-
Thông tin
-
Hỏi đáp
Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phân Bội Châu hay nhất | Văn mẫu lớp 11
Lưu biệt khi xuất dương là một trong số những sáng tác thể hiện chí khí của Phan Bội Châu. Trong bài viết dưới đây sẽ cùng các bạn phân tích tác phẩm này. Tài liệu được sưu tầm và soạn thảo dưới dạng file PDF để gửi tới các bạn sinh viên cùng tham khảo, ôn tập đầy đủ kiến thức, chuẩn bị cho các buổi học thật tốt. Mời bạn đọc đón xem!
Preview text:
Lưu biệt khi xuất dương là một trong số những sáng tác thể hiện chí khí của Phan Bội Châu. Trong bài viết dưới đây sẽ cùng các bạn phân tích tác phẩm này.
1. Tác giả, tác phẩm
1.1. Tác giả Phan Bội Châu
- Phan Bội Châu sinh năm 1867, mất năm 1940, tên ban đầu là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam. Ông là nhà yêu nước, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng.
- Phan Bội Châu nức tiếng thông minh từ nhỏ: Năm 6 tuổi học 3 ngày thuộc hết Tam Tự Kinh, 7 tuổi ông đã đọc hiểu sách Luận Ngữ, 13 tuổi ông thi đỗ đầu huyện.
- Năm 1885, ông tham gia lập đội Sĩ Tử Cần Vương chống Pháp.
- Năm 1900, ông đậu đầu Giải Nguyên nhưng không ra làm quan mà nung nấu con đường cứu nước theo tư tưởng mới.
- Năm 1904, ông cùng hơn 20 đồng chí khác lập Duy Tân hội chống Pháp.
- Năm 1905, ông sáng lập và thực hiện phong trào Đông Du, đưa học sinh Việt Nam sang Nhật du học.
- Năm 1912, ông thành lập Việt Nam Quang Phục hội.
- Năm 1922, ông định thực hiện chính sách cải tổ theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự góp ý của Nguyễn Ái Quốc.
- Năm 1925, ông bị thực dân Pháp bắt cóc và xử án tù chung thân.
- Bên cạnh là một nhà yêu nước lỗi lạc, ông còn là một cây bút xuất sắc của văn chương Cách mạng. Văn chương ông có hình thức cổ điển nhưng vẫn mới mẻ. Đó là vũ khí để tuyên truyền cổ động, thơ văn ông đã làm rung động biết bao con tim yêu nước.
- Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến: Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư, Ngục trung thư, Trùng Quang tâm sử, Phan Sào Nam văn tập, Phan Bội Châu niên biểu,...
1.2. Tác phẩm Lưu biệt khi xuất dương
- Bài thơ Lưu biệt khi xuất dương được Phan Bội Châu sáng tác vào năm 1905, trước lúc sang Nhật Bản tìm một con đường cứu nước mới, ông làm bài thơ này để giã từ bè bạn, đồng chí.
- Bài thơ khắc họa vẻ đẹp lãng mạn, hào hùng của nhà chí sĩ cách mạng những năm đầu thế kỉ XX, với tư tưởng mới mẻ táo bạo, bầu nhiệt huyết sôi nổi và khát vọng cháy bỏng trong buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước. Làm nên giá trị nội dung cho tác phẩm là lý tưởng yêu nước cao cả, lòng nhiệt huyết sục sôi. Bài thơ dựng lên tư thế đẹp đẽ và khát vọng lên đường cháy bỏng của chí sĩ cách mạng.
- Bài thơ được làm theo thể thơ thất ngôn bát cú luật bằng, hình ảnh thơ sinh động, có sức truyền tải cao. Mang đặc trưng của thơ ca Cách mạng nên bài thơ có một giọng điệu rất riêng: hăm hở, đầy nhiệt huyết. Ngôn ngữ thơ bình dị mà có sức lay động mạnh mẽ.
2. Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương
Đối với cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX, Phan Bội Châu là một trong những vị anh hùng kiệt xuất, có tầm ảnh hưởng lớn. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dẫu chưa từng được hưởng niềm vui chiến thắng, song tấm lòng nhiệt huyết, khát khao độc lập và ý chí đấu tranh của ông chưa từng lung lay dù chỉ trong giây phút. Điều ấy thể hiện ở cuộc đời hoạt động cách mạng bền bỉ của ông, đồng thời thể hiện qua những tác phẩm thơ văn dưới ngòi bút ông. Lưu biệt khi xuất dương là một trong những tác phẩm tỏ rõ chí hướng của ông. Bài thơ là lời từ biệt của ông với bạn bè, đồng chí trước khi sang Nhật tìm con đường cứu nước, đồng thời thể hiện tư thế hiên ngang của người chiến sĩ.
Sở dĩ có người nói Lưu biệt khi xuất dương là bài thơ gắn liền với sự chuyển biến trong tư tưởng cách mạng của Phan Bội Châu, bởi bài thơ được sáng tác vào năm 1905, trước ngày ông lên tàu cùng một số thanh niên ưu tú khác sang Nhật tìm đường cứu nước. Bài thơ là sự cổ vũ, động viên khích lệ tinh thần đầy hào khí dành cho những con người mang tư tưởng, tráng chí tốt đẹp ra đi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, dẫu biết có nhiều gian nan trắc trở. Đây đồng thời là một tác phẩm gợi mở, hướng những con người ở lại, hướng nhân dân ta về một niềm tin rằng mai đây đất nước sẽ tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn, bộc lộ nhưng ý chí, quyết tâm, tư tưởng tiến bộ của một nhà nho yêu nước, một vị lãnh tụ hết lòng vì dân tộc.
Như Nguyễn Ái Quốc đã viết trong tác phẩm chính luận Những trò lố hay là Va - ren và Phan Bội Châu những lời tán dương dành cho cụ Phan đầy sâu sắc và trân trọng rằng: “một bậc anh hùng, một vị thiên sứ được hai mươi triệu đồng bào trong vòng nô lệ tôn kính”. Điều đó đủ để thấy rằng ở Phan Bội Châu là hội tụ những vẻ đẹp quý giá của một nhân cách lớn, một tư tưởng lớn hòa quyện giữa tinh thần của một nhà nho và một chí sĩ cách mạng theo khuynh hướng tư bản và thậm chí còn có đôi chút khuynh hướng chủ nghĩa xã hội. Trong Lưu biệt khi xuất dương, vẻ đẹp nhân cách, tư tưởng của Phan Bội Châu bộc lộ từ hai câu thơ đầu, mà có thể đặt cho nó cái tên là chí làm trai trong thời đại mới:
Sinh vi nam tử yếu hy kỳ,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.
Dịch thơ:
Làm trai phải lạ ở trên đời,
Há để càn khôn tự chuyển dời.
Nhìn vào mạch nguồn thơ ca trung đại, ta có thể thấy lý tưởng xã hội, chí làm trai là một khái niệm thường thấy. Dẫu là võ tướng triều Trần Phạm Ngũ Lão hay văn quan Nguyễn Công Trứ cũng đều mang trong mình cái trí làm trai:
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu
Và:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
Cái chí của đấng nam nhi ở đây là công, là danh. Họ trông vào đó mà tìm kiếm sự nghiệp, khẳng định bản thân mình trước cuộc đời, trước mọi người. Nhưng cách thể hiện của Phan tiên sinh trong bài thơ này lại gây một ấn tượng mạnh. Là một nhà Nho kiếm tìm cái mới, mong cải cách đất nước để từ đó tìm ra con đường cứu nước, Phan Bội Châu như gạch nối giữa những triết lý Nho gia với tư tưởng hiện đại. Người vẫn mang cái chí làm trai ấy, nhưng cái chí của người không còn đặt ở công danh. Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX trong lịch sử nước nhà là một giai đoạn đầy biến động dữ dội, tháng 1/8/1958, Pháp nổ phát súng đầu tiên chính thức xâm lược nước ta lần thứ nhất, trong khi đó triều đình nhà Nguyễn yếu hèn, chế độ phong kiến thối nát, có nguy cơ sụp đổ, không đủ sức để đứng lên lãnh đạo nhân dân chống giặc ngoại xâm như các thế hệ cha ông đi trước. Các nhà nho yêu nước, thương dân nhưng đa số bất lực trước thời cuộc, bế tắc nên tìm cách thoái ẩn, trốn tránh cuộc đời. Chỉ riêng Phan Bội Châu chọn một lối đi khác. Người không trốn tránh thực tại hay khom lưng uốn gối trước quân thù, Phan tiên sinh nhận ra bản thân cần tìm ra hướng đi mới để giải phóng dân tộc. Người lựa chọn hoạt động cách mạng sôi nổi. Bởi cụ Phan có một nhân cách văn hóa lớn, người tiếp nhận các khuynh hướng chính trị một cách đa dạng, nhiều chiều, là người trực tiếp tham gia các phong trào Cần Vương và một số phong trào khởi nghĩa truyền thống, Phan Bội Châu tuy là một nhà nho chính thống, nhưng lại sớm nhận ra những yếu điểm và sự lỗi thời của các phong trào này. Phan Bội Châu nhận thấy cần phải có một sự cải cách mới, một con đường mới cho cách mạng Việt Nam, người xem xét chế độ quân chủ lập hiến, rồi cuối cùng quyết định giải phóng dân tộc theo con đường mà các nước tư bản chủ nghĩa đã làm và rất thành công tiêu biểu đó là Nhật Bản. Từ đó phong trào Đông Du ra đời, với một hy vọng cải biến được tình hình hỗn loạn như rắn mất đầu của các phong trào khởi nghĩa lẻ tẻ trong nước. Phan Bội Châu là một người anh hùng biết thời biết thế, bởi lẽ dù là một nhà nho, ông không hề ôm khư khư những lý luận đã lỗi thời của tư tưởng này. Trái lại, người sẵn sàng tiếp nhận những tư tưởng mới, dung hòa những tư tưởng mới đó với triết lý Nho gia, để hướng hành động của mình theo những tư tưởng mới trên cái nền tư tưởng Nho gia. Trong đó chí nam nhi là điều cốt yếu của một nhà nho yêu nước. Song, điều cốt yếu này đã được Phan Bội Châu thay đổi theo thời cuộc. Chí làm trai từ công danh bỗng trở nên kì vĩ, lớn lao, bởi nó được đặt trong một không gian đặc biệt, đó là vũ trụ. Nếu nhìn từ không gian ấy, bậc nam nhi sẽ còn có nhiều khao khát hơn là công và danh. Chữ lạ trong bản dịch thơ tuy hay nhưng chưa làm toát lên được ý nghĩa từ chữ kỳ trong văn bản gốc. Làm trai phải lạ cần được hiểu là làm được những việc kì lạ, kiệt xuất, phi thường. Muốn làm được điều ấy, người quân tử phải được đặt trong một không gian không thể là trên đời được, mà phải là càn khôn. Vì “đời” tưởng rộng mà hóa ra lại hẹp, mới chỉ là thế giới loài người, còn “càn khôn” là vũ trụ bao la. Cho nên cái hay trong hai câu đề là không gian ấy đến câu thứ hai mới xuất hiện, nó làm tôn lên hình ảnh một bậc nam nhi đại trượng phu, hào kiệt dõng dạc hô vang ở câu đầu rằng phải lạ. Có nghĩa là đấng nam tử đâu chỉ trông chờ, thụ động, phó mặc cho tạo hóa xoay vần, mà phải chủ động, dấn thân thay đổi cả càn khôn, trời đất, cải tạo cả vũ trụ, giang sơn. Mạnh mẽ hơn là phải biết sống hiển hách, dám mưu đồ những việc lớn, kinh thiên động địa, đất nước lâm nguy thì ra tay cứu nước, thay đổi lịch sử. Ví như thuở trước người trai miệt mài đèn sách, quyết thi cử lấy công danh làm rạng rỡ tổ tông hoặc là tòng quân chinh chiến sa trường, bảo vệ biên cương, để trả mối nợ nước. Thì nay trong thời đại đầy biến động, người nam nhi lại cần phải có ý chí, thay đổi tư tưởng của bản thân để trả món nợ công danh cho đất nước, chứ không phải bất lực, trốn tránh như nhiều nhà nho đương thời, vì sự cố chấp, bảo thủ lạc hậu ôm khư khư quan niệm Nho học đã lỗi thời để than khóc, xót thương. Quan niệm chí làm trai ấy của Phan Bội Châu lại càng được bộc lộ rõ trong câu thơ tiếp theo “Há để càn khôn tự chuyển dời”. Câu thơ ấy đã bộc lộ sự mạnh mẽ, ý chí quyết đoán, thách thức cả vũ trụ, thể hiện tầm vóc to lớn của nhà thơ trước cán cân tạo hóa, Phan Bội Châu khẳng định vận mệnh của bản thân phải do chính bản thân mình nắm giữ, đồng thời ý thơ còn chỉ ra tráng chí, lý tưởng thay đổi “càn khôn” của tác giả. Mà thực tế “càn khôn” ở đây chung quy vẫn là chỉ đến sự biến động của thời cuộc, giặc Pháp xâm lược và chế độ phong kiến đổ nát, khiến đất nước lầm than, nhiễu loạn. Phan Bội Châu không can tâm, không đành lòng nhìn thấy cảnh đau thương ấy, người phải làm gì đó cho Tổ quốc, cho dân tộc chứ không phải là đứng yên bất lực hay rơi lệ xót thương. Cảm hứng sử thi, lãng mạn trong câu thơ đã nâng tầm chí làm trai lên một diện mạo mới. Đặt trong bối cảnh ra đời bài thơ, hình ảnh đấng nam nhi mang tầm vóc vũ trụ ấy đã mở đầu cho một khúc khải hoàn ca đầy hùng tráng, phi thường về ý chí và tinh thần yêu nước. Rõ ràng với hai câu thơ đề, Phan Bội Châu đã mở ra cái chí quen thuộc mà cũng mới lạ, phần nào thể hiện rõ tư tưởng đổi mới, tiến bộ hơn rất nhiều so với các nhà nho cùng thời.
Tiếp nối chiều không gian được mở ra từ hai câu đề, ở hai câu thực, Phan Bội Châu đặt ra một khoảng thời gian cho mình:
Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở, há không ai?
Trong cuộc đời trăm năm hữu hạn, Phan Bội Châu muốn cống hiến sức mình cho đất nước, làm nên những công trạng phi thường, lớn lao để xứng đáng làm một nam nhi lưu danh vào thiên cổ ngàn năm. Bản thân Phan Bội Châu sinh ra đúng lúc đất nước đầy đau thương, thế nên với tư cách là một bậc đại trượng phu, ông tự ý thức được trách nhiệm của mình dành cho đất nước. Tạo hóa đã đặt con người ta vào nghịch cảnh, cuộc đời vốn chỉ có trăm năm thì cần sống sao cho ra dáng “nam nhi” để không uổng công sắp đặt của tạo hóa. Ý của Phan Bội Châu chính là như vậy. Và cụ Phan cũng không chỉ nói riêng hay đặt ra kỳ vọng, lý tưởng cứu quốc, tạo lập công danh cho chính bản thân mình, mà với ông “khoảng trăm năm” này nó vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức cho tất cả những đấng nam nhi trong thiên hạ. Ông có một niềm hy vọng rất lớn vào các thế hệ mai sau, câu hỏi ngỏ ấy chính là lời khích lệ, động viên sâu sắc đến nhiều thế hệ thanh niên trong nước, khuyến khích họ tự tạo dựng một lý tưởng cao đẹp, mạnh mẽ xông pha để trả mối nợ công danh cho nước non, cho dân tộc. Phan Bội Châu đã bước những bước đi đầu tiên đầy khó khăn, nhưng tràn đầy tráng chí quyết tâm và hy vọng về một tương lai khởi sắc, vực dậy đất nước, nhưng sau trăm năm của ông, ai sẽ là người tiếp tục con đường ấy? Rõ ràng, hai câu thơ này của Phan Bội Châu không chỉ đặt ra cho một mình mình. Hai câu thơ ấy là lời thúc giục, là dấu hỏi người đặt ra cho tất cả đấng nam nhi trong thời buổi đất nước nguy nan này. Phan Bội Châu cần những người cộng sự, những người tiếp nối, để biến lý tưởng cách mạng ấy thành sự thật. Tác giả đã tự khẳng định bản thân mình, đây là cái tôi mang đầy trách nhiệm, chủ động tích cực chứ không phải cái tôi vị kỉ, chỉ biết lo nghĩ cho lợi ích của cá nhân. Ở hai câu thực có sự đối nhau hài hòa giữa sự vô hạn của thời gian và sự hữu hạn của đời người, Phan Bội Châu dùng cái phủ định để làm nền, làm nổi bật lên điều ông khẳng định. Ông muốn làm những điều phi thường, lưu lại tên tuổi của mình trong sử sách để không hổ thẹn với chí làm trai mà mình đã lấy làm lí tưởng sống. Cống hiến cho đời vừa là nghĩa vụ vừa là trách nhiệm của bậc trượng phu. Trong một trăm năm hữu hạn ấy, người nam nhi phải thực hiện được chí làm trai và cũng trong ngàn năm sau đó phải để lại được tiếng thơm cho đời. Hai câu thơ như lời hiệu triệu khơi dậy tinh thần xả thân vì nghĩa lớn của con người, đặc biệt là những thanh niên trai tráng phải góp hết sức mình vào công cuộc cứu nước, tìm ra hướng đi mới cho dân tộc.
Chí làm trai của Phan Bội Châu không chỉ ở trên sách vở, trên những con chữ vô tri. Ông gắn chí khí của mình với trách nhiệm của người nam nhi với vận mệnh dân tộc:
Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài.
Đến hai câu thơ luận, người ta mới lại càng thấy được nhân cách văn hóa cao đẹp của Phan Bội Châu, chứng minh cho nhận định rằng cụ Phan là một nhà nho tiến bộ, một nhà văn hóa có tiếp cận đa chiều, đa diện, sự cách tân và bắt kịp xu thế của thời đại đầu thế kỷ XX. Trước Phan Bội Châu, các phong trào yêu nước truyền thống thất bại thảm hại mà đặc biệt là phong trào Cần Vương khiến các nhà nho yêu nước nhụt chí và thất vọng, thậm chí chính Phan Bội Châu cũng thất bại đau đớn trong phong trào ấy. Song, nếu các nhà nho, các chí sĩ cùng thời chán nản, than khóc và bó tay bất lực thì Phan Bội Châu lại bước ra từ chính đống đổ nát ấy, rút kinh nghiệm, tiếp thu nền văn hóa tư bản và trở thành người tiên phong cứu nước theo con đường tư bản chủ nghĩa. Đó là một bứt phá lớn. “Non sông đã chết”, dân tộc đã bị xâm lăng, đất nước đã mất chủ quyền sống cũng chỉ thêm nhục nhã. Cụ nhận thức rất rõ tình trạng của đất nước “non sông đã chết” đó là cái chết của một chế độ, một triều đại phong kiến vốn dĩ đã suy sụp từ hàng trăm năm nay, khi mà cả vua lẫn quan ai nấy đều hèn nhát, sợ sệt, chỉ ham vinh hoa phú quý mà chấp nhận để kẻ thù chà đạp đất nước. Một đất nước không có chủ quyền, không có tự do, và một bộ máy bù nhìn thì chẳng phải đã “chết” hay sao. “Hiền thánh” ở đây chỉ Nho học. Nó đã không còn hữu dụng trong thời thế loạn lạc này nữa, phải gác nó lại theo học cái thực tế để canh tân đất nước. Bằng tư duy phóng khoáng, sự lỗi lạc của mình, ông nhận ra trong giờ phút này Tam tự kinh, Luận ngữ hay các triết lý Nho học không thể đấu lại với súng đạn của kẻ thù, không thể vực dậy đất nước bằng lối tư duy cứng nhắc, thiếu linh hoạt ấy nữa. Với tư cách là một nhà nho chính thống, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, đó là một nhận thức vô cùng phũ phàng và đau đớn. Nhưng không chìm đắm trong bất lực, bế tắc như nhiều nhà nho đương thời, càng không chối bỏ cái mới, cái tiên tiến của thời đại, Phan Bội Châu đã sẵn sàng từ bỏ những gì mình đã gắn bó, theo đuổi, từ bỏ những quan niệm, tư tưởng mà mình tin tưởng suốt quãng đời trước đó, để tiến đến với một tư tưởng mới, đặt những bước đi đầu tiên trên con đường cứu nước theo khuynh hướng tư bản. Thậm chí về sau này, Phan Bội Châu sau khi bị giam lỏng ở Huế, sau thất bại với phong trào Đông Du, cụ lại cũng nhận thức và có những nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội qua tư tưởng Mác Lênin. Có thể nói Phan Bội Châu với tư cách là một người xuất thân nơi "cửa Khổng sân Trình" đã hoàn toàn rũ bỏ những quan niệm cũ, đón nhận và học hỏi những điều mới. Cũng có thể nói rằng tư duy về con đường cứu nước của ông phần nào đã đúng, khi ông từ bỏ lòng ngu trung của một nhà nho để chấp nhận học hỏi chế độ, cách xây dựng đất nước của kẻ thù nhằm tìm cách đánh bại chúng. Chữ “hoài” trong bản dịch thơ chưa thể hiện được bản chất “si” trong nguyên tác. "Si" có nghĩa là u mê, mê muội một điều gì đó đến mất lý trí. Ta có thể giải thích ở câu này, Phan Bội Châu chê trách những kẻ ngu muội, những nhà Nho cố chấp với tư tưởng phong kiến, không nhìn rõ thế thời. Bởi lẽ, khi giang sơn đã mất vào tay giặc, nhân dân, đất nước lầm than, thì cái chí công danh ở đời cũng chỉ là hư vô mà thôi. Dẫu có đạt được công danh hiển hách, dẫu có sống an nhàn thảnh thơi ở thời đại này cũng chỉ là nhục nhã. Nay nước mất, vua chỉ là tay sai, bù nhìn cho giặc, thì những đạo lý trung quân ái quốc của nhà Nho chỉ là những con chữ vô tri, sáo rỗng. Thánh hiền giờ đây cũng không thể cứu đất nước khỏi cơn nguy khốn, vậy còn u mê không tỉnh mà học theo mãi làm chi! Hai câu thơ là lời nhắn nhủ của tác giả đến thế hệ trẻ phải đổi mới quan niệm, tư tưởng không nên theo lối mòn, sáo rỗng không có ích cho sự nghiệp cứu nước.
Những câu thơ mang chí khí của nam nhi trong trời đất với đầy ẩn ý về thế thời đã thể hiện trọn vẹn tư duy, phẩm chất chính trị và lý tưởng cao đẹp của Phan Bội Châu. Tới hai câu cuối cùng của bài thơ, thay vì màu sắc chính trị, ta trông thấy một cái tôi thi sĩ bay bổng và tâm hồn đẹp của người chiến sĩ cách mạng:
Muốn vượt bể Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.
Cũng không hề sai nếu ta ví Phan Bội Châu như một con đại bàng sải cánh giữa bầu trời rộng lớn. Bởi lẽ, trong trí óc người là những tư tưởng mới lạ, sẵn sàng tiếp thu tinh hoa nhân loại, trong tư tưởng người là cái chí làm trai sánh cùng vũ trụ, và trong trái tim người mang nặng nỗi niềm yêu nước, khát khao giải phóng đất nước. Nếu ở sáu câu trên gợi ra những nghĩ suy, những lựa chọn, những chuẩn bị trong tâm lý, trong tư tưởng của một con đại bàng thì ở hai câu cuối này, chúng ta thấy con đại bàng ấy đang tung đôi cánh mênh mông của mình bay thẳng ra trùng dương, đối mặt với hết thảy những giông tố bão bùng. Câu thơ gợi ta nhớ đến tư thế của con chim lớn trong thư Quận He: “Bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán, Phá vòng vây bạn với Kim ô”. Nhưng câu thơ của Phan Bội Châu không còn là một hình ảnh ước lệ nữa. Bởi phong trào Đông du mà ông là người chủ trương, bởi việc xuất dương mà ông là người khởi sự chính là những hành động phi thường của những bậc trượng phu sẵn sàng ném đời mình vào muôn trùng sóng bạc ra khơi tìm đường làm sống lại “giang sơn đã chết”, tìm cách xoay chuyển càn khôn. “Muốn vượt bể Đông theo cánh gió” chính là thể hiện khát vọng lý tưởng của tác giả khi đến một vùng đất mới với hy vọng học hỏi được những kiến thức bổ ích mang về phụng sự cho đất nước, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ, lầm than. Ở đó tầm vóc, tráng chí của người anh hùng được thể hiện một cách bay bổng và phóng khoáng, bộc lộ sự tự do, niềm vui sướng, hoài bão to lớn mà Phan Bội Châu ôm ấp khi lên đường sang Nhật. Bài thơ kết bằng câu thơ đầy hùng tâm tráng chí mà câu thơ dịch chưa thể truyền tải hết được: "Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi". Cảnh tượng “Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”, mang đến cho người đọc khung cảnh kỳ vĩ của thiên nhiên trong ngày người chí sĩ ra đi, thể hiện tầm vóc lớn lao, tâm hồn cao đẹp, kiêu hãnh, hùng tráng của người ra đi nổi bật hẳn lên trên cái nền sóng nước, mây trời.
Bài thơ khép lại trong một niềm hân hoan, hứng khởi trào dâng mãnh liệt của nhà chí sĩ cách mạng trong buổi ra đi tìm đường cứu nước. Sự kết hợp đầy mới mẻ giữa cách thể hiện đậm chất thơ văn trung đại với những tư tưởng nội dung đậm hơi thở của nhịp sống đương thời đã hình tượng hóa một cách lãng mạn và hào hùng của người chí sĩ yêu nước những năm đầu thế kỉ XX. Giọng thơ nhiệt huyết, lay động này đã tiếp thêm sức mạnh, đã thổi bùng khát khao cho biết bao kẻ sĩ thời ấy có mong muốn thực hiện chí lớn vì sự nghiệp dân tộc của mình.
Vần thơ đã khép lại bấy lâu nay nhưng hồn thơ, thần sắc của bài thơ cùng với hình ảnh của một Phan Bội Châu quyết tâm, hăm hở, chủ động ra đi tìm đường cứu nước đã để lại tiếng vang, ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử. Phan Bội Châu không những về sự nghiệp vận động giải phóng dân tộc là một nhân vật tiêu biểu cho giai đoạn chống Pháp của nhân dân Việt Nam đầu thế kỉ XX mà còn là nhà thơ, nhà văn với những đóng góp có giá trị cho nền văn học nước nhà.