



Preview text:
Quy định mới về thỏa thuận về lãi suất trong hợp đồng cho vay Luật sư tư vấn:
Lãi suất cho vay được hình thành từ nhiều yếu tố dựa trên nguyên tắc chi phí - hiệu quả, có tính
đến nhu cầu luôn biến động của thị trường tài chính tiền tệ. Nghiên cứu các điều khoản về lãi
suất trong hợp đồng cho vay, theo tác giả cần phải xem xét vấn đề này trong mối quan hệ pháp lý
- kinh tế. Từ đó, làm sáng tỏ nhân tố tác động làm thay đổi, điều chỉnh lãi suất.
1. Quy định về tự do thỏa thuận lãi suất trong hợp đồng cho vay
Lãi suất do các bên thỏa thuận ghi trong hợp đồng cho vay, về nguyên tắc phải phù hợp với sự
điều hành chính sách lãi suất của Nhà nước trong từng thời kỳ (Điều 91 Luật Các tổ chức tín
dụng năm 2010), phù hợp với mục tiêu của từng ngành nghề, từng lĩnh vực nhất định có sử dụng
vốn vay. Theo cơ chế lãi suất này, các quy định của pháp luật đã thể hiện nguyên tắc tự điều tiết
lãi suất mang tính linh hoạt, xuất phát từ nhu cầu thực tế của bên vay. Đó là những biến động
cung cầu vốn, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng, chi phí, lợi nhuận ước tính.
Trên lý thuyết, thỏa thuận lãi suất giữa các bên vay vốn dưới hình thức: i) thỏa thuận trong
khuôn khổ cho phép (theo biên độ trần và sàn lãi suất do Nhà nước ấn định của kỳ hạn vay); ii)
hoặc tự do thỏa thuận lãi suất, có điều chỉnh theo biến động thị trường trong từng thời điểm, từng
giai đoạn vay (còn gọi là “lãi suất cố định” hoặc thay đổi theo biến động của thị trường dưới
danh nghĩa “lãi suất thả nổi” - Pháp luật các nước có những quy định khác nhau về lãi suất: Điều
38 Luật Ngân hàng thương mại Trung Quốc, ngân hàng thương mại ấn định lãi suất cho vay phù
hợp với lãi suất trần và sàn được Ngân hàng Nhà nước quy định; Điều 33.1 Luật Ngân hàng Ba
Lan, lãi suất áp dụng là lãi suất cố định hoặc điều chỉnh được quy định trong hợp đồng).
Quy định về tự do thỏa thuận lãi suất trong hợp đồng cho vay là điểm mới, xuất phát từ chủ
trương tự do hóa lãi suất được Đảng, Nhà nước đã hoạch định, mang tầm chiến lược đối với
ngành ngân hàng (Đây là chủ trương của Đảng được ghi tại Báo cáo của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa IX về phương hướng nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010 về việc “Thực
hiện chính sách lãi suất thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường”). Với ý nghĩa kinh tế, tự do điều
chỉnh lãi phải tuân theo nhu cầu vốn trên thị trường, loại bỏ những áp lực can thiệp của Nhà
nước bằng biện pháp hành chính lên lãi suất, như một thời gian dài trước đây đã từng làm. Vấn
đề này cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học khi tác giả tiến hành công tác
khảo sát riêng, lấy ý kiến các chuyên gia, các doanh nghiệp, cá nhân, với tiêu đề: “Lãi suất,
thước đo đánh giá hiệu quả khoản vay, tác động trực tiếp đến lợi ích của khách hàng, là những
chủ thể thường xuyên tham gia quan hệ tín dụng, mong muốn được hưởng chính sách lãi suất
phù hợp, minh bạch”. Khảo sát nhận những đánh giá tích cực và những hoài nghi về lãi suất cao, thiếu minh bạch.
Thông tư số 39/2016/TT-NHNN tiếp tục cụ thể hóa cơ chế lãi suất thỏa thuận theo hướng linh
hoạt, phù hợp với nhu cầu và mức độ tín nhiệm của bên vay. Điều này tạo thế chủ động cho các
tổ chức tín dụng trong kinh doanh, bảo đảm nguyên tắc tự do thỏa thuận giao kết hợp đồng, bảo
đảm quyền tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng. Do không bị áp trần lãi suất, hiện nay phát sinh
tình trạng cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính khá cao, không phù hợp với mặt bằng lãi
suất, kể cả trong lĩnh vực dân sự. Phạm vi can thiệp của Nhà nước bằng các công cụ pháp lý,
kinh tế để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bên vay tiêu dùng “yếu thế” đối với đối tượng này
còn hạn hẹp. Khảo sát của ngành ngân hàng, lãi suất cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính
phổ biến ở mức 40%-50%/năm, cá biệt mức lãi thể hiện qua phán quyết của tòa án có trường hợp
lên đến 72,72%/năm (Hợp đồng tín dụng số 3425317852 ngày 12/8/2014, lãi suất Công ty tài
chính H cho ông H vay là 6,06%/tháng. Xem: Phụ lục Vụ án thứ 4: Bản án số 396/2017/DS-ST
ngày 07/9/2017 Tòa án nhân dân quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh về việc “Tranh chấp hợp đồng
tín dụng” giữa Công ty tài chính Trách nhiệm hữu hạn một thành viên H (nguyên đơn) với ông Lưu Q H (bị đơn).
Giải quyết tốt bài toán lãi, lãi suất trong quan hệ hợp đồng cho vay về cơ bản cũng sẽ giải quyết
hài hòa quyền lợi và các mối quan hệ pháp lý giữa các chủ thể vay, giữa lãi suất trong dân sự,
ngân hàng, khắc phục thiếu sót ở những lĩnh vực giao dịch có liên quan. Đặc biệt là quyền lợi
của người vay tiêu dùng được bảo vệ một cách tối ưu như đúng nghĩa.
Như vậy, thỏa thuận lãi suất giữa các bên trong quan hệ hợp đồng cho vay vẫn được xem là ưu
điểm của pháp luật điều chỉnh hoạt động cho vay ngân hàng hiện nay. Tổ chức tín dụng không
được phép lợi dụng nhu cầu của khách hàng, tự đặt ra bất kỳ mức lãi nào đối với khách hàng, cản
trở quyền tiếp cận tín dụng. Vì những lẽ như được phân tích, nếu lãi suất quá cao so với mặt
bằng của thị trường sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng trả nợ, khi đó khách hàng hạn chế đi
vay làm doanh thu, tăng trưỏng ngân hàng chậm lại. ở góc độ khác, khách hàng vay sẽ tìm đến
các kênh tín dụng “trôi nổi” ngoài ngân hàng, điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến
hiệu quả hoạt động ngân hàng, ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội.
2. Điều chỉnh lãi suất theo thỏa thuận trong hợp đồng cho vay
Rủi ro về lãi suất trong hợp đồng cho vay là một dạng rủi ro trong kinh doanh ngân hàng. Joel
Bessis trong tác phẩm khá nổi tiếng, được lược dịch sang tiếng Việt - “Quản trị rủi ro trong
ngân hàng” (Risk Management in Banking) đã có những phân tích sâu sắc về những rủi ro nếu
ngân hàng cứng nhắc, áp dụng lãi suất cố định trong suốt kỳ hạn của hợp đồng vay như sau:
“Một người vay với lãi suất cố định đối mặt với lãi suất đó tăng, khi đó người cho vay phải chịu
chi phí cơ hội - chi phí là không thể cho vay với lãi suất cao hơn”.
Thật vây, trong các chính sách tín dụng của ngân hàng thương mại, vấn đề rủi ro lãi suất luôn
được đề cao, theo nghĩa “rủi ro khi nguồn tiền trong tương lai của công cụ tài chính diễn biến
bất thường do những biến động của lãi suất thị trường”. Đi kèm theo đó, các ngân hàng thường
quyết định phương pháp điều chỉnh lãi suất theo định kỳ một cách hợp lý, phù hợp với lợi ích của các bên.
Ví dụ: Quyết định số 10/TB-DAB-KHDN ngày 08/01/2018 của Ngân hàng thương mại cổ phần
ĐA đề ra nguyên tắc áp dụng theo sau: Lãi suất điều chỉnh = lãi suất cơ sở + biên độ. Trong đó
lãi suất cơ sở là lãi suất huy động của tiết kiệm thông thường đối với tiền Việt Nam, hoặc lãi suất
điều chuyển vốn theo nguyên tệ tương ứng với kỳ hạn cho vay đối với đô la Mỹ; biên độ đối với
từng thời hạn vay từ 2% đến 4%/năm. Đây được xem là giải pháp được lựa chọn tối ưu trong bối
cảnh kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, được ứng dụng khá phổ biến vào thực tiễn thực
hiện các hợp đồng cho vay.
Chẳng hạn, Hợp đồng tín dụng số 2000-LAV- 201101382 ký kết ngày 14/3/2011 giữa Ngân
hàng thương mại cổ phần X với Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Y, tại Điều 5,
mục 5.1, các bên có thỏa thuận: “lãi suất cho vay áp dụng cho từng lần giải ngân là lãi suất cho
vay... công bố có hiệu lực tại thời điểm giải ngân”. Trong khi đó, tại mục 5 của Hợp đồng tín
dụng số 0443/2016/100 ngày 14/6/2016 ký giữa Ngân hàng thương mại cổ phần NA với Công ty
trách nhiệm hữu hạn GRA được ghi: “lãi suất cho vay... theo quyết định của ngân hàng tại thời
điểm giải ngân theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền”. Dựa vào các điều khoản khung trên (do
ngân hàng soạn), tác giả có nhận định như sau: về bản chất, thỏa thuận lãi suất ghi trong hai hợp
đồng cho vay nêu trên chính là lãi suất điều chỉnh, vốn dĩ được các ngân hàng áp dụng từ lâu,
như một thông lệ khi cho vay. Song, ở cả hai hợp đồng này, các ngân hàng tự trao cho mình
quyền quyết định lãi suất điều chỉnh, thay vì được xác lập bằng một phương pháp khoa học, phù
hợp với các nguyên tắc của biến động lãi, tức là có tăng, có giảm mức lãi, khi đó mới công bằng lợi ích hai bên.
Xét về phương diện quản trị rủi ro lãi suất, điều chỉnh lãi suất là yêu cầu mang tính bắt buộc,
được thực hiện, chi phối bởi chính sách vĩ mô của Nhà nước, của tổ chức tín dụng. Mức lãi suất
điều chỉnh do tổ chức tín dụng đơn phương công bố" tại thời điểm phát sinh trách nhiệm điều
chỉnh dựa trên các tiêu chí nào, có phù hợp với pháp luật hay không, rõ ràng các điều khoản của
hợp đồng vay chưa thể hiện rõ, cho dù trong các quyết định nội bộ của tổ chức tín dụng có đề
cập phương thức điều chỉnh. Quy định trong hợp đồng như viện dẫn trên, theo tác giả sẽ không
tránh những tùy tiện, khó khăn khi được thực thi, gây thiệt hại cho người vay.
Các quy định trước đây cũng như hiện nay không cụ thể hóa nghĩa vụ của các tổ chức tín dụng
phải công khai chính sách lãi suất cho vay và có các chế tài hữu hiệu nếu có vi phạm. Lợi dụng
vào sự thiếu minh bạch này, nhiều trường hợp, khi chính sách lãi suất của tổ chức tín dụng thay
đổi theo hướng giảm đi (có lợi cho bên vay), bên vay vẫn không hay biết, họ phải tiếp tục gánh
chịu lãi suất cao theo mức ấn định ban đầu. Vì vậy, quy định về lãi suất cho vay điều chỉnh phải
có những tiêu chí, phương pháp tính cụ thể, thông báo cho Ngân hàng Nhà nước, làm cơ sở tham
chiếu khi cần thiết (cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác thanh tra, giám sát; Tòa án làm
cơ sở, chứng cứ để giải quyết tranh chấp). Đây cũng là biểu hiện của hành vi thiếu minh bạch,
chủ động loại bỏ thông tin, căn cứ tính lãi suất điều chỉnh trong hợp đồng vay, gây bất lợi cho bên vay.
Thực tiễn pháp luật, các cơ quan tố tụng nghiêm túc áp dụng quy định về điều chỉnh lãi suất
trong hợp đồng vay. Dù vậy, không ít trường hợp, chính các quy định của pháp luật chưa rõ ràng,
còn những hạn chế như viện dẫn làm cho việc thực thi, hiệu quả của điều khoản điều chỉnh lãi
suất vẫn chưa được trọn vẹn.