Tài liệu Chương 1 môn Cơ sở văn hóa Việt Nam | Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Tài liệu Chương 1 môn Cơ sở văn hóa Việt Nam | Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Tài liệu được biên soạn dưới dạng file PDF gồm 14 trang, giúp bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới. Mời bạn đọc đón xem!
Môn: Cơ sở văn hóa Việt Nam (HN2)
Trường: Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Thông tin:
Tác giả:
Preview text:
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Văn hoá và văn hoá học 1.1.1. Văn hoá
Từ “văn hóa” có rất nhiều nghĩa. Văn hóa vốn là một từ Hán Việt có nghĩa gốc
là “làm cho đối tượng trở nên đẹp” (“văn” là “vẻ đẹp”; “hóa” là “biến đổi”, “chuyển đổi”).
Ở phương Đông, thuật ngữ “văn hóa” có từ thời nhà Tây Hán với hàm nghĩa:
dùng Thi, Thư, Lễ, Nhạc, điển chương, chế độ… để giáo hóa dân chúng (đối lập với
việc dùng uy thế, vũ lực để cưỡng chế, bình định, chinh phục…). Và nghĩa này trở nên
thông dụng đối với người Trung Quốc suốt từ đời Hán cho đến cuối đời Mãn Thanh
(cuối thế kỉ XVIII) trước khi được bổ sung, mở rộng thêm một nghĩa mới trong loại
sách được gọi là Tân thư (một loại sách phổ biến khoa học của phương Tây).
Ở phương Tây, thuật ngữ “văn hóa” xuất hiện vào khoảng thế kỉ XVII- XVIII:
tiếng Latinh là cultura, tiếng Anh là culture, tiếng Pháp cũng viết là culture, tiếng Đức
là kultur… Cultura ban đầu có nghĩa là “canh tác, vun trồng” (một mầm cây được
chăm sóc, vun xới sẽ ra hoa, kết trái đem lại lợi ích cho cuộc sống con người). Về sau
culture mang một nghĩa mở rộng “giáo dục, rèn luyện năng lực và phẩm chất cho con
người”. Từ đó về sau, hàm nghĩa “văn hóa” ngày càng được mở rộng, phong phú và sâu sắc hơn.
Hiện nay, trên thế giới người ta thống kê được hơn 400 định nghĩa khác nhau
về văn hóa. Mỗi định nghĩa đều xuất phát từ một góc độ riêng. Điều này cho thấy văn
hóa bao trùm phạm vi vô cùng rộng lớn từ lĩnh vực vật chất (vật thể) đến lĩnh vực tinh thần (phi vật thể).
Khái niệm văn hóa của UNESCO
Trong ý nghĩa rộng nhất, “Văn hoá hôm nay có thể coi là tổng thể những nét
riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội
hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hoá bao gồm nghệ thuật và văn chương,
những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những
tập tục và tín ngưỡng. Văn hoá đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân.
Chính văn hóa làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lí
tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lí. Chính nhờ văn hoá mà con người tự
thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành,
đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm tòi không biết mệt những ý nghĩa
mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên bản thân”(1).
Như vậy, hiểu theo nghĩa rộng: văn hoá là một phức thể - tổng thể các đặc
trưng - diện mạo về tinh thần, vật chất, tri thức, tình cảm... khắc hoạ nên bản sắc của
một cộng đồng, gia đình, xóm làng, vùng miền, quốc gia, xã hội; hiểu theo nghĩa hẹp:
văn hoá là một tổng thể những hệ thống biểu trưng (ký hiệu) chi phối cách ứng xử và
sự giao tiếp trong một cộng đồng, khiến cộng đồng ấy có đặc thù riêng. Văn hoá bao
gồm một hệ thống các giá trị để đánh giá một sự việc, hiện tượng (đẹp - xấu, đạo đức -
vô luân, phải – trái, đúng - sai...) theo cộng đồng ấy.
Tóm lại, bản chất của văn hoá: có nghĩa rộng và nghĩa hẹp; gắn với dân tộc,
khu vực, vùng miền... (tính dân tộc); gắn với thuyết “tương đối luận”: không xét ở
mức độ cao thấp mà xét ở góc độ khác biệt; có hạt nhân là tính nhân văn. 1.1.2. Văn hoá học
Văn hóa học là khoa học nghiên cứu về văn hóa. Trên thực tế, có nhiều bộ môn
khoa học cùng nghiên cứu văn hóa dưới nhiều góc độ khác nhau, song không loại trừ
nhau. Văn hóa học được xem là môn học mang tính liên ngành - một khoa học tích
hợp bao quát nhiều bộ môn nghiên cứu chuyên biệt về văn hóa như: triết học văn hóa,
lịch sử văn hóa, nhân học văn hóa, xã hội học văn hóa.
Sự xuất hiện bộ môn khoa học nghiên cứu văn hóa một cách có hệ thống, xem
nó như những hình thái đặc biệt của cuộc sống con người đã từng tồn tại ở nhiều nước
châu Âu, thường được xác định vào khoảng những năm 50 của thế kỉ XIX. Nhưng
điều đó không có nghĩa là trước đó chưa từng có khái niệm văn hóa học và những đặc
điểm trong hoạt động sinh sống của các dân tộc khác nhau đã không từng là đối tượng
phân tích của các nhà sử học, triết học, địa lí… Đây là muốn nói về sự hình thành một
môn học độc lập, nghiên cứu sự phát triển lịch sử của các văn hóa, tiến hành phân
tích, so sánh các loại hình khác nhau của các văn hóa ấy, nghiên cứu các quy luật vận
hành, tổ chức cơ cấu và sự tương tác giữa chúng với các điều kiện tự nhiên. Ít lâu sau,
((1) Dẫn theo Trần Quốc Vượng (chủ biên) (2008), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, tr. 23-24.
vào cuối thế kỉ XIX, đã thành lập các bộ môn tại một số trường đại học tổng hợp,
thậm chí đã thành lập một số viện hoàn chỉnh mà nhiệm vụ chính của chúng là nghiên
cứu văn hóa trên các bình diện lịch sử, cấu trúc - chức năng… Để tiến hành hệ thống
hóa, khái quát hóa những dữ kiện thực nghiệm cụ thể, các phương pháp, thủ pháp
khác nhau đã được sử dụng, nhiều lí thuyết văn hóa đã được lập ra, các khái niệm văn
hóa học đã sắp xếp các loại thông tin khác nhau vào trong một bức tranh thống nhất
toàn vẹn. Nhiều trường hợp và điều kiện lịch sử đã cho phép tiến hành nghiên cứu văn
hóa trong một bộ môn khoa học độc lập.
1.2. Một số khái niệm khác 1.2.1. Văn minh
Văn minh là từ Hán Việt (“văn” là “vẻ đẹp”; “minh” là “sáng”) chỉ giai đoạn
phát triển cao của văn hoá. Khái niệm văn minh được các học giả phương Tây (Anh,
Pháp, Mỹ...) dùng lẫn lộn hoặc đồng nhất với khái niệm văn hoá. Văn minh cũng là
khái niệm có nhiều cách định nghĩa khác nhau. Mặc dù văn minh là khái niệm gần gũi
với văn hoá, nhưng không đồng nhất. Theo F.Ăngghen, văn minh là chính trị khoanh
văn hoá lại và sợi dây liên kết văn minh là nhà nước. Văn minh chỉ trình độ phát triển
của loài người đã thoát khỏi tình trạng mông muội, dã man; gắn liền với 4 yếu tố: Nhà
nước, đô thị, chữ viết và các biện pháp kỹ thuật tiện ích cho cuộc sống con người.
Đặc trưng cơ bản của văn minh.
- Chỉ trình độ phát triển của lịch sử loài người, trình độ phát triển nhất định của văn hoá.
- Thiên về vật chất, kỹ thuật, đặc trưng cho một khu vực, vùng miền, một thời
đại hoặc cả nhân loại.
- Văn minh là lát cắt đồng đại trong lịch sử phát triển của văn hoá.
Như vậy, văn minh được hiểu là tổng hoà những thành quả về vật chất và tinh
thần mà nhân loại đã đạt được trong quá trình cải biến thế giới xung quanh, là tiêu chí
của trạng thái khai hoá của loài người và của tiến bộ xã hội.
Điểm khác biệt giữa văn hóa với văn minh: Văn hoá Văn minh
Phạm vi bao quát rộng lớn, bao trùm từ Phạm vi hạn hẹp hơn; là một bộ phận
lĩnh vực vật chất đến tinh thần.
của văn hoá; chủ yếu chỉ thành tựu khoa
học kĩ thuật, thiên về vật chất.
Có bề dày truyền thống lịch sử.
Chỉ trình độ phát triển của xã hội (về vật
chất) ở một giai đoạn nhất định. Có tính dân tộc. Có tính quốc tế. Có tính giao lưu, đan xen.
Có thể mua, bán, trao đổi.
Gắn bó nhiều với phương Đông
Gắn bó nhiều với phương Tây
1.2.2. Văn hiến
Phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, từ xa xưa đã phổ biến khái niệm
văn hiến. Có thể hiểu văn hiến là văn hóa theo cách dùng, cách hiểu trong lịch sử. Từ
đời Lý (1010) người Việt Nam đã tự hào nước mình là một nước văn hiến. Đến đời
Hậu Lê (thế kỉ XV), trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết: “Duy ngã Đại Việt chi
quốc, thực vi văn hiến chi bang” (Duy nước Đại Việt ta thực sự là một nước văn hiến).
Từ văn hiến mà Nguyễn Trãi dùng ở đây là một khái niệm rộng, chỉ một nền văn hóa
cao, trong đó nếp sống tinh thần, đạo đức được chú trọng.
Văn hiến (“văn” là “vẻ đẹp”, “hiến” là “hiền tài”) thiên về những giá trị tinh
thần do những người có tài đức sáng tạo ra; là truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp.
Hiểu theo nghĩa rộng, một nước văn hiến là một nước có truyền thống văn hoá lâu đời,
có đời sống văn hoá tinh thần phát triển thể hiện ở văn chương sách vở, phong tục tập
quán, điển chương chế độ và có nhiều nhân tài anh hùng hào kiệt làm rạng rỡ non sông đất nước.
1.2.3. Văn vật
Văn vật (“văn” là “vẻ đẹp”, “vật” là “vật chất, hiện vật”) có nghĩa hẹp hơn văn
hóa, là truyền thống văn hóa tốt đẹp được biểu hiện ở nhiều nhân tài trong lịch sử và
nhiều di tích lịch sử. Văn vật còn là khái niệm hẹp để chỉ những công trình hiện vật có
giá trị nghệ thuật và lịch sử. Khái niệm văn vật cũng thể hiện sâu sắc tính dân tộc và
tính lịch sử. Khái niệm văn hiến, văn vật thường gắn với phương Đông nông nghiệp
trong khi khái niệm văn minh thường gắn với phương Tây đô thị.
Văn vật thường gắn với truyền thống, những thành quả văn hóa, những công trình
hiện vật tốt đẹp, sinh động, độc đáo, bền vững tiêu biểu cho miền, vùng, địa phương
(những công trình hiện vật như đền, đài, thành quách…; người ta thường nói: Hà Nội
nghìn năm văn vật…).
Như vậy, các khái niệm: văn minh, văn hiến, văn vật thường mang hàm nghĩa hẹp
hơn văn hóa, là một bộ phận của văn hóa.
1.2.4. Giao lưu văn hoá
Lịch sử đã chứng minh, quá trình tồn tại, phát triển của loài người luôn gắn liền
với quá trình trao đổi các giá trị, sản phẩm văn hoá giữa vùng miền này với vùng miền
khác nhằm đáp ứng nhu cầu của con người. Vì vậy, giao lưu văn hoá tồn tại như một
quy luật của xã hội loài người.
Tạp chí Cộng sản số 13, tháng 7 năm 1996 định nghĩa: Giao lưu văn hoá là sự
tác động qua lại biện chứng giữa các yếu tố văn hoá nội sinh và ngoại sinh trong quá
trình phát triển; trong đó, các yếu tố văn hoá nội sinh giữ vai trò chủ thể, có ý nghĩa
quyết định trong việc định hướng mối quan hệ của chúng với các yếu tố ngoại sinh.
Các yếu tố văn hoá ngoại sinh ảnh hưởng mạnh mẽ dưới dạng kích thích hay kìm hãm
sự tiến hoá của văn hoá nội sinh.
Các khái niệm được sử dụng tương đồng với giao lưu văn hóa như: đan xen
văn hoá, giao thoa văn hoá, hỗn dung văn hoá, thâm nhập văn hoá...
Trên thực tế, có hai loại hình giao lưu văn hoá chủ yếu: giao lưu văn hoá tự
nhiên, tự nguyện và giao lưu văn hoá cưỡng bức. Loại hình giao lưu văn hoá tự nhiên,
tự nguyện nằm trong sự phát triển bình thường của xã hội loài người; thể hiện ý chí và
thái độ tự nguyện vì mục đích phát triển; các yếu tố tích cực đóng vai trò chủ đạo.
Loại hình giao lưu văn hoá cưỡng bức là giao lưu văn hoá trái quy luật, hệ quả của
xâm lược, bành trướng, thôn tính lãnh thổ; diễn ra sự đồng hoá, áp đặt văn hoá (giữa
văn hoá của chủ thể xâm lược với văn hoá bị xâm lược); các yếu tố hạn chế, tiêu cực
đóng vai trò chủ đạo (đối với văn hoá bị xâm lược).
Tuy nhiên, thuyết “tương đối luận văn hoá” cũng chỉ ra tính tích cực hay tiêu
cực trong cả hai loại hình giao lưu văn hoá đều do chủ thể văn hoá (con người) quyết định.
1.2.5. Tiếp biến văn hoá
Tiếp biến văn hoá là tiếp nhận yếu tố văn hoá ngoại sinh, nhưng cải biến đi cho
phù hợp với bản chất của nền văn hoá dân tộc, làm cho văn hoá dân tộc phát triển đa
sắc nhưng không biến dạng.
Tiếp biến văn hóa là hiện tượng tiếp nhận có chọn lựa một số yếu tố văn hóa
ngoại sinh và biến đổi chúng cho phù hợp với điều kiện sử dụng bản địa, tức phù hợp
với văn hóa bản địa và sau một thời gian sử dụng và biến đổi tiếp thì chúng trở thành
những yếu tố văn hóa bản địa ngoại sinh. Đến lúc này những người dân ở nơi xuất xứ
của nhữngyếu tố văn hóa đó cũng không còn nhận ra chúng vốn là của mình. Ví dụ: thuật ngữ “
” trong tiếng Pháp được người le savon
Việt tiếp nhận và biến đổi thành “xà
bông” hoặc “xà phòng”. Từ “xà phòng” đã trở thành từ Việt ngoại sinh và người Pháp
không thể hiểu hai tiếng “xà phòng” là nói về “le savon”…
Có thể nói, những yếu tố ngoại sinh trong một nền văn hóa là yếu tố tuy có gốc
tích từ bên ngoài nhưng qua tiếp biến văn hóa đã trở thành một bộ phận của nền văn
hóa bản địa, góp phần làm giàu cho nền văn hóa bản địa. Và người bản địa sử dụng
những yếu tố văn hóa bản địa ngoại sinh cũng thuần thục, tinh tế như các yếu tố văn
hóa nội sinh. Như vậy, giao lưu văn hóa là điều kiện cần, và tiếp biến văn hóa là điều
kiện đủ để làm phong phú thêm, giàu mạnh thêm nền văn hóa của một dân tộc.
1.2.6. Bản sắc văn hoá dân tộc
Nói dân tộc là phải nói đến văn hóa và nói văn hóa là phải nói dân tộc. Dân tộc
nào cũng có nền văn hóa của mình. Không có nền văn hóa chung chung. Văn hóa gắn
với dân tộc, nảy mầm, bám rễ trong đời sống lao động, đấu tranh, sinh hoạt của dân
tộc qua suốt quá trình lịch sử. Thước đo trình độ phát triển của một dân tộc chính là
văn hóa. Những giá trị tinh hoa cốt yếu cùng sắc thái đặc thù bền vững của dân tộc,
tổng hòa gắn kết lại với nhau trong nền văn hóa, làm nên bản sắc văn hóa dân tộc. Bản
sắc văn hóa dân tộc là những biểu hiện giá trị đặc thù (vật chất và tinh thần), là sắc
thái riêng biệt trong đời sống xã hội của mỗi cộng đồng dân tộc, từ ăn mặc, ở, đi lại...
đến chiều sâu tâm hồn, cách tư duy và lối ứng xử.
Ở cả hai mặt nội dung và hình thức biểu hiện, bản sắc văn hóa dân tộc gồm cái
bản chất cốt yếu và cái sắc thái đặc thù đã định hình bền vững trong đời sống sinh
hoạt xã hội của mỗi cộng đồng dân tộc, từ chiều sâu tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, lối
sống, đến cách ăn, cách mặc, cách ở, cách suy nghĩ, ứng xử, giao tiếp... Bản chất cốt
yếu làm nên bản sắc văn hóa của một dân tộc có thể bắt gặp ở văn hóa của các dân tộc
khác, bởi lẽ, bản sắc văn hóa dân tộc không phải chỉ là những cái tuyệt đối riêng. Sự
phát triển văn hóa của một dân tộc không tách rời sự phát triển chung của văn hóa
nhân loại. Vì vậy, cùng với cái bản chất cốt yếu là sắc thái đặc thù. Và đây mới chính
là phần đặc sắc riêng biệt của bản sắc văn hóa một dân tộc. Ví như: chủ nghĩa yêu
nước là một giá trị nhân lõi làm nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, cũng là giá trị
làm nên bản sắc văn hóa dân tộc của nhiều dân tộc khác trên thế giới. Nhưng tâm lý
con người, cách thể hiện chủ nghĩa yêu nước cũng như tiếng nói, chữ viết, nhiều kiểu
trang phục, kiến trúc, nhiều thể loại nghệ thuật truyền thống... trong hệ giá trị bản sắc
văn hóa dân tộc Việt Nam thì chỉ có ở dân tộc Việt Nam.
Văn hóa gắn với dân tộc, nền văn hóa của một dân tộc lẽ tự nhiên mang bản sắc
dân tộc. Nhưng bản sắc văn hóa dân tộc mặc dù là cái đã định hình, bền vững nhưng
không phải bất biến mà trải qua những thử thách, biến cố lịch sử có những biến đổi.
Nó có thể mai một đi và có thể sâu sắc hơn, được bồi đắp thêm chất lượng mới, nâng
lên phẩm chất mới phong phú hơn, cao đẹp hơn. Một thử thách to lớn đối với một dân
tộc suốt lịch sử tồn tại, phát triển là việc bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
mình. Để mất bản sắc văn hóa dân tộc là đẩy dân tộc tới suy vong. Cho nên, vấn đề
sống còn luôn đặt ra đối với một dân tộc là phải xây dựng văn hóa dân tộc sao cho nó
không những không bị mai một đi bản sắc mà ngày càng đầy đặn, phong phú hơn.
Trải qua mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã xây
dựng và ngày một bồi đắp phong phú nền văn hóa in đậm bản sắc dân tộc.
Quá trình xây dựng văn hóa dân tộc là quá trình sàng lọc, gạt bỏ những cái đã
trở thành lạc hậu, điều chỉnh, bổ sung thêm những nhân tố mới thích hợp, tiến bộ. Do
vậy, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc không phải là công việc phục cổ cực đoan,
cũng không phải là đóng cửa, bằng lòng với những gì đã có mà là sáng suốt đứng
vững trên quan điểm dân tộc chân chính, quan điểm khoa học, nhân văn để loại bỏ
những cái lỗi thời trong phong tục, tập quán cũ và mở rộng giao lưu với các dân tộc
bạn bè trên thế giới, tiếp thu chọn lọc những cái hay, các đẹp, cái thích hợp trong văn
hóa các dân tộc khác, bổ sung vào nền văn hóa dân tộc những nhân tố mới, tiến bộ, hiện đại.
Bản sắc văn hóa dân tộc là tinh túy kết tụ từ các nguồn vốn văn hóa của dân tộc
Văn hóa mỗi dân tộc có ba nguồn vốn: thứ nhất là di sản văn hóa dân tộc đã tích lũy
được trong quá khứ, thứ hai là những sáng tạo mới từ nội lực dân tộc. Thứ ba là tiếp
thu tinh hoa văn hóa thích hợp từ bên ngoài. Nhân tố hàng đầu của văn hóa là con
người. Con người là chủ thể sáng tạo văn hóa, tiếp nhận văn hóa, bảo lưu văn hóa và
tiếp thu văn hóa qua giao lưu quốc tế. Ba nguồn vốn văn hóa dân tộc giàu có đến đâu,
chất lượng ở tầm cao bao nhiêu là tùy thuộc vào con người, vào các thế hệ đồng bào
trong cộng đồng dân tộc. Bởi vậy, chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa dân
tộc, làm cho nó ngày càng đậm đà bản sắc dân tộc thì công việc trung tâm, bao trùm,
quyết định là xây dựng con người. Bản thân mỗi thành viên dân tộc là một biểu tượng
của đạo lý dân tộc, mang bản sắc dân tộc đậm đà, ấy chính là cái biểu hiện căn bản và
điều kiện tiên quyết để xây dựng nên nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
1.3. Con người - chủ thể/ khách thể của văn hoá
Văn hoá là khái niệm gắn liền với sự tồn tại và phát triển của con người. Văn
hoá con người, con người văn hoá trở thành thuật ngữ để phân biệt người với động
vật. Văn hoá do con người sáng tạo ra. “Tất cả những gì không phải là tự nhiên đều là
văn hoá” (Nguyễn Từ Chi). Mọi giá trị, sản phẩm (vật chất, tinh thần) đều do con người tạo
ra. Điều đó nghĩa là, con người là chủ thể, văn hoá là khách thể. Ví như: con người làm ra
nhà cửa, chùa chiền, tác phẩm nghệ thuật… Những sản phẩm ấy phụ thuộc vào sự sáng tạo của con người.
Con người tạo ra văn hoá qua nhiều mối quan hệ tương tác, chủ yếu là các mối quan hệ sau:
- Con người với môi trường tự nhiên.
- Con người với môi trường xã hội.
- Con người với chính bản thân mình.
Hiện nay, giới nghiên cứu còn nói đến mối quan hệ của con người với thế giới tâm linh.
Với môi trường tự nhiên: con người sống trong môi trường tự nhiên vừa phụ
thuộc, thích nghi vừa khám phá, cải tạo, chinh phục tự nhiên. Con người đã tạo ra môi
trường nhân tạo và đó chính là văn hoá. Văn hoá là sự biến đổi tự nhiên phục vụ cuộc sống con người.
Với môi trường xã hội: con người không sống riêng lẻ mà sống cùng nhau, tạo
thành cộng đồng. Xã hội chính là sự tổ chức mối quan hệ giữa người với người. Con
người là tổng hoà các quan hệ xã hội. Tương ứng với mỗi hình thức tổ chức xã hội, sẽ
hình thành những chuẩn mực, quan niệm, lối sống... Con người điều chỉnh hoạt động
của mình để phù hợp và tuân theo những chuẩn mực, quan niệm, lối sống... được cộng
đồng thừa nhận. Từ đó, tạo ra các sản phẩm văn hoá như là hệ quả của mối quan hệ con người với xã hội.
Trong mối quan hệ với chính mình, con người vừa là sản phẩm của xã hội (nói
trên), vừa là sản phẩm của tự nhiên (bản năng, bẩm sinh). Con người sẽ điều chỉnh,
chế ngự bản năng bẩm sinh của mình cho phù hợp với chuẩn mực xã hội. Văn hoá là
sự chế ngự bản năng, là chiến thắng sự thống trị của bản năng.
Sơ đồ sau đây thể hiện vai trò trung tâm, chủ thể văn hóa của con người:
- Sơ đồ thể hiện mối quan hệ của con người với tự nhiên, CN
xã hội và bản thân con người.
- Con người là trung tâm, là chủ thể văn hoá. TN XH
- Các mối quan hệ là biện chứng.
Nhưng không phải bao giờ con người cũng là chủ thể của văn hóa, có nhiều khi
văn hóa là chủ thể, con người là khách thể. Văn hoá do con người sáng tạo ra, nhưng
chính văn hóa lại trở thành thước đo cho trình độ, sự phát triển của con người. Suy
cho cùng, con người cũng là sản phẩm của văn hoá, là đại biểu mang giá trị văn hoá
do chính mình sáng tạo ra. Mặt khác, nhiều sản phẩm văn hoá do con người tạo ra
nhưng chính con người lại bị chi phối, thậm chí phụ thuộc vào nó. Ví như: con người
tạo ra luật pháp nhưng sau đó lại bị chính những điều mình tạo ra trói buộc…
1.4. Con người Việt Nam - chủ thể/khách thể của văn hoá Việt Nam
Con người sáng tạo ra văn hóa và cũng chịu sự tác động của văn hóa. Vì vậy,
con người mỗi vùng, mỗi quốc gia, hay mỗi dân tộc đều có nét văn hóa riêng, tính dân
tộc riêng phản ánh đặc điểm của văn hóa dân tộc đó. Con người Việt Nam vừa là chủ
thể, vừa là khách thể, đồng thời là hiện thân của văn hoá Việt Nam. Điều này được lí
giải từ đặc điểm khí chất của con người Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu Đào Duy
Anh: “Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay
thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức kí ức thì phát đạt lắm mà giàu trí tuệ
nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lí. Phần nhiều người có tính ham
học. Song thích văn chương phù hoa hơn thực học, thích thành sáo và hình thức hơn
là tư tưởng hoạt động. Não tưởng tượng thường bị não thực tiễn trì hoãn bớt, nên dân
tộc Việt Nam ít người mộng tưởng mà phán đoán thường có vẻ thiết thực lắm. Sức làm
việc khó nhọc, nhất là người ở miền Bắc thì ít dân tộc bì kịp, cảm giác hơi chậm chạp,
song giỏi chịu đau đớn cực khổ và hay nhẫn nhục. Tính khí cũng hơi nông nổi, không
bền chí và hay thất vọng, hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài; ưa hư danh và thích
chơi cờ bạc. Thường thì nhút nhát và chuộng hòa bình song ngộ sự thì cũng biết hy
sinh vì đại nghĩa. Não sáng tạo thì ít, nhưng mà bắt chước thích ứng và dung hòa thì
rất tài. Người Việt Nam lại rất trọng lễ giáo song cũng có não tinh vặt hay bài bác chế nhạo”(1).
Con người Việt Nam mang đặc điểm của nền văn hóa gốc nông nghiệp với
những ưu điểm và nhược điểm riêng. Về ưu điểm, người Việt Nam có tinh thần yêu
nhà, yêu làng, yêu nước (bởi lối sống định cư, quần tụ); sống trọng tình nghĩa (vì phải
dựa vào nhau, tương trợ, chia sẻ nhau trong cuộc sống và trong lao động theo lối tự
cung tự cấp); mềm dẻo, linh hoạt trong ứng xử với cộng đồng (cư dân nông nghiệp lấy
dung hợp, hòa hiếu làm trọng); dễ thích nghi với môi trường tự nhiên (chấp nhận mọi
sự biến đổi, tuỳ thuộc, thích ứng mọi chi phối của tự nhiên); cần cù trong lao động (bù
lại những khó khăn, cản trở của điều kiện tự nhiên, của phương thức sản xuất nông
nghiệp cổ truyền); giỏi chịu đựng gian khổ (vì điều kiện tự nhiên không phải lúc nào
cũng thuận lợi; hạn hán, lụt lội dễ xảy ra, con người dễ gặp bất trắc). .. Nhưng bên
cạnh đó, con người Việt Nam cũng tồn tại những nhược điểm, trong đó có những
nhược điểm lại bắt nguồn từ chính nguyên nhân làm thành ưu điểm, phẩm chất của
con người Việt Nam. Chẳng hạn, chính đặc trưng văn hoá trồng lúa nước đã hình
thành tâm lý tiểu nông (sản xuất nhỏ, manh mún, ít có tầm nhìn xa, bảo thủ); lối sống
coi trọng tình nghĩa là mặt tốt, nhưng cũng từ đó nảy sinh mặt trái là tính tuỳ tiện, ít
trọng lý, ít trọng nguyên tắc, sợ dư luận hơn sợ pháp luật, xuề xoà, hoà cả làng…
Tóm lại, văn hóa Việt Nam được hình thành từ chính đặc điểm khí chất của con
người Việt Nam với những ưu điểm và nhược điểm như trên. Cuộc sống hôm nay đặt
ra cơ hội và thách thức cho vấn đề xây dựng và phát triển con người Việt Nam, trên cả
ba phương diện: chủ thể sáng tạo, khách thể tiếp nhận và bản thân mang trên mình
những giá trị văn hóa của dân tộc. Vấn đề cần quan tâm là xây dựng và phát triển con
người Việt Nam, nhân cách văn hóa Việt Nam trong thời đại mới. Mỗi người Việt (1)(1) Đào Duy Anh (1992), V
iệt Nam văn hóa sử cương, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, tr. 24.
Nam hôm nay, cần ý thức phát huy những ưu điểm và khắc phục, hạn chế nhược điểm
để hướng đến mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
1.5. Chức năng của văn hóa
1.5.1. Quan niệm về chức năng của văn hóa
Con người sáng tạo ra văn hóa, đến lượt nó, văn hóa có tác động trở lại đối với
cuộc sống của con người. Hiểu một cách đơn giản, chức năng văn hóa chính là hệ
thống các tác động của văn hóa đối với con người. Trong giới nghiên cứu, tên gọi và
các chức năng trong hệ thống chức năng của văn hóa còn tồn tại ít nhiều sự khác biệt.
Theo GS Trần Ngọc Thêm, văn hóa có những chức năng cơ bản: chức năng tổ
chức, chức năng điều chỉnh, chức năng giao tiếp, chức năng giáo dục. Ngoài ra, văn
hóa còn các chức năng khác như: chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ, chức năng giải trí…
Nhà nghiên cứu Tạ Văn Thành lại cho rằng: chức năng chính của văn hóa là
chức năng giáo dục. Để thực hiện chức năng này, văn hóa có các chức năng khác như:
chức năng nhận thức, chức năng định hướng đánh giá, xác định chuẩn mực điều
chỉnh cách ứng xử của con người, chức năng giao tiếp, chức năng đảm bảo tính kế tục lịch sử…
Theo GS Trần Quốc Vượng, văn hóa có những chức năng cơ bản: giáo dục,
nhận thức, thẩm mĩ, giải trí.
Như vậy, sự khác biệt nói trên, hoặc chỉ mang tính hình thức của ngôn ngữ diễn
đạt, hoặc xuất phát từ những góc nhìn khác nhau về văn hóa. Về cơ bản, hệ thống các
chức năng văn hóa đã được nhìn nhận, đánh giá tương đối thống nhất. Các chức năng
này khẳng định ý nghĩa, vai trò to lớn của văn hóa đối với cuộc sống con người.
1.5.2. Các chức năng của văn hóa
- Chức năng giáo dục: Đây là chức năng bao trùm nhất của văn hóa, bởi vì văn
hóa bồi dưỡng con người, hướng lý tưởng, đạo đức và hành vi của con người vào điều
hay lẽ phải theo những khuôn mẫu, chuẩn mực mà xã hội quy định. Bằng chức năng
giáo dục, văn hóa tạo cho lịch sử nhân loại và lịch sử mỗi dân tộc một sự phát triển liên tục.
Văn hóa bao giờ cũng hình thành trong một quá trình và được tích lũy qua
nhiều thế hệ, mang tính lịch sử và tạo cho văn hóa một bề dày, một chiều sâu. Nó
được duy trì bằng truyền thống văn hóa, tức là cơ chế tích lũy và truyền đạt kinh
nghiệm trong cộng đồng qua không gian và thời gian. Nó là những giá trị tương đối ổn
định (những kinh nghiệm tập thể) thể hiện dưới những khuôn mẫu xã hội được tích
lũy và tái tạo trong cộng đồng người và được cố định hóa dưới dạng ngôn ngữ, phong
tục, tập quán, nghi lễ, luật pháp, dư luận… Văn hóa thực hiện chức năng giáo dục
không chỉ bằng những giá trị ổn định mà còn bằng những giá trị đang hình thành. Các
giá trị đã ổn định và những giá trị đang hình thành tạo nên một hệ thống chuẩn mực
mà con người hướng tới. Nhờ nó, văn hóa đóng vai trò quyết định trong việc hình
thành nhân cách ở con người, dưỡng dục nhân cách. Một đứa trẻ được sống với cha
mẹ sẽ được giáo dục theo truyền thống văn hóa trong gia đình mình được sinh ra; còn
nếu bị rơi vào rừng, đứa trẻ ấy sẽ mang hành vi, tính nết của loài thú. Chức năng giáo
dục của văn hóa đảm bảo tính kế tục của lịch sử. Nếu gien sinh học di truyền lại cho
các thế hệ sau hình thể con người thì văn hóa được coi là một thứ “gien” xã hội di
truyền phẩm chất con người lại cho các thế hệ mai sau.
Do là một hiện tượng xã hội, là sản phẩm hoạt động thực tiễn của con người,
văn hóa có tính nhân sinh đậm nét và trở thành một công cụ giao tiếp quan trọng
thông qua ngôn ngữ. Nếu như ngôn ngữ là hình thức của giao tiếp thì văn hóa là nội
dung của nó. Điều đó đúng với giao tiếp giữa cá nhân trong một dân tộc, lại càng đúng
với giao tiếp giữa những người thuộc các dân tộc khác nhau và sự giao tiếp giữa các
nền văn hóa khác nhau. Bằng chức năng giáo dục, văn hóa sẽ điều chỉnh xã hội, định
hướng các chuẩn mực, các cách ứng xử của con người. Vì vậy, văn hóa chính là động
lực của sự phát triển.
- Chức năng nhận thức: Đây là chức năng đầu tiên của mọi hoạt động văn
hóa, thiếu nó không thể nói tới chức năng nào khác. Nhận thức là một yếu tố căn bản
để phân biệt giữa con người với loài vật. Loài vật chỉ sống với một ý nghĩ là muốn tồn
tại y như nó có. Con người do nhận thức cao nên ngoài ý nghĩa tồn tại y như nó có,
còn muốn cao hơn. Con người có khả năng tự hoàn thiện theo hướng nhân bản hơn, người hơn.
- Chức năng thẩm mĩ: Đây cũng là một chức năng quan trọng của văn hoá,
nhưng hay bị bỏ quên, bị xem nhẹ. Cùng với nhu cầu hiểu biết, con người còn có nhu
cầu hưởng thụ, hướng tới cái đẹp. Con người nhào nặn hiện thực theo quy luật của cái
đẹp như Các Mác từng khẳng định, cho nên văn hóa nghệ thuật phải có chức năng
này. Suy cho cùng, văn hóa là sự sáng tạo của con người theo quy luật của cái đẹp.
- Chức năng giải trí: Con người có nhu cầu cao về giải tỏa tinh thần, tâm lý, sự
mệt mỏi cơ bắp sau khi lao động, họ tìm đến với các hoạt động văn hóa chính là đi tìm
sự giải trí. Chức năng này cũng không tách rời chức năng giáo dục và không đi ra
ngoài mục tiêu hoàn thiện con người. Bởi lẽ, trong cuộc sống, con người ngoài hoạt
động lao động, còn có nhu cầu giải tỏa tinh thần. Trong một chừng mực nhất định, sự
giải trí là bổ ích và cần thiết. Ví như: sau một vòng quay mùa vụ của cư dân nông
nghiệp trồng lúa nước, đi hội, xem hội là nhu cầu thực sự của người nông dân, không
chỉ đơn thuần là sự giải tỏa tâm linh mà còn là sự giải trí.
Nói tóm lại, nhận biết các chức năng của văn hóa chính là khẳng định rõ ràng
hơn mục tiêu cao cả của văn hóa nhằm hướng tới con người, vì con người. Văn hóa
vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu và động lực phát triển của xã hội
xuyên suốt thời gian và không gian. Văn hóa là chất keo gắn kết con người với con người.