Bài tập lớn môn Hà Nội học | Trường Đại Học Thủ Đô Hà Nội
Bài tập lớn môn Hà Nội học của Trường Đại Học Thủ Đô Hà Nội. Tài liệu được biên soạn dưới dạng file PDF gồm 20 trang giúp bạn tham khảo, ôn tập và hoàn thành tốt bài tập của mình đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Mời bạn đọc đón xem!
Preview text:
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
BÀI TẬP LỚN
(Thay thế bài thi kết thúc học phần)
MÔN: HÀ NỘI HỌC
Họ tên: PHÙNG MẠNH HƯNG
Lớp: Logistics D2018B Mã SV: 218605117
Học kì: 1; Năm học: 2021 - 2022 Người dạy: Nguyễn Thị Thanh Thủy
Hà Nội, tháng 12/2021
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
BÀI TẬP LỚN
(Thay thế bài thi kết thúc học phần)
MÔN: HÀ NỘI HỌC
Đề bài:
- Đánh giá đặc điểm văn hóa Kinh kỳ và văn hóa Kẻ chợ của Thăng Long - Hà Nội. Phân tích vai trò trung tâm chính trị của Hà Nội từ quá khứ đến hiện tại.
- Đánh giá sự hình thành và phát triển của làng nghề - phố nghề Hà Nội từ xưa đến nay. Minh họa bằng một làng nghề cụ thể.
- Trình bày hiểu biết về làng khoa bảng Hà Nội và đánh giá về những giá trị sống của người Hà Nội.
Họ tên: PHÙNG MẠNH HƯNG
Lớp: Logistics D2018B Mã SV: 218605117
Học kì: 1; Năm học: 2021 - 2022 Người dạy: Nguyễn Thị Thanh Thủy
Hà Nội, tháng 12/2021
MỤC LỤC
ĐẶT VẤN ĐỀ
“Thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho mỗi lứa tuổi...” (Nguyễn Khải). Trải qua nhiều biến động thăng trầm hơn một ngàn năm lịch sử với những truyền thống văn hiến được hun đúc từ bao đời nay, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nơi tỏa sáng trí tuệ con người Thăng Long - Hà Nội, hệ thống di sản văn hóa đa dạng, cũng vẫn luôn vươn lên bằng khát vọng, bản lĩnh và sự sáng tạo không ngừng.
Hà Nội được biết đến là một trung tâm văn hóa với bề dày lịch sử và đặc sắc nhất Việt Nam. Nơi đây tập trung những thư viện bảo tàng, các di tích lịch sử, khu phố cổ sầm uất, nhà hát,... Hà Nội là nơi có sự giao thoa và pha trộn của nhiều nền văn hóa khác nhau. Chính những điều này đã tạo cho nơi đây một sự lôi cuốn nhất định. Các loại hình nghệ thuật ở Hà Nội luôn được tổ chức một cách sôi nổi và đa dạng về loại hình. Đó là lý do mà Hà Nội luôn thu hút được rất đông đảo khách du lịch ở trong nước cũng như là nước ngoài.
Nền văn hóa của người Hà Nội từ xưa đến nay luôn là chủ đề khiến nhiều người tò mò muốn tìm tòi và khám phá. Bên cạnh những nét cổ kính xưa đó, thì sự pha trộn với những nét văn hóa hiện đại cũng đủ để thu hút với những người yêu Hà Nội và cái đẹp của nơi đây.
Mục tiêu của bài tập lớn này sẽ truyền tải quan điểm, đánh giá cá nhân của tôi qua những phân tích và sự tìm hiểu về đặc điểm của nền văn hóa xưa tại vùng đất Thăng Long, nay là Hà Nội, cụ thể là văn hóa Kinh kỳ và văn hóa Kẻ chợ của Thăng Long - Hà Nội. Từ đó làm rõ vai trò trung tâm chính trị của Hà Nội từ quá khứ đến hiện tại. Cuối cùng là những phân tích tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của làng nghề - phố nghề Hà Nội từ xưa đến nay, làng khoa bảng ở Hà Nội và những giá trị sống của người Hà Nội.
Qua chủ đề nghiên cứu này, tôi mong rằng có thể phần nào đó giúp cho mọi người hiểu hơn về Hà Nội và lịch sử văn hóa đa dạng nghìn năm văn hiến đến thời điểm hiện tại. Tôi xin chân thành cảm ơn giảng viên Nguyễn Thị Thanh Thủy vì đã cho tôi được làm bài tập lớn như một hình thức thay thế bài thi kết thúc học phần cũng như đã giúp chúng tôi hoàn thành bài tập lớn này.
Tôi xin chân thành cảm ơn cô!
1
NỘI DUNG
Đặc điểm văn hóa Kinh kỳ và văn hóa Kẻ chợ của Thăng Long - Hà Nội
Đặc điểm văn hóa Kinh kỳ của Thăng Long - Hà Nội
Vào thế kỷ X, nơi thung lũng Hoa Lư có một nền văn hóa Kinh kỳ - đô hội tiếp nối lịch sử nhân loại vang vọng đến ngày nay. Kinh kỳ là nơi ở của vua, các quan đầu triều và toàn bộ hệ thống quý tộc quan lại cao cấp nhất trong cả nước. Là vùng đất xung quanh kinh đô, đầu não chính trị tập trung toàn bộ bộ máy cai trị, ban hành nhiều quyết định quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của cả nước trong nhiều triều đại.
Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiện thuận lợi, Thăng Long - Hà Nội trở thành nơi thu hút các hiền tài, kẻ sĩ, thợ giỏi về sinh cư, lập nghiệp. Hòa mình với cảnh sắc Hà Nội “trời rét, mưa rây lả lướt chỉ đủ làm ẩm áo chứ không làm ướt áo”.
Văn hóa Kinh kỳ được thể hiện qua kho tàng văn nghệ dân gian Thăng Long
- Hà Nội với những câu ca dao, tục ngữ hay những truyền thuyết đậm màu lịch sử ca ngợi người và cảnh Hà Nội:
Ổi Quảng Bá, cá Hồ Tây
Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người.
Khi nhắc đến mảnh đất Kinh Kì, người ta thường nhắc đến những điều hoài niệm về một thủ đô với những nét văn hóa, đời sống khác biệt. Bao trái tim người nghệ sĩ bấy giờ vẫn luôn rung động trước nét đẹp của văn hóa Kinh kỳ. Mảnh đất nghìn năm văn hiến ấy từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật của thơ văn, họa và nhạc... Từ bao đời, các nét thanh lịch, văn minh thường được nhắc đến như bản sắc đặc trưng của người Hà Nội. Hẳn vì thế, người Hà Nội tự hào với lời ngợi khen:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Thượng Kinh.
Những tinh túy của Hà Nội không chỉ là con đường, góc phố... mà còn mang đậm nét thanh lịch. Thăng Long - Hà Nội đẹp nhất ở những con người hào hoa, có bản lĩnh, tinh tế trong ứng xử, nhưng cũng đầy nghị lực kiên cường, thiết tha yêu Thủ đô, đất nước thân thương. Nét Tràng An ấy được kết tinh trong hình ảnh người Hà Nội văn hóa. Đó là tinh hoa tích tụ từ hàng nghìn năm, từ trăm miền đất nước
kết tinh thành nét đẹp văn hóa Thăng Long - Hà Nội đáng quý, mang đậm giá trị của sự lịch lãm, tinh tế, hào hoa, mềm mỏng, thông tuệ, nghĩa hiệp, nhân ái, tôn trọng kỷ cương, luật lệ và phép nước. Con người Thăng Long - Hà Nội truyền thống là sản phẩm tổng hòa dưới tác động phức hợp của điều kiện tự nhiên, môi trường, xã hội, nhân văn, dung hòa những đặc trưng của nhiều không gian văn hóa và thời kỳ lịch sử khác nhau. Những đặc điểm tính cách của họ có thể nói được thể hiện rõ nét nhất qua những đặc điểm nổi trội như trí tuệ, tính hàn lâm và văn hiến; tài hoa, bản lĩnh; chừng mực, vừa phải; cần cù, chăm chỉ; thanh lịch, văn minh...
Nhờ cái chất của văn hóa vùng đất Kinh kỳ - đô hội, con người nơi đây có sự tinh tế, phóng khoáng, chất phác, khoan dung cùng nhau chung sức xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh trên nền tảng di sản văn hóa của ông cha.
Những con người Hà Nội là “những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội”, tất cả dang “bay lên cho đất Kinh kỳ chói sáng những áng vàng”. Phẩm chất của người Tràng An lúc bấy giờ được cho là khắc họa của những hình ảnh đẹp mắt về mảnh đất Thăng Long, cũng như là sự thể hiện rõ nét nhất về văn hóa người Việt Nam ta lúc bất giờ.
Là mẫu hình tiêu biểu của nhân cách Việt, người Thăng Long - Hà Nội còn tự hào là người dân của một đô thành “địa linh nhân kiệt”, “trái tim của đất nước”, tự khẳng định cấp độ cao hơn với vị thế “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước”, “người Tràng An”, “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến.”...
Nét thanh lịch của Hà Nội được thể hiện khá rõ nét trong mọi mặt của cuộc sống, từ ăn mặc đến văn hóa giao tiếp và cả trong văn hóa ẩm thực. Trong kho tàng văn hoá phi vật thể Hà Nội các giá trị về văn hoá ẩm thực chiếm một vị trí đáng kể. Việt Nam qua con mắt của bạn bè quốc tế được biết đến như thiên đường của ẩm thực đường phố. Không phải tự nhiên mà ẩm thực Việt lại vang danh khắp thế giới đến như vậy. Hài hòa từ màu sắc cho đến hương vị, mỗi món ăn có một nét đặc sắc riêng làm nao lòng ngay từ lần đầu thưởng thức.
Ăn Bắc, mặc Kinh.
Nếu ẩm thực miền Trung đậm đà, miền Nam đơn giản, thì ẩm thực miền Bắc quyến rũ bởi hương vị đặc trưng của những món ăn không quá cay, không quá ngọt, không quá béo... Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị thanh đạm và hấp dẫn. Bất cứ ai từng ngang qua những góc phố Hà Nội - tinh hoa ẩm thực miền Bắc, chắc chắn sẽ phải lòng món ngon của đất Kinh kỳ nổi tiếng như phở Hà Nội, nem, bún thang, bún chả, giò chả Ước Lễ, chả cá Lã Vọng, xôi lúa Tương Mai, bún ốc,
3
cốm làng Vòng, bánh cuốn Thanh Trì, rượu mơ, dưa La và gia vị đặc sắc như tinh dầu cá cuống, rau húng Láng, cà Láng... Chính những giá trị này đã góp phần sâu sắc để định hình nên cái tinh tế của bản sắc văn hoá Hà Nội, phong vị và thương hiệu riêng của Hà Nội. Có thể nói, văn hóa Kinh kỳ Hà Nội biểu hiện ra ở nhiều nét khó có thể kể tên hay đo đếm được, mà chỉ có thể cảm nhận được mà thôi.
Nhìn chung, văn hóa Kinh kỳ mang nét tráng lệ và đài các biểu hiện ra ở tất cả các yếu tố văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Nói đến Hà Nội là nói đến những nét tinh xảo, sang trọng và lịch sử chốn Kinh kỳ:
Phong quang lịch sự đầu bằng Dập dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe.
Chính từ nhu cầu đặc biệt của Kinh kỳ mà các làng ven đô Hà Nội đều là những làng nghề thủ công nổi tiếng phục vụ tốt nhất cho nhu cầu văn hóa như dệt lụa Trúc Bạch, làm giấy văn điệp Yên Thái, làm bún, làm bánh kẻ Cót, làm cốm kẻ Vòng và trồng đào quất Nhật Tân... Đâu đâu cũng của ngon vật lạ sẵn bày. Nói đến văn hóa Kinh kỳ, không thể không nhắc đến các làng nghề thủ công - một trong những yếu tố tạo nên diện mạo đặc biệt của Hà Nội Kinh kỳ.
Đặc điểm văn hóa Kẻ chợ của Thăng Long - Hà Nội
Hà Nội tuy là Kinh Đô, là đô thị lớn nhất của cả nước nhưng vẫn là “Kẻ Chợ” của “Kẻ Quê”, ở đó có các thôn làng phố phường đan xen và cùng nhau tồn tại qua thời kỳ lịch sử. Gắn với mỗi làng xã là những tục lệ, hương ước riêng rất tiêu biểu và đặc trưng cho mỗi nơi. Hiện nay theo số liệu điều tra, Hà Nội còn lưu giữ được hàng trăm bản hương ước bằng chữ Hán và chữ Nôm.
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, Kẻ chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa và còn có nghĩa hẹp chỉ khu phố phường dân cư của kinh thành thời Lê - Trịnh nhằm phân biệt với khu hoàng thành của vua quan… Kẻ chợ là những người ở trong chợ, nghĩa là những người ở kinh đô Đông Kinh.
Khu cư dân Thăng Long phát triển với tên Kẻ Chợ gồm 36 phố phường và 8 chợ. Chợ là nơi bán mua, nhưng dần dần nơi này được tích tụ những nét riêng cùng thời gian, chợ trở thành một không gian văn hóa. Đây là cũng một trong những đặc điểm nổi bật của Thăng Long – Kẻ chợ. Thành Thăng Long chủ yếu là vua và các quan ở, phía ngoài thành là dân ở và mang tiếp tế đến bán ở các chợ. Địa điểm họp chợ ở Thăng Long - Kẻ chợ thường là bãi đất rộng, cửa thành, cửa sông và hai bên sông Tô Lịch - những vị trí thuận tiện cho việc đi lại. Tất cả các cửa thành đều là
các chợ, hầu hết các cửa Bắc - Đông - Tây đều là chợ cả: cửa Bắc, cửa Nam, cửa Đông… tạo ra sự giao lưu giữa nội thành – ngoại thành, đô thị - nông thôn và tạo ra nếp sống đô thị sôi động của Kẻ chợ.
Chàng về Kẻ chợ thăm thầy Nhớ mua cau đậu trầu cay cho nàng.
Đặc điểm văn hóa Kẻ chợ đặc trưng bên cạnh sự mua bán là người dân đến chợ có nhu cầu giao lưu, trao đổi tình cảm. Người Thăng Long xưa vẫn có câu: “Đi chợ như đi hội”. Tức là, chợ ngoài chức năng thương mại còn là có chức năng giao tiếp cộng đồng, vui chơi cộng đồng. Có nhiều người đến chợ vì thói quen hay đơn giản, chỉ để thỏa mãn một nỗi niềm - không có gì quan trọng:
Có cô thì chợ cũng đông
Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui.
Thì sự trao đổi tình cảm thể hiện ở những sinh hoạt văn hóa như hát xẩm, các bài hát... đều tổ chức ở những góc của chợ, rồi bán nhạc cụ và kể về cả các quán ăn. Không chỉ giải quyết vấn đề ăn mà còn là gặp gỡ, trao đổi thông tin với nhau, nên đều tập trung đông người. Người ta hỏi nhau về cuộc sống của họ hàng, diễn biến của triều đình, những biến cố, ngay cả tin giặc dữ ra sao, vấn đề đánh bạc như thế nào thì cũng đều được bàn bạc ở các trung tâm chợ này.
Bên cạnh đó, những khu chợ còn tạo lên một lớp thị dân ven chợ. Lớp thị dân này mang những đặc trưng tính cách của người thủ đô: dân tứ xứ, khéo buôn bán và hình thành những giá trị thẩm mỹ riêng qua thời gian.
Phát triển theo thời gian, chợ Thăng Long - Hà Nội đã có đến hàng trăm chợ to nhỏ. Kẻ chợ xuất phát từ ban đầu là ở Thăng Long có rất nhiều chợ. Chợ không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn là nơi gom hàng ở các vùng miền mang về.
Chợ như một ngày hội, ngoài bán hàng, quà bánh và một số sản phẩm khác thì còn có các trò chơi giải trí. Về sau, Thăng Long mỗi chợ bán riêng một thứ, ví dụ có những câu ca dao là “Bán mít chợ Đông, bán hồng chợ Tây, bán mây chợ huyện, bán quyến chợ đào - tức là bán lụa ở phố hàng đào.” Một góc nhìn độc đáo nữa là của nhà văn Thạch Lam khi gọi chợ Đồng Xuân là cái “bụng” thành phố và ví von "Tất cả của ngon vật lạ các nơi đều đem đến đây để hiến cho sự thưởng thức sành sỏi của người Hà Nội".
5
Đánh giá
“Kẻ chợ” - dấu tích ngôn ngữ về một hoạt động phổ biến của đất Kinh kỳ. “Chất Kinh kỳ” và “chất Kẻ chợ” song hành, hội tụ ở đất và người Hà Nội. Thăng Long Kinh kỳ cũng là Thăng Long Kẻ chợ. Phải chăng, chính sự giao thoa của hai dòng chảy văn hóa này đã tạo ra một cốt cách rất riêng cho người Hà Nội? Không trầm lặng như cố đô Huế, không phồn hoa đô hội như Sài Gòn mà là cái thâm trầm, sắc sảo, thanh lịch chỉ có ở người Tràng An,... Văn hoá phi vật thể Hà Nội là tổng hoà các yếu tố giao lưu, hội nhập, dung hoà, tiếp biến, cởi mở, linh hoạt, để tạo nên bản sắc Thăng Long - Hà Nội, một vùng đất “hội thuỷ, hội nhân và hội tụ văn hoá vô cùng phong phú và đa dạng”.
Hơn một ngàn năm đã qua, di tích kinh đô xưa có những thứ ẩn sâu trong lòng đất mẹ, có những thứ đang thi gan cùng tuế nguyệt. Nhưng phần hồn văn hóa luôn chắt lọc phát triển trong cộng đồng dân cư nơi đây. Những phong tục, tập quán mang nét thanh lịch của kinh đô xưa đã góp phần làm nên hồn văn hóa dân tộc Việt Nam. Với vị thế một kinh đô lâu đời, với vị trí là trung tâm chính trị và văn hóa của cả nước, một đô thị thủ phủ lớn nhất nước, Thăng Long - Hà Nội đã trở thành bản giao hưởng, nơi hội tụ kết tinh những tinh hoa văn hóa của những vùng miền, địa phương khác nhau trong cả nước. Cố nhiên các giá trị đó đã được nâng cao và có ý nghĩa phổ quát trong mỗi giai đoạn lịch sử.
Có thể nói, văn hóa Kinh kỳ là văn hóa của Thăng Long, nơi ở của các vị vua quan, trí thức ở các vùng, là văn hóa chữ nghĩa, đạo đức do các triều đình và nhà Nho lớn tạo nên. Còn văn hóa Kẻ chợ là một phần của văn hóa Thăng Long, là văn hóa buôn bán.
Phải chăng, chính nhờ nếp thanh lịch truyền thống này, chúng ta tự tin rằng, ngay trong giai đoạn hội nhập phát triển, nền kinh tế thị trường hiện nay, nếp xưa vẫn được lưu giữ trong con người Hà Nội. Hà Nội chẳng những không mất đi cái bản sắc văn hóa của một Thủ đô văn hiến ngàn năm mà còn hấp dẫn, lắng hồn núi sông, đậm đà bản sắc hơn, để bất cứ ai cũng yêu và nhớ về Hà Nội với những tinh túy đất Kinh kỳ. Việc giữ gìn, tiếp thu và phát triển những đức tính quý báu của người Hà Nội xưa chính là điều mà người ta luôn trân trọng và mong muốn giữ gìn toàn vẹn nhất có thể.
Vai trò trung tâm chính trị của Hà Nội từ quá khứ đến hiện tại
Vai trò trung tâm chính trị của Hà Nội từ quá khứ đến hiện tại gần như được thể hiện một cách liên tục dù có đôi ba gián đoạn. Mùa xuân năm 1975, sau 55 ngày đêm tiến công thần tốc giải phóng miền Nam thân yêu, đất nước thống nhất, tình hình khu vực và quốc tế đan xen cả mặt thuận lợi và bất lợi đối với quản lý và phát triển Hà Nội tạo ra những khả năng mới trong thực hiện vai trò trung tâm chính trị của đất nước. Để Hà Nội xứng đáng với vai trò này, đất nước thời kỳ mới đã được ý kiến chỉ đạo về quy hoạch, cải tạo và xây dựng thủ đô: “Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, nơi tập trung các cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các viện nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, các trường đại học, các công trình văn hoá, nghệ thuật tiêu biểu của cả nước. Hà Nội còn là một trung tâm kinh tế quan trọng, có công nghiệp tiên tiến, hiện đại với trình độ kỹ thuật cao. Hà Nội phải là Thủ đô hiện đại có tính dân tộc, xứng đáng với đất nước ta, dân tộc ta”. Tổ quốc thống nhất, Nam - Bắc liền một dải, đã mở ra khả năng mới để Hà Nội phát huy vai trò trung tâm chính trị. Vai trò của Hà Nội đối với miền Nam được thể hiện ngay sau năm 1975, bằng việc chi viện đội ngũ cán bộ, trí thức cho miền Nam bằng việc tổ chức một bộ phận dân cư đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên, bằng việc đưa kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội từ Bắc truyền bá vào Nam.
Tuy vậy, trước bối cảnh mới đòi hỏi phải cấu trúc lại quyền lực nhà nước cho phù hợp với đặc điểm của một đất nước có hình thái lãnh thổ dài và hẹp. Thành phố Hồ Chí Minh so với Hà Nội, mức độ đô thị hoá thành thục hơn, quy mô kinh tế to lớn hơn, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, tư duy kinh tế năng động hơn… mà duy trì càng lâu mô hình kinh tế kế hoạch hoá thì những nhược điểm của Hà Nội càng lộ rõ và cản trở đến khả năng thực hiện vai trò trung tâm chính trị. Rồi chính những đột phá, tìm tòi về con đường đổi mới phần lớn khởi phát từ miền Nam, càng đặt ra những vấn đề cần suy ngẫm đối với Hà Nội về vai trò tiên phong trong các quá trình phát triển đất nước. Đây không còn là vấn đề riêng của Hà Nội, mà nằm trong chiến lược phát triển quốc gia, liên quan trực tiếp đến mức độ, khả năng thực hiện vai trò trung tâm chính trị của Hà Nội.
Lịch sử Thăng Long – Hà Nội là một quá trình vận động liên tục, trong đó nổi bật nhất là tính chất trung tâm chính trị quốc gia hoặc vùng. Trên đây là một vài nét phân tích về điều kiện, bối cảnh khi đất nước thống nhất đã tạo ra những khả năng mới đối với Hà Nội cũng như những thách thức mới khi thực hiện vai trò trung tâm chính trị của đất nước từ năm 1975.
7
Thăng Long - Hà Nội - mảnh đất hội tụ thợ giỏi, tài hoa và làng nghề truyền thống. Làng nghề - phố nghề Hà Nội hình thành và phát triển gắn bó chặt chẽ với lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Ngày nay, làng nghề - phố nghề Thăng Long - Hà Nội vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, đã có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm gần 59% tổng số làng, trong đó, nghề có nhiều làng nghề nhất là mây tre đan, dệt may, thêu ren… Qua khảo cứu tư liệu lịch sử và những nghiên cứu đương đại, làng nghề là một bộ phận không thể tách rời và phát triển song hành cùng với làng xã của người Việt. Sự ra đời của làng nghề xuất phát từ sự ra đời và phát triển của các nghề thủ công cùng với tầng lớp thợ thủ công.
Với vị trí địa lý giao thương thuận lợi, hay nhu cầu của thị trường trong hoàn cảnh lịch sử nhất định, nghề phụ trong nông nghiệp đã trở thành nguồn thu nhập chủ yếu của người dân, một số làng đã trở thành làng nghề mang tính chuyên biệt. Và từ các làng nghề thuộc địa phận Hà Nội cùng với các làng nghề cả nước, những người thợ thủ công tài hoa mang nghề đặc sắc từ quê hương hội tụ về kinh đô Thăng Long sinh sống và lập nghiệp, tạo lập ra những phố nghề. Có thể nói việc các làng nghề phát triển lên thành phố nghề với mục đích để tạo các cơ sở buôn bán, giới thiệu sản phẩm không chỉ mang tầm chiến lược cho sự phát triển của các nghề thủ công truyền thống, thúc đẩy sự đa dạng hơn nữa các hình thức, loại hình sản phẩm, mà còn góp phần làm phong phú thêm cho đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Thăng Long - Hà Nội. Chính các phố nghề đã tạo cho Thăng Long - Hà Nội nét đặc sắc văn hóa riêng biệt. Chính vì vậy, việc giao lưu buôn bán giữa các cư dân khắp nơi đến Hà Nội diễn ra khá sôi nổi và mạnh mẽ trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề phụ cận Thăng Long - Hà Nội cũng như một số làng nghề của một số địa phương khác tụ hội, góp phần cho các phố nghề ngày càng hưng thịnh. Phố nghề được hình thành và phát triển chính tại khu phố cổ. Ngày nay, nhiều phố nghề vẫn tồn tại là các phố Lò Rèn, Thuốc Bắc, Hàng Mành, Hàng Chiếu, Bát Sứ, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Mã...
Việc hình thành và phát triển các phố nghề ở Thăng Long - Hà Nội đã tạo sự biến đổi văn hóa từ làng nghề sang phố nghề một cách mạnh mẽ. Đó là sự biến đổi quan niệm về nghề nghiệp, do việc mở cửa hàng ở các phố nghề ngày càng nhiều, sản phẩm bán được nhiều, thúc đẩy sự phát triển của nghề ở các làng nghề nên người làm nghề đã tập trung vào sản xuất sản phẩm mang tính chuyên môn hóa cao. Mặt khác do cuộc sống tất bật, hối hả của phố nghề nên quan hệ truyền thống và
văn hóa ứng xử có sự thay đổi theo chiều hướng mở, vừa mang tính truyền thống của làng quê, vừa mang tính hiện đại của phố phường.
Có thể nhận thấy, trong lịch sử phát triển, làng nghề/phố nghề Thăng Long – Hà Nội đã có đóng góp to lớn vào sự phát triển toàn diện kinh đô, đặc biệt là kinh tế, nhờ có các phố nghề vừa sản xuất vừa buôn bán đã thúc đẩy nền kinh tế Thăng Long, từ chỗ phát triển tự phát đến phát triển tự giác, có kế hoạch. Phố nghề Thăng Long – Hà Nội không chỉ góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế mà còn để lại những di sản văn hóa có giá trị, tiêu biểu là các công trình kiến trúc nhà ở dân dụng, đền chùa, đình miếu… Kiểu kiến trúc phổ biến ở các phố nghề là những dãy nhà xây theo kiểu chồng diêm san sát nhau, vừa là nhà ở, lại vừa là cửa hiệu bán hàng, lòng hẹp và sâu vào trong, chia làm nhiều phòng rộng, mỗi phòng được ngăn cách với nhau bởi một khoảng sân. Đây là kiểu kiến trúc nhà ở đặc trưng của phố nghề Thăng Long vẫn còn lưu giữ lại cho đến ngày nay. Bên cạnh đó, phố nghề Thăng Long còn để lại cho thế hệ sau rất nhiều đình, đền thờ tổ nghề.
Hiện nay, làng nghề là công xưởng sản xuất, phố nghề/khu phố cổ lại chính là nơi trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm. Phố nghề hiện nay là nơi đem lại thu nhập sau khi bán hàng để tái đầu tư về làng nghề trên nhiều phương diện khác nhau như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là chữ tín trong làm nghề của người thợ thủ công được đặt lên hàng đầu, góp phần quảng bá hình ảnh của làng nghề thông qua sản phẩm. Ngược lại, làng nghề lại cung ứng cho phố nghề những sản phẩm có chất lượng cao, kiểu dáng, mẫu mã đẹp, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng. Do vậy, làng nghề và phố nghề có mối liên hệ qua lại với nhau thông qua các phương diện khác nhau từ kinh tế đến văn hóa, xã hội. Ngày nay, các phố nghề Hà Nội đã tìm được hướng đi của mình. Hơn bao giờ hết, các phố nghề Hà Nội đang mau chóng vượt ra ngoài địa giới cũ trước kia, mở rộng ra cả phía ngoại thành cấu thành một tổng thể. Tuy nhiên, làng nghề/phố nghề ở khu vực nội đô đã không còn, hay nói cách khác, về thực chất, phường/hội thủ công tại khu vực 36 phố phường cũ của Hà Nội đã tan rã, thay vào đó là sự bắt đầu hình thành nên một trung tâm buôn bán các mặt hàng của nghề thủ công truyền thống.
Đánh giá
Ngày nay, ta vẫn xem “36 phố phường” của Hà Nội là khu phố cổ. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, dẫu tên phố thay đổi ít nhiều, dẫu nghề nghiệp ở đó có còn hay mất, nhưng những nghề thủ công và các sản phẩm mà người thợ Thăng Long làm ra sẽ mãi in đậm, ăn sâu trong ký ức của người Hà Nội cũng như lịch sử
9
Việt Nam. Từ góc độ lịch sử, văn hóa, những giá trị tiêu biểu có lịch sử lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội mà còn góp phần quan trọng tạo nên tính đa dạng và đặc sắc của văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Những năm gần đây, các làng nghề và phố nghề ở Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước thông qua sản phẩm, kỹ thuật làm nghề cũng như không gian sinh tồn đặc thù. Sự phát triển du lịch làng nghề không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Thủ đô mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề, phố nghề ở vùng đất Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Phố Hàng Bạc và nghề kim hoàn
Hàng Bạc là một con phố nằm ở quận Hoàn Kiếm, thuộc không gian của khu phố cổ Hà Nội. Là nơi tập trung những người thợ tinh xảo về kỹ thuật chế tác đồ vàng bạc của đất Kinh kỳ. Thợ thủ công làng Định Công (Hoàng Mai), làng Châu Khê (Hải Dương), thợ chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình) định cư và lập nên phố Hàng Bạc. Hiện nay, tại phố Hàng Bạc có đình Kim Ngân thờ tổ sư nghề đúc bạc, là một di tích cổ, được xây dựng cuối Lê, đầu Nguyễn. Làng Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình) với nghề chạm bạc đã lập nên phố Hàng Bạc.
Ở kinh đô Thăng Long trước đây, làng Định Công Thượng là cơ sở phục vụ vàng bạc sớm nhất cho kinh thành Thăng Long. Dân gian kể lại rằng, vào cuối thế kỷ VI, ở làng Định Công có ba anh em họ Trần là Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền, do nghèo khổ dưới ách thống trị của nhà Đường, anh em họ Trần phải tha phương cầu thực tới một nước láng giềng, rồi từ đó họ học được nghề kim hoàn.
Khi trở về quê hương, họ truyền nghề cho dân làng. Sau này, làng Định Công có nghề truyền thống vàng bạc phục vụ thị trường ở Thăng Long. Từ thế kỷ XVIII - XIX, khi nền kinh tế Thăng Long - Hà Nội ngày một phát triển cao, những nghệ nhân này mới chuyển dần lên Thăng Long hành nghề ở khu phố Hàng Bạc ngày nay.
Từ thế kỷ XV, khi ngành luyện kim ở nước ta tiến bộ, nghề đúc bạc nén bước vào giai đoạn mới, thoát thai từ làng Châu Khê (xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Dân gian kể lại rằng, dưới thời Lê Thánh Tông (1460-1497), trong làng này có ông Lưu Xuân Tín được vua cho phép lập nên một tràng đúc bạc và tiền ở Thăng Long, sau đó làm tới chức Thượng thư Bộ Lại, rồi được tôn làm thủy tổ của nghề đúc bạc. Về sau, người làng ông ra Thăng Long hành nghề ngày càng đông. Phố Hàng Bạc được thành lập từ đó. Họ đã xây dựng nên các tràng đúc bạc (nay là 58 phố Hàng Bạc) làm nơi sản xuất. Hai ngôi đình: Thượng Đình (số 50
Hàng Bạc) và Kim Ngân Đình (số 42 Hàng Bạc) là nơi giao nộp thành phẩm cho nhà nước đương thời.
Theo thời gian, phố Hàng Bạc còn có thêm một số nghệ nhân người làng Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đến đây làm ăn sinh sống, với sở trường chạm trổ những đồ vật lớn bằng bạc như hộp trầu, chén bát đĩa, đỉnh, lư đèn,… Ngày nay, với đồ nghề thủ công, người thợ kim hoàn ở phố Hàng Bạc đã làm ra nhiều sản phẩm vàng bạc tinh xảo, nhất là đồ trang sức. Người thợ kim hoàn ở Hàng Bạc thường chạm khắc trên đồ vàng bạc theo các mẫu trang trí nhất định, trong đó, “tứ linh” (long, ly, quy, phượng) là mẫu phổ biến nhất. Riêng hình tượng long (rồng) đã được bàn tay khéo léo của nghệ nhân thể hiện với nhiều chủ đề khác nhau: long hàm thọ (long ngậm chữ thọ), lưỡng long tranh châu (hai con rồng tranh viên ngọc), lưỡng long chầu nguyệt (hai con rồng chầu mặt trăng) cùng với các mẫu trang trí khác như: bát vật (tám con vật), bát bảo (tám vật quý), bát quả (tám loại trái cây),… cũng được chạm khắc tinh xảo trên đĩa, mâm bằng vàng, bạc. Trên các đồ vàng, bạc, có thể thấy người thợ kim hoàn chạm trổ hình ảnh con người, hoặc các loại cây, hoa mà theo quan niệm phương Đông thì đó là tượng trưng cho những phẩm chất cao quý của người quân tử: tùng, trúc, cúc, mai,…
Có thể thấy nghề buôn bán trao đổi vàng bạc không chỉ còn tập trung ở phố Hàng Bạc mà trên nhiều phố khác, cũng rải rác có các cửa hiệu buôn bán vàng, nhưng Hàng Bạc vẫn là nơi tập trung những người thợ kim hoàn tinh xảo với truyền thống chế tác đồ vàng, bạc.
Làng khoa bảng Hà Nội
Trong suốt gần 10 thế kỷ, các triều đại phong kiến Việt Nam đã hết sức coi trọng việc giáo dục khoa cử lấy đó làm cơ sở chủ yếu để kén chọn nhân tài, quy định làng nào có 10 người trở lên đỗ Tiến sĩ thì được coi là làng khoa bảng. Thăng Long - Hà Nội là trung tâm thi cử của cả nước, là nơi nuôi dưỡng, phát huy chất xám, là môi trường rèn luyện, trau dồi tài năng của biết bao nhà khoa bảng. Vị thế quan trọng ấy đã tạo những điều kiện rất thuận lợi cho người các phố phường, làng xã thuộc địa bàn Hà Nội hiện nay mở mang việc học hành thi cử và đạt được những kết quả to lớn - tiền đề làm nên những làng khoa bảng sau này.
Dưới thời phong kiến, tính từ thời nhà Lý (1010 - 1225) đến thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), Việt Nam có khoảng 20 làng khoa bảng. Trong đó, Hà Nội có đến 6 làng. Đó là các làng: Đông Ngạc, Tả Thanh Oai, Hạ Yên Quyết (Từ Liêm),
11
Nguyệt Áng (Thanh Trì), Phú Thị (Gia Lâm), Thượng Yên Quyết. Đây thực sự là những ngôi sao sáng trên bầu trời giáo dục Việt Nam thời phong kiến.
Đi học, đi thi, mong đỗ đạt để không chỉ được nêu tên trên bảng vàng, được "võng anh đi trước, võng nàng theo sau", sau đó được bổ làm quan, có thể thay đổi hẳn cuộc sống của bản thân và gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho tương lai của con cái mà còn vì lý tưởng cao cả muốn được thi thố tài năng với đời của các kẻ sĩ. Đó là động cơ thôi thúc bao người khắc phục khó khăn để học tập trong sự khích lệ, giúp đỡ của gia đình, họ hàng, làng xóm, qua lệ khuyến học của làng và của từng dòng họ. Những người khoa bảng thường tập trung trong một hai gia đình hoặc một hai dòng họ. Có dòng họ liên tục có người đỗ qua các kỳ thi. Có gia đình, cả bố con, anh em, chú cháu, bác cháu, ông cháu được nêu tên trên bảng vàng, không ít trường hợp anh em, chú cháu đỗ cùng khoa hoặc ba bố con dạy nhau rồi cùng đỗ tiến sĩ. Tiêu biểu nhất là họ Nguyễn làng Vân Điềm (Đông Anh), họ Nguyễn làng Du Lâm (Đông Anh), họ Phạm, họ Hoàng, họ Phan (Đông Ngạc), họ Nguyễn (Phú Thị) ... Họ chính là đại diện tiêu biểu cho văn hiến Thăng Long, cho truyền thống hiếu học và khoa bảng của mảnh đất Kinh kỳ suốt cả ngàn năm lịch sử qua.
Ví dụ cụ thể một trong số những làng khoa bảng nổi tiếng, ngôi làng Tả Thanh Oai có truyền thống hiếu học, sản sinh ra nhiều nhân tài có công lớn với đất nước. Đây cũng là nơi có những thi sĩ nổi tiếng kinh thành Thăng Long. Tả Thanh Oai được công nhận là làng khoa bảng vì có 12 Tiến sĩ. Ngoài ra còn có 27 người đỗ kỳ thi Hương cống vào thời Lê (thế kỷ 14 - 17) và 10 người đỗ Cử nhân thời Nguyễn (thế kỷ 18 - 19). Để khuyến khích người dân học hành, làng Tả Thanh Oai có chế độ khuyến học thỏa đáng, người nào đỗ Tiến sĩ được thưởng 40 mẫu ruộng. Người khai khoa đầu tiên của làng Tả Thanh Oai là cụ Nguyễn Chỉ, Đệ nhị Tiến sĩ khoa thi Quý Dậu (1453), đời Vua Lê Nhân Tông. Tả Thanh Oai còn được biết đến là ngôi làng văn chương nổi tiếng của kinh thành Thăng Long nói riêng và cả nước nói chung. Các nhà khoa bảng của làng sáng tác ra những tác phẩm văn học lớn, đặc sắc nhất là tác phẩm Ngô gia văn phái (Trường phái văn học nhà họ Ngô). Làng Tả Thanh Oai đã xuất bản cuốn sách “Làng khoa bảng Tả Thanh Oai”, ghi danh công lao các bậc tiền nhân để con cháu noi gương. Làng đã có hàng chục người có học vị, học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, số lượng học sinh đỗ đại học hàng năm khá cao. Người dân làng Tả Thanh Oai thường truyền nhau câu nói vui rằng “Ở làng Kẻ Tó, ra ngõ là gặp cử nhân”. Các thế hệ trẻ của làng Tả Thanh Oai đang gìn giữ, phát huy truyền thống hiếu học của làng, chinh phục đỉnh cao tri thức và làm rạng danh ngôi làng khoa bảng này.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước từ buổi đầu thời phong kiến tự chủ, vùng đất của thủ đô Hà Nội ngày nay luôn giữ vị trí rất trọng yếu trên tất cả các mặt, và đặc biệt đối với giáo dục khoa cử thì Thăng Long - Hà Nội luôn đóng vai trò trung tâm. Những làng khoa bảng nơi đây chính là minh chứng sinh động cho điều ấy. Tất cả đã kết thành truyền thống hiếu học, trọng học đáng quý để cho đến tận hôm nay Thủ đô vẫn luôn là nơi tụ khí anh tài, tập hợp nhân sĩ, trí thức lớn nhất đất nước.
Những giá trị sống của người Hà Nội
Giá trị sống là mặt cốt lõi của nhân cách, là động lực thúc đẩy cá nhân hoạt động để đạt được. Giá trị sống là những giá trị liên quan đến cuộc sống con người nên nó rất đa dạng, phong phú: từ lí tưởng sống mà con người theo đuổi, phấn đấu đến thái độ của con người đối với muôn mặt đời sống xã hội, hành vi, hoạt động của con người. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh những đức tính gắn liền với chuẩn giá trị sống của một người đó chính là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung với nước, hiếu với dân, nhân nghĩa, cần cù, thông minh, năng động, sáng tạo. Vì vậy, hiện nay không chỉ ở nước ta mà cả thế giới đã tổng kết những giá trị sống đích thực chuẩn mà chung nhất cho toàn xã hội thành 12 giá trị sống đó là: Giản dị, hòa bình, hạnh phúc, hợp tác, khiêm tốn, khoan dung, tự do, yêu thương, trách nhiệm, trung thực, đoàn kết, tôn trọng.
Hà Nội văn hiến ngàn năm như được tô điểm thêm bởi vẻ đẹp chân tình sâu lắng của tình người, tình đời thiết tha như thế. Chính nét Tràng An ấy đã hun đúc nên một nền văn hóa Thăng Long “rất riêng rất đáng tự hào của Thủ đô, chất văn hóa vô cùng tự nhiên” đã ngầm sâu vào máu của mỗi cá nhân, truyền từ đời này sang đời khác và hun đúc nên những con người Hà Nội có lối sống, nếp nghĩ, cách ứng xử rất tinh tế, thanh lịch, văn hoá... Dù đi bất cứ nơi đâu thì người Hà Nội vẫn luôn lịch sự, vẫn giữ được nét truyền thống người xưa:
“Anh đi khắp bốn phương trời, Chẳng đâu lịch sự bằng người ở đây.
Gặp em má đỏ hây hây,
Răng đen rưng rức, tóc mây rườm rà”.
Trong giao tiếp, ứng xử người Hà Nội không chỉ giữ gìn thuần phong mỹ tục truyền thống mà còn tiếp thu tinh hoa văn minh, hiện đại của các dân tộc khác.
Người Hà Nội có thói quen tôn trọng người già, nhường nhịn giúp đỡ. Với cộng
13
đồng luôn chia ngọt xẻ bùi, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, giữ cho phố phường, thôn xóm đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống chung có văn hóa.
Với môi trường thiên nhiên, người Hà Nội có cách ứng xử văn minh làm cho nhà ở, cho phố xá, cho đường làng ngõ xóm sạch đẹp là nhiệm vụ không của riêng ai. Nơi nào có các di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thì nơi đó người dân có nghĩa vụ bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị tinh thần vào đời sống. Coi trọng tâm linh nhưng không sa vào mê tín dị đoan, hủ tục.
Như vậy giá trị sống là những phẩm chất tốt đẹp của con người, làm cho con người trở nên có giá trị và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Giá trị sống định hướng cho hành vi ứng xử cùả chúng ta, khi ta luôn trải nghiệm và cư xử với mọi người bằng những giá trị thì những giá trị sẽ trở thành phẩm chất của mỗi chúng ta và sẽ đi cùng chúng ta suốt cuộc đời. Nó chính là thước trình độ văn hoá của mỗi con người, bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc.
Theo thời gian, cùng với tốc độ phát triển của một thủ đô, đô thị lớn hiện đại.
Hà Nội đang biến đối mạnh mẽ về mọi mặt. Người Hà Nội mang phong cách hiện đại, lối ứng xử tự tin, giới trẻ giỏi vận dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào học tập, nghiên cứu, sản xuất kinh doanh... Tuy vậy, người Hà Nội cũng có những mặt trái của quá trình mở rộng giao lưu, hội nhập, chẳng hạn như: Quá cẩn thận hơn làm ăn lớn, quá coi trọng gia đình hơn cộng đồng, quá thành tựu hơn khuyết điểm, quá coi trọng xuất thân và quá kín đáo... Đó đây đã thấy sự phai nhạt trong ứng xử văn hóa, đạo đức, nét thanh lịch truyền thống qua nhiều biểu hiện trong cuộc sống hằng ngày ở mọi tầng lớp, môi trường. Cuộc sống đô thị hiện đại đã ít nhiều làm mai một đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của Hà Nội xưa.
Và không phải ai cũng nhận thức đúng về giá trị sống: Có người vẫn xem giá trị của cuộc sống phải là một thứ gì đó xa hoa, phù phiếm, những danh lợi mà họ sẵn sàng cân đong đo đếm bằng tiền, các cuộc mua vui, ăn chơi ngày đêm của một bộ phận thế hệ trẻ có suy nghĩ lệch lạc, đi ngược lại với giá trị nhân văn lâu đời của xã hội. Vậy là các bạn đã nhận nhầm giá trị ảo, một giá trị sai trái và không có một chút giá trị nào trong chuẩn mực của xã hội. Vì vậy, giáo dục để các em học sinh nhận diện đúng đâu là giá trị đích thực của cuộc sống là một vấn đề hết sức quan trọng trong các nhà trường hiện nay. Và đó là nhiệm vụ hoàn toàn là cấp thiết đối với đội ngũ giáo viên, những người trực tiếp nhận nhiệm vụ lái đò và hướng dẫn thế hệ trẻ.
Cuộc sống hiện đại hôm nay dẫu cũng có những vội vã, vất vả, xã hội dù có phát triển đến đâu đi chăng nữa, mỗi chúng ta đấu có phải là người dân đất kinh kỳ hay không, hãy luôn giữ nét văn hóa đáng trận trong ấy, giữ từ những điều giản dị nhất, từ lời ăn tiếng nói, đến cách cư xử với nhau. Bởi những nét Hà Nội nhất cũng là những nét văn hóa đặc trưng nhất của người Việt chúng ta. Gìn giữ hôm nay, để có thể đến ngày mai, Hà Nội sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, nhưng nét văn hóa Hà Thành thi vẫn luôn lan tỏa cùng với thời gian...
KẾT LUẬN
Trong thời hiện đại hóa công nghiệp hóa, thế giới ngày một phát triển đồng nghĩa với việc đời sống con người cũng ngày càng được nâng cao hơn. Bên cạnh đời sống vật chất thì giá trị sống, văn hóa sống cùng tinh thần mỗi con người cũng được đề cao hơn rất nhiều. Để giữ gìn được một Hà Nội mang bản sắc dân tộc đẹp đẽ, hay ho là một điều rất khó. Nhưng nếu như có thể gìn giữ được văn hóa nghìn năm này thì việc đất nước luôn tồn tại song song giữa hiện đại và cổ xưa là một điều rất đáng khen.
Qua bài tập lớn này với những dẫn chứng đã đưa ra, tôi không chỉ muốn nói về sự hiểu biết đơn thuần mà càng muốn chứng tỏ một điều Hà Nội chính là một chiếc nôi văn hóa của cả nước, nơi tập trung nhiều giá trị văn hóa bao gồm cả văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần, có sức hút lôi cuốn khách du lịch trong nước và ngoài nước.
Ở đề tài này với những kiến thức của chính bản thân đã lĩnh hội được sau học phần Hà Nội Học và những kiến thức tìm hiểu, hiểu biết thêm, tôi đã trình bày và đưa ra những phân tích, đánh giá cá nhân để mong rằng phần nào đó cho người đọc có thể hiểu thêm được về một Hà Nội với truyền thống nghìn năm văn hiến, lịch sử. Học phần Hà Nội Học không phải là sự cộng lại những nghiên cứu về địa - tự nhiên, địa - kinh tế, địa - nhân văn hay địa - lịch sử. Hà Nội Học là học phần tổng hợp các vaabs đề thuộc về mọi mặt của đời sống vật chất và tinh thần làm chủ thể.
Tức là nghiên cứu chủ yếu về lịch sử và văn hóa Thủ đô thông qua các dữ liệu như điều kiện tự nhiên, chính trị, hành chính, các hoạt động kinh tế và xã hội...
Tuy nhiên, do bản thân còn nhiều hạn chế về mặt kiến thức và kinh nghiệm nên bài tập lớn của tôi vẫn khó tránh khỏi được những thiếu sót. Tôi hy vọng mình sẽ nhận được những nhận xét và đóng góp quý báu từ phía thầy cô để bài tập của tôi có thể được hoàn thiện hơn nữa.
15
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đinh Thuận - Quỳnh Anh, Khơi thông mạch nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần Thăng Long - Hà Nội, 2021.
- Lao động thủ đô, Tinh túy đất kinh kỳ, 2018.
- Nguyễn Quốc Tín - Nguyễn Huy Thắng, Thăng Long - Kinh Kỳ - Kẻ Chợ, 2021.
- Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội - Những nét văn hóa mang đậm giá trị nghìn năm, 2020.
- Bảo tàng lịch sử quốc gia, Dấu tích Kẻ chợ, 2010.
- Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 37, 1976, Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr.287.
- Văn Ngọc, Vai trò trung tâm chính trị - hành chính của Hà Nội khi đất nước thống nhất, Nhà xuất bản Hà Nội, 2015.
- GS. Trần Quốc Vượng và PGS. TS. Đỗ Thị Hảo, Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội (8, tr.79).
- Phan Gia Bền (1957), Sơ khảo lịch sử phát triển thủ công nghiệp Việt Nam, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (1971), Đại Nam nhất thống chí, tập III, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Vũ Huy Thúc (1996), Tiểu thủ công nghiệp Việt Nam (1858 – 1945), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Nguyễn Trãi (1960), Ức Trai di tập Dư địa chí, Phan Huy Tiếp dịch, Nxb. Văn Sử học, Hà Nội.
- Dương Bá Vương (2001), Bảo tồn và phát triển các làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Trần Quốc Vượng (2000), Văn hóa Việt Nam tìm tòi suy ngẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội.
- Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo (2000), Làng nghề phố nghề Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội.
- UBND TP Hà Nội, Quyết định số 85/2009/QĐ-UBND ngày 02-7-2009 về việc ban hành Quy chế xét công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống Hà Nội.
- HĐND TP Hà Nội, Nghị quyết về việc Ban hành danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
- Nguyễn Thừa Hỷ chủ trì, Tuyển tập tư liệu phương Tây, Nxb Hà Nội, 2009, tr.519.
- Trương Minh Hằng (chủ biên), tập 1, Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2012.