-
Thông tin
-
Hỏi đáp
Ca dao là gì? Tổng hợp một số bài ca dao về tình cảm gia đình, bạn bè, thầy cô hay và ý nghĩa
Ca dao là một từ rất quen thuộc với mỗi chúng ta, từ khi sinh ra chúng ta lớn lên trong câu ca dao ru ngủ của mẹ, trưởng thành dưới sự dạy dỗ của thầy cô về những bài ca dao của thế hệ trước. Vậy ca dao là gì? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Preview text:
1. Ca dao là gì?
Ca dao là một thuật ngữ hán việt, trong từ nguyên, ca là một bài hát có chương có giai điệu, còn dao là một bài hát ngắn không có giai điệu hoặc chương khúc. Đây là một thể thơ dân gian Việt Nam được truyền miệng dưới dạng lời thoại không theo một nhịp điệu cụ thể nào, thường được viết theo thể thơ lục bát để dễ nhớ. Ca dao bộc lộ tâm tình, tình cảm của người nói, người viết về đủ mọi đề tài trong cuộc sống.
Những câu ca dao Việt Nam thường được sáng tác và truyền miệng bởi những người dân lao động thuở xưa. Vì vậy không ai biết nguồn gốc hay tác giả của ca dao là ai. Cho đến nay ca dao vẫn luôn có giá trị riêng của nó và thường được sử dụng trong cả giao tiếp lẫn trong văn học. Từ xa xưa, ca dao đã có ý nghĩa quan trọng trong đời sống sinh hoạt sản xuất, nó được ví von như "món ăn tinh thần" giúp người dân giải tỏa căng thẳng và những mệt mỏi sau phút giây làm việc vất vả. Đồng thời, ca dao còn là nơi để những người dân nghèo giãi bày sự uất ức bất công và tủi nhục trong xã hội xưa.
Ví dụ:
Ngó lên nuộc lạt mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon
2. Đặc điểm của ca dao
2.1. Về mặt nội dung
Nội dung chủ yếu của ca dao là diễn tả đời sống tư tưởng tinh thần và tình cảm của người dân trong mối quan hệ nhưng tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình hay bao quát hơn là tình yêu đất nước. Ngoài ra ca dao còn phản ánh các phong tục tập quán và lịch sử của người dân Việt Nam qua các thế hệ, trong đó chủ đề chính của ca dao là lời yêu thương tình nghĩa hoặc tiếng than thân được cất lên từ cuộc đời đầy chua xót và cay đắng nhưng cũng thấm đẫm ân tình của người dân Việt Nam.
2.2. Về mặt nghệ thuật
Ở khía cạnh nghệ thuật ca dao là những lời thơ ngắn gọn được thể hiện qua thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể nên rất dễ nhớ, các từ ngữ quen thuộc, giản dị và mộc mạc như lời ăn tiếng nói hằng ngày được kết hợp với nhau. Hình ảnh giàu tính so sánh, ẩn dụ cách diễn đạt mang đậm sắc thái dân gian. Kết cấu của bài ca dao được chia thành 3 loại: phổ biến ngẫu nhiên không có chủ đề nhất định, cấu trúc theo lối phô diễn về thiên nhiên và cấu trúc theo lối đối thoại.
Như vậy, có thể nói ca dao có các đặc điểm sau:
- Lời thơ ngắn gọn
- Sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể
- Ngôn ngữ gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày giàu hình ảnh so sánh ẩn dụ
- Lối diễn đạt bằng một số hình thức mang đậm sắc thái dân gian
3. Phân loại ca dao
Ca dao như một kho tàng văn học quý giá của dân tộc Việt Nam và được chia thành nhiều loại khác nhau như sau:
Thứ nhất: đồng dao. Đây là loại thơ ca dân gian truyền miệng gắn liền với công việc và các trò chơi của trẻ em.
Ví dụ:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa đứt cương
Ba vương ngũ đế
Bắt dế đi tìm
Thứ hai: ca dao lao động. Đây là thể loại ca dao được sáng tác trong quá trình lao động sản xuất của nhân dân, nội dung ca dao được đúc kết nhiều kinh nghiệm sống của cha ông ta.
Ví dụ
Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu
Thứ ba: ca dao ru con. Hầu hết những bài ca ru con ngày nay đều là ca dao có sẵn.
Ví dụ:
Ru con con ngủ cho say
Để u dệt vải cho thầy nhuộm nâu
Thứ tư: ca dao về lễ nghi, phong tục tập quán. Đây là thể loại ca dao thể hiện hình thức sinh hoạt tôn giáo của người dân Việt Nam.
Ví dụ:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba
Thứ năm: ca dao trào phúng, hài hước. Những câu ca dao dí dỏm, hài hước, bông đùa thể hiện tinh thần lạc quan vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Ngược lại những câu ca dao châm biếm trào phúng sẽ lên án, phê phán thói hư tật xấu của con người.
Ví dụ:
Công anh chăn nghé đã lâu
Bây giờ nghé đã thành trâu ai cày
Thứ sáu: Ca dao trữ tình. Đây là loại ca dao do cảm xúc tạo thành, chủ yếu được dùng để bộc lộ tâm trạng, tình cảm, ký thác tâm sự của chủ thể. Chủ đề của ca giao trữ tình khá đa dạng, từ tình cảm gia đình, đến tình yêu quê hương, đôi lứa
Ví dụ:
Ai làm cái nón quai thau
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh
Thứ bảy: Ca dao than thân. Đây là tiếng nói được cất lên từ những kiếp người đau khổ, cùng cực, lầm than trong xã hội, chịu bao cay đắng, tủi hổ, uất ức vì thấp cổ bé họng.
Ví dụ:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
4. Ý nghĩa của ca dao
Có thể nói ca dao đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần con người xã hội Việt Nam. Nó được coi như một cách để thể hiện tiếng lòng của những người dân lao động trong xã hội và là nơi giãi bày tâm sự một cách thầm kín nhất. Trải qua hàng ngàn năm, ca dao vẫn giữ nguyên bản chất tốt đẹp vốn có mà không hề bị thay đổi hoặc lạm dụng. Đó chính là sự giản dị mộc mạc trong cách sống, tinh thần lạc quan, không chấp nhận số phận bất hạnh và cố gắng vươn lên trên hoàn cảnh để làm chủ cuộc đời. Không chỉ vậy ca dao còn dạy bản thân chúng ta rất nhiều bài học quý báu trong cuộc sống như:
- Dạy chúng ta biết yêu lao động, trân quý sức lao động của con người, dạy ta những kinh nghiệm trong sản xuất như: nhắc cách theo dõi hiện tượng thiên nhiên để dự đoán trước thời tiết
- Nhắc nhở chúng ta phải biết quý trọng, yêu thương gia đình. Qua đó khuyên răn con người phải đoàn kết và không được ghen tuông, tranh giành lẫn nhau bởi chỉ có như vậy thì gia đình mới yên, xã hội mới mạnh.
- Ca dao dạy chúng ta biết yêu đất nước, quê hương, yêu thương mọi người. Đồng thời nhắc nhở chúng ta không được quên cội nguồn và những người đã hy sinh để đem lại sự bình yên ngày nay.
- Ca dao dạy chúng ta biết giữ lòng son sắt, thủy chung trong tình yêu và biết thấu hiểu cho nhau để tình cảm luôn bền chặt
- Ca dao còn bồi dưỡng chúng ta những bài học quý giá về cách đối nhân xử thế, về nghị lực, ý chí vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời phê phán gay gắt những kẻ chỉ biết dựa dẫm vào người khác để trục lợi cho bản thân.
5. Ca dao về tình cảm gia đình, bạn bè, thầy cô
5.1. Ca dao về tình cảm gia đình
1. Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
2. Ăn trái chà là, em thương mẹ già anh đó
Thương má anh già sớm gió chiều mưa
Thương anh má chặt trái dừa
Đưa anh uống đỡ, nắng trưa đổ trời
Mừng nay giặc Mỹ tan rồi
Lòng dừa lòng má thắm tươi màu cờ
3. Công cha ức mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.
4. Ai về tôi gửi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Ai về tôi gửi đôi giày,
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.
5.2. Ca dao về bạn bè
1. Tình bạn là cái chi chi
Nướng con cá lóc chơi liền một ve.
Chơi xong mới thấy ngà ngà,
Ôm nhau một cái bạn bè muôn năm
2. Thói thường gần mực thì đen,
Anh em bạn hữu phải nên chọn người.
Những người lêu lổng chơi bời
Cùng là lười biếng ta thời tránh xa.
3. Bạn bè là nghĩa tương thân,
Khó khă, thuận lợi ân cần có nhau.
Bạn bè là nghĩa trước sau,
Tuổi thơ cho đến bạc đầu không phai.
4. Quen nhau từ thuở hàn vi
Bây giờ sang trong sá chi thân hèn.
5.3. Ca dao về thầy cô
1. Ai người đánh thức đêm trường mộng
Ai soi đường lồng lộng ánh từ quang
Ai thắp lửa bồ đề toả sáng
Đạo vô vi sưởi ấm cả trần gian.
2. Sự đời phải nghĩ mà răn
Phải nuốt lời bạn, phải ăn lời ttầy
Dốt kia thì phải cậy thầy
Vụng kia cậy thợ thì mày làm nên.
3. Dạy con từ thuở tiểu sinh
Gần thầy gần bạn tập tành lễ nghi.
4. Mấy ai là kẻ không thầy
Thế gian thường nói đố mày làm nên.