-
Thông tin
-
Hỏi đáp
Văn bản Ai đã đặt tên cho dòng sông? - Văn học
Xuân hạ thu đông tôi vẫn thường lên thăm vườn An Hiên của bà Tùng ở Kim Long. Khu vườn xưa cổ sầm uất, mùa nào cũng có những loài hoa đang nở, những trái cây đang chín, nhưng luôn luôn toả sáng thần thái yên tĩnh và khoáng đạt, giống như một tự do nội tâm. Tài liệu được sưu tầm giúp bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới. Mời bạn đọc đón xem !
Preview text:
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG
- Hoàng Phủ Ngọc Tường-
Xuân hạ thu đông tôi vẫn thường lên thăm vườn An Hiên của bà Tùng ở Kim
Long. Khu vườn xưa cổ sầm uất, mùa nào cũng có những loài hoa đang nở, những
trái cây đang chín, nhưng luôn luôn toả sáng thần thái yên tĩnh và khoáng đạt, giống
như một tự do nội tâm. Ngày xưa Nguyễn Du đã sống rất lâu ở vùng này, và bây giờ,
trước sân nhà bà Tùng vẫn toả bóng một cây hồng cổ, giống hồng Tiên Điền nổi tiếng
mà chính cụ Nghè Mai, cháu nội cụ Nguyễn Du đã tặng cho gia đình bà. Mùa thu tôi
ngồi đọc Kiều dưới mái rêu phong của chiếc cổng vòm quay mặt ra sông ăn những
trái hồng ngọt và thanh đến độ tưởng như mỗi miếng vừa ngậm vào nửa chừng đã tan
thành dư vang của một tiếng chim. Tôi đọc sách trong trạng thái vừa thích thú vừa lơ
đãng, miên man trong vẻ đẹp của dòng sông đang đổi sắc không ngừng dưới ánh
nắng và trong mùi hương trốn tìm của hoa trái trong vườn. Chính trong những giờ
phút bồng bềnh giữa cõi thức và cõi thơ ấy, tôi đã cảm nhận ra cái âm hưởng sâu
thẳm của Huế trên mỗi trang truyện Kiều: dòng sông đáy nước in trời và những nội
cỏ thơm, nắng vàng khói biếc, nỗi u hoài của dương liễu và sắc đẹp nồng nàn của hoa
trà mi, những mùa thu qua san, những vầng trăng thắm thiết... Một trăm năm mươi
năm, (rồi nữa ba trăm năm sau), nhà thơ đã qua đời, mà vẫn trời ấy, vẫn đất ấy, cỏ
hoa vẫn y nguyên quanh chỗ tôi ngồi. Thiên nhiên của mảnh đất Kinh xưa đã để lại
một cái bóng mông lung nhưng rất dễ nhận ra trong thơ Nguyễn Du. Ngược lại, chính
sông Hương và thành phố của nó vẫn gợi cho tôi, như một vang bóng trong thời gian,
hình tượng của cặp tình nhân lý tưởng của truyện Kiều: tìm kiếm và đuổi bắt, hào hoa
và đam mê, thi ca và âm nhạc, và cả hai cùng gắn bó với nhau trong một tình yêu muôn thủa.
Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như
chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ
êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn,
mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và
cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của
hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời
của mình như một cô gái Digan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho
nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi
đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lý giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh
bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng
mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn
hóa xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng
người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành
trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó
mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa
khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng.
Phải nhiều thế kỷ qua, người tình mong đợi mới đến đánh thức người con gái
đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Nhưng ngay từ đầu
vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng những
khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm
kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông
Hương theo hướng nam - bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng
sang tây - bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một
hình cung thật tròn về phía đông - bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế.
Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một
lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản, để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó
trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột khởi như
Vọng Cảnh, Tam Thai, Lưu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông
mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi.
Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây
- nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả.
Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong
kín trong lòng những rừng thông u tịch, và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm
đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu “bốn bề núi phủ mây phong - mảnh trăng
thiên cổ, bóng tùng vạn niên”. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết
lý, như cổ thụ, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông
chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà...
Từ đấy, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những
biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo
hướng tây nam - đông bắc, phía đó, nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trăng
của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non. Giáp mặt
thành phố ở Cồn Giã Viên, sông Hương uốn một nhánh cung rất nhẹ sang đến Cồn
Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không
nói ra của tình yêu. Và như vậy, giống như sông Xen của Paris, sông Đanuýp của
Buđapet, sông Hương nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình; Huế trong
tổng thể vẫn giữ nguyên dạng một đô thị cổ, trải dọc hai bờ sông. Đầu và cuối ngõ
thành phố, những nhánh sông đào mang nước sông Hương tỏa đi khắp phố phường
với những cây đa, cây dừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống xóm thuyền xúm xít; từ
những nơi ấy, vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh
hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được. Những
chi lưu ấy cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng
nước, khiến cho sông Hương khi đi qua thành phố đã trôi đi chậm, thật chậm, cơ hồ
chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh. Tôi đã đến Leningrad, có lúc đứng nhìn sông Nêva
cuốn trôi những đám băng lô xô nhấp nháy trăm màu dưới ánh sáng của mặt trời mùa
xuân; mỗi phiến băng chở một con hải âu nghịch ngợm đứng co lên một chân, thích
thú với chiếc thuyền xinh đẹp của chúng; và đoàn tàu tốc hành lạ lùng ấy với những
hành khách tí hon của nó băng băng lướt qua trước cung điện Peterburg cũ để ra bể
Bantich. Tôi vừa từ trong khói lửa miền Nam đến đây, lâu năm xa Huế, và chính
Leningrad đã đánh thức trong tâm hồn tôi giấc mơ lộng lẫy của tuổi dại; ôi tôi muốn
hóa làm một con chim nhỏ đứng co một chân trên con tàu thủy tinh để đi ra biển. Tôi
cuống quýt vẫy tay, nhưng sông Nêva đã chảy nhanh quá, không kịp cho lũ hải âu nói
một điều gì với người bạn của chúng đang ngẩn ngơ trông theo. Hai nghìn năm trước,
có một người Hi Lạp tên là Hêracơlit, đã khóc suốt đời vì những dòng sông trôi đi
qua nhanh, thế vậy! Lúc ấy, tôi nhớ lại con sông Hương của tôi; chợt thấy quý điệu
chảy lặng lờ của nó khi ngang qua thành phố... Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng
cho Huế, có thể cảm nhận được bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh
vào những đêm hội rằm tháng bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập
ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng.
Hình như trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước ấy, sông Hương đã trở
thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Đã nhiều lần tôi thất vọng khi nghe
nhạc Huế giữa ban ngày hoặc trên sân khấu nhà hát. Quả đúng như vậy, toàn bộ nền
âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này, trong một
khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya.
Nguyễn Du đã bao năm lênh đênh trên quãng sông này, với một phiến trăng sầu và từ
đó những bản đàn đã đi suốt đời Kiều. Tôi đã chứng kiến một người nghệ nhân già,
chơi đàn hết nửa thế kỷ, một buổi tối ngồi nghe con gái đọc Kiều, “trong như tiếng
hạc bay qua - đục như tiếng suối mới sa nửa vời”... Đến câu ấy, người nghệ nhân
chợt nhổm dậy vỗ đùi, chỉ vào trang sách Nguyễn Du mà thốt lên: “Đó chính là Tứ Đại Cảnh!”.
Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn
Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi
giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vỹ Dạ. Và rồi,
như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng
đông - tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Đối với Huế,
nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình. Riêng với sông
Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này
thực bất ngờ biết bao. Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống con người ở đây;
và để nhân cách hóa nó lên, tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo
của tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ sông này, sông
Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển
cả: “Còn non - còn nước - còn dài. Còn về - còn nhớ....”. Lời thề ấy vang vọng khắp
lưu vực sông Hương thành giọng hò dân gian; ấy là tấm lòng người dân nơi Châu
Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở.
“Dòng sông và những đầm phá của nó, những dòng kênh uốn lượn qua thành
phố cũng với tư thái của những ngôi nhà nằm giữa những khu vườn xanh tươi, tất cả
mang lại cho Huế một vẻ trong sáng đầy thư thái, giành riêng cho cảm hứng nghệ
thuật và tri thức. Huế đã là và vẫn còn là một trung tâm của nền văn hoá Việt Nam...
Vẻ đẹp của Huế và lịch sử mà nó làm cứng, đã ban cho thành phố Huế mang một sức
hấp dẫn về văn hoá và du lịch có tầm quốc gia và quốc tế”.
Không phải là một đoạn văn, đây là văn kiện chính xác của Liên Hiệp quốc, do
ban thư ký của UNESCO soạn, đăng trên tạp chí “ Di sản văn hoá”, số mới đây. Tuy
nhiên, tôi đã đọc nó với sự rung động thẩm mỹ của tâm hồn: qua đây, tôi thấy hiện
bóng khuôn mặt tươi trẻ và quyễn rũ của dòng sông thành phố giữa lòng thế giới hiện
đại. Người ta đã nhìn khắp trái đát, và đã không quên được nó, dòng sông Việt Nam
nhỏ nhắn chỉ dài gần một trăm ki-lô-mét từ nguồn đến biển...
Hiển nhiên là sông Hương đã sống những thế kỷ quang vinh với nhiệm vụ lịch
sử của nó, từ thuở nó còn là một dòng sông biên thuỳ xa xôi của đất nước các vua
Hùng. Trong sách địa dư của Nguyễn Trãi, nó mang tên là Linh Giang, dòng sông
viễn châu đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía nam của tổ quốc Ðại Việt qua
những thế kỷ trung đại. Thế kỷ XVIII, nó vẻ vang soi bóng Kinh thành Phú Xuân của
người anh hùng Nguyễn Huệ; nó sống hết lịch sử bi tráng của thế kỷ XIX với máu
của những cuộc khởi nghĩa, và từ đấy sông Hương đã đi vào thời đại Cách mạng
tháng Tám bằng những chiến công rung chuyển.
Sông Hương là vậy, dòng sông của thời gian ngân vang, của sử viết giữa màu
cỏ lá xanh biếc. Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự biến đời mình làm một chiến công,
để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất
nước. Thỉnh thoảng, tôi vẫn còn gặp trong những ngày nàng đem áo ra phơi, một sắc
áo cưới của Huế ngày xưa, rất xưa: màu áo lục điều với loại vải vân thưa màu xanh
tràm lồng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện, thấp thoáng
theo bóng người, thuở ấy các cô dâu trẻ vẫn mặc sau tiết sương giáng. Ðấy cũng
chính là màu của sương khói trên sông Hương, giống như tấm voan huyền ảo của tự
nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông....
Có một dòng thi ca về sông Hương, và tôi hy vọng đã nhận xét một cách công
bằng về nó khi nói rằng dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng
của các nghệ sĩ. Mỗi nhà thơ đều có một khám phá riêng về nó: từ xanh biếc thường
ngày, nó bỗng thay màu thực bất ngờ, "dòng sông trắng- lá cây xanh" trong cái nhìn
tinh tế của Tản Ðà, từ tha thiết mơ màng nó chợt nhiên hùng tráng lên "như kiếm
dựng trời xanh" trong khí phách của Cao Bá Quát; từ nỗi quan hoài vạn cổ với bóng
chiều bãng lãng trong hồn thơ bà Huyện Thanh Quan, nó đột khởi thành sức mạnh
phục sinh của tâm hồn, trong thơ Tố Hữu.Và ở đây, một lần nữa, sông Hương quả
thực là Kiều rất Kiều, trong cái nhìn thắm thiết tình người của tác giả "Từ ấy".
Có một nhà thơ từ Hà Nội đã đến đây, tóc bạc trắng, lặng ngắm dòng sông,
ném mẫu thuốc lá xuống chân cầu, hỏi với trời, với đất, một câu thật bâng khuâng:
- Ai đã đặt tên cho dòng sông?
Từ ngã ba Sình, theo tả ngạn sông Hương, đi sâu vào các làng khoảng dăm cây
số là đến làng Thành Trung. Đây là mảnh đất thủ phủ Châu Hoá xưa mà tung tích chỉ
còn loáng thoáng trên những sử liệu cũ. Gặp nhau ở hội vật võ làng Sình mùa xsuân
này, Ngạc và tôi hẹn nhau trở lại trong một chuyế đi tìm Châu Hoá, vùng bên kia
sông. Ngạc đang dạy sử ở đại học. Còn tôi: cái vũ đài quyết liệt dựng trước sân ngôi
định cổ kia đã khiến tối liên hệ đến bản lĩnh đánh cận chiến của những dũng sĩ đứng
trấn miền cửa khẩu chuyên đánh địch trong nững khoang thuyền. Tôi đã có dịp xem
hội vật Đông Anh và Kiếp Bạc, nay đến hội vật Sình, những nơi mà ông cha đã trải
nhiều đời đánh giặc trên sông nước; và từ đấy, hai tiếng “Hoá Châu” cổ xưa kia bỗng
vang dội trong tôi bằng sức mạnh của chiến trường.
Ngạc về Thành Chung từ mấy hôm trước, cùng với một đoàn sinh viên khoa
Sử đi khảo sát dã ngoại. Một chú bé trong làng dẫn tôi đi tìm Ngạc, theo một con
đường đất cao, chạy dọc một dòng sông nhỏ, như dáng một con đê. Chú bé dừng lại
trước một vực nước rộng, chỗ dòng sông đột ngột cắt ngang con đường và chỉ tay
xuống cái vực thẳm ấy, không nói gì cả.
- Lội sang bên kia hả? Tôi hỏi
- Thầy Ngạc ở dưới ấy- chú bé dứt lời đã nhảy lên lưng con trâu của chú đang
gặm cỏ gần đấy, ngồi vắt hai chân sang một bên, vừa nhai mía vừa quay mũi trâu trở
lại. Tôi nhìn xuống vực nước, thấy bùn quấn lên đục ngầu, sôi động; quả là có một
người nào đang ngụp lặn ở ấy. Ngạc ngoi đầu lên vuốt mặt cười, hàm răng trắng và
rộng thêm trên khuôn mặt đã đem cháy đi rất nhanh và giang nắng.
- Cậu làm gì mà lặn lội ở dưới ấy? Liệu có chộp được con cá nào thời cổ sử
còn lại trong cái vực ấy không, mình có mang theo chai rượu đây.
- Có cái còn quý hơn cá nhiều.
Ngạc trả lời lửng lơ, theo thói quen nhà nghề của những nhà nghiên cứu vừa
nắm được những tài liệu quý không muốn ai đụng đến. Nói vậy thôi, hai đứa tôi là
bạn thân thời thơ ấu; hồi ấy Ngạc là đội viên tí hon của đoàn thiếu nhi Việt Dũng
hoạt động ở nội thành Huế trong kháng chiến chống Pháp, còn tôi là nhi đồng cứu
quốc ở vùng quê vừa lên, trở thành người cộng tác trung thành chưa bao giờ làm
Ngạc phiền lòng trong những nhiệm vụ bí mật của cậu. Ngạc nói với lên:
- Cậu ngồi chờ mình tắm xong. Mình sẽ cho cậu thấy, có cái còn làm cậu khoái
hơn cá nhiều. Còn chai rượu của cậu thì ông cụ trong nhà đã lo giúp. Món rau mùi
của làng Châu Hoá này vốn thơm ngát kinh thành từ nhiều thế kỷ rồi mà.
- Sinh viên đâu cả rồi, sao cậu lại một mình ở đây?
- Ồ...có những việc mình muốn tự làm lấy.
Tôi ngồi bệt xuống cỏ đợi. Tôi vẫn thường nhận thấy ở Ngạc nỗi say mê ấy của
những nhà khảo cổ: muốn sờ thấy bằng chính bàn tay mình, những trầm tích của quá
khứ, ngay giây phút đầu tiên khi chúng còn ướt đầm những lớp rêu của thời gian,
giống như người thợ gốm muốn in dấu tay của mình lên chất đất sét còn ướt.
Chúng tôi trở lại làng, trên con đường đất chi chít những mồ mả chạy thẳng tắp
qua giữa cánh đồng, và ngồi lại trước một ngôi mộ cổ; bia mộ khá lớn, đề niên hiệu
thời Lê. Ngạc nói, giọng chính xác:
- Con đường đất đắp cao này, khoảng ba mét trên mặt đất, gọi là Cồn Mồ, là
nghĩa địa của làng Thành Trung. Nó chính là cái nền còn lại của thành Hoá Châu cũ:
đoạn bị cắt ngang ở đằng kia là cổng thành. Mình đã sờ thấy bốn chiếc cột lớn, chắc
là những trụ cừ bằng gỗ lim, cắm sâu vào đấy bùn ở vực nước lúc nãy.
Ngạc rút từ trong tập tài liệu đã thu hoạch được, những hình ảnh ghi chép khá
chi tiết trên thực địa, cúa một khu thành cổ, với những con số đo đạc tỉ mỉ theo phương pháp khảo cổ.
Đó là một khu thành hình chữ thập, ngoảnh mặt ra sông Hương ở phía nam,
dài-rộng khoảng hai cây số vuông, có bốn cửa chính, với một hệ thống những con
kênh vây bọc bốn phía sát chân thành; toàn bộ làng Thành Trung nằm nguyên vẹn
trong khung thành ấy. Tên những đám ruộng và cồn mả của làng vẫn còn mang hồi
quang xa xôi của toà thành cổ: Thành Dọc, Thành Ngang, Công Đường, Vạt Kho...
Dưới lòng đất những viên gạch lát và gạch vồ còn nguyên vẹn cùng những đá hộc
làm móng, tất cả được chất dồn lại quanh chỗ chúng đang ngồi. Các làng An Thành,
Tiền Thành, Tây Thành ở chung quanh và con sông Kinh Dao cắt ngang giữa làng:
Những cái tên ấy đều mang một ý nghĩa địa lý và lịch sử khẳng định một cách rõ ràng
vị trí của khu thành Châu Hoá này.
- Tất cả những gì còn lại trên mảnh đất đủ để cho phép chúng ta mới hình dung
ra tầm vóc uy nghi của thành cổ Châu Hoá, ngay chính nơi ngã ba sông này.
Ngạc vừa nói, vừa lật sổ tay, đọc chậm rãi:
- Sông cái Đan Điền chảy qua phía Tây, lại có một dòng sông con chảy vào
trong thành, phía hữu con sông ấy la liệt những trường học, nha môn, đô thừa phủ
Triệu Phong. Sông cái Kim Trà rót vào phía Nam, đập lớn, chằm to nghìn vạn
khoảnh. Các dòng nước bao bọc caqr bốn bên giữa có một toà thành trăm nhận,
sừng sững như một đám mây dài... Hình ảnh của nó theo Ô Châu Cận Lục là như vậy
- Ngạc nói tiếp- cách đây bốn trăm năm.
Về đây, tôi mới nhận ra cái thế đứng sinh tử của chiến luỹ biên phòng này, gắn
lền với vai trò chiến lược Châu Hoá xưa. Thời ấy, đường bộ cực kỳ hiểm trở, tất cả
bọn xâm lược muốn vào Hoá Châu chủ yếu đều phải theo đường biển. Dù sao bằng
cửa Thuận An hay cửa Tư Hiền, chúng vẫn phải đến ngã ba sông này, để từ đấy hoặc
đổ ra cửa bắc theo sông Bồ, hoặc vào phía Nam theo sông Hương. Rốt cuộc, chúng
vẫn buộc phải dấn thân trước mũi giáo của người dũng sĩ Châu Hoá đứng trân dưới
chân toà thành này, không còn con đường nào khác. Đứng uy nghiêm soi bóng trên
sông Hương, thành Hoá Châu quả là một ải Chi Lăng ở phía Nam Tổ quốc; và cũng
giống như cửa ải anh hùng này, nó trở thành nỗi sợ hãi của bọn xâm lược qua các thời
đại. Thuở ấy, tên tướng Hán, Mã Viện kéo rê lưỡi gươm bình định tắm máu khắp
Giao Chỉ, đến Đèo Ngang hắn nhìn xuống cái lòng chảo hun hút đầy sấm sét và mây
mù của quân Nhật Nam liền quay đầu ngựa. Bảy năm sau khi đánh bại nhà Hồ, bọn
tướng Minh mới dám tìm đường quay lại Châu Hoá; con cáo già Mộc Thạnh thoái
thác không dám mò vào, còn con cọp đói Trương Phụ vốn liều mạng đến thế, đã phải
thốt ra nỗi khiếp sợ tận tâm can: “Ta sống ở Hoá Châu mà chết cũng ở Hóa Châu...”
Thuở ấy, khi Thăng Long bị giặc chiếm, thành Châu Hoá này nghiễm nhiên trở thành
thủ phủ của nước Đại Việt kháng chiến thời hậu Trần; Châu Hoá vẫn là mảnh đất gìn
giữ nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc. Một trăm năm mươi năm sau đó, trước
cổng ngôi thành cổ này, nhắc lại cuộc chiến đấu oanh liệt của hai cha con anh hùng
Đặng Tất và Đặng Dung, ngòi bút của tác giả Ô Châu Cận Lục còn tràn đầy cảm
khái: “Cả hai đều tận tâm kiệt lực, đánh giặc cứu nước, nâng vận nước khi sắp hết,
chống nhà lớn lúc đã xiêu...- thực giống cảnh đêm tối gió mưa mà gà vẫn gáy”. Cho
đến lúc bờ biền Châu Á rầm rộ tàu đồng phương Tây vào giữa thế kỷ mười bảy,
chính ngôi thành gan góc này đã dạy cho chúng bài học đầu tiên về điều mà toàn thế
giới ngày nay gọi là “ sức mạnh Việt Nam”: những chiếc thuyền ô của thuỷ quân
Châu Hoá, xuất phát từ ngã ba sông này, đã tiêu diệt cả hạm đội của thức dân Hoà
Lan, thời bấy giờ vẫn xưng hùng trên khắp đại dương rằng “chỉ biết sức mạnh của
Thượng Đế”. Châu Hoá! Tổ quốc đã trao cho nó một mảnh đất đứng giữa ngã ba
sông này, và nó đã trụ vững ở đây qua bão táp của bao thế kỷ, giống như một hòn đảo
huyền thoại. Châu Hoá! Chiều nay, tôi muốn gọi nó bằng cái tên quang vinh một lần
đất nước đã tuyên dương, “Vạn lý Trường Thành ở Phương Nam”, như trong những
ghi chép của Lê Quý Đôn.
Tôi nhấc một viên gạch tím thẫm màu gan gà mà Ngạc đã đào được từ dưới
ruộng của làng Thành Trung; viên gạch dằn lại muốn tuột khỏi tay tôi, và tôi hoàn
toàn bất ngờ về sức nặng của nó.
- Mày đã bao nhiêu tuổi, hỡi viên gạch cổ?
Tôi thầm hỏi trong trí. Ngạc nói, như trả lời tôi:
- Dưới con mắt chiến lược thoèi cổ, vị trí quốc phòng của ngôi thành này là
duy nhất, chỉ có thể ở nơi này và không thể ở nơi khác, giống như là tất định. Vì vậy,
có thể là người Việt đã xây đắp nó từ rất lâu đời, trước cả thời Châu Ô Châu Lý.
Trước Bà Triệu, Chu Đạt khởi nghĩa ở Cửu Chân, bị đàn áp, rút vào Nhật Nam đắp
thành bằng đất, chiến đấu thêm ba năm nữa. Biết đâu, lại chẳng phải là chính ngay trên ngã ba sông này?
- Chính là nhờ mang một bản lĩnh Việt sâu sắc như vậy mà nó có khẳ năng
tổng hợp thành cái mới rất mạnh mẽ, không bị thu hút trước sự gặp gỡ với nền văn
hoá hải đảo từ phía Nam Thái Bình Dương. Mình nghĩ rằng vùng đất hạ lưu sông
Hương này chính là cái nôi của trưuyền thống văn hoá Phú Xuân mà chúng ta đang tìm kiếm...
Tôi tiếp lời Ngạc trong những ý nghĩa bất chợt.
Xét về mặt lịch sử đô thị, thành phố đầu tiên đã được xây dựng ở chính nơi
này, trải hơn ba trăm năm giữ nước kiên cố, phong hoá giàu đẹp. Ba trăm năm cũ,
vẫn còn sống trong tâm trí tôi hình ảnh vị nguyên soái già ngồi mài gươm dưới chân
thành, ánh trăng thế kỷ lay động trong giọng thơ chính khí:
Thù nước chưa xong đầu đã bạc
Gươm mài bóng nguyệt biết bao lần...
Chắc là hồi đó, dân gian đã gọi chốn dinh thành Châu Hoá của mình bằng cái
tên đơn sơ như bây giờ, là Huế.
“Suốt một ngày băng đồng dưới những trận mưa ca nông chơm của hạm đội
Bảy, mở những đoạn đường máu, lách đội hình càn quét của sư đoàn kỵ binh bay,
chúng tôi đều mệt lử, chỉ mong đến chỗ nghỉ. Người giao liên chợt dừng lại, nói gọn lỏn: - Tới làng rồi!
Tôi nhìn ra chung quanh, không thấy bóng “làng” đâu cả, vẫn chỉ là mặt đất
trơ trụi dưới ánh pháo sángtrắng xoá trong cơn mưa. Nghĩ đến tiếng “sắp tới” của
giao liên miền núi, tôi phát ớn, chuẩn bị tinh thần để “cuốc” tiếp, có khi đến nửa
đêm. Nhưng đã tới nơi thực, “làng” chỉ cách năm bước dưới chân tôi: người giao
liên ẩy tôi xuống miệng hầm vào bên trong, khô ráo, ấm áp. Tôi nhận ra dưới ánh
đèn lờ mờ, người dẫn đường chúng tôi suốt buổi tối này là một cụ già trên sáu mươi
tuổi, râu lưa thưa, mặc quần cộc, lưng trần, bùn bết lên tận trán.
- Chú vẫn bám trụ với anh em, sức chú dẻo dai thực!
- Chỉ con nít với bà già là đi tản cư, còn cả làng ở lại không thiếu một hộ, phải chi mình tôi!
Chú quay ra cửa hầm để đi tắm, vừa nói làu bàu:
- Tụi bây có sức thì cứ đào cho hết đất làng, xúc xuống hạm đội chở về đổ bên
Mỹ. Làm cho được rồi hãy nói tới chuyện bình định cái đất Hoá Châu này...
“Đất Hoá Châu...Anh nghe có lạ không”.
Đây là những dòng thư của Nguyễn Khoa Điềm viết cho tôi trong lửa đạn của
mùa xuân 1968. Sau đó tôi đọc những bài thơ của Điềm về đất ngoại ô, cũng viết từ vùng sâu này.
Tôi chưa về Thành Trung bao giờ, đây là lần đầu. Nhưng từ độ ấy, qua sự kiện
của ngôi làng nhỏ trong thư của Điềm, những anh hùng tráng sĩ của Hoá Châu thời
xưa như đã tái sinh thành những con người mà tôi đã gặp trong chiến dịch. Cổ kim trà
trộn trong tôi thành nững kỷ niệm quấn quýt; ai ngày xưa, ai bây giờ, lịch sử vẫn tươi
rói khuôn mặt của người cùng thời. Dân làng ở đây kể rằng thuở ấy, khi đi tìm đất lập
làng, vị khai khẩn đã mang theo một nắm hạt cải vãi dọc theo bước đi. Suốt một dải
đất dài ven sông Hương mà ông đã đi qua, chỉ có một vùng đất ở đấy hạt giống mọc
thành những đám rau xanh tốt, chính là làng Thành Trung bây giờ. Từ ấy, trên nền
thành Châu Hoá cũ, Thành Trung đã trở thành một ngôi làng thơm, với nghề trồng
rau nổi tiếng. Gần hai trăm năm nay, người Thành Trung không biết nghề làm ruộng;
tất cả ruộng của làng này đã bị Gia Long xem như đất quan phòng, lấy giao cho lang
Thế Lại, để bù vào vùng đất đã bị trưng dụng làm hoàng thành Huế. Mãi đến năm
năm mới đây, cách mạng về mới mang trả ruộng đất Thành trung cho người Thành
Trung. Cũng vì không có ruộng, dân làng Thành Trung đã trở thành những người
trồng rau giỏi giang không ai sánh nối, cuộc sống vẫn ung dung trên vuông sân nhỏ
của mỗi gia đình, Thành Trung không trồng bầu trong vườn, giàn bầu chỉ chiếm
khoảng trống giữa hai hàng rào chè tàu, che rợp những con đường xóm; trái vẫn dài
chấm đất, phải níu xiên vào vườn để khỏi đụng người đi. Mỗi nhà đều có một giàn
mướp chạy dọc hàng hiên, thành một cái lồng hộp phủ kín lá xanh che mát mặt tiền.
Bên trong mỗi chiếc lồng như vậy- tôi đã ghé nhìn và không xiết ngạc nhiên- trong
ánh sáng dịu của nắng dưới lá, chi chít cơ man nào là trái, như thể là người ta đã hái
trái ở mọi nơi đem treo vào đấy để mà ngắm cho sướng mắt, như trẻ con chơi đèn
lồng vào dịp tết Trung thu. Chỉ như thế, còn tất cả đất và ánh sáng của mỗi khu vườn
đều dành riêng cho rau. Đủ loại: cải, ngô, rau thơm, rau quế, tần ô... tươi tốt đến lạ
lùng suốt quanh năm bất chấp mùa màng, thời vụ, chỉ trừ một tháng mười cho đất
nghỉ và mới sau này, thêm một tháng ba trả sân để phơi lúa. Lập xuân trở đi là tàn
mùa rau, vậy mà đến tháng năm, tháng sáu, Thành Trung vẫn chở đầy những khoang
thuyền cải xanh đưa lên phố. Người Thành Trung trồng rau với bàn tay tài hoa nào
không hiểu được: rau Thành Trung thơm ngát, xưa vẫn phải “cung tiến” cho vua
chúa, chen chúc nơi chợ búa vẫn không để ai nhầm lẫn; người Huế thường gọi một
cách kính nể là “Rau phường Thành”.
Tôii về Thành Trung vào đầu xuân. Làng Châu Hoá đang rộ mùa rau trái, khí
đất hùng hậu, hương đất nồng nàn tưởng như nhìn là thấy được. Trong đêm khuya,
chưa bao giờ tôi được nghe một mùi đất thơm đến vậy, xao xuyến như da thịt, sâu
thẳm như thời gian. Chính lúc ấy, tôi liên tưởng đến sông Hương với cái tên gợi cảm
của nó; Sông Hương như hiện thân thành một cô gái thần tiên trong truyện cổ nào
thuỳ mị đứng bên tôi, nghe tôi hỏi giọng bồi hồi:
- Ai đã đặt tên cho dòng sông?
I”Ai đã đặt tên...”? Có nhiều cách trả lời cho câu hỏi ấy; trong đó, tôi thích
nhất một huyền thoại kể rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con
người ở hai bên bờ đã nấu nước trăm loài hoa đổ xuống lòng sông, để làn nước thơm
tho mãi mãi. Tôi lĩnh hội ý nghĩa của truyền thuyết ấy như thế này: con ngừi đã đặt
tên cho dòng sông nhe nhà thơ chọn bút hiệu của mình, gửi gắm vào đấy tất cả ước
vọng muốn đêm cái Đẹp và tiếng Thơm để xây đắp văn hoá và lịch sử.
Huế, Tiết Cốc vũ 1-1981