Trang 160
Bức tranh phố huyện càng buồn hơn khi nhà văn góp vào cái giờ khắc của ngày tàn
một phiên chợ vãn, với những chi tiết tưởng như vu vơ nhưng lại chứa đầy dụng ý của
nhà văn. Trên đất chỉ còn lại những rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, lá mía. Ảm đạm
nhất là chi tiết: “Một mùi âm ẩm bốc lên”, đó là mùi của sự tàn rữa. Trung tâm của
bức tranh phố huyện là những mảnh đời nhỏ bé, âm thầm trong cuộc sống tối tăm,
quẩn quanh, bế tắc. Những kiếp đời ấy làm nên gương mặt âm u của phố huyện. Làm
nên cuộc sống của họ là những đồ vật tàn: một ngôi quán ọp ẹp, vách dán giấy nhật
trình, một cái chõng tre sắp gãy, một manh chiếu rách, chiếc chậu sắt rúm ró,… Qua
bức tranh phố huyện trong cảnh ngày tàn, với thời gian tàn, không gian tàn, kiếp người
tàn lụi, tác giả thể hiện tiếng nói xót thương cho những kiếp người bé nhỏ, sống cuộc
sống vô danh, vô nghĩa, quẩn quanh. Bao trùm lên bức tranh phố huyện là một vẻ tàn
lụi, tăm tối, sự sống dường như đang từng ngày lìa bỏ nơi này. Nhưng có một thứ
không tàn, đó là niềm hy vọng của con người về một tương lai tươi sáng hơn: “Chừng
ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng
ngày của họ”. Và khao khát vượt ra khỏi cuộc sống mòn mỏi ấy được thể hiện rất rõ
qua tâm trạng đợi tàu của hai đứa trẻ.
Thạch Lam tập trung bút lực miêu tả một cách tỉ mỉ, kĩ lưỡng đoàn tàu theo trình tự
thời gian, qua tâm trạng chờ trông của Liên và An. Chúng ta không thể bỏ qua được
những chi tiết về đoàn tàu như: ánh sáng rực rỡ, lấp lánh chốn thị thành, át đi ánh sáng
mờ ảo, yếu ớt của phố huyện. Âm thanh náo nhiệt, tưng bừng đối lập với những thanh
âm buồn tẻ, đơn điệu của phố huyện. Đoàn tàu đã mang đến một thế giới khác lạ, nó
khuấy động không gian phố huyện, làm cho con người nơi đây trong chốc lát quên đi
hiện thực tăm tối, để sống với ước mơ. Thạch Lam đã nhìn thấy trong hành động đợi
tàu của hai đứa trẻ chứa đựng một khao khát không phải của riêng hai đứa trẻ và
không phải của một thời, mà của mọi thời. Đó là khát khao đổi đời, cần phải thay đổi
thế giới tăm tối này đi, đem đến một thế giới khác, ở đó ai cũng có quyền được sống
trong hy vọng, chứ không phải là tàn đi trong vô vọng.
Như vậy, mọi chi tiết trong tác phẩm đều hội tụ, xoay xung quanh tình huống truyện
và góp phần thể hiện tư tưởng nghệ thuật của tác giả.
2.3.4 Vai trò của chi tiết trong việc xây dựng hình tượng nhân vật
Nhân vật là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tác phẩm tự sự, là phương tiện cơ bản
để nhà văn khái quát hiện thực, và “gửi gắm tư tưởng, tình cảm, quan niệm của mình
về cuộc đời”. Nhân vật là “con đẻ tinh thần của nhà văn”. Hình tượng nhân vật trở nên
sinh động, gợi cảm là nhờ các chi tiết. “Chi tiết (…) cho thấy tính cách nhân vật và
din biến quan hệ của chúng (…). Do đó chi tiết rất quan trọng đối với nhân vật, vừa
tạo ra sức hấp dẫn, thú vị, vừa bộc lộ ý nghĩa của chúng.” (7). Mỗi nhân vật là một
sinh thể toàn vẹn được tạo nên bởi các chi tiết có quan hệ máu thịt với nhau: các chi
tiết về ngoại hình (Chí Phèo: khuôn mặt, đầu, răng, mắt, quần áo, …); các chi tiết về
hành động (Chẳng hạn với Chí Phèo là những hành động: chửi, say, ăn vạ, đến với Thị
Nở, đòi lương thiện, giết Bá Kiến, tự sát.); các chi tiết về nội tâm (tâm trạng của Chí
Phèo từ khi gặp Thị Nở, …); các chi tiết về ngôn ngữ (Chí Phèo: tiếng chửi, những lời
nói tỏ tình với Thị Nở, tiếng nói đòi lương thiện,…); các chi tiết về mối quan hệ giữa
các nhân vật và giữa nhân vật với hoàn cảnh xung quanh, các mối quan hệ này bộc lộ
địa vị, tính cách, và số phận của nhân vật (Chí Phèo: quan hệ với Bá Kiến, thị Nở, với
hoàn cảnh xã hội của làng Vũ Đại,…)
Đọc truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân, tôi đặc biệt ấn tượng với nhân vật người
“Vợ nhặt” mà tác giả đã dồn bao tinh hoa và tinh huyết để xây dựng nên. Thị là nạn
nhân khốn khổ nhất của nạn đói. Thân phận bất hạnh đó được gợi lên từ một loạt