Văn mẫu lớp 8: Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật) Ngữ Văn 8 | Kết nối tri thức
Văn mẫu lớp 8: Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật) Ngữ Văn 8 | Kết nối tri thức. Tài liệu được biên soạn dưới dạng file PDF bao gồm 15 trang tổng hợp các kiến thức chọn lọc giúp các bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Mời các bạn đón xem!
Chủ đề: Bài 2: Vẻ đẹp cổ điển (KNTT)
Môn: Ngữ Văn 8
Sách: Kết nối tri thức
Thông tin:
Tác giả:
Preview text:
Văn mẫu lớp 8
Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát
cú hoặc tứ tuyệt Đường luật)
Dàn ý viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học 1. Mở bài
Giới thiệu khái quát, ngắn gọn về tác giả bài thơ (nhan đề, đề tài, thể thơ…); nêu ý kiến chung về bài thơ. 2. Thân bài
- Phân tích đặc điểm nội dung:
⚫ Phân tích hình tượng thơ (thiên nhiên, con người…)
⚫ Phân tích cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ.
⚫ Khái quát chủ đề của bài thơ.
- Phân tích một số nét đặc sắc về nghệ thuật:
⚫ Cách sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú và tứ tuyệt Đường luật (theo mô hình
chuẩn mực hay có sự cách tân).
⚫ Những nét đặc sắc trong nghệ thuật tả cảnh, tả tình.
⚫ Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ (từ ngữ, cấu trúc thơ, biện pháp tu từ…) 3. Kết bài
Khẳng định vị trí và ý nghĩa của bài thơ.
Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học - Thất ngôn bát cú Bài văn mẫu số 1
Bài thơ Thu điếu thuộc chùm thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến. Qua bài thơ,
người đọc thấy được một bức tranh thu của nơi làng quê Bắc bộ.
Tác giả đã sử dụng điểm nhìn một cách linh hoạt từ gần đến xa, từ xa đến gần để
khắc họa bức tranh thu. Bức tranh hiện ra với không gian khá hẹp trong một chiếc
ao nhỏ bé với một chiếc thuyền câu nhẹ tênh. Mùa thu trong tâm hồn nhà thơ với
hình ảnh “ao thu lạnh lẽo” với làn nước “trong veo” giống như một chiếc gương
khổng lồ có thể phản chiếu mọi cảnh vật. Chiếc thuyền câu ở đấy rồi nhưng vẫn
chưa thấy con người xuất hiện:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”
Đến hai câu thơ tiếp theo, khung cảnh làng quê lúc này đã không còn tĩnh lặng nữa
mà đã bắt đầu có chút âm thanh:
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”
Sóng nhỏ vì ao vốn nhỏ, bởi vậy mới có “theo làn hơi gợn tí”. Kế tiếp là hình ảnh
“lá vàng trước gió khẽ đưa vèo” - chỉ một động từ “vèo” thôi nhưng đã gợi ra một
chuyển động thật tinh tế của chiếc lá.
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
Tác giả mở rộng không gian lên tận trời xanh với hình ảnh những đám mây lơ lửng
giữa trời. Dường như với hình ảnh này, bức tranh thu trở nên thật lãng mạn và trữ
tình. Không gian mở rộng là thế, bỗng chốc lại trở về với cận cảnh. Hình ảnh “ngõ
trúc quanh co” chính là con đường làng quen thuộc với bóng tre đã đứng đó từ bao
đời. Trời thu lạnh lẽo khiến cho đường làng trở nên vắng vẻ hơn. Vần “eo” (veo -
teo - vèo) thật độc đáo, góp phần khắc họa bức tranh mùa thu.
Bài thơ được kết thúc bởi hình ảnh của nhân vật trữ tình:
“Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Con người đã xuất hiện trong bức tranh thu. Nhân vật trữ tình trong bài thơ đang
câu cá mà dường như chẳng hề chú tâm đến công việc của mình “tựa gối buông
cần”. Có lẽ vì đang chìm đắm trong dòng suy nghĩ miên man của bản thân để rồi
chỉ một âm thanh nhỏ bé của cá đớp động dưới chân bèo lại làm nhà thơ giật mình
sực tỉnh. Hai câu cuối đã khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình - hay cũng chính là
nhà thơ trong một tâm thế nhàn nhã trước bức tranh thu nơi quê hương. Từ đó, bài
thơ cũng bộc lộ tình yêu thiên nhiên, đất nước sâu sắc, cùng với nỗi lo lắng cho
cảnh ngộ đất nước ngay cả khi đã cáo quan về ở ẩn.
Qua bài thơ “Câu cá mùa thu”, tác giả đã khắc họa vẻ đẹp của mùa thu thật đặc
trưng của vùng quê đồng bằng Bắc bộ, cũng như nỗi niềm tâm trạng của tác giả. Bài văn mẫu số 2
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn của dân tộc. Một trong những tác phẩm tiêu
biểu của ông là “Bạn đến chơi nhà”. Bài thơ đã ca ngợi tình bạn chân thành, thắm thiết:
“Đã bấy lâu nay, bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta!”
Cụm từ “đã bấy lâu nay” chỉ thời gian rất lâu rồi, người bạn của Nguyễn Khuyến
mới đến chơi nhà. Điều đó khiến cho nhà thơ rất vui mừng, hạnh phúc. Cùng với
cách xưng hô “bác” thể hiện mối quan hệ gần gũi, thân mật. Câu thơ đầu như một
tiếng reo vui, một lời đón khách đầy cởi mở.
Dẫu vậy thì hoàn cảnh của nhà thơ lúc này cũng thật là éo le. Trẻ em thì đi vắng rồi,
không có người để sai đi mua đồ tiếp đãi bạn được vì chợ ở quá xa. Tưởng rằng
như vậy là chưa đủ, nhà thơ còn liệt kê một loạt các sự vật như “ao sâu - khôn chài
cá”, “cải chửa ra cây, cà mới nụ, bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”. Thậm chí
miếng trầu - ngay cả thứ quan trọng nhất bởi có câu “miếng trầu là đầu câu
chuyện” thì ở đây cũng không có. Sự thiếu thốn đã được đẩy lên đến tận cùng.
Nhưng sự thiếu thốn đó không khiến cho thi sĩ buồn khổ mà còn đầy lạc quan, yêu
đời. Bài thơ mang giọng điệu hóm hỉnh mà lạc quan, yêu đời.
Tuy là vật chất thiếu thốn, nhưng tình cảm bạn bè mới là thứ đáng quý nhất. Câu
thơ cuối như một lời khẳng định cho tình bạn tri kỉ của Nguyễn Khuyến: “Bác đến
chơi đây ta với ta”. Bà Huyện Thanh Quan cũng đã từng sử dụng cụm từ “ta với
ta” trong bài Qua Đèo Ngang:
“Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”
Đại từ “ta” ở đây chỉ cùng một người, chỉ chủ thể trữ tình hay chính là tác giả. Lúc
này Bà Huyện Thanh Quan đang chỉ có một mình nơi đèo Ngang hoang vu. Thời
gian chiều tà gợi buồn và nỗi cô đơn, sợ hãi trước dòng thời gian trôi chảy. Không
gian tuy rộng lớn nhưng chỉ toàn những vật vô tri, vô giác. Có xuất hiện hình ảnh
đời sống con người nhưng hết sức thầm lặng, nhỏ bé. Âm thanh sự sống đơn điệu,
gợi nỗi buồn sâu thẳm. Con người lẻ loi trước vũ trụ mênh mông. Nhớ về quê
hương, thương xót cho hoàn cảnh của đất nước, trước thiên nhiên rộng lớn chỉ có mình cô độc.
Ngược lại, trong thơ Nguyễn Khuyến, đại từ “ta” thứ nhất chính là nhà thơ, còn đại
từ “ta” thứ hai chỉ người bạn. Từ “với” cho thấy mối quan hệ song hành, gắn bó.
“Ta với ta” đồng nghĩa với tôi với bác, chúng ta với nhau. Cuộc sống tuy nghèo
khó, thiếu thốn nhưng có bạn lại thấy vui vẻ, hạnh phúc. Nhà thơ không hề cảm
thấy cô đơn, buồn bã mà lại vô cùng vui vẻ, hạnh phúc. Tình bạn tri kỉ thật đáng
ngưỡng mộ, cảm phục biết bao nhiêu.
Như vậy, “Bác đến chơi nhà” đã khắc họa một tình bạn chân thành thật đáng
ngưỡng mộ. Bài thơ khá tiêu biểu cho phong cách thơ của Nguyễn Khuyến. Bài văn mẫu số 3
Qua Đèo Ngang là một tác phẩm tiêu biểu của Bà Huyện Thanh Quan. Bài thơ gửi
gắm tấm lòng yêu nước sâu nặng của nhà thơ.
Mở đầu, tác giả gợi mở về thời gian, không gian cũng như điểm nhìn của bài thơ.
Hai từ “bước tới” gợi đến một sự ngạc nhiên khi nhìn thấy hay tiếp cận đèo Ngang.
Đó cũng là thời khắc “bóng xế tà” khi ngày đã sắp tàn và màn đêm đang dần buông
xuống. Đứng trước đèo Ngang với rừng núi hoang vu xa lạ, những xúc cảm của
lòng người đã trào dâng. Tiếng “tà” với âm bằng xuất hiện trong văn cảnh tạo nên
giai điệu buồn thương man mác, trở thành “vần” của ý thơ:
“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”
Khung cảnh thiên nhiên hiện lên với sức sống mãnh liệt. Điệp từ “chen”, kết hợp
với việc sử dụng vần lưng “đá - lá”, lại vừa sử dụng vần chân “tà - hoa” đã làm cho
nhạc điệu thơ du dương và réo rắt. Cảnh đèo hiện lên thật hoang vu và có chút cằn cỗi.
Không chỉ thiên nhiên, con người cũng đã xuất hiện trong bức tranh đó:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Cách sử dụng từ láy “lom khom” và “lác đác” kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ nhấn
mạnh vào sự nhỏ bé, thưa thớt của con người.
Ngoại cảnh đã hòa hợp với râm cảnh người nữ sĩ trong buổi chiều tà nơi đèo hút
hút gió. Nữ sĩ đã sử dụng bút pháp miêu tả tượng trưng và ước lệ của thi pháp cổ
(ngư, tiều, canh, mục) kết hợp với cảm hứng đầy thi cảm và sáng tạo.
“Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Nghệ thuật đối và đảo ngữ được sử dụng ở phần thực đã tiếp tục được phát huy tác
dụng một cách triệt để ở phần luận. Đó là tiếng chim cuốc, chim đa trong bóng
chiều tà. Đó là “nhớ nước đau lòng” và “thương nhà mỏi miệng” đã được đặt trong
thế đăng đối và hòa hợp. Ý thơ đã thể hiện người nữ sĩ lấy ngoại cảnh để phô diễn
tâm tình. Đây cũng là một nét đặc sắc và nổi bật trong phong cách sáng tác của bà
huyện Thanh Quan. Thơ tả cảnh ngụ tình nên nhạc, nên họa đã diễn tả cảnh đèo
Ngang lúc hoàng hôn với nỗi niềm thi sĩ làm ta cảm thương, vương vấn.
“Dừng chân đứng lại: trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”
Hai câu thơ kết cuối bài như dồn lại biết bao nhớ thương sâu lắng và dạt dào của
người nữ sĩ trong khung cảnh chiều tà. Đứng một mình nơi đèo cao lộng gió trong
buổi hoàng hôn, nữ sĩ thấy mình như sống trong tâm trạng lẻ bóng, cô đơn, giữa
một khung cảnh thiên nhiên hoang vắng bao la của “trời, non, nước”.
Hai chữ “đứng lại” diễn tả một tư thế, một tâm trạng xúc động và bồi hồi. “Ta với
ta” là ba chữ đắt giá kết hợp với điệp ngữ láy âm, đặt trong mối tương phản với
“trời, non, nước” đã cho thấy cái mênh mang bao la với sự lẻ loi, đơn côi và nhỏ bé
của lòng người. Nó gợi lên một sự trống vắng không thể nào kể xiết.
“Qua Đèo Ngang” là bài thơ Nôm kiệt tác được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú
Đường luật. Bài thơ đã cho thấy phong cách sáng tác của Bà Huyện Thanh Quan. Bài văn mẫu số 4
Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu là một trong những bài thơ trào phúng tiêu biểu của nhà thơ Tú Xương.
Bài thơ còn có tên gọi khác là “Vịnh khoa thi Hương”. Mở đầu, tác giả đã giới
thiệu đôi nét về khoa thi Đinh Dậu:
“Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.”
Trong xã hội phong kiến, việc thi cử được tổ chức nhằm tuyển chọn nhân tài ra
giúp vua. Nhưng trong hoàn cảnh thực dân Pháp xâm lược, nắm giữ chính quyền
thì việc thi cử đã có nhiều thay đổi. Dù vẫn còn thi chữ Hán theo lộ cũ “ba năm mở
một khoa” nhưng kì thi lại hết sức hỗn tạp: “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”. Ở
Bắc Kì vốn có hai trường thi Hương là “trường Nam” trường thi Nam Định và
“trường Hà” - trường thi ở Hà Nội. Nhưng từ lúc thực dân Pháp nắm quyền, trường
thi ở Hà Nội đã bị bỏ. Các sĩ tử Hà Nội phải xuống thi chung ở trường Nam Định.
Hai câu thực đã miêu tả cảnh nhập trường và xướng danh hiện lên vô cùng khôi hài:
“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.”
“Sĩ tử” là tư dùng để chỉ tầng lớp trí thức trong xã hội phong kiến, đi theo nghiệp
bút nghiên. Họ thường có phong thái nho nhã, điềm tĩnh. Nhưng hình ảnh “sĩ tử”
trong bài thơ lại được miêu hiện lên với vẻ lôi thôi, nhếch nhác. Khung cảnh
trường thi vốn là nơi trang nghiêm mà giờ chẳng khác nào cảnh họp chợ, viên quan
coi trường thi thì “ậm oẹ” và “thét loa”.
Hai câu luận tiếp tục tô đậm sự nhố nhăng của trường thi bằng việc khắc họa hình
ảnh quan sứ và mụ đầm:
“Cờ kéo rợp trời, quan sứ đến,
Váy lê quét đất, mụ đầm ra.”
Việc tiếp đón những kẻ cướp nước chẳng biết lúc nào lại trở nên trang trọng nhưng
khôi hài như vậy. Đặc biệt hơn cả là việc tác giả miêu tả hình ảnh mụ đầm. Theo
quan điểm lễ giáo phong kiến thì trọng nam khinh nữ. Phụ nữ không được những
nơi trang nghiêm như trường thi. Vậy mà bây giờ lại có hình ảnh “mụ đầm ra” với
“váy lê quét đất” khiến ta thêm nức cười đó mà cũng thật xót xa. Xã hội phong
kiến đã suy tàn, thoái hóa đến mức nào.
Hai câu thơ cuối là lời bộc tâm trạng của tác giả về cảnh ngộ đất nước lúc bấy giờ:
“Nhân tài đất Bắc nào ai đó?
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.”
Tú Xương đã sử dụng câu hỏi tu từ “nhân tài đất Bắc nào ai đó” nhưng không
nhằm mục đích biết câu trả lời. Đó là một lời thức tỉnh các sĩ tử về nỗi nhục mất
nước. Kẻ thù xâm lược vẫn còn đó, thì đường công danh này có ý nghĩa gì.
Bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu đã khắc khắc họa khung cảnh trường thi
nhốn nháo, để làm bật lên tiếng cười chua chát về cảnh ngộ mất nước trong buổi
đầu của xã hội thực dân nửa phong kiến.
Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học - Tứ tuyệt Đường luật Bài văn mẫu số 1
Bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương đã thể hiện sự trân trọng trước vẻ
đẹp, phẩm chất trong trắng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa. Đồng
thời, tác giả cũng bày tỏ niềm thương cảm cho cuộc đời lận đận của họ:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Bài thơ mang hai nét nghĩa. Trước hết là nét nghĩa tả thực - miêu tả hình ảnh bánh
trôi nước. Tác giả đã miêu tả hình dáng bên ngoài: màu sắc (vừa trắng), hình dáng
(vừa tròn). Cùng với đó là cách thức làm bánh luộc bánh trong nước, khi nào bánh
nổi lên mặt nước có nghĩa là đã chín. Bên trong nhân bánh thường được làm bằng
đường phên. Viên bánh rắn hay nát phụ thuộc vào tay người nắn có khéo léo. Hình
ảnh tả thực chiếc bánh trôi từ hình thức đến cách thức.
Nhưng không chỉ mang nét nghĩa như vậy, Hồ Xuân Hương còn muốn nói đến vẻ
đẹp và số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa qua hình ảnh “bánh trôi nước”.
Mở đầu bằng cụm từ “thân em” - đây là một mô-típ đã rất quen thuộc trong ca dao:
“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu” Hay như:
“Thân em như ớt chín cây
Càng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng”
Ở bài thơ “Bánh trôi nước” hay các bài ca dao, dân ca đều xuất phát từ niềm
thương cảm, xót xa cho số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa. Họ là những
con người nhỏ bé trong xã hội. Cuộc đời trôi nổi, bấp bênh và không được tự quyết
định cuộc sống của bản thân, chịu sự chi phối của người khác.
Vẻ đẹp của người phụ nữ hiện lên “vừa trắng lại vừa tròn” gợi ra một thân hình
khá đầy đặn, nước da trắng hồng. Đó là chuẩn mực của người phụ nữ đẹp trong xã
hội xưa. Xinh đẹp là vậy, nhưng cuộc đời lại nhiều bất hạnh. Thành ngữ “bảy nổi
ba chìm” gợi ra một cuộc đời vất vả, gặp nhiều gian truân. Câu thơ “rắn nát mặc
dầu tay kẻ nạn” đã nói lên số phận phải phụ thuộc vào người khác, không được tự
mình quyết định. Nhưng dù có chịu nhiều bất hạnh, người phụ nữ trong thơ Hồ
Xuân Hương vẫn gìn giữ được tâm hồn cao quý: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. :
Dù cuộc đời có khó khăn, khổ cực thì họ vẫn giữ được tấm lòng thủy chung, son
sắc và không thay đổi. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên với đầy đủ nét đẹp từ ngoại
hình đến tâm hồn. Bài thơ sử dụng ngôn ngữ bình dị, hình ảnh ẩn dụ, thể thơ thất
ngôn tứ tuyệt cô đọng, hàm súc… nhằm làm nổi bật nên ý nghĩa mà nhà thơ muốn gửi gắm.
Như vậy, “Bánh trôi nước” là một tác phẩm giàu giá trị nhân văn sâu sắc. Từ đó,
chúng ta cần phải trân trọng, yêu thương những người phụ nữ hơn. Bài văn mẫu số 2
Bài thơ Nam quốc sơn Hà là lời khẳng định đanh thép chủ quyền lãnh thổ của quốc
gia dân tộc cũng như nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù:
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư."
Khi kể về sự ra đời của bài thơ, đã có rất nhiều truyền thuyết. Nhưng nổi tiếng nhất
là vào năm 1077, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy sang xâm lược nước ta. Vua
Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đem quân chặn giặc ở phòng tuyến sông Như
Nguyệt. Bỗng một đêm, quan sĩ nghe từ trong đền thờ hai anh em trương Hống và
Trương Hát - hai vị tướng đánh giặc giỏi của Triệu Quang Phục được tôn là thần
sông Như Nguyệt - có giọng ngâm bài thơ này.
Trong quan niệm của xã hội xưa thì toàn bộ diện tích lãnh thổ, của cải vật chất, con
người của một đất nước đều thuộc về nhà vua. Người có quyền quyết định tất cả
mọi thứ, thậm chí cả quyền sinh sát. Cách dùng từ “hoàng đế nước Nam” muốn chỉ
người đứng đầu của một quốc gia - thể hiện sự ngang hàng với phương Bắc. Câu
thơ thứ hai tiếp tục là một lời khẳng định. Hình ảnh “thiên thư” có nghĩa là sách
trời. Lãnh thổ, địa phận của đất nước đã được ghi tại sách trời. Điều này khẳng
định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc ta là một chân lý không thể chối cãi và thay đổi được.
Với lời khẳng định đó, hai câu thơ sau tiếp tục khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ
quyền lãnh thổ dân tộc. Câu hỏi tu từ “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?” giống như
một lời răn đe, cảnh cáo cho những kẻ xâm lược đi xâm lược lãnh thổ là đang làm
trái ý trời. Và từ đó, câu thơ cuối cùng vang lên đầy đanh thép. Những kẻ đi xâm
lược, cướp nước của dân tộc khác sẽ không có được kết thúc tốt đẹp. Giọng thơ
dõng dạc, hùng hồn, đanh thép nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Có thể khẳng định, “Nam quốc sơn hà” được coi là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu
tiên của dân tộc Việt Nam. Bài thơ đã thể hiện được tinh thần yêu nước, cũng như
ý chí quyết tâm bảo vệ của nhân dân ta trước mọi kẻ thù xâm lược. Bài văn mẫu số 3
Thượng tướng Trần Quang Khải là một vị tướng văn võ song toàn, từng có công
rất lớn trong hai cuộc chiến chống quân Mông- Nguyên. Sau chiến thắng vang dội
ở Chương Dương, Hàm Tử, chiến thắng giải phóng kinh đô năm 1285, ông được
cử đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về kinh.
Trên đường đi, ông đã sáng tác bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư”. Đây là khúc khải
hoàn đầu tiên của dân tộc ta trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Hai câu đầu của bài thơ thể hiện chiến thắng hào hùng vang dội của dân tộc ta
trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông xâm lược.
“Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan”
(Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù)
Như chúng ta đã biết, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông thời vua Trần,
nhân dân ta đã giành nhiều chiến thắng trong nhiều chiến dịch, nổi tiếng nhất là
chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Nhưng tại sao Trần Quang Khải chỉ nói đến
chiến thắng ở Chương Dương và Hàm Tử mà không hề nhắc đến trận Bạch Đằng?
Phải chăng đây là hai chiến thắng tiêu biểu, có tính quyết định dứt khoát để giành
thắng lợi cuối cùng? Phải chăng nhờ hai chiến thắng này, nhà vua và cả triều đình
sau thời gian sơ tán, được trở về kinh đô, trở về nhà trong niềm vui sướng? Trong
thực tế lịch sử, chiến thắng Hàm Tử diễn ra trước, chiến thắng Chương Dương sau.
Tại sao tác giả lại nói ngược lại, nêu Chương dương trước, sau đó là Hàm Tử? Tìm
hiểu lịch sử, ta thấy rằng, người chỉ huy trận Hàm Tử là tướng Trần Nhật Duật,
Trần Quang Khải chỉ tham gia hỗ trợ. Còn ở trận Chương Dương, Trần Quang
Khải thống lĩnh ba quân, trực tiếp chỉ huy và giành thắng lợi giòn giã, để rồi ngay
sau đó được cử hộ giá nhà vua về kinh. Niềm vui chiến thắng, đi liền với niềm vui
được “phò giá” dồn dập nối tiếp cộng hưởng cho nhau. Có lẽ vì thế mà trong phút
ngẫu hứng, vị tướng đã nhắc ngay đến chiến thắng Chương Dương, rồi mới hồi
tưởng Hàm Tử. Trong cả hai chiến dịch, quân ta đã chiến đấu rất dũng cảm, khí thế,
quyết đoán. Song, tác giả chỉ đúc lại trong hai câu thơ ngắn gọn với hai động từ
mạnh đó là “đoạt” và “cầm”. “Đoạt” nghĩa là “lấy hẳn được về cho mình qua đấu
tranh với người khác”. Như vậy, dùng từ “đoạt sáo”, nhà thơ vừa ghi nhận chiến
công vừa ngợi ca hành động chính nghĩa, dũng cảm của quân ta. Ở Chương Dương,
ta giành được gươm giáo, vũ khí của giặc thì ở Hàm Tử, ta bắt sống được tướng
giặc ngay tại trận. Trong chiến trận chắc chắn có thương vong, tổn hại lực lượng
của cả bên ta lẫn bên địch. Nhưng lời thơ không đề cập đến, vì mục đích chiến đấu
của dân tộc ta không phải là giết kẻ thù mà là giành lại nền độc lập, bắt kẻ thù phải
trả lại đất nước cho ta. Giọng thơ khỏe khoắn, hùng tráng, âm điệu tươi vui, rộn
ràng làm ta có cảm giác vị tướng ấy đang ngẩng cao đầu, vừa đi vừa cất tiếng
ngâm thơ. Có thể nói, hai câu thơ trên đã tái hiện không khí chiến thắng oanh liệt,
tình cảm phấn chấn, tự hào của nhà thơ trên đường hộ tống nhà vua về kinh.
Dời xuống hai câu sau, âm điệu thơ như lắng lại. Nhà thơ dường như đang suy
nghĩ về tương lai đất nước:
“Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san.”
(Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu.)
Đây là lời tự nhủ của vị thượng tướng về tương lai của đất nước, cũng là lời nhắn
nhủ toàn thể quân dân ta bấy giờ. Tiếng nói, khát vọng của một người đã trở thành
động lực, quyết tâm của toàn dân tộc. Trần Quang Khải tự nhắc mình nêu cao tinh
thần trách nhiệm, cố gắng “tu trí lực”, bởi tu dưỡng trí tuệ, rèn luyện sức lực là hai
yếu tố tiên quyết của một con người và một dân tộc nếu muốn làm nên chiến thắng,
muốn xây dựng hòa bình. Đồng thời, ông động viên quân dân gắng sức, đồng lòng
phát huy thành quả chiến thắng để xây dựng đất nước thanh bình, bền vững dài lâu
chứ không được ngủ quên trên chiến thắng. Câu thơ cuối vừa chỉ ra cái chặng
đường đi tiếp của đất nước vừa bày tỏ lòng mong muốn, niềm khát khao mãnh liệt
về một tương lai tươi sáng muôn đời của dân tộc. Nghĩa của thơ biểu ý, nhưng
nhạc của thơ lại mang tính biểu cảm. Lời răn dạy hài hòa với niềm tin, niềm hi vọng của quân dân ta.
Hai câu thơ sau là khát vọng hòa bình sau khi giành được chiến thắng vang dội và
sự mong muốn xây dựng nền hòa bình cho đất nước lâu dài. Đây là lời tự nhủ của
vị thượng tướng, đồng thời cũng là lời nhắn nhủ với quân dân: chúng ta không
được phép ngủ quên trên chiến thắng. Điều đó thể hiện trí tuệ, biết lường trước
được mọi việc, tầm nhìn xa trông rộng của một vị lãnh đạo tài ba biết lo cho dân
cho nước. Để cho non nước được nghìn thu, hòa bình bền vững, thì khát vọng hòa
bình không chỉ là khát vọng của riêng của người lãnh đạo mà còn là khát vọng chung của cả dân tộc.
Bằng cách nói chân thành, với câu chữ giản dị, mộc mạc, “Tụng giá hoàn kinh sư”
đã thể hiện hào khí chiến thắng vang dội và khát vọng thái bình thịnh trị của dân
tộc ta trong thời đại nhà Trần. Bài văn mẫu số 4
Lý Bạch là một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc. Một trong những bài thơ giúp
người đọc cảm nhận được điều đó là “Xa ngắm thác núi Lư” (Vọng Lư sơn bộc bố):
“Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên,
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên.
Phi lưu trực há tam thiên xích,
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên”
Mở đầu bài thơ, Lý Bạch khắc họa một thế giới tuyệt đẹp vời của khung cảnh thiên
nhiên núi Lư. Ánh mặt trời tươi sáng rọi chiếu xuống núi Hương Lô, tỏa sáng trên
khung cảnh núi non kỳ vĩ. Nhà thơ còn điểm xuyết một màu sắc vô cùng rực rỡ,
lộng lẫy với làn khói tía bốc lên từ ngọn thác, cùng với từ “sinh” gợi bức tranh
thiên nhiên tràn đầy sự sống.
Giữa cảnh núi hùng vĩ, dòng thác hiện lên với những chuyển động tinh tế. Câu thơ
“Dao khan bộc bố quải tiền xuyên” có thể hiểu là dòng thác đang treo trên dòng
sông phía trước. Dòng thác lớn từ trên đỉnh núi cao đổ xuống được nhà thơ hình
dung như là nó được treo lơ lửng giữa không trung, dựa vào vách núi Hương Lô kỳ
vĩ. Lúc này, dòng thác như đang ào ào chảy xuống con sông ở phía dưới từ “ba
nghìn thước” - con số mang tính ước lệ gợi một khoảng cách rất cao và xa.
Câu thơ cuối cùng gợi liên tưởng thác nước tựa như một dải ngân hà rộng lớn giữa
bầu trời, đầy màu sắc. Thác núi Lư hiện lên không chỉ thơ mộng mà còn hùng vĩ
tráng lệ. Qua đó, Lí Bạch muốn gửi gắm tình cảm yêu thiên nhiên tha thiết, cùng
với niềm tự hào trước vẻ đẹp của đất nước.
Bài thơ “Xa ngắm thác núi Lư” đã khắc họa đẹp độc đáo của thác nước chảy từ
đỉnh Hương Lô thuộc dãy núi Lư cũng như bộc lộ tình yêu nước của Lí Bạch.