Bài tập lớn học phần tâm lý học | Trường Đại Học Thủ Đô Hà Nội
Bài tập lớn học phần tâm lý học của Trường Đại Học Thủ Đô Hà Nội. Tài liệu được biên soạn dưới dạng file PDF gồm 17 trang giúp bạn tham khảo, ôn tập và hoàn thành tốt bài tập của mình đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Mời bạn đọc đón xem!
Preview text:
ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI
*******
BÀI TẬP LỚN CUỐI KỲ HỌC PHẦN: TÂM LÝ HỌC
Hà Nội, 12/2021
Câu 1: Phân tích ý nghĩa của học phần tâm lý học đại cương với bản thân?
Nhắc tới tâm lý học, trước hết ta phải hiểu tâm lý học là gì? Tâm lý học là ngành khoa học điều tra và nghiên cứu về tâm trí và hành vi, tìm hiểu về các hiện tượng ý thức và vô thức, cũng như cảm xúc và tư duy. Đây là một bộ môn học thuật với quy mô nghiên cứu rất sâu rộng. Tâm lý học có thể được chia thành các lĩnh vực như tâm lý học đại cương, tâm lý học chuyên ngành. Ở đây, em sẽ đi tìm hiểu, phân tích rõ hơn về ý nghĩa của tâm lý học đại cương đối với người học và đặc biệt là đối với bản thân em.
1
Như ta đã biết, từ khi loài người xuất hiện đến khi xã hội có tổ chức và thay đổi qua rất nhiều giai đoạn, thời kỳ. Bên cạnh yếu tố vật chất, con người còn rất quan tâm đến mặt tâm hồn, tinh thần, tri giác,… bên trong hay nói cách khác là hiện tượng tâm lý người. Nền văn minh cổ đại gọi đó là linh hồn, khi xuất hiện khoa học thì nó được nghiên cứu dưới tên gọi là tâm lý học. Xuất phát từ những tư tưởng sơ khai, chủ quan, thiếu xót về tâm lý học của các nhà duy tâm, duy vật thời cổ đại. Tại thời kỳ đó, các quan điểm duy tâm và duy vật luôn đấu tranh mãnh liệt xung quanh mối quan hệ vật chất và tinh thần, tâm lý và vật chất. Rồi trong suốt thời kỳ trung cổ, tâm lý học mang tính thẩm mĩ – bản thể huyền bí; các tri thức, các tư tưởng tiến bộ bị kìm hãm; diễn ra những cuộc đấu tranh ác liệt xung quanh về mối quan hệ giữa tâm và vật. Đến nửa đầu thế kỷ XIX có rất nhiều điều kiện để tâm lý học trưởng thành, những thành tựu về nhiều lĩnh vực như khoa học, kỹ thuật, nền sản xuất thế giới,… đã giúp cho tâm lý học trở thành một khoa học độc lập. Các nhà nghiên cứu tâm lý học từ thế kỷ XIX đến nay đã có cái nhìn, tư tưởng tiến bộ hơn trong nghiên cứu, tìm hiểu về tâm lý học. Họ nhìn nhận khách quan hơn, có căn cứ dựa trên những công trình nghiên cứu thực tế thu hoạch được, qua những cuộc điều tra , thí nghiệm toàn xã hội, bác bỏ những quan điểm, tư tưởng sai trái của chủ nghĩa duy tâm. Đến nay, tâm lý học vẫn luôn luôn vận động, thay đổi không ngừng do phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như: điều kiện lịch sử thay đổi, xã hội thay đổi, môi trường giáo dục thay đổi,…Vì vậy mà khi nghiên cứu
lĩnh vực khoa học này đòi hỏi thái độ khách quan, cách nhìn nhận linh hoạt, đổi mới, tiến bộ và chuyên tâm.
Qua quá trình được tìm hiểu, nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của tâm lý học qua từng giai đoạn, thời kỳ, chúng ta có thể biết rằng tâm lý học nói chung nghiên cứu về bản chất các hiện tượng tâm lý, quy luật nảy sinh, hình thành mối quan hệ giữa các hiện tượng tâm lý. Nó đóng vị trí trung tâm trong cuộc sống hàng ngày của con người, giúp con người định hướng khi bắt đầu muốn hành động; là động lực thôi thúc con người; đồng thời điều khiển, kiểm tra các quá trình nhận thức, hoạt động, mức độ phù hợp để con người nhận thức, cải tạo lại chính mình. Đặc biệt với học phần tâm lý học đại cương. Tâm lý học đại cương sẽ giúp cho người học có cái nhìn bao quát nhất về các khái niệm như: tri giác, nhận thức, cảm giác, trí tuệ, tư duy, tưởng tượng,…; được học về sự nảy sinh và phát triển tâm lý như nào, ý thức được hình thành và phát triển ra sao, các quy luật cơ bản về các hiện tượng tâm lý thường gặp phải. Từ đó áp dụng vào thực tiễn giải quyết các vấn đề, mâu thuẫn phát sinh ổn thỏa, tốt đẹp nhất; hình thành cho mình tâm lý vững vàng, sâu sắc để không bị dao động, thỏa hiệp với thực tại, bị lợi dụng hay cảm thấy căng thẳng, tuyệt vọng.
Đó là vai trò và chức năng của học phần tâm lý học đại cương đem đến cho người học nói chung, trong đó có em – sinh viên năm nhất lần đầu được tiếp xúc với môn học mới. Nghiên cứu về học phần này giúp em hiểu rõ hơn nội tâm bên trong mình và cách mình bộc lộ bản thân ra bên ngoài. Mình là ai? Mình mong muốn điều gì? Mình hướng nội hay hướng ngoại?... Rồi các phản xạ không điều kiện hoặc có điều kiện của bản thân cũng đã được giải thích thông qua học phần này. Nó giúp em tăng khả năng tự hiểu bản thân, có cái nhìn sâu sắc hơn. Tiếp theo, tâm lý học cho em hiểu bản chất con người: những ham muốn tự nhiên của con người, bản năng sinh tồn,…để học cách quản lý, kiểm soát sao cho văn minh
2
hơn.Rồi nó định hướng cho em cách để phát triển não bộ và các giác quan trong các mối quan hệ xã hội; cải thiện giao tiếp và sự thấu cảm; cách vượt qua những định kiến. Còn đối với bản thân em nói riêng, đặc biệt hiện tại là sinh viên theo đuổi nghề nghiệp sư phạm, tương lai sẽ trở thành một giáo viên truyền tải kiến thức văn hóa, xã hội đến với những lứa học sinh, em càng thấy thấm thía hơn ý nghĩa của học phần tâm lý học đại cương. Nó bước đầu hình thành cho em những hành trang theo đuổi ước mơ sư phạm. Qua học phần này em biết rằng: Tâm lý có nguồn gốc từ thế giới khách quan nên là khi nghiên cứu cũng như khi hình thành, cải tạo tâm lý người, cụ thể là tâm lý những bạn học sinh phải nghiên cứu thật kỹ hoàn cảnh, điều kiện sống, môi trường xã hội, điều kiện hoạt động của mỗi bạn học sinh. Vì mỗi con người là một bản thể riêng biệt nhau về cơ thể, nhân cách, tâm hồn, cảm xúc,…Nên là không thể đánh đồng, nhìn chung chung suy diễn học sinh nào cũng như nhau. Trong dạy học, trong giáo dục cũng như trong các quan hệ ứng xử với học sinh, người giáo viên cần chú ý sát tới điểm riêng (về thái độ, hành vi,…) của từng học sinh, tôn trọng, đánh giá ý kiến, quan điểm của từng bạn học sinh để từ đó nhìn nhận học sinh theo quan điểm phát triển tâm trạng đặc điểm lứa tuổi, biết cách tổ chức, điều chỉnh cho tâm lý học sinh tốt lên. Điều này sẽ giúp giáo viên gần gũi, hiểu rõ hơn về học trò của mình từ tính cách, sở thích, nội tâm giấu kín bên trong mỗi bạn. Thường thì các bạn học sinh rất ngại tâm sự, giãi bày hoàn cảnh với giáo viên của mình. Nhưng em hy vọng rằng học phần tâm lý học đại cương này đã giúp phá bỏ rào cản đó. Những thế hệ giáo viên như chúng em sẽ được tự tin hơn trong nghề nghiệp trồng người của mình, sẽ không còn tình cảnh xấu như bạo lực học đường xảy ra. Tình cảm thầy trò sẽ gắn bó hơn, việc dạy dỗ các bạn học sinh sẽ là những ngày tháng êm đẹp, đầy ắp những kỷ niệm thanh xuân đáng nhớ trong ký ức của học trò về những người giáo viên tâm huyết, tâm lý, tâm lý trường học cũng được gỡ rối, sẽ không còn cảm giác nặng nề, sợ hãi mỗi khi nhắc đến.
3
Câu 2: Phân tích khái niệm hoạt động theo quan điểm tâm lý học. Anh (chị) hãy rút ra kết luận của việc phát triển tâm lý, ý thức của bản thân thông qua các hoạt động xã hội, học tập.
*Phân tích khái niệm hoạt động theo quan điểm tâm lý học
Thế giới này, vạn vật luôn hoạt động. Từ đơn vị nhỏ nhất của vật chất là nguyên tử đến đơn vị lớn nhất của vật chất là vật thể cũng luôn hoạt động theo quỹ đạo hoặc theo cấu trúc vận hành của nó. Khái niệm hoạt động cũng được nghiên cứu dưới nhiều góc độ như: Dưới góc độ triết học: hoạt động là quan hệ biện chứng của chủ thể và khách thể. Ở góc độ này, hoạt động được xem là quá trình mà trong đó có sự chuyển hoá lẫn nhau giữa hai cực “chủ thể – khách thể”; Dưới góc độ sinh lý: hoạt động là sự tiêu hao năng lượng thần kinh và bắp thịt của con người khi tác động vào hiện thực khách quan nhằm thoả mãn nhu cầu nào đó của cá nhân và xã hội; Dưới góc độ cấu trúc hoạt động: hoạt động là toàn bộ hành động được thống nhất theo mục đích chung nhằm thực hiện một chức năng xã hội nào đó. Đó là quan điểm mà các nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực khác nhau đưa ra trên cơ sở nhìn nhận khác nhau. Vậy khái niệm hoạt động theo quan điểm của tâm lý học thì được hiểu như nào?
Các nhà tâm lý học đã đưa ra một khái niệm hoàn chỉnh về hoạt động dưới góc độ tâm lý học như sau: “Hoạt động là mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và thế giới (khách thể) để tạo ra sản phẩm cả về phía thế giới và cả về phía con người (chủ thể)”.
Ở khái niệm về hoạt động dưới quan điểm của tâm lý học, ta thấy hoạt động quyết định đến sự hình thành, phát triển tâm lý và nhân cách cá nhân thông qua hai quá trình diễn ra đồng thời, bổ sung, thống nhất với nhau. Theo thứ tự, đó là quá trình đối tượng hóa (hay còn gọi là “xuất tâm”) và quá trình chủ thể hóa (hay còn gọi là “nhập tâm”).
4
+ Quá trình thứ nhất: quá trình đối tượng hoá (“xuất tâm”) là quá trình con người tác động vào khách thể, trong đó chủ thể chuyển năng lượng của mình thành sản phẩm hoạt động. Đây là quá trình mà tâm lý của con người (của chủ thể) được bộc lộ, được khách quan hóa trong quá trình làm ra sản phẩm. Nhờ vậy, chúng ta mới có thể tìm hiểu được tâm lý con người thông qua hoạt động của họ.
5
+ Quá trình thứ hai: quá trình chủ thể hoá (“nhập tâm”) là quá trình con người tiếp nhận sự tác động từ phía khách thể, chuyển những quy luật, bản chất của thế giới để tạo nên tâm lý, ý thức, nhân cách của bản thân bằng cách chiếm lĩnh, lĩnh hội thế giới. Đây chính là quá trình chiếm lĩnh (lĩnh hội) thế giới, là quá trình nhập tâm. Vì thế, người ta có thể nói tâm lý là sự phản ánh thế giới khách quan, nội dung tâm lý do thế giới khách quan quy định.
Ta có thể rõ hơn sự tác động qua lại của hai quá trình qua một ví dụ như sau. Ví dụ như việc con người đốt rừng, phá rừng làm nương rẫy hay xả rác bừa bãi ra môi trường công cộng xung quanh bờ hồ, làm gây ra các thiên tai, bão lũ, ô nhiễm,
… Con người coi đó là điều hiển nhiên, mọi người ai cũng làm vậy nên họ cũng làm vậy. Mặc dù biết điều đó là sai nhưng ai cũng ngại không nói ra, không phản ánh, không chấm dứt nó, dẫn đến tâm lý a dua, bắt chước, trở thành thói quen. Nhưng rồi môi trường đã xuống cấp quá tệ hại, kinh tế đầu tư giải quyết các vấn nạn này quá lớn dẫn đến việc ban hành các quy định phạt nghiêm khắc, tuyên truyền các tai hại nếu hành vi phá hoại môi trường còn tiếp tục,… Con người biết sợ bị phạt cũng đã dần có ý thức hơn, hiểu rõ vai trò quan trọng của môi trường, những nguy hiểm mà mình phải đối mặt khi phá hoại môi trường. Họ mạnh dạn hơn, nghiêm khắc phê phán những hành vi phá hoại môi trường của người này người kia, dẫn đến các hành vi trên được giảm đáng kể, môi trường tốt lên. Qua đó tâm lý học điều tra được tâm lý chung của con người là sợ bị cô lập hay chính là sợ
đi ngược với đám đông, sợ phê phán điều sai trái thì bị chỉ trích lại nên con người thường bộc lộ thái độ dửng dưng, vô cảm trước điều xấu và bộc lộ ra hoạt động là tiếp tục hành động đó. Rồi khi khách thể là môi trường báo động xấu mới tác động làm thay đổi ý thức con người. Từ đó lại hình thành tâm lý chung của con người, hình thành hoạt động biết giữ gìn, bảo vệ môi trường sống của chính mình.
Như vậy, trong hoạt động, con người vừa tạo ra sản phẩm về phía thế giới, vừa tạo ra tâm lý, ý thức của mình, hay nói khác đi, tâm lý, ý thức, nhân cách được bộc lộ, hình thành và phát triển trong hoạt động. Hoạt động của con người bao gồm các quá trình con người tác động vào vật thể vật chất gọi chung là quá trình bên ngoài và quá trình tinh thần, trí tuệ (hay nói cách khác là quá trình bên trong). Nghĩa là trong hoạt động bao gồm cả hành vi lẫn tâm lý, cả công việc chân tay lẫn công việc trí óc.
Từ khái niệm về hoạt động được đưa ra theo nghiên cứu tâm lý học, ta thấy hoạt động có một số đặc điểm như sau:
Thứ nhất, hoạt động bao giờ cũng là “hoạt động có đối tượng”. Đối tượng của hoạt động là cái mà chủ thể tác động vào nhằm thay đổi hoặc chiếm lĩnh. Nó có thể là sự vật, hiện tượng, khái niệm, con người hoặc mối quan hệ,… có khả năng thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người, thúc đẩy con người hoạt động. Vì thế, đối tượng hoạt động là hiện thân của động cơ hoạt động. Đối tượng của hoạt động chính là động cơ thôi thúc con người tác động vào khách thể biến đổi nó thành sản phẩm hoặc tiếp nhận nó chuyển vào đầu óc tạo nên cấu tạo tâm lý mới, năng lực mới. Cần nói thêm rằng, có nhiều trường hợp đối tượng của hoạt động không phải là một cái gì đó có sẵn, mà là cái đang xuất hiện ngay trong quá trình hoạt động. Đặc điểm này thường thấy khi con người hoạt động một cách tích cực như trong hoạt động nghiên cứu, trong hoạt động học tập,…Ta lấy một ví dụ để hiểu rõ hơn về đặc điểm thứ nhất này của hoạt động: Đối tượng của hoạt động chơi cờ vua là tri
6
thức, kỹ năng, kỹ xảo, chiến thuật,…Chúng làm thỏa mãn sở thích, đam mê của người chơi, giúp cho người chơi nắm rõ quy luật, lối chơi của bộ môn cờ vua này nên trở thành động cơ đích thực thúc đẩy người chơi ham mê, gắn bó lâu dài với cờ vua, tích cực phát triển bản thân tư duy và phát triển bộ môn này trở nên phổ biến rộng rãi.
7
Thứ hai, hoạt động bao giờ cũng có chủ thể. Chủ thể là con người có ý thức tác động vào khách thể (là đối tượng của hoạt động). Chủ thể của hoạt động có thể là một người hoặc một nhóm người. Chủ thể là nhóm người khi họ cùng nhau thực hiện hoạt động với một đối tượng, một động cơ chung. Ví dụ như: Chủ thể hoạt động kéo co là một nhóm người chơi tạo thành một đội gồm năm hoặc sáu người bởi lẽ họ cùng chung một đối tượng, một động cơ hoạt động là chiến thắng đội đối thủ. Còn chủ thể hoạt động bảo vệ luận án Tiến sĩ là một người (nghiên cứu sinh), họ phải tự đứng ra trình bày, diễn giải quan điểm, đề tài nghiên cứu họ làm trước ban giám khảo chứ không thể là một nhóm người cùng lên trình bày vì học vị Tiến sĩ là trao cho riêng từng người chứ không phải là thành tích của một nhóm người. Nói tóm lại, con người chỉ trở thành chủ thể khi ý thức được mục đích của hoạt động, chủ động tích cực tác động vào khách thể và hoạt động của con người mang đậm tính chủ thể.
Thứ ba, hoạt động vận hành theo nguyên tắc gián tiếp. Trong hoạt động, bao giờ con người cũng phải sử dụng những công cụ nhất định để tác động vào khách thể. Công cụ của hoạt động bao gồm công cụ tâm lý, ngôn ngữ, công cụ lao động. Những công cụ đó giữ vai trò trung gian giữa chủ thể và đối tượng hoạt động, tạo ra tính gián tiếp của hoạt động. Điều này chỉ ra sự khác biệt về chất giữa hoạt động của con người với hành vi bản năng của con vật. Ta có thể thấy sự khác biệt thông qua ví dụ như: Trong hoạt động học tập, con người thông qua sách vở, kinh nghiệm thực tiễn để chuyển thành sự hiểu biết, kiến thức cho bản thân. Đối với hoạt động
học tập của động vật, Paplôp làm thí nghiệm vừa đánh chuông vừa cho chó ăn. Sau vài chục lần phối hợp tiếng chuông và thức ăn, chỉ cần nghe tiếng chuông là chó đã tiết nước bọt. Sở dĩ như vậy là do trung ương thần kinh đã hình thành mối liên hệ thần kinh mới dưới tác động của hai kích thích đồng thời. Nếu như giờ đánh chuông nhưng không cho chó ăn nhiều lần và sau đó thỉnh thoảng lại vừa gõ chuông vừa cho thức ăn thì chó cũng sẽ không tiết nước bọt nữa, đồng thời cũng sẽ không chạy lại gần chỗ có tiếng chuông. Như vậy, ta có thể thấy ở hoạt động học tập, kiến thức, kinh nghiệm của con người là được đúc kết mãi mãi, đôi khi chỉ bị ẩn giấu nhưng nếu trong hoàn cảnh thích hợp sẽ bộc lộ. Còn ở động vật, nó chỉ là hình thức học tập điều kiện hóa đáp ứng, không có điều kiện đáp ứng thường xuyên là chúng sẽ lãng quên hoàn toàn.
Cuối cùng, hoạt động bao giờ cũng có tính mục đích. Mục đích là biểu tượng về sản phẩm của hoạt động có khả năng thỏa mãn nhu cầu nào đó của chủ thể, nó điều khiển, điều chỉnh hoạt động. Tính mục đích gắn liền với tính đối tượng. Tính mục đích luôn bị chế ước bởi nội dung xã hội, vì thế không nên hiểu mục đích một cách thuần túy chủ quan như là ý thích riêng, mong muốn, ý định chủ quan,…Ví dụ như bạn muốn trở thành hoa hậu hòa bình thế giới trong cuộc thi Miss Grand International 2022, bạn phải có vóc dáng, thân hình cơ thể đẹp, cân đối, có trí tuệ sắc sảo, tài năng vượt trội, học vấn xuất sắc và có một tâm hồn trong sáng, hướng thiện, hành động thể hiện sự hướng tới hòa bình thế giới,… thì bạn mới đủ tiêu chuẩn xứng đáng được ban giám khảo, mọi người công nhận chức danh hoa hậu hòa bình thế giới.
*Kết luận của việc phát triển tâm lý, ý thức của bản thân thông qua các hoạt động xã hội, học tập.
8
Qua khái niệm, qua bốn đặc điểm của hoạt động, chúng ta nhận thấy được hoạt động có những vai trò đặc biệt quan trọng đối với tâm lý người. Tâm lý người có nguồn gốc từ bên ngoài, từ thế giới khách quan chuyển vào não. Trong đó quan hệ xã hội và nền văn hóa xã hội là cái quyết định tâm lý người. Tâm lý người là kinh nghiệm xã hội lịch sử chuyển thành kinh nghiệm bản thân thông qua hoạt động, hay nói cách khác thông qua hoạt động, tâm lý được hình thành. Hoạt động còn là điều kiện bộc lộ và phát triển tâm lý của con người. Hoạt động chủ đạo ở từng giai đoạn lứa tuổi ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành các cấu tạo tâm lý mới, đến sự phát triển tâm lý ở lứa tuổi đó và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
9
Đối với em, là một sinh viên năm nhất đang học tập tại môi trường Đại học, một môi trường học tập có rất nhiều điều khác biệt so với môi trường phổ thông. Các hoạt động học tập trên đại học đã hình thành cho em những tâm lý, ý thức mới. Em đánh giá rằng các hoạt động học tập của sinh viên diễn ra không giống với học sinh phổ thông. Bởi sinh viên đại học cần tiếp thu nhiều hơn kiến thức thực tế chuyên môn phục vụ đời sống, đồng thời hoạt động học tập ở sinh viên đòi hỏi hình thành các năng lực cá nhân nhất định phù hợp cho công việc sau này. Hoạt động học tập với chủ thể là sinh viên, còn đối tượng của nó là những tri thức khoa học, với mục tiêu cuối cùng là hình thành nhân cách cho người học. Sinh viên khi tiến hành hoạt động học, chiếm lĩnh tri thức thì tri thức dần dần thúc đẩy tiếp tục quá trình học tập. Động cơ của hoạt động học tập ở sinh viên được hiện thân ở những tri thức, kĩ năng, kĩ xảo mà giáo dục ở nhà trường mang lại. Ban đầu là tâm lý lo lắng, sợ hãi, choáng ngợp trước lượng kiến thức khổng lồ, trước cách học còn lạ lẫm, đầy bỡ ngỡ trên giảng đường đại học. Dần dần học lâu dài, em hình thành lòng ham mê, khát khao mở rộng tri thức, say mê với những môn học, biết cách chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức, hình thành thói quen tư duy, tự lập, tự tin hơn việc phát triển mình với thế giới tri thức,… Em bắt đầu có những nỗ lực ý chí
để đạt được nguyện vọng chứ không phải hướng vào đấu tranh với chính bản thân mình. Đó chính là động cơ hoàn thiện tri thức – động cơ chính trong hoạt động học tập đã hình thành và phát triển trong ý thức, tâm lý của bản thân em từng ngày.
Còn về tham gia các hoạt động xã hội. Trước đây nếu như ngại giao tiếp xã hội, thấy tham gia các hoạt động xã hội sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức, phiền và cảm thấy lười không muốn tham gia nhưng từ hai năm nay em rất tích cực hăng hái tham gia các câu lạc bộ trong và ngoài trường, tham gia các dự án thiện nguyện: ủng hộ người dân miền Trung gặp bão lũ, giúp đỡ các trẻ em nghèo không có điều kiện học tập đầy đủ, các bệnh nhân ung thư,… hay hoạt động của Đoàn thanh niên về tổ chức, tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội,… Tham gia rồi mới thấy các hoạt động xã hội rất có ý nghĩa cho bản thân em, nó thay đổi bản thân em rất nhiều trong suy nghĩ, trong nhận thức, trong tâm lý. Nếu trước đây thấy cuộc sống bản thân rất tẻ nhạt, rất thiếu sức sống thì nay thông qua các hoạt động xã hội đó, em hình thành ý thức có trách nhiệm, sự nhiệt tình và chuyên tâm cho từng công tác, vị trí mình đảm nhiệm; hình thành cho mình lòng yêu thương con người, đùm bọc lẫn nhau trong lúc khó khăn, tình nhân ái, sẻ chia,… Rồi tự nhận thức được bản thân đã trưởng thành, phải có ý thức và trách nhiệm về lối sống của bản thân, luôn tự tìm cách để khắc phục bản thân không ngừng cố gắng vượt qua mọi trở ngại để trở thành người có ích cho xã hội. Tuổi trẻ là độ tuổi đẹp nhất, ý nghĩa nhất và cũng là tuổi của những cống hiến có ích cho xã hội. Là một bạn trẻ, em thấy mình không nên vô cảm, lười nhác, hay có những suy nghĩ bi quan, lạc hậu, ích kỷ và cũng thông qua việc tham gia nhiều các hoạt động xã hội tốt đẹp, nó giúp em có cái nhìn bao dung hơn về cuộc đời, thấy mình may mắn hơn vô vàn những bạn trẻ khác,… Tâm lý, ý thức cũng là tâm lý, ý thức của một người trưởng thành, không còn những bồng bột, non nớt của tuổi mới lớn nữa.
Hơn thế nữa, hiện tại là sinh viên theo đuổi ngành sư phạm, em thấy mình cần
10
nắm rõ vai trò quan trọng của hoạt động có ảnh hưởng đến tâm lý các bạn học sinh như thế nào để từ đó hình thành cho mình những nhận thức đầu tiên, tâm lý đầu tiên trong việc giảng dạy. Khi bản thân đã biết rằng hoạt động tạo ra tâm lý, đồng thời làm bộc lộ tâm lý học sinh. Do vậy mà cần tạo ra sự thống nhất giữa điều kiện bên trong (tâm lý, ý thức) với điều kiện bên ngoài (công cụ, khách thể) thì hoạt động mới có hiệu quả đối với học sinh. Cần tổ chức hoạt động phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm cá nhân học sinh, chú ý tới hoạt động chủ đạo; biết cách tạo động cơ học tập cho học sinh , giúp học sinh ý thức được mục đích, đối tượng của hoạt động, cách thức tiến hành hoạt động học tập với niềm say mê, yêu thích. Ví dụ như: Trong quá trình tổ chức dạy học nên đan xen các hoạt động linh hoạt khác nhau giúp học sinh huy động sự sáng tạo, mạnh dạn, tự tin trình bày quan điểm, ý kiến cá nhân, xây dựng, đóng góp bài học, đặc biệt là giúp cho học sinh xóa bỏ tâm lý sợ sệt, thấy khó khăn ở môn học đó, tỏ ra thích thú với hoạt động của môn học, dần hình thành niềm yêu thích, hứng thú, say mê, đam mê tìm tòi,…
11
Câu 3: Thế nào là tư duy tích cực? Hãy lan toả tư duy tích cực của bản thân đến mọi người xung quanh qua một câu chuyện thực tế của bản thân?
Trong cuộc sống, không phải điều gì con người cũng đều biết, đều hiểu, cũng không phải vấn đề nào gặp phải con người đều có thể giải quyết ổn thỏa được ngay. Nhiều khi phải đòi hỏi sự suy nghĩ, tiến hành nghiên cứu để phân tích ra bản chất, quy luật, mối quan hệ của sự vật, của vấn đề, làm chủ được thực tiễn, hiểu được những gì chưa biết đó, Quá trình đó gọi là tư duy. Hay nói cách khác, theo tâm lý học, tư duy chính là một quá trình tâm lý phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ và quan hệ bên trong có tính quy luật của sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết. Nhưng không phải lúc nào tư duy cũng ra được kết quả mong muốn, không phải lúc nào vấn đề gì cũng được giải quyết êm đẹp, sẽ có những khó khăn, những trở ngại và những kết quả xấu. Vậy thì
những lúc gian nan như thế, những lúc bị dồn vào đường cùng, con người nên có một tư duy tích cực. Tư duy tích cực sẽ đem lại nhiều điều ý nghĩa cho cuộc sống của tất cả chúng ta.
Vậy trước hết, ta phải hiểu tư duy tích cực là gì? Tư duy tích cực là cách mà bạn nhìn nhận sự việc theo chiều hướng tích cực, nhưng điều này hoàn toàn không phải là lối tư duy thiếu thực tế, nhìn mọi thứ xung quanh đầy một màu hồng. Tư duy tích cực cho phép chúng ta thể hiện những mong muốn của mình thông qua “thái độ sống tích cực” để tạo ra sức mạnh cho thành công. Lấy một ví dụ để hiểu về khái niệm: Đó là hãy thay đổi cách nhìn nhận của mình đối với người khác theo cách mà bạn mong muốn họ nhìn về mình. Thay vì chăm chăm soi mói, tập trung để ý những khuyết điểm, mặt hạn chế của họ mà bỏ qua những ưu điểm, thế mạnh mà họ có thì đổi lại ta hãy tích cực khen và công nhận những điểm mạnh của người đó, chấp nhận và thông cảm cho những khuyết điểm chưa sửa được của họ, điều đó làm tăng thêm thiện cảm đối với nhau và hòa hợp hơn trong các mối quan hệ. cả mình và đối phương đều thấy thoải mái khi giao tiếp, tiếp xúc với nhau tạo nên mối quan hệ lành mạnh, tốt đẹp. Không những thế còn giúp cả ta và đối phương mong muốn, có động lực thay đổi, hoàn thiện hơn để cả hai hòa hợp.
Cuộc sống với muôn vàn những khó khăn liên tiếp, mọi thứ có thể đến hoặc mất đi chỉ trong gang tấc: từ tiền tài, học vấn, danh vọng đến gia đình, tình yêu, bạn bè,…Tuy nhiên, đôi khi chỉ cần thay đổi thái độ sống, thay đổi cách nhìn cuộc đời, cục diện có thể xoay chuyển hoàn toàn. Suy nghĩ tiêu cực không chỉ gây phiền toái đến người khác, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến bản thân đồng thời gây ra những mối nguy mà chúng ta không thể ngờ tới: sức khỏe giảm sút; cuộc sống luôn bi quan, vô vị; cản bước thành công của chính bạn;… Những khó khăn, thử thách là điều khó có thể tránh khỏi trong cuộc sống. Đặc biệt tình hình dịch bệnh đang ngày càng phức tạp trên cả nước hiện nay. Nó lại khiến khó có thể dẹp bỏ đi những suy
12
nghĩ tiêu cực. Hay thậm chí là cảm giác muốn buông xuôi. Tuy nhiên, cần hiểu rằng cuộc sống là một cuộc hành trình dài. Chúng ta không ngừng phải tiến về phía trước. Vì tình hình có khó khăn, vất vả, ngày vẫn sẽ trôi qua và tương lai thì đang đến gần. Vậy nên, thay vì cứ mãi ủ rũ và giữ trong mình sự tiêu cực thì hãy đem đến cho cuộc sống của mình những điều ý nghĩa mới. Hãy luôn duy trì một tâm trạng hồ hởi, đón nhận vấn đề. Và thay vì cứ mãi lo sợ, bi quan về tương lai, tại sao không làm điều có ích hơn để thay đổi tương lai, thậm chí còn giúp chúng ta vui vẻ ngay trong hiện tại. Một đầu óc thoáng đãng, một nhận thức tích cực, một hành động thiết thực,…đều có thể làm thay đổi mạnh mẽ đến ngày mai tươi sáng.
13
Và để em kể một câu chuyện của bản thân. Thông qua câu chuyện của riêng em, phần nào có thể giúp tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ thấy được sức mạnh kỳ diệu của tư duy tích cực. Từ đó em mong rằng mình đã lan tỏa được lối sống đẹp đó đến cứu giúp những tâm hồn đang tuyệt vọng nhất trong dịch bệnh Covid 19. Như chúng ta biết, dịch bệnh Covid 19 đã hoành hành tất cả các vùng miền, các quốc gia trên thế giới suốt gần ba năm nay. Hàng ngày, người dân đều phải sống trong nỗi sợ hãi vì virus gây bệnh liên tục phát sinh ra các biến chủng mới nặng nề, nguy hiểm hơn. Người mắc Covid 19 cũng rất lo lắng cho sức khỏe, an nguy của mình mà người tiếp xúc với người nhiễm cũng khá bối rối, bất an. Và em cũng chính là một F1. Hồi đầu năm, ngay sát cạnh nhà em có một người chị (em xin phép được giấu tên). Chị ý là sinh viên năm ba nên thường nhận đi làm thêm ở mấy nơi bên nội thành Hà Nội để trang trải, đỡ đần phần nào cho kinh tế gia đình. Hai chị em rất thân thiết, hầu như thường xuyên ngày nào cũng gặp gỡ, trò chuyện sang nhà nhau chơi. Và rồi chị ý bị F0. Đó cũng chính là lý do vì sao em là F1. Hồi đầu năm thì chưa có được tiêm vacxin Covid 19. Ban đầu khá hoang mang, lo lắng vì mình tiếp xúc với chị gần như thế, rồi cứ ủ rũ, buồn bã, nghĩ ngợi viển vông, tiêu cực. Liệu mình có trở thành F0 không? Mình rồi sẽ chết như những F0 khác sao? Trời ơi, còn bao nhiêu kế hoạch, mục tiêu, ước mơ chưa thực hiện được?
Rồi sẽ bị người làng nói vào nói ra, kỳ thị, chỉ trích thậm tệ, bố mẹ mình thì sao,… Nhưng rồi sau một tuần, sức khỏe vẫn rất ổn định, chưa có biểu hiện gì bất thường, tinh thần của em bắt đầu được trấn an lại. Em bắt đầu cảm thấy yên tâm hơn một phần vì mình vẫn rất ổn. Trong những ngày cách ly, em thấy mình được sống chậm lại, cảm thấy trân trọng sinh mệnh đang có hơn, cảm thấy ngày mai thức dậy nó có ý nghĩa to lớn như thế nào. Thời gian đó, em biết cách tự chăm lo cho bản thân mình, sống cho bản thân mình nhiều hơn. Không còn ngồi không bần thần cả ngày, nằm vắt tay lên trán nghĩ ngợi tiêu cực mà thay vào đó em quyết tâm đầu tư cho bản thân. Gạt bỏ đi những suy nghĩ tăm tối bằng một lịch trình thói quen bắt đầu là sáng sớm dậy tập thể dục, khởi động tinh thần bằng việc ngắm cảnh rồi học nấu những món ăn mà nhờ được bố mẹ mua nguyên liệu mang đến hộ. Nếu trước đây cảm thấy sách nhàm chán, rất khó để bản thân có thể tập trung thích thú với sách thì nay lại thấy sách tiếp thêm động lực rất lớn để vượt qua quãng thời gian dịch bệnh tăm tối này. Rồi học thêm các kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng mền khác, đăng bài lan tỏa điều tích cực động viên mọi người suy nghĩ vui tươi hơn trên các trang mạng xã hội bằng chính hoàn cảnh hiện tại của mình. Ngày ngày sống vui vẻ, lạc quan, bận rộn trong thú vui tích cực của mình rồi cũng đến ngày cuối cùng xét nghiệm, vừa cảm thấy may mắn, vừa cảm thấy thời gian cách ly vừa qua sống tích cực là không hề lãng phí. Em hoàn toàn không bị nhiễm Covid 19, em được trở về nhà. Vui có, háo hức sau nhiều ngày xa cách gia đình có, nhưng điều bất ngờ hơn là thể trạng lẫn tinh thần của em đều khỏe khoắn, tràn trề năng lượng tích cực hơn trước rất nhiều. Em tự nhận thấy được nguồn sống mạnh mẽ dâng trào trong mình, không những không bị nhiễm mà còn khiến bản thân tốt lên qua thời gian cách ly đó. Từ đó mới thấm thía câu hỏi “Nếu còn một ngày để sống bạn sẽ làm gì?”. Vậy nên em thấy rằng được nhìn thấy ngày mai đã là một điều may mắn và đáng quý với bản thân mình; thấy từ nay mình phải sống sao cho thật ý nghĩa, tích cực nhất.
14
Vì vậy mà em muốn nhắn nhủ đến mọi người rằng hoàn cảnh khó khăn không phải hoàn toàn là kẻ thù của các bạn đâu. Nó chính là cơ hội để bản thân mỗi người tốt lên từng ngày, nhận thấy được giá trị của cuộc sống, sống chậm hơn một chút để suy nghĩ thấu đáo hơn cho mình, để nhận ra cuộc sống này có méo mó đến đâu thì nó vẫn đang tươi đẹp chờ bạn cảm nhận. Quan trọng là tinh thần của bạn khi đối mặt với nó. Khó khăn chưa kịp đánh gục bạn thì tinh thần của chính bạn đã bào mòn con người bạn, đã khiến bạn tự gục một cách đau đớn hơn. Tinh thần của bạn luôn vui vẻ, luôn lạc quan, luôn nhìn thấy điều tích cực, tốt đẹp xung quanh mình, tự bạn sẽ tìm cách vươn lên được để đạt được mục đích nhất định nào đó hay vượt qua một hoàn cảnh nào đó. Duy trì thái độ sống tích cực giữa mùa dịch bệnh này lại càng đáng quý bao nhiêu. Giữa những người cứ sốt sắng, hoảng loạn, làm phức tạp hóa vấn đề lên thì bạn giữ một cái tâm điềm tĩnh, một lối đi riêng hợp lý hơn. Với tinh thần loạn như vậy liệu có dập được dịch, liệu có chữa khỏi cho những người bị nhiễm, liệu có giúp bản thân những người đó sống vui vẻ, hài lòng? Thay vì trở thành những người rầu rĩ trong nhà và quẩn quanh với 4 bức tường. Bạn có thể tiếp nhận thái độ sống tích cực và thay đổi tư duy của mình bằng cách học thêm những kỹ năng mới. Điều này khiến các bạn tạm quên đi thực tế khó khăn của dịch bênh. Và tiếp nhận được những kiến thức cần thiết cho bản thân mình và những cơ hội trong tương lai. Các bạn có thể đọc sách vở, mở rộng vốn hiểu biết. Những chuyến du lịch thông qua trang sách có thể sẽ dẫn bạn đến một vùng đất màu mỡ mới của những điều hay ho trong thế giới rộng lớn này. Sách là một kho tàng vô tận. Bởi vậy, bạn sẽ có thể tránh được những cảm giác vô nghĩa khi ở yên trong nhà suốt nhiều ngày. Hoặc bạn có thể học nấu ăn và kết nối với những người thân yêu của mình. Nhiều ngày nghỉ ở nhà là cơ hội tốt để trau dồi khả năng nấu nướng. Cũng như có thể dành nhiều thời gian hơn nữa cho gia đình của mình. Hãy coi những ngày cách ly là khoảng thời gian nghỉ ngơi của chính mình. Dành thời gian cho những người bạn cũ, ở bên cạnh ông bà nhiều hơn,… Và đặc biệt, đây có thể là một
15
dịp đặc biệt để bạn học cách nói lời yêu thương đến những người thân đang nằm trong vùng khó khăn, dịch bệnh. Bạn có thể tham gia mạng xã hội. Bằng cách thực hiện những ý tưởng, những nội dung sáng tạo mới. Có khả năng bạn sẽ nhận ra thêm nhiều tài lẻ của bản thân. Đó chính là những cách để bạn hành động hóa lối tư duy tích cực, rèn luyện thái độ sống tích cực mỗi ngày.
16