


Preview text:
Theo thông tin bạn cung cấp, anh em kế, chị em kế ở đây được hiểu là con riêng của vợ và con
riêng của chồng. Theo quy định về điều kiện kết hôn Luật Hôn nhân và gia đình 2014, anh em kế
và chị em kế được phép kết hôn với nhau. Tuy nhiên, vấn đề này tôi Luật sư Lê Minh Trường sẽ
phân tích một cách toàn diện để bạn hiểu rõ căn cứ pháp lý cũng như các trường hợp cụ thể.
Trước hết, bạn phải đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Hôn
nhân và Gia đình năm 2014, về độ tuổi nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; việc
kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; không bị mất năng lực hành vi dân sự; và quan
trọng nhất là không thuộc các trường hợp cấm kết hôn theo khoản 2 Điều 5 của Luật này. Cụ thể:
Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a,
b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
1. Quy định về các trường hợp cấm kết hôn
Tại điểm a, b,c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định rõ các trường
hợp cấm kết hôn, bao gồm:
Người có quan hệ huyết thống trực hệ (cha mẹ với con, ông bà với cháu) Anh, chị, em ruột
Chú, bác, cậu với cháu; cô, dì, mợ với cháu
Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật Cụ thể:
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc
chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa
những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là
cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng
của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
Những người cùng dòng máu về trực hệ được hiểu là những người có quan hệ huyết thống, trong
đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau (khoản 17 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Những người có họ trong phạm vi ba đời được hiểu là những người cùng một gốc sinh ra gồm
cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời
thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là dời thứ ba (khoản 18 Điều 3
Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Quan trọng là trong mục này không bao gồm anh em kế, chị em kế. Do vậy, theo nguyên tắc
"pháp luật không cấm tức là được phép", anh em kế và chị em kế có thể kết hôn với nhau.
2. Phân biệt khái niệm anh em ruột và anh em kế
Anh em ruột là những người có chung cha mẹ hoặc chung cha hoặc chung mẹ. Theo đó, pháp
luật cấm kết hôn giữa anh chị em ruột nhằm bảo vệ yếu tố di truyền học và đạo đức xã hội.
Ngược lại, anh em kế là những người không có quan hệ huyết thống, mà chỉ có quan hệ thông
qua việc cha mẹ của họ kết hôn với nhau. Ví dụ: A có cha là ông X, B có mẹ là bà Y. Khi ông X
kết hôn với bà Y, thì A và B trở thành anh em kế.
Trong đó, những người cùng dòng máu về trực hệ được hiểu là những người có quan hệ huyết
thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau (khoản 17 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Anh em kế, chị em kế là những người không có quan hệ huyết thống, mà chỉ sống chung dưới
một mái nhà do việc kết hôn giữa cha hoặc mẹ của họ với người khác đã có con riêng từ cuộc hôn nhân trước.
Về mặt sinh học, anh em kế không cùng dòng máu, không có huyết thống chung, hoàn toàn
không phải con cùng cha mẹ. Về mặt pháp lý, quan hệ này không thuộc nhóm "người có họ trong
phạm vi ba đời" được quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Theo đó, quan hệ anh em kế không nằm trong diện cấm kết hôn, bởi lẽ không đáp ứng tiêu chí
"có cùng dòng máu hoặc có họ hàng trong ba đời" mà pháp luật quy định. Tuy nhiên, như tôi đã
nói ở trên, việc kết hôn vẫn phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện khác về độ tuổi, năng lực hành vi
dân sự và sự tự nguyện của đôi bên. 3. Kết luận
Mặc dù pháp luật không cấm, nhưng việc kết hôn giữa anh em kế có thể phát sinh những vấn đề
phức tạp về mặt luân lý và xã hội. Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, thứ bậc và vai vế trong
gia đình được coi trọng, do đó việc hai người từng được nuôi dưỡng trong vai trò "anh - em"
hoặc "chị - em" chuyển thành vợ chồng có thể gây ngỡ ngàng và khó được chấp nhận bởi thân
tộc, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi.
Ngoài ra, nếu hai người đã sống chung từ nhỏ trong vai trò như người thân, việc phát triển tình
cảm hôn nhân có thể dẫn đến xung đột nội tâm hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em trong gia
đình chung. Đồng thời, có thể phát sinh định kiến hoặc phản đối từ gia đình, hàng xóm và cộng
đồng, từ đó ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân lâu dài của đôi bên.
Về mặt pháp lý, anh em kế và chị em kế hoàn toàn được phép kết hôn với nhau theo quy định
của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, với điều kiện đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về độ tuổi,
năng lực hành vi dân sự và sự tự nguyện. Tuy nhiên, để đảm bảo sự hài hòa cả về pháp lý lẫn
quan hệ gia đình - xã hội, tôi khuyến nghị Quý khách hàng nên tham vấn thêm ý kiến từ các
chuyên gia tâm lý, xã hội học nhằm cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.