Các qui định pháp luật về thừa kế theo pháp luật | Luật dân sự | Đại học Huế
Các qui định pháp luật về thừa kế theo pháp luật của Trường Đại học Huế. Hi vọng tài liệu này sẽ giúp các bạn học tốt, ôn tập hiệu quả, đạt kết quả cao trong các bài thi, bài kiểm tra sắp tới. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây nhé.
Môn: Luật Dân Sự(DHLH)
Trường: Trường Đại học Luật, Đại học Huế
Thông tin:
Tác giả:
Preview text:
CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT
- Tính cấp thiết (lý do chọn đề tài).
Trong hệ thống pháp luật dân sự tại nước ta, một trong những nội dung đặc biệt quan trọng đó là chế định về thừa kế. Bởi vậy, xuyên suốt từ khi hình thành hệ thống pháp luật dân sự cho tới nay, những quy định về thừa kế luôn xuất hiện và được quy định rõ ràng, riêng biệt tại các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta: từ các bản Hiến pháp cho đến các Bộ luật Dân sự. Hiện nay, quy định pháp luật về thừa kế hiện hành được ghi nhận tại Bộ luật Dân sự 2015, theo đó vừa có sự kế thừa những giá trị từ quy định, quan điểm và tinh thần của các chế định thừa kế trong Bộ luật Dân sự 2005, đồng thời cũng đưa vào nhiều những đổi mới, bổ sung để phù hợp hơn với thực tiễn khách quan về nội dung này
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế được ghi nhận dưới hai hình thức, đó là thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc. Trong đó, khác với thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật thể hiện sự tác động về ý chí, quan điểm của nhà nước đến quan hệ về dịch chuyển tài sản từ người chết sang những người còn sống trên thực tiễn. Chính vì vậy, đối với trường hợp này, quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ thừa kế có được đảm bảo hay không; đồng thời tính phù hợp, tương thích với thực tiễn của trong việc chia tài sản thừa kế theo pháp luật chịu ảnh hưởng và phụ thuộc phần lớn vào những quy phạm pháp luật được đưa ra.
- Tình hình nghiên cứu.
Xét trên thực tiễn hiện nay có thể thấy vẫn còn tồn tại rất nhiều những vụ việc tranh chấp liên quan đến thừa kế theo pháp luật. Điều này cho thấy được quy định pháp luật về thừa kế theo pháp luật vẫn còn tồn tại những bất cập nhất động. Vấn đề này đã được nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu, phân tích như: Luận án tiến sĩ luật học của tác giả Đặng Thu Hà năm 2019 về đề tài “Thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015”; Luận văn thạc sĩ luật học của tác giả Nguyễn Hương Giang năm 2014 về đề tài “Thừa kế theo pháp luật – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tuy nhiên với sự phát triển và vận động không ngừng của xã hội dẫn tới sự đa dạng, phức tạp trong các quan hệ pháp luật nói chung và quan hệ pháp luật về thừa kế nói riêng cũng có sự biến đổi, phức tạp hơn. Chính bởi vậy, em đã lựa chọn đề tài “Các quy định về thừa kế theo pháp luật” để nghiên cứu trong bài tiểu luận của mình.
- Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu.
Bài tiểu luận này được xây dựng nhằm mục đích nghiên cứu một cách tổng quát, phân tích cụ thể các cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý về thừa kế theo pháp luật tại nước ta. Từ đó, bài tiểu luận sẽ có những đánh giá nhằm chỉ ra những điểm còn chưa thực sự phù hợp trong chế định thừa kế theo pháp luật và đưa ra những kiến nghị nhằm hạn chế những nhược điểm, đồng thời hoàn thiện hơn quy định pháp luật nước ta về thừa kế. Thông qua đó, bài tiểu luận muốn hướng tới mục đích cuối cùng là trở thành nguồn tham khảo hữu ích giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có có thể xây dựng hệ thống quy định pháp luật vững chắc, phù hợp với thực tiễn, tạo tiền đề giải quyết các vấn đề đang phát sinh liên quan đến quan hệ này và sự bình ổn trong xã hội.
- Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
Về phạm vi nghiên cứu, bài tiểu luận tập trung tìm hiểu, nghiên cứu các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về thừa kế theo pháp luật trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời xem xét tính khả thi trên thực tiễn áp dụng những chế định này trong khoảng thời gian Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực đến nay.
- Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu.
Về phương pháp nghiên cứu, bài tiểu luận sử dụng tổng hợp và vận dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau nhằm đảm bảo phù hợp với yêu cầu đưa ra và giá trị nội dung thu thập được. Theo đó có thể nhắc đến các phương pháp như: phân tích, so sánh, tổng hợp, mô tả, diễn dịch, quy nạp, bình luận,…
- Bố cục bài luận.
6.1. Khái Niệm Thừa Kế Theo Pháp Luật – Tiểu Luận Các quy định về thừa kế theo pháp luật
Bộ luật Dân sự năm 2015 (sau đây gọi là “BLDS 2015”) đưa ra khái niệm về thừa kế theo pháp luật tại Điều 649 là “thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.
Như vậy có thể hiểu rằng, thừa kế theo pháp luật là một hình thức thừa kế bên cạnh thừa kế theo di chúc. Theo đó, hình thức này mô tả việc tài sản của người chết được dịch chuyển từ người chết sang những người còn sống dựa trên những căn cứ nhất định về “hàng thừa kế, về điều kiện và thứ tự thừa kế”. Những căn cứ này được xác định dựa trên ý chí, quan điểm của pháp luật nhằm đảm bảo phù hợp với truyền thống, văn hóa nước ta đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho những ngườ i liên quan. Bởi vậy, trong hình thức thừa kế này, ý chí chủ quan của người đã chết không tồn tại hay không có sự ảnh hưởng.Tiểu Luận Các quy định về thừa kế theo pháp luật
Tuy nhiên, có thể thấy khái niệm về thừa kế mà BLDS 2015 đưa ra vẫn còn mang ý nghĩa liệt kê và chưa thể hiện rõ được bản chất của hình thức thừa kế này. Xét về bản chất, chỉ khi không có di chúc của người chết để lại hoặc có di chúc nhưng không hợp pháp thì thừa kế theo pháp luật mới được áp dụng. Người thừa kế theo pháp luật được xác định phải thuộc trong các mối quan hệ với người chết về huyết thống, hôn nhân hoặc nuôi dưỡng. Và việc thừa kế chỉ được chỉ định theo
pháp luật dựa trên một thứ tự nhất định thể hiện sự ưu tiên đối với những hàng thừa kế nhất định.
Từ bản chất trên cùng với quy định BLDS 2015 có thể đưa ra khái niệm về thừa kế theo pháp luật như sau: “Thừa kế theo pháp luật là sự dịch chuyển tài sản của người chết cho người còn sống dựa trên cơ sở các quan hệ về huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng theo một thứ tự nhất định được quy định tại pháp luật”.[1] Theo đó, nội dung bài tiểu luận dưới đây cũng sẽ phân tích quy định về thừa kế theo pháp luật căn cứ trên khái niệm này.
6.2. Nguyên Tắc Thừa Kế Theo Pháp Luật – Tiểu Luận Các quy định về thừa kế theo pháp luật.
Các vấn đề xoay quanh thừa kế theo pháp luật được BLDS 2015 quy định thành những chế định cụ thể tại chương XXIII riêng biệt. Căn cứ trên những quy định được đưa ra có thể nhận thấy, mặc dù là hình thức thừa kế riêng, tuy nhiên việc thừa kế theo pháp luật vẫn cần đảm bảo tuân thủ theo những nguyên tắc về thừa kế cơ bản, cụ thể bao gồm:
Thứ nhất, đảm bảo tính bình đẳng trong thừa kế.
Theo đó sự bình đẳng ở đây được thể hiện ở những cá nhân khác nhau trong cùng một hàng thừa kế. Mặc dù mỗi cá nhân có thể có quan hệ với người chết khác nhau, có đặc điểm hay tình cảm khác nhau tuy nhiên nếu thuộc cùng một hàng thừa kế thì họ đều được hưởng phần thừa kế ngang nhau. Tiểu Luận Các quy định về thừa kế theo pháp luật
Thứ hai, quyền định đoạt tài sản của người để lại di sản phải được tôn trọng.
Điều này cũng đã được thể hiện khá rõ tại phần phân tích về khái niệm ở phần 1 trên. Theo đó, hình thức thừa kế theo pháp luật chỉ được áp dụng trong trường hợp người để lại di sản không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp. Hay nói cách khác, người để lại di sản có toàn quyền quyết định và chủ động bằng ý chí của mình quyết định người được hưởng di sản do mình để lại, phần hưởng di sản hay bị truất quyền thừa kế, … mà không chịu sự tác động hay phụ thuộc vào ý chí của chủ thể khác, ngay cả quy định pháp luật (trừ trường hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của một số đối tượng, pháp luật đưa ra quy định chỉnh sửa về quyền thừa kế di sản ngay cả khi có di chúc của người để lại di sản).
Thứ ba, quyền của người hưởng thừa kế phải được tôn trọng.
Nguyên tắc này cũng giống như nguyên tắc trong các quan hệ dân sự nói chung, cụ thể ở đây pháp luật tôn trọng quyền tự quyết và ý chỉ chủ quan của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự nói chung và quan hệ thừa kế theo pháp luật nói riêng. Vì vậy, ngay cả trường hợp người để lại di sản có chia tài sản thì người được hưởng thừa kế vẫn có quyền từ chối nhận di sản thừa kế, trừ trường hợp việc từ chối nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ đối với người thứ ba về tài sản.
Thứ tư, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người thừa kế đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Theo đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho một số đối tượng đặc biệt “con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động” [ 2] , pháp luật về thừa kế của nước ta quy định những đối tượng này vẫn được quyền hưởng một phần di sản nhất định “bằng hai phần ba của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật” nếu như người để lại di sản không chia di sản thừa kế cho những đối tượng này hoặc chia mà ít hơn số lượng nêu trên.
6.3. Các Trường Hợp Thừa Kế Theo Pháp Luật – Tiểu Luận Các quy định về thừa kế theo pháp luật.
BLDS 2015 đã chỉ rõ tại Điều 650 về việc áp dụng thừa kế theo pháp luật trong một số trường hợp nhất định, bao gồm:
- “Không có di chúc”
Hay nói một cách cụ thể hơn thì trong trường hợp người chết không để lại di chúc thì di sản được để lại sẽ được phân chia theo quy định về thừa kế theo pháp luật.
- “Di chúc không hợp pháp”
Pháp luật về thừa kế có đưa ra một số quy định nhất định để xác định tính hợp pháp của di chúc tại BLDS 2015. Theo đó, trường hợp di chúc không đáp ứng, đảm bảo tuân thủ những quy định này sẽ không được công nhận và việc chia thừa kế được thực hiện theo quy định về thừa kế theo pháp luật.
- “Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”
Đối với trường hợp này, có thể hiểu rằng khi người thừa kế đã chết tại thời điểm nêu trên hoặc cơ quan tổ chức không còn tồn tại tại thời điểm nêu trên sẽ không được hưởng di sản thừa kế. Phần di sản thừa kế liên quan đến cá nhân, tổ chức này sẽ được phân chia theo quy định pháp luật về thừa kế theo pháp luật.
- “Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”
Theo đó, trường hợp này có thể hiểu là, những người được người để lại di sản chỉ định cho thừa kế tại di chúc nếu thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản đó (theo quy định tại khoản 1 Điều 621 BLDS 2015) hoặc bản thân họ từ chối nhận di sản thì phần di sản của người đó sẽ được phân chia theo quy định về thừa kế theo pháp luật.
6.4. Hàng Thừa Kế Theo Pháp Luật.
Việc chia thừa kế theo pháp luật được chia theo thứ tự ưu tiên của các hàng thừa kế. Theo đó, có ba hàng thừa kế được quy định tại khoản 1 Điều 651 BLDS 2015 như sau:
“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết;bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”
Việc chia thừa kế theo hàng thừa kế sẽ được xác định theo thứ bậc ưu tiên từ hàng thừa kế thứ nhất tới hàng thừa kế thứ ba. Những người ở hàng thừa kế phía sau chỉ được xác định và chia di sản thừa kế nếu như những người thuộc hàng thừa kế trước “không còn do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”. Tiểu Luận Các Quy Định Về Thừa Kế Theo Pháp Luật
Ví dụ: ông A và bà B kết hôn năm 1989 và sinh ra một người con là C (năm nay 21 tuổi, có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự). Bà B đã chết năm 2000. Đến năm 2021, ông A chết và để lại di chúc nhưng không nói rõ việc phân chia tài sản mà chỉ nói truất quyền thừa kế của C vì anh ta bất hiếu với cha mẹ. Như vậy, theo quy định của pháp luật về thừa kế, anh C thuộc hàng thừa kế thứ nhất, tuy nhiên đã bị truất quyền thừa kế. Như vậy, số di sản của ông A để lại coi như không có di chúc về việc chia thừa kế, đồng thời ông A cũng không còn người nào thuộc hàng thừa kế thứ nhất (do vợ là bà B đã chết trước ông và con trai là anh C bị truất quyền thừa kế).
Như vậy, di sản của ông A sẽ được chia thừa kế cho những người thuộc hàng thừa kế thứ hai theo quy định của pháp luật. Trường hợp hàng thừa kế thứ hai không còn ai thì sẽ được xét đến hàng thừa kế thứ ba.
6.5. Thừa Kế Thế Vị – Tiểu Luận Về Thừa Kế Theo Pháp Luật.
Thừa kế thế vị được quy định tại Điều 652 BLDS 2015 như sau:
“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
Khái niệm nêu trên có thể được hiểu là thừa kế thế vị chính là sự thay thế vị trí của các con (cháu, chắt) đối với vị trí của bố/mẹ (ông/bà) được quyền hưởng di sản của ông/bà (hoặc cụ) để lại theo quy định của pháp luật. Hay nói một cách đơn giản hơn là những người thừa kế thế vị được quyền hưởng phần di sản mà bố mẹ (hoặc ông bà) mình được hưởng nếu bố mẹ (hoặc ông bà) còn sống. Việc hưởng di sản này sẽ được chia đều với những người thừa kế khác. Tuy nhiên việc thay thế này chỉ xảy ra khi thời điểm chết của con của người để lại di sản và người để lại di sản là trước hoặc cùng nhau. Đây là hình thức thừa kế đặc biệt và chỉ phát sinh, xem xét đối với hình thức thừa kế theo pháp luật.[3]
Ví dụ đối với một tình huống về thừa kế thế vị như sau:
Ông A có 2 người con trai là anh B và anh C. Anh B lấy vợ và sinh ra hai người con là anh X và chị Y. Anh B mất năm 2012. Năm 2021 ông A chết nhưng không để lại di chúc. Khi đó di sản của ông A để lại sẽ được chia theo pháp luật như sau:
Vì anh B và anh C thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên mỗi người được nhận thừa kế ½ giá trị di sản để lại của ông A. Tuy nhiên, do anh B chết vào năm 2012 trước ông A, nên phần di sản mà anh B được thừa kế sẽ được chia theo thừa kế thế vị. Cụ thể anh X và chị Y là người thừa kế thế vị sẽ được hưởng ½ phần di sản mà anh B được hưởng từ phần di sản do ông A để lại.
6.6. Xác Định Quan Hệ Thừa Kế Trong Một Số Trường Hợp Đặc Biệt
Trên thực tế, bên cạnh những mối quan hệ liên quan đến huyết thống, hôn nhân, vẫn còn tồn tại những mối quan hệ đặc biệt khác có ảnh hưởng và liên quan tới quan hệ thừa kế. BLDS cũng đã đưa ra những căn cứ cụ thể nhằm xác định việc thừa kế theo pháp luật được áp dụng với những quan hệ đặc biệt đó, được quy định từ Điều 653 đến Điều 655 BLDS 2015, bao gồm:
Thứ nhất là ”quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi”. Pháp luật cho phép con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau theo quy định của pháp luật như đối với con đẻ với cha đẻ, mẹ đẻ.
Thứ hai là ”quan hệ thừa kế giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế”. Theo đó, trong quan hệ này, nếu như tồn tại quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng nhau giữa những chủ thể nêu trên ”như cha con, mẹ con” thì việc thừa kế sẽ được áp dụng theo quy định của pháp luật tương tự với con ruột với cha đẻ, mẹ đẻ. Tuy nhiên tại quy định pháp luật hiện hành chưa có nội dung giải thích cụ thể, chi tiết về việc xác định thế nào là ”như cha con, mẹ con”.[4]
Thứ ba là ”trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác sau khi người chồng, vợ chết”. Đối với những trường hợp này, pháp luật vẫn xác nhận và cho phép việc chia tài sản thừa kế theo pháp luật như đối với
những trường hợp thông thường khác. Bởi lẽ trong những trường hợp này, mối quan hệ vợ chồng, quan hệ hôn nhân vẫn còn tồn tại khi một bên bị chết. Bởi vậy, tại thời điểm người vợ hoặc chồng chết thì người chồng hoặc vợ còn lại vẫn có quyền hưởng thừa kế theo pháp luật tương đương với hàng thừa kế thứ nhất.
Kết Luận Các quy định về thừa kế theo pháp luật
Trên đây là những nội dung tổng hợp, phân tích về quy định liên quan đến thừa kế theo pháp luật tại hệ thống pháp luật về thừa kế của Việt Nam. Qua đó, có thể nhận thấy những quy định được đưa ra đã đề cập đến hầu hết những vấn đề phát sinh, có liên quan đến việc thừa kế dựa trên đúng nguyên tắc về thừa kế nói chung và đảm bảo quyền, lợi ích của những người liên quan. Tuy nhiên thực tế vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập trong nội dung quy định pháp luật, làm ảnh hưởng tới việc áp dụng vào thực tiễn. Một số vướng mắc như sau:
Thứ nhất, về sự thống nhất giữa nội dung với tiêu đề của điều luật. Cụ thể tại Điều 653 của BLDS 2015 đưa ra quy định về “quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ” tuy nhiên nội dung điều luật này lại chỉ đề cập đến con nuôi với cha mẹ nuôi. Điều này có thể gây ra những bối
rối hay hiểu lầm trong quá trình áp dụng pháp luật. Tiểu Luận Các quy định về thừa kế theo pháp luật
Thứ hai, liên quan đến quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế, BLDS 2015 có nhắc đến căn cứ để xác định thừa kế là “có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con”. Tuy nhiên, lại không có bất kỳ quy định nào giải thích cụ thể thế nào là có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như cha con, mẹ con (ví dụ về thời gian, hành vi, quan hệ giữa hai bên hay một bên). Chính vì vậy, điều này phụ thuộc phần lớn vào quan điểm của mỗi người khi áp dụng pháp luật dẫn tới những cách hiểu khác nhau, không thống nhất và gây ra bất cập trong quy định pháp luật.
Theo đó, để giải quyết những vướng mắc nêu trên, cần thiết phải có sự hoàn thiện BLDS năm 2015 cho phù hợp. Tuy nhiên trước hết cần phải ban hành những văn bản hướng dẫn hay giải thích để tạo ra cách hiểu thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật, giải quyết trước mắt những vướng mắc đang xảy ra trên thực tiễn liên quan đến những nội dung nêu trên. Về lâu dài, khi BLDS được hoàn thiện sẽ là hành lang pháp lý vững chắc bảo đảm quyền lợi cho con người và trật tự trong xã hội trong vấn đề thừa kế theo pháp luật.