Bài tập Chương VI: Hợp đồng
Bài tập Chương VI: Hợp đồng
Preview text:
BÀI TẬP CHƯƠNG VI: HỢP ĐỒNG (ĐẠI HỌC NỘI VỤ)
Bài 1: A và B ký kết hợp đồng mua 2000 bộ ấm chén bát tràng, 2000 bộ ấm chén này được công ty của A vận chuyển trên 2 xe tải nhỏ vận chuyển đến kho chứa hàng của B. Do sơ suất của lái xe, một xe chở hàng bị lạc tay lái khiến xe bị lật, hàng hóa trên xe đó bị tổn thất lớn. Xin hỏi: Ai chịu trách nhiệm bồi thường với số hàng hóa bị tổn thất?
Trả lời:
1. Cơ sở pháp lý:
Với tình huống trên, chúng ta sử dụng cơ sở pháp lý như sau:
- Điều 441 BLDS 2015 quy định về thời điểm chịu rủi ro:
“1. Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua, bên mua chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
2. Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
- Điều 530 BLDS 2015 quy định về hợp đồng vận chuyển tài sản
“Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển”.
- Điều 534 BLDS 2015 quy định về nghĩa vụ của bên vận chuyển
“1. Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.
- Giao tài sản cho người có quyền nhận.
- Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuậnkhác.
- Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
- Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển đểmất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
- Điều 597 BLDS 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra
“Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.
2. Giải quyết tình huống:
Theo tình huống trên, A và B đã ký kết hợp đồng với nhau và rủi ro xảy ra trên đường vận chuyển hàng hóa đến nhà kho của B. Nếu hai bên không có thỏa thuận gì khác thì theo quy định tại khoản 1 điều 441 BLDS 2015, A là người chịu rủi ro với những tổn thất xảy ra với số hàng hóa trên.
- Giả sử 2 xe vận chuyển là xe thuộc công ty của A thì công ty của A phải chịu rủi rovới số tài sản bị tổn thất trên, ngoài ra bên A phải thỏa thuận và cung cấp lô hàng khác cho bên B theo đúng thỏa thuận. Lái xe gây tổn thất phải bồi thường cho công ty của A với tổn thất mà mình gây ra.
- Giả sử công ty A thuê một công ty vận chuyển để vận chuyển số hàng hóa trên đếnnhà kho của B thì theo quy định tại điều 530 BLDS 2015 :"... bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thoả thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận..." và công ty vận chuyển sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất mát, hư hỏng tài sản do lỗi của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác ( theo quy định tại khoản 5 điều 534 BLDS 2015 ).
Nghĩa là trong tình huống này khi số hàng hóa trên bị tổn thất trong quá trình vận chuyển thì công ty vận chuyển có trách nhiệm đối với những thiệt hại của công ty A. Xét thấy, hành vi gây thiệt hại do lái xe của công ty vận chuyển gây ra vì vậy theo quy định tại điều 597 BLDS 2015 thì công ty vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty A và sẽ có quyền yêu cầu người lái xe có lỗi phải hoàn trả lại cho công ty mình một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Kết luận: Trách nhiệm đối với số hàng hóa bị tổn thất sẽ thuộc về công ty A nếu xe vận chuyển thuộc công ty A và trách nhiệm đó sẽ thuộc về công ty vận chuyển nếu công ty A thuê một công ty vận chuyển, vận chuyển hàng hóa đến kho của B.
Bài 2: A thuê xe ô tô của B để chở hàng trong thời hạn một tháng. Trong thời gian hợp đồng đang còn hiệu lực, A để xe của B trong nhà kho, nhà kho của A bị sét đánh cháy, làm cháy cả xe của B.
Hỏi: A có phải bồi thường thiệt hại cho B không? Vì sao?
ĐÁP ÁN:
A không phải bồi thường thiệt hại cho B, vì:
Nhà kho của A bị sét đánh cháy, làm cháy cả xe của B là sự kiện bất khả kháng được quy định tại Điều 156 BLDS 2015: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Việc xe của B bị sét đánh cháy là một rủi ro đối với tài sản trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Điều 162 BLDS 2015 quy định về chịu rủi ro đối với tài sản: “Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Tại Khoản 5 Điều 482 BLDS 2015 quy định về việc trả lại tài sản thuê: “…5. Bên thuê phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả”.
Như vậy, đang trong thời gian thực hiện hợp đồng thuê xe, B là chủ sở hữu chiếc xe, khi có rủi ro xảy ra với tài sản thì B phải chịu rủi ro nên A không phải bồi thường thiệt hại cho B.
Bài 3: Ông Bình ký hợp đồng thuê ông An vận chuyển tài sản, theo đó An sẽ vận chuyển cho ông Bình 1000 bộ ấm chén uống trà từ địa điểm A đến địa điểm B trước ngày 12/5/2018. Hai bên thống nhất thỏa thuận là: “Ông An có nghĩa vụ vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn”. Tuy nhiên, trên đường ông An chở hàng thì gặp trời mưa to, đường trơn nên ông bị lạc tay lái làm xe bị lật gây hư hỏng toàn bộ số hàng trên. Ông Bình đã yêu cầu ông An bồi thường toàn bộ số hàng. Ông An cho rằng việc xe của mình bị lật dẫn đến hàng hóa bị hư hỏng là do trời mưa to, đường trơn là sự kiện bất khả kháng nên ông không đồng ý bồi thường.
Hỏi: Ai chịu trách nhiệm bồi thường với số hàng hóa bị hư hỏng trên? Giải thích và nêu cơ sở pháp lý.
ĐÁP ÁN:
Ông An sẽ phải bồi thường thiệt hại đối với số hàng hóa bị hư hỏng là 1000 bộ ấm chén uống trà, vì:
- Ông Bình ký hợp đồng thuê ông An vận chuyển tài sản, nên ông An phải thực hiện tất cả những nghĩa vụ của bên vận chuyển do 2 bên thỏa thuận và do pháp luật dân sự quy định.Tại Khoản 5 Điều 534 BLDS 2015 quy định về nghĩa vụ của bên vận chuyển: “5. Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 541 BLDS 2015 quy định:
“1. Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 536 của Bộ luật này.
3. Trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Như vậy, ông An (bên vận chuyển) làm hư hỏng hàng hóa thì phải bồi thuồng thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác về việc bồi thường thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.
- Căn cứ Khoản 1 Điều 156 BLDS 2015: “1 …Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”. Như vậy, sự kiện trời mưa to, đường trơn không phải sự kiện bất khả kháng, vì không thỏa mãn 3 điều kiện: xảy ra khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết.
Ông An khi vận chuyển hàng hóa mà gặp trời mưa to, đường trơn thì ông vẫn có thể áp dụng những biện pháp cần thiết để giao hàng đến nơi an toàn mà không bị hư hỏng như: tạm thời trú mưa hoặc giảm tốc độ tối đa, quan sát cẩn thận… Vì ông An không thực hiện những biện pháp cần thiết dẫn đến ông bị lạc tay lái làm xe bị lật gây hư hỏng toàn bộ số hàng nên ông là người có lỗi.
Từ những phân tích trên, ông An phải bồi thường thiệt hại đối với hàng hóa bị hư hỏng.
Bài 4: Ông B thuê ông A vận chuyển tài sản, theo đó A sẽ vận chuyển cho B một lượng hàng thực phẩm chứa trong 01 tàu chở hàng từ cảng X đến cảng Y trước ngày 20/12/2018. Hai bên thống nhất thỏa thuận là: “A có nghĩa vụ bảo quản hàng trên đường vận chuyển, nếu xảy ra hư hỏng thì A phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại”. Tuy nhiên, trên đường A chở hàng thì gặp cơn bão lớn. Dù cố gắng chống chọi bằng mọi cách với cơn bão nhưng sau đó gần 70% số hàng trên tàu bị hư hỏng. Ông B đã yêu cầu ông A bồi thường toàn bộ số hàng bị hư hỏng. Ông A không đồng ý bồi thường vì cho rằng mình không có lỗi gây ra số hàng hóa hư hỏng đó. Giữa A và B có tranh chấp.
Hỏi: A có phải bồi thường thiệt hại đối với số hàng hóa bị hư hỏng trên không? Vì sao?
ĐÁP ÁN:
Ông A không phải bồi thường thiệt hại đối với số hàng hóa bị hư hỏng, vì:
- Ông B ký hợp đồng thuê ông A vận chuyển tài sản, nên phải căn cứ vào quy định của pháp luật dân sự về hợp đồng vận chuyển tài sản và quy định có liên quan để giải quyết tranh chấp giữa A và B.
Tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 541 BLDS 2015 quy định:
“1. Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 536 của Bộ luật này.
3. Trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Như vậy, nếu ông A (bên vận chuyển) làm hư hỏng hàng hóa thì phải bồi thường thiệt hại cho ông B (bên thuê vận chuyển), trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng.
- Căn cứ Khoản 1 Điều 156 BLDS 2015: “1 …Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”. Theo bài, trên đường A chở hàng thì gặp cơn bão lớn. Dù cố gắng chống chọi bằng mọi cách với cơn bão nhưng sau đó gần 70% số hàng trên tàu bị hư hỏng. Như vậy, trường hợp này là sự kiện bất khả kháng, vì đã thỏa mãn 3 điều kiện: bão lớn xảy ra là khách quan, con người không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Từ những phân tích trên, ông A không phải bồi thường thiệt hại đối với hàng hóa bị hư hỏng.
Bài 5: Ông A ký hợp đồng nhận may 10000 bộ đồng phục học sinh trị giá 800 triệu đồng cho ông B theo mẫu mã, kiểu dáng và chất lượng mà ông B yêu cầu. Theo hợp đồng, ông B giao vải và giao tiền cho ông A để mua phụ kiện cần thiết khác. Hai bên thoả thuận giao sản phẩm vào ngày 05/8/2019. Anh (Chị) hãy xác định trách nhiệm chịu rủi ro trong các trường hợp dưới đây, giải thích tại sao và đưa ra cơ sở pháp lý? (Giả sử kho hàng bị cháy là sự kiện bất khả kháng).
Trường hợp 1: Ngày 04/8/2019, kho hàng của ông A bị cháy làm cháy tất cả lô hàng quần áo mà ông A đã may.
Trường hợp 2: Ông A thiếu nhân công nên không giao kịp hàng đúng hạn. Ngày 08/8/2019, kho hàng của A bị cháy làm cháy tất cả lô hàng quần áo mà ông A đã may.
Trường hợp 3: Ông A thiếu nhân công nên đã gửi văn bản thông báo tới ông B xin gia hạn hợp đồng đến ngày 10/8/2019 giao hàng và được ông B đồng ý. Ngày 08/8/2019, kho hàng của ông A bị cháy làm cháy cả lô hàng quần áo mà ông A đã may.
ĐÁP ÁN:
Trường hợp 1: Ngày 04/8/2019, kho hàng của ông A bị cháy làm cháy tất cả lô hàng quần áo mà ông A đã may.
- Trách nhiệm chịu rủi ro thuộc về ông B, vì:
Trường hợp này, ông A (bên nhận gia công) chưa giao 10 000 bộ đồng phục học sinh cho bên đặt gia công (ông B), ông B là chủ sở hữu của những bộ đồng phục được tạo ra từ nguyên vật liệu do ông cung cấp, khi kho hàng của ông A bị cháy làm cháy tất cả lô hàng quần áo mà ông A đã may thì ông B phải chịu trách nhiệm rủi ro trong trường hợp này, trừ trường hợp nội dung hợp đồng có thỏa thuận khác.
- Cơ sở pháp lý: Đoạn 1 Điều 548 BLDS 2015.
Trường hợp 2: Ông A do thiếu nhân công nên không giao kịp hàng đúng hạn. Ngày 08/8/2019, kho hàng của A bị cháy làm cháy tất cả lô hàng quần áo mà ông A đã may.
- Trách nhiệm chịu rủi ro thuộc về ông A, vì:
Ông A là bên nhận gia công nhưng vì thiếu nhân công nên không giao kịp sản phẩm đúng hẹn theo hợp đồng tức là chậm giao sản phẩm nên phải bồi thường thiệt hại cho bên đặt gia công (ông B).
- Cơ sở pháp lý: Đoạn 3 Điều 548 BLDS 2015.
Trường hợp 3: Ông A do thiếu nhân công nên gửi văn bản thông báo tới ông B xin gia hạn hợp đồng đến ngày 10/8/2019 giao hàng và được ông B đồng ý. Ngày 08/8/2019, kho hàng của ông A bị cháy làm cháy tất cả lô hàng quần áo mà ông A đã may.
- Trách nhiệm chịu rủi ro thuộc về ông B, vì:
Ông A là bên nhận gia công nhưng vì thiếu nhân công nên nên gửi văn bản thông báo tới ông B gia hạn hợp đồng đến ngày 10/8/2019 mới giao hàng và được ông B đồng ý. Như vậy, hai bên đã thỏa thuận sửa đổi hợp đồng về ngày giao sản phẩm là ngày 10/8/2019. Ngày 08/8/2019, kho hàng của ông A bị cháy, ông B là chủ sở hữu của những bộ đồng phục được tạo ra từ nguyên vật liệu do ông cung cấp, khi kho hàng của ông A bị cháy làm cháy tất cả lô hàng quần áo mà ông A đã may thì ông B phải chịu trách nhiệm rủi ro trong trường hợp này.
- Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 550; Đoạn 1 Điều 548 BLDS 2015.