Mâu thuẫn và các mặt đối lập - Triết học Mác - Lênin | Đại học Tôn Đức Thắng
Mâu thuẫn: là hiện tượng khách quan và phổ biến, chỉ mối liên hệ tác động qua lạigiữa các mặt đối lập trong cùng một sự vật. Như vậy, mâu thuẫn là cái vốn có ở mọisự vật hiện tượng. Tài liệu giúp bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao. Mời bạn đọc đón xem!
Môn: Triết học Mác -Lênin (THML01)
Trường: Đại học Tôn Đức Thắng
Thông tin:
Tác giả:
Preview text:
NỘI DUNG I. Một số khái niệm 1. Mâu thuẫn là gì?
Mâu thuẫn: là hiện tượng khách quan và phổ biến, chỉ mối liên hệ tác động qua lại
giữa các mặt đối lập trong cùng một sự vật. Như vậy, mâu thuẫn là cái vốn có ở mọi
sự vật hiện tượng. Khi sự vật hay hiện tượng được hình thành và phát triển sẽ xuất
hiện mâu thuẫn, là do cấu trúc tự nhiên của sự vật quy định, không phụ thuộc vào bất
kỳ một lực lượng siêu nhiên nào, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người.
Mâu thuẫn tồn tại từ khi sự vật xuất hiện cho đến khi kết thúc, ở mọi không gian, thời
gian, mọi giai đoạn phát triển. Mâu thuẫn này mất đi thì mâu thuẫn khác được hình thành.
Trong những điều kiện cụ thể khác nhau, mâu thuẫn thể hiện ra dưới nhiều hình thức
đa dạng và phong phú khác nhau:
• Mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài
• Mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản
• Mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu
• Mâu thuẫn đối kháng và không đối kháng
2 Các mặt đối lập là gì?
Trong phép biện chứng duy vật, khái niệm mặt đối lập là sự khái quát những thuộc
tính, những khuynh hướng ngược chiều nhau tồn tại trong cùng một sự vật hiện
tượng, tạo nên sự vật hiện tượng đó. Không phải bất kì hai mặt đối lập nào cũng hình thành nên mâu thuẫn.
Bởi chính bên trong sự vật đã có rất nhiều mặt đối lập, chỉ có những mặt đối lập nào
thống nhất với nhau như một chỉnh thể mới tạo thành mâu thuẫn. Ví dụ như: Trong
sinh vật, hai mặt đối lập là đồng hóa và dị hóa thống nhất với nhau, nếu chỉ là một quá
trình thì sinh vật sẽ chết. Hay như giai cấp công nhân và giai cấp tư sản cùng tồn tại
trong một hình thái kinh tế xã hội tư bản chủ nghĩa mặc dù đối lập nhau về mặt lợi
ích nhưng vẫn tồn tại với nhau trong cùng một chỉnh thể. Những mặt trái ngược nhau
đó trong phép biện chứng duy vật gọi là mặt đối lập.
Trong tư duy thông thường, khi nói đến hai mặt đối lập là nói đến mâu thuẫn.
Còn trong tư duy biện chứng, không phải là hai mặt đối lập nào cũng tạo nên mâu
thuẫn mà chỉ những mặt đối lập tác động biện chứng với nhau tạo nên sự vật hiện
tượng và tạo nên sự phát triển mới được gọi là mâu thuẫn – mâu thuẫn biện chứng.
II. Phương pháp giải quyết mâu thuẫn bằng kết hợp các mặt đối lập
Trong lý luận biện chứng Mácxít, vấn đề kết hợp giữa các mặt đối lập được đặt ra và
giải quyết. Đây là biểu hiện hoạt động tích cực, chủ động của chủ thể trên cơ sở nhận
thức mâu thuẫn khách quan, nhận thức sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối
lập. Chính xuất phát từ việc nhận thức sự thống nhất khách quan, từ những điểm
chung vốn có của các mặt đối lập, những nhu cầu thực tiễn, con người có thể chủ
động tiến hành kết hợp các yếu tố, thậm chí cả các mặt đối lập nhằm giải quyết được
những mâu thuẫn xã hội cụ thể, đem lại lợi ích cụ thể cho chủ thể con người.
Việc kết hợp các mặt đối lập trong lĩnh vực xã hội không phải là một giải pháp có tính
phổ biến, là hành động được tiến hành với bất cứ yếu tố, mặt đối lập nào, trong bất kỳ
điều kiện nào. Càng không nên hiểu đây là việc làm mang tính chủ quan thuần túy, tùy
tiện, vô nguyên tắc của chủ thể hành động. Việc kết hợp các mặt đối lập ở đây, với tư
cách là hoạt động tích cực của nhân tố chủ quan, phải dựa trên cơ sở khách quan cụ
thể, đó là những đòi hỏi tất yếu của việc kết hợp và cả ở những điều kiện khách quan
cho phép để tiến hành việc kết hợp này. Đồng thời, việc kết hợp các mặt đối lập trong
đời sống xã hội cũng phải thể hiện được tính định hướng rõ ràng. Cụ thể là việc kết
hợp này phải làm sao cho quá trình vừa thống nhất, vừa đấu tranh giữa các mặt đối lập
trong một chỉnh thể mâu thuẫn xã hội cụ thể, mặt đối lập đại diện cho sự tiến bộ sẽ
dần dần chiến thắng được mặt đối lập đại diện cho sự lạc hậu. Có như vậy, việc giải
quyết mâu thuẫn xã hội mới đem lại động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội, phù
hợp với quy luật phát triển khách quan của xã hội.
Thứ nhất, về mặt khách quan: Việc kết hợp các mặt đối lập chỉ có thể tiến hành
trong các trường hợp cụ thể sau:
1. Giữa các nhân tố, các lực lượng xã hội, tồn tại với tư cách là những mặt đối lập của
nhau phải có những điểm chung, tương đồng có thể đi tới sự điều hòa, thoả hiệp trong
một giới hạn nhất định. Trong trường hợp này, chủ thể hoạt động có thể thực hiện việc
kết hợp các mặt đối lập, trong đó chấp nhận một sự thỏa hiệp nào đó, nhằm hướng sự
giải quyết mâu thuẫn xã hội theo hướng có lợi cho chủ thể. Dĩ nhiên, đây không phải
là hành động xóa bỏ nguyên tắc đấu tranh giữa các mặt đối lập mà chỉ là đưa cuộc đấu
tranh vào trong một hình thức cụ thể, có lợi cho chủ thể mà thôi. Trong trường hợp
giữa các mặt đối lập hoàn toàn không có điểm chung, tương đồng, mâu thuẫn xã hội
này hoàn toàn mang tính đối kháng thì việc kết hợp không thể thực hiện được một
cách đúng đắn và đem lại hiệu quả mong muốn cho chủ thể.
2. Việc kết hợp các mặt đối lập chỉ có thể thực hiện trong điều kiện hoàn cảnh xã hội
thuận lợi (bao gồm cả điều kiện trong nước và quốc tế). Cụ thể đó phải là những điều
kiện hoàn cảnh cho phép chủ thể thực hiện việc kết hợp theo mong muốn, như một đòi
hỏi tất yếu khách quan, buộc chủ thể phải tiến hành giải quyết mâu thuẫn bằng
phương pháp kết hợp này. Chẳng hạn, những biến đổi về kinh tế quốc tế hiện nay, về
sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay ... là
những điều kiện khách quan cho phép chủ thể hoạt động có thể thực hiện sự kết hợp các mặt đối lập.
Thứ hai, về mặt chủ quan: Việc kết hợp các mặt đối lập chỉ thực hiện được và đạt
kết quả mong muốn khi chủ thể có đủ năng lực và bản lĩnh chính trị cần thiết đáp ứng
được yêu cầu của sự kết hợp này. Đòi hỏi chủ thể ở đây phải có khả năng sớm nắm bắt
được yêu cầu khách quan cũng như thời cơ thuận lợi của việc kết hợp, từ đó tiến hành
tổ chức kết hợp một cách khéo léo, khoa học nhằm hướng cuộc đấu tranh giữa hai mặt
đối lập trong mâu thuẫn theo hướng có lợi cho chủ thể. Có thể khẳng định, trong
chừng mực nào đó, vai trò của chủ thể trong việc kết hợp các mặt đối lập ở đây là có ý nghĩa quyết định.
Cũng cần nhấn mạnh ở đây rằng, do việc kết hợp các mặt đối lập là hành động của
chủ thể trong quá trình giải quyết mâu thuẫn xã hội khách quan, cho nên, đương nhiên
quá trình này ngay từ đầu đã thể hiện và cần phải thể hiện tính định hướng của nó.
Nghĩa là, việc kết hợp các mặt đối lập sẽ được tiến hành nhằm đáp ứng nhu cầu, lợi
ích của chủ thể hoạt động. Song đồng thời, để việc kết hợp này không rơi vào tình
trạng là biểu hiện của hoạt động chủ quan thuần túy, không còn tồn tại với tư cách là
sự phản ánh tính tất yếu khách quan, lại đòi hỏi việc kết hợp phải được tiến hành một
cách khoa học, phù hợp với bản chất của các mặt đối lập. Cụ thể là, việc tiến hành kết
hợp các mặt đối lập phải đảm bảo sao cho cái mặt đối lập vẫn thực hiện được cuộc
đấu tranh của chúng mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của chủ thể. Bởi vì, xuất phát từ
bản chất đối lập nhau, các mặt đối lập tồn tại trong một chỉnh thể tất yếu sẽ đấu tranh
với nhau. Vấn đề ở đây là phải làm sao để cuộc đấu tranh đó, thông qua việc kết hợp,
sẽ diễn ra theo chiều hướng có lợi cho chủ thể. Nói cách khác, việc kết hợp với tư
cách hoạt động chủ quan vẫn phải đảm bảo nguyên tắc đấu tranh giữa các mặt đối lập
chứ không phải kết hợp đi tới sự thủ tiêu cuộc đấu tranh của chúng. Đây chính là điểm
khác biệt cơ bản giữa hoạt động kết hợp các mặt đối lập một cách đúng đắn, có tính
khoa học, với những hoạt động kết hợp phi khoa học, kết hợp sai lầm chủ quan.
Ở đây, nếu xét về hình thức, có thể chia hoạt động kết hợp ra làm ba loại:
Thứ nhất, đó là sự kết hợp khoa học, biện chứng, đúng đắn. Đây là sự kết hợp có
nguyên tắc, đảm bảo nguyên tắc đấu tranh giữa các mặt đối lập. Sự kết hợp này phản
ánh đúng đắn tính biện chứng trong mối liên hệ giữa các mặt đối lập là vừa thống nhất lại vừa đấu tranh. Thứ
hai, đó là sự kết hợp mang tính chiết trung . Sự kết hợp này được thực hiện
một cách tùy tiện, vô nguyên tắc, không dựa trên cơ sở thống nhất khách quan giữa
các mặt đối lập. Chủ thể đã thực hiện sự kết hợp hoàn toàn dựa vào ý chí chủ quan,
kết hợp bất cứ cái gì, trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào. Nó được tiến hành ngay
cả đối với những mặt đối lập không có mối liên hệ, điểm chung, tương đồng nào với
nhau. Sự kết hợp chiết trung không đem lại những giá trị đích thực cho sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Thứ ba, đó là sự kết hợp mang tính cải lương. Đây là sự kết hợp các mặt đối lập
không đảm bảo nguyên tắc đấu tranh giữa chúng với nhau. Sự kết hợp này thể hiện sự
nhượng bộ, thỏa hiệp vô điều kiện, Sự thiếu bản lĩnh của chủ thể để có thể đưa sự kết
hợp tới kết quả mong muốn. Kết quả tất yếu của sự kết hợp này là sự thất bại của chủ thể hành động.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, trong quá trình giải quyết một mâu thuẫn xã hội cụ
thể, tùy vào nội dung, tính chất của mối quan hệ giữa các mặt đối lập, tùy vào điều
kiện hoàn cảnh khách quan (trong nước và ngoài nước), năng lực của chủ thể hành
động... có thể tiến hành việc kết hợp các mặt đối lập nhằm để giải quyết một mâu
thuẫn xã hội cụ thể một cách tốt nhất, đem lại lợi ích cao nhất cho chủ thể.
Từ sự phân tích tư tưởng biện chứng Mácxít về sự kết hợp các mặt đối lập ở trên cho
phép rút ra kết luận sau đây: Kết hợp các mặt đối lập là một hoạt động tự giác, tích
cực của chủ thể thực tiễn trong quá trình giải quyết một số mâu thuẫn xã hội cụ thể
trong những điều kiện khách quan và chủ quan cụ thể nhằm đem lại lợi ích nhất định
cho chủ thể. Đó chính là hoạt động kết hợp những nhân tố, lực lượng xã hội tồn tại
với tư cách là những mặt đối lập của nhau, dựa trên cơ sở nhận thức về tính thống
nhất vốn có giữa những nhân tố, lực lượng xã hội này, đồng thời tôn trọng sự đấu
tranh khách quan của chúng.
III. Vận dụng vào cuộc sống thực tiễn
Trong cuộc sống, mâu thuẫn là điều chúng ta không thể tránh khỏi. Mâu thuẫn tồn tại
xung quanh ta một cách khách quan, bởi lẽ mọi vật đều có tính tương đối. Không có
điều gì là hoàn toàn tốt và ngược lại. Ngay trong quá trình vận động, phát triển của
một mâu thuẫn, tuỳ thuộc vào tương quan giữa các mặt đối lập của nó, tuỳ thuộc vào
điều kiện, hoàn cảnh trong đó mâu thuẫn nảy sinh và phát triển, mà có thể có những
hình thức, biện pháp giải quyết mâu thuẫn cụ thể.
Đối mặt với những khó khăn, thách thức trong cuộc sống, việc vận dụng lý luận biện
chứng các mặt đối lập vào thực tiễn là vô cùng quan trọng. Tiêu biểu như một mâu
thuẫn mà rất nhiều học sinh, sinh viên gặp phải đó là sự mâu thuẫn giữa việc học tập
và giải trí. Nếu việc học giúp chúng ta bổ sung nguồn tri thức, các kĩ năng cần thiết,
nâng cấp bản thân để trang bị thật tốt cho nghề nghiệp tương lai thì việc giải trí cũng
quan trọng không kém, khi giúp chúng ta thư giãn, thả lỏng, giảm căng thẳng, mệt
mỏi và đem đến những nguồn năng lượng tích cực mới. Nhưng nếu chúng ta không
biết phân bổ cho phù hợp thì học tập cũng có mặt trái là dễ khiến chúng ta stress và áp
lực, trong khi đó giải trí quá mức sẽ khiến ta lãng phí thời gian mà không chú ý phát
triển bản thân. Hai điều này đối lập, mâu thuẫn với nhau. Nhưng bên cạnh đó, chúng
cũng có những điểm chung, những nét tương đồng là chúng đều cần ta dành thời gian
để thực hiện, và ở một khía cạnh nào đó đều mang lại lợi ích cho ta. Điều đó đã tạo
nên sự đối lập đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa dành thời gian cho bên nào.
Hai việc này luôn tồn tại khách quan, vừa thống nhất tồn tại chung vừa đối lập đấu
tranh với nhau. Từ các lý luận biện chứng kết hợp với các mặt đối lập, em sẽ vận dụng
phương pháp kết hợp các mặt đối lập để giải quyết mâu thuẫn này. Đầu tiên chúng ta
cần thiết lập thời gian biểu một cách hợp lý, cân bằng giữa học tập và giải trí. Thứ hai
là chúng ta phải dựa dựa trên thứ tự ưu tiên, xác định chắc chắn rằng điều gì là ưu tiên
cho mình tại thời điểm hiện tại. Nếu như đang trong mùa kiểm tra thì ta phải tăng thời
gian học lên và giảm thời gian giải trí lại. Ngược lại, nếu như chúng ta vừa kết thúc kì
kiểm tra thì ta có thể tăng thời gian giải trí, xả hơi lên, giảm thời gian học tập xuống.
Việc kết hợp thành thục và hợp lí học tập và giải trí- vốn là 2 mặt đối lập sẽ giúp ta rất
nhiều trong việc giải quyết các mâu thuẫn có thể xảy ra, đồng thời giúp ta đạt được lợi ích cao nhất. LỜI CẢM ƠN
Để có được bài luận văn này, em xin được dành lời cảm ơn sâu sắc đến thầy Trần
Nguyên Ký – tác giả của cuốn sách “ Sự kết hợp các mặt đối lập trong thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay”- đã là nguồn tham khảo rất bổ ích cho em trong quá trình làm bài.
Và không thể không kể đến sự tâm huyết của thầy trong quá trình giảng dạy đã giúp
cho sinh viên chúng em được mở mang kiến thức, không cảm thấy đây là môn học
khô khan mang tính chất chính trị nữa mà thay vào đó, chúng em đã nhận thức được
Triết học là hạt nhân lí luận để ta định hình thế giới quan, mang tính quyết định đến
thái độ sống của mỗi con người, dân tộc. Đây là môn học có tầm nhìn bao quát, giúp
ta nhìn xa trông rộng, không những ở đây mà còn áp dụng được cho mọi lĩnh vực
ngành nghề trong cuộc sống.
Mặc dù đã vận dụng tất cả kiến thức đã được học tập và kinh nghiệm thực tế từ bản
thân đê hoàn thành đề tài này, song có thể còn có những mặt hạn chế, thiếu sót. Em rất
mong nhận được ý kiến đóng góp và sự chỉ dẫn của thầy .