-
Thông tin
-
Hỏi đáp
Thế giới nghệ thuật trong văn thơ - Biên tập sách văn học | Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Chế Lan Viên từng hỏi đời, hỏi mình, và hỏi cả Hàn Mặc Tử: “Hàn Mặc Tử, anh là ai?” Hàn Mặc Tử, anh là ai mà 28 mùa trăng chông chênh đã để lại cho đời bao nhiêu tuyệt phẩm? Anh là ai mà vẻ bề ngoài thư sinh lại ấp ủ trong hồn bao nhiêu máu cuồng, hồn điên?. Tài liệu được sưu tầm giúp bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới. Mời bạn đọc đón xem !
Biên tập sách văn học 5 tài liệu
Học viện Báo chí và Tuyên truyền 1.3 K tài liệu
Thế giới nghệ thuật trong văn thơ - Biên tập sách văn học | Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Chế Lan Viên từng hỏi đời, hỏi mình, và hỏi cả Hàn Mặc Tử: “Hàn Mặc Tử, anh là ai?” Hàn Mặc Tử, anh là ai mà 28 mùa trăng chông chênh đã để lại cho đời bao nhiêu tuyệt phẩm? Anh là ai mà vẻ bề ngoài thư sinh lại ấp ủ trong hồn bao nhiêu máu cuồng, hồn điên?. Tài liệu được sưu tầm giúp bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới. Mời bạn đọc đón xem !
Môn: Biên tập sách văn học 5 tài liệu
Trường: Học viện Báo chí và Tuyên truyền 1.3 K tài liệu
Thông tin:
Tác giả:
Tài liệu khác của Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Preview text:
THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT ĐẶC BIỆT TRONG HAI
BÀI THƠ “ĐÂY THÔN VĨ DẠ” VÀ “MÙA XUÂN
CHÍN” (HÀN MẶC TỬ) I. Giới thiệu chung:
1. Giới thiệu về hiện tượng Hàn Mặc Tử
Chế Lan Viên từng hỏi đời, hỏi mình, và hỏi cả Hàn Mặc Tử: “Hàn Mặc Tử, anh là ai?”
Hàn Mặc Tử, anh là ai mà 28 mùa trăng chông chênh đã để lại cho đời bao nhiêu
tuyệt phẩm? Anh là ai mà vẻ bề ngoài thư sinh lại ấp ủ trong hồn bao nhiêu máu
cuồng, hồn điên? Anh là ai mà giữ những vần thơ điên, giữa những siêu thực, ảo
diệu, ma mị lại có những nhịp thơ trong ngần như sớm mai? Anh là ai?
Từ bút danh Hàn Mặc Tử, chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải, lại
thêm cái dấu khuyết như vầng trăng hao mòn đã phần nào dự cảm về một số phận
tài hoa nhưng mong manh, một tâm hồn khát yêu mà luôn cô lẻ. Hàn Mặc Tử là
một hiện tượng trong thi ca, là “ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái
đuôi chói lòa rực rỡ của mình”. Vậy nên gần một thế kỉ qua, người ta đọc thơ Hàn
Mặc Tử, cảm thơ Hàn Mặc Tử, bình thơ Hàn Mặc Tử, nào trăng, nào gió, nào
những điên cuồng, mê dại, những vật vã đớn đau, những khắc khoải rã rời. Bên
cạnh những vần thơ rỉ máu ấy lại có những vần thơ trong sáng lạ kì, dù chúng
không nhiều, chỉ vẻn vẹn có “Đây thôn Vĩ Dạ” và “Mùa xuân chín”. Hai bài thơ ấy
tựa như những những nốt nhạc trong trẻo giữa khúc bi ca Hàn Mặc Tử. Qua
chuyên đề này, chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu về nét riêng biệt của hai bài thơ, tưởng
mâu thuẫn mà lại thống nhất trong hồn thơ Hàn Mặc Tử, để một lần nữa khẳng
định tài hoa của hiện thượng thi ca Hàn Mặc Tử.
2. Vài nét về cuộc đời và phong cách thơ Hàn Mặc Tử:
a. Một cuộc đời ngắn ngủi:
Hàn Mặc Tử (1912-1940), quê quán Đồng Hới, Quảng Bình. Hàn Mặc Tử sinh ra
trong một gia đình công giáo nghèo, vốn là người hiền lành, thư sinh, giản dị,
nhưng lại mang một số phận đau thương. Và cái đau thương ấy đã phủ bóng vào
hồn thơ Hàn Mặc Tử. Ông mắc bệnh phong, một trong tứ chứng nan y thời bấy
giờ, bị người đời xa lánh, hắt hủi, và mất ở bệnh viện phong Quy Hòa, khi mới 28 tuổi.
b. Đặc điểm phong cách thơ Hàn Mặc Tử:
Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, sáng tạo. Nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải có
cho riêng mình một phong cách nghệ thuật nổi bật, khiến người thưởng thức cảm
nhận được những nét riêng biệt, rất mới lạ, đầy bất ngờ,...khơi gợi sự thú vị, lòng
hăng say...trong những món ăn tinh thần được sáng tạo dưới bàn tay tài hoa của
người nghệ sĩ đó. Bất kể là thi ca, nhạc họa đều cần sự riêng biệt không thể trộn
lẫn, ko chấp nhận sự sao chép, bắt chước. Không nằm ngoài lĩnh vực nghệ thuật
nên văn học luôn đòi hỏi người sáng tác phải có một phong cách riêng độc đáo.
Nói như Nam Cao, thì “ văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm
theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào
sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa có (Đời thừa)”.
Phong cách văn học chính là dấu ấn thẩm mĩ, là gương mặt riêng độc đáo trong thế
giới nghệ thuật của mỗi nhà văn, nhà thơ, mỗi thời đại văn học, giai đoạn văn học
hoặc một nền văn học. Qua đó, nó giúp nghệ sĩ khẳng định cái tôi cá nhân tài hoa
độc đáo, vừa tài năng, bản lĩnh khác người, thậm chí là hơn người của nhà văn;
giúp tác phẩm hấp dẫn người đọc, tạo nên sức mạnh của trường phái hoặc trào lưu
văn học; đánh dấu bước phát triển của quá trình văn học và lịch sử.
Thơ Mới – một thời đại trong thi ca, thời đại bùng nổ của những hồn thơ bị trói
buộc suốt mấy ngàn năm lề thói. Thơ Mới lưu dấu những tên tuổi nổi bật: Xuân
Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ…Mỗi tên tuổi ấy lại mang một phong cách
nghệ thuật riêng, không ai giống ai. Vậy điều gì đã khiến cái tên Hàn Mặc Tử trở
thành lạ nhất, điều gì đã khiến 28 năm ngắn ngủi mà làm nên những thi phẩm nhức
nhối thi đàn Việt Nam đến tận ngày hôm nay. Có lẽ đó chính là một hồn thơ khác
biệt, một phong cách thơ độc nhất vô nhị.
Thật khó để khái quát rõ ràng đặc điểm phong cách thơ Hàn Mặc Tử. Vì thơ Hàn
Mặc Tử vừa khuôn thước, mẫu mực, vừa phiêu bồng, biến ảo, như thoát xác khiến
những nhà phê bình văn học cho đến tận ngày nay vẫn vô cùng bối rối.
Phong cách thơ Hàn Mặc Tử vừa chịu ảnh hưởng của thơ siêu thực Pháp lại thấm
đẫm màu sắc thơ Điên Việt Nam. Và chính thơ Điên là phần đặc sắc nhất làm nên
tên tuổi và ngôi vị Hàn Mặc Tử. Thơ Điên là thứ thơ hướng đến cái tuyệt đối, mà
cái gì ở đó cũng là tột cùng, tột cùng yêu, tột cùng đau, tột cùng hận. Để rồi, khi đi
sâu tìm hiểu thế giới thơ Hàn Mặc Tử, người đọc được đưa vào tột cùng những
cảm giác, tột cùng những khát khao. Thơ Điên Hàn Mặc Tử tựa như tiếng kêu của
con chim trong “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, là tiếng kêu nhỏ máu nhưng
tuyệt diệu, là tiếng nói cuối cùng của một con người đang khát yêu, khát sống mà
lại bị dồn vào chỗ chết, nên quay lại níu người, níu đời mà cất khúc hoan ca. Cái kì
dị, ma quái trong thơ Hàn Mặc Tử là nỗi đau kết lại của một hồn thơ khát sống mà
không được sống, khát yêu mà chẳng thể yêu.
Đau thương là cảm hứng chủ đạo trong thơ Hàn Mặc Tử. Đau thương ấy có bản
chất là niềm tuyệt vọng, nó vừa là dạng thức, vừa là cảm xúc chính trong thơ Hàn
Mặc Tử. Hàn Mặc Tử viết trong trạng thái căng như dây đàn, viết bên bờ vực
thẳm, viết dưới lưỡi hái tử thần. Trong tình cảnh ấy thì sự vật vã, quằn quại đau
đớn của cả thể xác và tâm hồn được gửi cả trong thơ.
Trong quá trình khám phá thơ Hàn Mặc Tử, người đọc phát hiện cùng là một bản
thể nhưng thơ Hàn Mặc Tử luôn tồn tại hai thế giới : thế giới điên loạn, ghê rợn,
ma quái và thế giới siêu nhiên, sáng loáng, thanh khiết… Thế giới thanh khiết ấy
chính là thế giới trong « Đây thôn Vĩ Dạ » và « Mùa xuân chín »
c. Vị trí văn học sử :
Chỉ với 28 năm ngắn ngủi, Hàn Mặc Tử đã đóng góp cho thi ca Việt Nam khối
lượng tác phẩm lớn. Hàn Mặc Tử là người khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn Việt
Nam, là người khởi xướng ra trường thơ Loạn với những tên tuổi: Quách Tấn, Yến
Lan và Chế Lan Viên, là nhà thơ lạ nhất trong phong trào thơ Mới. II.
Thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử:
Thế giới nghệ thuật trong văn học dù phản ánh thế giới vật chất thực tại và thế giới
nội tâm con người, nhưng về bản chất, nó lại là một thế giới riêng. Ở thế giới nghệ
thuật ấy có không gian thời gian riêng, có những mối quan hệ riêng, những thang
bậc đạo đức hay chuyển biến tâm lí riêng. Thế giới nghệ thuật ấy chính là tấm
gương phản chiếu tư duy nghệ thuật cũng như cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.
Hàn Mặc Tử là một hiện tượng trong thi ca, và thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn
cũng vô cùng đặc biệt. Cùng một thời điểm, cùng một người cầm bút, cùng một
hoàn cảnh, nhưng Hàn Mặc Tử lại xây dựng được hai thế giới nghệ thuật riêng
biệt, đối lập hoàn toàn. Đó là thế giới đau thương và điên loạn trong đa số các bài
thơ của Hàn Mặc Tử, và thế giới trong sáng, thanh khiết trong Đây thôn Vĩ Dạ và Mùa xuân chín.
1. Thế giới thơ đau thương và điên loạn: a. Đau thương:
Thơ Hàn Mặc Tử chịu ảnh hưởng đậm nét từ chủ nghĩa siêu thực Pháp. Chủ nghĩa
siêu thực là trào lưu siêu thực xuất hiện ở Pháp vào khoảng chiến tranh thế giới thứ
1. Chủ nghĩa này đưa ra một phương pháp sáng tác ghi lại những ảo giác tự phát
theo trạng thái của người bị thôi miên, người nghệ sĩ thoát li hoàn toàn với thực tế
xã hội. Chủ nghĩa này giải phóng thơ khỏi những quy cách, lề thói, khuôn sáo, sử
dụng những từ ngữ kiểu cách kì lạ, âm luật và cú pháp thất thường, với những đề
tài huyền ảo quái dị. Những đặc điểm của chủ nghĩa siêu thực Pháp này thể hiện rõ
nét trong thơ Hàn Mặc Tử. Đó là một thế giới thơ điên loạn, vật vã, đau đớn, ma
quái. Hoài Thanh, Hoài Chân xếp thơ Hàn Mặc Tử vào nhóm “kì dị” với Chế Lan
Viên và chính Hoài Thanh cũng đã nhận xét về thơ Hàn Mặc Tử: “Vườn thơ Hàn
rộng không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh”.
Như đã nói ở phần phong cách thơ Hàn Mặc Tử, đau thương là cảm hứng chủ đạo
trong thơ Hàn Mặc Tử. Cái đau thương trong thơ Hàn Mặc Tử có căn nguyên từ
nỗi đau thể xác. Nỗi đau bệnh tật ấy đầu quân khá nhiều vào thơ Hàn Mặc Tử:
Ta muốn hồn trào ra ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da
(Rướm máu/ Trích “Máu cuồng và hồn điên”- “Đau thương”)
Bệnh phong, một trong tứ chứng nan y, thứ bệnh gặm nhấm người bệnh từng ngày
từng giờ. Thứ bệnh ấy giày vò chàng trai 28 tuổi, độ tuổi đang phơi phới thanh
xuân. Và chàng đã diễn tả cả nỗi đau đớn ấy vào thơ. Cái chết điếng của làn da là
thứ cảm giác rất thật khi bệnh tật hành hạ xác thân thi sĩ. Và những hồn trào,
những não, những máu vọt đều hoàn toàn tương thích với cảm giác đau đớn mà thi
nhân phải chịu đựng. Hàn Mặc Tử lúc này đã trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh.
Khi nghiên cứu thơ Hàn Mặc Tử, có nhiều người cho rằng thơ Hàn Mặc Tử chỉ
đơn thuần là tiếng rên xiết của một thân xác bệnh tật đớn đau. Suy nghĩ này đã
phần nào hạ thấp thơ Hàn Mặc Tử. Dẫu cho nỗi đau thể xác ấy hiện hữu rõ ràng
trong thơ Hàn Mặc Tử, nhưng chỉ mình nó thôi thì không thể cất thành thơ. Mà nỗi
đau thịt da đã chuyển hóa thành nỗi đau tinh thần. Đó chính là nguồn đau thương
trong tâm hồn cất lên thành thơ. Nguồn đau thương ấy qua tháng qua ngày, dâng
lên thành niềm tuyệt vọng. Tuyệt vọng của người bệnh nằm chờ chết, như kẻ mang
án tử ngày ngày chờ cai ngục mở cửa gọi tên mình. Nó không phải là ngày một
ngày hai, mà là ngày rộng tháng dài, ngày này qua ngày khác, nó đáng sợ hơn cả
cái chết. Vậy mới nói Hàn Mặc Tử viết dưới lưỡi hái tử thần. Xác thân đau đớn rỉ
máu, tâm hồn tuyệt vọng cùng cực, tất cả phả vào thơ Hàn Mặc Tử cái ghê rợn mà
trước không có ai, sau không có ai làm được. Đau thương, tuyệt vọng luôn song
hành cùng cô đơn. Sao có thể không cô đơn khi một chàng trai hiếu thảo lại bị cách
li gia đình, không được ở gần mẹ? Sao có thể không cô đơn khi một tâm hồn nhạy
cảm, khát yêu lại phải xa cách người yêu?
Ta còn trìu mến biết bao người
Vẻ đẹp xa hoa của một thời
Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng
Ôi! Giờ hấp hối sắp chia phôi.
(Trút linh hồn / Trích “Máu cuồng và hồn điên” – “Đau thương”)
Là vậy đó, là nỗi niềm còn trìu mến bao người, còn tiếc nuối cái đẹp đẽ một thời,
vậy mà tất cả những gì còn lại là lệ, là tuyệt vọng, là cảm giác hấp hối, là nỗi đau
đớn chia phôi. Chữ ôi như đầy nước mắt và rỉ máu, như tiếng kêu tuyệt vọng của
con chim bị thương, chấp chới giữa trời trước khi rơi xuống thăm thẳm vực sâu,
không một cơ hội sống sót.
Thâu tóm lại đau thương trong thơ Hàn Mặc Tử là nỗi đau thể xác thăng hoa thành
nỗi đau tinh thần, mà đỉnh cao của nỗi đau tinh thần ấy là niềm tuyệt vọng, sự cô
đơn. Tất cả thơ Hàn Mặc Tử, đâu đâu ta cũng dễ dàng tìm thấy đau thương, đau
thương tràn lan giăng mắc, đau thương ấy phủ đầy. b. Điên loạn:
Nếu đau thương là cảm hứng chủ đạo, là đặc thù nội dung, thì điên chính là hình
thức sáng tạo của thơ Hàn Mặc Tử. Cụ thể hơn là với thơ Điên. Điên không phải là
một dạng bệnh lí mà là một trạng thái cảm xúc, nó vượt lên mọi thứ bình thường.
Thơ Điên cũng là một trường phái thơ ảnh hưởng từ thơ Pháp. Thơ Điên – cái điên
loạn trong thơ Hàn Mặc Tử có những biểu hiện vô cùng rõ ràng.
Biểu hiện đầu tiên là ở những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Thơ Điên luôn chất chứa
những cảm xúc tột cùng, yêu, hận, đau đều đã đạt đến cảnh giới của sự vô tận, vô cùng. Miệng giếng há ra Nuốt ực bao la
Nuốt vì sao rơi rụng
(Trăng tự tử/ Trích “Máu cuồng và hòn điên”- “Đau thương”)
Cái động thái nuốt ực ấy là một minh chứng cho sự tột cùng của cảm giác và hành
động. Nuốt ực là nhanh, gọn, nuốt cạn, cảm xúc mãnh liệt nhất đã dẫn lối cho hành động dứt khoát ấy. Hay:
Hôm nay còn một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ mất rồi
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
Gió làm nên tội buổi chia phôi (Ta nhớ mình)
Nỗi nhớ thương cũng là đứt ruột, cũng được đẩy đến tận cùng. Như vậy càng minh
chứng cho những xúc cảm ở tầng cao nhất, một biểu hiện của thơ điên, một khía
cạnh trong cái điên cuồng của thơ Hàn Mặc Tử.
Thế giới thơ điên loạn của Hàn Mặc Tử còn thể hiện ở việc hình tượng chủ thể là
cái tôi li – hợp bất định. Chủ thể ấy vừa là mình, vừa là kẻ khác, có khi phân thân
ra không chỉ là người mà là người điên, người say, không chỉ là người mà là cả ma cả quỷ.
Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng
Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi (Say trăng)
Ở hai câu thơ này, ta thấy giường như hồn và ta là hai chủ thể hoàn toàn riêng biệt.
Lúc đầu hồn và ta hợp lại trong một bản thể. Và bằng hành động khạc, ta và hồn đã
bị tách làm hai. Ta ném hồn ra khỏi ta, để hồn tự do tự tại với ngàn khơi. Đây
chính là cái tôi li hợp, vừa là mình, lại không phải là chính mình. Hay với những câu thơ:
Hồn là ai là ai? Tôi không biết
Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi
Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười
Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng
Tôi chết giả và no nê vô vạn
Cười như điên, sặc sụa cả mùi trăng
Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến (Hồn là ai)
Gợi cho người đọc cảm giác như thi sĩ đang ngồi đối thoại với chủ thể hồn, để rồi
khóc khóc cười cười, say say tỉnh tỉnh, cấu cào, ngấu nghiến…
Thế giới điên loạn trong thơ Hàn Mặc Tử còn được cấu thành từ hệ thống hình
cảnh kì dị, ma quái. Hàn Mặc Tử thường chuyển đổi cảm giác cảu vô số các giác
quan khác qua động thái của miệng, tạo thành những từ ngữ như khạc, nhổ, mửa,
nuốt, đớp, nhả… rất kị với thi ca truyền thống. Và chính Hàn Mặc Tử cũng đã
dựng lên ba biểu tượng Trăng – Hồn – Máu kinh dị, ma mị như trong những câu
chuyện Liêu Trai chí dị. Nào là trăng nằm sõng xoài, trăng tự tử, trăng sấp mặt,
trăng ngã ngửa…tất cả đều vượt qua cái ranh giới của sự bình thượng, chạm vào
cái mốc của sự ghê rợn nhưng phi thường. Mạch cảm xúc trong thơ Hàn Mặc Tử
cũng không tuân theo bất kì một logic nào. Thứ logic duy nhất tồn tại là thứ logic
của lẽ tự nhiên. Do vậy mà cảm xúc của thi sĩ cứ tự do, phóng túng bay nhảy, câu
chữ chảy tràn không theo bất kì định mức, lề thói nào. Phút trước hồn thi sĩ ở đây,
phút sau thi sĩ đã phiêu du đến chồn bồng lai cực lạc, phút sau nữa có thể đã dạt
đến tận chốn âm tào lợm giọng máu tanh.
Đấy chính là cái điên cuồng rất Hàn Mặc Tử. Cái điên vượt ngoài chuẩn mực của
thi ca, cái điên nghe như rất vô lí, chỉ dễ lí giải bằng cảm hứng đau thương, bằng
những khát vọng không thành, bằng niềm tuyệt vọng ăn mòn cả thân xác và tâm
hồn thanh xuân, làm nên một thế giới thơ Điên siêu thực.
2. Thế giới trong sáng, thanh khiết trong “Đây thôn Vĩ Dạ” và “Mùa xuân chín” 2.1. Nội dung:
Thơ Hàn Mặc Tử là sự đảo lộn về thi pháp và ngữ pháp, là sự trộn lẫn, trái ngược
mọi logic của tư duy và ngôn ngữ. Nhà thơ chuyển đổi mọi giác quan, có những so
sánh, ví von, những cách kết hợp khiến người đọc ngạc nhiên, bàng hoàng. Sự lật
ngược mọi quy luật ấy phần nào làm nên cái ma mị trong thơ Hàn Mặc Tử. Đọc
thơ Hàn Mặc Tử, thế giới ấy như không phải thế giới thực, mà là nơi âm tào địa
phủ. Cái kì dị ấy trái ngược hoàn toàn với vẻ ngoài nhút nhát, hiền lành của chàng
trai Nguyễn Trọng Trí, nhưng lại phù hợp với nỗi đau của người mang bệnh phong,
ngày ngày nghe bệnh tật ăn mòn thân thể mình. Thế nhưng Hàn Mặc Tử vẫn dựng
lên trong thơ mình một thế giới nữa, một thế giới nghệ thuật thanh khiết, sáng
trong. Thế giới ấy rất thực, với những con người bình dị, những cảnh đẹp nên thơ,
có yêu, có buồn, có nuối tiếc, có khát khao. Đó là thế giới thơ trong “Đây thôn Vĩ
Dạ” và “Mùa xuân chín”, nó khác biệt hoàn toàn với thế giới đau thương và điên
loạn trong những vần thơ khác của Hàn Mặc Tử.
“Đây thôn Vĩ Dạ” và “Mùa xuân chín” đều được trích từ “Đau thương”- là những
bài thơ được Hàn Mặc Tử viết khi ông đã lâm bệnh, chịu đựng sự đau đớn cả thể
xác và tinh thần. Trái ngược với tiếng gào thét đau đớn trong những bài thơ khác,
“Đây thôn Vĩ Dạ” và “Mùa xuân chín” đều mang nét trong sáng, thanh khiết. Cả
cảnh và tình dẫu mang mác buồn nhưng không quằn quại như những bài thơ khác. a. Cảnh sáng trong:
Bức tranh thôn Vĩ hiện lên trong “Đây thôn Vĩ Dạ” là khung cảnh thôn Vĩ sớm
mai, với khu vườn xanh mát ngập tràn ánh nắng:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mát quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Hình ảnh nắng hàng cau gợi vẻ đẹp thuần khiết. Nắng đã tỏa sức nóng cho cả bức
tranh thôn Vĩ, khác hẳn không gian ma mị lạnh lẽo thường thấy trong thơ Hàn Mặc
Tử. Trong nắng sớm, hàng cau hiện lên đẹp đẽ, tươi sáng, đầy sức sống. Hàng cau
hiện lên trong một khoảnh khắc đặc biệt, gắn liền với cái “nắng mới lên” trong
trẻo, tinh khôi, thật cụ thể và đầy gợi cảm trong buổi sớm mai. Nắng mới cũng còn
có ý nghĩa là nắng của mùa xuân, mở đầu cho một năm mới nên bao giờ cũng bừng
lên rực rỡ nồng nàn, tươi tắn và đầy sức sống. Và nắng khiến khu vườn qua một
đêm ấp ủ sương mai, giờ hiện lên xanh như ngọc. Vườn thôn Vĩ như một viên ngọc
lấp lánh đang tỏa vào không gian cái sắc xanh của mình. Mướt quá gợi sự non tơ,
óng chuốt, mượt mà, mơn mởn, vừa là sự cực tả tính chất của cảnh vật nhưng đồng
thời cũng thể hiện cảm giác chới với của nhân vật trữ tình khi đối diện với một
điều gì đó xa vời. Giọng điệu trữ tình đầy mê đắm bao phủ khiến câu thơ dường
như cũng trở nên long lanh. Khung cảnh đơn sơ nhưng vô cùng lộng lẫy, chỉ bằng
một vài từ gợi tả mướt quá và so sánh xanh như ngọc Hàn Mặc Tử đã tạo nên một
bức tranh quê rực rỡ, chan hòa sự sống.
Đến “Mùa xuân chín”, hình ảnh nắng lại xuất hiện:
- Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.
Nắng ở đây là nắng ửng, nắng chang chang. Nắng ửng khiến ta liên tưởng đến nét
thắm hồng ửng lên trên má người thiếu nữ thẹn thùng. Khói mơ tan đi, liệu có phải
nắng đang thẹn với đất trời mà ửng hồng. Liệu có phải cái sức sống căng đầy, tràn
trề viên mãn của khoảnh khắc mùa xuân chín làm nắng như có linh hồn, cũng đầy
xúc cảm. Và đúng là nắng xuân, chẳng phải tia nắng, giọt nắng, hạt nắng, mà là làn
nắng. Chữ làn tựa như một hơi thở nhẹ nhàng, khiến nắng trải dài trong không
gian, phủ vàng lên vạn vật.
Bức tranh quê trong “Mùa xuân chín” là đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng. Mái nhà
tranh là một hình ảnh đơn sơ, mộc mạc, nhưng màu vàng của mái tranh đủ để làm
ấm cả bài thơ. Không phải màu đen ảm đạm, không phải sắc đỏ rợn người, mà là
màu vàng tươi sáng. Màu vàng của mái tranh cũng là màu vàng của nắng ấm, màu
vàng của lúa ngô, thứ màu tràn trề no ấm. Câu thơ như một nét chấm phá nhưng đủ
phác lên bức tranh đời sống dung dị mà đáng yêu, đáng sống.
Có nắng thì làm sao có thể thiếu gió. Gió trong “Mùa xuân chín” nghịch ngợm như một chàng trai trẻ:
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang
Gió không thổi, mà là gió trêu. Gió như một sinh thể có hồn, và trong cái khoảnh
khắc mùa xuân chín, mùa của những hội hè hò hẹn, gió sao có thể kìm lòng mà
không cất lời ghẹo trêu. Gió trêu ai? Gió trêu tà áo biếc? Tà áo biếc là gì? Tà áo
biếc phải chăng chính là biểu tượng cho một bóng hình? Phải chăng là một người
thiếu nữ trong tiết xuân, cái màu áo biếc mơn mởn như nhan sắc xuân thì, khiến
gió không trêu không đặng. Và cứ phải là áo biếc, chứ nếu là áo nhạt, áo phai thì
làm sao bức tranh xuân vẹn tròn như vậy.
Nhà thơ đi từ nắng, từ gió, từ áo biếc, rồi mới khẳng định: Trên giàn thiên lí. Bóng
xuân sang. Câu thơ bị ngắt ra làm hai bới một dấu chấm giữa dòng. Dấu chấm như
một sự ngưng đọng cảm xúc, nhưng cũng như một sự ngập ngừng. Trước khẳng
định là ngập ngừng ngần ngại, bởi xuân sang là xuân sẽ qua, xuân chín là xuân sắp
tàn, khoảnh khắc đẹp nhất của mùa xuân, của đời người quá ngắn ngủi, chẳng vững
bền. Dẫu “Mùa xuân chín” có là một trong những bài thơ trong sáng ít ỏi của Hàn
Mặc Tử, nhưng cái ngập ngừng, cái buồn, cái nuối tiếc vẫn hiện hữu.
Nỗi buồn ấy hiện lên rõ rệt hơn trong hình ảnh gió trong “Đây thôn Vĩ Dạ”. Gió
trăng thôn Vĩ chẳng tinh nghịch mà thấm đẫm cảm giác buồn:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Gió và mây là hai thực thể luôn gắn bó. Theo lẽ thường, gió thổi mây bay, gió lãng
du, mây cũng phiêu lãng. Thế nhưng ở đây, nhà thơ lại chia cách mây gió. Có lẽ
bởi mặc cảm về sự chia lìa đã ghi vào trong tiềm thức của thi nhân. Qua đó cho
thấy, thi sĩ tạo ra hình ảnh này không phải bằng thị giác mà bằng cái nhìn của mặc
cảm. Đó là mặc cảm của một người gắn bó thiết tha với đời mà đang phải chia lìa
với cõi đời nên nhìn đâu cũng thấy chia lìa. Đó là niềm đau của một hồn thơ khát
sống, khát yêu mà không được yêu, không được sống, nhìn sự sống trôi tuột qua
tầm tay mà ko sao níu lại được. Còn hoa bắp và dòng nước vẫn được nhà thơ xếp
cạnh nhau, nhưng hoa bắp lay hắt hiu mà dòng nước thì lặng lẽ trôi, chẳng có mối
liên hệ nào. Cũng như gió biết trêu trong “Mùa xuân chín” thì dòng nước ở đây
cũng buồn thiu như một sinh thể có hồn. Hoa bắp và dòng nước đứng cạnh nhau
mà chỉ toàn thấy xa cách. Cả 2 câu thơ nhịp thơ đều là 4/3, mỗi đối tượng bị cắt đôi
trong một khuôn nhịp riêng biệt, làm nổi bật sự chia lìa. Nhịp thơ cắt đôi tựa như
sự chia phôi ngang trái. Và ta bắt gặp hình ảnh thuyền trăng, sông trăng. Trăng là
hình ảnh quen thuộc trong thơ Hàn Mặc Tử. Ông rao bán trăng, trăng trong thơ ông
nằm sõng soài, quằn quại. Vậy nên thuyền trăng, sông trăng dù siêu thực nhưng đã
là trong sáng, nhẹ nhàng đi bội phần. Cảnh vật thiên nhiên tràn ngập ánh sáng, một
ánh trăng vàng sáng loáng chiếu xuống dòng sông, làm cho cả dòng sông và những
bãi bồi lung linh, huyền ảo. Cảnh nên thơ quá, thơ mộng quá! Và cũng đa tình quá!
Dòng nước buồn thiu đã hoá thành dòng sông trăng lung linh, con thuyền khách đã
trở thành thuyền trăng. Tác giả đã gửi gắm một tình yêu khát khao, nỗi ngóng
trông, mong nhớ vào con thuyền trăng, vào cả dòng sông trăng. Sông trăng hay
sông tình, thuyền trăng hay thuyền tình. Chữ kịp khiến cho khoảng thời gian tối
nay càng trở nên ngắn ngủi, như một giới hạn trong quỹ thời gian ít ỏi còn lại của
thi nhân. Dường như thi nhân đang sống chạy đua với gian. Đây chính là cái cớ để
nhà thơ bấu víu, nương tựa cho tâm hồn tồn tại. Trong khổ thơ này mọi hình ảnh
đều gợi sự phiêu tán chia lìa, tất cả như đang rời bỏ chốn này mà đi. Điều này
khiến cho thi nhân với tâm hồn nhạy cảm thấy mình như đang bị bỏ rơi và trăng
xuất hiện như là một niềm an ủi, một điểm tựa của tâm hồn.
“Đây thôn Vĩ Dạ” là minh chứng tiêu biểu cho mạch cảm xúc nhảy vọt của thơ
siêu thực. Mạch cảm xúc xuyên suốt bài thơ không theo một trình tự cố định nào.
Bức tranh thôn Vĩ hiện lên mới là sớm mai mà thoắt cái đã chuyển mạch thành
thôn Vĩ đêm trăng. Và bức tranh thôn Vĩ đêm trăng đìu hiu ấy đã phần nào dự cảm
về sự li tán, chia lìa. Nó tương thích với tâm trạng của thi nhân trong cảnh đau đớn
bệnh tật. Nó phù hợp với hoàn cảnh ra đời của bài thơ là nỗi hoài niệm về một tình
yêu đơn phương vô vọng, một mối tình khuấy mãi không thành.
Nếu mang ra so sánh, bức tranh “Mùa xuân chín” có chút tươi sáng hơn. Vì bức
tranh ấy ăm ắp màu vàng tươi sáng, có sắc xanh mơn mởn, có cả âm thanh đời sống:
- Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây
- Sóng cỏ xanh tươi rợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Âm thanh đời sống ấy là lời ca, tiếng hát. Tiếng ca vắt vẻo, cái tư thế vắt vẻo ấy
sao mà tinh nghịch thế, nó phù hợp vô cùng với gió trêu, với âm thanh sột soạt của
tà áo biếc. Để rồi câu thơ sau, cái hổn hển đầu câu vẫn phảng phất chút gì nhục
cảm. Cái nhục cảm ấy đúng là đặc thù của thơ siêu thực, đúng là đặc tính của thơ
Hàn Mặc Tử rồi. Có nhục cảm, nhưng trong bối cảnh mùa xuân chín này, nó không
rợn người, mà nó gợi ra cái thấm đẫm ý tình của nước mây, của đất trời. Trong
khoảnh khắc mùa xuân căng tràn tứa mật này, cả đất trời cũng không tránh được
điệu si mê. Âm thanh trong “Mùa xuân chín” đi từ vắt vẻo, đến hổn hển, rồi lắng
lại trong thầm thĩ. Từ tinh nghịch, hồn nhiên, đến gấp gáp ý xuân tình xuân, sau êm
đềm, dịu dàng với người ngồi dưới trúc. Đó là đầy đủ ba cung bậc của âm thanh
mùa xuân, thấm sâu vào tâm hồn, để chính nhà thơ phải cảm thán: Nghe ra ý vị và thơ ngây.
Bóng dáng con người hiện lên rõ ràng trong hình ảnh bao cô thôn nữ hát trên đồi.
Sóng cỏ xanh tươi gợi tứ thơ của Nguyễn Du Cỏ non xanh tận chân trời . Nhưng
cỏ ở đây còn là sóng cỏ, trải dài, dập dềnh như có nhịp điệu, và xanh tươi thì chưa
đủ, mà phải là xanh rợn, xanh đến rợp ngợp. Cái màu xanh rợn ấy là xanh đến đâu
thật khó tưởng tượng cho hết, người đọc chỉ cảm thấy đó là cái sắc xanh đến vô tận
vô cùng. Rất hợp với cỏ xanh là hình ảnh thôn nữ, gợi vẻ trẻ trung, tràn trề sức
sống, gợi cái ngây thơ, thuần khiết.
Cả “Đây thôn Vĩ Dạ” và “Mùa xuân chín” đều khác biệt với những bài thơ khác
của Hàn Mặc Tử. Có buồn, nhưng nỗi buồn ẩn dấu trong cảnh vật. Và cảnh vật thì
đều là cảnh của cõi thực này chứ không phải cõi mơ, cõi ảo như Hàn Mặc Tử
thường viết. Màu xanh như ngọc, màu biếc, màu xanh tươi, màu vàng của nắng
ửng, nắng mới, của mái tranh, cái hữu tình của gió mây, cái nghịch ngợm của làn
gió, bóng dáng những cô thôn nữ, tất cả đều trong trẻo, làm nên một thế giới thơ trong sáng. b. Tình tha thiết:
Ở cả hai bài thơ, tấm tình thầm kín đều được đan cài trong từng câu từng chữ. Mỗi
câu thơ như lại chất chứa những nỗi niềm riêng không nói thành lời.
“Đây thôn Vĩ Dạ” mở đầu bằng một câu hỏi:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Về hoàn cảnh ra đời bài thơ, theo GS. Nguyễn Đăng Mạnh, hồi làm nhân viên ở sở
đạc điền Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử có thầm yêu trộm nhớ đơn phương một cô gái
người Huế tên là Hoàng Thị Kim Cúc, con ông chủ sở. Một thời gian sau, nhà thơ
vào Sài Gòn làm báo, khi trở lại Quy Nhơn thì cô gái đã theo gia đình về Vĩ Dạ
(Huế). Một buổi kia, cô Cúc do sự gợi ý của một người em thúc bá, bạn của Hàn
Mặc Tử, gửi vào cho nhà thơ một tấm bưu ảnh chụp một phong cảnh sông nước có
thuyền và bến, kèm theo mấy lời thăm hỏi để an ủi nhà thơ lúc này đã mắc hiểm
nghèo.Lời thăm hỏi không ký tên, nhưng bức ảnh và những dòng chữ kia đã kích
thích trí tưởng tượng, cảm hứng, và đã gợi dậy những gì thầm kín xa xưa của Hàn
Mặc Tử. Vĩ Dạ là một địa danh ở Huế. Xứ Huế mộng mơ với dòng sông Hương,
với núi Ngự, với chùa Thiên Mụ, với lăng tẩm, đền đài, với tà áo tím dịu dàng và
nụ cười người con gái Huế đã đi vào thơ vào nhạc. Huế đẹp, Huế thơ, khiến kẻ đến
rồi thì nặng lòng thương, kẻ đi xa thì nặng lòng nhớ. Với Hàn Mặc Tử, Vĩ Dạ còn
gắn với mối tình đơn phương với nàng Kim Cúc.
Để rồi ngay câu đầu bài thơ đã là một lời thắc mắc, một câu hỏi tưởng như vô định
nhưng thực ra là cái tôi trữ tình phân thân để bộc lộ tâm trạng của mình. Cả câu hỏi
có 7 chữ, nhưng có đến 6 thanh bằng, hỏi mà như hờn dỗi, trách móc, một lời trách
móc mà ngân nga, dịu dàng như một lời mời, một lời nhắc nhở. Trách đấy mà tha
thiết ân tình, mà đầy mong ngóng. Thế nhưng người hỏi, người trách ở đây không
phải là Hoàng Cúc, mà chính là nhà thơ, là chủ thể trữ tình tự hỏi, tự trách. Khơi
nguồn cảm hứng viết nên bài thơ là một bức bưu ảnh. Chỉ một bức bưu ảnh mà gợi
cho nhà thơ bao nhiêu tâm trạng như vậy, chắc chắn Hàn Mặc Tử rất nặng lòng với con người Vĩ Dạ.
Và cũng trong “Đây thôn Vĩ Dạ”, ta bắt gặp đại từ phiếm chỉ ai được trở đi trở lại đến bốn lần:
- Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
- Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
- Ai biết tình ai có đậm đà?
Vườn là vườn ai không xác định, gợi cảm giác mơ hồ, bất định gây ấn tượng về
một vẻ đẹp bí ẩn không thể chiếm lĩnh, không thể sở hữu, thì đến câu thơ sau lại
tiếp tục gợi những ẩn dấu. Về hình ảnh mặt chữ điền có rất nhiều ý kiến xoay
quanh hình ảnh này. Mặt chữ điền có thể là khuôn mặt đượm nét phúc hậu đoan
trang, nếu nói lá trúc che ngang thì chỉ có thể nói về một cô gái có vẻ đẹp rất Huế.
Cô gái e lệ đứng thấp thoáng sau những lá trúc càng chứng tỏ vườn ai và vườn cô
gái đứng chỉ là một. Chế Lan Viên thì lại cho rằng mặt chữ điền là viên gạch có
bốn ô vuông thường xây trên bức bình phong ở những ngôi nhà Vĩ Dạ. Nhưng
cũng có cách hiểu khác. Là thế giới trong thơ Hàn Mặc Tử thường rất kì lạ, nhà thơ
có khi bắt gặp mình trong quá khứ, trong tương lai. Có lẽ nào mặt chữ điền chính
là nhà thơ đang bắt gặp mình trong quá khứ, bắt gặp chàng trai hào hoa ngày nào.
Nhưng dù có là cách hiểu nào, ta đều thấy thiên nhiên và con người hài hòa với
nhau đã tạo nên cái thần thái, cái hồn của Vĩ Dạ – một Vĩ Dạ vốn thơ mộng. Và đối
với tâm tưởng của Hàn Mặc Tử, đó là thôn Vĩ của tình yêu và hoài niệm. Giọng
điệu trữ tình khách quan càng khiến ý thơ thêm giàu chất mộng. Nhưng đằng sau
đó hình ảnh này cũng gợi lên cảm giác về sự ngăn cách giữa người và cảnh.
Đến câu hỏi tu từ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó thì đại từ phiếm chỉ ai lại gợi
sự mơ hồ, xa lạ, không thể sở hữu. Cảm giác ấy hoàn toàn phù hợp với tâm trạng
của thi nhân, một người đang chứng kiến sự sống như những hạt cát trôi qua kẽ tay
mà không thể nắm giữ, không sao níu lại được. Liệu có thuyền ai chịu neo đậu bến
sống trăng để đợi chờ một người đang cận kề cõi chết? Liệu có ai thấu được nỗi
đau đời, niềm khát sống của thi nhân? Câu thơ đầu bài thơ là vườn ai, đến đây là
thuyền ai. Vẫn là ai không xác định, vẫn là khao khát mà u hoài, mơ ước mà đau
đớn trăn trở. Vẫn là một ai trong mộng ảo, một ai mà thi nhân đang mải miết kiếm
tìm, dù biết chẳng thể tìm thấy.
Ai biết tình ai có đậm đà? Hai đại từ ai ở câu thơ này tạo nên nhiều cách hiểu:
không biết em có hiểu được chính tình yêu của em đậm đà hay không? Không biết
bản thân anh có biết được tình yêu của chính mình đậm đà không? Liệu em có biết
tình anh đậm đà không? Liệu anh có biết tình em có đậm đà không? Chữ ai chạy
dọc cả bài thơ, từ khổ đầu đến tận dòng thơ cuối, vẫn cứ là thắc mắc, vẫn cứ là băn
khoăn kiếm tìm một ai. Một câu hỏi trong thơ nhưng ẩn chứa biết bao nhiêu câu
hỏi đằng sau nó, càng hỏi càng thấy mờ nhân ảnh, càng tuyệt vọng. Càng tha thiết
một tình yêu đậm đà Hàn Mặc Tử càng thấy sự đổ vỡ tuyệt vọng. Vì thế mà cảm
hứng chủ đạo của “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là cảm hứng đau xót về một tình yêu
tuyệt vọng, là tấm tình thầm kín của thi nhân.
Trong “Mùa xuân chín”, không nằm ngoài mạch cảm xúc âm thầm ấy, ta lại bắt gặp:
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Rõ là một người thơ, người ngọc, rõ là những lời thầm thì tha thiết, nhưng cái kín
đáo khiến thi nhân cứ phải đặt chữ ai vào câu thơ, che đi gương mặt của nhân vật
trữ tình. Đó vẫn là một gương mặt ẩn giấu, một người ai cũng đoán là ai mà lại
chẳng dám chắc là ai. Đến tận ngày hôm nay, gần một thế kỉ sau ngày Hàn Mặc Tử
về với chúa, chúng ta vẫn cứ tìm tòi, suy đoán mà đâu dám khẳng định ai là bóng
hồng nào trong đời thơ Hàn Mặc Tử.
Trở lại với “Đây thôn Vĩ Dạ”, nếu hai khổ thơ đầu thiên về tả cảnh, tình ý chỉ lẩn
khuất, thì đến khổ thơ cuối bài thơ, tâm tình của nhà thơ đã được bộc lộ rõ ràng hơn.
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Hàn Mặc Tử lại tách mình khỏi thế giới thực, ông mơ. Mơ là trạng thái sống trong
tiềm thức, trong một cõi mộng ảo. Mở đầu khổ thơ này là một câu thơ thật đặc biệt.
Khách vốn đã xa lạ mà nhà thơ còn lặp đến hai lần sự xa lạ ấy khách đường xa,
khách đường xa. Thế mà, lại có một giấc mơ về người khách không quen ấy.
Khách đường xa được lặp lại như một tiếng gọi thảng thốt, một thanh âm chói gắt
đập vào không gian. Khách ở xa quá, chẳng nhìn rõ dáng hình, nên chỉ có thể gọi,
chỉ có thể cố gắng nắm bắt trong vô vọng. Có thể thấy tâm sự này qua những vần thơ khác của Hàn:
Người đã đi rồi khôn níu lại
Tình yêu chưa đã, mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi đến dại khờ. (Những giọt lệ)
Bởi muốn tìm một tình yêu trong mộng để được sống có ý nghĩa trong những giây
phút cuối đời nên tâm trạng của Hàn Mặc Tử luôn có những đối cực. Có hy vọng,
có tuyệt vọng. Có nhớ thương, có trách móc. Có khi nhà thơ gọi khách đầy xa lạ,
đau đớn, nhưng đột nhiên lại chuyển mạch, gọi em trìu mến, dịu dàng. Chỉ có điều,
em không rõ dáng hình, không tỏ tường nét cười, màu mắt, mà chỉ có thể thấy em
qua màu áo trắng, mà lại là trắng quá, để nhìn không ra. Một chứ quá thôi mà có
cơ man là xót xa, đau đớn, cơ man là khắc khoải, nuối tiếc. Hy vọng chưa tròn mà
thất vọng đã ào ạt đến.