




Preview text:
1. Giới thiệu về đề tài
Mỗi ngày, màu sắc đều tràn ngập trong cuộc sống mỗi chúng ta: chúng tồn tại trong kí ức, trong văn
thơ nhạc họa, trong nếp sống xã hội. Có một sự liên kết mật thiết giữa các màu sắc với tâm trạng,
cảm xúc của chúng ta. Trong tất cả mọi ngôn ngữ, đôi khi người ta vẫn dùng màu sắc để miêu tả cảm
xúc bản thân như: “Số mình đen thật. Cuộc đời xám xịt. Khi yêu bạn sẽ thấy cuộc đời màu hồng (la
vie en rose), I’m feeling blue…” .Tận dụng khả năng này, màu sắc được ứng dụng trong mọi ấn phẩm
nghệ thuật và thiết kế. Nếu trong nghệ thuật, màu sắc được dùng để truyền tải cảm xúc của người
nghệ sĩ thì trong thiết kế, nó được dùng để “thao túng” và định hướng nhận thức của khách hàng về
một sản phẩm hoặc một thương hiệu nào đó.
Tâm lý học màu sắc trong UX/UI là một công cụ quan trọng trong việc tạo các yếu tố giao diện người
dùng như buttons design, web navigation, CTAs.. Tất cả các yếu tố này đều đóng vai trò quan trọng
trong việc thuyết phục người sử dụng ra quyết định mua hàng cũng như trong việc thiết lập truyền
thông thương hiệu đối với người dùng.
2. Tính thiết thực của đề tài
Theo chuyên gia marketing, Neil Patel cho rằng: “Màu sắc ảnh hưởng đến 85% lý do chọn mua một
sản phẩm cụ thể”. Vì vậy, một sản phẩm có được khách hàng đón nhận hay không phụ thuộc phần
lớn vào sự phối hợp màu sắc hài hòa trong cách thiết kế. Những màu sắc độc, lạ cùng sự kết hợp
màu mới mẻ và sáng tạo sẽ mang lại cho khách hàng cảm giác thú vị, thậm chí là hào hứng, nóng
lòng đón chờ sản phẩm ngay khi vừa nhìn thấy chúng. Màu sắc được lựa chọn đúng cách sẽ thúc đẩy
tâm trí người xem buộc họ phải thực hiện những hành động như tìm hiểu sản phẩm, tìm hiểu doanh
nghiệp và có thể đặt mua ngay sản phẩm đó.
Thực tế này cực kỳ quan trọng đối với UX/UI vì sức mạnh của một thương hiệu phụ thuộc rất nhiều
vào yếu tố cụ thể này. Màu sắc là một trong nhiều công cụ tiếp thị mà các nhà quản lý sản phẩm sử
dụng để tạo, duy trì và sửa đổi hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng nhằm truyền đạt ý
nghĩa của sản phẩm. Thương hiệu của bất kỳ sản phẩm nào của công ty liên quan đến logo, màu sắc
và giao diện tổng thể của ứng dụng hoặc trang web.
3. Lý thuyết tiếp cận
Tâm lý học màu sắc (color psychology) là một nhánh của ngành tâm lý học hành vi (behavioral
psychology) nghiên cứu về mối liên hệ giữa tâm trí và hành vi của chúng ta.
Tâm lý học hành vi là một trường phái tâm lý học do nhà tâm lý học Mĩ J. Watson (1878 – 1958) sáng
lập vào năm 1913; được J.Watson là người định nghĩa tâm lý học hành vi là gì: và cũng được chính
ông xuất bản với cái tên “Psychology as the Behaviorist Views It” (Tạm dịch: Tâm lý học qua cái nhìn của nhà hành vi học).
Nhà tâm lý học Mĩ J. Watson cũng tin rằng, các phản ứng của con người đối với kích thích của môi
trường chính là cái tạo nên hành vi. Nói một cách dễ hiểu hơn, hành vi được hiểu là tổng số các cử
động bên ngoài nảy sinh ở cơ thể nhằm đáp lại một kích thích nào đó theo một công thức nhất định.
Công thức: S – R (Stimulus – Reaction)
Kích thích – Phản ứng = Hành vi
=> Với Công thức này, nhà tâm lý học Mĩ J. Watson đã nêu lên một quan điểm tiến bộ trong tâm lý
học: coi hành vi là do ngoại cảnh quyết định, hành vi có thể quan sát được, nghiên cứu được một
cách khách quan, từ đó có thể điều khiển hành vi theo phương pháp “thử – sai”. Ngoài ra, Các hành
vi này có thể được học tập một cách có hệ thống và có thể quan sát một cách rõ ràng từ bên ngoài,
không đi sâu vào diễn biến nội tâm.
4. Nội dung của lý thuyết / cơ sở lý luận
Tâm lý màu sắc là nghiên cứu về cách màu sắc ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi. Màu sắc khác
nhau có ý nghĩa khác nhau, hàm ý và tác động tâm lý khác nhau giữa các nền văn hóa khác nhau.
Cùng với sự khác biệt về văn hóa, tâm lý màu sắc phần lớn bị ảnh hưởng bởi sở thích cá nhân. Tâm lý
màu sắc liên quan đến việc sử dụng lý thuyết màu sắc —ứng dụng thực tế của việc pha trộn và kết
hợp nhiều màu sắc khác nhau—để khám phá các khái niệm như nhận thức màu sắc và hiệu ứng của sự kết hợp màu sắc.
Trong tiếp thị và xây dựng thương hiệu, tâm lý màu sắc tập trung vào cách màu sắc tác động đến ấn
tượng của người tiêu dùng về một thương hiệu và liệu chúng có thuyết phục người tiêu dùng xem
xét các thương hiệu cụ thể hoặc mua hàng hay không.
5. Ứng dụng cụ thể của lý thuyết / cơ sở lý luận vào case
Tâm lý học màu sắc: Màu Đỏ
Là màu sắc mang lại cảm giác ấm áp, được nhiều người yêu thích vậy nên màu đỏ thường được dùng
cho các thương hiệu đồ ăn, ví dụ như Coca-Cola, KFC, McDonald’s.
Là màu sắc của tia lửa nên nó cũng khơi gợi một năng lượng mạnh mẽ, được sử dụng làm nhận diện
cho những thương hiệu thể thao như Ferrari F1, Manchester United.
Màu đỏ thường liên quan đến một cảnh báo hoặc một điều quan trọng cần xem. Đó là lý do tại sao
màu đỏ là màu đầu tiên xuất hiện trong tâm trí khi ta nghĩ về các trạng thái lỗi. Kết hợp với biểu
tượng dấu X, màu đỏ mang đến thông báo rằng đã xảy ra sự cố
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, màu đỏ thường xuất hiện trong giỏ hàng nếu người dùng muốn
thực hiện hành động 'Xóa khỏi giỏ hàng'.
Trong thiết kế UI, người ra thường kết hợp màu đỏ với các hành động nguy hiểm tiềm ẩn. Được sử
dụng đúng cách, màu đỏ vô cùng hiệu quả trong việc ngăn người dùng tiếp tục trong các hành động
nguy hiểm sau đó. Ví dụ như việc xoá file hay đóng tài khoản, designer thường thiết kế các button
màu đỏ nổi bật để khuyến khích người dùng suy nghĩ thật kĩ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Tâm lý học màu sắc: Màu Xanh Lá
Là màu của cây cối, màu xanh lá mang lại cảm giác thiên nhiên, an toàn, vậy nên nó là màu đại diện
cho nhiều thương hiệu về sức khỏe, những sản phẩm có thành phần từ thiên nhiên.
Do chứa đựng một nguồn năng lượng tươi mới, thân thiện, xanh lá rất được ưu chuộng sử dụng cho
những công ty đại chúng, ví dụ như Spotify và Starbucks.
Màu xanh cũng mang nghĩa là “đi" trong đèn tín hiệu giao thông vì vậy, màu xanh là là một màu
thích hợp để áp dụng cho những nút ấn, những thông báo tích cực và những tin nhắn thành công. Ví
dụ như khi người dùng đã nhập các thông tin chính xác, bạn có thể biểu thị bằng cách sử dụng màu xanh lá trong icon.
Tâm lý học về màu sắc: Màu Xanh Dương
Xanh dương là màu của biển cả và bầu trời, mang đến cảm giác bình yên, thư giãn nên thường được
các nền tảng mạng xã hội sử dụng, ví dụ như Facebook, Twitter, Skype.
Và xanh dương luôn mang đến một sự an toàn. Bởi tính chất đó, xanh dương thường được sử dụng
cho những tổ chức cộng đồng như WHO, Human Rights Committee, cũng như là màu đại diện cho
nhiều trường đại học, công ty an ninh.
Tâm lý học về màu sắc: Màu Đen
Mang tới cảm giác trầm lắng, bí ẩn. Chính vì sự bí ẩn, huyền bí đó mà người ta thường sử dụng màu
đen để đại diện cho sự kiêu kỳ, thượng lưu và được ứng dụng cho nhiều sản phẩm cao cấp như xe
hơi, sản phẩm công nghệ, thời trang,. .
Những thương hiệu như Sony, Beats và Samsung thường sử dụng màu đen trong các sản phẩm của
họ bởi đen là một màu cổ điển, chính vì vậy mày sắc này sẽ không bao giờ bị lạc hậu với thời gian và
phong cách. Chính vì lý do này, các công ty công nghệ thường sử dụng màu đen trong các thiết kế
sản phẩm để tránh sự lỗi thời so với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ như hiện nay.
6. Hiệu quả và phản ứng của nhóm công chúng Tuổi
Faber Birren, tác giả của quyển sách Tâm lý học về màu sắc và liệu pháp màu sắc nhận định rằng
màu xanh lam luôn được ưa chuộng hơn màu đỏ. Màu vàng được ưa thích hơn khi chúng ta còn
nhỏ, sở thích này có xu hướng giảm dần khi chúng ta già đi. Khi con người trưởng thành, họ thích
những màu có bước sóng ngắn hơn (lam, lục, tím) hơn là những màu có bước sóng dài hơn (đỏ, cam, vàng). Nguồn: truevaluepaint.com
Biểu đồ trên cho thấy, trong khi hầu hết khán giả thích những màu sắc rực rỡ và tràn đầy năng
lượng, thì những người lớn tuổi lại thường nghĩ rằng những màu sặc sỡ và sặc sỡ là phản cảm. Vì
vậy, khi thiết kế sản phẩm hoặc tài liệu tiếp thị cho người dùng lớn tuổi, bạn nên thận trọng với
những màu mang sắc thái quá tươi sáng, rực rỡ. Giới tính
Các nghiên cứu khác nhau chỉ ra rằng đàn ông và phụ nữ có sở thích khác nhau khi lựa chọn màu sắc
nam tính và nữ tính. Nghiên cứu về cảm nhận màu sắc chỉ ra rằng đàn ông thích những màu sáng,
tương phản, trong khi phụ nữ thích những sắc thái nhẹ nhàng hơn. Cả đàn ông và phụ nữ đều thích
màu xanh lam và xanh lá cây, nhưng nhiều phụ nữ yêu thích màu tím trong khi màu này lại khiến đàn ông khó chịu. Nguồn: realthread.com Văn hóa
Nền tảng văn hóa cũng có thể ảnh hưởng đến sở thích màu sắc của chúng ta. Bên cạnh đó, ý nghĩa
màu sắc cũng có thể khác nhau giữa các nền văn hóa. Chẳng hạn như ở phương Tây, màu trắng có
nghĩa là sự ngây thơ, khát vọng và hy vọng. Tuy nhiên, ở châu Á, màu trắng tượng trưng cho cái chết,
tang thương và xui xẻo. Có thể nhìn vào bảng dưới đây để kiểm tra ý nghĩa màu sắc của các nền văn hóa khác nhau:
7. Ý kiến của chuyên gia/Ý kiến của Nhóm/Cảm nhận/Suy nghĩ
Màu sắc trong bộ nhận diện thương hiệu được sử dụng rất đa dạng.
Có những thương hiệu lớn họ sử dụng màu đa sắc trong thiết kế logo và bộ nhận diện của mình
nhằm tạo sự độc đáo, cá tính riêng và nói lên sự đa dạng về sản phẩm cũng như đối tượng người
dùng. Chẳng hạn như Google, eBay.
Bên cạnh vấn đề linh hoạt trong sử dụng màu sắc thì dù mới hay lâu năm, designer cũng cần
quan tâm tới yếu tố tôn giáo và quan niệm của vùng miền. Điều này giúp tránh được những vấn
đề sai ý nghĩa, gây tác động không tốt và tính hiệu quả trong phát triển thương hiệu.
Vì ý nghĩa một số gam màu ở châu Á và châu Âu sẽ có những điều khác biệt riêng. Bạn có thể tìm
hiểu thêm vấn đề này khi lựa chọn màu sắc nhận diện thương hiệu và sử dụng cho phù hợp. 8. Kết luận
Bản sắc thương hiệu của bạn định ra cách thế giới nhìn nhận về thương hiệu ra sao, và màu sắc
là một thành phần không thể thiếu tác động tới sự nhận thức đó. Chọn ra màu sắc thể hiện được
tốt nhất cá tính của thương hiệu là điều cần thiết trong việc xây dựng một thương hiệu. Bằng
cách hiểu được tâm lý học màu sắc, ta có thể đưa ra lựa chọn dựa trên sự nhìn nhận sâu sắc thu
thập được từ những khảo sát khoa học.
Ngoài việc phân tích và lựa chọn màu sắc phù hợp cho thương hiệu của mình để đạt được hiệu
quả cao nhất trong công việc truyền thông, các thương hiệu cũng nên liên tục cập nhật xu hướng
về màu sắc qua từng năm để không ngừng đổi mới, sáng tạo nhưng tất nhiên vẫn không làm mất
đi sự độc đáo, riêng biệt của thương hiệu