Đề cương cơ sở văn hóa Việt Nam 2022 môn Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam | Đại Học Hà Nội

Đề cương cơ sở văn hóa Việt Nam 2022 môn Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam | Đại Học Hà Nội được sưu tầm và soạn thảo dưới dạng file PDF để gửi tới các bạn sinh viên cùng tham khảo, ôn tập đầy đủ kiến thức, chuẩn bị cho các buổi học thật tốt. Mời bạn đọc đón xem!

I. Tính nước trong văn hóa truyền thống Việt: những biểu hiện của đặc trưng này
trong các thành tố văn hóa Việt Nam:
Theo quan niệm về văn hóa của người Việt, tính sông nước cần được xem là một đặc trưng của văn hóa Việt
Nam. Theo quan niệm của triết học phương Đông thì “nước” là một trong những yếu tố cấu thành nên vạn
vật. Với con người nói chung, người Việt nói riêng, nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá,
có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa của con người.
1. Văn hóa vật chất:
- Ăn uống:
Ăn: Các loại thủy, hải sản – những sản phẩm đặc thù của môi trường sông nước từ xưa đã được xếp thứ ba
trong cơ cấu bữa ăn (cơm- rau- cá) “Con cá đánh ngã bát cơm”, và đứng đầu trong hàng thức ăn động vật
của người Việt. Từ các loại thủy sản ấy, người Việt Nam đã chế biến ra thành các loại nước chấm đặc biệt
mang hương vị khó lẫn. Đó là các loại mắm trong đó đặc biệt phải nói đến là nước mắm. Nước mắm là
“thành tựu” quan trọng mà người Việt đã phát minh được trong quá trình sống chung với môi trường sông
nước. Trong mỗi bữa ăn của gia đình người Việt, chúng ta thấy không thể thiếu được bát nước mắm. Cùng
với nước mắm, chúng ta còn được biết đến các loại mắm như: mắm ruốc, mắm tôm, mắm cá, mắm tép, mắm
nêm…làm cho bữa ăn thêm phần đậm đà, khó quên.
Không giống như các nước có khí hậu lạnh giá ở châu Âu như Nga, Đức,... để giữ nhiệt cho cơ thể thì họ ăn
các món súp nóng hổi và dùng thìa để ăn, trái lại đất nước ta nằm ở khu vực có khí hậu nóng ẩm nên các
món ăn chủ yếu được chế biến luộc thanh đạm để giải nhiệt, ăn cả nước lẫn cái nên ta dùng đũa để dễ gắp
hơn. Từ việc nấu thức ăn, xới cơm, gắp thức ăn đều dùng đũa. Bữa ăn vô cùng đơn giản, cốt để no lấy sức
lao động ấy được kích thích chủ yếu bằng các yếu tố tâm lí như sự quây quần của gia đình, ăn chung nồi,
chung đĩa thức ăn,... vẫn tạo nên không khí vô cùng ấm áp gần gũi cho mỗi gia đình. Đặc biệt, tùy theo từng
vùng miền lại có những đặc trưng riêng: Người miền Bắc thường ăn những món thanh đạm nhưng lại rất
cầu kì trong chế biến và cách sử dụng gia vị, bữa ăn của người miền Trung thường có nhiều yếu tố biển, do
đó hương vị cay, mặn sẽ át đi được mùi tanh của động vật biển và bảo quản thịt cá được lâu hơn, giúp cho
người miền Trung cân bằng âm dương do thịt cá có tính hàn, và làm cho con người khỏe hơn, rắn rỏi hơn để
đi đánh bắt xa bờ và cuối cùng là miền Nam, đây là vùng đất lớn, dân cư có nguồn gốc từ tứ phía đều đổ về
đây sinh sống, do đó mà họ tiếp thu hàng loạt cách chế biến món ăn và cách ăn uống của nhiều tộc người :
người Việt, người Chăm, người Hoa, người Ấn,... Hương vị món ăn cũng rất đa dạng : cay, ngọt, lạ, dân dã,
vô cùng phong phú.
Những món ăn ấy không chỉ đơn thuần là thành phần quan trọng trong cơ cấu bữa ăn của người Việt nói
chung và cư dân vùng sông nước nói riêng mà còn chứa đựng trong đó cả hồn Việt và cơ tầng văn hóa sông
nước.
Uống: Trong nước uống hàng ngày, ta dễ dàng nhận thấy người Việt chủ yếu uống các loại nước pha từ lá
cây như lá chè, lá vối,... để uống hàng ngày thay cho nước lọc. Đây đều là những loại lá có lợi cho sức khỏe,
giúp giải nhiệt, giải khát rất tốt. Một thức uống khác không thể thiếu trong mâm cơm ngườ Việt chính là
rượu, rượu gắn với sinh hoạt cộng đồng, với mọi nghi lễ, cũng chính vì thế mà chẳng biết từ bao giờ rượu đã
đi vào ca dao, tục ngữ một cách hết sức tự nhiên:
“Còn trời, còn nước còn non
Còn có bạn rượu, anh còn say sưa.”
- Nhà ở:
Nhà không chỉ là nơi con người trú ngụ an toàn, đối phó với nắng mưa, gió bão mà còn là nơi gắn kết các
thành viên trong gia đình với nhau, là chốn đi - về của mỗi ngư dân, khiến họ yên tâm lao động, sản xuất.
Tuy nhiên, do đặc thù địa hình là vùng sông nước hay ven biển nên người dân nơi đây thường lấy thuyền, bè
làm nhà, tạo nên dạng thức nhà ở độc đáo là nhà thuyền, nhà bè.
Khi nhiều gia đình (tức nhiều nhà thuyền, nhà bè) tụ họp lại sẽ tạo thành các làng chài, xóm chài. Làng chài
hay còn gọi là làng “thủy sinh” (làng sống trên nước) hoặc vạn chài. Có thể nói, Vạn chài là một dạng thức
văn hóa tổ chức xã hội độc đáo mang đậm sắc màu sông nước, biển cả của ngư dân Việt.
Ngôi nhà sàn, nhà thuyền, nhà bè... của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ là không gian trú ngụ để tránh nước.
Ngôi nhà được làm với chiếc mái cong vút lên, mô phỏng hình mũi con thuyền. Ngày nay ở những vùng
nông thôn chúng ta có thể gặp rất nhiều những ngôi nhà mái rạ, mái ngói với mái giống hình thù của chiếc
thuyền úp ngược - được coi là dấu ấn của vùng văn hóa sông nước.
- Trang phục:
Tiếp theo là về trang phục, đặc điểm tự nhiên cũng đã có những tác động rất lớn đến cách ăn mặc của người
Việt Nam. Chất liệu được sử dụng chủ yếu là từ nguồn gốc thực vật như bông, tơ, đay,... tạo nên các loại vải
mỏng nhẹ, giúp thấm hút mồ hôi tốt trong thời tiết nóng ẩm. Người Việt cũng rất sáng tạo trong việc tạo
màu sắc cho quần áo, thường dùng các nguyên liệu tự nhiên từ củ nâu, chàm để nhuộm màu. Trong lao động
thường ngày trước kia, nam giới thường ở trần, đóng khố và đi chân đất, còn nữ giới thường mặc yếm, váy.
Đây là cách ăn mặc truyền thống, đơn giản, gọn gàng và giúp con người dễ dàng di chuyển trên môi trường
sông nước. Trái lại, trong lễ hội người ta ăn mặc vô cùng cầu kì với nhiều màu sắc: nam thường mặc áo the,
đội khăn xếp; nữ thì mặc áo tứ thân, vấn tóc đeo khăn mỏ quạ và đội nón quai thao, chân đi guốc và không
quên đeo hoa tai để làm điểm nhấn. Như vậy trong mỗi hoàn cảnh, người Việt Nam lại có cách ăn mặc khác
nhau, tuy nhiên nhìn chung khá giản dị và gọn gàng với các loại quần áo có chất liệu mỏng nhẹ.
- Đi lại:
Ngoài chức năng của một ngôi nhà, thuyền đối với ngư dân vùng sông nước còn được xem là phương tiện đi
lại phổ biến, hữu dụng bậc nhất. Nó giúp cho người dân di chuyển được trên mặt nước, nhất là di chuyển
nhanh để bủa vây những loại cá bơi với tốc độ cao…. Để đánh bắt, thuyền được cấu tạo thích hợp với điều
kiện tự nhiên của từng vùng sông nước cụ thể.
Từ xa xưa, người dân đã rất quen với việc di chuyển trên sông nước bằng nhiều phương tiện như thuyền
(thuyền nan, thuyền độc mộc, thuyền thúng), đò (đò ngang, đò dọc, đò giang), buồm, phà, bè mảng, mái
chèo,… Đây chính là những phương tiện giúp người dân di chuyển cũng như vận chuyển hàng hóa ngược
xuôi tới những vùng lân cận hoặc các địa phương khác.
Yếu tố nước mang tính chất phổ quát và đặc thù này đã tạo nên sắc thái riêng biệt trong tập quán kỹ thuật
canh tác: Xây đắp đê điều. Môi trường sông nước mà thiên nhiên ban tặng cho người nông dân Việt Nam
như một điều kiện thuận lợi nhưng cũng không ít những thách thức khiến họ nảy sinh nhiều sáng kiến, nhiều
kinh nghiệm trong đời sống sinh hoạt như họp chợ mua bán ngay trên sông (chợ nổi).
2. Văn hóa tinh thần: Môi trường sông nước trong đời sống văn hóa của người Việt còn được nâng lên ở
mức độ cao hơn đó là về cảm quan, triết lý: quy luật vận động của tự nhiên và xã hội.
- Tín ngưỡng:
Môi trường sông nước còn thể hiện những giá trị về tâm linh, tín ngưỡng của người Việt. Người Việt có tục
thờ Mẫu đã trở thành một tín ngưỡng điển hình trong đời sống của người Việt. Trước hết là tục thờ các bà
Trời, bà Đất, bà Nước – những nữ thần cai quản các hiện tượng tự nhiên đối với cuộc sống của cư dân nông
nghiệp trồng lúa nước.
Hàng năm vào các dịp đầu xuân năm mới nhiều vùng quê ở đồng bằng Bắc Bộ thường tổ chức những nghi
thức dân gian như: lễ hội cầu mùa, cầu mưa... để ”cầu trời mưa thuận, gió hòa” mang nguồn nước cho cây
trồng và đồng ruộng không bị khô hạn. Tiêu biểu trong đó là Lễ hội cầu nước và trị thuỷ của người Việt ven
sông Hồng vùng Hà Nội trong quan hệ với tục thờ Đá, lễ rước Nước tế Cá đền Trần (Nam Định) và Lễ hội
Tản Viên Sơn Thánh (Ba Vì, Hà Nội), trong lễ hội này, nhân dân làm lễ để mong sức mạnh của các vị thần
để trị thủy mang lại mùa màng tốt tươi.
Với biển cả còn hiện diện trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân với những tín ngưỡng đặc
trưng mang sắc màu của biển cả. Đó là những tín ngưỡng thờ các vị thần có gốc gác từ biển khơi mà tiêu
biểu là tín ngưỡng thờ Cá Voi/ cá Ông – một loại hình tín ngưỡng dân gian đặc thù của ngư dân ven biển
nước ta.
Môi trường sông nước luôn gắn bó mật thiết với người Việt cho nên ngay cả khi mất đi, chiếc quan tài coi
như cái áo (áo quan) bảo vệ phần xác của người chết để đưa họ hòa vào lòng đất cũng được mô phỏng theo
hình con thuyền. Thế giới của người chết cũng được hình dung nằm ở một vùng sông nước (nơi chín suối)
và đến đó người ta phải đi bằng thuyền (tục chèo đò) đưa linh hồn người đã mất về thế giới bên kia.
- Phong tục:
Theo suốt dặm dài đất nước, chúng ta sẽ bắt gặp vô vàn những lễ hội đặc sắc của người dân vùng sông
nước. Trong số đó, phải kể đến lễ hội Cầu ngư – một dạng thức lễ hội độc đáo, tiêu biểu bậc nhất và mang
đậm nét nhất tính cộng đồng trong hệ thống lễ hội vùng sông nước của Việt Nam. Cứ đến mùa xuân hoặc
mùa thu, cư dân nhiều nơi đã thực hành nghi thức cúng ông Nam Hải – còn gọi là Lễ hội Cầu ngư, lôi cuốn
đông đảo người dân tham gia.
Nhiều trò chơi dân gian gắn bó với nghề sông nước và biển cả, thể hiện sự khéo léo và cả sức mạnh cùng
tinh thần đoàn kết của bao lớp ngư dân đã diễn ra trong dịp lễ hội. Những trò chơi như: đua cà kheo, leo cột
mỡ, kéo dây, đẩy cây, đua thuyền, trói cua, bắt vịt…cùng những môn thể thao trên bờ sông, bãi biển, rồi
những hoạt động nghệ thuật như ca hát…
Đặc biệt là Nghệ thuật Múa rối nước - một sáng tạo gắn với làng quê Việt Nam, là niềm tự hào của những
cư dân trồng lúa nước, sống trên môi trường sông nước. Điệu hát khoan chèo cạn gồm những điệu hò múa
quạt, hát chèo cạn, hò đưa linh, hò mái nhị, hò là, hò hụi… khỏe khoắn, nhịp nhàng, mô phỏng hoạt đô ung
đẩy thuyền, thả lưới, kéo lưới của người dân biển... đã thực sự gieo vào lòng người một ấn tượng khó phai.
Đây cũng là một loại hình diễn xướng bắt buộc, quan trọng không thể thiếu trong các lễ hội cầu ngư hằng
năm ở nhiều miền biển của Việt Nam.
- Ngôn từ: hệ thống từ vựng gắn liền với nước đa dạng, cùng với đó là sự phát triển của ca dao, tục ngữ,
thành ngữ Việt Nam và các câu chuyện, sự tích liên quan đến môi trường sông nước. Chính môi trường
sông nước đó đã hình thành nên một kho tàng đồ sộ và đa dạng, phong phú trong ngôn ngữ giao tiếp của
người Việt. Từ ngôn ngữ ra đời gắn liền với địa hình sông nước, hoạt động trên sông nước, dần dần hình
thành nên cả một trường ngôn ngữ sông nước trong giao tiếp của người Việt.
Qua thống kê trong 4 tập ca dao, tục ngữ của nhóm tác giả Nguyễn Xuân Kính (chủ biên), chúng tôi đã thu
nhận được 746 câu /đơn vị ca dao tục ngữ có liên quan đến môi trường sông nước (trong đó có 149 câu nói
đến nước thật và 597 câu mượn hình tượng nước để ẩn dụ nói về các vấn đề khác trong đời sống xã hội).
Trong đó, môi trường sông nước là nhân tố quan trọng để định thành nên không gian sinh tồn của người
Việt, dân tộc Việt từ xa xưa. Khái niệm về quê hương xứ sở, tổ quốc của người Việt được thể hiện bằng tên
của môi trường gắn chặt với cuộc sống của mình là “đất nước” có nghĩa là giang sơn: Nước (nước Việt
Nam) “Việc nhà việc nước”,”yêu nước thương dân” hay ”Nhớ nước đau lòng con quốc quốc”. Với người
Việt, nước là một trong hai thể thức thiêng liêng làm nên “Đất nước”. Chính vì vậy người Việt có nhiều
danh từ ghép trong đó có từ nước để chỉ về lãnh thổ quốc gia như: đất nước, sơn hà, giang sơn, non nước,
non sông.
“Ai đi muôn dặm non sông
Để ai chất chứa sầu đong vơi đầy”.
Hay trong cách đặt tên sông như là: sông Cái, sông Con, sông Cả...thể hiện mối quan hệ rất thân tình, rất
gia đình của con người với tự nhiên.
Có thể thấy, bất cứ loại hình văn học nào đều có hình thức phản ánh hiện thực, có những câu phản ánh nước
thật như: ”Nước sông cuồn cuộn chảy xuôi”; ”Nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Nhưng cũng có rất nhiều câu
nói về hình ảnh nước hoặc liên quan đến nước để khái quát cho những tình huống, trạng thái hoặc những
ứng xử phổ biến nào đó của hiện thực để mô tả một chuyện khác. Chẳng hạn người Việt có thể khái quát cho
tất cả những hiện tượng không biết lo xa, chuẩn bị trước, đến khi tình huống xảy ra thì phải xử lý một cách
gấp gáp, vội vàng như “Nước đến chân mới nhảy”. Hoặc để diễn đạt mọi trường hợp cố gắng đến mức cao
nhất nhằm làm cho được một việc gì đó mặc dù khả năng làm được rất mong manh, người ta có thể dùng
“Còn nước còn tát”.
- Lối sống - tư duy:
Những hình ảnh sông nước đã khắc họa rõ nét mọi hoạt động sống của người Việt và nó đã đi sâu vào văn
hóa Việt Nam. Và đặc biệt, chính vì đời sống thường ngày luôn nhẹ nhàng tình cảm nên tâm lí người Việt
cũng mềm mại như nước: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” hay “Nước nổi bèo trôi”,..., luôn ứng biến, không
ngại thay dổi bản thân để phù hợp với hoàn cành. Đặc biệt là đề cao tính cộng đồng, tập thể.
Sinh sống và tụ cư trong môi trường sông nước cũng gặp không ít những khó khăn mà con người phải tìm
cách ứng xử thích nghi với nó. Điều này đã được GS. Nguyễn Xuân Kính chỉ ra rằng dân gian đã thấy tác
hại của nước và tìm cách ứng xử sao cho hạn chế những tác hại ấy. “Lũ lụt thì lút cả làng”, buộc họ phải đắp
đê, dùng sức lực và trí tuệ cộng đồng. Vì vậy để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, vùng đồng bằng Bắc
Bộ có một hệ thống đê điều rất kiên cố. Kinh nghiệm cho thấy tháng 6, tháng 7 là dễ có mưa to, bão lớn nên
phải đề phòng “Tháng sáu heo may chẳng mưa thì bão”, ”Tháng bảy kiến bò chỉ lo lại lụt”
Ông cha ta cũng đã lưu truyền lại trong dân gian những trải nghiệm, ứng xử trong cuộc đời mình về sông
nước.
“Con ơi, mẹ dặn câu này
Sông sâu, sóng cả, đò đầy chớ đi”
Trong văn học dân gian Việt Nam, huyền thoại về Sơn Tinh Thủy Tinh càng tô đậm thêm ý thức và cách
ứng xử với tác hại của nước của người Việt là một bằng chứng đầy thuyết phục về nội lực tự sinh của con
người trong thái độ và cách thế “đối thoại” với thiên nhiên.
Môi trường sông nước trong đời sống văn hóa của người Việt còn được nâng lên ở mức độ cao hơn đó là về
cảm quan, triết lý: quy luật vận động của tự nhiên và xã hội. Chẳng hạn như “Nước chảy đá mòn”, ”Tức
nước vỡ bờ”... Trong đời sống thường nhật, người Việt gửi gắm tình cảm với tự nhiên bằng cách đem sông
nước vào lối nói đa dạng, biểu cảm. Khi nói về tình yêu chung thủy họ đã lấy hình tượng sông nước để thề
bồi : ”Yêu nhau tam tứ núi cũng chèo// Thất bát sống cũng lội // Vạn đèo cũng vượt qua”... Hay biểu tượng
của tình yêu vợ chồng còn được ví như thuyền và bến: ”Thuyền đi để bến đợi chờ // Tình đi nghĩa ở bao giờ
quên nhau // Chẳng nên tình trước nghĩa sau // Bến này dãi bóng trăng thâu đợi thuyền”...
Không chỉ lưu truyền trong kho tàng văn học dân gian ca dao, tục ngữ mà cả trong cuộc sống hàng ngày,
chúng ta vẫn thấy những hình ảnh, biểu tượng có liên quan đến nước cũng được sử dụng một cách phổ biến
và rất tự nhiên. Chẳng hạn như: ngâm (hồ sơ bị ngâm); ngụp lặn (ngụp lặn trong thi cử); vượt cạn (phụ nữ
sinh nở); bơi, phao (thi cử); say, đắm đuối (tình cảm); suối tóc (tóc phụ nữ dài và đẹp), trôi chảy (diễn đạt
mạch lạc)...
Kết luận
Trải qua bao biến thiên của thời gian và bao thăng trầm của lịch sử, môi trường sông nước và biển cả đã trở
thành một phần quan trọng trong cấu trúc văn hóa Việt Nam. Vì vậy việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống
trên sông nước, biển cả luôn là một việc làm cần thiết để góp phần bảo tồn và phát triển bền vững những đặc
trưng văn hóa của người Việt.
Môi trường sông nước thể hiện đặc trưng văn hóa của người Việt khá đậm nét. Trải qua bao biến thiên của
thời gian và bao thăng trầm của lịch sử, môi trường sông nước và biển cả đã trở thành một phần quan trọng
trong cấu trúc văn hóa Việt Nam. Những giá trị vốn là đặc trưng từ bao đời nay của dân tộc Việt vẫn không
ngừng được bảo tồn và phát huy. Có như vậy thì mỗi người dân Việt Nam nói chung và cư dân đồng bằng
Bắc Bộ nói riêng mới có chỗ dựa tinh thần vững chãi để thấu thị một tâm thế an nhiên tự tại trước môi
trường sông nước và biển cả.
II. Văn hóa Champa: tôn giáo, kiến trúc
1. Tôn giáo
Vương quốc Chăm Pa là vương quốc của các tiểu vương quốc phân bố ở miền trung Việt nam từ núi đến
biển, giãn cách nhau bằng các đèo và có nền văn hóa nảy sinh từ văn hóa Sa Huỳnh. văn hóa Chămpa chủ
yếu chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa - tôn giáo Ấn Độ thông qua con đường thương mại bởi các
thương nhân Ấn Độ và các tu sĩ Bàlamôn. Trong quá trình tiếp thu văn hóa Ấn Độ, người Chămpa đã kết
hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa nội sinh và ngoại sinh dựa trên cơ sở môi trường tự nhiên và tâm lý dân tộc
để tạo nên nền văn hóa của riêng mình mang nhiều nét chung những cũng có điểm khác biệt so với những
văn hóa láng giềng ở Đông Nam Á cùng tiếp thu ảnh hưởng từ văn minh Ấn Độ. Đầu tiên, người Chămpa
đã áp dụng mô hình tổ chức chính trị và vương quyền, mô hình tổ chức chính quyền của Ấn Độ. Theo đó,
vua được coi là hiện thân của thần trên mặt đất và là người bảo vệ thần dân, giữ gìn trật tự đất nước và việc
truyền ngôi tiến hành theo huyết thống nhưng có có khi là do triều đình cử ra. Tôn giáo Ấn Độ đã có mặt ở
các vùng đất thuộc vương quốc Chămpa với nội dung là tư tưởng Phật giáo cùng rất nhiều tượng Phật bằng
đồng được tìm thấy. Tuy nhiên, ở một số nơi tôn giáo Ấn Độ chỉ là hình thức bề ngoài của các tín ngưỡng
bản địa, chủ yếu là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ Mẹ của người Chăm.
2. Kiến trúc
Về kiến trúc, nói tới ChămPa là phải nhắc đến hệ thống đền tháp. Tháp Chăm được xây dựng rải rác khắp
nơi và có nhiều quần thể kiến trúc lớn (khu Thánh Địa Mỹ Sơn. Dù được xây dựng ở nhiều thời điểm
khác nhau, có khác biệt về chi tiết kiến trúc, điêu khắc song trên cơ bản loại hình, cấu trúc hầu như thống
nhất. Chúng được xây dựng theo mẫu số chung và thể hiện biểu trưng tôn giáo Ấn Độ. Tháp Chăm được
xây dựng theo mô hình tháp Ấn Độ, song bé nhỏ “tinh tế” và được “Chăm hóa”.
Tháp thường được xây dựng trên đồi gò cao theo biểu tượng núi Meru trong tôn giáo Ấn Độ – Biểu trưng
trung tâm vũ trụ, nơi ngự của các thần linh. Tháp Chăm có thể đồng thời mang ba chức năng: Đền thờ
Thần, Đền – Mộ, Đền – Nơi ở của các vị thần. Tháp thường có bình đồ vuông, bố cục hướng tâm, chia
thành ba phần đế, thân, mái.
Tháp Chăm chủ yếu được xây bằng gạch. Đá chỉ sử dụng trong trang trí và một số chi tiết kiến trúc như mí
cửa, vòm, trụ... Người Chăm là bậc thầy trong nghệ thuật xây gạch và hiện nay còn nhiều ý kiến, giả thuyết
xung quanh vấn đề này. Mái tháp có ba tầng thu nhỏ dần vươn lên cao, lòng tháp hình vuông cao vút, tường
lòng xây thẳng đứng, từ mái lòng tháp thu nhỏ dần về phía đỉnh,tạo thành vòm cuốn đều nhau.
Tháp Chăm được trang trí tinh tế, cầu kỳ thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật điêu khắc và nghệ
thuật kiến trúc. Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã đưa ra những phân kì trong phong cách xây
dựng tháp và phong cách nghệ thuật Chămpa. Chủ đề chính trong điêu khắc trang trí tháp là hoa lá, hình
người, hình động vật, các thần, các con vật huyền thoại theo nội dung tôn giáo hoặc sử thi Ấn Độ. Nền điêu
khắc Chăm nổi tiếng với phù điêu và tượng tròn trong đó phù điêu có nhiều hình thức, trước hết là chạm
khắc trực tiếp lên gạch tháp (nghệ thuật này của người Chăm cũng đạt tới đỉnh cao) hay tạo hình trang trí
trên gạch trước khi nung, ngoài ra còn chạm khắc trên đá (thường là đá gianh màu xanh xám và đá silic).
Dựa vào các yếu tố trang trí mỹ thuật trên tháp, sự thay đổi của kết cấu kiến trúc, sự xuất hiện hay mất đi
của các mô típ trang trí kết hợp với những tài liệu liên quan (bia kí, tư liệu lịch sử) người ta chia nghệ thuật
trang trí tháp thành nhiều phong cách và vạch ra quá trình phát triển của chúng tương ứng với các thời kỳ
lịch sử.
III. Bối cảnh và một số thành tựu văn hóa thời Lý- Trần
Bối cảnh lịch sử: năm bắt đầu, sơ lược tình hình. 1009-1225, 1225-1400
- Năm 1010, nhà Lý lên ngôi, dời đô về Đại La, đổi tên thành này là thành Thăng Long, năm 1054, đổi tên
nước là Đại Việt. Năm 1226, nhà Trần thay nhà Lý.
- Nhà Lý có 9 đời vua, nhà Trần có 12 đời vua.
- Đất nước được mở rộng dần về phương Nam.
- Từ năm 1075 đến năm 1077, nhà Lý lại phải chiến đấu chống quân xâm lược Tống. Năm 1258, quân dân
nhà Trần bước vào kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất. Năm 1285, cuộc kháng chiến chống
quân xâm lược nhà Nguyên lần thứ hai lại nổ ra và kết thúc với những chiến thắng vẻ vang. Năm 1288,
lần thứ ba giặc Nguyên Mông lại xâm lược Đại Việt để rồi chịu thất bại trước lòng yêu nước vô bờ của
quân dân nhà Trần.
- Là lần phục hưng văn hóa dân tộc lần thứ nhất: Sự phục hưng này diễn ra sau khi đất nước được giải
phóng khỏi ách Bắc thuộc.
- Với việc dời đô về Đại La và đổi tên là thành Thăng Long, nhà Lý đã mở đầu một giai đoạn phục hưng
văn hóa Đại Việt. Nhà Trần tiếp tục sự nghiệp của nhà Lý, đưa đất nước tiếp tục phát triển về mọi mặt.
Thành tựu: văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần.
- Văn hóa vật chất:
+ Kinh tế:
Nông nghiệp:
Thủ công nghiệp: đa dạng nghề, thời Trần hình thành các làng nghề chuyên môn hóa.
Thương nghiệp: Nội thương, ngoại thương
+ Kiến trúc, nghệ thuật
Được xây dựng với quy mô đồ sộ, các công trình tinh xảo khẳng định tài hoa của người nghệ nhân thời kì
bấy giờ, phong cách gọn, đẹp, hài hòa cân xứng, nổi bật là sự xuất hiện của An Nam Tứ đại khí (tháp Báo
Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm. Tuy nhiên, những công trình sau này
bị phá hủy bởi nhà Minh. Kiểu mô hình phong kiến phổ biến là mô hình “Tam trùng thành quách”. Thành
Thăng Long là điển hình cho kiểu thành thị phong kiến của mô hình này, với 4 cửa và 61 phường tập hợp
các thợ thủ công.
Kiến trúc đời Lý phát triển rất mạnh. Những di tích nhà Lý còn lại đến nay như chùa Dạm, chùa Một Cột,
tháp Báo Thiên, tháp Sùng Thiện Diên Linh (chùa Đọi – Nam Hà), tháp Chương Sơn (Ý Yên – Nam Định)
v.v..., đều là những công trình có quy mô lớn. Tuy nhiên, các công trình này đều có sự hòa hợp với cảnh trí
thiên nhiên xung quanh. Do vậy, nói đến mĩ thuật thời này chủ yếu là kiến trúc ở các ngôi chùa và tượng
Phật. Nghệ thuật điêu khắc trên đá, trên gốm thể hiện một phong cách đặc sắc và một tay nghề khá thuần
thục. Bố cục tượng gọn, đẹp và cân xứng nhưng không trùng lặp và đơn điệu. Từng chi tiết được chú ý khi
chạm trổ, những đường cong mềm mại, gợi tả, nên vẫn thanh thoát, nhẹ nhàng. Hình tượng con rồng thời Lý
khá độc đáo.
Kiến trúc, mĩ thuật thời Lý mang nhiều nét tương đồng với kiến trúc, mĩ thuật Chăm, mang dấu ấn văn hóa
Champa ở Đại Việt. Có thể, trong ý thức của người Việt để “giải Hoa” về mặt văn hóa, người Việt vẫn có ý
muốn quay trở lại với cội nguồn Đông Nam Á của mình.
Cùng với kiến trúc, các nghề thủ công rất phát triển ở thời Lý, như nghề dệt, gốm, mỹ nghệ...v.v. Nghề dệt
đã có nhiều thành tựu. Từ vải, lụa đến những loại gấm đoạn với đủ các màu sắc và họa tiết trang trí đặc sắc
đã được những người thợ dệt khéo tay và thông minh nhà Lý làm ra.
Nghề gốm là nghề có bước phát triển khá dài và đạt trình độ cao. Những lò gốm thời này làm ra khá nhiều
gạch, ngói, đặc biệt là loại ngói bằng sứ trắng, ngói tráng men và những loại gạch khổ lớn có trang trí và
khắc niên hiệu đời Lý. Thời Trần, nghề thủ công còn có những bước phát triển mới, hình thành những làng
nghề chuyên sản xuất một mặt hàng nhất định, như làng Ma Lôi (Hài Hưng). Kinh thành Thăng Long mở
rộng chia thành 61 phường. Tại đây không chỉ có chợ mà còn có phường thủ công và phố xá buôn bán.
- Văn hóa tinh thần:
+ Tư tưởng, tôn giáo:
Khai phóng (cởi mở), đa nguyên: cởi mở tiếp nhận, tìm lại những giá trị truyền thống xưa kia của dân tộc.
Đặc trưng nổi trội thời Lý–Trần là sự dung hòa tam giáo (Nho – Phật – Đạo), còn gọi là chính sách “Tam
giáo đồng quy”. (Nhà vua: Phật giáo, Quan lại: Nho giáo, Nhân dân: Đạo giáo.)
Tinh thần văn hóa Lý – Trần là tinh thần khai phóng đa nguyên phối hợp Phật, Nho, Đạo cùng các tín
ngưỡng dân gian khác kể cả ảnh hưởng của tôn giáo Chămpa. Đến thế kỉ X, Phật giáo đã có những bước
phát triển lớn, nhiều chùa chiền xuất hiện. Đó là các đại danh lam kiêm hành cung; các trung danh lam và
chùa của các đại sư. Tất nhiên là ngay từ cuối thời Bắc thuộc, đạo Phật đã có tư cách là một tác nhân của
khối đoàn kết, là chỗ dựa tinh thần của dân tộc. Đặc biệt vai trò quan trọng của các trí thức Phật giáo lúc bấy
giờ. Tinh thần đó vẫn được duy trì dưới thời Lý nhằm tạo ra một phần sức mạnh của sự kiến thiết. Trong
một chừng mực, chúng ta thấy khá rõ, đạo Phật thời này đã nhập thế, vì yêu cầu của con người mà tồn tại và
phát triển. Sự dung hội với tín ngưỡng dân dã cũng là điểm nổi, để tạo ra một đạo Phật được Việt hóa, phù
hợp với hoàn cảnh. Năm 1031, triều Lý bỏ tiền ra xây dựng 950 chùa. Năm 1129, mở hội khánh thành
84000 bảo tháp (tháp bằng đất nung). Nhà vua và tầng lớp quý tộc rất sùng mộ đạo Phật. Thời kì này các sư
tăng và tín đồ Phật giáo phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo nhà sử học Lê Văn Hưu, đời Lý
“nhân dân quá một nửa làm sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa”. Phật giáo giai đoạn này có ảnh hưởng to
lớn với kiến trúc, điêu khắc, thơ văn và nghệ thuật.
Thời kì đầu giai đoạn tự chủ Nho giáo chưa mạnh, nhưng nó đã cùng với chữ Hán tồn tại trong xã hội Việt
Nam như một hiện tượng xã hội hiển nhiên. Chế độ giáo dục và thi cử theo tinh thần Nho giáo mới bắt đầu.
Số lượng nho sĩ được đào tạo hãy còn ít, cho nên ảnh hưởng của nó trong xã hội còn hạn chế. Để đào tạo
nhân tài và tuyển lựa quan lại cho bộ máy hành chính, nhà Lý bắt đầu chăm lo cho việc học tập và thi cử.
Năm 1070, nhà Lý dựng Văn Miếu đúc tượng Chu Công, mở Quốc Tử Giám. Năm 1075, triều đình mở
khoa thi đầu tiên để chọn lựa nhân tài. Từ đây, Nho giáo bắt đầu có địa vị trong xã hội.
Đến nhà Trần, vương triều đã chính quy hóa, tạo ra quy củ cho việc học hành, thi cử, lập Quốc học viện để
cho con em quý tộc quan lại, nho sĩ vào học. Không chỉ có những trường học của vương triều, các nho sĩ
còn lập ra trường học ở các xóm làng. Thể lệ thi cử, học vị được quy định. Năm 1247, nhà Trần đặt danh
hiệu tam khôi (ba học vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) dành cho ba người thi đỗ xuất sắc trong các kì
thi Đình. Bởi vậy, tầng lớp nho sĩ ngày càng đông đảo, trong hàng ngũ quan lại, người xuất thân từ nho sĩ
càng nhiều hơn.
+ Văn hóa bác học hình thành: xuất hiện tầng lớp trí thức và chữ Nôm:
Nền văn học chữ viết được hình thành với một đội ngũ tác giả hùng hậu. Đội ngũ này được tạo ra từ hai
nguồn: một là các trí thức Phật giáo; hai là các trí thức Nho giáo. Phần chủ yếu trong văn học đời Lý là thơ,
mà phần lớn lại là thơ của các nhà sư, do đó, nội dung liên quan đến triết học và giáo lí Thiền tông. Tuy thế,
nhiều bài thơ có ý nghĩa nhân sinh và giá trị văn hóa. Đáng lưu ý nhất là bài Nam quốc sơn hà của Lý
Thường Kiệt, là Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn. Ở thời nhà Trần, đa số thi nhân đều khác thi nhân thời Lý,
họ đều là các nho sĩ. Các tác giả như Đinh Củng Viên, Nguyễn Thuyên, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung
Ngạn, Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Hồ Tông Thốc, Nguyễn Phi Khanh v.v..., còn để lại các tập thơ ở đời,
đều xuất thân từ cửa Khổng sân Trình. Mặt khác, bên cạnh dòng văn học viết bằng chữ Hán, lịch sử thời kì
này chứng kiến sự hình thành của văn học chữ Nôm. Sử sách có nhắc đến các tác giả có văn thơ Nôm thời
kì này là Trần Nhân Tông với Cư trần lạc đạo phú, và Đắc thử lâm tuyền thành đạo ca, Mạc Đĩnh Chi với
Giáo tử phú, Huyền Quang với Vịnh Hoa Yên Tử phú, Nguyễn Thuyên với Phi sa tập (trong tập này có cả
thơ chữ Nôm bên cạnh thơ chữ Hán). Ngoài ra, thời kì này còn có các tác giả văn Nôm khác như Nguyễn Sĩ
Cố, Chu Văn An, Hồ Quý Ly.
Đặt trong diễn trình lịch sử văn hóa dân tộc, sự xuất hiện một nền văn học chữ viết (cả hai hình thức: chữ
Hán và chữ Nôm) đều là bước phát triển cả về số lượng và chất lượng của nền văn hóa.
Cùng với văn học, các ngành nghệ thuật như ca, múa, nhạc, chèo, tuồng cũng ra đời và phát triển. Trên cơ
sở khai thác những giá trị của kho tàng văn hóa dân gian, thâu hóa những thành tựu của văn hóa bác học
Trung Hoa, Ấn Độ, các ngành nghệ thuật này rất nhanh chóng định hình bản sắc dân tộc. Nghệ thuật điêu
khắc thời Trần mang tính chất phóng khoáng, khỏe và thực hơn. Chẳng hạn như, con rồng ở cánh cửa chùa
Phổ Minh, như tiên nữ và nhạc công ở các bức chạm gỗ chùa Thái Lạc.
Đánh giá: thời kỳ phục hưng lần 1, vì sao.
Thời kỳ phục hưng là thời kỳ khôi phục và phát triển lại các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần xưa kia của
nhân dân sau khoảng thời gian những giá trị ấy bị khuất lấp, hao mòn hoặc sắp biến mất. Ở thời kì Lý –
Trần, đây là giai đoạn thịnh đạt của nền văn hóa Đại Việt, là thế kỷ phục hưng của nền văn hóa Việt cổ bản
địa (văn minh Văn Lang – Âu Lạc) trên nền tảng của sự khôi phục độc lập dân tộc và giữ vững chủ quyền
quốc gia qua hai cuộc kháng chiến chống Tống và chống quân Mông – Nguyên, đồng thời kết hợp những
yếu tố văn hóa ngoại sinh để sáng tạo những giá trị mới trong khối cộng đồng dân tộc Việt. Sự phục hưng
lần này là kết quả của sự cởi mở về quan điểm chính trị, tầm nhìn xa rộng của ông cha và được cụ thể hóa
bằng chính sách của triều đình. Có thể nói rằng, đây là thời đại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thống
nhất cộng đồng.
IV. Tín ngưỡng của người Việt: khái niệm tín ngưỡng, bản chất, tín ngưỡng phồn
thực, tín ngưỡng sùng bái con người, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng Làng
Việt Nam ta là đất nước có các niềm tin và tín ngưỡng tôn giáo vô cùng đa dạng bởi thiên nhiên phong phú,
vị trí địa lí nằm ở cầu nối của các nhiều nền văn hóa trên thế giới nên người dân Việt Nam có truyền thống
sinh hoạt, hoạt động tín ngướng từ lâu đời. Những tín ngưỡng dân gian của người Việt luôn gắn liền với đời
sống kinh tế và tâm linh, trong số đó phải kể đến là tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng sùng bái con
người và tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng. Có thể nói rằng tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam đã phát triển
rực rỡ, để lại nhiều thành tựu với sức sống mãnh liệt, vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay.
Trước hết, ta biết được tín ngưỡng là sự thần thánh hóa, thiêng hóa của con người đối với một hay nhiều
hiện tượng, nhân vật nào đó. Tín ngưỡng cũng chính là sản phẩm văn hóa được hình thành trong mối quan
hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và với chính bán thân mình. Các tín ngưỡng
dân gian Việt Nam đều bắt nguồn từ các quan niệm dân gian, ví dụ: “Cây gạo có ma, cây đa có thần”, từ nỗi
sợ, con người dần tin tưởng và sùng bái các sự vật tự nhiên hơn, tín ngưỡng dân gian đã hình thành như thế.
Trong nền văn hóa Việt Nam, tín ngưỡng dân gian có một vị trí quan trọng và được xem như một loại hình
tôn giáo không có tổ chức nhất định. Bằng lòng tin tín ngưỡng, người Việt ta luôn hướng đến những điều
thiện, thể hiện lòng tôn kính, biết ơn đối với ông bà, tổ tiên, những người có công với làng xóm, đất nước.
Đây là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam cần phải bảo tồn và phát huy.
1. Tín ngưỡng phồn thực
Thực chất của tín ngưỡng phồn thực là khát vọng cầu mong sự sinh sôi nảy nở của con người và tạo vật, lấy
các biểu tượng về sinh thực khí và hành vi giao phối làm đối tượng. Tín ngưỡng này có mặt rất sớm trong
cơ tầng văn hóa Đông Nam Á cổ đại nhưng có sự biến thiên khác nhau giữa các vùng, do sự ảnh hưởng của
văn hóa Hán nhiều hay ít. Với người Việt, dấu vết của tín ngưỡng phồn thực còn lại cho chúng ta thấy nó
từng có mặt từ nơi xa xưa. Tượng linga, yoni bằng đất nung tìm thấy ở di tích Mả Đống (Hà Tây), tượng
người bằng đá có linga to quá cỡ ở Văn Điển, tượng nam nữ giao hợp trên nắp thạp đồng Đào Thịnh v.v...,
chính là bằng chứng cho thấy sự gắn bó của tín ngưỡng này từ thời xa xưa với cư dân nơi đây.
Sau này, một số vương triều, do ảnh hưởng của văn hóa Hán đã đàn áp các dâm từ và dâm thần. Tuy nhiên,
tín ngưỡng này chỉ tự giải thể mà không hề mất đi, nó hội nhập và đan xen với các loại hình văn hóa nghệ
thuật khác. Trong nghệ thuật, tranh dân gian Đông Hồ có hai bức tranh phảng phất hình bóng của tín
ngưỡng này. Đó là bức tranh Hứng dừa và Đánh ghen. Điêu khắc đình làng của một số ngôi đình như đình
Đông Viên (Ba Vì, Hà Tây), đình Phùng (Đan Phượng, Hà Tây), đình Thổ Tang (Phú Thọ), đình Đệ Tứ
(Nam Định) còn khắc chạm hình nam nữ đùa giỡn nhau khi tắm ở hồ sen, hay đùa giỡn nhau với cơ thể trần,
đầy gợi cảm.
Trong văn học dân gian, số lượng câu đố mà người ta cho là đố thanh giảng tục, đố tục giảng thanh chính là
lưu thanh sót lại của tín ngưỡng phồn thực thời xa xưa. Trong văn học thành văn, từ Nguyễn Du đến Hồ
Xuân Hương đã có những tác phẩm tràn đầy tinh thần nhân văn, khi vẽ lên những dáng vẻ đẹp đẽ, khoẻ
mạnh của cơ thể con người. Đáng lưu ý là sự tồn tại của tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội cổ truyền. Nhân
vật phụng thờ của lễ hội cổ truyền một số làng quê chính là các biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực như
ông thánh Bôn mà một số làng quê ở Thanh Hóa thờ phụng, như Phật Thạch Quang theo truyền thuyết là
con Man nương và nhà sư Khâu đà la gửi vào cây dâu, cũng là một linga bằng đá. Tín ngưỡng phồn thực tồn
tại đậm đặc nhất là ở các trò diễn, trò chơi của một số lễ hội cổ truyền. Có thể kể đến những trò diễn gợi
bóng phảng phất tín ngưỡng này như trò chen của lễ hội làng Nga Hoàng (nay thuộc Bắc Giang), trò tắt đèn
đêm giã La (Hà Tây), những trò diễn mô phỏng lại hành vi giao phối bằng các biểu tượng như trò múa mo ở
Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Tây), trò múa gà phủ, múa tùng dí, trò bắt chạch trong chum ở làng Văn Trưng
(Vĩnh Phúc) hoặc trong các lễ hội vùng Phong Châu (Phú Thọ). Qua biến thiên lịch sử, dâu bể cuộc đời, tín
ngưỡng phồn thực đã trở thành một thứ trầm tích văn hóa trong văn hóa Việt Nam.
2. Tín ngưỡng sùng bái con người
Tiếp nối tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, văn hóa dân tộc ta còn tồn tại tín ngưỡng sùng bái con người. Nguồn
gốc của tín ngưỡng này là do quan niệm tồn tại song song thể xác và linh hồn trong con người. Và khi con
người chết đi thì chỉ có thể xác tiêu tan, linh hồn vẫn sẽ tồn tại và ở lại bên con cháu, gia đình. Người Việt
và một vài dân tộc Đông Nam Á còn chia linh hồn thành hồn và vía. Hồn vía là sản phẩm của trí tuệ bình
dân với những con số 3-7-9 ước lệ (sản phẩm của truyền thống coi trọng những con số lẻ của người Việt).
Mỗi con người gồm có 3 hồn là tinh, khí và thần: “Tinh” là sự tinh anh trong nhận thức (nhờ các quan năng,
các vía mang lại); “Khí” là khí lực, là năng lượng làm cho cơ thể hoạt động; “Thần” là thần thái, là sự sống
nói chung.
Người Việt ta từ xưa đã thần thánh hóa linh hồn làm cho linh hồn trở thành đầu mối tín ngưỡng. Bên cạnh
đó, vía là vật trung gian kết nối hồn và thể xác, người ta quan niệm đàn ông có bảy vía và đàn bà có chín
vía. Hồn và vía thường được dùng giải thích các hiện tượng như trẻ con hay ốm, hiện tượng ngủ mê, ngất,
chết... Vía phụ thuộc vào thể xác,có người lành vía, yếu vía, dữ vía, cứng viết, độc vía, vía nặng, vía nhẹ.
Khi chạm vào độc vía thì phải đốt vía, trừ vía, giải vía. Hồn độc lập với thể xác (hồn người này có thể nhập
vào xác người khác).
Và dù con người có chết đi thì hồn vía vẫn còn đó, người Việt ta đã lập ban thờ để thờ những người đã
khuất. Trong phạm vi gia đình, nó tạo thành tục thờ cúng tổ tiên; ở phạm vi làng xã, nó là tục thờ người có
công với làng xã, các danh nhân, anh hùng; mở rộng ra phạm vi quốc gia, người Việt ta có tục thờ Vua tổ -
thờ vua Hùng vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm. Để nói về tục thờ cúng tổ tiên, người ta tin rằng chết là về
nơi chín suối, và ở nơi chín suối, ông bà có thể đi về thăm non phù hộ con cháu. Điều này gần như trở thành
một thứ tôn giáo và ngay cả những gia đình không tin thần thánh cũng đặt bàn thờ tổ tiên trong nhà. Đặc
biệt, việc cúng giố vào ngày mất là một dịp rất quan trọng để con cháu tụ họp, làm lễ tưởng niệm ngường đã
khuất, bthờ tổ tiên bao giờ cũng đặt ở gian giữa trong nhà – nơi trang trọng nhất.
3. Tín ngưỡng thờ thành Hoàng làng
Việt Nam ta là đất nước có tín ngưỡng tôn giáo vô cùng đa dạng, người dân có truyền thống sinh hoạt, hoạt
động tín ngưỡng lâu đời. Những tín ngưỡng dân gian của người Việt luôn gắn liền với đời sống kinh tế và
tâm linh, trong số nổi bật phải kể đến là tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng.
Trước hết, ta được biết tín ngưỡng là sự thần thánh hóa, thiêng hóa của con người đối với một hay nhiều
hiện tượng, nhân vật nào đó. Các tín ngưỡng dân gian Việt Nam đều bắt nguồn từ các quan niệm dân gian,
ví dụ: “Cây gạo có ma, cây đa có thần”, từ nỗi sợ, con người dần tin tưởng và sùng bái các sự vật tự nhiên.
Trong nền văn hóa Việt Nam, tín ngưỡng dân gian có một vị trí quan trọng và được xem như một loại hình
tôn giáo không có tổ chức nhất định. Bằng lòng tin tín ngưỡng, người Việt ta luôn hướng đến những điều
thiện, thể hiện lòng tôn kính, biết ơn đối với ông bà, tổ tiên, những người có công với làng xóm, đất nước.
Và một trong số những tín ngưỡng quan trọng nhất, tồn tại lâu đời nhất là tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng,
tín ngưỡng này là tiêu biểu cho sự linh hoạt, dung hợp tổng hợp trong văn hóa của người Việt Nam ta. Tín
ngưỡng thờ Thành hoàng làng vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó từ “thành” là thành trì, “hoàng” là
hào để bảo vệ thành trì. Ngay từ thời nhà Chu, người ta đã dựng miếu để thờ thần bảo vệ cho thành trì của
mình, vị thần ấy được gọi là Thành hoàng. Cho đến thời Tùy – Đường, tục thờ Thành hoàng trở nên phổ
biến và phát triển hơn, cũng trong thời kì ấy, tín ngưỡng này được du nhập vào Việt Nam đầu tiên bởi viên
quan nhà Đường là Lí Viên Cát. Sau đó, vua Lí Công Uẩn cũng lập ngôi đền Bạch Mã thờ Thành hoàng để
bảo vệ kinh đô.
Từ đô thị, tín ngưỡng thờ Thành hoàng đã len lỏi và được truyền bá về nông thôn, tạo thành hệ thống các
Thành hoàng làng. Khi tín ngưỡng thờ Thành hoàng về đến nông thôn, nó đã hòa quyện với tín ngưỡng thờ
thần vốn có của làng để tạo ra các Thành hoàng làng, do đó một làng có thể thờ nhiều vị thần nhưng chỉ có
một vị thần duy nhất được thờ trong đình, và mỗi làng thờ một Thành hoàng riêng: “Trống làng nào làng ấy
đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Thành hoàng làng có thể có nhiều xuất thân như Thiên thần, Nhiên thần
và Nhân thần. Và Nhân thần là các vị thần chiếm số đông, là người thường được thiêng hóa lên, trong đó có
Chính thần là các vị anh hùng có công với đất nước. Tiêu biểu như ngôi đình Phú Điền – Thanh Hóa tôn thờ
Bà Triệu là Thành Hoàng làng. Còn có một vài làng thờ các tổ nghề như cụ tổ nghề gốm Bát Tràng là Hứa
Vĩnh Kiều.
Đi cùng tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng là hội làng, lễ hội ở làng xã là môi trường để thực hiện tín
ngưỡng ở làng xã. Tiêu biểu trong đó có thể kể đến là hội làng Diềm ở làng Viêm Xá, thành phố Bắc Ninh
nhằm tưởng nhớ công ơn tạo ra làn điệu quan họ Bắc Ninh của Thành hoàng Vua Bà. Trong các ngày hội,
nhân dân thường có lễ “mật” (bí mật) và tục “hèm” (điều kiêng kị) gắn liền với vị thần của làng đó. Mặc dù
triều đình chỉ cho phép nhân dân thờ Chính thần do bấy giờ Nho giáo là quốc giáo, nhưng việc thực hiện
nghi lễ này chính là ví dụ tiêu biểu cho tính tự trị của làng xã, là minh chứng cho câu thơ “Phép vua thua lệ
làng”.
Như vậy, ta có thể nói, tín ngưỡng thờ Thành hoàng là sự kết hợp đỉnh cao của tín ngưỡng sùng bái con
người và tín ngưỡng sùng bái thần linh. Tục thờ Thành hoàng làng là một giá trị văn hóa tinh thần rất đẹp
của dân tộc, nó thể hiện ý thức về lòng biết ơn với những người có công của làng xã, cùng với đó là ý thức
giữ gìn tục lệ cổ truyền của làng xã và sự đoàn kết của nhân dân. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng chính là
tinh hoa chắt lọc qua suốt chiều dài lịch sử biểu tượng cho khát vọng xây dựng một cuộc sống phồn vinh và
tinh thần hạnh phúc.
V. Tổ chức Làng xã truyền thống của người Việt: nguyên lý hình thành, đặc trưng,
những ưu điểm và hạn chế trong thời hiện tại
Khi đi tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, một trong những thành tố quan trọng khôn thể nhắc tới trong xã hội
đó chính là làng Việt cổ truyền. Tổ chức làng xã Việt cổ truyền xuất hiện từ rất sớm, đã manh nha từ cuối
thời kì nguyên thủy trên đà sự phát triển của nền nông nghiệp lúa nước. Việc hình thành làng xã cũng gắn
liền với sự ra đời của nhà nước, bởi theo Chiếu của vua Gia Long năm 1804: “Nước là họp các làng mà
thành”, và Vũ Đình Hòe cũng đã đưa ra nhận định: “...không có làng xã Việt Nam thì không có quốc gia
Việt Nam”. Thật vậy, làng Việt có vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong thời kì dựng nước mà trong cả
đời sống văn hóa - xã hội ngày nay.
Làng là tổ chức quần cư của một cộng đồng người có liên lết với nhau về huyết thống, lịch sử cư trú hoặc về
phương thức kinh tế. Tổ chức này được biết đến nằm ở khu vực hiện nay là vùng sản xuất nông thông hoặc
từng là vùng sản xuất nông thôn. Và trong mỗi thời kì, mỗi vùng miền, làng lại có các tên gọi khác nhau:
trong thời Văn Lang – Âu Lạc, làng được gọi là “chạ”, “kẻ”, “chiềng” hay gọi bằng các từ Hán – Việt như
“hương”, “lý”; ở các tỉnh Bắc Bộ với địa hình núi cao thì làng được gọi là “bản”, “mường”; ở Tây Nguyên
lại là “buôn”, “plây”; còn ở Nam Bộ làng được gọi với cái tên “phum”, “sóc”.
Ngay từ thuở sơ khai ban đầu, con người đã biết tập hợp lại thành nhóm, đoàn kết với nhau để chống giặc
ngoại xâm. Và ngay cả khi khi nền nông nghiệp lúa nước hình thành, cộng đồng ấy lại hợp tác với nhau để
trị thủy, khai phá đất đai, đào mương lấy nước tưới, đắp đê chống lũ,... Sự cố kết ấy đã tạo ra đơn vị dân cư
nhỏ là xóm, từ xóm phát triển rộng và hình thành nên làng. Sự hình thành làng Việt cổ truyền này là hoàn
toàn tất yếu và mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử của nhân dân ta.
*Nguyên tắc hình thành:
Về nguyên tắc hình thành, làng chủ yếu hình thành dựa trên huyết thống và địa vực. Trước hết, làng là nơi ở
của một dòng họ, một gia tộc, từ những con người có cùng chung huyết thống đến những gia đình là anh em
họ hàng sống gần nhau đã tạo nên làng. Cách tổ chức làng theo huyết thống này thường để lại vết tích ở tên
làng, ví dụ ta có thể gặp các tên: Đỗ Xá, Nguyễn Xá, Lê Xá,... trong đó “xá” là nơi ở, còn lại là họ của người
dân trong làng. Chính mối quan hệ huyết thống gần gũi này đã tạo ra sự gắn bó khăng khít giữa những
người dân trong làng, nhưng bên cạnh đó tính tôn ti trật tự cũng rất cao. Người Việt đặc biệt coi trọng cách
xưng hô trong dòng họ, do đó dù là có lớn tuổi hơn nhưng về vai vế thấp hơn thì vẫn sẽ phải xưng hô tôn
kính, lễ phép với bề trên. Bên cạnh nguyên tắc tổ chức theo huyết thống thì làng còn được tổ chức theo
nguyên tắc địa vực. Trước kia khi mới hình thành các đồng bằng châu thổ, người Việt cổ đã di cư từ khu vực
miền núi xuống các đồng bằng này để mở rộng lãnh thổ cư trú của mình. Trong quá trình di cư, do các thách
thức của tự nhiên như bão, lụt, dịch bệnh và các khó khăn trong cuộc sống thường ngày, những người cùng
đi di cư với nhau đã liên kết lại và sống quần cư trong tổ chức của mình để có thể chung tay góp sức giải
quyết các vấn đề. Hay nói cách khác, tổ chức này chính là làng. Xét về mối quan hệ giữa các thành viên
trong làng được xây dựng theo địa vực, thì những con người này có mối quan hệ láng giềng với nhau. Ta
cũng dễ dàng bắt gặp những câu ca dao, tục ngữ đề cao mối quan hệ này:
- “Bán anh em xa
Mua láng giềng gần”
- “Người xưa đã nói chớ quên,
Láng giềng tắt lửa, tối đèn có nhau.”
Như vậy, mối quan hệ làng xóm láng giềng là mối quan hệ vô cùng bền chặt, sự gắn bó này luôn hiện diện
không chỉ ở thời kì ngày xưa mà ngay cả hiện nay cũng vậy. Cùng với đó, ngoài các tên gọi chữ Hán ghi
trong sổ sách thì làng còn có các tên Nôm, tên Nôm này thường phổ biến hơn trong xã hội, chỉ một đặc
điểm của làng, ví dụ như làng ở cạnh trỗ trũng gọi là làng Rộc,... Trong làng thường có sự phân biệt rất rạch
ròi giữa hai hạng dân là dân chính cư và dân ngụ cư. Dân chính cư là người dân bản địa sống ở làng, được
ghi vào hộ tịch và được hưởng các quyền lợi trong làng như được tham gia đóng góp vào các công việc
chung của làng, được thể hiện ý kiến của mình và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Còn dân ngụ cư là dân từ
các nơi khác đến, là những người tạm trú, không có tên trong danh sách của làng. Trong đó chủ yếu là
những người nghèo khổ, sống phiêu bạt, thường ở khu vực rìa làng. Dân ngụ cư được miễn mọi nghĩa vụ
như đóng thuế, nhưng đồng thời cũng không có quyền lợi, không có tiếng nói trong làng. Sự phân biệt giữa
hai hạng dân này còn thể hiện rõ rệt hơn ở một số khu vực, nơi dân chính cư và dân ngụ cư không được kết
hôn với nhau. Và đặc biệt, sau khi sinh sống ở làng ba đời thì dân ngụ cư sẽ có thể trở thành dân chính cư
với đầy đủ quyền lợi. Bởi lẽ sau một khoảng thời gian dài sinh sống, gắn bó, người dân ngụ cư sẽ dần quên
đi quê hương của mình và trở nên gắn bó hơn với nơi cư trú mới, thấm nhuần các phong tục tập quán của
làng.
*Đặc trưng: tính cố kết cộng đồng bền chặt và tính tự trị
Tính cố kết cộng đồng của làng xã Việt được hình thành trên cơ sở các quan hệ xã hội trong làng theo nhiều
cách như dòng họ (những người cùng huyết thống), phường (những người làm cùng nghề), giáp (chỉ dành
cho nam giới) và cuối cùng là hội (tập hợp những người có cùng sở thích, thú vui, hội chầu bà, hội tổ
tôm,..). Cùng với đó, tính cố kết cộng đồng bền chặt của làng còn được thể hiện qua các biểu tượng: cây đa
– giếng nước – sân đình. Bởi những địa điểm này là nơi gắn với những hoạt động sinh hoạt cộng đồng, tập
thể: người ta tụ họp lại dưới gốc đa sau khi đi làm đồng về để kể cho nhau những câu chuyện của mình, hình
ảnh cây đa ở đầu làng đã in đậm trong tâm trí những người con xa quê tự thuở nào, còn giếng nước chính là
nơi cung cấp nước cho mọi hoạt động ăn uống, giặt giũ, sinh hoạt trong làng, là nguồn nước ăn chung của cả
làng. Và trong đời sống, Đình làng luôn là trung tâm kinh tế, trung tâm hành chính và trung tâm văn hóa của
cả làng, từ việc thu sưu thuế, ban bố các chiếu chỉ, xét xử tội phạm, cho đến các lễ hội, ăn uống đều được
diễn ra ở sân làng. Ông cha ta còn có câu: “ Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ” bởi
đình làng cũng chính là nơi có những đặc trưng riêng phân biệt làng này với làng khác, thể hiện vị thế và
sức mạnh của làng. Trong tâm thức của người Việt cổ, ba biểu tượng cây đa, giếng nước, đình làng có ý
nghĩa tâm linh vô cùng sâu sắc. Nếu giếng nước là tấm gương phản chiếu hình ảnh cuộc sống thanh bình
của làng quê, thì cây đa ở đầu làng lại chứng kiến biết bao chuyển biến lịch sử của ngôi làng. Tính cố kết
cộng đồng bền chặt trong làng xã còn là cơ sở để tạo nên tính đồng nhất như đồng tộc, đồng nghiệp, đồng
hương,... và dẫn đến một thực thể đồng nhất trong phạm vi quốc gia đó chính là đồng bào. Tính đồng nhất
này đã giúp cho người Việt đoàn kết với nhau hơn, luôn gắn bó, yêu thương và giúp đỡ nhau trong mọi công
việc, coi những người trong làng như anh em một nhà. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng tạo ra những hạn chế
nhất định trong tính cách con người như thói dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể: “Cha chung không ai khóc”. Và
những người ở chung trong một cộng đồng, có thói quen sinh hoạt giống nhau sẽ tạo ra tính cào bằng, đố kị,
thấy tất cả mọi người giống mình và không có ai hơn mình: “Cá mè một lứa”, “Chết cả đống còn hơn sống
một người”. Tính cố kết cộng đồng này còn làm cho vai trò của cá nhân trở nên mờ nhạt trước cộng đồng,
hòa tan trong cộng đồng, hay nói cách khác, ý thức cá nhân trở nên bị triệt tiêu bởi người Việt ta thường có
thói quen dùng tiêu chuẩn của cộng đồng để đánh giá, theo ý kiến số đông nên các đặc trưng của cá nhân
hoàn toàn bị mất đi.
Tính chất thứ hai của làng xã Việt chính là tính tự quản, tự trị. Nó được thể hiện ở sự phân bố co cụm của
làng xã, mỗi làng định cư ở một vùng và tự quản về kinh tế với ruộng đất riêng của mình. Cùng với đó là sự
tự quản về chính trị, tư pháp, trong đó bộ máy hành chính của làng là hội đồng kì mục, có các luật lệ quy
định rõ ràng để quản lí người dân trong làng. Mỗi làng cũng có một đội tự quản về an ninh để bảo vệ làng
thông qua các chòi canh gác, đi tuần tra. Đặc biệt, làng còn là đơn vị tự quản về văn hóa tinh thần, trong đó
mỗi làng có tín ngưỡng riêng, thể hiện rõ nhất ở tục thờ Thành Hoàng làng bởi mỗi làng lại thờ một vị
Thành Hoàng làng khác nhau, hay lễ hội của các làng cũng hết sức đa dạng. Và biểu tượng cho tính tự trị
của làng chính là lũy tre và lệ làng. Các lũy tre bao quanh làng như một thành lũy tự nhiên bảo vệ đất đai,
tránh nạn lấn đất từ bên ngoài vào. Còn lệ làng là một hệ quy tắc ứng xử cho người dân trong làng, nó dần
được văn bản hóa thành các Hương ước, yêu cầu nhân dân phải tuân theo, nếu làm trái thì sẽ bị trục xuất ra
khỏi làng. Tính chất tự trị của làng xã đã tạo nên tính cần cù, chịu khó cho con người bởi các làng độc lập
với nhau, do đó phải tự lập để lo cho công việc của làng mình. Đây cũng chính là cơ sở của lòng yêu nước,
vì đất nước ta đi lên từ làng, tình yêu làng dẫn đến tình yêu đất nước. Tuy nhiên bên cạnh đó, tính tự trị của
làng xã cũng có những hạn chế nhất định, nó tạo nên thói tư hữu ích kỉ của con người: “”, tính gia trưởng,
tính bè phái: bên vực người cùng làng, cùng họ “”.
Như vậy, hai đặc tính của làng Việt cổ là tính cố kết cộng đồng bền chặt và tính tự trị đã kết hợp với nhau,
tạo nên những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam. Từ quan hệ hàng xóm làng giềng, nhân dân ta đã có
truyền thống đoàn kết, gắn bó và yêu thương xóm làng. Và tình yêu xóm làng được đẩy lên cao kết thành
tình yêu quê hương, đất nước. Chính lòng yêu nước ấy đã kết hợp với tinh thần đoàn kết toàn dân đánh bay
mọi kẻ thù của dân tộc. Hai yếu tố này cũng chính là sản phẩm của tính cố kết cộng đồng bền chặt và tính tự
trị của làng xã, và từ đó dẫn đến lối ứng xử mang tính chất nước đôi của con người, tùy hoàn cảnh các mặt
tốt xấu sẽ được phát huy. Cuối cùng, càng đi sâu vào tìm hiểu diện mạo của làng xã người Việt cổ ở phương
Nam, ta càng phát hiện thêm những nét đặc trưng riêng ở khu vực này bởi các tính chất tự trị, khép kín của
làng xã đã mờ nhạt đi, không còn đậm nét như làng Bắc Bộ do sự tác động của môi trường. Làng Nam Bộ
thường được gọi với tên: “thôn”, “ấp”, “phum”, “sóc” – những từ trong tiếng Khơ me do nơi đây tập trung
đông đúc cư dân Khơ me sinh sống. Đặc trưng chung của thôn ấp Nam Bộ là tính mở, không đóng kín, tự trị
với lũy tre, cổng làng như ở miền Bắc. Tính mở này được thể hiện ở sự phân bố dân cư, người Nam Bộ
thường tập chung sinh sống dọc theo các con kênh rạch hoặc ven lộ, làng nối tiếp làng, người dân không bị
gắn chặt với quê hương như ở làng Bắc Bộ. Cùng với đó, thành phần cư dân nơi đây thường xuyên biến
động bởi đất đai được khai phá muộn hơn miền Bắc, người dân tứ phía đổ về để sinh sống, làm ăn, bao gồm
cả người Việt, người Hoa,... Chính điều này đã tạo nên nét phóng khoáng trong tính cách của người Nam
Bộ, họ dễ dàng tiếp nhận những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài. Nguồn gốc cư dân phức tạp kéo theo một
đặc điểm nữa của làng Nam Bộ đó là không có lệ làng khắt khe, người ta dễ dàng chấp nhận những nét khác
biệt của con người, từ lời ăn, tiếng nói cho đến cách cư xử. Tuy nhiên người dân nơi đây vẫn luôn coi trọng
tính cộng đồng, có nếp sống cần cù chịu thương chịu khó và yếu tố làng xóm vẫn luôn được ưu tiên.
Tóm lại, ta có thể thấy rằng, làng Việt cổ truyền chính là nơi ấp ủ, lưu trữ những nếp sống từ ngàn đời của
ông cha ta. Làng có một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của mỗi con người, làng cũng có
sức mạnh bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống trước thách thức của sự biến đổi. Trong công cuộc đổi
mới hiện nay, làng xã vừa phải rỡ bỏ những giá trị đã lỗi thời như truyền thống co cụm, khép kín, vừa phải
bảo tồn những giá trị văn hóa làng xã quý báu như tính cộng đồng, tương thân tương ái. Đây là thách thức
rất lớn đối với mỗi làng Việt hiện nay, và qua đây mỗi con người chúng ta phải nâng cao lòng tự tôn dân tộc,
hòa nhập nhưng không hòa tan để giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được hình thành từ
làng xã.
*** Tuy nhiên bên cạnh đó, hai yếu tố này cũng có những hạn chế nhất định trong công cuộc hiện đại hóa
nông thôn hiện nay bởi nó tạo ra thói dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể, điều này được thể hiện rõ trong câu thành
ngữ “Cha chung không ai khóc”. Và đồng thời tạo ra tính cào bằng, đố kị và làm cho vai trò của cá nhân trở
nên mờ nhạt trước cộng đồng, hòa tan trong cộng đồng, bởi thói quen dùng tiêu chuẩn của cộng đồng để
đánh giá. Hay một hạn chế nữa là tính bè phái và tính gia trưởng, đây là lực cản đáng sợ cho sự phát triển
của xã hội.
| 1/16

Preview text:

I.
Tính nước trong văn hóa truyền thống Việt: những biểu hiện của đặc trưng này
trong các thành tố văn hóa Việt Nam:

Theo quan niệm về văn hóa của người Việt, tính sông nước cần được xem là một đặc trưng của văn hóa Việt
Nam. Theo quan niệm của triết học phương Đông thì “nước” là một trong những yếu tố cấu thành nên vạn
vật. Với con người nói chung, người Việt nói riêng, nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá,
có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa của con người.
1. Văn hóa vật chất: - Ăn uống:
Ăn: Các loại thủy, hải sản – những sản phẩm đặc thù của môi trường sông nước từ xưa đã được xếp thứ ba
trong cơ cấu bữa ăn (cơm- rau- cá) “Con cá đánh ngã bát cơm”, và đứng đầu trong hàng thức ăn động vật
của người Việt. Từ các loại thủy sản ấy, người Việt Nam đã chế biến ra thành các loại nước chấm đặc biệt
mang hương vị khó lẫn. Đó là các loại mắm trong đó đặc biệt phải nói đến là nước mắm. Nước mắm là
“thành tựu” quan trọng mà người Việt đã phát minh được trong quá trình sống chung với môi trường sông
nước. Trong mỗi bữa ăn của gia đình người Việt, chúng ta thấy không thể thiếu được bát nước mắm. Cùng
với nước mắm, chúng ta còn được biết đến các loại mắm như: mắm ruốc, mắm tôm, mắm cá, mắm tép, mắm
nêm…làm cho bữa ăn thêm phần đậm đà, khó quên.
Không giống như các nước có khí hậu lạnh giá ở châu Âu như Nga, Đức,... để giữ nhiệt cho cơ thể thì họ ăn
các món súp nóng hổi và dùng thìa để ăn, trái lại đất nước ta nằm ở khu vực có khí hậu nóng ẩm nên các
món ăn chủ yếu được chế biến luộc thanh đạm để giải nhiệt, ăn cả nước lẫn cái nên ta dùng đũa để dễ gắp
hơn. Từ việc nấu thức ăn, xới cơm, gắp thức ăn đều dùng đũa. Bữa ăn vô cùng đơn giản, cốt để no lấy sức
lao động ấy được kích thích chủ yếu bằng các yếu tố tâm lí như sự quây quần của gia đình, ăn chung nồi,
chung đĩa thức ăn,... vẫn tạo nên không khí vô cùng ấm áp gần gũi cho mỗi gia đình. Đặc biệt, tùy theo từng
vùng miền lại có những đặc trưng riêng: Người miền Bắc thường ăn những món thanh đạm nhưng lại rất
cầu kì trong chế biến và cách sử dụng gia vị, bữa ăn của người miền Trung thường có nhiều yếu tố biển, do
đó hương vị cay, mặn sẽ át đi được mùi tanh của động vật biển và bảo quản thịt cá được lâu hơn, giúp cho
người miền Trung cân bằng âm dương do thịt cá có tính hàn, và làm cho con người khỏe hơn, rắn rỏi hơn để
đi đánh bắt xa bờ và cuối cùng là miền Nam, đây là vùng đất lớn, dân cư có nguồn gốc từ tứ phía đều đổ về
đây sinh sống, do đó mà họ tiếp thu hàng loạt cách chế biến món ăn và cách ăn uống của nhiều tộc người :
người Việt, người Chăm, người Hoa, người Ấn,... Hương vị món ăn cũng rất đa dạng : cay, ngọt, lạ, dân dã, vô cùng phong phú.
Những món ăn ấy không chỉ đơn thuần là thành phần quan trọng trong cơ cấu bữa ăn của người Việt nói
chung và cư dân vùng sông nước nói riêng mà còn chứa đựng trong đó cả hồn Việt và cơ tầng văn hóa sông nước.
Uống: Trong nước uống hàng ngày, ta dễ dàng nhận thấy người Việt chủ yếu uống các loại nước pha từ lá
cây như lá chè, lá vối,... để uống hàng ngày thay cho nước lọc. Đây đều là những loại lá có lợi cho sức khỏe,
giúp giải nhiệt, giải khát rất tốt. Một thức uống khác không thể thiếu trong mâm cơm ngườ Việt chính là
rượu, rượu gắn với sinh hoạt cộng đồng, với mọi nghi lễ, cũng chính vì thế mà chẳng biết từ bao giờ rượu đã
đi vào ca dao, tục ngữ một cách hết sức tự nhiên:
“Còn trời, còn nước còn non
Còn có bạn rượu, anh còn say sưa.” - Nhà ở:
Nhà không chỉ là nơi con người trú ngụ an toàn, đối phó với nắng mưa, gió bão mà còn là nơi gắn kết các
thành viên trong gia đình với nhau, là chốn đi - về của mỗi ngư dân, khiến họ yên tâm lao động, sản xuất.
Tuy nhiên, do đặc thù địa hình là vùng sông nước hay ven biển nên người dân nơi đây thường lấy thuyền, bè
làm nhà, tạo nên dạng thức nhà ở độc đáo là nhà thuyền, nhà bè.
Khi nhiều gia đình (tức nhiều nhà thuyền, nhà bè) tụ họp lại sẽ tạo thành các làng chài, xóm chài. Làng chài
hay còn gọi là làng “thủy sinh” (làng sống trên nước) hoặc vạn chài. Có thể nói, Vạn chài là một dạng thức
văn hóa tổ chức xã hội độc đáo mang đậm sắc màu sông nước, biển cả của ngư dân Việt.
Ngôi nhà sàn, nhà thuyền, nhà bè... của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ là không gian trú ngụ để tránh nước.
Ngôi nhà được làm với chiếc mái cong vút lên, mô phỏng hình mũi con thuyền. Ngày nay ở những vùng
nông thôn chúng ta có thể gặp rất nhiều những ngôi nhà mái rạ, mái ngói với mái giống hình thù của chiếc
thuyền úp ngược - được coi là dấu ấn của vùng văn hóa sông nước. - Trang phục:
Tiếp theo là về trang phục, đặc điểm tự nhiên cũng đã có những tác động rất lớn đến cách ăn mặc của người
Việt Nam. Chất liệu được sử dụng chủ yếu là từ nguồn gốc thực vật như bông, tơ, đay,... tạo nên các loại vải
mỏng nhẹ, giúp thấm hút mồ hôi tốt trong thời tiết nóng ẩm. Người Việt cũng rất sáng tạo trong việc tạo
màu sắc cho quần áo, thường dùng các nguyên liệu tự nhiên từ củ nâu, chàm để nhuộm màu. Trong lao động
thường ngày trước kia, nam giới thường ở trần, đóng khố và đi chân đất, còn nữ giới thường mặc yếm, váy.
Đây là cách ăn mặc truyền thống, đơn giản, gọn gàng và giúp con người dễ dàng di chuyển trên môi trường
sông nước. Trái lại, trong lễ hội người ta ăn mặc vô cùng cầu kì với nhiều màu sắc: nam thường mặc áo the,
đội khăn xếp; nữ thì mặc áo tứ thân, vấn tóc đeo khăn mỏ quạ và đội nón quai thao, chân đi guốc và không
quên đeo hoa tai để làm điểm nhấn. Như vậy trong mỗi hoàn cảnh, người Việt Nam lại có cách ăn mặc khác
nhau, tuy nhiên nhìn chung khá giản dị và gọn gàng với các loại quần áo có chất liệu mỏng nhẹ. - Đi lại:
Ngoài chức năng của một ngôi nhà, thuyền đối với ngư dân vùng sông nước còn được xem là phương tiện đi
lại phổ biến, hữu dụng bậc nhất. Nó giúp cho người dân di chuyển được trên mặt nước, nhất là di chuyển
nhanh để bủa vây những loại cá bơi với tốc độ cao…. Để đánh bắt, thuyền được cấu tạo thích hợp với điều
kiện tự nhiên của từng vùng sông nước cụ thể.
Từ xa xưa, người dân đã rất quen với việc di chuyển trên sông nước bằng nhiều phương tiện như thuyền
(thuyền nan, thuyền độc mộc, thuyền thúng), đò (đò ngang, đò dọc, đò giang), buồm, phà, bè mảng, mái
chèo,… Đây chính là những phương tiện giúp người dân di chuyển cũng như vận chuyển hàng hóa ngược
xuôi tới những vùng lân cận hoặc các địa phương khác.
Yếu tố nước mang tính chất phổ quát và đặc thù này đã tạo nên sắc thái riêng biệt trong tập quán kỹ thuật
canh tác: Xây đắp đê điều. Môi trường sông nước mà thiên nhiên ban tặng cho người nông dân Việt Nam
như một điều kiện thuận lợi nhưng cũng không ít những thách thức khiến họ nảy sinh nhiều sáng kiến, nhiều
kinh nghiệm trong đời sống sinh hoạt như họp chợ mua bán ngay trên sông (chợ nổi).
2. Văn hóa tinh thần: Môi trường sông nước trong đời sống văn hóa của người Việt còn được nâng lên ở
mức độ cao hơn đó là về cảm quan, triết lý: quy luật vận động của tự nhiên và xã hội. - Tín ngưỡng:
Môi trường sông nước còn thể hiện những giá trị về tâm linh, tín ngưỡng của người Việt. Người Việt có tục
thờ Mẫu đã trở thành một tín ngưỡng điển hình trong đời sống của người Việt. Trước hết là tục thờ các bà
Trời, bà Đất, bà Nước – những nữ thần cai quản các hiện tượng tự nhiên đối với cuộc sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Hàng năm vào các dịp đầu xuân năm mới nhiều vùng quê ở đồng bằng Bắc Bộ thường tổ chức những nghi
thức dân gian như: lễ hội cầu mùa, cầu mưa... để ”cầu trời mưa thuận, gió hòa” mang nguồn nước cho cây
trồng và đồng ruộng không bị khô hạn. Tiêu biểu trong đó là Lễ hội cầu nước và trị thuỷ của người Việt ven
sông Hồng vùng Hà Nội trong quan hệ với tục thờ Đá, lễ rước Nước tế Cá đền Trần (Nam Định) và Lễ hội
Tản Viên Sơn Thánh (Ba Vì, Hà Nội), trong lễ hội này, nhân dân làm lễ để mong sức mạnh của các vị thần
để trị thủy mang lại mùa màng tốt tươi.
Với biển cả còn hiện diện trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân với những tín ngưỡng đặc
trưng mang sắc màu của biển cả. Đó là những tín ngưỡng thờ các vị thần có gốc gác từ biển khơi mà tiêu
biểu là tín ngưỡng thờ Cá Voi/ cá Ông – một loại hình tín ngưỡng dân gian đặc thù của ngư dân ven biển nước ta.
Môi trường sông nước luôn gắn bó mật thiết với người Việt cho nên ngay cả khi mất đi, chiếc quan tài coi
như cái áo (áo quan) bảo vệ phần xác của người chết để đưa họ hòa vào lòng đất cũng được mô phỏng theo
hình con thuyền. Thế giới của người chết cũng được hình dung nằm ở một vùng sông nước (nơi chín suối)
và đến đó người ta phải đi bằng thuyền (tục chèo đò) đưa linh hồn người đã mất về thế giới bên kia. - Phong tục:
Theo suốt dặm dài đất nước, chúng ta sẽ bắt gặp vô vàn những lễ hội đặc sắc của người dân vùng sông
nước. Trong số đó, phải kể đến lễ hội Cầu ngư – một dạng thức lễ hội độc đáo, tiêu biểu bậc nhất và mang
đậm nét nhất tính cộng đồng trong hệ thống lễ hội vùng sông nước của Việt Nam. Cứ đến mùa xuân hoặc
mùa thu, cư dân nhiều nơi đã thực hành nghi thức cúng ông Nam Hải – còn gọi là Lễ hội Cầu ngư, lôi cuốn
đông đảo người dân tham gia.
Nhiều trò chơi dân gian gắn bó với nghề sông nước và biển cả, thể hiện sự khéo léo và cả sức mạnh cùng
tinh thần đoàn kết của bao lớp ngư dân đã diễn ra trong dịp lễ hội. Những trò chơi như: đua cà kheo, leo cột
mỡ, kéo dây, đẩy cây, đua thuyền, trói cua, bắt vịt…cùng những môn thể thao trên bờ sông, bãi biển, rồi
những hoạt động nghệ thuật như ca hát…
Đặc biệt là Nghệ thuật Múa rối nước - một sáng tạo gắn với làng quê Việt Nam, là niềm tự hào của những
cư dân trồng lúa nước, sống trên môi trường sông nước. Điệu hát khoan chèo cạn gồm những điệu hò múa
quạt, hát chèo cạn, hò đưa linh, hò mái nhị, hò là, hò hụi… khỏe khoắn, nhịp nhàng, mô phỏng hoạt đô u ng
đẩy thuyền, thả lưới, kéo lưới của người dân biển... đã thực sự gieo vào lòng người một ấn tượng khó phai.
Đây cũng là một loại hình diễn xướng bắt buộc, quan trọng không thể thiếu trong các lễ hội cầu ngư hằng
năm ở nhiều miền biển của Việt Nam. - Ngôn từ:
hệ thống từ vựng gắn liền với nước đa dạng, cùng với đó là sự phát triển của ca dao, tục ngữ,
thành ngữ Việt Nam và các câu chuyện, sự tích liên quan đến môi trường sông nước. Chính môi trường
sông nước đó đã hình thành nên một kho tàng đồ sộ và đa dạng, phong phú trong ngôn ngữ giao tiếp của
người Việt. Từ ngôn ngữ ra đời gắn liền với địa hình sông nước, hoạt động trên sông nước, dần dần hình
thành nên cả một trường ngôn ngữ sông nước trong giao tiếp của người Việt.
Qua thống kê trong 4 tập ca dao, tục ngữ của nhóm tác giả Nguyễn Xuân Kính (chủ biên), chúng tôi đã thu
nhận được 746 câu /đơn vị ca dao tục ngữ có liên quan đến môi trường sông nước (trong đó có 149 câu nói
đến nước thật và 597 câu mượn hình tượng nước để ẩn dụ nói về các vấn đề khác trong đời sống xã hội).
Trong đó, môi trường sông nước là nhân tố quan trọng để định thành nên không gian sinh tồn của người
Việt, dân tộc Việt từ xa xưa. Khái niệm về quê hương xứ sở, tổ quốc của người Việt được thể hiện bằng tên
của môi trường gắn chặt với cuộc sống của mình là “đất nước” có nghĩa là giang sơn: Nước (nước Việt
Nam) “Việc nhà việc nước”,”yêu nước thương dân” hay ”Nhớ nước đau lòng con quốc quốc”. Với người
Việt, nước là một trong hai thể thức thiêng liêng làm nên “Đất nước”. Chính vì vậy người Việt có nhiều
danh từ ghép trong đó có từ nước để chỉ về lãnh thổ quốc gia như: đất nước, sơn hà, giang sơn, non nước, non sông.
“Ai đi muôn dặm non sông
Để ai chất chứa sầu đong vơi đầy”.
Hay trong cách đặt tên sông như là: sông Cái, sông Con, sông Cả...thể hiện mối quan hệ rất thân tình, rất
gia đình của con người với tự nhiên.
Có thể thấy, bất cứ loại hình văn học nào đều có hình thức phản ánh hiện thực, có những câu phản ánh nước
thật như: ”Nước sông cuồn cuộn chảy xuôi”; ”Nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Nhưng cũng có rất nhiều câu
nói về hình ảnh nước hoặc liên quan đến nước để khái quát cho những tình huống, trạng thái hoặc những
ứng xử phổ biến nào đó của hiện thực để mô tả một chuyện khác. Chẳng hạn người Việt có thể khái quát cho
tất cả những hiện tượng không biết lo xa, chuẩn bị trước, đến khi tình huống xảy ra thì phải xử lý một cách
gấp gáp, vội vàng như “Nước đến chân mới nhảy”. Hoặc để diễn đạt mọi trường hợp cố gắng đến mức cao
nhất nhằm làm cho được một việc gì đó mặc dù khả năng làm được rất mong manh, người ta có thể dùng “Còn nước còn tát”. - Lối sống - tư duy:
Những hình ảnh sông nước đã khắc họa rõ nét mọi hoạt động sống của người Việt và nó đã đi sâu vào văn
hóa Việt Nam. Và đặc biệt, chính vì đời sống thường ngày luôn nhẹ nhàng tình cảm nên tâm lí người Việt
cũng mềm mại như nước: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” hay “Nước nổi bèo trôi”,..., luôn ứng biến, không
ngại thay dổi bản thân để phù hợp với hoàn cành. Đặc biệt là đề cao tính cộng đồng, tập thể.
Sinh sống và tụ cư trong môi trường sông nước cũng gặp không ít những khó khăn mà con người phải tìm
cách ứng xử thích nghi với nó. Điều này đã được GS. Nguyễn Xuân Kính chỉ ra rằng dân gian đã thấy tác
hại của nước và tìm cách ứng xử sao cho hạn chế những tác hại ấy. “Lũ lụt thì lút cả làng”, buộc họ phải đắp
đê, dùng sức lực và trí tuệ cộng đồng. Vì vậy để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, vùng đồng bằng Bắc
Bộ có một hệ thống đê điều rất kiên cố. Kinh nghiệm cho thấy tháng 6, tháng 7 là dễ có mưa to, bão lớn nên
phải đề phòng “Tháng sáu heo may chẳng mưa thì bão”, ”Tháng bảy kiến bò chỉ lo lại lụt”
Ông cha ta cũng đã lưu truyền lại trong dân gian những trải nghiệm, ứng xử trong cuộc đời mình về sông nước.
“Con ơi, mẹ dặn câu này
Sông sâu, sóng cả, đò đầy chớ đi”
Trong văn học dân gian Việt Nam, huyền thoại về Sơn Tinh Thủy Tinh càng tô đậm thêm ý thức và cách
ứng xử với tác hại của nước của người Việt là một bằng chứng đầy thuyết phục về nội lực tự sinh của con
người trong thái độ và cách thế “đối thoại” với thiên nhiên.
Môi trường sông nước trong đời sống văn hóa của người Việt còn được nâng lên ở mức độ cao hơn đó là về
cảm quan, triết lý: quy luật vận động của tự nhiên và xã hội. Chẳng hạn như “Nước chảy đá mòn”, ”Tức
nước vỡ bờ”... Trong đời sống thường nhật, người Việt gửi gắm tình cảm với tự nhiên bằng cách đem sông
nước vào lối nói đa dạng, biểu cảm. Khi nói về tình yêu chung thủy họ đã lấy hình tượng sông nước để thề
bồi : ”Yêu nhau tam tứ núi cũng chèo// Thất bát sống cũng lội // Vạn đèo cũng vượt qua”... Hay biểu tượng
của tình yêu vợ chồng còn được ví như thuyền và bến: ”Thuyền đi để bến đợi chờ // Tình đi nghĩa ở bao giờ
quên nhau // Chẳng nên tình trước nghĩa sau // Bến này dãi bóng trăng thâu đợi thuyền”...
Không chỉ lưu truyền trong kho tàng văn học dân gian ca dao, tục ngữ mà cả trong cuộc sống hàng ngày,
chúng ta vẫn thấy những hình ảnh, biểu tượng có liên quan đến nước cũng được sử dụng một cách phổ biến
và rất tự nhiên. Chẳng hạn như: ngâm (hồ sơ bị ngâm); ngụp lặn (ngụp lặn trong thi cử); vượt cạn (phụ nữ
sinh nở); bơi, phao (thi cử); say, đắm đuối (tình cảm); suối tóc (tóc phụ nữ dài và đẹp), trôi chảy (diễn đạt mạch lạc)... Kết luận
Trải qua bao biến thiên của thời gian và bao thăng trầm của lịch sử, môi trường sông nước và biển cả đã trở
thành một phần quan trọng trong cấu trúc văn hóa Việt Nam. Vì vậy việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống
trên sông nước, biển cả luôn là một việc làm cần thiết để góp phần bảo tồn và phát triển bền vững những đặc
trưng văn hóa của người Việt.
Môi trường sông nước thể hiện đặc trưng văn hóa của người Việt khá đậm nét. Trải qua bao biến thiên của
thời gian và bao thăng trầm của lịch sử, môi trường sông nước và biển cả đã trở thành một phần quan trọng
trong cấu trúc văn hóa Việt Nam. Những giá trị vốn là đặc trưng từ bao đời nay của dân tộc Việt vẫn không
ngừng được bảo tồn và phát huy. Có như vậy thì mỗi người dân Việt Nam nói chung và cư dân đồng bằng
Bắc Bộ nói riêng mới có chỗ dựa tinh thần vững chãi để thấu thị một tâm thế an nhiên tự tại trước môi
trường sông nước và biển cả. II.
Văn hóa Champa: tôn giáo, kiến trúc 1. Tôn giáo
Vương quốc Chăm Pa là vương quốc của các tiểu vương quốc phân bố ở miền trung Việt nam từ núi đến
biển, giãn cách nhau bằng các đèo và có nền văn hóa nảy sinh từ văn hóa Sa Huỳnh. văn hóa Chămpa chủ
yếu chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa - tôn giáo Ấn Độ thông qua con đường thương mại bởi các
thương nhân Ấn Độ và các tu sĩ Bàlamôn. Trong quá trình tiếp thu văn hóa Ấn Độ, người Chămpa đã kết
hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa nội sinh và ngoại sinh dựa trên cơ sở môi trường tự nhiên và tâm lý dân tộc
để tạo nên nền văn hóa của riêng mình mang nhiều nét chung những cũng có điểm khác biệt so với những
văn hóa láng giềng ở Đông Nam Á cùng tiếp thu ảnh hưởng từ văn minh Ấn Độ. Đầu tiên, người Chămpa
đã áp dụng mô hình tổ chức chính trị và vương quyền, mô hình tổ chức chính quyền của Ấn Độ. Theo đó,
vua được coi là hiện thân của thần trên mặt đất và là người bảo vệ thần dân, giữ gìn trật tự đất nước và việc
truyền ngôi tiến hành theo huyết thống nhưng có có khi là do triều đình cử ra. Tôn giáo Ấn Độ đã có mặt ở
các vùng đất thuộc vương quốc Chămpa với nội dung là tư tưởng Phật giáo cùng rất nhiều tượng Phật bằng
đồng được tìm thấy. Tuy nhiên, ở một số nơi tôn giáo Ấn Độ chỉ là hình thức bề ngoài của các tín ngưỡng
bản địa, chủ yếu là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ Mẹ của người Chăm. 2. Kiến trúc
Về kiến trúc, nói tới ChămPa là phải nhắc đến hệ thống đền tháp. Tháp Chăm được xây dựng rải rác khắp
nơi và có nhiều quần thể kiến trúc lớn (khu Thánh Địa Mỹ Sơn. Dù được xây dựng ở nhiều thời điểm
khác nhau, có khác biệt về chi tiết kiến trúc, điêu khắc song trên cơ bản loại hình, cấu trúc hầu như thống
nhất. Chúng được xây dựng theo mẫu số chung và thể hiện biểu trưng tôn giáo Ấn Độ. Tháp Chăm được
xây dựng theo mô hình tháp Ấn Độ, song bé nhỏ “tinh tế” và được “Chăm hóa”.
Tháp thường được xây dựng trên đồi gò cao theo biểu tượng núi Meru trong tôn giáo Ấn Độ – Biểu trưng
trung tâm vũ trụ, nơi ngự của các thần linh. Tháp Chăm có thể đồng thời mang ba chức năng: Đền thờ
Thần, Đền – Mộ, Đền – Nơi ở của các vị thần. Tháp thường có bình đồ vuông, bố cục hướng tâm, chia
thành ba phần đế, thân, mái.
Tháp Chăm chủ yếu được xây bằng gạch. Đá chỉ sử dụng trong trang trí và một số chi tiết kiến trúc như mí
cửa, vòm, trụ... Người Chăm là bậc thầy trong nghệ thuật xây gạch và hiện nay còn nhiều ý kiến, giả thuyết
xung quanh vấn đề này. Mái tháp có ba tầng thu nhỏ dần vươn lên cao, lòng tháp hình vuông cao vút, tường
lòng xây thẳng đứng, từ mái lòng tháp thu nhỏ dần về phía đỉnh,tạo thành vòm cuốn đều nhau.
Tháp Chăm được trang trí tinh tế, cầu kỳ thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật điêu khắc và nghệ
thuật kiến trúc. Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã đưa ra những phân kì trong phong cách xây
dựng tháp và phong cách nghệ thuật Chămpa. Chủ đề chính trong điêu khắc trang trí tháp là hoa lá, hình
người, hình động vật, các thần, các con vật huyền thoại theo nội dung tôn giáo hoặc sử thi Ấn Độ. Nền điêu
khắc Chăm nổi tiếng với phù điêu và tượng tròn trong đó phù điêu có nhiều hình thức, trước hết là chạm
khắc trực tiếp lên gạch tháp (nghệ thuật này của người Chăm cũng đạt tới đỉnh cao) hay tạo hình trang trí
trên gạch trước khi nung, ngoài ra còn chạm khắc trên đá (thường là đá gianh màu xanh xám và đá silic).
Dựa vào các yếu tố trang trí mỹ thuật trên tháp, sự thay đổi của kết cấu kiến trúc, sự xuất hiện hay mất đi
của các mô típ trang trí kết hợp với những tài liệu liên quan (bia kí, tư liệu lịch sử) người ta chia nghệ thuật
trang trí tháp thành nhiều phong cách và vạch ra quá trình phát triển của chúng tương ứng với các thời kỳ lịch sử. III.
Bối cảnh và một số thành tựu văn hóa thời Lý- Trần
Bối cảnh lịch sử: năm bắt đầu, sơ lược tình hình. 1009-1225, 1225-1400 -
Năm 1010, nhà Lý lên ngôi, dời đô về Đại La, đổi tên thành này là thành Thăng Long, năm 1054, đổi tên
nước là Đại Việt. Năm 1226, nhà Trần thay nhà Lý. -
Nhà Lý có 9 đời vua, nhà Trần có 12 đời vua. -
Đất nước được mở rộng dần về phương Nam. -
Từ năm 1075 đến năm 1077, nhà Lý lại phải chiến đấu chống quân xâm lược Tống. Năm 1258, quân dân
nhà Trần bước vào kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất. Năm 1285, cuộc kháng chiến chống
quân xâm lược nhà Nguyên lần thứ hai lại nổ ra và kết thúc với những chiến thắng vẻ vang. Năm 1288,
lần thứ ba giặc Nguyên Mông lại xâm lược Đại Việt để rồi chịu thất bại trước lòng yêu nước vô bờ của quân dân nhà Trần. -
Là lần phục hưng văn hóa dân tộc lần thứ nhất: Sự phục hưng này diễn ra sau khi đất nước được giải
phóng khỏi ách Bắc thuộc. -
Với việc dời đô về Đại La và đổi tên là thành Thăng Long, nhà Lý đã mở đầu một giai đoạn phục hưng
văn hóa Đại Việt. Nhà Trần tiếp tục sự nghiệp của nhà Lý, đưa đất nước tiếp tục phát triển về mọi mặt.
Thành tựu: văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần. - Văn hóa vật chất: + Kinh tế: Nông nghiệp:
Thủ công nghiệp: đa dạng nghề, thời Trần hình thành các làng nghề chuyên môn hóa.
Thương nghiệp: Nội thương, ngoại thương + Kiến trúc, nghệ thuật
Được xây dựng với quy mô đồ sộ, các công trình tinh xảo khẳng định tài hoa của người nghệ nhân thời kì
bấy giờ, phong cách gọn, đẹp, hài hòa cân xứng, nổi bật là sự xuất hiện của An Nam Tứ đại khí (tháp Báo
Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm. Tuy nhiên, những công trình sau này
bị phá hủy bởi nhà Minh. Kiểu mô hình phong kiến phổ biến là mô hình “Tam trùng thành quách”. Thành
Thăng Long là điển hình cho kiểu thành thị phong kiến của mô hình này, với 4 cửa và 61 phường tập hợp các thợ thủ công.
Kiến trúc đời Lý phát triển rất mạnh. Những di tích nhà Lý còn lại đến nay như chùa Dạm, chùa Một Cột,
tháp Báo Thiên, tháp Sùng Thiện Diên Linh (chùa Đọi – Nam Hà), tháp Chương Sơn (Ý Yên – Nam Định)
v.v..., đều là những công trình có quy mô lớn. Tuy nhiên, các công trình này đều có sự hòa hợp với cảnh trí
thiên nhiên xung quanh. Do vậy, nói đến mĩ thuật thời này chủ yếu là kiến trúc ở các ngôi chùa và tượng
Phật. Nghệ thuật điêu khắc trên đá, trên gốm thể hiện một phong cách đặc sắc và một tay nghề khá thuần
thục. Bố cục tượng gọn, đẹp và cân xứng nhưng không trùng lặp và đơn điệu. Từng chi tiết được chú ý khi
chạm trổ, những đường cong mềm mại, gợi tả, nên vẫn thanh thoát, nhẹ nhàng. Hình tượng con rồng thời Lý khá độc đáo.
Kiến trúc, mĩ thuật thời Lý mang nhiều nét tương đồng với kiến trúc, mĩ thuật Chăm, mang dấu ấn văn hóa
Champa ở Đại Việt. Có thể, trong ý thức của người Việt để “giải Hoa” về mặt văn hóa, người Việt vẫn có ý
muốn quay trở lại với cội nguồn Đông Nam Á của mình.
Cùng với kiến trúc, các nghề thủ công rất phát triển ở thời Lý, như nghề dệt, gốm, mỹ nghệ...v.v. Nghề dệt
đã có nhiều thành tựu. Từ vải, lụa đến những loại gấm đoạn với đủ các màu sắc và họa tiết trang trí đặc sắc
đã được những người thợ dệt khéo tay và thông minh nhà Lý làm ra.
Nghề gốm là nghề có bước phát triển khá dài và đạt trình độ cao. Những lò gốm thời này làm ra khá nhiều
gạch, ngói, đặc biệt là loại ngói bằng sứ trắng, ngói tráng men và những loại gạch khổ lớn có trang trí và
khắc niên hiệu đời Lý. Thời Trần, nghề thủ công còn có những bước phát triển mới, hình thành những làng
nghề chuyên sản xuất một mặt hàng nhất định, như làng Ma Lôi (Hài Hưng). Kinh thành Thăng Long mở
rộng chia thành 61 phường. Tại đây không chỉ có chợ mà còn có phường thủ công và phố xá buôn bán. - Văn hóa tinh thần: + Tư tưởng, tôn giáo:
Khai phóng (cởi mở), đa nguyên: cởi mở tiếp nhận, tìm lại những giá trị truyền thống xưa kia của dân tộc.
Đặc trưng nổi trội thời Lý–Trần là sự dung hòa tam giáo (Nho – Phật – Đạo), còn gọi là chính sách “Tam
giáo đồng quy”. (Nhà vua: Phật giáo, Quan lại: Nho giáo, Nhân dân: Đạo giáo.)
Tinh thần văn hóa Lý – Trần là tinh thần khai phóng đa nguyên phối hợp Phật, Nho, Đạo cùng các tín
ngưỡng dân gian khác kể cả ảnh hưởng của tôn giáo Chămpa. Đến thế kỉ X, Phật giáo đã có những bước
phát triển lớn, nhiều chùa chiền xuất hiện. Đó là các đại danh lam kiêm hành cung; các trung danh lam và
chùa của các đại sư. Tất nhiên là ngay từ cuối thời Bắc thuộc, đạo Phật đã có tư cách là một tác nhân của
khối đoàn kết, là chỗ dựa tinh thần của dân tộc. Đặc biệt vai trò quan trọng của các trí thức Phật giáo lúc bấy
giờ. Tinh thần đó vẫn được duy trì dưới thời Lý nhằm tạo ra một phần sức mạnh của sự kiến thiết. Trong
một chừng mực, chúng ta thấy khá rõ, đạo Phật thời này đã nhập thế, vì yêu cầu của con người mà tồn tại và
phát triển. Sự dung hội với tín ngưỡng dân dã cũng là điểm nổi, để tạo ra một đạo Phật được Việt hóa, phù
hợp với hoàn cảnh. Năm 1031, triều Lý bỏ tiền ra xây dựng 950 chùa. Năm 1129, mở hội khánh thành
84000 bảo tháp (tháp bằng đất nung). Nhà vua và tầng lớp quý tộc rất sùng mộ đạo Phật. Thời kì này các sư
tăng và tín đồ Phật giáo phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo nhà sử học Lê Văn Hưu, đời Lý
“nhân dân quá một nửa làm sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa”. Phật giáo giai đoạn này có ảnh hưởng to
lớn với kiến trúc, điêu khắc, thơ văn và nghệ thuật.
Thời kì đầu giai đoạn tự chủ Nho giáo chưa mạnh, nhưng nó đã cùng với chữ Hán tồn tại trong xã hội Việt
Nam như một hiện tượng xã hội hiển nhiên. Chế độ giáo dục và thi cử theo tinh thần Nho giáo mới bắt đầu.
Số lượng nho sĩ được đào tạo hãy còn ít, cho nên ảnh hưởng của nó trong xã hội còn hạn chế. Để đào tạo
nhân tài và tuyển lựa quan lại cho bộ máy hành chính, nhà Lý bắt đầu chăm lo cho việc học tập và thi cử.
Năm 1070, nhà Lý dựng Văn Miếu đúc tượng Chu Công, mở Quốc Tử Giám. Năm 1075, triều đình mở
khoa thi đầu tiên để chọn lựa nhân tài. Từ đây, Nho giáo bắt đầu có địa vị trong xã hội.
Đến nhà Trần, vương triều đã chính quy hóa, tạo ra quy củ cho việc học hành, thi cử, lập Quốc học viện để
cho con em quý tộc quan lại, nho sĩ vào học. Không chỉ có những trường học của vương triều, các nho sĩ
còn lập ra trường học ở các xóm làng. Thể lệ thi cử, học vị được quy định. Năm 1247, nhà Trần đặt danh
hiệu tam khôi (ba học vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) dành cho ba người thi đỗ xuất sắc trong các kì
thi Đình. Bởi vậy, tầng lớp nho sĩ ngày càng đông đảo, trong hàng ngũ quan lại, người xuất thân từ nho sĩ càng nhiều hơn.
+ Văn hóa bác học hình thành: xuất hiện tầng lớp trí thức và chữ Nôm:
Nền văn học chữ viết được hình thành với một đội ngũ tác giả hùng hậu. Đội ngũ này được tạo ra từ hai
nguồn: một là các trí thức Phật giáo; hai là các trí thức Nho giáo. Phần chủ yếu trong văn học đời Lý là thơ,
mà phần lớn lại là thơ của các nhà sư, do đó, nội dung liên quan đến triết học và giáo lí Thiền tông. Tuy thế,
nhiều bài thơ có ý nghĩa nhân sinh và giá trị văn hóa. Đáng lưu ý nhất là bài Nam quốc sơn hà của Lý
Thường Kiệt, là Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn. Ở thời nhà Trần, đa số thi nhân đều khác thi nhân thời Lý,
họ đều là các nho sĩ. Các tác giả như Đinh Củng Viên, Nguyễn Thuyên, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung
Ngạn, Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Hồ Tông Thốc, Nguyễn Phi Khanh v.v..., còn để lại các tập thơ ở đời,
đều xuất thân từ cửa Khổng sân Trình. Mặt khác, bên cạnh dòng văn học viết bằng chữ Hán, lịch sử thời kì
này chứng kiến sự hình thành của văn học chữ Nôm. Sử sách có nhắc đến các tác giả có văn thơ Nôm thời
kì này là Trần Nhân Tông với Cư trần lạc đạo phú, và Đắc thử lâm tuyền thành đạo ca, Mạc Đĩnh Chi với
Giáo tử phú, Huyền Quang với Vịnh Hoa Yên Tử phú, Nguyễn Thuyên với Phi sa tập (trong tập này có cả
thơ chữ Nôm bên cạnh thơ chữ Hán). Ngoài ra, thời kì này còn có các tác giả văn Nôm khác như Nguyễn Sĩ
Cố, Chu Văn An, Hồ Quý Ly.
Đặt trong diễn trình lịch sử văn hóa dân tộc, sự xuất hiện một nền văn học chữ viết (cả hai hình thức: chữ
Hán và chữ Nôm) đều là bước phát triển cả về số lượng và chất lượng của nền văn hóa.
Cùng với văn học, các ngành nghệ thuật như ca, múa, nhạc, chèo, tuồng cũng ra đời và phát triển. Trên cơ
sở khai thác những giá trị của kho tàng văn hóa dân gian, thâu hóa những thành tựu của văn hóa bác học
Trung Hoa, Ấn Độ, các ngành nghệ thuật này rất nhanh chóng định hình bản sắc dân tộc. Nghệ thuật điêu
khắc thời Trần mang tính chất phóng khoáng, khỏe và thực hơn. Chẳng hạn như, con rồng ở cánh cửa chùa
Phổ Minh, như tiên nữ và nhạc công ở các bức chạm gỗ chùa Thái Lạc.
Đánh giá: thời kỳ phục hưng lần 1, vì sao.
Thời kỳ phục hưng là thời kỳ khôi phục và phát triển lại các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần xưa kia của
nhân dân sau khoảng thời gian những giá trị ấy bị khuất lấp, hao mòn hoặc sắp biến mất. Ở thời kì Lý –
Trần, đây là giai đoạn thịnh đạt của nền văn hóa Đại Việt, là thế kỷ phục hưng của nền văn hóa Việt cổ bản
địa (văn minh Văn Lang – Âu Lạc) trên nền tảng của sự khôi phục độc lập dân tộc và giữ vững chủ quyền
quốc gia qua hai cuộc kháng chiến chống Tống và chống quân Mông – Nguyên, đồng thời kết hợp những
yếu tố văn hóa ngoại sinh để sáng tạo những giá trị mới trong khối cộng đồng dân tộc Việt. Sự phục hưng
lần này là kết quả của sự cởi mở về quan điểm chính trị, tầm nhìn xa rộng của ông cha và được cụ thể hóa
bằng chính sách của triều đình. Có thể nói rằng, đây là thời đại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thống nhất cộng đồng. IV.
Tín ngưỡng của người Việt: khái niệm tín ngưỡng, bản chất, tín ngưỡng phồn
thực, tín ngưỡng sùng bái con người, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng Làng
Việt Nam ta là đất nước có các niềm tin và tín ngưỡng tôn giáo vô cùng đa dạng bởi thiên nhiên phong phú,
vị trí địa lí nằm ở cầu nối của các nhiều nền văn hóa trên thế giới nên người dân Việt Nam có truyền thống
sinh hoạt, hoạt động tín ngướng từ lâu đời. Những tín ngưỡng dân gian của người Việt luôn gắn liền với đời
sống kinh tế và tâm linh, trong số đó phải kể đến là tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng sùng bái con
người và tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng. Có thể nói rằng tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam đã phát triển
rực rỡ, để lại nhiều thành tựu với sức sống mãnh liệt, vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay.
Trước hết, ta biết được tín ngưỡng là sự thần thánh hóa, thiêng hóa của con người đối với một hay nhiều
hiện tượng, nhân vật nào đó. Tín ngưỡng cũng chính là sản phẩm văn hóa được hình thành trong mối quan
hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và với chính bán thân mình. Các tín ngưỡng
dân gian Việt Nam đều bắt nguồn từ các quan niệm dân gian, ví dụ: “Cây gạo có ma, cây đa có thần”, từ nỗi
sợ, con người dần tin tưởng và sùng bái các sự vật tự nhiên hơn, tín ngưỡng dân gian đã hình thành như thế.
Trong nền văn hóa Việt Nam, tín ngưỡng dân gian có một vị trí quan trọng và được xem như một loại hình
tôn giáo không có tổ chức nhất định. Bằng lòng tin tín ngưỡng, người Việt ta luôn hướng đến những điều
thiện, thể hiện lòng tôn kính, biết ơn đối với ông bà, tổ tiên, những người có công với làng xóm, đất nước.
Đây là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam cần phải bảo tồn và phát huy.
1. Tín ngưỡng phồn thực
Thực chất của tín ngưỡng phồn thực là khát vọng cầu mong sự sinh sôi nảy nở của con người và tạo vật, lấy
các biểu tượng về sinh thực khí và hành vi giao phối làm đối tượng. Tín ngưỡng này có mặt rất sớm trong
cơ tầng văn hóa Đông Nam Á cổ đại nhưng có sự biến thiên khác nhau giữa các vùng, do sự ảnh hưởng của
văn hóa Hán nhiều hay ít. Với người Việt, dấu vết của tín ngưỡng phồn thực còn lại cho chúng ta thấy nó
từng có mặt từ nơi xa xưa. Tượng linga, yoni bằng đất nung tìm thấy ở di tích Mả Đống (Hà Tây), tượng
người bằng đá có linga to quá cỡ ở Văn Điển, tượng nam nữ giao hợp trên nắp thạp đồng Đào Thịnh v.v...,
chính là bằng chứng cho thấy sự gắn bó của tín ngưỡng này từ thời xa xưa với cư dân nơi đây.
Sau này, một số vương triều, do ảnh hưởng của văn hóa Hán đã đàn áp các dâm từ và dâm thần. Tuy nhiên,
tín ngưỡng này chỉ tự giải thể mà không hề mất đi, nó hội nhập và đan xen với các loại hình văn hóa nghệ
thuật khác. Trong nghệ thuật, tranh dân gian Đông Hồ có hai bức tranh phảng phất hình bóng của tín
ngưỡng này. Đó là bức tranh Hứng dừa và Đánh ghen. Điêu khắc đình làng của một số ngôi đình như đình
Đông Viên (Ba Vì, Hà Tây), đình Phùng (Đan Phượng, Hà Tây), đình Thổ Tang (Phú Thọ), đình Đệ Tứ
(Nam Định) còn khắc chạm hình nam nữ đùa giỡn nhau khi tắm ở hồ sen, hay đùa giỡn nhau với cơ thể trần, đầy gợi cảm.
Trong văn học dân gian, số lượng câu đố mà người ta cho là đố thanh giảng tục, đố tục giảng thanh chính là
lưu thanh sót lại của tín ngưỡng phồn thực thời xa xưa. Trong văn học thành văn, từ Nguyễn Du đến Hồ
Xuân Hương đã có những tác phẩm tràn đầy tinh thần nhân văn, khi vẽ lên những dáng vẻ đẹp đẽ, khoẻ
mạnh của cơ thể con người. Đáng lưu ý là sự tồn tại của tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội cổ truyền. Nhân
vật phụng thờ của lễ hội cổ truyền một số làng quê chính là các biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực như
ông thánh Bôn mà một số làng quê ở Thanh Hóa thờ phụng, như Phật Thạch Quang theo truyền thuyết là
con Man nương và nhà sư Khâu đà la gửi vào cây dâu, cũng là một linga bằng đá. Tín ngưỡng phồn thực tồn
tại đậm đặc nhất là ở các trò diễn, trò chơi của một số lễ hội cổ truyền. Có thể kể đến những trò diễn gợi
bóng phảng phất tín ngưỡng này như trò chen của lễ hội làng Nga Hoàng (nay thuộc Bắc Giang), trò tắt đèn
đêm giã La (Hà Tây), những trò diễn mô phỏng lại hành vi giao phối bằng các biểu tượng như trò múa mo ở
Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Tây), trò múa gà phủ, múa tùng dí, trò bắt chạch trong chum ở làng Văn Trưng
(Vĩnh Phúc) hoặc trong các lễ hội vùng Phong Châu (Phú Thọ). Qua biến thiên lịch sử, dâu bể cuộc đời, tín
ngưỡng phồn thực đã trở thành một thứ trầm tích văn hóa trong văn hóa Việt Nam.
2. Tín ngưỡng sùng bái con người
Tiếp nối tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, văn hóa dân tộc ta còn tồn tại tín ngưỡng sùng bái con người. Nguồn
gốc của tín ngưỡng này là do quan niệm tồn tại song song thể xác và linh hồn trong con người. Và khi con
người chết đi thì chỉ có thể xác tiêu tan, linh hồn vẫn sẽ tồn tại và ở lại bên con cháu, gia đình. Người Việt
và một vài dân tộc Đông Nam Á còn chia linh hồn thành hồn và vía. Hồn vía là sản phẩm của trí tuệ bình
dân với những con số 3-7-9 ước lệ (sản phẩm của truyền thống coi trọng những con số lẻ của người Việt).
Mỗi con người gồm có 3 hồn là tinh, khí và thần: “Tinh” là sự tinh anh trong nhận thức (nhờ các quan năng,
các vía mang lại); “Khí” là khí lực, là năng lượng làm cho cơ thể hoạt động; “Thần” là thần thái, là sự sống nói chung.
Người Việt ta từ xưa đã thần thánh hóa linh hồn làm cho linh hồn trở thành đầu mối tín ngưỡng. Bên cạnh
đó, vía là vật trung gian kết nối hồn và thể xác, người ta quan niệm đàn ông có bảy vía và đàn bà có chín
vía. Hồn và vía thường được dùng giải thích các hiện tượng như trẻ con hay ốm, hiện tượng ngủ mê, ngất,
chết... Vía phụ thuộc vào thể xác,có người lành vía, yếu vía, dữ vía, cứng viết, độc vía, vía nặng, vía nhẹ.
Khi chạm vào độc vía thì phải đốt vía, trừ vía, giải vía. Hồn độc lập với thể xác (hồn người này có thể nhập vào xác người khác).
Và dù con người có chết đi thì hồn vía vẫn còn đó, người Việt ta đã lập ban thờ để thờ những người đã
khuất. Trong phạm vi gia đình, nó tạo thành tục thờ cúng tổ tiên; ở phạm vi làng xã, nó là tục thờ người có
công với làng xã, các danh nhân, anh hùng; mở rộng ra phạm vi quốc gia, người Việt ta có tục thờ Vua tổ -
thờ vua Hùng vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm. Để nói về tục thờ cúng tổ tiên, người ta tin rằng chết là về
nơi chín suối, và ở nơi chín suối, ông bà có thể đi về thăm non phù hộ con cháu. Điều này gần như trở thành
một thứ tôn giáo và ngay cả những gia đình không tin thần thánh cũng đặt bàn thờ tổ tiên trong nhà. Đặc
biệt, việc cúng giố vào ngày mất là một dịp rất quan trọng để con cháu tụ họp, làm lễ tưởng niệm ngường đã
khuất, bthờ tổ tiên bao giờ cũng đặt ở gian giữa trong nhà – nơi trang trọng nhất.
3. Tín ngưỡng thờ thành Hoàng làng
Việt Nam ta là đất nước có tín ngưỡng tôn giáo vô cùng đa dạng, người dân có truyền thống sinh hoạt, hoạt
động tín ngưỡng lâu đời. Những tín ngưỡng dân gian của người Việt luôn gắn liền với đời sống kinh tế và
tâm linh, trong số nổi bật phải kể đến là tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng.
Trước hết, ta được biết tín ngưỡng là sự thần thánh hóa, thiêng hóa của con người đối với một hay nhiều
hiện tượng, nhân vật nào đó. Các tín ngưỡng dân gian Việt Nam đều bắt nguồn từ các quan niệm dân gian,
ví dụ: “Cây gạo có ma, cây đa có thần”, từ nỗi sợ, con người dần tin tưởng và sùng bái các sự vật tự nhiên.
Trong nền văn hóa Việt Nam, tín ngưỡng dân gian có một vị trí quan trọng và được xem như một loại hình
tôn giáo không có tổ chức nhất định. Bằng lòng tin tín ngưỡng, người Việt ta luôn hướng đến những điều
thiện, thể hiện lòng tôn kính, biết ơn đối với ông bà, tổ tiên, những người có công với làng xóm, đất nước.
Và một trong số những tín ngưỡng quan trọng nhất, tồn tại lâu đời nhất là tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng,
tín ngưỡng này là tiêu biểu cho sự linh hoạt, dung hợp tổng hợp trong văn hóa của người Việt Nam ta. Tín
ngưỡng thờ Thành hoàng làng vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó từ “thành” là thành trì, “hoàng” là
hào để bảo vệ thành trì. Ngay từ thời nhà Chu, người ta đã dựng miếu để thờ thần bảo vệ cho thành trì của
mình, vị thần ấy được gọi là Thành hoàng. Cho đến thời Tùy – Đường, tục thờ Thành hoàng trở nên phổ
biến và phát triển hơn, cũng trong thời kì ấy, tín ngưỡng này được du nhập vào Việt Nam đầu tiên bởi viên
quan nhà Đường là Lí Viên Cát. Sau đó, vua Lí Công Uẩn cũng lập ngôi đền Bạch Mã thờ Thành hoàng để bảo vệ kinh đô.
Từ đô thị, tín ngưỡng thờ Thành hoàng đã len lỏi và được truyền bá về nông thôn, tạo thành hệ thống các
Thành hoàng làng. Khi tín ngưỡng thờ Thành hoàng về đến nông thôn, nó đã hòa quyện với tín ngưỡng thờ
thần vốn có của làng để tạo ra các Thành hoàng làng, do đó một làng có thể thờ nhiều vị thần nhưng chỉ có
một vị thần duy nhất được thờ trong đình, và mỗi làng thờ một Thành hoàng riêng: “Trống làng nào làng ấy
đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Thành hoàng làng có thể có nhiều xuất thân như Thiên thần, Nhiên thần
và Nhân thần. Và Nhân thần là các vị thần chiếm số đông, là người thường được thiêng hóa lên, trong đó có
Chính thần là các vị anh hùng có công với đất nước. Tiêu biểu như ngôi đình Phú Điền – Thanh Hóa tôn thờ
Bà Triệu là Thành Hoàng làng. Còn có một vài làng thờ các tổ nghề như cụ tổ nghề gốm Bát Tràng là Hứa Vĩnh Kiều.
Đi cùng tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng là hội làng, lễ hội ở làng xã là môi trường để thực hiện tín
ngưỡng ở làng xã. Tiêu biểu trong đó có thể kể đến là hội làng Diềm ở làng Viêm Xá, thành phố Bắc Ninh
nhằm tưởng nhớ công ơn tạo ra làn điệu quan họ Bắc Ninh của Thành hoàng Vua Bà. Trong các ngày hội,
nhân dân thường có lễ “mật” (bí mật) và tục “hèm” (điều kiêng kị) gắn liền với vị thần của làng đó. Mặc dù
triều đình chỉ cho phép nhân dân thờ Chính thần do bấy giờ Nho giáo là quốc giáo, nhưng việc thực hiện
nghi lễ này chính là ví dụ tiêu biểu cho tính tự trị của làng xã, là minh chứng cho câu thơ “Phép vua thua lệ làng”.
Như vậy, ta có thể nói, tín ngưỡng thờ Thành hoàng là sự kết hợp đỉnh cao của tín ngưỡng sùng bái con
người và tín ngưỡng sùng bái thần linh. Tục thờ Thành hoàng làng là một giá trị văn hóa tinh thần rất đẹp
của dân tộc, nó thể hiện ý thức về lòng biết ơn với những người có công của làng xã, cùng với đó là ý thức
giữ gìn tục lệ cổ truyền của làng xã và sự đoàn kết của nhân dân. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng chính là
tinh hoa chắt lọc qua suốt chiều dài lịch sử biểu tượng cho khát vọng xây dựng một cuộc sống phồn vinh và tinh thần hạnh phúc. V.
Tổ chức Làng xã truyền thống của người Việt: nguyên lý hình thành, đặc trưng,
những ưu điểm và hạn chế trong thời hiện tại

Khi đi tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, một trong những thành tố quan trọng khôn thể nhắc tới trong xã hội
đó chính là làng Việt cổ truyền. Tổ chức làng xã Việt cổ truyền xuất hiện từ rất sớm, đã manh nha từ cuối
thời kì nguyên thủy trên đà sự phát triển của nền nông nghiệp lúa nước. Việc hình thành làng xã cũng gắn
liền với sự ra đời của nhà nước, bởi theo Chiếu của vua Gia Long năm 1804: “Nước là họp các làng mà
thành”, và Vũ Đình Hòe cũng đã đưa ra nhận định: “...không có làng xã Việt Nam thì không có quốc gia
Việt Nam”. Thật vậy, làng Việt có vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong thời kì dựng nước mà trong cả
đời sống văn hóa - xã hội ngày nay.
Làng là tổ chức quần cư của một cộng đồng người có liên lết với nhau về huyết thống, lịch sử cư trú hoặc về
phương thức kinh tế. Tổ chức này được biết đến nằm ở khu vực hiện nay là vùng sản xuất nông thông hoặc
từng là vùng sản xuất nông thôn. Và trong mỗi thời kì, mỗi vùng miền, làng lại có các tên gọi khác nhau:
trong thời Văn Lang – Âu Lạc, làng được gọi là “chạ”, “kẻ”, “chiềng” hay gọi bằng các từ Hán – Việt như
“hương”, “lý”; ở các tỉnh Bắc Bộ với địa hình núi cao thì làng được gọi là “bản”, “mường”; ở Tây Nguyên
lại là “buôn”, “plây”; còn ở Nam Bộ làng được gọi với cái tên “phum”, “sóc”.
Ngay từ thuở sơ khai ban đầu, con người đã biết tập hợp lại thành nhóm, đoàn kết với nhau để chống giặc
ngoại xâm. Và ngay cả khi khi nền nông nghiệp lúa nước hình thành, cộng đồng ấy lại hợp tác với nhau để
trị thủy, khai phá đất đai, đào mương lấy nước tưới, đắp đê chống lũ,... Sự cố kết ấy đã tạo ra đơn vị dân cư
nhỏ là xóm, từ xóm phát triển rộng và hình thành nên làng. Sự hình thành làng Việt cổ truyền này là hoàn
toàn tất yếu và mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử của nhân dân ta. *Nguyên tắc hình thành:
Về nguyên tắc hình thành, làng chủ yếu hình thành dựa trên huyết thống và địa vực. Trước hết, làng là nơi ở
của một dòng họ, một gia tộc, từ những con người có cùng chung huyết thống đến những gia đình là anh em
họ hàng sống gần nhau đã tạo nên làng. Cách tổ chức làng theo huyết thống này thường để lại vết tích ở tên
làng, ví dụ ta có thể gặp các tên: Đỗ Xá, Nguyễn Xá, Lê Xá,... trong đó “xá” là nơi ở, còn lại là họ của người
dân trong làng. Chính mối quan hệ huyết thống gần gũi này đã tạo ra sự gắn bó khăng khít giữa những
người dân trong làng, nhưng bên cạnh đó tính tôn ti trật tự cũng rất cao. Người Việt đặc biệt coi trọng cách
xưng hô trong dòng họ, do đó dù là có lớn tuổi hơn nhưng về vai vế thấp hơn thì vẫn sẽ phải xưng hô tôn
kính, lễ phép với bề trên. Bên cạnh nguyên tắc tổ chức theo huyết thống thì làng còn được tổ chức theo
nguyên tắc địa vực. Trước kia khi mới hình thành các đồng bằng châu thổ, người Việt cổ đã di cư từ khu vực
miền núi xuống các đồng bằng này để mở rộng lãnh thổ cư trú của mình. Trong quá trình di cư, do các thách
thức của tự nhiên như bão, lụt, dịch bệnh và các khó khăn trong cuộc sống thường ngày, những người cùng
đi di cư với nhau đã liên kết lại và sống quần cư trong tổ chức của mình để có thể chung tay góp sức giải
quyết các vấn đề. Hay nói cách khác, tổ chức này chính là làng. Xét về mối quan hệ giữa các thành viên
trong làng được xây dựng theo địa vực, thì những con người này có mối quan hệ láng giềng với nhau. Ta
cũng dễ dàng bắt gặp những câu ca dao, tục ngữ đề cao mối quan hệ này: - “Bán anh em xa Mua láng giềng gần”
- “Người xưa đã nói chớ quên,
Láng giềng tắt lửa, tối đèn có nhau.”
Như vậy, mối quan hệ làng xóm láng giềng là mối quan hệ vô cùng bền chặt, sự gắn bó này luôn hiện diện
không chỉ ở thời kì ngày xưa mà ngay cả hiện nay cũng vậy. Cùng với đó, ngoài các tên gọi chữ Hán ghi
trong sổ sách thì làng còn có các tên Nôm, tên Nôm này thường phổ biến hơn trong xã hội, chỉ một đặc
điểm của làng, ví dụ như làng ở cạnh trỗ trũng gọi là làng Rộc,... Trong làng thường có sự phân biệt rất rạch
ròi giữa hai hạng dân là dân chính cư và dân ngụ cư. Dân chính cư là người dân bản địa sống ở làng, được
ghi vào hộ tịch và được hưởng các quyền lợi trong làng như được tham gia đóng góp vào các công việc
chung của làng, được thể hiện ý kiến của mình và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Còn dân ngụ cư là dân từ
các nơi khác đến, là những người tạm trú, không có tên trong danh sách của làng. Trong đó chủ yếu là
những người nghèo khổ, sống phiêu bạt, thường ở khu vực rìa làng. Dân ngụ cư được miễn mọi nghĩa vụ
như đóng thuế, nhưng đồng thời cũng không có quyền lợi, không có tiếng nói trong làng. Sự phân biệt giữa
hai hạng dân này còn thể hiện rõ rệt hơn ở một số khu vực, nơi dân chính cư và dân ngụ cư không được kết
hôn với nhau. Và đặc biệt, sau khi sinh sống ở làng ba đời thì dân ngụ cư sẽ có thể trở thành dân chính cư
với đầy đủ quyền lợi. Bởi lẽ sau một khoảng thời gian dài sinh sống, gắn bó, người dân ngụ cư sẽ dần quên
đi quê hương của mình và trở nên gắn bó hơn với nơi cư trú mới, thấm nhuần các phong tục tập quán của làng.
*Đặc trưng: tính cố kết cộng đồng bền chặt và tính tự trị
Tính cố kết cộng đồng của làng xã Việt được hình thành trên cơ sở các quan hệ xã hội trong làng theo nhiều
cách như dòng họ (những người cùng huyết thống), phường (những người làm cùng nghề), giáp (chỉ dành
cho nam giới) và cuối cùng là hội (tập hợp những người có cùng sở thích, thú vui, hội chầu bà, hội tổ
tôm,..). Cùng với đó, tính cố kết cộng đồng bền chặt của làng còn được thể hiện qua các biểu tượng: cây đa
– giếng nước – sân đình. Bởi những địa điểm này là nơi gắn với những hoạt động sinh hoạt cộng đồng, tập
thể: người ta tụ họp lại dưới gốc đa sau khi đi làm đồng về để kể cho nhau những câu chuyện của mình, hình
ảnh cây đa ở đầu làng đã in đậm trong tâm trí những người con xa quê tự thuở nào, còn giếng nước chính là
nơi cung cấp nước cho mọi hoạt động ăn uống, giặt giũ, sinh hoạt trong làng, là nguồn nước ăn chung của cả
làng. Và trong đời sống, Đình làng luôn là trung tâm kinh tế, trung tâm hành chính và trung tâm văn hóa của
cả làng, từ việc thu sưu thuế, ban bố các chiếu chỉ, xét xử tội phạm, cho đến các lễ hội, ăn uống đều được
diễn ra ở sân làng. Ông cha ta còn có câu: “ Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ” bởi
đình làng cũng chính là nơi có những đặc trưng riêng phân biệt làng này với làng khác, thể hiện vị thế và
sức mạnh của làng. Trong tâm thức của người Việt cổ, ba biểu tượng cây đa, giếng nước, đình làng có ý
nghĩa tâm linh vô cùng sâu sắc. Nếu giếng nước là tấm gương phản chiếu hình ảnh cuộc sống thanh bình
của làng quê, thì cây đa ở đầu làng lại chứng kiến biết bao chuyển biến lịch sử của ngôi làng. Tính cố kết
cộng đồng bền chặt trong làng xã còn là cơ sở để tạo nên tính đồng nhất như đồng tộc, đồng nghiệp, đồng
hương,... và dẫn đến một thực thể đồng nhất trong phạm vi quốc gia đó chính là đồng bào. Tính đồng nhất
này đã giúp cho người Việt đoàn kết với nhau hơn, luôn gắn bó, yêu thương và giúp đỡ nhau trong mọi công
việc, coi những người trong làng như anh em một nhà. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng tạo ra những hạn chế
nhất định trong tính cách con người như thói dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể: “Cha chung không ai khóc”. Và
những người ở chung trong một cộng đồng, có thói quen sinh hoạt giống nhau sẽ tạo ra tính cào bằng, đố kị,
thấy tất cả mọi người giống mình và không có ai hơn mình: “Cá mè một lứa”, “Chết cả đống còn hơn sống
một người”. Tính cố kết cộng đồng này còn làm cho vai trò của cá nhân trở nên mờ nhạt trước cộng đồng,
hòa tan trong cộng đồng, hay nói cách khác, ý thức cá nhân trở nên bị triệt tiêu bởi người Việt ta thường có
thói quen dùng tiêu chuẩn của cộng đồng để đánh giá, theo ý kiến số đông nên các đặc trưng của cá nhân hoàn toàn bị mất đi.
Tính chất thứ hai của làng xã Việt chính là tính tự quản, tự trị. Nó được thể hiện ở sự phân bố co cụm của
làng xã, mỗi làng định cư ở một vùng và tự quản về kinh tế với ruộng đất riêng của mình. Cùng với đó là sự
tự quản về chính trị, tư pháp, trong đó bộ máy hành chính của làng là hội đồng kì mục, có các luật lệ quy
định rõ ràng để quản lí người dân trong làng. Mỗi làng cũng có một đội tự quản về an ninh để bảo vệ làng
thông qua các chòi canh gác, đi tuần tra. Đặc biệt, làng còn là đơn vị tự quản về văn hóa tinh thần, trong đó
mỗi làng có tín ngưỡng riêng, thể hiện rõ nhất ở tục thờ Thành Hoàng làng bởi mỗi làng lại thờ một vị
Thành Hoàng làng khác nhau, hay lễ hội của các làng cũng hết sức đa dạng. Và biểu tượng cho tính tự trị
của làng chính là lũy tre và lệ làng. Các lũy tre bao quanh làng như một thành lũy tự nhiên bảo vệ đất đai,
tránh nạn lấn đất từ bên ngoài vào. Còn lệ làng là một hệ quy tắc ứng xử cho người dân trong làng, nó dần
được văn bản hóa thành các Hương ước, yêu cầu nhân dân phải tuân theo, nếu làm trái thì sẽ bị trục xuất ra
khỏi làng. Tính chất tự trị của làng xã đã tạo nên tính cần cù, chịu khó cho con người bởi các làng độc lập
với nhau, do đó phải tự lập để lo cho công việc của làng mình. Đây cũng chính là cơ sở của lòng yêu nước,
vì đất nước ta đi lên từ làng, tình yêu làng dẫn đến tình yêu đất nước. Tuy nhiên bên cạnh đó, tính tự trị của
làng xã cũng có những hạn chế nhất định, nó tạo nên thói tư hữu ích kỉ của con người: “”, tính gia trưởng,
tính bè phái: bên vực người cùng làng, cùng họ “”.
Như vậy, hai đặc tính của làng Việt cổ là tính cố kết cộng đồng bền chặt và tính tự trị đã kết hợp với nhau,
tạo nên những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam. Từ quan hệ hàng xóm làng giềng, nhân dân ta đã có
truyền thống đoàn kết, gắn bó và yêu thương xóm làng. Và tình yêu xóm làng được đẩy lên cao kết thành
tình yêu quê hương, đất nước. Chính lòng yêu nước ấy đã kết hợp với tinh thần đoàn kết toàn dân đánh bay
mọi kẻ thù của dân tộc. Hai yếu tố này cũng chính là sản phẩm của tính cố kết cộng đồng bền chặt và tính tự
trị của làng xã, và từ đó dẫn đến lối ứng xử mang tính chất nước đôi của con người, tùy hoàn cảnh các mặt
tốt xấu sẽ được phát huy. Cuối cùng, càng đi sâu vào tìm hiểu diện mạo của làng xã người Việt cổ ở phương
Nam, ta càng phát hiện thêm những nét đặc trưng riêng ở khu vực này bởi các tính chất tự trị, khép kín của
làng xã đã mờ nhạt đi, không còn đậm nét như làng Bắc Bộ do sự tác động của môi trường. Làng Nam Bộ
thường được gọi với tên: “thôn”, “ấp”, “phum”, “sóc” – những từ trong tiếng Khơ me do nơi đây tập trung
đông đúc cư dân Khơ me sinh sống. Đặc trưng chung của thôn ấp Nam Bộ là tính mở, không đóng kín, tự trị
với lũy tre, cổng làng như ở miền Bắc. Tính mở này được thể hiện ở sự phân bố dân cư, người Nam Bộ
thường tập chung sinh sống dọc theo các con kênh rạch hoặc ven lộ, làng nối tiếp làng, người dân không bị
gắn chặt với quê hương như ở làng Bắc Bộ. Cùng với đó, thành phần cư dân nơi đây thường xuyên biến
động bởi đất đai được khai phá muộn hơn miền Bắc, người dân tứ phía đổ về để sinh sống, làm ăn, bao gồm
cả người Việt, người Hoa,... Chính điều này đã tạo nên nét phóng khoáng trong tính cách của người Nam
Bộ, họ dễ dàng tiếp nhận những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài. Nguồn gốc cư dân phức tạp kéo theo một
đặc điểm nữa của làng Nam Bộ đó là không có lệ làng khắt khe, người ta dễ dàng chấp nhận những nét khác
biệt của con người, từ lời ăn, tiếng nói cho đến cách cư xử. Tuy nhiên người dân nơi đây vẫn luôn coi trọng
tính cộng đồng, có nếp sống cần cù chịu thương chịu khó và yếu tố làng xóm vẫn luôn được ưu tiên.
Tóm lại, ta có thể thấy rằng, làng Việt cổ truyền chính là nơi ấp ủ, lưu trữ những nếp sống từ ngàn đời của
ông cha ta. Làng có một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của mỗi con người, làng cũng có
sức mạnh bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống trước thách thức của sự biến đổi. Trong công cuộc đổi
mới hiện nay, làng xã vừa phải rỡ bỏ những giá trị đã lỗi thời như truyền thống co cụm, khép kín, vừa phải
bảo tồn những giá trị văn hóa làng xã quý báu như tính cộng đồng, tương thân tương ái. Đây là thách thức
rất lớn đối với mỗi làng Việt hiện nay, và qua đây mỗi con người chúng ta phải nâng cao lòng tự tôn dân tộc,
hòa nhập nhưng không hòa tan để giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được hình thành từ làng xã.
*** Tuy nhiên bên cạnh đó, hai yếu tố này cũng có những hạn chế nhất định trong công cuộc hiện đại hóa
nông thôn hiện nay bởi nó tạo ra thói dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể, điều này được thể hiện rõ trong câu thành
ngữ “Cha chung không ai khóc”. Và đồng thời tạo ra tính cào bằng, đố kị và làm cho vai trò của cá nhân trở
nên mờ nhạt trước cộng đồng, hòa tan trong cộng đồng, bởi thói quen dùng tiêu chuẩn của cộng đồng để
đánh giá. Hay một hạn chế nữa là tính bè phái và tính gia trưởng, đây là lực cản đáng sợ cho sự phát triển của xã hội.