Nỗi đau đời của Nguyễn Trãi | Đại học Ngoại Ngữ - Tin Học Thành Phố Hồ Chí Minh
Nỗi đau đời của Nguyễn Trãi | Đại học Ngoại Ngữ - Tin Học Thành Phố Hồ Chí Minh được sưu tầm và soạn thảo dưới dạng file PDF để gửi tới các bạn sinh viên cùng tham khảo, ôn tập đầy đủ kiến thức, chuẩn bị cho các buổi học thật tốt. Mời bạn đọc đón xem
Môn: Lịch sử văn minh thế giới (2021)
Trường: Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh
Thông tin:
Tác giả:
Preview text:
Nỗi đau đời của Nguyễn Trãi
“Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu
Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng" (Tố Hữu)
Lấp lánh rọi sáng như một ngôi sao Khuê trong tâm hồn, trong trái tim "ưu thời ái quốc",
- thâm thuý, sắc bén, đầy biến hoá trong tài mưu lược chính trị - nhẹ nhàng mà thanh tao,
thi vị trong những vần thơ về thiên nhiên, cây cỏ, Nguyễn Trãi đã tạc mình vào vóc dáng
dân tộc, tồn tại vĩnh hằng trong trái tim mỗi người dân Viêt Nam, trong lịch sử dân tộc.
Lắng mình cùng dòng chảy thời gian, trở về với mảnh đất Hải Dương - nơi đã sinh thành,
nuôi dưỡng con người tài hoa Đất Việt Nguyễn Trãi, ta mới thấu hiểu rằng lấp sau mũ
quan, áo gấm là một thời ấu thơ đầy bão dông. Nguyễn Trãi (1380 - 1442) sinh ra và lớn
lên tại làng Chi Ngại, là con của Nguyễn Phi Khanh, cháu ngoại tướng công Trần nguyên
Đán. Thật may mắn khi con người vốn đã tài hoa, kiệt xuất trời sinh ấy lại được nuôi
dưỡng, lớn lên trong một gia đình mà truyền thống yêu nước, văn hoá, văn học đã trở
thành một niềm tự hào sâu sắc.Thế nhưng, hạnh phúc vừa cầm nắm trong tay thì cuộc đời
giông tố đã ập đến khiến Nguyễn Trãi chịu nhiều mất mát đau thương. Ông để tang mẹ
lúc 5 tuổi rồi lại ông ngoại qua đời khi vừa tròn 10 tuổi. Vượt qua những khó khăn, thiếu
thốn về tinh thần, nỗ lực học tập, năm 1440, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh và cùng cha ra
làm quan dưới triều nhà Hồ. Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, cha ông bị chúng bắt
sang Trung Quốc. Gánh nặng hai vai là món nợ non sông và mối thù nhà khôn xiết. Sau
khi thoát khỏi sự giam lỏng của giặc Minh, Nguyễn Trãi từ Đông Quan tìm vào Lam Sơn
theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa. Ông đã trở thành cánh tay đắc lực của Lê Lợi, thực hiện
"mưu phục tâm công" giúp cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đi đến toàn thắng vang dội. Ông
hăm hở tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước. Giặc ngoài đã dẹp yên, mâu thuẫn
nội bộ triều đình phong kiến nổi lên, Nguyễn Trãi bị nghi oan, bắt giam. Sau đó ông được
thả ra nhưng không còn được tin dùng như trước. Thời thế ép buộc con người tận trung
với nước, tận hiếu với dân phải từ bỏ chốn quan trường về ở ẩn tại Côn Sơn. Năm 1442,
Nguyễn Trãi trở về giúp vua Lê Thánh Tông việc nước thì an oán Lệ Chi Viên đổ ập
xuống gia đình ông. Bọn gian thần vu cho ông giết vua, khép tội "tru di tam tộc". Cuộc
đời đã đóng sập trước mắt con người tài hoa bạc mệnh như một sự thật phũ phàng đến
nao lòng, là nỗi xót thương nghẹn ngào của bao con dân khổ cực dưới ách cùm trói thiếu
đi một cánh tay che chở, bảo vệ trước dông tố cuộc đời.
Trước hết, nỗi ưu hoạn trong cuộc đời của Nguyễn Trãi được bắt nguồn từ tấm lòng của
một vị tượng tài ba với tấm lòng yêu thương nhân dân tha thiết. Nguyễn Trãi đã suốt đời
suy tư trước nỗi đau khổ của nhân dân. Biết bao nhiêu bài thơ đã phản ánh những suy tư
của nguyễn Trãi trước cảnh nước mất, nhà tan, quân thù bạo ngược.
“Bình sinh độc báo tiên ưu niệm,
Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên.”
(Hải khẩu dạ bạc hữu cảm)
Nỗi lo dân đã thường xuyên day dứt Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi đã đêm đêm chẳng ngủ.
Có đêm thức mãi bên ngọn đèn mờ. Có đêm ngồi mãi dưới vầng trăng lạnh. Có đêm tựa
mãi bên song suốt ba canh mưa gió. Có đêm thổn thức nỗi nhớ quê hương. Có lúc nửa
đêm bỗng xô gối ngồi dậy:
“Quốc phú binh cường chăng có chước,
Bằng tôi nào thửa ích chăn dân” (Trần tình, số 37)
Làm gì đây để giúp ích cho nhân dân? Nhân dân còn sống dưới nanh vuốt của quân thù,
nhân dân bao giờ được giải phóng? Nhân dân bao giờ trở lại cuộc sống no ấm, an vui?
Nhân dân bao giờ hết nỗi sầu than, oán giận? Song, chính những ưu hoạn của nhân dân
ngày đêm thôi thúc Nguyễn Trãi suy tư để tìm ra con đường đuổi giặc cứu nước. Ông đã
đem hết trí tuệ, tâm huyết, tài năng cùng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn giành lại đất
nước. Sự nghiệp lẫy lừng của ông trên mọi lãnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, văn
hóa gắn liền với tấm lòng yêu nước mãnh liệt của ông, gắn liền với những suy tư, sáng
tạo của người trí thức.
Người trí thức ấy đã trở thành anh hùng bởi người ấy đã gắn bó với nhân dân trong sự
nghiệp chiến đấu đánh đuổi quân thù:
Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược,
Có nhân, có trí, có anh hùng.
(Bảo kính cảnh giới, số 132).
Cuộc chiến đấu chống giặc Minh giành thắng lợi. Và sau bao năm mong đợi, Nguyễn
Trãi đã tưởng nay là lúc có thể đem hết tâm huyết và tài năng làm cho đất nước được
phồn vinh, nhân dân được no ấm, hạnh phúc. Nhưng tình thế của đất nước lúc bấy giờ lại
diễn ra không giống như ông mong đợi. Chế độ phong kiến quan liêu được ổn định, được
củng cố thì nó cũng ngày càng bộc lộ những mặt tiêu cực với những mâu thuẫn không thể
giải quyết. Nghe những lời xiểm nịnh và cũng vì lo bảo vệ vương nghiệp của mình, Lê
Thái Tổ đã giết hại các công thần và Nguyễn Trãi trong dịp này cũng đã bị nghi ngờ và bị
bắt, rồi được tha, nhưng không còn được tin dùng như trước. Và lúc bấy giờ, Nguyễn
Trãi phải sống một cuộc sống dở dang:
Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải. (Thủ vĩ ngâm, số 1)
Nhận một chức tước khá cao nhưng không thể thi thố tài năng, chịu bó tay trước mọi điều
ngang tai trái mắt,ông sống giữa triều đình mà như ở ẩn.
Về cái “ lều một gian ” ở “ góc thành Nam ” trong cảnh:
Bữa ăn dầu có dưa muối,
Áo mặc nài chi gấm là. ( Ngôn chí, số 4)
Ông sống như người ở ẩn nhưng lại chẳng lúc nào được an tâm trước những việc đang
diễn ra ở triều đình và ngoài xã hội.
Đã bao lần ông kiến nghị với vua những kế sách giúp dân dựng nước, nhưng chẳng được vua noi theo.
Ông muốn triều đình không nên quá nặng về sưu thuế và trừng phạt mà chỉ nên chăm lo
sao cho dân làm tốt, học tốt:
Nên thợ, nên thầy vì có học,
No ăn, no mặc bởi hay làm.
(Bảo kính cảnh giới, số 17)
Trước cảnh đói khổ của nhân dân, ông đã có lúc nổi giận và bảo vào mặt bọn triều thần:
“ sở dĩ có tai nạn ấy chính là tự lũ các ông. Các ông chỉ là đồ thích sưu cao thuế nặng, vơ
vét của dân cho nhiều…”.
Phân biệt về âm nhạc, ông nói: “ Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc…
Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn nuôi muôn dân khiến cho trong thôn cùng
xóm vắng không có một tiếng oán giận sầu than, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc ”.
Cái gốc của nhạc cũng là cái gốc của toàn bộ đời sống của nhân dân.
Sao cho nhân dân được ấm no, giầu đủ để không còn tiếng “ oán giận sầu than ” đó là
điều vốn đã theo ông từ nhỏ, tới nay vẫn tiếp tục day dứt ông đến già.
Có những buổi chiều tàn, ông một mình đứng giữa trời nước. Sông bát ngát như cái vô
hạn của thời gian, và lá rơi, lá rơi như nhắc nhở cái hữu hạn của một kiểu sống, như
những giọt lệ xót thương cho mối hận của anh hùng.
Kim cổ vô cùng giang mạc mạc,
Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu. (Văn hứng, số 78)
Lắm lúc ông cảm thấy mình như chiếc thuyền con bơ vơ trên bể cả:
Thuyền mọn còn chèo, chăng khứng đỗ,
Trời ban tối, ước về đâu. (Ngôn chí, số 14)
Về đâu đây? Mọi nẻo đường đầy bế tắc trước người trí thức bơ vơ giữa một xã hội đầy
dẫy bất công. Nguyễn Trãi chưa nhận thức được rằng: trong xã hội phong kiến, nhân dân
chưa thể làm chủ vận mệnh của mình thì bi kịch của người trí thức là tất yếu. Đó là số
phận chung của tất cả những người trí thức trong xã hội phong kiến đã trót mang tâm hồn
cao cả như Chu Văn An, như Nguyễn Du, như Ngô Thì Nhậm, như Cao Bá Quát. Mọi
nẻo đường đều dẫn họ đến bi kịch.
Nguyễn Trãi không thể làm thế nào khác.
Không thể hòa theo sự thối nát của triều đình và sống trên mồ hôi nước mắt của nhân
dân. Đó là cái chết thê thảm của tâm hồn và phẩm chất.
Cũng không thể phiêu lưu làm một cuộc nổi dậy nữa để chống lại triều đình. Đó là cái
chết tuyệt vọng ở chiến trường.
Cũng không thể can tâm trốn đời đi ở ẩn. Đó là cái chết mòn nỏi của con người mà tấm
lòng ưu ái đối với nhân dân lúc nào cũng như nước triều cuồn cuộn.
Nguyễn Trãi đã bơ vơ giữa ngã ba đường: ẩn chẳng phải mà triều quan cũng chẳng phải.
Nguyễn Trãi đã làm hàng trăm bài thơ để ngợi ca cuộc sống xa cảnh phồn hoa, với một
tâm hồn thanh cao không “ bận bụi đời ”. Nhưng đọc thơ ông, ta càng thấy những lời lẽ
đó đã hoàn toàn trái ngược với trạng thái thực sự của tâm hồn ông. Đàng sau những câu
chữ, chúng ta đã thấy nổi dần lên tấm lòng của một con người không bao giờ nguôi trước
cuộc sống đang diễn biến phức tạp trên đất nước yêu quý của mình.
Bui một tấc lòng ưu ái cũ,
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng. ( Thuật hứng, số 50 )
Song , không thể sống trong cảnh triều đình lũng loạn, vua quan chỉ biết ăn chơi xa xỉ và
không quan tâm đến đời sống của nhân dân, Nguyễn Trãi đã cáo quan về ở ẩn. Nhưng dù
trở về sống trong cảnh an nhàn nơi thiên nhiên núi rừng khoáng đạt, Nguyễn Trãi vẫn
không thể nguôi lòng khi lo lắng cho vận mệnh dân tộc và cuộc sống của nhân dân. Tuy
thân nhàn, nhưng tâm của người anh hùng vĩ đại ấy thì không hề nhàn. Lắm lúc, ông mơ
ước có một phép lạ nào đó giúp ông đem lại đời sống “ giầu đủ ” cho dân:
Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giầu đủ khắp đòi phương.
(Bảo kính cảnh giới, số 170)
Mơ ước của ông đã chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Nhân dân khó lòng giầu đủ dưới
chế độ phong kiến. Ưu hoạn của nhân dân tiếp tục là những ưu hoạn lớn nhất của Nguyễn
Trãi, con người đã suốt đời coi “ công việc của quốc gia làm công việc của mình, lấy điều
lo của sinh dân làm đìều lo thiết kỷ ”.( Chiếu cấm các đại thần,tổng quan cùng các quan ở
Viện, Sảnh, Cục tham lam lười biếng). Sinh ra từ cát bụi rồi lại trở về với cát bụi hư vô.
Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi tưởng đã bị cuốn phăng khỏi guồng quay của
thời gian, chuyến hành trình dài của lịch sử nhưng chính bởi hồn thơ văn chất chứa đã
khẳng định tên tuổi, tạc linh hồn vô hình lên vóc dáng dân tộc, để lại cho đời những tiếng
thơ bất hủ, vang dội mà cũng không kém phần lắng đọng, tinh tế, bình dị như chính
những rung động nhẹ nhàng trong trái tim Nguyễn Trãi:
"Nhắc đến tên ông là thấy thơ
Như một nguồn thiêng chẳng bến bờ". (Tế Hanh)