Bài thi giữa kỳ môn cơ sở văn hóa Việt Nam | Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Phân tích ý nghĩa văn hóa của việc khắc tên những người thi đỗ Tiến sĩ lên bia đá đặt trên lưng rùa ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Từ năm 1070 tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông, Văn Miếu được xây dựng. Sự kiện lịch sử quan trọng được sử thần Ngô Sĩ Liên ghi lại trong sách Đại Việt sử ký toàn thư. Tài liệu giúp bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao. Mời đọc đón xem!
Môn: Môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Trường: Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Thông tin:
Tác giả:
Preview text:
Họ và tên: Trần Thị Hậu
Lớp: Truyền thông Đa phương tiện K42
Lớp tín chỉ: TT01002_K43_7
BÀI THI GIỮA KỲ MÔN CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM (2 TÍN CHỈ)
Câu hỏi: Phân tích ý nghĩa văn hóa của việc khắc tên những người thi đỗ Tiến sĩ lên
bia đá đặt trên lưng rùa ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bài làm
Từ năm 1070 tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông, Văn Miếu được xây
dựng. Sự kiện lịch sử quan trọng được sử thần Ngô Sĩ Liên ghi lại trong sách Đại Việt
sử ký toàn thư: "Mùa thu tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu Công và
Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học."
(Đại Việt sử ký toàn thư. Nhà xuất bản. Khoa học xã hội, Hà Nội, tập 1, tr.234). Như
vậy, bên cạnh chức năng thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, Văn Miếu còn
được xem như một trường học Hoàng gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức,
con trai vua Lý Thánh Tông với Nguyên phi Ỷ Lan, lúc đó mới 5 tuổi.
Tháng 4 mùa hạ năm Bính Thìn niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng thứ nhất (1076), Lý
Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu có thể coi đây là
trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và
con các bậc đại quyền quý. Năm Nguyên Phong thứ 3 1253, vua Trần Thái Tông đổi
Quốc Tử Giám thành Quốc Học viện cho mở rộng và thu nhận cả con cái các nhà
thường dân có sức học xuất sắc.
Sang thời Hậu Lê, Nho giáo rất thịnh hành. Vào năm 1484, Lê Thánh Tông cho dựng
bia của những người thi đỗ tiến sĩ từ khoa thi 1442 trở đi (chủ trương đã đề ra năm
1442 nhưng chưa thực hiện được). Mỗi khoa, một tấm bia đặt trên lưng rùa. Sự kiện
này được Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: "Năm Giáp Thìn, niên hiệu Hồng
Đức thứ 15 (1484)... Mùa thu, tháng 8, ngày 15, dựng bia có bài ký ghi tên các Tiến sĩ
từ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đời vua Thái Tông triều ta đến nay…".
Đến nay, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn lưu giữ được 82 bia ghi rõ họ tên, quê
quán của 1.304 nhà trí thức khoa bảng [85 trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa; 283
hoàng giáp và 939 tiến sĩ]. Trong số văn bia này, bia tiến sĩ có niên đại sớm nhất,
được dựng năm 1484, đời Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442; bia tiến
sĩ có niên đại muộn nhất, được dựng vào năm 1780, ghi về khoa thi năm 1779.
Hệ thống bia đề danh tiến sĩ trong Khu di tích đã được coi là một trong những di sản
văn hóa vô cùng giá trị của ông cha ta để lại. Việc khắc bia lưu danh tiến sĩ đặt ở Văn
Miếu - Quốc Tử Giám có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo ra những giá trị văn hóa và
tinh thần vô cùng lớn lao.
Thứ nhất, những tấm bia đá khắc tên những người thi đỗ Tiến sĩ nhằm mục đích, trước
hết là để lưu danh hiền tài muôn đời, thể hiện sự coi trọng, đề cao hiền tài của “thánh
minh”, đồng thời cũng là để kẻ sĩ trông vào những tấm gương hiền tài được lưu danh
mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua, giúp nước. Điều này
không những để nêu gương mà còn để nhắc nhở và kêu gọi kẻ sĩ tự rèn đức luyện tài,
cống hiến cho đất nước. Đặc biệt, việc lưu danh bia đá giúp ngăn ngừa điều ác, kẻ ác:
ý xấu được ngăn chặn, lòng thiện tràn đầy, kẻ ác thấy đó làm điều răn, người thiện xem đó mà cố gắng.
Thứ hai, đây là những tư liệu lịch sử xác thực, ghi lại kết quả các kỳ thi tiến sĩ từ năm
1442 đến năm 1779, thuộc thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng, [từ thế kỷ XV đến thế
kỷ XVIII]. Mỗi tấm bia dựng cho một khoa thi. Những bài ký trên bia là nguồn sử liệu
phong phú về một khoa thi. 82 bia này là nguồn sử liệu quý giá, phản ánh về lịch sử
giáo dục Việt Nam trong suốt 300 năm. Đặc biệt, bia đề danh tiến sĩ cũng là một
nguồn sử liệu có giá trị nghiên cứu sâu sắc về tiểu sử, hành trang của nhiều danh nhân
Việt Nam, như Nguyễn Trãi - người được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hóa
thế giới, Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh.... Hơn nữa, trong số 1304 tiến sĩ được khắc
tên trên 82 bia, có tới 225 vị từng đi sứ Trung Quốc, như Nguyễn Như Đổ, Lê Quý
Đôn… Điều này đã thể hiện giá trị độc đáo và khẳng định ý nghĩa quốc tế của bia đề
danh tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Thứ ba, quan điểm đào tạo nhân tài của các triều đại phong kiến Việt Nam được thể
hiện rõ nét trên mỗi tấm bia với các bài văn. Nhiều triết lý về dựng nước, giữ nước,
bảo tồn văn hóa, phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài của các triều đại… đến hôm nay
vẫn còn nguyên giá trị. Chẳng hạn, việc khẳng định: "Hiền tài là nguyên khí của quốc
gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu
rồi xuống thấp" được khắc trên bia đề danh tiến sĩ năm 1484 (ghi lại khoa thi năm
1442) đến nay vẫn được coi như một tư tưởng lớn về việc đánh giá và sử dụng nhân
tài của đất nước. Vai trò của hiền tài đối với quốc gia được khẳng định, nhắc đi nhắc
lại trong hầu hết các bài ký, cho thấy đây là một quốc sách, là điểm cốt lõi trong đạo
trị quốc. Đây chính là bài học quý cho đương thời và hậu thế.
Thứ tư, chữ Hán khắc trên các bia, có niên đại rất cụ thể, phản ánh về thư pháp của
các thời liên quan. Vì vậy, có thể coi đây là căn cứ quan trọng để nhận diện tiến trình
phát triển thư pháp chữ Hán của người Việt từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Về giá trị
nghệ thuật, mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, do các nghệ nhân hàng
đầu tạo tác. Trong đó, đế bia hình rùa thể hiện sự trường tồn, bền vững của hiền tài,
giáo dục và của bia Tiến sĩ. 82 tấm bia là 82 phong cách nghệ thuật khác nhau, phản
ánh cụ thể và sinh động nghệ thuật tạo tác bia đá của tiền nhân.
Ngoài ý nghĩa văn hóa, giáo dục, mỗi tấm bia tiến sĩ còn mang theo những thông tin
về các khoa thi Hội, như tên các quan trông coi thi, chấm thi, ngày thi, ngày yết bảng
xướng danh những người thi đỗ...
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ đặc sắc, Ủy ban Chương
trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã ghi danh
82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê sơ - Mạc - Lê Trung Hưng tại Văn Miếu - Quốc
Tử Giám vào Danh mục Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Văn
Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những di tích có giá trị đặc biệt, phản ánh hết sức
sinh động truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài của dân tộc ta
trong lịch sử ngàn năm văn hiến, trong đó, các bia tiến sĩ hiện còn tại di tích là một di
sản văn hóa nổi tiếng và là niềm tự hào của dân tộc.