Thông tin về tác giả Nguyễn Tuân - Lý luận văn học | Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Nguyễn Tuân bước vào nghề văn như để chơi ngông với thiên hạ. Về căn bản, đó là phản ứng của chủ nghĩa cá nhân kiêu ngạo ở một thanh niên trí thức giàu sức sống nhưng bế tắc. Tài liệu giúp bạn tham khảo, ôn tập và đạt kết quả cao. Mời bạn đọc đón xem!

NGUYỄN TUÂN, MỘT PHONG CÁCH
ĐỘC ĐÁO VÀ TÀI HOA
GS Nguyễn Đăng Mạnh
Nguyễn Tuân bước vào nghề văn như để chơi ngông với thiên hạ. Về căn bản, đó là phản ứng của chủ
nghĩa cá nhân kiêu ngạo ở một thanh niên trí thức giàu sức sống nhưng bế tắc. Một cái ngông vừa có
màu sắc cổ điển tiếp nối truyền thống của những nhà nho bất đắc chí kiểu Nguyễn Công Trứ, Tú Xương,
Tản Đà…và trực tiếp hơn, của cụ Tú Lan thân sinh ra nhà văn, vừa có màu sắc hiện đại tiếp thu ở chủ
nghĩa siêu nhân của Nít-sơ, quan niệm con người cao đẳng của Git-dơ và các thứ tư tưởng nổi loạn khác
thường thấy trong văn học phương Tây hiện đại. Ngông là một sự chống trả với mọi thứ nền nếp, phép
tắc, mọi thứ "đạo lý" thông thường của xã hội bằng cách làm ngược lại với thái độ ngạo đời. Đó là đặc
điểm của tất cả những nhân vật ưa thích nhất của Nguyễn Tuân trong các tác phẩm của ông trước Cách
mạng tháng Tám.
Nhu cầu chơi ngông buộc Nguyễn Tuân phải đẩy mọi cái thông thường tới cực đoan, thậm chí tới mức
trở thành những kỳ thuyết, nghịch thuyết. Vì thế người ta thấy ở Nguyễn Tuân, dường như cái gì cũng
thành ra những "chủ nghĩa" này khác: chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa duy mỹ, chủ nghĩa xê dịch, chủ
nghĩa hương lạc, chủ nghĩa cảm giác, chủ nghĩa tài tử (dilettantisme), chủ nghĩa ẩm thực và bao trùm lên
tất cả là chủ nghĩa độc đáo. Nguyễn Tuân lo nhất là mất cá tính, là giống người khác. Ông ao ước khi chết
đi được đem luôn theo mình "nguyên cảo" chứ không để lại một bản sao nào ở đời.
Chủ nghĩa độc đáo trong sinh hoạt tất dẫn đến lối sống lập dị, trong sáng tác tất dẫn đến lối ăn nói bất
chấp nội dung ý nghĩa nghiêm túc, tha hồ phóng bút để ném ra những gì kỳ lạ, oái ăm, cầu kỳ, rắc rối.
Cuối cùng tất dẫn đến loại sáng tác "yêu ngôn" với những hình tượng thần bí, kỳ quái.
Dĩ nhiên đấy chỉ là nói phía tiêu cực của ngòi bút Nguyễn Tuân. Trên con đường thể hiện cái độc đáo của
mình, Nguyễn Tuân đã có những tìm tòi tích cực, đạt tới những giá trị thẩm mỹ thật sự. Và nói cho công
bằng, nội dung tâm lý của cái ngông kia không phải chỉ do chủ nghĩa cá nhân bế tắc mà còn do "thiên
lương" của một trí thức yêu nước và biết trọng nhân cách, muốn tách mình ra và đặt mình lên trên cái
xã hội của những kẻ thoả mãn với thân phận nô lệ. Như vậy là cái ngông của Nguyễn Tuân có cơ sở luân
lý của nó - bên cạnh cái luân lý "vô luân" của Nít-sơ, Git-dơ, không phải không có cái khí tiết của Tú
Xương, Yên Đổ… Có thể thấy được phần nào cái luân lý ấy của Nguyễn Tuân trong bài Chén rượu vĩnh
biệt, ông viết nhân cái chết của Tản Đà. Đôi bạn vong niên ấy chẳng đã gắn bó với nhau ở chỗ cùng lấy
lối sống tài hoa lãng tử để chơi ngông với thiên hạ đó sao? Vài tháng trước khi Tản Đà qua đời, Nguyễn
Tuân đã uống với thi sĩ một bữa rượu - ai dè đó lại là "chén rượu vĩnh biệt". Bữa rượu nghèo uống với
nhau trong một văn nhà chật chội, nhếch nhác ở Ngã Tư Sở giữa một ngày hè oi bức, Tản Đà cho Nguyễn
Tuân xem lá thư của Nguyễn Tiên Lãng, nhận làm môi giới xin Bảo Đại trợ cấp cho thi sĩ năm trăm đồng.
Nguyễn Tuân đã ghi lại tâm trạng mình lúc ấy: "Tôi cũng biết thế vậy. Tôi lặng lẽ trao lại lá thư cho ông
Tản Đà. Vẫn lặng lẽ tôi nhấp một chén rượu. Rượu lúc này sao cay sao đắng lạ". "Ông Tản Đà sắp được
triều đình Huế ban cho năm trăm đồng!". Mà rồi từ giờ trở đi, người ta sẽ đưa thi nhân của chúng ta vào
cái thế giới nào đây? Tôi tin rằng từ nay trở đi, cái đời văn chương của một thi nhân sẽ bước sang một
giai đoạn khác. Tôi ngờ rằng, với số tiền trợ cấp kia, ông Tản Đà sẽ không già tay để hạ những vần rất sai
và tác phẩm sau này sẽ nhan nhản những câu thơ rất có "hậu". Sao lại không như thế được?".
Nhưng Tản Đà đã không kịp nhận món tiền trợ cấp đó và Nguyễn Tuân đã "mừng cho cái thơm tho của
một thi nhân. Có lẽ ông Trời muốn giữ cho thi nhân được trong sạch nên đã sớm gọi ông Tản Đà về.
Người trích tiên, đánh vỡ cái chén ngọc ở Tiên cung đã đến lúc mãn hạn đi đày!" .[1]
Trong cái ngông của Tản Đà cũng như của Nguyễn Tuân, vẫn phảng phất "cái thơm tho" ấy của những
nghệ sĩ chân chính. Vì vậy chủ nghĩa độc đáo ở Nguyễn Tuân bên cạnh những biểu hiện tiêu cực, những
tìm tòi phù phiếm, những lối nói năng "cứ như đấm vào họng" người ta (Đôi tri kỷ gượng), vẫn có nhiều
sáng tác nghệ thuật nằm trong văn mạch dân tộc góp phần làm giàu làm đẹp cho văn học nước ta, cho
tiếng nói Việt Nam ta.
Sau cách mạng tháng Tám, cái ngông của Nguyễn Tuân không có lý do tồn tại nữa, vì cái "tôi" của ông
không có lý do gì để đối lập và gây sự với xã hội đã đổi mới. Từ Lột xác, Đường vui, Tình chiến dịch,
đến Sông Đà, Ký chống Mỹ …giọng văn của ông nói chung là tin yêu, đôn hậu.
Cái ngông tuy mất nội dung cố hữu, nhưng một số biểu hiện nghệ thuật của nó vẫn để lại những thói
quen, những kinh nghiệm có thể dùng được trong nghệ thuật cách mạng. Chẳng hạn, giọng khinh bạc
của Nguyễn Tuân được phát huy trên lập trường mới, là vũ khí lợi hại để đánh vào kẻ thù của dân tộc và
những mặt tiêu cực còn tồn tại trong xã hội mới.
Độc đáo, nếu không đẩy tới mức "chủ nghĩa", là một yêu cầu không thể thiếu của nghệ thuật chân chính.
Về mặt này, sở thích và thói quen tìm cách nói mới lạ, không giống ai, đã khiến ngòi bút của ông có sức
hấp dẫn riêng.
Ngày xưa, Nguyễn Công Trứ có hai câu thơ tự hoạ rất ngông:
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
Đúng là muốn chơi ngông thì phải có tài. Làm khác đời mà không tài, người ta gọi là cái gì gì đó chứ
không gọi là ngông. Vì thế, nhân vật Nguyễn Tuân thuần một loại tài hoa tài tử, dù là nam hay nữ, già
hay trẻ, dù làm nghệ nghiệp gì, từ những ông Nghè, ông Cử, ông Huấn Cao trong Vang bóng một thời,
ông Thông Phu, cô Đào Tám trong Chiếc lư đồng mắt cua, đến anh chàng Hồ chữa xe đạp trong Hai tấm
vé số "chơi đàn cải lương nổi tiếng", hay viên thư ký dây thép nào đó trong Chiếc lư đồng… mỗi lúc xuân
tới, thu về, nhìn những phong bì thư đẹp và thơm của những cặp tình nhân gửi cho nhau, lại nổi hứng
"muốn láy son tàu mà đóng dấu niên hiệu cho họ" chứ không nỡ "đóng cái mực đen nhà nước"… Nói
cho cung, tất cả cũng chỉ là những hoá thân khác nhau của anh chàng Nguyễn đó mà thôi - "con người
sinh ra để mà thờ Nghệ thuậ với hai chữ viết hoa" (Đôi tri kỷ gượng).
Sau Cách mạng tháng Tám, khi nhà văn đã làm lành với xã hội và ngày càng hoà mình vào cuộc sống của
nhân dân, thì thế giới nhân vật của ông cũng không còn thu hẹp và mang tính chủ quan qúa nặng như
thế nữa. Nhưng cái chất tài hoa tài tử vẫn là phong thái riêng của nhân vật của ông. Đó là anh tự vệ sao
vuông hồi đầu kháng chiến, chọc chọc lưỡi lê xuống bóng trăng nơi vũng nước hầm đào mà mắng yêu
chị Nguyệt (Đường vui), là anh bộ đội chống Pháp trên chiến trường Tây Bắc nguỵ trang bằng hoa đào và
đuổi giặc giữa rừng đào (Tình chiến dịch), là những pháo thủ thủ đô thời chống Mỹ, trong chiến đấu vẫn
hào hoa thanh lịch (Hà Nội đánh Mỹ giỏi), là những chính trị phạm trong trong nhà tù Sơn La năm nào,
đấu tranh để được ngắm trăng đêm trung thu, là người tù cộng sản Tô Hiệu "trước khi khuất đi còn lẩy
cái câu Kiều đào đông cười gió", là những cô lái đò Tây Bắc có dáng vóc rất "tạo hình" trên những con
thuyền đuôi én cao vút, và những ông lái đò vượt thác sông Đà "tay lái ra hoa" (Sông Đà)…
Nguyễn Tuân mỗi khi cầm bút dường như lại tự đặt cho mình yêu cầu này: phải chứng tỏ cho được cái
tài hoa, uyên bác hơn đời của mình. Ông có thói quen nhìn sự vật ở mặt mỹ thuật của nó, cố tìm cho ra
ở đấy những gì nên hoạ, nên thơ. Đồng thời mỗi điểm quan sát của ông phải là một đối tượng khảo cứu
đến kỳ cùng. Ngày xưa bế tắc trong cuộc đời thực tại, tầm mắt không vượt khỏi được môi trường quẩn
đọng, xám xịt của cuộc sống tư sản, tiểu tư sản, ông thường đi tìm cái đẹp ở thiên nhiên hay ở qúa khứ
tách rời hiện thực. Hồi ấy, dùng tài hoa, uyên bác để chơi ngông với thiên hạ, ông khó lòng tránh khỏi
chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa duy mỹ và lối suy nghĩ phù phiếm chẻ sợi tóc làm tư. Ngày nay, ông đi tìm
cái đẹp, chất thơ ngay trong thực tại và thiên hướng khảo cứu giúp ông tìm hiểu nghiêm túc và sâu sắc
cuộc sống chiến đấu và sản xuất của nhân dân. Nhìn chung, từ Đường vui, Tình chiến dịch, đến Sông Đà
và Ký chống Mỹ… cái uyên bác, tài hoa của Nguyễn Tuân ngày càng được phát huy trên quan điểm nghệ
thuật cách mạng, đã đem đến cho tác phẩm của ông một giá trị thẩm mỹ riêng, một giá trị thông tin
riêng. Thể hiện nét phong cách này, lối viết của Nguyễn Tuân thường tập trung vào một điểm và vận
dụng một cách tổng hợp cách khảo sát của nhiều ngành văn hoá khác nhau để đào sâu cho đến "sơn
cùng thuỷ tận". Vì thế, có những hiện tượng, đối với những cây bút khác tưởng chừng chẳng có gì đáng
nói, nhưng Nguyễn Tuân thì có thể viết mãi, bàn mãi hết trang này đến trang khác; ông lật mặt này, ông
trở mặt khác, xoay ngang, xoay dọc, nhìn xa, nhìn gần, khi thì bằng cặp mắt văn học, khi thì bằng con
mắt hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc, vũ đạo hay điện ảnh, khi lại soi bằng cặp kính nhà sử học, nhà địa lý
học (có khi cả vật lý học, địa chất học, côn trùng học… nữa). Không đọc Nguyễn Tuân, dễ mấy ai biết con
sông Đà có những cái thác như Hát Moong, Hát Tiểu dữ dội đến thế và Tây Bắc có những ông lái đò trí
dũng tuyệt vời đến thế. Nguyễn Tuân đã đếm, đã tính cho ta nghe có bao nhiêu tên làng, tên xóm, bao
nhiêu loài cá, loài chim ở vùng đất Cà Mau, bao nhiêu thứ gỗ quý trên rừng Việt Bắc, bao nhiêu thứ cây
tươi trên các đường phố Hà Nội, bao nhiêu tấm ván trên cầu Hiền Lương, bao nhiêu cái chợ ở thành phố
Sài Gòn… Nhờ có Nguyễn Tuân chúng ta tưởng như được đến chỗ tận cùng của Tổ quốc, đứng trên cái
Bãi Bùn hàng năm lấn ra biển từ 70 đến 100m mà nhìn đảo Hòn Khoai như đang bơi bơi vào đất liền quê
mẹ. Tác phong của Nguyễn Tuân là, nếu có thể, thì phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, để mô tả cho chính
xác. Nhờ thế, ta được cùng Nguyễn Tuân lên tận đỉnhPhanxipăng để xem những mầm hoa đỗ quyên vĩ
đại màu ngũ sắc (Tây Bắc và Lào Cai), được đến Vân Đồn để nghe vọng về từ qúa khứ tiếng sóng đời
Trần (Huyện đảo), được đến tận đảo Thanh Luân, Cô Tô từ bốn giờ sáng, rình xem mặt trời mọc trên
biển cả (Cô Tô)…
Người ta thường nói đến cái máu giang hồ xê dịch của Nguyễn Tuân. Chính ông cũng thương tự khoe
khoang như thế. Đó là một con người hiếu động, đúng như nhận xét của ông Thông Phu trong Chiếc lư
đồng mắt cua. Hồi ấy, bực bội với đời, ông tưởng có thể đóng vai ẩn sĩ, giam mình suốt đời ở một cái trại
Hạc vắng vẻ nào đó. Nhưng cuộc ở ẩn không qúa được một ngày. Con người kiêu ngạo ấy thế mà rất sợ
cô độc. Chính ở cái trại hoang kia mà ông đã kinh hãi cảm thấy mình hoàn toàn goá bụa "goá vợ con,
thân thích, anh em bạn, goá nhân loại, goá hết cả" (Chiếc lư đồng…). Con người ấy coi sống chỉ là để
thực hiện cá tính của mình, đi đâu, ở đâu cũng chỉ là để tìm mình. Nhưng phải tìm mình trong nhân loại,
phải chen vai thích cánh giữa chỗ đông người. Đó là con người của thành thị, phố xá, của nhà ga, bến
tàu, của cả lầu, tửu quán, hý viện… Không phải ngẫu nhiên mà thuộc vào số những trang viết hay nhất
của Nguyễn Tuân, có những trang viết về chợ búa: chợ Tết Hồng Kông, chợ trời Cống Thần, chợ Tàu Aỉ
Khẩu, chợ hoa Tết Hà Nội… Hiếu động nên thích đi. Đi để "thay thực đơn cho giác quan". Dĩ nhiên phải là
mới lạ, bất ngờ và mãnh liệt: "Tôi muốn mỗi ngày trong cuộc sống của tôi phải cho tôi cái say của rượu
tối tân hôn." (Một lá thư không gửi) . Nguyễn Tuân không chịu nổi cái gì chung chung, nhạt nhạt, bằng [2]
phẳng, hời hợt, quanh quẩn, đơn điệu. Đó là "một nguồn sống bồng bột tắc lối thoát" (Tóc chị Hoài).
Nguyễn Tuân không thích cái gì yên ổn, mực thước, khuôn phép. Ông gọi thế là "công chức", công chức
trong đời sống, công chức trong văn chương. Ông đã từng luận về hai chữ "tung" và "hoành" trong nghệ
thuật. Hoành là mực thước, thiếu cảm hứng mãnh liệt. Tung là tạo ra tiếng "vang dội ầm lên một thời",
là "hành binh bằng một cuộc đại tấn công", là những tìm tòi mạo hiểm, là cảm xúc mạnh, là hơi thở nồng
(Đôi tri kỷ gượng). Con người ấy đã yêu thì yêu mê đắm, đã ghét thì phải căm thù, đã uống rượu thì phải
uống cả cấn "dĩ tận vi độ", đã đi thì đi đến đầu sông ngọn nguồn, tới những nơi tột cùng của Tổ quốc, đã
tìm hiểu, bàn bạc thì phải tìm cho đến ngành ngọn gốc rễ. Đây là ca sĩ của những vẻ đẹp tinh khôi tuyệt
đỉnh của tạo hoá, của sắc ngọc trai đáy biển, của bầu trời trong trên đỉnh núi Mèo, của bông tuyết đầu
mùa ở Lêningrát, của hoa lan "vương giả", cuả bông thủy tiên nở đúng đêm giao thừa… Chữ nghĩa của
Nguyễn Tuân chỉ phô hết màu sắc, góc cạnh khi ông tả những cổng trời Hà Giang, khiến người thì long
bánh chè, ngựa phải truỵ thai, khi tả gió, tả bão, khi ông diễn lại cảnh những ông lái đò vượt thác sông
Đà như lao vào thạch trận…
Trước Cách mạng tháng Tám, nét phong cách sâu đắm này gắn với chủ nghĩa xê dịch, chủ nghĩa hưởng
lạc, với thái độ sống vô trách nhiệm. Sau cách mạng, nếu nói xê dịch thì Nguyễn Tuân còn "xê dịch"
nhiều gấp bội, "xê dịch" trên bộ, trên sông, trên biển, trên trời. "Xê dịch" trong nước, ngoài nước.
Những bây giờ xê dịch có mục đích cách mạng, là đi công tác, đi thực tế, đi mà gắn bó, ở đâu cũng thấy
là quê hương mình.
Đọc Nguyễn Tuân, một mặt thấy ông rõ ràng là cây bút của hôm nay, một nhà văn của thời sự, một mặt
lại thấy có một cái gì rất đỗi cổ kính, cổ điển.
Ngày xưa, trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Tuân, cái cổ điển thường chiếm ưu thế. Đó là nhà văn
của "Vang bóng một thời". Hồi ấy, đối với hiện tại, đối với những cái nhỡn tiền - dĩ nhiên là trong phạm
vi môi trường sống của ông - ông chỉ thấy có chất văn xuôi phàm tục. Ông hoàn toàn thoát ly thực tại,
nhưng nhìn thực tại ông chỉ thấy vẻ đẹp, chất thơ thuộc về những cái của ngày xưa còn vương sót lại.
Cuộc đời đối với ông là một khu vườn tàn tạ khi mùa xuân đã hết. Ông buồn rầu đi tìm kiếm, lượm lặt
những nhành hoa cuối mùa, những cánh hoa tàn rụng. Hồi ấy, ông đối lập xưa với nay, cổ với kim. Ông
tự cho thuộc lớp người "sinh lầm thế kỷ", lạc lõng giữa thời đại - ông thường gọi là thời đại cơ khí khiếm
người ta bị cơ khí hoá đến cả tâm hồn. Không ai tri kỷ, ông dựng lên những nhân vật như Phu nhân họ
Bô, chị Hoài… những con người của thời cũ còn sót lại, để làm nơi ẩn dật của tâm hồn khi cảm thấy quá
mệt mỏi với hiện tại. Ông gọi đấy là những bến nước thiên nhiên khuất nẻo yên tĩnh cho tâm óc ông tìm
đến thả neo. Hồi ấy, đối với những cái của hiện tại ông thường chỉ dành cho những lời khinh bạc. Nhưng
đối với những cái của ngày xưa, giọng văn của ông bao giờ cũng đôn hậu. Đôn hậu nhưng biết bao buồn
tủi, ngậm ngùi. Cái "mỹ học hoài cựu" đó khiến ông nhớ da diết thành phố Huế với cái nhịp chầm chậm
của nước chảy, của lá rơi, của những cô gái Huế bước đi ngăn ngắn trên cầu Thành Thái, một tay giữ lấy
vạt áo dài, một tay kéo nghiêng mép nón bài thơ; giúp ông viết rất hay về Cửa Đại có cái bến nước giống
như bến nước nào đấy trong thơ Đỗ Phủ (chỉ thiếu cái tiếng "dồn châm")…
Chất thơ hoài cựu đó, ông đã gợi lại, dựng lại bằng kỹ thuật và phương tiện hiện đại. Chính nhờ phương
tiện ấy, kỹ thuật ấy, ông đã "phục chế" thành công những bức tranh cổ, những bức tượng cổ, những tấm
bia tàn… Chất thơ hoài cựu chẳng những là linh hồn của những tác phẩm về đề tài cổ, mà còn luôn luôn
phảng phất trên những trang viết của ông về cuộc sống hiện tại. Chỉ cần có chút gì của cuộc đời thực tại
liên quan đến kho tàng văn liệu cổ của ông, là lập tức thế giới thẩm mỹ xưa cũ hiển hiện ngay lên trong
tưởng tượng và tuôn chảy dưới ngòi bút:
"Sương nhìn cái bóng trắng của Tần lâu mãi mà không chịu nhòe với khói than đá, nhớ đến cái thú vị
cuộc tiễn đưa về thời xưa cũ, người ta bày một cái đoản đình, rồi lại một cái trường đình, uống cạn một
chén rượu, người ngồi trên ngựa dùng dằng mãi mới ra roi và nới cương, kẻ đứng dưới thì ngậm ngùi
vòng hai cửa tay áo rộng lại, lạy một lạy và hướng mãi về phía đám bụi hồng không chịu tan bay theo
móng ngựa" (Thiếu quê hương).
Sau Cách mạng tháng Tám, khi Nguyễn Tuân tự đặt cho mình yêu cầu phải "đào thải tất cả cố nhân trong
lòng mình", thì cái "mùi hoài cựu" bị ông coi là một "cố nhân" đáng sợ nhất. Sợ đến nỗi, ông không dám
đi xem hát chèo và đọc Văn đàn bảo giám . Có phải vì lý do ấy chăng mà bẵng đi một thời gian dài, [3]
không thấy ông viết về một đề tài nào nói về dĩ vãng?
Có thể nói, từ Sông Đà trở đi, Nguyễn Tuân mới mạnh dạn và thoải mái viết về cái cũ. Ông vẫn giữ thói
quen tìm cái đẹp xưa trong cái ngày nay. Nhưng giờ đây, ông không viết trên tinh thần đối lập với thực
tại, nghĩa là phủ nhận cái hôm nay, nuối tiếc cái ngày xưa. Trong Sông Đà, ông nhắc lại lý lịch đầy tội ác
của vua Mèo Đèo Văn Long, ông kể chuyện "tô nghệ thuật" tủi nhục của những kiếp "Cô xoè nô tì", để
làm bật sáng hơn niềm vui của Tây Bắc giải phóng; ông ôn lại những gian khổ hy sinh của những người
công sản trong nhà tù Sơn La, thái độ ung dung tựu nghĩa của đồng chí Tô Hiệu, những ngày gối đất nằm
sương, luồn rừng lội suối của các cán bộ hoạt động bí mật hồi Tây Bắc còn bị địch chiếm… để người đọc
thấy hết cái giá rất cao của mỗi ngày được sống trong độc lập, tự do.
Thói quen đi tìm cái xưa trong cái nay khiến Nguyễn Tuân luôn luôn quan tâm đến chiều thời gian, chiều
lịch sử của các sự kiện, các hiện tượng mà ông quan sát, mô tả… Những bài ký của ông, vì thế, có một
phẩm chất riêng, vượt cao hơn giá trị thông tin thời sự đơn giản - không phải chỉ là những tri thức lịch sử
cụ thể sinh động, của tổ tiên ông bà được gợi lên từ lịch sử các địa danh, lịch sử các địa phương mà ông
thường say sưa thuật kể với nhiều chi tiết thú vị.
Về cái vốn văn liệu, thì liệu cổ điển của ông, ngày nay ông cũng sử dụng theo tinh thần mới, thường là để
phát hiện và diễn tả vẻ đẹp tuyệt vời của Tổ quốc mình:
"Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ
thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước
mặt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng
loé lên một màu nắng tháng ba Đường thi "yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu"…" (Sông Đà).
Có những hình ảnh khó phân biệt được cổ hay kim, Đông hay Tây.
"Cho đến cái đêm bọn tôi ra ga xe lửa đi Lêningrát, vàng Nga vẫn còn như níu hoàng hôn giữa khu vường
Bách Thảo có một cặp voi Việt Nam dang mài ngà vào nhau mà nhớ một bụi chuối bên quê
cũ" (Lêningrát tuyết đầu mùa).
Nhiều khi ông cố tình đặt cái hiện đại vào giữa cái cổ điển, tạo ra hiệu quả thẩm mỹ độc đáo: "Mùa ban
nở tháng hai trắng có tí má hồng xếp hàng sẵn bên đường như một buổi liên hoan đón khách quý vào
thăm… Không phải là cưỡi ngựa xem hoa, mà là ngồi com-măng-ca mà xem hoa; ngồi bên cái máy nổ
vận tải mà xuyên quan dặm hoa ban, cái xe hiện đại đi qua cả một thiên tình sử cũ của người Thái vẫn
còn lưu lại một chút hương mát mát xa xa" (Nhật ký lên Mèo).
Cá tính và phong cách Nguyễn Tuân tự tìm đến thể tài tuỳ bút như là một tất yếu. Trong văn học, có lẽ
đây là thể tài chủ quan nhất và tự do nhất.
Tùy bút là gì? Định nghĩa vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì khái niệm bản thân nó đã tự giải thích: là phóng bút,
tùy bút mà viết chứ sao! Nhưng chính vì thế mà khó. Vậy thì còn có thể nói gì về quy tắc thể loại của nó
nữa? Ở phương Tây hiện đại, tùy bút rất phát triển. Nhưng càng phát triển, khái niệm tùy bút càng mơ
hồ hơn. Có người đã nói: "tự do là phép tắc duy nhất của tùy bút". Có thể hiểu một cách đại khái thế
này: người viết tùy bút thường mượn cớ thuật lại một sự kiện, một mẩu chuyện nào đó mà mình có trải
qua để nhân đấy, nêu lên những vấn đề này khác mà bàn bạc, mà nghị luận, triết luận, ném ra những
suy tưởng của mình một cách thoải mái, phóng túng.
Cũng như định nghĩa tùy bút, viết tùy bút vừa dễ, vừa khó. Viết tùy bút thì cứ phóng bút mà viết, khó gì
đâu! Tìm trên báo chí, những người đã viết dăm ba bài tùy bút, bút ký chắc không ít. Những trở thành
một nhà tùy bút, chỉ chuyện viết tùy bút, tạo ra cho mình một sự nghiệp văn chương chủ yếu bằng bút
ký, tùy bút, có lẽ chỉ có Nguyễn Tuân.
Tùy bút do tính chất tự do của nó như thế nên ở mỗi một cây bút lại có những màu sắc riêng.
Tùy bút Nguyễn Tuân có nhiều yếu tố truyện. Nếu xét riêng về mặt thể loại thì qúa trình sáng tác của
Nguyễn Tuân là quá trình đi từ truyện đến tùy bút. Trước Cách mạng tháng Tám, ông viết cả hai loại. Sau
cách mạng, ông viết truyện ít hơn. Từ khoảng 1960 lại đây, tùy bút dường như là thể tài duy nhất của
ông. Nếu đọc truyện ngắn, truyện dài của ông, người ta thường thấy pha chất tùy bút, thì ngược lại, đọc
tùy bút của ông người ta lại thấy có pha chất truyện. Nghĩa là có dùng đến trí tưởng tượng để dựng
cảnh, dựng truyện và có mô tả tâm lý, khắc hoạ tính cách nhân vật đến một chừng mực nào đấy.
Tùy bút Nguyễn Tuân đồng thời lại mang đậm tính chất ký, nghĩa là ghi chép sự thật và thông tin thời sự
chính xác. Một thứ tùy bút pha du ký, ký sự hay phóng sự điều tra. Cần nhớ rằng, ông vốn xuất thân là
một nhà báo, một thông tin viên. Ông cũng đã viết nhiều du ký, phóng sự đặc sắc. Đặc điểm ấy, thêm tác
phong khảo cứu đào sâu đã giúp cho tùy bút Nguyễn Tuân có lượng thông tin đáng tin cậy và có nhiều
giá trị tư liệu.
Đặc điểm của tuỳ bút là giàu tính trữ tình. Nghĩa là tác giả được phép trực tiếp bộc lộ cảm nghĩ của mình,
thông qua cái "tôi" chủ quan mà phản ánh hiện thực.
Tùy bút Nguyễn Tuân đúng là "tùy bút", nghĩa là hết sức tự do. Mạch văn theo dòng suy nghĩ miên man,
chuyện nọ gọi chuyện kia dường như cứ theo trí nhớ "lông bông", "tài tử" mà liên tưởng tạt ngang hoặc
cóc nhảy, bất chấp trình tự thông thường của thời gian, không gian. Người không ưa, gọi thế là đầu Ngô
mình Sở. Người thích thì gọi là có tài đánh - vận động chiến trên trận địa bút ký" . Phải nhận rằng lối [4]
hành văn, dẫn chuyện như thế có ưu điểm là biến hoá linh hoạt không đơn điệu tẻ nhạt, luồng thông tin
phong phú, hình tượng chồng chất đa dạng. Dĩ nhiên muốn thấy được điều đó, phải đọc chậm, đọc kỹ,
đặt mình vào dòng liên tưởng của tác giả mà bắt lấy mạch văn. Rồi lại phải đọc lại và lùi xa ra mà ghi
nhận lấy ấn tượng toàn cảnh, khí mạo toàn bài. Người ta nói đọc Nguyễn Tuân phải đọc lúc nhàn rỗi là vì
thế.
Xét đến cùn, chỗ mạnh chỗ yếu, chỗ hay chỗ dở của tuỳ bút Nguyễn Tuân là ở cái "tôi" của ông. Ông
cũng có một số nhân vật, nhưng nhiều khi đó cũng chỉ là cái cớ để ông thay đổi giọng kể chuyện mà thôi.
Ngày xưa, ông gọi thế là "chơi lối độc tấu". Bây giờ ông cũng vẫn tiếp tục "chơi" một lối ấy. Đã định
"chơi" lối này mà muốn giữ được cảm tình với độc giả tất phải giữ sao cho cái tôi lúc nào cũng có duyên
mặn mà, lúc nào cũng có những điều mới mẻ, bổ ích mà nói. Phấn đấu đạt yêu cầu đó một cách thường
xuyên liên tục, thật khó vậy thay! Nguyễn Tuân đã tự dấn thân vào một con đường cheo leo, nguy hiểm,
luôn luôn bị đe dọa trở thành trơ trẽn, vô duyên, tự lặp lại mình một cách nhàm chán. Những thử thách
ấy, không phải bao giờ ông cũng vượt qua được - và chắc có lúc ông cũng cảm thấy mệt mỏi. Nhưng nhìn
chung, ông đã gan góc và bền bỉ phấn đấu, cố luyện cho mình một bản lĩnh để có thể dấn bước đến
cùng.
Nói về cái duyên của Nguyễn Tuân, người ta nghĩ đến lối nói năng, kể chuyện rất vui, rất hóm của ông.
Đúng là đọc Nguyễn Tuân nhiều khi ngồi một mình mà bật cười. Vui vì viết văn mà cứ như là trò chuyện
thoải mái theo lối tán gẫu, nói trạng. Vui vì giọng văn luôn luôn chuyển đổi, linh hoạt, đang trang nghiêm
cổ kính bỗng chuyển sang bông đùa vui nhộn, đang nói giọng Bắc chuyển sang giọng Trung, giọng Nam.
Vui vì cái chất trẻ trung hồn nhiên của nhân vật "tôi": lúc nào cũng đi lại, hoạt động, háo hức với mọi cái
mới lạ, hễ cứ được no tai, no mắt là thích.
Nói đến tuỳ bút Nguyễn Tuân, phải nói đến giá trị của nó về mặt văn chương chữ nghĩa hiểu theo nghĩa
hẹp, nghĩa là những tìm tòi sáng tạo trong cách diễn ý, tả cảnh, trong cách đặt câu, dùng từ . Nguyễn [5]
Tuân thuộc số những nhà văn yêu tha thiết và hiểu sâu sắc tiếng mẹ đẻ. Ông sống với từng hình ảnh
khắc họa, từng câu viết, từng từ đặt trên trang giấy.
Đọc Nguyễn Tuân, nhà tu từ học kiếm được nhiều bằng chứng thú vị về những phép ví von, so sánh, ẩn
dụ, hoán dụ, tượng trưng…
Trước cách mạng, lối chơi ngông và chủ nghĩa độc đáo của Nguyễn Tuân thường dẫn đến những lối ví
von tuy chính xác và mới lạ đấy, nhưng nhiều khi thật oái ăm:
"Ông thử roi vào mặt trống, rồi uốn hai đầu xuống, thân roi ưỡn ngửa mãi lên như lúc người đàn bà
tranh một cái hôn bạo" (Đời roi).
Và khinh bạc:
"Thủy tinh bóng đèn điện không có lửa, dưới ánh nắng bóng bẩy như đồ tế nhuyễn mạ và vô liêm sỉ n
những cuộc đời không có chân giá, mỗi tí hào nhoáng phủ lên trên chỉ toàn là của đi mượn" (Chiếc lư
đồng).
Và bi quan:
"Đè lên màu tang bầu không khí thu muộn, chất bóng cốc pha lê nổi bật hẳn lên như nét cười của một
người công binh lúc tắt nghĩ" (Lại đi nữa).
Sau cách mạng, Nguyễn Tuân vẫn có những tìm tòi độc đáo nhưng thể hiện những cảm nghĩ trong sáng,
khoẻ khoắn.
Nguyễn Tuân có lối mô tả cảnh vật bằng những liên tưởng chuyển đổi cảm giác rất tinh tế. Có khi từ cảm
giác chuyển sang tâm trạng: "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sư (…), hồn nhiên như một nỗi niềm cổ
tích tuổi xưa" (Sông Đà), "Mùa đông năm 1967, da trời Hà Nội thấp thỏm xanh ngắt một niềm cảnh
giác" (Hà Nội đánh Mỹ giỏi)…
Câu văn Nguyễn Tuân cũng có nhiều kiểu kiến trúc đa dạng. Ông là một nghệ sĩ ngôn từ biết chú trọng
tới âm điệu, nhịp điệu của câu văn xuôi. Ông thường nói, người làm nghề viết phải biết tạo ra những câu
văn có khớp xương biết co duỗi nhịp nhàng.
Nguyễn Tuân có một kho từ vựng hết sức phong phú mà ông đã cần cù tích lũy với lòng yêu say mê tiếng
mẹ đẻ. Mà không phải chỉ tích lũy những từ sẵn có. Ông luôn luôn có ý thức sáng tạo từ mới và cách
dùng từ mới. Vốn từ vựng đối với người viết văn như nước đối với cá. Từ càng giàu có, người viết càng
thả sức tung hoành. Đọc Nguyễn Tuân, thấy ông như con cá vùng vẫy thoải mái giữa hồ sâu nước cá là vì
thế.
Vốn từ vựng ấy, trước Cách mạng tháng Tám, ông thường dùng để chơi ngông với đời hoặc đưa ra
những cách nói năng oái ăm kỳ cục cốt để trêu ghẹo thiên hạ, hoặc đổ tràn ra mặt giấy để phô tài, khoe
chữ.
Sau Cách mạng tháng Tám, ông dùng vốn từ ngữ ấy để ngợi ca Tổ quốc, ngợi ca nhân dân và để đánh
địch.
Nói chung, vốn từ ngữ của Nguyễn Tuân thường bộc lộ đầy đủ "trữ lượng" của nó trong hai trường hợp:
một là khi ông tập trung đi sâu vào một điểm mà mô tả, nhu cầu tránh trùng lặp buộc ông phải tung ra
tất cả những từ đồng nghĩa có trong vốn liếng của mình (từ sẵn có nhiều khi không đủ, ông phải sáng tạo
ra những cách diễn đạt đồng nghĩa khác nhau) . Hai là khi có hiện tượng mới lạ, độc đáo và thú vị đập [6]
mạnh vào giác quan nghệ sĩ của ông, cảm hứng được khơi dậy mãnh liệt - nhiều khi bốc lên say sưa,
chếnh choáng - ông bèn quyết ném ra bằng hết vốn từ ngữ của mình để chạy đua với tạo vật muôn màu
muôn vẻ. Những cuộc chạy đua căng thẳng mà rất hào hứng như thế thường tạo ra những trang tài hoa
nhất của Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân "xê dịch", Nguyễn Tuân ẩm thực
Nói đến Nguyễn Tuân, người ta thường nghĩ đến cái gọi là chủ nghĩa xê dịch. Con người thích chơi ngông
ấy rất khoái khi ném ra được những nghịch lý, nghịch thuyết. Chủ nghĩa xê dịch cũng là một thứ nghịch
thuyết. Đi không cần mục đích, không cần nơi đến, cốt là cứ được lăn cái vỏ mình mãi mãi trên mặt đất
này, dù bằng phương tiện nào, dù đi nhanh hay đi chậm, thậm chí ngồi trên xe hồ lô lăn đường cũng
được. Thứ lý thuyết này thực ra chẳng phải do Nguyễn Tuân sáng tạo ra. Ông vay mượn nó ở phương
Tây. Người đầu tiên nêu ra nó hình như là nhà triết học Nitsơ, kế đó là những Angđrê Giđơ, Pôn
Môrăng… Cái lý thuyết nghe có vẻ vớ vẩn thế thôi, ấy vậy mà có một thời cũng hấp dẫn đáo để. Tôi biết
có những người đã mê Thiếu quê hương của Nguyễn Tuân đến mức bắt chước đến từng chi tiết một
nhân vật mắc bệnh xê dịch trong cuốn tiểu thuyết này. Lại có một chiến sĩ Nam tiến hồi đầu cách mạng,
trên đường vô Nam đánh giặc, trong ba lô chỉ vẻn vẹn có một bộ quần áo và một cuốn Thiếu quê hương
dày cộp. Thực ra du lịch vốn là một cái thú của con người ta xưa nay. Nhưng đây lên đến mức thành cái
gọi là "chủ nghĩa xê dịch" là vì nó phù hợp với tâm lý bực bội của cả một thế hệ thanh niên tri thức thời
thuộc Pháp đầy sức sống, đầy khát vọng tự khẳng định mình, mà lại bị vây hãm vào một cái môi trường
thị dân.
Nguyễn Tuân - người đến được với cái đẹp và cái thật
PHONG LÊ
Xuất hiện trên đàn văn vào cuối thập niên 30 và đầu 40, Nguyễn Tuân đã khẳng định ngay lập tức tên
tuổi của mình ở một văn phẩm gần như thâu tóm và kết tinh mọi tinh hoa làm nên sự hoàn thiện và hoàn
mỹ của một phong cách viết: Vang bóng một thời(1). Đó là tác phẩm rồi sẽ có sự sống của cả thế kỷ, nhận
được rất nhiều và có thể là nhiều nhất những lời bình; nhưng ở đây tôi chỉ muốn dẫn lại hai nhận xét
theo tôi là có giá trị tiên tri. Một là của Thạch Lam - người có cùng năm sinh với Nguyễn Tuân: “Trong cái
vội vàng, cái cẩu thả của những tác phẩm xuất bản gần đây, những sản phẩm đã hạ thấp văn chương
xuống mực giá trị của một sự đua đòi, người ta lấy làm sung sướng khi thấy một nhà văn kính trọng và
yêu mến cái đẹp, coi công việc sáng tạo là công việc quý báu và thiêng liêng”(2). Và hai là Vũ Ngọc Phan -
tác giả bộ sách Nhà văn hiện đại: “Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn
Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức. Một ngày không xa, khi mà văn chương Việt
Nam được người Việt Nam ham chuộng hơn bây giờ, tôi dám chắc những văn phẩm của Nguyễn Tuân sẽ
còn có một địa vị xứng đáng hơn nữa”(3).
Vậy là Nguyễn Tuân, khi trước bạ tên mình vào cuộc đời nghề nghiệp đã làm một cuộc kén chọn để loại
bỏ - một là những người viết cẩu thả, hai là những người đọc nông nổi… Một cuộc kén chọn ráo riết ngay
từ Vang bóng một thời, và ông sẽ trung thành với nó cho đến suốt đời.
Kể từ Vang bóng một thời, cùng với những tên sách gắn với tên Nguyễn Tuân trước 1945 như Ngọn đèn
dầu lạc (1939), Nhà bác Nguyễn (1940), Một chuyến đi (1941), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Tàn đèn
dầu lạc (1941), Tùy bút I (1941), Tùy bút II (1943), Tóc chị Hoài (1943), Thiếu quê hương (1940-1943)… đã
cho ta thấy sự trọn vẹn và trung thành của một cây bút với chính bản ngã và bản lĩnh của mình, trên tất
cả mọi phương diện của sáng tạo văn chương, trong bối cảnh một thời cuộc đang chuyển dần vào đêm
sâu tiền cách mạng của dân tộc.
Nếu hiểu sự hiện hữu của một đời người là gồm hai chiều dọc ngang, lịch đại và đồng đại thì Nguyễn
Tuân là người dứt khoát và quyết liệt nhất trong sự định vị đó, một định vị khiến cho văn phẩm của ông
làm nên hai mảng màu đặc sắc trong đời sống văn chương 1940-1945. Một là sự hoài cổ, trở về với quá
khứ, đi tìm những “vang bóng” của “một thời” xưa, tuy chưa thật xa nhưng đã phủ đầy sương mù của
hoài niệm; và một là sự xê dịch trong không gian, qua các chuyến đi, nhằm tìm những miền đất mới để
thoát cuộc sống đơn điệu, nhàm tẻ, lẹt dẹt, lờ đờ… Cả hai đều để lại nơi văn Nguyễn Tuân những trang
kiệt tác, xét về nghệ thuật ngôn từ và cách miêu tả; và với mảng viết hồi cố - đó không phải chỉ là những
khảo sát tinh tế, tỷ mỷ mà còn là một niềm yêu mến đến thành kính những gì gắn bó sâu xa với hồn cốt
và tinh hoa dân tộc mà ông muốn lưu giữ như một báu vật trong di sản tinh thần của ông cha, trong
tương phản với những gì là tầm thường, vô vị, ô trọc nhan nhản vây bủa trong đời sống nhãn tiền.
Còn xê dịch? Chọn câu của Paul Morand làm đề từ cho Thiếu quê hương: “Ta muốn sau khi ta chết, có
người thuộc da ta làm chiếc va ly”, Nguyễn Tuân dứt khoát khẳng định: “Đứng về phương diện một
người lấy sự hoàn toàn phát triển giác quan của mình làm lẽ chính cuộc sống” thì “không gì thiệt thòi
bằng trung thành với một chỗ ở”. Ở đây, cái nguyện vọng phát triển mọi giác quan cho một người bình
thường, nhất là một nhà văn thì có gì nên tội, nếu không nói là chính đáng. Thế nhưng trong một cuộc
sống tù túng, ngột ngạt như cuộc sống đang vây quanh Nguyễn thì đâu phải chỉ riêng giác quan mà gần
như là toàn bộ cuộc sống của anh, từ hình hài vật chất đến ý thức, tinh thần, cũng sẽ bị thui chột, để
thành những kiếp “chết mòn” hoặc “sống mòn” như phát hiện của Nam Cao. Vậy là sự thèm đi của
Nguyễn rút lại chỉ là một phản ứng đối với một cuộc sống không có sinh thú; còn việc có đi được hay
không lại là chuyện khác; nếu ta biết rằng trục đường quen thuộc của Nguyễn chỉ là khứ hồi Hà Nội -
Thanh Hóa, hoặc Hà Nội - Sài Gòn; không kể một lần ở tuổi 20 phải trốn sang Bangkok theo đường qua
Lào rồi bị giải về quê bằng đường biển, và một lần sang Hồng Kông với đủ mọi vất vả, nhếch nhác của
một thân phận tha hương.
Hoài cổ và xê dịch, ngay từ khi xuất hiện, Nguyễn Tuân đã tạo nên một ấn tượng nổi trội và khác biệt
trong làng văn; sau 1945, đối với giới phê bình mác xít, nó là biểu tượng của sự thoát ly gắn với mặt tiêu
cực của trào lưu lãng mạn. Còn bây giờ, khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập thì nó lại
là hiện tượng thuận chiều với nhu cầu phát triển của con người và xã hội. Tất cả những gì đến trong hoài
niệm của Nguyễn Tuân là hoàn toàn khác với sự nhôm nhoam, cẩu thả, bụi bậm trong cách thức khôi
phục đủ các thứ lễ hội như thời bây giờ. Còn đi - bây giờ ai mà không khao khát đi; và cả thế giới không
nơi nào mà không chăm lo chu đáo cho sự đón tiếp các khách đi - bởi nó là khu vực kinh doanh không
khói, thu được nhiều lãi nhất.
Cần phải kể thêm, trước 1945, Nguyễn Tuân còn là cây bút viết nhiều và kỹ nhất về đời sống trụy lạc -
gồm những thuốc phiện và cô đầu, như trong Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn lầu lạc và nhiều tùy bút có nhân
vật trung tâm hoặc duy nhất là Nguyễn. Đây là mảng viết góp phần tạo nên đặc sắc tính cách và phong
cách Nguyễn Tuân - con một nhà Nho thất thế, như là một cách phản ứng để thoát ra khỏi thế giới tù
túng bao bọc quanh mình, trong tư cách một phá gia chi tử, một kẻ không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào cho
một sự phá phách trong tâm thế bất an. Chọn chính cái tôi của mình để khảo sát và phô bày, ta có thể
nhận ra hai phương diện nạn nhân và tội nhân của một thế hệ thanh niên trí thức trong xã hội thuộc địa
đang đi đến tận cùng những ngày tàn của nó. Không thi vị hóa, cũng không tự xỉ vả hoặc hạ nhục bản
thân mình, Nguyễn Tuân chỉ muốn là sự “chép lại” “một thời kỳ khủng hoảng tâm thần” và một ít tâm
trạng của mình “trong những ngày phóng túng hình hài”(4).
*
Với khởi đầu rất ấn tượng là Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đến với Cách mạng tháng Tám bằng sự
tận lực sống với thời cuộc, với sự sống đương đại, nhãn tiền. Ấy là một thay đổi lớn trong cảm quan và
nhãn giới của một người từng chủ trương quay lưng với cuộc sống, và trong ý thức phá phách chính sự
sống của bản thân mình. Giờ đây, Nguyễn, có lẽ là người sớm nhất, và hồ hởi nhất đến với cách mạng;
bởi, chính với cách mạng, Nguyễn Tuân mới có thể hứa hẹn từ bỏ triệt để con người cũ của mình: “Cái
giờ nghiêm trọng của mày đang điểm… bây giờ hoặc không bao giờ nữa. Mày phải cương quyết lấy mày
ra làm lửa mà đốt cháy hết những phong cảnh cũ của tâm tưởng mày” (Vô đề, 1945). Và hăm hở xuống
đường: “Mê say với ánh sáng trắng vừa được giải phóng tôi đã là một dạ lữ khách không mỏi, quên ngủ
của một đêm phong hội mới”. Trước đây, dẫu chủ trương xê dịch, nhưng Nguyễn đâu có được cái vui đi
cùng dòng người. Còn bây giờ, chỉ đến bây giờ, Nguyễn mới được sống những phút giây sung sướng
cảm động: “Chúng tôi đã ôm lấy nhau và mừng ra nước mắt như hai con bệnh già mới uống liều thuốc cải
lão hoàn đồng” (Ngày đầy tuổi tôi cách mạng).
Vậy là, với Nguyễn Tuân, đã chọn nghề viết, ông đã không ngừng viết bất cứ lúc nào, dẫu với bất cứ
chuyển động nào của lịch sử. Một chuyển động đến “long trời lở đất” như Cách mạng tháng Tám đã
không thể khiến ông ngừng viết (như nhiều đồng nghiệp khác), trái lại càng kích thích ông viết. Bởi dường
như, sau cơn “khủng hoảng tâm thần” và cách sống “phóng túng hình hài”, ông đã tìm ra được lối thoát
cho mình, trong một cuộc giải phóng lớn của dân tộc, như là một thời cơ có một, để làm thay đổi ông,
không chỉ trong tư cách một công dân mà cả trong tư cách nghệ sĩ - người từng có lúc đã tưởng có thể
chết đi được nếu ai đó tước đi quyền viết của mình(5). Chọn tên Cỏ độc lập cho một vở nhạc kịch ngắn
ông viết cho báo Thiếu sinh - số Xuân độc lập 1946 với lời dẫn: “Cỏ này nhấm vào vị ngọt. Tính dược thì
chữa bệnh yếm thế. Đem giã ra gợn lấy nước mà biên chép trên giấy thì không thứ gió mưa nào của cuộc
đời làm phai bợt được. Thời nhân gọi là Độc lập thảo. Nhất danh nữa là Hy vọng thảo”, tác giả Thiếu quê
hương đã dứt khoát một thái độ khẳng định cho hiện tại và ấn định một lòng tin ở tương lai của dân tộc
mà bản thân mình là một thành viên, chứ không còn là một đứa con rơi lạc loài, hoặc hư hỏng.
Tháng Tám - mùa thu cũng đã vào văn Nguyễn Tuân trong vẻ lộng lẫy của một bức sơn mài: “Chưa có thu
nào mà mây mùa khói mùa đẹp được như mây khói mùa này. Sớm cũng như hôm, bốn chiều tám hướng
chân giời Việt Nam nổi bồng lên những hình mây khỏe mạnh và những sắc mây lộng lẫy” (Ngày đầy tuổi
tôi cách mạng).
Với Cỏ độc lập, cùng những trang viết ngay trong những ngày cả nước khởi nghĩa Nguyễn Tuân thực đã
hết mình, và trung thực tuyệt đối với mình trong một cuộc “lột xác” (chữ dùng của ông), và trong cái
quyết tâm “tự đào thải hết mọi cố nhân trong lòng mình”. Chính với ý nguyện như thế ông đã sớm đến
với cách mạng, và cách mạng đã sớm đón ông - người rồi đây sẽ không ngần ngại đi lên chiến khu Việt
Bắc, viết những trang mới nồng ấm tình người trong Đường vui, Tình chiến dịch…; và vui vẻ đảm nhận
chức trách Tổng thư ký đầu tiên của Hội văn nghệ Việt Nam vừa mới thành lập vào cuối năm 1948, cùng
cấp phó đồng sự là Tố Hữu.
*
Nếu Cách mạng tháng Tám đánh thức tình yêu nước và khát vọng độc lập tự do của Nguyễn Tuân, đưa
Nguyễn Tuân vào đội ngũ hàng đầu những người viết sớm trở về với ý thức công dân, và với niềm tự hào
có một Tổ quốc gắn với Sông và Núi, với Đồng cỏ, với một Em bé gái và Quyển Sử Việt Nam, và nhất là với
Cỏ độc lập do Thần Cách mệnh(6) mang đến, để cho ông ngưỡng vọng và ca ngợi thì cuộc kháng chiến
của toàn dân tộc ngay sau đó lại đưa ông vào cuộc sống lớn lao của quần chúng - những người trước đây
đối với ông là hoàn toàn xa lạ. Đó là những con người bình thường nhất, những người làm nên lúa khoai
và bây giờ đang cầm súng; chính họ, chứ không phải là những ai khác đã làm nên những điều kỳ diệu
diễn ra quanh ông. Trên đường lên Việt Bắc đầu 1949, ông ghi: “Trông Dakota và Junker tiếp tế của
hổn hển trong mù sương của ngày mưa lũ mình thấy khoái trong lòng, mặc dầu thời tiết có dằn vặt mình
trên những con đường lầy trơn như tráng mỡ nước”. Gặp một đơn vị bộ đội trong đêm, không rõ mặt,
chỉ là những bóng đen, nhưng vẫn làm ông “ấm lòng ngang với những chấm lửa của lớp Bình dân học vụ
buổi tối trong rừng sâu” (Lại ngược).
Giờ đây niềm sung sướng và hạnh phúc của Nguyễn Tuân là được sống như mọi người, là được lẫn vào
dòng người: “Tôi thành ra cán bộ dân vận. Ngoài giờ công tác ở đơn vị, tôi xách cái túi gai chạy đi các
nhà, ngồi góp chuyện bên bếp lửa, tập nói tiếng địa phương. Tôi thấy tôi trở nên thân mật với người ở
xóm bản như là đã quen biết từ lâu lắm. Rồi nó thành hẳn một nếp tình cảm” (Tình chiến dịch).
Quý những “nếp tình cảm” mới ấy ở một người như Nguyễn Tuân ta càng quý sức cảm hóa của cách
mạng, càng quý những mối quan hệ mới giữa con người và cái ý nghĩa cao đẹp của đời sống tinh thần mà
cách mạng đã đem lại cho mỗi người.
Nhưng không phải chỉ có sự đổi thay trong cái tôi. Trước 1945 Nguyễn Tuân xác nhận: “Lòng kiêu căng
của ta xui ta chỉ nên chơi có một lối độc tấu” (Nhà Nguyễn). Tôi hiểu “độc tấu” ở đây là tùy bút như một
“đặc sản” của Nguyễn Tuân; mặc dù sự thật là ông đã viết nhiều thể loại - gồm cả phóng sự, du ký, truyện
ngắn và dài. Còn bây giờ, cũng là lần đầu tiên Nguyễn Tuân thấy sự gò bó của tùy bút, khi sự kiêu căng
không còn là cần thiết nữa. Trong Hội nghị tranh luận văn nghệ năm 1949, Nguyễn Tuân phát biểu: “Bây
giờ là thời kỳ viết tiểu thuyết, đừng viết tùy theo bút nữa. Viết tiểu thuyết cho con người nói lên
được”(7).
Thế nhưng đâu cần đến tiểu thuyết - việc đó đã có rất nhiều người làm, mà vẫn chỉ với tùy bút, ông vẫn là
người đồng hành cùng cách mạng; hơn thế, còn là người có chung những lo và nghĩ với cách mạng. Hết
kháng chiến, về với đời sống hòa bình, Nguyễn đã có nhiều lúc loay hoay, và hoang mang trong những
biến động của thời cuộc, diễn ra liên tiếp từ sau Chiến thắng Biên giới 1950 cho đến nửa sau thập niên 50
- qua các sự kiện như Cải cách ruộng đất và Sửa sai; Hiệp định Genève về Đông Dương 1954 vừa ký kết
đã bị Mỹ Diệm xé bỏ; những biến động trên trường quốc tế làm lung lay sự bền vững của phe xã hội chủ
nghĩa; cùng các vụ/ việc trong đời sống chính trị và văn nghệ như Chỉnh huấn, Nhân văn - Giai phẩm… mà
ông cùng một số bạn văn “cây đa cây đề” như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Tô
Hoài đều bị hệ lụy ít nhiều.
Nhớ lại và suy nghĩ về một thời như thế - đó là việc rồi cũng cần phải làm, nó nằm trong một bối cảnh
rộng hơn, đó là cuộc đấu tranh dân tộc nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, và cuộc đấu
tranh giai cấp để xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh một thế giới chia làm hai phe, mà một chút
hoài nghi, mọi sự chập chờn, lấp lửng ở giữa đều bị đẩy về phía kẻ thù. Trong khi bản chất của người trí
thức là phải nghĩ, là được nghĩ, là chỉ hành động theo lòng tin của chính mình. Và Nguyễn Tuân, chính là
hiện tượng có ý nghĩa điển hình cho giới trí thức chân chính, luôn trung thực không hề giấu mình, luôn
dũng cảm để nói lên chính kiến, trong những tình thế phải giằng co giữa hai phía để đến với chân lý, nó lẽ
ra hoặc phải là sự gặp gỡ giữa chủ quan và khách quan trong tính thuyết phục của nó, chứ không phải là
áp đặt hoặc răn đe.
Đây là thời kỳ Nguyễn Tuân viết những Phở (1956), Cây Hà Nội (1956), Đọc Sêkhov (1957) và Trả lời Tạp
chí Học tập (1957)… Và sau đó là Tờ hoa (1966), Tình rừng (1968) và Giò lụa (1973)… những bài gây tai
tiếng cho ông; nhưng chỉ ngót 20 năm sau trở đi, lại trở lại giá trị của một cách nghĩ, cách viết dũng cảm,
trung thực và tiên tri, cùng với giá trị văn chương của nó.
*
Chặng đường sau 1960 cho đến khi Nguyễn Tuân qua đời, năm 1987 vẫn là một hành trình liên tục,
không ngừng nghỉ, không nản mỏi, không đứt quãng trên hai trục Đi và Viết, với khởi đầu là Sông
Đà (1960).
Nếu có một nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XX, và nếu nền văn
học đó có được những thành tựu đáng ghi nhận thì theo tôi là vào nửa đầu thập niên 60, sau Đại hội
Đảng lần thứ III với bản giao hưởng Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội - “đường lên hạnh phúc rộng thênh
thênh”(8). Sông Đà góp một giai điệu ấm áp và hào sảng đó vào một thời khó quên trong lịch sử văn học
thế kỷ XX - thời, với những câu thơ có cánh trong Bài ca mùa xuân 1961, Ánh sáng và phù sa, Riêng
chung, Trời mỗi ngày lại sáng; thời của những bộ tiểu thuyết trường thiên như Sóng gầm, Vỡ bờ, Sống
mãi với thủ đô; thời của những áng văn giàu chất trữ tình và chất thơ như Mùa lạc, Rẻo cao, Trăng sáng,
Cỏ non… Và Sông Đà, trước hết đó là vẻ đẹp của thiên nhiên qua một bút pháp rất tạo hình: “Con sông
Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở
hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”; để làm nên một nốt nhấn
đặc sắc trên cả hai chiều hiện tại và quá khứ của một dân tộc đang hào hứng đi vào một sự nghiệp dựng
xây, sau một lịch sử có quá nhiều hy sinh, nhọc nhằn, gian khổ… Trên hành trình ngược Tây Bắc lần này,
Nguyễn Tuân không còn là một lữ khách ham vui, mà tự nhận mình là một người đi tìm vàng, tìm “cái thứ
vàng mười mang sẵn trong tâm trí tất cả những con người ngày nay đang nhiệt tình gắn bó với công cuộc
xây dựng cho Tây Bắc thêm sáng sủa, tươi vui và vững bền”.
Như vậy là qua Sông Đà, từ Sông Đà, Nguyễn Tuân đang có một đà say về cuộc sống mới.
Nhưng rồi chỉ vài năm sau, từ tháng 8-1964, miền Bắc và cả nước bước vào cuộc kháng chiến lần thứ 2
chống Mỹ. Sau sông Đà - Tây Bắc, từ đây Nguyễn Tuân sẽ năng đến với sông tuyến - Hiền Lương, như một
lưỡi dao xẻ đôi đất nước, để viết Đò tuyến, Xuân lửa trên dòng Gianh và sông tuyến, Chỗ đầu cầu đó -
chỗ bờ sông đó - chỗ bãi cát đó… Và nỗi đau đất nước bị xẻ đôi này, cùng với cái nguyên cớ khiến cả dân
tộc phải nhất tề vào trận đã động vào một khu vực nhậy cảm nhất trong hệ giao cảm Nguyễn Tuân, để từ
đó khởi nguồn một giòng viết mới - đó là Hà Nội hào hoa, Hà Nội thiêng liêng, Hà Nội hiên ngang đánh
trả kẻ thù; là chân dung kẻ thù mới không chỉ trên một nửa đất nước phía Nam mà còn là cả bầu trời
miền Bắc trong tập ký Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972-1984). Một tập ký, thật đặc sắc trong cách soi đi soi
lại chân dung kẻ thù mới, không phải chỉ của một nhà văn rất giàu ý thức dân tộc, mà còn là một nhà văn
hóa mang lương tâm thời đại: “Biến cố của lịch sử đã đặt chúng tôi phải đụng độ đương đầu sống mái với
bọn hiếu chiến Hoa Kỳ thì dĩ nhiên chúng tôi cũng phải tìm hiểu Hoa Kỳ về mọi mặt, bằng mọi cách, và
bằng mọi điều kiện có thể của mình. Lực lượng võ trang cả nước tôi tìm hiểu về cách đánh của quân đội
Mỹ. Và những người như chúng tôi tìm hiểu về cách nghĩ Hoa Kỳ để mà cùng đánh Mỹ, đánh cho chết tiệt
đi cái cách nghĩ phản khoa học và trịnh thượng đó của bọn phát xít Hoa Kỳ hợm hĩnh về súng đạn và tính
du côn lộng hiểm” (Gửi một nhà văn Mỹ thật sự yêu tự do và hòa bình).
Nếu có cái gọi là “thế đứng trên đầu thù” thì chắc chắn cũng như Tố Hữu, Chế Lan Viên trong thơ,
Nguyễn Tuân là người chiếm vị trí số 1 trong văn xuôi.
Nguyễn đã viết rất sảng khoái những áng văn vừa là tùy bút vừa là chính luận, với rất nhiều âm hưởng và
giọng điệu qua những cái tên bài thật là độc đáo: Hà Nội giải tù Mỹ qua phố Hà Nội, Cho giặc bay Mỹ nó
ăn một cái Tết ta, Có ba phi công Mỹ đi bộ trong chợ hoa sơ tán, Bên ụ súng Hà Nội, một đám cưới phòng
không, Cánh B52 rụng xuống một thôn hoa Hà Nội, Hà Nội ta vậy mà đã một năm chiến thắng B52, Đất
cùng trời toàn cõi ta từ đây coi như sạch hẳn bóng nó, Đêm xuân năm Hổ này nằm ngẫm thêm về bầy hổ
Mỹ. Quả là ý thức dân tộc luôn luôn là một giòng chảy thật đậm trong văn Nguyễn Tuân, kể từ Vang bóng
một thời, Thiếu quê hương… cho đến Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi. Cùng trên một giòng chảy, nếu ở đầu
nguồn là một tâm trạng yếm thế, với giọng văn hoài nghi, khinh bạc thì đến với hạ lưu là một lòng tin hào
sảng vào tương lai và thế đứng của dân tộc.
*
50 năm viết - ở thời điểm 100 năm ngày sinh hôm nay nhìn lại, Nguyễn Tuân quả đã để lại một dấu ấn
thật sâu đậm trên hành trình văn học hiện đại. Rực rỡ ngay từ khi xuất hiện; không ngừng nghỉ trên một
hành trình viết qua hai chặng trước và sau 1945 - chặng nào cũng là sự trung thực tuyệt đối với bản thân
mình trong tư cách một nghệ sĩ của ngôn từ. Ở tuổi 77, do con tim trở chứng, ông phải vào bệnh viện,
nhưng vẫn mang theo sách để đọc cùng là tiếp chuyện và thư từ với bạn bè; nếu không đột ngột đi ngay
có lẽ ông sẽ viết xong hai tùy bút còn trong dự định - một là về hiện thực trong Liêu trai, và hai là hiện
tượng sữa Ba Vì phải đổ đi trong khi con trẻ cả nước thiếu dinh dưỡng trầm trọng - một tùy bút hẳn
không khác mấy Tình rừng... Một người viết trong ý nghĩa đích thực và cao quý của nó. Một người của
nghề với một quan niệm rất chặt chẽ, nghiêm chỉnh, cẩn trọng về nghề. Đó là nghề viết, trong sự tận tụy
hết mình, dốc cạn mình - để đến với cái đẹp, đúng như một quan niệm văn chương của Hoài Thanh: “Tìm
cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật. Tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình”(9). Dĩ nhiên đây là cái
đẹp trong quan niệm của mỹ học, chứ không phải ở bất cứ lĩnh vực nào khác, như chính trị, hoặc luân lý,
đạo đức; và dĩ nhiên là muốn tới cái đẹp thì phải loại bỏ cái xấu, cũng như cái ác, cái bất lương; và với
Nguyễn Tuân trước 1945 thì đó là bọn người bất tài, mà hợm hĩnh về tiền của, quyền lực; là đám “con
buôn quen sống với đủ thứ hàng họ và buôn Tần, bán Sở”. Còn sau 1945 thì đó là thói giả dối, nịnh hót và
cơ hội - không xứng với một cuộc sống trong sạch và đẹp như ông từng thấy và ao ước. Thậm ghét sự giả
dối, bởi ông là người trung thực; ghét thói nịnh hót và cơ hội, bởi ông là người ngay thẳng. Thật và thẳng
- đó là phong cách sống và viết của Nguyễn Tuân.
Không kể, ở vị thế đối lập triệt để với cái thiện, cái đẹp đó là kẻ thù của dân tộc, mà trên thế đứng của
người quyết thắng, ông đã rất thỏa thuê trút hết những khinh bỉ và phẫn nộ.
Đam mê và sống chết với nghề - đó là nét chung của rất nhiều người chọn nghề viết, chứ không riêng
Nguyễn Tuân. Nhưng với Nguyễn Tuân, đây mới thật là riêng, sáng tạo văn chương phải là một nghề sang
trọng. Xem cách Nguyễn Tuân ứng xử với văn chương, trên từng quyển, từng bài, từng câu, từng chữ,
từng dấu chấm dấu phẩy, viết hoa hoặc xuống dòng… mới thấy nghề văn là công phu như thế nào. Tuyệt
không một thô vụng. Tuyệt không một sơ suất hoặc cẩu thả. Bởi khi đã đến với cách nghĩ văn chương là
nghệ thuật ngôn từ thì ngôn từ phải cùng lúc đảm nhận cả hai trọng trách, hoặc một trọng trách kép - thì
cũng thế: một - đó là tinh hoa tiếng Việt của cha ông và hai là bản sắc riêng của cá nhân mình. Một ngôn
ngữ rất Việt Nam và rất Nguyễn Tuân, đó là cái đích cao nhất mà Nguyễn Tuân đã đến được, ngay từ
những tác phẩm đầu tay cho đến trang viết cuối cùng.
Như vậy là, sau tất cả những gì đã được nói đến mà tôi là người đọc trung thành với Nguyễn Tuân nhiều
chục năm qua đã quá thuộc và thấy không cần phải nhắc lại ở bài này, hôm nay tôi chỉ muốn tìm đến
Nguyễn Tuân như là người của nghề - nghề viết; và là người của chữ - tiếng Việt. Đọc bất cứ trang văn
nào của Nguyễn Tuân ta cũng đều cảm nhận được một cách thật hứng thú cái giàu có, sinh sắc, sống
động, và cái sức diễn tả, biểu đạt thật là tuyệt vời của câu văn ta trên tất cả các phương diện của màu
sắc, âm thanh, hình khối của chữ và nghĩa. Ngôn ngữ Nguyễn Tuân đó là thứ ngôn ngữ có hình, có khối,
có nhạc, và đương nhiên là có hồn - cái hồn được truyền lại từ cha ông và cái hồn của người viết phả vào,
bởi tài năng vận dụng, khai thác hết công suất của nó. Người từng viết Về tiếng ta, Tản mạn chung quanh
một áng Kiều, Băm sáu cái nõn nường Xuân Hương…, cũng như Xuân Diệu là người gần như mê đắm
những từ thuần Việt, tức là những từ đến từ sự sống lam lũ, vất vả qua hàng nghìn năm dựng xây và giữ
gìn đất nước của cha ông. Với Nguyễn Tuân mỗi chữ, mỗi câu là một cân nhắc, một chọn lựa, đừng có ai
nghĩ là phải thêm hoặc bớt, phải đổi thay hoặc cắt bỏ. Bởi với ông, hiểu như R. Barthes (1915-1980) chỉ
được xem là nhà văn, những người có dụng công trau dồi ngôn từ, chú ý tạo ra văn phong, và làm nên
một ngôn ngữ riêng biệt của mình, khác với những người viết thông thường xem chữ viết chỉ là phương
tiện để diễn tả các hành vi, ý tưởng. Như vậy nếu ta tin sự đánh giá của Hoài Thanh đối với các tác gia
Thơ mới: “Họ đã dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt” để tạo nên “một thời đại trong thi
ca” Việt Nam, thì ta sẽ hiểu và tin Nguyễn Tuân khi ông khẳng định: “Về những vấn đề lớn thuộc về vận
mệnh dân tộc, tôi nghĩ rằng cái biểu hiện yêu nước của tôi, ở tôi, tôi chỉ xin khung nó gọn vào vấn đề xây
dựng tiếng nói”(10). Nhận mình là một người lao động, như bất cứ nghề lao động nào khác, trong các
bản khai về nghề nghiệp, thay vì Nhà văn, hoặc Người viết văn, ông ghi: Chuyên viên tiếng Việt.
Chuyên viên tiếng Việt - mà tôi muốn gọi một cách quen thuộc là nghề viết, với phương tiện duy nhất là
tiếng nói và chữ.
Chọn năm 1910 mà ra đời, để 100 năm sinh của mình đúng vào dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội,
Nguyễn Tuân người quê ở Mọc - Nhân Mục, nay thuộc xã Nhân Chính huyện Từ Liêm, sinh ở Hàng Bạc đã
hưởng được những tinh hoa của ba sáu phố phường và trở lại làm sáng danh cho văn hóa thủ đô bởi tất
cả những gì làm nên hồn cốt của một người viết - đó là lòng yêu cái đẹp và khả năng làm giàu cho cái đẹp
ở tư cách một người viết tận tụy và hết mình cho ngôn từ, khiến cho bất cứ lúc nào ông cũng nhận được
sự kính trọng của mọi thế hệ người đọc - để, nói như Kim Lân, ông là “người sung sướng nhất”(11).
Cách đây 23 năm, trong Điếu văn đọc tại Lễ tang Nguyễn Tuân, ngày 28-7-1987, nhà văn Nguyễn Đình Thi
đã nói đến Nguyễn Tuân như là “người đi tìm cái đẹp và cái thật”. Ở dịp kỷ niệm 100 năm năm sinh
Nguyễn Tuân hôm nay, tôi muốn nói một lời khẳng định: Nguyễn Tuân là người đã “đến được với cái đẹp
và cái thật”.
Nguyễn Tuân – Người đi tìm và sáng tạo cái đẹp
Đoàn Trọng Huy –
Đoàn Trọng Huy (*)
Đã có nhiều ý kiến bàn luận về Nguyễn Tuân và cái đẹp [5, tr 179 – 185, tr 219 – 226]. Nhà văn lớn
Nguyễn Tuân được mệnh danh là “Người săn tìm cái đẹp” (Nguyễn Thành), hoặc “Người đi tìm cái đẹp,
cái thật” (Nguyễn Đình Thi) [5].
Các nhà thơ lớn, nhà văn lớn thường có hẳn một hệ thống quan niệm thẩm mỹ, mang nét độc đáo. Vì
vậy, để thấu đáo trong dư luận văn đàn, có thể và cần bàn về mỹ học của Nguyễn Tuân. Nói cách khác,
cần xem xét kỹ về chủ thể thẩm mỹ với các phạm trù biểu hiện và đối tượng thẩm mỹ với đặc tính và các
phạm trù của nó trong sáng tác của Nguyễn Tuân.
YYY
I/ HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM LÝ TƯỞNG THẨM MỸ CỦA NGUYỄN TUÂN
Sự đổi đời, đời sống và đời nghệ thuật của văn nghệ sĩ thời tiền chiến có một “trục bản lề” lịch sử – Cách
mạng tháng Tám 1945.
Nguyễn Tuân cũng không phải là ngoại lệ. Ông quan niệm cái mốc lịch sử ấy đã tạo ra sự Lột xác kỳ diệu
của bản thân.
Hành trình nghệ thuật của Nguyễn Tuân được xác định một cách đại thể là từ Nghệ thuật vị nghệ
thuật đến Nghệ thuật vị nhân sinh.
Tuy nhiên, như giới nghệ sĩ đã nhận định: Nguyễn Tuân là một “hiện tượng” phức tạp. Do đó, con đường
đi từ “nghệ thuật cũ” đến “nghệ thuật mới” cũng phức tạp, không hề đơn giản. Có lúc thẳng tắp, trơn
chu cũng có lúc quanh co, gập ghềnh.
Lột xác ( tên cũ là Vô đề ,Tạp chí Văn mới, 1945) là tâm sự chân thành rất mực, tuy nhiên không tránh
khỏi nét bồng bột, cực đoan. Quả lắc đồng hồ tâm lý phải khuynh tả một chút trong cơn dao động thời
cuộc...: “Mày huỷ diệt hết những con người cũ ở trong mày đi – những con người mà mày mệnh danh là
cố nhân... Đào thải chưa đủ. Phải tàn sát. Giết, giết hết. Thò đứa nào ở dĩ vãng hiện về đòi hỏi bất cứ một
tí gì của mày bây giờ, là mày phải giết ngay. Mày phải tự hoại nội tâm mày đi đã” [4, tr 343].
Đây là cái gìờ nghiêm trọng của đời Nguyễn trong không khí: “Ngoài đường, cuộc Cách mệnh đang bước
dài trên khắp ngả phố”. Đó là giờ khắc tuyệt giao giữa Mới và Cũ. Ở Chùa Đàn vẫn còn là lưu luyến với
một cái đẹp hư ảo trong mối xung đột giả tưởng: “Cho tới ngày nay, chưa có cuộc Cách mệnh nào của
Con Người mà bỏ được tiếng hát” [4, tr 404].
Dù sao, đây mới là tâm sự và chuyển biến nghệ thuật của nhà văn trong buổi đầu khi tiếp xúc và tiếp
nhận cách mạng.
Chặng thứ hai tiếp sau mới là chặng Đường vui.
Cách mạng dần dần giải thoát tâm hồn nghệ thuật cho Nguyễn Tuân, đưa nhà văn đến với nhân dân và
cuộc sống chiến đấu. Tuy nhiên, quá trình chuyển biến cũng diễn ra không hẳn là đơn giản, dễ dàng.
Có thể nói – từng bước, từng bước trên đại lộ của cuộc đời mới và nghệ thuật mới, Nguyễn Tuân dần dần
tiếp cận, và nhận ra được cái đẹp chân chính thật sự tiến bộ. Ý thức thẩm mỹ được hoàn thiện cùng với
sự kiên định lý tưởng thẩm mỹ mới.
Từng là một nhà duy mỹ có hạng, môn đệ trung thành của thuyết Nghệ thuật vị nghệ thuật, chuyển sang
quan điểm nghệ thuật và quan niệm thẩm mỹ mới tiến bộ ngày nay, Nguyễn Tuân đã thực sự tiến hành
một cuộc “cách mệnh” bản thân khổ ải như một trận “Lột xác”. Căn bệnh cũ, đã bằng cách nào hay cách
khác, chỉ rình rập, tái phát, phải mất bao công phu, phòng ngừa và chữa trị mới có thể tiệt nọc!
Thật là chông chênh giữa hoài cổ với tôn sùng nét văn hoá truyền thống, cũng mong manh là giới hạn
giữa thưởng thức tinh tế hương vị, cảnh sắc quê hương, đất nước với thứ nhấm nháp dư vị cổ xưa.
Nhưng nguy hiểm hơn cả, là sự trỗi dậy của một cái tôi cá nhân vị kỷ, kênh kiệu và ngông ngạo trên sự
đời, và tình người, để “khinh thế ngạo vật” như anh chàng Nguyễn ngày nào. Cũng rất vất vả là sự dấn
thân để tìm ra những cái đẹp chân thật, quý giá trên đời bằng tấm lòng thành thực và trí tuệ sắc sảo.
Chỉ từ những năm 60, đặc biệt là những năm chống Mỹ, nhà văn mới bước vào thời kỳ chuyển biến thực
sự trên hành trình nghệ thuật theo lý tưởng thẩm mỹ mới. Ấy là do kết quả của những trải nghiệm thực
tế, thực tâm đi vào đời sống lao động, sản xuất và cả tiếp cận với hoạt động chiến đấu qua cuộc kháng
chiến hào hùng vào bậc nhất của lịch sử dân tộc.
Tuy nhiên, trên dư luận văn đàn, đã từng có những luồng ý kiến nhận xét và đánh giá chưa thật thấu đáo
và thoả đáng về nhà văn.
Đó là khuynh hướng đơn giản, có phần nào phiến diện khi đánh giá hành trình chuyển biến nghệ thuật
của Nguyễn Tuân là triệt để, thông thuận, hoặc nhấn mạnh về một vài phương diện nào đó trong thể
hiện lý tưởng thẩm mỹ hoàn chỉnh. Như nặng về công lao, nhà văn tìm kiếm, phát hiện mà nhẹ phần
cống hiến sáng tạo cái đẹp. Hoặc như tôn vinh cái đẹp, cái thật chưa tương xứng với cái tốt.
Một khuynh hướng gây nhiều hệ luỵ và cả phản ứng với chính nhà văn là giáo điều, áp đặt. Những ý kiến
đánh giá kiểu này thường thiếu cả lý và tình, có định kiến, xơ cứng, máy móc ảnh hưởng của xã hội học
dung tục. Có bạn văn viết về Cảnh sắc và hương vị đất nước trong văn Nguyễn Tuân, đã nhận xét: “... tác
động của xu thế phê bình văn học một thời làm ông chột dạ” [5, tr 218]. Thực ra, Nguyễn Tuân rất dị ứng
với lốphê bình ấy.
II/ VỀ CHỦ THỂ THẨM MỸ
Nói một cách tóm tắt theo lý luận văn học, thì chủ thể thẩm mỹ là chủ thể xã hội, có khả năng hưởng thụ,
sáng tạo và đánh giá thẩm mỹ. Chủ thể thẩm mỹ là các nghệ sĩ, các nhà văn và cả những ai có tiềm ẩn
những năng lực thẩm mỹ như cảm thụ, đánh giá thẩm mỹ và có hoạt động thẩm mỹ ngoài nghệ thuật. Và
như vậy, là hết sức đa dạng, phong phú.
Nguyễn Tuân là một chủ thể thẩm mỹ đặc biệt. Bởi vì, nhà văn lớn có thể ví là “chủ thể của chủ thể”, có
vai trò và vị thế của chủ thể thưởng thức và sáng tạo, đánh giá và định hướng thẩm mỹ. Trong chừng
mực nhất định, ông còn bao quát cả biểu hiện thẩm mỹ và tổng hợp nhiều năng lực thẩm mỹ. Ấy là vì,
trên tất cả, nhà văn có cốt cách và năng lực của một nghệ sĩ tài hoa, một nhà văn hoá đầy bản lĩnh.
Nguyễn Tuân quả là một nhà nghệ thuật đa tài trên phương diện văn chương, ngôn ngữ và cả biểu diễn.
Riêng về văn thì đã hội đủ chất văn thơ, nhạc hoạ và cả kịch, phim – rất hiện đại nữa.
Nguyễn Đình Thi đã tôn vinh Nguyễn Tuân là “một bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ”. Còn Tố Hữu thì nói
đại ý, coi nhà văn là người “thợ kim hoàn” về chữ nghĩa.
Am hiểu nghệ thuật và dấn thân cả trong nghệ thuật âm thanh, ánh sáng và diễn xuất, Nguyễn Tuân
được mệnh danh là con người tài hoa: Tuân tài tử màn ảnh và sân khấu (Thiên Trường), “Nhà văn – diễn
viên Nguyễn Tuân” (Trương Quân), Nguyễn Tuân - diễn viên sân khấu (Đình Quang), Hát ả đào đêm
xuân (Hoàng Cầm),... [5]. Dù là nghệ sĩ trên trang viết, hay tài tử trên sàn diễn, cả hai đều nhất quán
trong một ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng.
Nguyễn Tuân là người có ý thức thẩm mỹ đầy đủ và sâu sắc bậc nhất,. Đó là ý thức như một hệ thống
hoàn chỉnh các thành tố cảm xúc thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ, và nhất là quan niệm và lý tưởng thẩm mỹ.
Nhà văn có đầy đủ các trạng thái rung động một cách trực tiếp và cảm tính trước các hiện tượng thiên
nhiên, đời sống và nghệ thuật – tức có được một cảm xúc thẩm mỹ mạnh mẽ. Qua đó, nhà văn đã khám
phá ra vẻ đẹp của thế giới và con người và cái đẹp khách thể và của chính mình.
Từ Vang bóng một thời, ta như thấy được sự khám phá vẻ đẹp xưa – đến các tác phẩm ký, tuỳ bút trong
hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ chính là sự phát hiện vẻ đẹp chân chính và tiến bộ ngày nay
(Tuỳ bút kháng chiến và hoà bình, tập I – II; Sông Đà; Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi; Cảnh sắc và hương vị đất
nước;...), Nguyễn Tuân đã thể hiện một biệt tài về tìm kiếm và thể hiện cái đẹp muôn hình, vạn trạng để
dâng hiến cho đời. Đối tượng thẩm mỹ kích thích cảm xúc thẩm mỹ của chủ thể, nhưng lại có sự nhập
cảm của ý thức chủ thể vào đối tượng.
Con sông thơ mộng và dữ dội đã trở thành dòng chảy huyền thoại, người lái đò vật lộn thác lũ đã trở
thành dũng sĩ – nghệ sĩ nhờ ngòi bút tài hoa của nhà văn (Sông Đà). Đừng vui, Bài ca trên mặt phần
đường hay chính đó là khúc hát tâm hồn của tác giả ? Cánh B.52 rụng xuống một thôn hoa Hà Nội phải
chăng, là luận đề minh triết về sự đối lập giữa thiện và ác, chính nghĩa và phi nghĩa, là hình ảnh tượng
trưng kỳ thú về đối chứng “huỷ diệt” và “tái sinh”, về sự sống trên cái chết của nhà mỹ học uyên thâm.
Nhà văn tham gia đóng phim Chị Dậu của Ngô Tất Tố, hứa sẽ đóng một vai người Hà Nội trong phim Luỹ
Hoa của Nguyễn Huy Tưởng, nhưng qua những cảnh tượng của núi sông, miền biên giới hay giới tuyến,
nhà văn cũng đã tạo ra những cận cảnh, những đoạn dựng – montage – như điện ảnh.
Nhiều tác phẩm có những tiềm năng lớn cho chuyển thể thành những đoạn phim. Từ “cái biển hoa ấy
đong đưa vì hương lộng... lũng hoa kỳ diệu” để nói lên tâm hồn Á Đông qua câu thơ của Nguyễn
Du: “Hương gây mùi nhớ” (Hương hồng Bungari). Rồi, giữa trời Âu lại làm dậy lên cái hương thơm ngào
ngạt của đặc sản dân tộc – Phở. Đây cũng là cái biệt tài độc đáo của nhà văn – nghệ sĩ từng một đời say
mê với thanh sắc và hương vị, mà tâm hồn tràn đầy năng lực mỹ cảm.
Nguyễn Tuân từ khi “tập làm bài” (Lời của Nguyễn trong Lột xác), đến lúc “làm bài” đã dần xác định
một quan niệm thẩm mỹ chính xác và tiến bộ.
Trên các bình diện, thì quan niệm thẩm mỹ thiên về tư tưởng, trong khi cảm xúc thẩm mỹ thiên về tình
cảm, thị hiếu thẩm mỹ lại thiên về sở thích.
Tuy nhiên, theo Hégel trong công trình Mỹ học (1835), coi hoạt động thẩm mỹ là một trong những hoạt
động cao nhất của trí tuệ, thì sự thật và điều thiện được liên kết chặt chẽ trong cái đẹp...
Như vậy, Chân – Thiện – Mỹ có mối quan hệ mật thiết hữu cơ với nhau.
Mỹ học của Hégel mới được quan niệm trong phạm vi nghệ thuật, được quan niệm là triết học cũa nghệ
thuật. Giờ đây, mỹ học hiện đại được quan niệm ở phạm vi phổ quát – cả về nghệ thuật và tự nhiên.
Quan niệm thẩm mỹ có quan hệ với quan niệm nghệ thuật. Quan niệm nghệ thuật được coi là hạt nhân
của quan hệ thẩm mỹ – vừa là kết quả, vừa có tác động đến sự chuyển biến đối với quan niệm thẩm mỹ,
và còn ảnh hưởng đến sự phát triển của văn học.
Nguyễn Tuân đã trải qua cuộc tranh luận nghệ thuật khởi phát từ năm 1935, và sau này ông nhận ra sai
lầm một cách chân thành là đã theo phái vị nghệ thuật : “ Mình phải nhận cái tội của mình như thế” [5,
tr 161].
Nêu luận đề “Nguyễn Tuân là người đi tìm cái đẹp”, hoặc “Nguyễn Tuân là người đi tìm cái đẹp và cái
thật” là để nhấn mạnh mỹ cảm mãnh liệt như đam mê một đời của ông. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ hơn,
ta có thể thấy rằng, khi cầm bút, tuy còn có phần chưa thật đầy đủ và sâu sắc, nhưng nhà văn đã thể hiện
được trách nhiệm nhất là lương tâm của người viết.
Chữ người tử tù (Tạp chí Tao đàn số 1, 1/3/1939) có lúc đã được coi là một ví dụ điển hình của cảm xúc
duy mỹ, tập trung miêu tả cái đẹp của hoa tay – tức cái đẹp thiên về hình thức. Khi đọc kỹ, ta sẽ thấy điều
gần như ngược lại. Ở đây, nhà văn ca ngợi cái đẹp của lòng người. Nổi bật trên tất cả là hai chữ thiên
lương. Ý tưởng viết rất rõ.
Qua con mắt “biệt nhỡn” của viên quản ngục, Huấn Cao hiện rõ là thuộc hạng người khí phách: “chọc trời
khuấy nước”, những dòng chữ đẹp “nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”. Hầu
như tất cả đất trời tôn “một ngôi sao Hôm nhấp nháy như muốn tụt xuống phía chân giời không
định”. Và mọi âm thanh phức tạp của cuộc đời như “bay cao lần lên khỏi mặt đất tối, nâng đỡ lấy một
ngôi sao chính vị, muốn từ biệt vũ trụ”.
Quả là những lời ca ngợi tuyệt vời về sự ra đi của một con người chính nhân quân tử, một chính khách
hiệp sĩ. Chúng ta đều biết – Huấn Cao, đây cũng chính là bóng dáng tượng hình của Cao Bá Quát – một
bậc Thánh Văn, và người hùng tham gia vào khởi nghĩa nông dân, chống lại triều đình đương thời với
chính sách hà khắc, gây bất công xã hội làm con người đau khổ.
Lời khuyên nhủ như bừng sáng, soi rọi con đường giải thoát cho những tâm hồn còn u mê: “Ở đây lẫn
lộn... Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững, và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.
Bữa rượu máu là tác phẩm trong tạp chí Tao đàn số 4 – 1939 (in trong Vang bóng một thời ,1940, sau đổi
tên là Chém treo ngành). Đây là một ví dụ khác, tả về cuộc hành quyết những tử tù “của dư đảng giặc Bãi
Sậy”. Khởi nghĩa Bãi Sậy, thực chất là khởi nghĩa thuộc phong trào Cần Vương – phong trào chống thực
dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX.
Kết thúc trang văn, còn có một chi tiết nói lên tất cả dụng ý sâu xa – như “một tấc lòng” của nhà
văn: “Lúc quan Công Sứ ra về, khi lướt qua mười hai cái đầu lâu còn đính vào da cổ người chết quỳ sân
pháp trường sắp giải tán, bỗng nổi lên một trận gió lốc xoáy rất mạnh... Trận gió xoắn, giật, hút cát bụi
lên, xoay vòng quanh đám tử thi, và đuổi theo các quan đang ra về. Cái mũ trắng ở trên đầu quan Công
sứ bị cơn lốc dữ dội lật, rơi xuống bãi cỏ, lăn lộn mấy vòng. Mọi người liếc trộm hai quan Thủ hiến và thì
thào...”.
Sở kiểm duyệt lúc ấy ngu dốt, vẫn để đoạn văn này. Mà rất lâu sau, giới phê bình cũng chưa phát hiện ra
thâm ý đó: “Chữ đó! có mắt mà không biết đọc” – đó là phản ứng của Nguyễn Tuân khi nói chuyện với
sinh viên Khoa Văn trường Đại học Sư phạm vào những năm 60 của thế kỷ XX.
Trong “trận gió lốc xoáy” ở pháp trường ấy, có quấn quyện cơn giận dữ của đất trời và cái phẫn nộ của
lòng người, kể cả của nhà văn. Chính Nguyễn Tuân chứ không phải ai khác, bằng trí tưởng tượng của
mình, đã tạo ra trận gió oan khốc, kỳ dị ấy để nói lên nỗi đau xót và thương cảm đối với nghĩa quân yêu
nước bị hành hình, và tỏ rõ sự căm giận, oán hờn sẽ hành quyết những kẻ thủ ác – đại diện bọn xâm lược
và tay sai – “hai quan Thủ hiến” thời ấy.
Quả nhiên, chỉ mấy năm sau thôi, trận gió thần kỳ của cách mạng đã “làm giông làm tố”, cuốn phăng đi
tất cả những phận đời nô lệ oan khổ cho lồng lộng một đất trời giải phóng.
Đã từ lâu, Nguyễn Tuân là con người có lòng yêu nước âm thầm.
| 1/24

Preview text:

NGUYỄN TUÂN, MỘT PHONG CÁCH ĐỘC ĐÁO VÀ TÀI HOA GS Nguyễn Đăng Mạnh
Nguyễn Tuân bước vào nghề văn như để chơi ngông với thiên hạ. Về căn bản, đó là phản ứng của chủ
nghĩa cá nhân kiêu ngạo ở một thanh niên trí thức giàu sức sống nhưng bế tắc. Một cái ngông vừa có
màu sắc cổ điển tiếp nối truyền thống của những nhà nho bất đắc chí kiểu Nguyễn Công Trứ, Tú Xương,
Tản Đà…và trực tiếp hơn, của cụ Tú Lan thân sinh ra nhà văn, vừa có màu sắc hiện đại tiếp thu ở chủ
nghĩa siêu nhân của Nít-sơ, quan niệm con người cao đẳng của Git-dơ và các thứ tư tưởng nổi loạn khác
thường thấy trong văn học phương Tây hiện đại. Ngông là một sự chống trả với mọi thứ nền nếp, phép
tắc, mọi thứ "đạo lý" thông thường của xã hội bằng cách làm ngược lại với thái độ ngạo đời. Đó là đặc
điểm của tất cả những nhân vật ưa thích nhất của Nguyễn Tuân trong các tác phẩm của ông trước Cách mạng tháng Tám.
Nhu cầu chơi ngông buộc Nguyễn Tuân phải đẩy mọi cái thông thường tới cực đoan, thậm chí tới mức
trở thành những kỳ thuyết, nghịch thuyết. Vì thế người ta thấy ở Nguyễn Tuân, dường như cái gì cũng
thành ra những "chủ nghĩa" này khác: chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa duy mỹ, chủ nghĩa xê dịch, chủ
nghĩa hương lạc, chủ nghĩa cảm giác, chủ nghĩa tài tử (dilettantisme), chủ nghĩa ẩm thực và bao trùm lên
tất cả là chủ nghĩa độc đáo. Nguyễn Tuân lo nhất là mất cá tính, là giống người khác. Ông ao ước khi chết
đi được đem luôn theo mình "nguyên cảo" chứ không để lại một bản sao nào ở đời.
Chủ nghĩa độc đáo trong sinh hoạt tất dẫn đến lối sống lập dị, trong sáng tác tất dẫn đến lối ăn nói bất
chấp nội dung ý nghĩa nghiêm túc, tha hồ phóng bút để ném ra những gì kỳ lạ, oái ăm, cầu kỳ, rắc rối.
Cuối cùng tất dẫn đến loại sáng tác "yêu ngôn" với những hình tượng thần bí, kỳ quái.
Dĩ nhiên đấy chỉ là nói phía tiêu cực của ngòi bút Nguyễn Tuân. Trên con đường thể hiện cái độc đáo của
mình, Nguyễn Tuân đã có những tìm tòi tích cực, đạt tới những giá trị thẩm mỹ thật sự. Và nói cho công
bằng, nội dung tâm lý của cái ngông kia không phải chỉ do chủ nghĩa cá nhân bế tắc mà còn do "thiên
lương" của một trí thức yêu nước và biết trọng nhân cách, muốn tách mình ra và đặt mình lên trên cái
xã hội của những kẻ thoả mãn với thân phận nô lệ. Như vậy là cái ngông của Nguyễn Tuân có cơ sở luân
lý của nó - bên cạnh cái luân lý "vô luân" của Nít-sơ, Git-dơ, không phải không có cái khí tiết của Tú
Xương, Yên Đổ… Có thể thấy được phần nào cái luân lý ấy của Nguyễn Tuân trong bài Chén rượu vĩnh
biệt, ông viết nhân cái chết của Tản Đà. Đôi bạn vong niên ấy chẳng đã gắn bó với nhau ở chỗ cùng lấy
lối sống tài hoa lãng tử để chơi ngông với thiên hạ đó sao? Vài tháng trước khi Tản Đà qua đời, Nguyễn
Tuân đã uống với thi sĩ một bữa rượu - ai dè đó lại là "chén rượu vĩnh biệt". Bữa rượu nghèo uống với
nhau trong một văn nhà chật chội, nhếch nhác ở Ngã Tư Sở giữa một ngày hè oi bức, Tản Đà cho Nguyễn
Tuân xem lá thư của Nguyễn Tiên Lãng, nhận làm môi giới xin Bảo Đại trợ cấp cho thi sĩ năm trăm đồng.
Nguyễn Tuân đã ghi lại tâm trạng mình lúc ấy: "Tôi cũng biết thế vậy. Tôi lặng lẽ trao lại lá thư cho ông
Tản Đà. Vẫn lặng lẽ tôi nhấp một chén rượu. Rượu lúc này sao cay sao đắng lạ". "Ông Tản Đà sắp được
triều đình Huế ban cho năm trăm đồng!". Mà rồi từ giờ trở đi, người ta sẽ đưa thi nhân của chúng ta vào
cái thế giới nào đây? Tôi tin rằng từ nay trở đi, cái đời văn chương của một thi nhân sẽ bước sang một
giai đoạn khác. Tôi ngờ rằng, với số tiền trợ cấp kia, ông Tản Đà sẽ không già tay để hạ những vần rất sai
và tác phẩm sau này sẽ nhan nhản những câu thơ rất có "hậu". Sao lại không như thế được?".
Nhưng Tản Đà đã không kịp nhận món tiền trợ cấp đó và Nguyễn Tuân đã "mừng cho cái thơm tho của
một thi nhân. Có lẽ ông Trời muốn giữ cho thi nhân được trong sạch nên đã sớm gọi ông Tản Đà về.
Người trích tiên, đánh vỡ cái chén ngọc ở Tiên cung đã đến lúc mãn hạn đi đày!"[1].
Trong cái ngông của Tản Đà cũng như của Nguyễn Tuân, vẫn phảng phất "cái thơm tho" ấy của những
nghệ sĩ chân chính. Vì vậy chủ nghĩa độc đáo ở Nguyễn Tuân bên cạnh những biểu hiện tiêu cực, những
tìm tòi phù phiếm, những lối nói năng "cứ như đấm vào họng" người ta (Đôi tri kỷ gượng), vẫn có nhiều
sáng tác nghệ thuật nằm trong văn mạch dân tộc góp phần làm giàu làm đẹp cho văn học nước ta, cho tiếng nói Việt Nam ta.
Sau cách mạng tháng Tám, cái ngông của Nguyễn Tuân không có lý do tồn tại nữa, vì cái "tôi" của ông
không có lý do gì để đối lập và gây sự với xã hội đã đổi mới. Từ Lột xác, Đường vui, Tình chiến dịch,
đến Sông Đà, Ký chống Mỹ …giọng văn của ông nói chung là tin yêu, đôn hậu.
Cái ngông tuy mất nội dung cố hữu, nhưng một số biểu hiện nghệ thuật của nó vẫn để lại những thói
quen, những kinh nghiệm có thể dùng được trong nghệ thuật cách mạng. Chẳng hạn, giọng khinh bạc
của Nguyễn Tuân được phát huy trên lập trường mới, là vũ khí lợi hại để đánh vào kẻ thù của dân tộc và
những mặt tiêu cực còn tồn tại trong xã hội mới.
Độc đáo, nếu không đẩy tới mức "chủ nghĩa", là một yêu cầu không thể thiếu của nghệ thuật chân chính.
Về mặt này, sở thích và thói quen tìm cách nói mới lạ, không giống ai, đã khiến ngòi bút của ông có sức hấp dẫn riêng.
Ngày xưa, Nguyễn Công Trứ có hai câu thơ tự hoạ rất ngông:
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
Đúng là muốn chơi ngông thì phải có tài. Làm khác đời mà không tài, người ta gọi là cái gì gì đó chứ
không gọi là ngông. Vì thế, nhân vật Nguyễn Tuân thuần một loại tài hoa tài tử, dù là nam hay nữ, già
hay trẻ, dù làm nghệ nghiệp gì, từ những ông Nghè, ông Cử, ông Huấn Cao trong Vang bóng một thời,
ông Thông Phu, cô Đào Tám trong Chiếc lư đồng mắt cua, đến anh chàng Hồ chữa xe đạp trong Hai tấm
vé số "chơi đàn cải lương nổi tiếng", hay viên thư ký dây thép nào đó trong Chiếc lư đồng… mỗi lúc xuân
tới, thu về, nhìn những phong bì thư đẹp và thơm của những cặp tình nhân gửi cho nhau, lại nổi hứng
"muốn láy son tàu mà đóng dấu niên hiệu cho họ" chứ không nỡ "đóng cái mực đen nhà nước"… Nói
cho cung, tất cả cũng chỉ là những hoá thân khác nhau của anh chàng Nguyễn đó mà thôi - "con người
sinh ra để mà thờ Nghệ thuậ với hai chữ viết hoa" (Đôi tri kỷ gượng).
Sau Cách mạng tháng Tám, khi nhà văn đã làm lành với xã hội và ngày càng hoà mình vào cuộc sống của
nhân dân, thì thế giới nhân vật của ông cũng không còn thu hẹp và mang tính chủ quan qúa nặng như
thế nữa. Nhưng cái chất tài hoa tài tử vẫn là phong thái riêng của nhân vật của ông. Đó là anh tự vệ sao
vuông hồi đầu kháng chiến, chọc chọc lưỡi lê xuống bóng trăng nơi vũng nước hầm đào mà mắng yêu
chị Nguyệt (Đường vui), là anh bộ đội chống Pháp trên chiến trường Tây Bắc nguỵ trang bằng hoa đào và
đuổi giặc giữa rừng đào (Tình chiến dịch), là những pháo thủ thủ đô thời chống Mỹ, trong chiến đấu vẫn
hào hoa thanh lịch (Hà Nội đánh Mỹ giỏi), là những chính trị phạm trong trong nhà tù Sơn La năm nào,
đấu tranh để được ngắm trăng đêm trung thu, là người tù cộng sản Tô Hiệu "trước khi khuất đi còn lẩy
cái câu Kiều đào đông cười gió", là những cô lái đò Tây Bắc có dáng vóc rất "tạo hình" trên những con
thuyền đuôi én cao vút, và những ông lái đò vượt thác sông Đà "tay lái ra hoa" (Sông Đà)…
Nguyễn Tuân mỗi khi cầm bút dường như lại tự đặt cho mình yêu cầu này: phải chứng tỏ cho được cái
tài hoa, uyên bác hơn đời của mình. Ông có thói quen nhìn sự vật ở mặt mỹ thuật của nó, cố tìm cho ra
ở đấy những gì nên hoạ, nên thơ. Đồng thời mỗi điểm quan sát của ông phải là một đối tượng khảo cứu
đến kỳ cùng. Ngày xưa bế tắc trong cuộc đời thực tại, tầm mắt không vượt khỏi được môi trường quẩn
đọng, xám xịt của cuộc sống tư sản, tiểu tư sản, ông thường đi tìm cái đẹp ở thiên nhiên hay ở qúa khứ
tách rời hiện thực. Hồi ấy, dùng tài hoa, uyên bác để chơi ngông với thiên hạ, ông khó lòng tránh khỏi
chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa duy mỹ và lối suy nghĩ phù phiếm chẻ sợi tóc làm tư. Ngày nay, ông đi tìm
cái đẹp, chất thơ ngay trong thực tại và thiên hướng khảo cứu giúp ông tìm hiểu nghiêm túc và sâu sắc
cuộc sống chiến đấu và sản xuất của nhân dân. Nhìn chung, từ Đường vui, Tình chiến dịch, đến Sông Đà
và Ký chống Mỹ… cái uyên bác, tài hoa của Nguyễn Tuân ngày càng được phát huy trên quan điểm nghệ
thuật cách mạng, đã đem đến cho tác phẩm của ông một giá trị thẩm mỹ riêng, một giá trị thông tin
riêng. Thể hiện nét phong cách này, lối viết của Nguyễn Tuân thường tập trung vào một điểm và vận
dụng một cách tổng hợp cách khảo sát của nhiều ngành văn hoá khác nhau để đào sâu cho đến "sơn
cùng thuỷ tận". Vì thế, có những hiện tượng, đối với những cây bút khác tưởng chừng chẳng có gì đáng
nói, nhưng Nguyễn Tuân thì có thể viết mãi, bàn mãi hết trang này đến trang khác; ông lật mặt này, ông
trở mặt khác, xoay ngang, xoay dọc, nhìn xa, nhìn gần, khi thì bằng cặp mắt văn học, khi thì bằng con
mắt hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc, vũ đạo hay điện ảnh, khi lại soi bằng cặp kính nhà sử học, nhà địa lý
học (có khi cả vật lý học, địa chất học, côn trùng học… nữa). Không đọc Nguyễn Tuân, dễ mấy ai biết con
sông Đà có những cái thác như Hát Moong, Hát Tiểu dữ dội đến thế và Tây Bắc có những ông lái đò trí
dũng tuyệt vời đến thế. Nguyễn Tuân đã đếm, đã tính cho ta nghe có bao nhiêu tên làng, tên xóm, bao
nhiêu loài cá, loài chim ở vùng đất Cà Mau, bao nhiêu thứ gỗ quý trên rừng Việt Bắc, bao nhiêu thứ cây
tươi trên các đường phố Hà Nội, bao nhiêu tấm ván trên cầu Hiền Lương, bao nhiêu cái chợ ở thành phố
Sài Gòn… Nhờ có Nguyễn Tuân chúng ta tưởng như được đến chỗ tận cùng của Tổ quốc, đứng trên cái
Bãi Bùn hàng năm lấn ra biển từ 70 đến 100m mà nhìn đảo Hòn Khoai như đang bơi bơi vào đất liền quê
mẹ. Tác phong của Nguyễn Tuân là, nếu có thể, thì phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, để mô tả cho chính
xác. Nhờ thế, ta được cùng Nguyễn Tuân lên tận đỉnhPhanxipăng để xem những mầm hoa đỗ quyên vĩ
đại màu ngũ sắc (Tây Bắc và Lào Cai), được đến Vân Đồn để nghe vọng về từ qúa khứ tiếng sóng đời
Trần (Huyện đảo), được đến tận đảo Thanh Luân, Cô Tô từ bốn giờ sáng, rình xem mặt trời mọc trên biển cả (Cô Tô)…
Người ta thường nói đến cái máu giang hồ xê dịch của Nguyễn Tuân. Chính ông cũng thương tự khoe
khoang như thế. Đó là một con người hiếu động, đúng như nhận xét của ông Thông Phu trong Chiếc lư
đồng mắt cua. Hồi ấy, bực bội với đời, ông tưởng có thể đóng vai ẩn sĩ, giam mình suốt đời ở một cái trại
Hạc vắng vẻ nào đó. Nhưng cuộc ở ẩn không qúa được một ngày. Con người kiêu ngạo ấy thế mà rất sợ
cô độc. Chính ở cái trại hoang kia mà ông đã kinh hãi cảm thấy mình hoàn toàn goá bụa "goá vợ con,
thân thích, anh em bạn, goá nhân loại, goá hết cả" (Chiếc lư đồng…). Con người ấy coi sống chỉ là để
thực hiện cá tính của mình, đi đâu, ở đâu cũng chỉ là để tìm mình. Nhưng phải tìm mình trong nhân loại,
phải chen vai thích cánh giữa chỗ đông người. Đó là con người của thành thị, phố xá, của nhà ga, bến
tàu, của cả lầu, tửu quán, hý viện… Không phải ngẫu nhiên mà thuộc vào số những trang viết hay nhất
của Nguyễn Tuân, có những trang viết về chợ búa: chợ Tết Hồng Kông, chợ trời Cống Thần, chợ Tàu Aỉ
Khẩu, chợ hoa Tết Hà Nội… Hiếu động nên thích đi. Đi để "thay thực đơn cho giác quan". Dĩ nhiên phải là
mới lạ, bất ngờ và mãnh liệt: "Tôi muốn mỗi ngày trong cuộc sống của tôi phải cho tôi cái say của rượu
tối tân hôn." (Một lá thư không gửi)[2]. Nguyễn Tuân không chịu nổi cái gì chung chung, nhạt nhạt, bằng
phẳng, hời hợt, quanh quẩn, đơn điệu. Đó là "một nguồn sống bồng bột tắc lối thoát" (Tóc chị Hoài).
Nguyễn Tuân không thích cái gì yên ổn, mực thước, khuôn phép. Ông gọi thế là "công chức", công chức
trong đời sống, công chức trong văn chương. Ông đã từng luận về hai chữ "tung" và "hoành" trong nghệ
thuật. Hoành là mực thước, thiếu cảm hứng mãnh liệt. Tung là tạo ra tiếng "vang dội ầm lên một thời",
là "hành binh bằng một cuộc đại tấn công", là những tìm tòi mạo hiểm, là cảm xúc mạnh, là hơi thở nồng
(Đôi tri kỷ gượng). Con người ấy đã yêu thì yêu mê đắm, đã ghét thì phải căm thù, đã uống rượu thì phải
uống cả cấn "dĩ tận vi độ", đã đi thì đi đến đầu sông ngọn nguồn, tới những nơi tột cùng của Tổ quốc, đã
tìm hiểu, bàn bạc thì phải tìm cho đến ngành ngọn gốc rễ. Đây là ca sĩ của những vẻ đẹp tinh khôi tuyệt
đỉnh của tạo hoá, của sắc ngọc trai đáy biển, của bầu trời trong trên đỉnh núi Mèo, của bông tuyết đầu
mùa ở Lêningrát, của hoa lan "vương giả", cuả bông thủy tiên nở đúng đêm giao thừa… Chữ nghĩa của
Nguyễn Tuân chỉ phô hết màu sắc, góc cạnh khi ông tả những cổng trời Hà Giang, khiến người thì long
bánh chè, ngựa phải truỵ thai, khi tả gió, tả bão, khi ông diễn lại cảnh những ông lái đò vượt thác sông
Đà như lao vào thạch trận…
Trước Cách mạng tháng Tám, nét phong cách sâu đắm này gắn với chủ nghĩa xê dịch, chủ nghĩa hưởng
lạc, với thái độ sống vô trách nhiệm. Sau cách mạng, nếu nói xê dịch thì Nguyễn Tuân còn "xê dịch"
nhiều gấp bội, "xê dịch" trên bộ, trên sông, trên biển, trên trời. "Xê dịch" trong nước, ngoài nước.
Những bây giờ xê dịch có mục đích cách mạng, là đi công tác, đi thực tế, đi mà gắn bó, ở đâu cũng thấy là quê hương mình.
Đọc Nguyễn Tuân, một mặt thấy ông rõ ràng là cây bút của hôm nay, một nhà văn của thời sự, một mặt
lại thấy có một cái gì rất đỗi cổ kính, cổ điển.
Ngày xưa, trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Tuân, cái cổ điển thường chiếm ưu thế. Đó là nhà văn
của "Vang bóng một thời". Hồi ấy, đối với hiện tại, đối với những cái nhỡn tiền - dĩ nhiên là trong phạm
vi môi trường sống của ông - ông chỉ thấy có chất văn xuôi phàm tục. Ông hoàn toàn thoát ly thực tại,
nhưng nhìn thực tại ông chỉ thấy vẻ đẹp, chất thơ thuộc về những cái của ngày xưa còn vương sót lại.
Cuộc đời đối với ông là một khu vườn tàn tạ khi mùa xuân đã hết. Ông buồn rầu đi tìm kiếm, lượm lặt
những nhành hoa cuối mùa, những cánh hoa tàn rụng. Hồi ấy, ông đối lập xưa với nay, cổ với kim. Ông
tự cho thuộc lớp người "sinh lầm thế kỷ", lạc lõng giữa thời đại - ông thường gọi là thời đại cơ khí khiếm
người ta bị cơ khí hoá đến cả tâm hồn. Không ai tri kỷ, ông dựng lên những nhân vật như Phu nhân họ
Bô, chị Hoài… những con người của thời cũ còn sót lại, để làm nơi ẩn dật của tâm hồn khi cảm thấy quá
mệt mỏi với hiện tại. Ông gọi đấy là những bến nước thiên nhiên khuất nẻo yên tĩnh cho tâm óc ông tìm
đến thả neo. Hồi ấy, đối với những cái của hiện tại ông thường chỉ dành cho những lời khinh bạc. Nhưng
đối với những cái của ngày xưa, giọng văn của ông bao giờ cũng đôn hậu. Đôn hậu nhưng biết bao buồn
tủi, ngậm ngùi. Cái "mỹ học hoài cựu" đó khiến ông nhớ da diết thành phố Huế với cái nhịp chầm chậm
của nước chảy, của lá rơi, của những cô gái Huế bước đi ngăn ngắn trên cầu Thành Thái, một tay giữ lấy
vạt áo dài, một tay kéo nghiêng mép nón bài thơ; giúp ông viết rất hay về Cửa Đại có cái bến nước giống
như bến nước nào đấy trong thơ Đỗ Phủ (chỉ thiếu cái tiếng "dồn châm")…
Chất thơ hoài cựu đó, ông đã gợi lại, dựng lại bằng kỹ thuật và phương tiện hiện đại. Chính nhờ phương
tiện ấy, kỹ thuật ấy, ông đã "phục chế" thành công những bức tranh cổ, những bức tượng cổ, những tấm
bia tàn… Chất thơ hoài cựu chẳng những là linh hồn của những tác phẩm về đề tài cổ, mà còn luôn luôn
phảng phất trên những trang viết của ông về cuộc sống hiện tại. Chỉ cần có chút gì của cuộc đời thực tại
liên quan đến kho tàng văn liệu cổ của ông, là lập tức thế giới thẩm mỹ xưa cũ hiển hiện ngay lên trong
tưởng tượng và tuôn chảy dưới ngòi bút:
"Sương nhìn cái bóng trắng của Tần lâu mãi mà không chịu nhòe với khói than đá, nhớ đến cái thú vị
cuộc tiễn đưa về thời xưa cũ, người ta bày một cái đoản đình, rồi lại một cái trường đình, uống cạn một
chén rượu, người ngồi trên ngựa dùng dằng mãi mới ra roi và nới cương, kẻ đứng dưới thì ngậm ngùi
vòng hai cửa tay áo rộng lại, lạy một lạy và hướng mãi về phía đám bụi hồng không chịu tan bay theo
móng ngựa" (Thiếu quê hương).
Sau Cách mạng tháng Tám, khi Nguyễn Tuân tự đặt cho mình yêu cầu phải "đào thải tất cả cố nhân trong
lòng mình", thì cái "mùi hoài cựu" bị ông coi là một "cố nhân" đáng sợ nhất. Sợ đến nỗi, ông không dám
đi xem hát chèo và đọc Văn đàn bảo giám[3]. Có phải vì lý do ấy chăng mà bẵng đi một thời gian dài,
không thấy ông viết về một đề tài nào nói về dĩ vãng?
Có thể nói, từ Sông Đà trở đi, Nguyễn Tuân mới mạnh dạn và thoải mái viết về cái cũ. Ông vẫn giữ thói
quen tìm cái đẹp xưa trong cái ngày nay. Nhưng giờ đây, ông không viết trên tinh thần đối lập với thực
tại, nghĩa là phủ nhận cái hôm nay, nuối tiếc cái ngày xưa. Trong Sông Đà, ông nhắc lại lý lịch đầy tội ác
của vua Mèo Đèo Văn Long, ông kể chuyện "tô nghệ thuật" tủi nhục của những kiếp "Cô xoè nô tì", để
làm bật sáng hơn niềm vui của Tây Bắc giải phóng; ông ôn lại những gian khổ hy sinh của những người
công sản trong nhà tù Sơn La, thái độ ung dung tựu nghĩa của đồng chí Tô Hiệu, những ngày gối đất nằm
sương, luồn rừng lội suối của các cán bộ hoạt động bí mật hồi Tây Bắc còn bị địch chiếm… để người đọc
thấy hết cái giá rất cao của mỗi ngày được sống trong độc lập, tự do.
Thói quen đi tìm cái xưa trong cái nay khiến Nguyễn Tuân luôn luôn quan tâm đến chiều thời gian, chiều
lịch sử của các sự kiện, các hiện tượng mà ông quan sát, mô tả… Những bài ký của ông, vì thế, có một
phẩm chất riêng, vượt cao hơn giá trị thông tin thời sự đơn giản - không phải chỉ là những tri thức lịch sử
cụ thể sinh động, của tổ tiên ông bà được gợi lên từ lịch sử các địa danh, lịch sử các địa phương mà ông
thường say sưa thuật kể với nhiều chi tiết thú vị.
Về cái vốn văn liệu, thì liệu cổ điển của ông, ngày nay ông cũng sử dụng theo tinh thần mới, thường là để
phát hiện và diễn tả vẻ đẹp tuyệt vời của Tổ quốc mình:
"Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ
thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước
mặt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng
loé lên một màu nắng tháng ba Đường thi "yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu"…" (Sông Đà).
Có những hình ảnh khó phân biệt được cổ hay kim, Đông hay Tây.
"Cho đến cái đêm bọn tôi ra ga xe lửa đi Lêningrát, vàng Nga vẫn còn như níu hoàng hôn giữa khu vường
Bách Thảo có một cặp voi Việt Nam dang mài ngà vào nhau mà nhớ một bụi chuối bên quê
cũ" (Lêningrát tuyết đầu mùa).
Nhiều khi ông cố tình đặt cái hiện đại vào giữa cái cổ điển, tạo ra hiệu quả thẩm mỹ độc đáo: "Mùa ban
nở tháng hai trắng có tí má hồng xếp hàng sẵn bên đường như một buổi liên hoan đón khách quý vào
thăm… Không phải là cưỡi ngựa xem hoa, mà là ngồi com-măng-ca mà xem hoa; ngồi bên cái máy nổ
vận tải mà xuyên quan dặm hoa ban, cái xe hiện đại đi qua cả một thiên tình sử cũ của người Thái vẫn
còn lưu lại một chút hương mát mát xa xa" (Nhật ký lên Mèo).
Cá tính và phong cách Nguyễn Tuân tự tìm đến thể tài tuỳ bút như là một tất yếu. Trong văn học, có lẽ
đây là thể tài chủ quan nhất và tự do nhất.
Tùy bút là gì? Định nghĩa vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì khái niệm bản thân nó đã tự giải thích: là phóng bút,
tùy bút mà viết chứ sao! Nhưng chính vì thế mà khó. Vậy thì còn có thể nói gì về quy tắc thể loại của nó
nữa? Ở phương Tây hiện đại, tùy bút rất phát triển. Nhưng càng phát triển, khái niệm tùy bút càng mơ
hồ hơn. Có người đã nói: "tự do là phép tắc duy nhất của tùy bút". Có thể hiểu một cách đại khái thế
này: người viết tùy bút thường mượn cớ thuật lại một sự kiện, một mẩu chuyện nào đó mà mình có trải
qua để nhân đấy, nêu lên những vấn đề này khác mà bàn bạc, mà nghị luận, triết luận, ném ra những
suy tưởng của mình một cách thoải mái, phóng túng.
Cũng như định nghĩa tùy bút, viết tùy bút vừa dễ, vừa khó. Viết tùy bút thì cứ phóng bút mà viết, khó gì
đâu! Tìm trên báo chí, những người đã viết dăm ba bài tùy bút, bút ký chắc không ít. Những trở thành
một nhà tùy bút, chỉ chuyện viết tùy bút, tạo ra cho mình một sự nghiệp văn chương chủ yếu bằng bút
ký, tùy bút, có lẽ chỉ có Nguyễn Tuân.
Tùy bút do tính chất tự do của nó như thế nên ở mỗi một cây bút lại có những màu sắc riêng.
Tùy bút Nguyễn Tuân có nhiều yếu tố truyện. Nếu xét riêng về mặt thể loại thì qúa trình sáng tác của
Nguyễn Tuân là quá trình đi từ truyện đến tùy bút. Trước Cách mạng tháng Tám, ông viết cả hai loại. Sau
cách mạng, ông viết truyện ít hơn. Từ khoảng 1960 lại đây, tùy bút dường như là thể tài duy nhất của
ông. Nếu đọc truyện ngắn, truyện dài của ông, người ta thường thấy pha chất tùy bút, thì ngược lại, đọc
tùy bút của ông người ta lại thấy có pha chất truyện. Nghĩa là có dùng đến trí tưởng tượng để dựng
cảnh, dựng truyện và có mô tả tâm lý, khắc hoạ tính cách nhân vật đến một chừng mực nào đấy.
Tùy bút Nguyễn Tuân đồng thời lại mang đậm tính chất ký, nghĩa là ghi chép sự thật và thông tin thời sự
chính xác. Một thứ tùy bút pha du ký, ký sự hay phóng sự điều tra. Cần nhớ rằng, ông vốn xuất thân là
một nhà báo, một thông tin viên. Ông cũng đã viết nhiều du ký, phóng sự đặc sắc. Đặc điểm ấy, thêm tác
phong khảo cứu đào sâu đã giúp cho tùy bút Nguyễn Tuân có lượng thông tin đáng tin cậy và có nhiều giá trị tư liệu.
Đặc điểm của tuỳ bút là giàu tính trữ tình. Nghĩa là tác giả được phép trực tiếp bộc lộ cảm nghĩ của mình,
thông qua cái "tôi" chủ quan mà phản ánh hiện thực.
Tùy bút Nguyễn Tuân đúng là "tùy bút", nghĩa là hết sức tự do. Mạch văn theo dòng suy nghĩ miên man,
chuyện nọ gọi chuyện kia dường như cứ theo trí nhớ "lông bông", "tài tử" mà liên tưởng tạt ngang hoặc
cóc nhảy, bất chấp trình tự thông thường của thời gian, không gian. Người không ưa, gọi thế là đầu Ngô
mình Sở. Người thích thì gọi là có tài đánh - vận động chiến trên trận địa bút ký"[4]. Phải nhận rằng lối
hành văn, dẫn chuyện như thế có ưu điểm là biến hoá linh hoạt không đơn điệu tẻ nhạt, luồng thông tin
phong phú, hình tượng chồng chất đa dạng. Dĩ nhiên muốn thấy được điều đó, phải đọc chậm, đọc kỹ,
đặt mình vào dòng liên tưởng của tác giả mà bắt lấy mạch văn. Rồi lại phải đọc lại và lùi xa ra mà ghi
nhận lấy ấn tượng toàn cảnh, khí mạo toàn bài. Người ta nói đọc Nguyễn Tuân phải đọc lúc nhàn rỗi là vì thế.
Xét đến cùn, chỗ mạnh chỗ yếu, chỗ hay chỗ dở của tuỳ bút Nguyễn Tuân là ở cái "tôi" của ông. Ông
cũng có một số nhân vật, nhưng nhiều khi đó cũng chỉ là cái cớ để ông thay đổi giọng kể chuyện mà thôi.
Ngày xưa, ông gọi thế là "chơi lối độc tấu". Bây giờ ông cũng vẫn tiếp tục "chơi" một lối ấy. Đã định
"chơi" lối này mà muốn giữ được cảm tình với độc giả tất phải giữ sao cho cái tôi lúc nào cũng có duyên
mặn mà, lúc nào cũng có những điều mới mẻ, bổ ích mà nói. Phấn đấu đạt yêu cầu đó một cách thường
xuyên liên tục, thật khó vậy thay! Nguyễn Tuân đã tự dấn thân vào một con đường cheo leo, nguy hiểm,
luôn luôn bị đe dọa trở thành trơ trẽn, vô duyên, tự lặp lại mình một cách nhàm chán. Những thử thách
ấy, không phải bao giờ ông cũng vượt qua được - và chắc có lúc ông cũng cảm thấy mệt mỏi. Nhưng nhìn
chung, ông đã gan góc và bền bỉ phấn đấu, cố luyện cho mình một bản lĩnh để có thể dấn bước đến cùng.
Nói về cái duyên của Nguyễn Tuân, người ta nghĩ đến lối nói năng, kể chuyện rất vui, rất hóm của ông.
Đúng là đọc Nguyễn Tuân nhiều khi ngồi một mình mà bật cười. Vui vì viết văn mà cứ như là trò chuyện
thoải mái theo lối tán gẫu, nói trạng. Vui vì giọng văn luôn luôn chuyển đổi, linh hoạt, đang trang nghiêm
cổ kính bỗng chuyển sang bông đùa vui nhộn, đang nói giọng Bắc chuyển sang giọng Trung, giọng Nam.
Vui vì cái chất trẻ trung hồn nhiên của nhân vật "tôi": lúc nào cũng đi lại, hoạt động, háo hức với mọi cái
mới lạ, hễ cứ được no tai, no mắt là thích.
Nói đến tuỳ bút Nguyễn Tuân, phải nói đến giá trị của nó về mặt văn chương chữ nghĩa hiểu theo nghĩa
hẹp, nghĩa là những tìm tòi sáng tạo trong cách diễn ý, tả cảnh, trong cách đặt câu, dùng từ[5]. Nguyễn
Tuân thuộc số những nhà văn yêu tha thiết và hiểu sâu sắc tiếng mẹ đẻ. Ông sống với từng hình ảnh
khắc họa, từng câu viết, từng từ đặt trên trang giấy.
Đọc Nguyễn Tuân, nhà tu từ học kiếm được nhiều bằng chứng thú vị về những phép ví von, so sánh, ẩn
dụ, hoán dụ, tượng trưng…
Trước cách mạng, lối chơi ngông và chủ nghĩa độc đáo của Nguyễn Tuân thường dẫn đến những lối ví
von tuy chính xác và mới lạ đấy, nhưng nhiều khi thật oái ăm:
"Ông thử roi vào mặt trống, rồi uốn hai đầu xuống, thân roi ưỡn ngửa mãi lên như lúc người đàn bà
tranh một cái hôn bạo" (Đời roi). Và khinh bạc:
"Thủy tinh bóng đèn điện không có lửa, dưới ánh nắng bóng bẩy như đồ tế nhuyễn mạ và vô liêm sỉ như
những cuộc đời không có chân giá, mỗi tí hào nhoáng phủ lên trên chỉ toàn là của đi mượn" (Chiếc lư đồng). Và bi quan:
"Đè lên màu tang bầu không khí thu muộn, chất bóng cốc pha lê nổi bật hẳn lên như nét cười của một
người công binh lúc tắt nghĩ" (Lại đi nữa).
Sau cách mạng, Nguyễn Tuân vẫn có những tìm tòi độc đáo nhưng thể hiện những cảm nghĩ trong sáng, khoẻ khoắn.
Nguyễn Tuân có lối mô tả cảnh vật bằng những liên tưởng chuyển đổi cảm giác rất tinh tế. Có khi từ cảm
giác chuyển sang tâm trạng: "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sư (…), hồn nhiên như một nỗi niềm cổ
tích tuổi xưa" (Sông Đà), "Mùa đông năm 1967, da trời Hà Nội thấp thỏm xanh ngắt một niềm cảnh
giác" (Hà Nội đánh Mỹ giỏi)…
Câu văn Nguyễn Tuân cũng có nhiều kiểu kiến trúc đa dạng. Ông là một nghệ sĩ ngôn từ biết chú trọng
tới âm điệu, nhịp điệu của câu văn xuôi. Ông thường nói, người làm nghề viết phải biết tạo ra những câu
văn có khớp xương biết co duỗi nhịp nhàng.
Nguyễn Tuân có một kho từ vựng hết sức phong phú mà ông đã cần cù tích lũy với lòng yêu say mê tiếng
mẹ đẻ. Mà không phải chỉ tích lũy những từ sẵn có. Ông luôn luôn có ý thức sáng tạo từ mới và cách
dùng từ mới. Vốn từ vựng đối với người viết văn như nước đối với cá. Từ càng giàu có, người viết càng
thả sức tung hoành. Đọc Nguyễn Tuân, thấy ông như con cá vùng vẫy thoải mái giữa hồ sâu nước cá là vì thế.
Vốn từ vựng ấy, trước Cách mạng tháng Tám, ông thường dùng để chơi ngông với đời hoặc đưa ra
những cách nói năng oái ăm kỳ cục cốt để trêu ghẹo thiên hạ, hoặc đổ tràn ra mặt giấy để phô tài, khoe chữ.
Sau Cách mạng tháng Tám, ông dùng vốn từ ngữ ấy để ngợi ca Tổ quốc, ngợi ca nhân dân và để đánh địch.
Nói chung, vốn từ ngữ của Nguyễn Tuân thường bộc lộ đầy đủ "trữ lượng" của nó trong hai trường hợp:
một là khi ông tập trung đi sâu vào một điểm mà mô tả, nhu cầu tránh trùng lặp buộc ông phải tung ra
tất cả những từ đồng nghĩa có trong vốn liếng của mình (từ sẵn có nhiều khi không đủ, ông phải sáng tạo
ra những cách diễn đạt đồng nghĩa khác nhau)[6]. Hai là khi có hiện tượng mới lạ, độc đáo và thú vị đập
mạnh vào giác quan nghệ sĩ của ông, cảm hứng được khơi dậy mãnh liệt - nhiều khi bốc lên say sưa,
chếnh choáng - ông bèn quyết ném ra bằng hết vốn từ ngữ của mình để chạy đua với tạo vật muôn màu
muôn vẻ. Những cuộc chạy đua căng thẳng mà rất hào hứng như thế thường tạo ra những trang tài hoa nhất của Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân "xê dịch", Nguyễn Tuân ẩm thực
Nói đến Nguyễn Tuân, người ta thường nghĩ đến cái gọi là chủ nghĩa xê dịch. Con người thích chơi ngông
ấy rất khoái khi ném ra được những nghịch lý, nghịch thuyết. Chủ nghĩa xê dịch cũng là một thứ nghịch
thuyết. Đi không cần mục đích, không cần nơi đến, cốt là cứ được lăn cái vỏ mình mãi mãi trên mặt đất
này, dù bằng phương tiện nào, dù đi nhanh hay đi chậm, thậm chí ngồi trên xe hồ lô lăn đường cũng
được. Thứ lý thuyết này thực ra chẳng phải do Nguyễn Tuân sáng tạo ra. Ông vay mượn nó ở phương
Tây. Người đầu tiên nêu ra nó hình như là nhà triết học Nitsơ, kế đó là những Angđrê Giđơ, Pôn
Môrăng… Cái lý thuyết nghe có vẻ vớ vẩn thế thôi, ấy vậy mà có một thời cũng hấp dẫn đáo để. Tôi biết
có những người đã mê Thiếu quê hương của Nguyễn Tuân đến mức bắt chước đến từng chi tiết một
nhân vật mắc bệnh xê dịch trong cuốn tiểu thuyết này. Lại có một chiến sĩ Nam tiến hồi đầu cách mạng,
trên đường vô Nam đánh giặc, trong ba lô chỉ vẻn vẹn có một bộ quần áo và một cuốn Thiếu quê hương
dày cộp. Thực ra du lịch vốn là một cái thú của con người ta xưa nay. Nhưng đây lên đến mức thành cái
gọi là "chủ nghĩa xê dịch" là vì nó phù hợp với tâm lý bực bội của cả một thế hệ thanh niên tri thức thời
thuộc Pháp đầy sức sống, đầy khát vọng tự khẳng định mình, mà lại bị vây hãm vào một cái môi trường thị dân.
Nguyễn Tuân - người đến được với cái đẹp và cái thật PHONG LÊ
Xuất hiện trên đàn văn vào cuối thập niên 30 và đầu 40, Nguyễn Tuân đã khẳng định ngay lập tức tên
tuổi của mình ở một văn phẩm gần như thâu tóm và kết tinh mọi tinh hoa làm nên sự hoàn thiện và hoàn
mỹ của một phong cách viết: Vang bóng một thời(1). Đó là tác phẩm rồi sẽ có sự sống của cả thế kỷ, nhận
được rất nhiều và có thể là nhiều nhất những lời bình; nhưng ở đây tôi chỉ muốn dẫn lại hai nhận xét
theo tôi là có giá trị tiên tri. Một là của Thạch Lam - người có cùng năm sinh với Nguyễn Tuân: “Trong cái
vội vàng, cái cẩu thả của những tác phẩm xuất bản gần đây, những sản phẩm đã hạ thấp văn chương
xuống mực giá trị của một sự đua đòi, người ta lấy làm sung sướng khi thấy một nhà văn kính trọng và
yêu mến cái đẹp, coi công việc sáng tạo là công việc quý báu và thiêng liêng”(2). Và hai là Vũ Ngọc Phan -
tác giả bộ sách Nhà văn hiện đại: “Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn
Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức. Một ngày không xa, khi mà văn chương Việt
Nam được người Việt Nam ham chuộng hơn bây giờ, tôi dám chắc những văn phẩm của Nguyễn Tuân sẽ
còn có một địa vị xứng đáng hơn nữa”(3).
Vậy là Nguyễn Tuân, khi trước bạ tên mình vào cuộc đời nghề nghiệp đã làm một cuộc kén chọn để loại
bỏ - một là những người viết cẩu thả, hai là những người đọc nông nổi… Một cuộc kén chọn ráo riết ngay
từ Vang bóng một thời, và ông sẽ trung thành với nó cho đến suốt đời.
Kể từ Vang bóng một thời, cùng với những tên sách gắn với tên Nguyễn Tuân trước 1945 như Ngọn đèn
dầu lạc (1939), Nhà bác Nguyễn (1940), Một chuyến đi (1941), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Tàn đèn
dầu lạc (1941), Tùy bút I (1941), Tùy bút II (1943), Tóc chị Hoài (1943), Thiếu quê hương (1940-1943)… đã
cho ta thấy sự trọn vẹn và trung thành của một cây bút với chính bản ngã và bản lĩnh của mình, trên tất
cả mọi phương diện của sáng tạo văn chương, trong bối cảnh một thời cuộc đang chuyển dần vào đêm
sâu tiền cách mạng của dân tộc.
Nếu hiểu sự hiện hữu của một đời người là gồm hai chiều dọc ngang, lịch đại và đồng đại thì Nguyễn
Tuân là người dứt khoát và quyết liệt nhất trong sự định vị đó, một định vị khiến cho văn phẩm của ông
làm nên hai mảng màu đặc sắc trong đời sống văn chương 1940-1945. Một là sự hoài cổ, trở về với quá
khứ, đi tìm những “vang bóng” của “một thời” xưa, tuy chưa thật xa nhưng đã phủ đầy sương mù của
hoài niệm; và một là sự xê dịch trong không gian, qua các chuyến đi, nhằm tìm những miền đất mới để
thoát cuộc sống đơn điệu, nhàm tẻ, lẹt dẹt, lờ đờ… Cả hai đều để lại nơi văn Nguyễn Tuân những trang
kiệt tác, xét về nghệ thuật ngôn từ và cách miêu tả; và với mảng viết hồi cố - đó không phải chỉ là những
khảo sát tinh tế, tỷ mỷ mà còn là một niềm yêu mến đến thành kính những gì gắn bó sâu xa với hồn cốt
và tinh hoa dân tộc mà ông muốn lưu giữ như một báu vật trong di sản tinh thần của ông cha, trong
tương phản với những gì là tầm thường, vô vị, ô trọc nhan nhản vây bủa trong đời sống nhãn tiền.
Còn xê dịch? Chọn câu của Paul Morand làm đề từ cho Thiếu quê hương: “Ta muốn sau khi ta chết, có
người thuộc da ta làm chiếc va ly”, Nguyễn Tuân dứt khoát khẳng định: “Đứng về phương diện một
người lấy sự hoàn toàn phát triển giác quan của mình làm lẽ chính cuộc sống” thì “không gì thiệt thòi
bằng trung thành với một chỗ ở”. Ở đây, cái nguyện vọng phát triển mọi giác quan cho một người bình
thường, nhất là một nhà văn thì có gì nên tội, nếu không nói là chính đáng. Thế nhưng trong một cuộc
sống tù túng, ngột ngạt như cuộc sống đang vây quanh Nguyễn thì đâu phải chỉ riêng giác quan mà gần
như là toàn bộ cuộc sống của anh, từ hình hài vật chất đến ý thức, tinh thần, cũng sẽ bị thui chột, để
thành những kiếp “chết mòn” hoặc “sống mòn” như phát hiện của Nam Cao. Vậy là sự thèm đi của
Nguyễn rút lại chỉ là một phản ứng đối với một cuộc sống không có sinh thú; còn việc có đi được hay
không lại là chuyện khác; nếu ta biết rằng trục đường quen thuộc của Nguyễn chỉ là khứ hồi Hà Nội -
Thanh Hóa, hoặc Hà Nội - Sài Gòn; không kể một lần ở tuổi 20 phải trốn sang Bangkok theo đường qua
Lào rồi bị giải về quê bằng đường biển, và một lần sang Hồng Kông với đủ mọi vất vả, nhếch nhác của
một thân phận tha hương.
Hoài cổ và xê dịch, ngay từ khi xuất hiện, Nguyễn Tuân đã tạo nên một ấn tượng nổi trội và khác biệt
trong làng văn; sau 1945, đối với giới phê bình mác xít, nó là biểu tượng của sự thoát ly gắn với mặt tiêu
cực của trào lưu lãng mạn. Còn bây giờ, khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập thì nó lại
là hiện tượng thuận chiều với nhu cầu phát triển của con người và xã hội. Tất cả những gì đến trong hoài
niệm của Nguyễn Tuân là hoàn toàn khác với sự nhôm nhoam, cẩu thả, bụi bậm trong cách thức khôi
phục đủ các thứ lễ hội như thời bây giờ. Còn đi - bây giờ ai mà không khao khát đi; và cả thế giới không
nơi nào mà không chăm lo chu đáo cho sự đón tiếp các khách đi - bởi nó là khu vực kinh doanh không
khói, thu được nhiều lãi nhất.
Cần phải kể thêm, trước 1945, Nguyễn Tuân còn là cây bút viết nhiều và kỹ nhất về đời sống trụy lạc -
gồm những thuốc phiện và cô đầu, như trong Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn lầu lạc và nhiều tùy bút có nhân
vật trung tâm hoặc duy nhất là Nguyễn. Đây là mảng viết góp phần tạo nên đặc sắc tính cách và phong
cách Nguyễn Tuân - con một nhà Nho thất thế, như là một cách phản ứng để thoát ra khỏi thế giới tù
túng bao bọc quanh mình, trong tư cách một phá gia chi tử, một kẻ không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào cho
một sự phá phách trong tâm thế bất an. Chọn chính cái tôi của mình để khảo sát và phô bày, ta có thể
nhận ra hai phương diện nạn nhân và tội nhân của một thế hệ thanh niên trí thức trong xã hội thuộc địa
đang đi đến tận cùng những ngày tàn của nó. Không thi vị hóa, cũng không tự xỉ vả hoặc hạ nhục bản
thân mình, Nguyễn Tuân chỉ muốn là sự “chép lại” “một thời kỳ khủng hoảng tâm thần” và một ít tâm
trạng của mình “trong những ngày phóng túng hình hài”(4). *
Với khởi đầu rất ấn tượng là Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đến với Cách mạng tháng Tám bằng sự
tận lực sống với thời cuộc, với sự sống đương đại, nhãn tiền. Ấy là một thay đổi lớn trong cảm quan và
nhãn giới của một người từng chủ trương quay lưng với cuộc sống, và trong ý thức phá phách chính sự
sống của bản thân mình. Giờ đây, Nguyễn, có lẽ là người sớm nhất, và hồ hởi nhất đến với cách mạng;
bởi, chính với cách mạng, Nguyễn Tuân mới có thể hứa hẹn từ bỏ triệt để con người cũ của mình: “Cái
giờ nghiêm trọng của mày đang điểm… bây giờ hoặc không bao giờ nữa. Mày phải cương quyết lấy mày
ra làm lửa mà đốt cháy hết những phong cảnh cũ của tâm tưởng mày” (Vô đề, 1945). Và hăm hở xuống
đường: “Mê say với ánh sáng trắng vừa được giải phóng tôi đã là một dạ lữ khách không mỏi, quên ngủ
của một đêm phong hội mới”. Trước đây, dẫu chủ trương xê dịch, nhưng Nguyễn đâu có được cái vui đi
cùng dòng người. Còn bây giờ, chỉ đến bây giờ, Nguyễn mới được sống những phút giây sung sướng và
cảm động: “Chúng tôi đã ôm lấy nhau và mừng ra nước mắt như hai con bệnh già mới uống liều thuốc cải
lão hoàn đồng” (Ngày đầy tuổi tôi cách mạng).
Vậy là, với Nguyễn Tuân, đã chọn nghề viết, ông đã không ngừng viết bất cứ lúc nào, dẫu với bất cứ
chuyển động nào của lịch sử. Một chuyển động đến “long trời lở đất” như Cách mạng tháng Tám đã
không thể khiến ông ngừng viết (như nhiều đồng nghiệp khác), trái lại càng kích thích ông viết. Bởi dường
như, sau cơn “khủng hoảng tâm thần” và cách sống “phóng túng hình hài”, ông đã tìm ra được lối thoát
cho mình, trong một cuộc giải phóng lớn của dân tộc, như là một thời cơ có một, để làm thay đổi ông,
không chỉ trong tư cách một công dân mà cả trong tư cách nghệ sĩ - người từng có lúc đã tưởng có thể
chết đi được nếu ai đó tước đi quyền viết của mình(5). Chọn tên Cỏ độc lập cho một vở nhạc kịch ngắn
ông viết cho báo Thiếu sinh - số Xuân độc lập 1946 với lời dẫn: “Cỏ này nhấm vào vị ngọt. Tính dược thì
chữa bệnh yếm thế. Đem giã ra gợn lấy nước mà biên chép trên giấy thì không thứ gió mưa nào của cuộc
đời làm phai bợt được. Thời nhân gọi là Độc lập thảo. Nhất danh nữa là Hy vọng thảo”, tác giả Thiếu quê
hương đã dứt khoát một thái độ khẳng định cho hiện tại và ấn định một lòng tin ở tương lai của dân tộc
mà bản thân mình là một thành viên, chứ không còn là một đứa con rơi lạc loài, hoặc hư hỏng.
Tháng Tám - mùa thu cũng đã vào văn Nguyễn Tuân trong vẻ lộng lẫy của một bức sơn mài: “Chưa có thu
nào mà mây mùa khói mùa đẹp được như mây khói mùa này. Sớm cũng như hôm, bốn chiều tám hướng
chân giời Việt Nam nổi bồng lên những hình mây khỏe mạnh và những sắc mây lộng lẫy” (Ngày đầy tuổi tôi cách mạng).
Với Cỏ độc lập, cùng những trang viết ngay trong những ngày cả nước khởi nghĩa Nguyễn Tuân thực đã
hết mình, và trung thực tuyệt đối với mình trong một cuộc “lột xác” (chữ dùng của ông), và trong cái
quyết tâm “tự đào thải hết mọi cố nhân trong lòng mình”. Chính với ý nguyện như thế ông đã sớm đến
với cách mạng, và cách mạng đã sớm đón ông - người rồi đây sẽ không ngần ngại đi lên chiến khu Việt
Bắc, viết những trang mới nồng ấm tình người trong Đường vui, Tình chiến dịch…; và vui vẻ đảm nhận
chức trách Tổng thư ký đầu tiên của Hội văn nghệ Việt Nam vừa mới thành lập vào cuối năm 1948, cùng
cấp phó đồng sự là Tố Hữu. *
Nếu Cách mạng tháng Tám đánh thức tình yêu nước và khát vọng độc lập tự do của Nguyễn Tuân, đưa
Nguyễn Tuân vào đội ngũ hàng đầu những người viết sớm trở về với ý thức công dân, và với niềm tự hào
có một Tổ quốc gắn với Sông và Núi, với Đồng cỏ, với một Em bé gái và Quyển Sử Việt Nam, và nhất là với
Cỏ độc lập do Thần Cách mệnh(6) mang đến, để cho ông ngưỡng vọng và ca ngợi thì cuộc kháng chiến
của toàn dân tộc ngay sau đó lại đưa ông vào cuộc sống lớn lao của quần chúng - những người trước đây
đối với ông là hoàn toàn xa lạ. Đó là những con người bình thường nhất, những người làm nên lúa khoai
và bây giờ đang cầm súng; chính họ, chứ không phải là những ai khác đã làm nên những điều kỳ diệu
diễn ra quanh ông. Trên đường lên Việt Bắc đầu 1949, ông ghi: “Trông Dakota và Junker tiếp tế của nó
hổn hển trong mù sương của ngày mưa lũ mình thấy khoái trong lòng, mặc dầu thời tiết có dằn vặt mình
trên những con đường lầy trơn như tráng mỡ nước”. Gặp một đơn vị bộ đội trong đêm, không rõ mặt,
chỉ là những bóng đen, nhưng vẫn làm ông “ấm lòng ngang với những chấm lửa của lớp Bình dân học vụ
buổi tối trong rừng sâu” (Lại ngược).
Giờ đây niềm sung sướng và hạnh phúc của Nguyễn Tuân là được sống như mọi người, là được lẫn vào
dòng người: “Tôi thành ra cán bộ dân vận. Ngoài giờ công tác ở đơn vị, tôi xách cái túi gai chạy đi các
nhà, ngồi góp chuyện bên bếp lửa, tập nói tiếng địa phương. Tôi thấy tôi trở nên thân mật với người ở
xóm bản như là đã quen biết từ lâu lắm. Rồi nó thành hẳn một nếp tình cảm” (Tình chiến dịch).
Quý những “nếp tình cảm” mới ấy ở một người như Nguyễn Tuân ta càng quý sức cảm hóa của cách
mạng, càng quý những mối quan hệ mới giữa con người và cái ý nghĩa cao đẹp của đời sống tinh thần mà
cách mạng đã đem lại cho mỗi người.
Nhưng không phải chỉ có sự đổi thay trong cái tôi. Trước 1945 Nguyễn Tuân xác nhận: “Lòng kiêu căng
của ta xui ta chỉ nên chơi có một lối độc tấu” (Nhà Nguyễn). Tôi hiểu “độc tấu” ở đây là tùy bút như một
“đặc sản” của Nguyễn Tuân; mặc dù sự thật là ông đã viết nhiều thể loại - gồm cả phóng sự, du ký, truyện
ngắn và dài. Còn bây giờ, cũng là lần đầu tiên Nguyễn Tuân thấy sự gò bó của tùy bút, khi sự kiêu căng
không còn là cần thiết nữa. Trong Hội nghị tranh luận văn nghệ năm 1949, Nguyễn Tuân phát biểu: “Bây
giờ là thời kỳ viết tiểu thuyết, đừng viết tùy theo bút nữa. Viết tiểu thuyết cho con người nói lên được”(7).
Thế nhưng đâu cần đến tiểu thuyết - việc đó đã có rất nhiều người làm, mà vẫn chỉ với tùy bút, ông vẫn là
người đồng hành cùng cách mạng; hơn thế, còn là người có chung những lo và nghĩ với cách mạng. Hết
kháng chiến, về với đời sống hòa bình, Nguyễn đã có nhiều lúc loay hoay, và hoang mang trong những
biến động của thời cuộc, diễn ra liên tiếp từ sau Chiến thắng Biên giới 1950 cho đến nửa sau thập niên 50
- qua các sự kiện như Cải cách ruộng đất và Sửa sai; Hiệp định Genève về Đông Dương 1954 vừa ký kết
đã bị Mỹ Diệm xé bỏ; những biến động trên trường quốc tế làm lung lay sự bền vững của phe xã hội chủ
nghĩa; cùng các vụ/ việc trong đời sống chính trị và văn nghệ như Chỉnh huấn, Nhân văn - Giai phẩm… mà
ông cùng một số bạn văn “cây đa cây đề” như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Tô
Hoài đều bị hệ lụy ít nhiều.
Nhớ lại và suy nghĩ về một thời như thế - đó là việc rồi cũng cần phải làm, nó nằm trong một bối cảnh
rộng hơn, đó là cuộc đấu tranh dân tộc nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, và cuộc đấu
tranh giai cấp để xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh một thế giới chia làm hai phe, mà một chút
hoài nghi, mọi sự chập chờn, lấp lửng ở giữa đều bị đẩy về phía kẻ thù. Trong khi bản chất của người trí
thức là phải nghĩ, là được nghĩ, là chỉ hành động theo lòng tin của chính mình. Và Nguyễn Tuân, chính là
hiện tượng có ý nghĩa điển hình cho giới trí thức chân chính, luôn trung thực không hề giấu mình, luôn
dũng cảm để nói lên chính kiến, trong những tình thế phải giằng co giữa hai phía để đến với chân lý, nó lẽ
ra hoặc phải là sự gặp gỡ giữa chủ quan và khách quan trong tính thuyết phục của nó, chứ không phải là áp đặt hoặc răn đe.
Đây là thời kỳ Nguyễn Tuân viết những Phở (1956), Cây Hà Nội (1956), Đọc Sêkhov (1957) và Trả lời Tạp
chí Học tập (1957)… Và sau đó là Tờ hoa (1966), Tình rừng (1968) và Giò lụa (1973)… những bài gây tai
tiếng cho ông; nhưng chỉ ngót 20 năm sau trở đi, lại trở lại giá trị của một cách nghĩ, cách viết dũng cảm,
trung thực và tiên tri, cùng với giá trị văn chương của nó. *
Chặng đường sau 1960 cho đến khi Nguyễn Tuân qua đời, năm 1987 vẫn là một hành trình liên tục,
không ngừng nghỉ, không nản mỏi, không đứt quãng trên hai trục Đi và Viết, với khởi đầu là Sông Đà (1960).
Nếu có một nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XX, và nếu nền văn
học đó có được những thành tựu đáng ghi nhận thì theo tôi là vào nửa đầu thập niên 60, sau Đại hội
Đảng lần thứ III với bản giao hưởng Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội - “đường lên hạnh phúc rộng thênh
thênh”(8). Sông Đà góp một giai điệu ấm áp và hào sảng đó vào một thời khó quên trong lịch sử văn học
thế kỷ XX - thời, với những câu thơ có cánh trong Bài ca mùa xuân 1961, Ánh sáng và phù sa, Riêng
chung, Trời mỗi ngày lại sáng; thời của những bộ tiểu thuyết trường thiên như Sóng gầm, Vỡ bờ, Sống
mãi với thủ đô; thời của những áng văn giàu chất trữ tình và chất thơ như Mùa lạc, Rẻo cao, Trăng sáng,
Cỏ non… Và Sông Đà, trước hết đó là vẻ đẹp của thiên nhiên qua một bút pháp rất tạo hình: “Con sông
Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở
hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”; để làm nên một nốt nhấn
đặc sắc trên cả hai chiều hiện tại và quá khứ của một dân tộc đang hào hứng đi vào một sự nghiệp dựng
xây, sau một lịch sử có quá nhiều hy sinh, nhọc nhằn, gian khổ… Trên hành trình ngược Tây Bắc lần này,
Nguyễn Tuân không còn là một lữ khách ham vui, mà tự nhận mình là một người đi tìm vàng, tìm “cái thứ
vàng mười mang sẵn trong tâm trí tất cả những con người ngày nay đang nhiệt tình gắn bó với công cuộc
xây dựng cho Tây Bắc thêm sáng sủa, tươi vui và vững bền”.
Như vậy là qua Sông Đà, từ Sông Đà, Nguyễn Tuân đang có một đà say về cuộc sống mới.
Nhưng rồi chỉ vài năm sau, từ tháng 8-1964, miền Bắc và cả nước bước vào cuộc kháng chiến lần thứ 2
chống Mỹ. Sau sông Đà - Tây Bắc, từ đây Nguyễn Tuân sẽ năng đến với sông tuyến - Hiền Lương, như một
lưỡi dao xẻ đôi đất nước, để viết Đò tuyến, Xuân lửa trên dòng Gianh và sông tuyến, Chỗ đầu cầu đó -
chỗ bờ sông đó - chỗ bãi cát đó… Và nỗi đau đất nước bị xẻ đôi này, cùng với cái nguyên cớ khiến cả dân
tộc phải nhất tề vào trận đã động vào một khu vực nhậy cảm nhất trong hệ giao cảm Nguyễn Tuân, để từ
đó khởi nguồn một giòng viết mới - đó là Hà Nội hào hoa, Hà Nội thiêng liêng, Hà Nội hiên ngang đánh
trả kẻ thù; là chân dung kẻ thù mới không chỉ trên một nửa đất nước phía Nam mà còn là cả bầu trời
miền Bắc trong tập ký Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972-1984). Một tập ký, thật đặc sắc trong cách soi đi soi
lại chân dung kẻ thù mới, không phải chỉ của một nhà văn rất giàu ý thức dân tộc, mà còn là một nhà văn
hóa mang lương tâm thời đại: “Biến cố của lịch sử đã đặt chúng tôi phải đụng độ đương đầu sống mái với
bọn hiếu chiến Hoa Kỳ thì dĩ nhiên chúng tôi cũng phải tìm hiểu Hoa Kỳ về mọi mặt, bằng mọi cách, và
bằng mọi điều kiện có thể của mình. Lực lượng võ trang cả nước tôi tìm hiểu về cách đánh của quân đội
Mỹ. Và những người như chúng tôi tìm hiểu về cách nghĩ Hoa Kỳ để mà cùng đánh Mỹ, đánh cho chết tiệt
đi cái cách nghĩ phản khoa học và trịnh thượng đó của bọn phát xít Hoa Kỳ hợm hĩnh về súng đạn và tính
du côn lộng hiểm” (Gửi một nhà văn Mỹ thật sự yêu tự do và hòa bình).
Nếu có cái gọi là “thế đứng trên đầu thù” thì chắc chắn cũng như Tố Hữu, Chế Lan Viên trong thơ,
Nguyễn Tuân là người chiếm vị trí số 1 trong văn xuôi.
Nguyễn đã viết rất sảng khoái những áng văn vừa là tùy bút vừa là chính luận, với rất nhiều âm hưởng và
giọng điệu qua những cái tên bài thật là độc đáo: Hà Nội giải tù Mỹ qua phố Hà Nội, Cho giặc bay Mỹ nó
ăn một cái Tết ta, Có ba phi công Mỹ đi bộ trong chợ hoa sơ tán, Bên ụ súng Hà Nội, một đám cưới phòng
không, Cánh B52 rụng xuống một thôn hoa Hà Nội, Hà Nội ta vậy mà đã một năm chiến thắng B52, Đất
cùng trời toàn cõi ta từ đây coi như sạch hẳn bóng nó, Đêm xuân năm Hổ này nằm ngẫm thêm về bầy hổ
Mỹ. Quả là ý thức dân tộc luôn luôn là một giòng chảy thật đậm trong văn Nguyễn Tuân, kể từ Vang bóng
một thời, Thiếu quê hương… cho đến Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi. Cùng trên một giòng chảy, nếu ở đầu
nguồn là một tâm trạng yếm thế, với giọng văn hoài nghi, khinh bạc thì đến với hạ lưu là một lòng tin hào
sảng vào tương lai và thế đứng của dân tộc. *
50 năm viết - ở thời điểm 100 năm ngày sinh hôm nay nhìn lại, Nguyễn Tuân quả đã để lại một dấu ấn
thật sâu đậm trên hành trình văn học hiện đại. Rực rỡ ngay từ khi xuất hiện; không ngừng nghỉ trên một
hành trình viết qua hai chặng trước và sau 1945 - chặng nào cũng là sự trung thực tuyệt đối với bản thân
mình trong tư cách một nghệ sĩ của ngôn từ. Ở tuổi 77, do con tim trở chứng, ông phải vào bệnh viện,
nhưng vẫn mang theo sách để đọc cùng là tiếp chuyện và thư từ với bạn bè; nếu không đột ngột đi ngay
có lẽ ông sẽ viết xong hai tùy bút còn trong dự định - một là về hiện thực trong Liêu trai, và hai là hiện
tượng sữa Ba Vì phải đổ đi trong khi con trẻ cả nước thiếu dinh dưỡng trầm trọng - một tùy bút hẳn
không khác mấy Tình rừng... Một người viết trong ý nghĩa đích thực và cao quý của nó. Một người của
nghề với một quan niệm rất chặt chẽ, nghiêm chỉnh, cẩn trọng về nghề. Đó là nghề viết, trong sự tận tụy
hết mình, dốc cạn mình - để đến với cái đẹp, đúng như một quan niệm văn chương của Hoài Thanh: “Tìm
cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật. Tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình”(9). Dĩ nhiên đây là cái
đẹp trong quan niệm của mỹ học, chứ không phải ở bất cứ lĩnh vực nào khác, như chính trị, hoặc luân lý,
đạo đức; và dĩ nhiên là muốn tới cái đẹp thì phải loại bỏ cái xấu, cũng như cái ác, cái bất lương; và với
Nguyễn Tuân trước 1945 thì đó là bọn người bất tài, mà hợm hĩnh về tiền của, quyền lực; là đám “con
buôn quen sống với đủ thứ hàng họ và buôn Tần, bán Sở”. Còn sau 1945 thì đó là thói giả dối, nịnh hót và
cơ hội - không xứng với một cuộc sống trong sạch và đẹp như ông từng thấy và ao ước. Thậm ghét sự giả
dối, bởi ông là người trung thực; ghét thói nịnh hót và cơ hội, bởi ông là người ngay thẳng. Thật và thẳng
- đó là phong cách sống và viết của Nguyễn Tuân.
Không kể, ở vị thế đối lập triệt để với cái thiện, cái đẹp đó là kẻ thù của dân tộc, mà trên thế đứng của
người quyết thắng, ông đã rất thỏa thuê trút hết những khinh bỉ và phẫn nộ.
Đam mê và sống chết với nghề - đó là nét chung của rất nhiều người chọn nghề viết, chứ không riêng
Nguyễn Tuân. Nhưng với Nguyễn Tuân, đây mới thật là riêng, sáng tạo văn chương phải là một nghề sang
trọng. Xem cách Nguyễn Tuân ứng xử với văn chương, trên từng quyển, từng bài, từng câu, từng chữ,
từng dấu chấm dấu phẩy, viết hoa hoặc xuống dòng… mới thấy nghề văn là công phu như thế nào. Tuyệt
không một thô vụng. Tuyệt không một sơ suất hoặc cẩu thả. Bởi khi đã đến với cách nghĩ văn chương là
nghệ thuật ngôn từ thì ngôn từ phải cùng lúc đảm nhận cả hai trọng trách, hoặc một trọng trách kép - thì
cũng thế: một - đó là tinh hoa tiếng Việt của cha ông và hai là bản sắc riêng của cá nhân mình. Một ngôn
ngữ rất Việt Nam và rất Nguyễn Tuân, đó là cái đích cao nhất mà Nguyễn Tuân đã đến được, ngay từ
những tác phẩm đầu tay cho đến trang viết cuối cùng.
Như vậy là, sau tất cả những gì đã được nói đến mà tôi là người đọc trung thành với Nguyễn Tuân nhiều
chục năm qua đã quá thuộc và thấy không cần phải nhắc lại ở bài này, hôm nay tôi chỉ muốn tìm đến
Nguyễn Tuân như là người của nghề - nghề viết; và là người của chữ - tiếng Việt. Đọc bất cứ trang văn
nào của Nguyễn Tuân ta cũng đều cảm nhận được một cách thật hứng thú cái giàu có, sinh sắc, sống
động, và cái sức diễn tả, biểu đạt thật là tuyệt vời của câu văn ta trên tất cả các phương diện của màu
sắc, âm thanh, hình khối của chữ và nghĩa. Ngôn ngữ Nguyễn Tuân đó là thứ ngôn ngữ có hình, có khối,
có nhạc, và đương nhiên là có hồn - cái hồn được truyền lại từ cha ông và cái hồn của người viết phả vào,
bởi tài năng vận dụng, khai thác hết công suất của nó. Người từng viết Về tiếng ta, Tản mạn chung quanh
một áng Kiều, Băm sáu cái nõn nường Xuân Hương…, cũng như Xuân Diệu là người gần như mê đắm
những từ thuần Việt, tức là những từ đến từ sự sống lam lũ, vất vả qua hàng nghìn năm dựng xây và giữ
gìn đất nước của cha ông. Với Nguyễn Tuân mỗi chữ, mỗi câu là một cân nhắc, một chọn lựa, đừng có ai
nghĩ là phải thêm hoặc bớt, phải đổi thay hoặc cắt bỏ. Bởi với ông, hiểu như R. Barthes (1915-1980) chỉ
được xem là nhà văn, những người có dụng công trau dồi ngôn từ, chú ý tạo ra văn phong, và làm nên
một ngôn ngữ riêng biệt của mình, khác với những người viết thông thường xem chữ viết chỉ là phương
tiện để diễn tả các hành vi, ý tưởng. Như vậy nếu ta tin sự đánh giá của Hoài Thanh đối với các tác gia
Thơ mới: “Họ đã dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt” để tạo nên “một thời đại trong thi
ca” Việt Nam, thì ta sẽ hiểu và tin Nguyễn Tuân khi ông khẳng định: “Về những vấn đề lớn thuộc về vận
mệnh dân tộc, tôi nghĩ rằng cái biểu hiện yêu nước của tôi, ở tôi, tôi chỉ xin khung nó gọn vào vấn đề xây
dựng tiếng nói”(10). Nhận mình là một người lao động, như bất cứ nghề lao động nào khác, trong các
bản khai về nghề nghiệp, thay vì Nhà văn, hoặc Người viết văn, ông ghi: Chuyên viên tiếng Việt.
Chuyên viên tiếng Việt - mà tôi muốn gọi một cách quen thuộc là nghề viết, với phương tiện duy nhất là tiếng nói và chữ.
Chọn năm 1910 mà ra đời, để 100 năm sinh của mình đúng vào dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội,
Nguyễn Tuân người quê ở Mọc - Nhân Mục, nay thuộc xã Nhân Chính huyện Từ Liêm, sinh ở Hàng Bạc đã
hưởng được những tinh hoa của ba sáu phố phường và trở lại làm sáng danh cho văn hóa thủ đô bởi tất
cả những gì làm nên hồn cốt của một người viết - đó là lòng yêu cái đẹp và khả năng làm giàu cho cái đẹp
ở tư cách một người viết tận tụy và hết mình cho ngôn từ, khiến cho bất cứ lúc nào ông cũng nhận được
sự kính trọng của mọi thế hệ người đọc - để, nói như Kim Lân, ông là “người sung sướng nhất”(11).
Cách đây 23 năm, trong Điếu văn đọc tại Lễ tang Nguyễn Tuân, ngày 28-7-1987, nhà văn Nguyễn Đình Thi
đã nói đến Nguyễn Tuân như là “người đi tìm cái đẹp và cái thật”. Ở dịp kỷ niệm 100 năm năm sinh
Nguyễn Tuân hôm nay, tôi muốn nói một lời khẳng định: Nguyễn Tuân là người đã “đến được với cái đẹp và cái thật”.
Nguyễn Tuân – Người đi tìm và sáng tạo cái đẹp Đoàn Trọng Huy – Đoàn Trọng Huy (*)
Đã có nhiều ý kiến bàn luận về Nguyễn Tuân và cái đẹp [5, tr 179 – 185, tr 219 – 226]. Nhà văn lớn
Nguyễn Tuân được mệnh danh là “Người săn tìm cái đẹp” (Nguyễn Thành), hoặc “Người đi tìm cái đẹp,
cái thật” (Nguyễn Đình Thi) [5].
Các nhà thơ lớn, nhà văn lớn thường có hẳn một hệ thống quan niệm thẩm mỹ, mang nét độc đáo. Vì
vậy, để thấu đáo trong dư luận văn đàn, có thể và cần bàn về mỹ học của Nguyễn Tuân. Nói cách khác,
cần xem xét kỹ về chủ thể thẩm mỹ với các phạm trù biểu hiện và đối tượng thẩm mỹ với đặc tính và các
phạm trù của nó trong sáng tác của Nguyễn Tuân. YYY
I/ HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM LÝ TƯỞNG THẨM MỸ CỦA NGUYỄN TUÂN
Sự đổi đời, đời sống và đời nghệ thuật của văn nghệ sĩ thời tiền chiến có một “trục bản lề” lịch sử – Cách mạng tháng Tám 1945.
Nguyễn Tuân cũng không phải là ngoại lệ. Ông quan niệm cái mốc lịch sử ấy đã tạo ra sự Lột xác kỳ diệu của bản thân.
Hành trình nghệ thuật của Nguyễn Tuân được xác định một cách đại thể là từ Nghệ thuật vị nghệ
thuật đến Nghệ thuật vị nhân sinh.
Tuy nhiên, như giới nghệ sĩ đã nhận định: Nguyễn Tuân là một “hiện tượng” phức tạp. Do đó, con đường
đi từ “nghệ thuật cũ” đến “nghệ thuật mới” cũng phức tạp, không hề đơn giản. Có lúc thẳng tắp, trơn
chu cũng có lúc quanh co, gập ghềnh.
Lột xác ( tên cũ là Vô đề ,Tạp chí Văn mới, 1945) là tâm sự chân thành rất mực, tuy nhiên không tránh
khỏi nét bồng bột, cực đoan. Quả lắc đồng hồ tâm lý phải khuynh tả một chút trong cơn dao động thời
cuộc...: “Mày huỷ diệt hết những con người cũ ở trong mày đi – những con người mà mày mệnh danh là
cố nhân... Đào thải chưa đủ. Phải tàn sát. Giết, giết hết. Thò đứa nào ở dĩ vãng hiện về đòi hỏi bất cứ một
tí gì của mày bây giờ, là mày phải giết ngay. Mày phải tự hoại nội tâm mày đi đã” [4, tr 343].
Đây là cái gìờ nghiêm trọng của đời Nguyễn trong không khí: “Ngoài đường, cuộc Cách mệnh đang bước
dài trên khắp ngả phố”. Đó là giờ khắc tuyệt giao giữa Mới và Cũ. Ở Chùa Đàn vẫn còn là lưu luyến với
một cái đẹp hư ảo trong mối xung đột giả tưởng: “Cho tới ngày nay, chưa có cuộc Cách mệnh nào của
Con Người mà bỏ được tiếng hát” [4, tr 404].
Dù sao, đây mới là tâm sự và chuyển biến nghệ thuật của nhà văn trong buổi đầu khi tiếp xúc và tiếp nhận cách mạng.
Chặng thứ hai tiếp sau mới là chặng Đường vui.
Cách mạng dần dần giải thoát tâm hồn nghệ thuật cho Nguyễn Tuân, đưa nhà văn đến với nhân dân và
cuộc sống chiến đấu. Tuy nhiên, quá trình chuyển biến cũng diễn ra không hẳn là đơn giản, dễ dàng.
Có thể nói – từng bước, từng bước trên đại lộ của cuộc đời mới và nghệ thuật mới, Nguyễn Tuân dần dần
tiếp cận, và nhận ra được cái đẹp chân chính thật sự tiến bộ. Ý thức thẩm mỹ được hoàn thiện cùng với
sự kiên định lý tưởng thẩm mỹ mới.
Từng là một nhà duy mỹ có hạng, môn đệ trung thành của thuyết Nghệ thuật vị nghệ thuật, chuyển sang
quan điểm nghệ thuật và quan niệm thẩm mỹ mới tiến bộ ngày nay, Nguyễn Tuân đã thực sự tiến hành
một cuộc “cách mệnh” bản thân khổ ải như một trận “Lột xác”. Căn bệnh cũ, đã bằng cách nào hay cách
khác, chỉ rình rập, tái phát, phải mất bao công phu, phòng ngừa và chữa trị mới có thể tiệt nọc!
Thật là chông chênh giữa hoài cổ với tôn sùng nét văn hoá truyền thống, cũng mong manh là giới hạn
giữa thưởng thức tinh tế hương vị, cảnh sắc quê hương, đất nước với thứ nhấm nháp dư vị cổ xưa.
Nhưng nguy hiểm hơn cả, là sự trỗi dậy của một cái tôi cá nhân vị kỷ, kênh kiệu và ngông ngạo trên sự
đời, và tình người, để “khinh thế ngạo vật” như anh chàng Nguyễn ngày nào. Cũng rất vất vả là sự dấn
thân để tìm ra những cái đẹp chân thật, quý giá trên đời bằng tấm lòng thành thực và trí tuệ sắc sảo.
Chỉ từ những năm 60, đặc biệt là những năm chống Mỹ, nhà văn mới bước vào thời kỳ chuyển biến thực
sự trên hành trình nghệ thuật theo lý tưởng thẩm mỹ mới. Ấy là do kết quả của những trải nghiệm thực
tế, thực tâm đi vào đời sống lao động, sản xuất và cả tiếp cận với hoạt động chiến đấu qua cuộc kháng
chiến hào hùng vào bậc nhất của lịch sử dân tộc.
Tuy nhiên, trên dư luận văn đàn, đã từng có những luồng ý kiến nhận xét và đánh giá chưa thật thấu đáo
và thoả đáng về nhà văn.
Đó là khuynh hướng đơn giản, có phần nào phiến diện khi đánh giá hành trình chuyển biến nghệ thuật
của Nguyễn Tuân là triệt để, thông thuận, hoặc nhấn mạnh về một vài phương diện nào đó trong thể
hiện lý tưởng thẩm mỹ hoàn chỉnh. Như nặng về công lao, nhà văn tìm kiếm, phát hiện mà nhẹ phần
cống hiến sáng tạo cái đẹp. Hoặc như tôn vinh cái đẹp, cái thật chưa tương xứng với cái tốt.
Một khuynh hướng gây nhiều hệ luỵ và cả phản ứng với chính nhà văn là giáo điều, áp đặt. Những ý kiến
đánh giá kiểu này thường thiếu cả lý và tình, có định kiến, xơ cứng, máy móc ảnh hưởng của xã hội học
dung tục. Có bạn văn viết về Cảnh sắc và hương vị đất nước trong văn Nguyễn Tuân, đã nhận xét: “... tác
động của xu thế phê bình văn học một thời làm ông chột dạ” [5, tr 218]. Thực ra, Nguyễn Tuân rất dị ứng với lốphê bình ấy.
II/ VỀ CHỦ THỂ THẨM MỸ
Nói một cách tóm tắt theo lý luận văn học, thì chủ thể thẩm mỹ là chủ thể xã hội, có khả năng hưởng thụ,
sáng tạo và đánh giá thẩm mỹ. Chủ thể thẩm mỹ là các nghệ sĩ, các nhà văn và cả những ai có tiềm ẩn
những năng lực thẩm mỹ như cảm thụ, đánh giá thẩm mỹ và có hoạt động thẩm mỹ ngoài nghệ thuật. Và
như vậy, là hết sức đa dạng, phong phú.
Nguyễn Tuân là một chủ thể thẩm mỹ đặc biệt. Bởi vì, nhà văn lớn có thể ví là “chủ thể của chủ thể”, có
vai trò và vị thế của chủ thể thưởng thức và sáng tạo, đánh giá và định hướng thẩm mỹ. Trong chừng
mực nhất định, ông còn bao quát cả biểu hiện thẩm mỹ và tổng hợp nhiều năng lực thẩm mỹ. Ấy là vì,
trên tất cả, nhà văn có cốt cách và năng lực của một nghệ sĩ tài hoa, một nhà văn hoá đầy bản lĩnh.
Nguyễn Tuân quả là một nhà nghệ thuật đa tài trên phương diện văn chương, ngôn ngữ và cả biểu diễn.
Riêng về văn thì đã hội đủ chất văn thơ, nhạc hoạ và cả kịch, phim – rất hiện đại nữa.
Nguyễn Đình Thi đã tôn vinh Nguyễn Tuân là “một bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ”. Còn Tố Hữu thì nói
đại ý, coi nhà văn là người “thợ kim hoàn” về chữ nghĩa.
Am hiểu nghệ thuật và dấn thân cả trong nghệ thuật âm thanh, ánh sáng và diễn xuất, Nguyễn Tuân
được mệnh danh là con người tài hoa: Tuân tài tử màn ảnh và sân khấu (Thiên Trường), “Nhà văn – diễn
viên Nguyễn Tuân” (Trương Quân), Nguyễn Tuân - diễn viên sân khấu (Đình Quang), Hát ả đào đêm
xuân (Hoàng Cầm),... [5]. Dù là nghệ sĩ trên trang viết, hay tài tử trên sàn diễn, cả hai đều nhất quán
trong một ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng.
Nguyễn Tuân là người có ý thức thẩm mỹ đầy đủ và sâu sắc bậc nhất,. Đó là ý thức như một hệ thống
hoàn chỉnh các thành tố cảm xúc thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ, và nhất là quan niệm và lý tưởng thẩm mỹ.
Nhà văn có đầy đủ các trạng thái rung động một cách trực tiếp và cảm tính trước các hiện tượng thiên
nhiên, đời sống và nghệ thuật – tức có được một cảm xúc thẩm mỹ mạnh mẽ. Qua đó, nhà văn đã khám
phá ra vẻ đẹp của thế giới và con người và cái đẹp khách thể và của chính mình.
Từ Vang bóng một thời, ta như thấy được sự khám phá vẻ đẹp xưa – đến các tác phẩm ký, tuỳ bút trong
hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ chính là sự phát hiện vẻ đẹp chân chính và tiến bộ ngày nay
(Tuỳ bút kháng chiến và hoà bình, tập I – II; Sông Đà; Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi; Cảnh sắc và hương vị đất
nước;...), Nguyễn Tuân đã thể hiện một biệt tài về tìm kiếm và thể hiện cái đẹp muôn hình, vạn trạng để
dâng hiến cho đời. Đối tượng thẩm mỹ kích thích cảm xúc thẩm mỹ của chủ thể, nhưng lại có sự nhập
cảm của ý thức chủ thể vào đối tượng.
Con sông thơ mộng và dữ dội đã trở thành dòng chảy huyền thoại, người lái đò vật lộn thác lũ đã trở
thành dũng sĩ – nghệ sĩ nhờ ngòi bút tài hoa của nhà văn (Sông Đà). Đừng vui, Bài ca trên mặt phần
đường hay chính đó là khúc hát tâm hồn của tác giả ? Cánh B.52 rụng xuống một thôn hoa Hà Nội phải
chăng, là luận đề minh triết về sự đối lập giữa thiện và ác, chính nghĩa và phi nghĩa, là hình ảnh tượng
trưng kỳ thú về đối chứng “huỷ diệt” và “tái sinh”, về sự sống trên cái chết của nhà mỹ học uyên thâm.
Nhà văn tham gia đóng phim Chị Dậu của Ngô Tất Tố, hứa sẽ đóng một vai người Hà Nội trong phim Luỹ
Hoa của Nguyễn Huy Tưởng, nhưng qua những cảnh tượng của núi sông, miền biên giới hay giới tuyến,
nhà văn cũng đã tạo ra những cận cảnh, những đoạn dựng – montage – như điện ảnh.
Nhiều tác phẩm có những tiềm năng lớn cho chuyển thể thành những đoạn phim. Từ “cái biển hoa ấy
đong đưa vì hương lộng... lũng hoa kỳ diệu” để nói lên tâm hồn Á Đông qua câu thơ của Nguyễn
Du: “Hương gây mùi nhớ” (Hương hồng Bungari). Rồi, giữa trời Âu lại làm dậy lên cái hương thơm ngào
ngạt của đặc sản dân tộc – Phở. Đây cũng là cái biệt tài độc đáo của nhà văn – nghệ sĩ từng một đời say
mê với thanh sắc và hương vị, mà tâm hồn tràn đầy năng lực mỹ cảm.
Nguyễn Tuân từ khi “tập làm bài” (Lời của Nguyễn trong Lột xác), đến lúc “làm bài” đã dần xác định
một quan niệm thẩm mỹ chính xác và tiến bộ.
Trên các bình diện, thì quan niệm thẩm mỹ thiên về tư tưởng, trong khi cảm xúc thẩm mỹ thiên về tình
cảm, thị hiếu thẩm mỹ lại thiên về sở thích.
Tuy nhiên, theo Hégel trong công trình Mỹ học (1835), coi hoạt động thẩm mỹ là một trong những hoạt
động cao nhất của trí tuệ, thì sự thật và điều thiện được liên kết chặt chẽ trong cái đẹp...
Như vậy, Chân – Thiện – Mỹ có mối quan hệ mật thiết hữu cơ với nhau.
Mỹ học của Hégel mới được quan niệm trong phạm vi nghệ thuật, được quan niệm là triết học cũa nghệ
thuật. Giờ đây, mỹ học hiện đại được quan niệm ở phạm vi phổ quát – cả về nghệ thuật và tự nhiên.
Quan niệm thẩm mỹ có quan hệ với quan niệm nghệ thuật. Quan niệm nghệ thuật được coi là hạt nhân
của quan hệ thẩm mỹ – vừa là kết quả, vừa có tác động đến sự chuyển biến đối với quan niệm thẩm mỹ,
và còn ảnh hưởng đến sự phát triển của văn học.
Nguyễn Tuân đã trải qua cuộc tranh luận nghệ thuật khởi phát từ năm 1935, và sau này ông nhận ra sai
lầm một cách chân thành là đã theo phái vị nghệ thuật : “ Mình phải nhận cái tội của mình như thế” [5, tr 161].
Nêu luận đề “Nguyễn Tuân là người đi tìm cái đẹp”, hoặc “Nguyễn Tuân là người đi tìm cái đẹp và cái
thật” là để nhấn mạnh mỹ cảm mãnh liệt như đam mê một đời của ông. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ hơn,
ta có thể thấy rằng, khi cầm bút, tuy còn có phần chưa thật đầy đủ và sâu sắc, nhưng nhà văn đã thể hiện
được trách nhiệm nhất là lương tâm của người viết.
Chữ người tử tù (Tạp chí Tao đàn số 1, 1/3/1939) có lúc đã được coi là một ví dụ điển hình của cảm xúc
duy mỹ, tập trung miêu tả cái đẹp của hoa tay – tức cái đẹp thiên về hình thức. Khi đọc kỹ, ta sẽ thấy điều
gần như ngược lại. Ở đây, nhà văn ca ngợi cái đẹp của lòng người. Nổi bật trên tất cả là hai chữ thiên
lương. Ý tưởng viết rất rõ.
Qua con mắt “biệt nhỡn” của viên quản ngục, Huấn Cao hiện rõ là thuộc hạng người khí phách: “chọc trời
khuấy nước”, những dòng chữ đẹp “nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”. Hầu
như tất cả đất trời tôn “một ngôi sao Hôm nhấp nháy như muốn tụt xuống phía chân giời không
định”. Và mọi âm thanh phức tạp của cuộc đời như “bay cao lần lên khỏi mặt đất tối, nâng đỡ lấy một
ngôi sao chính vị, muốn từ biệt vũ trụ”.
Quả là những lời ca ngợi tuyệt vời về sự ra đi của một con người chính nhân quân tử, một chính khách
hiệp sĩ. Chúng ta đều biết – Huấn Cao, đây cũng chính là bóng dáng tượng hình của Cao Bá Quát – một
bậc Thánh Văn, và người hùng tham gia vào khởi nghĩa nông dân, chống lại triều đình đương thời với
chính sách hà khắc, gây bất công xã hội làm con người đau khổ.
Lời khuyên nhủ như bừng sáng, soi rọi con đường giải thoát cho những tâm hồn còn u mê: “Ở đây lẫn
lộn... Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững, và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.
Bữa rượu máu là tác phẩm trong tạp chí Tao đàn số 4 – 1939 (in trong Vang bóng một thời ,1940, sau đổi
tên là Chém treo ngành). Đây là một ví dụ khác, tả về cuộc hành quyết những tử tù “của dư đảng giặc Bãi
Sậy”. Khởi nghĩa Bãi Sậy, thực chất là khởi nghĩa thuộc phong trào Cần Vương – phong trào chống thực
dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX.
Kết thúc trang văn, còn có một chi tiết nói lên tất cả dụng ý sâu xa – như “một tấc lòng” của nhà
văn: “Lúc quan Công Sứ ra về, khi lướt qua mười hai cái đầu lâu còn đính vào da cổ người chết quỳ sân
pháp trường sắp giải tán, bỗng nổi lên một trận gió lốc xoáy rất mạnh... Trận gió xoắn, giật, hút cát bụi
lên, xoay vòng quanh đám tử thi, và đuổi theo các quan đang ra về. Cái mũ trắng ở trên đầu quan Công
sứ bị cơn lốc dữ dội lật, rơi xuống bãi cỏ, lăn lộn mấy vòng. Mọi người liếc trộm hai quan Thủ hiến và thì thào...”.
Sở kiểm duyệt lúc ấy ngu dốt, vẫn để đoạn văn này. Mà rất lâu sau, giới phê bình cũng chưa phát hiện ra
thâm ý đó: “Chữ đó! có mắt mà không biết đọc” – đó là phản ứng của Nguyễn Tuân khi nói chuyện với
sinh viên Khoa Văn trường Đại học Sư phạm vào những năm 60 của thế kỷ XX.
Trong “trận gió lốc xoáy” ở pháp trường ấy, có quấn quyện cơn giận dữ của đất trời và cái phẫn nộ của
lòng người, kể cả của nhà văn. Chính Nguyễn Tuân chứ không phải ai khác, bằng trí tưởng tượng của
mình, đã tạo ra trận gió oan khốc, kỳ dị ấy để nói lên nỗi đau xót và thương cảm đối với nghĩa quân yêu
nước bị hành hình, và tỏ rõ sự căm giận, oán hờn sẽ hành quyết những kẻ thủ ác – đại diện bọn xâm lược
và tay sai – “hai quan Thủ hiến” thời ấy.
Quả nhiên, chỉ mấy năm sau thôi, trận gió thần kỳ của cách mạng đã “làm giông làm tố”, cuốn phăng đi
tất cả những phận đời nô lệ oan khổ cho lồng lộng một đất trời giải phóng.
Đã từ lâu, Nguyễn Tuân là con người có lòng yêu nước âm thầm.