuổi
thơ chắp vá những khó khăn,gian khổ, một tuổi thơ lê lết trong trận càn khủng hoảng của nạn đói năm
1945. Thành ngữ "đói mòn đói mỏi"nhấn mạnh cái đói kéo dài, kiệt quệ. Hình ảnh người bố gầy guộc đi
đánh xe trên con ngựa gầy khô rạc, vắt kiệt sức lao động, vắt kiệt sức sống để chắt chiu từng hạt cơm, bát
cháo. Ngần ấy thôi đã đủ để ta mường tượng về nạn đói 1945, và hiện thực còn tàn tạ hơn thế. Giọng thơ
tác giả như trĩu xuống khi phải gợi lại về quá khứ kinh hoàng ấy, một quá khứ tàn khốc và bi thương của
cả dân tộc. Thế nhưng trước cuộc khủng hoảng còn ám ảnh dài dài, phép nhiệm màu nào đó đã xuất hiện
bao bọc lấy tuổi thơ của cậu bé mới lên tư. Khiến nhà thơ:
"Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay..."
Những năm tháng ấu thơ bên bà "khói hun nhèm mắt" là những tháng năm đói khổ đeo bám đằng đẵng.
Nạn đói kinh hoàng Ất Dậu(1945) quét qua chẳng để lại cho người dân ta điều gì ngoài khung cảnh hoang
tàn và thây người lả đi vì đói la liệt. Cái "khói hun nhèm mắt" có lẽ là cách mà bà đã bảo vệ tuổi thơ đẹp đẽ
của cháu trước khung cảnh hiện thực tàn khốc. Đây cũng là cách mà người ta dùng để xua đi thứ mùi kinh
tởm từ thây người trong "Vợ nhặt"(Kim Lân): "mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió
thoảng vào khét lẹt". Mùi khói không thơm, không phải thứ hương người ta thèm muốn được thưởng thức
nhưng mùi khói ấy đã quện chặt và bám lấy tâm hồn đứa trẻ bốn tuổi, xua tan mùi tử khí, hiện thực đói
khổ. Hương khói "nhèm mắt" quyện lấy tuổi thơ cháu và đeo đẳng cho tới tận bây giờ,khi nhớ về ngày xưa
cũ. Năm ấy khói bếp lửa bà đốt "hun nhèm mắt cháu", năm nay lục lại ký ức về năm ấy, cảm giác sống mũi
cay thuở xưa vẫn còn đó và những xúc động mãnh liệt thôi thúc tuyến lệ của cháu trực trào khi lật lại từng
trang kí ức cơ cực trong đầu, nao lòng.
Thước phim thời gian trôi xuôi theo dòng đời đến năm lên 8 tuổi của cậu bé:
"Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Mẹ cùng cha công tác bận không về,
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học"
Hình ảnh bếp lửa vấn vương khói vẫn chẳng thể nào dứt ra khỏi hồi ức của cháu. Tiếng chim tu hú như
một điệp khúc vực dậy mùa lúa chín "trên những cánh đồng xa", như tiếng chuông báo thức của tự nhiên
đánh thức cháu dậy sớm nhen lửa cùng bà và cũng là tiếng báo hiệu cho sự khởi nguồn của những câu
chuyện về những ngày bà còn ở Huế - cố hương của tác giả. Tu hú kêu vang vọng những thanh âm da
diết, khắc khoải để lại những nhớ và mong. Tiếng loài chim hè ấy mới hay ho, thiết tha làm sao, một lần
nữa gọi mùa hè vàng ươm trong mường tượng của người tù Cách mạng: "Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp dây vàng hát đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không" (Tố Hữu)
Còn Bằng Việt chỉ thốt lên câu: "Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!". Trong thanh âm vang vọng của tiếng
chim có xen lẫn mùa lúa vàng, có lời bà kể chuyện, khiến nó cứ ngân nga, ngân nga mãi tít chân trời... Bà
không chỉ sưởi ấm tuổi thơ cháu mà còn bảo ban cháu nhiều điều, gánh hết trách nhiệm làm cha, làm thầy, làm mẹ:
"Mẹ cùng cha công tác bận không về
Cháu ở cùng bà bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm bà chăm cháu học"
Gia cảnh nhà thơ bây giờ cũng như bao gia đình khác, bố mẹ đều phải đi làm xa để kiếm từng đồng tiền
đổi lấy hạt gạo chống đỡ nạn đói. Sự sắp đặt các từ "bà" - "cháu" gần nhau, quấn quýt nhau như một vòng
luẩn quẩn, ý đồ của nhà thơ muốn con mắt và cách cảm của nhận của người đọc thật tinh tế, nếu không
tinh tế sẽ không nhận ra gia cảnh lay lắt chỉ có hai bà cháu sống nương tựa vào nhau. Bà không chỉ đảm
đương vai trò làm cha, làm mẹ, làm thầy mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho đứa cháu thơ nhỏ.
Nghĩ ngợi đến đây, cảm xúc dồn nén mới chực ùa ra:
"Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?"
Việc chưa làm thì chưa biết, thử rồi mới thấy gian nan. Phải nhóm lên bếp lửa mới hiểu thấu nhọc công
nhen nhóm chi chút, tỉ mỉ của bà. Nhà thơ lúc ấy mới xót xa thốt nên câu hỏi:
"Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?"
Là lời khiển trách tu hú hay lời tự vấn bản thân? Câu cảm thán: "Tu hú ơi!" dứt khoát như đang gọi tu hú
hay gọi chính trỗi dậy của lương tâm mình? Tại sao không về bên bà mà lại ở đất Liên Xô xa xôi, ngân nga
từng câu khắc khoải? Nỗi nhớ da diết, nhớ thương bà sớm hôm đã khiển trách bản thân tác giả. Dòng hồi
tưởng đang từ chớm thực tại lại tạt ngược về quá khứ, về những năm kiên cường chiến đấu với quân thù:
"Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
Chiến tranh bom Mỹ đến rồi đi như một thảm họa, một tận diệt của hai thế cực: con người - thiên nhiên.
Không sao kể xiết tội ác của những tên lính Mỹ đã gây ra cho dân tộc. Năm ấy, nhà thơ chứng kiến cảnh
chúng đốt nhẵn ngôi làng yêu dấu của mình, đốt "cháy tàn cháy rụi", cháy một cách khủng khiếp, hung bạo
mà dường như chính ngọn lửa ấy cũng quằn quại, đau đớn khó tả khi phải nuốt trọn làng quê mình. Sau
cơn ác mộng hỏa hoạn đến như cơm bữa, người dân bắt đầu lầm lụi trở về với đôi bàn tay trắng. Nhà cửa
bị đốt nhẵn, của cải hóa tàn tro. Đỡ đần bà gian khổ dựng lại túp lều tranh tạm bợ, khổ ấy mà bà vẫn nhẫn
nại chịu đựng, chẳng chịu san sẻ cho ai mà "dặn cháu đinh ninh":
"Bố ở chiến khu bố còn việc bố
Mày có viết thư kể này kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên"
Lời dặn dò của bà giản dị, nôm na nhưng chắc chắn. "Chắc" bởi có lẽ bà đủ dũng cảm, dạn dày để đối mặt
với sự mòn khổ của cuộc đời. Đảo ngữ: "Vẫn vững lòng bà dặn...", vững lòng trước rồi mới dặn dò cháu
sau, bà bao giờ cũng kiên cường gồng mình lên như vậy. Lời dặn bà nhắn nhủ đơn sơ nhưng chứa chan
tình yêu cháu, thương con. Bà giàu đức hi sinh, là hiện thân cho những phẩm chất chung của người phụ
nữ Việt Nam: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
Bếp lửa của bà thiêng liêng, kỳ ảo cứ cháy hoài theo năm tháng:
"Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng..."
Thiêng liêng bởi chất liệu bà nhóm lên bếp lửa sưởi ấm tuổi thơ cháu không chỉ bằng củi, than mà còn là
vật liệu hiếm, khai thác từ sâu trong tim. Đó là tình thương và niềm tin con cháu của bà, đó là ý chí, nghị
lực vững chắc làm chỗ dựa cho cháu, là đức hi sinh cao quý. Hình ảnh "bếp lửa" chốc chuyển hóa sang
"ngọn lửa", từ vật cụ thể chuyển thành hình ảnh trừu tượng. "Ngọn lửa" này không cháy leo lét như ánh
nến, cũng không sáng phừng phừng như đống lửa. Đó là sức cháy bền bỉ qua năm tháng ủ sẵn trong bà.
Đây không chỉ là ánh sáng, hơi ấm mà sâu trong cái nhiệt năng nóng bỏng ấy là cả niềm lạc quan bất diệt
bà luôn âm thầm nhen nhóm, là niềm tin bền vững vào một tương lai không xa của cuộc kháng chiến, của
sức sống trường kỳ mãnh liệt. Bà nhen lên bếp lửa bằng tình thương nên ngọn lửa được thắp lên là ngọn
lửa yêu thương nồng ấm. Bà dùng chính trái tim mình phả hơi ấm cho tuổi thơ cháu, xoa dịu đi phần nào
cơ cực, thiệt thòi, thiếu thốn. "Một ngọn lửa" điệp lại mạnh mẽ như chính niềm tin và sức sống của bà. Đó
cũng là cái kỳ ảo của bếp lửa, cháy hoài cháy mãi, cháy lên tình thương mỗi ngày một to lớn nuôi dưỡng cháu nên người.
Dòng sông ký ức chảy băng qua cuộc chiến kháng Mỹ gian khổ, giờ đây lại trầm ngâm suy tư về cuộc đời bà:
"Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm"
Lại một lần nữa, cụm từ "biết mấy nắng mưa"gánh hết nhọc nhằn , lo toan đời bà trải lên trang giấy cháu.
Đảo ngữ: "Lận đận đời bà..." tạc lại cuộc đời đầy sóng sóng gió, bấp bênh.
"Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm"
Thấp thoáng sau con chữ, bóng lưng bà tần tảo sớm chiều, bà dậy sớm để nhóm lửa, nhóm cho ngọn lửa
cháy trường kì, nhóm lên như một điệp khúc trong gian bếp quê thơm lành mùi khói rơm và mùi xôi gạo:
"Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ...
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!"
Điệp từ "nhóm" lặp đi lặp lại như một công việc khởi đầu ngày mới để sưởi ấm và nấu ăn cho gia đình.
Cũng là nhóm lên tình yêu thương ("nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi"), nhóm lên tình đoàn kết
"mới sẻ chung vui"; khơi dậy trong cháu những ước mơ ("nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ"). Giờ đây,
cháu mới ngỡ ngàng nhận ra ý nghĩa của việc nhóm lửa. Đảo ngữ cảm thán như một lời thốt lên, một sự
bất ngờ về công việc bấy lâu nay thân thuộc. Chẳng ngờ đâu lại diệu kỳ đến thế, "Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!".
Bánh xe ký ức lăn về thực tại, thước phim tua ngược dần rời xa quá khứ. Những lời tự tình ở cuối bài thơ
đã gieo vào lòng người xa xứ một nỗi buồn, nỗi nhớ khôn nguôi về quê hương và bóng dáng những người
yêu thương, cưu mang ta thuở ấu thơ, dìu dắt ta đi qua bao thăng trầm của cuộc đời. "Trăm tàu", "trăm
nhà", "trăm ngả" dần được điệp lên trang giấy giống như lời khẳng định cho sự lớn khôn trưởng thành, cho
niềm tin yêu của ngọn lửa bền bỉ bà nhen nhóm ngày ấy. Thế nhưng, dù đã đủ lông đủ cánh để tung bay đi
muôn phương, cháu vẫn chẳng thể nào quên bà và bếp lửa, chẳng bao giờ quên nhắc nhở:
"Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?"
Bếp và bà luôn đi liền,song hành với nhau. Nhắc tới bếp là nghĩ về bà mà nói tới bà là liên tưởng tới bếp.
Câu hỏi tu từ của nhà thơ chẳng phải để hỏi bà mà là đợi câu trả lời từ chính lòng mình, nhắc nhở mình
luôn dành một góc đặc biệt trong tim để bà nhen bếp lửa, cho ngọn lửa ấy cháy hoài, cháy mãi, cháy lên
tình yêu quê hương, gia đình, đất nước trong cháu, nhắc nhở cháu phải khắc ghi trong tâm đạo lý "uống
nước nhớ nguồn". Dẫu mai này cánh cò con có mệt lả ở miền đất đẹp xinh nào đi chăng nữa, quê hương cò chỉ có một mà thôi!
Dòng hồi tưởng của bài thơ dẫu trải qua những cột mốc tháng năm "đói mòn đói mỏi", "mưa bom đạn
gào", vẫn lung linh, huyền diệu và lay động trái tim người đọc như vụn trăng dát vàng đóa hồng bạch nở
rung rinh như những nàng công chúa. Sức cháy bền bỉ của ngọn lửa bà nhen qua bao tháng năm giống
như tình thương vô hạn và niềm tin bất tận bà đặt trong chiến dịch và tương lai cháu sáng chói. Hình ảnh
bà gắn bó bên bếp lửa không chỉ là hình ảnh chủ đạo xuyên suốt cả bài thơ mà còn là biểu tượng thân
yêu, chạy dọc đường đời, an ủi cháu những phút ngã lòng hãy đứng dậy, nhắc nhở cháu không được
quay lưng lại với quê hương, đất nước mình.
Thi nhân cuối cùng gói lại mảnh kí ức và giữ chặt như một bảo vật bên mình. Anh lại tiếp tục hành trình
lang thang trên triền đê ký ức và dẫn lối cho bạn đọc tới xứ sở cái đẹp trên thi đàn. Tôi dõi theo anh, biết
anh đã khắc sâu trong tim lời bà dặn, miệng còn lẩm bẩm: "Mười năm
Cháu dần lớn nên người
Rất nhiều điều phải đi đến tận cùng, Chỉ có lòng bà thương Đi bao giờ hết được?"
———————————— BẾP LỬA
Văn học ra đời giữa những buồn vui của loài người và sẽ làm bạn với con người cho đến ngày tận thế.
Mỗi tác phẩm nghệ thuật chân chính giống như thứ khí giới thanh cao mà đắc lực mà chúng ta có để thay
đổi thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn. Văn chương trao
truyền những tình cảm, cảm xúc tươi đẹp, trong trẻo cho tâm hồn con người hướng đến vẻ đẹp của chân
thiện mỹ. Chính vì thế mà văn chương giống như suối nguồn lai tạo sự sống cho tâm hồn mỗi người.
Những trang văn câu thơ bồi đắp thêm cho ta những tình cảm ta sẵn có và làm giàu thêm những tình cảm
ta chưa có. Bài thơ Bếp Lửa của Bằng Việt là một bài thơ như thế. Cũng viết về những tình cảm muôn
thuở của loài người đó là tình bà cháu, tình yêu quê hương, đất nước ta đã gặp trong thơ ca dân gian,
trong những trang văn tuyệt đẹp của Hoàng Phủ Ngọc Tường về dòng sông quê hương, những câu hát và
cảnh xứ non sông, những câu tục ngữ về tình bà cháu thiêng liêng: “Ngó lên nuộc lạt mái nhà/Bao nhiêu
nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu.” Nhưng tìm đến những câu thơ của Bằng Việt không hiểu sao vẫn rung
động hồn ta bởi những nỗi băn khoăn riêng, vẫn ám ảnh và đầy dư ba về sự hi sinh của người bà tần tảo và tình cháu yêu bà.
Bằng Việt bắt đầu làm thơ từ những năm 60 của thế kỉ XX. Ông là nhà thơ trưởng thành trong thời kì
kháng chiến chống Mĩ cứu nước.Thơ ông toát lên vẻ đẹp trong sáng mượt mà “như những bức tranh lụa”;
rất đằm thắm và sâu sắc khi viết về những kỉ niệm tuổi ấu thơ, tuổi học trò, tình cảm gia đình và "Bếp lửa
cũng không là bài thơ ngoại lệ.Tác phẩm được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên ngành luật
bên Liên Xô, là tập thơ đầu tay của Bằng Việt, sau được đưa vào tuyển tập “Hương cây – Bếp lửa” cùng với Lưu Quang Vũ.
Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ hồi tưởng đến hiện tại, từ kỉ niệm đến suy ngẫm. Điều đó được gợi ra qua
hình ảnh bếp lửa quê hương và hình ảnh người bà. Từ đó mà người cháu (chính là Bằng Việt) bộc lộ nỗi
nhớ về những kỉ niệm thời ấu thơ và được sống trong sự yêu thương, chăm sóc của bà. Đồng thời thể
hiện niềm biết ơn, sự kính trọng của người cháu đối với người bà, đối với gia đình, đối với quê hương, đất nước.
Trước hết là hình ảnh “bếp lửa” – nơi khơi nguồn cảm xúc nỗi nhớ, hồi tưởng về người bà kính yêu. Ở
phương xa, người cháu luôn hướng về quê nhà, nơi có gia đình, có người thân yêu, có bà và có cả những
kỉ niệm ầu ơ khi còn nhỏ. Và dòng cảm xúc hồi tưởng ấy được bắt đầu từ hình ảnh “bếp lửa” yêu thương:
"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa."
Hình ảnh bếp lửa “chờn vờn sương sớm” giàu tính chất tả thực, gợi lên hình ảnh một bếp lửa ẩn hiện bập
bùng cháy trong làn sương khói của buổi sớm mai. Những đốm than hồng đỏ rực nồng đượm sự ấp ủ,
được nhóm lên bởi bàn tay dịu dàng, cần mẫn, khéo léo và tấm lòng chi chút của người bà. Đồng thời, cái
bếp lửa ấy cũng chờn vờn trong tâm trí , trong nỗi nhớ ám ảnh của nhà thơ, ấp ui, trân trọng và giữ gìn.
Từ đó đánh thức dòng hồi tưởng nhớ thương của người cháu về người bà – người nhóm lửa trong mỗi buổi sớm mai:
"Cháu thương bà biết mấy nắng mưa."
Cụm từ “biết mấy nắng mưa” gợi tả sự cần cù, chịu khó, vất vả, giàu đức hi sinh của người bà. “Thương”
là tình cảm chân thành, xuất phát từ trái tim giàu tình yêu thương, sự sẻ chia vả bao hảm cả sự kính trọng,
niềm biết ơn sâu sắc, cùng nỗi nhớ khôn nguôi của người cháu dành cho bà của mình.
Như vậy, với ba câu thơ mở đầu tác phẩm, Bằng Việt đã thể hiện tình cảm nỗi nhớ da diết của mình về
bếp lửa quê hương và người bà thân yêu. Có thể coi đây là khúc dạo đầu viết về nỗi nhớ. Từ đó định
hướng cảm xúc cho toàn bài. Bài thơ sẽ là lời tâm tư, nỗi nhớ của người cháu về bếp lửa, về người bà và
cả những kỉ niệm buồn vui khi còn bên cạnh bà.
Nhắc đến tuổi thơ, có lẽ trong mỗi chúng ta luôn thường trực nghĩ tới những năm tháng hồn nhiên, tinh
khôi, trong trẻo khi được sống trong sự đủ đầy cả về vật chất và tình cảm yêu thương của cha mẹ, người
thân. Nhưng với những thế hệ như lớp nhà thơ Bằng Việt thì điều đó làm sao có được khi họ phải sống
trong những năm tháng bom rơi đạn lạc chiến tranh, sự sống và cái chết chỉ trong gâng tấc. Vì thế, khi nhớ
về thời ấu thơ, những kỉ niệm trong kí ức như một thước phim quay chậm lần lượt hiện về trong tâm trí
của Bằng Việt với biết bao nhiêu là sự thiệt thòi, gian khổ, thiếu thốn, nhọc nhằn. Kỉ niệm đầu tiên ấy là khi lên bốn tuổi:
"Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đén giờ sống mũi còn cay!"
Thành ngữ “đói mòn đói mỏi” gợi tả cái đói kéo dài làm cho mệt mỏi, rã rời và kiệt sức. Vì thế, cái đói đã
khiến cho ngựa cũng trở nên gầy rạc, hình ảnh người bố đánh xe chắc chắn cũng khô héo, tiều tụy, xanh
xao…tất cả đã khiến cho người đọc dâng lên một nỗi niềm xót xa khi nhớ tới nạn đói khủng khiếp đến rợn
người năm Ất Dậu 1945 năm nào. Khi ấy, cháu ở cùng bà và đã cùng bà nhóm lửa, khói bếp tỏa ra đã làm
cho nhèm mắt, “nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”. Làn khói đã in đậm, in sâu trong tâm trí của người
cháu hay đó chính là nỗi cơ cực, vất vả của cái nghèo, cái đói, của chiến tranh loạn lạc trong tuổi ấu thơ
của người cháu. Những câu thơ được viết lên bằng những tình cảm chân thực nên chan chứa nước mắt
và dày đặc làn khói. Giọng thơ trầm xuống thấm thía một nỗi buồn cơ cực đến xót xa khi dòng hoài niệm
tuổi thơ dâng đầy trong lòng thi sĩ khiến “sống mũi còn cay”.
Tiếp đến là những dòng hoài niệm về tám năm ròng trong cuộc sống có chiến tranh sống bên bà:
"Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà
Bà hay kể những ngày ở Huế
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Mẹ cùng cha công tác bận không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi! chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?"
Âm thanh của tiếng chim tu hú quen thuộc ở chốn đồng quê mỗi độ hè về cứ vang vọng, réo rắc cuộn xoáy
vào trong lòng của người con xa xứ. Âm thanh của tú hú kêu được tái hiện trong những cung bậc và cảnh
huống khác nhau: khi thì từ cánh đồng xa vọng lại (Tu hú kêu trên những cánh đồng xa) gợi lên một không
gian rộng lớn, mênh mông và vắng lặng; khi thì lại rộn lên khắc khoải, da diết khiến lòng người trỗi lại
những hoài niệm xa xăm (Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà/ Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế); khi
thì lại gióng giả, kêu hoài đến khô khan, lạnh vắng trên những cánh đồng xa xôi, heo hút (Kêu chi hoài trên
những cánh đồng xa)… Tiếng chim tu hú trở thành điệp khúc chủ âm của những dòng hoài niệm hồi tám
tuổi, có tác dụng khắc họa không gian sống vắng lặng, heo hút, mênh mông; lại vừa gieo vào lòng người
đọc một nỗi buồn trống trải đến da diết, rợn ngợp. Tuy nhiên, tuổi thơ của người cháu vẫn thấm đẫm tình
cảm yêu thương, đùm bọc cưu mang của người bà yêu quý. “Mẹ và cha công tác bận không về” và hai bà
cháu nương tựa vào nhau. Bên bếp lửa, bà kể chuyện cho cháu nghe, bà bảo ban, dạy dỗ và chăm cháu
học. Các động từ: “bà bảo, bà dạy, bà chăm” đã diễn tả một cách sâu sắc và thấm thía tình yêu thương
bao la, chăm chút của người bà dành cho người cháu. Vì thế , bà trở thành ngọn nguồn ấm áp, vỗ về, nuôi
nấng, chở che, giữ gìn tổ ấm gia đình và bà là sự kết hợp thiêng liêng cao quí của tình cha, nghĩa mẹ,
công thầy trong những chuyến đi xa bận công tác của bố mẹ. Cho nên, người cháu luôn ghi lòng tạc dạ
đức công ơn trời bể ấy của bà: “Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc”. Chỉ một mình chữ “thương” thôi
cũng đã đủ gói ghém tất thảy tình yêu thương, sự kính trọng và niềm biết ơn sâu nặng mà người cháu dành cho bà của mình.
Trong những năm đất nước có chiến tranh, những khó khăn, ác liệt, biết bao nhiêu đau thương mất mát
vẫn luôn in sâu trong tâm trí của người cháu. Và có một kỉ niệm trong hồi ức mà người cháu chẳng bao
giờ quên được dù đã lớn khôn:
"Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
Nỗi khổ sở, đau đớn khi giặc giã kéo về làng tàn phá, thiêu hủy nhà cửa, xóm làng, bà vẫn âm thầm chịu
đựng, tự gắng gượng đứng lên chống đỡ nhờ sự đùm bọc, giúp đỡ của dân làng. Bà không muốn người
con ở chiến khu biết được việc ở nhà mà ảnh hưởng đến công việc trong quân ngũ. Đó phải chẳng là
phẩm chất cao quý của những người mẹ Việt Nam anh hùng trong chiến tranh. Ta đọc ở đây sự hy sinh
thầm lặng, cao cả và thiêng liêng của người bà, người mẹ ở hậu phương luôn muốn gánh vác cùng con
cháu, cùng đất nước để đánh đuổi giặc giã xâm lăng, đem lại bầu trời tự do cho dân tộc. Lời dặn dò của
người bà vẫn được cháu “đinh ninh” nhớ mãi trong lòng, được trích nguyên văn được nhắc lại trực tiếp khi
người cháu viết thư cho bố càng cho thấy phẩm chất đáng quý biết bao của người bà. Vì thế, đến đây ta
mới thấy được hết tất cả công lao to lớn của người mẹ Việt Nam đối với cuộc kháng chiến chống quân
xâm lược. Có được thắng lợi ấy không chỉ là sự đóng góp trực tiếp của những người lính trên mặt trận tiền
tuyến mà còn có cả sự đóng góp lớn lao của những người phụ nữ ở hậu phương.
Sau những đoạn thơ hồi tưởng về thời ấu thơ được sống cùng bên bà của mình, người cháu tiếp tục suy
ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời của bà qua hình ảnh bếp lửa:
"Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…"
Từ “bếp lửa” bài thơ đã gợi đến “ngọn lửa” với ý nghĩa trừu tượng và khái quát. Bếp lửa bà nhen lên trong
mỗi buổi sớm mai và buổi chiều tà không đơn giản chỉ bằng nguyên liệu của tự nhiên, mà cao hơn đã
được tác giả nâng lên thành biểu tượng cho tình yêu thương và niềm tin trong sáng, mãnh liệt. Điệp ngữ
“một ngọn lửa” vừa có ý nghĩa nhấn mạnh đến sự sống dai dẳng bất diệt của ngọn lửa; lại vừa có ý nghĩa
thể hiện tình yêu thương mà người bà dành cho cháu. Ngọn lửa chính là hình ảnh khúc xạ cho tâm hồn,
cho ý chí, nghị lực sống phi thường của người bà. Vì thế, bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn
là người tiếp lửa, truyền lửa cho người cháu thân yêu. Đó là ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho thế hệ nối tiếp.
Từ suy ngẫm về vai trò của người bà trong cuộc sống, tác giả tiếp tục khẳng định phẩm chất cao quí của
người bà: tần tảo, giàu đức hi sinh và giàu lòng nhân ái:
"Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!"
Cụm từ “biết mấy nắng mưa” gợi lên cuộc đời của người bà vất vả, gian truân, lận đận nhưng vẫn sáng lên
những phẩm chất thiêng liêng, cao quí của người phụ nữ Việt Nam. Điệp từ “nhóm” (4 lần) bao gồm rất
nhiều nghĩa, nói lên ý nghĩa cao cả của công việc mà bà vẫn làm mỗi sớm sớm, chiều chiều: Bà là người
nhóm lửa và cũng là người giữ cho ngọn lửa luôn ấm nóng, tỏa sáng trong mỗi gia đình. Từ “ấp iu nồng
đượm” gợi tả công việc nhóm bếp và ngọn lửa luôn đượm than hồng bởi bàn tay khéo léo, cần mẫn, chi
chút của bà. Bà nhóm bếp lửa mỗi sớm mai còn nhóm lên cả niềm yêu thương, sự sẻ chia chung vui và
tâm tình tuổi nhỏ của người cháu. Đến đây, hành động nhóm lửa của bà đâu đơn thuần chỉ là hành động
nhóm bếp thông thường nữa mà cao hơn nó đã thành hình ảnh ẩn dụ biểu trưng cho ý nghĩa của công
việc nhóm lửa của bà. Qua hành động nhóm lửa, bà muốn truyền lại cho người cháu hơi ấm của tình yêu,
sự sẻ chia với mọi người làng xóm xung quanh. Và cũng chính từ hình ảnh bếp lửa, bà đã gợi dậy cả
những kí ức tuổi thơ trong lòng của người cháu để cháu luôn nhớ về nó và đó cũng chính là luôn khắc ghi
nhớ tới cội nguồn quê hương, đất nước của dân tộc mình. Từ đó bếp lửa trở nên kì lạ, thiêng liêng “Ôi kì
lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”. Từ cảm thán “Ôi” kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ thể hiện sự ngạc nhiên,
ngỡ ngàng như phát hiện ra chân lí, điều kì diệu giữ cuộc đời bình dị. Bếp lửa và bà như hóa thân vào làm
một, luôn rực cháy, bất tử thiêng liêng.
Khổ cuối bài thơ là lời bộc bạch chân thành của người cháu khi đã lớn khôn, trưởng thành. Dù cho khoảng
cách về không gian, thời gian có xa xôi “khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả” nhưng người cháu
vẫn luôn khắc khoải trong lòng nỗi nhớ khôn nguôi về bà, về bếp lửa: “Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên
nhắc nhở/ – Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?…”. Sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại, giữa “khói
lửa” của cuộc sống hiện đại với bếp lửa bình dị, đơn sơ của bà đã cho thấy sức sống bất diệt của ngọn lửa
mà bà nhóm lên trong mỗi sớm chiều luôn thường trực và sống mãi trong lòng của người cháu. Ngọn lửa
ấy đã trở thành kỉ niệm của tuổi thơ về bà – một người truyền lửa, truyền sự sống, tình yêu thương và
niềm tin “dai dẳng” bất diệt cho thế hệ tiếp nối. Chính vì thế nhớ về bà là nhớ về bếp lửa, nhớ về cội nguồn
dân tộc. Bài thơ khép lại bằng câu hỏi tu từ thể hiện nỗi nhớ khôn nguôi và niềm hoài vọng xa xăm của
người cháu luôn đau đau, thiết tha nhớ tới tuổi thơ, nhớ tới gia đình, nhớ tới quê hương, đất nước.
Bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt là một bài thơ dạt dào cảm xúc. Hình tượng bếp lửa được thể hiện độc
đáo qua giọng điệu tâm tình, thiết tha; nhịp điệu thơ linh hoạt; kết hợp với lối trùng điệp được sử dụng biến
hóa, khiến cho lời thơ với hình ảnh bếp lửa cứ tràn ra, dâng lên, mỗi lúc thêm nồng nàn, ấm nóng. Từ đó,
khiến cho người đọc cảm thấy thật thấm thía, xúc động trước nỗi nhớ nhung da diết về những kỉ niệm ấu
thơ của người cháu và cả tấm chân tình của nhà thơ đối với người bà kính yêu. Qua đó, chúng ta càng
cảm thấy yêu, càng cảm thấy trần trọng hơn tình cảm đối với gia đình, với quê hương, đất nước. Từ đó, ta
mới thấm thía hết được lời bài hát của nhạc sĩ Trung Quân, thật ý nghĩa biết chừng nào:
"Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người…"