Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong "Vợ nhặt" - Kim Lân | Văn mẫu 11 Kết nối tri thức
Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong "Vợ nhặt" - Kim Lân là tài liệu học tập mới nhất được biên soạn chi tiết, phục vụ nhu cầu học tập của các bạn học sinh. Mời các bạn tham khảo!
Preview text:
Trước Kim Lân, đã có nhiều nhà văn viết về nông thôn Việt Nam và gặt
hái được thành công như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan hay Nam Cao.
Xuất hiện có phần muộn hơn trên văn đàn nhưng những trang viết về làng
quê của Kim Lân vẫn có sức lôi cuốn mãnh liệt với người đọc. Một trong
những khía cạnh làm nên bản sắc văn chương Kim Lân chính là nghệ thuật
xây dựng nhân vật. Điều này được thể hiện qua nhân vật bà cụ Tứ trong
tác phẩm “Vợ nhặt”.
Tác phẩm "Vợ nhặt" vốn có tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Đây là
một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân. Từ bối cảnh nạn
đói năm 1945, nhà văn đã khắc họa cuộc sống khổ cực của nhân dân ta
dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Nhân vật bà cụ Tứ là
một trong ba nhân vật chính của tác phẩm, tiêu biểu cho hình ảnh người
nông dân Việt Nam trước Cách mạng.
Thời gian mà nhân vật bà cụ Tứ xuất hiện là một buổi chiều trời chạng
vạng tối. Con người đi ra từ không gian u ám của làng quê tiêu điều. Thời
gian và không gian ấy là phông nền thích hợp để nhân vật hiện lên. Bà
lọng khọng đi từ ngoài rặng tre vào, vừa đi vừa húng hắng ho, lẩm bẩm
tính toán gì trong miệng. Cũng như bao con người khác trong xóm này,
nạn đói đã hành hạ cuộc đời bà một cách thê thảm. Chồng bà, con gái bà
đều chết vì nạn đói. Bà và đứa con trai duy nhất – Tràng, vừa mang thân
phân bèo bọt của dân ngụ cư, vừa tiếp tục chiến đấu với nạn đói từng ngày.
Với trái tim nhân hậu, Kim Lân đã cảm thông và thương xót cho hoàn cảnh của bà cụ Tứ.
Để phát hiện những vẻ đẹp sâu thẳm trong tâm hồn bà cụ Tứ, nhà văn đã
đặt nhân vật vào một tình huống truyện éo le - câu chuyện “nhặt vợ” của
Tràng. Vốn dĩ, Tràng là người lao động nghèo khổ, có ngoại hình thô kệch
và tính tình gàn dở. Bà cụ Tứ chẳng dám hi vọng con mình sẽ cưới một
người vợ hiền trong hoàn cảnh như vậy. Thế mà, thật bất ngờ, ngay giữa
nạn đói, chỉ qua hai lần gặp gỡ và bốn bát bánh đúc, Tràng đã lấy được vợ.
Khi Tràng giới thiệu người vợ mới với mẹ, nội tâm bà cụ Tứ đã có những
biến chuyển sâu sắc. Ban đầu, bà rất ngạc nhiên khi thấy Tràng lật đật
chạy ra đón mẹ. Bà không khỏi lấy làm lạ, nhấp nháy hai con mắt nhìn
Tràng: “Có việc gì thế vậy?”. Thấy Trang hăng hái, bà liền phấp phỏng
theo con bước vào nhà. Đến giữa sân, bà lão đứng sững lại vì ngạc nhiên
quá đỗi. Trong tâm trí bà xuất hiện bao nhiêu bao hỏi: “Quái, sao lại có
người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu
giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u?”, “Ai thế
nhỉ?”, “Ô hay, thế là thế nào nhỉ?”. Một thoáng, bà tưởng đứa con gái là
cái Đục đã sống lại. Không hiểu chuyện gì đã xảy ra, bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn.
Tràng giới thiệu người vợ, bà cụ Tứ bắt đầu thấu hiểu sự tình. Nỗi ai oán
và xót thương cho đứa con trai đang trào lên trong im lặng. “Chao ôi,
người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những
mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì...”. Đây chính là nỗi
tủi thân, tủi phận của những người dân nghèo ngụ cư. Xen lẫn với sự buồn
tủi ấy, bà còn lo lắng. Từ kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước
mắt. Sự tàn khốc của nạn đói đã cướp đi bao sinh mạng nên bà cảm thấy
bất an, không biết số phận của con cái mình sẽ ra sao. Thêm một miệng
ăn cũng là thêm một nỗi lo toan, sợ hãi. Bà tự hỏi: “Biết rằng chúng nó
có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”.
Sau đó, bà lão liền đưa mắt nhìn sang nhìn người con dâu mới. Bộ dạng
tả tơi của thị khiến bà lão thương xót. Thế rồi, bà tự nhủ: “Người ta có
gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con
mình mới có vợ được”. Kim Lân không chỉ cảm thông cho nỗi khổ mà
còn trân trọng tấm lòng nhân hậu, sự lạc quan cùng khát vọng sống của
người nông dân. Chẳng mấy chốc, bà cụ Tứ đã đồng ý chấp nhận cuộc
hôn nhân: “Ừ, thôi các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng
mừng lòng”. Bà dạy con những đạo lí nhân nghĩa trong đời để chuẩn bị cho tương lai sau này.
Có thể thấy, tâm trạng bà cụ Tứ vô cùng phức tạp. Trong nội tâm nhân vật
diễn ra những xung đột, đấu tranh liên miên. Xen lẫn niềm vui mới chớm
thì bóng đen của nạn đói vẫn trùm lên tâm trí và khiến bà kinh hãi. Cảnh
vật làng quê đầy vẻ tang tóc đau thương. Càng nghĩ về cuộc đời, bà càng
lo lắng cho các con. Niềm đau cứ nhân lên gấp khiến bà cụ Tứ nghẹn lời
không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng. Tài năng miêu
tả tâm lí của Kim Lân quả thực rất sắc sảo. Ông đi sâu vào tâm hồn con
người, len lỏi vào những góc thầm kín nhất để khám phá những nhịp đập
thổn thức. Chỉ một dòng nước mắt của bà cụ Tứ mà chất chứa bao nhiêu
xúc cảm. “Nếu như cho rằng văn chương là lịch sử tâm trạng con người
thì Kim Lân quả là nhà văn đích thực trên cái ý nghĩa ấy” (Trần Ninh Hồ).
Chia sẻ về quan điểm sáng tác nghệ thuật của mình, Kim Lân từng bộc bạch:
“Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người
chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong
hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy
không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng
ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”. Con người trong
sáng tác của ông không rơi vào bước đường cùng quẫn mà luôn tìm thấy
lối thoát cho thân phận. Họ có động lực từ trong nội tại, chính là niềm lạc
quan, ham sống nagy cả khi cái chết đang đe dọa. Chính vì thế mà sáng
hôm sau, tâm trạng bà cụ Tứ đã hoàn toàn thay đổi. Bà cùng con dâu mới
dậy sớm để thu dọn, quét tước nhà cửa. Gương mặt bủng beo, u ám mọi
khi bỗng trở nên tươi tỉnh. Theo bà, nhà cửa gọn gàng đồng nghĩa với
cuộc sống khấm khá hơn.
Bữa cơm ngày đói là một minh chứng chân thực cho tình yêu thương, tấm
lòng nhân hậu cùng sự lạc quan ở bà cụ Tứ. “Giữa cái mẹt rách có độc
một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo”. Khung cảnh
trông thật đáng thương! Tuy nhiên, sự đùm bọc giữa người với người đã
chiến thắng sự thiếu thốn về mặt vật chất. Bà cụ Tứ nói toàn chuyện vui,
chuyện sung sướng về sau này. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà vẫn dạt dào
hy vọng về tương lai: “Tràng ạ. Khi nào có tiền, ta mua lấy đôi gà. Tao
tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh
đi ngoảnh lại chẳng mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem”.
Khi mọi người đang ăn thì niêu cháo lõng bõng đã hết nhẵn. Bà cụ lễ mễ
bưng lên một nồi gì bốc khói nghi ngút. Bà gọi đó là chè khoán nhưng
thực chất là một nồi cháo cám. Người ta phải đói, phải khổ đến mức nào
mới phải ăn thứ thức ăn đó? Hình ảnh nồi cháo cho thấy sự nghèo đói của
nhân dân ta trong năm 1945, ngầm tố cáo tội ác của quân giặc. Nhưng cao
cả hơn, chi tiết này còn biểu tượng cho đức hi sinh cao cả, tình yêu thương,
sự chắt chiu mà bà cụ Tứ dành cho các con. Dù cháo có vị chát nhưng bà
vẫn động viên các con cố gắng ăn: “Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà
ăn đấy”. Tinh thần kiên cường ấy đã truyền thêm nhựa sống cho con trai và con dâu bà.
Như đã nêu ở trên, sau những giằng xé tột cùng, Kim Lân không hướng
nhân vật tới sự tuyệt vọng, bế tắc. Đoạn cuối tác phẩm đã cho thấy cánh
cổng tương lai đang mở ra với các nhân vật, trong đó có bà cụ Tứ. Ngoài
đình bỗng dội lên một hồi trống, dồn dập thúc thuế của bọn Nhật, Pháp.
Thị rất ngạc nhiên vì trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không
chịu đóng thuế, họ còn phá kho thóc của Nhật chia cho người đói. Câu nói
ấy như làn gió mới thổi tâm trí của mọi người. Trong suy nghĩ của Tràng
xuất hiện hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới. Đám người
đói chính là những người nông dân. Họ “ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp”,
tràn khí thế, sức mạnh phản kháng cùng tinh thần đoàn kết. Lá cờ đỏ thắm
chính là cách mạng, là tương lai rạng rỡ ngày mai khi chiến thắng quân
thù. Giữa muôn nẻo văn chương, Kim Lân đã chọn gửi gắm niềm tin vào
những người lao động chân chất.
Bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc qua lời nói, cử chỉ, hành động
cùng ngòi bút phân tích tâm lý sắc sảo, nghệ thuật kể chuyện sinh động,
nhà văn Kim Lân đã khắc họa nhân vật bà cụ Tứ một cách tài tình. Bà cụ
Tứ có thân phận nghèo khổ, cuộc đời cơ cực nhưng vẫn mang trong mình
những vẻ đẹp tâm hồn cao quý. Bà là người mẹ thương con, giàu đức hi
sinh, nhân hậu và luôn tràn đầy khát vọng sống, giữ cho mình niềm tin
vào tương lai. Qua nhân vật này, nhà văn bày tỏ niềm đồng cảm, xót
thương trước cuộc đời của người lao động nghèo trong nạn đói và phát
hiện, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp ở họ. Từ đó, Kim Lân tố cáo đanh
thép tội ác mà bè lũ thực dân, phong kiến gây ra. Để giành lại độc lập và
tự do, những người nông dân cần dựa vào chính mình và tìm đến với cách mạng.
“Nhà văn Kim Lân đã cống hiến trọn đời cho nền văn học mới, nêu một
tấm gương cao đẹp về lòng yêu mến, gắn bó mật thiết với cách mạng và
kháng chiến, kiên định, vững vàng về bản lĩnh nhà văn để lại cho hậu thế
những tác phẩm đặc sắc, có sức sống lâu dài, làm giàu thêm văn chương
Việt, tâm hồn Việt”. Nhận định ấy đã tổng kết lại giá trị của văn chương
Kim Lân đối với nền văn học dân tộc. Thời gian qua đi nhưng hình ảnh
bà cụ Tứ với nồi chè khoán vẫn mãi là một trong những tượng đài đẹp
nhất về người nông dân Việt Nam.
-----------------------------------------------------------