Chính sách tiền tệ vượt bão Covid 19 liệu có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế - tài chính tiền tệ | Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp
Tăng trưởng kinh tế bền vững: Sự tăng trưởng được kích thích bởi chính sách tiền tệ nới lỏng có thể không bền vững nếu không đi kèm với các cải cách cấu trúc nền kinh tế. Cân bằng giữa kích thích và kiểm soát lạm phát: Cân bằng giữa kích thích kinh tế và giữ ổn định giá cả là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách. Tái cấu trúc nền kinh tế: Để tránh phụ thuộc vào nợ và bơm tiền, cần các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và cải thiện năng suất lao động.
Môn: Tài chính tiền tệ (KTKTCN)
Trường: Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp
Thông tin:
Tác giả:
Preview text:
Demo tai chinh tien te - dưdq
Chính sách tiền tệ vượt bão Covid 19
liệu có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế ? ĐẶT VẤN ĐỀ
3 năm trôi qua với hầu hết sự kiện kinh tế, xã hội đều gắn với đại dịch
COVID-19. Dịch COVID-19 là mối nguy hiểm không chỉ với sự an toàn
sức khoẻ của con người mà còn là một cú sốc đối với nền kinh tế toàn
cầu, trong đó có Việt Nam. Mặc dù vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới
vẫn còn bị suy thoái sâu do tác động nặng nề của dịch COVID-19 thì
Việt Nam lại trở thành điểm sáng của thế giới - thực hiện có hiệu quả
mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.
Các gói hỗ trợ kinh tế từ Chính phủ, thông qua đó CSTK và CSTT được
vận hành đồng thời đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong đại dịch,
giúp nền kinh tế từng bước hồi phục. Tuy vậy, đứng ở góc độ điều hành
chính sách thì đây thực sự cũng là mối lo ngại vì về lâu dài, nếu thực thi
chính sách hỗ trợ kém hiệu quả, nguồn tiền không đổ vào những lĩnh
vực sản xuất tạo giá trị bền vững cho tăng trưởng kinh tế thì lạm phát có
thể là nguy cơ tiềm ẩn cho giai đoạn sau. Bài viết nghiên cứu, thảo luận
về CSTK và CSTT của Việt Nam trước tác động của dịch COVID-19.
HẬU QUẢ CỦA DỊCH COVID-19 VÀ CÁC GÓI HỖ TRỢ TỪ CHÍNH PHỦ
Tính đến ngày 31/12/2020, thế giới có hơn 83.790.000 ca nhiễm với hơn
59.300.000 người khỏi bệnh và hơn 1.820.000 trường hợp tử vong ở
hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ là quốc gia có số người nhiễm
cao nhất thế giới với hơn 20.445.000 người nhiễm và cũng là quốc gia
có số người tử vong cao nhất với hơn 354.200 người chết. Đứng thứ 2
là Ấn Độ với hơn 10.286.000 người nhiễm và hơn 149.000 người tử
vong. Đứng thứ 3 là Brazil với hơn 7.670.000 người nhiễm và gần
195.000 người tử vong. Tính đến hết năm 2020, các nước xếp ở vị trí 4
đến 10 về số ca nhiễm là: Nga, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Tây Ban Nha,
Đức, các nước xếp ở vị trí 4 đến 10 về số tử vong là Mexico, Ý, Anh,
Pháp, Nga, Iran, Tây Ban Nha. Có 18 nước trên 1 triệu ca/nước, và 18
nước trên 20.000 ca tử vong/nước.[2]
Diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19 đã đẩy
nhiều nước rơi vào tình trạng khủng hoảng kép cả về y tế và kinh tế.
Theo các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới năm 2020 suy giảm 4-4,5%,
trong đó thương mại toàn cầu dự báo suy giảm khoảng 9,2-10% và đầu
tư giảm khoảng 10-15%, dòng vốn FDI giảm khoảng 25-30%, chủ yếu
do dịch COVID-19 [3]. Đại dịch COVID-19 đã gây làn sóng phá sản lan
rộng. Trung bình cứ 3 doanh nghiệp (DN) trên thế giới thì có 1 DN nguy
cơ mất khả năng thanh toán. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc
tế đến tháng 9/2020, tỷ lệ mất việc làm lên tới 12,1%, tương đương 345
triệu việc làm và xu hướng tiếp tục diễn biến xấu khi dịch COVID-19 vẫn
phức tạp. Việt Nam cũng trong tình trạng tương tự, Chủ tịch VCCI Vũ
Tiến Lộc cho biết, dịch COVID-19 gây tác động nặng nề lên DN Việt
Nam, đến tháng 11/2020, số DN phải tạm dừng hoạt động và rời khỏi thị
trường lên tới 44.000 DN, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Trung
bình mỗi tháng, Việt Nam có trên 5.000 DN phải rời khỏi thị trường. Đây
là con số lớn nhất từ trước tới nay và kéo theo nhiều hệ luỵ [4]
Ứng phó với dịch COVID-19, các quốc gia đều thực hiện đồng thời
nhiều chính sách khác nhau, liên tiếp tung ra các gói kích cầu và đồng
loạt triển khai các biện pháp để nhằm hạn chế cao nhất tác động tiêu
cực của dịch bệnh đến nền kinh tế, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua cuộc
khủng hoảng này. Ở Việt Nam, Chính phủ đã nhanh chóng thực hiện
các giải pháp mạnh, trước hết là để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh,
sau đó là để phát triển kinh tế thông qua các gói hỗ trợ kinh tế. Các giải
pháp chứng tỏ thành công bước đầu khi khống chế được dịch bệnh,
không để lây lan trong cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế -
xã hội bắt đầu trên con đường khởi sắc trở lại.
Gói hỗ trợ tài khoá 180.000 tỷ đồng
Ngày 8/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020NĐ-CP quy
định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh
nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đối với 5 nhóm đối
tượng. Theo tính toán của Bộ Tài chính, số doanh nghiệp được gia hạn
tiền thuế GTGT, thuế TNDN, tiền thuê đất lần này lên tới 98% tổng số
doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước với
số tiền khoảng 180 nghìn tỷ đồng [5]. Đây là con số lớn, có thể giúp
người được gia hạn nộp thuế có vốn duy trì việc sản xuất, kinh doanh.
Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho an sinh xã hội
Ngày 24/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số
15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người
dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đây được gọi là gói “tiền tươi”
đầu tiên từ ngân sách nhà nước được dùng để hỗ trợ người dân trong
đại dịch với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Gói này có
hai cấu phần, phần 36.000 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp
thiệt hại do dịch COVID-19, phần còn lại là hỗ trợ gián tiếp thông qua
việc cho phép doanh nghiệp tạm ngừng đóng quỹ hưu trí đối với lao
động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Gói hỗ trợ tín dụng 300.000 tỷ đồng
Đây là gói hỗ trợ thực hiện thông qua việc gia hạn nợ, giảm lãi suất khi
vay vốn ngân hàng. Đối tượng được vay là các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng
bởi dịch bệnh và cần vốn để tăng trưởng mạnh sau khi dịch kết thúc
như sản xuất và nông nghiệp, thuỷ sản, các dịch vụ y tế, lĩnh vực điện...
Các DN bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 được giải ngân nếu đảm bảo
khả năng trả được nợ. Gói hỗ trợ tín dụng trị giá 300.000 tỷ đồng được
giao cho các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai.
Tổng giá trị của 3 gói cứu trợ tương đương khoảng 8% GDP của Việt
Nam (542.000 tỷ đồng), nếu đem so với gói cứu trợ của Mỹ - khoảng
10% GDP của Mỹ (2.200 tỷ USD) thì đây được xem là mức hỗ trợ vừa
phải đối với nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài các gói hỗ trợ trên, Chính phủ còn yêu cầu giải ngân 30 tỷ USD
vốn đầu tư công. Cụ thể là các ngành phải giải ngân hết vốn còn lại của
năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 với tổng số vốn gần 700 nghìn tỷ
đồng, tương đương gần 30 tỷ USD. Đặc biệt, Chính phủ có chủ trương
giải ngân các dự án trọng điểm, cấp bách đối với một số dự án giao
thông như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương - Mỹ
Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành...
Như vậy, ngoài các gói hỗ trợ như gói hỗ trợ về tài khóa (180.000 tỷ
đồng); gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng) và gói hỗ trợ về
tín dụng (300.000 tỷ đồng) còn có gói gần 700.000 tỷ đồng, tương
đương 30 tỷ USD - số vốn đầu tư công, cần giải ngân hết trong năm.
Mặc dù trên thực tế còn khá nhiều vấn đề nan giải trong việc tiếp cận
với các gói hỗ trợ kinh tế từ Chính phủ của cả DN và người dân thì nhìn
chung cộng đồng đều đánh giá cao sự nhạy bén, quyết liệt trong phòng,
chống dịch của Chính phủ thời gian qua, với việc ban hành các giải
pháp hỗ trợ, đặc biệt là Chỉ thị 11 của Chính phủ.
VAI TRÒ CỦA CSTK VÀ CSTT TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH COVID- 19
Trên thực tế, khi có những diễn biến bất thường xảy ra và gây ảnh
hưởng nặng nề đến kinh tế thì CSTK và CSTT là những công cụ chính
thường được các quốc gia sử dụng để ứng phó.
Nhìn lại quá khứ, khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007 - 2008 (GFC)
là cuộc khủng hoảng “đắt đỏ” nhất với cái giá phải trả là 10.000 tỷ USD
bị cuốn trôi, 30 triệu người mất việc, 50 triệu người quay lại chuẩn dưới
nghèo [6]. Khi đó, để cứu nền kinh tế, ngoài việc cắt giảm lãi suất, nhiều
quốc gia đã sử dụng CSTT bất thường - tăng lượng cung tiền vào nền
kinh tế [7]. Như ở Mỹ, đã tung ra 3 gói QE (Quantitative Easing - Nới
lỏng định lượng) là QE 1 năm 2008; QE 2 năm 2010 và QE 3 năm 2012.
Còn tại Anh, các chương trình hỗ trợ cho vay của Bank of England cũng
đã được thiết kế để giúp tăng trưởng kinh tế. Trong đó, việc mua lại trái
phiếu Chính phủ cũng được sử dụng rộng rãi. Mỹ đã áp dụng các gói
QE cho đến năm 2014. Các gói QE ở Mỹ với quy mô tổng cộng 3,5 ngàn
tỷ USD và ở Anh là 569 tỷ USD được áp dụng trong giai đoạn 2008 –
2014 [8]. Ở Việt Nam, mặc dù gần như miễn nhiễm với GFC, song GFC
vẫn để lại những dấu ấn nhất định trong điều hành CSTT. Để đạt mục
tiêu tăng trưởng - mục tiêu được xếp hàng đầu trong nhiều năm liền,
CSTT đã được nới lỏng liên tục và đặc biệt tăng vào năm 2007. Tốc độ
tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm khoảng 25% (giai đoạn 1998-
2007), riêng năm 2007, con số này đạt kỷ lục (cao nhất trong 10 năm) là
37,8%, đẩy tổng phương tiện thanh toán năm 2007 tăng thêm 37% [9].
Bên cạnh CSTT, CSTK cũng vào cuộc. Đầu năm 2009, Thủ tướng Chính
phủ công bố Quyết định số 16 và Quyết định số 58 ban hành một số giải
pháp về thuế nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng.
Tổng trị giá gói kích thích kinh tế của Chính phủ từ những thay đổi trong
chính sách thuế lên đến gần 27.000 tỷ đồng [10]. Vì vậy, trung bình
trong giai đoạn 2007–2012, tỷ lệ M2/GDP đã lên tới 113%, cao gấp
khoảng 2,3 lần con số tương ứng của giai đoạn 1996–2006; còn tỷ lệ chi
ngân sách nhà nước/GDP vào khoảng 32%, cao xấp xỉ gấp 1,3 lần của giai đoạn 1996–2006 [11].
Đại dịch COVID-19 cũng là tình trạng bất thường, tác động mạnh và để
lại những hậu quả nặng nề, gây tổn hại đến nền kinh tế thế giới. Vấn
nạn kinh tế từ đại dịch COVID-19 là tình trạng chuỗi cung ứng toàn cầu
gián đoạn, lần đầu tiên kinh tế thế giới cùng một lúc phải chịu đựng cả
cú sốc cung lẫn cú sốc cầu từ qui mô toàn cầu, đến từng quốc gia. Hàng
loạt quyết định phong tỏa và cách ly từng khu vực, từng thành phố thậm
chí từng quốc gia làm thay đổi thói quen chi tiêu, đi lại của người tiêu
dùng dẫn đến sản xuất đình trệ, thất nghiệp gia tăng, kéo theo nguy cơ
vỡ nợ, phá sản của doanh nghiệp… Những biến động này đã ảnh
hưởng tới tốc độ tăng trưởng chung cũng như đẩy kinh tế toàn cầu tới
bờ suy thoái. Phải nhanh chóng khắc phục tình trạng đó và mở rộng
CSTK, nới lỏng CSTT lại một lần nữa được các quốc gia sử dụng một
cách linh hoạt thông qua việc liên tục cắt giảm lãi suất cũng như tung ra
những gói hỗ trợ khổng lồ.
Ở Việt Nam, ngay từ đầu tháng 3/2020, khi dịch bệnh mới bùng phát,
Chỉ thị 11/CT-TTg được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất
kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Cũng
như các quốc gia khác, các chính sách hỗ trợ kinh tế của Việt Nam trong
thời kỳ này hướng đến duy trì năng lực cho nền kinh tế, đảm bảo cho
nền kinh tế không bị kiệt quệ, nâng cao khả năng phục hồi khi dịch bệnh
thuyên giảm. Các biện pháp hỗ trợ được thực thi thông qua CSTK và CSTT.
Các biện pháp được thực thi bởi CSTK: Thực hiện chủ trương của
Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như: gia
hạn thuế, miễn giảm nhiều khoản phí, lệ phí, cũng như nhiều giải pháp
để cân đối ngân sách Nhà nước. Cụ thể như: (i) Đầu tư nghiên cứu,
sản xuất vaccine và thiết bị y tế (tương tự như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,
Đức, Ấn Độ, Philippines…); (ii) Trợ cấp người lao động tự do, mất việc
chưa được nhận trợ cấp thất nghiệp, lao động mất việc từ 14 ngày trở
lên, hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm, hộ kinh
doanh ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020 (tương tự như Anh, Hàn
Quốc,…); (iii) Trợ cấp bằng tiền mặt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người
có công với cách mạng (tương tự như Úc, Mỹ, Đức…); (vi) Gia hạn nộp
thuế: Cho phép giãn, hoãn nộp thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá
nhân, tiền thuê đất (tương tự như Mỹ, EU, Pháp, Trung Quốc, …); (v)
Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân
(tương tự như Trung Quốc, Singapore,…); (vi) Giảm 10% giá bán lẻ điện
cho các ngành sản xuất và kinh doanh; (vii) Tạm dừng đóng BHXH vào
quỹ hưu trí và tử tuất; (viii) Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn và (ix)
Giảm, miễn nhiều loại phí, lệ phí như: Miễn lệ phí môn bài đối với hợp
tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; giảm
mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm mức phí công bố thông tin
doanh nghiệp; Giảm phí trước bạ xe ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong
nước, giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán…
Với CSTT: Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)
chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời
nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục
hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả
năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp
hỗ trợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-
19. Các giải pháp NHNN đã triển khai có thể được cụ thể hoá như sau:
(i) Hạ lãi suất điều hành tạo định hướng lãi suất và giảm lãi suất cho
các TCTD (qua kênh cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu) để các TCTD
có thể hạ lãi suất cho vay; (ii) Hạ lãi suất vay vốn cho khách hàng với
mức giảm phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí từ 2,5 - 4%/năm ở một số ngân
hàng lớn (VietinBank, Vietcombank, Techcombank…); (iii) Cơ cấu lại
thời hạn trả nợ; (iv) Miễn giảm các khoản lãi vay; (v) Giữ nguyên nhóm
nợ; (vi) Giảm chi phí thanh toán; và (vii) Cho vay tiền để trả lương
ngừng việc cho người lao động từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Nhìn chung, các giải pháp được triển khai từ CSTK và CSTT đều thiết
thực vì hướng đến mục tiêu gia tăng sức chịu đựng của nền kinh tế
trong bối cảnh đại dịch, như tăng chi ngân sách cho việc ngăn chặn và
kiểm soát dịch bệnh, tăng cường đầu tư nghiên cứu, sản xuất vaccine
và thiết bị y tế; đảm bảo an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi trợ cấp
cho người lao động, các đối tượng dễ bị tổn thương; giảm thuế cho các
doanh nghiệp vừa và nhỏ; khuyến khích sản xuất, nhằm vực lại niềm tin
tiêu dùng, vực lại niềm tin kinh doanh, tạo việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Tuy nhiên, hiệu quả của các giải pháp được triển khai trên cơ sở các gói
hỗ trợ còn khá nhiều vấn đề cần bàn. Theo kết quả khảo sát được đưa
ra trong Báo cáo “Đánh giá các chính sách ứng phó với COVID-19 và
các khuyến nghị”, do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD) phối
hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) thực
hiện (công bố ngày 15/1/2021) thì trong số 380 doanh nghiệp tại 3
tỉnh/thành phố: Hà Nội, TP. HCM và Thanh Hóa chỉ có 22,25% doanh
nghiệp nhận được hỗ trợ và “hiệu quả của các chính sách hỗ trợ là khác
nhau, theo đó có một số chính sách đã phát huy tác dụng tốt, trong khi
nhiều chính sách hiệu quả còn rất hạn chế”.
Trước việc lựa chọn chính sách để ứng phó với đại dịch, không ít ý kiến
cho rằng nên tập trung vào CSTK. Theo TS. Trần Hùng Sơn: “Nhiều nhà
kinh tế cho rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19
gây ra, cần sử dụng công cụ chính là CSTK, còn CSTT sẽ đóng vai trò
hỗ trợ” [12]. Hay nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV
cũng cho rằng “dư địa của CSTT dần bị thu hẹp vì lãi suất đã ở mức rất
thấp và thường chỉ mang tính thời điểm, khẩn cấp; do đó, các nước tập
trung nhiều hơn vào CSTK. [13]
MỐI QUAN HỆ GIỮA CSTK VÀ CSTT
Thực tế đã chứng minh, để ứng phó với đại dịch thì cần phải có sự phối hợp giữa CSTK và CSTT
Trong đại dịch, khi nền kinh tế bị đóng cửa, nhiều DN phải ngừng hoạt
động nhưng phần lớn DN và người tiêu dùng có các khoản vay thì vẫn
phải trả nợ, doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho người lao động, người
dân vẫn phải trả hóa đơn tiền nhà, tiền điện và các sản phẩm dịch vụ
thiết yếu khác. Khi tình trạng đóng cửa nền kinh tế kéo dài, nếu không
có sự trợ giúp từ phía chính phủ thì có thể dẫn đến một làn sóng vỡ nợ,
phá sản và thị trường tài chính tiền tệ khó có thể tránh được những
thảm họa nặng nề. Trong tình trạng đó, cả CSTK và CSTT đều phải
gánh vác trách nhiệm cứu nguy cho nền kinh tế. Mỗi chính sách đều có
những mặt tích cực của nó, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế đang
phải hứng chịu những hậu quả nặng nề thì rất khó có thể từ chối hay lựa
chọn chính sách nào giữa CSTK và CSTT.
Cũng như hầu hết các quốc gia, đối với CSTK, Việt Nam cũng đã dành
lượng ngân sách đáng kể hỗ trợ tiền trực tiếp cho người lao động, hộ
gia đình; đối với doanh nghiệp, thực hiện miễn, giảm thuế, giảm phí…
Trên thực tế, CSTK đã đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến
chống lại tác động của dịch COVID-19. Không chỉ nhắm đến việc phục
hồi nền kinh tế, CSTK còn hướng đến mục tiêu giảm bớt bất bình đẳng,
vực dậy niềm tin của doanh nghiệp, của người dân vốn đã suy yếu trong
đại dịch. Bên cạnh đó, khác với CSTT, CSTK có thể bơm tiền trực tiếp
cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời CSTK cũng phù hợp hơn
trong việc cứu trợ cho những ai cần kíp nhất trong cuộc khủng hoảng -
kịp thời điều chỉnh thanh khoản, trực tiếp giảm áp lực chi phí cho các
doanh nghiệp và người lao động trong thời kỳ khó khăn, hạn chế tốc độ
sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của cả cá nhân và doanh nghiệp, bằng cách
đó cho phép các chủ thể này tồn tại qua giai đoạn khó khăn và gia tăng
khả năng khôi phục khi nền kinh tế qua khỏi giai đoạn suy giảm.
Trên thực tế, việc bơm tiền thông qua CSTK không thể kham hết mọi
vấn đề của các doanh nghiệp không thể thay doanh nghiệp trả hết nợ
vay đến hạn, không thể trợ cấp mọi nhu cầu để doanh nghiệp có thể duy
trì hoạt động. CSTK cũng có những giới hạn nhất định, nếu tình trạng
gánh nặng từ CSTK quá lớn, các biện pháp can thiệp mạnh mẽ của
chính phủ có thể kéo theo tình trạng gia tăng đáng kể của nợ công và có
thể sẽ gây nên những bất ổn vĩ mô về lâu dài. Và vì thế, bên cạnh
CSTK, CSTT vẫn phát huy vai trò của nó - nhiều giải pháp về tín dụng
nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng
bởi dịch COVID-19 được triển khai. Ngay sau khi có chủ trương của
Chính phủ, Thông tư 01/2020/TT-NHNN lập tức được ban hành, có hiệu
lực từ ngày 13/3/2020, tạo cơ sở pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời
hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, giúp người dân và
doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ để tập trung vốn cho sản xuất kinh
doanh. Các giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của các
TCTD từ việc tiết kiệm triệt để chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận kinh
doanh, đã phát huy tác dụng giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp trong
trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục vay mới
khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng triển
khai đồng thời cả CSTK và CSTT để ứng phó với đại dịch. Tài liệu của
IMF về tình hình phối hợp CSTK và CSTT của 185 nước thành viên IMF
cho thấy, để ứng phó với đại dịch COVID-19 có tới 146 quốc gia (chiếm
79%) thực hiện sự phối hợp CSTK và CSTT; số các quốc gia chỉ sử
dụng một chính sách, hoặc CSTK, hoặc CSTT chỉ chiếm 12% [14]. Đây
cũng là một minh chứng cho thấy sự hữu ích của việc phối kết hợp
CSTK và CSTT để hạn chế những tác hại của dịch COVID-19.
Sự phối hợp CSTK và CSTT của các quốc gia thành viên IMF
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong bối cảnh dịch bệnh, chính sách hiệu
quả nhất để thực hiện các hoạt động hỗ trợ này là giảm thuế, hỗ trợ trả
lương cho doanh nghiệp, hỗ trợ đóng các phí bảo hiểm, các chi phí điện
nước… sẽ có tác động trực tiếp giảm áp lực chi phí cho các doanh
nghiệp và người lao động. Với các biện pháp cách ly nghiêm ngặt, chuỗi
cung ứng gián đoạn, nhu cầu hàng hóa trong nước và quốc tế giảm,
xuất khẩu và tiêu thụ nhiều mặt hàng gặp khó khăn - trong hoàn cảnh
đó, doanh nghiệp không có doanh thu, không có khả năng trả nợ, đồng
nghĩa với không đủ điều kiện vay vốn, do vậy việc vay vốn để tiếp tục
hoạt động kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, doanh nghiệp
sản xuất cầm chừng chưa hẳn vì thiếu vốn mà vì cầu giảm sút nghiêm
trọng, khả năng hấp thụ dòng tín dụng mới rất hạn chế - hiệu quả của
việc mở rộng CSTT sẽ rất thấp. Như vậy, trong bối cảnh dịch bệnh thì
CSTK thực sự đóng vai trò quyết định, mặc dù vậy song cũng không thể
không thừa nhận tầm quan trọng của việc phối kết hợp giữa CSTK và
CSTT trong ứng phó với đại dịch. Các giải pháp điều hành CSTT, CSTK
thời gian qua là đúng hướng, có hiệu quả, có tác dụng thiết thực hỗ trợ
tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần tạo nên sức
mạnh tổng hợp để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa CSTK và CSTT không đơn thuần chỉ là sự
hỗ trợ tích cực, để có được sự phối hợp giữa CSTK và CSTT có hiệu
quả hơn thì cũng cần phải thấu hiểu về mối quan hệ căng thẳng thường có giữa CSTK và CSTT.
Mối quan hệ căng thẳng thường có giữa CSTK và CSTT
Chức năng chính của NHTW trong nền kinh tế là bảo đảm sự ổn định
của tiền tệ, được coi là tiền đề chủ yếu cho mọi hoạt động trong toàn hệ
thống. Để CSTT có thể thành công thì điều cần thiết là phải đảm bảo
chắc chắn việc NHTW không phải tài trợ cho những khoản thâm hụt của
ngân sách nhà nước (NSNN) dưới bất cứ hình thức nào. Nếu lạm dụng
vấn đề này sẽ gây nên lạm phát do tăng cầu vì thu nhập vượt quá mức
sản xuất, tức là các khoản chi của nhà nước đều trở thành thu nhập của
dân mà không có sản xuất đối ứng. Điều đó cũng có thể làm tăng nhu
cầu nhập khẩu và đồng thời tạo sức ép giảm giá tương ứng lên đồng nội
tệ. Kết quả của cách làm này đi ngược lại chính sách của NHTW là
muốn giữ đồng tiền khan hiếm. Nếu cứ vi phạm mối quan hệ nền tảng
này thì mọi cố gắng phục hồi sự phát triển kinh tế sẽ không thành công.
Tuy vậy, liệu CSTT có thực hiện được nhiệm vụ bảo đảm sự ổn định của
tiền tệ hay không, không phải là không phụ thuộc vào CSTK. Khái niệm
CSTK bao gồm tất cả những biện pháp dẫn đến việc thu/ chi của nhà
nước. Vì lợi ích thiết lập một đồng tiền có hiệu lực, CSTK cần phải đảm
bảo cân bằng được ngân sách. Tuy nhiên, thực tế thì không phải lúc nào
CSTK cũng làm được việc đó, ví dụ như trong tình trạng bất khả kháng -
như đại dịch COVID-19 xảy ra thì cân bằng ngân sách là công việc
không đơn giản. Vì tình trạng này đã tạo ra lỗ hổng tài chính cho NSNN
- thâm hụt gần như là đương nhiên. Việc giải quyết vấn đề này có ý
nghĩa rất quan trọng đối với mọi cố gắng ổn định của hệ thống tiền tệ.
Ngoài những biện pháp trong phạm vi quản, kiểm của CSTK như tăng
thu, tiết kiệm chi… thì CSTT là biện pháp mà hầu hết các quốc gia đều
phải sử dụng khi có sự thâm hụt ngân sách. Bởi vì, dù bằng con đường
nào, nếu thực lực của nền kinh tế chỉ có giới hạn thì con đường đó dù
có ngoằn nghèo đến thế nào cuối cùng cũng đến với CSTT, cũng làm suy yếu vai trò của CSTT.
Con đường đó có thể là: (1) Bù đắp thâm hụt ngân sách bằng cách vay
nợ nước ngoài. Bằng cách này cũng không thể đảm bảo sự ổn định của
tiền tệ vì hoặc nhà nước vẫn phải trả những khoản chi ngân sách cho
người trong nước bằng nội tệ, hoặc phải gia tăng nhu cầu ngoại tệ của
tư nhân. Ngoài ra, điều đó còn gây thêm gánh nặng cho tích luỹ của bản
thân nền kinh tế do phải trả những khoản nợ nước ngoài mới phát sinh.
Thảm hoạ khủng hoảng nợ của các nước châu Mỹ La tinh, châu Phi vào
thập niên 1980 là một minh chứng lịch sử.
(2) Bù đắp thâm hụt ngân sách bằng việc tài trợ của NHTW. Việc tài trợ
của NHTW cho thâm hụt ngân sách, dù bằng bất cứ hình thức nào cũng
đều đi ngược lại nhiệm vụ chính của hệ thống ngân hàng trong nền kinh
tế. Đó là: (i) Tiền tệ hoá các khoản nợ nhà nước, tức là in tiền để bù đắp
thâm hụt tài chính của các cơ quan nhà nước- điều này có nghĩa là tài
trợ trực tiếp cho thâm hụt của ngân sách trong đó kể cả việc bù lỗ cho
các NHTM - ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định giá cả thị trường; (ii)
Phát hành trái phiếu nhà nước và yêu cầu NHTW phải nhận. Trường
hợp này tiền mới cũng xuất hiện vì khả năng thu hồi của NHTW cũng
khó có sự đảm bảo; (iii) Cấp tín dụng cho chính phủ - NHTW hầu như
rất khó có thể cưỡng chế việc trả nợ, thậm chí cũng rất khó có thể từ
chối việc cấp tín dụng mới để hoàn trả nợ cũ. Nếu tín dụng cấp cho nhà
nước không được hoàn trả hoặc được hoàn trả trong thời gian dài thì sẽ
không có việc huỷ tiền (NHTW thu hồi tiền về) hoặc nếu có thì phải trong
thời gian dài. Hậu quả là NHTW bị mất đi khả năng tác động vào sự
tăng lên của khối lượng tiền tệ bằng việc thay đổi các điều kiện tái cấp
vốn. Đó chính là lý do tại sao ở Cộng hoà liên bang Đức lại có luật cấm
NHTW tức Ngân hàng liên bang Đức cấp tín dụng cho nhà nước, cũng
cấm nhà nước bắt NHTW phải nhận trái phiếu của mình.
Như vậy trong những tình huống khẩn cấp, CSTK được sử dụng để bù
đắp những lỗ hổng khẩn cấp và người ta dễ dàng nhận thấy các biện
pháp được thực thi từ CSTK có hiệu quả hơn. Nếu việc tài trợ được
thực hiện trong điều kiện một CSTK tích cực thì sẽ đem lại những tác
động tích cực cho việc thực thi CSTT và ngược lại- CSTK cũng thường
được xem là nguyên nhân gây lạm phát và làm giảm tăng trưởng khi
CSTK mở rộng quá mức dẫn đến Chính phủ phải tăng cường vay nợ
trong và ngoài nước, làm suy giảm vai trò của CSTT.
Rõ ràng, tuy có nhiều tình huống tạo sự căng thẳng giữa CSTK và
CSTT song vẫn phải thừa nhận rằng trong ứng phó với đại dịch, mối
quan hệ chặt chẽ giữa CSTK và CSTT là không thể phủ nhận và sự phối
hợp tích cực của hai loại chính sách này là phương án hữu hiệu.
Một vài gợi ý chính sách
Tình trạng dịch bệnh vẫn còn đang tiếp diễn khá phức tạp, do vậy các
biện pháp hỗ trợ kinh tế vẫn cần tiếp tục duy trì và bằng mọi cách để
cho những đối tượng đáng được hưởng có khả năng tiếp cận được với
các gói hỗ trợ. Bên cạnh đó, cũng cần chuẩn bị cho việc khôi phục, phát
triển kinh tế khi dịnh bệnh suy giảm. Thiết nghĩ, sự phối hợp tích cực
giữa CSTK và CSTT cũng là giải pháp giúp sức cho sự phục hồi của
nền kinh tế. Xin chia sẻ một vài gợi ý cho vấn đề này.
(i) Sử dụng công cụ lãi suất một cách hợp lý. Lãi suất là công cụ của
CSTT, gián tiếp điều tiết khối lượng tiền tệ. Thông qua việc điều chỉnh lãi
suất, NHTW không chỉ đảm bảo được giới hạn ngân quỹ của kinh tế vĩ
mô bằng việc duy trì sự khan hiếm của đồng tiền mà còn đảm bảo tính
linh hoạt cần thiết cho việc cung ứng tiền tệ cho các TCTD. Khi nhu cầu
tiền tệ vượt ra ngoài hành lang đã quy định cho việc gia tăng khối lượng
tiền tệ thì về cơ bản NHTW vẫn phải đáp ứng, nhưng với lãi suất cao
hơn nhằm tác động một cách trung hạn vào sự đẩy lùi việc bùng nổ khối
lượng tiền tệ và ngược lại. Tuy vậy, việc điều chỉnh lãi suất luôn cần sự
linh hoạt, nhạy bén vì trên thực tế, những dao động hàng ngày và thời
vụ của nhu cầu tiền tệ, những cơn sốc từ bên ngoài và nhiều yếu tố
khác luôn đòi hỏi phải có sự thay đổi tương ứng trong việc cung ứng
tiền tệ. Mặt khác, cũng không thể bỏ qua nguyên tắc chênh lệch lãi suất
dương đối với các TCTD. Các TCTD là các doanh nghiệp kinh doanh
theo lợi nhuận, nên họ cần phải có chênh lệch lãi suất dương (chênh
lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động và giữa lãi suất cho vay
với lãi suất tái cấp vốn). Nếu do những quy định pháp lý hoặc những
yêu cầu có tính bắt buộc mà chênh lệch lãi suất này bị âm thì các TCTD
kinh doanh bị lỗ; Và nếu chênh lệch lãi suất âm lại được bù đắp thiệt hại
thông qua quá trình tiền tệ hoá hay gia tăng khoản nợ của nhà nước -
trong mọi trường hợp đều dẫn tới hậu quả tiêu cực.
(ii) Luôn tuân thủ đúng các nguyên tắc tín dụng kể cả khi cần thiết phải
nới lỏng CSTT. Các nguyên tắc khi đặt ra đều có cơ sở của nó, khi đã là
nguyên tắc rồi, nếu vi phạm thì chắc chắn có nhiều nguy cơ và những
hậu quả khó lường. Thời gian qua, đã có những kêu ca phàn nàn về khó
khăn khi các doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn từ gói hỗ trợ
300.000 tỷ đồng. Để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn
này thì các ngân hàng vừa phải cho vay mà lại cho vay với lãi suất thấp
- quả là không dễ dàng gì cho các ngân hàng. Muốn cho vay thì phải
huy động được nguồn vốn, nhưng huy động với lãi suất thấp sẽ rất khó
khăn (nguyên tắc chênh lệch lãi suất dương chi phối); và khi có nguồn
vốn rồi thì không phải cho vay với đối tượng nào cũng được (nguyên tắc
an toàn - cho vay phải hoàn trả đúng hạn cả vốn và lãi chi phối). Điều
chỉnh phân loại nợ, giãn nợ… cũng đều là những bài toán khó cho việc
duy trì nguyên tắc an toàn trong hoạt động tín dụng. Mặc dù vậy, trong
thời gian qua các TCTD vẫn giảm được lãi suất, vẫn giãn nợ… cho
khách hàng. Những quyết sách đưa ra trong thời gian qua khá thành
công, chứng tỏ sự vững vàng trong điều hành CSTT của NHNN. Một
mặt, kết quả này cho thấy sự nỗ lực của cả NHNN và các TCTD trong
việc thực thi CSTT trong hoàn cảnh bất thường, nhưng mặt khác cũng
không thể thừa nhận rằng dư địa của CSTT vẫn còn. Chắc chắn trong
thời gian tới sẽ khó khăn hơn- lãi suất không thể giảm tiếp tục; việc giãn
nợ, giữ nguyên nhóm nợ… để hỗ trợ cho doanh nghiệp ứng phó với
dịch bệnh có nhiều khả năng làm rủi ro gia tăng và suy yếu hệ thống. Do
vậy, ngành Ngân hàng cần có một sự chuẩn bị tích cực và toàn diện-
một mặt cũng là để “ứng phó” kịp thời cho những tình huống xấu sau
dịch bệnh và mặt khác, vẫn duy trì và nâng cao khả năng điều tiết, cung
ứng vốn cho nền kinh tế hồi phục và phát triển.
(iii) Phát hành trái phiếu khôi phục và phát triển kinh tế. Khôi phục và
phát triển kinh tế sau đại dịch rất cần có một nguồn vốn lớn - đây là bài
toán khó và cần có những tính toán kỹ lưỡng và cẩn trọng. Song trên tất
cả, thiết nghĩ việc phát hành trái phiếu là biện pháp có tính khả thi - cả
trái phiếu chính phủ, trái phiếu ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp.
Tất nhiên cũng còn có nhiều vấn đề cần bàn về thị trường trái phiếu Việt
Nam, đặc biệt vẫn còn không ít những lo âu về rủi ro, về những bất ổn
trên thị trường trái phiếu. Là một bộ phận của thị trường vốn, thị trường
trái phiếu có vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn cho đầu tư, nâng
cao hiệu quả luân chuyển vốn trong xã hội. Trong các giai đoạn khủng
hoảng của nền kinh tế, để đối phó với các cú sốc kinh tế, công cụ được
sử dụng khá phổ biến của hầu hết các quốc gia để tăng cung tiền là
mua trái phiếu kho bạc và mua chứng khoán được bảo đảm bằng tài
sản thế chấp (MBS). Tuy nhiên để phát hành trái phiếu được thuận lợi
thì cần phải có một thị trường trái phiếu phát triển. Những bất cập hiện
tại của thị trường trái phiếu Việt Nam làm hạn chế nhiều đến khả năng
huy động nguồn lực trong nền kinh tế.
(iv) Sử dụng nguồn ngân sách\ không bị thâm hụt: Bên cạnh những yêu
cầu cẩn trọng trong việc sử dụng CSTT cho mục tiêu của chính sách hỗ
trợ kinh tế thì việc cần thiết phải có một CSTK tích cực của nhà nước là
sự đòi hỏi khách quan của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu không muốn gây
ảnh hưởng tiêu cục tới sự ổn định của đồng nội tệ, thì điều then chốt là
nhà nước phải dùng nguồn vốn ngân sách để tài trợ và các khoản tài trợ
này phải được thực hiện bằng nguồn ngân sách không bị thâm hụt. Và
trong hoàn cảnh này dĩ nhiên ngân sách phải quyết liệt hơn trong việc
thực hiện tăng thu, giảm chi và sử dụng có hiệu quả nợ công, từng
bước phục hồi lại kỷ luật tài khóa để đảm bảo sự bền vững của ngân sách trong dài hạn.
(v) Trường hợp thâm hụt ngân sách: Việc đảm bảo ổn định tiền tệ là
chức năng chính của NHTW, vì thế một khi sử dụng vai trò điều hành
CSTT của NHTW cho những mục tiêu chính sách thường mâu thuẫn với
chức năng mà NHTW phải đảm nhận. Do vậy, cần lưu ý đến những khả
năng nhà nước có thể bù đắp thâm hụt ngân sách mà không gây hậu
quả cho CSTT, đó là: (i) Trái phiếu do nhà nước phát hành nhằm tài trợ
thâm hụt phải được người mua chấp nhận một cách tự nguyện. Điều đó
chỉ có thể xảy ra khi khả năng hoàn trả của trái phiếu được đảm bảo và
có mức lãi suất hợp lý; (ii) Nhà nước muốn vay từ NHTW thì cũng giống
như các đối tượng khách hàng khác - nhà nước buộc phải hoàn trả nợ
gốc và lãi cho NHTW khi đến hạn. KẾT LUẬN
Trước cú sốc kinh tế từ đại dịch COVID -19, Việt Nam đã vận hành đồng
thời cả CSTK và CSTT một cách hiệu quả. Vì vậy cần phải tiếp tục tăng
cường sự phối hợp này sao cho sự vận hành của CSTK và CSTT được
nhịp nhàng, chặt chẽ hơn để nâng cao hiệu lực truyền dẫn của các
chính sách đến nền kinh tế giai đoạn sau đại dịch, góp phần khôi phục
nhanh sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, trên cơ sở đó đưa các nền tảng
phát triển kinh tế - xã hội trở về trạng thái bình thường.