




Preview text:
Phân tích Đây mùa thu tới khổ 1
Xuân Diệu là nhà thơ đại diện xuất sắc trong nền thơ ca lãng mạn Việt Nam thời kì
1930 – 1945. Thơ Xuân Diệu bộc lộ niềm yêu đời, yêu cuộc sống, con người và khát
khao hạnh phúc. Thơ ông luôn thể hiện niềm khát khao giao cảm với đời, với vũ trụ.
Ông luôn mở rộng tâm hồn để đón nhận hương sắc muôn màu của cuộc sống. Từ
mối giao hòa ấy, Xuân Diệu đã để lại nhiều bài thơ đặc sắc.
Một trong số đó là bài Đây mùa thu tới viết trước Cách mạng (1938). Cả bài thơ gợi
tả phong cảnh khi mới chớm vào thu, mang nỗi buồn của mùa thu và gieo vào lòng
người đọc nỗi buồn thấm thía nhưng thật đẹp. Đoạn thơ đầu rất tiêu biểu in đậm nét
thu riêng của hồn thơ Xuân Diệu:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng
Bài thơ mở đầu bằng cảnh thật buồn. Cái buồn của lòng người thấm vào cảnh vật:
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang. Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”. Trong thơ
ca truyền thống, nói đến mùa thu là nói đến sen tàn, là ngô đồng rụng, cúc nở hoa:
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu.
Chỉ cần một chiếc lá ngô đồng rụng là biết đất trời đã vào thu, nào cần phải nói gì
nhiều. Chiếc lá ngô đồng lìa cành trong thơ xưa trở thành biểu tượng của mùa thu.
Xuân Diệu không cần đến chiếc lá ngô đồng rụng mà vẫn cứ là mùa thu. Mùa thu
của ông không hẳn đã là sự tàn tạ, chết chóc mặc dù nỗi buồn cũng là đến độ vô cùng:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Mùa thu được Xuân Diệu cảm nhận trước hết bằng hình ảnh rặng liễu. Đây là hình
ảnh ước lệ xuất hiện nhiều trong thơ trung đại: “Khi về hỏi liễu Chương Đài”, “Lơ thơ
tơ liễu buông mành” – (Nguyễn Du), “Dặm liễu sương sa khách bước dồn” (Bà
Huyện Thanh Quan). Đối với Xuân Diệu, liệu lại được nhân hóa như con người: lá
mướt dài rủ xuống, thướt tha như người thiếu nữ đứng cúi đầu cho những làn tóc
mây đổ xuống, đồng thời cũng gợi ngàn dòng lệ tuôn rơi hàng nối hàng.
Quả thật khi mùa thu vừa tới mà cảnh đã buồn thê lương, không phải là nỗi buồn
man mác, hắt hiu như Nguyễn Khuyến, Tản Đà… mà là một nỗi buồn vợ ra bằng
nước mắt, bằng ngàn dòng lệ tang tóc. Nỗi buồn ấy thật mênh mang.
Nó mở ra cả không gian ba chiều dày đặc bởi đâu có phải một cây liễu mà là một
“rặng liễu”, một hàng người… Những từ “đìu hiu”, “chịu tang”, “tóc buồn buông
xuống lệ ngàn hàng” … cách sử dụng thanh điệu và láy âm đã tạo ra một âm điệu
buồn, gợi rất đạt cái dáng buông xuống, rủ xuống mềm mại của những hàng tơ liễu.
Nhưng ngay ở hai câu thơ này, mùa thu tuy buồn mà vẫn đẹp và nhất là vẫn trẻ trung.
Với Xuân Diệu thì ngược lại, ông lấy con người làm chuẩn mực cho cái đẹp, thiên
nhiên được nhân hóa một cách nghệ thuật. Do vậy mặc dù cảnh buồn đến thế
nhưng với cách nhìn trẻ trung của nhà Thơ mới, luôn nhìn đời bằng cặp mắt “xanh
non, biếc rờn” nên người đọc vẫn thấy cảnh buồn mà lại đẹp:
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Câu thơ vang lên như một tiếng reo khẽ. Được nhắc lại tới hai lần với từ “đây” ở đầu
câu biểu hiện nỗi niềm đầy hứng khởi, xác nhận một sự thực bấy lâu vẫn chờ mong:
ấy là sự hiện diện trọn vẹn của mùa thu. Nhịp điệu câu thơ bỗng trở nên gấp gáp,
một sự ngỡ ngàng chợt đến nhẹ nhàng, một chút yêu đời, yêu cuộc sống.
Câu thơ cuối là hình ảnh bầu trời thu, không gian mùa thu, cái không gian mùa thu
ấy như chiếc áo màu “mơ phai” choàng cho cảnh vật, tạo cho mùa thu một dáng vẻ tươi sáng thanh nhẹ.
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Xuân Diệu cũng nằm bất rất đúng cái sắc vàng của mùa thu ấy nhưng mà vàng
nhạt, màu của chiếc áo “mơ phai” dệt bằng sắc lá vàng tươi. Cái đẹp của chiếc áo
thu vàng như chứa đựng một sự tàn phai quên lãng, nhưng chính nhờ cái sắc màu
tươi sáng thanh nhẹ ấy mà đoạn thơ tuy buồn nhưng không hiu hắt bi thương.
Chỉ với bốn câu thơ/ Xuân Diệu đã làm sống dậy cả một cảnh thu, một sắc thu Việt
Nam với những vẻ đẹp vừa thân quen, vừa mới lạ của một hồn thơ nhạy cảm và
tinh tế. Nhưng thấm sâu trong cảnh thu vẫn là một nỗi buồn man mác. Đó là nỗi
buồn của thời đại, nỗi buồn của một thế hệ thi nhân mất nước mang cái “tôi” bé nhỏ
của các nhà thơ lãng mạn bơ vơ trước cuộc đời. Nỗi buồn ấy, vẻ đẹp ấy đã làm nên
một nét thu riêng của Xuân Diệu nhưng lại là một nét thu tiêu biểu cho thơ lãng mạn bấy giờ.
Có thể nói đoạn thơ đầu là đoạn hay nhất trong bài thơ mùa thu của Xuân Diệu,
được cảm nhận với những hình ảnh! màu sắc, âm thanh rất riêng, rất Xuân Diệu.
Đoạn thơ thể hiện cảm xúc tinh tế của một tâm hồn nhạy cảm, tất cả được diễn tả
bằng ngôn ngữ mới lạ. Đúng như nhà phê bình văn học Hoài Thanh nói: “Xuân Diệu
là nhà Thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới”.
Phân tích khổ 1 Đây mùa thu tới của Xuân Diệu
Xuân Diệu được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình” của văn học Việt Nam. Ông là
nhà thơ tình viết hay nhất và nhiều nhất trong kho tàng thơ văn nước nhà. Với ngôn
từ lãng mạn và nhịp điệu thơ đậm chất trữ tình, những tác phẩm của Xuân Diệu luôn
lay động tâm hồn người đọc. Đối với ông, mùa thu cũng là nguồn cảm hứng bất tận,
cảnh thu chứa đựng nhiều rung động bồi hồi, bởi lẽ “Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền”.
Đối với Xuân Diệu, mùa thu lúc nào cũng thật thơ mộng, khiến cho tâm hồn người
thi sĩ như dây đàn đang rung lên xao xuyến. Và “Đây mùa thu tới” là cũng là một
tuyệt phẩm về mùa thu của nhà thơ Xuân Diệu. Tác phẩm được trích trong tập "Thơ
thơ", xuất bản năm 1938, thể hiện bước chân của mùa thu làm xôn xao, rung động
đất trời và lòng người.
Mùa thu thường gợi buồn và cũng gợi tình. Có lẽ chính vì thế, Xuân Diệu cũng
không thể làm ngơ trước vẻ đẹp rất riêng của thu. Cảm nhận đầu tiên của thi sĩ
Xuân Diệu về mùa thu không phải là ở không gian mênh mang, bao la khiến con
người trở nên nhỏ bé như “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” hay “Trời thu xanh ngắt
mấy từng cao” của Nguyễn Khuyến. Ông cảm nhận mùa thu trước hết ở dáng liễu nhỏ bé ven hồ.
"Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng".
Cả không gian "đìu hiu", vắng vẻ và gợi cho người ta một nỗi buồn mang mác. Rặng
liễu trầm mặc như chỉ biết "đứng chịu tang", như một lẽ dĩ nhiên phải như vậy và chỉ
có thể cam chịu, âm thầm đón nhận mà thôi. Lá liễu buông dài như tóc nàng góa
phụ "buồn buông xuống". Lá liễu ướt đẫm sương thu tưởng như "lệ ngàn hàng".
Nhành liễu đã được tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa, biến thành một người con
gái yếu đuối, nhỏ bé với những tâm sự và cảm xúc riêng. Nàng "đứng chịu tang", từ
tóc liễu đến lệ liễu đều mang theo nỗi sầu man mác không biết ngỏ cùng ai. Chỉ một
dáng liễu thôi cũng được Xuân Diệu miêu tả và cảm nhận đầy chất thơ, thổi vào đó
hồn thu đầy hoài niệm.
Bên cạnh đó, biện pháp láy âm cũng được thi sĩ Xuân Diệu vận dụng tài tình để tạo
nên những vần thơ giàu nhạc điệu: "đìu hiu – chịu", "tang – ngàn – hàng", "buồn –
buông – xuống", như bước đi uyển chuyển, thướt tha, nhẹ nhàng của nàng thu. Đó
là một điểm mới mà Xuân Diệu đã học tập được trong trường phái thơ tượng trưng Pháp thế kỉ XIX.
Từ chỗ say mê ngắm "rặng liễu đìu hiu", tâm hồn nhà thơ như khẽ reo lên khi nhận
ra mùa thu đã đến. Cảm nhận đó được thể hiện qua hai câu thơ tiếp theo:
"Đây mùa thu tới/mùa thu tới
Với áo mơ phai/dệt lá vàng".
Chắc hẳn điều đầu tiên mà người đọc cảm nhận được là nhịp thơ dồn dập, “mùa thu
tới” được lặp lại trong câu cho thấy thu đã đến ngay trước hiên nhà, như tiếng reo
hân hoan của thi sĩ trước mùa lãng mạn và tình nhất trong năm.
Thu vừa tới, sắc màu cỏ cây vạn vật đều đổi thay, trở thành "mơ phai" nhẹ nhàng và
có chút mơ hồ đầy quyến rũ. Từ “dệt” cũng được sử dụng tinh tế cho thấy bước đi
mùa thu như có sức chuyển biến mạnh mẽ tới vạn vật, đi tới đâu là nơi đó trở nên
huy hoàng, lộng lẫy hơn bội phần. Câu thơ "Với áo mơ phai dệt lá vàng" là một câu
thơ thi vị, nói lên cái hồn thu vừa mơ màng, lơ đãng nhưng cũng rất tươi sáng và rực rỡ.
Hai câu thơ đầu và cuối của khổ thơ đầu tiên trong “Đây mùa thu tới” của nhà thơ
Xuân Diệu phản ảnh hai sắc thái của mùa thu trong cảm nhận của con người. Ban
đầu, người ta sẽ thấy mùa thu thật buồn và ảm đạm qua nhịp thơ chậm rãi, âm điệu
nhiều thanh bằng và hình ảnh rặng liễu. Nhưng rồi khi mùa thu thực sự tới, vạn vật
như thay áo mới, đẹp thơ mộng và huy hoàng.
Có thể nói, khổ thơ đầu của “Đây mùa thu tới” đã vẽ lên một bức tranh thu đượm
buồn phủ lên cây cỏ và lòng người, nhưng không hề ảm đạm, thê lương mà trái lại,
thu vẫn đẹp thơ mộng và làm lòng người khẽ reo vui mỗi khi mùa thu tới.
Document Outline
- Phân tích Đây mùa thu tới khổ 1
- Phân tích khổ 1 Đây mùa thu tới của Xuân Diệu