Có nên phân biệt Hành vi thương mại với hành vi dân sự hay không?
Thuật ngữ “Hành vi thương mại” và “hành vi dân sự” được sử dụng khá phổ biến tronghệthốngphápluậtcácquốcgiatrênthếgiới; giữachúngcónhiềuđiểmtươngđồng và đôi khi thật khó để ta “chỉ mặt đặt tên” đâu là hành vi dân sự đâu là hành vi thương mại. Tài liệu giúp bạn tham khảo và đạt kết quả cao. Mời bạn đọc đón xem!
Môn: Luật Thương mại quốc tế (65TMQT)
Trường: Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin:
Tác giả:
Preview text:
Thuật ngữ “Hành vi thương mại” và “hành vi dân sự” được sử dụng khá phổ biến
trong hệ thống pháp luật các quốc gia trên thế giới; giữa chúng có nhiều điểm tương đồng
và đôi khi thật khó để ta “chỉ mặt đặt tên” đâu là hành vi dân sự đâu là hành vi thương
mại. Chính vì lẽ đó, khoa học pháp lý đặt ra câu hỏi: Có nên phân biệt Hành vi thương
mại với hành vi dân sự hay không?
1. Hành vi thương mại là gì?
Hành vi thương mại không thể tự nhiên xuất hiện mà chúng chỉ có thể xuất hiện
khi có vài điều kiện lịch sử nhất định. Khoa học pháp lý cho rằng việc ra đời của hành vi
thương mại là trên cơ sở sự phân công lao động xã hội, gắn liền với nền sản xuất hàng
hóa; khi có sự phân công lao động lần thứ ba trong xã hội, thương nghiệp ra đời, xuất
hiện tầng lớp chuyên mua bán các sản phẩm để kiếm lời – các thương nhân, khi đó, hành
vi thương mại đã được hình thành.
Khi nói đến hành vi thương mại thì phải nhắc đến thuật ngữ “thương mại “; theo
đó các nhà nghiên cứu kinh tế trên thế giới và trong nước phân tích rằng: “thương mại”
theo tiếng la tinh là comerxium, theo tiếng anh là comerxice hoặc trade có nghĩa là mua
bán. Theo đó, thương mại là hoạt động trao đổi, giao lưu hàng hóa, dịch vụ, mua bán
theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán”.
Hiện nay trên thế giới tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về hành vi thương mại,
chưa có sự thống nhất hoàn toàn về khái niệm này.
Luật Thương mại Việt Nam năm 1997 định nghĩa: “Hành vi thương mại là hành
vi của thương nhân trong hoạt động thương mại, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa
các thương nhân với nhau hoặc giữa thương nhân với các bên có liên quan”. Theo đó,
một hành vi được coi là hành vi thương mại phải thỏa mãn các điều kiện là phải do
thương nhân thực hiện và hành vi được thực hiện trong khuôn khổ các hoạt động thương
mại của thương nhân.
Bộ luật Dân sự của Italy quy định: Phạm vi của hành vi thương mại được xác định
trong các lĩnh vực sản xuất, hoặc buôn bán hàng hoá hoặc dịch vụ. Bộ luật Thương mại
của chính quyền Sài Gòn năm 1972 có định nghĩa: “Hành vi thương mại là những hành vi
chế tạo, lưu chuyển, trung gian có mục đích kiếm lời trực tiếp hay gián tiếp, trừ những
ngoại lệ do Bộ luật này hoặc các luật lệ đặc biệt quy định”. Qua đó, có thể thấy, những
định nghĩa này tập trung giới hạn phạm vi của hành vi thương mại trong khuôn khổ hoạt
động mua bán, trao đổi, sản xuất hàng hóa, hoặc dịch vụ với mục đích kiếm lời và coi
hành vi thương mại không hoàn toàn phụ thuộc vào thương nhân nữa.
Chưa dừng lại ở đó, Uỷ ban Liên Hiệp Quốc về luật thương mại quốc tế đã xác định
trong đạo luật mẫu về thương mại điện tử do Uỷ ban này soạn thảo như sau: Thuật ngữ
“Thương mại “/ commerce/ cần được diễn giải theo nghĩa rộng để bao quát các vấn đề
nảy sinh ra từ mọi quan hệ mang tính chất thương mại, dù có hay không có hợp đồng.
Các mối quan hệ mang tính thương mại/commercial/ bao gồm, nhưng không phải chỉ bao
gồm, các giao dịch sau đây: bất cứ giao dịch thương mại nào về cung cấp hoặc trao đổi
hàng hoá hoặc dịch vụ; thoả thuận phân phối; đại diện hoặc đại lý thương mại; uỷ thác
hoa hồng (factoring), cho thuê dài hạn (leasing); xây dựng các công trình; tư vấn; kỹ
thuật công trình (engineering); đầu tư; cấp vốn; ngân hàng; bảo hiểm; thoả thuận khai
thác hoặc tô nhượng; liên doanh và các hình thức khác về hợp tác công nghiệp hoặc kinh
doanh; chuyên chở hàng hoá hay hành khách bằng đường biển, đường không, đường sắt hoặc đường bộ.
Với quan niệm này, hành vi thương mại ngày nay không chỉ được giới hạn trong
lĩnh vực là buôn bán, sản xuất hàng hoá, dịch vụ mà nó bao gồm nhiều dạng hoạt động
kinh tế. Từ đó, ta có thể nhận thấy nội hàm khái niệm hành vi thương mại có khuynh
hướng mở rộng và việc xem xét hành vi thương mại phải dựa vào bản chất của nó mà
không còn gắn với hay lệ thuộc nhiều vào thương nhân nữa.
Dựa vào sự tồn tại trên thực tế của hành vi thương mại, khoa học pháp lý đã phân
hành vi thương mại thành hai loại, đó là: Hành vi thương mại thuần tuý và hành vi
thương mại phụ thuộc. Hành vi thương mại thuần tuý là những hành vi mang tính chất
khách quan, có nghĩa là tự bản thân nó có tính chất thương mại; hành vi đó được coi là
hành vi thương mại ngay cả khi chúng được thực hiện một cách riêng rẽ; ví dụ như: mua
hàng hóa để bán kiếm lời.
Còn hành vi thương mại phụ thuộc là những hành vi do thương nhân thực hiện theo
nhu cầu nghề nghiệp hay nhân lúc hành nghề. Chẳng hạn như: Thương nhân mua trang
thiết bị văn phòng về trang bị cho văn phòng làm việc. Như vậy những hành vi này có
bản chất là hành vi dân sự và chỉ trở thành hành vi thương mại khi đủ hai yếu tố là: Hành
vi đó phải do thương nhân thực hiện và hành vi đó phải thực hiện nhân hành nghề hoặc do nhu cầu nghề nghiệp.
Như vậy, để có thể đưa ra một định nghĩa chính xác và thống nhất về hành vi
thương mại hiện nay là điều không hề dễ dàng, điều này xuất phát từ thực tế hệ thống
pháp luật của các nước trên thế giới được xây dựng trên những quan điểm khác nhau, và
bản thân hành vi thương mại cũng biến đổi liên tục theo sự phát triển của xã hội.
2. Sự khác biệt giữa hành vi dân sự và hành vi thương mại.
Qua phân tích ở trên, việc xây dựng một khái niệm hoàn chỉnh về hành vi thương
mại là điều không phải là đơn giản, vậy nên việc chúng ta cần làm tìm ra những đặc trưng
cơ bản của hành vi thương mại. Phân biệt hành vi thương mại với hành vi dân sự chính là
chìa khóa để giải quyết vấn đề trên.
Theo cuốn từ điển Luật học thì “Hành vi dân sự là hành vi của cá nhân, pháp nhân
và các chủ thể khác trọng quan hệ tài sản và các quan hệ nhân thân phi tài sản có quan
hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với các quan hệ tài sản nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc
chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Hành vi dân sự được thực hiện dưới dạng hành động
(thực hiện những hành vi nhất định) hoặc không hành động (không thực hiện những hành
vi nhất định). Hành vi dân sự có thể được thực hiện bởi bất kỳ chủ thể nào và trong mọi
lĩnh vực của đời sống; bao gồm cả trong quá trình sản xuất, trao đổi hàng hóa. Như vậy,
có thể thấy giữa hành vi dân sự và hành vi thương mại tồn tại mối quan hệ biện chứng
giữa cái chung và cái riêng; trong đó hành vi dân sự là cái chung còn hành vi thương mại
là cái riêng. Cái chung của hai loại hành vi này thể hiện ở chỗ hành vi dân sự và hành vi
thương mại đều là hành vi của con người phát sinh, tồn tại trong quá trình sản xuất, trao
đổi hành hóa và ở những mức độ nhất định đều chịu sự tác động của các quy luật kinh tế
khách quan. Tuy vậy, hành vi thương mại vẫn có những cái riêng của mình và chính
những điểm đó tạo nên sự khác biệt so với hành vi dân sự; cụ thể như sau:
- Thứ nhất, hành vi thương mại khác hành vi dân sự về thời điểm xuất hiện và về
tính ổn định.
Đối với hành vi dân sự thì mang tính ổn định và bền vững cao hơn. Còn hành vi
thương mại chịu sự ảnh hưởng của thực tiễn đời sống kinh tế, chính trị - xã hội nhiều hơn
nên cách thức xử sự của chủ thể thương mại phải thay đổi phù hợp với thay đổi của đời
sống kinh tế xã hội mới.
- Hành vi thương mại được thực hiện trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi kiếm lời.
Nói đến thương mại là nói đến thị trường, hai yếu tố này luôn gắn bó, đi liền với
nhau và không thể tách rời. Hành vi thương mại kết hợp giữa khâu mua bán với khâu sản
xuất và dịch vụ. Hành vi thương mại hợp pháp diễn ra trên thị trường tuân theo quy luật
thị trường, quy luật cạnh tranh, quy luật tăng lợi nhuận, kích thích sức mua bán, quy luật
cung cầu nhằm mục đích sinh lợi. Đặc điểm này đã làm rõ sự khác nhau với hành vi dân
sự về mục đích thực hiện hành vi. Mặt khác, hành vi thương mại không chỉ là hành vi diễn
ra trên thị trường mà còn là hành vi nhằm mục đích sinh lợi. Đây là đặc điểm mà dựa vào
đó để phân biệt hành vi thương mại và hành vi dân sự. Nếu một hành vi được thực hiện
nhằm mục đích tiêu dùng (thỏa mãn nhu cầu cá nhân) thì đó là hành vi dân sự, ngược lại,
cũng hành vi đó nhưng được thực hiện nhằm mục đích sinh lợi thì đó là hành vi thương
mại. Tiêu chí này được sử dụng khá phổ biến để phân biệt hành vi dân sự và hành vi thương mại.
- Hành vi thương mại là hành vi mang tính nghề nghiệp.
Chủ thể thực hiện hành vi thương mại trên thương trường được tiến hành thường
xuyên, liên tục, tính chuyên nghiệp cao và mang lại thu nhập cho chính chủ thể thực hiện
hành vi. Điều này cho thấy rằng không phải hành vi nào nhằm mục đích sinh lời là hành
vi thương mại chẳng hạn như: Cán bộ nhân chuyến công tác xa hay đi tham quan ở xa,
nhân dịp khi về có mua một số hàng hóa nhất định với giá rẻ về bán lại để kiếm lời giúp
cho thu nhập gia đình. Hành vi đó cũng có sinh lợi và kiếm lời nhưng không phải là hành
vi thương mại vì không đảm bảo tính liên tục, thường xuyên.
- Chủ thể thực hiện hành vi thương mại.
Đặc thù về chủ thể thực hiện hành vi thương mại cũng đóng một vai trò quan trọng
trong việc phân biệt với hành vi dân sự. Trong một số trường hợp chủ thể thực hiện hành
vi thương mại còn phải ràng buộc bởi những điều kiện nhất định mà pháp luật quy định
mới có thể trở thành chủ thể của hành vi thương mại. Đó là những đặc thù về thương
nhân, và trên thực tế, trong nhiều trường hợp, phải dựa vào điểm đặc thù này để xác định
các giao dịch là dân sự hay thương mại.
Như vậy, hành vi dân sự và hành vi thương mại đều tồn tại khách quan và độc lập
tương đối với nhau; giữa chúng có những sự tương đồng và khác biệt thể hiện mối quan
hệ giữa cái chung và cái riêng, những thuộc tính vốn có của các hành vi dân sự được biểu
hiện cụ thể trong các hành vi thương mại, đồng thời trong các hành vi thương mại cũng
có nét đặc thù của nó.
3. Ý nghĩa của việc phân biệt hành vi thương mại và hành vi dân sự.
Thứ nhất, ý nghĩa trong việc phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Tương
ứng với sự khác biệt giữa hành vi thương mại với hành vi dân sư, nhiều quốc gia phân
biệt hai hệ thống toà án riêng biệt cho thương mại và dân sự như: Pháp, Bỉ, Thuỵ Sỹ,
Argentina, Áo. Tại Việt Nam, hiện nay Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh cũng
đã thành lập riêng biệt Toà dân sự và toà kinh tế để giải quyết các vụ án thuộc thẩm
quyền. Xuất phát từ luật vật chất có sự khác biệt giữa dân sự và thương mại, nên pháp
luật các quốc gia trên cho rằng phải có sự phân biệt về luật thủ tục giữa dân sự và thương
mại; cần những thủ tục tố tụng đơn giản và nhanh chóng của các Tòa Thương mại để đáp
ứng được yêu cầu mang tính đặc trưng của hoạt động thương mại. Ngoài ra, việc phân
biệt hành vi thương mại với hành vi dân sự còn có ý nghĩa xác định thẩm quyền giải
quyết của Trọng tài. Thông thường, các quốc gia trên thế giới chỉ cho phép Trọng tài
được quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, nếu các bên tranh
chấp có thỏa thuận; còn trường hợp tranh chấp phát sinh mang yếu tố dân sự thì các bên
chỉ có thể khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình. Chẳng hạn, Điều 2 Luật
Trọng tài thương mại Viêt Nam 2010 khẳng định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp
của Trọng tài bao gồm: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, tranh
chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại và tranh
chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Thứ hai, hành vi dân sự và hành vi thương mại là căn cứ phát sinh quyền và nghĩa
vụ khác biệt cho chủ thể thực hiện hành vi. Từ sự khác nhau này, pháp luật các quốc gia
trên thế giới đều có những điều khoản riêng biệt để áp dụng cho hành vi thương mại và
hành vi dân sự. Ví dụ, ở Pháp, Anh, các hành vi thương mại thậm chí còn có một chế độ
thuế riêng biệt để áp dụng. Hay như các nghĩa vụ về bảo hành, đổi trả đối với việc bán
hàng; nghĩa vụ bảo hiểm trong vận chuyển; luật pháp các quốc gia đều có quy định chặt
chẽ hơn áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi bán hàng, hành vi vận chuyển mang
tính chất thương mại so với các chủ thể thực hiện bán hàng, hành vi vận chuyển mang
tính dân sự thông thường. Tiếp đó, việc phân định hành vi thương mại và hành vi dân sự
còn là cơ sở để xác định hành vi vi phạm pháp luật. Ví dụ: Nhiều quốc gia trên thế giới
quy định hành vi bán phá giá là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, là hành vi vi phạm
pháp luật. Điều này, chỉ áp dụng đối với các chủ thể thực hiện hành vi bán hàng mang
tính chất thương mại còn đối với các chủ thể thực hiện hành vi bán hàng dân sự thuần túy
thì hoàn toàn không vi phạm pháp luật, đơn giản chỉ là thuận mua, vừa bán.
Thứ ba, ý nghĩa trong việc xác định Luật áp dụng. Căn cứ vào sự khác biệt giữa
hành vi dân sự và hành vi thương mại mà hầu hết các quốc gia trên thế giới định ra hai
lĩnh vực pháp luật riêng biệt. Đó là pháp luật dân sự và pháp luật thương mại. Điều này
có nghĩa là hành vi thương mại được xác định là nhằm giới hạn phạm vi điều chỉnh của
Luật Thương mại. Khi đó, một hành vi thương mại được thực hiện trên thực tế thì phải
chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại. Chẳng hạn, Điều 4 Luật Thương mại Việt Nam
2005 khẳng định nguyên tắc: Hoạt động thương mại phải tuân theo Luật Thương mại và
pháp luật có liên quan; trường hợp hoạt động thương mại không được quy định trong
Luật Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự. Ngoài
ra, đối với một số hành vi thương mại quốc tế thì các bên thực hiện hành vi có thể thỏa
thuận áp dụng các quy định của Công ước Quốc tế liên quan để điều chỉnh hành vi của
mình; ví dụ như: Công ước Viên năm 1980 về Hợp đồng Mua bán Hàng hoá Quốc tế;
Công ước Hamburg năm 1978 của Liên Hợp quốc về vận chuyển hàng hóa bằng đường
biển… Điều này là hoàn toàn không thể áp dụng cho các chủ thể thực hiện hành vi dân sự thuần túy.
Qua đây ta có thể thấy, ranh giới giữa hành vi dân sự và hành vi thương mại là hết
sức mong manh. Nhưng mong manh đến đâu thì vẫn cần phải có một thước đo chính xác
để phân định chúng. Việc phân biệt hành vi thương mại với hành vi dân sự là vô cùng
quan trọng, nhằm xây dựng những quy phạm pháp luật điều chỉnh cho kịp thời và áp
dụng những quy tắc xử sự cho hợp lý, chính xác, công bằng để phù hợp với bản chất của từng hành vi.