Giáo trình môn Kinh tế du lịch | Trường Đại học Thương Mại
Tài liệu gồm 329 trang, có 8 chương chính bao gồm các kiến thức cơ bản liên quan đến kinh tế du lịch bao gồm khái niệm và đặc trưng của kinh tế du lịch, các biến số của kinh tế vĩ mô trong du lịch, thị trường du lịch, hiệu quả kinh tế du lịch,... giúp bạn ôn luyện và nắm vững kiến thức môn học Kinh tế du lịch. Mời bạn đọc đón xem!
444
222 lượt tải
Tải xuống
i
iii
LỜI NÓI ĐẦU
Trong nhiều thập kỷ qua, du lịch đã có sự tăng trưởng và đa dạng
hóa mạnh mẽ để trở thành một trong những khu vực kinh tế phát triển
nhanh nhất trên thế giới. Du lịch hiện đại gắn liền với sự phát triển với
số lượng ngày càng nhiều các điểm đến mới. Những động thái này đã
biến du lịch thành động lực chính cho sự tiến bộ kinh tế - xã hội. Ngày
nay, khối lượng kinh doanh của ngành du lịch bằng hoặc thậm chí vượt
quá lượng xuất khẩu dầu và các sản phẩm lương thực. Du lịch trở thành
một trong những lĩnh vực chủ chốt trong thương mại quốc tế và đồng
thời là một trong những nguồn thu nhập chính của nhiều nước đang phát
triển. Sự lan rộng của du lịch toàn cầu ở các quốc gia công nghiệp hóa
và phát triển đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế và việc làm trong nhiều
lĩnh vực liên quan - từ xây dựng tới nông nghiệp hoặc viễn thông. Sự
đóng góp của kinh tế du lịch phụ thuộc vào chất lượng và thu nhập của
dịch vụ du lịch. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), năm 2018, du
lịch quốc tế đóng góp 10,4% GDP toàn cầu, 319 triệu việc làm, chiếm
khoảng 10% việc làm trên toàn thế giới, 7% giá trị xuất khẩu quốc tế,
30% giá trị xuất khẩu ngành dịch vụ, tương ứng 1.717 tỷ USD. Vì thế du
lịch có vai trò quan trọng trong kinh tế đối với thế giới nói chung và đối
với từng quốc gia đã và đang phát triển nói riêng.
Với mục tiêu thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến
năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 3/8/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch ban hành Quyết định số 2714/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án
“Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030”. Mục tiêu tổng quát của Đề án là phấn đấu đến
năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển. Bên
cạnh đó, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, nêu
rõ mục tiêu ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo
động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp,
iv
có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản
phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản
sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Theo
Quyết định 147/2020/QĐ-TTg về Phê duyệt chiến lược phát triển du lịch
Việt Nam đến năm 2030, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, Việt Nam sẽ
thu hút được 50 triệu khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa, chỉ
tiêu tổng thu du lịch là 130 - 135 tỷ USD, đóng góp trực tiếp vào GDP
đạt 15 - 17%; tăng tổng số lao động trong ngành du lịch lên hơn 8,5
triệu lao động (trong đó, có 3 triệu lao động trực tiếp), đảm bảo phát
triển du lịch sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt
Nam, cải thiện cuộc sống cho người dân; phát triển du lịch xanh, gắn
hoạt động du lịch với giữ gìn và phát huy các giá trị tài nguyên, bảo vệ
môi trường, đảm bảo các dự án phát triển du lịch phải tuân thủ luật môi
trường...
Để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và
nâng cao vị trí và vai trò của lĩnh vực du lịch trong nền kinh tế nước ta,
đòi hỏi các nhà quản trị doanh nghiệp, những người kinh doanh trong
lĩnh vực du lịch cần phải có những kiến thức căn bản về các vấn đề kinh
tế trong hoạt động kinh doanh du lịch và trong ngành du lịch. Giáo trình
Kinh tế du lịch được biên soạn nhằm trang bị cho người học có những
kiến thức cần thiết của một nhà quản trị kinh doanh du lịch trong xu
hướng hội nhập kinh tế quốc tế, vận dụng các kiến thức đã học để giải
quyết các vấn đề quản lý phát sinh trong quá trình kinh doanh du lịch,
đồng thời góp phần đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội đối với ngành du
lịch ở nước ta hiện nay.
Giáo trình được biên soạn theo chương trình môn học thuộc
chương trình khung ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị
khách sạn theo Quyết định 68/QĐ-ĐHTM ngày 10/02/2017 về việc Ban
hành bộ chương trình đào tạo các chuyên ngành trình độ đại học hệ
chính quy theo hệ thống tín chỉ và Quyết định 1566/QĐ-ĐHTM ngày
v
25/12/2019 về việc Hoàn thiện chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo
trình độ đại học hệ chính quy do Hiệu trưởng Trường Đại học Thương
mại phê chuẩn và được Hiệu trưởng phê duyệt làm tài liệu chính thức
dùng trong giảng dạy, học tập ở Trường Đại học Thương mại.
Giáo trình Kinh tế du lịch được biên soạn, cấu trúc lại và phát triển
mới gồm 8 chương, bao gồm các nội dung, kiến thức và phương pháp
khá toàn diện nhằm đáp ứng những yêu cầu đổi mới và nâng cao chất
lượng đào tạo, phù hợp với chương trình đào tạo theo tín chỉ của trường.
Chương 1: Khái quát về ngành du lịch.
Chương 2: Thị trường du lịch.
Chương 3: Cán cân thanh toán trong du lịch.
Chương 4: Công ty đa quốc gia trong du lịch.
Chương 5: Đầu tư du lịch.
Chương 6: Lao động và vốn kinh doanh du lịch.
Chương 7: Chi phí và lợi nhuận kinh doanh du lịch.
Chương 8: Hiệu quả kinh tế - xã hội của du lịch.
Giáo trình được hoàn thành bởi tập thể giảng viên Bộ môn Quản
trị doanh nghiệp du lịch. PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng - đồng chủ
biên và viết 6.1 và 7.1; PGS.TS Vũ Đức Minh - đồng chủ biên và viết
các chương 1, 2, 3, 4, 5; ThS. Dương Thị Hồng Nhung viết 6.2 và 7.3;
ThS. Trần Thị Kim Anh viết 7.2 và chương 8.
Tập thể tác giả mong rằng, việc biên soạn giáo trình sẽ đáp ứng tốt
yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của trường và là tài liệu hữu ích
cho nghiên cứu khoa học và triển khai hoạt động kinh doanh dịch vụ du
lịch tại các loại hình doanh nghiệp dịch vụ du lịch hiện nay.
Trong quá trình biên soạn, tập thể tác giả đã nhận được sự đóng
góp hết sức quý báu của Ban Giám hiệu nhà trường, của Hội đồng Khoa
vi
Khách sạn - Du lịch, của các nhà giáo trong Bộ môn Quản trị doanh
nghiệp du lịch. Do còn một số hạn chế nhất định, giáo trình không thể
tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn và rất mong
nhận được các ý kiến đóng góp để nâng cao chất lượng của giáo trình.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
TM. TẬP THỂ TÁC GIẢ
PGS.TS. NGUYỄN THỊ NGUYÊN HỒNG
PGS.TS. VŨ ĐỨC MINH
vii
MỤC LỤC
Trang
LỜI NÓI ĐẦU
iii
ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU HỌC PHẦN
xi
Chương 1. KHÁI QUÁT VỀ NGÀNH DU LỊCH
1
1.1. Một số vấn đề chung về du lịch
1
1.1.1. Khái niệm và các yếu tố cấu thành của hệ thống du lịch
1
1.1.2. Động cơ và loại hình du lịch
3
1.1.3. Điểm đến và điểm hấp dẫn du lịch
9
1.1.4. Đặc điểm và các bộ phận cấu thành của ngành du lịch
11
1.2. Vai trò của du lịch trong nền kinh tế quốc dân
21
1.2.1. Vai trò trong tổng sản phẩm trong nước (GDP)
21
1.2.2. Vai trò trong thu nhập quốc dân và tạo việc làm
31
1.2.3. Vai trò và chính sách kinh tế của chính phủ
trong phát triển du lịch
49
Câu hỏi ôn tập và thảo luận
66
Chương 2. THỊ TRƯỜNG DU LỊCH
69
2.1. Cầu du lịch
69
2.1.1. Khái niệm và bản chất của cầu du lịch
69
2.1.2. Đặc điểm của cầu du lịch
70
2.1.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến cầu du lịch
72
2.1.4. Đặc điểm một số loại cầu sản phẩm và dịch vụ du lịch
74
2.1.5. Dự báo cầu du lịch
79
2.2. Cung du lịch
86
2.2.1. Khái niệm và bản chất của cung du lịch
86
2.2.2. Đặc điểm của cung du lịch
88
2.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến cung du lịch
89
2.2.4. Đặc điểm một số loại hình cung du lịch
90
viii
2.3. Quan hệ cung cầu và thị trường du lịch
106
2.3.1. Quan hệ cung cầu du lịch
106
2.3.2. Thị trường du lịch
110
Câu hỏi ôn tập và thảo luận
114
Chương 3. CÁN CÂN THANH TOÁN TRONG DU LỊCH
117
3.1. Sự tham gia của du lịch trong cán cân thanh toán
và cơ sở của cán cân thanh toán du lịch
117
3.1.1. Khái niệm và nội dung cán cân thanh toán
117
3.1.2. Sự tham gia của du lịch trong cán cân thanh toán
119
3.1.3. Cơ sở của cán cân thanh toán du lịch: Lợi thế so sánh
trong du lịch
120
3.2. Xác định các khoản mục chính của cán cân thanh toán du lịch
121
3.2.1. Thống kê các thanh toán du lịch
121
3.2.2. Các khoản thu nhập và thanh toán vận chuyển
123
3.2.3. Các khoản thu nhập và thanh toán du lịch
125
3.3. Phát triển du lịch và chính sách đối với cán cân thanh toán du lịch
127
3.3.1. Sự phụ thuộc vào du lịch trong cán cân thanh toán quốc gia
127
3.3.2. Tác động của phát triển du lịch đối với cán cân thanh toán
128
3.3.3. Các chính sách đối với cán cân thanh toán du lịch
130
Câu hỏi ôn tập và thảo luận
134
Chương 4. CÔNG TY ĐA QUỐC GIA TRONG DU LỊCH
137
4.1. Kinh doanh đa quốc gia trong du lịch
137
4.1.1. Các mối liên hệ đa quốc gia
137
4.1.2. Các lý thuyết về đầu tư đa quốc gia
139
4.1.3. Lý do kinh doanh đa quốc gia trong du lịch
142
4.2. Công ty đa quốc gia trong du lịch và tác động của nó
145
4.2.1. Các hình thức công ty đa quốc gia phổ biến
trong kinh doanh du lịch
145
4.2.2. Tác động của công ty đa quốc gia
154
Câu hỏi ôn tập và thảo luận
164
ix
Chương 5. ĐẦU TƯ DU LỊCH
167
5.1. Khái niệm và các yếu tố cơ bản của đầu tư
167
5.1.1. Khái niệm đầu tư
167
5.1.2. Các yếu tố cơ bản của đầu tư
168
5.2. Một số vấn đề cơ bản của đầu tư du lịch
171
5.2.1. Các lý do của đầu tư du lịch
171
5.2.2. Đặc điểm của đầu tư du lịch
172
5.2.3. Đầu tư vào các "sự kiện" du lịch
177
5.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến đầu tư du lịch
178
5.3.1. Các nhân tố ngắn hạn
178
5.3.2. Các nhân tố bất thường
179
5.3.3. Các nhân tố dài hạn
180
5.4. Mô hình và nguồn vốn đầu tư
181
5.4.1. Nghiên cứu khả thi và các mô hình đầu tư
181
5.4.2. Nguồn vốn đầu tư
184
Câu hỏi ôn tập và thảo luận
185
Chương 6. LAO ĐỘNG VÀ VỐN KINH DOANH DU LỊCH
187
6.1. Lao động kinh doanh du lịch
187
6.1.1. Đặc điểm lao động
188
6.1.2. Cung và cầu lao động
193
6.1.3. Năng suất lao động
205
6.1.4. Tiền lương
209
6.1.5. Đánh giá tình hình lao động - tiền lương
223
6.2. Vốn kinh doanh du lịch
225
6.2.1. Đặc điểm và tầm quan trọng của vốn kinh doanh du lịch
226
6.2.2. Nhu cầu vốn kinh doanh
229
6.2.3. Cơ cấu và nguồn vốn kinh doanh du lịch
231
6.2.4. Đánh giá tình hình vốn kinh doanh
232
Câu hỏi ôn tập và thảo luận
234
x
Chương 7. CHI PHÍ VÀ LỢI NHUẬN KINH DOANH DU LỊCH
237
7.1. Chi phí kinh doanh du lịch
237
7.1.1. Đặc điểm và cơ cấu chi phí
237
7.1.2. Tỷ suất chi phí kinh doanh
243
7.1.3. Chi phí ngắn hạn và chi phí dài hạn
244
7.1.4. Chi phí cơ hội
262
7.1.5. Các nhân tố ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh
264
7.1.6. Đánh giá tình hình chi phí kinh doanh
267
7.2. Lợi nhuận kinh doanh du lịch
268
7.2.1. Đặc điểm và tầm quan trọng của lợi nhuận kinh doanh
269
7.2.2. Tỷ suất lợi nhuận kinh doanh
271
7.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh
271
7.2.4. Đánh giá tình hình lợi nhuận kinh doanh
272
7.3. Chi phí hoạt động và khả năng sinh lời
273
7.3.1. Chi phí vốn
274
7.3.2. Chi phí hoạt động
276
7.3.3. Hiệu quả kinh tế theo quy mô
287
Câu hỏi ôn tập và thảo luận
291
Chương 8. HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA DU LỊCH
295
8.1. Bản chất kinh tế - xã hội của hiệu quả
295
8.1.1. Khái niệm và bản chất của hiệu quả
296
8.1.2. Các loại hiệu quả
298
8.2. Đo lường hiệu quả kinh tế - xã hội của du lịch
299
8.2.1. Đo lường hiệu quả kinh tế - xã hội của ngành du lịch
299
8.2.2. Đo lường hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp du lịch
311
8.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế - xã hội của du lịch
324
8.3.1. Các nhân tố vĩ mô
324
8.3.2. Các nhân tố vi mô
325
Câu hỏi ôn tập và thảo luận
326
Tài liệu tham khảo
329
xi
ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
NGHIÊN CỨU HỌC PHẦN
1. VỊ TRÍ VÀ NHIỆM VỤ CỦA HỌC PHẦN
Theo Quyết định 68/QĐ-ĐHTM ngày 10/02/2017 về việc Ban hành
bộ chương trình đào tạo các chuyên ngành trình độ đại học hệ chính quy
theo hệ thống tín chỉ và Quyết định 1566/QĐ-ĐHTM ngày 25/12/2019
về việc Hoàn thiện chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo trình độ đại học
hệ chính quy của Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, học phần
Kinh tế du lịch được xác định là học phần thuộc khối kiến thức ngành và
khối kiến thức bổ trợ của các hệ, hình thức đào tạo và bậc đào tạo đại học
của ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn và một
số ngành, chuyên ngành khác. Kinh tế du lịch là môn khoa học kinh tế
ngành và doanh nghiệp với những nguyên lý của kinh tế học vĩ mô và vi
mô được vận dụng trong ngành du lịch của quốc gia. Mục tiêu của Kinh
tế du lịch cũng nhằm giải quyết bài toán mất cân đối giữa nhu cầu du lịch
trong xã hội ngày càng tăng với nguồn lực phát triển du lịch ngày càng
khan hiếm. Chính vì vậy, Kinh tế du lịch cung cấp một bộ phận kiến thức
cần thiết trong chương trình đào tạo chuyên ngành kinh tế, thương mại,
dịch vụ, một bộ phận kiến thức không thể thiếu đối với cán bộ quản lý
ngành du lịch ở trung ương và các địa phương, cũng như đội ngũ các nhà
quản trị doanh nghiệp. Trong chương trình đào tạo Quản trị dịch vụ du
lịch và lữ hành và Quản trị khách sạn, Kinh tế du lịch trang bị một bộ
phận kiến thức ngành cần thiết để tạo cho sinh viên nhận thức được một
bức tranh tổng thể và tương đối hoàn chỉnh về du lịch và ngành du lịch
của một quốc gia. Vì vậy, Kinh tế du lịch là học phần kiến thức ngành
bắt buộc được giảng dạy cho sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và
lữ hành và ngành Quản trị khách sạn. Đồng thời học phần cũng rất cần
thiết trong các chương trình đào tạo của ngành, chuyên ngành có đào tạo
về du lịch.
xii
Ngoài Kinh tế học tạo nền kiến thức căn bản cho học phần này,
Kinh tế du lịch còn có mối liên hệ mật thiết về kiến thức với các học
phần khác như: Tổng quan du lịch, Tổng quan khách sạn, Nguyên lý quản
lý kinh tế, Kinh tế phát triển, Kinh tế công cộng, Kinh tế quốc tế, Kinh tế
đầu tư, Các phương pháp toán kinh tế, Kinh tế lượng,... Trong đó, Kinh
tế du lịch thường được giảng dạy và học tập sau các học phần nói trên.
Nhiệm vụ của học phần:
- Về tư duy: Tăng cường phương pháp tư duy năng động, sáng tạo và
hiệu quả của người học theo cách tiếp cận những kiến thức căn bản về các
vấn đề kinh tế trong hoạt động kinh doanh du lịch và trong ngành du lịch.
- Về kiến thức: Trang bị cho người học những kiến thức ngành cốt
lõi của ngành kinh tế du lịch, giúp người học vận dụng các kiến thức đã
học để giải quyết các vấn đề quản lý phát sinh trong quá trình kinh doanh
du lịch. Người học nắm được các kiến thức chuyên sâu và thực tiễn về
quản trị khách sạn và quản trị du lịch. Sau khi học xong học phần, sinh
viên có kiến thức khái quát về kinh tế du lịch; thị trường du lịch; cán cân
thanh toán trong du lịch; công ty đa quốc gia trong du lịch; đầu tư trong
du lịch; chi phí và lợi nhuận kinh doanh du lịch; lao động và vốn kinh
doanh du lịch và hiệu quả kinh tế - xã hội của du lịch.
- Về kỹ năng: Giúp người học có năng lực cơ bản trong phân tích,
hoạch định chiến lược, chính sách quản lý nhà nước về phát triển du lịch;
phân tích, lập dự án, chương trình phát triển hệ thống phân phối và kết
cấu hạ tầng du lịch; phân tích hoạt động kinh tế trong ngành và doanh
nghiệp du lịch. Qua đó, người học có năng lực vận dụng tổng hợp và
sáng tạo những kiến thức đã học để giải quyết bài toán thực tiễn ở nước
ta đặt ra trong điều kiện hội nhập.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG NGHIÊN CỨU CỦA
HỌC PHẦN
Kinh tế du lịch là học phần thuộc lĩnh vực khoa học kinh tế, có đối
tượng nghiên cứu là các hiện tượng, các mối quan hệ và các phạm trù
xiii
kinh tế cơ bản nhất liên quan đến sự hình thành và phát triển của ngành
và doanh nghiệp du lịch trong nền kinh tế quốc dân. Trên cơ sở đó có thể
hiểu rõ bản chất và rút ra được các quy luật hoặc tính quy luật vận động
của các hiện tượng và các quan hệ kinh tế trong phạm vi ngành và phạm
vi doanh nghiệp. Sự vận hành của ngành du lịch bao gồm hoạt động của
khách du lịch, hoạt động của người cung cấp các hàng hóa và dịch vụ
cho khách du lịch, hoạt động của các cơ quan quản lý du lịch và hoạt
động của cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch. Những hoạt động
này không mang tính riêng lẻ mà có tính xã hội phổ biến trên hai phương
diện cung và cầu về du lịch trong điều kiện tồn tại và phát triển nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta và trong mối quan hệ
với khu vực và toàn cầu hóa về du lịch.
Kinh tế du lịch còn nghiên cứu ngành du lịch với tính chất của một
hệ thống mở. Hệ thống du lịch dưới góc độ kinh tế bao gồm nhiều yếu tố
cấu thành có mối liên hệ bên trong cũng như bên ngoài hệ thống với các
yếu tố môi trường. Sự phát triển của hệ thống du lịch dưới góc độ kinh tế
phải dựa trên cơ sở sự phát triển của các phần tử trong hệ thống. Ngược
lại, sự phát triển của mỗi yếu tố cấu thành phải tuân theo sự phát triển
chung của toàn bộ hệ thống. Học phần sẽ giúp chỉ ra bản chất của các
mối liên hệ này.
Ngoài ra, học phần còn gợi mở sự liên hệ hoặc vận dụng các khái
niệm, các phạm trù, các mối quan hệ kinh tế cơ bản đó trong thực tiễn
của ngành du lịch Việt Nam. Đây là vấn đề rất cần thiết và quan trọng vì
nhận thức đúng đắn các vấn đề lý luận căn bản về kinh tế du lịch và biết
vận dụng nhuần nhuyễn trong thực tế sẽ giúp cho ngành du lịch Việt
Nam có thể hội nhập ngày càng sâu hơn với khu vực và thế giới trong
quá trình phát triển.
Với các kiến thức kinh tế học được vận dụng và phát triển trong
lĩnh vực du lịch nên nội dung của học phần khá phong phú. Tuy nhiên,
những nội dung được đề cập trong giáo trình này trước hết dựa trên cơ sở
xiv
đề cương học phần đã được bộ môn, hội đồng khoa và nhà trường thông
qua. Ngoài ra, những người biên soạn đã bổ sung thêm những vấn đề có
tính phổ biến trên thế giới (đặc biệt ở các quốc gia có ngành du lịch phát
triển) nhưng ít hoặc chưa được đề cập ở Việt Nam. Do đó, giáo trình
được biên soạn với kết cấu thành 8 chương tương ứng với thời lượng
dành cho học phần theo quy định, bao gồm:
Chương 1: Khái quát về ngành du lịch.
Chương 2: Thị trường du lịch, giới thiệu những yếu tố cơ bản và
đặc trưng của thị trường du lịch, các yếu tố cấu thành
thị trường và nội dung cân bằng thị trường du lịch.
Chương 3: Cán cân thanh toán trong du lịch, nghiên cứu sự tham
gia của du lịch và tác động của du lịch đến cán cân
thanh toán.
Chương 4: Công ty đa quốc gia trong du lịch, đề cập những vấn
đề chung và cụ thể về kinh doanh đa quốc gia và công
ty đa quốc gia trong du lịch cùng với tác động của nó
đến nền kinh tế.
Chương 5: Đầu tư du lịch, giới thiệu một số vấn đề về đầu tư
trong du lịch, bao gồm các đặc điểm và nhân tố ảnh
hưởng đến đầu tư du lịch.
Chương 6: Lao động và vốn kinh doanh du lịch, khái quát về lao
động và vốn kinh doanh du lịch. Trong đó, nội dung
tập trung vào các vấn đề như đặc điểm lao động, cung
- cầu lao động, năng suất lao động và tiền lương cho
người lao động và các vấn đề về vốn như đặc điểm và
nhu cầu vốn kinh doanh du lịch.
Chương 7: Chi phí và lợi nhuận kinh doanh du lịch, trình bày
những vấn đề cơ bản về chi phí và lợi nhuận kinh
doanh du lịch, mối quan hệ giữa chi phí và khả năng
sinh lời trong kinh doanh du lịch.
xv
Chương 8: Hiệu quả kinh tế - xã hội của du lịch, đo lường hiệu
quả kinh tế - xã hội của du lịch, gồm những vấn đề cơ
bản có liên quan đến việc đo lường hiệu quả kinh tế -
xã hội của ngành và hiệu quả kinh doanh của doanh
nghiệp du lịch.
3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU HỌC PHẦN
Là môn khoa học kinh tế thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân
văn nên học phần Kinh tế du lịch sử dụng phương pháp luận duy vật biện
chứng và duy vật lịch sử trong nghiên cứu. Đồng thời, các học phần kinh
tế nói chung và Kinh tế du lịch nói riêng cũng sử dụng các phương
pháp chính để nghiên cứu như phương pháp tổng hợp, phương pháp
phân tích,...
Bên cạnh đó, do du lịch được tiếp cận như một hệ thống với sự
tham gia của nhiều yếu tố cấu thành nên phương pháp tiếp cận hệ thống
cũng cần thiết được sử dụng trong quá trình nghiên cứu học phần này.
Phương pháp đòi hỏi việc nghiên cứu đi từ các yếu tố riêng lẻ để có thể
nhận thức đầy đủ, khái quát mang tính tổng thể toàn bộ hệ thống du lịch.
Mặt khác, trên cơ sở nghiên cứu tìm hiểu toàn bộ hệ thống một cách tổng
thể để có thể xử lý các yếu tố cấu thành một cách phù hợp nhằm đảm
bảo phát triển toàn bộ hệ thống cũng như từng yếu tố cấu thành trong
hệ thống.
Ngoài ra, học phần còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể
như phương pháp mô hình hóa toán kinh tế, phương pháp thống kê,
phương pháp điều tra xã hội học, phương pháp so sánh,... nhằm làm rõ
một số nội dung cần thiết và đặc thù.
1
Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ NGÀNH DU LỊCH
Mục tiêu của chương:
Sau khi học xong chương này, người học có khả năng:
Hiểu rõ đặc điểm và các bộ phận cấu thành của ngành du lịch.
Đánh giá được sự đóng góp của du lịch trong GDP của một quốc
gia; tác động của phát triển du lịch đến nền kinh tế quốc dân và tác động
của lạm phát đến sự phát triển du lịch.
Phân tích được sự phân phối thu nhập do du lịch tạo ra.
Đánh giá được vai trò trực tiếp của du lịch nội địa và du lịch quốc
tế đối với quốc gia (hoặc địa phương) điểm đến.
Đánh giá được vai trò gián tiếp của du lịch thông qua các loại bội
số và kỹ thuật phân tích đầu vào - đầu ra.
Đánh giá được vai trò của chính phủ và các chính sách của chính
phủ liên quan đến du lịch.
1.1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ DU LỊCH
1.1.1. Khái niệm và các yếu tố cấu thành của hệ thống du lịch
Từ khi xuất hiện và phát triển đến nay, khái niệm du lịch thường
được tiếp cận là một hoạt động xã hội của con người với 5 đặc điểm
chủ yếu:
- Sự thay đổi vị trí một cách tự nguyện;
- Đi lại hai chiều nhưng không thường xuyên (có tính chất tạm thời);
- Lưu trú và các hoạt động tại điểm đến;
2
- Thực hiện vào thời gian nghỉ, thời gian rảnh rỗi;
- Mục đích du lịch: Nhiều mục đích khác nhau trừ cư trú vĩnh viễn
và kiếm tiền.
Khi xem xét du lịch như một hệ thống mở thì khái niệm du lịch trở
nên đầy đủ và rõ ràng hơn. Cách tiếp cận du lịch như một hoạt động xã
hội nói trên tạo thành hệ thống du lịch cơ bản và có thể được biểu diễn
như trong hình 1.1.
Hình 1.1. Hệ thống du lịch cơ bản
Khi du lịch được tiếp cận dưới góc độ kinh tế thì hệ thống du lịch
có thể được biểu diễn như trong hình 1.2 sau đây:
Hình 1.2. Hệ thống du lịch dưới góc độ kinh tế
3
Qua các mô hình trên, có 3 yếu tố cơ bản trong hệ thống du lịch:
- Khách du lịch: Là những người có nhu cầu và thực hiện các hành
trình du lịch.
- Nhóm yếu tố thuộc về địa lý: Gồm 3 khu vực địa lý:
+ Nơi cư trú của du khách: Đây là khu vực có nhu cầu du lịch nảy
sinh nên được gọi là khu vực nguồn khách hay thị trường khách (thị
trường cầu).
+ Nơi đến du lịch: Là khu vực mà du khách được thoả mãn nhu cầu
du lịch của mình thông qua tiêu dùng các hàng hoá và dịch vụ du lịch
nên được gọi là khu vực điểm đến du lịch hay thị trường điểm đến (thị
trường cung).
+ Khu vực thuộc tuyến hành trình: Đó là những nơi đi qua, hoặc
ghé thăm trên tuyến hành trình du lịch.
- Ngành du lịch: Bao gồm tất cả các doanh nghiệp, các tổ chức và
cá nhân liên quan đến việc cung ứng hàng hoá và dịch vụ cho khách du
lịch ở cả 3 khu vực địa lý nói trên.
1.1.2. Động cơ và loại hình du lịch
1.1.2.1. Động cơ du lịch
Động cơ là sự thúc đẩy con người thực hiện hoạt động theo mục
tiêu nhất định nhằm thoả mãn các nhu cầu đặt ra. Động cơ du lịch phản
ánh những nhu cầu, mong muốn của du khách và là lý do của hành động
đi du lịch. Nhu cầu du lịch mang tính cá nhân và chủ quan nên khá phức
tạp, đa dạng, nhưng có thể phân thành ba nhóm: Nhu cầu đặc trưng, nhu
cầu cơ bản và nhu cầu bổ sung.
Động cơ du lịch cũng mang tính cá nhân và chủ quan nên rất khó
xác định. Nó được bộc lộ qua lý do đi du lịch của mỗi cá nhân. Tuy
nhiên, khách du lịch vì lý do này hay lý do khác mà không muốn hay
không thể nói ra động cơ thực sự thúc đẩy họ tham gia vào chuyến đi cụ
thể. Chính vì vậy, việc nhận thức được động cơ và bộc lộ động cơ du lịch
4
của khách có thể thuộc một trong ba trường hợp: i) Nhận thức được động
cơ và sẵn sàng bộc lộ qua lý do thật sự của chuyến đi; ii) Nhận thức được
động cơ nhưng không muốn bộc lộ hoặc bộc lộ qua những lý do không
đúng; iii) Không nhận thức được động cơ, không bộc lộ được lý do thực
sự của chuyến đi du lịch.
Xuất phát từ nhu cầu, các học giả Mỹ là McIntosh, Goeldner và
Ritchie đã nhóm các động cơ du lịch thành bốn loại:
- Động cơ thể chất: Nhóm động cơ này nhằm giảm bớt tình trạng
căng thẳng, hồi phục sức khoẻ thông qua các hoạt động thể chất như nghỉ
dưỡng, tham gia thể thao, nghỉ biển, tắm suối khoáng, giải trí thư giãn và
các động cơ khác liên quan trực tiếp tới sức khỏe.
- Động cơ tri thức: Sự khát khao của con người để được nhìn, được
trải nghiệm và được học những điều mới lạ là không có giới hạn. Với
trình độ giáo dục ngày một tăng cao, khi con người biết nhiều hơn về các
vùng, các nước, các nền văn hóa và các điểm hấp dẫn khác nhau thì càng
thôi thúc nhu cầu được đi du lịch và khám phá.
- Động cơ giao lưu: Đi du lịch nhằm gặp gỡ những con người mới,
tạo những mối quan hệ bè bạn mới; thăm lại người thân hoặc bạn bè;
thoát ly sự nhàm chán của công việc và gia đình thường ngày; hoặc để
tận hưởng sự đồng hành cùng với những người khác.
- Động cơ địa vị, uy tín: Liên quan đến nhu cầu đề cao và phát triển
cá nhân. Thông qua du lịch để nhằm thỏa mãn khát vọng được chú ý,
đánh giá, thừa nhận và kính trọng.
Những nghiên cứu gần đây về động cơ du lịch thường đề cập đến
khái niệm “đẩy và kéo”. Động cơ "đẩy" giúp giải thích tại sao con người
phát triển nhu cầu và khát vọng đi du lịch, còn động cơ "kéo" giúp giải
thích sự lựa chọn nơi đến du lịch.
1.1.2.2. Loại hình du lịch
Có thể phân chia hoạt động du lịch thành các nhóm - các loại hình
theo những tiêu thức nhằm các mục đích khác nhau, trong đó loại hình
5
du lịch biểu hiện những nét đặc trưng của một nhóm khách du lịch. Đến
nay, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều cách phân loại các hoạt động
du lịch dựa trên các tiêu thức (căn cứ) khác nhau.
a. Căn cứ vào mục đích chuyến đi
Mục đích chuyến đi là động lực thúc đẩy hoạt động nhằm thoả mãn
nhu cầu du lịch của con người. Do đó, cách phân loại này còn được gọi là
căn cứ vào động cơ hoặc căn cứ vào nhu cầu và có 10 loại hình du lịch
phổ biến theo cách phân chia này:
- Du lịch thiên nhiên (hoặc sinh thái) hấp dẫn những người thích
tận hưởng bầu không khí ngoài trời, thích thưởng thức phong cảnh đẹp
và đời sống động thực vật hoang dã.
- Du lịch văn hóa thu hút những người có mối quan tâm chủ yếu là
truyền thống lịch sử, phong tục tập quán, nền văn hóa nghệ thuật... của
điểm đến.
- Du lịch xã hội hấp dẫn những người mà đối với họ sự tiếp xúc,
giao lưu với những người khác là quan trọng nhất.
- Du lịch hoạt động thu hút du khách bằng một hoạt động được xác
định trước và thách thức phải hoàn thành trong chuyến đi, trong kỳ nghỉ
của họ.
- Du lịch giải trí nảy sinh từ nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn để phục
hồi thể lực và tinh thần cho con người.
- Du lịch thể thao thu hút những người ham mê thể thao để nâng
cao thể chất, sức khoẻ.
- Du lịch chuyên đề liên quan đến một nhóm nhỏ, ít người, đi du
lịch với cùng một mục đích chung hoặc mối quan tâm đặc biệt nào đó.
- Du lịch tôn giáo thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng đặc biệt của những
người theo các đạo phái khác nhau.
- Du lịch sức khỏe hấp dẫn những người tìm kiếm cơ hội cải thiện
điều kiện thể chất của mình.
6
- Du lịch dân tộc học đặc trưng hóa cho những người quay trở về
nơi quê cha đất tổ tìm hiểu lịch sử nguồn gốc của quê hương, dòng dõi
gia đình hoặc tìm kiếm, khôi phục các truyền thống văn hóa bản địa.
Sự phát triển nhanh chóng của du lịch hiện nay làm nảy sinh thêm
nhiều loại hình du lịch khác như: Du lịch học tập, du lịch đi công việc, du
lịch hội nghị hội thảo, du lịch thăm hỏi, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm
thực... Trong một chừng mực nhất định, những loại hình du lịch này đã
được bao hàm phần nào trong 10 loại hình phổ biến nói trên hoặc là sự
phát triển các mục đích chi tiết và cụ thể hơn từ các loại hình du lịch sẵn
có. Để đơn giản hóa và hệ thống hóa, có thể phân các loại hình du lịch
theo mục đích chuyến đi làm hai nhóm chính:
- Nhóm có mục đích du lịch thuần túy, bao gồm các loại hình
du lịch tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao (chơi, tập luyện),
khám phá.
- Nhóm có mục đích kết hợp du lịch, bao gồm các loại hình du lịch
tín ngưỡng, học tập nghiên cứu, hội họp, thể thao (thi đấu, cổ vũ), kinh
doanh, công tác, chữa bệnh, thăm thân...
b. Căn cứ vào phạm vi lãnh thổ
Căn cứ vào tiêu thức này có thể phân chia thành các loại hình du
lịch sau:
- Du lịch quốc tế liên quan đến các chuyến đi vượt ra khỏi phạm vi
lãnh thổ (biên giới) quốc gia của khách du lịch. Loại hình du lịch này
được phân chia làm hai nhóm: i) Du lịch quốc tế đến là chuyến viếng
thăm của những người từ các quốc gia khác; ii) Du lịch ra nước ngoài là
chuyến đi của cư dân trong nước đến một nước khác.
- Du lịch trong nước là chuyến đi của những cư dân chỉ trong phạm
vi quốc gia của họ.
- Du lịch nội địa bao gồm du lịch trong nước và du lịch quốc tế đến.
- Du lịch quốc gia bao gồm du lịch nội địa và du lịch ra nước ngoài.
7
c. Căn cứ vào sự tương tác của du khách đối với điểm đến du lịch
Cách phân loại này quan tâm đến sự tác động (về kinh tế, xã hội và
môi trường) của du khách đối với điểm đến du lịch thông qua một số
biến số quan trọng như: Phạm vi khách du lịch quan tâm (ảnh hưởng đến
môi trường), thời gian lưu lại và đối tượng dân cư du khách thường gặp
gỡ (và mục đích của cuộc gặp gỡ). Theo cách này, có các loại hình du
lịch sau:
- Du lịch thám hiểm: Bao gồm các nhà nghiên cứu, học giả, người
leo núi và những nhà thám hiểm đi theo nhóm với số lượng nhỏ. Loại
hình du lịch này ảnh hưởng không đáng kể tới kinh tế, văn hóa - xã hội
và môi trường của điểm đến.
- Du lịch cao cấp: Chuyến đi của tầng lớp thượng lưu đến những
nơi độc đáo để giải trí và tìm kiếm sự mới lạ. Số lượng khách của nhóm
này tương đối ít, có nhu cầu về những sản phẩm du lịch chất lượng cao
và không đàn hồi theo giá cả. Chuyến du lịch của họ có thể dẫn tới những
hoạt động đầu tư sau này có lợi cho điểm đến.
- Du lịch khác biệt: Bao gồm những khách du lịch không giàu có
như tầng lớp thượng lưu, nhưng họ thích đến những nơi xa xôi, hoang dã,
quan tâm đến những nền văn hóa sơ khai hoặc tìm kiếm những phần bổ
sung thêm (không có) trong một tour du lịch tiêu chuẩn.
- Du lịch đại chúng: Ban đầu, một dòng khách du lịch ổn định đi cá
nhân hoặc theo nhóm nhỏ đến các nơi an toàn, phổ biến, khí hậu phù
hợp. Về sau lôi kéo một lượng lớn khách du lịch tạo thành dòng chảy liên
tục tràn ngập các khu nghỉ mát nổi tiếng vào mùa du lịch. Khách du lịch
thuộc tầng lớp trung lưu, yêu cầu các tiện nghi tiêu chuẩn tại điểm đến du
lịch. Với số lượng nhiều, phạm vi du lịch rộng và nhu cầu có thể đàn hồi
theo giá cả, loại hình du lịch này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát
triển du lịch ở các nơi, các quốc gia gửi khách lẫn các quốc gia đón
khách, các điểm đến du lịch.
8
- Du lịch thuê bao: Đây là loại hình du lịch phát triển rộng rãi, thị
trường phát triển đến các tầng lớp có thu nhập trung bình và thấp nên có
dung lượng lớn. Khách du lịch thuộc loại này yêu cầu các tiện nghi tiêu
chuẩn (đặc biệt về vận chuyển và lưu trú) và nhu cầu của họ đàn hồi theo
giá cả. Với số lượng lớn, chi tiêu của du khách tạo ra nguồn thu nhập lớn
đối với các cơ sở kinh doanh và khu vực điểm đến. Tuy nhiên, loại hình
du lịch này cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực (đặc biệt đến môi trường
và xã hội) đối với điểm đến du lịch.
d. Các cách phân loại khác
Ngoài ba cách phân loại phổ biến và có ý nghĩa nói trên còn có rất
nhiều cách phân chia du lịch thành các loại hình khác nhau. Đó là:
- Căn cứ vào đặc điểm địa lý của điểm đến du lịch có du lịch biển,
du lịch núi, du lịch thành phố (đô thị), du lịch nông thôn (đồng quê, điền
dã, trang trại, miệt vườn).
- Căn cứ vào phương tiện giao thông có du lịch xe đạp và các
phương tiện thô sơ (xích lô, xe ngựa, lạc đà), du lịch xe máy, du lịch ô tô
(ô tô du lịch hoặc xe buýt đường dài), du lịch tàu hoả, du lịch tàu thủy
(bao gồm cả thuyền bè, ca nô), du lịch máy bay (bao gồm cả tàu lượn,
trực thăng, khinh khí cầu). Trong loại hình này cần chú ý, du khách có
thể có nhu cầu về dịch vụ chuyên chở hoặc thuê phương tiện.
- Căn cứ vào phương tiện lưu trú có du lịch ở khách sạn, motel, nhà
trọ, homestay, làng du lịch và bãi cắm trại.
- Căn cứ vào thời gian du lịch có du lịch dài ngày và du lịch
ngắn ngày.
- Căn cứ vào lứa tuổi có du lịch thiếu niên, du lịch thanh niên, du
lịch trung niên và du lịch cao niên.
- Căn cứ vào hình thức tổ chức du lịch có du lịch theo đoàn, du lịch
gia đình và du lịch cá nhân (du lịch “ba lô”).
- Căn cứ vào phương thức (hợp đồng) bán sản phẩm có du lịch trọn
gói và du lịch từng phần.
9
1.1.3. Điểm đến và điểm hấp dẫn du lịch
1.1.3.1. Điểm đến du lịch
Điểm đến du lịch là vị trí địa lý mà một du khách đang thực hiện
hành trình đến đó nhằm thoả mãn nhu cầu tùy theo mục đích chuyến đi
của người đó. Có thể phân biệt hai loại điểm đến: Điểm đến cuối cùng
thường là điểm xa nhất tính từ điểm xuất phát gốc của du khách và
(hoặc) là địa điểm mà người đó dự định tiêu dùng phần lớn thời gian.
Điểm đến trung gian hoặc điểm ghé thăm là địa điểm dành thời gian ngắn
hơn để nghỉ ngơi qua đêm hoặc tham quan một điểm hấp dẫn du lịch.
Hầu hết các điểm đến bao gồm một hạt nhân cùng với các yếu tố
cấu thành sau:
- Các điểm hấp dẫn du lịch;
- Giao thông, phương tiện đi lại (khả năng tiếp cận điểm đến);
- Nơi ăn nghỉ;
- Các tiện nghi và dịch vụ hỗ trợ;
- Các hoạt động bổ sung.
Các yếu tố cấu thành này cần hiện hữu đồng thời trước khi hoạt
động du lịch có thể xảy ra và cần có sự phối hợp hoàn chỉnh thể hiện
điểm đến đó hoạt động được và cung cấp được các trải nghiệm du lịch
cho khách thăm.
Các điểm đến du lịch rất đa dạng nhưng chúng thường có các đặc
điểm chung sau:
- Được thẩm định về văn hóa: Du khách thường cân nhắc một điểm
đến có hấp dẫn và đáng đầu tư thời gian, tiền bạc đến viếng thăm hay
không. Như vậy, điểm đến là kết quả của sự thẩm định về văn hóa của
khách thăm.
- Tính không tách biệt: Du lịch được tiêu thụ ở nơi mà nó được sản
xuất ra - du khách phải hiện hữu tại điểm đến để thu nhận được các trải
nghiệm du lịch.
10
- Tính đa dụng: Các tiện nghi ở điểm đến thường phục vụ cư dân
địa phương quanh năm, nhưng vào một số thời gian nhất định hoặc cả
năm lại có những người sử dụng tạm thời các tiện nghi này, đó là khách
du lịch hoặc khách tham quan.
- Tính bổ sung: Các yếu tố cấu thành điểm đến có mối quan hệ mật
thiết với nhau. Chất lượng của mỗi yếu tố cấu thành và khả năng cung
cấp dịch vụ du lịch của chúng cần có sự tương đồng, bổ sung cho nhau
một cách phù hợp.
1.1.3.2. Điểm hấp dẫn du lịch
Các điểm hấp dẫn là yếu tố cấu thành quan trọng nhất của điểm đến
du lịch nói riêng và của hệ thống du lịch nói chung. Nó là động cơ chính
cho các chuyến đi du lịch và là hạt nhân của sản phẩm du lịch. Điểm hấp
dẫn là các thực thể có khả năng quản lý và được giới hạn trong một phạm
vi nhất định. Chúng có thể tiếp cận và thúc đẩy một số lượng lớn những
người vượt qua khoảng cách không gian từ nơi ở của mình để đến tham
quan vào lúc rảnh rỗi trong một thời gian ngắn (thời gian hạn chế).
Để hiểu rõ hơn bản chất của điểm hấp dẫn du lịch, cần nắm bắt
được các đặc điểm chính của nó như sau:
- Cho phép sự tiếp cận của công chúng nhằm mục đích giải trí,
thưởng thức, tìm hiểu và giáo dục;
- Khách thăm có thể là dân cư địa phương và khách du lịch;
- Có sự quản lý và kiểm soát nhằm tạo ra sự hài lòng cho khách thăm;
- Cung cấp các tiện nghi và dịch vụ ở một mức độ phù hợp nhằm
đáp ứng nhu cầu và sở thích của khách thăm;
- Có giới hạn về không gian hoặc không có giới hạn không gian;
- Có mối quan hệ chặt chẽ với điểm đến, các tiện nghi và dịch vụ
hỗ trợ, các hoạt động bổ sung ở điểm đến du lịch.
11
Các điểm hấp dẫn có thể được phân thành bốn loại chính sau:
i) Điểm hấp dẫn gắn với các đặc điểm môi trường tự nhiên (tài
nguyên tự nhiên).
ii) Các tòa nhà, công trình và điểm xây dựng nhân tạo được thiết kế
nhằm mục đích khác như thờ cúng, tôn giáo mà không phải để thu hút
khách thăm nhưng hiện nay chúng hấp dẫn một số lượng du khách đáng
kể, sử dụng chúng như các cơ sở giải trí.
iii) Các tòa nhà, công trình và điểm xây dựng nhân tạo được thiết
kế để thu hút khách thăm và được xây dựng có chủ đích nhằm đáp ứng
nhu cầu của du khách, ví dụ như các công viên chủ đề.
iv) Các sự kiện đặc biệt.
1.1.4. Đặc điểm và các bộ phận cấu thành của ngành du lịch
1.1.4.1. Đặc điểm của ngành du lịch
Từ cách tiếp cận kinh tế, du lịch được quan niệm là một ngành
cung cấp các loại hàng hoá và dịch vụ cho du khách trong hành trình và
tại điểm đến du lịch. Mặc dù hoạt động du lịch phát triển từ khá lâu,
nhưng nhận thức và quan niệm về ngành du lịch giữa các quốc gia vẫn
còn nhiều điểm khác biệt. Hội nghị Liên hợp quốc về du lịch năm 1971
đưa ra khái niệm: Ngành du lịch có thể quan niệm rộng là đại diện cho
tập hợp các hoạt động công nghiệp và thương mại để sản xuất các hàng
hoá và dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng toàn bộ hoặc phần lớn của
khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhà kinh tế Leiper người Anh lại
quan niệm: Ngành du lịch bao gồm tất cả các công ty, các tổ chức và các
tiện nghi nhằm mục đích phục vụ các nhu cầu và mong muốn đặc biệt
của du khách. Trong khi đó, các nhà kinh tế Mỹ như McIntosh, Goeldner
và Ritchie quan niệm cụ thể hơn: Du lịch là ngành tổng hợp các yếu tố lữ
hành, khách sạn, vận chuyển và các yếu tố cấu thành khác kể cả xúc tiến
quảng bá nhằm phục vụ các nhu cầu và mong muốn đặc biệt của khách
du lịch. Ở châu Á, các nhà kinh tế Trung Quốc là Đổng Ngọc Minh và
Vương Lôi Đình quan niệm ngành du lịch hướng về nhu cầu mà không
12
hướng về cung ứng như quan niệm của các ngành sản xuất khác, do đó
ngành du lịch là một ngành công nghiệp có tính tổng hợp lấy du khách
làm đối tượng, cung cấp sản phẩm và dịch vụ cần thiết cho du khách, tạo
điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch của họ.
Các quan niệm về ngành du lịch trên đây tuy không thật giống
nhau, nhưng có hai điểm chung: Một là, ngành du lịch là một ngành dịch
vụ (hoặc ngành công nghiệp như quan niệm của một số nước) có tính
tổng hợp với nhiều yếu tố, nhiều bộ phận hợp thành; hai là, ngành du lịch
có mục đích phục vụ các nhu cầu và mong muốn đặc biệt của khách du
lịch. Chính vì tính tổng hợp của ngành du lịch nên việc xác định vị trí
của nó trong phân ngành kinh tế quốc dân không rõ ràng và không thống
nhất giữa các quốc gia.
Du lịch Việt Nam tuy mới thực sự phát triển trong thập kỷ cuối của
thế kỷ XX, nhưng Nhà nước Việt Nam đã quy định phải "có chính sách
huy động mọi nguồn lực cho phát triển du lịch để bảo đảm du lịch trở
thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước" (khoản 1, Điều 5, Luật Du
lịch năm 2017).
Để nhận thức rõ hơn về ngành du lịch, chúng ta cần hiểu và nắm
vững các đặc điểm cơ bản của du lịch với tư cách là một ngành kinh tế
trong nền kinh tế quốc dân.
a. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp
Xuất phát từ nhu cầu du lịch là nhu cầu tổng hợp về đi lại, ăn, ở,
tham quan, giải trí, mua sắm và các nhu cầu khác trong chuyến đi và tại
điểm đến du lịch. Để đáp ứng từng nhu cầu riêng lẻ trong nhu cầu du lịch
tổng hợp nói trên, đòi hỏi phải có nhiều ngành nghề khác nhau cung ứng
các hàng hoá và dịch vụ cho du khách. Trước hết, ngành du lịch bao gồm
các tổ chức và doanh nghiệp cung ứng hàng hoá và dịch vụ chủ yếu và
trực tiếp cho du khách như các công ty lữ hành, đại lý du lịch, các khách
sạn, đơn vị vận chuyển và bán hàng lưu niệm du lịch; đồng thời nó còn
bao gồm phần cung ứng cho du khách của các tổ chức và doanh nghiệp
13
khác như các nhà hàng, cửa hàng thương mại, vận chuyển công cộng,
ngân hàng, bưu điện, y tế... (các tổ chức và doanh nghiệp này có phần
cung ứng hàng hóa, dịch vụ chủ yếu cho cư dân địa phương). Chính vì
đặc điểm này làm cho sự phân biệt và nhận diện ngành du lịch một cách
độc lập trong nền kinh tế quốc dân gặp nhiều khó khăn. Nhận thức đầy
đủ đặc điểm tổng hợp của ngành du lịch có ý nghĩa rất quan trọng trong
công tác quản lý ngành và quản lý doanh nghiệp.
b. Du lịch là ngành dịch vụ
Nền kinh tế quốc dân thường được phân chia làm hai khu vực: Khu
vực sản xuất vật chất và khu vực dịch vụ (phi sản xuất vật chất). Ngành
du lịch được xếp trong khu vực thứ hai mặc dù trong ngành vẫn tồn tại
một bộ phận sản xuất ra các sản phẩm hữu hình (như sản phẩm ăn uống,
hàng lưu niệm...) nhưng doanh thu từ bộ phận này chiếm tỷ trọng nhỏ
trong tổng thu nhập từ du lịch. Nhận thức đầy đủ các đặc điểm của dịch
vụ và các ứng xử thích hợp trong kinh doanh dịch vụ là những vấn đề cơ
bản đặt ra trong ngành và các doanh nghiệp du lịch.
c. Du lịch là ngành kinh tế phát triển nhanh
Du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế (ngành công nghiệp)
lớn ở các nước phát triển trong thế kỷ XX. Đối với một số quốc gia, du
lịch thường chiếm một trong ba vị trí các ngành kinh tế hàng đầu, chủ
yếu của quốc gia đó. Sự phát triển nhanh (có thể là nhanh nhất) của
ngành du lịch trên phạm vi toàn thế giới thể hiện thông qua sự phát triển
của số lượng người đi du lịch qua các năm và sự đóng góp của du lịch
trong toàn bộ nền kinh tế thế giới. Ví dụ năm 2017, lượng khách đi du
lịch trên thế giới lên tới 1.323 triệu lượt (tăng khoảng 7%), thu nhập du
lịch quốc tế là 8.272,3 tỷ USD và du lịch thu hút hơn 9,9% tổng số lao
động toàn cầu (313.221.000 việc làm)
1
. Ở nước ta, du lịch cũng phát triển
nhanh chóng trong những năm gần đây thể hiện qua Bảng 1.1.
1
Nguồn: Theo WTTC, Travel & Tourism Economic Impact 2018 World.
14
Bảng 1.1. Sự phát triển của du lịch Việt Nam giai đoạn 2010-2018
2010
2011
2012
2013
2014
2015
2016
2017
2018
Khách
quốc tế
(Nghìn
người)
5.049
6.014
6.847
7.572
7.874
7.943
10.012
12.922
15.600
Khách
nội địa
(Nghìn
người)
28.000
30.000
32.500
35.000
38.500
57.000
62.000
73.200
80.000
Thu nhập
từ du lịch
(Tỷ đồng)
96.000
130.000
160.000
200.000
230.000
337.830
400.000
510.900
620.000
Nguồn: www.vietnamtourism.com và báo cáo tổng kết hàng năm của Tổng cục Du lịch
d. Du lịch là ngành kinh doanh có tính thời vụ
Mặc dù một số lĩnh vực kinh doanh trong ngành du lịch có thể phục
vụ 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần và 365 ngày một năm như khách
sạn, ăn uống, nhưng hoạt động du lịch nói chung vẫn mang tính chất thời
vụ do đặc điểm thời vụ của cung, cầu và một số yếu tố ảnh hưởng khác.
Đặc điểm thời vụ này làm cho chính phủ các quốc gia và các doanh nhân
phải cân nhắc một cách thận trọng trong phát triển ngành cũng như các
doanh nghiệp.
đ. Du lịch là "ngành công nghiệp không biên giới"
Bản chất của hoạt động du lịch là sự di chuyển ra khỏi phạm vi
ranh giới địa phương hoặc biên giới quốc gia, mặt khác xu thế toàn cầu
hoá đã tác động mạnh mẽ đến tính chất quốc tế hoá của ngành du lịch
trên cả phương diện cung và cầu du lịch. Tính chất "hướng ngoại" của
hoạt động du lịch và kinh doanh du lịch có tác động mạnh mẽ đến nền
kinh tế của một quốc gia thông qua các dòng ngoại tệ chảy vào hay chảy
ra và ảnh hưởng đến cán cân thương mại quốc tế của quốc gia đó.
15
e. Các đặc điểm khác
Xuất phát từ trình độ phát triển kinh tế nói chung và phát triển du
lịch nói riêng mà mỗi quốc gia có những nhận định khác nhau về đặc
điểm của ngành du lịch ngoài các đặc điểm chung đề cập ở trên. Các đặc
điểm này có thể là:
- Ngành có vốn đầu tư ban đầu chủ yếu vào cơ sở hạ tầng;
- Ngành sử dụng nhiều lao động trực tiếp;
- Ngành công nghiệp không tập trung và có khả năng làm đa dạng
hoá nền kinh tế khu vực;
- Ngành tập trung nhiều doanh nhiệp vừa và nhỏ với nhiều hình
thức sở hữu khác nhau;
- Ngành thu lợi trực tiếp từ việc bảo vệ và duy trì các giá trị của
môi trường tự nhiên và nhân văn;
- Ngành có tính nhạy cảm với sự thay đổi của các yếu tố môi trường
như: Kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, pháp lý, công nghệ, tự nhiên...
- Ngành có sự phụ thuộc vào tài nguyên du lịch, trình độ phát triển
kinh tế của các quốc gia nguồn khách và quốc gia điểm đến và các
ngành, các lĩnh vực có liên quan khác.
1.1.4.2. Các bộ phận cấu thành của ngành du lịch
a. Vận chuyển du lịch
Du lịch gắn với sự di chuyển không gian, do đó lĩnh vực vận
chuyển là một trong các bộ phận cấu thành đầu tiên và quan trọng nhất
của ngành. Đến nay, có nhiều loại phương tiện được sử dụng trong vận
chuyển du lịch, nhưng trên phạm vi toàn thế giới, có hai loại phương tiện
phổ biến nhất là vận chuyển bằng ô tô và vận chuyển bằng máy bay (xem
bảng 1.2
2
). Trong lịch sử phát triển du lịch, sự ra đời và phát triển của ô
tô và máy bay là hai trong những dấu mốc quan trọng nhất.
2
Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman,
Melbourne.
16
Bảng 1.2. Loại phương tiện vận chuyển du khách
sử dụng ở một số quốc gia (%)
Quốc gia
Du lịch quốc tế
Du lịch nội địa
Máy bay
Ô tô
Loại khác
Máy bay
Ô tô
Loại khác
Mỹ
58
38
4
18
77
5
Nhật
99
0
1
4
57
39
Anh
51
26
23
2
80
18
Ô tô là một trong các phương tiện vận chuyển đường bộ phổ biến
và đa dạng nhất, thích hợp với khoảng cách ngắn, do đó hầu hết được sử
dụng trong du lịch nội địa. Chúng bao gồm nhiều chủng loại và kích cỡ
của các công ty vận chuyển, công ty du lịch cung cấp dịch vụ chuyên chở
hoặc cho thuê phương tiện; ngoài ra, ở nhiều nước chúng còn bao gồm cả
số lượng ô tô riêng trong các hộ gia đình. Các công ty trên thường cung
cấp các chương trình (tour) du lịch tham quan, giải trí bằng xe buýt một
cách thường xuyên như tham quan thành phố hoặc đến các điểm hấp dẫn
trong các chương trình du lịch ngắn ngày.
Vận chuyển hàng không (máy bay) thường thích hợp với quãng
đường dài và được sử dụng phổ biến trong du lịch quốc tế. Bên cạnh
những ưu điểm như rút ngắn thời gian vận chuyển, đến được những điểm
du lịch xa, tiện lợi và thoải mái trong chuyến đi thì những vấn đề như chi
phí cao, độ an toàn là những điểm đáng cân nhắc. Ở các nước phát triển,
các hãng hàng không quốc gia thường là những tập đoàn hoặc công ty
lớn hoạt động mang tính chất thương mại với mục tiêu tối đa hoá doanh
thu và lợi nhuận. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, các hãng
hàng không quốc gia chịu sự kiểm soát một phần hoặc hoàn toàn của
chính phủ. Do vậy, mục tiêu lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố
như mục tiêu xã hội hoặc chính trị của quốc gia đó. Theo Bull - nhà kinh
tế Úc, trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh, sự phát triển của vận
17
chuyển hàng không (cũng như đối với các hình thức vận chuyển khác) sẽ
diễn ra theo tiến trình: sở hữu nhà nước - thiết lập quy chế - xác định lại
mục tiêu - nới lỏng hoặc bãi bỏ quy chế (tự do hoá hoặc tư nhân hoá) -
cạnh tranh.
Vận chuyển bằng đường thuỷ trong du lịch nói chung ít quan trọng
hơn so với hai hình thức trên ngoại trừ tàu biển du lịch (du thuyền) vừa là
phương tiện giao thông nhưng đồng thời là một loại hình du lịch cao cấp
hiện nay. Tuy nhiên, tầm quan trọng của hình thức vận chuyển này trong
du lịch còn tuỳ thuộc vào vị trí và đặc điểm tự nhiên của mỗi quốc gia; ví
dụ các quốc đảo, hoặc các nước có bờ biển dài, có hệ thống sông hồ lớn
thì vận chuyển du lịch bằng đường thuỷ trở thành một trong các hình
thức chủ yếu.
Vận chuyển bằng đường sắt cũng là một phương tiện phổ biến ở
nhiều nước và được sử dụng nhiều trong chuyên chở khách du lịch. Hầu
hết các công ty đường sắt là những nhà cung cấp độc quyền trong một
khu vực hoặc một quốc gia nhưng phải cạnh tranh với các loại phương
tiện vận chuyển du lịch khác. Vận chuyển bằng tàu hoả ngày càng trở
nên quan trọng đối với du lịch ở châu Âu, du lịch nội địa của Trung
Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Nói chung, vận tải đường sắt nhằm đáp
ứng nhu cầu của nền kinh tế quốc dân và của dân cư. Phần vận chuyển
du lịch chỉ có thể tách ra được là các toa (hoặc số chỗ ngồi) được thuê
bao cho các chương trình du lịch trọn gói và các chuyến tàu hoả du lịch
đặc biệt được xem như là một loại hình hoặc một sản phẩm du lịch.
b. Lưu trú và ăn uống
Lĩnh vực lưu trú và ăn uống nói chung được phân hoá và đa dạng
nhiều hơn so với các lĩnh vực khác trong ngành du lịch. Trước hết, các
dịch vụ này phải "cạnh tranh" với việc ăn nghỉ tại nhà người thân hoặc
bạn bè của du khách mà phần này chiếm khoảng 30 - 50% trong tổng số
ngày lưu trú của khách du lịch (bao gồm cả khách đi công việc). Thứ hai,
loại sản phẩm cung ứng rất đa dạng từ các bãi cắm trại hầu như không có
18
dịch vụ kèm theo đến những khách sạn sang trọng, từ các món ăn bình
dân đến các loại tiệc cao cấp. Sự khác biệt của sản phẩm cung ứng còn
do tính đặc thù của địa phương tạo ra. Thứ ba, các doanh nghiệp cung
ứng có phạm vi rộng từ những cơ sở thuộc sở hữu nhà nước đến các hộ
tư nhân và các công ty đa quốc gia mà mỗi loại hình doanh nghiệp này có
mục tiêu và chính sách kinh doanh khác nhau.
Nói chung, "sản phẩm lưu trú" được cấu thành bởi ba nhóm yếu tố
như trong hình 1.3.
Hình 1.3. Các bộ phận cấu thành của dịch vụ lưu trú
Cạnh tranh trong lĩnh vực lưu trú và ăn uống tuỳ thuộc vào khu vực
địa lý của thị trường mà một cơ sở có thể đáp ứng. Hầu hết dịch vụ lưu
trú và ăn uống được cung cấp trong phạm vi thị trường nội địa và có tính
địa phương. Trong trường hợp này, giới hạn cạnh tranh ở các bộ phận
cấu thành của dịch vụ lưu trú sẽ tuỳ thuộc vào quy mô (kích cỡ) của thị
trường và giá cả dịch vụ phải phù hợp với các điều kiện địa phương. Khi
cung cấp dịch vụ lưu trú cho thị trường quốc tế thì các nhà cung ứng phải
cạnh tranh với các nhà cung ứng lớn và có hiệu quả ở các nước khác, để
phục vụ khách hàng có mô hình cầu rất khác nhau.
19
c. Điểm hấp dẫn và dịch vụ bổ sung
Giống như lĩnh vực lưu trú, việc cung ứng các điểm hấp dẫn và
dịch vụ bổ sung cũng có sự phân hoá cao và rất đa dạng. Nhưng khác với
bộ phận lưu trú và vận chuyển, các sản phẩm cung ứng này thường có xu
hướng dành cho từng thị trường du khách riêng biệt và các nhà cung ứng
được xác định hoàn toàn thuộc về ngành du lịch.
Có bốn loại điểm hấp dẫn, tuy nhiên trong mỗi loại có sự đa dạng
và ranh giới giữa các loại điểm hấp dẫn này thường không rõ ràng nên
khó xác định một lĩnh vực riêng biệt kinh doanh điểm hấp dẫn trong
ngành du lịch như các lĩnh vực kinh doanh lưu trú hoặc lữ hành.
Đối với các dịch vụ bổ sung có thể còn khó xác định hơn vì chúng
liên quan chặt chẽ với nhu cầu du lịch ở cả khu vực nguồn khách và khu
vực điểm đến. Ví dụ về một số dịch vụ du lịch bổ sung ở hai khu vực như
trong bảng 1.3
3
.
Bảng 1.3. Các dịch vụ du lịch bổ sung
Dịch vụ cho khách du lịch
Dịch vụ cho nhà cung ứng
Ở khu vực
nguồn khách
Bảo hiểm du lịch
Tài chính du lịch
Thị thực và hộ chiếu
Thông tin của văn phòng
du lịch quốc gia
Ấn phẩm quảng cáo thương mại
Sách hướng dẫn và thời gian biểu
Hệ thống đăng ký qua mạng
Phân phối sách hướng dẫn du lịch
Ở khu vực
điểm đến du lịch
Hướng dẫn tour
Ngân hàng
Y tế
Thông tin về địa phương
Hỗ trợ của cơ quan quản lý
nhà nước về du lịch
Đào tạo du lịch
Hỗ trợ marketing
Hỗ trợ đặc biệt
3
Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman,
Melbourne.
20
Mức độ phức tạp của các hoạt động này tuỳ thuộc vào bản chất của
từng thị trường khu vực hoặc quốc gia. Hầu hết các văn phòng du lịch
quốc gia ở nước ngoài và các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong
nước (trung ương hoặc địa phương) ngoài chức năng quản lý nhà nước
về du lịch còn thực hiện hoạt động cung cấp các dịch vụ trong một phạm
vi nhất định nhằm tối đa hoá lượng khách du lịch cho quốc gia hoặc địa
phương mình.
d. Các doanh nghiệp trung gian (môi giới)
Bộ phận cuối cùng của ngành du lịch bao gồm các doanh nghiệp
trung gian (môi giới) - những người tổ chức, sắp xếp và phân phối các
sản phẩm du lịch. Đó là các hãng đại lý du lịch và các công ty lữ hành
(hãng điều hành tour).
Thông thường, đại lý du lịch là các đại lý bán - cung ứng dịch vụ
bán cho người uỷ thác là các nhà cung ứng vận chuyển, lưu trú... Mặt
khác, đại lý cũng có thể cung ứng dịch vụ lựa chọn nhà cung ứng cho
những người dự định đi du lịch. Do đó, những người này nên được coi là
những người môi giới (trung gian) hơn là người làm đại lý bởi vì họ làm
cầu nối cho cung và cầu trên thị trường lại với nhau. Hầu như toàn bộ thu
nhập của đại lý nhận được là khoản hoa hồng do các nhà uỷ thác trả trên
mức giá (hoặc doanh thu) của dịch vụ bán được.
Tại một số quốc gia nguồn khách chính, các hãng đại lý du lịch
hoạt động trong tình trạng cạnh tranh mạnh mẽ vì có rất nhiều hãng đại
lý (ví dụ, khoảng 2.500 hãng ở Mỹ, mỗi nước Anh và Đức có khoảng
5.000 hãng) đang cung cấp các dịch vụ rất giống nhau, còn các lợi thế
khác biệt về cơ bản chỉ là vị trí hoặc các kỹ năng bán.
Các công ty lữ hành (điều hành tour hoặc nhà bán buôn tour) thực
sự là những nhà sản xuất một loại sản phẩm du lịch đặc biệt. Sản phẩm
chương trình trọn gói bao gồm một hoặc nhiều dịch vụ du lịch "được
đóng gói" để bán cho khách du lịch. Các công ty lữ hành là nhà uỷ thác
và người mua các sản phẩm của họ là khách du lịch. Điểm chung trong
các công ty lữ hành là họ có thể cung cấp sản phẩm du lịch một cách
21
hoàn hảo cho bất kỳ ai có nhu cầu đi du lịch. Các công ty lữ hành có
nhiều hình thức hoạt động kinh doanh khác nhau như:
- Các công ty ở khu vực nguồn khách cung ứng các chương trình
trọn gói bằng hàng không với các chuyến bay thuê bao hoặc thường kỳ.
- Các công ty cung ứng các chương trình trọn gói mở rộng bằng xe
buýt hoặc các chương trình khác bằng đường bộ hay đường biển.
- Các công ty chỉ tập trung hoạt động như một cơ sở bán buôn cho
các tập đoàn khách sạn hoặc cho thuê phương tiện vận chuyển...
- Các công ty điều hành hoạt động tham quan ở điểm đến và thường
là các đại lý làm đại diện cho các công ty du lịch nước ngoài ở điểm đến.
Mục tiêu của các công ty lữ hành có thể khác nhau, đó là tối đa hoá
lợi nhuận hoặc chỉ để hỗ trợ nhằm gia tăng số du khách hoặc tạo ra sự
chuyển quyền sở hữu cho công ty lữ hành đối với một doanh nghiệp bị
thua lỗ, ví dụ như đối với một hãng vận chuyển du lịch.
1.2. VAI TRÒ CỦA DU LỊCH TRONG NỀN KINH TẾ
QUỐC DÂN
1.2.1. Vai trò trong tổng sản phẩm trong nước (GDP)
1.2.1.1. Sự đóng góp của du lịch trong tổng sản phẩm trong nước
Ở nhiều quốc gia, du lịch được coi là một ngành vừa sử dụng các
nguồn tài nguyên của quốc gia vừa tác động đến sự phát triển của quốc
gia đó. Vì vậy, du lịch được nhìn nhận như là một chủ thể của các chính
sách kinh tế vĩ mô. Du lịch thường liên quan nhiều đến các chính sách về
việc làm hoặc cán cân thanh toán mà những vấn đề này có ý nghĩa rất
quan trọng trong quản lý kinh tế vĩ mô hiện đại.
Quy mô và giá trị của nền kinh tế quốc dân thường được biểu hiện
bằng tổng giá trị của tất cả hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất
ra trong phạm vi lãnh thổ quốc gia trong một thời kỳ nhất định - trong
một năm. Đó chính là tổng sản phẩm trong nước (GDP) của một quốc
22
gia. Hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra để tiêu dùng (C) và để đầu tư
(I) nhằm hình thành nên vốn cố định tiếp tục sản xuất các hàng hoá và
dịch vụ khác (tái sản xuất mở rộng). Đây là hai yếu tố chủ yếu nhất
của GDP.
Do đó, có thể xác định một cách đơn giản là GDP = C + I với giả
thiết nền kinh tế đóng, nền kinh tế không có hoạt động thương mại với
bên ngoài. Giả thiết trên không phù hợp với thực tế của hầu hết các quốc
gia trên thế giới, vì vậy, trong thời kỳ xác định GDP phải bao gồm giá trị
của tất cả hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu (X) đồng thời khấu trừ giá trị của
tất cả hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu (M). Khi đó, ta có GDP = C + I + X - M.
Thống kê ở nhiều quốc gia lại sử dụng tổng sản phẩm quốc dân
(GNP) hoặc thu nhập quốc dân (NI) để đo lường chi tiết hơn sự phát triển
của nền kinh tế. Mặc dù có thể sử dụng nhiều chỉ tiêu khác nhau như vậy,
nhưng hầu hết các quốc gia sử dụng GDP làm chỉ tiêu cơ bản đo lường
nền kinh tế quốc dân.
Ngành du lịch có thể tham gia và đóng góp vào tất cả các khía cạnh
của GDP. Thứ nhất, hầu hết các chi tiêu của du khách được coi như là
tiêu dùng (C) đối với du lịch trong nước và đối với các yếu tố dịch vụ
trong nước cung cấp cho các chuyến đi du lịch ra nước ngoài. Thứ hai,
chi tiêu của các doanh nghiệp về xây dựng, mua sắm nhà cửa và các
trang thiết bị... để cung ứng các dịch vụ du lịch là một phần của đầu tư
(I), trong đó bộ phận lớn hơn cả là khoản đầu tư của chính phủ để phát
triển cơ sở hạ tầng. Thứ ba, một du khách trong nước đi du lịch nước
ngoài sử dụng các hàng hoá và dịch vụ do các doanh nghiệp nước ngoài
cung cấp, hiểu theo một cách nào đấy thì điều này tương tự như "nhập
khẩu" các hàng hoá và dịch vụ đó. Khoản chi tiêu này tạo sự rò rỉ của
tiền tệ (thu nhập) ra khỏi nền kinh tế quốc dân. Cuối cùng là tình huống
ngược lại, khách du lịch quốc tế sử dụng các hàng hoá và dịch vụ do các
doanh nghiệp trong nước cung cấp thì điều này được hiểu tương tự như
"xuất khẩu" các hàng hoá và dịch vụ đó.
23
1.2.1.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự đóng góp của du lịch
trong GDP
Mỗi quốc gia thường có những đánh giá khác nhau về sự đóng góp
và vai trò của du lịch đối với nền kinh tế quốc dân. Nguyên nhân là do
một số nhân tố ảnh hưởng đến du lịch: Có những nhân tố thuộc về phía
cầu (sự ổn định và phát triển của cầu du lịch nội địa và cầu du lịch quốc
tế đến địa phương và quốc gia phần nào quyết định tầm quan trọng của
du lịch), nhưng khả năng phát triển của ngành du lịch nhằm thoả mãn
nhu cầu và cầu du lịch trong nền kinh tế lại phụ thuộc nhiều và thường
xuyên hơn vào các nhân tố thuộc về phía cung. Trên phương diện này, du
lịch cũng giống như tất cả các ngành kinh tế khác trong nền kinh tế
quốc dân.
Thông thường có 5 nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến vai trò của du
lịch trong GDP. Mỗi nhân tố có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du
lịch trong mối quan hệ với các ngành kinh tế khác hoặc ảnh hưởng đến
toàn bộ nền kinh tế nói chung mà trong đó có ngành du lịch.
a. Nguồn tài nguyên
Hoạt động kinh tế phụ thuộc trước hết và quan trọng nhất vào dự
trữ các nguồn tài nguyên sẵn có để sử dụng như các nhân tố sản xuất.
Những nguồn tài nguyên này bao gồm đất đai, lao động, vốn và doanh
nghiệp. Tài nguyên du lịch (tài nguyên tự nhiên) là yếu tố chủ yếu nhất
quyết định sự phát triển của ngành du lịch ở bất kỳ một quốc gia nào.
Ngành du lịch có một số yêu cầu đặc biệt về các tài nguyên nhất định
liên quan đến đất đai và các đặc tính của nó như sự độc đáo hoặc tính
chất sở hữu. Những đặc tính này tác động đến quyết định cuối cùng của
nền kinh tế là sẽ dành các tài nguyên đó cho ngành du lịch.
Ngoài nhân tố đất đai và các đặc tính của đất đai, hầu hết hoạt động
du lịch hiện đại còn cần đến một số yếu tố khác như sự sẵn có của lực
lượng lao động có kỹ năng. Trong khi nhiều lĩnh vực kinh doanh trong
ngành du lịch có thể không đòi hỏi lao động có mức độ cao về các kỹ
năng hoặc phẩm chất truyền thống, nhưng sự sẵn có hoặc thiếu hụt lực
24
lượng lao động với thái độ tích cực đối với du lịch và du khách là một
vấn đề có tầm quan trọng căn bản. Tương tự như vậy, nền kinh tế sẵn
sàng và có khả năng cung cấp vốn đầu tư cho ngành du lịch dưới dạng cơ
sở hạ tầng, hệ thống khách sạn, giao thông vận tải... sẽ ảnh hưởng đến
quy mô phát triển của ngành.
b. Tình trạng kỹ thuật và công nghệ
Nhiều nước kém phát triển cho rằng du lịch là một ngành dễ phát
triển vì so với nhiều ngành khác du lịch chỉ cần công nghệ thấp và có thể
làm chủ dễ dàng các kỹ thuật. Nhưng khi du lịch phát triển rộng khắp thế
giới và trở nên phức tạp hơn, đóng góp vào GDP nhiều hơn thì du lịch có
xu hướng phối hợp với các công nghệ cao. Khi các đầu vào áp dụng kỹ
thuật cao sẽ làm tăng năng suất lao động của ngành và vì vậy làm tăng sự
đóng góp của du lịch vào GDP.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại hoạt động du lịch với công nghệ thấp, đặc
biệt với những phân khúc thị trường mà du khách có nhu cầu tìm đến
cuộc sống tự nhiên hoặc hoang sơ (ví dụ du lịch sinh thái) nhưng trình độ
phát triển của các nước nguồn khách đảm bảo rằng khoản thu hồi của
ngành du lịch sẽ đạt mức cao ở những nơi có sự hỗ trợ của kiến thức và
áp dụng kỹ thuật cao.
c. Sự ổn định chính trị và xã hội
Các nhân tố phi kinh tế, đặc biệt các nhân tố chính trị và văn hoá
được các nhà kinh tế nhìn nhận là rất quan trọng, ảnh hưởng đến khả
năng và sự phát triển của các ngành trong một nền kinh tế. Đối với du
lịch đây là một nhân tố đặc biệt quan trọng. Vì những người tiêu dùng du
lịch phải đến tận "nhà máy" để mua sản phẩm, nên các điều kiện chính trị
và xã hội ở "nhà máy" đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chấp nhận
sản phẩm và do đó ảnh hưởng đến sự thành công của ngành du lịch.
Chúng ta có thể vẫn mua hàng hoá được nhập khẩu từ một quốc gia đang
có tình hình chính trị không ổn định, nhưng mong muốn đến thăm quốc
gia đó là điều sẽ không thể xảy ra.
25
Trong thực tế, sự ổn định chính trị và xã hội được một số nhà
nghiên cứu coi như là một đặc điểm của sản phẩm du lịch ảnh hưởng trực
tiếp đến cầu của nhiều phân khúc thị trường du lịch. Khi các điều kiện
kinh tế, chính trị và xã hội của một điểm đến du lịch biến động lớn hơn
khả năng dự trữ nguồn tài nguyên thì chúng có thể là nguyên nhân làm
vai trò và sự đóng góp của ngành du lịch trong GDP không ổn định.
d. Tâm lý xã hội
Một nhân tố phi kinh tế ảnh hưởng chủ yếu khác là tâm lý xã hội
của cả người cung ứng và người tiêu dùng du lịch.
Thứ nhất, thái độ của người dân nước chủ nhà đối với khách du
lịch, đặc biệt những người lao động trong ngành là một khía cạnh quan
trọng của sản phẩm du lịch và sự ảnh hưởng của nó có bản chất tương tự
như sự ổn định chính trị và xã hội. Một khách hàng mua một đôi giày có
thể rất ít quan tâm đến đạo đức, thái độ và động cơ của những người
công nhân làm ra chúng trong nhà máy, nhưng một người khách du lịch
sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thái độ của những người cung cấp dịch vụ
du lịch.
Thứ hai, về phía cầu, tập quán tiêu dùng du lịch là một nhân tố
quan trọng. Chẳng hạn, có hai thị trường nguồn khách có thu nhập tương
tự, các điều kiện khác như nhau nhưng lại có thể khác nhau về xu hướng
lữ hành. Nguyên nhân có thể do sự khác nhau về các giá trị truyền thống
và văn hoá, thái độ, hoặc chất lượng của bầu không khí và môi trường
vật chất xung quanh các gia đình. Xu hướng lữ hành sẽ ảnh hưởng đến
du lịch nội địa và ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành ở bất kỳ một
điểm đến du lịch nào có sự liên kết chặt chẽ với khu vực nguồn khách.
đ. Đầu tư
Các quốc gia có nguồn dự trữ tài nguyên dồi dào và sẵn có để sử
dụng cho du lịch mới tạo tiền đề để phát triển ngành, còn mức độ đầu tư
và sự hình thành vốn cố định của nền kinh tế sẽ có vai trò quan trọng hơn
nhiều. Ví dụ, so sánh với ngành công nghiệp nặng, du lịch không cần đầu
26
tư nhiều vào nhà xưởng và trang thiết bị trên một đơn vị đầu ra, chỉ có
một số lĩnh vực kinh doanh của ngành có yêu cầu nhiều hơn về sự hình
thành vốn cố định đó là vận chuyển hành khách và lưu trú.
Một số đầu tư nhằm thay thế khả năng suy giảm, như thay thế máy
bay cũ hoặc nội thất cũ trong khách sạn. Tuy nhiên, du lịch là ngành vừa
chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của xu hướng mốt và vừa phải tổ chức cho
khách hàng tiêu dùng ngay tại "nhà máy" của mình nên phải đầu tư một
cách chắc chắn vào các phương tiện mới và đầu tư mở rộng, coi đó như
một phần trong chiến lược cạnh tranh của ngành. Khả năng và nguồn
cung cấp tài chính sẵn sàng cho những đầu tư nói trên của một nền kinh
tế sẽ ảnh hưởng đến vai trò của ngành du lịch trong nền kinh tế đó. Các
khả năng và nguồn tài chính này lại phụ thuộc vào các mô hình tiết
kiệm, bản chất của các thị trường tài chính, các tỷ lệ thu hồi đầu tư
hiện tại trong ngành du lịch so sánh với các ngành khác và sự hỗ trợ
của chính phủ.
1.2.1.3. Đo lường sự đóng góp của du lịch trong GDP
a. Một số khó khăn khi đo lường
Đánh giá sự đóng góp của một ngành đối với nền kinh tế quốc dân
luôn luôn là một vấn đề phức tạp. Đánh giá sự đóng góp của một ngành
dịch vụ thậm chí còn phức tạp hơn ngành sản xuất hàng hoá vì bản chất
vô hình của sản phẩm dịch vụ. Đối với du lịch việc đánh giá lại còn đặc
biệt khó khăn hơn nữa vì sự khó phân định các khái niệm dịch vụ trong
ngành này. Đây là một thực tế đối với cả những nơi có các số liệu thống
kê đáng tin cậy của chính phủ hoặc của các hiệp hội trong ngành.
Tuy khó khăn như vậy, nhưng hầu hết các quốc gia vẫn cố gắng tìm
cách đánh giá sự đóng góp của ngành du lịch nhằm mục đích so sánh và
quy hoạch phát triển. Những đóng góp này là sự tổng hợp các giao dịch
thương mại của cá nhân và tổ chức trong hoạt động du lịch. Nhờ đó, có
thể đáp ứng yêu cầu so sánh một cách tương đối với các ngành hoặc các
quốc gia khác. Tuy nhiên, khó có thể xác định chính xác "giá trị thực"
của ngành bởi vì không thể tính toán hết được các khoản làm tăng hoặc
27
giảm thu nhập từ du lịch, trong đó có những khoản quan trọng và đáng
chú ý như: Các dịch vụ không thanh toán, dịch vụ không khai báo, các
chi phí ảo, hàng hóa công cộng...
b. Các phương pháp đo lường
Đo lường thường là một vấn đề khó khăn trong phân tích sự đóng
góp của du lịch vào GDP. Nếu không tính đến nền kinh tế ngầm, thì tổng
giá trị đầu ra (ví dụ của ngành nông nghiệp) được xác định tương đối dễ
dàng. Tuy nhiên, các dịch vụ du lịch được bán trực tiếp cho hàng nghìn
hoặc hàng triệu cá nhân mà ngay chính bản thân họ cũng không thể xác
định được khi nào mình là khách du lịch. Các dịch vụ và hàng hoá có thể
được bán ở nhiều mức giá khác nhau và có thể được theo dõi, ghi chép
lại không chính xác. Ngoài ra, mỗi quốc gia lại sử dụng các phương pháp
khác nhau để đo lường giá trị của các chi tiêu (hoặc thu nhập) từ du lịch.
Các nhà phân tích kinh tế du lịch đã xác định một số phương pháp
đo lường cơ bản và chủ yếu sau đây:
- Theo dõi trực tiếp chi tiêu của du khách: Một cách lý tưởng là
theo chân tất cả du khách ở khắp mọi nơi và ghi chép các chi tiêu của họ.
Kết quả ghi chép này sẽ cung cấp chính xác sự đóng góp của du lịch
trong GDP từ cách tiếp cận tiêu dùng. Điều này rõ ràng không thể làm
được và thậm chí cũng rất khó thực hiện khi áp dụng cho một mẫu du
khách. Phương án có tính khả thi hơn là chọn mẫu một nhóm du khách
và sử dụng nhật ký chi tiêu của họ để theo dõi mức chi tiêu của từng
người trong nhóm, sau đó nhân kết quả mức chi tiêu bình quân thu được
từ mẫu với tổng số du khách.
- Theo dõi qua doanh thu của doanh nghiệp du lịch: Cách tiếp cận
này xuất phát từ việc tập hợp tất cả doanh số bán của các doanh nghiệp
du lịch. Thông tin này lấy từ cơ quan thuế hoặc cơ quan quản lý ngành và
có thể dễ dàng hơn so với việc theo dõi trực tiếp tại các điểm bán. Tuy
nhiên, cần lưu ý rằng trong khi doanh thu của các doanh nghiệp lữ hành
hoặc vận chuyển du lịch tương đối chính xác, thì doanh thu của các
doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí và cả lưu trú sẽ kém
28
chính xác hơn bởi vì các nhà cung ứng này không thể phân biệt hoàn
toàn giữa doanh số bán cho du khách với cho các đối tượng không phải
là du khách. Ngoài ra, còn có các hiện tượng giấu doanh thu hoặc để
ngoài sổ sách, hoá đơn trong các doanh nghiệp du lịch.
- Điều tra du khách: Điều tra chọn mẫu du khách trên các tuyến
hành trình hoặc tại các điểm đến du lịch là phương pháp được sử dụng
rộng rãi trong phân tích và đánh giá vai trò của du lịch. Kết quả điều tra
có thể tương đối tin cậy tuỳ thuộc vào mẫu lựa chọn, trừ trường hợp một
số đối tượng điều tra không thích việc phải nhớ lại và khai báo những dự
định chưa hoàn thành (điều tra tiến hành khi một du khách chưa kết thúc
chuyến đi). Đối với các quốc gia điểm đến thì phương pháp điều tra tại
cửa khẩu hoặc điều tra tại "cửa ngõ" của một điểm đến du lịch đều phù
hợp. Phương pháp này được sử dụng phổ biến nhất để điều tra du khách
quốc tế tại các cửa khẩu thông qua các dữ liệu xuất, nhập cảnh. Từ kết
quả điều tra có thể dễ dàng xác định được tổng chi tiêu của khách quốc tế
tại một điểm đến du lịch. Tuy nhiên, đối với khách nội địa thì phương
pháp này kém chính xác hơn và kết quả cũng chỉ có tính chất ước tính.
- Điều tra hộ gia đình: Có thể ước tính mức chi tiêu du lịch tại khu
vực nguồn khách bằng cách điều tra hộ gia đình, trong đó chi tiêu của hộ
gia đình nói chung được tách riêng phần chi tiêu dành cho du lịch. Kết
hợp với sự phân tích khoản chi phí du lịch đi công việc của các doanh
nghiệp trong thủ tục hoàn thuế, những số liệu này có thể cung cấp một
bức tranh hợp lý và đáng tin cậy về chi tiêu cho hoạt động du lịch của
quốc gia nguồn khách.
- Điều tra qua ngân hàng: Trong những phạm vi nhất định, có thể
sử dụng một số phương pháp khác có thể đo lường giá trị của du lịch.
Hầu hết khách đi du lịch trong nước hoặc quốc tế hiện nay thường sử
dụng thẻ tín dụng, thẻ thanh toán hoặc thanh toán qua mạng các dịch vụ
du lịch. Điều tra qua các ngân hàng sẽ cho các số liệu tin cậy về chi tiêu
của khách du lịch. Trường hợp khác, đối với một số quốc gia có sự kiểm
soát chặt chẽ ngoại tệ và tất cả du khách nước ngoài đến đều phải chi tiêu
29
bằng tiền tệ của quốc gia đó thì tổng giá trị ngoại tệ trao đổi của các cá
nhân qua ngân hàng hoặc các cơ sở thu đổi ngoại tệ hợp pháp sẽ cung
cấp tổng chi tiêu (ước tính) của khách du lịch quốc tế.
Trong thực tế, các nhà phân tích thường kết hợp các phương pháp
trên, đồng thời còn có thể xây dựng các loại mô hình mô phỏng khác
nhau. Với bất kỳ một phương pháp đo lường nào ở trên đều có thể chưa
đảm bảo độ tin cậy và chính xác, vì vậy các nhà phân tích kinh tế du lịch
sử dụng nhiều phương pháp cùng một lúc để có các kết quả kiểm tra chéo.
1.2.1.4. Sự tương tác giữa phát triển du lịch và nền kinh tế
quốc dân
a. Tác động của phát triển du lịch đến nền kinh tế quốc dân
Sơ đồ đơn giản hoá một nền kinh tế như trong hình 1.4 phản ánh
các dòng chảy chủ yếu của hàng hoá, dịch vụ hoặc tiền tệ với những "chủ
thể" cấu thành và tham gia chính là doanh nghiệp, người tiêu dùng, chính
phủ và hoạt động thương mại quốc tế.
Hình 1.4. Sơ đồ một nền kinh tế quốc dân đơn giản
30
Trong hình 1.4 này các dòng tiền tệ được xác định và ký hiệu
như sau:
C = Chi tiêu tiêu dùng I = Đầu tư G = Chi tiêu của chính phủ
Y = Thu nhập M = Nhập khẩu T = Thuế
S = Tiết kiệm X = Xuất khẩu
Như đã biết, phần lớn vai trò (sự đóng góp) của du lịch trong nền
kinh tế thông qua C và I đối với chi tiêu và đầu tư cho du lịch nội địa, X
đối với du lịch quốc tế nhận khách và M đối với du lịch quốc tế gửi
khách. Những chi tiêu du lịch này sẽ lưu thông khắp nền kinh tế.
Doanh thu của các doanh nghiệp du lịch được chuyển thành khoản
thanh toán các nhân tố sản xuất như tiền thuê, tiền lương, lãi suất và lợi
nhuận. Chúng sẽ làm tăng thu nhập (Y) và đóng thuế tiêu thụ và thuế thu
nhập (T) cho chính phủ. Tác động lưu thông trở lại của những thay đổi
trong sự đóng góp của du lịch sẽ được xem xét trong phần sau. Những
khoản tiền bơm thêm vào hoặc rò rỉ trực tiếp khác cũng xảy ra thông qua
du lịch. Chính phủ có thể khuyến khích phát triển ngành du lịch thông
qua tài trợ và cho vay hoặc thực hiện đầu tư vốn cố định vào cơ sở hạ
tầng (G). Nếu nhu cầu vốn cần thiết của các doanh nghiệp được thoả mãn
từ thị trường vốn thì có sự tăng trực tiếp của I. Công dân đi du lịch nước
ngoài đem thu nhập ra khỏi nền kinh tế tương đương sự nhập khẩu (M),
nhưng phương pháp tạo lập ngân quỹ cho các chuyến đi cũng có thể ảnh
hưởng đến nền kinh tế: Các du khách dự định chuyến đi dài ngày và chi
phí cao có thể để dành tiền cho chuyến đi trong một thời gian trước đó
hoặc bằng cách vay tín dụng và trả nợ sau. Trong thời kỳ ngắn hạn, điều
này có thể làm tăng tiết kiệm (S) và giảm tiêu dùng các khoản khác.
Các hãng hàng không và công ty lữ hành cũng có ảnh hưởng đến
thị trường vốn trong thời kỳ ngắn hạn bằng cách tương tự. Do nhận tiền
đặt trước cho nhiều loại vé và chương trình du lịch trọn gói, nhưng lại trì
hoãn việc thanh toán cho các nhà cung ứng "càng lâu càng tốt" nên họ có
thể tối đa hoá khoản tiền nhàn rỗi để sử dụng trong các thị trường vốn
ngắn và trung hạn.
31
Khi du lịch phát triển, các tác động của nó sẽ làm thay đổi trong các
dòng chảy hàng hoá, tiền tệ khác nhau trong nền kinh tế tuỳ thuộc vào cơ
cấu của nền kinh tế và những biến đổi về loại hình du lịch. Một số tác
động này sẽ được xem xét trong phần 1.2.2.
b. Tác động của lạm phát đến sự phát triển du lịch
Trong một nền kinh tế đang tăng trưởng, vai trò của du lịch có thể
bị thay đổi do tác động của lạm phát (ngoài các nhân tố đã được đề cập
trong mục 1.2.1.2). Theo lý thuyết kinh tế cổ điển, lạm phát làm cho giá
cả tăng nhưng sẽ kích thích sản xuất phần lớn các loại hàng hoá, một
phần để đảm bảo thu hồi các nhân tố đầu vào càng sớm càng tốt trước khi
giá của các nhân tố này tăng lên, một phần khác do sự hấp dẫn của mức
giá bán cao hơn đối với các đầu ra sau này. Trong khi đó, sản xuất du
lịch ít khi có phản ứng giống như vậy bởi vì hầu hết các dịch vụ du lịch
được sản xuất và bán ngay. Đồng thời, lạm phát cũng sẽ ảnh hưởng đến
các quyết định đầu tư của doanh nghiệp du lịch. Dòng vốn đầu tư và sự
sẵn sàng đầu tư của các doanh nghiệp có thể bị giảm sút. Ngoài ra, nếu
tốc độ tăng giá hàng tiêu dùng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập, thì phần
thu nhập chủ yếu sẽ dành để mua các hàng hoá và dịch vụ cơ bản, còn
phần chi tiêu du lịch sẽ tự động giảm xuống.
Lạm phát cũng làm thay đổi sự cân bằng của du lịch nội địa và
quốc tế. Nếu giá cả trong nước tăng lên thì các du khách có thể sẽ có
khuynh hướng đi du lịch nước ngoài nhiều hơn để thay thế, khi đó làm
chuyển chi tiêu từ C sang M trong công thức xác định các yếu tố của GDP.
Cuối cùng, ngành du lịch cũng có thể tự gây ra sự lạm phát do cầu
kéo đối với nền kinh tế ở điểm đến du lịch. Áp lực của cầu tăng thêm ở
những nơi mà có cung không co giãn làm cho giá các dịch vụ du lịch ở
đây tăng nhanh.
1.2.2. Vai trò trong thu nhập quốc dân và tạo việc làm
1.2.2.1. Thu nhập quốc dân và phân phối thu nhập quốc dân
Thu nhập quốc dân phản ánh khối lượng giá trị thuần thu được từ
các nhân tố sản xuất (như lao động, vốn, đất đai, tài nguyên, năng lực
32
quản lý...) của nền kinh tế hay đồng thời cũng là tổng thu nhập của tất cả
các hộ gia đình (các cá nhân) trong nền kinh tế. Thu nhập quốc dân được
xác định là phần còn lại của tổng sản phẩm quốc dân sau khi khấu trừ giá
trị các tài sản sử dụng hoặc phần vốn đã tiêu dùng.
Phân tích kinh tế vĩ mô đã chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến quy
mô và sự thay đổi của thu nhập quốc dân trong một nền kinh tế. Trong
đó, một số nhân tố cơ bản gồm: Các mức độ tiết kiệm và đầu tư, mô hình
tiêu dùng, giá cả và lãi suất, sự mất cân bằng trong ngân sách của chính
phủ và mức độ sử dụng các nguồn tài nguyên (bao gồm cả lao động). Vì
hoạt động du lịch liên quan đến hầu hết các lĩnh vực này nên nó có thể
ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập quốc dân, đặc biệt ở các quốc gia có du
lịch chiếm tỷ trọng đáng kể trong GDP. Tầm quan trọng đối với một nền
kinh tế không chỉ ở quy mô của thu nhập quốc dân và mức bình quân đầu
người, mà còn ở cấu thành và sự phân phối thu nhập quốc dân như được
minh họa trong hình 1.5
4
.
Hình 1.5. Cấu thành và phân phối thu nhập quốc dân
4
Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman,
Melbourne.
33
Một nền kinh tế lớn, có nhiều ngành sản xuất và ít tập trung theo
ngành thường ít bị tổn thất hơn trong các cuộc khủng hoảng theo chu kỳ
so với một nền kinh tế nhỏ trên cơ sở ít ngành. Vấn đề này có tầm quan
trọng đặc biệt đối với các giá trị nhận được từ phát triển du lịch.
Trong khi lý thuyết kinh tế cổ điển giả thiết rằng sự phân phối thu
nhập quốc dân sẽ tự hiệu chỉnh thông qua các lực lượng thị trường để
phản ánh năng suất cận biên của các nhân tố sản xuất, nhưng hiện nay
các nhà kinh tế lại chỉ ra rằng điều đó luôn luôn không xảy ra. Do sự
không hoàn hảo của thị trường và của hệ thống xã hội, sự không cân
bằng giữa các khu vực hoặc một số lý do khác, nên có thể có sự phân
phối thu nhập quốc dân "một cách ổn định" không phản ánh các năng
suất cận biên. Khi đó, các chính sách phát triển bao gồm cả phát triển du
lịch có thể thúc đẩy sự sản sinh ra thu nhập và các mục tiêu của phân
phối thu nhập quốc dân.
1.2.2.2. Sự phân phối thu nhập do du lịch tạo ra
Tác động trực tiếp và gián tiếp của chi tiêu du lịch tuỳ thuộc vào
cách phân bổ các khoản thu từ du lịch. Các khoản thu này lại tuỳ thuộc
vào hình thức sở hữu và khả năng khai thác các tài nguyên của ngành du
lịch. Cường độ sử dụng các nhân tố sản xuất không chỉ phụ thuộc vào
năng suất sử dụng từng nhân tố mà còn tuỳ thuộc vào loại hình du lịch
cung ứng. Hình 1.6
5
minh họa một cách đơn giản về mong muốn của
ngành du lịch trong các trường hợp khác nhau.
Trục hoành trong hình 1.6 biểu diễn sự liên tục từ một nền kinh tế
có tiền công thấp tương đối (so sánh với các nhân tố sản xuất khác) đến
một nền kinh tế có tiền công cao tương đối. Trục tung biểu diễn các loại
hình du lịch từ du lịch đi công việc hoặc văn hoá đến du lịch nghỉ dưỡng
ở những nơi có ánh nắng, biển và bãi cát. Thu nhập của ngành du lịch ở
các điểm đến có xu hướng được phân phối theo cường độ sử dụng các
nhân tố sản xuất (với các điều kiện khác không đổi). Vì vậy, 1 USD chi
5
Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman,
Melbourne.
34
tiêu cho chuyến đi tới Morocco có thể tạo ra nhiều việc làm hơn so với
chuyến đi tới London mà ở đó đồng USD có thể được sử dụng để thu hồi
vốn đầu tư nhiều hơn.
Hình 1.6. Các nhân tố sản xuất trong ngành du lịch
Do đó, sự phân phối thu nhập từ các nhân tố sản xuất trong du lịch
không chỉ tùy thuộc vào năng suất cận biên hoặc hiệu quả sử dụng mỗi
nhân tố mà còn tùy thuộc vào loại hình du lịch. Ở các nước kém phát
triển dựa trên cơ sở loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thường làm tăng
thêm nhiều việc làm mặc dù với tiền công không cao, nhưng mức lương
này làm tăng trực tiếp C. Trong nền kinh tế có tiền công cao hơn, sự phát
triển du lịch có thể đồng nghĩa với yêu cầu về đất đai và nhu cầu đầu tư
cố định như các hệ thống giao thông hiện đại, xây dựng khu nghỉ dưỡng
và công nhận các công viên quốc gia. Điều đó gắn chặt với thu nhập từ
các đầu tư tài chính (I) (bao gồm cả sở hữu đất đai), sau đó ảnh hưởng
của du lịch đối với nền kinh tế tuỳ thuộc vào ai là người cung cấp vốn và
người đó làm gì với khoản thu nhập từ lãi suất.
Cũng như các ngành khác, trong du lịch, tỷ lệ vốn - lao động đang
thay đổi phản ánh việc sử dụng công nghệ ngày một tăng và do cầu phát
triển nên các chi phí đất đai tăng lên vì khả năng cung bị cố định. Tuy
nhiên, quá trình thay thế lao động trong du lịch diễn ra chậm hơn so với
35
nhiều ngành công nghiệp khác bởi vì cả người sản xuất và người tiêu
dùng đều tập trung vào đặc điểm dịch vụ cá nhân trong du lịch. Yếu tố
đầu vào lao động vẫn giữ ở mức cao tại những nơi mà đặc điểm trên
được cho là quan trọng (như đại lý du lịch, dịch vụ trên máy bay, nhà
hàng hoặc các công ty lữ hành). Vì vậy, thậm chí trong một nền kinh tế
có tiền công cao sẽ vẫn còn các doanh nghiệp du lịch cần nhiều lao động
(ví dụ, khách sạn Ritz ở Paris hoặc các dịch vụ đặc biệt cho du lịch công
vụ của hãng American Express). Khi khách hàng tiêu dùng du lịch mong
muốn các dịch vụ có tính chất cá nhân này thì họ thường sẵn sàng trả tiền
cho các đặc điểm đó. Như vậy, việc làm trực tiếp và sự phân bổ thu nhập
cho tiền công vẫn giữ ở mức cao.
1.2.2.3. Vai trò trực tiếp của du lịch
Trong các phạm vi trên, du lịch có tác động quan trọng đối với nền
kinh tế của nhiều quốc gia. Thứ nhất, nó là một ngành phát triển gần đây
và vẫn đang tiếp tục phát triển ở nhiều quốc gia. Hiện nay, hầu hết các
nước đều xác định du lịch là một ngành "sản xuất" riêng biệt trong nền
kinh tế của mình, mà trước đây điều này là không bình thường. Thứ hai,
do du lịch có thể có nhiều dạng khác nhau từ "tây ba lô" thích tiếp xúc
với người bản địa đến các khu nghỉ dưỡng cao cấp biệt lập, nên nền kinh
tế có thể chỉ cần một số thay đổi không đáng kể về cơ cấu phân bố lại các
nguồn lực trong du lịch. Đặc điểm này đã khiến chính phủ các quốc gia
đẩy mạnh việc tìm kiếm nhiều cơ hội phát triển du lịch. Thứ ba, du lịch
có thể phát triển ở những địa điểm đặc biệt với nguồn tài nguyên ít có
khả năng lựa chọn kinh tế trong việc sử dụng (có các chi phí cơ hội thấp)
như những nơi có phong cảnh đẹp mà lại không có tài nguyên khoáng
sản hoặc có giá trị nông nghiệp thấp. Điều đó cho phép sử dụng (hoặc
thuê) trực tiếp đất đai như một nhân tố sản xuất ở mức chi phí cận
biên thấp.
a. Vai trò trực tiếp của du lịch nội địa
Trong phạm vi một nền kinh tế, chi tiêu du lịch nội địa thường tính
là một phần của C + I và về nguyên tắc là sự phân phối lại các chi tiêu
36
của người tiêu dùng hoặc người sản xuất từ những hàng hóa, dịch vụ
khác. Do đó, nó không tạo ra sự tăng thêm về cầu và tiền tệ trong nền
kinh tế. Hiệu quả phân phối lại sẽ tuỳ thuộc vào sự trả lời các câu hỏi
sau đây:
- Có cơ hội nào khác để sử dụng khoản tiền dành chi tiêu cho du
lịch? Điều đó có nghĩa là du khách làm gì với khoản tiền của mình nếu
họ không thực hiện các chuyến du lịch?
- Các du khách có "trải rộng" các chi tiêu của họ theo không gian
(theo khu vực)?
- Các điểm đến du lịch nói chung có thu nhập và việc làm ít hơn
(hoặc kém hơn) nơi xuất phát của du khách?
- Các chuyến đi có "xui khiến" du khách quay trở lại thường
xuyên?
Câu hỏi thứ nhất cung cấp chìa khoá để đánh giá vai trò của du lịch
nội địa ở một số khía cạnh quan trọng. Thứ nhất, nếu du lịch nội địa là sự
lựa chọn thay thế cho chi tiêu du lịch nước ngoài thì chi tiêu cho du lịch
nội địa sẽ là một dạng của thay thế nhập khẩu, làm giảm sự rò rỉ của M
và thực sự tăng C + I. Điều đó có lợi trực tiếp cho thu nhập quốc dân. Sự
thực cũng sẽ như vậy nếu thay thế một chuyến du lịch nội địa bằng việc
chi tiêu cho các hàng hoá nhập khẩu. Thứ hai, nếu không chi tiêu cho du
lịch, mọi người có thể mua các hàng hoá và dịch vụ tại địa phương (ví dụ
cải tạo nhà cửa và giải trí), khi đó thu nhập và của cải sẽ có xu hướng vẫn
tập trung tại các khu vực đó - khu vực nguồn khách.
Trả lời cho các câu hỏi thứ hai và thứ ba sẽ làm rõ hơn vấn đề nêu
ra ở trên. Nếu du khách nội địa trải rộng hoạt động của họ theo không
gian thì sẽ có hiệu quả phân phối lại về thu nhập và việc làm từ địa
phương này cho các địa phương khác. Tuy nhiên, nếu du khách chỉ tập
trung đến một vài địa phương hoặc tính "địa phương hoá" của du lịch nội
địa cao sẽ dẫn đến khuynh hướng tạo ra sự dư cầu ở địa phương, làm
tăng giá và có thể lại làm giảm thật sự thu nhập thực tế ở các địa phương
37
nơi đến du lịch. Nếu các khu vực nơi đến khởi đầu với thiếu việc làm và
thu nhập thấp một cách tương đối thì du lịch sẽ tạo ra việc làm và có thể
làm tăng thu nhập nhưng tuỳ thuộc vào cơ cấu của thị trường lao động du
lịch. Điều đó có nghĩa là:
+ Khoản chi của chính phủ (G) cho trợ cấp thất nghiệp có thể
giảm xuống.
+ Khoản thuế (T) từ các thu nhập mới kiếm được có thể tăng thêm,
mặc dù điều này còn phụ thuộc vào ngưỡng thuế suất và cơ hội chi tiêu
của khách du lịch.
+ Xu hướng tiết kiệm cận biên có thể giảm nhẹ vì chi tiêu của du
khách chuyển hoá thành thu nhập của những người nghèo mà những
người này có xu hướng tiêu dùng cao hơn.
Câu hỏi thứ tư thường cung cấp chìa khoá cho sự phát triển dài hạn
của các điểm đến du lịch và vì vậy cho sự phân phối lại các hoạt động
kinh tế theo không gian. Ở nhiều quốc gia, khi khách du lịch đến thăm
một nơi (thường là các khu vực có bãi biển) làm họ ưa thích, thì họ
thường xuyên quay lại trong các kỳ nghỉ hàng năm và thậm chí khi nghỉ
hưu họ chuyển đến sinh sống tại đó. Điều này tạo ra một cơ sở cầu cố
định cho điểm đến. Một số doanh nhân lại có thể quyết định chuyển
doanh nghiệp của mình tới các khu vực dễ chịu mà họ đã đến khi là
khách du lịch. Sự di chuyển này ở một số quốc gia (ví dụ ở Anh) còn
được các chính sách của chính phủ khuyến khích nhằm phân tán hoạt
động kinh tế ra khỏi thủ đô và các thành phố lớn khác. Trừ khi các công
ty mang theo tất cả nhân viên của mình, còn sự di chuyển doanh nghiệp
thường tạo ra việc làm cho địa phương nơi đến với mức tiền lương mang
tính chất quốc gia.
b. Vai trò trực tiếp của du lịch quốc tế
Lợi ích trực tiếp chủ yếu đối với thu nhập quốc dân của du lịch
quốc tế nhận khách là sự bơm thêm tiền tệ và cầu từ một nguồn bên
ngoài. Điều này tương đương với sự tăng lên về xuất khẩu (X) cho dù
38
người chi tiêu là khách du lịch giải trí hay đi công việc. Sự khác nhau cơ
bản giữa doanh thu du lịch quốc tế và doanh thu xuất khẩu hàng hoá là
xuất khẩu thường tạo ra tín dụng nước ngoài tương tự như sự tăng lên
của I. Trong khi đó, hầu hết các trường hợp chi tiêu cho hàng hoá và dịch
vụ du lịch thực tế lại xảy ra bên trong quốc gia nhận khách mà những chi
tiêu này thường được coi là các khoản tiêu dùng (C).
Ngoài những ảnh hưởng đối với cán cân thanh toán quốc tế (sẽ đề
cập trong chương 3) thì du lịch quốc tế (nhận khách) có hai tác động chủ
yếu khác là: Tác động định hướng và tác động giá cả.
Tác động định hướng từ du lịch quốc tế đã được nghiên cứu trong
một thời gian dài. Đặc biệt ở các nước kém phát triển, dân cư địa phương
quan sát và học theo phong cách sống và các mô hình tiêu dùng của du
khách quốc tế và có thể có sự ganh đua với những du khách này trong
tiêu dùng. Trên phương diện kinh tế, điều này có thể dẫn đến sự thay đổi
các mô hình tiêu dùng và xu hướng nhập khẩu nhiều hơn các loại hàng
hoá tiêu dùng giống như của du khách. Hàng hoá nhập khẩu (M) tăng và
bù đắp lại một phần các hàng hoá đã xuất khẩu (X).
Khi du khách đến từ một quốc gia có thu nhập và mức giá cả nói
chung cao hơn khu vực (quốc gia) điểm đến thì họ có thể mang áp lực
giá cả cao đó cho điểm đến. Đây là một dạng của lạm phát nhập khẩu
nhưng khác với khái niệm thông thường (đó là hàng hoá, nguyên liệu
nhập khẩu giá cao làm tăng chi phí sản xuất địa phương) vì nó hoạt động
thông qua áp lực cầu tăng thêm và tác động định hướng. Trong thực tế,
những người dân địa phương tham gia vào cung cũng nhận được lợi ích
từ mức giá cao hơn này và có sự tăng thêm việc làm và thu nhập ở địa
phương. Tuy nhiên, giá cả cao phần nào làm mất đi cuộc sống dễ chịu
trước đây và để duy trì các tiêu chuẩn sống của mình, những người dân
địa phương phải cạnh tranh với khách du lịch làm giá cả (và tổng cầu)
càng tăng thêm. Điều này thường xảy ra với các mặt hàng thực phẩm
công nghiệp và thậm chí cả các vật dụng hàng ngày khi chúng trở thành
vật lưu niệm ở nhiều điểm đến du lịch.
39
Sự có mặt của các du khách có thu nhập cao tại điểm đến còn làm
phát triển thị trường kép (thị trường hai giá) với giá cả phân biệt theo
khách du lịch và dân cư địa phương. Sự phân biệt giá này nhiều khi được
thừa nhận chính thức ở nhiều quốc gia trong giá thuê phòng, vận chuyển
hoặc tham quan điểm hấp dẫn. Ở một số nơi khác, thị trường kép có thể
phát triển không chính thức thông qua sự phân biệt sản phẩm (những
người bán hàng lưu niệm chỉ tập hợp ở các điểm hấp dẫn du lịch và bán
với mức giá cao mặc dù có mặc cả) hoặc thông qua phương pháp "phát
hiện du khách" để có sự phân biệt giá. Với cách này, thu nhập và việc
làm được tạo ra nhưng không bộc lộ sự tăng giá một cách giả tạo.
Ngoài ra, còn có những tác động trực tiếp, riêng biệt của du lịch
quốc tế trong những hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ, sự đóng góp vào thuế (T)
của những du khách quốc tế khi đến chơi ở sòng bạc Monte Carlo
(Monaco). Trong thực tế, chỉ riêng sự đóng góp này cho ngân sách đã
đáp ứng mọi nhu cầu chi tiêu của chính phủ ở quốc gia đó.
c. Vai trò trực tiếp của du lịch ở các quốc gia nguồn khách
Có một số nghiên cứu đã cố gắng phân tích vai trò (nếu có) của du
lịch đối với nền kinh tế ở các quốc gia gửi khách (nguồn khách). Điều
chắc chắn là hoạt động du lịch ra nước ngoài làm giảm thu nhập quốc
dân ở những quốc gia này vì du lịch tạo ra sự rò rỉ (M) khỏi nền kinh tế.
Tuy nhiên, sự sản sinh ra loại hình du lịch đại chúng ít nhất có thể tạo ra
các tác động sau đây cho các nước gửi khách:
- Việc làm trong các đại lý du lịch, công ty lữ hành gửi khách, hãng
vận chuyển và các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động marketing ở
các điểm đến;
- Sự đầu tư của các hãng chuyên chở, công ty lữ hành và khả năng
phát triển các công ty du lịch đa quốc gia;
- Giá cả thời vụ có thể giảm ở một mức độ nhất định trong khi
khách du lịch đi xa và cầu không căng thẳng;
40
- Tăng tiết kiệm ngắn hạn (S) vì mọi người để dành tiền cho các
chuyến đi hoặc các doanh nghiệp nhận được các khoản trả trước, đặt cọc;
- Nguồn thu thuế (T) trên những dịch vụ du lịch được đặt mua
trước hoặc khi xuất phát.
1.2.2.4. Vai trò gián tiếp của du lịch
Thu nhập từ du lịch tạo ra một "dòng chảy lan truyền" khắp nền
kinh tế quốc dân nên ngoài các vai trò trực tiếp (hoặc tác động sơ cấp) nó
còn có các vai trò gián tiếp (tác động thứ cấp) đối với nền kinh tế, đặc
biệt về thu nhập và việc làm. Đây là một trong những lĩnh vực được các
nhà nghiên cứu kinh tế du lịch bàn luận nhiều nhất. Một số kỹ thuật đã
được sử dụng để đánh giá vai trò gián tiếp này của du lịch, trong đó các
kỹ thuật chủ yếu nhất là bội số du lịch và phân tích đầu vào - đầu ra.
a. Bội số du lịch
Các bội số du lịch được phát triển dựa trên cơ sở các nguyên lý của
Keynes về sự lưu thông trở lại của một phần thu nhập do những người
nhận được chi cho tiêu dùng, sau đó khoản chi tiêu này lại gây ra thu
nhập và việc làm tiếp theo. Cơ sở của một bội số đơn giản là sự bơm trực
tiếp tiền mặt vào một nền kinh tế, ví dụ từ chi tiêu du lịch quốc tế. Điều
đó có nghĩa là các nhà cung ứng dịch vụ du lịch sẽ nhận được một mức
thu nhập. Thu nhập của du lịch được phân phối một phần dưới dạng tiền
công và tiền lương, tiền thuê, lãi suất và lợi nhuận và một phần là thu
nhập gián tiếp cho các nhà cung ứng hàng hoá và dịch vụ cho các doanh
nghiệp du lịch như các nhà cung ứng thực phẩm và đồ uống, công ty điện
lực và bưu điện, nhà cung ứng nhiên liệu, nhà in... Thu nhập gián tiếp lại
được phân phối cho các nhân tố sản xuất và các khoản thanh toán cho
nhà cung ứng tiếp theo.
Tất cả những người nhận được phần thu nhập tăng thêm ở trên sau
đó có thể chi tiêu hoặc tiết kiệm các phần tăng thêm này. Trong trường
hợp họ lựa chọn để chi tiêu cho các hàng hoá và dịch vụ được sản xuất
trong nền kinh tế địa phương thì một vòng các giao dịch kinh tế đó tạo
41
nên thu nhập phái sinh tăng thêm đối với các nhà cung ứng thứ cấp. Sau
đó, những người này có thu nhập nhiều hơn để chi tiêu và quá trình
tương tự tiếp tục diễn ra. Nguyên lý này được tóm tắt trong hình 1.7
6
.
Hình 1.7. Sự hoạt động của một bội số du lịch cơ bản
* Bội số đơn giản
Giá trị của bội số đơn giản biểu hiện tổng số thu nhập (hoặc bất cứ
một biến số đo lường nào chẳng hạn như việc làm) trong mối quan hệ với
chi tiêu du lịch ban đầu. Trong ví dụ ở Hình 1.7, chi tiêu ban đầu là 1.000
đơn vị (đv) tiền tệ, trong đó 500đv được chi tiêu lại trong nền kinh tế từ
thu nhập gián tiếp và phái sinh. Trong 500đv này có 250đv được lưu
thông trở lại và quá trình tiếp tục diễn ra. Tổng giá trị của thu nhập tạo ra
sau một thời gian là tổng của cấp số nhân:
1000đv + 500đv + 250đv + 125đv + ... = 2000đv
6
Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman,
Melbourne.
1000
200
100
Tỷ lệ thuế bằng
1/5 thu nhập
800
100
400
250
Ngành
du lịch
Nhà
cung ứng
Thuế
(20%)
Nhập khẩu
(28,5%)
Người
tiêu dùng
Du khách
quốc tế
Tiết kiệm
(12,5%)
500
100
200
50
Xu hướng tiết kiệm bằng
1/8 thu nhập thuần
Xu hướng nhập khẩu
bằng 2/7 chi tiêu
42
Vì tổng giá trị thu nhập là 2.000đv gấp đôi 1.000đv chi tiêu ban đầu
nên giá trị của bội số (hệ số nhân) trong trường hợp này bằng 2. Giá trị
bằng 2 liên quan trực tiếp đến tập quán tái chi tiêu của những người nhận
thu nhập - ở mỗi vòng đã chi tiêu đi 1/2 thu nhập thêm và đây chính là xu
hướng tiêu dùng cận biên MPC (marginal propensity to consume). Giá trị
của bội số (hệ số nhân) đơn giản là nghịch đảo của (1 - MPC).
* Sự rò rỉ
Chỉ một phần của thu nhập thêm (trong ví dụ trên là 1/2) được chi
tiêu trở lại trong nền kinh tế địa phương vì còn có những yêu cầu khác
cần phải thực hiện trên thu nhập đó. Những yêu cầu này làm tách một
phần thu nhập ra khỏi dòng chảy và không chi tiêu trở lại trong các giao
dịch ở địa phương. Những yêu cầu cơ bản đó là:
- Thuế thu nhập;
- Phần thu nhập thêm được mọi người lựa chọn để tiết kiệm - xu
hướng tiết kiệm cận biên MPS (marginal propensity to save);
- Chi tiêu cho các hàng hoá nhập khẩu.
Những mất mát này đối với chuỗi tái chi tiêu trực tiếp là những rò
rỉ khỏi vòng lưu thông tiêu dùng - thu nhập thêm của địa phương. Vì
chúng đại diện cho một phần của chuỗi và bằng (1 - MPC) nên có thể xác
định công thức của bội số như sau:
Trong đó:
MTR: Tỉ lệ thuế thu nhập cận biên và giả sử rằng chính phủ không
chi tiêu lại khoản này một cách tức thời cho tiêu dùng.
43
MPS: Xu hướng tiết kiệm cận biên (tỷ lệ % trên tổng thu nhập).
MPM: Xu hướng nhập khẩu cận biên của địa phương (tỷ lệ % trong
khoản chi tiêu dành cho tiêu dùng).
Ví dụ: Một nền kinh tế có MTR = 20%, MPS trên tổng thu nhập =
1/5, và MPM trên chi tiêu dành cho tiêu dùng = 1/6 (khác với ví dụ trong
Hình 1.7 mà ở đó MTR là 20%, MPS là 10% của tổng thu nhập hoặc
12,5% của thu nhập thuần và MPM là 28,5% của tiêu dùng). Trong ví dụ
mới này:
Mặc dù giá trị của bội số sau khi tính toán tương tự như trong ví dụ
ở Hình 1.7, nhưng khác vì có sự rò rỉ của thu nhập.
* Bội số thu nhập du lịch
Khi phân tích tác động của du lịch, hầu hết các tính toán bội số
được áp dụng cho thu nhập tạo ra và bội số được quan tâm trước hết là
bội số thu nhập du lịch TIM (tourism income multiplier). TIM có hai
công thức cơ bản khác nhau. Thông thường giả thiết rằng tất cả các chi
tiêu du lịch ban đầu được chuyển thẳng vào thu nhập trực tiếp và gián
tiếp, nhưng đây không phải là trường hợp thực tế. Một phần thu nhập có
thể rò rỉ ngay lập tức bằng các khoản thanh toán cho các hãng vận
chuyển nước ngoài, thực phẩm và đồ uống nhập khẩu để đáp ứng nhu
cầu của du khách, các khoản thanh toán lợi nhuận và lãi suất cho các cơ
sở lưu trú và điều hành tour sở hữu nước ngoài hoặc có nguồn tài chính
nước ngoài... Vì thế, TIM vừa có thể liên quan với tổng chi tiêu du lịch
ban đầu (công thức 1) và vừa có thể liên quan với thu nhập trực tiếp và
gián tiếp do chi tiêu ban đầu tạo ra sau khi khấu trừ các rò rỉ L (leakages)
nhập khẩu trực tiếp (công thức 2).
TIM =
1
𝐿
(1)
TIM = (1 - MPM
T
) x
1
𝐿
(2)
44
Trong đó: MPM
T
là xu hướng hoặc nhu cầu cận biên về hàng hoá,
dịch vụ nhập khẩu và các nhân tố sản xuất để cung ứng trực tiếp cho nhu
cầu của du khách.
Khi phân tích, có thể sử dụng cả hai công thức, nhưng không nên
so sánh kết quả. Một điểm quan trọng khác là chỉ nên sử dụng bội số để
đo lường tác động (giá trị) của thu nhập thêm (cận biên) do chi tiêu du
lịch thêm tạo ra. Các nghiên cứu cũng lưu ý rằng đôi khi các bội số được
sử dụng không chính xác và nhầm lẫn khi liên hệ tổng chi tiêu du lịch với
tổng thu nhập.
* Bội số việc làm và các bội số khác
TIM là bội số du lịch hữu ích nhất và khái niệm này có thể áp dụng
cho các hoạt động kinh tế khác để miêu tả tác động tổng thể và những
khía cạnh khác nhau do du lịch trực tiếp gây ra. Một số bội số chủ yếu
khác là:
- Bội số việc làm du lịch: Bội số này liên hệ tổng việc làm thêm
được tạo ra với các việc làm trực tiếp trong du lịch do số lượt khách du
lịch tăng lên tạo ra.
- Bội số giao dịch xác định dung lượng hoạt động kinh doanh tăng
lên thông qua giá trị doanh số bán trong mối quan hệ với các chi tiêu du
lịch ban đầu. Với ý nghĩa này làm cho bội số giao dịch giống như TIM
trước khi cung cấp MTR và MPM nên đôi khi bị nhầm lẫn với TIM. Tuy
nhiên, bội số này chỉ quan hệ với tổng doanh thu mà không quan hệ với
thu nhập thuần.
- Bội số đầu ra tương tự như bội số giao dịch, tuy nhiên nó bao gồm
giá trị của tất cả hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra hơn giá trị được
bán vì bao gồm thêm phần dự trữ.
- Bội số vốn hoặc tài sản đánh giá sự tăng lên về giá trị của dự trữ
tài sản của nền kinh tế trong mối quan hệ với đầu tư du lịch hoặc chi tiêu
du lịch. Tỷ lệ này quan trọng không chỉ đối với MPC mà còn đối với cả
MPI các xu hướng đầu tư cận biên. Nếu tất cả tiết kiệm được chuyển trực
45
tiếp thành đầu tư bằng một thị trường vốn hoàn hảo thì MPS là tỷ lệ đáng
chú ý từ mỗi vòng tiêu dùng - thu nhập tạo ra.
b. Phân tích đầu vào - đầu ra
Trong khi phân tích bội số cố gắng xác định các tác động gián tiếp
đến một nền kinh tế từ các yếu tố bơm thêm trực tiếp như chi tiêu du lịch
quốc tế đến tăng lên, thì phân tích đầu vào - đầu ra cố gắng chỉ ra các tác
động đó bộc lộ như thế nào thông qua nền kinh tế trên cơ sở mối quan hệ
qua lại của cung và cầu giữa các ngành hoặc các lĩnh vực khác nhau.
Phương pháp đầu vào - đầu ra là một công cụ phân tích kinh tế
được phát triển từ những năm 50 và 60 của thế kỷ 20 dựa trên cơ sở khái
niệm về các giao dịch giữa tất cả các nhà sản xuất và người tiêu dùng
trong một nền kinh tế. Trong đó, bao gồm cả các ngành sản xuất nhưng
là người tiêu dùng đầu ra của các ngành khác.
Để xây dựng một tập hợp hoặc một ma trận các giao dịch, phải đảm
bảo các điều kiện cần thiết sau:
- Xác định rõ các ngành hoặc các lĩnh vực liên quan;
- Nhận biết được tổng đầu ra của mỗi ngành và sự phân chia đến
những nơi tiêu dùng nó kể cả tự tiêu dùng và nhu cầu cuối cùng;
- Nhận biết được tổng đầu vào của mỗi ngành nhận được từ các
ngành khác và đặc biệt cần có các đầu vào cận biên nào để tạo ra sự tăng
cận biên của đầu ra.
Hầu hết các bảng phân tích đầu vào - đầu ra sử dụng giá trị tiền tệ,
tuy nhiên có thể sử dụng các đơn vị khác trong tính toán như số việc làm
hoặc thậm chí diện tích đất sử dụng.
Khi sử dụng phân tích đầu vào - đầu ra để đo lường tác động kinh
tế gián tiếp của du lịch thì một vấn đề căn bản là cần tách du lịch thành
một ngành riêng biệt, mặc dù đôi khi du lịch chỉ đơn thuần bao gồm phần
nhu cầu cuối cùng. Ví dụ, có thể giả thiết rằng một nền kinh tế đơn giản
với sáu ngành: Khai khoáng, nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, du
46
lịch và các dịch vụ khác. Khi đó, Bảng 1.4
7
phản ánh một ma trận các
giao dịch tiêu biểu cho nền kinh tế này.
Bảng 1.4. Ma trận các giao dịch tiêu biểu
Các khu vực SX
Các khu vực tiêu dùng
1
2
3
4
5
6
N/c cuối cùng
Tổng đầu ra
1. Khai khoáng
5
5
15
10
3
5
7
50
2. Nông nghiệp
2
2
4
15
2
2
13
40
3. Công nghiệp
10
5
20
10
5
5
25
80
4. Xây dựng
5
2
10
3
10
8
12
50
5. Du lịch
2
2
5
2
2
5
22
40
6. Dịch vụ khác
4
3
8
5
5
5
20
50
Giá trị tăng thêm
22
19
7
18
13
19
Tổng đầu vào
50
40
80
50
40
50
310
Trong ví dụ này, ngành du lịch chiếm 40/310 của GDP (13%);
trong 40 đơn vị giá trị đầu ra có 22 đơn vị dành cho tiêu dùng cuối cùng
như giải trí và thăm người thân. Ngành du lịch bán 2 đơn vị cho ngành
khai khoáng có thể là du lịch đi công việc và tương tự với các ngành
khác theo các dòng tương ứng trong bảng. Như một ngành sản xuất, du
lịch cần 3 đơn vị đầu vào từ ngành khai khoáng, 2 đơn vị từ ngành nông
nghiệp và tương tự với các ngành khác theo cột 5, với giá trị tăng thêm là
13 biểu hiện cho sự chênh lệch giữa các đầu vào đã mua với giá trị của
đầu ra (đó là yếu tố lợi nhuận).
Giả sử nhu cầu cuối cùng về du lịch tăng thêm 4 đơn vị do kết quả
của du khách quốc tế đến tăng lên. Điều đó làm tăng 10% trong giá trị
(vai trò) của ngành du lịch, có nghĩa là tăng các đầu vào và giá trị tăng
thêm. Nếu giả thiết rằng các ngành sản xuất có mối quan hệ tuyến tính
7
Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman,
Melbourne.
47
thì tất cả các trị số trong cột 5 đều tăng 10%; ví dụ, lúc này du lịch sẽ cần
11 đơn vị đầu vào từ ngành xây dựng. Tiếp đó, điều này làm tăng đầu ra
từ ngành xây dựng là 51, cũng như đầu ra từ các ngành khác lần lượt
chúng cần các đầu vào thêm. Quy mô tăng cuối cùng của toàn bộ nền
kinh tế tuỳ thuộc vào các yêu cầu giao dịch liên ngành. Tất nhiên, trong
thực tế mô hình sẽ phức tạp hơn vì có các quan hệ phi tuyến tính khi có
sự thay đổi các đầu vào cận biên và trong bảng cần bổ sung thêm các
dòng thể hiện các rò rỉ như các đầu vào từ nhập khẩu.
Để dự đoán trực tiếp các vai trò gián tiếp của chi tiêu du lịch tăng
lên, có thể sử dụng một ma trận hệ số biểu diễn các đầu vào cần thiết cho
một đơn vị đầu ra đối với mỗi ngành. Ví dụ, đối với du lịch (ngành 5
trong bảng), với tổng đầu ra là 40, đầu vào từ ngành xây dựng là 10 và
yêu cầu trên một đơn vị đầu ra là 10/40 hoặc 0,25. Các hệ số đầu vào này
đối với ví dụ trên được thể hiện trong bảng 1.5
8
.
Sử dụng bảng trên có thể xem xét tác động của 1 đơn vị tiền tệ
(đvtt) tăng thêm trong chi tiêu du lịch có nghĩa là chi tiêu gián tiếp 0,08
đvtt cho ngành khai khoáng, 0,05 đvtt cho ngành nông nghiệp... và chi
tiêu tiếp theo để thoả mãn nhu cầu của các ngành này là dòng chảy của
các chi tiêu phái sinh.
Nhiều nghiên cứu đã cố gắng sử dụng phân tích đầu vào - đầu ra
trong du lịch để đánh giá vai trò gián tiếp của du lịch ở các mức độ thành
công khác nhau. Tuy vậy, khi sử dụng phương pháp này sẽ gặp phải hai
vấn đề tồn tại chủ yếu là:
- Thiếu dữ liệu, đặc biệt ở mức độ khu vực;
- Những khó khăn xuất phát từ bản chất của du lịch như xác định
khoản chi tiêu nào thuộc về ngành du lịch, còn khoản chi tiêu nào không
thuộc về ngành này.
8
Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman,
Melbourne.
48
Bảng 1.5. Ma trận hệ số tiêu biểu
Ngành sản xuất
Ngành tiêu dùng
1
2
3
4
5
6
1
0,1
0,13
0,19
0,2
0,08
0,1
2
0,04
0,1
0,19
0,04
0,05
0,06
3
0,2
0,13
0,25
0,2
0,13
0,1
4
0,1
0,06
0,13
0,06
0,25
0,16
5
0,04
0,06
0,06
0,04
0,05
0,1
6
0,08
0,06
0,1
0,1
0,13
0,1
Ngoài ra, còn có một số vấn đề khác như đặc điểm cố định của
cung du lịch nhưng lại thường được sử dụng dưới khả năng, ví dụ các
khách sạn hoặc xe buýt vận hành ở mức 1/2 khả năng cung. Tính thời vụ
của cầu làm tăng thu nhập du lịch trong thời hạn ngắn, thu nhập tăng
thêm này có thể sử dụng để trả nợ hoặc tiết kiệm để thanh toán các chi
phí vào lúc trái vụ khi cầu tăng chậm, vì vậy các hệ số đầu vào cận biên
sẽ nhỏ. Khi ngành đã hoạt động với khả năng cung tối đa thì sự tăng
thêm của cầu du lịch có thể làm tăng nhu cầu đầu tư về xây dựng mới
làm cho các hệ số đầu vào cận biên thay đổi nhanh chóng. Đây là một
vấn đề tồn tại về kỹ thuật của phân tích đầu vào - đầu ra là nó chỉ phù
hợp với phân tích tĩnh mà không thể áp dụng để phân tích động. Các hàm
tương quan giữa các ngành sản xuất thay đổi nhanh chóng đòi hỏi các
phần mềm máy tính luôn được cập nhật và cần nhiều dữ liệu phức tạp
trong khi sử dụng kỹ thuật trên.
Mặc dù còn một số vấn đề tồn tại, nhưng các kỹ thuật bội số du lịch
và phân tích đầu vào - đầu ra là những phương tiện có xu hướng được sử
dụng rộng rãi để xem xét và đánh giá các tác động gián tiếp của du lịch
đối với nền kinh tế quốc dân.
49
1.2.3. Vai trò và chính sách kinh tế của chính phủ trong phát
triển du lịch
1.2.3.1. Vai trò của chính phủ đối với ngành du lịch
Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của nhà nước, hoạt động
của chính phủ nhằm quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh
tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của nhà nước. Trong nhiệm
vụ quản lý kinh tế vĩ mô, chính phủ thường có ba vai trò chủ yếu trong
nền kinh tế:
- Đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy phúc lợi kinh tế - xã hội, bao
gồm cải thiện tiêu chuẩn sống, tạo ra và duy trì nhiều việc làm, đảm bảo
công bằng về phúc lợi xã hội.
- Đánh thuế các hoạt động kinh tế nhằm tạo nguồn thu cho ngân
sách đảm bảo các hoạt động chung của quốc gia (như an ninh, quốc
phòng, toà án, ngoại giao...).
- Sở hữu một số tư liệu sản xuất và quản lý chúng trong các doanh
nghiệp nhà nước (các doanh nghiệp của chính phủ) để sản xuất ra hàng
hoá và dịch vụ.
Các vai trò trên được bộc lộ thông qua các chính sách kinh tế như:
Chính sách tài chính - tiền tệ, chính sách thương mại, hoạch định chiến
lược và kế hoạch phát triển kinh tế... của quốc gia. Các chính sách này
được hoạch định và thực thi ở các cấp quản lý nhà nước từ trung ương
(quốc gia) đến các địa phương (ngoại trừ chính sách tiền tệ). Tuỳ theo vị
trí của mỗi ngành trong nền kinh tế và trong từng thời kỳ mà vai trò kinh
tế của chính phủ có tác động trực tiếp và tác động gián tiếp ở các mức độ
khác nhau.
a. Vai trò quản lý kinh tế đối với ngành du lịch
Cũng như đối với các ngành kinh tế khác, theo Bull - nhà kinh tế
Úc, các chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ có thể tác động trực tiếp
và gián tiếp đến ngành du lịch (xem hình 1.8
9
).
9
Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman,
Melbourne.
50
Các chính sách kinh tế chung và chính sách cụ thể đối với các
ngành khác trong nền kinh tế của chính phủ có thể có tác động gián tiếp
đến du lịch. Ví dụ, chính sách giảm (tiết kiệm) công tác phí có thể làm
giảm cầu về du lịch công vụ và cầu dịch vụ lưu trú; chính sách thay đổi
lãi suất ngân hàng có thể làm thay đổi khả năng lợi nhuận cận biên của
kinh doanh du lịch. Tính trực tiếp và mức độ tác động của các chính sách
không nhất thiết phải tương quan với nhau, vì cuối cùng các chính sách
kinh tế chung sẽ có ảnh hưởng rộng khắp đến tất cả các kênh của hoạt
động kinh tế.
Hình 1.8. Tác động của các chính sách kinh tế của chính phủ
đối với ngành du lịch
Các chính sách phát triển du lịch của một quốc gia phản ánh đồng
thời các mục tiêu về: Kinh tế, môi trường, xã hội, giáo dục, ngoại giao...
Hầu hết các chính sách phi kinh tế đều có những quan hệ mật thiết đáng
kể về kinh tế đối với du lịch. Các chính sách có xu hướng kết hợp lại để
nhằm vào các vấn đề kinh tế cũng như phi kinh tế.
Mục tiêu chung của chính sách kinh tế trong du lịch là tối đa hoá
những đóng góp của du lịch vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Các mục tiêu đóng góp của du lịch bao gồm:
51
- Tối đa hóa những đóng góp (thông thường là các dòng chảy ngoại
tệ) vào cán cân thanh toán;
- Tập trung hóa để phát triển khu vực hoặc cán cân kinh tế khu vực;
- Góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế của một quốc gia hoặc
địa phương;
- Tạo việc làm;
- Phân phối lại và cải thiện thu nhập;
- Đóng góp vào phúc lợi xã hội (về kinh tế);
- Tối đa hóa các cơ hội cho nguồn thu ngân sách.
Các mục tiêu trên được chuyển hoá thành các vai trò của chính phủ
đối với ngành du lịch như trong hình 1.9
10
.
Hình 1.9. Vai trò của chính phủ đối với ngành du lịch
10
Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman,
Melbourne.
52
Chính phủ một quốc gia có thể rút tiền ra khỏi nền kinh tế bằng
thuế và vay nợ (mặc dù hình thức vay sẽ không được xem xét ở đây vì
không có sự liên quan rõ ràng và trực tiếp đối với ngành du lịch). Chính
phủ có thể bơm thêm tiền vào nền kinh tế thông qua chi tiêu của mình
trong tiêu dùng và đầu tư. Chính phủ có thể kết hợp rút tiền ra và bơm
tiền vào để nhằm mục đích phân phối lại - ví dụ thông qua việc đánh thuế
doanh nghiệp để triển khai các chương trình đào tạo và đào tạo lại về
ngành nghề trong ngành. Chính phủ có thể ban hành các quy định về
thực hiện việc kiểm soát đầu ra, giá cả... của các nhà cung ứng du lịch.
Cuối cùng, chính phủ có thể có vai trò như một người sản xuất và người
tiêu dùng trong nhiều lĩnh vực của hoạt động du lịch.
b. Chính phủ với vai trò là nhà cung ứng và là người tiêu dùng
du lịch
Ngoài các tác động "ngoại vi" đối với một ngành trong nền kinh tế,
thì chính quyền các địa phương và chính phủ còn có ý nghĩa quan trọng
đối với ngành du lịch thông qua vai trò vừa là nhà cung ứng đồng thời là
người tiêu dùng.
* Chính phủ là nhà cung ứng du lịch
Thông thường, lĩnh vực vận chuyển hành khách và các điểm hấp
dẫn du lịch là những khu vực chính thuộc sở hữu nhà nước (sở hữu công
cộng). Ở các quốc gia có nền kinh tế tập trung hoặc nền kinh tế chưa phát
triển thì quyền sở hữu của nhà nước có thể mở rộng tới hầu hết mọi lĩnh
vực trong ngành du lịch. Trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, có gần
52% số hãng hàng không trên thế giới do nhà nước làm chủ hoặc chính
phủ nắm giữ phần lớn cổ phần; hầu hết hệ thống đường sắt, xe buýt và
tàu phà ở nhiều quốc gia do nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát các việc
cung cấp dịch vụ công cộng. Thậm chí ở một số quốc gia có các hãng
vận chuyển thuộc sở hữu tư nhân nhưng các ga hàng không, ga tàu hoả,
cảng biển và bến xe buýt do nhà nước quản lý và vận hành. Thông qua
các công ty nhà nước hoặc quản lý trực tiếp, mà chính quyền các địa
phương và chính phủ sở hữu rất nhiều điểm hấp dẫn du lịch, đặc biệt ở
53
những nơi có tài nguyên thuộc về "di sản quốc gia" hoặc liên quan đến
hoạt động giải trí công cộng. Ở Việt Nam, lĩnh vực vận chuyển hàng
không trước đây, vận chuyển bằng đường sắt hiện nay thuộc quyền kiểm
soát của nhà nước, còn các lĩnh vực vận chuyển khác nhà nước cho phép
nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia và khai thác nhằm phục vụ sự đi
lại của khách du lịch và dân cư. Hầu hết các điểm hấp dẫn du lịch gắn
liền với các tài nguyên tự nhiên hoặc nhân văn đều thuộc quyền quản lý
và kiểm soát của nhà nước ở trung ương hoặc các địa phương. Chỉ có
một số ít các điểm hấp dẫn nhỏ được giao cho tư nhân khai thác và quản
lý để phục vụ du khách.
Vai trò và hoạt động của các nhà cung ứng thuộc sở hữu nhà nước
phản ánh các nhiệm vụ chính trị cũng như kinh tế đối với quốc gia.
Nhiều doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm mua các thiết bị, hàng
hoá sản xuất tại địa phương phục vụ quá trình hoạt động kinh doanh của
mình, mặc dù các thiết bị, hàng hoá nhập khẩu có thể phù hợp hơn. Hãng
hàng không quốc gia thường phục vụ các tuyến bay quốc tế vì lý do
ngoại giao hơn là lý do kinh tế và hàng không nội địa hoặc mạng lưới
đường sắt có thể được phát triển nhằm cung cấp dịch vụ và thoả mãn nhu
cầu xã hội ở các khu vực biệt lập, các vùng sâu, vùng xa. Nhà nước cũng
thường hướng cơ quan quản lý các điểm hấp dẫn phát huy vai trò giáo
dục và bảo tồn là chủ yếu (ví dụ các phòng trưng bày nghệ thuật hoặc các
bộ sưu tập trong viện bảo tàng) còn đối với việc thoả mãn nhu cầu du
lịch chỉ là phụ hoặc mang tính chất bổ sung thêm.
Do đó, khi phân tích vai trò của chính phủ như nhà cung ứng du
lịch nên phân biệt giữa hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục, xã
hội là chủ yếu hay mục tiêu kinh doanh và lợi nhuận như các doanh
nghiệp cung ứng du lịch mang tính chất thương mại trên thị trường.
* Chính phủ là người tiêu dùng du lịch
Chính phủ còn đóng vai trò là người tiêu dùng các sản phẩm, dịch
vụ du lịch trên thị trường. Theo điều tra của Tổ chức Du lịch Thế giới
(UNWTO), thị phần của khách đi công tác của chính phủ trong phạm vi
54
trung bình từ 3% của tổng số khách du lịch ở châu Âu đến 12% ở châu
Phi hàng năm, còn trong phạm vi một quốc gia thị phần khách nội địa có
mục đích đi công tác của chính phủ chắc chắn sẽ còn cao hơn nhiều. Cầu
du lịch của chính phủ có một số đặc điểm đáng chú ý như sau:
- Mức phụ cấp một ngày công tác cho mỗi cấp nhân viên sẽ quyết
định các mức độ chi tiêu về ăn và nghỉ (giả sử các điều kiện khác
không đổi).
- Phần lớn dòng khách bắt nguồn và chảy đến các trung tâm hành
chính và tại đây các cơ sở du lịch đều có xu hướng phục vụ nhu cầu du
lịch của các cán bộ, công chức và viên chức.
- Sự lựa chọn nhà cung ứng của khách đi công tác là cán bộ, công
chức có thể bị hạn chế vì các cơ quan có thể đã ký kết trước hợp đồng
với một số nhà cung ứng dịch vụ nhất định, ví dụ một cơ quan có thể hợp
đồng tất cả các chuyến đi công tác bằng máy bay với một hãng hàng
không quốc gia.
- Trong một số trường hợp, các cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch của
nhà nước có thể phải cung cấp dịch vụ miễn phí hoặc với mức giá ưu đãi
không phản ánh đầy đủ các chi phí thực tế cho một số đối tượng khách
đặc biệt (như các viên chức cao cấp, các đối tượng được hưởng ưu đãi...).
Trong thực tế, rất khó xác định hoặc khó ước lượng tác động thực
của mức tiêu dùng của chính phủ trên thị trường du lịch bởi vì thủ tục kế
toán và nguyên tắc kiểm soát các khoản chi tiêu này rất đa dạng và phức
tạp. Mức tiêu dùng thực tế có thể lớn hơn nhiều so với báo cáo của các
cơ quan nhà nước và chính phủ ở nhiều quốc gia.
c. Một số vai trò khác
Ngoài các vai trò về kinh tế đối với du lịch nói trên, chính phủ có
một số vai trò khác đối với du lịch như:
- Chính phủ định hướng sự phát triển du lịch trên cơ sở xây dựng
và ban hành các chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch, các chính sách
kinh tế, các chương trình phát triển hoặc xúc tiến...
55
- Chính phủ tạo môi trường pháp lý, chính trị, công nghệ, kinh tế
thuận lợi cho phát triển du lịch, đồng thời giải quyết các mâu thuẫn, xung
đột nảy sinh trên thị trường du lịch.
- Chính phủ phối hợp các ngành có liên quan trực tiếp hoặc gián
tiếp đến du lịch nhằm tạo thuận lợi và phát triển hài hòa các yếu tố tác
động, các thành phần tham gia chính vào hoạt động du lịch - du khách và
các nhà cung cấp dịch vụ.
1.2.3.2. Các chính sách kinh tế của chính phủ đối với sự phát
triển du lịch
a. Thuế liên quan đến du lịch
Du lịch là một nguồn thu thuế của nhà nước, mà nguồn thu này có
thể sử dụng để hỗ trợ lại cho ngành hoặc để nhập vào ngân sách chung
của nhà nước. Các nhà hoạch định chính sách thường cho rằng du lịch
thuộc loại nhu cầu không cơ bản, nên hình thức thuế gián thu đối với các
dịch vụ du lịch có thể luỹ tiến theo thu nhập của người tiêu dùng. Giống
như các loại thuế gián tiếp khác, các loại thuế đối với sản phẩm du lịch
có thể là thuế theo giá hàng (phần trăm của giá bán) hoặc thuế theo số
lượng. Chúng có thể được chia thành ba loại:
- Thuế sản phẩm du lịch có tính chất thương mại;
- Thuế đối với người tiêu dùng khi là khách du lịch;
- Thuế sử dụng tiện nghi du lịch.
Thuế sản phẩm du lịch có tính chất thương mại là các loại thuế tiêu
thụ (thuế doanh thu hoặc thuế giá trị gia tăng). Chúng được thu từ người
sản xuất, sau đó người sản xuất phải chuyển sự tác động của thuế tới
người tiêu dùng du lịch.
Đối tượng phổ biến của loại thuế này là các dịch vụ lưu trú, ăn
uống và cho thuê xe. Thuế dịch vụ lưu trú (thuế kinh doanh phòng nghỉ)
được áp dụng ở hầu hết các quốc gia là điểm đến du lịch. Giống như thuế
doanh thu kinh doanh hàng ăn trong nhà hàng và cho thuê xe, hoặc thuế
56
giá trị gia tăng (VAT), chúng hoàn toàn được tính theo mức giá bán các
dịch vụ. Loại thuế này (ví dụ thuế lưu trú) ảnh hưởng đến mức độ cân
bằng của thị trường du lịch thông qua chi phí biến đổi trong thời kỳ ngắn
hạn như một mùa vụ. Trong thời kỳ dài hơn, hiệu quả của thuế tiêu thụ
phải được các nhà cung ứng cân nhắc kỹ trong cả hoạt động kinh doanh
ngắn hạn lẫn hoạch định dài hạn. Vấn đề này áp dụng cho loại thuế theo
giá bán như trình bày ở trên và cho các loại thuế theo số lượng như đánh
thuế cố định theo giấy phép kinh doanh và lệ phí đối với hoạt động kinh
doanh các dịch vụ bổ sung (như trò chơi điện tử, sòng bạc).
Vì thuế tiêu thụ phụ thuộc vào các mức độ co giãn cầu, nên chính
phủ có thể áp đặt một mức thuế trực tiếp lên du khách mà không căn cứ
vào loại hàng hoá và dịch vụ được mua. Những loại thuế này thường áp
dụng cho khách du lịch quốc tế và được thu ở các cửa khẩu của quốc gia.
Chúng có thể tồn tại dưới một số hình thức sau:
Thứ nhất, một số quốc gia đánh thuế đối với dân cư của họ khi đi
du lịch nước ngoài. Loại thuế này được quy định chủ yếu nhằm ngăn cản
du lịch ra nước ngoài và dẫn đến kết quả là ngăn cản dòng chảy ngoại tệ
ra khỏi quốc gia. Trường hợp ngược lại là giảm thuế đi du lịch để khuyến
khích du lịch ra nước ngoài đôi khi cũng được các quốc gia sử dụng khi
thặng dư cán cân thanh toán lớn.
Thứ hai, một số ít quốc gia đánh thuế nhập cảnh đối với khách du
lịch. Đó là cách làm công khai, tuy nhiên để giảm sự nặng nề của loại
thuế này, các quốc gia thường áp dụng thuế ẩn qua mức lệ phí cao khi
xin thị thực hoặc giấy tờ nhập cảnh (mức lệ phí này thường cao hơn
nhiều lần các chi phí quản lý thực tế việc cung ứng dịch vụ). Loại thuế
này cũng làm tăng đáng kể nguồn thu từ thuế của chính phủ.
Thứ ba, hình thức thuế khởi hành áp dụng cho dân cư khi bắt đầu
một chuyến đi du lịch nước ngoài và cho cả những du khách khi rời khỏi
quốc gia nơi đến du lịch để trở về nhà. Hình thức thuế này làm tăng
nguồn thu của chính phủ một cách phổ biến nhất. Ví dụ, hành khách phải
mua lệ phí (hoặc thuế) sân bay là một hình thức danh nghĩa của loại thuế
57
nói trên mặc dù các quốc gia vẫn yêu cầu hãng hàng không phải tính các
chi phí sân bay thực tế trong giá vé.
Ngoài những loại thuế liên quan đến sự đi lại của du khách nêu
trên, còn có một loại thuế du lịch khác là thuế hải quan - thuế đánh vào
những hàng hóa mà du khách mang vượt quá số lượng theo quy định của
mỗi quốc gia. Loại thuế này thường nhỏ, không ngăn cản tiêu dùng du
lịch hoặc không gây ra sự dịch chuyển của cầu từ điểm đến du lịch này
sang điểm đến khác.
Một xu hướng đang được chấp nhận hiện nay là người sử dụng phải
trả các khoản thanh toán nhưng không phân biệt rõ ràng giữa các khoản
trả này là giá mua dịch vụ du lịch hay là trả thuế vì sử dụng dịch vụ đó.
Về nguyên tắc, một phần giá nhằm bù đắp các chi phí cần thiết để cung
ứng dịch vụ, trong khi đó phần thanh toán còn lại của người mua có thể
được coi như là thuế. Tuy nhiên, sự phân biệt này tuỳ thuộc vào các
nguyên tắc kế toán áp dụng, đặc biệt trong việc phân bổ các chi phí quản
lý. Ví dụ, một vé vào cửa công viên giải trí cho một người là 20 nghìn
đồng, trong đó có 8 nghìn đồng được xác định liên quan trực tiếp đến các
chi phí quản lý công viên và 12 nghìn đồng còn lại là thuế. Nếu công
viên còn chịu sự quản lý từ một trung tâm có bộ máy cồng kềnh thì có
thể phải dành 5 hoặc 6 nghìn đồng cho chi phí quản lý ở trung tâm và
như vậy làm giảm một nửa "thuế" danh nghĩa. Nói chung, các cơ quan
quản lý du lịch hiện nay đang hướng đến việc xác định và tập hợp tất cả
các chi phí quản lý thành khoản thanh toán của người sử dụng và tính
một khoản thuế tăng thêm theo quy định khi muốn hạn chế hay ngăn cản
du khách sử dụng một loại tiện nghi hoặc một địa điểm nào đó.
Ở nước ta, ngành du lịch mới đang bắt đầu phát triển nên các loại
thuế liên quan đến hoạt động này chưa nhiều, chủ yếu là thuế giá trị gia
tăng, thuế hải quan (thuế xuất/nhập khẩu hàng hoá du khách mang vượt
quá quy định) và một số loại lệ phí như lệ phí sân bay, lệ phí khu du
lịch... Tuy nhiên, ngành du lịch đã đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà
nước thông qua các loại thuế và lệ phí này.
58
b. Chính phủ chi tiêu cho du lịch
Đối với một quốc gia, ít khi có mối liên hệ riêng biệt giữa thuế du
lịch và chi tiêu của chính phủ cho ngành này. Nhưng nguyên tắc đánh
thuế trực tiếp để sau đó hỗ trợ lại cho chính ngành đó chỉ áp dụng đối với
một số lĩnh vực nhất định trong hoạt động của ngành du lịch như đào tạo
mà sẽ được trình bày trong phần sau.
Phần lớn các chi tiêu của chính phủ cho ngành du lịch tập trung vào
ba lĩnh vực sau:
- Đầu tư phát triển và bảo trì cơ sở hạ tầng;
- Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi phát triển du lịch;
- Tiến hành marketing du lịch: Truyền thông, quảng bá, xúc tiến...
(phần lớn thông qua các cơ quan quản lý du lịch quốc gia).
* Đầu tư phát triển và bảo trì cơ sở hạ tầng
Ở hầu hết các nước hiện nay, chính phủ thường có trách nhiệm tạo
lập và cung cấp cơ sở hạ tầng kinh tế. Cơ sở hạ tầng liên quan đến du lịch
bao gồm đầu tư vào vận chuyển hành khách, các dịch vụ tại điểm đến du
lịch như điện, cấp thoát nước, vệ sinh và y tế, đầu tư vào hệ thống thông
tin viễn thông... Trong nền kinh tế thị trường tự do, tất cả các hàng hoá
và dịch vụ này có thể hoàn toàn do các doanh nghiệp tư nhân cung cấp,
nhưng chính phủ ở các quốc gia đó vẫn có sự quan tâm trực tiếp đến cơ
sở hạ tầng để tránh lãng phí và trùng lặp trong đầu tư.
Có rất ít cơ sở hạ tầng chỉ dành riêng cho khách du lịch sử dụng trừ
khi đó là một phần của quy hoạch phát triển khu du lịch. Đường sá, sân
bay, bến cảng và nhà ga có thể dành cho nhiều đối tượng sử dụng và các
dịch vụ nói chung cung cấp cho cả dân cư lẫn khách du lịch. Tuy nhiên,
có thể xác định rằng du lịch là "người" yêu cầu chính việc đầu tư cơ sở
hạ tầng, đồng thời là một nguyên nhân làm cho các chi phí bảo trì cơ sở
hạ tầng tăng lên. Nếu có thể phân chia và xác định chính xác cho du lịch
như một người sử dụng cơ sở hạ tầng thì ngành có thể tránh được sự "bao
cấp" đối với khách du lịch bằng cách yêu cầu du khách phải trả khoản
59
thuế sử dụng. Ví dụ, ở các khu du lịch, du khách phải trả lệ phí đường,
cầu hoặc bãi đỗ xe, trong khi đó có thể phát hành các loại thẻ miễn phí
cho người dân địa phương.
Ở những nơi thực hiện đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng liên quan đến
du lịch thì các chi phí đầu tư và bảo trì có thể được bù đắp một phần từ
lãi suất và thuế tính cho các doanh nghiệp du lịch vì sau đầu tư, các
doanh nghiệp này đều phát triển hoạt động kinh doanh của mình.
Trong nhiều năm qua, các tổ chức tài chính quốc tế là những người
chủ yếu cung cấp vốn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch như Ngân hàng
thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế... Mặc dù, các tổ chức này thường cung cấp
vốn để các quốc gia tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng chính phủ các
quốc gia vẫn cần phải có vai trò trực tiếp hơn trong tự đầu tư và thông
qua sự hợp tác liên quốc gia về cơ sở hạ tầng.
Ở nước ta, nhà nước đóng vai trò chính trong việc xây dựng và phát
triển cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế nói chung và cho ngành du lịch nói
riêng. Nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng chủ yếu từ ngân sách nhà
nước và nguồn vốn vay ODA từ các nhà tài trợ song phương (dẫn đầu là
Nhật Bản), các tổ chức tài trợ đa phương (như Ngân hàng thế giới, Ngân
hàng phát triển châu Á, Liên minh châu Âu...) và các tổ chức phi chính
phủ (NGO). Một bộ phận cơ sở hạ tầng khác thuộc các khu du lịch được
đầu tư bởi ngân sách địa phương và vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài
(FDI) mà các nước dẫn đầu trong lĩnh vực du lịch thường là Đài Loan,
Hồng Kông...
* Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi phát triển du lịch
Khi xác định du lịch là ngành đóng góp đáng kể cho nền kinh tế thì
các cơ quan quản lý du lịch quốc gia và địa phương thường có chính sách
thúc đẩy phát triển du lịch và dành kinh phí nhằm hỗ trợ phát triển khả
năng cung ứng các dịch vụ của ngành. Sự hỗ trợ này rất quan trọng ở các
điểm đến du lịch đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển. Chính phủ
có thể không chỉ cung cấp vốn để đảm bảo tính khả thi của các dự án đầu
60
tư, mà còn thông qua các chủ trương và chính sách nhằm củng cố tâm lý
cho các quyết định của nhà đầu tư.
Các khoản kinh phí dành phát triển du lịch của chính phủ tác động
đến các doanh nghiệp du lịch theo hai hướng chủ yếu. Thứ nhất, có thể
làm giảm nhu cầu vốn hoặc chi phí vốn đối với một dự án đầu tư, giúp
cho dự án đó được duyệt và có tính khả thi. Thứ hai, có thể làm giảm chi
phí kinh doanh của các nhà cung ứng du lịch, trên cơ sở đó cải thiện khả
năng sinh lợi và sự ổn định dài hạn của doanh nghiệp. Do đó, chính phủ
cố gắng dành những khoản kinh phí cho các lĩnh vực của ngành du lịch
có hiệu quả bội trực tiếp về việc làm và tạo khả năng hoạt động kinh
doanh cao nhất. Các khoản kinh phí lớn nhằm tạo môi trường và điều
kiện phát triển thường dành cho khách sạn, điểm hấp dẫn du lịch và giao
thông vận tải là những lĩnh vực cần nhiều vốn, còn một phần nhỏ dành
cho đại lý du lịch, công ty lữ hành và các lĩnh vực cần ít vốn khác.
Bảng 1.6. Các hình thức chi tiêu của chính phủ nhằm phát triển du lịch
Chi tiêu trực tiếp
Tài trợ và trợ cấp
Cho vay dài hạn lãi suất thấp
Tham gia bằng vốn cổ phần của Nhà nước
Giảm lãi suất
Tài trợ chương trình hỗ trợ nghiên cứu
Tài trợ đào tạo nghề nghiệp
Giảm nợ thương mại
Miễn giảm thuế
Miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu quan trọng
Cho thuê, bán hoặc nhượng đất công với các mức ưu đãi
Các bảo đảm
Khế ước đảm bảo đối với vay thương mại
Cấp phép đảm bảo việc làm đối với lao động nước ngoài
Nguồn: UNWTO
61
Hầu hết các chương trình chi tiêu của chính phủ nhằm tạo điều kiện
và môi trường phát triển du lịch thuộc một phần trong quy hoạch du lịch
tổng thể quốc gia và các quy hoạch du lịch địa phương hoặc khu du lịch.
Chúng có thể bao gồm từ các chương trình nhỏ diễn ra thường xuyên
(như chính phủ cấp ngân sách cho các cơ quan quản lý du lịch quốc gia
và địa phương trong việc thu thập và nghiên cứu dữ liệu phát triển du
lịch) đến các chương trình lớn nhằm hỗ trợ phát triển các vùng du lịch
hoặc các lĩnh vực kinh doanh trong ngành du lịch. Ngoài ra, một số quyết
định đặc biệt như miễn thuế hoặc cấp đất đai để phát triển các khu du lịch
nghỉ dưỡng cao cấp cũng là sự khuyến khích kinh tế của chính phủ đối
với các nhà đầu tư phát triển du lịch.
Tuy nhiên, lại có những ý kiến không đồng tình với việc chính phủ
cấp kinh phí nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh du lịch. Thứ nhất, với
mục tiêu phát triển du lịch nhằm tạo thêm nhiều việc làm thì các hỗ trợ
hoặc tài trợ của chính phủ có thể làm các doanh nghiệp kinh doanh
không có hiệu quả mà vẫn tồn tại trên thị trường. Hay nói cách khác, sự
tài trợ đó mang lại hiệu quả xã hội nhưng có thể không có hiệu quả kinh
tế. Các thị trường cũng có thể trở nên không bình đẳng nếu một số doanh
nghiệp du lịch nhận được các khoản trợ cấp lớn hơn, thời gian dài hơn so
với các doanh nghiệp thuộc các ngành khác. Thứ hai là lợi ích sử dụng
không phải trả tiền các cơ sở hạ tầng chủ yếu sẽ dành cho du khách hơn
là cho các nhà cung ứng du lịch. Đối với du lịch nội địa, vấn đề này có
thể không quan trọng trừ khi chi tiêu cho các công trình công cộng đã
được cân nhắc, xác định vì lợi ích của một khu vực điểm đến kém phát
triển. Tuy nhiên, đối với du lịch quốc tế thì có thể nói chính phủ đang trợ
cấp một cách không chủ ý cho du khách đến từ các quốc gia khác.
* Tiến hành hoạt động marketing du lịch
Lĩnh vực chủ yếu thứ ba mà chính phủ dành kinh phí cho ngành du
lịch là hoạt động marketing của các văn phòng du lịch, đối với toàn bộ
quốc gia là Cơ quan quản lý du lịch quốc gia (như Tổng cục Du lịch) và
các cơ quan quản lý du lịch địa phương. Chính phủ quan tâm đến hoạt
62
động marketing du lịch trước hết bởi vì mỗi nhà cung ứng sản phẩm du
lịch quốc tế và nội địa riêng lẻ không thể gắn kết hoàn toàn vào các
chương trình marketing tập trung vì họ có phạm vi các mối quan tâm
khác nhau. Thứ hai, chính phủ có thể có tầm nhìn vượt xa hơn các nhà
cung ứng về lợi ích kinh tế tiềm năng từ du lịch ở phạm vi quốc gia. Thứ
ba, cơ quan quản lý du lịch tiến hành marketing tập trung sẽ nhận được
hiệu quả kinh tế theo quy mô trong hoạt động.
Mặc dù cơ quan quản lý du lịch ở mỗi quốc gia tiến hành các hoạt
động marketing khác nhau, nhưng hầu hết kinh phí dành cho các hoạt
động cụ thể sau:
- Nghiên cứu thị trường và nghiên cứu marketing;
- Quan hệ công chúng;
- Quảng cáo và các hình thức xúc tiến khác;
- Thông tin về sản phẩm và kênh phân phối;
- Phát triển sản phẩm mới.
Không kể các dịch vụ thực hiện hoặc bán cho các nhà cung ứng du
lịch, những hoạt động trên của cơ quan quản lý du lịch quốc gia là hoạt
động tiêu tốn kinh phí quốc gia (mà không phải là hoạt động tạo nguồn
thu trực tiếp).
Hoạt động marketing tập trung có thể coi tương đương như sự trợ
cấp xuất khẩu cho các nhà sản xuất, làm cho họ có khả năng cạnh tranh
quốc tế cao hơn, và cũng tương tự như sự tài trợ của chính phủ nhằm tạo
điều kiện phát triển các công trình công cộng để hấp dẫn khách du lịch
quốc tế nhiều hơn. Mặt khác, marketing tập trung sẽ tạo ra sự dịch
chuyển của cầu du lịch quốc tế đối với một điểm đến du lịch và sự thay
đổi giá cả sản phẩm dịch vụ. Tuy nhiên đối với chính phủ, hiệu quả của
sự thay đổi giá cả có thể ít quan trọng hơn so với việc làm tăng số lượng
hoặc dòng khách du lịch đến một quốc gia và tăng tổng chi tiêu của du
khách. Mục tiêu bao trùm của các chương trình marketing tập trung của
cơ quan quản lý du lịch quốc gia là tối đa hoá số lượng khách du lịch và
63
doanh thu. Mục tiêu nội bộ của chương trình có thể là tạo lập được hình
ảnh, uy tín hoặc hiệu quả thực hiện chương trình với một khoản kinh phí
nhất định.
Ở nước ta, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hình ảnh và
sản phẩm du lịch Việt Nam được Tổng cục Du lịch (thuộc Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch), các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Du
lịch) ở các địa phương và các doanh nghiệp phối hợp thực hiện trong các
chiến dịch quảng bá tập trung, trong việc xây dựng Website du lịch Việt
Nam và các địa phương, trong việc tổ chức và tham gia hội chợ du lịch,
hội thảo, hội nghị và diễn đàn quốc tế về du lịch. Từ năm 2010 đến nay,
nhà nước đã đầu tư ngân sách cho Chương trình xúc tiến, quảng bá du
lịch với tổng số 30 - 40 tỷ đồng/năm. Đến cuối năm 2018, Thủ tướng
Chính phủ quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch có vốn điều
lệ 300 tỷ đồng được ngân sách trung ương cấp trong 03 năm đầu sau khi
thành lập. Các doanh nghiệp du lịch và các tổ chức có liên quan đã đầu
tư hàng nghìn tỷ đồng cho tuyên truyền quảng bá đất nước, con người và
sản phẩm Việt Nam và quảng cáo sản phẩm của bản thân doanh nghiệp
ra nước ngoài. Ngoài ra, còn phải kể đến việc huy động các tổ chức quốc
tế, các hãng du lịch, hàng không nước ngoài đưa khách vào Việt Nam
đầu tư hàng chục triệu USD cho tuyên truyền, quảng bá du lịch Việt Nam.
c. Các chính sách phân phối lại
Chính phủ có thể kết hợp sử dụng thuế và chi tiêu để phân phối lại
các nguồn tài nguyên, thu nhập và các lợi ích kinh tế của quốc gia. Vấn
đề này thường liên quan đến toàn bộ nền kinh tế hơn là từng ngành
nhưng có tầm quan trọng đặc biệt trong một số lĩnh vực nhất định (như
lĩnh vực y tế cộng đồng). Cùng với thuế và chi tiêu hoặc các loại thuế
nhằm mục đích riêng biệt, chính phủ còn phối hợp sử dụng các biện pháp
kiểm soát giá cả, các chính sách tiền tệ và các quy chế khác.
Trong du lịch có một số ví dụ về các chính sách phân phối lại.
Những chính sách này liên quan đến:
- Phát triển kinh tế địa phương;
64
- Du lịch xã hội;
- Kiểm soát giá các yếu tố đầu vào trên thị trường;
- Đánh thuế nhằm các mục tiêu nhất định (như mục tiêu đào tạo).
Mỗi địa phương được coi là một nền kinh tế nhỏ nhưng có sự phát
triển kinh tế và mức thu nhập khác nhau, do đó mục tiêu của chính sách
chung là phân phối lại thu nhập theo không gian. Thông qua quy hoạch
du lịch và các chính sách tài chính làm xuất hiện hoặc đổi hướng các
dòng khách du lịch nội địa và quốc tế giữa các địa phương. Điều đó sẽ
tạo ra sự phân phối lại thu nhập nhằm phát triển kinh tế của một số địa
phương, đặc biệt ở những nơi có nhiều tài nguyên nhưng trình độ phát
triển kinh tế còn thấp.
Du lịch xã hội là một hình thức mà thông qua sự can thiệp của nhà
nước để cung cấp du lịch dưới dạng phúc lợi xã hội cho những người tiêu
dùng có thu nhập thấp hoặc được hưởng ưu đãi của xã hội. Ở một số
nước Đông Âu trước đây, hình thức du lịch này được nhà nước tài trợ và
trích từ thuế thu nhập. Trong khi đó ở một số quốc gia khác như Đức, du
lịch xã hội được tài trợ thông qua các công đoàn lao động hoặc các
chương trình bảo hiểm, đổi lại các thành viên của các tổ chức và chương
trình này được giảm thuế thu nhập. Ở nước ta, du lịch xã hội thường do
các doanh nghiệp, các tổ chức và cơ quan nhà nước tài trợ cho đối tượng
là những người có công hoặc được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà
nước như các anh hùng và bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh trong
các cuộc kháng chiến cứu nước và giữ nước, các già làng, trưởng bản
người dân tộc ít người...
Đánh thuế và kiểm soát thị trường các nhân tố sản xuất, đặc biệt thị
trường lao động, có thể tạo ra các hiệu quả phân phối lại có ý nghĩa quan
trọng. Thị trường lao động trong ngành khách sạn thường là đối tượng
can thiệp của chính phủ nhằm đảm bảo tiền lương và các điều kiện tối
thiểu. Tại nhiều quốc gia, ngành du lịch bao gồm nhiều loại công việc
khác nhau, một số việc không có kỹ năng, có tính thời vụ, không thường
xuyên và mức tiền công trung bình thường thấp hơn 20% so với các
65
ngành khác. Sự kiểm soát thị trường lao động của chính phủ nhằm phân
phối lại thu nhập cho những người mà công việc của họ có mức tiền công
thấp, nhưng sẽ làm giảm mức độ sử dụng lao động của các doanh nghiệp.
Điều đó có thể gây ra sự dịch chuyển của tỷ lệ vốn/lao động về phía sử
dụng vốn nhiều hơn. Ở nơi nào mà chính phủ kiểm soát trực tiếp thị
trường vốn thì chính phủ có thể kiểm soát được sự biến đổi các mức lãi
suất. Nước ta đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị
trường, nên thị trường các nhân tố đầu vào của sản xuất xã hội nói chung
và trong ngành du lịch nói riêng mới bắt đầu hình thành. Chính phủ cũng
đang và sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát hữu hiệu các thị trường này
và tạo nên các tác động phân phối lại thu nhập giữa những người lao
động và các doanh nghiệp du lịch.
Đào tạo nghề nghiệp cho đội ngũ lao động du lịch cũng có thể là sự
phân phối lại thu nhập nếu nó được tài trợ từ một loại thuế đối với ngành.
Các doanh nghiệp du lịch sử dụng lao động đã qua đào tạo phải đóng một
khoản thuế nhằm hỗ trợ cho việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ lao động
trong ngành. Ngoài ra, doanh nghiệp du lịch có thể tự tiến hành đào tạo
đội ngũ lao động của mình, nhưng lợi ích doanh nghiệp nhận được có thể
không đảm bảo vì các nhân viên được đào tạo xong có thể chuyển đi nơi
khác; hoặc doanh nghiệp quá nhỏ nên không tự tổ chức đào tạo được.
Tuy nhiên, chi phí cho đào tạo của doanh nghiệp du lịch sẽ làm cho hoạt
động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn và có khả năng sinh
lợi nhiều hơn.
Ở nước ta hiện nay, sự đóng góp của các doanh nghiệp du lịch vào
quá trình đào tạo (như đóng một khoản thuế hoặc phí sử dụng nhân lực
đã qua đào tạo) hoặc tự đào tạo còn nhiều hạn chế. Trừ các doanh nghiệp
liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài có tiến hành các chương trình tự
đào tạo (hoặc gửi đi đào tạo) đối với các nhân viên tuyển dụng ban đầu.
Sự liên kết giữa các trường và cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp du lịch
còn chưa chặt chẽ trong việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực du lịch. Như vậy, chưa tạo được sự phân phối lại thu nhập thông
qua công tác đào tạo nhân lực trong ngành du lịch ở nước ta.
66
CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN
1. Trình bày các quan niệm về ngành du lịch. Từ các quan niệm đó
có thể rút ra những điểm chung gì về ngành du lịch? Liên hệ với ngành
du lịch Việt Nam?
2. Phân tích các đặc điểm của ngành du lịch? Ý nghĩa của việc nhận
thức các đặc điểm đó trong công tác quản lý vĩ mô và vi mô của ngành?
Liên hệ với ngành du lịch Việt Nam?
3. Phân tích các bộ phận cấu thành của ngành du lịch? Liên hệ với
các lĩnh vực kinh doanh tương ứng trong ngành du lịch Việt Nam?
4. Phân tích sự đóng góp của du lịch trong GDP của một quốc gia.
Liên hệ với tình hình thực tế ở Việt Nam?
5. Phân tích các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến sự đóng góp của
du lịch trong GDP? Liên hệ với tình hình thực tế ở Việt Nam?
6. Tại sao đo lường sự đóng góp của du lịch trong GDP là một vấn
đề khó khăn?
7. Ý nghĩa của các chỉ tiêu so sánh quốc tế về sự đóng góp của du
lịch trong GDP? Lấy ví dụ của Việt Nam và so sánh với một nước khác
để minh họa?
8. So sánh các phương pháp chủ yếu đo lường giá trị của du lịch.
Tại sao kết quả của mỗi phương pháp lại có thể khác nhau?
9. Phân tích tác động của phát triển du lịch đến nền kinh tế quốc
dân và tác động của lạm phát đến sự phát triển du lịch? Liên hệ với tình
hình thực tế ở Việt Nam?
10. Phân tích sự phân phối thu nhập do du lịch tạo ra? Lấy các ví
dụ minh họa?
11. Giá trị trực tiếp của 1.000 USD do khách du lịch quốc tế chi
tiêu ở Việt Nam và 1.000 USD chi tiêu ở Hồng Kông có hoàn toàn khác
nhau ở mỗi nền kinh tế? Giải thích tại sao?
67
12. Phân tích vai trò trực tiếp của du lịch nội địa? Liên hệ với tình
hình thực tế ở Việt Nam?
13. Phân tích vai trò trực tiếp của du lịch quốc tế đối với quốc gia
(hoặc địa phương) điểm đến? Liên hệ với tình hình thực tế ở Việt Nam?
14. Các loại bội số có thể sử dụng khi phân tích vai trò gián tiếp
của du lịch?
15. Thế nào là một ma trận các giao dịch? Phân tích điều kiện áp
dụng và ưu nhược điểm của kỹ thuật phân tích đầu vào - đầu ra?
16. Phân tích vai trò của chính phủ khi là nhà cung ứng đồng thời là
người tiêu dùng du lịch? Liên hệ vấn đề này với nước ta?
17. Phân tích và đánh giá tác động của các loại thuế áp dụng đối
với du lịch ở Việt Nam?
18. Ở một số quốc gia có sự chuyển dịch các chi tiêu dành cho cơ
sở hạ tầng du lịch sang khu vực tư nhân. Hãy đánh giá những lợi ích và
chi phí đối với nền kinh tế của quốc gia từ sự dịch chuyển này?
19. Phân tích các lý do chủ yếu của chi tiêu chính phủ nhằm tạo
điều kiện thuận lợi phát triển và quảng bá du lịch?
20. Chính phủ sử dụng thuế và chi tiêu của mình cho du lịch để
thực hiện các chính sách phân phối lại như thế nào?
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 1
TIẾNG VIỆT
1. Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa (chủ biên) (2008),
Giáo trình Kinh tế du lịch, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
2. Nguyễn Hồng Giáp (2002), Kinh tế du lịch, NXB Trẻ,
TP. Hồ Chí Minh.
3. Luật Du lịch (2006, 2017), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
68
4. Vũ Đức Minh (chủ biên) (2008), Tổng quan về du lịch, NXB
Thống kê, Hà Nội.
5. Đồng Ngọc Minh và Vương Lôi Đình (chủ biên) (2001), Kinh tế
du lịch & Du lịch học (sách dịch), NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
6. Đỗ Hoàng Toàn và Mai Văn Bưu (chủ biên) (2005), Giáo trình
Quản lý Nhà nước về kinh tế, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội.
7. www.vietnamtourism.com
TIẾNG ANH
8. Bull (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2
nd
edition,
Longman, Melbourne
9. Leiper (1990), Tourism Systems, Massey University Department
of Management Systems ccasional Paper 2, Auckland, New Zealand.
10. McIntosh & cộng sự (1995), Tourism: Principles, Practices &
Philosophies, 7
th
edition, Wiley, New York.
11. World Travel & Tourism Council (2018), Travel & Tourism
Economic Impact 2018, UNWTO, Madrid.
69
Chương 2
THỊ TRƯỜNG DU LỊCH
Mục tiêu của chương:
Sau khi học xong chương này, người học có khả năng:
Nắm được khái niệm, bản chất và các đặc điểm của cầu du lịch;
các nhân tố ảnh hưởng đến cầu du lịch của một cá nhân và của xã hội
(tổng cầu).
Hiểu rõ đặc điểm của cầu về dịch vụ lưu trú, sản phẩm ăn uống,
dịch vụ lữ hành, dịch vụ vận chuyển và các dịch vụ khác.
Hiểu rõ sự cần thiết phải dự báo cầu du lịch, ưu nhược điểm và
phạm vi áp dụng của từng phương pháp dự báo cầu du lịch.
Nắm được khái niệm, bản chất và các đặc điểm của cung du lịch;
các nhân tố ảnh hưởng đến cung du lịch của một doanh nghiệp và của
một điểm đến du lịch (tổng cung).
Hiểu rõ đặc điểm của cung dịch vụ vận chuyển hàng không, dịch
vụ lưu trú khách sạn, dịch vụ lữ hành - tour du lịch trọn gói và một số
loại hình cung du lịch khác.
Hiểu rõ thực chất và đặc điểm của quan hệ cung cầu du lịch; quan
niệm về cân đối cung cầu du lịch và nội dung cơ bản của việc cân đối
cung cầu du lịch.
Nắm được khái niệm và các cách phân loại thị trường du lịch; đặc
điểm của thị trường du lịch và các xu hướng phát triển thị trường du lịch.
2.1. CẦU DU LỊCH
2.1.1. Khái niệm và bản chất của cầu du lịch
Cầu du lịch là một bộ phận của cầu hàng hoá và dịch vụ trên thị
trường. Do đó, tương tự như cầu hàng hoá và dịch vụ nói chung, cầu du
70
lịch có nguồn gốc xuất phát từ nhu cầu du lịch của dân cư. Về mặt bản
chất, nó là nhu cầu được thể hiện trên thị trường (hoặc thông qua thị
trường) hay còn gọi là nhu cầu có khả năng thanh toán (xem hình 2.1)
Hình 2.1. Sự hình thành cầu trên thị trường
Như vậy, cầu du lịch cũng có thể được khái niệm là số lượng hàng
hoá và dịch vụ mà con người mua và tiêu dùng trong quá trình đi du lịch
được giới hạn trong một phạm vi thời gian và không gian nhất định.
Cầu du lịch có thể được hiểu là cầu về một loại hàng hoá hoặc dịch
vụ du lịch riêng lẻ như một phòng nghỉ, một bữa ăn, tham quan một điểm
hấp dẫn... nhưng đồng thời nó cũng bao hàm tổng hợp các hàng hoá và
dịch vụ mà du khách tiêu dùng trong quá trình đi du lịch. Kết hợp với đặc
điểm của các dịch vụ luôn gắn liền đồng thời với quá trình tiêu dùng nên
trong thực tế thường biểu hiện cầu du lịch gắn liền với số lượng người
thực tế đã đi du lịch trong một thời kỳ nhất định.
2.1.2. Đặc điểm của cầu du lịch
Do bản chất của cầu du lịch có thể bao hàm tổng hợp các hàng hoá
và dịch vụ mà con người tiêu dùng trong quá trình đi du lịch nên việc chỉ
ra các đặc điểm của cầu du lịch là một vấn đề tương đối khó khăn.
Tuy nhiên, một số tác giả
11
đã cố gắng khái quát những đặc điểm
đáng lưu ý của cầu (hoặc nhu cầu) du lịch trên thị trường như sau:
11
Xem: Trương Sĩ Quý và Hà Quang Thơ (1995), Giáo trình Kinh tế Du lịch, Trường ĐH
Bách khoa Đà Nẵng, trang 51-53; Nguyễn Văn Lưu (1998), Thị trường du lịch, NXB Đại
học Quốc gia, Hà Nội, trang 51-53; Nguyễn Văn Thụ (chủ biên) (2000), Bài giảng Kinh tế
du lịch, Trường ĐH Giao thông vận tải, Hà Nội, trang 80-81.
71
- Cầu du lịch chủ yếu là cầu về dịch vụ như các dịch vụ vận
chuyển, lưu trú, ăn uống, hướng dẫn tham quan tìm hiểu... Chi tiêu cho
các dịch vụ này có thể chiếm từ 2/3 đến 4/5 tổng chi tiêu cho một chuyến
đi. Phần còn lại có thể là các hàng hoá mua sắm như hàng lưu niệm, hàng
hoá thông thường trong chuyến đi.
- Cầu du lịch rất đa dạng về chủng loại và chất lượng hàng hoá,
dịch vụ. Sự đa dạng không chỉ thể hiện trong cầu từng loại hàng hoá hoặc
dịch vụ du lịch riêng lẻ mà còn thể hiện trong cả cầu du lịch với tính chất
tổng hợp - sự kết hợp các yếu tố riêng lẻ theo nhiều cách khác nhau nhằm
tạo ra các sản phẩm du lịch trọn gói.
- Cầu du lịch dễ bị thay đổi: Cầu du lịch dễ bị thay thế bằng cầu về
hàng hoá, dịch vụ cơ bản khác cho tiêu dùng cá nhân vì hiện nay vẫn còn
phổ biến quan niệm du lịch chưa phải là nhu cầu thiết yếu của con người.
Đặc điểm này còn thể hiện ngay cả trong quá trình thoả mãn nhu cầu du
lịch, có thể có sự thay đổi địa điểm du lịch (còn gọi là cầu đổi hướng),
thay đổi các yếu tố dịch vụ cấu thành như phương tiện vận chuyển, nơi
lưu trú... hoặc thậm chí một số nội dung tham quan có thể bị huỷ bỏ vì
những nhu cầu và cầu phát sinh khác (ví dụ để mua sắm thêm hàng hoá
ưa thích).
- Cầu du lịch có tính thời vụ (hay tính chu kỳ): Thực tế ở nhiều địa
phương, nhiều quốc gia đều có lượng khách du lịch không đều đặn trong
năm. Trước hết, đó là do tính thời vụ của tài nguyên và điểm hấp dẫn du
lịch của địa phương và quốc gia đó. Đồng thời, một khía cạnh rất quan
trọng khác là cầu du lịch chỉ xuất hiện vào những thời kỳ hoặc thời điểm
nhất định như các kỳ nghỉ phép, nghỉ hè, nghỉ đông (có thời gian rảnh
rỗi), các thời kỳ tích luỹ thu nhập, tiền thưởng cuối năm, phúc lợi trong
các ngày nghỉ lễ (có khả năng thanh toán). Ngoài ra, các yếu tố thời tiết
khí hậu, phong tục tập quán (các lễ hội) và sự lan truyền tâm lý cũng tạo
nên đặc điểm thời vụ (hay chu kỳ) của cầu du lịch.
72
- Các đặc điểm khác: Ngoài các đặc điểm cơ bản trên, cầu du lịch
còn có những đặc điểm khác như tính chất phân tán, tính lặp lại, tính lan
truyền...
2.1.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến cầu du lịch
Các nhà kinh doanh du lịch có thể nhận thấy rằng cầu về các hàng
hoá, dịch vụ do họ cung ứng bị thay đổi trong khi họ không hề thay đổi
chính sách kinh doanh. Những lý do ảnh hưởng đến sự thay đổi này được
các nhà kinh tế gọi là các nhân tố ảnh hưởng đến cầu và thường bao gồm:
- Giá cả của hàng hoá, dịch vụ có nhu cầu;
- Giá cả của các hàng hoá, dịch vụ có liên quan (như thay thế hoặc
bổ sung) với hàng hoá, dịch vụ đang có nhu cầu;
- Thu nhập (hay khả năng thanh toán) của người mua;
- Thị hiếu và kiểu mốt.
Đây là 4 nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến cầu du lịch của một cá
nhân. Trong thực tiễn có thể chỉ ra nhiều nhân tố khác nhưng chúng đều
ảnh hưởng gián tiếp qua 4 nhân tố này. Ví dụ các nhân tố cung và quảng
cáo, cung sẽ ảnh hưởng qua giá cả hàng hoá, dịch vụ; còn quảng cáo sẽ
làm thay đổi thị hiếu của người mua; sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch
sẽ ảnh hưởng đến thị hiếu hoặc kiểu mốt trong du lịch...
Trong phạm vi xã hội (phạm vi rộng), cầu du lịch của các cá nhân
được tập hợp thành tổng cầu. Khi đó, có một số nhân tố ảnh hưởng đến
tổng cầu du lịch như sau:
- Quy mô dân số: Dân số càng đông thì cầu du lịch càng lớn;
- Phân bố dân số theo lứa tuổi, giới tính...;
- Tổng thu nhập: Quốc gia giàu có thì dân cư sẽ có mức chi tiêu cao
trong thời gian giải trí;
- Sự phân phối thu nhập: Cơ cấu chi tiêu của dân cư giữa các quốc
gia phần nào có sự khác nhau tuỳ thuộc vào sự phân phối thu nhập có
73
công bằng hay không. Ví dụ, 50% thu nhập của một quốc gia thuộc về
một bộ phận dân số chỉ chiếm 10% sẽ có mô hình cầu khác với quốc gia
có thu nhập được phân phối đồng đều cho các cá nhân.
- Mức độ đô thị hoá: Xu hướng cầu của dân cư nông thôn khác với
dân cư thành phố.
- Tình trạng công nghệ: Sự giàu có của một quốc gia và sự phong
phú đa dạng của cầu tuỳ thuộc vào tình trạng công nghệ cao hay thấp.
- Các chính sách của nhà nước: Chính sách thuế, trợ cấp...
- Các nhân tố khác như vấn đề an toàn, an ninh, chính trị...
Với ngành du lịch, sự ảnh hưởng của các nhân tố này được xem xét
dưới nhiều giác độ khác nhau. Ví dụ, cầu về ăn uống ngoài gia đình phần
nào bị ảnh hưởng bởi giá cả món ăn, thu nhập cá nhân và giá cả của các
cơ sở kinh doanh khác nhau. Khi một quốc gia trở nên giàu có hơn thì
cầu về các kỳ nghỉ tăng lên nhưng chi phí lao động cũng tăng. Sự phân
bố xã hội theo lứa tuổi cũng khá quan trọng vì thanh niên đi du lịch
thường xuyên hơn nhưng lại muốn ở trong các cơ sở lưu trú rẻ tiền hơn.
Do đó, cầu du lịch thường không đồng nhất và được phân biệt thành các
loại khác nhau, ví dụ cầu của thương gia đi du lịch khác với cầu của
người đi nghỉ hè.
Nghiên cứu lý thuyết về cầu để giúp nhận thức được rằng: Cần phải
ước lượng được cầu về các dịch vụ của ngành. Khi phân tích cầu du lịch,
cần thiết phải xem xét cầu về các loại vận chuyển, lưu trú, ăn uống... ở
các mức giá khác nhau. Nhà kinh doanh cần cân nhắc liệu bán ít sản
phẩm dịch vụ ở mức giá cao có thu được lợi nhuận nhiều hơn so với
phục vụ thị trường đại chúng với giá cả các sản phẩm, dịch vụ du lịch
thấp. Mặt khác, cần xác định rõ quy mô thị trường và loại thị trường, ví
dụ doanh nghiệp đang hướng mục tiêu vào nhóm khách hàng lớn tuổi
hay trẻ tuổi, cần có sự đồng nhất trên khắp đất nước hay có sự khác nhau
theo khu vực, cầu về các sản phẩm và dịch vụ du lịch có bị ảnh hưởng
bởi sự thay đổi về giá cả hoặc thu nhập không?
74
2.1.4. Đặc điểm một số loại cầu sản phẩm và dịch vụ du lịch
2.1.4.1. Cầu về dịch vụ lưu trú
Ngoại trừ cầu về lưu trú ở các trường học, bệnh viện còn lại cầu về
lưu trú chủ yếu nảy sinh từ khách du lịch. Theo Ryan - nhà kinh tế học
người Anh, nếu căn cứ vào đối tượng khách du lịch thì có 4 loại cầu
(thực tế) về dịch vụ lưu trú mà mỗi loại có những đặc điểm và nhân tố
ảnh hưởng khác nhau:
- Cầu của khách du lịch thuần tuý nội địa: Cầu về dịch vụ lưu trú
của công dân một quốc gia ở trong phạm vi quốc gia đó và nảy sinh chủ
yếu từ các chuyến đi nghỉ, tham quan, thăm thân nhân và các mục đích
phi công việc khác. Cầu của khách du lịch thuần tuý nội địa thường đa
dạng, mang tính thời vụ và co giãn tương đối theo giá dịch vụ. Nhân tố
ảnh hưởng đến loại cầu này bao gồm nhận thức tâm lý và xã hội về du
lịch và giải trí nói chung, những nhận thức này bị chi phối bởi nhân cách
của từng cá nhân, nghề nghiệp, thu nhập và tầng lớp (hoặc giai cấp) trong
xã hội.
- Cầu của khách du lịch thuần tuý quốc tế: Cầu về dịch vụ lưu trú
của công dân các quốc gia khác đang ở quốc gia điểm đến và cũng nảy
sinh chủ yếu từ các chuyến đi nghỉ, tham quan, thăm người thân và các
mục đích phi công việc khác. Cầu của khách du lịch thuần tuý quốc tế
cũng có các đặc điểm tương tự như của khách du lịch nội địa, tuy nhiên
yêu cầu chất lượng dịch vụ cao hơn và thường phải đạt các tiêu chuẩn
quốc tế. Loại cầu này cũng chịu ảnh hưởng của các nhân tố tác động đến
cầu của du khách nội địa và đến cầu nói chung (mục 2.1.3). Tuy nhiên,
có một số nhân tố ảnh hưởng quan trọng khác như tỷ giá trao đổi, các
quy định hạn chế đối với người đi du lịch của các quốc gia như hạn chế
về số tiền mang theo, hạn chế về thủ tục xuất nhập cảnh, y tế...
- Cầu của khách du lịch công vụ nội địa: Cầu về dịch vụ lưu trú của
công dân một quốc gia nảy sinh chủ yếu từ các chuyến đi công việc như
công tác, giao dịch kinh doanh... ở trong phạm vi quốc gia đó. Đối với
khách du lịch đi công việc nội địa ở Việt Nam, cầu về dịch vụ lưu trú
75
thường được đáp ứng trong phạm vi ngành hoặc lĩnh vực của người đi
công tác (các ban, ngành đều có hệ thống khách sạn hoặc nhà khách của
mình ở những thành phố lớn). Do đó, cầu thường định mức trong giới
hạn của những quy định và chế độ tài chính. Các nhân tố chủ yếu ảnh
hưởng đến loại cầu này là cơ cấu và tổ chức hoạt động công nghiệp và
thương mại trong phạm vi quốc gia, các mô hình và dung lượng giao
dịch thương mại, và định mức chi phí của một chuyến đi công tác.
- Cầu của khách du lịch công vụ quốc tế: Cầu về dịch vụ lưu trú của
công dân quốc gia khác nảy sinh chủ yếu từ các chuyến đi công việc như
công tác, giao dịch kinh doanh... ở quốc gia điểm đến. Cầu của khách du
lịch đi công việc quốc tế có lẽ yêu cầu chất lượng dịch vụ lưu trú cao
nhất. Các nhân tố ảnh hưởng đến loại cầu này bao gồm dung lượng giao
dịch thương mại giữa các quốc gia, các mối quan hệ chính trị, tỷ giá trao
đổi và trình độ tổ chức hoạt động kinh doanh của các công ty đa quốc
gia. Ngoài ra, một nhân tố ảnh hưởng khác cần xem xét là sự phát triển
của công nghệ thông tin, công nghệ số. Nhiều giao dịch quốc tế có thể
thực hiện tại chỗ mà không cần đến sự đi lại. Tuy nhiên, chừng nào mối
liên hệ trực diện còn được ưa thích thì hoạt động đi lại mang tính công
việc sẽ vẫn tiếp tục tồn tại (với điều kiện chi phí đi lại không bị tăng cao
quá mức).
Ngoài ra, đặc điểm cầu về dịch vụ lưu trú có thể phụ thuộc vào loại
hình cơ sở lưu trú ở từng quốc gia. Ví dụ, ở Việt Nam thường có cầu về
dịch vụ lưu trú theo các loại hình cơ sở như: Khách sạn, nhà nghỉ, căn
hộ/biệt thự, bãi cắm trại...
2.1.4.2. Cầu về sản phẩm ăn uống
Tương tự như cầu về dịch vụ lưu trú theo đối tượng khách hàng,
cầu về sản phẩm ăn uống có thể được chia thành hai loại khác nhau:
- Cầu của dân cư địa phương: Cầu về sản phẩm ăn uống công cộng
(ăn uống ở ngoài gia đình) của dân cư địa phương vì hai lý do:
76
+ Mang tính chất thưởng thức, giải trí, bổ sung cho các bữa ăn tại
gia đình.
+ Ăn uống tại nơi làm việc, nơi học tập thay thế cho các bữa ăn tại
gia đình.
- Cầu của khách du lịch: Cầu về sản phẩm ăn uống của du khách
trong chuyến đi du lịch.
Theo điều tra mới đây tại các nước công nghiệp phát triển, trong tất
cả các bữa ăn của dân cư có khoảng một nửa số bữa ăn tại nhà, trong một
nửa số bữa ăn còn lại ở ngoài gia đình thì có khoảng 1/10 mang tính chất
giải trí. Thông qua sự phát triển các cơ sở kinh doanh ăn uống công cộng
nhằm thay thế các bữa ăn gia đình có thể kết luận rằng cầu về ăn uống
công cộng có xu hướng không co giãn tương đối. Một số nghiên cứu đã
cố gắng đo lường trực tiếp hoặc gián tiếp sự co giãn của cầu về các bữa
ăn ngoài nhưng không phân biệt được rõ ràng giữa hai loại cầu: Cầu thay
thế bữa ăn gia đình và cầu ăn uống mang tính chất giải trí. Nhưng các kết
quả nghiên cứu này lại chỉ ra rằng cầu ăn uống mang tính chất giải trí
chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số bữa ăn nhưng chúng lại có tỷ lệ % ngày
càng nhiều hơn trong tổng chi tiêu của dân cư. Mặt khác, cũng có thể
thấy xu hướng cầu ăn uống mang tính chất giải trí sẽ có sự co giãn nhiều
hơn so với cầu ăn uống mang tính chất thay thế. Việc phân biệt hai loại
cầu này chỉ mang tính chất tương đối bởi vì nhiều khi cầu ăn uống ngoài
nhằm thoả mãn nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng. Ví dụ, bữa ăn
trưa của một thương gia ngoài tính chất bữa ăn thông lệ, nó còn là một cơ
hội để trao đổi kinh doanh, để thưởng thức các món ăn.
Việc nhận thức tính co giãn hay không co giãn của cầu về ăn uống
có ý nghĩa rất lớn đối với các cơ sở kinh doanh. Ví dụ, một nhà hàng ở
trung tâm thành phố phục vụ ăn trưa và ăn tối. Kinh doanh ăn trưa sẽ có
xu hướng không co giãn tương đối và chi phí cho hoạt động kinh doanh
này lại thấp hơn kinh doanh ăn tối. Do đó, hoạt động này có xu hướng
tạo ra lợi nhuận cận biên thấp. Tuy nhiên, nếu thấy cầu ăn trưa không co
giãn tương đối mà muốn tăng giá thì cần phải xem xét sự tồn tại của các
77
quán ăn cạnh tranh khác trên cùng địa bàn. Nói cách khác, đối với một
nhà hàng kinh doanh ăn uống riêng lẻ, có thể tính được sự co giãn của
cầu, tuy nhiên giá trị của nó tuỳ thuộc vào mật độ cạnh tranh trong
khu vực.
Cầu về ăn uống công cộng của dân cư địa phương phát triển trước
hết nhằm thay thế bữa ăn tại gia đình do các yêu cầu của công việc, học
tập, của sản xuất tập trung. Sau đó, cầu về các sản phẩm ăn uống mang
tính chất giải trí thưởng thức chỉ được phát triển khi có các nhân tố thuận
lợi. Nhu cầu ăn uống của dân cư thường chiếm một tỷ lệ không đổi trong
cơ cấu chi tiêu của dân cư. Do đó, cầu về ăn uống ở ngoài gia đình của
dân cư địa phương trước hết phụ thuộc vào sự thay đổi mức thu nhập của
từng gia đình. Ngoài ra, các nhân tố ảnh hưởng khác là nghề nghiệp, mức
độ đô thị hoá, công nghiệp hoá và khi trình độ dân trí và sự hiểu biết xã
hội được nâng cao thì nhu cầu ăn uống bên ngoài gia đình nhằm mục
đích thay đổi không khí cũng được tăng lên.
Cầu về ăn uống của khách du lịch thuộc loại nhu cầu cơ bản phát
sinh tất yếu trong chuyến đi. Ngoài ra, sản phẩm ăn uống đến lượt mình
là một loại hấp dẫn du khách của khu vực điểm đến du lịch. Do đó, cầu
về các loại sản phẩm ăn uống này mang tính chất giải trí, thưởng thức.
Ngoài các nhân tố ảnh hưởng đến cầu nói chung, cầu về ăn uống của
khách du lịch phụ thuộc rất lớn vào mục đích của chuyến đi và các yếu tố
liên quan đến du khách như lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, quốc tịch
hoặc dân tộc...
2.1.4.3. Cầu về dịch vụ lữ hành
Cầu về dịch vụ lữ hành bao gồm cầu về các chương trình (tours) du
lịch trọn gói và cầu về các dịch vụ lữ hành đơn lẻ như đặt giữ chỗ, xin thị
thực và hộ chiếu, mua bảo hiểm du lịch...
Cầu về chương trình du lịch trọn gói ngày càng tăng vì các lợi ích
của hình thức sản phẩm này mang lại cho khách hàng, trong đó đặc biệt
lớn nhất là lợi ích về giá cả. Nhằm khắc phục tính thời vụ trong du lịch,
78
vào những thời kỳ trái vụ, các nhà kinh doanh cũng thường hay tạo ra các
chương trình du lịch trọn gói để thu hút khách.
Cầu về chương trình du lịch trọn gói có tính thời vụ cao và thường
phù hợp với hình thức du lịch đại chúng, đi tập thể với số lượng đông.
Trong trường hợp này cầu có sự co giãn theo giá cả.
Cầu về dịch vụ lữ hành ở các quốc gia (địa phương) xuất phát
thường là cầu về các dịch vụ riêng lẻ. Loại cầu này có đặc điểm và chịu
sự ảnh hưởng của các nhân tố như cầu du lịch nói chung.
2.1.4.4. Cầu về dịch vụ vận chuyển
Trong lĩnh vực vận chuyển, có thể phân biệt vận chuyển du lịch
chuyên biệt với vận chuyển công cộng kết hợp du lịch trên các loại
phương tiện giao thông như: Máy bay, ô tô, tàu hoả, tàu thuỷ và các
phương tiện khác. Trong lĩnh vực vận chuyển du lịch chuyên biệt, cầu
của khách hàng có thể phân chia thành hai loại có tính chất khác nhau:
- Cầu về dịch vụ vận chuyển: Khách mua dịch vụ vận chuyển của
các nhà cung cấp chuyên biệt cho chuyến đi du lịch của mình.
- Cầu về thuê phương tiện vận chuyển: Khách du lịch thuê phương
tiện (chủ yếu là ô tô) và tự điều khiển phương tiện trong suốt chuyến đi.
Cầu về dịch vụ vận chuyển thường tuỳ thuộc vào cầu du lịch nói
chung: Nhu cầu du lịch tăng nhanh thì cầu vận chuyển tất yếu tăng theo.
Ngoài ra, còn có sự cạnh tranh giữa cầu về dịch vụ vận chuyển với việc
sử dụng phương tiện vận chuyển cá nhân trong quá trình đi du lịch. Các
tính chất an toàn, chi phí thấp, là yếu tố cấu thành của chương trình du
lịch trọn gói là những ưu thế của dịch vụ vận chuyển. Còn tự vận chuyển
phù hợp với nhu cầu chủ động và thường gắn với thể loại du lịch
khám phá.
Cầu về dịch vụ vận chuyển còn tuỳ thuộc vào đặc điểm các dòng
khách du lịch quốc tế và nội địa của quốc gia, vị trí địa lý của quốc gia
xuất phát và quốc gia điểm đến.
79
Sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ số đang là một
nguy cơ đe dọa đến du lịch nói chung và cầu về vận chuyển nói riêng.
2.1.4.5. Cầu về các dịch vụ khác
Ngoài các dịch vụ cơ bản nêu trên, cầu du lịch còn bao gồm rất
nhiều loại khác như vui chơi, giải trí, mua sắm hàng hoá, đổi tiền, thông
tin liên lạc... đặc điểm và nhân tố ảnh hưởng đến cầu các loại dịch vụ này
như cầu du lịch đồng thời tương tự như cầu về hàng hoá và dịch vụ của
dân cư nói chung.
Cầu về các loại dịch vụ khác thường rất khó xác định và dự báo bởi
vì các dịch vụ này thường có sự chia sẻ sử dụng giữa khách du lịch và
dân cư địa phương.
2.1.5. Dự báo cầu du lịch
2.1.5.1. Sự cần thiết dự báo cầu du lịch
Dự báo nhu cầu và cầu du lịch có ý nghĩa to lớn đối với các nhà
quản lý ngành cũng như từng doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh
doanh du lịch. Đối với những người làm công tác marketing thường quan
tâm đến dự báo nhu cầu về hàng hoá và dịch vụ nói chung và của du lịch
nói riêng. Còn đối với các nhà kinh tế thường đề cập đến dự báo cầu du
lịch. Hai dự báo này chỉ khác nhau về mức độ và phạm vi của cùng một
đối tượng nên chúng có thể trao đổi lẫn nhau (chia sẻ cùng nhau) về nội
dung, phương pháp cũng như kết quả dự báo, và do đó cũng thường gây
nên sự nhầm lẫn trong thực tế.
Dự báo cầu du lịch có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác quy
hoạch du lịch cũng như trong việc xác định các chiến lược phát triển của
ngành. Ngoài ra, dự báo cầu du lịch trên phương diện vĩ mô còn có ý
nghĩa to lớn trong các quyết định đầu tư du lịch.
Đối với doanh nghiệp, dự báo cầu du lịch vi mô là dự báo cầu mà
doanh nghiệp có khả năng đáp ứng trên một thị trường nhất định. Căn cứ
vào kết quả dự báo, doanh nghiệp tiến hành hoạch định chiến lược kinh
80
doanh dài hạn, xây dựng các kế hoạch hàng năm và tiến hành các chiến
dịch marketing và quảng bá.
2.1.5.2. Các phương pháp dự báo
Có nhiều phương pháp dự báo khác nhau, mỗi phương pháp chỉ
thích hợp với một đối tượng cùng với những yêu cầu cụ thể về chất
lượng của dự báo. Việc lựa chọn phương pháp dự báo cần được cân nhắc
một cách thận trọng và dựa vào nhiều yếu tố như:
- Điều kiện thu thập thông tin;
- Mục tiêu dự báo và khả năng đạt được mục tiêu đề ra;
- Khả năng xử lý thông tin, nhất là việc sử dụng máy tính để xử lý
số liệu;
- Thời hạn cần dự báo;
- Tính ỳ của đối tượng cần dự báo hoặc sự “nhạy cảm” của nó với
điều kiện bên ngoài...
a. Phương pháp suy luận hợp lý
Đó là phương pháp dựa vào trực quan và kinh nghiệm của người dự
báo và đây không hẳn là một phương pháp khoa học vì nó không thể tóm
tắt thành một quy tắc hoặc quy trình tiến hành. Tuy nhiên, phương pháp
này dựa vào cơ sở tư duy logic và xuyên suốt toàn bộ các phương pháp
dự báo khác, bởi vì tất cả công tác dự báo đều do con người tiến hành
(đặt nhiệm vụ, thu nhận thông tin, lập và chọn dự báo, sử dụng dự báo).
Ở mức độ đơn giản nhất phương pháp này đưa ra những nhận định
đơn giản về tương lai như cho rằng mức độ cầu du lịch tương lai sẽ như
mức độ hiện tại hoặc cũng có thể đưa ra một tỷ lệ % cố định mà cầu du
lịch được giả thiết tăng (hoặc giảm) theo. Vì vậy, phương pháp này còn
được gọi là phương pháp giản đơn.
b. Phương pháp định tính
Dự báo bằng phương pháp định tính cân nhắc một loạt các nhân tố
ảnh hưởng đến cầu du lịch. Sau đó, các nhân tố này được sắp xếp thứ tự
81
theo tầm quan trọng và lần lượt mỗi nhân tố được phân tích để bộc lộ các
xu hướng cầu du lịch tương lai. Trong giai đoạn này, có thể tham khảo
các số liệu thống kê, nhưng không cố gắng xây dựng các công thức toán
học để miêu tả các mối quan hệ giữa cầu du lịch và với các nhân tố
ảnh hưởng.
Phương pháp dự báo này phần lớn dựa vào cảm nhận chung của
người dự báo nên có phần nào tương tự như phương pháp suy luận hợp
lý và kết quả dự báo thường được diễn đạt bằng những mệnh đề định tính
như "cầu du lịch có sự tăng chậm" hoặc "không hình dung thấy sự thay
đổi của cầu du lịch trong năm tới" v.v...
c. Phương pháp chuyên gia (Kỹ thuật Delphi)
Là một phương pháp dự báo trên cơ sở khai thác ý kiến chuyên gia
về một đối tượng (chủ đề) cần dự báo. Phương pháp này dựa trên cơ sở
xử lý một cách khoa học những ý kiến của chuyên gia - những người am
hiểu sâu nhất về lĩnh vực chuyên môn hẹp đang được khảo sát (như nhu
cầu và cầu du lịch của dân cư) hoặc những vấn đề phức tạp, mới mẻ chưa
gặp trong quá khứ hoặc có tài liệu thống kê không đầy đủ. Bằng sự tổng
hợp các hiểu biết, vốn sống và những tính toán của mình, các chuyên gia
có thể đưa ra những ý kiến dự báo rất xác đáng. Việc thu thập và xử lý
một cách khoa học các ý kiến đó sẽ đem lại cho người quản lý những
thông tin quý giá. Tuy rất gần gũi với phương pháp suy luận hợp lý
nhưng phương pháp chuyên gia là một phương pháp của khoa học dự
báo, có quy tắc tiến hành rất rành mạch và cụ thể.
Để tiến hành dự báo theo phương pháp này, trước hết cần tuyển
chọn chuyên gia, sau đó tổ chức lấy ý kiến của chuyên gia bằng cách đặt
ra câu hỏi hoặc đề tài cho các chuyên gia trả lời hoặc thảo luận. Ở mức
đơn giản nhất, các câu hỏi được ghi sẵn trong một bảng hỏi và câu trả lời
của các chuyên gia chỉ đơn giản là các con số, thậm chí chỉ cần ngắn gọn
theo kiểu "có/ không”. Ở mức cao hơn thì đó là các cuộc trao đổi ý kiến,
tọa đàm, hội nghị xung quanh chủ đề cần dự báo. Đôi khi có thể thu thập
82
ý kiến một cách gián tiếp trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu tham khảo,
sách báo chuyên ngành của các chuyên gia.
Bước tiếp theo là xử lý ý kiến của các chuyên gia. Qua phân tích
các ý kiến thu thập được, người ta lập một bảng kê các tình huống nhân
tố và thời hạn tác động của chúng. Để đánh giá một cách xác đáng hơn,
mỗi chuyên gia hay mỗi ý kiến của chuyên gia sẽ được gán cho một
trọng số hay "xác suất tiên nghiệm” nào đó. Tùy theo mức độ am hiểu
nhiều hay ít vấn đề dự báo mà điểm (trọng số) của họ sẽ cao hay thấp.
Nếu chưa có đủ cơ sở để đánh giá xem chuyên gia nào trội hơn thì ban
đầu chấp nhận luật phân phối đều, tức là xem ý kiến các chuyên gia có
giá trị ngang nhau và kết quả dự báo được rút ra thông qua hình thức biểu
quyết lấy đa số (nếu cần chọn một khả năng) hoặc được tính theo trung
bình cộng (khi cần dự báo một trị số). Theo cách đó, chúng ta có thể xây
dựng các tình huống dự báo nhu cầu và cầu du lịch, các nhân tố tác động
chủ yếu hay thời gian xuất hiện các đột biến của chúng.
Ở một số nước, người ta thường gọi phương pháp này là kỹ thuật
Delphi
12
. Đây là phương pháp có ý nghĩ lớn khi cần kết quả dự báo mà
không có thời gian thu thập số liệu để thực hiện các phương pháp khác,
hoặc phải dự báo những nội dung mới mà chưa có các số liệu lịch sử.
Phương pháp này rất thích hợp với việc dự đoán tiến bộ khoa học kỹ
thuật sau này.
d. Phương pháp phân tích dãy số theo thời gian
Dãy số theo thời gian là một tập hợp các số liệu được thu thập
thường xuyên trong một thời kỳ nhất định. Những số liệu này trước hết
có thể được xem xét để biểu thị các đặc điểm thời vụ, sau đó để tìm xu
hướng và cuối cùng xác định những số liệu không bình thường và tìm
nguyên nhân.
Dự báo bằng phương pháp phân tích dãy số theo thời gian là làm
bình quân hoá những thay đổi theo thời vụ và tính ngẫu nhiên của các số
12
Tên một thành phố cổ Hy Lạp, ở đó các nhà tiên tri thường tập trung để dự đoán hậu vận
hoặc tiên kiến về các thế hệ và các sự kiện trong tương lai.
83
liệu, để làm bộc lộ mô hình hoặc xu hướng đáng chú ý. Sau đó, có thể sử
dụng xu hướng này để dự đoán số liệu cho một thời kỳ tương lai gần.
Quá trình này được gọi là phép ngoại suy.
Phương pháp này thường có ích trong dự báo cầu thời vụ tương lai
và điều chỉnh cung phù hợp với các giao động thời vụ đoán trước đó. Đối
với ngành du lịch, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì cầu du lịch
có xu hướng thời vụ rất cao.
Một hạn chế của phương pháp này là không tính đến các nhân tố
ảnh hưởng đến tương lai mà chỉ dựa vào dãy số liệu theo thời gian. Do
đó, có thể sử dụng phương pháp như một phần trong hệ thống các kỹ
thuật dự báo.
đ. Phương pháp sử dụng hệ số co giãn cầu
Hệ số co giãn cầu được tính từ công thức sau:
Trong đó:
E
d
: Hệ số co giãn cầu.
y: Mức độ cầu du lịch bình quân đầu người.
y: Mức tăng cầu du lịch bình quân đầu người.
x: Mức độ của một nhân tố ảnh hưởng (thu nhập bình quân đầu
người, giá cả hoặc nhân tố xác định khác).
x: Mức tăng (thay đổi) nhân tố xác định đó.
Hệ số co giãn cầu thể hiện mức độ thoả mãn nhu cầu tiêu dùng du
lịch nói chung trước tác động của một nhân tố ảnh hưởng. Căn cứ vào sự
thay đổi của nhân tố và của lượng cầu để xác định hệ số co giãn cầu. Khi
nhân tố ảnh hưởng thay đổi trong thời kỳ tương lai thì có thể xác định
được lượng cầu thay đổi tương ứng tuỳ theo mối quan hệ của cầu với
nhân tố đó.
84
Nhược điểm cơ bản của phương pháp này là các hệ số co giãn cầu
được xác định một cách riêng biệt đối với mỗi nhân tố tác động. Trong
khi đó ảnh hưởng đến cầu du lịch không chỉ có một nhân tố mà đồng thời
của nhiều nhân tố khác nhau có thể lượng hoá hoặc không lượng hoá được.
e. Mô hình hoá toán kinh tế
Phương pháp này sử dụng toán học để miêu tả một cách chính xác
các mối quan hệ giữa cầu du lịch với các nhân tố ảnh hưởng. Trên cơ sở
cân nhắc một số biến số và sử dụng các kỹ thuật thống kê về phân tích
tương quan và hồi quy để kiểm định các mối quan hệ và xây dựng các
công thức toán học. Ngoài ra, có thể kết hợp sử dụng một số kỹ thuật
kinh tế lượng dự báo các biến số kinh tế chủ yếu như tỷ lệ tăng trưởng, tỷ
lệ lãi suất ngân hàng và tỷ lệ lạm phát để xây dựng một mô hình toàn
diện phản ánh sự liên quan của các điều kiện kinh tế chung và các nhân
tố ảnh hưởng đến cầu du lịch.
Khi tiến hành dự báo cầu theo phương pháp này, người ta xây dựng
mối quan hệ giữa cầu du lịch y và các nhân tố ảnh hưởng như thu nhập,
giá cả... để xác định tập biến số tương quan x
1
, x
2
..., x
n
và mô tả chúng
bằng quan hệ hàm số:
y = F(x
1
, x
2
, ..., x
n
)
Nếu chỉ nghiên cứu mối quan hệ giữa cầu du lịch với một biến số
phản ánh một nhân tố chủ yếu hoặc nổi trội (ví dụ giá cả) hoặc một nhân
tố mang tính tổng hợp (như số lượt khách du lịch) có nghĩa là chỉ xác
định mối quan hệ đơn giản y = F(x) nên được gọi là phương pháp đơn
hồi quy. Nếu xét mối quan hệ giữa y trong sự tác động cùng một lúc của
nhiều biến số phản ánh các nhân tố khác nhau thì gọi là phương pháp đa
hồi quy.
Để xác định được dạng tương quan giữa cầu du lịch với một nhân
tố ảnh hưởng, từ tập hợp các số liệu thống kê cầu du lịch y
i
theo sự biến
đổi của nhân tố ảnh hưởng x
i
có thể biểu diễn chúng trên trục toạ độ và
tạo ra đường hồi quy thực nghiệm. Dựa vào đường hồi quy thực nghiệm
85
để suy luận ra đường hồi quy lý thuyết với các dạng thường gặp như sau
(xem hình 2.2
13
):
Hình 2.2. Các dạng đường hồi quy lý thuyết
Để xác định được dạng tương quan giữa cầu du lịch với nhiều nhân
tố ảnh hưởng hoặc để xây dựng mô hình toán kinh tế nhiều nhân tố ảnh
hưởng đến cầu du lịch thì cần phải trải qua những giai đoạn sau:
- Lựa chọn các nhân tố xác định ảnh hưởng đến quá trình phát triển
của nhu cầu và cầu du lịch.
- Xác định luận chứng kinh tế về mối liên hệ được sử dụng trong
mô hình để mô tả sự phụ thuộc giữa mức độ nghiên cứu và các nhân tố
ảnh hưởng đến nó, có nghĩa là lựa chọn hàm số toán học phù hợp.
- Tính toán xác định các tham số của mô hình toán kinh tế.
- Giải thích (diễn giải) kinh tế và đánh giá các tính toán nhận được.
Việc xác định và lựa chọn các nhân tố ảnh hưởng là một khó khăn
lớn nhất khi xây dựng mô hình toán kinh tế. Mô hình toán kinh tế không
thể biểu hiện được một cách chính xác tất cả các nhân tố ảnh hưởng đến
13
Xem thêm: Trương Sỹ Quý và Hà Quang Thơ (1995), Giáo trình Kinh tế Du lịch, Trường
ĐH Bách khoa Đà Nẵng, trang 66-67.
y = ax
b
y
o
x
y = ax + b
y
o
x
y = ln(ax+b)
y
o
x
y = e
(ax+b)
y
o
x
86
cầu trong thực tế. Vì vậy, khi xây dựng mô hình không cần xác định với
tất cả các nhân tố, mà chỉ với những nhân tố chủ yếu nhất có thông tin
đầy đủ và khách quan, có quan hệ về lượng với hiện tượng cần dự báo.
Giai đoạn quan trọng tiếp theo là lựa chọn dạng toán học biểu thị
mối liên hệ về lượng của cầu với các nhân tố ảnh hưởng. Với sự hỗ trợ
của máy tính, có thể thiết lập được các đường hồi quy thực nghiệm đa
nhân tố để từ đó suy luận ra đường hồi quy lý thuyết với các mô hình
toán kinh tế phổ biến trên cơ sở các dạng phương trình sau:
Tuyến tính: y = a
0
+ a
1
x
1
+ a
2
x
2
+ ... + a
n
x
n
Logarit: logy = a
0
+ a
1
logx
1
+ a
2
logx
2
+ ... + a
n
logx
n
Trong đó:
y là cầu du lịch.
x
1
, x
2
, ... x
n
là các nhân tố ảnh hưởng đến cầu.
a
0
, a
1
, ... a
n
là các tham số của phương trình.
Ưu điểm của mô hình hoá toán kinh tế là có thể sử dụng để dự báo,
nghiên cứu về cầu du lịch trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, ở từng địa
phương cũng như trong từng lĩnh vực kinh doanh riêng biệt của ngành du
lịch khi lập các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
2.2. CUNG DU LỊCH
2.2.1. Khái niệm và bản chất của cung du lịch
Cung du lịch là lượng hàng hoá và dịch vụ mà người bán là các tổ
chức và cá nhân kinh doanh du lịch có khả năng và sẵn sàng bán ở các
mức giá khác nhau cho khách du lịch trong một thời gian và không gian
nhất định.
Cung du lịch được hình thành từ các yếu tố:
- Tài nguyên du lịch: Đây là yếu tố tạo nên động cơ thúc đẩy con
người đi du lịch.
87
- Cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch:
Đó là những phương tiện vật chất và kỹ thuật - yếu tố đầu vào của quá
trình cung ứng. Tuy nhiên, đối với du lịch các yếu tố này cũng được quan
niệm như một "sản phẩm" cung ứng cho khách. Ví dụ, hệ thống đường sá
thuận lợi tạo điều kiện cho khách đi lại dễ dàng và thoải mái; các cơ sở
kinh doanh lưu trú và ăn uống có kiến trúc và trang trí đẹp, có vị trí thuận
tiện, có khả năng cung cấp các dịch vụ có chất lượng.
Có ý kiến cho rằng, hai yếu tố trên về bản chất không phải là cung
nhưng thực tế lại tham gia vào cung và góp phần tạo ra cung. Đồng thời,
một số yếu tố khác như sự an toàn, lòng mến khách... ở điểm đến cũng
mang những tính chất như vậy đối với du lịch. Đây là một đặc thù của
cung du lịch khác với cung các hàng hoá và dịch vụ thông thường khác.
- Các dịch vụ và hàng hoá du lịch là những yếu tố chủ yếu của
cung. Chúng bao gồm các dịch vụ vận chuyển, lưu trú, ăn uống, hướng
dẫn tham quan... các hàng hoá như hàng lưu niệm, hàng mua sắm có giá
trị...
Tương tự như cầu du lịch, cung du lịch thường đề cập cung thực tế
là những hàng hoá và dịch vụ thực tế đã bán được cho số khách đi du
lịch. Thông thường hàng hoá và dịch vụ được bán theo các mức giá dựa
trên cơ sở giá trị (các chi phí sản xuất và cung ứng) của nó. Tuy nhiên,
đối với các nhà cung ứng du lịch, cần mở rộng quan niệm về giá trị từ
góc độ người tiêu dùng đó là các vấn đề về giá cả, chất lượng, lợi ích
mang lại và tổng hợp của các yếu tố này đối với khách du lịch.
Cung du lịch vừa là một khái niệm tổng hợp toàn bộ các hàng hoá
và dịch vụ cung ứng, vừa là khái niệm biểu hiện cung của từng lĩnh vực
riêng biệt trong kinh doanh du lịch như cung ứng dịch vụ lưu trú, ăn
uống, vận chuyển, chương trình du lịch... Do đó, các nhà cung ứng riêng
lẻ tại một điểm đến du lịch phải liên kết với nhau để tạo ra một sản phẩm
du lịch hoàn chỉnh để cung cấp cho khách du lịch. Sản phẩm du lịch
(theo nghĩa tổng hợp) có thể tạo ra hình ảnh của điểm đến du lịch và
cung ứng du lịch tổng hợp là đại diện cho điểm đến du lịch đó.
88
2.2.2. Đặc điểm của cung du lịch
Tương tự như cầu, cung du lịch được nhiều tác giả tìm hiểu và chỉ
ra các đặc điểm hoặc đặc trưng khác nhau. Điều đó có thể xuất phát từ
quan niệm cung mang tính chất tổng hợp, đồng thời nhìn nhận cung từ
các khía cạnh riêng biệt. Những đặc điểm có tính chất khái quát và tiêu
biểu nhất của cung du lịch theo nghĩa tổng hợp bao gồm:
- Cung dịch vụ là chủ yếu: Một điều dễ hiểu là cầu du lịch chủ yếu
là dịch vụ nên vế tương ứng của nó là cung cũng chủ yếu là dịch vụ. Với
đặc điểm này các đơn vị cung ứng du lịch sẽ không có các khả năng sản
xuất trước, sản xuất hàng loạt cũng như khả năng lưu kho và dự trữ.
Chính vì vậy, cung du lịch tiềm năng thường chỉ được nhìn nhận ở một
khía cạnh riêng biệt mà thôi.
- Cung cố định: Cung du lịch cố định về vị trí, về khả năng cung
cấp. Đối với các hàng hoá thông thường khi bán được, các nhà cung ứng
có thể mở rộng sản xuất, tăng ca kíp để tăng sản lượng. Các dịch vụ du
lịch lại không thể làm được như vậy bởi vì có sự giới hạn về sức chứa
của một chuyến bay, một khách sạn và thậm chí của một điểm hấp dẫn ở
khu du lịch. Mặt khác, tính cố định của cung còn làm cho cầu phải đến
với cung - khách du lịch phải đến với khách sạn, với nhà hàng, với các
điểm hấp dẫn du lịch.
- Cung thường được chuyên môn hoá theo từng lĩnh vực: Do nhu
cầu du lịch có tính tổng hợp và đòi hỏi thoả mãn đồng thời nên khả năng
một nhà cung ứng đáp ứng được tất cả các yêu cầu đó là rất khó khăn và
phức tạp. Sự chuyên môn hoá sẽ khắc phục được khó khăn này, đồng
thời mang lại các lợi ích thông thường của quá trình chuyên môn hoá như
tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các
nhà cung ứng du lịch còn đáp ứng các nhu cầu của dân cư địa phương
nên sự chuyên môn hoá theo từng lĩnh vực, từng ngành nghề là phù hợp
và có hiệu quả. Chính vì đặc điểm này đòi hỏi các nhà cung ứng du lịch
phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình kinh doanh và kết
quả của sự liên kết này tạo nên các sản phẩm du lịch trọn gói. Nhiều sự
89
liên kết, nhiều cách kết hợp đã góp phần làm phong phú và đa dạng các
sản phẩm du lịch cung ứng trên thị trường.
- Các đặc điểm khác: Tương tự như cầu, cung du lịch cũng có
những đặc điểm khác như tính chất phong phú và đa dạng, tính thời vụ...
2.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến cung du lịch
Cung có thể phụ thuộc vào nhiều nhân tố nhưng không nhất thiết là
một biến số độc lập hoàn toàn với cầu vì có cầu tồn tại thì mới có cung.
Khi chấp nhận sự phụ thuộc lẫn nhau giữa cung và cầu, và trước khi cố
gắng bóc tách các dạng liên hệ nội tại giữa cung và cầu, cần xem xét các
nhân tố ảnh hưởng đến cung. Các nhân tố này thường bao gồm:
- Giá cả của hàng hoá, dịch vụ cung ứng: Nhà cung ứng sẽ cố gắng
sản xuất nhiều hơn hoặc ít hơn tuỳ thuộc vào giá cao hay thấp.
- Giá cả của các hàng hoá, dịch vụ có liên quan (như thay thế hoặc
bổ sung) với hàng hoá, dịch vụ đang cung ứng: Nhà cung ứng sẽ xem xét
giá cả của các hàng hoá, dịch vụ khác để quyết định lượng hàng hoá, dịch
vụ cung ứng của mình.
- Chi phí sản xuất, kinh doanh: Đây là một nhân tố quan trọng nhất
bởi vì chi phí có thể ảnh hưởng khác nhau đến sự thay đổi doanh thu. Khi
doanh thu tăng do giá tăng chưa chắc làm cho lợi nhuận tăng nếu chi phí
tăng nhanh hơn doanh thu.
- Cạnh tranh trên thị trường: Sự cạnh tranh trên thị trường có thể
làm thúc đẩy cung hoặc kìm hãm cung.
- Sự kỳ vọng: Nhân tố này có thể quan trọng như chi phí sản xuất
kinh doanh, trong đó, một công ty sẽ phải dự đoán cầu, mức giá và các
hành động của đối thủ cạnh tranh trước khi bắt đầu sản xuất. Ví dụ,
những người kinh doanh lữ hành sẽ kỳ vọng về cầu đối với một chương
trình du lịch nhất định, thậm chí kỳ vọng vào những khách hàng đăng ký
mua chương trình trước nhiều tuần.
90
- Tình trạng công nghệ: Nhân tố này ảnh hưởng đến năng suất và
sản lượng của mỗi lao động và ảnh hưởng đến cơ cấu chi phí sản xuất,
kinh doanh.
- Quy hoạch phát triển du lịch là một nhân tố tác động trực tiếp đến
sự tăng lên của cung du lịch trong nhiều loại hình kinh doanh khác nhau.
- Các chính sách của chính phủ: Ví dụ như chính sách thuế với
nhiều loại thuế trực thu và gián thu khác nhau tuỳ theo mỗi quốc gia. Khi
chính phủ thay đổi chính sách thuế sẽ làm ảnh hưởng đến cung hàng hoá,
dịch vụ.
- Các nhân tố khác: Trên đây chưa phải là một danh mục đầy đủ
các nhân tố ảnh hưởng đến cung nhưng đã chỉ ra một số nhân tố sẽ phải
xem xét khi cân nhắc cung các hàng hoá, dịch vụ của ngành. Ngoài ra,
các nhân tố như thời tiết, tình hình an ninh, chính trị... cũng sẽ có tác
động nhất định đến cung du lịch.
Các nhân tố nói trên có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến
cung của một doanh nghiệp du lịch (một nhà cung ứng đơn lẻ), đồng thời
ảnh hưởng đến cung của một điểm đến - tập hợp cung của nhiều doanh
nghiệp (tổng cung).
2.2.4. Đặc điểm một số loại hình cung du lịch
2.2.4.1. Cung dịch vụ vận chuyển hàng không
Trong kinh doanh vận chuyển du lịch, hàng không được đánh giá là
phương tiện vận chuyển chủ yếu nhất đối với du lịch quốc tế và cả đối
với du lịch nội địa của nhiều quốc gia. Do đó, nó được lựa chọn làm đại
diện tiêu biểu cho loại hình cung dịch vụ vận chuyển để nghiên cứu.
Các hãng hàng không chuyên chở hành khách đo lường đầu ra bằng
số ghế ki lô mét có khách - ps/km (passenger seat kilometres), với cung
là số ghế ki lô mét có sẵn và sự tiêu dùng là số ghế ki lô mét doanh thu.
Các chi phí của một hãng hàng không chuyên chở hành khách có thể
được chia thành bốn nhóm lớn như thể hiện trong bảng 2.1.
91
Bảng 2.1. Các chi phí trong chuyên chở hành khách bằng hàng không
Nhóm chi phí
Tỉ trọng trung bình (%)
Chi phí liên quan đến hãng hàng không (FC)
Chi phí liên quan đến tuyến bay (SFC)
Chi phí liên quan đến chuyến bay (SFC)
Chi phí liên quan đến hành khách* (VC)
10
27
45
18
100
* Bao gồm 9 -11% hoa hồng bán vé
Nguồn: IATA airlines
Chi phí liên quan đến hãng hàng không là các chi phí cố định cần
thiết như chi phí quản lý, đặt giữ chỗ, marketing và chi phí cho các chi
nhánh. Chi phí liên quan đến tuyến (đường) bay phát sinh ngay sau khi
quyết định mở một tuyến (đường) bay nhất định, bao gồm chi phí máy
bay (mua và khấu hao), bảo dưỡng và chi phí ở sân bay như dịch vụ kiểm
tra lên máy bay, thuê văn phòng và thuê cầu thang (hoặc đường ống dẫn)
lên máy bay ở tất cả các điểm dừng trên tuyến bay. Do đó, chi phí liên
quan đến tuyến (đường) bay tương đối cố định (các chi phí bán cố định -
SFC). Chi phí liên quan đến chuyến bay biến đổi theo tuyến (đường) bay
nhưng sẽ cố định ngay sau khi quyết định vận hành tuyến bay đó được
thực thi. Các chi phí này thường bao gồm chi phí cho tổ lái và đội tiếp
viên, nhiên liệu (khoản này thường chiếm lớn nhất khoảng 30% trong
tổng chi phí đối với hầu hết các hãng hàng không), trả tiền kiểm soát sân
bay và tín hiệu hàng không. Các chi phí biến đổi liên quan đến hành
khách bao gồm suất ăn, kiểm tra hành lý và bán vé. Vì hoa hồng bán vé
liên quan trực tiếp đến các mức giá vé nên sẽ hợp lý hơn khi coi doanh
thu của hãng hàng không tính theo mức giá thuần, trừ đi khoản hoa hồng
(khoản chi phí biến đổi liên quan đến hành khách) khoảng 7 - 9%. Trong
thời kỳ ngắn hạn, các hãng hàng không thường kỳ phải cam kết hoạt
92
động kinh doanh các dịch vụ đã đăng ký và quảng cáo, vì vậy các chi phí
liên quan đến hành khách là chi phí biến đổi.
Trong mỗi chuyến bay, khả năng cung là cố định. Do đó, để tối đa
hoá doanh thu và lợi nhuận từ mỗi chuyến bay, các hãng hàng không
thường sử dụng một số chiến thuật sau đây:
- Thiết lập mức giá vé thị trường là mức giá bù đắp được tổng chi
phí chuyến bay khi có một số lượng hành khách tương ứng nhất định
(điển hình là đạt được công suất 55 - 60% số ghế có khách). Vì có sự
phân đoạn thị trường nên số chỗ ngồi còn lại có thể bán ở mức giá thấp
hơn ở các đại lý du lịch cho đến mức giá dự phòng ngang bằng với mức
chi phí biến đổi (VC). Điều đó sẽ tạo cho hãng hàng không có khả năng
lợi nhuận vì doanh thu cận biên sẽ lớn hơn chi phí cận biên (MR > MC).
- Đảm bảo cơ cấu ghế ngồi theo các hạng khách khác nhau để tạo ra
lợi nhuận tối đa cho mỗi chuyến bay.
- Bán vé ở mức giá cao nhất có thể, ví dụ bán cho các tổ chức chính
phủ, các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế trên cơ sở nắm vững đặc
điểm của từng phân đoạn thị trường.
- Ngoài ra, các hãng hàng không quốc tế lợi dụng sự giao động của
tỷ giá ngoại tệ để tập trung bán ở những quốc gia mà đồng tiền nước đó
đang được giá so với đồng tiền của quốc gia có hãng hàng không (ở đó
giá vé máy bay chưa kịp điều chỉnh giảm xuống). Việc sử dụng các đơn
vị tiền tệ trung lập trong giá vé hàng không quốc tế có thể làm giảm sự
lựa chọn này nhưng không làm mất tác dụng của nó.
Giữa chuyến bay thường kỳ và chuyến bay thuê bao có sự khác
nhau cơ bản. Cung của chuyến bay thuê bao thường lấy đơn vị đầu ra là
số chuyến bay mà không phải là số ghế có khách hoặc số ghế ki lô mét
có khách (ps/km). Bởi vì, chuyến bay thuê bao chỉ thực hiện khi tối thiểu
có 90% số vé của chuyến bay được đăng ký trước và do đó, cũng đảm
bảo mức tối thiểu số hành khách như vậy sẽ quay về. Nếu không đảm
bảo mức tối thiểu này, chuyến bay có thể bị hoãn hoặc hợp nhất với một
93
chuyến bay khác. Trong khi mức giá vé thường phải rẻ hơn để đảm bảo
sức chở cao, thì chi phí liên quan đến chuyến bay về thực chất trở thành
các chi phí biến đổi. Do cung theo hình thức các chuyến bay nên nó có
thể được điều chỉnh dễ dàng hơn theo các nhu cầu thị trường. Các chuyến
bay thuê bao có sự co giãn theo giá cả cao và phản ứng linh hoạt, kịp thời
hơn so với chuyến bay thường kỳ nên nó có thể phục vụ tốt nhu cầu du
lịch giải trí đại chúng.
Trong thời kỳ dài hạn, các hãng hàng không thay đổi cung thông
qua thay đổi tuyến bay, số máy bay, thay đổi hệ thống tổ chức và quản lý
hãng. Các chi phí trên một đơn vị đầu ra (ps/km) thay đổi do các đầu vào
khác nhau (như máy bay mới tạo ra năng suất trung bình cao hơn trên
một đơn vị đầu ra) hoặc do sự thay đổi hệ thống các tuyến bay để thu
được hiệu quả kinh tế theo thị phần và cung ứng các sản phẩm "mới".
Ngoài ra, các hãng hàng không có thể sử dụng thương quyền 6 (xem phụ
lục chương 3) để tăng cung các tuyến bay.
Trong ba thập kỷ qua, sự phát triển của công nghệ và kỹ thuật hàng
không gắn liền với tiết kiệm chi phí đã thúc đẩy và mở rộng cung dịch vụ
chuyên chở hàng không mặc dù có những thời kỳ bùng nổ chi phí nhiên
liệu và nhiều hãng hàng không bị thua lỗ do khủng hoảng kinh tế.
2.2.4.2. Cung dịch vụ lưu trú khách sạn
Một trong những đặc điểm của cung các dịch vụ lưu trú là tính đa
dạng. Sự đa dạng không chỉ ở phạm vi rộng các loại hình cơ sở lưu trú từ
mức thấp nhất là các bãi cắm trại đến các khách sạn năm sao cao cấp và
sang trọng, mà còn đa dạng về vị trí, về hình thức sở hữu và cơ cấu chi
phí khác nhau của cung nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Phần lớn các cơ sở kinh doanh lưu trú khách sạn có sự cung ứng cố
định về số phòng hoặc diện tích không gian sẵn sàng cho thuê. Trong
kinh doanh, các cơ sở này thường mong muốn đạt được sự tối đa hoá
doanh thu và lợi nhuận bằng kỳ vọng (lý tưởng) bán hết tất cả khả năng
cung lưu trú của mình tức là đạt được 100% công suất sử dụng phòng.
Kỳ vọng này cũng tương tự như các hãng hàng không. Tuy nhiên, việc
94
xác định một chỉ tiêu đo lường cung hoặc đầu ra của các cơ sở kinh
doanh lưu trú khách sạn thường khá phức tạp. Thứ nhất, hệ số sử dụng cơ
sở kinh doanh có thể được đo lường theo 3 cách khác nhau:
- Hệ số sử dụng cơ bản được xác định bằng tỷ lệ % số phòng (ngày
phòng) có khách sử dụng trên tổng số phòng (ngày phòng) có khả năng
cung ứng trong một thời kỳ nhất định. Hệ số này thường được gọi là
công suất sử dụng phòng (hoặc công suất phòng).
- Hệ số sử dụng giường được xác định bằng tỷ lệ % số giường
(ngày giường) có khách sử dụng trên tổng số giường (ngày giường) có
khả năng cung ứng trong một thời kỳ nhất định (với một phòng tiêu
chuẩn tính hai giường đơn và một giường đôi bằng hai giường đơn).
- Hệ số sử dụng theo doanh thu xác định bằng tỷ lệ % so sánh giữa
doanh thu thực tế nhận được với doanh thu tối đa theo mức giá niêm yết
trong một thời kỳ nhất định. Trong thực tiễn kinh doanh, có thể cho thuê
phòng ở mức giá giảm vì nhiều lý do khác nhau như khách quen, khách
thuê dài hạn và thường xuyên, khách đi theo đoàn đông...
Ví dụ: Một khách sạn 100 phòng (mỗi phòng tính 2 giường) có
mức giá bán bình quân 100.000đ/đêm. Qua thống kê một ngày đêm cho
thấy: Có 30 phòng mỗi phòng có 2 người thuê ở mức giá niêm yết; có 30
phòng mỗi phòng có 2 người thuê ở mức giá 70.000đ/đêm vì họ đi theo
đoàn nên được giảm giá; có 20 phòng mỗi phòng có 1 người thuê với
mức giá 60.000đ/đêm. Từ đó, có thể tính được các loại hệ số khác nhau:
Hệ số cơ bản 80%, hệ số sử dụng giường 70% và hệ số sử dụng theo
doanh thu 63%.
Thứ hai, các phòng khách sạn có thể được bán ở mức giá thấp hơn
giá thị trường một cách có chủ ý (thậm chí có thể chịu lỗ) để thúc đẩy bộ
phận kinh doanh ăn uống hoặc kinh doanh các dịch vụ khác (sự đàn hồi
theo giá chéo của cung) hoặc đơn giản hơn để bảo đảm dòng lưu chuyển
tiền tệ trong thời kỳ trái vụ. Do đó, cung với mục tiêu tối đa hoá lợi
nhuận luôn được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu để hỗ trợ các mục
tiêu khác.
95
Nói chung, các nhà kinh doanh khách sạn thường mong muốn cung
cấp 100% số phòng của mình với hệ số sử dụng giường và hệ số sử dụng
theo doanh thu đạt mức tối đa bởi vì trong cơ cấu chi phí kinh doanh
khách sạn cũng tương tự như chi phí của các hãng hàng không, các
khoản chi phí cố định chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh
đôi khi cũng phải lựa chọn giữa việc bán số phòng ít hơn ở mức giá đầy
đủ với bán số phòng nhiều hơn ở mức giá giảm (như bán cho một đoàn
khách đi theo tour ở mức giá thấp). Có thể có sự lựa chọn giữa bán 40
phòng ở mức giá 100$ hoặc 90 phòng ở mức giá 50$; phần doanh thu
tăng thêm 500$ có thể phải chấp nhận các chi phí biến đổi tăng lên như
chi phí dọn phòng, giặt là, điện... Những khoản chi phí này sẽ biến đổi
theo công suất sử dụng phòng khách sạn.
Tại các điểm đến du lịch có tính thời vụ rõ rệt, các cơ sở lưu trú
thường có sự phân biệt trong quản lý cung nói chung giữa hai thời vụ:
Vào lúc trái vụ các khách sạn thường nhận đăng ký đặt phòng trước theo
đoàn, nhưng trong lúc chính vụ họ lại ít khi nhận đăng ký như vậy bởi vì
có nhiều cơ hội để bán phòng ở mức giá niêm yết.
Để tạo ra bức tranh chi phí "trung bình" cho toàn ngành lưu trú là
một vấn đề khó khăn bởi vì các phương pháp kế toán sử dụng thường
không phân bổ các chi phí quản lý cho các nghiệp vụ kinh doanh phòng,
kinh doanh ăn uống và kinh doanh các dịch vụ khác. Tuy nhiên, một bức
tranh khái quát hoá các chi phí của ngành lưu trú trung bình khắp thế giới
được trình bày trong Bảng 2.2.
Bảng 2.2 chỉ có tính chất giới thiệu chung về các khoản chi phí chủ
yếu và sự phân bổ chúng trong ngành lưu trú, trên thực tế do bản chất đa
dạng của ngành làm các mức độ chi phí rất khác nhau. Mặc dù vậy, vẫn
có thể thấy rõ lao động là một yếu tố đầu vào chủ yếu ở các cơ sở kinh
doanh lưu trú và các chi phí cố định thường vượt quá các chi phí biến đổi
về tổng số và tỷ trọng.
96
Bảng 2.2. Cơ cấu chi phí lưu trú trung bình thế giới (%)
Khoản chi phí
Chi phí
cố định
(FC)
Chi phí
biến đổi
(VC)
Tổng số
Lao động (trực tiếp và gián tiếp)
20
20
40
Thuê tài chính, khấu hao và chi phí đồ đạc/
tài sản cố định
30
-
30
Năng lượng và bảo dưỡng
5
10
15
Giặt là, khăn trải giường và các đồ cung cấp
-
10
10
Chi phí khác
5
-
5
60
40
100
Nguồn: Horwath International "Worldwide Lodging Industry"
Một vấn đề khó khăn đối với nhiều khách sạn là mức độ lao động
được coi như một chỉ số của chất lượng dịch vụ khách sạn. Chất lượng
dịch vụ lại hình thành nên đặc điểm của từng cơ sở lưu trú và tạo ra sự
khác biệt về giá dịch vụ giữa các cơ sở kinh doanh. Điều này có thể
không phải là một vấn đề tồn tại lớn ở nền kinh tế có tiền công thấp như
các nước ở Nam và Đông Nam Á, ở đó tỷ lệ nhân viên/khách là hơn 3:1
trong các khách sạn quốc tế; nhưng nó là vấn đề nghiêm trọng ở nền kinh
tế các quốc gia có tiền công cao. Các khách sạn không thể áp dụng cách
thức của các tàu biển du lịch là đăng ký tàu của mình dưới cờ hiệu của
một quốc gia thích hợp, thuê thuỷ thủ đoàn từ quốc gia có tiền công thấp
và tuân theo các điều kiện thị trường lao động của quốc gia đó. Vì vậy,
các công ty khách sạn ở quốc gia có tiền công cao lựa chọn giải pháp sử
dụng các thiết bị, máy móc và các đầu vào được sản xuất công nghiệp
nhằm tiết kiệm và giảm bớt số lao động "đắt tiền" của mình, dẫn đến thay
thế các chi phí biến đổi bằng các chi phí cố định. Khi đó, các khách sạn
này phải cố gắng cung ứng hết công suất và điều này được phản ánh
thông qua chính sách giá của từng khách sạn.
97
Trong khi đó, một khuynh hướng khác của cung dịch vụ lưu trú
trong các khách sạn là nó được vận hành trong xu hướng giảm chi phí cố
định (chuyển chi phí cố định thành chi phí biến đổi). Khuynh hướng này
đã tạo ra sự tách biệt giữa sở hữu và quản lý khách sạn. Trước đây, ở các
nước công nghiệp phát triển, hầu hết các công ty khách sạn là chủ sở hữu
các tài sản của chính mình. Nhưng hiện nay, các khách sạn lớn và trung
bình thường thuộc sở hữu của các công ty bất động sản và các khách sạn
này hoạt động với một hợp đồng quản lý hoặc chuyển nhượng. Các tập
đoàn khách sạn nổi tiếng ở Mỹ như Hilton, Hyatt, Marriott hoặc ITT
Sheraton vận hành hầu hết số khách sạn của họ theo cách thức trên. Các
cơ sở kinh doanh lưu trú thuộc tập đoàn hoạt động dưới các thương hiệu
này thông qua hợp đồng chuyển nhượng với tập đoàn.
Như vậy, với khuynh hướng trên đã phản ánh rằng có hai loại
doanh nghiệp vận hành trong các thị trường khác nhau. Các công ty bất
động sản coi khách sạn như một phương tiện đầu tư đặc biệt ở các thành
phố và các điểm đến du lịch chủ yếu. Giá trị vốn đầu tư sẽ được thu hồi
thông qua sự chia sẻ lợi nhuận với người kinh doanh khách sạn hoặc cho
thuê tài chính. Trong khi đó, các nhà kinh doanh khách sạn lại được giảm
nhẹ các khoản thanh toán chi phí cố định và chịu một mức phí hoặc tiền
thuê có mối liên hệ nhất định với lợi nhuận hoặc doanh thu, điều đó làm
cho khoản chi phí này mang tính chất bán cố định (nửa cố định, nửa biến
đổi). Tóm lại, sự tách biệt giữa sở hữu và quản lý khách sạn sẽ làm cho
các quyết định cung ứng dịch vụ lưu trú khách sạn trở nên linh hoạt hơn.
Đối với cung dịch vụ lưu trú, ngoài các nhân tố ảnh hưởng đến
cung du lịch nói chung như đã đề cập, thì sự kích thích của cầu là nhân tố
tác động mạnh mẽ nhất đến loại cung này. Sự tăng lên của cầu về dịch vụ
lưu trú gắn liền với sự phát triển du lịch (các nhân tố ảnh hưởng đến cầu
đã nêu trong mục 2.1.3). Ngoài ra, sự tiến bộ của công nghệ trong các
lĩnh vực xây dựng, trang trí nội thất và công nghiệp hàng tiêu dùng làm
cho các khách sạn hiện đại xuất hiện ngày một nhiều hơn, nhanh hơn
hoặc các cơ sở lưu trú luôn được cải thiện, nâng cấp và làm mới.
98
2.2.4.3. Cung ứng chương trình du lịch trọn gói
Lịch sử phát triển chương trình (tour) du lịch trọn gói ghi nhận
người khởi xướng là Thomas Cook với chương trình du lịch bằng tàu hoả
ở Anh năm 1841. Nhưng kinh doanh chương trình du lịch trọn gói lại bắt
đầu phát triển từ lĩnh vực hàng không ở châu Âu vào đầu những năm 50
của thế kỷ 20. Vào thời gian đó, nhiều hãng hàng không có sự dư thừa số
ghế ngồi trong mỗi chuyến bay. Nguyên nhân một phần do sự bổ sung
thêm các máy bay và đội bay chuyển từ dự trữ trong thời gian chiến tranh
trước đây sang kinh doanh dân dụng và một phần do các hãng hàng
không khi đó không có sự phân đoạn thị trường và không có hệ thống giá
vé phân biệt như hiện nay. Vì thế, các chuyến bay thường kỳ hoạt động
liên tục với nhiều ghế ngồi không có khách. Thực tế này đã tạo cơ hội
cho các công ty lữ hành (điều hành tour) trở thành những người mua
buôn - bán lẻ khi mua toàn bộ các ghế ngồi trống của mỗi chuyến bay ở
một mức giá giảm, thấp hơn giá vé công bố. Mức giá này thậm chí có thể
giảm đến mức các chi phí biến đổi và rất thấp so với các mức giá thực.
Mức giá được xác định bởi quyền mặc cả tương đối của các công ty lữ
hành với các hãng hàng không.
Để bảo vệ các thị trường với mức giá vé đầy đủ của mình, các hãng
hàng không áp đặt điều kiện đối với các công ty lữ hành khi bán lại các
ghế ngồi mà một số điều kiện đó vẫn còn có ảnh hưởng đến ngày nay.
Điều kiện cơ bản nhất là các công ty lữ hành chỉ có thể bán lại dịch vụ
vận chuyển hàng không như một yếu tố cấu thành của một chương trình
trọn gói hợp nhất với dịch vụ lưu trú và các dịch vụ khác ở điểm đến du
lịch. Điều đó đã tạo điều kiện cho các công ty lữ hành trở thành nhà "sản
xuất" các chương trình du lịch trọn gói như một loại sản phẩm đặc trưng
trong lĩnh vực kinh doanh chương trình du lịch. Các công ty lữ hành phải
chấp nhận rủi ro kinh doanh trong việc bán các sản phẩm "dự trữ" của
chính mình.
Khi mua dịch vụ lưu trú cho các chương trình du lịch trọn gói, các
công ty lữ hành cũng dành quyền mặc cả như họ thực hiện với các hãng
99
hàng không để bảo đảm mua dịch vụ ở mức giá giảm. Vì vậy, quyền mặc
cả tương đối này sẽ chi phối các mức giá cuối cùng. Ví dụ, một công ty
lữ hành sẽ đăng ký được một khối lượng phòng nhất định với mức giá rẻ
ở một khách sạn mới kinh doanh vì khách sạn này vừa có một mức cầu
đảm bảo khi mới bắt đầu kinh doanh lại vừa có một số khách hàng có thể
sẽ quay lại khách sạn sau này và mua dịch vụ ở mức giá đầy đủ. Ngoài
ra, các mức giá đàm phán cuối cùng giữa công ty lữ hành với khách sạn
còn có thể tuỳ thuộc vào các điều kiện sau:
- Thời vụ và công suất sử dụng phòng của khách sạn;
- Các công ty lữ hành đăng ký và đảm bảo thanh toán cho một lô
phòng xác định (có thể xác định rõ vị trí các phòng) hoặc đăng ký nhưng
không có các điều kiện ấn định trước với khách sạn;
- Sự liên tục của cầu từ các công ty lữ hành, đặc biệt trong mùa trái
vụ là một yếu tố mạnh để mặc cả không chỉ nhận được mức giá thấp mà
còn bảo vệ sự phân bổ của công ty lữ hành trong mùa chính vụ.
Từ việc mua các lô ghế ngồi trên các chuyến bay thường kỳ như
một yếu tố đầu vào, một số công ty kinh doanh chương trình du lịch hàng
không tiến tới thuê bao toàn bộ máy bay theo định kỳ khi hãng hàng
không có máy bay không sử dụng cho các chuyến bay thường kỳ nữa.
Mặc dù, công ty kinh doanh chương trình du lịch có sự tiết kiệm tiềm
năng hơn khi mua các lô ghế ngồi với mức giá giảm trong từng chuyến
bay riêng lẻ, nhưng các công ty lữ hành có thể thu được lợi ích nói chung
như hãng hàng không cho thuê bao vì các chuyến bay thuê bao có hệ số
chuyên chở rất cao. Do đó, nhiều công ty lữ hành, đặc biệt ở Anh,
Scandinavia và Đức đã tập trung các năng lực sản xuất lại để tiến đến
giai đoạn tự mua máy bay và thiết lập các đội bay thuê bao cho chính
mình. Điều đó cũng tương tự như các công ty lữ hành lớn làm chủ các
khách sạn, các đội xe buýt, các điểm hấp dẫn tại các điểm đến du lịch.
100
Khi mua các yếu tố đầu vào, đặc biệt là dịch vụ chuyên chở hàng
không, mục tiêu của công ty lữ hành là tạo ra được một loạt chương trình
liên tục của tour du lịch trọn gói. Ví dụ, một chương trình du lịch trọn gói
thuê bao xuất phát thường xuyên hàng tuần hoặc hai tuần một lần, khi đó
chuyến bay đi tuần này sẽ chuyên chở về nhà các du khách đi tuần trước
và các cơ sở lưu trú cũng được sử dụng liên tục. Với chương trình du lịch
trọn gói (hoặc các chuyến tham quan bằng chương trình trọn gói) sử
dụng các chuyến bay thường kỳ một cách đều đặn như vậy là điều không
dễ dàng, nhưng về mặt nguyên lý vẫn được coi là tốt.
Bảng 2.3 giới thiệu một báo cáo mẫu về doanh thu và chi phí của
một công ty lữ hành gửi khách Nhật Bản.
Qua Bảng 2.3 có thể thấy hai điểm cơ bản: Thứ nhất, nhiều công ty
lữ hành có doanh thu cao hơn điểm hoà vốn một chút khi bán trực tiếp
các sản phẩm chương trình trọn gói của mình bởi vì mục tiêu cạnh tranh.
Các công ty này sẽ có lợi nhuận chủ yếu từ lãi suất trên các khoản tiền
đặt cọc và trả trước cho các kỳ nghỉ, từ việc bán (hoặc thu đổi) ngoại tệ
và từ việc bán các sản phẩm "kèm thêm". Thứ hai, dịch vụ vận chuyển
hàng không và lưu trú là hai khoản chi phí đầu vào chủ yếu. Những
khoản chi phí này lớn hơn tất cả các chi phí còn lại và chi phối cung của
các công ty lữ hành. Một đặc điểm nổi bật của chương trình du lịch trọn
gói là lợi thế về giá cả nói chung dành cho khách du lịch rẻ hơn so với
việc mua từng yếu tố cấu thành riêng lẻ. Trong một số trường hợp, lợi thế
này chiếm khoảng từ 15% đến 40% thậm chí ở một số nước châu Âu nó
có thể còn cao hơn. Nếu các công ty lữ hành không nhận được các mức
giá dịch vụ đầu vào rẻ thì lượng cung các chương trình trọn gói của họ sẽ
giảm. Thực vậy, trong mùa chính vụ các hãng hàng không và khách sạn
có thể không bán cho các công ty lữ hành vì họ có thể bán hết tất cả sản
phẩm của mình trực tiếp cho khách du lịch ở mức giá đầy đủ.
101
Bảng 2.3. Tỷ lệ (%) thu nhập và chi phí của một công ty lữ hành
Các chỉ tiêu
%
Tổng doanh số bán tour trọn gói
Hoa hồng bán hàng
Vé máy bay
Lưu trú và ăn uống
Vận chuyển mặt đất và các loại thuế
Chi phí quản lý và chi phí khác
Lợi nhuận thương mại thuần
Cộng
Lợi nhuận từ bán bảo hiểm và chương trình tham quan
Lãi suất của các khoản trả trước và số dư bán ngoại tệ
47
35
2
5
100
10
90
89
1
2
2
Nguồn: Công ty lữ hành gửi khách Nhật Bản
2.2.4.4. Một số loại hình cung khác
a. Cung các điểm hấp dẫn du lịch
Các điểm hấp dẫn du lịch thường được phân thành 3 loại:
(A)- Các sự kiện;
(B)- Các điểm hấp dẫn vĩnh cửu được thiết kế đặc biệt nhằm mục
đích thương mại;
(C)- Các điểm hấp dẫn dựa trên cơ sở các tài nguyên tự nhiên và
nhân văn.
Cung các sự kiện (loại A) có thể theo từng đợt hoặc đột biến tuỳ
thuộc vào bản chất sự kiện. Cung các điểm hấp dẫn loại B phụ thuộc rất
lớn vào vị trí. Ở một điểm đến du lịch nổi tiếng sẽ có cầu tiềm năng của
khách "vãng lai" và nền kinh tế tập trung cho du lịch, điều đó không chỉ
có thể làm tăng cung các điểm hấp dẫn nhỏ được xây dựng có mục đích
mà còn củng cố tiềm năng thương mại của các điểm hấp dẫn lớn. Đôi
102
khi, các điểm hấp dẫn loại B sẽ thành công khi được xây dựng ở điểm
tạm dừng hoặc một nơi nghỉ chân dọc theo tuyến du lịch. Điều này không
quan trọng lắm đối với các quốc gia châu Âu vì ở đó các tuyến hành trình
có khoảng cách tương đối ngắn. Ngược lại, ở Canada hoặc Úc các tuyến
hành trình là những khoảng cách dài và không mấy thích thú nên bất kỳ
điểm hấp dẫn nào được xây dựng ở các quốc gia này thì hầu hết đều là
các sản phẩm du lịch thành công.
Cung các điểm hấp dẫn loại C nảy sinh trong hai giai đoạn: Cung
tiềm năng và cung thực tế (Hình 2.3).
Hình 2.3. Các giai đoạn của cung các điểm hấp dẫn loại C
Thứ nhất, có một tập hợp các điểm hấp dẫn được xác định tương
đối ở bất kỳ một điểm đến du lịch nào. Tập hợp này có thể không cố định
hoàn toàn vì kiểu mốt về cầu du lịch có thể thay đổi, có những nơi trước
kia được đánh giá là không có giá trị thăm viếng (như một đô thị cổ
chẳng hạn) thì nay lại có thể trở thành điểm du lịch rất hấp dẫn. Tuy
nhiên, nếu căn cứ theo một mô hình cầu thì tập hợp cung tiềm năng này
hiển nhiên là không co giãn.
Thứ hai, không phải tất cả các điểm hấp dẫn tiềm năng đều trở
thành các hấp dẫn thực tế. Những người chủ sở hữu hoặc quản lý các
điểm hấp dẫn đó phải:
- Sẵn sàng cung cấp cho khách du lịch sử dụng;
- Chuẩn bị một hệ thống quản lý việc sử dụng (có thể chỉ đơn giản
về cách tiếp cận hoặc cung cấp thông tin).
103
Sau khi đảm bảo các điều kiện trên thì các điểm hấp dẫn đó sẽ trở
thành cung thực tế và là một tập hợp nhỏ hơn của cung tiềm năng. Ví dụ,
một khu rừng nguyên sinh hoặc một vùng núi hoang dã thuộc sở hữu nhà
nước có thể là một điểm hấp dẫn tiềm năng, nhưng chỉ trở thành cung
thực tế nếu nhà nước cho phép được đến tham quan và làm đường vào
khu vực đó.
Cung thực tế là số lượng các điểm hấp dẫn sẵn có tối đa trong một
thời kỳ nhất định và mức độ cung mong muốn được xác định thông qua
các phương pháp quản lý du khách. Các phương pháp quản lý này có thể
bao gồm kiểm soát ở cửa vào như ở Kim tự tháp Giza của Ai Cập, kiểm
soát hệ thống các thang máy như ở tháp London, kiểm soát thẻ từ dành
cho những người chơi golf, hoặc kiểm soát giờ mở cửa. Đây là các
phương pháp hạn chế cung và có xu hướng phối hợp với kiểm soát cầu
vượt mức (dư cầu), đặc biệt ở thời kỳ cao điểm.
Loại chi phí chủ yếu đối với hầu hết nhà quản lý các điểm hấp dẫn
tự nhiên và lịch sử là chi phí lao động. Yếu tố đầu vào lao động có thể
bao gồm các dịch vụ trực tiếp cung cấp cho du khách (như thuyết minh,
hướng dẫn), bảo dưỡng, vệ sinh điểm hấp dẫn và bảo vệ. Nhóm thứ nhất
thuộc loại chi phí biến đổi nên tại nhiều điểm hấp dẫn ở các quốc gia có
tiền công cao, để giảm chi phí này người ta đã thay thế các dịch vụ hoặc
các khu vực cần nhiều lao động bằng các cửa quay tự động, thuyết minh,
hướng dẫn bằng ghi âm sẵn và các hệ thống thông tin nghe nhìn khác.
Tiết kiệm chi phí, đặc biệt chi phí lao động cũng có tầm quan trọng đối
với các điểm hấp dẫn định hướng người sử dụng (như công viên Disney
châu Âu).
b. Cung dịch vụ du lịch tàu biển
Du lịch bằng tàu biển từ lâu đã được thừa nhận là một loại sản
phẩm du lịch. Nhiều hãng du lịch tàu biển đã phát triển và tách khỏi các
công ty vận tải đường biển. Khái niệm sản phẩm chuyển dần từ vận
chuyển thuần tuý sang các dịch vụ lưu trú, ăn uống và các điểm hấp dẫn
trên một khách sạn nghỉ dưỡng di động. Khác với lĩnh vực hàng không,
104
đơn vị đầu ra của dịch vụ du lịch tàu biển không được tiêu chuẩn hoá mà
là các sản phẩm khác nhau tuỳ theo vị trí, thời gian và kiểu tàu. Cung
dịch vụ du lịch tàu biển trong thời kỳ ngắn hạn không co giãn tương đối
vì phương pháp mở rộng cung duy nhất trong một khu vực thường chỉ
bằng hình thức thuê bao tàu từ một tuyến đường khác mà có thể phải mất
nhiều tháng để đàm phán. Những người chủ sở hữu các tàu lớn thường ít
khi để dành tàu trong các điều kiện thị trường bất lợi vì họ vẫn phải chịu
các chi phí cố định. Vì vậy, cũng giống như hàng không, các hãng du lịch
tàu biển cố gắng đảm bảo cho tàu của họ hoạt động và cung cấp dịch vụ
thường xuyên để đạt doanh thu càng nhiều càng tốt.
Hoạt động kinh doanh du lịch tàu biển hiện đại ngày nay rất khác
với hoạt động kinh doanh trước đây. Các "sản phẩm" du lịch tàu biển tiêu
biểu có thể được so sánh như sau (Bảng 2.4
14
):
Bảng 2.4. So sánh sản phẩm du lịch tàu biển hiện đại với trước đây
Du lịch tàu biển hiện đại
Du lịch tàu biển trước đây
Thời gian từ 7 - 14 đêm
Khoảng cách ngắn
Xuất phát từ các cảng nước ấm
(thường là các vịnh)
Hầu hết thời gian ban ngày ở các cảng
Các tàu thuỷ lớn thiết kế theo mục đích
Thời gian dài
Khoảng cách dài
Xuất phát từ các cảng
của khu vực nguồn khách
Hầu hết thời gian ở trên biển
Sử dụng những tuyến đường chở hàng
Khi phát triển cung dịch vụ du lịch tàu biển, cần cân nhắc ba loại
chi phí chủ yếu là đầu tư vốn mua các tàu thuỷ lớn, chi phí nhiên liệu và
lao động. Loại thứ nhất là chi phí cố định, còn hai loại kia trở thành chi
phí cố định căn cứ vào các quyết định tiếp theo đối với con tàu và với
một số tiêu chuẩn chuyên môn. Có thể tiết kiệm nhiên liệu bằng cách cho
14
Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman,
Melbourne.
105
tàu chạy chậm hơn, vận hành theo một hải trình ngắn hơn và sử dụng
nhiều thời gian hơn ở các bến cảng. Trong thời kỳ dài hạn, chi phí nhiên
liệu có thể giảm do sử dụng các tàu thuỷ mới có hiệu suất tiêu thụ nhiên
liệu cao hơn hoặc sử dụng các tàu cũ nhưng được nâng cấp. Các nhà kinh
doanh du lịch tàu biển cũng tạo ra sự tiết kiệm chi phí lao động bằng một
số cách sau:
- Thuê thủy thủ đoàn từ các quốc gia có mức lương thấp (như thuỷ
thủ từ Hy Lạp hoặc Philippin);
- Thay thế lao động bằng các trang thiết bị tự động và tiết kiệm lao
động bằng cách sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn trên các tàu thuỷ lớn
hiện đại;
- Giảm mức độ cung cấp các dịch vụ không còn cần thiết ở trên tàu
mà các dịch vụ này có thể cung cấp ở các bến cảng.
Trong những năm gần đây, các hãng du lịch tàu biển đã cố gắng đạt
hiệu quả và cạnh tranh cao hơn bằng cách đặt mua các tàu thuỷ lớn, mới
hơn và bảo đảm công suất sử dụng phòng trên tàu đạt ở mức cao từ 85%
trở lên. Các hãng hợp nhất với nhau để tìm kiếm hiệu quả kinh tế theo
quy mô trong sản xuất và marketing, phát triển các đội tàu kinh doanh
trên "thị trường đại chúng", đặc biệt ở vùng biển Caribbe như các hãng
du lịch tàu biển Carnival và Royal Caribbe.
c. Cung sản phẩm ăn uống
Các cơ sở kinh doanh ăn uống thường có phạm vi rộng và đa dạng
về loại hình và hình thức cung ứng, từ cơ sở bình dân đến cao cấp, phục
vụ tại chỗ hoặc mang đi hoặc phục vụ tại nhà.
Sản phẩm cung ứng thường được tiêu dùng ngay tại chỗ. Do đó,
quá trình cung ứng là sự kết hợp và diễn ra đồng thời của sản xuất, bán
và tổ chức phục vụ tiêu dùng các sản phẩm ăn uống. Nhà cung ứng đồng
thời là người sản xuất, người bán và người phục vụ tiêu dùng tại chỗ.
Các loại chi phí chủ yếu là chi phí nguyên liệu và chi phí lao động.
Chi phí nguyên liệu (trị giá nguyên liệu) được xác định theo công thức
106
chế biến và giá mua nguyên liệu trên thị trường. Bộ phận chi phí này
quyết định đến số lượng và một phần chất lượng sản phẩm chế biến ra.
Chi phí lao động liên quan nhiều và trực tiếp trong quá trình sản xuất và
phục vụ tiêu dùng sản phẩm. Đây cũng là loại chi phí có ảnh hưởng chủ
yếu đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung ứng. Ngoài ra, khách hàng
cũng là người quyết định chất lượng sản phẩm ăn uống công cộng.
Cung sản phẩm ăn uống vừa phục vụ nhu cầu của dân cư địa
phương, vừa phục vụ khách du lịch nên nó chịu ảnh hưởng của các nhân
tố tác động đến hai nhóm khách hàng này.
Đối với cung sản phẩm ăn uống cho dân cư địa phương, các sản
phẩm này đáp ứng nhu cầu cơ bản nhằm thay thế bữa ăn trong gia đình
hoặc ăn uống mang tính chất giải trí nên cung về ăn uống công cộng
trước hết phụ thuộc vào sự phát triển của cầu, mức độ đô thị hoá và công
nghiệp hoá, sự phát triển của công nghệ chế biến các món ăn nhanh
mang tính công nghiệp cao và các nhân tố khác như giá cả, chi phí sản
xuất kinh doanh, sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm...
Đối với cung sản phẩm ăn uống cho khách du lịch, sự phát triển du
lịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cung, sự phát triển loại hình du lịch ẩm
thực, hội chợ ẩm thực và các nhân tố ảnh hưởng thông thường khác.
2.3. QUAN HỆ CUNG CẦU VÀ THỊ TRƯỜNG DU LỊCH
2.3.1. Quan hệ cung cầu du lịch
2.3.1.1. Thực chất của quan hệ cung cầu du lịch
Quan hệ cung cầu du lịch là mối quan hệ cơ bản của thị trường du
lịch. Mối quan hệ này được thực hiện thông qua vai trò xúc tác của giá cả
hàng hoá và dịch vụ du lịch, đồng thời mối quan hệ này sẽ làm ảnh
hưởng đến giá cả thị trường: Cung lớn hơn cầu làm giá giảm, cung nhỏ
hơn cầu làm giá tăng trong trường hợp cung cầu mất cân đối; còn khi
cung cầu cân đối giá cả sẽ phản ánh đúng giá trị và ở mức giá tại điểm
cân bằng.
107
Cũng như thị trường các hàng hoá và dịch vụ khác, thị trường du
lịch là lĩnh vực thực hiện việc mua bán sản phẩm du lịch. Do đó, thực
chất của mối quan hệ cung cầu du lịch là mối quan hệ giữa một bên là
nhu cầu có khả năng thanh toán về các hàng hoá và dịch vụ du lịch của
các nhóm khách hàng và một bên là khả năng thoả mãn nhu cầu (khả
năng cung) của các nhà cung ứng.
Mối quan hệ cung cầu hàng hoá và dịch vụ trên thị trường thường
vận động theo quy luật: Cung cầu mất cân đối - cân đối - mất cân đối -
cân đối mới - lại mất cân đối...
2.3.1.2. Đặc điểm của quan hệ cung cầu du lịch
Cũng như đối với các hàng hoá hoặc dịch vụ khác trên thị trường,
cung cầu du lịch có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau: Cung tác
động lên khối lượng và cơ cấu của cầu, ngược lại cầu kích thích hay hạn
chế sự phát triển của cung thông qua giá cả theo thời gian và không gian.
Các nhân tố ảnh hưởng đến cầu và cung du lịch cũng là những nhân
tố tác động đến quan hệ cung cầu. Tuy nhiên, quan hệ cung cầu du lịch
chịu sự tác động mạnh mẽ của tính thời vụ trong du lịch bởi vì nhu cầu
và cầu du lịch có tính thời vụ rõ rệt trong khi đó sản phẩm du lịch cung
ứng hầu hết là dịch vụ nên không thể có các khả năng sản xuất hàng loạt
và dự trữ để khắc phục tính thời vụ này.
Quan hệ cung cầu du lịch phụ thuộc vào tính chất cố định tương đối
của cung bởi vì cung du lịch thường gắn kết với các điểm hấp dẫn có cơ
sở chủ yếu là các tài nguyên du lịch và điểm đến du lịch. Đồng thời, các
nguồn cung hàng hoá và dịch vụ du lịch đều bị giới hạn hay có sức chứa
nhất định.
Từ các đặc điểm trên, nên quan hệ cung cầu du lịch cần được xem
xét trong một phạm vi thời gian và không gian nhất định. Về mặt thời
gian, cần xem xét quan hệ cung cầu qua các thời điểm trong một thời kỳ
108
dài, ví dụ qua các tháng trong một năm để thấy được các dao động có
tính quy luật (theo thời vụ) của cầu du lịch. Về mặt không gian, cần xem
xét quan hệ cung cầu tại thị trường điểm đến du lịch vì tại đó các nguồn
cung có tính cố định tương đối.
2.3.1.3. Cân đối cung cầu du lịch
Mặc dù sự vận động của mối quan hệ cung cầu là một chuỗi liên
tiếp các trạng thái cân đối - không cân đối xảy ra kế tiếp nhau, tuy nhiên
vai trò của các nhà hoạch định chính sách vĩ mô cũng như vi mô là cần
phải duy trì được các trạng thái cân đối một cách bền vững và phải nhanh
chóng khắc phục trạng thái mất cân đối giữa cung và cầu khi xảy ra.
Từ các đặc điểm của mối quan hệ cung cầu du lịch nói trên có thể
rút ra nội dung cơ bản của việc cân đối cung cầu du lịch là giảm các dao
động thời vụ của cầu càng nhiều càng tốt và lựa chọn một khả năng cung
phù hợp nhất với cầu đồng thời có hiệu quả sử dụng cao nhất.
Để giảm các dao động thời vụ của cầu du lịch có thể áp dụng các
biện pháp sau:
- Phát triển các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, đặc biệt các sản
phẩm trọn gói nhằm thu hút các nhóm khách hàng vào thời kỳ trái vụ.
- Tạo thêm các điểm hấp dẫn mới, các điểm đến du lịch mới nhằm
san bớt cầu ở các điểm đến truyền thống trong thời kỳ chính vụ.
- Sử dụng chính sách giá phân biệt giữa hai thời vụ du lịch.
- Sử dụng chiến dịch marketing nhằm thay đổi mô hình cầu
truyền thống.
- Thay đổi lại các ngày nghỉ, các kỳ nghỉ của dân cư.
Để lựa chọn mức cung phù hợp nhất với cầu và phải có hiệu quả sử
dụng cao nhất, hãy xem xét 3 khả năng có thể xảy ra trong Hình 2.4
sau đây:
109
Hình 2.4. Lựa chọn mức cung du lịch cho một điểm đến
- Khả năng thứ nhất: Mức cung (S
1
) đáp ứng mức cầu cao nhất
trong thời kỳ chính vụ. Điều đó có nghĩa là tại điểm đến du lịch vào bất
cứ thời điểm nào, du khách cũng đều được cung cấp các tiện nghi và dịch
vụ du lịch một cách đầy đủ nhất và tốt nhất. Tuy nhiên, vào thời kỳ trái
vụ mức cung sẽ không được sử dụng hết vì lượng khách quá ít và như
vậy ngành và các doanh nghiệp du lịch sẽ không có hiệu quả kinh tế.
- Khả năng thứ hai: Ngược lại với trường hợp trên, mức cung (S
2
)
quá thấp chỉ đáp ứng được mức cầu ở thời kỳ trái vụ. Điều đó có nghĩa là
mặc dù khả năng cung được sử dụng có hiệu quả nhất nhưng không thoả
mãn nhu cầu của du khách, đặc biệt trong thời kỳ chính vụ và không thể
tạo ra sự phát triển của du lịch ở đây được.
- Khả năng thứ ba: Mức cung (S
3
) nằm trong khoảng giữa của mức
cầu chính vụ (cao nhất) và mức cầu trái vụ (thấp nhất). Trường hợp này
mang tính trung hoà cho hai khả năng trên nhưng vẫn không thể giải
quyết triệt để yêu cầu thoả mãn cao nhất cầu và hiệu quả cung cũng cao
nhất. Có thể khắc phục bằng cách kết hợp thêm với các biện pháp làm
giảm các dao động thời vụ của cầu du lịch như đã giới thiệu.
Nội dung cân đối cung cầu du lịch nói trên chủ yếu được xem xét
về mặt tổng số (tổng cung và tổng cầu). Ngoài ra, cũng tương tự như các
110
hàng hoá và dịch vụ khác, cân đối cung cầu du lịch nên được xem xét
thêm về phương diện cơ cấu - cơ cấu cung các dịch vụ du lịch tại một
điểm đến phải đảm bảo phù hợp với cơ cấu nhu cầu của du khách về các
dịch vụ đó. Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất khó khăn, vì như đã biết các
yếu tố cung ở điểm đến du lịch có tính cố định, trong khi đó nhu cầu du
lịch mang tính cá nhân cao và rất đa dạng. Cung du lịch phải đáp ứng các
nhu cầu vừa có tính địa phương, tính quốc gia và cả tính quốc tế của
du khách.
2.3.2. Thị trường du lịch
2.3.2.1. Khái niệm và phân loại
a. Khái niệm thị trường du lịch
Thị trường du lịch là một bộ phận cấu thành của thị trường hàng
hoá và dịch vụ nói chung, là lĩnh vực thực hiện sự trao đổi, mua bán các
hàng hoá và dịch vụ du lịch nhằm thoả mãn nhu cầu của khách du lịch.
Thị trường du lịch là một quá trình trong đó người mua là khách du
lịch và các đơn vị kinh doanh du lịch tác động qua lại nhằm xác định giá
cả, số lượng hàng hoá và dịch vụ du lịch cần trao đổi trong một phạm vi
thời gian và không gian xác định.
Có tác giả cho rằng thị trường du lịch là một bộ phận của thị trường
chung và có mối quan hệ với các thị trường khác như thị trường tư liệu
sản xuất, thị trường tư liệu tiêu dùng...
15
Tuy nhiên, việc phân định ranh
giới giữa các thị trường này chỉ mang ý nghĩa tương đối, đặc biệt giữa thị
trường hàng tiêu dùng và thị trường du lịch bởi vì hàng hoá và dịch vụ du
lịch cũng là các tư liệu tiêu dùng, có chăng sự phân biệt chỉ căn cứ vào
đối tượng tiêu dùng các hàng hoá và dịch vụ đó là khách du lịch (những
người từ nơi khác tới) mà không phải là dân cư địa phương.
Tương tự như thị trường hàng hoá và dịch vụ nói chung, thị trường
du lịch bao gồm ba yếu tố cơ bản:
15
Xem thêm: Nguyễn Văn Lưu (1998), Thị trường Du lịch, Hà Nội: NXB Đại học Quốc
gia, trang 22.
111
- Chủ thể trao đổi: Khách du lịch và các nhà cung ứng du lịch;
- Đối tượng trao đổi: Hàng hoá và dịch vụ du lịch;
- Các điều kiện trao đổi: Tiền tệ, thời gian, địa điểm.
b. Phân loại thị trường du lịch
* Căn cứ vào lãnh thổ của một quốc gia
- Thị trường du lịch quốc tế: Thị trường có cung thuộc một quốc
gia còn cầu thuộc một quốc gia khác.
- Thị trường du lịch nội địa: Thị trường có cung và cầu đều nằm
trong biên giới lãnh thổ của một quốc gia.
* Căn cứ vào khu vực địa lý
- Thị trường du lịch quốc gia: Phần thị trường mà mỗi quốc gia
nắm giữ.
- Thị trường du lịch khu vực: Thị trường du lịch quốc tế ở một khu
vực nào đó bao gồm một số nước, ví dụ thị trường châu Á - Thái Bình
Dương, thị trường Bắc Mỹ, thị trường Tây Âu.
- Thị trường du lịch thế giới: Là tổng thị trường du lịch của các
quốc gia trên toàn thế giới.
* Căn cứ vào đặc điểm không gian của cung và cầu
- Thị trường gửi khách: Thị trường mà tại đó xuất hiện nhu cầu và
cầu du lịch - đây chính là thị trường cầu. Khách du lịch sẽ xuất phát từ đó
để đi đến các điểm đến du lịch.
- Thị trường nhận khách: Thị trường mà tại đó có cung du lịch với
các điều kiện sẵn sàng đón tiếp và đáp ứng nhằm thoả mãn nhu cầu của
khách du lịch - đây chính là thị trường cung.
* Các căn cứ khác
- Theo thời gian: Thị trường du lịch quanh năm và thị trường du
lịch thời vụ
112
- Theo thực trạng thị trường: Thị trường du lịch thực tế, thị trường
du lịch tiềm năng
- Theo các dịch vụ du lịch: Thị trường vận chuyển, thị trường lưu
trú, thị trường lữ hành, thị trường giải trí...
2.3.2.2. Đặc điểm của thị trường du lịch
Thị trường du lịch có đầy đủ các đặc điểm của một thị trường hàng
hoá và dịch vụ nói chung. Tuy nhiên, do đặc thù của du lịch làm cho thị
trường du lịch có những nét riêng biệt. Các đặc điểm của cung và cầu du
lịch tạo ra các đặc trưng của thị trường du lịch.
Thị trường du lịch xuất hiện muộn hơn so với thị trường hàng hoá
nói chung. Nó chỉ được hình thành khi nhu cầu du lịch phát triển và phổ
biến trong xã hội.
Thị trường du lịch được hình thành ở cả nơi du khách xuất phát và
nơi đến du lịch. Tại nơi xuất phát (còn gọi là khu vực nguồn khách),
khách du lịch thường đăng ký mua trước các sản phẩm du lịch nên đây
còn được gọi là thị trường nguồn khách hay thị trường cầu. Tại điểm đến
du lịch, du khách tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ du lịch do các nhà
cung ứng cung cấp nên được gọi là thị trường điểm đến hay thị trường
cung. Hai thị trường này có sự cách biệt về mặt không gian và thời gian
nhưng lại gắn bó chặt chẽ với nhau, quyết định và chi phối lẫn nhau.
Cung cầu trên thị trường có sự tách biệt cả về không gian lẫn thời
gian, trong đó cầu phải đến với cung tức là khách du lịch phải đến nơi
cung cấp các sản phẩm và dịch vụ du lịch tại các nơi đến, điểm đến du
lịch để thoả mãn nhu cầu. Quan hệ mua bán có thể diễn ra trước hoặc sau
khi quá trình tiêu dùng sản phẩm dịch vụ du lịch kết thúc. Quan hệ mua
bán thường thông qua kênh gián tiếp - có sự tham gia của các nhà môi
giới làm trung gian ghép nối giữa cung và cầu.
Chủ thể tham gia trao đổi trên thị trường du lịch rất đa dạng, về
phía người bán có sự tham gia của nhiều ngành nghề khác nhau không
113
chỉ có ngành du lịch, về phía người mua có cả cư dân từ nơi khác tới
(khách du lịch) và có cả cư dân tại địa phương.
Đối tượng trao đổi của thị trường du lịch chủ yếu là dịch vụ. Do đó,
người bán không có hàng mẫu để chào hàng, người mua không thể biết
trước được sản phẩm định mua.
Quan hệ thị trường giữa người mua và người bán kéo dài hơn so
với các hàng hoá thông thường, quan hệ này bắt đầu từ khi khách quyết
định mua sản phẩm, tiêu dùng sản phẩm đến khi khách trở về nơi thường
trú của họ.
Thị trường du lịch mang tính thời vụ rõ rệt, cả cung và cầu chỉ xuất
hiện vào những thời điểm nhất định trong năm.
2.3.2.3. Xu hướng phát triển thị trường du lịch
Du lịch trở thành hiện tượng xã hội phổ biến từ cuối thế kỷ XIX
phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ XX và còn tiếp tục phát triển trong các
thế kỷ tiếp theo. Do đó, xu thế phát triển thị trường trong thế kỷ tới sẽ là:
- Xu thế mở rộng quy mô thị trường: Nhu cầu du lịch dần dần trở
thành nhu cầu thiết yếu trong các xã hội hiện đại làm cho số người đi du
lịch ngày càng tăng nhanh làm tăng tổng cầu du lịch của một quốc gia
cũng như toàn thế giới. Thị trường du lịch quốc gia trở thành một bộ
phận của thị trường du lịch khu vực, thị trường du lịch thế giới và hướng
tới một thị trường du lịch toàn cầu.
- Xu thế thay đổi cơ cấu thị trường: Sự thay đổi cơ cấu thị trường
có thể xem xét trên nhiều phương diện như thay đổi theo khu vực địa lý
với tỷ trọng thị trường các khu vực châu Á và châu Phi ngày càng tăng
lên, thay đổi nhu cầu sản phẩm du lịch thông qua sự thay đổi các thể loại
du lịch như du lịch giải trí giảm xuống, còn du lịch văn hoá, thám hiểm,
khám phá tăng lên. Hay như các nhà khoa học Trung Quốc dự báo
16
trong thế kỷ tới du lịch sẽ phát triển theo hướng "sâu và xa".
16
Tập thể tác giả Trung Quốc (1998), Dự báo thế kỷ 21 (Sách dịch), Hà Nội: NXB Thống
kê, trang 746-765.
114
- Xu thế ứng dụng công nghệ thông tin và số hoá thị trường du lịch
làm cho hoạt động marketing hiệu quả hơn, mở rộng hơn, đồng thời mở
rộng quyền lựa chọn sản phẩm, dịch vụ du lịch cho khách hàng. Với sự
xuất hiện của các thị trường du lịch ảo, du lịch thông minh, mọi quá trình
tương tác giữa người mua và người bán đều được thực hiện thông qua
các phương tiện công nghệ thông tin, công nghệ số cho phép người mua
tiếp cận nhanh chóng với nhà cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch.
- Xu thế cạnh tranh trên thị trường: Với sự xuất hiện của nhiều nhà
cung ứng làm cho sự cạnh tranh trên thị trường du lịch càng thêm phần
gay gắt. Sự cạnh tranh này không chỉ tồn tại trong phạm vi một quốc gia
mà mở rộng ra phạm vi khu vực và toàn thế giới.
- Xu thế hợp tác, liên kết trên thị trường: Do đặc điểm nhu cầu du
lịch là loại nhu cầu tổng hợp đòi hỏi sự đóng góp của nhiều nhà cung
ứng, các nhà cung ứng phải liên kết lại với nhau để tạo ra các sản phẩm
du lịch trọn gói hoặc thực hiện các công đoạn kế tiếp nhau trong quá
trình phục vụ khách du lịch (liên kết dọc). Mặt khác, để khắc phục tình
trạng cạnh tranh gay gắt, nhiều nhà cung ứng liên kết lại với nhau thành
các tập đoàn, các tổ hợp đa quốc gia và xuyên quốc gia (liên kết ngang).
CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN
1. Phân tích khái niệm và bản chất của cầu du lịch?
2. Phân tích các đặc điểm của cầu du lịch?
3. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến cầu du lịch của một cá nhân
và của xã hội (tổng cầu)?
4. Phân tích đặc điểm của cầu về dịch vụ lưu trú, sản phẩm ăn
uống, dịch vụ lữ hành, dịch vụ vận chuyển và các dịch vụ khác?
5. Tại sao các cơ quan quản lý ngành và các doanh nghiệp du lịch
cần phải dự báo cầu du lịch?
6. Phân tích ưu nhược điểm và phạm vi áp dụng của từng phương
pháp dự báo cầu du lịch?
115
7. Phân tích khái niệm và bản chất của cung du lịch?
8. Phân tích các đặc điểm của cung du lịch?
9. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến cung du lịch của một doanh
nghiệp và của một điểm đến du lịch (tổng cung)?
10. Phân tích đặc điểm của cung dịch vụ vận chuyển hàng không?
11. Phân tích đặc điểm của cung dịch vụ lưu trú khách sạn?
12. Phân tích đặc điểm của cung dịch vụ lữ hành - tour du lịch
trọn gói?
13. Phân tích đặc điểm của một số loại hình cung du lịch khác?
14. Phân tích thực chất và đặc điểm của quan hệ cung cầu du lịch.
Liên hệ với quan hệ cung cầu du lịch ở Việt Nam?
15. Quan niệm về cân đối cung cầu du lịch. Trình bày nội dung cơ
bản của việc cân đối cung cầu du lịch. Liên hệ với tình hình Việt Nam?
16. Trình bày khái niệm và các cách phân loại thị trường du lịch. Ý
nghĩa của từng cách phân loại?
17. Phân tích đặc điểm của thị trường du lịch. Liên hệ với thị
trường du lịch Việt Nam?
18. Phân tích các xu hướng phát triển thị trường du lịch. Liên hệ
với thị trường du lịch Việt Nam?
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 2
TIẾNG VIỆT
1. Ngô Đình Giao (chủ biên) (2007), Kinh tế học vi mô, NXB Giáo
dục, Hà Nội.
2. Nguyễn Văn Lưu (1998), Thị trường du lịch, NXB Đại học Quốc
gia, Hà Nội.
116
3. Trương Sỹ Quý và Hà Quang Thơ (1995), Giáo trình Kinh tế Du
lịch (lưu hành nội bộ), Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
4. Nguyễn Văn Thụ (chủ biên) (2000), Bài giảng Kinh tế du lịch,
Trường ĐH Giao thông vận tải, Hà Nội.
5. Tập thể tác giả Trung Quốc (1998), Dự báo thế kỷ 21 (sách
dịch), NXB Thống kê, Hà Nội.
TIẾNG ANH
6. Bull (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2
nd
edition,
Longman, Melbourne.
7. Hughes (1990), Economics for Hotel and Catering Students, 2
nd
edition, Stanley Thornes, Cheltenham.
8. Lundberg (1995), Tourism Economics, Jokn Wiley & Sons, New
York.
9. Ryan (1980), An Introduction to Hotel and Catering Economics,
Stanley Thornes, Glos.
10. Tribe (2011), The Economics of Recreation, Leisure and
Tourism, 4
th
edition, Butterworth-Heinemann, Oxford.
117
Chương 3
CÁN CÂN THANH TOÁN TRONG DU LỊCH
Mục tiêu của chương:
Sau khi học xong chương này, người học có khả năng:
Nắm được khái niệm và nội dung bảng cán cân thanh toán (các
tài khoản bên ngoài).
Hiểu rõ cơ sở của cán cân thanh toán du lịch; sự khác nhau giữa
lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh trong du lịch.
Phân tích được các dòng ngoại tệ từ thu nhập và thanh toán vận
chuyển hàng không đối với các quốc gia; các chính sách của một quốc
gia nhằm tối đa hoá các khoản thu ngoại tệ từ vận chuyển khách du lịch
quốc tế.
Phân tích được các dòng ngoại tệ từ các khoản thu nhập và thanh
toán du lịch đối với quốc gia điểm đến và quốc gia nguồn khách; chính sách
của các quốc gia này nhằm tối đa hoá các khoản thu ngoại tệ từ du lịch.
Hiểu rõ các tác động của một dự án phát triển du lịch đối với cán
cân thanh toán; các chính sách đối với cán cân thanh toán trong du lịch.
Hiểu rõ ảnh hưởng tích cực của các chính sách quản lý cầu du
lịch và các chính sách quản lý cung du lịch đến cán cân thanh toán.
3.1. SỰ THAM GIA CỦA DU LỊCH TRONG CÁN CÂN
THANH TOÁN VÀ CƠ SỞ CỦA CÁN CÂN THANH TOÁN DU LỊCH
3.1.1. Khái niệm và nội dung cán cân thanh toán
Du lịch có tác động trực tiếp đến cán cân thanh toán của nhiều quốc
gia. Trên phương diện dòng tiền tệ, du lịch là sự chi tiêu tiền ở điểm đến
118
mà chúng được kiếm ở khu vực nguồn khách, điều đó có nghĩa là tiền
kiếm ở quốc gia A được sử dụng để chi trả (thanh toán) cho các dịch vụ
cung cấp ở quốc gia B.
Ở một ý nghĩa nào đó, thuật ngữ "cán cân thanh toán" dùng để miêu
tả tóm tắt các khoản thu nhập và thanh toán của một quốc gia với các
quốc gia khác, mà hai khoản này thường không cân bằng. Có thể khái
niệm cán cân thanh toán là một bảng kết toán tóm tắt tất cả các giao dịch
kinh tế, tài chính của một quốc gia với các quốc gia khác trong một thời
kỳ nhất định (thường trong một năm). Ví dụ một bảng tóm tắt các tài
khoản bên ngoài được thể hiện trong Bảng 3.1.
Bảng 3.1. Các tài khoản bên ngoài của một nền kinh tế quốc dân
Khoản thu
hoặc thu nhập
Trừ đi
Khoản thanh toán
hoặc chi tiêu
Kết quả
Tài khoản hiện tại
Xuất khẩu hàng hoá
Nhập khẩu hàng hoá
Cán cân thương mại
(cán cân hữu hình)
Cộng
Các khoản thu từ
dịch vụ (vô hình)
Các khoản thanh toán
dịch vụ (vô hình)
Cán cân dịch vụ
(cán cân vô hình)
Cán cân tài khoản hiện tại
Cộng
Tài khoản vốn
Dòng vốn của tư nhân
và nhà nước chảy vào
Dòng vốn của tư nhân
và nhà nước chảy ra
Sự lưu thông thực của vốn
Tổng cán cân thanh toán
thặng dư (hoặc thâm hụt)
Các kết quả thặng dư hoặc thâm hụt được biểu hiện thông qua sự lưu thông thực
của tiền tệ
Cán cân thanh toán (các tài khoản bên ngoài) của một quốc gia về
cơ bản bao gồm hai tài khoản chủ yếu - tài khoản hiện tại và tài khoản
119
vốn - phản ánh các hoạt động thương mại và tài chính cơ bản của một
quốc gia với bên ngoài. Thông qua các tài khoản này, các dòng hàng hoá,
dịch vụ, tiền tệ và vốn chảy vào hoặc chảy ra khỏi quốc gia được theo dõi
và ghi chép lại. Đó là những thông tin quan trọng để xác định tình hình
phát triển kinh tế của quốc gia đó.
Việc tách tài khoản hiện tại thành tài khoản hữu hình và tài khoản
vô hình là một đặc điểm theo thông lệ của kế toán quốc gia để xác định
các hàng hoá và dịch vụ cung cấp, nhưng sự phân biệt này có xu hướng
ngày càng không rõ nét bởi vì dịch vụ thường là kết quả tất yếu của các
hàng hoá được cung cấp mang tính quốc tế.
Sự lưu thông của vốn phần lớn liên quan đến đầu tư quốc tế và sự
vay mượn quốc tế của chính phủ. Đồng thời, nó còn bao gồm cả những
khoản thu nhập thuần khác từ nước ngoài hoặc những khoản chi tiêu ra
nước ngoài.
3.1.2. Sự tham gia của du lịch trong cán cân thanh toán
Du lịch có thể tham gia vào hầu hết các khoản mục cán cân thanh
toán của một quốc gia. Ở mức độ đơn giản và phổ biến nhất, du lịch là
một phần thông thường của cán cân vô hình (và có thể có một cán cân về
du lịch) mà nó được biểu hiện bằng:
Các khoản thu từ khách du lịch quốc tế đến thăm một quốc gia
Trừ đi
Các khoản thanh toán ở nước ngoài của các công dân quốc gia đó
đi du lịch nước ngoài.
Kết quả chi tiêu du lịch thuần là một con số chỉ có ý nghĩa tương
đối, vì nó chỉ đo lường các khoản thanh toán cuối cùng của du khách đối
với các dịch vụ và một số hàng hoá ở các quốc gia điểm đến. Để xác định
được du lịch có giá trị thực hay chi phí thực đối với một quốc gia, cần
phải tính tất cả các giao dịch quốc tế cần thiết liên quan đến du lịch vào
cán cân thanh toán quốc gia. Các giao dịch này không chỉ bao gồm các
khoản thanh toán du lịch cuối cùng và thanh toán vận chuyển mà còn cả
120
những khoản thanh toán quốc tế đối với các hàng hoá và dịch vụ cần cho
đầu tư và vận hành của ngành du lịch (ví dụ, các hàng hoá, nguyên liệu
nhập khẩu theo nhu cầu của khách du lịch quốc tế, các nguyên vật liệu
nhập khẩu cho các dự án phát triển du lịch). Từ đó, có thể hình thành
thuật ngữ tài khoản bên ngoài lữ hành và du lịch và trở thành một hạng
mục chính thức trong cán cân thanh toán ở một số quốc gia.
Du lịch là một lĩnh vực hấp dẫn và tạo nhiều cơ hội đầu tư nước
ngoài hoặc tìm kiếm nguồn tài chính bên ngoài. Do đó, sự vận động của
dòng vốn đầu tư du lịch cần được ghi chép và phản ánh qua tài khoản
vốn của cán cân thanh toán.
Du lịch phát triển làm tăng sự tham gia của ngành này trong cán
cân thanh toán và nó có tác động không nhỏ đến tổng cán cân thanh toán
của một quốc gia. Đối với những quốc gia coi du lịch là ngành kinh tế
chủ yếu, các nhà kinh tế có thể thiết lập riêng cán cân thanh toán du lịch
và khuyến nghị sử dụng bảng cán cân này trong phân tích và hoạch định
chính sách phát triển du lịch của quốc gia đó.
3.1.3. Cơ sở của cán cân thanh toán du lịch: Lợi thế so sánh
trong du lịch
Nguyên lý lợi thế so sánh của Ricardo là cơ sở cho thương mại
quốc tế. Nguyên lý đó cho rằng thương mại là lợi ích giữa bất kỳ hai
quốc gia mà quốc gia này có lợi thế so sánh trong việc sản xuất bất kỳ
một loại hàng hoá nào có hiệu quả hơn so với quốc gia kia, không kể đến
lợi thế tuyệt đối của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, lý thuyết này ít khi được
áp dụng đối với các dịch vụ du lịch. Nhưng các quốc gia riêng lẻ lại sở
hữu các lợi thế so sánh đặc biệt mà các lợi thế này dẫn đến các dòng
khách du lịch quốc tế.
- Có những tài nguyên du lịch đặc trưng ở mỗi quốc gia nhất định
mà những tài nguyên đó là điểm hấp dẫn du lịch căn bản ví dụ vịnh Hạ
Long hoặc Vạn lý Trường Thành. Do đó, du khách từ Trung Quốc có thể
trao đổi sự "tiêu dùng" Vạn lý Trường Thành lấy sự "tiêu dùng" vịnh Hạ
Long với du khách từ Việt Nam.
121
- Một số quốc gia cung cấp lợi thế toàn diện trong việc sản xuất
các dịch vụ du lịch như khí hậu hấp dẫn cùng với nhiều bãi biển đẹp và
chi phí lao động thấp (rẻ). Tây Ban Nha và Mêhicô là những ví dụ điển
hình; Rumani và Bungari "trao đổi" trực tiếp du lịch để lấy hàng hoá từ
các nước Đông Âu gần phía Bắc.
- Vị trí địa lý của một quốc gia điểm đến có liên quan đến các
nước nguồn khách du lịch đại chúng có thể là một nhân tố "kéo" quan
trọng. Lợi thế vị trí có thể làm cho quốc gia điểm đến tập trung các tài
nguyên có khả năng chuyển đổi vào ngành du lịch thậm chí từ các ngành
công nghiệp có hiệu quả hơn so với ngành này ở các nước nguồn khách.
Đó là thực tế của một số nước có nền kinh tế với hai hoặc ba ngành công
nghiệp nhỏ (ví dụ các nước ở vùng biển Caribê).
Ngoài các lợi thế so sánh nói trên, sự khác nhau về "khẩu vị", sự
khao khát của một số nhóm khách du lịch về những kinh nghiệm mới lạ
ở nước ngoài và các điều kiện hạn chế du lịch mang tính quốc tế đang có
sự thay đổi (ví dụ như sự thay đổi tỷ giá ngoại tệ) đã kết hợp lại để tạo ra
một lý do kinh tế căn bản cho hoạt động du lịch quốc tế.
Như vậy, cần có sự đánh giá lại lý thuyết thương mại quốc tế trên
phương diện dịch vụ và đặc biệt những loại dịch vụ không cạnh tranh với
các dịch vụ nội địa. Đôi khi, khách du lịch muốn đến thăm một quốc gia
khác vì lý do sản phẩm của nó hoàn toàn khác với những sản phẩm có
sẵn trong nước mà không cần đến lợi thế về giá cả. Do đó, đã tạo khả
năng sử dụng các tài nguyên du lịch đặc biệt hoặc các nhân tố vốn của
điểm đến du lịch.
3.2. XÁC ĐỊNH CÁC KHOẢN MỤC CHÍNH CỦA CÁN CÂN
THANH TOÁN DU LỊCH
3.2.1. Thống kê các thanh toán du lịch
Vì các thanh toán du lịch quốc tế là một yếu tố cấu thành quan
trọng của cán cân vô hình nên chính phủ các quốc gia và các nhà kinh tế
122
học rất quan tâm đến các số liệu này. Trong hầu hết các trường hợp, các
số liệu có sẵn để sử dụng đều là dữ liệu cán cân thanh toán đơn giản về
các khoản thu nhập và thanh toán du lịch. Nhưng những dữ liệu này
thường không tin cậy, làm cho việc so sánh quốc tế trở nên không
chính xác.
Có ba nguồn số liệu thống kê cơ bản về các khoản thanh toán du lịch:
- Tổng chi tiêu trực tiếp do khách du lịch cung cấp;
- Các số liệu gián tiếp tính toán được bằng cách nhân số khách du
lịch với thời gian lưu trú bình quân và mức chi tiêu bình quân một ngày;
- Các số liệu về trao đổi ngoại tệ từ các ngân hàng và tổ chức tài
chính khác.
Hai nguồn số liệu đầu dựa trên cơ sở các điều tra và khảo sát (như
tổng điều tra hoặc thông thường hơn là khảo sát chọn mẫu) khách du lịch
tại điểm đến hoặc sau khi đi du lịch. Do đó, vấn đề tồn tại thường gặp
phải ở đây là phương pháp nghiên cứu khảo sát. Các đợt khảo sát như
vậy được thực hiện ở các điểm khởi hành quốc tế như ở cửa ra máy bay,
vì vậy phương pháp này đôi khi được gọi là phương pháp điều tra tại
cửa khẩu.
Các số liệu ngân hàng chỉ thực sự hữu ích ở các quốc gia mà tiền tệ
của quốc gia đó không có khả năng chuyển đổi và bị cấm mua, bán ngoại
tệ. Đối với các quốc gia chỉ kiểm soát một phần hoặc không kiểm soát
trao đổi ngoại tệ thì các ngân hàng và tổ chức tài chính không thể giám
sát được toàn bộ quá trình lưu thông và sử dụng tiền mặt. Do đó, nguồn
số liệu thứ ba chỉ có ý nghĩa tham khảo trong phạm vi nghiên cứu và sử
dụng nhất định.
Giá trị thực của các khoản thanh toán du lịch quốc tế cũng cần được
lựa chọn trong hai trường hợp đặc biệt. Thứ nhất, đối với khách du lịch
thăm thân (VFR) thường không thích chi tiêu nhiều vào lưu trú, ăn uống
và các dịch vụ khác ở điểm đến du lịch, thay vào đó là những khoản chi
123
tiêu nội địa tăng thêm của gia đình chủ nhà. Do đó, các dịch vụ du lịch ở
các điểm đến với du khách thăm thân là chủ yếu thường bị đánh giá
không đúng giá trị (đánh giá thấp). Thứ hai, chỉ có một số ít hệ thống
thống kê cán cân thanh toán có thể xác định chính xác giá trị chi tiêu thực
của du khách trong các chương trình du lịch trọn gói được mua ở quốc
gia nguồn khách. Các khoản thanh toán do các công ty lữ hành trả trực
tiếp trên thực tế cho các nhà cung ứng ở điểm đến là xác định được
nhưng nhiều khoản thanh toán có thể được chuyển qua kênh của các
công ty đa quốc gia ở nước thứ ba hoặc có thể là các khoản thanh toán
đối ứng. Trong trường hợp này, giá trị thực của du lịch bị đánh giá không
còn chính xác (thường thấp hơn giá trị thực).
3.2.2. Các khoản thu nhập và thanh toán vận chuyển
Để rõ hơn, chúng ta cần phân biệt giữa các khoản thanh toán vận
chuyển với các khoản thanh toán du lịch trong các tài khoản bên ngoài
của bảng cán cân thanh toán. Các khoản thanh toán vận chuyển được xác
định là khoản tiền trả cho hãng chuyên chở quốc tế đến và đi khỏi các
điểm đến du lịch, khoản thanh toán này chủ yếu là tiền vé hàng không.
Các khoản thanh toán du lịch là khoản tiền chi tiêu cho các hàng hoá và
dịch vụ ở các quốc gia điểm đến du lịch, đó là các dịch vụ "mặt đất" (bao
gồm cả vận chuyển hàng không nội địa).
Vận chuyển khách là một loại dịch vụ, do đó các khoản thanh toán
vận chuyển là một phần của tài khoản vô hình trong bảng cán cân thanh
toán. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại là các điểm đến du lịch có thể không nhận
được lợi ích gì từ sự vận chuyển khách du lịch. Khách du lịch là công
dân ở quốc gia A thực hiện chuyến thăm quốc gia B có thể sử dụng hàng
không của quốc gia A hoặc quốc gia B hoặc trong nhiều trường hợp sử
dụng hàng không của một nước thứ 3 là quốc gia C. Trên các tuyến bay
đường dài, khách du lịch có thể sử dụng nhiều hãng hàng không của
nhiều quốc gia. Thực tế này là do các thỏa thuận hàng không song
phương, sự cạnh tranh và tính phức tạp của các hành trình du lịch.
124
Hình 3.1. Các đường bay và sự lựa chọn hãng hàng không
Thứ nhất, hai nước A và B có hiệp định song phương để chia sẻ
việc vận chuyển trực tiếp giữa hai quốc gia cho các hãng hàng không của
mỗi nước (xem hình 3.1). Điều này sử dụng các thương quyền hàng
không (quyền tự do về không lưu) thứ ba và thứ tư (xem phụ lục của
chương về các thương quyền trong hàng không). Thứ hai, một du khách
có thể có mong muốn được viếng thăm cả quốc gia B và C, với các
thương quyền tương tự thì người đó có thể lựa chọn sử dụng hàng không
quốc gia C cho hai điểm đến. Thứ ba, một hãng hàng không quốc gia D
có thể sử dụng thương quyền thứ năm và thứ sáu để giành lấy thị phần
vận chuyển từ A đến B bằng việc cung cấp dịch vụ bay qua quốc gia của
mình với giá rẻ hơn.
Ví dụ, thông qua hãng hàng không quốc tế chủ yếu của mình (hãng
Qantas), Úc không thu được nhiều trên tài khoản vận chuyển khách du
lịch đến từ Anh. Các thống kê gần đây của Uỷ ban Du lịch Úc cho thấy:
30% khách du lịch Anh sử dụng Hãng hàng không Qantas.
27% sử dụng Hãng hàng không Anh (British Airways).
8% sử dụng Hãng hàng không Xinh-ga-po (Singapore Airlines).
35% sử dụng các hãng khác (hầu hết là các hãng hàng không
châu Á).
125
Như vậy, Hãng hàng không Xinh-ga-po và các hãng hàng không
châu Á khác ở vị trí của quốc gia D, còn quốc gia điểm đến B (Úc) chỉ
nhận được khoảng 1/3 trong tổng số các khoản thanh toán vận chuyển từ
thị trường khách du lịch Anh.
Do đó, các quốc gia thường đưa ra các chính sách đối với tài khoản
vận chuyển nhằm tối đa hoá việc thu ngoại tệ từ các dòng khách du lịch
quốc tế. Quốc gia điểm đến A sẽ cân nhắc kỹ các thương quyền mà nó
thừa nhận và cố gắng tối đa hoá khách quốc tế đến sử dụng các hãng
hàng không của quốc gia mình. Điều này đối với các nước kém phát triển
thường không dễ dàng nhưng vẫn phải cố gắng. Trong khi đó, các quốc
gia nguồn khách sẽ khuyến khích công dân của mình đi du lịch nước
ngoài ưu tiên sử dụng các hãng hàng không của quốc gia mình. Còn các
quốc gia khác tham gia hoạt động vận chuyển hàng không, với vị trí địa
lý trung gian thuận lợi có thể cố gắng tối đa hoá doanh thu vận chuyển từ
những hành khách không phải là khách du lịch "thực sự của mình". Cùng
với sự nới lỏng và bãi bỏ các quy chế trong hoạt động kinh doanh hàng
không ngày càng nhiều thì khách du lịch nội địa ở một số quốc gia hiện
nay có thể đi lại bằng các hãng hàng không nước ngoài.
Từ các tình huống trên có thể rút ra kết luận là nói chung không có
mối liên hệ giữa dung lượng các dòng khách du lịch từ một quốc gia này
đến quốc gia khác với giá trị của các khoản thu nhập nhận được (hoặc
các khoản thanh toán) đối với mỗi quốc gia trên tài khoản vận chuyển
giữa hai quốc gia này.
3.2.3. Các khoản thu nhập và thanh toán du lịch
Tại điểm đến du lịch, du khách mua hàng hoá và dịch vụ (các dịch
vụ "mặt đất") bằng tiền mang theo sau khi đổi lấy nội tệ của quốc gia
điểm đến. Các hàng hoá và dịch vụ mà du khách mua thường được phân
thành các loại sau:
- Lưu trú và ăn uống;
- Giao thông nội địa;
126
- Các chương trình tham quan và vé vào các điểm hấp dẫn;
- Đồ lưu niệm và các vật phẩm cần thiết hàng ngày.
Một trong những mối quan tâm chính của quốc gia điểm đến du
lịch là liệu quốc gia đó có làm chủ các phương tiện sản xuất và thực sự
sản xuất các hàng hoá và dịch vụ trên. Trong nhiều trường hợp, các
doanh nghiệp và công ty đa quốc gia có công ty mẹ ở các quốc gia nguồn
khách là người cung ứng hoặc đảm nhận việc cung ứng những sản phẩm
này. Do đó, dòng thu nhập ngoại tệ từ việc bán các sản phẩm du lịch ở
các điểm đến sẽ chảy vào các quốc gia không phải là điểm đến du lịch.
Giá trị của các khoản thanh toán và thu nhập du lịch cũng bị ảnh
hưởng bởi các tỷ giá trao đổi. Bảng 3.2
17
là một ví dụ về sự thay đổi của
tỷ giá trao đổi ảnh hưởng đến thu nhập và thanh toán du lịch.
Bảng 3.2. Sự thay đổi tỷ giá trao đổi và cán cân du lịch
Tháng
Sự kiện
Tỷ giá trao đổi
hiện tại
Khoản thanh
toán của Nhật
Khoản thu
nhập của Mỹ
Sáu
Công ty lữ hành Nhật
hợp đồng với khách
sạn Mỹ ở tỷ giá
tương lai
130YEN = 1USD
(hiện tại = tương lai)
65 000YEN
500USD
Bảy
Du khách Nhật
mua tour trọn gói
và chi tiêu ở Mỹ
120YEN = 1USD
90 000YEN
750USD
Mười
hai
Cả hai quốc gia tính
tổng các tài khoản
du lịch của mình
100YEN = 1USD
155 000YEN
1 250USD
và chuyển sang USD
1 550USD
1 250USD
17
Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman,
Melbourne.
127
Ví dụ trong bảng 3.2 hoàn toàn mang tính lý thuyết và trên cơ sở
giả định, nhưng nguyên tắc thì rất rõ ràng: Khi tính toán các khoản thanh
toán du lịch quốc tế, việc xác định được các "giá trị" thực của du lịch đối
với nền kinh tế là một vấn đề rất khó khăn.
3.3. PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI
CÁN CÂN THANH TOÁN DU LỊCH
3.3.1. Sự phụ thuộc vào du lịch trong cán cân thanh toán
quốc gia
Vì những khó khăn trong đánh giá ở trên, nên các số liệu công bố
về các khoản thanh toán và thu nhập du lịch chỉ nên coi như có giá trị
tham khảo, qua đó có thể đánh giá được sự phụ thuộc của một quốc gia
vào các khoản thu nhập du lịch trong cán cân thanh toán của quốc gia đó.
Những nước có thu nhập du lịch quốc tế hàng đầu (như Mỹ, Ý,
Anh, Pháp, Tây Ban Nha) nói chung không phụ thuộc nhiều vào riêng
ngành du lịch trong các dòng chảy vào cán cân thanh toán của mình. Trừ
Tây Ban Nha, còn tất cả các nước này đều thu được dưới 10% từ du lịch.
Về cơ bản, nguyên nhân của thực trạng này là do các quốc gia nói trên
đều có nền kinh tế lớn và đa dạng nên ngoại tệ thu được từ nhiều nguồn
khác nhau. Tây Ban Nha phụ thuộc nhiều hơn vào du lịch, chiếm gần 1/5
thu nhập trong cán cân thanh toán. Điều đó làm cho quốc gia này nhạy
cảm hơn với những thay đổi về cầu du lịch và các điều kiện vận chuyển,
đi lại của khách du lịch quốc tế.
Ở một cực khác, một số quốc gia thuộc nhóm các nước đang và
kém phát triển có thể phụ thuộc nhiều vào các thu nhập từ du lịch. Khi
một quốc gia bị phụ thuộc vào một ngành kinh tế đơn lẻ nào đó (như
ngành du lịch trong trường hợp này) là điều bất lợi vì khi có sự thay đổi
các điều kiện thị trường hoặc gặp khó khăn trong sản xuất thì sẽ tác động
mạnh mẽ đến cán cân thanh toán của quốc gia. Trong nhiều trường hợp,
du lịch có thể ít nhạy cảm với các vấn đề khó khăn của thị trường hơn
128
các ngành công nghiệp cơ bản khác. Những năm gần đây, các sự kiện
chính trị, biến đổi thời tiết và dịch bệnh đã gây ra sự suy giảm nghiêm
trọng, hàng loạt đối với du lịch ở một số quốc gia. Trong trường hợp này,
sự phụ thuộc nhiều của quốc gia vào du lịch là điều rất bất lợi.
Mức độ phụ thuộc vào một quốc gia nguồn khách đơn lẻ cũng là
một vấn đề cơ bản cần được cân nhắc. Ví dụ, Mêhicô phụ thuộc phần lớn
vào Mỹ về lượng khách du lịch quốc tế đến, Hàn Quốc phụ thuộc vào
Nhật Bản, Đan Mạch phụ thuộc vào Tây Đức... Những thay đổi về tình
trạng kinh tế hoặc các kiểu mốt du lịch ở quốc gia nguồn khách cũng như
những thay đổi trong các mối quan hệ chính trị và vận chuyển giữa quốc
gia nguồn khách và quốc gia điểm đến sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đối
với những quốc gia điểm đến bị phụ thuộc này.
3.3.2. Tác động của phát triển du lịch đối với cán cân thanh toán
Do sự phát triển du lịch ở các điểm đến ngày càng thường xuyên và
có tổ chức hơn nên sự phát triển này có mối quan hệ mật thiết đối với
nền kinh tế quốc dân và cán cân thanh toán của một quốc gia một cách rõ
nét và quan trọng hơn. Ngoài ra, việc cung ứng các sản phẩm du lịch cho
khách quốc tế đã trở thành lĩnh vực hoạt động của các nhà đầu tư và các
tổ chức đa quốc gia trên một phạm vi rộng lớn. Vì vậy, để đánh giá tác
động của các dự án phát triển du lịch đối với cán cân thanh toán của một
quốc gia thì cần phải xác định được tất cả các khoản mục bị ảnh hưởng
trong tài khoản bên ngoài, mà không chỉ đánh giá đối với khoản thu từ
trao đổi ngoại tệ của du khách.
Với một dự án phát triển du lịch giả định, những vấn đề trên được
tóm tắt trong Bảng 3.3
18
.
Một số khoản mục trong Bảng 3.3 cần được xem xét một cách kỹ
lưỡng hơn. Dòng vốn chảy vào ban đầu có thể đến từ các quốc gia là
những nhà đầu tư lớn bên ngoài - các quốc gia giàu có và phát triển.
18
Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman,
Melbourne.
129
Triển vọng tỷ lệ thu hồi cao hơn ở điểm đến so với các nơi khác (do ưu
đãi thuế hoặc các khuyến khích đầu tư khác) và một số nhu cầu về tích
hợp sản xuất là nguyên nhân tạo nên các dòng chảy của vốn. Dòng vốn
chảy vào này là sự lưu thông tài khoản vốn một lần nhưng trong đó các
dòng chảy ra "hoàn lại" lãi suất lại theo định kỳ.
Các dòng chảy ra định kỳ khác sẽ tuỳ thuộc vào mức độ phát triển
và sự đa dạng hoá của nền kinh tế điểm đến và cả khả năng tự cung cấp
hàng hoá phụ trợ cho ngành du lịch. Nếu nền kinh tế ít đa dạng hoá hơn
thì sẽ có nhu cầu hoặc xu hướng nhập khẩu nhiều hơn và vì vậy, các
dòng chảy ra nhiều hơn.
Bảng 3.3. Các tác động của một dự án phát triển du lịch
đối với cán cân thanh toán
Giai đoạn
Dòng chảy vào
cán cân thanh toán
Dòng chảy ra khỏi
cán cân thanh toán
Đầu tư
Dòng vốn chảy vào (tài khoản vốn)
Cổ tức & lãi suất
(tài khoản hiện tại)
Xây dựng
----
Phí thiết kế và tư vấn
Chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu
Kinh
doanh
Các khoản thu từ du khách quốc tế
Bán hàng lưu niệm
Thuế từ các hoạt động kinh doanh
có yếu tố vốn nước ngoài
Tiền lương nhận được từ hoạt động
kinh doanh có yếu tố vốn nước ngoài
Tiết kiệm từ việc cung cấp sản phẩm
du lịch nội địa (thay thế nhập khẩu)
Tiền bản quyền và trợ giúp
kỹ thuật
Nguyên vật liệu và các đồ
dự trữ nhập khẩu
Hàng hoá tiêu dùng nhập khẩu
Marketing
----
Xúc tiến ở nước ngoài
Chi phí nhân sự cho cơ sở
nước ngoài
Tổng dòng vào (I)
Tổng dòng ra (O)
130
Thông thường, chính phủ các quốc gia điểm đến đều hy vọng rằng
các dòng chảy vào từ hoạt động kinh doanh sẽ dễ dàng bù đắp cho tất cả
các dòng chảy ra và tạo được một cán cân I-O thặng dư (thuần dương).
Một số nghiên cứu kinh tế cho rằng lợi ích này có thể tồn tại, nhưng điều
quan trọng là phải thấy rõ giá trị của các dòng chảy vào trong mối quan
hệ với tất cả các tác động từ trao đổi ngoại tệ liên quan đến du lịch và
phái sinh từ du lịch, như các khoản chi tiết ở Bảng 3.3. Trong đó, một
khoản cần lưu ý là sự tiết kiệm từ việc cung ứng sản phẩm du lịch nội địa
mới. Điều đó có nghĩa là không có khoản thu thực tế từ nước ngoài,
nhưng lại có sẵn một sản phẩm du lịch nội địa hấp dẫn hơn sản phẩm của
nước ngoài mà công dân của quốc gia đó đang có cầu. Sự thay thế nhập
khẩu này là tương tự như việc tiêu dùng các hàng hoá được sản xuất
trong nước để thay thế các hàng nhập khẩu.
Khi có nhiều dự án phát triển thêm nữa, chính phủ các quốc gia
điểm đến sẽ hy vọng rằng tỷ lệ thặng dư I-O tăng lên vì:
- Điểm đến sẽ hấp dẫn được một lượng khách du lịch quốc tế đến
tăng lên;
- Các ngành công nghiệp hỗ trợ và kỹ năng của đội ngũ lao động
địa phương được nâng cao hơn và có tính cạnh tranh hơn, do đó làm
giảm nhu cầu nhập khẩu;
- Các chi phí cần thiết ở nước ngoài (như xúc tiến, quảng bá của cơ
quan quản lý du lịch) để thúc đẩy các sản phẩm du lịch làm tăng chi phí
không nhiều, điều đó có nghĩa là sẽ có các khoản thu hồi tăng lên.
Nói chung, thực tế trên xảy ra đối với nhiều quốc gia như Tây Ban
Nha, Fiji hoặc Tunisia mà các nước này chỉ thu được lợi ích I-O đáng kể
sau vài năm phát triển du lịch.
3.3.3. Các chính sách đối với cán cân thanh toán du lịch
Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... từ nhiều năm nay
thường có thặng dư lớn trong cán cân thanh toán của quốc gia mình.
Ngoài việc phải đối phó với áp lực từ các đối tác thương mại ít thuận lợi
131
hơn ra, cán cân thanh toán của các quốc gia này không cần các chính
sách nghiêm ngặt. Các nước này không vay nợ mà là những nước chủ nợ
thực sự. Trong khi đó, một số rất lớn các quốc gia phải đối phó với sự
thâm hụt cán cân đang tăng lên, trong đó có cả Mỹ. Các nước này thường
phải đi vay nợ, do đó họ phải hoạch định các chính sách nhằm cắt giảm
thâm hụt để nhận được thặng dư trong cán cân thanh toán quốc gia.
Ngoài ra, trong trường hợp đồng tiền của quốc gia nào không được chấp
nhận trong thanh toán quốc tế thì họ cần phải có nhiều cách để kiếm
được các ngoại tệ "mạnh" và có thể chuyển đổi.
Việc sử dụng du lịch để cải thiện vị thế cán cân thanh toán trong
các trường hợp trên là phổ biến. Điều đó xuất phát từ một số lý do sau đây:
- Các chính sách ngăn cấm để giảm hàng hoá nhập khẩu bằng các
biện pháp như khống chế hạn ngạch hoặc tăng thuế, không chỉ có các tác
động tiêu cực cho nền kinh tế địa phương mà còn có thể chịu các biện
pháp trả đũa từ các đối tác thương mại.
- Khuyến khích các nhà sản xuất hàng hoá trong nước đẩy mạnh
hàng xuất khẩu có thể là một lộ trình khó khăn, đặc biệt ở những quốc
gia có ít lợi thế chi phí so sánh để có thể khai thác ngay lập tức. Đồng
thời, lộ trình “chính sách khuyến khích - sản xuất tăng lên - bán hàng hoá
- vận chuyển hàng hoá - các khoản thanh toán nhận được” có độ trễ nên
không có tác dụng khắc phục ngay lập tức đối với sự thâm hụt cán cân
thanh toán.
- Du lịch có thể khai thác tương đối dễ dàng, nhanh chóng, không
cần sự phát triển nhiều về cơ sở hạ tầng. Các chiến dịch xúc tiến, quảng
bá ở nước ngoài ngắn nhưng tập trung, việc đưa vào sử dụng các phương
tiện vận chuyển mới, các ưu đãi về thuế hoặc các biện pháp giảm giá... có
thể có tác động gần như ngay lập tức trong việc thu hút nhiều khách du
lịch quốc tế đến hơn và khuyến khích các chi tiêu tiền bạc của họ nhiều
hơn. Phát triển du lịch cũng đơn giản hơn và "sạch hơn" so với sự phát
triển các ngành công nghiệp mới khác.
132
- Hạn chế du lịch ra nước ngoài bằng cách áp đặt các loại thuế đặc
biệt hoặc kiểm soát chặt chẽ trao đổi ngoại tệ thường không tạo ra sự trả
đũa, vì những biện pháp này không được coi là biện pháp áp đặt chống
lại tự do thương mại.
Vì vậy, để tận dụng lợi thế của các yếu tố này đối với cán cân thanh
toán, một quốc gia đã sử dụng một số chính sách đặc biệt được phân
thành các nhóm như sau:
- Các chính sách quảng bá: Tiến hành các chiến dịch quảng bá ở
nước ngoài (thường do các cơ quan quản lý du lịch quốc gia thực hiện),
giảm giá đặc biệt đối với du lịch (ví dụ tỷ giá trao đổi đặc biệt dành cho
khách du lịch, giá "xăng dầu du lịch" rẻ như đã được sử dụng ở Ý một số
năm); định vị lại thị trường để hấp dẫn chi tiêu nhiều hơn của khách du
lịch quốc tế đến.
- Các chính sách phát triển: Trợ cấp hoặc giảm thuế cho các doanh
nghiệp phát triển các sản phẩm để hấp dẫn khách du lịch quốc tế; phát
triển cơ sở hạ tầng, bao gồm cả các tuyến giao thông với các nước
nguồn khách.
- Các chính sách liên quan đến quy chế: Phá giá đồng tiền; kiểm
soát trao đổi ngoại tệ; đánh thuế khởi hành đối với công dân đi du lịch
nước ngoài; đàm phán chặt chẽ trong các hiệp định hàng không song
phương để bảo đảm phần chia sẻ lớn nhất từ các khoản thu nhập vận
chuyển cho các hãng chuyên chở của nước mình; miễn thị thực...
- Các chính sách khác như: Mở rộng và phát triển quan hệ với các
nước khác, tham gia các tổ chức thế giới (trong đó có các tổ chức về du
lịch)...
Hầu hết các quốc gia đều kết hợp sử dụng các chính sách trên nhằm
giảm bớt sự thâm hụt cán cân thanh toán. Các chính sách được thực thi
với sự phối hợp của quản lý cầu, quản lý cung du lịch và thường được
tích hợp thành một chính sách kinh tế tổng thể.
133
PHỤ LỤC CHƯƠNG 3
CÁC THƯƠNG QUYỀN TRONG HÀNG KHÔNG
Để có thể tiến hành vận chuyển hàng không một cách có trật tự, các
quốc gia thương lượng các hiệp định đa phương về các dịch vụ và các
quyền giao thông hàng không. Một số lớn các hiệp định này kết hợp lại
thành các thương quyền trong hàng không (tức quyền tự do không lưu),
năm thương quyền đầu tiên đã được Hội nghị hàng không dân dụng quốc
tế ở Chicago xác lập năm 1944.
Thương quyền 1
Quyền được bay trên lãnh thổ của một quốc gia khác mà không tiếp
đất (hạ cánh).
Thương quyền 2
Quyền được tiếp đất ở một quốc gia khác vì các mục đích phi vận
chuyển (ví dụ tiếp thêm nhiên liệu, sửa chữa).
Thương quyền 3
Quyền được đỗ xuống một quốc gia khác để trả khách mua vé, thư
từ và hàng hoá nhận vận chuyển từ quốc gia mà máy bay hoặc hãng hàng
không được đăng ký (Hàng không của quốc gia A có thể chuyên chở
hành khách từ A tới B).
Thương quyền 4
Quyền được nhận ở quốc gia khác các hành khách có vé, thư từ và
hàng hoá để vận chuyển tới quốc gia mà máy bay hoặc hãng hàng không
được đăng ký (Hàng không của quốc gia A có thể chuyên chở hành
khách từ B tới A).
Thương quyền 5
Quyền cho một máy bay hoặc hãng hàng không đăng ký ở một
quốc gia và đang đi trên đường bay đến hoặc từ một quốc gia nhận hành
134
khách có vé, thư từ và hàng hoá ở một quốc gia thứ hai và trả chúng ở
một quốc gia thứ ba (Hàng không quốc gia A, trong khi bay tuyến
ABC có thể chuyên chở hành khách từ B tới C).
Quyền này thường được bảo vệ, có tính tranh giành và là chủ đề
của nhiều cuộc đàm phán.
Thương quyền 6 (được thừa nhận không chính thức ở Chicago năm
1944)
Quyền đối với một máy bay hoặc hãng hàng không đăng ký ở một
quốc gia nhận hành khách có vé, thư từ và hàng hoá ở một quốc gia thứ
hai, vận chuyển qua quốc gia của chính mình và trả họ ở một quốc gia
thứ ba (Hàng không quốc gia A, trong khi bay DA và AB có thể
chuyên chở hành khách từ D tới B).
Nhiều quốc gia, đặc biệt ở châu Âu, Trung Đông và châu Á thực
hiện quyền này mặc dù một số nước (như Singapore) tuyên bố nó không
phải là một quyền tự do riêng rẽ mà đơn thuần chỉ là sự kết hợp của
thương quyền 4 và thương quyền 5. Tuy nhiên, lịch bay của họ thường
không thể phân biệt được điều này từ một dịch vụ bay xuyên suốt/từ đầu
đến cuối.
CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN
1. Trình bày khái niệm và nội dung bảng cán cân thanh toán (các tài
khoản bên ngoài)?
2. Tổng các chi tiêu của du lịch quốc tế đến trừ đi tổng các chi tiêu
du lịch ra nước ngoài có phải là bức tranh thực của cán cân thanh toán du
lịch? Nếu không đúng, hãy nêu những khoản mục còn thiếu?
3. Phân tích cơ sở của cán cân thanh toán du lịch. Lấy các ví dụ
minh họa sự khác nhau giữa lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh trong
du lịch?
135
4. Phân tích các dòng ngoại tệ từ thu nhập và thanh toán vận
chuyển hàng không đối với các quốc gia A, B, C và D (theo Hình 3.1).
Các chính sách của một quốc gia nhằm tối đa hoá các khoản thu ngoại tệ
từ vận chuyển khách du lịch quốc tế?
5. Phân tích các dòng ngoại tệ từ các khoản thu nhập và thanh toán
du lịch đối với quốc gia điểm đến và quốc gia nguồn khách. Chính sách
của các quốc gia này nhằm tối đa hoá các khoản thu ngoại tệ từ du lịch?
6. Một quốc gia không phải là quốc gia nguồn khách và quốc gia
điểm đến nhưng có thể thu được ngoại tệ như thế nào từ du lịch? Lấy ví
dụ minh họa?
7. Tại sao các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch
có thể có lợi ích từ ngành này tương đối ít hơn so với các quốc gia có nền
kinh tế đa dạng hoá?
8. Phân tích các tác động của một dự án phát triển du lịch đối với
cán cân thanh toán. Lấy ví dụ thực tế ở Việt Nam để minh họa?
9. Phân tích các chính sách đối với cán cân thanh toán trong du
lịch. Liên hệ vấn đề này với nước ta?
10. Tóm tắt các chính sách quản lý cầu du lịch và các chính sách
quản lý cung du lịch có ảnh hưởng tích cực đến cán cân thanh toán. Theo
bạn, nhóm chính sách nào có hiệu quả hơn đối với việc quản lý cán cân
thanh toán? Tại sao?
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 3
TIẾNG VIỆT
1. Hoàng Kình (1997), Kinh tế quốc tế, Phần một, NXB Giáo dục,
Hà Nội.
136
TIẾNG ANH
2. Bull (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2
nd
edition,
Longman, Melbourne.
3. Doganis (1998), Flying off Course: The Economics of
International Airlines, 2
nd
edition, Routledge, London and New York.
137
Chương 4
CÔNG TY ĐA QUỐC GIA TRONG DU LỊCH
Mục tiêu của chương:
Sau khi học xong chương này, người học có khả năng:
Hiểu rõ sự khác nhau cơ bản về lý do hoạt động kinh doanh đa
quốc gia giữa các hãng hàng không hoặc khách sạn với các doanh nghiệp
sản xuất.
Nắm được các hình thức công ty đa quốc gia trong hàng không,
đại lý du lịch và các dịch vụ liên quan, lĩnh vực lưu trú, kinh doanh du
lịch tàu biển, điều hành tour du lịch.
Phân tích được các tác động đối với các nước có công ty chi
nhánh (nước chủ nhà) khi thu hút các công ty đa quốc gia trong du lịch.
Nắm được phương pháp định giá chuyển nhượng của các công ty
đa quốc gia trong du lịch.
Phân tích được các tác động đối với các nước có công ty chính
khi có các công ty du lịch phát triển kinh doanh đa quốc gia.
4.1. KINH DOANH ĐA QUỐC GIA TRONG DU LỊCH
4.1.1. Các mối liên hệ đa quốc gia
Khi một công ty tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh
thương mại vượt ra khỏi biên giới quốc gia của mình thì có thể coi là một
công ty đa quốc gia. Trên thực tế, cách hiểu này có phần đơn giản hoá
bởi vì một số công ty có hoạt động thương mại bằng cách vươn dài "cánh
tay" ra ngoài biên giới mà không có hợp tác ở bất cứ nơi nào. Ở đây giả
thiết rằng một công ty có bất kỳ hoạt động kinh doanh thương mại liên
quốc gia nào (ngoài những hoạt động thương mại với các doanh nghiệp
138
nước ngoài) thì đều là công ty đa quốc gia. Một công ty đa quốc gia
thường có công ty chính hay còn gọi là công ty mẹ và các chi nhánh ở
các quốc gia hay còn gọi là các công ty con.
Công ty đa quốc gia thường có ba mối liên hệ chủ yếu với nước
ngoài. Đó là mối liên hệ về sở hữu vốn, cung cấp vốn vay và các hợp
đồng quản lý không mang tính chất đầu tư.
4.1.1.1. Sở hữu vốn
Một hình thức sở hữu vốn thông thường nhất của công ty đa quốc
gia là công ty mẹ ở quốc gia X mua cổ phần của một doanh nghiệp đang
tồn tại ở quốc gia Y hoặc thành lập mới một chi nhánh với sở hữu toàn
bộ hoặc sở hữu một phần vốn ở quốc gia đó. Thường có sự phân biệt rõ
rệt giữa doanh nghiệp giành được quyền kiểm soát lãi cổ phần và doanh
nghiệp có cổ phần thiểu số. Công ty đa quốc gia giành được quyền kiểm
soát doanh nghiệp khi chiếm 51% hoặc nhiều hơn trong tổng số vốn cổ
phần, hoặc kiểm soát không chính thức thông qua phần cổ phiếu thiểu số
nhưng khá lớn, thường lớn hơn bất kỳ một cổ đông riêng lẻ khác. Chính
phủ ở nhiều quốc gia thường có quy định chặt chẽ hơn đối với doanh
nghiệp bị kiểm soát lãi cổ phần so với doanh nghiệp có cổ phần thiểu số,
một trong các quy chế đó là khống chế 51% vốn phải do chính các quốc
gia đó nắm giữ. Tuy nhiên, quy định này ít áp dụng hơn đối với ngành du
lịch so với các ngành nhạy cảm như truyền thông hoặc sản xuất quốc
phòng. Cũng để đơn giản hoá, trong mối liên hệ này công ty đa quốc gia
có thể còn có văn phòng chi nhánh trực tiếp ở các nước khác nhưng phải
tuân theo pháp luật của các quốc gia ở đó.
4.1.1.2. Cung cấp vốn vay
Một biện pháp ít phổ biến hơn và có thể không phải là công ty đa
quốc gia thực sự khi công ty mẹ ở quốc gia X cho một doanh nghiệp ở
quốc gia Y vay vốn trực tiếp nhưng không phải là hình thức vốn cổ phần.
Tuy nhiên, có thể có sự thế chấp tài sản của doanh nghiệp nhận vốn hoặc
một số thoả thuận thương mại tạo cho công ty mẹ một số lợi thế về sản
xuất, kinh doanh cũng như lãi suất thu được. Các hợp đồng thoả thuận có
139
thể tạo động lực vừa đủ thu hút sự quan tâm của công ty mẹ mà không vi
phạm các điều kiện về quyền sở hữu do chính phủ quốc gia Y đặt ra.
4.1.1.3. Các hợp đồng quản lý không mang tính chất đầu tư
Đối với công ty có nhiều cơ sở dù ở trong nước hay đa quốc gia thì
công ty mẹ thường vận hành các chi nhánh bằng một hợp đồng quản lý
hoặc cho thuê quyền kinh doanh hoặc thoả thuận nhượng quyền thương
mại. Quyền sở hữu các công ty nhánh ở mỗi quốc gia có thể khác nhau
như sở hữu của quốc gia sở tại hoặc có thể có nhiều nguồn hình thành tài
chính, nhưng các công ty này thường sử dụng một thương hiệu duy nhất
có tính đa quốc gia.
Hầu hết các công ty mẹ sử dụng các hợp đồng quản lý không mang
tính chất đầu tư như vậy để nhận được hiệu quả kinh tế theo quy mô từ
bên ngoài, đặc biệt các lợi thế về marketing. Khi thị trường trong nước
đã đến giới hạn, không còn tạo nền tảng cho sự phát triển chiến lược và
khi các thị trường nước ngoài đang mở ra cho việc sản xuất và bán các
sản phẩm tương tự thì các công ty mẹ mở rộng hoạt động kinh tế của
mình ra nước ngoài sẽ thu được hiệu quả cao. Các công ty mẹ còn có các
kỹ năng sản xuất và kỹ năng marketing cao cấp có thể "xuất khẩu" cho
công ty chi nhánh ở các quốc gia tiếp nhận và giành được lợi thế cạnh
tranh toàn diện ở các quốc gia này.
4.1.2. Các lý thuyết về đầu tư đa quốc gia
Dù bất cứ dưới hình thức hoạt động đa quốc gia nào, các lý thuyết
đã chỉ ra rằng có bốn lý do chính để một doanh nghiệp quyết định vượt ra
khỏi biên giới quốc gia. Mỗi lý do đều dựa trên giả thiết doanh nghiệp có
mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận dài hạn và đang mong muốn lợi nhuận
ngắn hạn hoặc có sự tăng trưởng.
4.1.2.1. Lý thuyết đầu tư thông thường
Nếu tất cả các quốc gia đều đã mở ra cho các dòng vốn và đầu tư
lưu thông thì có thể kỳ vọng rằng các tỷ lệ lãi suất sẽ đạt đến điểm cân
bằng quốc tế. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm kiếm đầu tư ở bất cứ nơi
140
nào có hiệu quả cận biên của đầu tư vượt quá tỷ lệ lãi suất, mặc dù thực
tế sẽ gặp những hạn chế như sự không hoàn hảo của thị trường và các
mức độ rủi ro khác nhau mang tính quốc tế. Tuy nhiên, lý thuyết đầu tư
thông thường cho rằng ở đâu mà vẫn có các dòng vốn tự do thì đầu tư đa
quốc gia sẽ xảy ra cùng với đầu tư nội địa. Điều đó có nghĩa là sự lưu
thông vốn liên quốc gia sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi năng suất cận biên
của vốn (hiệu quả cận biên vượt quá tỷ lệ lãi suất) đầu tư vào quốc gia Y
ngang bằng với đầu tư ở chính quốc gia X (quốc gia của công ty mẹ).
Lý thuyết trên có thể áp dụng cho cả đầu tư mới vào các doanh
nghiệp sản xuất và đầu tư gián tiếp - mua cổ phiếu của các doanh nghiệp
đang tồn tại. Các nhân tố ảnh hưởng đến tổng số đầu tư đa quốc gia gồm:
Các tỷ lệ lãi suất so sánh, lợi nhuận so sánh có thể nhận được; sự mở cửa
của nền kinh tế đối với đầu tư đa quốc gia và các nhân tố thanh toán; và
mức độ rủi ro hoặc lan truyền rủi ro liên quan. Vì vậy, các công ty cổ
phần và các tập đoàn khách sạn của Mỹ và Nhật Bản thường mua cổ
phần của các doanh nghiệp du lịch hoạt động tốt trên khắp thế giới đơn
giản chỉ vì các lợi tức tài chính trực tiếp.
4.1.2.2. Lợi thế sản xuất
Khả năng thứ hai là doanh nghiệp ở quốc gia X có thể giành được
các lợi thế trong sản xuất ở quốc gia Y hơn các công ty địa phương. Nếu
lợi nhuận thông thường ở hai quốc gia tương tự như nhau thì công ty đa
quốc gia có thể tạo ra lợi nhuận trên trung bình từ quốc gia Y.
Các lợi thế sản xuất của công ty đa quốc gia hơn các đối thủ cạnh
tranh địa phương có thể là công nghệ cao, kỹ năng hoặc trình độ quản lý
tiên tiến. Hoặc chính phủ quốc gia Y có thể có những ưu đãi đặc biệt
dưới hình thức dành các nguồn tài nguyên rẻ hoặc miễn giảm thuế cho
các công ty đa quốc gia. Nếu công ty mẹ có thể kết hợp các lợi thế sản
xuất với các nguồn tài nguyên có khả năng sử dụng cao ở một vị trí đặc
biệt và thực hiện quản lý được tất cả các hoạt động cùng các dòng sản
phẩm liên quan thì đó là lý do rất thuyết phục để tiến hành hoạt động đa
quốc gia. Đây gọi là lý thuyết chiết trung của sản xuất quốc tế. Ví dụ
141
điển hình là sau năm 1990 nhiều doanh nghiệp Tây Âu ngày càng quan
tâm đầu tư phát triển du lịch ở các nước Đông Âu.
4.1.2.3. Lợi thế độc quyền khai thác
Các doanh nghiệp sử dụng hợp đồng quản lý không mang tính chất
đầu tư chủ yếu tìm kiếm nền kinh tế của các quốc gia có thể hoạt động
kinh doanh theo chuỗi thông qua tích hợp theo chiều ngang và sẽ mở
rộng vượt ra khỏi biên giới quốc gia ở những nơi có các thị trường đang
hoàn thiện hoặc khá tương đồng để bảo đảm cho hoạt động kinh doanh
đó. Hầu hết nền kinh tế của các quốc gia bên ngoài này là nền kinh tế
định hướng thị trường gắn liền với hình ảnh quốc tế, quảng cáo và các
tiêu chuẩn sản phẩm có tiếng. Ngoài ra, các quốc gia có doanh nghiệp
hoạt động kinh doanh theo chuỗi sẽ có tầm quan trọng mang tính quốc tế
đối với các doanh nghiệp của quốc gia có nền kinh tế nhỏ. Ví dụ, hầu hết
các doanh nghiệp của Bỉ, Hà Lan hoặc Thụy Sỹ đều xác định rõ tính chất
đa quốc gia trong hoạt động kinh doanh của mình.
Lợi thế độc quyền ở quốc gia chính cũng có thể nhận được từ sự
tích hợp theo chiều dọc khi giành được các nguồn tài nguyên dự trữ và
thị trường tiêu thụ. Khi nguồn tài nguyên hoặc thị trường tiêu thụ xuất
hiện ở quốc gia khác thì một doanh nghiệp có thể mua hoặc ràng buộc
bằng các hợp đồng thương mại quốc tế để bảo vệ vị trí trong nước của
mình. Các công ty khai thác mỏ và dầu khí lớn thường áp dụng cách thức
này và việc tìm kiếm các nguồn tài nguyên du lịch cũng có tính quốc tế
tương tự như việc tìm kiếm các nguồn tài nguyên khoáng sản. Sự tích
hợp theo chiều dọc mang tính quốc tế sẽ lớn nhất trong lĩnh vực có các
doanh nghiệp là thiểu quyền ở chính quốc gia của mình. Do đó, đầu tư
của nhiều doanh nghiệp ở quốc gia X có thể tập trung vào quốc gia Y và
cạnh tranh thiểu quyền dễ dàng vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
4.1.2.4. Mở rộng chu kỳ sống sản phẩm
Lý thuyết cuối cùng về đầu tư đa quốc gia chỉ ra rằng một doanh
nghiệp có thể mở rộng ra nước ngoài để kéo dài hoặc làm thay đổi chu kỳ
142
sống sản phẩm. Một sản phẩm đã được giới thiệu ở quốc gia X đến nay
có thể gần kết thúc chu kỳ sống của nó, nhưng sản phẩm này lại có thể
mới bắt đầu ở thị trường quốc gia Y. Thay vì chỉ đơn thuần xuất khẩu
toàn bộ sản phẩm sang quốc gia Y thì việc chuyển giao toàn bộ dòng sản
phẩm có thể tạo ra nhiều lợi ích hơn. Các trường hợp điển hình của lý
thuyết này là những nhà lắp ráp ô tô của Anh và Đức đã chuyển dây
truyền sang Ấn Độ, Mêhicô và Brazil. Tuy nhiên, mở rộng chu kỳ sống
của sản phẩm đa quốc gia thường áp dụng cho hàng hoá hơn là cho
dịch vụ.
4.1.3. Lý do kinh doanh đa quốc gia trong du lịch
Trong khi phần lớn (hơn 90%) lượng khách du lịch trên thế giới là
nội địa, thì du lịch quốc tế lại chiếm một phần hết sức có ý nghĩa trong
tổng giá trị. Khi khách du lịch mua sản phẩm du lịch, họ nhận được một
tập hợp các dịch vụ (và một số hàng hoá) bắt nguồn từ quốc gia nguồn
khách (nước xuất phát), quốc gia điểm đến và cũng như từ một số quốc
gia trung gian hoặc tạm dừng. Một chuyến du lịch quốc tế ngắn và tiêu
biểu có thể bao gồm các chi tiêu được phân chia như trong hình 4.1
19
.
Hình 4.1. Chi phí chuyến đi ngắn ngày giả định
của khách du lịch quốc tế (%)
19
Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman,
Melbourne.
Nước xuất phát
Liên kết quốc tế
Nước đến du lịch
Dịch vụ đại lý
du lịch 8
Vận chuyển
hàng không 30
Lưu trú 22
Đi lại 13
Các dịch vụ khác
(VD: Thông tin) 3
Hàng hóa
(VD: miễn thuế) 5
Lưu niệm và
dịch vụ cá nhân 12
Thuế 2
Thuế 5
Tổng
(trừ thuế) 11
Tổng 35
Tổng
(trừ thuế) 47
143
Các sản phẩm trong Hình 4.1 phần lớn là những sản phẩm bổ sung
cho nhau trong cầu du lịch. Do đó, bất kỳ nhà cung ứng sản phẩm nào
cũng đều biết rằng khi có cầu về sản phẩm của mình thì cũng có nghĩa là
sẽ có cầu về những sản phẩm khác. Kết quả là:
- Nếu một trong các sản phẩm du lịch được sản xuất và bán ra mà
có thể sinh lời thì sẽ tạo ra sự khuyến khích ngay lập tức và làm đa dạng
hoá sản phẩm trong các lĩnh vực khác.
- Hình thành các chương trình du lịch trọn gói bao gồm ít nhất hai
yếu tố sản phẩm, nhất là các yếu tố chính gồm vận chuyển hàng không
và lưu trú có nhiều lợi thế về marketing và đăng ký đặt trước sản phẩm
cung ứng.
- Trên cơ sở thị trường nguồn khách, các nhà cung ứng có thể thu
lợi từ sự tìm hiểu được "khẩu vị" của du khách và các định hướng thị
trường ở chính quốc gia của mình thông qua việc cung ứng các sản phẩm
ở điểm đến.
Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch đa dạng sẽ không cần thiết tối
đa hoá hoạt động kinh doanh trên toàn bộ các thị trường du lịch đang tồn
tại nhưng vẫn khuyến khích sự phát triển du lịch nhiều hơn để tạo thêm
nhiều cơ hội kinh doanh ở chính quốc gia của họ. Điều này trước đây
thường có nghĩa là việc đầu tư mới vào nước khác, ký kết các hợp đồng
quản lý không mang tính chất đầu tư với các đối tác địa phương hoặc
thiết lập các thoả thuận thương mại quốc tế được chú trọng nhiều hơn là
hình thức công ty đa quốc gia, với lý do chính là các biện pháp này giúp
cải thiện khả năng sinh lợi và phát triển các hoạt động hiện có.
Áp lực phát triển các hoạt động kinh doanh đa quốc gia trong du
lịch lớn nhất là ở các quốc gia nguồn khách. Điều này có thể thấy qua
xem xét các giá trị nhận được từ du lịch trong Hình 4.1. Để đơn giản hoá,
giả sử rằng ba doanh nghiệp A, B và C có các tài nguyên du lịch lần lượt
tương ứng ở ba quốc gia nguồn khách (nước xuất phát), liên kết quốc tế
(nước tạm dừng, trung gian) và quốc gia điểm đến (nước đến du lịch).
144
Nếu mỗi doanh nghiệp có thể giành được quyền cung ứng toàn bộ sản
phẩm, dịch vụ cho du khách:
- A có thể đạt được doanh thu là 93 thay vì 11 - tăng 8,5 lần;
- B có thể đạt được doanh thu là 93 thay vì 35 - tăng 2,7 lần;
- C có thể đạt được doanh thu 93 thay vì 47 - tăng 98% (dưới 2 lần).
Do đó, doanh nghiệp A có thể đạt được doanh thu và lợi nhuận lớn
nhất từ quốc tế hoá hoạt động kinh doanh.
Tất nhiên trong thực tế, sự mở rộng tiềm năng kinh doanh gần như
không nhiều, chỉ một số ít doanh nghiệp có thể hoặc sẵn sàng giành được
và vận hành tất cả các nhà sản xuất, kinh doanh du lịch liên quan và họ
có thể khởi đầu tốt với ít nhất hai nhà sản xuất kinh doanh. Ví dụ như
một hãng hàng không có thể sẵn sàng làm chủ một tập đoàn lữ hành bán
lẻ nội địa.
Trường hợp một tập đoàn khách sạn hoặc nhà hàng hiện thời không
liên quan đến quốc gia nguồn khách cũng như quốc gia điểm đến nhưng
cũng có thể tham gia vào hệ thống thông qua hợp đồng quản lý hoặc
chuyển nhượng thương hiệu. Các doanh nghiệp này sẽ trực tiếp nhận
được các lợi thế của marketing đa dạng hoá theo khu vực địa lý, cũng
như sử dụng các "bí quyết" sản xuất kinh doanh. Khu vực địa lý các quốc
gia chính của hầu hết các công ty đa quốc gia trong du lịch là Mỹ, Pháp,
Anh, Nhật Bản và Hồng Kông. Điều này càng khẳng định ý kiến cho
rằng các quốc gia nguồn khách cùng với nhu cầu xuất khẩu vốn đầu tư đã
thúc đẩy hoạt động kinh doanh đa quốc gia trong ngành du lịch.
Sự lan toả của các doanh nghiệp du lịch Tây Âu và Mỹ đến Đông
Âu là một ví dụ cụ thể của việc kết hợp 3 nhân tố: Phổ biến các "bí
quyết" sản xuất tiên tiến cho các doanh nghiệp địa phương, thúc đẩy
năng suất cao hơn (năng suất cận biên) từ các thị trường nguồn khách
Đông Âu đang phát triển và đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô từ
kinh doanh quốc tế. Từng nhân tố này đã dẫn đến việc nhượng quyền cho
145
các khách sạn ở Đông Âu, mua cổ phiếu của các công ty lữ hành và liên
minh chiến lược hàng không Đông - Tây Âu.
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, xu thế hội nhập khu vực và
thế giới trở nên phổ biến, nên các doanh nghiệp du lịch kinh doanh đa
quốc gia càng được phát triển mạnh mẽ. Thực chất của sự phát triển đa
quốc gia chính là quá trình tích tụ và tập trung vốn của một doanh
nghiệp, nhờ đó nâng cao được năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh
và nhận được hiệu quả kinh tế theo quy mô.
4.2. CÔNG TY ĐA QUỐC GIA TRONG DU LỊCH VÀ TÁC
ĐỘNG CỦA NÓ
4.2.1. Các hình thức công ty đa quốc gia phổ biến trong kinh
doanh du lịch
4.2.1.1. Công ty đa quốc gia trong hàng không
a. Các hãng hàng không thuần tuý
Trong tất cả các loại doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh du lịch,
các hãng hàng không có mối quan tâm rõ ràng nhất đến hoạt động kinh
doanh và đầu tư đa quốc gia. Các hãng hàng không hoạt động kinh doanh
quốc tế phải cân nhắc việc có nên lập văn phòng chi nhánh của mình ở
các sân bay nước ngoài hoặc ở các thành phố lớn hay không. Sự lựa chọn
thường là một đại lý địa phương.
Để phát triển kinh doanh ở các sân bay nước ngoài và cạnh tranh có
hiệu quả với các hãng hàng không địa phương, hãng hàng không quốc tế
cần cân nhắc việc lập văn phòng chi nhánh ở khắp toàn cầu và có thể
theo quy định của luật pháp địa phương phải thành lập một công ty chi
nhánh để tiến hành hoạt động kinh doanh. Sự lựa chọn là một thoả thuận
song phương với một hãng hàng không địa phương trong phối hợp hoạt
động marketing, phối hợp quản lý hành khách lên xuống, các thoả thuận
khác giữa hai bên và lợi thế độc quyền của một công ty đa quốc gia. Hoạt
động kinh doanh hàng không có sự phát triển thành các công ty đa quốc
146
gia một cách hợp lý với các hệ thống, trung tâm đặt giữ chỗ như
Covia/Galileo, Sabre hoặc Amadeus/Abacus, với bảo hiểm và dịch vụ hỗ
trợ khẩn cấp và với hoạt động liên ngân hàng.
Hoạt động kinh doanh hàng không đa quốc gia thường vấp phải sự
hạn chế của chính phủ các nước để bảo vệ các hãng hàng không của
mình vì mục đích chính trị hoặc ngoại giao. Một số hãng hàng không đã
phát triển kinh doanh đa quốc gia thành công như hãng SAS
(Scandinavian Airline Systems) có vốn từ Na Uy, Thụy Điển và Đan
Mạch; một số hãng khác đã phát triển trong thị trường hàng không tự do
hơn (ít bị các quy chế ràng buộc) vào những năm 90 của thế kỷ XX. Sự
phát triển quan trọng nhất vào thời gian này là các hãng hàng không tự
bảo vệ được thương hiệu của mình khi liên kết để cung cấp dịch vụ vận
chuyển như cùng khai thác một chuyến bay (biểu thị một chuyến bay
bằng hai ký hiệu của hai hãng hàng không khác nhau). Điều đó làm cho
mỗi hãng thể hiện là có khả năng cung cấp các chuyến bay trên một
phạm vi rộng hơn so với thực tế hãng đang vận hành. Đây chính là một
lợi thế marketing làm cho hãng nhận được "lợi thế sản xuất" mỗi chuyến
bay đạt được công suất khách cao hơn.
b. Hãng hàng không với khách sạn và các doanh nghiệp du lịch khác
Khi hãng hàng không quốc gia X chuyên chở hành khách tới quốc
gia Y, thì thường cố gắng tối đa hoá thu nhập hoặc doanh thu bằng cách
bán dịch vụ cho khách hàng là dân cư ở những quốc gia mà có thể trả
mức giá vé cao nhất (xem chương 3). Tuy nhiên, khi hãng hàng không ý
thức được rằng cần phải chuyên môn hoá ở thị trường của chính quốc gia
mình vì các lý do chính trị và phát triển kinh doanh thì chiến lược nói
trên sẽ bị thu hẹp.
Nhiều hành khách của quốc gia X sẽ có nhu cầu về nơi ăn nghỉ và
các hoạt động du lịch, giải trí ở quốc gia Y. Do đó, từ nhiều năm nay, các
hãng hàng không thường quan tâm đến dịch vụ lưu trú và các dịch vụ
mặt đất khác ở các điểm đến mà hãng khai thác đường bay. Sau đó, các
hãng muốn mở rộng khả năng cung ứng các dịch vụ đó hoặc kiểm soát
147
việc cung ứng nhằm giành được lợi thế thương mại trong vận chuyển
hành khách tới các điểm đến. Hãng hàng không đầu tiên quan tâm đến
lĩnh vực khách sạn là hãng Pan Am của Mỹ, hãng này thành lập các
khách sạn Liên lục địa (Inter-Continental Hotels) như các công ty con
vào năm 1946. Sau đó, các hãng TWA, United (Mỹ) và của một số nước
châu Âu học tập Pan Am bằng việc sở hữu vốn khách sạn hoặc hợp đồng
quản lý không mang tính chất đầu tư quốc tế với các khách sạn ở điểm
đến. Vì lợi thế thương mại có sự khác nhau giữa các điểm đến và giữa
các hãng hàng không nên việc sáp nhập của nhiều hãng hàng không -
khách sạn trở nên bình thường, như hai hoặc nhiều hãng hàng không
thường xuyên liên hệ với một tập đoàn khách sạn (ví dụ tập đoàn Penta)
hoặc các hãng hàng không có mối liên hệ với nhiều tập đoàn khách sạn.
Các mối liên hệ này được gọi là liên hệ đa mà không phải là liên hệ đơn
và dẫn đến các công ty đa quốc gia trong vận chuyển hàng không và lưu
trú liên hệ với nhau nhiều hơn nhưng lỏng lẻo hơn.
Một số liên hệ hàng không - khách sạn theo các mô hình “có tính
chất lịch sử" của các dòng thương mại và du lịch như sau:
Hãng hàng không Pháp - các Khách sạn Meridien trên khắp thế giới;
Hãng Canadian Pacific - các Khách sạn CP (ở châu Âu và Bắc Mỹ);
Hãng KLM - các Khách sạn Golden Tulip trên khắp thế giới;
Hãng TWA - các Khách sạn Quốc tế Hilton (cho đến khi bán);
Hãng UTA - UTH & Accor (ở châu Phi & Thái Bình Dương).
Các liên hệ khác đã làm nảy sinh nhu cầu vận chuyển khách đến
các điểm đến du lịch mới dựa trên kết quả của sự phát triển tuyến bay
của các hãng hàng không như:
Hãng All Nippon - các Khách sạn ANA ở khu vực Thái Bình Dương;
Hãng Japan Air Lines - các Khách sạn Nikko trên khắp thế giới.
Trong cả hai trường hợp, sự kết hợp hoạt động kinh doanh hàng
không - khách sạn quốc tế cho phép các công ty bán các sản phẩm bổ
148
sung thông qua giao dịch, kiểm soát khả năng cung sẵn có và tạo điều
kiện thuận lợi cho việc áp dụng các kỹ thuật marketing hỗn hợp như giữa
chương trình khách bay thường xuyên và nơi lưu trú. Ở những quốc gia
có sự nới lỏng các quy chế và mức độ cạnh tranh tăng cao đã làm cho các
hãng hàng không buộc phải rút lui khỏi lĩnh vực khách sạn để trở về với
hoạt động kinh doanh cơ bản của mình thì các hãng duy trì các thoả
thuận và liên minh với các tập đoàn khách sạn.
Để tăng cường các dịch vụ bổ sung, các hãng hàng không có thể
mở rộng hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển mặt đất ở nước ngoài, kinh
doanh các điểm hấp dẫn du lịch hoặc nhà hàng. Hoạt động kinh doanh
này có kết quả tương tự như hoạt động của các công ty lữ hành quốc tế
(xem phần sau).
c. Hãng hàng không với các đại lý du lịch
Nhiều hãng hàng không đang mở rộng khai thác các lợi thế thương
mại độc quyền để có thể kiểm soát được sự phân phối sản phẩm bằng
việc mua lại các đại lý du lịch. Tuy nhiên, việc mua lại doanh nghiệp để
hoạt động đa quốc gia như vậy là rất hiếm vì các hãng hàng không có
thiên hướng tập trung vào thị trường nội địa mà ở đó họ có một thị phần
lớn mà không tập trung vào các thị trường nước ngoài với thị phần của
họ có thể rất nhỏ. Do đó, các công ty đa quốc gia trong hàng không
thường không quan tâm nhiều đến mối liên hệ này.
4.2.1.2. Công ty đa quốc gia trong đại lý du lịch và các dịch vụ
liên quan
Trong lĩnh vực phân phối sản phẩm lữ hành, hoạt động kinh doanh
đa quốc gia không nhiều vì một số lý do sau đây:
- Cho đến nay, chỉ một số ít quốc gia có ngành du lịch phát triển
với quy mô lớn nên không gây áp lực nhiều đến việc hình thành các
tập đoàn.
- Các quốc gia có các tập đoàn hầu hết là các thị trường nguồn
khách riêng biệt, mà các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành thường phải
149
chuyên biệt hoá theo yêu cầu của một thị trường nguồn khách nhất định
và "lợi thế sản xuất" này không thể dễ dàng mở rộng vượt qua biên giới.
- Giữa các quốc gia thường có những quy định pháp lý khác nhau
về cấp giấy phép kinh doanh và về tiêu chuẩn chuyên môn làm cản trở
việc chuyển giao các kỹ năng và kinh nghiệm kinh doanh. Ví dụ, các
phương thức bán vé của IATA
20
mặc dù có tính chất rộng khắp nhưng
không thể áp dụng cho tất cả các quốc gia.
- Nhiều doanh nghiệp lữ hành hoạt động như chi nhánh của các
doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác ở trong nước nên không quan
tâm đến hoạt động đa quốc gia, hoặc các doanh nghiệp đó hoạt động
trong điều kiện nguồn vốn có hạn nên không có khả năng đầu tư mở rộng
trong tương lai.
Dù sao chăng nữa, trong lĩnh vực dịch vụ lữ hành vẫn tồn tại một
số công ty hoạt động đa quốc gia. Nổi tiếng nhất có lẽ là các hãng
American Express, Thomas Cook và Wagon-List Tourisme. Các doanh
nghiệp này được thành lập từ khá lâu, bao gồm cả hoạt động đại lý du
lịch và cung ứng các dịch vụ khác. Sự phát triển các dịch vụ bổ sung của
các doanh nghiệp này đã tạo ra hoạt động kinh doanh đa quốc gia. Hãng
Thomas Cook phát triển từ một cơ sở ở Anh (mặc dù hiện nay do người
Đức sở hữu) thành 350 văn phòng chi nhánh (sở hữu vốn) ở 25 nước, đặc
biệt ở các nước nói tiếng Anh. Hãng Wagon-List Tourisme có nguồn gốc
kinh doanh tàu hoả và ô tô có chỗ nghỉ sang trọng ở Bỉ, thiết lập 415 văn
phòng ở 33 nước, đặc biệt ở châu Âu, Mêhicô và Nam Mỹ (Công ty
Wagon-List hiện nay hợp nhất với tập đoàn khách sạn Accor). Hãng
Thomas Cook và Wagon-List có mối liên hệ mật thiết với nhau trong
nhiều năm và cũng có nhiều cơ sở liên kết ở các quốc gia khác.
Lý do cơ bản của hoạt động kinh doanh đa quốc gia này không chỉ
liên quan chủ yếu đến bán lẻ sản phẩm lữ hành mà còn cung ứng các dịch
vụ mang tính quốc tế hoặc các dịch vụ nơi đến cần thiết từ trước chuyến
đi. Hầu hết 1.000 văn phòng đại lý lữ hành của hãng American Express
20
International Air Transport Association - Hiệp hội vận chuyển hàng không quốc tế.
150
bán sản phẩm lữ hành cho các khách hàng địa phương, đồng thời cung
cấp dịch vụ tư vấn cho những người dự định đi du lịch, bán séc du lịch,
kinh doanh thẻ tín dụng và cung cấp các dịch vụ du lịch tại điểm đến.
Một trường hợp tương tự khác là đại lý du lịch bán lẻ chỉ là một phần
trong các hoạt động của Văn phòng Du lịch Quốc gia hoặc trong các dịch
vụ của một hãng tàu biển. Vì vậy, Hãng Du lịch Balkan, Văn phòng Du
lịch Nhật Bản, Hãng Cunard và CTC là những ví dụ về các doanh nghiệp
hoặc tổ chức sở hữu các công ty đa quốc gia có hiệu quả trong lĩnh vực
lữ hành.
Giống như trong lĩnh vực hàng không, một số thị trường dịch vụ lữ
hành khác cũng có nhu cầu về hoạt động kinh doanh đa quốc gia. Đó là
các công ty cho thuê xe, đại diện đăng ký đặt giữ phòng khách sạn, bảo
hiểm du lịch và các công ty kinh doanh thẻ tín dụng. Hoạt động kinh
doanh đa quốc gia trong các lĩnh vực dịch vụ nói trên có xu hướng hình
thành các công ty đa quốc gia sở hữu vốn như các hãng Avis, Hertz,
Utell hoặc Diners Club; hoặc dưới hình thức hợp đồng quản lý không
mang tính chất đầu tư. Trong cả hai trường hợp, lý do kinh doanh đa
quốc gia là do một phần dịch vụ cung cấp cho khách hàng ở một quốc gia
này và một phần cung cấp ở quốc gia khác, đồng thời cũng do các quốc
gia muốn quảng bá hình ảnh toàn cầu của mình. Sự mở rộng hiệu quả
kinh tế theo quy mô toàn cầu khi sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc,
công nghệ thông tin, công nghệ số cũng mang lại tính chất quốc tế hoá hệ
thống thông tin lữ hành của các doanh nghiệp như Tập đoàn Lữ hành
Reed, sự kết hợp các dịch vụ của Hãng OAG với Tập đoàn Thông tin Lữ
hành ở Mỹ, hãng ABC Guides của Anh, hệ thống đăng ký đặt phòng
khách sạn Utell và các dịch vụ thông tin, đặt giữ chỗ khác.
4.2.1.3. Công ty đa quốc gia trong lĩnh vực lưu trú
Khi đánh giá vai trò và tác động của công ty đa quốc gia trong du
lịch, người ta thường tập trung vào lĩnh vực lưu trú nhiều hơn các lĩnh
vực khác. Một phần vì tính hữu hình cao của các tập đoàn lưu trú và phần
khác vì dòng đầu tư quốc tế lớn hơn các lĩnh vực khác. Một hãng hàng
151
không đầu tư ở nước ngoài chỉ giới hạn ở việc lập văn phòng và trang bị
các tiện nghi cơ bản khác, hoặc các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành cũng
chỉ chủ yếu đầu tư để lập văn phòng (và có thể mua sắm thêm phương
tiện vận chuyển), nhưng các khách sạn và khu nghỉ dưỡng lại chủ yếu có
nhu cầu đầu tư cố định về đất đai, công trình xây dựng và trang thiết bị.
Trong nhiều năm trước đây, hầu hết các đầu tư quốc tế vào các
doanh nghiệp lưu trú có nguồn gốc từ Mỹ và là đầu tư vốn trực tiếp. Đến
nay đã thay đổi theo hướng hoạt động kinh doanh trên cơ sở các hợp
đồng quản lý không mang tính chất đầu tư và mở rộng hơn về nguồn gốc
của vốn đầu tư. Các công ty đa quốc gia chủ yếu không có nguồn gốc từ
Mỹ trong lĩnh vực này bao gồm: Câu lạc bộ Địa Trung Hải, tập đoàn
Accor và Meridien (Pháp), tập đoàn Forte và Bass (Anh), tập đoàn
Khách sạn CP (Canada), tập đoàn Oberoi (Ấn Độ), tập đoàn Melia/Sol
(Tây Ban Nha), các tập đoàn khách sạn Nikko, Aoki và ANA (Nhật
Bản), các tập đoàn New World và Mandarin Oriental (Hồng Kông). Các
công ty đa quốc gia về lưu trú chủ yếu của Mỹ như các tập đoàn Holiday
Inn, Westin, ITT Sheraton, Inter-Continental, Hyatt và Hilton chiếm một
nửa trong toàn bộ khách sạn có sở hữu hoặc kết hợp với nước ngoài trên
khắp thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển các doanh nghiệp không có nguồn
gốc từ Mỹ cũng như các doanh nghiệp nước ngoài mua lại các công ty
khách sạn Mỹ đã làm tỷ lệ này giảm xuống. Hoạt động kinh doanh tập
đoàn trong lĩnh vực lưu trú là nguyên nhân chính gây ra các tác động
định hướng đối với nền kinh tế các quốc gia có chi nhánh.
Sự chuyển dịch từ đầu tư vốn trực tiếp sang hoạt động kinh doanh
thông qua hợp đồng quản lý không mang tính chất đầu tư một phần là do
hiệu quả so sánh chi phí đầu tư trực tiếp với các thị trường vốn sẵn có và
một phần xuất phát từ thực tế là công ty mẹ không có nhu cầu đầu tư.
Các lợi ích chính đối với công ty mẹ là dòng chảy thu nhập từ hoạt động
kinh doanh hơn là từ sở hữu và không bị lệ thuộc vào lãi suất. Khi đó,
trong thực tế sẽ có một khách sạn ở quốc gia A do một doanh nghiệp của
quốc gia A làm chủ nhưng lại là công ty nhánh của công ty cổ phần ở
152
quốc gia B và do công ty đa quốc gia ở quốc gia C vận hành theo hợp
đồng quản lý. Một doanh nghiệp như vậy đến lượt mình lại có thể liên
kết với các hãng hàng không hoặc các doanh nghiệp khác. Do có sự tách
riêng quyền sở hữu nên doanh nghiệp theo mô hình này sẽ giành được
các nhân tố đầu vào tốt nhất. Đó là:
- Đất đai và tài nguyên du lịch từ quốc gia A;
- Vốn từ quốc gia B;
- Các kỹ năng kinh doanh từ quốc gia C.
Sau đó, công ty ở quốc gia B phát triển và trở thành một công ty đa
quốc gia về sở hữu vốn hoặc đầu tư phát triển gián tiếp nhưng không
quản lý trong du lịch như các công ty Kumagai Gumi hoặc Daikyo của
Nhật Bản; công ty vận hành ở quốc gia C như Hyatt hoặc ITT Sheraton
trở thành công ty kinh doanh khách sạn đa quốc gia nổi tiếng hơn.
Dù mua lại hoặc phát triển mới, các công ty đa quốc gia trong lĩnh
vực lưu trú đều có tốc độ phát triển nhanh nhất so với các lĩnh vực khác
của ngành du lịch. Ví dụ, Câu lạc bộ Địa Trung Hải khởi nghiệp từ năm
1949 với một làng nhỏ ở Majorca và đã mở rộng qua các năm để đến nay
vận hành 85 tổ hợp nghỉ dưỡng lớn ở hơn 30 nước. Gần đây, các tập
đoàn của Nhật Bản, Hồng Kông và Hàn Quốc còn phát triển nhanh
hơn nhiều.
4.2.1.4. Công ty đa quốc gia trong kinh doanh du lịch tàu biển
Doanh nghiệp liên quan đa quốc gia sớm nhất trong ngành du lịch
là các công ty tàu biển chuyên chở khách vì chắc chắn nó cần phát triển
các đại lý làm đại diện ở các cảng biển nước ngoài trong tuyến hành trình
phục vụ. Sự mở rộng này nhằm đáp ứng các nhu cầu:
- Bán chuyến đi cho dân cư ở quốc gia nơi tàu cập bến theo tuyến
hành trình (và cũng có thể ở các quốc gia ngoài tuyến hành trình);
- Mua vật phẩm cung ứng cho khách đi tàu và tiếp nhiên liệu ở các
hải cảng nước ngoài;
153
- Mua các yếu tố đầu vào mang tính quốc tế để tối ưu hoá sản xuất
(ví dụ, sử dụng nguồn tài chính ở Mỹ để mua tàu đóng ở Phần Lan, đăng
kiểm ở Panama, bảo hiểm ở London, sử dụng sĩ quan chỉ huy người Na
Uy và một hải đoàn Philippin hoặc vùng Trung Cận Đông).
Tình trạng thuê mướn hải đoàn của hầu hết các chuyến tàu biển đi
theo tuyến hành trình trên thế giới không làm thay đổi những mối liên
quan này, đồng thời các nhu cầu nêu trên đã làm mở rộng hoạt động kinh
doanh dịch vụ du lịch tàu biển. Các công ty du lịch tàu biển của Mỹ,
Anh, Scandinavi, Ý và Hy Lạp hoạt động ở các hải cảng vùng Caribê và
các nơi khác sử dụng các con tàu lớn đóng ở Đức, Phần Lan và Pháp
được mua bảo hiểm ở Luân Đôn, đăng kiểm và thuê hải đoàn từ nhiều
nước khác nhau. Hoạt động marketing có thể tập trung ở Mỹ, Canada,
Anh, Đức và các nước châu Âu khác.
Nhiều công ty du lịch tàu biển còn vận hành các doanh nghiệp
trong một số lĩnh vực khác của ngành du lịch, ví dụ các hãng P&O-
Sitmar, Cunard và Chandris đều là chủ của các khách sạn hoặc các khu
nghỉ dưỡng. Trong khi các cơ sở này có thể có hoặc không liên hệ về
kinh doanh với hoạt động tàu biển nhưng chúng tạo xu hướng mở rộng
về địa lý của công ty đa quốc gia mẹ.
4.2.1.5. Công ty đa quốc gia trong kinh doanh lữ hành
Hoạt động kinh doanh các chương trình du lịch quốc tế đại chúng
phát triển chủ yếu từ các nước Tây Âu và gần đây từ Nhật Bản, Hàn
Quốc, Trung Quốc. Hầu hết các công ty lữ hành gửi khách sử dụng các
đại lý sẵn có hoặc các công ty lữ hành nhận khách để cung ứng các dịch
vụ cho khách du lịch tại điểm đến. Khi các công ty lữ hành gửi khách mở
rộng cung ứng các dịch vụ mặt đất như vận chuyển, lưu trú tại điểm đến
có thể tạo ra hiệu quả kinh tế theo quy mô. Sự mở rộng này thường
không bao hàm các hợp đồng quản lý không mang tính chất đầu tư. Như
vậy, có thể thấy áp lực chủ yếu để tích hợp các dịch vụ cung ứng trong
chương trình du lịch xuất phát từ các doanh nghiệp ở các nước nguồn
khách. Các doanh nghiệp này có nhiều tiềm năng nhất để thu được lợi ích
154
từ vận hành các cơ sở kinh doanh của mình tại điểm đến du lịch. Các
công ty lữ hành gửi khách của Đức, Hà Lan, Scandinavi và Anh thường
đảm nhận luôn là đại diện khu nghỉ dưỡng, trực tiếp cung cấp các dịch vụ
mặt đất như vận chuyển và các chương trình tham quan ở các điểm đến
cho khách hàng. Điều đó phần nào hạn chế sự phát triển của các đối thủ
cạnh tranh mới. Nếu nhu cầu lớn hơn thì các công ty này cũng có thể làm
chủ hoặc có các hợp đồng quản lý không mang tính chất đầu tư với các
khách sạn. Vì vậy, các hãng lữ hành Hà Lan là chủ của các khách sạn ở
Torremolinos (Tây Ban Nha); các hãng TUI (Đức) và Thomson Holidays
(Anh) có thời kỳ từng làm chủ các khách sạn và thậm chí cả các tàu thuỷ
du lịch ở vùng Địa Trung Hải. Tương tự như vậy, các hãng lữ hành Nhật
Bản đã mở rộng ra khắp các điểm đến du lịch nổi tiếng ở Đông Á và Tây
Thái Bình Dương.
Trong thực tế, sự phân biệt giữa các công ty lữ hành gửi khách có
cơ sở của mình tại các điểm đến với các tập đoàn khách sạn quốc tế và
các hãng hàng không kết hợp với khách sạn chỉ là biểu hiện bên ngoài
của hoạt động kinh doanh đa quốc gia. Trong khi đó, chúng đều cung
ứng các sản phẩm dịch vụ như nhau cho cùng một thị trường và các
doanh nghiệp này đều có cùng nhu cầu về các hoạt động kinh doanh ở
nền kinh tế các nước chủ nhà.
4.2.2. Tác động của công ty đa quốc gia
4.2.2.1. Tác động đối với các nước chủ nhà (các nước có chi
nhánh)
Từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, đã có nhiều nghiên cứu về
tác động của công ty đa quốc gia trong du lịch đối với nền kinh tế các
nước có chi nhánh. Nền kinh tế nước chủ nhà (hay nước có chi nhánh) là
nền kinh tế một quốc gia mà ở đó có sự hiện diện về kinh tế của công ty
đa quốc gia ngoại trừ nền kinh tế của quốc gia chính nó (nền kinh tế của
nước có công ty mẹ). Có 5 lĩnh vực cơ bản liên quan đến tác động của
công ty đa quốc gia đối với nền kinh tế nước chủ nhà:
155
- Cơ cấu và sự phát triển ngành du lịch hoặc các lĩnh vực của ngành;
- Thị trường và dòng khách du lịch;
- Giá cả các sản phẩm du lịch;
- Các khoản thanh toán nhân tố sản xuất và đầu vào;
- Doanh nghiệp địa phương và công nghệ sản xuất.
Sau đây sẽ đề cập chi tiết các lĩnh vực tác động trên của công ty đa
quốc gia đối với nền kinh tế nước chủ nhà (nước có chi nhánh).
a. Cơ cấu và sự phát triển ngành du lịch
Chính phủ nước chủ nhà thường khuyến khích thành lập các chi
nhánh của công ty đa quốc gia để hoạt động kinh doanh bởi vì doanh
nghiệp địa phương chưa phát triển hoặc quốc gia đó có nhiều tài nguyên
phù hợp. Điều này dẫn đến cơ cấu các lĩnh vực kinh doanh của ngành du
lịch bị chi phối hoặc kiểm soát từ bên ngoài nhất là ở các nước kém phát
triển, trừ khi chính phủ nước chủ nhà áp đặt các điều kiện ràng buộc. Ví
dụ, theo hợp đồng, một hãng hàng không nước ngoài được phép cung cấp
dịch vụ vận chuyển đến và tại một quốc gia nhỏ. Điều đó có thể làm hạn
chế các hãng hàng không khác tham gia cung cấp dịch vụ và áp đặt sự
độc quyền có thể có lợi hoặc không có lợi cho nền kinh tế nước chủ nhà.
Thậm chí, một công ty đa quốc gia có thể áp đặt độc quyền ở nước chủ
nhà để ngăn cản sự thâm nhập của các công ty đa quốc gia khác cũng
như sự phát triển của các doanh nghiệp địa phương.
Một số quốc gia ký các hợp đồng riêng rẽ với các công ty đầu tư
phát triển như Câu lạc bộ Địa Trung Hải hoặc tập đoàn khách sạn của
Mỹ, những công ty này không chỉ hạn chế sự cạnh tranh mà còn hạn chế
quyền tự chủ của nước chủ nhà trong các quyết định về kiểu loại dự án
phát triển. Các công ty đầu tư phát triển có thể chi phối diện mạo các lĩnh
vực kinh doanh của ngành du lịch (ví dụ chỉ tập trung xây dựng sân bay
mới, giao thông nội địa) và cơ cấu dịch vụ tại điểm đến.
156
Nếu các công ty đa quốc gia phát huy được vị thế độc quyền ở nền
kinh tế nước chủ nhà thì họ có thể tác động đến việc hoạch định chính
sách phát triển du lịch, thậm chí có thể gây áp lực đối với chính phủ thay
đổi quy hoạch phát triển du lịch theo các yêu cầu của chính họ (ví dụ yêu
cầu các nước chủ nhà cần phải chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng).
Mặc dù có các hạn chế nêu trên, nhiều quốc gia vẫn khuyến khích
các công ty đa quốc gia nước ngoài trong du lịch trừ khi các quốc gia này
lựa chọn không phát triển ngành du lịch. Chính phủ các quốc gia này có
xu hướng đàm phán chi tiết và chặt chẽ hơn với các công ty đa quốc gia
ở giai đoạn đầu. Khi du lịch toàn cầu phát triển và số lượng các công ty
đa quốc gia tìm kiếm hoạt động kinh doanh ở nước ngoài tăng lên thì
chính phủ nước chủ nhà giành được nhiều ưu thế hơn trong thoả thuận
với các công ty đa quốc gia.
b. Thị trường và dòng khách du lịch
Mức độ ràng buộc của công ty đa quốc gia với nền kinh tế nước
chủ nhà tuỳ thuộc vào khả năng lợi nhuận thu được từ nền kinh tế đó khi
so sánh với các nước khác. Khả năng sinh lợi có thể bắt nguồn trực tiếp
từ hoạt động kinh doanh của các công ty con hoặc có thể phản ánh các
điều kiện thị trường của nền kinh tế ở các nước nguồn khách, nhất là
trong trường hợp du lịch quốc tế. Ví dụ, các công ty lữ hành Nhật Bản rút
lui khỏi Canada vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX bởi vì ở nơi khác
có khả năng sinh lợi lớn hơn và cũng trong thời gian này các tập đoàn
khách sạn và công ty lữ hành của Anh đã giảm bớt các công ty con ở
Malta bởi vì khách du lịch Anh không còn mong muốn đến đó nữa. Các
thị trường nguồn khách du lịch cũng có thể phụ thuộc - mặc dù không
nhiều vào các công ty đa quốc gia nước ngoài để đáp ứng nhu cầu du lịch
ở các thị trường này có thể quy mô nhỏ nhưng có sức mua đáng kể (ví dụ
như các tiểu vương quốc ở Trung Đông).
Một vấn đề khó nhận biết hơn là các công ty đa quốc gia du lịch có
thể chi phối hoặc kiểm soát các dòng khách du lịch, đặc biệt giữa các
quốc gia nguồn khách và quốc gia điểm đến. Ví dụ, một hãng hàng
157
không kết hợp với kinh doanh khách sạn sẽ tìm cách tối đa hoá thu nhập
trên các tuyến bay của mình bằng cách tập trung bán cho các phân khúc
thị trường có khả năng lợi nhuận cao và ổn định công suất chuyên chở
khách. Vì vậy, một khu nghỉ dưỡng đặc biệt ở Bahama có thể lệ thuộc
chủ yếu vào thị trường khách là những người New York trung lưu; một
khu nghỉ dưỡng ở Thái Lan lệ thuộc vào các cặp vợ chồng từ Nhật Bản
đến hưởng tuần trăng mật. Sự phụ thuộc đặc biệt vào thị trường khách
như vậy là mạo hiểm vì điểm đến du lịch bị đặt vào tình huống phải thay
đổi theo điều kiện của từng thị trường riêng lẻ, đồng thời cơ quan quản lý
nhà nước về du lịch của quốc gia điểm đến có thể không còn kiểm soát
được thị trường mục tiêu. Cơ quan này có thể chỉ mong muốn thu hút
một số ít du khách cao cấp có mức chi tiêu cao, nhưng các công ty đa
quốc gia với tính chất thương mại lại muốn tối đa hoá lợi nhuận bằng
cách chào bán sản phẩm cho thị trường khách đại chúng - những người
ưa thích kiểu du lịch gia đình, theo nhóm đông và chi tiêu tiền bạc không
nhiều. Ở một khía cạnh khác thì sự tập trung thị trường cùng với hiệu quả
kinh tế theo quy mô nhận được từ thị trường khách du lịch đại chúng và
yêu cầu tiêu chuẩn hoá dịch vụ có thể dẫn đến sự phát triển du lịch có
tính "cô lập". Sự phát triển này có thể hoàn toàn độc lập với nền kinh tế
cũng như tách biệt với các đặc điểm tự nhiên và văn hoá của nước chủ nhà.
c. Giá cả các sản phẩm du lịch
Giảm giá theo số lượng và cho khách mua thường xuyên là chính
sách khá phổ biến đối với nhiều sản phẩm trong nền kinh tế thị trường.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp du lịch còn hoạt động với chính sách giá
phân biệt theo mùa vụ (thường giảm giá lúc trái vụ) để điều hoà cầu phù
hợp với cung. Các công ty lữ hành, tổng đại lý và các nhà phân phối du
lịch khác sử dụng quyền mặc cả khi đàm phán mức giá mua số lượng lớn
với các nhà cung ứng để họ có thể cạnh tranh về giá ở các thị trường
nguồn khách. Việc này luôn xảy ra ở các thị trường du lịch đại chúng, ví
dụ, các công ty lữ hành Đức và Anh nổi tiếng trong đàm phán được mức
giá rẻ nhất với các nhà kinh doanh khách sạn và các điểm hấp dẫn du lịch
ở Hy Lạp và Tây Ban Nha. Các công ty đa quốc gia chính thức hoá và
158
nội bộ hoá các cuộc đàm phán một cách dễ dàng. Các mức giá được hình
thành trong tương quan với các thị trường của công ty đa quốc gia (các
thị trường nguồn khách) và chi phí các dịch vụ cấu thành do công ty con
cung cấp phản ánh yêu cầu lợi nhuận và theo phương thức kế toán của
công ty mẹ hơn là của mỗi công ty thành viên.
Vì vậy, hoạt động kinh doanh đa quốc gia thường áp dụng phương
pháp định giá chuyển nhượng. Đó là phương pháp xác định các mức giá
"giả" cho mỗi thành tố của một sản phẩm đa quốc gia (ví dụ một chương
trình du lịch trọn gói) để tối đa hoá lợi ích hợp thành. Phương pháp này
thường được sử dụng để giảm thiểu thuế, đặc biệt là thuế lợi tức (thuế thu
nhập). Phương pháp định giá chuyển nhượng cùng với sự thay đổi thời
hạn thanh toán các khoản ngoại tệ một cách linh hoạt để lợi dụng sự biến
động của tỷ giá trao đổi có thể gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho
nền kinh tế các nước chủ nhà.
Hãy xem xét một ví dụ giả định sau: Công ty lữ hành A có văn
phòng bán tour ở quốc gia A, làm chủ một hãng hàng không đăng ký ở
quốc gia B và có các cơ sở lưu trú tại điểm đến ở quốc gia C. Công ty
bán một tour du lịch trọn gói với giá 1.000 USD ở quốc gia A và không
mua hoặc bán các yếu tố cấu thành ở bên ngoài, nhưng hình thành các
mức giá kế toán nội bộ giữa các công ty chi nhánh. Bảng 4.1
21
phản ánh
quá trình giảm thiểu thuế lợi tức của công ty bằng phương pháp định giá
chuyển nhượng.
Công ty đa quốc gia nâng giá thành ở các nước có tỷ lệ thuế cao để
giảm lợi nhuận công bố và do đó, giảm thuế lợi tức và làm ngược lại ở
các nước có tỷ lệ thuế thấp. Ví dụ, có thể thực hiện việc này bằng cách
nâng giá trị các tài sản ở quốc gia điểm đến C, giảm giá vé máy bay ở
quốc gia B và phân bổ lại các chi phí quản lý hành chính hoặc các giao
dịch nội bộ công ty chi nhánh. Kết quả là giảm khoản nợ thuế nói chung
khoảng 2% trên tổng doanh thu hoặc từ 40% thuế lợi tức xuống chỉ còn
21
Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman,
Melbourne.
159
20%. Lợi nhuận phi thương mại có thể còn tăng thêm nhờ lựa chọn đúng
thời điểm thanh toán cho các khoản ngoại tệ để lợi dụng tỷ lệ ngoại hối
có lợi.
Bảng 4.1. Phương pháp định giá chuyển nhượng
của một công ty lữ hành
Đơn vị tính: USD
Quốc gia
Tỉ lệ thuế lợi tức
(%)
Giá
thành
X
Giá
bán
Y
Lãi thực
Y - X
Thuế
thực
A. Văn phòng
40
180
200
20
8
B. Vận chuyển
hàng không
20
360
400
40
8
C. Lưu trú
tại điểm đến
60
360
400
40
24
900
1000
100
40
Giá chuyển
nhượng
(chi phí
công bố Z)
Lợi nhuận
công bố
Y- Z
Thuế
đã trả
A
200
0
0
B
300
100
20
C
400
0
0
900
100
20
d. Các khoản thanh toán nhân tố sản xuất và đầu vào
Lợi ích kinh tế nhận được của bất kỳ quốc gia nào từ du lịch sẽ bị
hạn chế bởi mức độ rò rỉ của thu nhập ra khỏi nền kinh tế. Sự rò rỉ được
chia thành hai nhóm chính:
- Khoản thanh toán đối với các hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu.
- Khoản thanh toán các nhân tố sản xuất của nước ngoài.
160
Không có căn cứ để cho rằng một chi nhánh của công ty đa quốc
gia có xu hướng nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ cho hoạt động kinh
doanh nhiều hơn một doanh nghiệp địa phương cùng loại ở nước chủ
nhà. Trên thực tế, nhiều công ty đa quốc gia muốn bảo vệ hình ảnh của
mình ở các nước chủ nhà nên họ thận trọng trong việc khai thác sử dụng
các nguồn đầu vào của địa phương. Điều này thậm chí có thể được coi là
một nội dung trong chính sách của công ty. Tuy nhiên, các công ty đa
quốc gia trong du lịch nói riêng thường không thể so sánh được với các
doanh nghiệp địa phương vì họ phải giữ mối liên hệ với nền kinh tế các
quốc gia của chính mình.
Thứ nhất, như đã đề cập ở trên, các công ty chi nhánh ở quốc gia
nơi đến thường cần các hàng hoá và dịch vụ mà du khách quen tiêu dùng
như ở “quê hương”. Các tập đoàn khách sạn Mỹ thường dự trữ bia và
thuốc lá Mỹ; các tập đoàn khách sạn Nhật Bản thường nhập khẩu thực
phẩm và nội thất từ Nhật để phục vụ những người dân của mình. Thứ
hai, nếu công ty mẹ đề cao hình ảnh đại diện quốc gia của mình hoặc yêu
cầu tiêu chuẩn hoá toàn cầu thì các công ty chi nhánh phải phản ánh điều
này trong hoạt động kinh doanh. Hãng hàng không Pháp và các Khách
sạn Meridien khuếch trương hình ảnh nước Pháp của họ khắp thế giới
thông qua những vật dụng trưng bày và sản phẩm tiêu dùng.
Khoản thanh toán các nhân tố sản xuất của nước ngoài tạo nên sự
rò rỉ nghiêm trọng hơn. Các nước kém phát triển thường khuyến khích
các doanh nghiệp nước ngoài vì họ không có các nguồn lực cần thiết do
đó sự rò rỉ thông qua việc hoàn lại các nhân tố sản xuất chắc chắn sẽ xảy
ra. Nhân tố sản xuất cố định duy nhất trong du lịch là đất đai và các điểm
hấp dẫn, tuy nhiên những nhân tố này có thể chuyển thành sở hữu của
nước ngoài. Các công ty đa quốc gia có thể cung cấp các nhân tố đầu vào
khác từ các nguồn có hiệu quả nhất phù hợp với sản xuất của họ. Do đó,
nếu các điều kiện khác không đổi thì nguồn vốn cổ phần và vốn vay từ
các thị trường vốn có tỷ lệ lãi suất thấp (giả sử nền kinh tế nước chủ nhà
không hạn chế các dòng vốn) thì các khoản thanh toán lãi suất sau đó sẽ
là sự rò rỉ. Lao động có kỹ năng có thể được nhập khẩu, đặc biệt lao động
161
quản lý và làm cho những người lao động địa phương ít có cơ hội thăng
tiến vào các vị trí quản lý cấp cao. Kết quả là có sự rò rỉ từ một phần tiền
lương (có thể là phần lớn nhất) của lao động nhập khẩu gửi về nước
của họ.
Các công ty chi nhánh của công ty đa quốc gia không có xu hướng
nhập khẩu thiết bị nhiều hơn các doanh nghiệp địa phương. Các phương
tiện vận chuyển hành khách ở điểm đến (như ô tô buýt, taxi, hệ thống
đường sắt, ô tô cho thuê...) thường có nguồn gốc từ Nhật, Đức hoặc Mỹ
do các công ty lữ hành địa phương cũng như do công ty đa quốc gia của
một trong các nước này nhập về.
Như vậy, sự rò rỉ chủ yếu từ các hoạt động kinh doanh của công ty
đa quốc gia là lợi nhuận và tiền lương. Mặc dù có rất ít bằng chứng về
các công ty đa quốc gia thu được siêu lợi nhuận trong mối quan hệ với
nền kinh tế quốc gia của chính mình, nhưng với vị thế độc quyền đã tạo
cho các công ty này thu được siêu lợi nhuận tương đối ở nền kinh tế các
nước chủ nhà. Phương pháp định giá chuyển nhượng thực chất là việc rút
ra các lợi nhuận “thực” một cách hiệu quả, mặc dù biểu hiện bên ngoài là
dường như không có sự rò rỉ nào khỏi nền kinh tế của các nước chủ nhà.
Tác động tổng hợp của sự rò rỉ các khoản thanh toán gắn với hoạt
động kinh doanh của các công ty đa quốc gia ở cả hai đầu của dòng du
khách làm giảm đáng kể sự đóng góp của du lịch vào GDP của nền kinh
tế nước chủ nhà. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ 31 - 33% tổng chi
tiêu của du khách có thể được giữ lại ở điểm đến khi du khách mua một
tour du lịch trọn gói của một công ty lữ hành gửi khách đa quốc gia. Nếu
các yếu tố cấu thành của sản phẩm du lịch nói trên được cung cấp riêng
lẻ và của địa phương nhiều hơn thì thu nhập giữ lại được ở điểm đến có
thể đạt hơn 50% tổng chi tiêu của du khách.
đ. Doanh nghiệp địa phương và công nghệ sản xuất
Trong khi nhiều công ty lữ hành và hãng hàng không mở rộng hoạt
động kinh doanh đa quốc gia chủ yếu để tích hợp sản xuất theo chiều dọc
162
đối với thị trường trong nước thì các công ty đa quốc gia khác trong du
lịch có thể mở rộng theo chiều ngang vượt ra khỏi biên giới quốc gia
nhằm đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô vì họ có thể sử dụng công
nghệ sản xuất tiên tiến hơn so với các doanh nghiệp địa phương. Do đó,
họ có thể thu được lợi nhuận cao hơn.
Những lợi thế sản xuất liên quan đến các tập đoàn khách sạn được
xác định là:
- Các kỹ năng và kinh nghiệm hậu cần trong ngành.
- Tiếp cận công nghệ cao - đặc biệt quan trọng đối với các khách
sạn sang trọng hoặc khách sạn quốc tế.
- Nguồn nhân lực và các yếu tố vật chất đầu vào nhiều hơn và rẻ
hơn so với các doanh nghiệp địa phương có thể nhận được.
- Các chuyên gia hoạch định và đào tạo nhân viên, cung cấp các kỹ
thuật tiên tiến trong sản xuất và phân phối dịch vụ.
Hiện nay, các hệ thống đặt giữ chỗ qua máy tính và hệ thống kế
toán toàn cầu góp phần bổ sung thêm vào các lợi thế nói trên. Các chi phí
giao dịch thấp liên quan đến sự chuyển giao quốc tế các công nghệ này
của công ty đa quốc gia tạo ra lợi thế cạnh tranh đối với các doanh
nghiệp địa phương, đặc biệt ở các nước chậm phát triển. Các nguyên tắc
này cũng được áp dụng tương tự trong các lĩnh vực đại lý du lịch, cho
thuê xe du lịch và các lĩnh vực khác.
Lợi ích cuối cùng đối với quốc gia chủ nhà là nhận được sự chuyển
giao công nghệ sản xuất thông qua các tác động định hướng. Các lợi ích
được tích luỹ lại một cách nhanh chóng nhất ở các quốc gia có các doanh
nghiệp địa phương cạnh tranh mạnh mẽ và đồng hoá các công nghệ sản
xuất cao một cách nhanh chóng. Hiện nay, chính phủ một số quốc gia
quy định việc chuyển giao các kỹ năng và công nghệ du lịch như là một
điều kiện của đầu tư đa quốc gia.
163
4.2.2.2. Tác động đối với các nước có công ty chính
Trong khi tác động của công ty đa quốc gia trong du lịch đối với
nền kinh tế các nước chủ nhà nhận được sự quan tâm đáng kể thì tác
động đối với nền kinh tế các nước có công ty chính lại ít được đề cập.
Ở phạm vi kinh tế vi mô, các công ty đa quốc gia có thể làm thay
đổi cơ cấu và khả năng lợi nhuận của các lĩnh vực kinh doanh trong
ngành du lịch ở nền kinh tế quốc gia có công ty chính trên một số khía
cạnh sau đây:
- Nền kinh tế quốc gia có công ty chính có thể quá nhỏ nên không
tác động được thị trường du lịch thông qua hiệu quả kinh tế theo quy mô.
Hãng hàng không Singapore và Công ty Wagon-Lits có thể không tồn tại
nếu chúng chỉ hoạt động kinh doanh trên thị trường nội địa riêng biệt
của mình.
- Công ty đa quốc gia đầu tư trực tiếp vào các điểm đến du lịch có
mức thu hồi cận biên cao, do đó làm tăng mức thu hồi bình quân đạt
được trong ngành du lịch ở nền kinh tế của quốc gia có công ty chính.
- Do tạo ra hoạt động sản xuất tích hợp hoặc sản xuất hàng loạt các
sản phẩm du lịch ra nước ngoài cho khách hàng, nên chỉ số giá cả nói
chung ở trong nước của các quốc gia có công ty chính có xu hướng giảm.
- Công ty đa quốc gia mà chủ yếu cung cấp các sản phẩm du lịch
ra nước ngoài có thể tạo ra lợi thế độc quyền cho công ty ở thị trường
chính quốc.
Ở phạm vi kinh tế vĩ mô, sự ảnh hưởng của các công ty đa quốc gia
trong du lịch gắn với các dòng khách du lịch. Nhiều công ty đa quốc gia
như các công ty lữ hành châu Âu chịu trách nhiệm thu hút khách du lịch
ra nước ngoài từ các nước có công ty chính của mình. Với xu hướng đi
du lịch nước ngoài cao hơn du lịch trong nước tạo nên một dòng chảy ra
của cán cân thanh toán. Mặt khác, hoạt động kinh doanh đa quốc gia có
thể giảm bớt sự rò rỉ ngoại tệ từ các du khách đi du lịch nước ngoài. Nếu
một du khách công vụ Pháp lựa chọn một khách sạn do người Pháp làm
164
chủ ở một điểm đến nước ngoài, thì điều đó được coi như là một dạng
thay thế nhập khẩu. Việc cung ứng các hàng hoá và dịch vụ trong các
khách sạn cho du khách không phải là người Pháp được coi là “xuất khẩu
trực tiếp” và lợi ích nhận được là lợi ích bổ sung thêm cho nền kinh tế
của các quốc gia có công ty chính.
Sự tồn tại của các công ty du lịch đa quốc gia đã làm thay đổi dòng
du khách cũng như đáp ứng nhu cầu du lịch quốc tế. Điều đó làm cho
chính phủ các quốc gia phải cân nhắc việc sửa đổi kế hoạch ngân sách và
chi tiêu cho cơ sở hạ tầng du lịch và đánh giá lại giá trị (sự đóng góp) của
du lịch quốc tế đối với nền kinh tế của đất nước mình.
CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN
1. Trình bày các mối liên hệ chủ yếu với nước ngoài mà các công ty
đa quốc gia có thể thực hiện?
2. Trình bày các lý thuyết đầu tư đa quốc gia (hoặc các lý do chính
khiến một doanh nghiệp quyết định mở rộng kinh doanh ra khỏi biên giới
quốc gia)?
3. Một doanh nghiệp du lịch Pháp hoạt động kinh doanh có hiệu
quả ở chính quốc. Theo bạn, doanh nghiệp có thể có những lợi thế trực
tiếp gì nếu nó quyết định mở rộng kinh doanh ở các điểm đến du lịch là
các nước Đông Dương?
4. Xác định sự khác nhau chủ yếu trong các lý do hoạt động kinh
doanh đa quốc gia giữa các hãng hàng không hoặc khách sạn với các
doanh nghiệp sản xuất?
5. Tại sao các hợp đồng quản lý không mang tính chất đầu tư ngày
càng trở nên phổ biến trong hoạt động kinh doanh khách sạn đa quốc gia?
6. Trình bày hình thức công ty đa quốc gia trong hàng không. Liên
hệ với tình hình thực tế Việt Nam?
7. Trình bày hình thức công ty đa quốc gia trong đại lý du lịch và
các dịch vụ liên quan. Liên hệ với tình hình thực tế Việt Nam?
165
8. Trình bày hình thức công ty đa quốc gia trong lĩnh vực lưu trú.
Liên hệ với tình hình thực tế Việt Nam?
9. Trình bày hình thức công ty đa quốc gia trong kinh doanh du lịch
tàu biển. Liên hệ với tình hình thực tế Việt Nam?
10. Trình bày hình thức công ty đa quốc gia trong kinh doanh lữ
hành. Liên hệ với tình hình thực tế Việt Nam?
11. Phân tích các tác động đối với các nước có công ty chi nhánh
(nước chủ nhà) khi thu hút các công ty đa quốc gia trong du lịch?
12. Giải thích phương pháp định giá chuyển nhượng của các công
ty đa quốc gia trong du lịch. Lấy ví dụ minh hoạ?
13. Phân tích các tác động đối với các nước có công ty chính khi có
các công ty du lịch phát triển kinh doanh đa quốc gia?
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 4
TIẾNG VIỆT
1. Hoàng Kình (1997), Kinh tế quốc tế, Phần một, NXB Giáo dục,
Hà Nội.
TIẾNG ANH
2. Bull (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2
nd
edition,
Longman, Melbourne.
3. Doganis (1998), Flying off Course: The Economics of
International Airlines, 2
nd
edition, Routledge, London and New York.
4. Ross & cộng sự (1993), Corporate Finance, 3
rd
edition, Irwin,
Homewood, Ill.
166
167
Chương 5
ĐẦU TƯ DU LỊCH
Mục tiêu của chương:
Sau khi học xong chương này, người học có khả năng:
Nắm được khái niệm đầu tư, các nhu cầu đầu tư nói chung và nhu
cầu đầu tư du lịch nói riêng; các yếu tố cơ bản của đầu tư.
Hiểu rõ đầu tư du lịch thường không liên hệ trực tiếp tới các
khoản thu hồi dự kiến mang tính chất thương mại; đầu tư theo “định
hướng tài sản”, khả năng tồn tại của nó hoàn toàn không ràng buộc với
sự tăng trưởng về cầu du lịch.
Nắm được các đặc điểm của đầu tư du lịch; đầu tư vào các "sự
kiện" du lịch; các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến đầu tư du lịch.
Hiểu biết về các nguồn vốn chủ yếu sử dụng trong đầu tư du lịch.
5.1. KHÁI NIỆM VÀ CÁC YẾU TỐ CƠ BẢN CỦA ĐẦU TƯ
5.1.1. Khái niệm đầu tư
Đầu tư, theo nghĩa chung nhất, là sự bỏ ra hoặc sự “hy sinh” những
cái gì đó ở hiện tại (tiền bạc, sức lao động, của cải vật chất, thời gian, trí
tuệ) nhằm đạt được những kết quả có lợi cho người đầu tư trong tương
lai. Trên phương diện kinh tế, đầu tư là sự hy sinh giá trị các nguồn tài
nguyên hiện tại để thu được của cải nhiều hơn trong tương lai. Theo Luật
Đầu tư của Việt Nam, đầu tư là hoạt động sử dụng tiền vốn, tài nguyên
trong một thời gian tương đối dài nhằm thu được lợi nhuận hoặc các lợi
ích xã hội.
Theo các nhà kinh tế học, bản chất của đầu tư là sự phân bổ các
nguồn tài nguyên thành vốn cố định, nhờ đó làm cho hoạt động sản xuất
168
tăng thêm có thể xảy ra. Trên giác độ vĩ mô, đầu tư là một phần thu nhập
của nền kinh tế không bị tiêu dùng và được sử dụng để tạo nguồn tài
chính cho sản xuất. Trên giác độ vi mô, đầu tư liên quan đến sự phân
phối bất cứ nguồn tài nguyên cần thiết nào của một doanh nghiệp thành
các tài sản sản xuất. Nhu cầu đầu tư thường tồn tại trong ba lĩnh vực
sau đây:
- Các tài sản cố định mới như nhà cửa, nhà máy, thiết bị và các tài
sản cố định khác.
- Nâng cấp hoặc thay thế các tài sản cố định hiện tại đã hết thời
hạn sử dụng.
- Bổ sung vốn lưu động để thanh toán các chi phí sản xuất định kỳ.
Trong du lịch, ba nhu cầu đầu tư nói trên thường gắn với cơ sở vật
chất kỹ thuật của ngành. Ngoài ra, du lịch còn có nhu cầu đầu tư vào cơ
sở hạ tầng, đầu tư phát triển nguồn nhân lực và đầu tư cho quảng bá du
lịch. Đầu tư cơ sở hạ tầng thường gắn chặt chẽ với nhu cầu chung của
nền kinh tế quốc dân (nhu cầu của nhiều ngành trong đó có du lịch và
nhu cầu dân sinh). Đầu tư phát triển nguồn nhân lực và đầu tư cho quảng
bá du lịch thuộc loại đầu tư phi vật chất (đầu tư vô hình). Phạm vi của
chương này giới hạn nghiên cứu đầu tư nhằm hình thành các tài sản sản
xuất (đầu tư hữu hình) bao gồm cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng
du lịch.
Sự tăng trưởng và phát triển của bất kỳ ngành kinh tế nào đều tuỳ
thuộc vào khả năng thu hồi đầu tư, mà nguồn đầu tư này có thể nhận
được thông qua thị trường vốn và thu nhập nội bộ tăng thêm của ngành
đó. Các khoản thu hồi chủ yếu được xác định thông qua sự bồi hoàn các
nhân tố (lãi suất và cổ tức) thu được do đầu tư và cũng như do sự tăng
trưởng vốn và các lợi ích khác.
5.1.2. Các yếu tố cơ bản của đầu tư
Yếu tố cơ bản quyết định số lượng đầu tư mới cần thiết là khả năng
sinh lợi có thể nhận được. Đó là khoản chênh lệch giữa thu nhập hoặc
169
sản lượng thuần mong đợi từ đầu tư với chi phí vốn sử dụng. Trong các
doanh nghiệp thương mại, thu nhập thuần đạt được từ doanh số bán dự
kiến trừ đi các chi phí dự kiến, vì vậy trong du lịch nó phụ thuộc vào các
kỳ vọng về số khách du lịch, mô hình cầu, chi tiêu của khách và một số
dự báo về sự biến động của chi phí hàng hoá và dịch vụ có nhu cầu. Đối
với một dự án đầu tư phi thương mại, thu nhập thuần có thể còn phụ
thuộc vào sự định giá các lợi ích và chi phí xã hội dự kiến của dự án. Chi
phí vốn là tỷ lệ lãi suất trung bình cần thiết và vốn có thể nhận được từ
một số nguồn sau:
- Tài chính nội bộ: Lợi nhuận hoặc giá trị gia tăng để lại; khoản dự
phòng giảm giá; khoản dự phòng thuế;
- Tài chính bên ngoài: Cổ phần (và các khoản trợ cấp đầu tư); vốn
vay dài hạn, tài chính ngắn hạn (tín dụng ngân hàng, thuê tài chính, tín
dụng thương mại...).
Trong khi vốn vay luôn kèm theo một tỷ lệ lãi suất trực tiếp thì vốn
cổ phần lại đòi hỏi cổ tức cùng với khả năng rủi ro xuất hiện tùy theo mô
hình đầu tư đề xuất, còn đối với tài chính nội bộ thì thường có chi phí cơ
hội của vốn khi nó có thể được sử dụng vào mục đích khác.
Một số phương pháp chủ yếu có thể sử dụng để đánh giá các dự án
đầu tư với các yếu tố cơ bản thể hiện trong bảng 5.1
22
. Những người
đánh giá đầu tư thận trọng nhất đều sử dụng một số cách tính chiết khấu
các thu nhập và chi phí tương lai đưa về giá trị hiện tại và kết hợp (nếu
có thể) với phân tích rủi ro. Tuy nhiên, một số nghiên cứu thực tế cho
thấy doanh nghiệp thường thay đổi các phương pháp đánh giá và thậm
chí thay đổi cả các quy tắc để quyết định đầu tư. Trong bất kỳ tình huống
nào thì một quyết định đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào
kỳ vọng ở các thị trường và nền kinh tế quốc dân.
22
Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman,
Melbourne.
170
Bảng 5.1. Các phương pháp đánh giá dự án đầu tư
Chỉ tiêu
đánh giá
Sử dụng tính
chiết khấu
Quy tắc
của phương pháp
Hoàn trả
Hoàn trả chiết khấu
Thu hồi kế toán bình quân
Tỷ lệ thu hồi nội bộ*
Giá trị hiện tại thuần
Chỉ số khả năng sinh lợi
Không
Có
Không
Có
Có
Có
Thời kỳ hoàn đầu tư
Thời kỳ hoàn đầu tư
Tỷ lệ % thu hồi bình quân trên đầu tư
Tỷ lệ thu hồi tạo ra thu nhập chiết khấu
bằng với chi phí đầu tư
Giá trị phần thặng dư của thu nhập
chiết khấu trên chi phí đầu tư
Tỷ số thu nhập chiết khấu trên chi phí
đầu tư
(* tương đương với hiệu quả cận biên của vốn)
Hầu hết các phương pháp đánh giá trên đều giả thiết rằng quyết
định đầu tư được doanh nghiệp xác định rõ ràng, đó là sẽ tiến hành hoặc
không tiến hành đầu tư. Tuy nhiên, lý thuyết đầu tư hiện đại chỉ ra rằng
có thể thực hiện các quyết định đầu tư trong một khung thời gian linh
hoạt kết hợp chặt chẽ với thời kỳ tính toán về sự không chắc chắn của
đầu tư. Trong thời kỳ đầu, đầu tư có thể mang lại khả năng sinh lợi,
nhưng cũng có thể xuất hiện nhiều rủi ro. Theo thời gian, giá trị chưa xác
định được của rủi ro (ví dụ như chi phí hoặc mức giá cả) trở thành giá trị
được xác định thì mức độ sinh lợi trở nên chắc chắn hơn. Nếu doanh
nghiệp quyết định tiến hành đầu tư sớm thì cần căn cứ vào mức độ dự
báo khả năng sinh lợi cao hơn để bù đắp cho những tình huống rủi ro có
khả năng xảy ra. Nếu doanh nghiệp quyết định đầu tư muộn hơn thì điều
đó tương tự như mua quyền lựa chọn một tài sản hơn là mua chính tài
sản đó. Vì vậy, lý thuyết này được gọi là lý thuyết lựa chọn đầu tư thực
tế. Việc làm dự án đầu tư chậm lại cho đến khi các rủi ro không mong
đợi được giảm thiểu sẽ có giá trị đối với doanh nghiệp. Điều đó giải thích
tại sao nhiều doanh nghiệp dường như chậm chạp trong việc đón nhận
các cơ hội đầu tư.
171
Đầu tư thay thế có xu hướng theo chu kỳ và phụ thuộc vào phần
vốn khấu hao trích lập theo quy định cũng như các tiến bộ về công nghệ,
kỹ thuật và mức độ cạnh tranh đòi hỏi phải luôn thay đổi các tài sản. Ví
dụ, các công ty cho thuê xe thay đổi ô tô thường xuyên vì lý do khuếch
trương cũng như do sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật. Do đó, đầu tư
thay thế có xu hướng tăng lên sau một thời gian sử dụng tài sản mà tài
sản này được hình thành trong thời kỳ đầu tư trước đó.
Khi GDP tăng lên và kỳ vọng của doanh nghiệp ngày một cao thì
mức độ đầu tư sẽ tăng, với các điều kiện khác không thay đổi. Đến lượt
mình, các dự án đầu tư sẽ tạo ra thu nhập và chi phí tăng thêm (thông qua
hiệu quả bội số của Keynes), thu nhập tăng tiếp tục tạo ra khả năng cung
ứng mới về vốn cho các dự án đầu tư tiếp theo. Đó là nguyên tắc gia tốc
trong đầu tư.
5.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA ĐẦU TƯ DU LỊCH
5.2.1. Các lý do đầu tư du lịch
Ở hầu hết các quốc gia và trong các lĩnh vực kinh doanh của ngành
du lịch, đầu tư phụ thuộc vào các nguyên tắc thương mại tương tự như
các ngành kinh tế khác. Nhà cung ứng dự kiến trước khoản lợi nhuận
nhận được từ việc bán sản phẩm cho du khách cũng như cho một số
ngành kinh doanh hỗ trợ, từ đó định ra nguyên tắc ra quyết định và
phương pháp đánh giá dự án đầu tư của chính mình. Tuy nhiên, du lịch
có một số lý do khác để thực hiện đầu tư mà những lý do này có liên
quan đến mục tiêu chung của các doanh nghiệp trong ngành.
Thứ nhất, chính phủ các nước thường tiến hành đầu tư vào các dự
án du lịch vì các lợi ích cuối cùng mang tính xã hội và phi thương mại.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, các trung tâm thông
tin du lịch, các tiện ích của công viên quốc gia hoặc các trung tâm biểu
diễn, các cơ sở đào tạo và các dự án tương tự được đánh giá là hợp lý
trên cơ sở phân tích chi phí - lợi ích mà không chỉ căn cứ vào khả năng
sinh lợi đơn thuần của các dự án đầu tư đó. Các phương pháp đánh giá
172
dự án và sử dụng kỳ vọng về lợi ích trên nhiều khía cạnh khác cũng
tương tự như đánh giá đầu tư thương mại.
Thứ hai, sự hình thành vốn cố định ở các khu vực điểm đến du lịch
đều có định hướng tài sản. Doanh nhân là những nhà đầu tư phát triển tài
sản, đã xây dựng các công trình mới như khách sạn, khu nghỉ dưỡng,
trung tâm hội nghị và thương mại thay vì lựa chọn xây dựng các văn
phòng, nhà máy hoặc kho bãi. Động cơ đầu tư của họ là tỷ lệ lợi nhuận
thu hồi được từ việc cho thuê tài sản, nhưng quan trọng hơn là sự tăng
thêm đáng kể về giá trị của tài sản khi so sánh với đầu tư vào các tài sản
khác có xu hướng giảm giá trị. Sau đó, người kinh doanh du lịch chỉ đơn
thuần là người thuê tài sản và các khoản thu từ kinh doanh du lịch phải
cạnh tranh với khoản thu có thể nhận được từ những người thuê tài sản
nhằm mục đích khác. Do đó, nhà đầu tư phát triển có thể là các tổ chức
không thực sự liên quan đến du lịch như ngân hàng, công ty tài chính,
bảo hiểm, các tập đoàn xây dựng và sản xuất. Đầu tư tài sản được tách
biệt với đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch là một xu hướng cần quan tâm
và ngày càng phổ biến trong thực tế hiện nay, nhất là ở các nước phát
triển như Mỹ.
Thứ ba, ở các nước phát triển, một số đầu tư được thực hiện vì lý
do “phong cách sống”. Ví dụ, một số người ở Anh hoặc châu Âu đầu tư
phát triển trang trại, mua sắm du thuyền, sửa chữa nâng cấp các ngôi nhà
cổ hoặc các toà lâu đài và thiết kế xây dựng các điểm hấp dẫn giải trí
khác. Các đầu tư này trước hết nhằm cải thiện và tạo ra môi trường,
phong cách sống cao hơn, thoái mái hơn cho những người đầu tư, nhưng
đồng thời chúng có thể trở thành điểm hấp dẫn tham quan và bổ sung cho
hoạt động du lịch. Do đó, ngành du lịch có thể xem xét việc hỗ trợ các
đầu tư này như đề nghị chính phủ miễn giảm thuế, tư vấn kỹ thuật hoặc
hỗ trợ kinh phí trong những điều kiện nhất định.
5.2.2. Đặc điểm của đầu tư du lịch
Đầu tư du lịch có một số đặc điểm khác biệt so với đầu tư vào các
ngành khác. Nói chung, các đặc điểm này làm tăng thêm khả năng sinh
173
lợi và xem xét tính khả thi của một dự án đầu tư du lịch. Sáu đặc điểm
chính sau đây có ảnh hưởng quan trọng đến sự cân nhắc một dự án đầu tư.
(1). Nhiều dự án đầu tư được thiết kế để cung cấp các sản phẩm đáp
ứng nhu cầu sử dụng kết hợp giữa khách du lịch và những người tiêu
dùng khác. Ví dụ, ở các thành phố nơi đến du lịch, phương tiện ô tô buýt
thành phố có thể được dành phục vụ các tour tham quan và du lịch nói
chung, nhưng cũng có thể phục vụ sự đi lại hàng ngày và nhu cầu vận
chuyển khác của dân cư địa phương. Như vậy, những dự án đầu tư loại
này sẽ tạo dòng lưu chuyển tiền tệ và thu hồi kết hợp từ cả hai nhóm
người tiêu dùng. Thu nhập "kép" này có thể là một lợi thế của dự án đầu
tư vào các tài sản vì chúng không phục vụ một thị trường riêng biệt,
nhưng cũng có thể tạo ra sự trái ngược về chủng loại tài sản cần đầu tư
để phù hợp với nhu cầu sử dụng tài sản đó. Ví dụ ở Anh, đối với du
khách quốc tế ô tô buýt ở thủ đô London phải là xe hai tầng và màu đỏ,
tuy nhiên loại ô tô này có thể không phù hợp với nhu cầu đi lại thường
xuyên của dân cư thành phố.
Tương tự như vậy, các trung tâm hội nghị, hội thảo đa chức năng
xây dựng ở các thành phố như Las Vegas (Mỹ), Djakarta (Indonesia) và
Bournemouth (Anh), những trung tâm này tồn tại được vì chúng đáp ứng
yêu cầu sử dụng kết hợp là các trung tâm thể thao hoặc giải trí cho dân
cư địa phương. Nếu tách biệt chức năng của các trung tâm này thì có thể
làm giảm sự đồng bộ, hoàn thiện và ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của
chúng ở cả hai thị trường.
(2). Du lịch tạo cơ hội cho các dự án đầu tư ngắn hạn có thời gian
hoàn vốn nhanh. Bởi vì du khách đi đến tận “nhà máy” sản xuất để tiêu
dùng hầu hết các dịch vụ và luôn luôn mong muốn được hưởng thụ các
điểm hấp dẫn mới mà không gắn với yêu cầu đặc biệt về vị trí. Từ đó có
thể phát triển các dự án du lịch có khả năng thu hồi vốn rất nhanh. Vấn
đề này sẽ được xem xét chi tiết hơn trong phần sau - đầu tư vào các “sự
kiện” du lịch.
174
(3). Khi đầu tư vào tài sản du lịch thì nhà đầu tư có thể cân nhắc
khả năng sử dụng thay thế của tài sản trong tương lai và giá trị của tài sản
tăng thêm trong giai đoạn cuối. Một toà tháp khách sạn xây dựng mới ở
trung tâm thành phố trong giai đoạn đầu là để tạo ra thu nhập khi sử dụng
phục vụ mục đích du lịch trong một số năm, giai đoạn sau nó có thể sử
dụng vào mục đích khác và hữu ích hơn khi được chuyển thành các văn
phòng hoặc căn hộ cho thuê. Nếu so sánh với đầu tư vào tài sản chỉ giới
hạn cho một hoạt động sử dụng như thiết bị, máy móc trong sản xuất thì
giá trị cuối cùng hoặc giá trị đã qua sử dụng của tài sản phụ thuộc vào
tình trạng phát triển của ngành sản xuất đó.
(4). Tương tự như vậy, việc mua sắm các phương tiện giao thông
được coi như là đầu tư vào tài sản du lịch vì có thể sử dụng trong các lĩnh
vực khác. Ở các nước có ngành du lịch phát triển, các công ty cho thuê
xe thường bán rẻ ô tô sau khoảng 9 đến 24 tháng sử dụng. Người mua xe
đã qua sử dụng là các cá nhân hoặc hãng taxi, họ có thể trả mức giá cao,
hợp lý trên cơ sở tình trạng thực tế sử dụng, giữ gìn và bảo dưỡng xe của
công ty cho thuê. Các hãng kinh doanh xe buýt chủ yếu mua xe mới để
phục vụ tham quan du lịch, sau một thời gian sử dụng thì chuyển cho
hoạt động xe buýt theo tuyến hàng ngày và cuối cùng uỷ thác cho việc
đưa đón học sinh ở trường học hoặc các mục đích sử dụng tương tự.
Trong ngành du lịch, các phương tiện vận chuyển khác cũng có thể dễ
dàng chuyển đổi, như một hãng hàng không mua máy bay phục vụ một
tuyến bay, ở giai đoạn sau có thể chuyển máy bay đó để sử dụng trên một
tuyến khác. Đặc điểm này cho đến nay vẫn chưa được xem xét như là
một cơ hội đầu tư. Do đó, các quyết định đầu tư mua máy bay thường
được coi là đầu tư vào tài sản riêng biệt hơn là dự án đầu tư vào các
tuyến bay để tạo ra thu nhập.
(5). Nhiều dự án đầu tư ở điểm đến du lịch là dự án kinh doanh sử
dụng hỗn hợp gồm một số dự án nhằm mục đích du lịch và một số dự án
vì các lý do không phải du lịch. Khác với các dự án sử dụng kết hợp
(xem điểm a ở trên), các dự án này gồm các yếu tố đầu tư riêng biệt có
175
khả năng bổ sung cho nhau nhưng lại riêng biệt trong sử dụng. Ví dụ tiêu
biểu cho loại đầu tư này là các dự án đầu tư bến cảng ở khu vực Địa
Trung Hải, California (xem hình 5.1
23
).
Hình 5.1. Các yếu tố đầu tư trong dự án bến cảng
khu vực Địa Trung Hải
Dự án đầu tư trị giá 500 triệu bảng Anh (750 triệu USD) này đòi
hỏi mỗi yếu tố của dự án kinh doanh sử dụng hỗn hợp phải bổ sung và
thúc đẩy thu nhập kỳ vọng của các yếu tố (khu vực) khác. Về cơ bản,
phần dự án đầu tư cho dân cư có thể tạo ra các khoản thu cao hơn nên hỗ
trợ cho các yếu tố phục vụ du lịch trong quan hệ tài chính, nhưng sự hấp
dẫn khách du lịch của toàn bộ dự án sẽ cải thiện khả năng thị trường của
các yếu tố phục vụ dân cư.
(6). Mặc dù có một số dự án (như đầu tư vào “sự kiện” du lịch) có
khả năng hoàn trả vốn nhanh, nhưng nhiều dự án đầu tư du lịch tồn tại
trên cơ sở phụ thuộc vào dòng thu hồi vốn trong thời kỳ dài của mình.
Nhiều hoạt động du lịch có tính thời vụ nên giá trị thu nhập trong từng
thời kỳ của dự án đầu tư có tính chất không ổn định. Đặc điểm này của
23
Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman,
Melbourne.
176
đầu tư du lịch có khuynh hướng làm giảm khả năng sinh lợi kỳ vọng của
dự án. Đồng thời, tính thời vụ này còn đặt ra yêu cầu quản lý dòng tiền
(lưu chuyển tiền tệ), đó là dùng tín dụng ngắn hạn hoặc rút các khoản tiết
kiệm từ lưu chuyển tiền tệ chính vụ dưới hình thức tiền gửi hoặc chứng
khoán ngắn hạn để bù đắp các chi phí trái vụ (xem hình 5.2).
Hình 5.2. Quản lý lưu chuyển tiền tệ theo thời vụ
Thực hiện các yêu cầu trên đều phải trang trải chi phí, đó là lãi suất
phải trả và chi phí cơ hội sử dụng các quỹ. Hầu hết các dự án đầu tư du
lịch để cung cấp sản phẩm cho thị trường kỳ nghỉ đều mang tính chất
thời vụ ở một mức độ nhất định. Do tính thời vụ không thể tránh được,
nên một số nhà kinh doanh giỏi cố gắng làm giảm sự khó khăn trong lưu
chuyển tiền tệ bằng cách sử dụng tài sản đầu tư để tạo ra sản phẩm có
chu kỳ ngược lại với sản phẩm chính thức. Như một số khu nghỉ dưỡng
trượt tuyết mùa đông ở Colorado (Mỹ) đã rất thành công khi biến thành
các trung tâm trượt cỏ, leo núi, tập thể hình vào mùa hè; các hãng tàu
thuỷ du lịch thay đổi hành trình của tàu từ vòng quanh bán đảo
Scandinavi vào mùa hè tới vùng biển Caribê vào mùa đông.
177
5.2.3. Đầu tư vào các "sự kiện" du lịch
Các sự kiện du lịch là một bộ phận sản phẩm du lịch phát triển
mạnh mẽ trong những năm 80, 90 của thế kỷ XX và thời gian gần đây.
Đây là các điểm hấp dẫn du lịch trong một khoảng thời gian cố định, bao
gồm từ các lễ hội nhỏ mang tính địa phương đến các hoạt động có tính
quốc tế hoặc các sự kiện lớn. Đầu tư vào các sự kiện trong thời gian cố
định có nhiều điểm khác với đầu tư lâu dài vào một cơ sở du lịch. Một số
sự kiện hầu như chỉ cần vốn lưu động và sử dụng các tiện nghi cố định có
sẵn như các sự kiện thể thao và các lễ hội lớn. Một số sự kiện khác vẫn
có nhu cầu vốn cố định đáng kể nhưng có thời kỳ hoàn vốn ngắn như các
cuộc triển lãm quốc tế tổ chức hai năm một lần. Do đó, các dự án đầu tư
du lịch này rất hấp dẫn đối với doanh nhân là những người cân nhắc đầu
tư trên cơ sở thời kỳ hoàn trả nhanh khi so sánh với đầu tư dài hạn như
trong khai thác tài nguyên tự nhiên hoặc sản xuất, đặc biệt ở nơi được
đánh giá là có nhiều rủi ro trong dài hạn.
Nhiều sự kiện quốc tế hoặc sự kiện lớn cần cả đầu tư của chính phủ
và đầu tư của tư nhân. Trong khi sự thu hồi vốn đối với nhiều nhà kinh
doanh thương mại có thể nhận được từ thu nhập trong thời gian diễn ra
sự kiện thì các đầu tư vào cơ sở vật chất của chính phủ và của tư nhân chỉ
đảm bảo nếu những cơ sở này có thể tiếp tục sử dụng trong thời gian sau
sự kiện. Ví dụ, toàn bộ đầu tư cần thiết của chính phủ và tư nhân cho sự
kiện Olympic hiện nay có thể hơn 5 tỷ USD, trong đó chỉ một phần nhỏ
sẽ được bù đắp trong thời gian 3 tuần diễn ra các cuộc thi đấu. Các cửa
hàng kinh doanh ăn uống, hàng lưu niệm thu hồi được vốn đầu tư vào dự
trữ thực phẩm, hàng hoá và dụng cụ trong 3 tuần, nhưng đầu tư vào công
trình thi đấu thể thao, khách sạn, hệ thống giao thông và hạ tầng thông
tin... thì phải dựa vào các khoản thu nhập dài hạn sau Olympic. Việc dự
tính không chính xác các khoản thu nhập này đã làm cho các nhà kinh
doanh khách sạn và kinh doanh các công trình khác phải nhận khoản thua
lỗ dài hạn như ở Seoul năm 1988 và Barcelona năm 1992. Do đó, việc
178
xác định quy mô kinh tế và quy mô xã hội của những sự kiện này cần
phải được tích hợp trong các chính sách và hoạch định nói chung của
chính phủ.
5.3. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐẦU TƯ DU LỊCH
Sự phát triển của du lịch phụ thuộc chủ yếu vào lợi nhuận kỳ vọng
tương lai (và các lợi ích xã hội) mà các doanh nghiệp và chính phủ dự
báo từ các đầu tư du lịch của mình. Tính chất không ổn định của du lịch
nói chung từ thế kỷ trước đến nay làm cho sự tăng trưởng toàn cầu của
ngành nói chung là thấp, khoảng 6% mỗi năm. Sự biến động của du lịch
chủ yếu bắt nguồn từ tính thời vụ và các sự kiện bất thường như hoạt
động khủng bố hoặc các thảm hoạ tự nhiên, dịch bệnh. Tuy nhiên, có một
số nhân tố đặc biệt ảnh hưởng đến các dự án đầu tư du lịch một cách
riêng biệt và theo khu vực.
5.3.1. Các nhân tố ngắn hạn
Ngoài sự thay đổi của tỷ lệ lãi suất thị trường và dự kiến sự biến
động của lạm phát, thì có hai nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến khả năng
tồn tại của dự án đầu tư du lịch trong kỳ ngắn hạn. Thứ nhất là sự thay
đổi của dòng du khách do hoàn cảnh biến đổi ở các quốc gia nguồn
khách, quốc gia nơi đến hoặc mối liên hệ giữa hai quốc gia này gây ra.
Điều đó chủ yếu làm thay đổi mô hình cầu du lịch địa phương. Du lịch
quốc tế có sự nhạy cảm cao với những thay đổi về tỷ giá ngoại tệ dẫn đến
sự biến động của giá cả ở cả nơi xuất phát và nơi đến du lịch. Các chính
sách tài chính và cơ chế kiểm soát của chính phủ, chi phí vận chuyển
hoặc thời tiết không thuận lợi theo mùa trong năm đều làm thay đổi đáng
kể dòng du khách. Vì vậy, các nơi đến có vị trí đặc biệt có thể nhận hoặc
không nhận được khả năng sinh lợi của đầu tư du lịch.
Nhân tố ngắn hạn thứ hai là mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các
nhà cung ứng sản phẩm du lịch. Khả năng tồn tại của các dự án motel
179
ven đường cao tốc có khách du lịch đi nhiều tuỳ thuộc đáng kể vào các
khu nghỉ dưỡng, bãi cắm trại, khách sạn và các điểm hấp dẫn ở nơi đến.
Dự án đầu tư vào một khách sạn nghỉ dưỡng ở Hawaii hoặc Majorca tuỳ
thuộc vào các dịch vụ vận chuyển hàng không, vận chuyển mặt đất và
các hoạt động bán lẻ và điều hành tour ở các thị trường nguồn khách. Với
các sản phẩm bổ sung, bất kỳ sản phẩm nào cũng có thể là nhân tố hạn
chế đầu tư như sức chứa của sân bay, các tiện nghi hoặc phà biển phục
vụ đi lại giữa các đảo. Do đó, các tác động chéo này đến khả năng tồn tại
của dự án đầu tư du lịch là rất quan trọng.
5.3.2. Các nhân tố bất thường
Các kỹ thuật kinh tế lượng và kỹ thuật khác để dự đoán tác động
của các nhân tố ảnh hưởng ngắn hạn nêu trên ngày càng trở nên phức tạp,
tuy nhiên các kỹ thuật này không thể áp dụng trong đánh giá tác động
của các sự kiện bất thường hoặc theo chu kỳ đối với du lịch. Các nhà
nghiên cứu có thể ước tính được mức độ tác động mà những sự kiện đó
sẽ gây ra, nhưng không thể dự đoán được khi nào chúng xảy ra và tính
khốc liệt của những sự kiện đó. Trong du lịch, các sự kiện này thường
xảy ra ở các quốc gia nơi đến, do đó ảnh hưởng đến các sản phẩm cung
ứng và các liên kết lữ hành.
Các cuộc bãi công của nhân viên điều khiển tín hiệu hàng không (ở
châu Âu), của phi công (ở Úc) và nạn không tặc là những ví dụ về các sự
kiện bất thường ảnh hưởng đến du lịch trong những năm 80 của thế kỷ
XX. Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 gây ảnh hưởng bất lợi đến du lịch
quốc tế khắp toàn cầu nhưng làm bùng nổ du lịch trong nước ở nhiều
quốc gia như một sự thay thế cho các chuyến đi du lịch nước ngoài. Sự
thay đổi lớn giá nhiên liệu cũng có ảnh hưởng đến du lịch hàng không và
du lịch bằng ô tô. Bạo lực chính trị và các thảm họa tự nhiên như bão
hoặc động đất có thể vừa làm giảm cầu du lịch, vừa phá huỷ cơ sở kinh
doanh du lịch ở các quốc gia nơi đến. Tất cả các sự kiện này cho thấy độ
tác động trễ đến ngành, với thời gian hồi phục khác nhau từ 2 tháng đến
180
5 năm. Do đó, dự án đầu tư nào phụ thuộc vào thu nhập trong các thời kỳ
này thì chỉ có thể có khả năng lợi nhuận sau đó, hoặc nếu liên quan đến
các chi phí vốn lớn thì có thể không có khả năng lợi nhuận.
5.3.3. Các nhân tố dài hạn
Các doanh nhân đang đầu tư vào các tiện nghi nơi đến, các điểm
hấp dẫn quan trọng hoặc các phương tiện vận chuyển cần nhiều vốn thì
đều có nhu cầu nhận diện rõ các xu hướng thay đổi tiềm năng và những
cơ hội mới có ý nghĩa trong du lịch. Ví dụ, thị hiếu và các yêu cầu về tiện
nghi của du khách có thể thay đổi qua một số năm. Điều đó khuyến khích
nhu cầu đầu tư thay thế theo chu kỳ ngắn để nâng cấp các tiện nghi đạt
tiêu chuẩn được chấp nhận hiện tại; các tập đoàn khách sạn như ITT
Sheraton thường lập quỹ cải tạo các khách sạn mới sau ít nhất 3 năm khai
trương. Không chỉ nhu cầu của khách du lịch bị ảnh hưởng bởi kiểu mốt
và tìm kiếm “những trải nghiệm mới” mà những biến đổi về kinh tế và xã
hội của các thị trường nguồn khách cũng có ảnh hưởng không kém phần
quan trọng. Đầu tư dài hạn phải đáp ứng được các yêu cầu về văn hoá
của các thị trường tương lai mà hiện tại điều đó có thể chưa quan trọng.
Sự thay đổi môi trường bao gồm cả những vấn đề như sự chuyển
dịch của khí hậu, có khả năng ảnh hưởng đến các nơi đến thông qua sự
thay đổi trực tiếp một số thuộc tính của chính sản phẩm du lịch và thông
qua sự lựa chọn các lợi thế về vị trí của các kiểu loại nơi đến du lịch khác
nhau. Các kỹ thuật dự đoán chỉ mới sơ khai nhưng có thể đúng lúc, cho
phép phân tích rủi ro một cách phù hợp và được đưa vào các đánh giá
đầu tư du lịch.
Một trong các nhân tố có thể quan trọng nhất ảnh hưởng đến đầu tư
du lịch là sự thay đổi công nghệ. Công nghệ của ngành sản xuất công
nghiệp là điều kiện tiên quyết đối với cầu du lịch trong thế kỷ XIX, vì nó
tạo ra các phương pháp sản xuất mới trong ngành chế tạo, rút ngắn thời
gian làm việc của người lao động, tạo ra năng lượng hơi nước để vận
181
chuyển được nhiều người bằng đường sắt và đường biển. Trong thế kỷ
XX, công nghệ giao thông hàng không, đường bộ và các phương tiện
khác cho phép phát triển du lịch đại chúng tới nhiều điểm đến du lịch
hơn mà không bị giới hạn bởi đường sắt hoặc tàu biển. Các nhà cung ứng
điểm hấp dẫn du lịch cũng nhanh chóng tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật
trong các lĩnh vực như máy trò chơi, đi ô tô trong công viên chủ đề hoặc
khu triển lãm và các trải nghiệm du lịch nhân tạo, ví dụ có thể tái tạo môi
trường hoang dã hoặc môi trường dưới nước thay thế các môi trường
nguyên bản. Công nghệ thông tin, công nghệ số đang làm cho các thị
trường du lịch có hiệu quả hơn vì người tiêu dùng nhận được nhanh
chóng, đầy đủ các thông tin và các nhà sản xuất phải cạnh tranh nhiều
hơn trong quá trình phân phối. Chắc chắn rằng các tiến bộ khoa học và
công nghệ sẽ tiếp tục có những tác động quan trọng đến sự phát triển của
du lịch.
5.4. MÔ HÌNH VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ
5.4.1. Nghiên cứu khả thi và các mô hình đầu tư
Các quyết định đầu tư du lịch mới, đơn lẻ tuỳ thuộc phần lớn vào
nghiên cứu khả thi gồm các biến số về kinh tế, marketing, tài chính và
kinh doanh để đánh giá liệu một dự án đơn lẻ có thể tồn tại được không.
Các biến số này được triển khai nghiên cứu trong quá trình phân tích các
đầu tư tài sản như đầu tư vào khách sạn, motel hoặc khu nghỉ dưỡng mới.
Chúng thường liên quan đến sự phát triển một dự án kinh doanh riêng
biệt ở một vị trí riêng biệt nên cần phân tích chi tiết hơn so với sự đánh
giá chung về tiềm năng đầu tư.
Đối với dự án đầu tư một khu nghỉ dưỡng hoặc khách sạn, Hình 5.3
là một ví dụ về các giai đoạn của nghiên cứu khả thi.
182
Hình 5.3. Nghiên cứu khả thi đối với một khách sạn
Nghiên cứu khả thi xác định phương pháp để kết hợp với các kỳ
vọng, thông số và phép chiếu trong phân tích đa biến. Các phương pháp
Bayec thường được sử dụng để đánh giá rủi ro thông qua khả năng sinh
lợi từ các kết quả thu được khác nhau và có thể bao gồm cả phân tích độ
nhạy để xác định biến số nào có tầm quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả
năng sinh lợi. Các mức độ rủi ro là nhân tố ảnh hưởng quan trọng đến
quyết định đầu tư. Ngành du lịch thường được cho là một ngành có mức
độ rủi ro cao trong đầu tư, vì vậy đầu tư du lịch phải được bù đắp bởi các
mức thu hồi dự kiến cao hơn.
Khi cân nhắc đầu tư vào các tiện nghi cố định mà du khách phải di
chuyển đến để tiêu dùng các dịch vụ ở đó thì vị trí và lựa chọn địa điểm
là các biến số quan trọng. Một khách sạn, motel, điểm hấp dẫn, cửa hàng
lưu niệm hoặc văn phòng đại lý du lịch không thể có vị trí bất kỳ như đối
với các văn phòng tổng công ty hoặc các cơ sở bảo dưỡng ô tô. Lý thuyết
về vị trí và kinh tế vùng không đóng góp nhiều cho phân tích các quyết
Các biến số
ngoại sinh
thị trường,
kinh tế, vị trí,
cạnh tranh
Thu thập
số liệu
Phân tích số liệu,
đánh giá &
khuyến nghị
Dự kiến
hoạt động
kinh doanh
Phân tích
khả thi
tài chính
Kế hoạch
sử dụng đất
Chi phí
phát triển
Phân tích
cung & cầu
sự năng động, các
yêu cầu sản phẩm
Doanh thu &
chi phí
giá phòng,
công suất sử
dụng, chi phí
Nguồn
ngân quĩ
các thu hồi
dự kiến
183
định đầu tư riêng lẻ, nhưng chiến lược về vị trí bán lẻ lại được sử dụng
trong các phân tích đầu tư du lịch.
Vì phương pháp đánh giá đầu tư du lịch có thể bao gồm rất nhiều
biến số, nên đôi khi các phân tích khả thi có thể chuyển thành các mô
hình đầu tư với phạm vi đầy đủ. Các mô hình này dựa trên cơ sở các cách
tiếp cận chương trình, đặc biệt ở những dự án có sự tham gia của chính
phủ nên cần cân nhắc các khoản thu về xã hội cũng như thương mại, và ở
một số dự án việc tính toán giá mờ (shadow price) của hoạt động đầu tư
có thể là quan trọng. Ví dụ, dự án phát triển một khu nghỉ dưỡng kết hợp
có thể bao gồm đầu tư của nhà nước vào cơ sở hạ tầng (đầu tư này có thể
có chi phí cơ hội), đầu tư của tư nhân vào cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ
kinh doanh và sự quan tâm của chính phủ trong việc tối đa hoá các khoản
thu về xã hội. Các mô hình kiểu lập chương trình phức hợp được áp dụng
để thực hiện yêu cầu của tất cả các lĩnh vực này. Tuy nhiên, sự khó khăn
sẽ nảy sinh nếu chính phủ và các doanh nghiệp du lịch có các mục tiêu
khác nhau từ đầu tư du lịch.
Mô hình hoá kinh tế chung có thể được sử dụng nhiều hơn để đánh
giá khả năng tồn tại của dự án phát triển du lịch phạm vi lớn như vùng
hoặc quốc gia. Đối với nhiều quốc gia, nhất là các nước kém phát triển
có nguồn tài nguyên khan hiếm thì mối quan tâm chính là nên đầu tư du
lịch hay đầu tư vào các ngành khác. Khi đó, biến số cần xác định không
phải là khả năng tồn tại của một dự án đầu tư đơn lẻ và cũng không phải
là tổng đầu tư trong nền kinh tế, mà là tỷ trọng đầu tư du lịch phù hợp
trong nền kinh tế. Tỷ trọng đó là I
T
/I, trong đó: I
T
là đầu tư du lịch và I là
tổng đầu tư trong nền kinh tế. Căn cứ vào các mục tiêu, nhiệm vụ đầu tư
trên cơ sở hiệu quả cận biên của vốn, các nguyên tắc gia tốc hoặc các mô
hình lập chương trình để có thể xác định giá trị tối ưu của I
T
/I. Đối với
các quốc gia có nền kinh tế nhỏ và kém phát triển thì vấn đề chính là cả
nguồn vốn lẫn thị trường tiêu thụ có thể ở bên ngoài nền kinh tế, vì vậy
có thể không xác định các giá trị tài chính cũng như khả năng tồn tại
hoặc sự kỳ vọng của đầu tư đối với nền kinh tế đó.
184
5.4.2. Nguồn vốn đầu tư
Cần lưu ý một đặc điểm quan trọng của ngành du lịch trên thế giới
là sự phân tán của ngành. Điều đó có nghĩa là có sự dư thừa các doanh
nghiệp nhỏ, từ những người bán rong hàng lưu niệm và kinh doanh taxi
riêng lẻ đến các cửa hàng, đại lý du lịch và các tổ chức trung gian nhỏ.
Mặt khác, ngày càng có sự tách biệt giữa sở hữu vốn cố định với hoạt
động kinh doanh như ở các khu nghỉ dưỡng, sân bay và các điểm hấp dẫn
chủ yếu. Do đó, có sự đa dạng về nguồn vốn đối với các đầu tư nhỏ và sự
phát triển tạo nguồn tài chính đặc biệt cho doanh nghiệp sở hữu các tài
sản cố định. Các nguồn tài chính đặc biệt để đầu tư vào tài sản bao gồm
nguồn vốn từ các công ty bảo hiểm, từ các loại quỹ. Các tập đoàn sản
xuất lớn thường sử dụng thu nhập giữ lại để đa dạng hoá nguồn vốn đầu
tư trực tiếp vào các dự án kinh doanh du lịch. Nguồn tài chính từ các
doanh nghiệp này kết hợp với vốn vay từ các ngân hàng và các tổ chức tài
chính quốc tế làm cho đầu tư du lịch có tính quốc tế hoá ngày càng cao.
Trong những năm trước đây, các doanh nghiệp du lịch đã có sự
thay đổi để làm giảm tỷ lệ vốn vay/vốn sở hữu trong một doanh nghiệp.
Mức độ vay nợ nhiều, cùng với tỷ lệ lãi suất cao đã làm cho các công ty
gặp thêm nhiều khó khăn và có thể bị thất bại. Những tác động này làm
giảm tính tự chủ kinh doanh và buộc các doanh nghiệp phải phụ thuộc
nhiều hơn vào vốn sở hữu (vốn cổ phần) của chính mình, do đó làm giảm
mức độ đầu tư nói chung.
Nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp sở hữu nhà nước (sở hữu
công cộng) trong du lịch thường là các khoản tài trợ trực tiếp của chính
phủ với tỷ lệ lãi suất ưu đãi mà không phải là tỷ lệ lãi suất kinh doanh
trên thị trường vốn. Nguồn vốn này quyết định khả năng tồn tại của các
dự án đầu tư. Ngoài ra, chính phủ có thể phát hành trái phiếu để tạo lập
nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp của mình. Chi phí vốn từ những
nguồn này có thể thấp hơn tỷ lệ lãi suất của thị trường vốn bởi vì những
khoản vốn vay từ chính phủ thường có mức độ rủi ro thấp. Ví dụ, ở một
số quốc gia vừa có hãng hàng không thuộc sở hữu nhà nước vừa có hãng
185
hàng không tư nhân, hãng hàng không nhà nước có thể có chi phí vốn
thấp hơn khi đầu tư tài chính vào mua máy bay mới.
Như đã đề cập, chính phủ các quốc gia trực tiếp tài trợ, cho vay và
trợ cấp khác để đầu tư phát triển các lĩnh vực riêng biệt của du lịch.
Những sự trợ giúp này về mặt lý thuyết vừa làm giảm chi phí đầu tư,
giảm chi phí vốn và vừa giảm rủi ro. Trong thực tế, các nghiên cứu đã
chỉ ra rằng giảm rủi ro là vấn đề quan trọng nhất trong các biện pháp
khuyến khích của chính phủ. Các khuyến khích này có thể không thu hút
được nguồn vốn quốc tế cho các dự án đầu tư vì không có sự cạnh tranh
trong các khoản thu hồi, nhưng lại có thể hấp dẫn doanh nghiệp nội địa
đảm nhận dự án đầu tư, nhất là khi các yếu tố đòn bẩy của chính phủ
đủ mạnh.
CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN
1. Trình bày khái niệm đầu tư, các nhu cầu đầu tư nói chung và nhu
cầu đầu tư du lịch nói riêng?
2. Trình bày các yếu tố cơ bản của đầu tư. Liên hệ với các dự án
đầu tư du lịch ?
3. Tại sao đầu tư du lịch thường không liên hệ trực tiếp tới các
khoản thu hồi dự kiến mang tính chất thương mại? Lấy các ví dụ để
minh hoạ?
4. Đầu tư theo “định hướng tài sản” là gì? Tại sao khả năng tồn tại
của nó hoàn toàn không ràng buộc với sự tăng trưởng về cầu du lịch?
5. Phân tích các đặc điểm của đầu tư du lịch. Ý nghĩa của việc nhận
thức các đặc điểm này trong thực tế đầu tư du lịch ở Việt Nam?
6. Trình bày sự hiểu biết của bạn về đầu tư vào các "sự kiện" du
lịch. Liên hệ với tình hình thực tế ở Việt Nam?
7. Phân tích các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến đầu tư du lịch.
Liên hệ với tình hình thực tế ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay?
186
8. Trình bày các nguồn vốn chủ yếu sử dụng trong đầu tư du lịch.
Liên hệ vấn đề này với tình hình thực tế ở Việt Nam?
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 5
TIẾNG VIỆT
1. Nguyễn Bạch Nguyệt và Từ Quang Phương (chủ biên) (2007),
Giáo trình Kinh tế đầu tư, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
2. Nguyễn Xuân Thuỷ (1993), Quản trị dự án đầu tư, Viện Đào tạo
Mở rộng, TP. Hồ Chí Minh.
TIẾNG ANH
3. Bull (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2
nd
edition,
Longman, Melbourne.
187
Chương 6
LAO ĐỘNG VÀ VỐN KINH DOANH DU LỊCH
Mục tiêu của chương:
Sau khi học xong chương này, người học có khả năng:
• Nắm được các khái niệm về lao động dịch vụ, vốn kinh doanh
dịch vụ du lịch;
• Hiểu rõ được đặc điểm của lao động dịch vụ, cung và cầu lao
động, năng suất lao động và tiền lương trả cho người lao động trong
doanh nghiệp du lịch;
• Hiểu rõ được đặc điểm và tầm quan trọng của vốn kinh doanh du
lịch, nhu cầu và cơ cấu nguồn vốn kinh doanh du lịch;
• Nắm được nội dung đánh giá tình hình vốn kinh doanh trong
doanh nghiệp du lịch.
6.1. LAO ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH
Lao động luôn là mối quan tâm đặc biệt trong các ngành dịch vụ
nói chung và ngành du lịch nói riêng, đặc biệt trong điều kiện hội nhập
kinh tế thế giới hiện nay. Kinh tế tri thức đang được hình thành ở nhiều
nước trên thế giới, những nước có sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ.
Trong kinh tế tri thức, các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng cao
trong GDP của mỗi quốc gia, lực lượng lao động cũng phát triển theo xu
hướng số công nhân cổ trắng (white collar worker - cán bộ nghiên cứu và
ứng dụng thông tin) và công nhân cổ vàng (gold collar worker - cán bộ
chuyên môn có trình độ đại học) tăng lên không ngừng và đóng vai trò
lực lượng lao động chủ yếu; số công nhân cổ xanh (blu collar worker -
công nhân sản xuất và vận chuyển sản phẩm) giảm xuống. Các nhà kinh
tế Việt Nam đã nhận thấy rõ xu hướng tất yếu này, đã và đang đưa ra
188
những giải pháp nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế nói chung và ngành du
lịch nói riêng ngày càng phát triển.
Lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao và ngày càng
tăng trong tổng nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Để tạo sản phẩm đầu
ra của mình, các ngành dịch vụ phụ thuộc nhiều vào nguồn lao động đầu
vào, do vậy, tỷ lệ chi phí lao động của những ngành này thường rất lớn
trong sản lượng đầu ra.
Ở góc độ kinh tế vĩ mô, các ngành dịch vụ, gồm cả du lịch, khách
sạn hay nhà hàng sẽ là tiềm năng lớn để tạo công ăn việc làm cho xã hội.
Tổng lực lượng lao động là thước đo để chỉ số lượng người sẵn sàng lao
động, những người làm việc nếu như có công việc phù hợp với họ. Như
vậy, quy mô của lực lượng lao động không chỉ chịu ảnh hưởng duy nhất
bởi số công ăn việc làm sẵn có mà còn tuỳ thuộc vào số người gia nhập
vào danh sách thất nghiệp. Một số người thất nghiệp nhưng không gia
nhập vào danh sách là nguyên nhân làm giảm quy mô lao động trên danh
nghĩa. Có thể thấy, trong một số thời kỳ tổng lực lượng lao động giảm,
cho dù số lao động tự phát có tăng trưởng trong toàn bộ nền kinh tế.
Một số nghiên cứu cho rằng, các dịch vụ mang tính chuyên nghiệp
cao như giáo dục, y tế, quân sự, hành chính nhà nước có nhiều cơ hội
nhất để tạo công ăn việc làm trong quá trình tăng sản lượng đầu ra của
mình và vị trí tiếp theo là ngành khách sạn, du lịch. Lĩnh vực dịch vụ nói
chung và ngành khách sạn, du lịch đóng vai trò quan trọng trong tạo việc
làm cho nền kinh tế quốc dân.
6.1.1. Đặc điểm lao động
Lao động trong kinh doanh du lịch được hình thành một cách tất
yếu khách quan do sự phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao
động xã hội. Cùng với quá trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá của nền
kinh tế, năng suất lao động tăng lên, lực lượng lao động dư thừa là điều
kiện phát triển kinh tế dịch vụ. Mặt khác, do chuyên môn hoá cao, thu
nhập của người lao động ngày càng tăng, thúc đẩy các nhu cầu dịch vụ,
189
trong đó có nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi giải trí phát triển. Lao động trong
kinh doanh du lịch là một bộ phận lao động xã hội cần thiết thực hiện sản
xuất và cung ứng các sản phẩm du lịch và các dịch vụ khác đáp ứng nhu
cầu của khách hàng. Lao động trong lĩnh vực dịch vụ nói chung và trong
kinh doanh du lịch nói riêng phát triển rất mạnh mẽ từ những năm 50 của
thế kỷ XX.
Đặc điểm lao động kinh doanh du lịch
Lao động trong kinh doanh du lịch mang tính chất lao động dịch
vụ. Lực lượng lao động này bao gồm chủ doanh nghiệp, các nhà quản trị,
đội ngũ nhân viên phục vụ và công nhân kỹ thuật trong lĩnh vực kinh
doanh du lịch. Ngoài ý nghĩa là một trong những yếu tố tạo sản phẩm,
đội ngũ lao động trong các nhà hàng, khách sạn... còn tác động mạnh đến
tâm lý khách hàng và quyết định đến chất lượng dịch vụ. Loại lao động
dịch vụ này hầu như không tạo ra của cải vật chất (trừ những sản phẩm
ăn uống). Quá trình cung ứng gắn liền với quá trình tiêu dùng sản phẩm
cả về không gian và thời gian, vì vậy, nhân viên phục vụ thường có mối
quan hệ tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Trong kinh doanh cả hai
mảng: Dịch vụ mang tính chất sản xuất (ăn, uống) và dịch vụ thuần tuý
(lưu trú, giải trí,... ) đều có sự tiêu hao lao động sống, những hao phí này
sẽ được bù đắp bởi nhiều nguồn khác nhau.
Ngành du lịch là một ngành dịch vụ, việc sử dụng lao động trong
ngành là chủ yếu. Điều này cho thấy việc hiện đại hoá, cơ giới hoá trong
ngành rất hạn chế. Chi phí tiền lương là bộ phận chi phí quan trọng,
chiếm tỷ trọng lớn và có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, nhằm mục
đích tối đa hoá lợi nhuận, ngành cũng như các doanh nghiệp lại áp dụng
các biện pháp tiết kiệm chi phí. Khi đứng trên quan điểm lợi ích của
khách hàng, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì phải cân đối
lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng.
Lao động trong kinh doanh du lịch mang tính chất thời điểm, thời
vụ, phụ thuộc vào đặc điểm tiêu dùng. Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm ăn
uống, lưu trú, giải trí có tính chất thời điểm, thời vụ, vì vậy giờ làm việc
190
của người lao động thường bị gián đoạn và tương ứng với thời gian đến
và đi của khách hàng. Các nhân viên phục vụ bàn, đầu bếp,... phải làm
việc tích cực vào buổi sáng, trưa, chiều tối tương ứng với các bữa ăn của
khách. Nhân viên lễ tân đòi hỏi trực 24/24 giờ với thái độ sẵn sàng phục
vụ khách. Nhân viên phục vụ phòng làm việc vào buổi sáng và tối với
công việc vệ sinh phòng và chuẩn bị giường cho khách,... Người lao
động hầu hết làm việc theo ca (trừ bộ phận quản lý), việc tổ chức lao
động hết sức linh hoạt và mềm dẻo. Ở những khách sạn nghỉ biển, nghỉ
núi và những khách sạn mà hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào yếu tố
thời tiết, khí hậu,... thì tính thời vụ của lao động càng rõ nét. Đặc điểm
này làm cho họ không có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội vào
mùa du lịch và làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của họ. Vì vậy, trong
các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn hay lữ hành, nhà quản trị
thường sử dụng hợp đồng lao động duy trì sử dụng lực lượng lao động
full-time và part-time nhằm tận dụng lực lượng lao động nhàn rỗi đồng
thời tiết kiệm được chi phí lao động, điều đó có thể làm giảm chất lượng
phục vụ và không tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch.
Lao động trong kinh doanh du lịch có tính đa dạng và chuyên môn
hoá cao. Tính chất đa dạng với nhiều dịch vụ đòi hỏi người lao động có
trình độ chuyên môn khác nhau. Ngoài chuyên môn nghiệp vụ của mình,
họ phải có kiến thức văn hoá tổng hợp, biết ngoại ngữ, am hiểu tâm lý
khách hàng,... Mặc dù các bộ phận kinh doanh trong các nhà hàng, khách
sạn có quan hệ chặt chẽ cùng phục vụ khách hàng, nhưng do tính chất
đặc thù nên các nghiệp vụ vẫn có sự độc lập tương đối tạo tính chuyên
môn cao của người lao động, như hướng dẫn viên, lễ tân, phục vụ buồng,
bàn, bar, bếp,... Tính chuyên môn hoá cao một mặt có thể nâng cao chất
lượng dịch vụ, tăng năng suất lao động của doanh nghiệp, nhưng mặt
khác lại tạo nên sự cứng nhắc trong phân công lao động, người lao động
khó dịch chuyển và thay thế giữa các bộ phận.
Ngoài những đặc điểm trên, lao động trong kinh doanh du lịch còn
có đặc điểm: Lao động có tính chất phức tạp; lao động nữ chiếm tỷ trọng
lớn trong tổng số lao động;...
191
Phân loại lao động
Mỗi loại hình doanh nghiệp du lịch có lĩnh vực kinh doanh đặc
trưng khác nhau, tương ứng cũng gồm các loại lao động khác nhau. Tuy
nhiên, về cơ bản doanh nghiệp du lịch gồm có các nghiệp vụ: Kinh
doanh lữ hành, kinh doanh ăn uống, kinh doanh lưu trú, và kinh doanh
các dịch vụ khác. Tương ứng, đội ngũ lao động bao gồm: Lao động kinh
doanh lữ hành, lao động kinh doanh ăn uống, lao động kinh doanh lưu
trú, lao động kinh doanh các dịch vụ khác. Mỗi người lao động trong các
nghiệp vụ cần hiểu rõ quyền hạn, trách nhiệm và phạm vi làm việc của
họ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuyển dụng, bố trí sử dụng
lao động đúng người đúng việc. Phân loại lao động theo các nghiệp vụ
kinh doanh đã nâng cao trách nhiệm của mỗi bộ phận qua sự độc lập của
họ, tuy nhiên cũng cần thấy rõ, mức độ độc lập chỉ là tương đối, các bộ
phận liên kết chặt chẽ với nhau theo quy trình phục vụ khách, đặc biệt là
khách du lịch - bộ phận khách hàng sử dụng đồng bộ các dịch vụ trong
các doanh nghiệp.
Căn cứ vào trình độ chuyên môn, lao động trong kinh doanh du lịch
gồm các mức độ: Lao động có trình độ đại học và trên đại học, lao động
có trình độ trung cấp, sơ cấp và lao động chưa qua đào tạo. Mỗi doanh
nghiệp kinh doanh du lịch cần nắm rõ thực trạng chất lượng đội ngũ lao
động của doanh nghiệp mình để có kế hoạch tuyển dụng lao động, sử
dụng lao động, bồi dưỡng và đào tạo lao động theo các hình thức khác
nhau với nhiều nội dung khác nhau. Cũng qua đó, các doanh nghiệp kinh
doanh du lịch đánh giá được phần nào năng suất lao động và chất lượng
kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong ngành du lịch hiện tại, trình độ lao động tương đối thấp.
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2018,
nhân lực có trình độ đào tạo sơ cấp, trung cấp và cao đẳng du lịch là lực
lượng lao động trực tiếp phục vụ khách, cung cấp sản phẩm du lịch,
chiếm 47,3% nhân lực được đào tạo, bằng 19,8% tổng nhân lực toàn
ngành. Nhân lực được đào tạo đại học và sau đại học về du lịch chiếm
7,4% số nhân lực có chuyên môn du lịch, bằng 3,2% tổng nhân lực. Số
192
nhân lực có trình độ đại học và trên đại học về du lịch như trên là thấp so
với nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Nhân lực trình độ dưới sơ cấp
nghề (đào tạo truyền nghề, dưới 3 tháng) chiếm 45,3% nhân lực có
chuyên môn, bằng 19,4% tổng số nhân lực toàn ngành. Nếu chỉ tính nhân
lực có trình độ sơ cấp trở lên thì nhân lực được đào tạo chiếm khoảng
23% tổng nhân lực toàn ngành. Nếu tính thêm số nhân lực được đào tạo
truyền nghề, dưới 3 tháng, thì nhân lực được đào tạo của ngành Du lịch
đạt khoảng 42% tổng nhân lực toàn ngành [5]. Hiện có khoảng 60% lực
lượng lao động của ngành biết ngoại ngữ nhưng chủ yếu là tiếng Anh
(42%), tỷ lệ biết tiếng Trung Quốc chỉ 5%, tiếng Pháp 4%,... Trong đó,
số lao động có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ chỉ 15%, và cũng
chỉ tập trung chủ yếu ở bộ phận làm hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách
sạn. Về trình độ công nghệ thông tin, có khoảng hơn 60% lao động biết
sử dụng máy tính, nhưng phần lớn chỉ đáp ứng những công việc đơn
giản. Cùng với những yếu kém trên thì thực tế cho thấy, kỹ năng mềm,
khả năng ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của lực lượng lao động du lịch
cũng chưa được trang bị đầy đủ. Thực trạng này cho thấy số lượng và
chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện tại chưa thể đáp ứng
được những yêu cầu phát triển của du lịch trong bối cảnh cách mạng
công nghiệp 4.0.
Theo lĩnh vực hoạt động, nhân lực là hướng dẫn viên du lịch tốt
nghiệp đại học chiếm khoảng 65,5% tổng số hướng dẫn viên, tỷ lệ này
trong marketing du lịch là 84,2% và lễ tân là 65,3%. Trong lĩnh vực phục
vụ buồng, bar, bàn, bếp,... lao động có trình độ trung cấp và sơ cấp lại
chiếm tỷ lệ lớn: Nhân viên bếp là 85,6%; bàn, buồng, bar tương ứng là:
72,4%, 70,7% và 75,5%
.
Theo mức độ tham gia vào quá trình kinh doanh, đội ngũ lao động
trong các doanh nghiệp du lịch gồm có: Lao động trực tiếp và lao động
gián tiếp. Lao động trực tiếp tham gia kinh doanh là lao động trong các
bộ phận nghiệp vụ hướng dẫn, điều hành, lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp,...
Bộ phận lao động này chiếm tỷ trọng lớn, thường chiếm khoảng 80 -
90% tổng số lao động. Lao động gián tiếp là lao động quản lý và điều
193
hành quá trình kinh doanh. Bộ phận lao động này thường chiếm tỷ trọng
nhỏ trong tổng số lao động của doanh nghiệp. Do vai trò quan trọng của
bộ phận lao động này nên trình độ chuyên môn của lao động gián tiếp so
với lao động trực tiếp thường cao hơn nhiều. Lao động gián tiếp luôn
được duy trì ở một tỷ trọng nhỏ để tiết kiệm những chi phí gián tiếp
không cần thiết, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo việc điều hành hoạt động
kinh doanh có hiệu quả. Cách phân loại này là một trong những căn cứ
để các doanh nghiệp có hình thức trả công phù hợp đối với từng bộ phận
lao động.
Trong các cơ sở kinh doanh nói chung và các doanh nghiệp du lịch
nói riêng, đội ngũ lao động còn có thể được phân loại theo giới tính gồm:
Lao động nam và lao động nữ. Do đặc điểm của giới tính, nên cách phân
loại đem lại cho doanh nghiệp một chế độ đãi ngộ hợp lý đối với từng
loại lao động.
6.1.2. Cung và cầu lao động
6.1.2.1. Cung lao động
Nguồn cung lao động cho nền kinh tế nói chung, cho từng ngành
riêng biệt và cho mỗi doanh nghiệp đều chịu sự tác động của ba yếu tố:
sự tham gia của lực lượng lao động, thời gian làm việc và trình độ của
lực lượng lao động.
Sự tham gia của lực lượng lao động
Về dài hạn, quy mô tổng lực lượng lao động (những người có khả
năng và sẵn sàng làm việc) sẽ bị ảnh hưởng bởi mức độ tham gia vào lực
lượng lao động của từng nhóm dân cư khác nhau. Điều này thể hiện theo
"mức độ hoạt động" (activity rate) của từng nhóm lứa tuổi hay giới tính.
Một số nước trên thế giới, mức độ hoạt động của nam giới có khuynh
hướng giảm. Hiện tượng này có liên quan đến việc kéo dài thời gian học
tập của nam thanh niên, trong khi những người đứng tuổi lại nghỉ hưu
sớm hơn. Ngược lại, mức độ hoạt động của phụ nữ lại cho thấy khuynh
hướng tăng trưởng. Bên cạnh đó, hoạt động lao động của nữ còn thể hiện
những dao động ngắn hạn lớn.
194
Tại sao mức độ hoạt động dài hạn của phụ nữ có chiều hướng gia
tăng?
- Phụ nữ bị lôi cuốn vào lực lượng lao động trong các thời kỳ kinh
tế tăng trưởng.
- Sự mở rộng các nghề nghiệp cho nữ giới, rất nhiều công việc
trong các ngành dịch vụ có nhu cầu lao động nữ.
- Các cơ hội làm việc bán thời gian hoặc theo thời vụ cũng thu hút
nhiều phụ nữ vào lực lượng lao động.
- Đứng về khía cạnh cung lao động, ngày càng nhiều phụ nữ có khả
năng và sẵn sàng tham gia vào lực lượng lao động khi văn minh xã hội
ngày càng cao.
- Những người phụ nữ có nghề nghiệp đem lại thêm một nguồn thu
nhập nữa cho gia đình. Xu hướng tiền lương ngày càng tăng là động cơ
không nhỏ để phụ nữ tham gia vào lao động xã hội.
Trong ngành du lịch, tỷ lệ lao động nữ so với nam giới là vào
khoảng 2:1. Ngược lại, ở các ngành công nghiệp chế tạo khác, nữ giới
chỉ chiếm 1/3 tổng số lao động và tầm quan trọng của lao động nữ trong
các ngành này cũng không lớn như trong các ngành dịch vụ. Một số
ngành dịch vụ như bán lẻ, khách sạn, nhà hàng, giáo dục và y tế có tỷ
trọng lao động nữ tương đối cao. Thông thường trong các ngành dịch vụ
lao động nữ đều lớn hơn 60% tổng lực lượng lao động.
Hiện tượng tăng trưởng lực lượng lao động nữ gắn liền với việc
tăng trưởng các cơ hội nghề nghiệp bán thời gian. Trong ngành du lịch,
hiện tượng này còn có mối liên hệ với việc ra đời và phát triển các công
việc có mức lương thấp ở khu vực dịch vụ này.
Thời gian làm việc
Cung lao động của một nền kinh tế nói chung, của từng ngành và
từng doanh nghiệp nói riêng không chỉ phụ thuộc vào “mức độ hoạt
động” của từng nhóm lao động, mà còn chịu ảnh hưởng bởi số giờ làm
195
việc của lực lượng lao động. Theo thời gian, số giờ lao động có xu hướng
giảm dần. Trong ngắn hạn, do một số ảnh hưởng của môi trường kinh tế
vĩ mô thì số giờ làm việc có thể tăng hoặc giảm tuỳ từng thời kỳ, nhưng xu
hướng dài hạn là số giờ làm việc trong tuần cũng sẽ ngày càng ngắn lại.
Khi thu nhập của người lao động tăng, thì giá việc nghỉ ngơi cũng
tăng lên, theo nghĩa là mỗi một giờ không làm việc trị giá tương đương
với một khoản thu nhập tiềm tàng bị mất đi. Điều này sẽ dẫn đến “hiệu
ứng thay thế” (substitution effect), giờ làm việc có thể sẽ tăng lên do
người lao động hy sinh thời gian nghỉ ngơi nhằm tăng thu nhập của
mình. Bên cạnh đó, cũng có thể dẫn đến “hiệu ứng thu nhập” (income
effect) làm cho số giờ lao động giảm đi vì khi thu nhập tăng, người lao
động có thể quyết định tiêu dùng nhiều hàng hoá và dịch vụ hơn, tăng cả
thời gian nghỉ ngơi và tiêu dùng chúng.
Thực tế cho thấy, người lao động thường chọn việc nghỉ ngơi thư
giãn khi mức lương thực tế tăng. Cung lao động của bất cứ một ngành
hoặc một doanh nghiệp nào cũng có khả năng giảm sút khi thu nhập tăng
và hiệu ứng thu nhập trội hơn hiệu ứng thay thế. Hình 6.1 cho thấy người
lao động sẽ tăng giờ làm việc lên khi mức lương tăng cho tới điểm J. Từ
điểm J trở đi, thời gian làm việc sẽ giảm khi mức lương vẫn tiếp tục tăng.
Hình 6.1. Đường cung lao động cá nhân
196
Mặt khác, đường cung lao động đối với lao động nam thường biểu
hiện ở nửa trên (từ điểm J trở lên) vì tác động thu nhập lớn hơn tác động
thay thế. Còn đường cung lao động đối với lao động nữ thường biểu hiện
ở nửa dưới (từ điểm J trở xuống), đường cung có độ dốc dương.
Những thay đổi về thuế thu nhập cũng có thể tác động đến giờ làm
việc. Khi thuế thu nhập tăng, thu nhập của người lao động giảm đi. Để
đảm bảo sự tiêu dùng của mình thì người lao động có thể sẽ làm việc
nhiều hơn để giữ được mức cân bằng trong chi tiêu như trước.
Khi nghiên cứu về thời gian làm việc trong ngành du lịch, một nội
dung không thể không đề cập là lao động bán thời gian. Lao động bán
thời gian tăng cũng có nghĩa là lực lượng lao động nữ tăng. Nhưng trên
thực tế cả lao động nam và lao động nữ làm việc bán thời gian đều tăng.
Lao động bán thời gian tập trung chủ yếu ở các ngành dịch vụ (chiếm
91% lực lượng bán thời gian của toàn nền kinh tế). Một tỷ lệ lớn lao
động tại khách sạn và nhà hàng là làm việc bán thời gian (67% lao động
nữ và 38,7% lao động nam). Xu hướng lao động bán thời gian được thể
hiện rõ nét trong mọi mặt của ngành du lịch nên số lao động nữ bán thời
gian lớn hơn lao động nữ làm việc cả ngày, còn lao động nam bán thời
gian chỉ lớn hơn lao động nam làm việc cả ngày ở một số hoạt động như
trong câu lạc bộ, cơ sở giải trí,...
Lao động bán thời gian của ngành du lịch là hệ quả tất yếu của nhu
cầu đối với loại sản phẩm dịch vụ này. Đó là những khoảng dao động lớn
về cầu trong một ngày, trong một tuần, trong một năm và lao động bán
thời gian là cách thức hợp lý để đáp ứng nhu cầu trong những giờ cao
điểm. Không giống như các ngành sản xuất khác là sản xuất ra sản phẩm
và có thể dự trữ chúng để chờ bán ra vào thời điểm nhu cầu cao, sản
phẩm của ngành du lịch hầu như không thể dự trữ, tồn kho vì sản xuất và
tiêu dùng sản phẩm đồng thời cả về không gian và thời gian.
Lực lượng lao động bán thời gian tăng còn có thể là do các chủ
doanh nghiệp không tuyển dụng đủ số lao động toàn thời gian cần thiết.
197
Điều này có thể xảy ra cả khi tình trạng thất nghiệp cao, có thể do số lao
động thất nghiệp không đáp ứng được nhu cầu lao động trong ngành,
không tiếp cận được các thông tin về việc làm trong ngành hoặc có thể
họ sống ở những khu vực địa lý xa với doanh nghiệp tuyển lao động.
Việc mở rộng quyền hạn và phúc lợi cho lao động bán thời gian đã
góp phần làm tăng đáng kể lực lượng lao động nữ trong ngành du lịch và
như vậy có nghĩa là các chủ doanh nghiệp trong ngành có được nguồn
cung lao động bổ sung với giá thấp mà không cần quá nỗ lực thu hút lao
động bằng cách đưa ra những mức lương hấp dẫn hơn.
Trình độ của lực lượng lao động
Cung lao động còn chịu tác động bởi trình độ của lực lượng lao
động (chất lượng của lực lượng lao động). Giá trị đầu ra của mỗi lao
động khác nhau tuỳ thuộc vào khả năng thiên bẩm, trình độ học vấn và
việc đào tạo chuyên môn của doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể kể đến
những yếu tố bổ sung như số lượng và chất lượng máy móc, và việc tổ
chức hiệu quả quá trình sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ.
Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực được coi là một khoản “đầu
tư” dài hạn. Việc hoàn trả vốn đầu tư sẽ ở dưới dạng nâng cao trình độ
của người lao động, tăng năng suất lao động và tăng sản phẩm đầu ra cho
xã hội. Bên cạnh những lợi ích này cần phải tính đến các chi phí mà từng
cá nhân và xã hội phải trả. Sau chương trình học phổ thông bắt buộc,
những ai muốn tiếp tục học lên sẽ phải tốn một khoản chi phí không nhỏ
đồng thời đánh mất cơ hội kiếm tiền trong khoảng thời gian đó và xã hội
cũng hụt đi một lượng sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, còn các khoản chi
phí mua sách vở, xây dựng trường,... (Hình 6.2). Nhưng hầu hết các sinh
viên đều thấy đầu tư cho học hành ở bậc đại học và bậc cao hơn là một
khoản đầu tư có lợi cho bản thân họ, bởi thực tế phần lớn các chi phí đều
được Nhà nước thanh toán, cá nhân họ chỉ phải trả một phần.
198
Hình 6.2. Thu nhập và chi phí đầu tư của cá nhân cho học tập
- Lợi ích của đầu tư. Jt là thu nhập dự kiến trong tương lai tại thời
điểm t của cá nhân. Tương tự Kt là thu nhập dự kiến trong tương lai của
cá nhân có trình độ chuyên môn cao hơn do đầu tư thêm vào giáo dục
(thời gian đào tạo dài hơn, học thêm để nâng cao trình độ). Chênh lệch
thu nhập Kt - Jt chính là lợi ích mà cá nhân nhận được khi đầu tư cho
giáo dục (trong một năm).
- Chi phí của đầu tư bao gồm: Học phí + Sách vở + J
0
, J
0
là chi phí
cơ hội (thu nhập bị mất đi do thời gian đi học không làm việc). Do vậy,
chi phí đầu tư = D
0
+ J
0
, trong đó D
0
là chi phí trực tiếp (chi phí cho sách
vở, học phí).
Tuy nhiên, thu nhập được tính là thu nhập trong tương lai (ví dụ, từ
khi học xong cho tới khi về hưu). Còn với các khoản chi phí chỉ tính
trong thời gian ngắn (ví dụ trong khoảng từ 1 đến 5 năm học đại học). Vì
vậy, để so sánh được lợi ích và chi phí cần phải tính được giá trị hiện tại
của các khoản lợi ích và chi phí đó.
Cá nhân người lao động sẽ quyết định đầu tư cho việc đi học nếu:
Chi phí nhỏ hơn lợi ích thu được. Hay nói cách khác, cá nhân sẽ đầu tư
cho giáo dục khi NPV (net present value) giá trị hiện tại ròng của khoản
đầu tư này là lớn hơn 0.
Thu nhập của người
tốt nghiệp đại học
Thu nhập
Chênh lệch
thu nhập
Thu nhập của người tốt
nghiệp phổ thông
Chi phí
cơ hội
Chi phí trực tiếp
J
0
o
D
0
T
K
t
- J
t
4
Năm
199
T
t
t
tt
r
JK
JD
1
00
1
Hoặc:
0
1
00
1
JD
r
JK
NPV
T
t
t
tt
Các doanh nghiệp cần phải cân nhắc thận trọng cho mục đầu tư
nhân sự này. Cử người lao động đi đào tạo hoặc mở các lớp bồi dưỡng
tay nghề đều tốn những khoản chi phí lớn. Nhưng việc hoàn trả “vốn đầu
tư” này lại hoàn toàn phụ thuộc vào người lao động, liệu tay nghề có
nâng cao đáng kể không? Liệu sau khi được đào tạo họ có ở lại doanh
nghiệp làm việc không?... Một số doanh nghiệp có lợi khi không đào tạo
lại lao động mà lựa chọn con đường tuyển dụng những người đã có tay
nghề và trình độ của các doanh nghiệp khác hoặc chỉ mở các lớp đào tạo
mang đậm nét đặc thù riêng của doanh nghiệp.
Hiện trong ngành du lịch có nhiều hình thức đào tạo khác nhau với
những nội dung khác nhau, gồm cả các lớp nghiệp vụ và lớp nâng cao
trình độ quản lý cho cả những người mới tuyển dụng và những người
đang làm việc. Số liệu thống kê cho thấy, những người không có tay
nghề hoặc bằng cấp chính thức chiếm khoảng 50 - 85%, bởi vậy, nhu cầu
về đào tạo nội bộ là rất lớn.
Ngoài ra, cung lao động còn có mối quan hệ chặt chẽ với sự lựa
chọn của người lao động. Nếu người lao động tìm kiếm khả năng hoàn
trả cao nhất cho những đầu tư của bản thân thì họ sẽ cân nhắc đến các
yếu tố như nghề nghiệp, ngành và công ty, mà những yếu tố này có thể
mang lại cho họ nguồn thu nhập và sự thoả mãn nghề nghiệp lớn nhất.
Trước tiên, người lao động xem xét đến mối tương quan giữa tiền lương
và yêu cầu công việc. Ngoài ra, người ta còn tính đến các khía cạnh phi
vật chất, chẳng hạn có một số nghề nguy hiểm hoặc độc hại, hoặc có vị
trí xã hội thấp kém, còn một số nghề khác thì dễ chịu, có địa vị cao và
xem xét các rủi ro thất nghiệp khác... Người lao động sẽ cân nhắc để có
được “lợi ích ròng” - phối hợp cả các yếu tố vật chất và phi vật chất, từ
đó lựa chọn nơi làm việc thích hợp cho bản thân.
200
6.1.2.2. Cầu lao động
Cầu dài hạn
Các doanh nghiệp cần các nhân tố sản xuất như lao động, nguyên
vật liệu và tiền vốn để sản xuất ra các hàng hoá và dịch vụ. Nghĩa là, nhu
cầu về các nhân tố sản xuất là nhu cầu phát sinh có gốc gác từ nhu cầu
tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ.
Xét về chiến lược dài hạn, tất cả các nhân tố sản xuất đều có thể
biến động. Mỗi doanh nghiệp có thể lựa chọn bất kỳ công nghệ nào để
tạo ra sản phẩm của mình: Từ những dây chuyền sản xuất đòi hỏi cường
độ sức lao động cao (sử dụng nhiều sức lao động), cho đến những công
nghệ đòi hỏi vốn đầu tư cao (sử dụng máy móc thiết bị nhiều hơn sức
người). Nếu doanh nghiệp định hướng tối đa hoá lợi nhuận thì doanh
nghiệp sẽ lựa chọn loại hình công nghệ có chi phí thấp nhất.
Khi giá lao động và giá vốn đầu tư thay đổi thì các phương án kết
hợp hai nhân tố sản xuất đầu vào này cũng sẽ thay đổi theo. Nếu giá lao
động tăng tương đối so với giá vốn đầu tư thì có thể nhiều doanh nghiệp
sẽ cố gắng dùng các khoản đầu tư cho máy móc thiết bị và công nghệ
mới thay cho chi phí lao động. Tuy nhiên, khả năng thay thế một nhân tố
sản xuất này bằng nhân tố sản xuất khác phụ thuộc nhiều vào bản chất
của sản phẩm và t
ình trạng công nghệ. Trong các doanh nghiệp du lịch,
khả năng thay thế sức lao động bằng vốn đầu tư là tương đối hạn hẹp so
với các doanh nghiệp sản xuất khác do tính chất dịch vụ của ngành. Các
doanh nghiệp sản xuất khác, với các dây chuyền sản xuất có tính lặp lại
cao và ít đòi hỏi kỹ năng tinh sảo, thì việc dùng máy móc thay thế con
người có thể thực hiện được dễ dàng, chẳng hạn như ở lĩnh vực chế biến
thực phẩm.
Cầu ngắn hạn
Trong ngắn hạn, một doanh nghiệp chỉ có thể điều chỉnh khối
lượng một vài nhân tố sản xuất chứ không phải là tất cả (có những nhân
tố sản xuất bị giới hạn bởi nguồn cung). Khi số đơn vị của một nhân tố
201
sản xuất tăng lên thì lợi nhuận giảm xuống - nếu số lao động tăng, lợi
nhuận sẽ giảm. Sản lượng bổ sung khi tăng thêm một nhân công (sản
phẩm lao động cận biên) thể hiện ở Hình 6.3.
Hình 6.3. Năng suất lao động cận biên
(tính bằng đơn vị sản phẩm)
Sản lượng bổ sung đó sẽ được bán ở một mức giá nào đó và doanh
thu bổ sung nhận được gọi là doanh thu cận biên. Giá trị tăng thêm của
doanh nghiệp khi tăng thêm một nhân công sẽ bằng sản phẩm lao động
cận biên tính bằng vật chất (sản phẩm hiện vật cận biên) nhân với doanh
thu cận biên của một đơn vị sản phẩm. Đó còn gọi là sản phẩm doanh thu
cận biên (MRP = MPP x MR) và đồ thị của nó cũng có dạng đường cong
như Hình 6.3.
Các doanh nghiệp du lịch định hướng tối đa hoá lợi nhuận sẽ không
thuê thêm nhân công nếu như chi phí thuê thêm nhân công (chi phí cận
biên - MC) cao hơn sản phẩm doanh thu cận biên (MRP). Ngược lại, nếu
sản phẩm doanh thu cận biên lớn hơn chi phí cận biên thì doanh nghiệp
sẽ thu được nguồn lợi lớn hơn từ việc tăng số nhân công. Và khi sản
phẩm doanh thu cận biên còn lớn hơn chi phí bổ sung cho những lao
động tăng thêm thì doanh nghiệp sẽ còn thu được lợi nhuận.
Như vậy, một cơ sở kinh doanh sẽ thuê thêm lao động cho đến khi
sản phẩm doanh thu cận biên bằng chi phí lao động cận biên. Lợi nhuận
được tối đa hoá tại điểm MRP = MC. Giả sử doanh nghiệp trả lương theo
202
giá thị trường cho người lao động và không có một tác động nào đối với
mức lương đó, khi đó, chi phí cận biên để thuê thêm lao động sẽ bằng
đúng mức lương ấy (MC = W). Vì vậy, điều kiện để tối đa hoá lợi nhuận
là MRP = W (Hình 6.4).
Hình 6.4. Mức tối đa hoá lợi nhuận từ lao động
Tại điểm mức lương 0W
2
, lượng lao động cần thiết cho doanh
nghiệp là 0q
2
, bởi ở bất kỳ một lượng lao động nào khác thì lợi nhuận sẽ
không đạt mức tối đa. Với số lao động nhỏ hơn 0q
2
, doanh nghiệp sẽ phải
trả giá cao hơn để tăng thêm nhân công, MRP cao hơn MC và khi đó vẫn
còn có cơ hội để tăng lợi nhuận. Với số lao động lớn hơn 0q
2
, chi phí bổ
sung để thuê thêm nhân công (MC
2
) sẽ lớn hơn giá trị sản phẩm bổ sung
(MRP) và vì vậy lợi nhuận sẽ bị suy giảm.
Hình 6.5. Đường cầu lao động
203
Nếu mức lương là 0W
1
thì điều kiện để tối đa hoá lợi nhuận MRP =
MC được thoả mãn tại hai điểm chỉ số lượng nhân công 0q và 0q
1
. Với
số lao động bằng 0q
1
, doanh nghiệp sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn, vì
thế dịch chuyển lượng lao động từ 0q sang 0q
1
sẽ làm tăng doanh thu
(MRP) nhanh hơn là tăng chi phí (MC
1
) và lợi nhuận sẽ tăng.
Số lượng lao động cần thiết của một doanh nghiệp được thể hiện
bằng đường cong MRP. Đường cong MRP (chỉ tính đoạn dốc đi xuống)
được gọi là đường cầu lao động (Hình 6.5). Có thể đặt ra giả định rằng,
nếu tất cả các nhân tố khác không đổi thì một doanh nghiệp chỉ thuê
thêm lao động nếu như giá lao động (tiền lương) giảm, nếu giá lao động
tăng thì doanh nghiệp sẽ giảm cầu đối với nhân tố sản xuất này. Chủ
doanh nghiệp sẽ di chuyển dọc theo đường cầu lao động xuống dưới
hoặc lên trên tương ứng với mức tiền lương mới và như vậy lượng lao
động được thuê sẽ lớn hơn hoặc nhỏ hơn trước. Đường cầu lao động tuân
theo quy luật cầu.
Cũng như đường cầu của bất kỳ loại hàng hoá và dịch vụ nào khác,
đường cầu lao động cũng có thể dịch chuyển, lên trên hoặc xuống dưới,
sang phải hoặc sang trái. Vì nhu cầu đối với yếu tố sản xuất là nhu cầu
phát sinh/dẫn xuất, cho nên những thay đổi về nhu cầu trên thị trường
hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng sẽ làm dịch chuyển đường cầu lao động.
Thu nhập của người tiêu dùng tăng, giá của các bữa ăn tại nhà hàng thấp
tương đối so với các hình thức tiêu dùng thực phẩm khác, giá phòng
khách sạn giảm, có thể tạo nên động cơ kích đẩy nhu cầu đối với dịch vụ
du lịch và làm dịch chuyển cầu về lao động trong ngành du lịch.
Đường cầu lao động có thể dịch chuyển ra ngoài khi giá của các
nhân tố sản xuất khác tăng. Ngược lại, giá của các nhân tố sản xuất khác
rẻ, thì sự thay thế cho lao động sẽ làm cho đường cầu lao động dịch
chuyển vào trong (về phía điểm gốc).
Năng suất lao động cũng tác động làm dịch chuyển đường cầu lao
động. Quyết định tăng hoặc giảm lao động căn cứ vào sự so sánh sản
phẩm doanh thu cận biên và mức tiền lương. Nếu sản phẩm doanh thu
204
cận biên tăng lên, doanh nghiệp có thể thuê thêm một số lao động lớn
hơn với mức lương tương xứng. Đường cầu lao động sẽ dịch chuyển ra
ngoài. Mỗi người lao động sẽ trị giá cao hơn bởi hiệu quả cao hay bởi
doanh thu từ sản phẩm cao hơn.
Tính co dãn của cầu lao động phụ thuộc một phần vào khả năng
thay thế bằng các yếu tố khác. Nếu lao động của con người càng quan
trọng và càng khó thay thế trong một quá trình kinh doanh nào đó thì cầu
lao động càng ít co dãn. Thêm nữa, nếu cầu hàng hoá hoặc dịch vụ không
co dãn thì lao động để tạo ra sản phẩm đó cũng không co dãn.
Cầu lao động cũng ít co dãn nếu chi phí lao động chiếm tỷ trọng
nhỏ trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh. Ví dụ, chi phí lao động
chiếm 10% tổng chi phí thì khi mức lương có tăng đến 50% cũng chỉ làm
giá sản phẩm tăng thêm 5%. Còn nếu chi phí lao động chiếm 60% tổng
chi phí thì tác động của nó đối với giá sản phẩm cuối cùng sẽ lớn hơn rất
nhiều, giá sẽ đội lên đến 30%. Điều này cho chúng ta thấy tại sao người
lao động trong các ngành công nghệ có cường độ vốn đầu tư cao thường
được hưởng mức lương cao hơn mức lương của người lao động trong
ngành sử dụng công nghệ có cường độ sức lao động cao. Do chi phí lao
động chiếm một tỷ trọng đáng kể trong các doanh nghiệp du lịch nên rất
khó có thể tăng lương cho người lao động mà không ảnh hưởng đến lợi
nhuận hoặc không tăng giá sản phẩm.
Đường cầu lao động của ngành du lịch được tổng hợp trên cơ sở
đường cầu về lao động của các doanh nghiệp. Đường cầu lao động của
toàn ngành có hình dạng giống như đường cầu lao động của từng doanh
nghiệp. Tuy nhiên, đường cầu toàn ngành có độ dốc lớn hơn (kém co dãn
hơn), việc tăng tiền lương có khả năng dẫn đến giảm việc làm và sản
lượng đầu ra. Khi sản lượng giảm, giá của sản phẩm có thể tăng, dẫn đến
MRP của lao động sẽ dịch chuyển ra ngoài.
Cầu lao động trong ngành du lịch thể hiện những dao động ngắn
hạn lớn đối với một số nghiệp vụ nhất định. Điều này cho thấy tại sao lao
động bán thời gian là lao động điển hình của ngành du lịch, nhưng cũng
205
có những lao động được thuê không thường xuyên để thực hiện mục đích
hay chức năng đặc biệt nào đó.
6.1.3. Năng suất lao động
Năng suất lao động là phạm trù kinh tế phản ánh trình độ sử dụng
lao động sống trong quá trình sản xuất kinh doanh. Vì vậy, nó cũng là
một chỉ tiêu hiệu quả kinh tế, phản ánh mối tương quan giữa kết quả đạt
được với các chi phí lao động sống bỏ ra để đạt được kết quả đó.
Trong đó:
Các chỉ tiêu biểu hiện kết quả có thể xác định dưới dạng giá trị và
hiện vật. Về mặt giá trị năng suất lao động được xác định bằng chỉ tiêu
doanh thu và lợi nhuận. Về mặt hiện vật, năng suất lao động được xác
định tùy theo lĩnh vực kinh doanh. Đối với kinh doanh lữ hành, có thể
xác định bằng chỉ tiêu lượt khách, ngày khách,... Đối với kinh doanh ăn
uống: số lượng sản phẩm ăn uống, số bàn phục vụ. Đối với kinh doanh
lưu trú: số khách, số phòng được sử dụng, số ngày khách, số đêm nghỉ.
Các chỉ tiêu biểu hiện chi phí được xác định qua chỉ tiêu số lao
động, tiền lương, ngày công, thời gian lao động.
Trong kinh doanh du lịch, năng suất lao động thường có thể đo
lường theo hai loại chỉ tiêu: Chỉ tiêu hiện vật và chỉ tiêu giá trị.
Trong đó: W - Năng suất lao động D - Doanh thu
S - Số lượng sản phẩm R - Số lao động
206
Năng suất lao động dù tính theo chỉ tiêu hiện vật hay chỉ tiêu giá trị
cũng đều có sự xác định về mặt thời gian theo ngày, tuần, tháng, năm.
Chỉ tiêu hiện vật phản ánh đúng thực chất của năng suất lao động, hiệu
quả sử dụng lao động. Năng suất lao động tính theo hiện vật không phụ
thuộc vào sự biến động của giá cả hay các điều kiện kinh tế khác. Tuy
nhiên, chỉ tiêu này không phản ánh tổng hợp, không thể so sánh năng
suất lao động giữa các doanh nghiệp hay giữa các bộ phận nghiệp vụ
khác nhau, mà thường chỉ dùng so sánh năng suất lao động giữa các kỳ
của doanh nghiệp. Do vậy, chỉ tiêu năng suất lao động hiện vật ít được sử
dụng trong ngành du lịch. Năng suất lao động tính theo chỉ tiêu giá trị
đơn giản và dễ xác định. Chỉ tiêu giá trị phản ánh tổng hợp năng suất lao
động nên có thể sử dụng để so sánh năng suất lao động, hiệu quả kinh tế
giữa các doanh nghiệp nhằm xác định vị thế của mỗi doanh nghiệp. Chỉ
tiêu giá trị cũng có những hạn chế nhất định. Chỉ tiêu này chịu sự tác
động của giá cả nên tính chính xác kém chỉ tiêu hiện vật. Cần có sự loại
trừ ảnh hưởng của giá cả cũng như các yếu tố khách quan khác khi áp
dụng chỉ tiêu này.
Là một chỉ tiêu kinh tế, năng suất lao động chịu ảnh hưởng của
nhiều nhân tố, có nhân tố tác động trực tiếp, có nhân tố tác động gián
tiếp, có nhân tố tác động chủ quan cần nghiên cứu để tìm những giải
pháp khắc phục những hạn chế và phát huy mặt tích cực, và cũng có
nhân tố tác động khách quan cần phải loại trừ để xác định đúng thực
trạng kinh doanh.
Để tạo ra sản phẩm, trong quá trình lao động phải sử dụng nhân tố
sức lao động cũng như công cụ lao động tác động vào đối tượng lao
động. Muốn tăng năng suất lao động phải nâng cao hiệu quả sử dụng các
yếu tố trên.
Sức lao động gồm: Sức khoẻ của người lao động, số lượng lao
động, trình độ chuyên môn, trình độ văn hoá, phẩm chất đạo đức của
207
người lao động,... Một cơ sở kinh doanh du lịch xác định được số lượng
lao động vừa đủ sẽ tiết kiệm một phần đáng kể chi phí lao động, nhưng
vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ. Dù làm việc ở bất cứ bộ phận nào,
người lao động cũng cần có sức khoẻ. Sức khoẻ tác động trực tiếp đến
công việc của người lao động, đặc biệt, sức khoẻ là tiêu chuẩn quan trọng
đối với công nhân bếp, nhân viên khuân vác. Các cơ sở kinh doanh cần
có chế độ tuyển dụng và bố trí lao động phù hợp với từng loại công việc.
Song song với yêu cầu đảm bảo sức khoẻ, người lao động cần có
trình độ chuyên môn nhất định, có trình độ giao tiếp, ứng xử, hiểu biết
tâm lý khách hàng. Một phần lớn người lao động trong kinh doanh du
lịch có sự tiếp xúc trực tiếp với khách như nhân viên trực cửa, khuân vác,
nhân viên lễ tân, nhân viên phục vụ bàn, bar,... cho nên, yêu cầu về hình
thức, thái độ của nhân viên là hết sức quan trọng. Thông qua mối quan hệ
trực tiếp nhân viên - khách hàng, các cơ sở kinh doanh du lịch nói riêng
và ngành du lịch nói chung đã quảng bá bản sắc văn hoá địa phương, văn
hoá của nước đến du lịch cho khách. Mối quan hệ này tác động trực tiếp
đến tỷ lệ quay trở lại của khách du lịch.
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật trong doanh nghiệp du lịch bao
gồm mạng lưới các cơ sở kinh doanh cùng các trang thiết bị, dụng cụ. Số
lượng, quy mô, sự phân bố vị trí, loại hình các cơ sở trực thuộc có ảnh
hưởng trực tiếp đến năng suất lao động của ngành, doanh nghiệp. Nhiều
doanh nghiệp đã phát triển các cơ sở của mình mạnh mẽ, trở thành những
tập đoàn nổi tiếng như: ITT Sheraton, Boston, Massachusetts USA -
1941 cơ sở lưu trú; Trusthouse Forte (London, UK) - 1970 cơ sở lưu trú;
Marriott (Washington, USA) - 1929 cơ sở ăn uống; Holiday Inn (Atlanta,
Georgia, USA) - 1954 khách sạn Mỹ,... Các tập đoàn, các công ty luôn
quy hoạch mạng lưới cơ sở, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của họ.
Mức trang bị công cụ, máy móc, dụng cụ chuyên dùng và hiệu quả
sử dụng chúng là nhân tố có thể lượng hoá được mức độ tác động đến
năng suất lao động. Hoạt động kinh doanh du lịch là hoạt động mà khả
208
năng cơ giới hoá, tự động hoá rất hạn chế. Đối với kinh doanh nhà hàng
thì việc áp dụng các thiết bị, máy móc vào chế biến sản phẩm ăn uống có
khả quan hơn. Việc trang bị các thiết bị cơ, điện, lạnh vào bộ phận bếp
góp phần giảm nhẹ điều kiện lao động nặng nhọc của công nhân bếp. Xu
hướng đặt các quầy bán hàng tự động buffet và các quầy cocktail ở tiền
sảnh trong các khách sạn dịch vụ hạn chế (Economy Hotel), đã tiết kiệm
được một phần chi phí lao động của khách sạn, tiết kiệm chi phí và tạo
thuận lợi cho khách hàng. Hệ thống đăng ký đặt phòng qua máy tính tạo
năng suất lao động cho bộ phận đăng ký đặt phòng cao hơn. Tuy nhiên,
những đầu tư để bổ sung, đổi mới các trang thiết bị, tiện nghi trong nhà
hàng, khách sạn lại là những khoản chi phí đáng kể. Mặt khác, chúng
được sử dụng trong thời gian tương đối dài nhưng nhanh bị lạc hậu,
những hao mòn vô hình càng gia tăng khoản chi phí này. Bù lại, luôn duy
trì vẻ sang trọng, lịch sự lại tạo được uy tín và thu hút khách đến nhà
hàng, khách sạn.
Trong thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch đã thuê nhà cửa, đất
đai, trang thiết bị,... để phát triển kinh doanh và hoàn vốn nhanh, vì vậy
họ đã cố gắng giảm thiểu chi phí thuê và tận dụng tối đa công suất của cơ
sở vật chất kỹ thuật thuê ngoài.
Trong kinh doanh nhà hàng, việc cung ứng nguyên liệu hàng hoá
ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động. Tổ chức cung ứng phục vụ kinh
doanh gồm: Cung ứng nguyên liệu để sản xuất chế biến, cung ứng hàng
hoá chuyển bán, cung ứng thay thiết bị vật tư để tái sản xuất cơ sở vật
chất kỹ thuật. Lợi nhuận kinh doanh nhà hàng phụ thuộc một phần vào
việc quản lý cung ứng: quản lý mua và quản lý dự trữ. Chi phí kinh
doanh nhà hàng được kiểm soát chặt chẽ qua các công đoạn từ mua
nguyên liệu, dự trữ bảo quản, xuất kho, chế biến, phân phối đến phục vụ
thực khách, kể cả chi phí đồ uống bị đổ hay thức ăn bị nguội.
Các yếu tố tổ chức quản lý là những yếu tố tác động toàn diện lên
hoạt động kinh doanh du lịch. Vai trò đầu não trong doanh nghiệp thuộc
209
về nhà quản trị cấp cao, là người tạo dựng bộ máy quản lý, hoạch định,
lãnh đạo, kiểm tra,... mọi hoạt động của doanh nghiệp. Nhà quản trị phải
có năng lực và phẩm chất nhất định mới có thể điều hành có hiệu quả
mọi hoạt động. Để tổ chức lao động tốt, phải quản lý từ khâu tuyển dụng,
đến khâu bố trí, phân công, sử dụng lao động, bên cạnh đó, vấn đề khen
thưởng và kỷ luật lao động cũng không thể xem nhẹ vì nó tác động vào
mặt trí lực của người lao động, kích thích họ quan tâm đến thành quả lao
động đạt được.
Yêu cầu về văn minh phục vụ khách hàng là yêu cầu được quán
triệt trong các ngành dịch vụ bởi khách hàng là người đánh giá chất
lượng dịch vụ quan trọng nhất. Đây là nhân tố có tính chất đặc trưng
cho hoạt động kinh doanh du lịch, có tác động khác nhau đến năng
suất lao động.
Ngoài các nhân tố trên, năng suất lao động trong kinh doanh du lịch
còn chịu ảnh hưởng của tính thời vụ trong kinh doanh, sự cạnh tranh giữa
các doanh nghiệp, giá cả thị trường, đặc trưng sản phẩm của doanh
nghiệp,...
Trong toàn ngành du lịch cũng như trong các doanh nghiệp, vấn đề
tăng năng suất lao động luôn là mối quan tâm thường xuyên. Đối với nền
kinh tế quốc dân, tăng năng suất lao động có nghĩa là củng cố và mở
rộng phát triển. Còn đối với các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sử
dụng lao động tác động đến việc giảm chi phí tiền lương, nâng cao lợi
nhuận, cũng như tác động trực tiếp đến sức khoẻ và tiền lương của người
lao động thông qua việc giảm thời gian lao động và cải thiện điều kiện
lao động, đặc biệt là những lao động nặng nhọc.
6.1.4. Tiền lương
Tiền lương được coi là giá cả của yếu tố lao động. Cũng như tất cả
các loại giá cả khác, mức lương được xác định theo học thuyết kinh tế
học, đó là mối tương quan giữa cung và cầu lao động. Bên cạnh những
210
tính chất như ở thị trường các hàng hoá và dịch vụ cuối cùng, thị trường
các nhân tố sản xuất (các nguồn lực) còn có những đặc điểm riêng để
người mua và người bán các nhân tố sản xuất có thể gặp nhau. Dưới tác
động của những quy luật trên loại thị trường đặc biệt này, các nhân tố sản
xuất (các nguồn lực) được phân bổ để đáp ứng nhu cầu người mua. Nếu
thị trường cạnh tranh hoàn hảo sẽ tạo nên sự phân bổ tối ưu những nguồn
lực vốn khan hiếm này, sẽ không có người mua hay người bán nào có thể
kiểm soát được giá cả của sức lao động, lao động có khả năng dịch
chuyển dễ dàng. Lúc này, người lao động sẽ dịch chuyển tự do từ nơi có
mức lương thấp đến những vùng, những ngành có mức lương cao hơn,
cho đến khi không có sự khác biệt về mức lương nữa. Cung và cầu lao
động sẽ tạo nên mức giá duy nhất, một mức giá mà mỗi doanh nghiệp sẽ
chấp nhận khi cần tuyển lao động (Hình 6.6).
Hình 6.6. Mức lương trên thị trường lao động
cạnh tranh hoàn hảo
Trong toàn ngành, cung lao động có mối quan hệ tỷ lệ thuận với
mức lương và cầu lao động có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với nó (Hình
6.6.a). Lượng lao động 0Q sẽ có việc làm với mức lương là 0W. Mức
lương đó được các doanh nghiệp trong ngành AU - KS chấp nhận và
doanh nghiệp thuê lao động với số lượng là 0q (Hình 6.6.b).
211
Nếu thị trường cạnh tranh không hoàn hảo sẽ hạn chế khả năng
dịch chuyển các nhân tố sản xuất, không đáp ứng nhu cầu người mua và
hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế sẽ không đạt được mức cao nhất.
Khi cầu hàng hoá và dịch vụ thay đổi, thì nhu cầu phát sinh đối với
lao động cũng thay đổi theo, người lao động sẽ dịch chuyển từ nghề này
sang nghề khác. Nếu cầu một loại hàng hoá dịch vụ tăng thì cầu lao động
sản xuất ra mặt hàng đó sẽ dịch chuyển sang phải, tiền lương tăng lên,
người lao động sẽ bị thu hút vào những công việc đó. Cầu lao động trong
những công việc khác có thể giảm, cung vượt quá cầu lao động, tiền
lương sẽ giảm và người lao động sẽ dịch chuyển đến nơi có mức lương
cao hơn.
6.1.4.1. Sự khác biệt giữa các mức lương
Trong bất kỳ một ngành nghề nào đó kể cả ngành du lịch, một số
người lao động nhận được mức lương cao hơn những người khác. Thực
tế cho thấy, những người làm việc gián tiếp hoặc trí óc thường được
hưởng lương cao hơn người lao động chân tay và lao động nam hưởng
lương cao hơn lao động nữ (Hình 6.7).
(a): Mức lương theo giới tính và dân tộc
212
(b): Mức lương theo trình độ giáo dục, theo màu da và dân tộc
Hình 6.7. Sự chênh lệch giữa các mức lương
So sánh mức lương trả cho người lao động trong các ngành của nền
kinh tế có thể nhận thấy rằng, thu nhập của người lao động trong ngành
khách sạn, nhà hàng là gần thấp nhất trong tất cả các ngành nghề (cao
hơn nông nghiệp và ngư nghiệp). Trong gần 90 nghề nghiệp lao động
chân tay của nam giới chỉ có 8 nghề (gồm cả bảo vệ và làm vườn) có thu
nhập thấp hơn thu nhập của đầu bếp. Còn đối với nữ, trong 50 nghề lao
động chân tay và trí óc liệt kê, chỉ có 6 nghề có thu nhập thấp hơn thu
nhập của đầu bếp. Tuy nhiên, cũng cần phải nói đến những cố gắng trong
việc cải tiến tiền lương cho người lao động trong ngành khách sạn, nhà
hàng khiến mức lương của họ có tăng lên phần nào.
Sự khác biệt về thu nhập giữa các ngành nghề chịu tác động của
nhiều yếu tố phức tạp, trong đó có một số yếu tố xuất phát từ thị trường
lao động cạnh tranh hoàn hảo và một số yếu tố xuất phát từ thị trường lao
động cạnh tranh không hoàn hảo.
Các yếu tố phi vật chất
Ngay cả trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo, khi trình độ lao động
của con người như nhau thì vẫn tồn tại nhiều khác biệt về điều kiện làm
213
việc và yêu cầu nghề nghiệp, dẫn đến tiền lương của họ khác nhau.
Những công việc nguy hiểm hoặc những công việc mà người lao động
làm việc trong môi trường bẩn, bụi bặm, những nghề nghiệp đòi hỏi kỹ
năng hoặc trách nhiệm cao,... thì có thể nhận được mức lương cao hơn,
với ý nghĩa "đền bù" cho trách nhiệm phải gánh vác hoặc cho điều kiện
lao động khó khăn hơn.
Về phía người lao động, mối quan hệ giữa mức lương và điều kiện
làm việc thể hiện: Nếu điều kiện làm việc không thuận lợi, nhiều rủi ro
thì mức lương sẽ phải tăng lên để bù đắp cho sự rủi ro, không thuận lợi
đó. Lương tăng để bù đắp phần lợi ích giảm đi do điều kiện làm việc
không thuận lợi và được thể hiện qua đường bàng quan (Hình 6.8).
Hình 6.8. Mối quan hệ giữa mức lương và điều kiện làm việc
không thuận lợi (đường bàng quan)
Về phía doanh nghiệp, mục tiêu là tối đa hoá lợi nhuận nên nếu
doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc của lao động, doanh nghiệp sẽ
tăng chi phí. Nếu doanh nghiệp chi tiêu nhiều hơn cho việc này, phải chi
tiêu ít hơn cho việc khác để giữ nguyên khả năng cạnh tranh. Với mức
lợi nhuận nhất định, doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh khoản tiền lương và
214
chi phí khác sao cho lợi nhuận không đổi. Điều này thể hiện trên đường
đẳng lợi (ISOPROFIT - Hình 6.9).
Hình 6.9. Đường cung cấp lương của doanh nghiệp
(Wage-offer curve)
Những hưởng thụ miễn phí hoặc với giá rẻ như đồng phục, giặt là,
ăn uống, đi lại,... của nhân viên trong các cơ sở lưu trú, ăn uống có thể
trợ giúp phần nào cho mức lương thấp của họ. Trên thực tế, những phúc
lợi này cũng không lớn hơn đáng kể so với phúc lợi của các ngành khác
và do đó, đây không thể là sự lý giải quan trọng cho mức lương thấp
của ngành.
Một số nghề mang tính rủi ro cao, thời gian tạm nghỉ kéo dài (giải
trí) hoặc có tổng thời gian làm việc trong đời ngắn (phi công) cũng
thường nhận được mức lương cao để bù đắp cho những rủi ro đó.
Khi lựa chọn ngành/nghề làm việc, người lao động sẽ tìm kiếm nơi
thu được "lợi ích ròng" cao nhất, bao gồm cả lương và các phúc lợi phi
tiền lương khác. Trong thị trường lao động cạnh tranh hoàn hảo, "lợi ích
ròng" của các nghề nghiệp khác nhau sẽ được cân bằng, chứ không chỉ
cân bằng các mức lương.
Sự khác biệt giữa những người lao động
215
Dĩ nhiên, lực lượng lao động không đồng nhất và cá nhân người lao
động thường khác nhau về trình độ và tay nghề. Đối với một số nghề đòi
hỏi tay nghề cao, khả năng tổ chức lãnh đạo hoặc cần có đầu óc kinh
doanh, thì số người đáp ứng được không nhiều. Còn những nghề không
cần có kỹ năng đặc biệt hoặc không đòi hỏi trí tuệ thì việc tuyển dụng lao
động tương đối dễ dàng, nguồn cung lao động dồi dào và vượt quá cầu
lao động. Sự tương tác giữa cung và cầu sẽ đưa đến kết quả là mức lương
nhóm đầu cao hơn mức lương nhóm sau.
Trong ngành du lịch, có đến 2/3 tổng số lao động trong ngành
thuộc loại không cần kỹ năng hoặc cần kỹ năng đơn giản.
Bản chất nghề nghiệp tác động đến đặc thù của từng ngành. Những
người quản lý và có trình độ chuyên môn thì khó dịch chuyển lao động
sang những ngành khác và những người lao động trong các ngành khác
cũng khó chuyển sang ngành du lịch. Những nghề thủ công hay có kỹ
năng đơn giản làm giảm đặc thù của ngành, do đó, những người lao động
ở các bậc kỹ năng thấp có khả năng tìm việc làm ở nhiều ngành khác
nhau. Điều đó cho thấy, cung lao động tiềm năng đối với ngành du lịch
rất lớn.
Tiền lương trả cho người lao động được xác định bởi quan hệ cung
và cầu. Nếu nhu cầu đối với lao động giản đơn tăng thì mức lương đối
với nhóm lao động này sẽ tăng và còn có thể cao hơn mức lương trả cho
các nhóm lao động kỹ năng cao. Đã có nhiều trường hợp trong thực tế,
những người lao động bậc cao có thu nhập bị giảm do nhu cầu đối với
những dịch vụ cao cấp bị giảm sút. Tương tự tiền lương trả cho những
công việc giản đơn có thể tăng lên nếu nhiều người không muốn nhận
những công việc đó.
Những lao động lành nghề có thể khan hiếm tương đối so với cầu
lao động, khi đó, mức lương gần như hoàn toàn chịu tác động của cầu.
Mức lương có thể cao hơn mức cần thiết để giữ chân người lao động.
Những đầu bếp giỏi hay những người quản lý tài năng thường được trả
216
lương cao hơn nhiều so với bậc lương được trả trong các ngành nghề
khác do cầu đối với đầu bếp và những người quản lý giỏi tăng nhanh,
cung thì có hạn, do đó mức lương của họ đặc biệt cao. Thông thường, khi
cung lao động tăng thì mức độ tăng của tiền lương sẽ giảm xuống.
Đầu tư nhân lực
Sự khác biệt về chất lượng lao động không chỉ do có sự khác biệt
về khả năng thiên bẩm, mà phần nhiều do sự đầu tư khác nhau đối với
nguồn nhân lực (giáo dục và đào tạo). Mức lương thể hiện một phần sự
hoàn trả cho khoản đầu tư này. Sự khác biệt về trình độ học vấn có thể
dẫn đến sự chênh lệch giữa các mức lương. Một số cơ sở kinh doanh du
lịch đã áp dụng trả mức lương phụ trội cho người lao động theo các mức
học vấn khác nhau.
Tuy nhiên, mức lương cao cho những người lao động có trình độ
học vấn cao chỉ thành hiện thực khi doanh nghiệp có nhu cầu đối với
những lao động đó. Những sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ không được
trả lương cao nếu không làm việc tại các vị trí quan trọng. Khi nhu cầu
đối với lao động giảm sút thì khả năng hoàn trả rất hạn chế, cho dù sự
đầu tư có lớn đến đâu.
Khả năng dịch chuyển lao động
Lao động thường không có khả năng dịch chuyển một cách tự do
bởi những giới hạn về địa lý, xã hội và nghề nghiệp.
Nhân tố lao động thường kém dịch chuyển về mặt địa lý, khác hẳn
với nhân tố vốn đầu tư (dịch chuyển về khoảng cách dễ dàng). Người
lao động thường không thích chuyển chỗ làm từ vùng này sang vùng
khác, tuy nhiên nhiều khi họ bị bắt buộc phải chuyển chỗ làm bởi
những lý do từ phía cá nhân, gia đình, tài chính và định kiến giữa các
vùng khác nhau.
Do khả năng dịch chuyển kém nên cung lao động thừa ở nơi này có
thể không bù đắp được thiếu cầu lao động ở nơi khác. Và cung lao động
dôi thừa ở một ngành muốn chuyển sang lĩnh vực khác đòi hỏi các
217
chương trình đào tạo phù hợp. Vì vậy, vẫn xuất hiện sự chênh lệch về các
mức lương giữa các vùng và các khu vực kinh tế khác nhau.
Công đoàn
Những người lao động thành lập nên tổ chức công đoàn để thương
lượng với các chủ doanh nghiệp về lương bổng và điều kiện làm việc.
Năng lực hoạt động của công đoàn có tác động đáng kể đến mức lương
thực tế của người lao động. Bên cạnh đó, khả năng tác động của công
đoàn còn phụ thuộc vào độ co dãn của cầu lao động, vào khả năng kiểm
soát nguồn cung lao động của các ngành và của các doanh nghiệp.
- Nếu cầu lao động là không co dãn, thì khi lương tăng, không làm
giảm hoặc giảm không đáng kể số công ăn việc làm của các thành viên
trong công đoàn. Nhưng nếu cầu lao động co dãn thì tăng lương có thể
dẫn đến việc giảm lượng nhân công. Như vậy, công đoàn phải đứng
trước sự lựa chọn giữa việc đạt được mức lương cao với sự ổn định về
việc làm cho các thành viên của mình (Hình 6.10). Trong một số trường
hợp, công đoàn có thể quan tâm đến an toàn nghề nghiệp hơn việc
tăng lương.
Hình 6.10. Ảnh hưởng của công đoàn
218
Theo hình 6.10, mức lương cạnh tranh 0W
0
tương ứng với lượng
lao động 0Q
0
, công đoàn có thể tác động thành công để nâng mức lương
lên 0W
1
, nhưng kết quả sẽ làm giảm lượng lao động xuống còn 0Q
1
. Một
tổ chức công đoàn mạnh có thể thương lượng để đồng thời nâng mức
lương lên 0W
1
mà vẫn giữ nguyên số công ăn việc làm 0Q
0
. Khả năng
này còn phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có chấp nhận giảm lợi nhuận
của mình hay không. Điều đó thể hiện qua sự thương lượng giữa công
đoàn và chủ doanh nghiệp.
- Công đoàn có thể thương lượng nâng lương cho các thành viên
của mình bằng việc hạn chế cung lao động cho một nghề hay một doanh
nghiệp. Tác động này sẽ làm đường cung dịch chuyển vào trong và vì thế
điểm cân bằng sẽ cao hơn (tất nhiên, yêu cầu tối thiểu là phải học nghề
hoặc được đào tạo). Cung lao động bị hạn chế sẽ làm thay đổi tác động
của những nhóm lao động cạnh tranh. Ngoài ra, công đoàn còn có thể tác
động sao cho chỉ có các thành viên công đoàn được tuyển dụng (người
lao động có thể là thành viên công đoàn trước hoặc sau khi có việc làm
và không phải tất cả mọi người lao động đều tham gia vào tổ chức công
đoàn).
- Các hiệp hội ngành nghề cũng có thể có tác động tương tự như
công đoàn. Các hiệp hội ngành nghề là tập hợp những cá nhân (có thể là
người lao động làm thuê, các chủ doanh nghiệp hoặc lao động tự phát)
được tổ chức lại nhằm kiểm soát một số tiêu chuẩn nhất định đối với
ngành nghề của mình. Thông thường, họ tổ chức những cuộc thi tuyển để
chọn vào làm việc trong nghề. Việc giới hạn cung đầu vào này có thể làm
giảm sự cạnh tranh từ những người lao động khác. Một số hiệp hội ngành
nghề có thể nhận được sự trợ giúp của chính phủ thông qua các điều luật
và chỉ những thành viên trong hiệp hội mới được phép hành nghề.
Trên thế giới và trong các khu vực có nhiều hiệp hội về du lịch như
I.H.A, A.H.R.A,... Nhiều hội đặt ra thể lệ thi và cấp chứng chỉ thích hợp
cho các hội viên của mình. Tất nhiên, không phải chỉ có hội viên mới
được phép điều hành KS, nhà hàng, nhưng việc tuyển chọn lao động vào
219
các chức vụ quản lý và giám sát trong ngành sẽ thuận lợi hơn đối với
những hội viên có chứng chỉ.
Hội đồng lương
Với những ngành có hoạt động công đoàn yếu kém, chính phủ
thành lập hội đồng lương. Hội đồng này đặt ra mức lương tối thiểu mang
tính pháp lý. Thành viên của hội đồng có cả người lao động và chủ doanh
nghiệp. Hội đồng pháp lý này tham gia vào tổ chức công đoàn riêng cho
từng ngành để có thể đại diện cho người lao động.
Mức lương mà hội đồng đặt ra có thể trội hơn mức lương tối thiểu,
nhưng trong những năm gần đây, vấn đề quan trọng của hội đồng là tăng
tỷ lệ tiền lương trong tổng thu nhập của ngành. Còn những người chủ
doanh nghiệp lại ít nghĩ tới việc tăng mức lương tối thiểu. Nếu số lao
động tăng quá nhiều sẽ làm mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu.
Phân biệt đối xử
Sự phân biệt đối xử thể hiện ở chỗ một số nhóm người vấp phải
nhiều khó khăn hơn trong quá trình tìm kiếm việc làm. Trong chừng mực
nào đó, hiện hữu mức lương phân biệt của nữ giới và người da màu với
nam giới và người da trắng. Lao động nữ chiếm tỷ trọng cao trong các
nghề văn phòng và dịch vụ, lao động da màu có tỷ trọng cao hơn lao
động da trắng trong các nghề lao động giản đơn. Cung lao động lớn hơn
cầu lao động trong những nghề này làm cho người lao động bị hạn chế
khi lựa chọn nghề nghiệp và họ luôn nhận được mức lương thấp.
Bên cạnh đó còn có thể thấy sự phân biệt đối xử rõ ràng hơn với
cùng một công việc, một chức vụ, phụ nữ và người da màu vẫn có thể
nhận được bậc lương thấp hơn nam giới và người da trắng. Sự phân biệt
đối xử về giới tính có thể do các chủ doanh nghiệp không muốn đào tạo
và thăng tiến cho phụ nữ, những người vẫn thường bị coi là hay có thời
gian nghỉ gián đoạn công việc.
220
Lao động nữ và người da màu có thể bị hạn chế trong các cơ hội
đào tạo, họ có thể được đào tạo tại chỗ hay bị ép buộc trong các cơ hội
đào tạo có lợi.
Một lý giải khác cho mức lương thấp của lao động nữ là họ có điều
kiện làm việc dễ chịu và nhẹ nhàng hơn lao động nam. Ngoài ra, phụ nữ
cũng ít tham gia vào các tổ chức công đoàn hơn so với nam giới, vì vậy
họ không được hưởng những quyền lợi do sự thương lượng của các tổ
chức công đoàn đem lại.
Phân đoạn thị trường
- Thị trường lao động có thể phân chia thành hai nhóm chính, một
nhóm có thể gọi là "công việc tốt" và nhóm kia gọi là "công việc tồi".
Mức lương tương ứng giữa hai nhóm tuỳ thuộc vào số lượng lao động
trong từng nhóm. Nguồn cung lao động lớn cho các công việc tồi (thị
trường lao động thứ cấp) và nguồn cung lao động khan hiếm cho các
công việc tốt (thị trường lao động cao cấp) sẽ dẫn đến tình trạng lương
thấp cho nhóm thứ cấp và lương cao hơn cho nhóm cao cấp.
Khi đó, sự chênh lệch tiền lương không căn cứ vào năng lực của
bất kỳ cá nhân nào trong hai đoạn thị trường. Năng lực lao động có thể bị
hạn chế trong thị trường lao động thứ cấp nếu họ không có cơ hội tìm
được việc làm ở nơi khác và dĩ nhiên mức lương của họ sẽ thấp. Đầu tư
lao động cho bản thân không tác động đến tiền lương của người lao động
nhưng nó sẽ có tác động khi họ thâm nhập được vào lĩnh vực lao động
cao cấp.
- Số lượng các “công việc tốt” và các “công việc tồi” chịu ảnh
hưởng bởi các đặc trưng của ngành. Đoạn "công việc tốt" gắn với các
ngành mang tính tập trung cao và đoạn "công việc tồi" gắn với các ngành
mang tính tập trung không cao. Trong những ngành mà thị trường lao
động tập trung cao hơn thì những thể chế về tiền lương chặt chẽ hơn.
221
Ở các ngành có tính tập trung thấp, quan hệ lao động không chắc
chắn, việc làm kém ổn định và người lao động ít gắn bó với doanh
nghiệp. Số lượng các nghiệp đoàn ít. Quan hệ giữa giới chủ với người lao
động dựa trên cơ sở cá nhân hơn là dựa trên cơ sở sự thương lượng của
tổ chức công đoàn doanh nghiệp. Đào tạo và thăng cấp trong doanh
nghiệp có thể bị hạn chế và những người chủ doanh nghiệp có thể áp
dụng phương pháp điều hành mang tính áp đặt.
- Các đặc trưng của hai đoạn thị trường trên đã có thể giải thích cho
sự chênh lệch tiền lương. Tuy nhiên, những người chủ doanh nghiệp của
đoạn "công việc tốt" có thể thuê được những lao động có trình độ cao
hơn vì sức hấp dẫn của công việc, ngược lại, những người chủ doanh
nghiệp của đoạn "công việc tồi" lại chỉ có thể thu hút lao động trình độ
thấp. Và đây cũng là một nguyên nhân gây nên sự chênh lệch tiền lương.
Các doanh nghiệp tuỳ thuộc vào khả năng của mình để trả các mức
lương cao. Các doanh nghiệp thuộc các ngành mang tính tập trung cao có
thể phân phối lợi nhuận cao hơn bằng hình thức tăng lương cho người lao
động. Các doanh nghiệp trong các ngành có tính tập trung thấp thì lợi
nhuận thu được cũng thấp. Cạnh tranh sản phẩm gay gắt trong đoạn
"công việc tồi" có thể hạn chế việc trả lương cao của các doanh nghiệp.
- Ngành du lịch được coi là thuộc đoạn "công việc tồi" (thị trường
lao động thứ cấp). Bản chất cạnh tranh và không tập trung của ngành đã
dẫn đến việc ngành công nghiệp này hoạt động trong thị trường lao động
thứ cấp. Trong ngành, các công việc không cần kỹ năng hoặc có kỹ năng
đơn giản, lao động mang đặc điểm bán thời gian và có tính thời vụ.
Người lao động dịch chuyển linh hoạt và cơ cấu lao động không cố định.
Quan hệ giữa những người lao động và giới chủ được coi trọng đồng thời
với việc phân phối tiền thưởng của nhà quản trị.
6.1.4.2. Một số hình thức trả lương cho người lao động trong
doanh nghiệp du lịch Việt Nam hiện nay
222
Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương được quan niệm là biểu
hiện bằng tiền của giá trị sức lao động - là giá cả của sức lao động mà
người sử dụng lao động phải trả cho người cung ứng sức lao động theo
quy luật cung - cầu của thị trường và pháp luật hiện hành của Nhà nước.
Đối với các doanh nghiệp trong ngành du lịch, phổ biến các hình
thức trả lương cho người lao động là hình thức trả lương theo thời gian,
trả lương khoán theo doanh thu và trả lương khoán theo thu nhập.
Trả lương theo thời gian
Trả lương theo thời gian là hình thức trả lương mà tiền lương của
người lao động tuỳ thuộc vào thời gian lao động và mức lương đã quy
định theo trình độ thành thạo của người đó.
Lương theo ngày công, giờ công đã khuyến khích người lao động
đảm bảo ngày công lao động nhưng tiền lương lại mang tính chất bình
quân, tạo tư tưởng đối phó của người lao động, họ chỉ làm việc một cách
hình thức, do đó giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì
những hạn chế đó nên các doanh nghiệp thường trả lương theo thời gian
kết hợp với thưởng cho người lao động.
Trả lương khoán theo doanh thu
Khoán doanh thu là cơ chế khoán mà tiền lương và tiền thưởng của
bộ phận kinh doanh và cá nhân người lao động tuỳ thuộc vào đơn giá
lương khoán và mức doanh thu thực tế đạt được.
Hình thức trả lương này đã kết hợp việc trả lương với kết quả lao
động, phân phối tiền lương đã gắn với số lượng và chất lượng lao động,
vì thế đã khắc phục được tính chất bình quân hoá trong lương theo thời
gian và làm cho người lao động quan tâm đến kết quả công việc.
Vì phụ thuộc vào một chỉ tiêu giá trị (doanh thu) nên hình thức trả
lương này chỉ phù hợp trong điều kiện thị trường tương đối ổn định, giá
cả ít biến động và các điều kiện khác ổn định. Nếu doanh thu đạt được
cao thì mức lương của người lao động sẽ cao, nên có thể xảy ra tình trạng
223
chạy theo doanh thu, gian lận trong hạch toán, không chú ý đến chi phí
đầu vào, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trả lương khoán theo thu nhập
Trả lương khoán theo thu nhập là cơ chế khoán mà tiền lương và
tiền thưởng của tập thể và cá nhân người lao động tuỳ thuộc vào thu nhập
của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ chế khoán gộp quỹ lương với các quỹ
doanh nghiệp, nếu phân phối cho các quỹ theo tỷ lệ cao thì quỹ lương sẽ
bị thu hẹp.
Khi doanh thu tăng, đồng thời tiết kiệm chi phí, tạo ra thu nhập lớn
thì quỹ lương lớn, không khống chế tối đa. Như vậy, hình thức trả lương
này đã gắn tiền lương của người lao động với năng suất, chất lượng và
hiệu quả của doanh nghiệp, buộc họ phải nâng cao hiệu quả của doanh
nghiệp.
Tuy nhiên, người lao động nhận được lương khoán thường bị chậm,
vì sau khi hạch toán đầy đủ mới xác định được quỹ lương khoán, làm
giảm tác dụng đòn bẩy của tiền lương. Mặt khác, hình thức trả lương này
chỉ áp dụng được với cơ sở hạch toán kinh tế độc lập, nên những cơ sở
hạch toán nội bộ không áp dụng được.
Ba hình thức trả lương cơ bản trên được áp dụng nhiều trong các
nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam. Tuy nhiên, tuỳ theo mỗi doanh nghiệp
có thể kết hợp các hình thức trả lương đó. Chẳng hạn, đối với bộ phận
lao động gián tiếp (phòng nhân sự, phòng kế hoạch, phòng tài chính kế
toán,...) áp dụng hình thức trả lương theo thời gian có thưởng; với các bộ
phận lao động trực tiếp (buồng, bàn, bếp,... ) có thể áp dụng lương khoán
theo doanh thu hoặc khoán theo thu nhập,...
6.1.5. Đánh giá tình hình lao động - tiền lương
Việc đánh giá tình hình lao động - tiền lương của doanh nghiệp du
lịch được thực hiện theo các bước sau:
224
Bước 1: Lập bảng phân tích và xác định các chỉ tiêu cần thiết:
Nhóm chỉ tiêu doanh thu, nhóm chỉ tiêu lao động, quỹ tiền lương, năng
suất lao động, tiền lương bình quân, tỷ suất tiền lương.
Bước 2: Phân tích chung về tình hình lao động - tiền lương. Đánh
giá tình hình lao động - tiền lương theo các yếu tố: Lao động, năng suất
lao động và tiền lương.
Bước 3: Xác định mức tiết kiệm hay vượt chi về quỹ lương:
+/-P = (P’
1
- P’
0
) x D
1
Bước 4: Phân tích mối quan hệ giữa 3 chỉ tiêu: Năng suất lao động,
tiền lương bình quân và tỷ suất tiền lương.
Bước 5: Kết luận chung về tình hình lao động - tiền lương của
doanh nghiệp, chỉ rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
Hộp 6.1
Tình hình lao động - tiền lương tại khách sạn Lotte Hotel Hanoi
STT
Các chỉ tiêu
ĐVT
Năm
2018
Năm
2019
So sánh 2019
với 2018
+/-
%
1
Tổng doanh thu
Trđ
652.090
778.900
+126.810
119,45
2
Số lao động bình quân
Người
540
556
+16
102,96
3
Tổng quỹ lương
Trđ
57.320
62.778
+5.458
109,52
4
Năng suất lao động
bình quân
Trđ/người
1.207,57
1.400,9
+193,33
116,01
5
Tiền lương bình quân năm
Trđ/người
106,15
112,91
+6,76
106,37
6
Tiền lương bình quân tháng
Trđ/người
8,85
9,41
+0,56
106,37
7
Tỷ suất tiền lương
%
8,79
8,06
(-0,73)
Nguồn: Khách sạn Lotte Hotel Hanoi
Theo số liệu trên cho thấy, tình hình lao động - tiền lương của khách sạn năm
2019 so với năm 2018 là tốt, thể hiện qua các chỉ tiêu: Số lao động bình quân và năng
225
suất lao động bình quân của một người lao động tăng khá mạnh; tổng quỹ lương năm
2019 tăng 9,52% so với năm 2018, tiền lương bình quân năm và tiền lương bình quân
tháng của người lao động đều tăng 6,37% so với năm 2018; tỷ suất tiền lương năm
2019 giảm 0,73% so với năm 2018 nguyên nhân là do tốc độ tăng của tổng doanh thu
mạnh hơn tốc độ tăng của tổng quỹ lương. Do vậy, trong thời gian tới khách sạn nên
tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh, tăng năng suất cho người lao động, cải thiện và
nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.
Hộp 6.2
Tình hình lao động - tiền lương của Công ty Sunvina Travel
ST
T
Các chỉ tiêu
ĐVT
Năm
2018
Năm
2019
So sánh 2019
với 2018
+/-
%
1
Tổng doanh thu
Trđ
15.391,01
19.271,08
+3.880,07
125,21
2
Số lao động
bình quân
Người
23
28
+5
121,74
3
Tổng quỹ lương
Trđ
1.950
2.450
+500
125,64
4
Năng suất lao
động bình quân
Trđ/người
669,17
688,25
+19,08
102,85
5
Tiền lương
bình quân năm
Trđ/người
84,78
87,5
+2,72
103,21
6
Tiền lương
bình quân tháng
Trđ/người
7,07
7,29
+0,22
103,12
7
Tỷ suất tiền lương
%
12,67
12,71
(+0,04)
Nguồn: Công ty Sunvina Travel
Qua số liệu trên cho thấy, tổng doanh thu và tổng quỹ lương của công ty năm 2019
đều tăng so với năm 2018, tuy nhiên tốc độ tăng của tổng quỹ lương mạnh hơn tốc độ
tăng của tổng doanh thu nên điều này dẫn đến tỷ suất tiền lương của công ty tăng
0,04% so với năm 2018. Năng suất lao động bình quân của người lao động năm 2019
tăng 2,85% so với năm 2018. Tiền lương bình quân năm và tiền lương bình quân tháng
năm 2019 đều tăng hơn so với năm 2018. Như vậy, có thể đánh giá tình hình lao động -
tiền lương của khách sạn qua hai năm là chưa tốt.
226
6.2. VỐN KINH DOANH DU LỊCH
Trong kinh doanh nói chung và kinh doanh du lịch nói riêng, vốn là
yếu tố nguồn lực cơ bản để tiến hành các hoạt động kinh doanh. Đây
được coi là yếu tố không thể thiếu. Việc huy động, bảo tồn và phát triển
nguồn vốn có vai trò quan trọng trong việc mở rộng quy mô kinh doanh
và hoàn thành các mục tiêu của doanh nghiệp du lịch.
6.2.1. Đặc điểm và tầm quan trọng của vốn kinh doanh du lịch
Trong các doanh nghiệp kinh doanh nói chung, doanh nghiệp kinh
doanh du lịch nói riêng, vốn kinh doanh là hình thái giá trị của toàn bộ tư
liệu sản xuất được doanh nghiệp sử dụng một cách hợp lý, có kế hoạch
vào việc sản xuất những sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. Vốn kinh
doanh là số vốn được dùng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh
nghiệp, số vốn này được hình thành từ khi thành lập doanh nghiệp (do
chủ sở hữu đóng góp ban đầu) và bổ sung thêm trong quá trình hoạt động
sản xuất kinh doanh.
Vốn kinh doanh nói chung và vốn kinh doanh du lịch nói riêng đều
có thể nhìn nhận dưới góc độ giá trị hoặc hiện vật; có thể tồn tại dưới
dạng tiền tệ hay tài sản có khả năng tạo ra thu nhập cho doanh nghiệp; có
thể hữu hình hay vô hình, từ đó ảnh hưởng đến công tác quản lý vốn và
hạch toán tài chính.
Vốn kinh doanh du lịch là biểu hiện bằng tiền của tất cả tài sản cần
thiết dùng để tiến hành kinh doanh du lịch.
Hộp 6.3
Quá trình tăng vốn của tập đoàn FLC
227
Nguồn: Tập đoàn FLC
Vốn kinh doanh du lịch bao gồm những đặc điểm cơ bản
như sau:
Vốn hiện vật là bộ phận chủ yếu trong kinh doanh du lịch. Đó là
phần đất đai, nhà cửa, máy móc, thiết bị,... và những tài sản dự trữ cho
quá trình sản xuất kinh doanh như nguyên liệu, bán thành phẩm trong
kinh doanh ăn uống và đồ lưu niệm tại điểm du lịch hay trong các khách
sạn,... Do kinh doanh du lịch cần sử dụng cơ sở vật chất kĩ thuật, trang
thiết bị để phục vụ cho quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ cho khách
hàng nên vốn hiện vật là bộ phận chủ yếu. Doanh nghiệp du lịch cần có
kế hoạch đầu tư, đổi mới, nâng cấp, đồng thời có những biện pháp tổ
chức và quản lý bộ phận vốn hiện vật một cách hiệu quả.
Trong kinh doanh khách sạn, vốn đầu tư ban đầu thường rất lớn.
Vốn đầu tư ban đầu là số vốn do chủ doanh nghiệp đầu tư khi thành lập
doanh nghiệp và được ghi vào điều lệ của doanh nghiệp (gọi là vốn điều
lệ). Vốn điều lệ mà chủ doanh nghiệp đầu tư khi mới thành lập nhiều hay
ít tùy thuộc vào khả năng tài chính của chủ doanh nghiệp nhưng tối thiểu
phải bằng mức vốn pháp định do Nhà nước quy định. Các khoản đầu tư
ban đầu thường là đầu tư xây dựng cơ bản. Đối với kinh doanh các dịch
vụ như lưu trú, cho thuê văn phòng trong khách sạn,... thì vốn đầu tư ban
đầu có thể rất lớn. Để xây dựng một phòng khách sạn 5 sao tiêu chuẩn
228
quốc tế cần tối thiểu 200.000 USD, một phòng 4 sao cần tối thiểu
135.000 USD, một phòng 3 sao cần tối thiểu 100.000 USD. Do đó, tùy
vào loại dịch vụ, khả năng tài chính của chủ doanh nghiệp,... doanh
nghiệp kinh doanh du lịch cần đầu tư vốn ban đầu một cách hợp lý nhằm
mang lại hiệu quả cao.
Vốn cố định chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số vốn kinh doanh du
lịch. Do phần lớn vốn hiện vật của doanh nghiệp là các tài sản cố định
nên vốn cố định chiếm tỷ trọng lớn. Tài sản cố định là bộ phận tư liệu lao
động có giá trị lớn và thời gian sử dụng, thu hồi, luân chuyển giá trị
mang tính dài hạn. Các loại tài sản cố định hữu hình như nhà cửa, văn
phòng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và thiết bị truyền dẫn,... và
các loại tài sản cố định vô hình như quyền sử dụng đất, thương hiệu,
quyền phát hành, bằng phát minh sáng chế, nhãn hiệu thương mại, bản
quyền tác giả,... Doanh nghiệp du lịch cần có những biện pháp tổ chức và
quản lí tài sản cố định của doanh nghiệp tránh thất thoát, lãng phí và cần
quản lí khấu hao tài sản cố định.
Vốn đa dạng gồm nhiều loại theo các nghiệp vụ kinh doanh. Kinh
doanh du lịch mang tính đa dạng theo các lĩnh vực dịch vụ, tùy thuộc vị
trí kinh doanh, thị trường mục tiêu, thứ hạng và quy mô của doanh
nghiệp. Vì thế các doanh nghiệp du lịch thường kinh doanh nhiều sản
phẩm dịch vụ khác nhau. Tương ứng với mỗi nghiệp vụ kinh doanh đòi
hỏi vốn kinh doanh là khác nhau. Tùy thuộc vào nghiệp vụ kinh doanh,
lĩnh vực kinh doanh, khả năng của doanh nghiệp,... để lựa chọn nguồn
vốn phù hợp nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh, đồng thời mang lại
hiệu quả cho doanh nghiệp.
Vốn trong kinh doanh du lịch được huy động từ nhiều nguồn khác
nhau. Do có nhiều nguồn huy động vốn khác nhau như: Huy động vốn từ
các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng; huy động vốn nội bộ người
lao động trong doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu;
huy động từ việc tham gia liên doanh liên kết; huy động từ các nguồn
229
khác. Doanh nghiệp cần lựa chọn nguồn huy động vốn thuận lợi nhất
nhằm đảm bảo huy động vốn kịp thời, đầy đủ và hiệu quả nhất.
Vốn kinh doanh du lịch có vai trò quan trọng cả với ngành và với
doanh nghiệp.
- Đối với ngành du lịch, vốn là một trong những yếu tố tạo ra của
cải vật chất và dịch vụ cho xã hội, góp phần mở rộng tái sản xuất kinh
doanh, tăng tốc độ tăng trưởng của ngành, vốn cũng là một trong những
yếu tố tạo ra sự hình thành, củng cố và nâng cao vị thế của ngành trong
nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần có vốn để có thể
thực hiện vai trò quản lý nhà nước đối với ngành, có thể thực hiện những
chiến lược phát triển ngành, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong
ngành phát triển.
- Đối với doanh nghiệp, vốn là một yếu tố sản xuất, một nguồn lực
cần thiết cho quá trình kinh doanh nhằm tạo sản phẩm đáp ứng được nhu
cầu của khách hàng. Vốn tham gia quá trình tạo ra lợi nhuận cho doanh
nghiệp, đồng thời đó cũng là một trong những yếu tố cạnh tranh của
doanh nghiệp. Mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: Thực
hiện chiến lược kinh doanh, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, mở
rộng thị trường, xúc tiến quảng bá,... đều cần mức vốn khác nhau.
6.2.2. Nhu cầu vốn kinh doanh
Xác định nhu cầu vốn kinh doanh trong doanh nghiệp nói chung có
ý nghĩa rất quan trọng. Đứng trên quan điểm nhà tài chính trong doanh
nghiệp, việc xác định hay dự toán nguồn vốn phải vay trong năm kế
hoạch cần phải được cân nhắc thận trọng, nếu xác định không chính xác
sẽ gây ra tình trạng thiếu vốn trong một chu kỳ kinh doanh ảnh hưởng
trực tiếp đến kết quả và hiệu quả kinh doanh của chu kỳ đó.
Dự toán nhu cầu vốn kinh doanh là việc doanh nghiệp dự kiến các
hoạt động trong tương lai để tính toán ra số vốn kinh doanh cần thiết.
230
Đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu về vốn cho hoạt động hàng ngày của
doanh nghiệp.
Cơ sở lập dự toán ngân sách:
- Dựa trên mức doanh thu mong muốn trong kỳ kế hoạch.
- Dựa trên đà tăng trưởng của doanh nghiệp.
- Các số liệu báo cáo và số liệu kế hoạch về tình hình hoạt động
cũng như mục tiêu của doanh nghiệp trong tương lai.
Các phương pháp dự toán nhu cầu vốn kinh doanh:
a. Phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu
Các bước thực hiện:
- Tính số dư của các khoản mục trong bảng cân đối kế toán ở kỳ
thực hiện.
- Chọn các khoản mục (cả bên nguồn vốn và bên tài sản) trong
bảng cân đối kế toán chịu sự tác động trực tiếp và có mối quan hệ chặt
chẽ với doanh thu sau đó đi tính tỷ lệ phần trăm của các khoản mục đó so
với doanh thu thực hiện trong kỳ.
- Lấy tỷ lệ phần trăm của tài sản so với doanh thu trừ đi tỷ lệ phần
trăm của nguồn vốn so với doanh thu.
- Lấy doanh thu kỳ kế hoạch trừ đi doanh thu kỳ thực tế (trị tuyệt đối).
- Xác định nhu cầu vốn kinh doanh tăng thêm.
Lưu ý, phương pháp này chỉ được dùng để dự toán nhu cầu vốn
kinh doanh trong ngắn hạn.
b. Phương pháp hồi quy
Nội dung của phương pháp này là so sánh tương quan giữa quy mô
của các loại tài sản và nguồn vốn với doanh thu thực tế qua nhiều năm, từ
231
kết quả so sánh đó, rút ra quy luật diễn biến của một loại nguồn vốn nào
đó. Phương pháp này sử dụng quy luật trên để dự toán nhu cầu vốn cho
các năm kế tiếp.
Các bước thực hiện:
- Biểu diễn các số liệu về tài sản ngắn hạn của các năm trên trục tung.
- Biểu diễn các số liệu về doanh thu của các năm trên trục hoành.
- Xác định các điểm tương quan giữa tài sản và doanh thu của mỗi
năm, sau đó nối các điểm này lại với nhau trên đồ thị thành một đường
thẳng (đường hồi quy).
- Kéo dài đường hồi quy theo xu hướng của nó ứng với doanh thu
kỳ kế hoạch ta xác định được nhu cầu tài sản ngắn hạn.
Lưu ý, phương pháp này đòi hỏi phải có nhiều số liệu thực tế qua
nhiều năm. Đây là phương pháp chỉ dựa trên doanh thu dự kiến nên
không chính xác tuyệt đối.
Đây là phương pháp thường được dùng để dự toán nhu cầu vốn
kinh doanh trong dài hạn, nó diễn tả tương quan giữa quy mô các loại tài
sản và nguồn vốn so với doanh thu thực tế qua nhiều năm để từ đó rút ra
quy luật biến đổi cụ thể.
6.2.3. Cơ cấu và nguồn vốn kinh doanh du lịch
Để đảm bảo hoạt động kinh doanh của bất cứ doanh nghiệp nào thì
yếu tố tiên quyết không thể thiếu chính là vốn. Nguồn vốn là nguồn hình
thành nên các tài sản cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh
doanh của doanh nghiệp. Nguồn vốn trong doanh nghiệp bao gồm vốn
chủ sở hữu và nợ phải trả. Tỷ lệ giữa nợ phải trả (có thể là tổng nợ hoặc
nợ dài hạn) và tổng vốn đầu tư (hoặc vốn chủ sở hữu) được hiểu là cơ
cấu vốn của doanh nghiệp. Như vậy, thành phần và tỷ trọng từng nguồn
vốn so với tổng nguồn vốn tại 1 thời điểm gọi là cơ cấu nguồn vốn. Một
232
cơ cấu nguồn vốn hợp lý phản ánh sự kết hợp hài hòa giữa vốn chủ sở
hữu và vốn vay trong điều kiện nhất định.
Về bản chất, cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp là quan hệ về tỷ
trọng giữa vốn vay và vốn chủ sở hữu. Cơ cấu nguồn vốn của doanh
nghiệp thường biến động trong các chu kỳ kinh doanh và có thể ảnh
hưởng tích cực đến lợi ích của chủ sở hữu.
Trong kinh doanh du lịch, vốn cũng được huy động từ nhiều nguồn
khác nhau. Doanh nghiệp tiến hành xác định và lựa chọn các nguồn vốn
phù hợp tuỳ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của mình. Nhìn chung,
có thể xác định nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp du lịch theo hai
giai đoạn, là vốn đầu tư ban đầu và vốn kinh doanh thường xuyên, mỗi
giai đoạn này, vốn được hình thành từ các nguồn khác nhau.
Đối với đầu tư ban đầu hoặc bổ sung thêm trong quá trình kinh
doanh, doanh nghiệp có thể huy động vốn từ các nguồn như sau:
- Nguồn vốn chủ sở hữu bao gồm: Vốn tự có của doanh nghiệp, lợi
nhuận chưa phân phối, vốn bổ sung thêm trong quá trình kinh doanh
hoặc vốn tài trợ của Nhà nước.
- Nguồn vốn vay bao gồm: Vay ngân hàng, phát hành trái phiếu của
công ty, hình thức thuê tài chính, vay của các tổ chức tài chính khác...
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể huy động vốn trong nội bộ ngành
hoặc doanh nghiệp.
Đối với hoạt động kinh doanh thường xuyên, doanh nghiệp huy
động vốn từ các nguồn: Vốn tự có của doanh nghiệp; vốn coi như tự có;
quỹ tạm sử dụng (quỹ lương, phúc lợi, khen thưởng); vốn vay ngân hàng
dưới hình thức ngắn hạn và vốn trong thanh toán.
6.2.4. Đánh giá tình hình vốn kinh doanh
Việc đánh giá tình hình vốn kinh doanh của doanh nghiệp dịch vụ
khách sạn, du lịch được thực hiện theo các bước sau:
233
Bước 1: Lập bảng phân tích và xác định các chỉ tiêu cần thiết:
Nhóm chỉ tiêu tổng số vốn, nhóm chỉ tiêu phân loại vốn, nhóm chỉ tiêu
nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn.
Bước 2: Phân tích chung về tình hình vốn kinh doanh của doanh
nghiệp.
Bước 3: Đánh giá theo từng loại vốn và từng nguồn vốn, xác định
tỷ trọng từng loại vốn và từng nguồn vốn.
Bước 4: Kết luận chung về tình hình vốn kinh doanh của doanh
nghiệp.
Hộp 6.4
Tình hình vốn kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội
STT
Chỉ tiêu
ĐVT
Năm 2018
Năm 2019
So sánh
2019 với 2018
±
%
1
Tổng số vốn
Trđ
32.623
35.792
+ 3.169
109,71
2
Vốn cố định
Trđ
6.790
7.186
+ 396
105,83
Tỷ trọng vốn cố định
%
20,81
20,08
(- 0,73)
-
3
Vốn lưu động
Trđ
25.833
28.606
+ 2.773
110,73
Tỷ trọng vốn lưu động
%
79,19
79,92
(+0,73)
-
Nguồn: Công ty Hanoi Tourism JSC
Qua số liệu trên cho thấy, tổng vốn của doanh nghiệp năm 2019 tăng 9,71%, tương
ứng với tăng 3.169 triệu đồng so với năm 2018. Trong đó, vốn cố định tăng 5,83%,
tương ứng tăng 396 triệu đồng, vốn lưu động tăng 10,73%, tương ứng với tăng 2.773
triệu đồng. Vốn lưu động chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn của doanh nghiệp và có tốc
độ tăng trưởng lớn hơn vốn cố định. Như vậy, có thể đánh giá tình hình vốn của khách
sạn qua hai năm là tốt, doanh nghiệp không ngừng chú trọng quay vòng vốn kinh doanh,
mở rộng vốn kinh doanh.
234
Hộp 6.5
Tình hình vốn kinh doanh của chuỗi nhà hàng Grill 63 năm 2018
Tên chỉ tiêu
ĐVT
Đầu kỳ
Cuối kỳ
So sánh cuối kỳ với đầu kỳ
±
%
1. Nợ phải trả
VNĐ
80.342.957.936
90.897.595.599
+10.554.637.663
113,14
- Nợ ngắn hạn
VNĐ
79.722.957.936
90.897.595.599
+11.174.637.663
114,02
Tỷ trọng
%
99,23
100
+0,77
-
- Nợ dài han
VNĐ
620.000.000
-
-620.000.000
-
Tỷ trọng
%
0,77
-
-0,77
-
Tên chỉ tiêu
ĐVT
Đầu kỳ
Cuối kỳ
So sánh cuối kỳ
với đầu kỳ
±
%
2. Nguồn vốn
chủ sở hữu
VNĐ
17.477.108.702
11.489.985.968
-5.987.122.734
65,74
- Vốn chủ sở hữu
VNĐ
17.477.108.702
11.489.985.968
-5.987.122.734
65,74
Tỷ trọng
%
100,00
100,00
-
-
- Các quỹ khác
VNĐ
-
-
-
-
Tỷ trọng
%
-
-
-
-
Tổng cộng
nguồn vốn
VNĐ
97.820.066.638
102.387.581.567
+4.567.514.929
104,67
Nguồn: Chuỗi nhà hàng Grill 63
Qua số liệu trên cho thấy, tổng vốn của nhà hàng cuối kỳ so với đầu kỳ 2018 tăng
4,67%, tương ứng với tăng 4.567.514.929 VNĐ. Trong đó, nợ phải trả tăng 13,14%,
nguồn vốn chủ sở hữu giảm 34,26%. Cho thấy tình hình sử dụng vốn của nhà hàng
chưa thực sự tốt, vốn phải trả nợ nhiều còn vốn chủ sở hữu đang có xu hướng giảm
đáng kể.
CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN
1. Lao động trong ngành khách sạn, du lịch là gì? Phân tích các đặc
điểm lao động kinh doanh ngành khách sạn, du lịch?
235
2. Phân tích cung lao động và cầu lao động ngành khách sạn, du
lịch? Ý nghĩa nhận thức vấn đề này?
3. Phân tích các chỉ tiêu phản ánh năng suất lao động trong ngành
khách sạn, du lịch? Trình bày các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất lao
động ngành khách sạn, du lịch? Ý nghĩa nhận thức vấn đề này?
4. Phân tích bản chất và vai trò của tiền lương trong ngành khách
sạn, du lịch? Trình bày các hình thức trả lương phổ biến trong ngành
khách sạn, du lịch hiện nay, phân tích ưu và nhược điểm của các hình
thức trả lương này? Ý nghĩa nhận thức vấn đề này?
5. Trình bày các yếu tố tác động đến sự khác biệt các mức lương giữa
ngành du lịch với các ngành khác và những người lao động trong ngành?
6. Phân tích các đặc điểm và vai trò của vốn kinh doanh ngành
khách sạn, du lịch? Phân tích bản chất cơ cấu nguồn vốn kinh doanh
ngành khách sạn, du lịch? Ý nghĩa nhận thức vấn đề này?
7. Phân tích nhu cầu vốn kinh doanh trong ngành khách sạn, du
lịch? Các phương pháp xác định nhu cầu vốn kinh doanh của ngành?
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 6
TIẾNG VIỆT
1. Trần Xuân Cầu & Mai Quốc Chánh (2012), Kinh tế nguồn nhân
lực, NXB ĐH Kinh tế quốc dân.
2. Vũ Thùy Dung & Hoàng Văn Hải (2008), Quản trị nhân lực,
NXB Thống kê.
3. Nguyễn Văn Đính & Trần Thị Minh Hòa (2004), Giáo trình
Kinh tế du lịch, NXB Lao động - Xã hội.
4. Phạm Quang Trung (2012), Quản trị tài chính doanh nghiệp,
NXB Kinh tế quốc dân.
5. https://www.lottehotel.com/hanoi-hotel/vi.html
236
6. https://sunvinatravel.com/
7. https://www.flc.vn/
8. https://hanoitourism.travel/
TIẾNG ANH
9. A.M Sheela (2007), Economics of hotel management, New Age
International.
10. Mike Stabler & cộng sự (2010), The Economics of tourism,
Routledge New York.
237
Chương 7
CHI PHÍ VÀ LỢI NHUẬN KINH DOANH DU LỊCH
Mục tiêu của chương:
Sau khi học xong chương này, người học có khả năng:
Nắm được các khái niệm về chi phí kinh doanh du lịch, lợi nhuận
kinh doanh du lịch;
Hiểu rõ được đặc điểm và cơ cấu của chi phí kinh doanh du lịch,
đặc điểm và tầm quan trọng của lợi nhuận kinh doanh du lịch;
Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh du lịch,
lợi nhuận kinh doanh du lịch;
Đánh giá được tình hình sử dụng chi phí và lợi nhuận trong
doanh nghiệp du lịch.
7.1. CHI PHÍ KINH DOANH DU LỊCH
Việc tìm hiểu một số vấn đề cơ bản như đặc điểm, cơ cấu chi phí,
tỷ suất chi phí, chi phí ngắn hạn, chi phí dài hạn và các nhân tố ảnh
hưởng đến chi phí trong kinh doanh du lịch nhằm mục đích làm rõ bản
chất của chi phí. Đây cũng là cơ sở quan trọng để nghiên cứu về chi phí
trong kinh doanh du lịch.
7.1.1. Đặc điểm và cơ cấu chi phí
7.1.1.1. Đặc điểm chi phí kinh doanh du lịch
Ngành du lịch là ngành hoạt động mang tính chất đặc thù với các
chức năng sản xuất, thương mại và dịch vụ nhằm đáp ứng các nhu cầu về
vận chuyển, ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí,... Trong quá trình thực
hiện các chức năng đó, đòi hỏi các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải
238
bỏ ra một lượng hao phí lao động cần thiết - được thể hiện dưới hình thái
giá trị (tiền tệ) - đó chính là chi phí kinh doanh du lịch.
Chi phí kinh doanh du lịch là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ các
hao phí lao động xã hội cần thiết để thực hiện việc sản xuất và cung ứng
các sản phẩm dịch vụ cho khách hàng trong một thời kỳ nhất định.
Chi phí kinh doanh du lịch bao gồm những đặc điểm cơ bản như sau:
Chi phí kinh doanh du lịch được biểu hiện bằng tiền. Trong kinh
doanh du lịch, chi phí phát sinh và biểu hiện dưới hai hình thái biểu hiện
trực tiếp bằng tiền và biểu hiện dưới dạng hiện vật. Các khoản chi phí
được biểu hiện trực tiếp bằng tiền như chi phí tiền lương, điện, nước,...
Có những hao phí về hiện vật được quy ra tiền như hao phí về tài sản cố
định, hao hụt nguyên liệu, hàng hóa,... Tuy nhiên, do yêu cầu của hạch
toán kinh doanh cho nên tất cả các khoản chi phí kinh doanh du lịch đều
phải được đo lường bằng giá trị tiền tệ.
Chi phí kinh doanh du lịch là hao phí lao động xã hội cần thiết. Đó
là những hao phí để sản xuất và cung ứng sản phẩm có ích cần thiết đáp
ứng yêu cầu của khách hàng, là những hao phí được xã hội thừa nhận
như chi phí tiền lương, chi phí nguyên liệu, chi phí điện nước,... Những
hao phí không liên quan đến việc sản xuất và cung ứng sản phẩm, không
được xã hội thừa nhận thì không được xác định là chi phí, ví dụ: Thiệt
hại do mất mát, tiền phạt vi phạm hợp đồng, hao hụt ngoài định mức, lãi
nợ quá hạn, hỏa hoạn,... Do vậy, đòi hỏi doanh nghiệp du lịch phải tiết
kiệm chi phí và có kế hoạch cắt giảm những khoản chi phí không cần
thiết.
Chi phí kinh doanh du lịch mang tính chất khác nhau. Chi phí kinh
doanh du lịch đa dạng thể hiện ở nhiều loại chi phí khác nhau và các chi
phí này cũng mang các tính chất khác nhau. Có những khoản chi phí
mang tính chất sản xuất đó là chi phí tạo ra sản phẩm và giá trị mới hay
giá trị gia tăng của sản phẩm; có những khoản chi phí mang tính chất lưu
thông liên quan đến việc làm thay đổi hình thái của sản phẩm; có những
239
khoản chi phí mang tính chất dịch vụ liên quan đến việc thỏa mãn nhu
cầu của khách hàng, đến quá trình tổ chức và tiêu dùng các sản phẩm
dịch vụ; có những khoản chi phí mang tính chất quản lý hành chính đó là
chi phí liên quan đến tất cả các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Tùy thuộc vào nghiệp vụ kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh, đặc điểm của
từng doanh nghiệp để phân loại chi phí và có biện pháp tiết kiệm chi phí.
Chi phí kinh doanh du lịch là sự chuyển hóa của vốn trong quá
trình kinh doanh. Để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh
nghiệp cần phải có vốn. Quá trình sử dụng vốn chính là quá trình chuyển
hóa hình thái giá trị của vốn từ tiền sang hàng và từ hàng sang tiền, kết
thúc quá trình kinh doanh vốn được hạch toán dưới dạng chi phí. Doanh
nghiệp du lịch cần nhận biết được mối quan hệ giữa vốn và chi phí để
đưa ra biện pháp quản lý phù hợp và cụ thể, vốn cần được bảo toàn và
phát triển, đối với chi phí cần xác định mức tiêu hao và tiết kiệm chi phí.
Chi phí kinh doanh du lịch đa dạng và phức tạp. Do sự đa dạng của
các nghiệp vụ kinh doanh du lịch đã tạo nên sự đa dạng và phức tạp của
chi phí: Có những chi phí có thể lượng hóa được, có những chi phí lại
không thể lượng hóa được; chi phí hình thành mọi lúc, mọi nơi, ngay cả
khi doanh nghiệp có khách hay không có khách; có những chi phí thuộc
ngành du lịch, có những chi phí liên quan đến các ngành khác;... Doanh
nghiệp du lịch cần chú trọng đến công tác phân loại chi phí, định mức chi
phí và có những biện pháp tiết kiệm chi phí.
Chi phí kinh doanh du lịch mang tính chất phức tạp, do vậy để tăng
cường quản lý và tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả kinh
doanh, chúng ta cần phân loại chi phí.
Phân loại chi phí trong kinh doanh du lịch có thể theo những tiêu
thức như sau:
- Căn cứ vào nghiệp vụ kinh doanh bao gồm chi phí kinh doanh lưu
trú, chi phí kinh doanh ăn uống, chi phí kinh doanh lữ hành, chi phí kinh
doanh các dịch vụ khác, chi phí quản lý hành chính.
240
- Căn cứ vào nội dung kinh tế của chi phí bao gồm chi phí lao động
sống, chi phí lao động vật hóa, chi phí trả công phục vụ, chi phí quản lý
hành chính.
- Căn cứ vào sự phụ thuộc của chi phí vào hoạt động kinh doanh
bao gồm chi phí cố định và chi phí biến đổi.
- Căn cứ vào yêu cầu hạch toán kinh doanh bao gồm chi phí vận
chuyển, chi phí khấu hao tài sản cố định phục vụ trực tiếp sản xuất kinh
doanh, chi phí hao hụt nguyên vật liệu, chi phí quản lý hành chính,...
Mỗi cách phân loại chi phí nêu trên đều có ý nghĩa riêng nhưng
chúng có mối quan hệ mật thiết và bổ sung cho nhau. Qua phân loại chi
phí, doanh nghiệp du lịch có thể xác định các cơ cấu chi phí khác nhau,
hiểu được cặn kẽ nội dung, tính chất, vị trí của từng loại chi phí trong
quá trình sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Vì vậy,
các doanh nghiệp cần phải đứng trên nhiều góc độ khác nhau để xem xét,
nghiên cứu các cách phân loại này nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh
đồng thời có các biện pháp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
7.1.1.2. Cơ cấu chi phí kinh doanh du lịch
Trong kinh doanh du lịch, các chi phí thường được chia ra làm 2
loại: Chi phí cố định và chi phí biến đổi.
Đầu tiên, hãy xem xét số liệu về cơ cấu các loại chi phí điển hình
liên quan tới lĩnh vực khách sạn và phục vụ ăn uống (xem Bảng 7.1 và
7.2). Tầm quan trọng của các loại chi phí cụ thể sẽ thay đổi dựa trên góc
nhìn kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch và dựa trên quy mô của
doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ/sản phẩm. Tuy nhiên, rõ ràng rằng
trong hầu hết các trường hợp, một tỷ lệ lớn chi phí có thể dưới dạng các
chi phí cố định và bán cố định, là các khoản chi phí mà các doanh nghiệp
phải chi trả, không phụ thuộc vào mức doanh thu sản phẩm lớn hay nhỏ.
241
Bảng 7.1. Cơ cấu chi phí của một nhà hàng
Nhà hàng
thức ăn nhanh
Nhà hàng phục vụ
tại bàn truyền thống
Chi phí tính theo % của doanh thu bán hàng
Chi phí bán hàng
42,8
34,3
Chi phí vận hành
- Lương và các chi phí liên quan
- Quảng cáo và khuyến mại
- Khác
19
3
9
38,5
9,5
11
Chi phí mặt bằng
- Thuê mặt bằng
- Khấu hao tài sản
- Bảo hiểm
8
2,2
0,6
4,5
3,8
0,3
Nguồn: Horwath and Horwath International, Worldwide Lodging Industry 1983
Bảng 7.2. Các chi phí của một khách sạn quốc tế
Chi phí tính theo %
của doanh thu bán hàng
Chi phí đồ ăn và thức uống
Chi phí vận hành
- Lương và các chi phí liên quan
- Chi phí các phòng ban
- Marketing
- Quản lý và chung
- Tài sản, vận hành và bảo trì
- Điện
Chi phí mặt bằng
- Thuế tài sản và bảo hiểm
- Thuê mặt bằng
- Lãi suất
- Khấu hao tài sản và khoản nợ phải trả dần
11,5
33,3
13,1
3,0
6,3
3,4
4,7
2,4
6,3
3,5
3,8
Nguồn: Horwath and Horwath International, Worldwide Lodging Industry 1983
242
Chi phí cố định được hiểu là những khoản chi phí không đổi hoặc
hầu như không đổi cho dù quy mô đầu ra của doanh nghiệp có thay đổi
hay không, ví dụ cho loại chi phí này là chi phí thuê mặt bằng, bảo hiểm,
khấu hao cũng như là các chi phí năng lượng, bảo dưỡng, marketing và
quản lý. Chi phí biến đổi được hiểu là những loại chi phí thay đổi khi quy
mô đầu ra của doanh nghiệp thay đổi, ví dụ như chi phí về thực phẩm và
đồ uống. Một vài loại chi phí như chi phí lao động được xem như là chi
phí bán cố định bởi vì chúng không thể thay đổi dễ dàng khi quy mô đầu
ra thay đổi nhưng cuối cùng chúng vẫn có thể điều chỉnh được.
Trong kinh doanh khách sạn, việc xác định chi phí phải căn cứ vào
loại dịch vụ, hàng hóa và đơn vị tính của giá. Mặt khác, nhà quản lý phải
xác định được tổng chi phí kinh doanh của khách sạn mình và chi phí cho
từng loại dịch vụ. Việc xác định chi phí cần làm rõ và xếp chúng thành 2
nhóm chi phí cố định và chi phí biến đổi (thể hiện qua Bảng 7.3 và 7.4).
Bảng 7.3. Cơ cấu chi phí lưu trú trung bình thế giới (%)
Khoản chi phí
Chi phí cố định
(FC)
Chi phí biến đổi
(VC)
Tổng
số
Lao động (trực tiếp và gián tiếp)
20
20
40
Thuê tài chính, khấu hao và chi
phí đồ đạc/tài sản cố định
30
-
30
Năng lượng và bảo dưỡng
5
10
15
Giặt là, khăn trải giường và các
đồ cung cấp
-
10
10
Chi phí khác
5
-
5
60
40
100
Nguồn: Horwath International “Worldwide Lodging Industry”, 1993
243
Bảng 7.4. Một số chi phí cố định và chi phí biến đổi
trong khách sạn
Chi phí cố định tính cho phòng
Chi phí biến đổi tính cho phòng
1. Chi phí cố định
- Thuế đất
- Thuế vốn
- Thuế môn bài
- Khấu hao cơ bản
- Khấu hao sửa chữa lớn
- Bảo hiểm (tài sản) (nếu có)
- Thuê mặt bằng (nếu có)
- Khác (nếu có)
1. Biến phí trực tiếp
- Nguyên vật liệu đặt phòng
- Thực phẩm ăn sáng (nếu có)
- Hoa hồng
- Vệ sinh
- Trái cây đặt phòng
- Văn phòng phẩm
- Sửa chữa nhỏ, bảo trì
- Hàng hóa đặt phòng
- Chi phí khác (nếu có)
2. Một phần chi phí chung và chi phí trực tiếp
- Phân bổ công cụ dụng cụ
- Tiền lương
- Phí dịch vụ
- Chi phí đào tạo
- Chi phí quảng cáo
- Dự phòng nợ khó đòi
- Trả lãi vay ngân hàng
- Dự phòng nghỉ việc
- Chi phí khác (nếu có)
2. Một phần chi phí chung
- Điện
- Nước
- Điện thoại, fax
- Internet
Nguồn: Horwath International “Worldwide Lodging Industry”, 1993
7.1.2. Tỷ suất chi phí kinh doanh
Chi phí là một trong những căn cứ để doanh nghiệp xác định lợi
nhuận. Các doanh nghiệp du lịch luôn đặt mục tiêu tiết kiệm chi phí lên
hàng đầu. Tùy theo từng giai đoạn cũng như từng điều kiện kinh doanh,
mức chi phí của doanh nghiệp có thể tăng giảm khác nhau. Vì vậy, doanh
nghiệp cũng cần có quan điểm rõ ràng khi tìm các biện pháp tiết kiệm chi
244
phí. Với cách tiếp cận mở, tiết kiệm chi phí được hiểu là giảm tỷ suất chi
phí trong kỳ kinh doanh. Vậy tỷ suất chi phí là gì?
Tỷ suất chi phí là tỷ số (hoặc tỷ lệ phần trăm) so sánh giữa tổng chi
phí kinh doanh và tổng doanh thu của doanh nghiệp đạt được trong một
thời kỳ nhất định.
Công thức xác định:
Trong đó:
F’: Tỷ suất chi phí;
F: Tổng mức chi phí kinh doanh trong một thời kỳ nhất định;
D: Tổng mức doanh thu đạt được trong thời kỳ đó.
Chỉ tiêu tỷ suất chi phí là một chỉ tiêu chất lượng, theo đó, doanh
nghiệp càng giảm mức chi phí so với doanh thu đạt được thì hoạt động
kinh doanh càng có chất lượng. Chỉ tiêu này phản ánh hiệu quả kinh
doanh của doanh nghiệp và có thể sử dụng để so sánh hiệu quả giữa các
doanh nghiệp hay giữa các thời kỳ của một doanh nghiệp. Ngoài ra, chỉ
tiêu này còn là cơ sở đề xuất biện pháp tiết kiệm chi phí và giúp doanh
nghiệp xác định mức tiết kiệm hay vượt chi về chi phí.
7.1.3. Chi phí ngắn hạn và chi phí dài hạn
Khi nghiên cứu sự đóng góp của kinh tế học chi phí, cần xem xét
mối quan hệ giữa chi phí và sản lượng đầu ra. Vì vậy, cần tách chi phí
thành hai vấn đề:
(1) Mối quan hệ mà trong các giai đoạn thì một hoặc một vài các
yếu tố đầu vào sản xuất là cố định. Tình huống này có thể hiểu là “giai
đoạn ngắn hạn”. Tăng sản lượng trong ngắn hạn sẽ đòi hỏi việc tăng các
yếu tố đầu vào của sản xuất bên cạnh các yếu tố đầu vào cố định khác.
245
(2) Mối quan hệ trong các giai đoạn mà không yếu tố đầu vào sản
xuất nào được cố định. Đây là tình huống “dài hạn”. Sự gia tăng sản
lượng đầu ra trong dài hạn có thể bắt nguồn từ sự gia tăng tất cả các yếu
tố đầu vào.
Hai khái niệm này không cố định khi chúng ta xét trên khía cạnh
ngày hoặc năm (không thể xác định một cách dễ dàng rằng bao nhiêu
ngày/bao nhiêu năm là đủ ngắn/dài hạn) nhưng sẽ thay đổi trong một thời
kỳ dựa trên quá trình sinh lợi được cân nhắc. Ở bất cứ một thời kỳ nào,
có thể một đầu vào được cố định “ngắn hạn” và có thể yếu tố đầu vào
được biến đổi “dài hạn”. Trong một vài ngành sản xuất và dịch vụ,
trường hợp ngắn hạn có thể kéo dài nhiều năm, chắc chắn mất một vài
năm cho một chủ khách sạn hoặc chủ cửa hàng ăn uống bán cơ sở kinh
doanh hiện tại của ông ta và nhanh chóng kết thúc quá trình thi công xây
dựng một khách sạn mới hoặc khu phức hợp ăn uống từ con số không.
Cho tới khi tất cả điều này được thực hiện, nhà kinh doanh sẽ làm việc
với một vài yếu tố sản xuất cố định (ví dụ như tòa nhà có trụ sở kinh
doanh hay các trang thiết bị trong đó) và do đó, hoạt động này là ngắn
hạn. Đầu ra bị ràng buộc bởi khả năng sinh lời của các nguồn lực có sẵn.
Mối quan hệ giữa đầu ra và chi phí tuân thủ dựa trên trường hợp
xem xét là dài hạn hay ngắn hạn. Ngoài ra, mối quan hệ này cũng khác
biệt dựa trên loại chi phí cố định và biến đổi được xem xét. Lưu ý rằng,
mô hình kinh tế thông thường của một doanh nghiệp giả định rằng doanh
nghiệp đó có cơ cấu chi phí hợp lý, cả hiện tại và tương lai. Điều này
cũng hiểu là doanh nghiệp đó sẽ biết kết quả của sản lượng đầu ra mà
doanh nghiệp sản xuất và khi nào doanh nghiệp ra quyết định dài hạn,
doanh nghiệp đó cũng hiểu tường tận các lựa chọn có sẵn mà họ có thể
lựa chọn.
7.1.3.1. Các chi phí ngắn hạn
a. Các chi phí biến đổi
Các mô hình kế toán của mối quan hệ chi phí và đầu ra thường mô
tả các chi phí biến đổi tác động thay đổi đầu ra: Khi đầu ra tăng 10% thì
246
các chi phí biến đổi cũng thay đổi theo (xem Hình 7.1.(b)). Với giả thiết
các nguồn lực được đưa vào quá trình sản xuất thì kết quả đầu ra thay đổi
tương ứng với các yếu tố đầu vào (xem Hình 7.1. (a)). Nếu vậy, chi phí
đầu vào của một sản phẩm cố định, thì chi phí biến đổi của quá trình sản
xuất cũng sẽ tăng theo tỷ lệ thuận.
Hình 7.1. Mối quan hệ chi phí/đầu ra (tỷ lệ)
Trong Hình 7.1, đầu vào lao động tăng 25%, dẫn tới đầu ra tăng
25%. Nếu mỗi đơn vị lao động nhận được 16 bảng/ngày thì có thể xác
định được tổng chi phí các suất ăn (có thể không bao gồm tất cả các chi
phí biến đổi) tăng từ 64 bảng lên 80 bảng, hay tăng 25% (xem Bảng 7.5,
cột 2 và 3).
Sản lượng trung bình (đầu ra) trên 1 đơn vị lao động có thể được
xác định bằng cách chia tổng sản lượng cho tổng số lao động (xem Bảng
7.5, cột 4).
Sản lượng cận biên, ví dụ là số lượng sản phẩm đầu ra được tạo ra
thêm trên 1 lao động được gia tăng là 20 suất ăn (xem Bảng 7.5, cột 5).
Điều này được xác định bằng sản lượng gia tăng trên 1 lao động biên (cột 1
và cột 2).
247
Sản lượng trung bình và sản lượng cận biên có thể chuyển dịch
tương ứng theo khái niệm chi phí biến đổi trung bình và cận biên (cột 6
và 7). Chi phí biến đổi trung bình (AVC) là tổng chi phí biến đổi chia
cho tổng số suất ăn. Chi phí cận biên là chi phí gia tăng của mỗi một suất
ăn được sản xuất thêm, được xác định bằng cách lấy tổng chi phí biến đổi
(cột 3) chia cho số suất ăn gia tăng (cột 2) (có thể quan sát ở cột 2 rằng
các suất ăn không tăng 1 đơn vị ở một lần, vì vậy cần có những điều
chỉnh yếu tố này một cách tương ứng).
Số liệu ở cột 4 và 7 của Bảng 7.5 có thể được biểu diễn dưới dạng
đồ thị như trong Hình 7.2 (a) và (b). Do đó, xuất phát từ mô hình kế toán,
sản phẩm cận biên và sản lượng trung bình không đổi ở bất cứ sản lượng
sản xuất nào trong ngắn hạn.
Bảng 7.5. Sản lượng đầu ra và chi phí ngắn hạn
(Mối quan hệ tỷ lệ của chi phí/đầu ra)
1
2
3
4
5
6
7
Lao
động
Suất ăn
trên ngày
Tổng
chi phí
biến đổi
Sản lượng
trung bình
Sản lượng
cận biên
Chi phí
biến đổi
trung bình
Chi phí
cận biên
1
20
£16
20 suất ăn
20 suất ăn
80p
80p
2
40
£32
20 suất ăn
20 suất ăn
80p
80p
3
60
£48
20 suất ăn
20 suất ăn
80p
80p
4
80
£64
20 suất ăn
20 suất ăn
80p
80p
5
100
£80
20 suất ăn
20 suất ăn
80p
80p
6
120
£96
20 suất ăn
20 suất ăn
80p
80p
7
140
£112
20 suất ăn
20 suất ăn
80p
80p
8
160
£128
20 suất ăn
80p
Mô hình kinh tế học về chi phí dựa trên giả định rằng sản lượng
đầu ra không cần thiết phải tăng tỷ lệ thuận với các yếu tố đầu vào của
248
sản xuất, làm cho sản lượng đầu ra, chi phí trung bình và chi phí cận biên
sẽ không thay đổi.
Hình 7.2. Sản lượng và chi phí trung bình và cận biên
Giả định này được hình thành và có thể hiểu là “Quy luật năng suất
cận biên giảm dần” hoặc “quy luật biến đổi tỷ lệ thuận”. Nguồn gốc của
nó từ mô hình trong sản xuất nông nghiệp, ở đó các nhân tố biến đổi như
lao động, có liên quan tới nhân tố cố định là đất đai. Tuy nhiên, điều này
có thể là không đúng và ít có tính thực tiễn khi xem xét các hoạt động
kinh tế khác.
Quy luật này cho thấy “Nếu gia tăng một số đơn vị của một đầu
vào trong một khoảng thời gian nhất định trong khi những đầu vào khác
không đổi, thì sản phẩm cận biên sẽ giảm dần”.
Khi nhân tố lao động tăng, thì tốc độ tăng của các nhân tố sản xuất
khác cũng thay đổi. Điều đó cũng như sự kết hợp tối ưu của các nhân tố
biến đổi (lao động) và nhân tố cố định (ví dụ như trang thiết bị trong nhà
bếp). Nếu thay đổi lượng lao động kết hợp tối ưu thì sản lượng đầu ra sẽ
dưới mức mong đợi. Nếu lao động đầu vào tăng nhưng các nhân tố còn
lại giữ nguyên không đổi, thì sản lượng đầu ra sẽ biến động tỷ lệ nghịch
(Bảng 7.6).
249
Bảng 7.6. Các sản lượng và chi phí ngắn hạn
(năng suất cận biên giảm dần)
1
2
3
4
5
6
7
Lao
động
Suất ăn
trên
ngày
Tổng
chi phí
biến đổi
Sản lượng
trung bình
Sản lượng
cận biên
Chi phí
biến đổi
trung bình
Chi phí
cận biên
1
12
£16
12 suất ăn
18 suất ăn
£1,33
89p
2
30
£32
15 suất ăn
21 suất ăn
£1,07
76p
3
51
£48
17 suất ăn
29 suất ăn
94p
55p
4
80
£64
20 suất ăn
45 suất ăn
80p
35p
5
125
£80
25 suất ăn
67 suất ăn
64p
23,8p
6
192
£96
32 suất ăn
53 suất ăn
50p
30,2p
7
245
£112
35 suất ăn
19 suất ăn
45,7p
84,2p
8
264
£128
33 suất ăn
48,5p
Mỗi người lao động được trả £16/ngày
Từ cột 4, cho thấy tất cả sản phẩm trung bình đều tăng, đạt tối đa
với 7 lao động đầu vào và sau đó bắt đầu giảm. Sản lượng cận biên (cột
5) cũng tương ứng, nhưng nó đạt tối đa ở mức đầu vào khác (khi lao
động được tăng từ 5 tới 6 người). Điểm đạt tối đa ở cả trường hợp sản
phẩm trung bình và cận biên được gọi là điểm năng suất cận biên giảm
dần (Hình 7.3a)).
Cột 6 và 7 cho thấy, chi phí trung bình và chi phí cận biên được
phản ánh bằng đường sản phẩm trung bình và cận biên: Chi phí biến đổi
trung bình thấp nhất xảy ra ở mức 7 lao động đầu vào và chi phí cận biên
đạt thấp nhất khi mức lao động đầu vào được tăng từ 5 lên 6 người (Hình
7.3 (a) và (b) và so sánh với Hình 7.2 (a) và (b)).
Đường chi phí kinh tế, tương tự như đường cầu. Đường chi phí trả
lời cho câu hỏi “Chi phí cho sản xuất là bao nhiêu nếu sản lượng đầu ra
đạt được là ở mức x suất ăn?”. Mọi điểm trên đường chi phí tương ứng
250
theo các khoảng thời gian, điều này khác biệt hoàn toàn việc chúng ta
xác định chi phí là bao nhiêu khi sản lượng thay đổi theo thời gian.
Hình 7.3. Năng suất cận biên giảm dần
Tại sao đường chi phí cong hình chữ U được dự đoán sẽ xảy ra? Ở
quy mô, chất lượng và số lượng của các nhân tố cố định được đưa ra (ví
dụ như thiết bị nhà bếp), sản lượng đầu ra có thể tăng nhanh hơn tốc độ
tăng của nhân tố biến đổi (lao động). Sản lượng đầu ra có thể tăng và chi
phí biến đổi trên 1 đơn vị sản phẩm (AVC) giảm. Ở mức sản lượng đầu
ra thấp, có quá ít lao động được thuê để đảm bảo sử dụng có hiệu quả các
nhân tố cố định. Nếu thuê được nhiều lao động hơn thì các nhân tố cố
định sẽ được sử dụng hiệu quả hơn và sự kết hợp của các nhân tố cố định
và biến đổi có thể sẽ hợp lý hơn.
Cuối cùng, tốc độ tăng của sản lượng đầu ra ngày càng giảm cho dù
nhân tố lao động đầu vào tăng lên. Sản lượng đầu ra trên đầu người sẽ có
thể giảm và AVC tăng.
Các nhân tố cố định có thể được sử dụng tối đa và có thể số lao
động vượt quá các nhân tố cố định. Sự kết hợp của các nhân tố cố định
và biến đổi lúc này có thể trở nên không phù hợp.
Để các mối quan hệ mang lại hiệu quả như vậy cần có sự kết hợp
hợp lý giữa nguồn lực lao động và các trang thiết bị, và bất cứ một sự
251
điều chỉnh kết hợp sai lệch nào đều dẫn tới một sản lượng đầu ra dưới
mức sản lượng tối ưu. Nhưng phải mất bao lâu để mối quan hệ này biểu
hiện dưới dạng đường cong chi phí hình chữ U?
Trước khi trả lời câu hỏi này, cần thiết phải hiểu rõ hạn chế của
những giả định:
- Hiệu quả của mọi nhân tố và kỹ thuật sản xuất là không đổi, do
đó, những lao động với khả năng ngang nhau được kết hợp với trang
thiết bị bếp cũng không đổi. Nếu thêm 1 lao động có khả năng tốt hơn
hoặc nếu các trang thiết bị nhà bếp bị thay thế hoặc thay đổi để có hiệu
quả cao hơn, thì quy luật năng suất cận biên giảm dần sẽ không xảy ra.
- Các nhân tố hoạt động theo các tỷ lệ thay đổi. Nếu các nhân tố
biến đổi với cùng tỷ lệ hoặc nếu mọi nhân tố biến đổi, không nhất thiết
cùng tỷ lệ, thì có thể kết hợp các nhân tố biến đổi với một nhân tố cố
định. Thực tế các nhân tố cố định có thể chia tách.
- Giá của các yếu tố đầu vào là không đổi. Tuy nhiên, có thể thuê
thêm lao động với mức lương cao hơn.
Trong thực tế, đường AVC ngắn hạn có thể có hình dạng như Hình
7.4. cùng với đường AVC gần như không đổi và bằng MC tại công suất
khi nó tăng mạnh.
Hình 7.4. Đường cong chi phí biến đổi thực tế
252
Hình dạng của đường này ở các mức độ sản lượng thường được cân
nhắc trong mô hình kế toán. Thông thường, trong thực tế nhân tố cố định
có thể phân chia được và các tỷ lệ của vốn và lao động có thể được giữ ở
mức không đổi nhưng hợp lý.
Cân nhắc các khía cạnh của các khách sạn và dịch vụ ăn uống.
Trong lĩnh vực lưu trú, chi phí thực tế phát sinh như thế nào? Bộ phận
lớn nhất của chi phí các dịch vụ buồng phòng của một khách sạn là chi
phí lương trả cho người lao động (19% của doanh thu buồng).
Nếu một khách sạn tuyển nhiều nhân viên dọn phòng hơn so với
trung bình thì năng suất cận biên giảm dần có thể xảy ra. Ví dụ, nếu số
nhân viên dọn phòng theo định mức là 1 nhân viên/10 phòng, vậy 70
phòng cần 7 nhân viên. Tuyển thêm nhân viên dọn phòng là không cần
thiết và sẽ làm giảm số phòng cần dọn trung bình trên 1 người. Tăng gấp
đôi số lượng người dọn phòng mà không tăng gấp đôi tương xứng số
lượng phòng sẽ có thể gây ra năng suất cận biên giảm dần.
Trên thực tế, có thể xảy ra việc một nhóm lao động sẽ sẵn sàng làm
công việc ở số lượng phòng bất kỳ mà họ được giao. Nếu số lượng phòng
là thấp hơn 10 phòng/nhân viên, thì sau đó sản lượng trung bình sẽ thấp
hơn (và chi phí biến đổi trung bình sẽ cao lên), so với trong trường hợp
số phòng được giao là 10 phòng/nhân viên. Ngược lại, nếu số phòng lớn
hơn 10, chi phí biến đổi trung bình sẽ có thể giảm, AVC sẽ giống như
trong Hình 7.5 (a).
Hình 7.5. Đường AVC có thể xảy ra
với số lượng phòng khác nhau
253
Nếu số nhân viên dọn phòng được tuyển theo thời vụ hay bán thời
gian thì yếu tố đầu vào này sẽ thay đổi, quan hệ trực tiếp với số lượng
phòng được giao và chi phí biến đổi trung bình sẽ cố định (Hình 7.5 (a)).
Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với các dịch vụ ăn uống.
Trong kinh doanh ăn uống, lợi nhuận giảm dần có thể xảy ra khi cố
định nhân tố trang thiết bị bếp cùng chuỗi dây chuyền bếp. Sẽ có những
kết hợp hợp lý giữa nhân tố lao động và nhân tố trang thiết bị để đạt được
một mức doanh thu các suất ăn kỳ vọng, và nếu thuê thêm nhân viên thì
năng suất cận biên giảm dần sẽ xảy ra.
Nhưng ở hầu hết các bếp, thiết bị có thể bố trí linh hoạt (một
chuông có thể báo cho nhiều nồi nấu) và luôn luôn có sẵn một chuỗi các
thiết bị đủ chủng loại kích cỡ (chảo nhỏ hoặc nồi hấp lớn ở bất cứ căn
bếp nào). Do vậy, tỷ lệ mà các nhân tố được kết hợp không cần thay đổi
nhiều, chi phí biến đổi có thể thay đổi tỷ lệ với sản lượng đầu ra. Không
phải tất cả các thiết bị bếp đều cần được vận hành liên tục nên AVC
không đổi là có thể xảy ra.
b. Các chi phí cố định
Nghiên cứu kỹ hơn các chi phí biến đổi cho thấy sự khác biệt giữa
mô hình kế toán và kinh tế học. Tuy nhiên, về chi phí cố định thì 2 mô
hình không có sự khác biệt.
Các chi phí cố định hầu như không đổi ở bất kỳ một mức sản lượng
đầu ra nào. Sản lượng đầu ra lớn hơn thì chi phí cố định trên 1 đơn vị sản
lượng giảm đi (hoặc chi phí cố định trung bình giảm - AFC). Chi phí cố
định sẽ được dàn trải và chia đều cho mức sản lượng lớn hơn nên đường
AFC sẽ đi xuống dần và liên tục như Hình 7.6.
254
Hình 7.6. Chi phí cố định trung bình
Sự kết hợp của AVC và AFC trong mô hình kinh tế học sẽ tạo ra
các đường như trong Hình 7.7, lúc này ATC là tổng chi phí trung bình.
Những đường đó đến nay được dùng phổ biến trong phân tích kinh
tế học dù có các minh chứng dẫn tới sự mâu thuẫn liên quan tới AVC (và
MC). Hình dạng của đường cung theo giá trong mô hình kinh tế học
được quyết định bởi đường chi phí cận biên dạng U.
Hình 7.7. ATC, AFC và AVC (Mô hình kinh tế học)
7.1.3.2. Các chi phí dài hạn
Nếu thay vì cố định tình huống là chỉ một vài yếu tố đầu vào thay
đổi và những yếu tố khác cố định, thì hãy xem xét mọi yếu tố đầu vào
đều có thể thay đổi được và do đó một công ty sẽ được phân tích trong
Các
chi
phí
£
Sản lượng/ngày
O
Các
chi
phí
£
Sản lượng/ngày
MC
AVC
AFC
255
tình huống dài hạn. Trong ngắn hạn, chỉ có một cách để sản xuất ra một
mức sản lượng nào đó bằng cách điều chỉnh các yếu tố đầu vào biến đổi.
Tuy nhiên, trong dài hạn, lựa chọn được đặt ra với công ty với nhiều
phương án điều chỉnh khả thi có sẵn và có thể xảy ra. Với một phương
thức được lựa chọn (ví dụ nhiều lao động hơn và ít vốn hơn hoặc ít lao
động hơn và nhiều vốn hơn) sẽ quyết định chi phí tối thiểu (tối đa hóa lợi
nhuận hàm ý tối thiểu hóa chi phí).
Bảng 7.6. cho thấy AVC ngắn hạn tăng lên ở mức sản lượng 264
suất ăn (với 8 người lao động), mức gia tăng tiềm năng trong kinh doanh
còn có thể vượt xa mức này, có thể cân nhắc khi xây dựng thêm một nhà
hàng hay bếp, sửa chữa hoặc tổ chức sắp xếp lại một cách hợp lý cơ sở
kinh doanh hiện tại, hơn là cố gắng đáp ứng nhu cầu tăng thêm bằng
phương án hiện tại. Xét về tiềm năng, mọi yếu tố đầu vào đều có thể thay
đổi. Nhà kinh doanh phải lựa chọn dựa trên mọi cơ hội hiện có và lựa
chọn “quy mô” sản xuất để hoạt động.
Hình 7.8. Mối quan hệ của đường chi phí trung bình ngắn hạn
trong giai đoạn dài hạn
Quy mô kinh doanh tăng khi các nhân tố đầu vào được tăng với
cùng tỷ lệ. Tuy nhiên, điều kiện là thay đổi phương thức sản xuất, điều
mà liên quan tới sự thay đổi của tất cả hoặc một vài nhân tố bao gồm và
Các
chi
phí
£
125
Số suất ăn
O
192
Số suất ăn
264
Số suất ăn
Quy mô sản lượng
ACs1
ACs2
ACs3
256
có thể không rõ ràng, bao gồm những thay đổi về tỷ lệ sản lượng đầu ra,
có sử dụng các phương thức hiệu quả nhất ở mỗi mức độ quy mô sản
lượng đầu ra.
Khi một phương thức sản xuất, hoặc loại hình và quy mô của cơ sở
kinh doanh nào đó được lựa chọn và vận hành, thì sau đó việc kinh
doanh sẽ rơi vào trường hợp chỉ một vài nhân tố đầu vào có thể thay đổi
được và thể hiện là đường chi phí ngắn hạn. Đường chi phí dài hạn được
xuất phát từ các đường chi phí ngắn hạn.
Mỗi đường chi phí ngắn hạn (SR) sẽ nằm trong mối quan hệ với
các đường khác như Hình 7.8. Sẽ chỉ có một đường chi phí SR cho mỗi
phương thức và cơ sở kinh doanh tiềm năng.
Hình 7.9. Chi phí trung bình dài hạn
Trong ngắn hạn, bất kỳ sự thay đổi sản lượng nào ở khoảng 125 và
264 suất ăn/ngày đều trong phạm vi công suất thiết kế của cơ sở kinh
doanh hiện có (cơ sở kinh doanh số 1 với đường AC của AC
s1
). Tuy
nhiên, khi lựa chọn về các phương thức và cơ sở kinh doanh, thì mức sản
lượng đầu ra là 192 suất ăn là mức tốt nhất với một cơ sở kinh doanh mới
hoặc các phương án kỹ thuật khác, lúc này đường AC
s2
chiếm ưu thế,
192 suất ăn có thể được sản xuất với mức chi phí thấp hơn so với ở cơ sở
kinh doanh 1. Tương tự, 264 suất ăn là lựa chọn tốt nhất ở một cơ sở
257
kinh doanh mới, AC
s3
chiếm ưu thế, lúc này chi phí trung bình thấp hơn
chi phí của các phương án kỹ thuật và cơ sở kinh doanh 1 và 2 đạt được
(Hình 7.9).
Các chi phí trung bình dài hạn tiếp tục giảm, ví dụ đó là lợi thế kinh
tế theo quy mô sản xuất. Như các đường chi phí khác, đường dài hạn chỉ
ra chi phí trung bình ở một điểm thời gian cụ thể. Lợi thế kinh tế theo
quy mô xảy ra khi mà mọi nhân tố đầu vào tăng theo cùng một tỷ lệ và
sản lượng đầu ra tăng lên ở mức tỷ lệ lớn hơn (do đó AC giảm). Tuy
nhiên, “quy mô” có thể được hiểu một cách linh hoạt và lợi thế kinh tế có
thể xảy ra bất cứ khi nào các chi phí trung bình giảm do kết quả của bất
cứ một quyết định dài hạn nào. Do đó, không phải tất cả các nhân tố đầu
vào có thể tăng theo cùng một tỷ lệ, một vài nhân tố có thể không tăng và
lúc này có thể cần sắp xếp lại các nhân tố đầu vào hiện có.
Bốn nguồn phát sinh lợi thế kinh tế theo quy mô sản xuất:
(1) Sự chuyên môn hóa theo chức năng
Nếu quy mô đầu vào tăng, cơ hội sẽ tăng lên cho tất cả các nhân tố
sản xuất đầu vào để tập trung vào một hoặc một số hoạt động nào đó. Cả
nguồn lao động và máy móc có thể chuyên môn hóa để thực hiện một
hoạt động nào đó và điều này có thể làm cho các nhân tố đó trở nên hiệu
quả hơn và có thể giảm được chi phí trung bình. Một số đầu bếp Âu, Á
tập trung làm một công việc trong bếp thường có xu hướng hiệu quả hơn
những đầu bếp làm nhiều việc của bếp. Mỗi đầu bếp được tuyển dụng ở
một công việc mà họ có thế mạnh. Sự tập trung liên tục và không bị gián
đoạn ở một chuỗi các công việc nào đó có thể dẫn tới kỹ năng được rèn
luyện sâu hơn và tiết kiệm được thời gian để không phải chuyển từ công
việc này qua công việc khác.
Chỉ khi sản lượng đầu ra có quy mô lớn thì sự chuyên môn hóa mới
mang lại lợi thế kinh tế. Ngược lại, ở mức sản lượng thấp, sự chuyên
môn hóa lao động và máy móc có thể trở nên lãng phí.
258
(2) Tính không thể chia tách
Máy móc và các trang thiết bị thường được mua sắm hoặc thuê với
số lượng cố định và số lượng thuê đó có thể quá dư thừa với một mức độ
sản lượng thấp cụ thể nào đó. Do vậy, hiệu quả sử dụng thiết bị nào đó có
thể rất thấp khi sản lượng đầu ra thấp.
Phương thức sản xuất có cường độ sử dụng vốn đầu tư cao và
phương thức sản xuất tự động hóa và cơ khí hóa sẽ khả thi và mang lại
lợi thế kinh tế hơn khi mức sản lượng đầu ra cao. Chi phí vốn cao sẽ
được dàn trải đều cho mức sản lượng đầu ra cao. Do vậy, chi phí sản xuất
trung bình có cường độ sử dụng sức lao động cao.
Các doanh nghiệp có khả năng dàn trải đều chi phí cao cho mức sản
lượng đầu ra cao thường có thể sử dụng được các kỹ thuật sản xuất phức
tạp. Mức sản lượng đầu ra cao là cần thiết để các máy móc thiết bị được
sử dụng hiệu quả nhất.
Sự chuyên môn hóa theo chức năng và tính không thể chia tách rõ
ràng có mối quan hệ lẫn nhau. Lợi thế của phương thức có cường độ sử
dụng vốn đầu tư cao có mối quan hệ với sự chuyên môn hóa của máy
móc và lao động ở các công việc cụ thể nào đó.
(3) Mối quan hệ của cơ sở vật chất kỹ thuật
Chi phí của việc đầu tư xây dựng các cơ sở kinh doanh không phải
luôn tăng cùng tỷ lệ với mức tăng công suất của máy móc. Do đó, lượng
nguyên liệu cần cho việc sản xuất ra các thiết bị không nhất thiết phải
tăng gấp đôi để có thể tăng dung tích lên gấp đôi.
(4) Lợi thế kinh tế của nguồn lực tập trung
Nếu các doanh nghiệp dự trữ máy móc dư thừa để chủ động thay
thế trong những trường hợp có sự hỏng hóc và bảo quản các nguyên liệu
thô, thì dự trữ có thể bị gián đoạn và do đó, mức độ của dự trữ đó tăng
không theo tỷ lệ thuận với sản lượng đầu ra.
Bốn nguồn phát sinh lợi thế kinh tế trên là kết quả của việc sản xuất
kinh doanh ở quy mô lớn và được gọi là lợi thế kinh tế theo quy mô sản
259
xuất mang yếu tố kỹ thuật. Như vậy, chúng ảnh hưởng tới quy mô và bản
chất của các doanh nghiệp (cơ sở sản xuất/kinh doanh) bất kể đó là một
nhà máy, một nhà hàng, một khách sạn hay một khu bếp.
Hơn nữa, có một vài lợi thế của các doanh nghiệp lớn, những lợi
thế này tương đối khác biệt lợi thế kinh tế theo quy mô sản xuất. Ví dụ,
các doanh nghiệp lớn có thể thu mua nguyên liệu đầu vào với chiết khấu
lớn hơn các doanh nghiệp nhỏ và họ có quyền lực cao khi mặc cả giá. Họ
có thể thu hút và đủ tiền để chi trả cho nguồn lao động chất lượng cao, họ
có thể tiếp cận với nguồn lực tài chính chi phí thấp và thuận lợi hơn cho
các mục đích đầu tư của mình. Cũng có một số lợi thế xuất phát từ thị
trường quy mô lớn. Các doanh nghiệp lớn thường đa dạng hóa đầu tư và
do đó họ có thể kiểm soát được rủi ro tốt hơn các doanh nghiệp nhỏ với
mức đa dạng hóa đầu tư ít hơn.
Do vậy, sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi đầu tư tài chính vào các
doanh nghiệp lớn mà không phụ thuộc vào tỷ lệ đầu ra và quy mô của cơ
sở kinh doanh. Một doanh nghiệp lớn có thể giành được nhiều lợi thế
không mang tính kỹ thuật cho dù họ sở hữu các cơ sở kinh doanh nhỏ.
Liên quan tới lợi thế kinh tế theo quy mô còn có một yếu tố nữa, đó
là hiệu quả từ kinh nghiệm được tích lũy. Lợi thế về chi phí có thể đạt
được qua thời gian vì kinh nghiệm của doanh nghiệp về sản xuất và điều
hành tăng và các lĩnh vực kinh doanh tăng trưởng. Nguồn gốc của hiệu
quả này là người lao động và các cấp quản trị trở nên thành thạo vượt bậc
về công việc của họ qua thời gian. Họ tích lũy bằng sự trải nghiệm và
kinh nghiệm của họ, tránh lặp lại những sai sót và chi phí đắt đỏ để tìm
kiếm cách thức tốt nhất đạt được mục tiêu. Nếu mỗi người lao động
chuyên môn hóa một công việc cụ thể, thì người lao động đó có thể tích
lũy kinh nghiệm làm việc nhanh hơn và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, theo
thời gian, một doanh nghiệp có thể thu được lợi ích từ các trải nghiệm
quá khứ để thiết kế ra các quy trình sản xuất mới, các sản phẩm mới và
cách kết hợp hiệu quả nhất các nhân tố sản xuất đầu vào.
260
7.1.3.3. Lợi thế kinh tế theo quy mô trong thực tế
Các nghiên cứu về lợi thế kinh tế theo quy mô sản xuất có hiệu quả
hay ảnh hưởng tới chừng mực nào lâu nay chỉ tập trung vào ngành công
nghiệp chế tạo. Các nghiên cứu nổi tiếng nhất được biết đến hiện nay là
các nghiên cứu của Pratten hướng tới lợi thế kinh tế của quy mô sản xuất
và chúng được phân tích kỹ thuật hóa. Lưu ý là nếu doanh nghiệp hoạt
động ở mức thấp hơn sản lượng đầu ra tối ưu thì chi phí trung bình
không cần thiết sẽ cao hơn nhiều chi phí trung bình thấp nhất (mức MES
- minimum efficient scale).
Trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn và phục vụ ăn uống và ở hầu
hết các ngành dịch vụ cá nhân, dường như là có giới hạn về phạm vi cho
việc đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô sản xuất xét về mặt kỹ thuật.
Luôn có những lợi ích tất yếu có được từ việc sở hữu các cơ sở kinh
doanh lớn hoặc từ việc sản xuất với quy mô lớn trong lĩnh vực khách sạn
và phục vụ ăn uống. Chi phí xây dựng các khách sạn và nhà hàng không
tăng ở cùng một tỷ lệ với công suất phục vụ. Quy mô khách sạn dưới 80
phòng thì tổng chi phí/diện tích sàn trung bình với một khách sạn chất
lượng tầm trung có thể từ 40-50 USD, nhưng khi quy mô khách sạn trên
300 phòng thì chi phí lúc này dao động từ 30-40 USD.
Những cơ sở vật chất quan trọng chính yếu phục vụ cho việc chế
biến món ăn có thể được đầu tư xây dựng tập trung tại một địa điểm như
một khu bếp chính và sự tập trung đã mang lại hiệu quả kinh tế hơn hàng
loạt các khu bếp nhỏ. Quy mô của khu bếp, số lượng và quy mô của
trang thiết bị không tăng tỷ lệ thuận với sản lượng đầu ra. Nồi hơi lớn ở
bếp có thể chứng minh có chi phí rẻ hơn trên 1 đơn vị sản lượng khi mua
và sử dụng, so với một số lượng các chảo nhỏ. Trong lĩnh vực khách sạn,
các cơ sở mặt bằng kinh doanh lớn hơn có thể đảm bảo sự khai thác tối
đa không gian hành lang, cầu thang, khu vực công cộng và nhiều yếu tố
khác. Một khách sạn lớn gấp đôi khách sạn khác không cần thiết phải
thiết kế khu vực phục vụ như bếp, lễ tân và bar với diện tích gấp đôi
cũng như không cần gia tăng gấp đôi các quy định hay yêu cầu với nhân
261
viên. Lắp đặt hệ thống làm chín thức ăn bằng hơi lạnh rất đắt đỏ nhưng
mang lại hiệu quả cao về kinh tế nếu sản xuất ở mức sản lượng lớn.
Nhiều nghiên cứu khi cân nhắc lợi thế kinh tế theo quy mô trong
ngành khách sạn và kinh doanh ăn uống đã kết luận rằng “ở mức quy mô
từ 40 tới 60 giường, khách sạn sẽ gặp khó khăn nhưng với quy mô lớn,
khách sạn vận hành mà không có nhu cầu thuê thêm nhân công”. Có ý
kiến cho rằng một khách sạn mới hiện nay với ít hơn 100 phòng sẽ không
thể đứng vững trong kinh doanh được. Các nghiên cứu cũng kết luận
rằng “quy mô để một nhà hàng hạng sang tồn tại được ở mức tối thiểu là
30 tới 50 bàn”. Điều này không thể hiện vai trò của lợi thế kinh tế theo
quy mô nhưng phần nào thể hiện rằng có lợi ích về mặt chi phí khi vận
hành ở mức quy mô đầu ra lớn.
Tuy nhiên, so sánh với các lĩnh vực khác, đặc biệt là công nghiệp
chế tạo thì khả năng để giảm được đáng kể chi phí là không lớn lắm.
Điều kiện lớn nhất của lợi thế kinh tế theo quy mô ở bất cứ một ngành
nào là nằm ở khả năng tự động hóa và cơ giới hóa. Trong các ngành dịch
vụ cá nhân, khả năng tự động hóa và cơ giới hóa bị giới hạn và do đó, bất
cứ lợi thế kinh tế nào chỉ có thể đạt được ở mức tương đối nhỏ.
Các món ăn hay dịch vụ trong thực đơn không thể được sản xuất
với số lượng lớn và dự trữ trong kho mà phải được chế biến và chuẩn bị
theo nhu cầu, nhu cầu luôn dao động trong chính vụ và trái vụ. Sản phẩm
đa đạng và luôn thay đổi thường xuyên. Phương thức sản xuất với quy
mô lớn, tự động hóa cao và bằng dây chuyền sản xuất hàng loạt - cách
thức chính đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô đối với lĩnh vực sản xuất
là không khả thi với các nhà hàng, chỉ có một vài trường hợp đặc biệt với
một vài loại hình nhà hàng. Ví dụ, loại hình nhà hàng ăn nhanh mang lại
cơ hội lớn để đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô và phát huy được
hiệu quả tích lũy từ kinh nghiệm.
Thậm chí cho dù ở nơi mà hiệu quả kinh tế theo quy mô tiềm năng
rất lớn thì bản chất tự nhiên của thị trường và nhu cầu có thể kìm hãm
262
khả năng đạt được điều đó. Thị trường mang tính chất đa dạng, phân chia
thành các phân khúc rõ rệt và phân tầng về địa lý, do đó các cơ sở kinh
doanh có diện tích lớn hoặc các cơ sở kinh doanh có sản lượng đầu ra lớn
cũng không thể khẳng định là có thể đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô.
Tuy nhiên, những sự thay đổi mang tính kỹ thuật, sự gia tăng chi
phí và sự nhận thức về khả năng tiêu chuẩn hóa thị trường đang biến việc
đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô trở nên quan trọng hơn, từ đó ảnh
hưởng lên quy mô của cơ sở kinh doanh và quy mô sản lượng. Tuy
nhiên, hiện nay, các cơ sở kinh doanh khách sạn và dịch vụ ăn uống lớn
không có lợi thế đáng kể so với những cơ sở nhỏ.
Liên quan tới các lợi thế không mang yếu tố kỹ thuật, các khách
sạn và cơ sở kinh doanh ăn uống lớn có thể thu được lợi ích đáng kể từ
chiến lược marketing, đào tạo hay mua hàng với số lượng lớn.
Sự tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành khách sạn và
kinh doanh ăn uống có xu hướng gia tăng các cơ sở kinh doanh hơn là
mở rộng các cơ sở kinh doanh hiện có. Phạm vi của việc đạt được lợi thế
kinh tế theo quy mô trong một thị trường hiện hữu có thể cũng bị kìm
hãm bởi giới hạn của các cơ sở sản xuất kinh doanh và do đó, kìm hãm
khả năng mở rộng mặt bằng.
Khi nghiên cứu về chi phí dài hạn và hiệu quả kinh tế theo quy mô,
cần lưu ý rằng lợi thế của quy mô có thể bị lấn át bởi tính phi hiệu quả
kinh tế, ví dụ có thể gặp các khó khăn của việc quản lý và điều phối một
khách sạn và tình trạng xấu đi của các mối quan hệ lao động. Trên thực
tế, đường chi phí trung bình dài hạn giảm liên tục.
7.1.4. Chi phí cơ hội
Vấn đề cơ bản của kinh tế học là sự thiếu hụt các nguồn lực, do đó
định nghĩa về chi phí từ góc nhìn kinh tế học luôn hướng tới phản ánh
điều này. Đó là biểu thị chi phí thực tế của quá trình sản xuất sản phẩm,
trên góc độ xã hội sẽ phải hy sinh nguồn lực có hạn cho quá trình sản
xuất đó thay vì các hàng hóa và dịch vụ khác. Theo cách hiểu này sẽ cần
263
cân nhắc rằng xã hội đã đạt được sự phân bổ nguồn lực có hạn một cách
tối ưu chưa? Bởi vì nguồn lực khan hiếm, nên xã hội sẽ phải cân nhắc lựa
chọn các phương án sử dụng nguồn lực khác nhau và khi nguồn lực được
phân bổ cho một mục đích sử dụng nào đó thì điều này nghĩa rằng cơ hội
sử dụng nguồn lực đó cho các mục đích khác không còn nữa.
Chi phí cơ hội của một hoạt động là những lợi ích đáng lẽ có thể có
nhưng đã bị bỏ qua do việc lựa chọn một hoạt động khác.
Nếu một nhà hàng tạo ra lợi nhuận là £10.000/năm, thì người chủ
đã thành công. Tuy nhiên, người chủ nhà hàng đó có thể đi làm thuê ở vị
trí quản lý cho một nhà hàng khác với mức lương £10.500/năm. Như
vậy, người chủ nhà hàng đó đã hy sinh £500 và từ góc độ kinh tế, việc
kinh doanh của chủ nhà hàng là bị “lỗ” £500, thay vì hiểu là có
£10.000/năm được hạch toán (Hình 7.10 (a) và (b)).
Hình 7.10. Chi phí cơ hội
264
Một người tìm kiếm tối đa hóa lợi ích kinh tế của mình có thể lựa
chọn dịch chuyển từ việc tự kinh doanh sang việc đi làm thuê cho người
khác như một người quản lý hưởng lương. Rõ ràng rằng lợi ích tài chính
rất cần thiết để thúc đẩy một nhà sản xuất gia nhập và duy trì hoạt động
kinh doanh ở ngành nào đó, ít nhất £10.500/năm như ví dụ trên. Nếu
không sẵn sàng thì việc sản xuất kinh doanh sẽ không xảy ra. Nhà sản
xuất sẽ không bắt đầu hoặc tiếp tục kinh doanh nhà hàng của mình.
Bất cứ điều gì được cân nhắc như là một nhân tố tài chính có tính
chất khuyến khích thúc đẩy các nhà sản xuất gia nhập và ở lại trong lĩnh
vực kinh doanh nhà hàng thì cũng cần được xem xét cẩn thận so với chi
phí sản xuất, hay công nhật trả cho người lao động và các hóa đơn phải
chi trả cho các nhà cung cấp. Chỉ khi nào mọi chi phí này được đáp ứng
thì lúc đó mới có lợi nhuận xét trên góc nhìn kinh tế học.
Chi phí cơ hội cụ thể này được hiểu là “lợi nhuận thông thường” và
bất cứ một mức lợi nhuận nào vượt mức đó có thể được hiểu là “bất
thường”. Điều này cần thiết để thu hút và giữ chân các nhà sản xuất trong
một ngành nào đó (Hình 7.10 (a) và (b) (c) và (d)).
Kết quả là khi các mô hình kinh tế thể hiện các chi phí và doanh thu
của quá trình sản xuất như nhau thì các chi phí cơ hội được đáp ứng
(hoặc đạt được lợi nhuận thông thường).
7.1.5. Các nhân tố ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh
Tiết kiệm chi phí là con đường giúp doanh nghiệp đạt được mục
tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Đó là điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng
sản xuất kinh doanh, tăng thị phần cũng như nâng cao thu nhập cho
người lao động. Tiết kiệm chi phí cũng cho phép doanh nghiệp có điều
kiện nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, tăng giá trị lợi ích cho khách
hàng và thu hút khách hàng. Các biện pháp tiết kiệm chi phí được tiến
hành đồng bộ trong cả quá trình sản xuất kinh doanh và đối với mọi nhân
tố nguồn lực sản xuất. Tiết kiệm chi phí phải được hiểu là giảm các chi
phí bất hợp lý, chi phí không cần thiết trong doanh nghiệp và gắn với mở
rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ.
265
Để xác định nguyên nhân chính xác của những hạn chế trong sử dụng
chi phí của doanh nghiệp du lịch cần hiểu rõ các nhân tố tác động đến vấn
đề này. Thông thường các nhà kinh tế phân tách các nhân tố ảnh hưởng đến
chi phí thành hai nhóm tác động chủ quan và tác động khách quan đến tình
hình sử dụng chi phí của doanh nghiệp, từ đó có thể làm căn cứ đề xuất các
giải pháp tiết kiệm chi phí hoặc điều chỉnh phương hướng hoạt động kinh
doanh phù hợp với những biến động bên ngoài doanh nghiệp.
Doanh thu và cơ cấu doanh thu tác động đến cả mức phí và tỷ
suất phí.
Cơ cấu chi phí kinh doanh của doanh nghiệp du lịch bao gồm chi
phí cố định và chi phí biến đổi. Chi phí cố định hầu như không thay đổi
theo mức độ hoạt động của doanh nghiệp. Chi phí biến đổi luôn
tăng/giảm khi doanh thu của doanh nghiệp thay đổi. Quy mô kinh doanh
mở rộng kéo theo chi phí kinh doanh tăng lên nhưng tăng với tốc độ
chậm hơn tốc độ tăng của doanh thu, do việc tổ chức kinh doanh và năng
suất lao động tăng, dẫn đến tỷ suất phí giảm xuống.
Đối với cơ cấu doanh thu, do tính chất kinh doanh của mỗi nghiệp
vụ khác nhau sẽ có sự tác động khác nhau đối với chi phí của mỗi nghiệp
vụ kinh doanh, từ đó cũng ảnh hưởng đến tỷ suất phí thay đổi.
Năng suất lao động tác động đến chi phí lao động, thực chất tăng
năng suất lao động là tiết kiệm chi phí lao động sống. Tăng mức doanh
thu bình quân một nhân viên kinh doanh hoặc giảm chi phí lao động trên
một đơn vị sản phẩm sẽ tác động lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh
nghiệp. Tăng năng suất lao động là mục tiêu không những của các doanh
nghiệp mà còn là đích hướng tới của các quốc gia trên thế giới trong điều
kiện nguồn lực ngày càng hạn hẹp. Trong xu hướng hiện nay, các khách
sạn luôn cố gắng đầu tư và phát triển các dịch vụ tự động và tự phục vụ
như các cây bán nước tự động, đổi tiền tự động, buffet trong nhà hàng,...
để tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí lao động.
Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật như đầu tư xây dựng khách
sạn, đầu tư trang bị các thiết bị tiện nghi, đầu tư hệ thống bếp nóng bếp
lạnh, đầu tư hệ thống bán phòng tự động,... trong giai đoạn nhất định sẽ
266
làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp có mức đầu tư
hợp lý, đồng thời có biện pháp tăng cường khai thác để nâng cao hiệu
quả của đầu tư, thì dài hạn lại có thể tiết kiệm được chi phí. Đầu tư thỏa
đáng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng năng suất lao động,
có thể tạo hình ảnh liên kết thương hiệu của doanh nghiệp.
Trình độ tổ chức và quản lý thuộc về vai trò của nhà quản trị các
cấp trong doanh nghiệp. Nhân tố này tác động đến toàn bộ quá trình sản
xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trình độ tổ chức và quản lý của các
nhà quản trị càng cao, các nhân tố sản xuất kinh doanh như lao động, cơ
sở vật chất kỹ thuật, vốn được sử dụng càng hợp lý, từ đó ảnh hưởng đến
chi phí của doanh nghiệp.
Bên cạnh các nhân tố tác động trong phạm vi doanh nghiệp như
trên, chi phí của doanh nghiệp còn chịu tác động của các nhân tố thuộc
môi trường kinh doanh bên ngoài, tác động một cách khách quan đến chi
phí kinh doanh.
Giá cả sản phẩm dịch vụ đầu ra và giá phí đầu vào đều ảnh hưởng
đến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Giá bán sản phẩm dịch vụ có
thể không ảnh hưởng đến tổng mức chi phí nhưng chắc chắn ảnh hưởng
đến tỷ suất chi phí. Giá bán sản phẩm dịch vụ tăng có thể làm tỷ suất chi
phí giảm xuống. Còn giá chi phí đầu vào lại tác động đến mức chi phí,
nếu giá chi phí tăng lên sẽ làm cho tổng chi phí sản xuất kinh doanh tăng
lên dẫn đến tỷ suất phí tăng, doanh nghiệp có thể bị vượt chi.
Tùy thuộc trình độ phát triển của xã hội mà điều kiện và khả năng
cung ứng các yếu tố đầu vào cho doanh nghiệp sẽ khác nhau, từ đó gián
tiếp ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Trình độ phát
triển của xã hội càng cao thì chi phí kinh doanh càng thấp.
Các chính sách của chính phủ cũng có ảnh hưởng khác nhau đến
chi phí kinh doanh. Thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, chính sách miễn bỏ
visa cho một số thị trường khách du lịch quốc tế, phí làm thủ tục xuất
nhập cảnh cho khách,... Chính sách của chính phủ tạo điều kiện phát triển
du lịch, tăng cường thu hút khách du lịch thì tỷ lệ thuế nhập khẩu áp
dụng đối với ngành du lịch sẽ giảm xuống, khi đó mức chi phí kinh
doanh của doanh nghiệp sẽ giảm.
267
Ngoài ra, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp còn chịu tác động
của các nhân tố khác như: Tỷ giá trao đổi ngoại tệ, sự cạnh tranh trên thị
trường du lịch, tình hình thị trường thế giới và khu vực,...
7.1.6. Đánh giá tình hình chi phí kinh doanh
Việc đánh giá tình hình chi phí kinh doanh của doanh nghiệp du
lịch được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Lập bảng phân tích và tính toán các chỉ tiêu cần thiết:
Nhóm chỉ tiêu doanh thu, nhóm chỉ tiêu chi phí và tỷ suất chi phí.
Bước 2: Phân tích chung về tình hình doanh thu, chi phí, tỷ suất phí
và xác định mức độ tiết kiệm/vượt chi về chi phí.
Bước 3: Đánh giá tình hình chi phí của doanh nghiệp theo các yếu
tố khoản mục phí, thời gian, theo các đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp
và theo các nghiệp vụ kinh doanh của doanh nghiệp.
Bước 4: Kết luận chung về tình hình chi phí của doanh nghiệp, chỉ
rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
Hộp 7.1
Tình hình chi phí kinh doanh của Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà
STT
Các chỉ tiêu
ĐVT
Năm 2018
Năm 2019
So sánh
2019 với 2018
+/-
%
1
Tổng doanh thu
Trđ
2.742.102
3.668.431
+926.329
133,78
Doanh thu vận chuyển
Trđ
1.419.297
1.763.141
+343.844
124,23
Tỷ trọng
%
51,76
48,06
(-3,7)
Doanh thu ăn uống
Trđ
779.867
971.457
+191.590
124,57
Tỷ trọng
%
28,44
26,48
(-1,96)
Doanh thu vui chơi
giải trí
Trđ
208.399
417.148
+208.749
200,17
Tỷ trọng
%
7,6
11,37
(+3,77)
Doanh thu dịch vụ khác
Trđ
334.539
516.685
+182.146
154,45
Tỷ trọng
%
12,2
14,09
(+1,89)
268
STT
Các chỉ tiêu
ĐVT
Năm 2018
Năm 2019
So sánh
2019 với 2018
+/-
%
2
Tổng chi phí
Trđ
1.284.355
1.610.067
+325.712
125,36
Chi phí vận chuyển
Trđ
693.551
767.208
+73.657
110,62
Tỷ trọng
%
55,56
47,65
(-7,91)
Chi phí ăn uống
Trđ
385.306
531.322
+146.016
137,9
Tỷ trọng
%
30
33
(+3)
Chi phí vui chơi giải trí
Trđ
154.123
219.733
+65.610
142,57
Tỷ trọng
%
12
13,65
(+1,65)
Chi phí dịch vụ khác
Trđ
51.375
91.804
+40.429
178,69
Tỷ trọng
%
2,44
5,7
(+3,26)
3
Tỷ suất chi phí
%
46,84
43,89
(-2,95)
Tỷ suất chi phí
vận chuyển
%
25,29
20,91
(-4,38)
Tỷ suất chi phí ăn uống
%
14,05
14,48
(+0,43)
Tỷ suất chi phí vui chơi
giải trí
%
5,62
5,99
(+0,37)
Tỷ suất chi phí dịch vụ
khác
%
1,88
2,51
(+0,63)
Nguồn: Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà
Theo số liệu trên cho thấy, cả tổng doanh thu và tổng chi phí của công ty du lịch năm
2019 đều tăng so với năm 2018 nhưng tốc độ tăng của doanh thu tăng nhanh hơn tốc
độ tăng của chi phí, tỷ suất chi phí của công ty năm 2019 so với năm 2018 giảm 2,95%.
Như vậy, có thể đánh giá rằng tình hình sử dụng chi phí qua hai năm của công ty là khá
tốt. Trong thời gian tới, công ty nên tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh, chú trọng nâng
cao trình độ quản lý và sử dụng chi phí hiệu quả hơn.
7.2. LỢI NHUẬN KINH DOANH DU LỊCH
Lợi nhuận là thước đo quan trọng nhất cho thành công trong kinh
doanh. Lợi nhuận của doanh nghiệp tăng sẽ làm tăng lợi ích của các
nhóm: Khách hàng, nhân viên, nhà quản trị, các cổ đông và nhà đầu tư
269
(chủ sở hữu). Mục tiêu của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận. Lợi
nhuận là chỉ tiêu phản ánh chất lượng và kết quả hoạt động kinh doanh
của doanh nghiệp.
Các nhà quản trị luôn đối mặt với nhiều trở ngại trong quản lý
doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp: Thiếu tính sáng tạo, thiếu tập
trung, giám sát thiếu chặt chẽ, mâu thuẫn giữa bộ phận kinh doanh và
dịch vụ khách hàng, xác định không đúng đối tượng khách, đãi ngộ
không thoả đáng,... Tại nhiều khách sạn, do có nhiều nghiệp vụ kinh
doanh nên vai trò quản lý lợi nhuận thuộc về nhiều nhà quản trị khác
nhau. Các bộ phận dịch vụ ăn uống và dịch vụ bổ sung có thể được hạch
toán độc lập. Việc quản lý doanh thu tại bộ phận lễ tân là quản lý doanh
thu từ bán buồng và các dịch vụ đi kèm như giặt là, điện thoại, ăn uống
tại phòng,... Vì vậy, hiểu rõ bản chất của lợi nhuận sẽ giúp các doanh
nghiệp quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh.
7.2.1. Đặc điểm và tầm quan trọng của lợi nhuận kinh doanh
Theo nghĩa chung lợi nhuận là thu nhập mặc nhiên của vốn đầu tư,
là phần vượt trội của giá bán sản phẩm dịch vụ với chi phí tạo ra và cung
ứng sản phẩm dịch vụ đó. Thu nhập là khoản thu được dưới mọi hình
thức (tiền tệ, hàng hóa hay dịch vụ) mà một cá nhân, một doanh nghiệp,
một quốc gia nhận được đều đặn trong từng thời kỳ nhất định (1 tháng,
1 năm). Theo đó, lợi nhuận và thu nhập khác nhau về phạm vi áp dụng,
về nguồn gốc, về biểu hiện và tính chất.
Ở góc độ kinh tế học, phân biệt lợi nhuận thông thường và lợi
nhuận siêu ngạch (lợi nhuận vượt mức).
Ở góc độ kinh tế chính trị, lợi nhuận là hình thức biến tướng của
giá trị thặng dư, là hình thức biểu hiện bên ngoài của giá trị thặng dư.
Ở góc độ tài chính, lợi nhuận được xác định dựa trên lãi gộp, chi
phí sản xuất kinh doanh, kết quả các hoạt động khác và thuế phải nộp.
Thực tế trong kinh doanh du lịch, lợi nhuận được xác định khá
đơn giản:
270
L = D - F - T
Trong đó:
L: Lợi nhuận.
D: Doanh thu.
F: Chi phí.
T: Thuế phải nộp.
Quá trình hình thành lợi nhuận trong doanh nghiệp kinh doanh du
lịch có nhiều đặc trưng gắn với nguồn hình thành lợi nhuận.
- Lợi nhuận trong kinh doanh du lịch được hình thành từ nhiều
nguồn khác nhau tùy theo lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh
nghiệp. Lợi nhuận trong khách sạn có nguồn hình thành từ kinh doanh
lưu trú, kinh doanh ăn uống và kinh doanh dịch vụ bổ sung. Lợi nhuận
của một công ty lữ hành có nguồn từ kinh doanh tour trọn gói, hoa hồng
cho nhà cung ứng và bán các dịch vụ lẻ kèm theo. Lợi nhuận của một nhà
hàng có nguồn từ sản xuất kinh doanh sản phẩm tự chế và hàng
chuyển bán.
- Cơ cấu nguồn hình thành lợi nhuận của doanh nghiệp khác nhau
tùy theo đặc điểm và loại hình kinh doanh của doanh nghiệp. Cơ cấu lợi
nhuận của khách sạn khác với cơ cấu lợi nhuận của công ty lữ hành. Tỷ
trọng lợi nhuận của từng lĩnh vực kinh doanh trong tổng lợi nhuận có sự
khác biệt. Thông thường, doanh nghiệp càng kinh doanh các dịch vụ
thuần túy thì lợi nhuận càng lớn.
- Bản chất của lợi nhuận xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau.
Lợi nhuận có nguồn gốc, bản chất từ quá trình sản xuất, do sự kết hợp
các nhân tố sản xuất tạo giá trị mới tăng thêm. Lợi nhuận sản xuất kinh
doanh sản phẩm tự chế thể hiện rất rõ đặc điểm này. Lợi nhuận có nguồn
gốc, bản chất từ quá trình sản xuất nhưng do các ngành sản xuất khác tạo
ra. Doanh nghiệp du lịch kinh doanh hàng chuyển bán được hưởng lợi
nhuận này do kinh doanh sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất khác.
271
Mặt khác, doanh nghiệp du lịch còn thu được phần lợi nhuận không nhỏ
khi khai thác tài nguyên du lịch phục vụ cho du khách.
7.2.2. Tỷ suất lợi nhuận kinh doanh
Tỷ suất lợi nhuận là tỷ lệ % so sánh giữa tổng mức lợi nhuận và
tổng doanh thu đạt được trong một thời kỳ nhất định.
Trong đó:
L’: Tỷ suất lợi nhuận.
L: Tổng mức lợi nhuận.
D: Tổng mức doanh thu đạt được trong thời kỳ đó.
Tỷ suất lợi nhuận là chỉ tiêu tương đối phản ánh chất lượng và hiệu
quả của hoạt động kinh doanh. Chỉ tiêu này càng cao thể hiện hoạt động
của doanh nghiệp càng tốt. Vì tỷ suất lợi nhuận là chỉ tiêu tương đối nên
có thể dùng để so sánh hiệu quả kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong
một thời kỳ nhất định hoặc giữa các thời kỳ của cùng một doanh nghiệp.
Giữa lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận có thể có nhiều mối quan hệ, ví
dụ như lợi nhuận tăng và tỷ suất lợi nhuận tăng, lợi nhuận tăng và tỷ suất
lợi nhuận giảm, lợi nhuận giảm và tỷ suất lợi nhuận cũng giảm,... Các
doanh nghiệp luôn tìm mọi cách để tăng cả lợi nhuận và tỷ suất lợi
nhuận, song, theo xu hướng thì lợi nhuận tăng và tỷ suất lợi nhuận giảm.
7.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh
Gồm các nhân tố ảnh hưởng đến cả tổng mức lợi nhuận và tỷ suất
lợi nhuận. Các nhân tố có thể lượng hóa được và không lượng hóa được.
Trong phạm vi doanh nghiệp, các nhà quản trị cố gắng tiết kiệm các
nguồn lực, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng để
tăng lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận.
272
Các nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp
bao gồm:
- Quy mô và cơ cấu kinh doanh.
- Chi phí và việc tiết kiệm chi phí trong doanh nghiệp.
- Trình độ tổ chức quản lý của doanh nghiệp.
- Uy tín, vị trí của doanh nghiệp.
- Chu kỳ sống sản phẩm của doanh nghiệp.
- Giá cả sản phẩm dịch vụ và giá chi phí đầu vào.
- Chính sách của chính phủ.
- Các nhân tố khác: Thời vụ du lịch, sự ổn định của thị trường,...
Hiểu biết được tác động của các nhân tố và đưa ra biện pháp điều
chỉnh giảm tác động tiêu cực, phát huy tác động tích cực, thích ứng
những biến động của môi trường kinh doanh vĩ mô sẽ góp phần nâng cao
lợi nhuận cho doanh nghiệp, đạt mục đích cuối cùng của doanh nghiệp.
7.2.4. Đánh giá tình hình lợi nhuận kinh doanh
Việc đánh giá tình hình lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp du
lịch được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Lập biểu phân tích và tính toán các chỉ tiêu cần thiết:
Nhóm chỉ tiêu doanh thu, chỉ tiêu giá trị vốn nguyên liệu hàng hoá (nếu
kinh doanh ăn uống và hàng hóa), nhóm chỉ tiêu chi phí, nhóm chỉ tiêu
thuế, nhóm chỉ tiêu lợi nhuận.
Bước 2: Đánh giá chung tình hình doanh thu, chi phí, lợi nhuận, tỷ
suất lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bước 3: Phân tích tình hình lợi nhuận theo các yếu tố nghiệp vụ
kinh doanh, thời gian và không gian.
Bước 4: Kết luận chung về tình hình lợi nhuận kinh doanh của
doanh nghiệp, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp nâng cao lợi
nhuận kinh doanh cho doanh nghiệp.
273
Hộp 7.2
Tình hình lợi nhuận kinh doanh của Khách sạn Lotte Hà Nội
STT
Các chỉ tiêu
ĐVT
Năm
2018
Năm
2019
So sánh
2019 với 2018
+/-
%
1
Tổng doanh thu
Trđ
652.090
778.900
+126.810
119,44
2
Tổng chi phí
Trđ
355.500
420.090
+64.590
118,16
3
VAT
Trđ
65.209
77.890
+12.681
119,44
4
Lợi nhuận trước thuế
Trđ
231.318
280.920
49.602
121,44
Tỷ suất lợi nhuận trước thuế
%
35,48
36,06
(+0,58)
5
Thuế TNDN
Trđ
23.132
28.092
+4.960
121,44
6
Lợi nhuận sau thuế
Trđ
208.186
252.828
+44.642
121,44
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế
%
31,92
32,45
(+0,53)
Nguồn: Khách sạn Lotte Hà Nội
Qua số liệu trên cho thấy tình hình lợi nhuận kinh doanh của khách sạn là khá tốt.
Cụ thể: Tổng doanh thu và tổng chi phí của khách sạn năm 2019 đều tăng so với năm
2018 nhưng tốc độ tăng của doanh thu mạnh hơn so với tốc độ tăng của chi phí; lợi
nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của khách sạn năm 2019 đều tăng 21,44%
so với năm 2018; tỷ suất lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế năm 2019 đều
tăng so với năm 2018.
7.3. CHI PHÍ HOẠT ĐỘNG VÀ KHẢ NĂNG SINH LỜI
Có một số chi phí liên quan đến kinh doanh du lịch, khách sạn và
dịch vụ ăn uống. Các chi phí thuộc hai loại chính, một là chi phí vốn xây
dựng và trang bị cơ sở vật chất và hai là chi phí hoạt động, bao gồm một
số chi phí cố định như lãi suất, lãi vay và các chi phí tương tự phụ thuộc
vào số lượng người phục vụ. Các chi phí thực tế liên quan đến hoạt động
nào sẽ mang đặc thù của hoạt động đó, tuy nhiên có những khoản chi phí
cần được đặt trong mối liên quan với lợi nhuận và tính nhạy cảm của lợi
274
nhuận đối với sự thay đổi của nhu cầu. Đồng thời, nếu chủ các doanh
nghiệp nhận thấy chi phí có sự thay đổi đáng kể so với mức trung bình
chung thì cần phải nhận diện các yếu tố tạo nên sự thay đổi đó.
7.3.1. Chi phí vốn
Trong một khía cạnh nào đó, chi phí xây dựng ban đầu sẽ phụ
thuộc vào chi phí đất đai và các chi phí này sẽ khác nhau tùy từng vị trí
cụ thể. Ngoài ra, tổng chi phí xây dựng cũng sẽ khác biệt tùy theo quy
mô và loại hạng khách sạn. Trong những thời gian lạm phát, chi phí có
thể tăng nhanh giữa thời điểm bắt đầu xây dựng và ngày khánh thành
khách sạn. Do đó, việc xác định chi phí cố định là rất rủi ro nhưng việc
xác định và phân bổ chi phí vẫn rất cần thiết. Một trong những báo cáo
khá cụ thể về nội dung này là báo cáo của NEDC (Ủy ban phát triển kinh
tế quốc gia Anh). Nhìn chung, nếu loại trừ chi phí đất đai thì chi phí xây
dựng sẽ thay đổi từ 87 đến 92% tổng chi phí xây dựng và lắp đặt mỗi
phòng (Bảng 7.7). Nói chung, chi phí xây dựng và lắp đặt mỗi phòng
thường thấp hơn với các khách sạn thấp tầng, nhưng tất nhiên nó sẽ phải
chịu chi phí đất đai cao hơn, đặc biệt nếu bãi đậu xe xung quanh khách
sạn không được kết hợp trong một tòa nhà cao tầng.
Bảng 7.7. Phân phối chi phí lắp đặt và xây dựng mỗi phòng (%)
Khách sạn thấp tầng
Khách sạn cao tầng
100 phòng
200 phòng
99 phòng
108 phòng
Xây dựng
88
87
92
91
Thảm
1
3
2
2
Ánh sáng
1
2
1
1
Nội thất phòng ngủ
3
3
2
2
Nội thất khu vực công cộng
1
1
1
1
Công trình bên ngoài
và hệ thống thoát nước
6
4
2
3
Nguồn: NEDC
275
Chi phí xây dựng thường bao gồm nhiều loại khác nhau và chi phí
sửa chữa với các khách sạn thấp tầng thông thường sẽ bao gồm 7% tổng
chi phí xây dựng hạ tầng, 40% cấu trúc thượng tầng, 8% cho bề mặt bên
trong như trát vữa và sơn, và 28% cho hệ thống ống nước và công trình
điện, phần còn lại là các công trình cấp thoát nước. Như đã đề cập ở trên,
theo nghiên cứu của NEDC, sự phân bổ của các chi phí này ở Anh có thể
thay đổi tùy theo loại hình khách sạn, rõ ràng là các yêu cầu nền tảng cho
các khách sạn cao tầng sẽ lớn hơn các khách sạn thấp tầng. Những chi
phí ban đầu này cao có nghĩa là ngay cả những khách sạn có quy mô vừa
phải cũng có thể rất tốn kém, kể cả khi cấu trúc khách sạn mang tính cố
định lâu dài thì những khoản chi phí này vẫn sẽ luôn biến đổi theo hướng
tăng đáng kể so với lợi nhuận từ các hoạt động mới, khách sạn chắc chắn
cần một khoảng thời gian hoàn vốn ít nhất là 10 năm. Việc cho thuê một
số đồ nội thất và thiết bị tác nghiệp, thậm chí có thể là cả tòa nhà khách
sạn, có thể chiếm hơn 90% tổng giá trị tài sản khách sạn. Tính đặc thù
của khách sạn dẫn đến chuyển đổi mục đích sử dụng là rất hạn chế, có
thể tác động đến khả năng sinh lời kém của khách sạn. Chi phí xây dựng
khách sạn cao đã dẫn đến hai hướng phát triển mới. Đầu tiên là nỗ lực
mở rộng các khách sạn hiện tại bằng cách tận dụng các nhà nghỉ khi đã
có sẵn giấy phép sử dụng đất, vì giá xây dựng và sử dụng các cơ sở dịch
vụ chung cho mỗi phòng hiện có thường rẻ hơn; thứ hai là chuyển đổi
các tòa nhà hiện có sang khách sạn bất cứ khi nào có thể.
Hiện nay, nhiều công ty bất động sản sở hữu khách sạn và cho các
nhà điều hành khách sạn thuê lại để kinh doanh, cùng với đó là một
khoản chi phí cố định để thanh toán tiền thuê căn cứ vào thời hạn thuê và
thanh toán. Một số nhà đầu tư bất động sản đã gặp khó khăn về tài chính
trong giai đoạn lạm phát, do chi phí gia tăng tại thời điểm cho thuê tĩnh,
đã bắt đầu cho thuê theo tỷ lệ doanh thu đạt được của người thuê và kinh
doanh nó, nhưng điều này cũng chưa thực sự phổ biến.
Trong ngành ăn uống, chi phí vốn trên tổng chi phí nhỏ hơn đáng
kể và tỷ lệ vốn với tài sản cố định đối với các dạng tài sản khác thường
276
thấp hơn. Do đó, lượng tài sản cố định được yêu cầu ít hơn vì tài sản cố
định và các thiết bị cần thiết khác có thể được thuê lại, vì vậy ngành kinh
doanh ăn uống có chi phí cố định ít hơn, không đòi hỏi vốn ban đầu quá
lớn như kinh doanh khách sạn.
7.3.2. Chi phí hoạt động
7.3.2.1. Chi phí hoạt động của kinh doanh khách sạn
Chi phí hoạt động khách sạn có xu hướng chủ yếu xoay quanh hai
hoạt động cơ bản: Phòng và cung cấp dịch vụ ăn uống, ngoài ra có thể
cung cấp thêm các dịch vụ bổ sung. Do đó, các khoản chi phí chính sẽ
bao gồm chi phí nguyên vật liệu như thực phẩm và đồ uống (chủ yếu là
rượu) và các khoản chi phí lao động liên quan đến dịch vụ ăn uống và
dịch vụ phòng. Các khoản này có thể chiếm khoảng một nửa tổng doanh
thu của khách sạn. Việc phân phối các chi phí thể hiện dưới dạng tỷ lệ
phần trăm doanh thu thuần thay đổi theo từng loại khách sạn. Nhưng dữ
liệu báo cáo của NEDC về triển vọng khách sạn và dựa trên giả định rằng
một nửa doanh thu của khách sạn là từ việc cho thuê phòng, phần còn lại
bắt nguồn từ việc bán thực phẩm, rượu và các dịch vụ khác. Khả năng
sinh lợi của từng khách sạn tăng lên khi tăng công suất phòng đạt 50 -
60%, sự tăng trưởng đáng kể được xác định chủ yếu từ các khách sạn
trong thành phố, giúp tổng doanh thu tăng khoảng 7%. Nguyên nhân là
do chi phí lao động phụ thuộc vào tỷ lệ % doanh thu, cho thấy tính chất
khá cố định của các chi phí này so với chi phí biến đổi của thực phẩm và
rượu. Khoản tiết kiệm lớn nhất là từ việc tăng năng suất lao động ở cả bộ
phận dịch vụ ăn uống và dịch vụ phòng, trong đó chi phí bán hàng và
quảng cáo, chi phí điện nước, ánh sáng và năng lượng giảm theo một tỷ
lệ doanh thu, là khoản chi phí cận biên. Mức tăng lợi nhuận của các
khách sạn trong Bảng 7.8 là một ví dụ điển hình.
277
Bảng 7.8. Phân phối chi phí hoạt động trên % doanh thu
Hoạt động của
khách sạn
thấp tầng với 100
phòng ngủ
(khu nghỉ dưỡng)
Hoạt động của
khách sạn
thấp tầng với 200
phòng ngủ
(đô thị)
Hoạt động của
khách sạn
cao tầng với 108
phòng ngủ
(thành phố)
50%
60%
50%
60%
50%
60%
Bộ phận vận hành
Cơ sở vật chất
20,0
20,0
21,7
20,7
20,2
20,2
Lao động
28,2
26,5
24,3
22,0
29,4
25,8
Khác
8,1
7,7
7,8
7,5
8,3
7,9
Bộ phận dịch vụ
Quản lý
12,9
11,4
10,7
9,4
13,7
12,1
Bán hàng
1,4
1,3
1,3
1,2
1,9
1,8
Nhiệt độ, ánh sáng,
năng lượng
3,5
3,4
3,1
3,0
4,0
3,9
Sửa chữa và bảo trì
5,7
5,0
5,3
4,8
6,0
5,3
Lợi nhuận ròng
của khách sạn
20,2
24,7
26,8
31,4
16,5
23,0
Nguồn: NEDC
Sự thay đổi về chi phí ban đầu có thể dẫn tới sự thay đổi tương ứng
về lợi nhuận. Các nghiên cứu thực tế cho thấy, các khu nghỉ dưỡng và
khách sạn thành phố có sự nhạy cảm lớn về lợi nhuận liên quan đến sự
thay đổi chi phí. Tuy nhiên, ví dụ này chỉ dựa trên chi phí không đổi và
lợi nhuận của hoạt động sẽ phụ thuộc vào thay đổi giữa doanh thu và chi
phí. Ngoài ra, các mức lợi nhuận khác nhau có thể đạt được với cùng
mức doanh thu. Bảng 7.9 cho thấy, chi phí lao động không tăng lên khi
công suất phòng tăng lên, và do đó, những khách sạn tập trung vào lưu
trú và không phụ thuộc vào nhà hàng sẽ sinh lợi nhiều hơn khách sạn phụ
278
thuộc nhiều vào kinh doanh nhà hàng. Điều này được xác nhận bởi nhiều
nghiên cứu ở các quốc gia cho thấy khách sạn tập trung kinh doanh lưu
trú có mức lợi nhuận cao hơn so với các khách sạn tập trung bán thực
phẩm và đồ uống. Tương tự, các nghiên cứu của NEDC cũng chỉ ra rằng
tăng 1% công suất sử dụng buồng ngủ sẽ dẫn tới tăng trung bình 1,7% lợi
nhuận, trong khi mức tăng chi phí 1% từ thực phẩm chỉ tạo ra mức tăng
0,5% lợi nhuận.
Như vậy, các nhà nghỉ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tăng nhu
cầu về dịch vụ lưu trú, bởi các nhà nghỉ thường ít các dịch vụ hơn so với
các khách sạn truyền thống, điều này có nghĩa là các nhà nghỉ không tốn
thêm nhiều chi phí khi công suất phòng tăng lên. Nghiên cứu thực tế cho
thấy rằng, nhu cầu về lưu trú có xu hướng không co giãn theo giá, nhu
cầu về dịch vụ lưu trú tăng 1% mang lại lợi nhuận tăng hơn 1%, cũng
tương tự với nhu cầu về thực phẩm, đồ uống và thuốc lá. Tuy nhiên,
không có sự thống nhất giữa các loại khách sạn. Ổn định và mang lại
hiệu quả cao nhất là các khách sạn nghỉ dưỡng, điều này khá dễ hiểu bởi
khi đã ra quyết định về một kỳ nghỉ thì nhu cầu sẽ có xu hướng không co
giãn theo giá. Ngược lại, với các trường hợp cơ sở lưu trú khác, ví dụ
như các khách sạn ở thành phố, sẽ nhận được ít lợi ích hơn từ việc tăng
giá, cụ thể khi họ tăng 1% giá thực phẩm, đồ uống và thuốc lá sẽ chỉ thu
lại lợi nhuận ít hơn 1%, điều này phản ánh khả năng thay thế các cơ sở
lưu trú ở thành phố.
Tác động của việc tăng chi phí cũng khác nhau giữa các khách sạn,
các khách sạn nghỉ dưỡng ven biển thường chịu tổn thất lớn nhất khi chi
phí tăng lên. Tuy nhiên, trong thực tế vị trí của các bãi biển là khác nhau.
Thực tế là khi các khu nghỉ dưỡng ven biển quá tải thì các khách sạn ở
thành phố đã tăng lên về số lượng phòng. Vì vậy, trong trường hợp các
biến khác thay đổi thì những yếu tố này phải được tính đến. Điều này tạo
ra một số vấn đề cho các nhà thống kê, trong đó cần cân nhắc tầm quan
trọng của các thay đổi nói trên vì không phải tất cả các yếu tố đều quan
279
trọng như nhau đối với tất cả các địa điểm của khách sạn. Thực tế là các
khách sạn ở thành phố có xu hướng sử dụng chi phí lao động cao hơn do
có mức công suất cao hơn so với các nhóm khách sạn khác, với giả định
rằng thuế không thay đổi.
Nghiên cứu thực tế cho thấy rằng, ngoài các yếu tố như quy mô,
loại hạng lưu trú thì vị trí kinh doanh của khách sạn cũng là yếu tố tạo ra
mức lợi nhuận khác nhau. Do đó, các khách sạn ở thành phố có lợi nhuận
cao nhất, với lợi nhuận trước thuế, lãi suất và chi phí tài chính chiếm hơn
30% doanh thu, trong khi các khách sạn nghỉ dưỡng ven biển có lợi
nhuận thấp nhất, chỉ khoảng 17%. Sự khác biệt một phần là do dịch vụ
lưu trú khi mà ước tính cho thấy dịch vụ lưu trú chiếm tới 80% lợi nhuận
của các khách sạn ở thành phố so với tương ứng chỉ 60% tại các khu nghỉ
dưỡng ven biển. Điều này làm cho chi phí vật chất (thực phẩm và đồ
uống) chiếm tỉ lệ nhỏ hơn nhiều trong toàn bộ cơ cấu chi phí tại các
khách sạn ở thành phố so với các khách sạn ở khu vực khác. Hơn nữa,
một số khách sạn ở thành phố (London, Tokyo,...) cung cấp dịch vụ lưu
trú đơn thuần mà không có bữa sáng kèm theo. Phân tích Bảng 7.9 cho
thấy sự khác biệt về lợi nhuận trên cơ sở chi phí kinh doanh lưu trú và
kinh doanh ăn uống.
Những khách sạn có doanh thu phụ thuộc nhiều vào kinh doanh đồ
uống, cụ thể là ở các đô thị ít dân và các khách sạn nghỉ dưỡng ven biển,
có lợi nhuận thấp nhất. Tuy nhiên, các khách sạn ở thành phố có thể phải
đối mặt với chi phí tài chính và các chi phí tương tự khác cao hơn. Các
khách sạn này phải đáp ứng các mô hình cầu khác nhau tùy từng địa
điểm. Trong khi đó, các nhà nghỉ có sự phụ thuộc tương đối cao vào
doanh thu bán đồ ăn và thức uống, điều này cho thấy sự phân biệt rõ ràng
hơn giữa khách sạn với nhà nghỉ. Đây cũng là cơ sở để các khách sạn có
công suất phòng thấp cần chuyển sang kinh doanh các sản phẩm khác
mang lại doanh thu cao hơn. Các khách sạn nông thôn có mức công
suất thấp nên có mức lợi nhuận phụ thuộc chủ yếu vào doanh thu bán
thực phẩm.
280
Bảng 7.9. Chi phí và lợi nhuận dựa trên vị trí (% doanh thu)
London
Đô thị
với trên
100.000
người
Đô thị
với dưới
100.000
người
Khu
nghỉ
dưỡng
nông
thôn
Khu
nghỉ
dưỡng
ven
biển
Motel
Kinh doanh
Phòng
54,2
34,7
18
25,7
27,3
34,2
Đồ ăn
23,4
31,3
32,7
35,8
31,3
32,5
Bar
10,9
24,1
43,8
30,6
35
26
Khác
11,5
9,9
5,5
7,9
6,4
7,3
Chi phí
Nguyên vật liệu
13
25,6
41,4
33,4
34,8
29,2
Nhân công
28,1
28,5
26,4
27,8
25,5
28,8
Khác
25,6
21,9
13,5
17,9
22,7
20
Lợi nhuận trước thuế,
phí và lãi suất
33,3
24
18,7
20,9
17
23
Nguồn: NEDC
Liên quan đến thuế, nhiều doanh nghiệp có thể lãi hoặc lỗ do sự
chênh lệch thuế suất giữa thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế kinh
doanh. Những khách sạn không được điều hành bởi các công ty mà được
điều hành bởi cá nhân người thuê, thường chịu mức thuế thu nhập cá
nhân trong đánh giá thu nhập, tuy nhiên, doanh thu nội địa lại không
phân biệt giữa thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp. Thông
thường, thuế thu nhập cá nhân thấp hơn thuế thu nhập doanh nghiệp (ví
dụ, thuế thu nhập cá nhân là 10% (có lũy tiến) trong khi thuế thu nhập
doanh nghiệp là 20%. Điều này nghĩa là việc tự kinh doanh mang lại
nhiều lợi nhuận hơn, song nó còn phụ thuộc vào quy mô lợi nhuận. Vì vậy,
281
chủ sở hữu khách sạn phải tính xem cái nào có lợi hơn, bị đánh thuế thu
nhập cá nhân hay thuế thu nhập doanh nghiệp, tính vào thu nhập chịu
thuế của người quản lý và để phần doanh thu còn lại trong kinh doanh,
hay là để chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với các ngành kinh
doanh dịch vụ, bao gồm cả khách sạn và nhà hàng, trong khi 80% chủ sở
hữu tài sản trung bình phải trả khoảng 30% tổng doanh thu để nộp thuế.
Nói chung, trước đây, các khách sạn và khu vực ăn uống nộp ít thuế hơn
nhiều so với các ngành khác do lợi nhuận thấp hơn và mức độ hợp nhất
của các doanh nghiệp là thấp, bên cạnh đó, các ngành dịch vụ không có
các khoản trợ cấp và trợ thuế tương tự như các ngành sản xuất.
Về mức lợi nhuận quốc tế, có thể so sánh giữa các khách sạn ở các
nước châu Âu (Bảng 7.10).
Bảng 7.10. Lợi nhuận của các nước châu Âu
(Lợi nhuận trên % doanh thu)
Trung
bình tổng
Bỉ
Anh
Pháp
Đức
Ý
Hà Lan
Khác
Trung bình số phòng
352
292
376
417
352
358
259
310
Thu nhập
Phòng
52,6
48,0
54,5
57,3
48,6
55,5
48,4
50,7
Đồ ăn
27,0
30,6
26,9
26,8
26,0
25,1
31,6
26,7
Tổng thu nhập
46,7
40,6
51,4
43,7
46,3
33,8
41,9
46,2
Tổng lợi nhuận
20,7
9,3
28,3
16,4
19,2
7,1
16,1
19,1
Nguồn: Xu hướng trong ngành ăn uống, Pannell, Kerr, Forster và cộng sự
Thập niên trước, các khách sạn ở Trung Đông và Nam Á có công
suất phòng cao, lần lượt là 78,2% và 74,7% và mức lợi nhuận cao, lần
lượt là 37,1% và 50,6% trên tổng thu nhập. Khách sạn châu Âu đạt mức
công suất trung bình khoảng 64,3% và mức sinh lời là 20,7% trên tổng
282
thu nhập. Thực tế, ở châu Âu, theo các chuyên gia tư vấn quản lý
Pannell, Kerr, Forster và Company Ltd., các khách sạn ở Anh đạt lợi
nhuận cao nhất với sự tăng trưởng nhanh nhất khi công suất phòng cao
và một số chi phí như thực phẩm và lao động khá thấp. Tuy nhiên, cuộc
khảo sát các khách sạn tại các thành phố lớn lại cho thấy rằng, số lượng
phòng trung bình mới mang lại mức tỷ lệ lợi nhuận cao. Ở các nước châu
Âu, chi phí cho công tác quản trị, quảng cáo và sửa chữa là khá thấp,
khoảng 23,5% ở Anh và 34,2% ở Bỉ, trung bình khoảng 26,8%. Ở Ý, chi
phí cho lao động là rất cao, khoảng 49,8%, trong khi đó, chi phí hành
chính ở Bỉ là cao nhất. Lợi nhuận ở Anh là do giảm chi phí thực phẩm và
lao động, ngoài ra, thuế quan ở nước này cũng thấp hơn, khoảng dưới
mức trung bình của châu Âu là $3 với mức giá $25,98 mỗi phòng sử
dụng. So sánh quốc tế cũng chỉ ra sự khác biệt giữa các khách sạn.
Khách của khách sạn Đức có khả năng mua đồ uống trong khách sạn gấp
hai lần người Pháp. Người Hà Lan tiêu dùng nhiều các bữa ăn trong
khách sạn của họ nhất và người Pháp ít tiêu dùng nhất. Các khách sạn sử
dụng tiếng Anh chi tiêu ít hơn vào bộ khăn trải giường so với các đối tác
châu Âu nhưng lại chi tiều nhiều nhất là vào đồ sành sứ và thủy tinh.
Các khách sạn châu Âu cũng phải chi trả một khoản chi phí lớn cho
lãi suất các khoản vay. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, 5% doanh thu
của các khách sạn phải trả cho khoản vay gốc ban đầu đã đến hạn thanh
toán. Sau đó lãi suất giảm đã làm giảm gánh nặng này xuống, nhưng
những người chậm chi trả các khoản vay lại tiếp tục phải chịu lãi suất
tăng sau đó, điều đó cho thấy tầm quan trọng của thời gian chi trả.
Một khoản chi phí nữa mà các khách sạn có thể tiết kiệm là chi phí
giặt là. Ước tính dịch vụ giặt là tại chỗ có thể tiết kiệm 30% so với chi
phí thuê giặt là bên ngoài và góp phần tăng lợi nhuận của khách sạn,
ngoài ra điều này còn làm tăng lượng khăn trải giường có sẵn để sử dụng
trong khách sạn và tránh thất thoát. Mặt khác, việc tiết kiệm 30% cũng là
con số để khách sạn cân nhắc có nên bổ sung các dịch vụ phòng và chi
phí cho nhân viên. Tuy nhiên, có rất ít khách sạn có thể giảm chi phí mà
không giảm chất lượng dịch vụ được cung cấp. Dịch vụ ăn uống có lẽ là
283
lĩnh vực có thể được tiết kiệm, nhưng những thay đổi này thường liên
quan đến việc chuyển đổi thức ăn tươi, điều này là rất khó khả thi với các
khách hàng yêu cầu chất lượng cao. Cách tốt nhất để sử dụng hiệu quả
chi phí là phân bổ chúng vào lĩnh vực lưu trú nhiều hơn; điều này các
khách sạn thường ít có khả năng tác động mà phụ thuộc vào nhu cầu của
khách hàng nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là các khách
sạn lớn sẽ có nhiều lợi hơn. Đây là cơ sở cho các khách sạn lớn tăng mức
công suất. Các khách sạn quy mô lớn có thể có lợi nhuận cao cùng với sự
quản lý chuyên nghiệp nhất trong các nhóm khách sạn. Tuy nhiên, không
thể kết luận quy mô lớn tương ứng với lợi nhuận lớn với các khách sạn ở
các vị trí khác nhau. Các khách sạn dưới 50 phòng có mức lợi nhuận tỷ lệ
với vốn. Khách sạn 30 phòng có thể đạt được tỷ lệ lợi nhuận trên vốn
hoặc doanh thu cao hơn nhưng các khách sạn lớn hơn vẫn có thể kiếm
thêm lợi nhuận. Ví dụ: Một khách sạn nhỏ có thể đạt được tỷ lệ hoàn vốn
15% trên 200.000 USD doanh thu, tức là 30.000 USD, nhưng một khách
sạn lớn hơn có thể đạt được lợi nhuận 10% trên 500.000 USD doanh thu,
tức là 50.000 USD, nghĩa là đạt được lợi nhuận cao hơn trong khi mức tỷ
lệ lợi nhuận trên vốn hoặc doanh thu thấp hơn.
Trong thực tế, với tác động của môi trường kinh doanh, nhiều
khách sạn vẫn tiếp tục hoạt động ở mức lợi nhuận thấp. Bên cạnh đó, để
đối phó với tình trạng lạm phát, nhiều nhà đầu tư đã quyết định tập trung
vào giá trị tài sản và đất đai, tăng doanh thu và lợi nhuận, dẫn đến số tiền
đầu tư trong ngành tăng lên, nhằm cải tạo và xây dựng phòng khách sạn.
Trong đó, các công ty lớn, đứng đầu là Trusthouse Forte, đầu tư khoảng
20%. Tuy vậy, khi nhu cầu về mức độ tiện nghi tăng lên thì các khách
sạn nhỏ để duy trì lợi nhuận sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do các điều kiện
kinh doanh hạn chế của mình.
Ngoài các chi phí được liệt kê ở trên còn có thêm các khoản chi phí
khác như chi phí "thu hẹp phạm vi" và các khoản phí liên quan đến mất
mát tài sản do trộm cắp. Các khoản phí này có thể chiếm đến 10% tổng
doanh thu và nhân viên phải chịu trách nhiệm cho gần 1/3 tổng chi phí
trong khách sạn. Nhiều khách sạn trên thế giới hiện đang sử dụng hệ
284
thống khóa cửa phòng ngủ không chìa trên hệ thống máy vi tính và nó đã
mang lại lợi thế kép. Đầu tiên, nó có nghĩa là giảm trộm cắp; và thứ hai,
nó phù hợp với khách hàng nước ngoài. Một lợi thế nữa là giảm phí
bảo hiểm.
7.3.2.2. Chi phí hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống
Các chi phí thành phần chính của kinh doanh dịch vụ ăn uống trong
nhà hàng bao gồm chi phí vật liệu và lao động, cũng giống như chi phí
của khách sạn. Tuy nhiên, nhà hàng khác với khách sạn ở chỗ chi phí lao
động trong kinh doanh ăn uống chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng doanh
thu, trung bình là 25% doanh thu. Tuy nhiên, chi phí lao động có thể
chiếm tỷ lệ trên doanh thu khác nhau giữa các nhà hàng (Bảng 7.11).
Bảng 7.11. Chi phí lao động trên tỷ lệ doanh thu (%)
Cao nhất
Trung bình
Thấp nhất
Các nhà hàng
36,0
24,7
14,6
Các nhà hàng đặc sản
30,1
23,7
15,6
Nhà hàng quốc gia
45,0
26,8
16,0
Các quán bar
23,0
22,5
22,0
Các cơ sở ăn uống khác
32,0
25,2
16,2
Nguồn: Chi phí lao động trong nhà hàng, R.Kotas
Yếu tố quyết định một phần là bởi ảnh hưởng của chi phí lao động
tới hiệu quả hoạt động của nhà hàng và đối tượng phục vụ. Hai cơ sở nhà
hàng có thể có hiệu quả như nhau theo nhiều cách, nhưng một trong số
đó sẽ có tỷ lệ chi phí lao động trong tổng doanh thu cao hơn do duy trì
hoạt động 24 giờ/ngày.
Ước tính cho thấy hoạt động kinh doanh 24 giờ/ngày làm cho chi
phí lao động chiếm khoảng 45% tổng chi phí, trong khi các hoạt động
285
kinh doanh cung ứng một bữa ăn mỗi ngày chỉ tiêu tốn khoảng 28%
(Bảng 7.12).
Bảng 7.12. Chi phí ăn uống (%)
Trực tiếp
Gián tiếp
Thực
phẩm
Đầu
bếp
Phục
vụ
Dọn
dẹp
Lao
động
Khác
Lợi nhuận 1 bữa/ngày
43,6
5,3
9,6
7,1
6,3
28,1
Chi phí 1 bữa/ngày
49,9
8,6
7,0
10,2
2,2
22,1
Lợi nhuận 2 bữa/ngày
47,2
17,3
8,5
4,9
3,3
18,8
Chi phí 2 bữa/ngày
52,4
5,8
2,7
5,0
10,8
23,3
Lợi nhuận phục vụ 24h
47,6
16,1
16,6
8,7
6,4
4,6
Chi phí phục vụ 24h
52,0
18,8
15,3
6,5
3,9
3,5
Nguồn: Thực phẩm tiện lợi trong ngành ăn uống, NEDC
Việc nấu ăn và chuẩn bị bữa ăn không tiêu thụ phần lớn chi phí lao
động, các chi phí liên quan đến phục vụ là như nhau, do vậy nguyên nhân
chủ yếu được cho là do tiền lương của bếp trưởng và đầu bếp. Chi phí
phục vụ có thể chiếm tới 16% tổng chi phí và do đó có thể tiết kiệm bằng
cách kết hợp phục vụ với tự phục vụ. Việc tự phục vụ trong các nhà hàng
đã trở nên phổ biến hơn và các nhà hàng sẽ tiết kiệm được chi phí trả
lương ngoài giờ cho nhân viên,... Thức ăn chiếm phần lớn trong tổng chi
phí, thường chiếm khoảng một nửa chi phí của nhà hàng.
Điều này có nghĩa là cơ cấu chi phí của các nhà hàng được định
hướng là chi phí biến đổi thay vì chi phí cố định và lợi nhuận bắt nguồn
từ công suất chỗ ngồi và số lượng xác định các bữa ăn được phục vụ.
Ví dụ, trong Hình 7.11, chi phí biến đổi (tổng chi phí trừ chi phí cố
định) vẫn giữ nguyên và tương ứng với số lượng bữa ăn được phục vụ thì
286
chi phí cố định tăng cao hơn. Điểm số tại OQ
2
thay vì OQ
1
, giả định rằng
doanh thu vẫn giữ nguyên và cũng tương ứng với số lượng bữa ăn được
phục vụ. Như phần trên đã đề cập, các nhà hàng thường thuê các trang
thiết bị hơn là mua đầu tư mới, do đó khấu hao trang thiết bị thường nhỏ
hơn 3% tổng chi phí. Như vậy, chi phí thuê trang thiết bị cùng với các
khoản chi phí thuê nhà, bảo hiểm có thể chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng chi
phí nhà hàng.
Hình 7.11. Tầm quan trọng của tỷ lệ chi phí cố định
với chi phí biến đổi
Có sự khác biệt trong phân bổ chi phí giữa lĩnh vực thương mại và
phi thương mại trong ngành, bởi lĩnh vực phi thương mại sẽ rất tốn kém
do mục tiêu thông thường của họ là cung cấp các bữa ăn giá thấp cho
khách hàng và hậu quả là chính sách giá cũng mang tính cứng nhắc.
Trong thực tế, các nhà cung cấp dịch vụ phi thương mại có thể miễn phí
hoàn toàn và các đơn vị trợ cấp có thể đưa ra các tiêu chí rất lỏng lẻo.
Trong khi 90% công ty cung cấp có đưa ra tiêu chí và hướng dẫn cho các
nhà quản lý nhà hàng phi thương mại nhưng nhiều công ty thì không
quan tâm tới vấn đề đó. Rất ít trường hợp cân nhắc vấn đề ngân sách.
Điều này không thể hiện sự không hiệu quả của các nhà cung cấp thực
phẩm phi thương mại mà nó phản ánh mong muốn được cung cấp nhiều
hơn các bữa ăn với chi phí thấp dành cho nhân viên. Mục tiêu là tạo mối
quan hệ tốt hơn với nhân viên và đối với một số nhà tuyển dụng trong
287
doanh nghiệp, đây cũng được coi là chế độ đãi ngộ thực tế cho nhân viên
tại thời điểm lương bị hạn chế, trong khi những khoản thất thoát về chi
phí hoạt động phục vụ đã được thuế bù trừ.
7.3.3. Hiệu quả kinh tế theo quy mô
Các khách sạn và nhà hàng lớn có lợi thế nhất định về “hiệu quả
kinh tế theo quy mô”. Thuật ngữ "hiệu quả kinh tế theo quy mô" có nghĩa
là xu hướng giảm chi phí trung bình khi sản lượng tăng lên. Ví dụ, một
khách sạn sẽ cần đủ nhân viên để duy trì một mức độ dịch vụ tốt nhất
định. Giả sử một khách sạn thường hoạt động ở 75% công suất yêu cầu
10 nhân viên. Nếu công suất giảm xuống dưới mức đó, khách sạn vẫn sẽ
trả lương cho 10 nhân viên, do đó chi phí nhân công trung bình cho mỗi
khách hàng được phục vụ sẽ tăng lên. Nếu vì lý do nào đó, khách sạn đạt
được công suất trên 75% và vẫn duy trì đội ngũ nhân viên là 10 người,
thì có lẽ nhân viên sẽ được trả tiền làm thêm giờ; nhưng khách hàng có
thể không quay lại do dịch vụ kém hơn (do thời gian chờ đợi lâu hơn,
v.v...), có nghĩa là chi phí trung bình tăng cao hơn cho mỗi khách được
phục vụ, điều này mang lại sự không cân xứng về quy mô (tức là tăng chi
phí trung bình khi đầu ra tăng vượt quá một mức nhất định).
Trong Hình 7.12 chi phí trung bình giảm xuống đến mức đầu ra OA
(như ví dụ về 75% công suất ở trên); vượt quá mức độ cân bằng xảy ra.
Trong số các khoản chi phí có thể tiết kiệm đáng kể, các nhóm có
khả năng nhất thường là mua đồ nội thất và phụ kiện, đồ vải và thực
phẩm (đặc biệt là các loại thực phẩm tiện lợi) do mua với số lượng lớn
nên được giảm giá. Ngoài ra, các doanh nghiệp tạo ra quyền đàm phán
với các nhà cung cấp do sự cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp
lớn cũng có nguồn lực tài chính để thực hiện các cải tiến kỹ thuật. Kết
hợp với quyền sở hữu một số khách sạn, hệ thống đặt chỗ online,... cho
phép họ có thể cung cấp chỗ ở thay thế cho khách hàng một cách nhanh
chóng và khách hàng rất hài lòng với điều này. Do đó, các doanh nghiệp
lớn có thể nhận được khoản doanh thu cao. Điều này đặc biệt quan trọng
trong ngành khách sạn và ngành dịch vụ khi một căn phòng trống hoặc
288
bàn trống không bán được tại một thời điểm nào đó, nó đại diện cho
doanh thu bị mất đi. Khác với các công ty sản xuất có thể lưu kho hàng
hóa khi không thể bán sản phẩm vào một thời điểm nhất định nào đó.
Các chủ nhà hàng hoặc chủ khách sạn không thể bán phòng lưu kho. Sự
sẵn có của một mạng lưới khách sạn, nhà hàng hoặc quán rượu cũng đại
diện cho sự phát triển kinh tế theo quy mô thông qua việc đưa ra các
chính sách đa dạng hóa rủi ro. Nếu nhu cầu thay đổi từ các khu nghỉ
dưỡng ven biển sang các khách sạn khu vực nông thôn thì các doanh
nghiệp kinh doanh theo chuỗi ở cả hai địa điểm trên sẽ có thể đảm bảo
một phần doanh thu không bị mất đi, trong khi các doanh nghiệp kinh
doanh độc lập sẽ phải đối mặt với khả năng đó.
Hình 7.12. Quy mô kinh tế và phi kinh tế
Các chuỗi lớn cũng có một số lợi thế về tài chính, họ thường có khả
năng vay tiền dễ dàng với lãi suất rẻ hơn vì một số lý do. Đầu tiên, họ có
“thương hiệu”, là yếu tố có khả năng thu hút sự chú ý ngay lập tức từ các
ngân hàng và công chúng khi muốn huy động vốn. Thứ hai, họ có tài sản
lớn để đảm bảo cho khoản vay. Thứ ba, họ thường có khả năng đàm phán
về các khoản vay lớn được huy động từ các tổ chức khác nhau, do đó đạt
289
được một số lợi thế về lãi suất, trong khi các cơ sở kinh doanh độc lập có
thể gặp khó khăn về những điều này. Như vậy, kinh doanh theo chuỗi có
thể đạt được lợi ích kinh tế với một mức chi phí thấp hơn so với các cơ
sở nhỏ và độc lập. Với những nguồn lực này, những doanh nghiệp lớn có
thể mua thêm thiết bị hiện đại, nhờ đó có thể đảm bảo tiết kiệm khoản
chi phí nhiều hơn. Với quy mô lớn, họ có thể xây dựng các khách sạn
mới, cung cấp nhiều cơ hội khác nhau để giảm chi phí trung bình. Ví dụ,
nếu được xây dựng với kích thước 20 x 20 x 20 đơn vị, cho dung tích
8.000 đơn vị khối và sau đó được xây dựng để tăng gấp đôi kích thước
bên ngoài, điều này sẽ tạo ra một dinh thự 40 x 40 x 40 bằng 64.000 đơn
vị khối. Nói cách khác, với chi phí xây dựng tòa nhà ban đầu ít hơn tầm
một nửa mà có khối lượng gấp 8 lần khả năng cung ứng ban đầu, nghĩa là
nó có khả năng làm tăng doanh thu lên gấp 8 lần. Như vậy, chuỗi khách
sạn hoặc nhà hàng khi quyết định xây dựng thêm một khách sạn mới có
thể lên kế hoạch để đảm bảo tiết kiệm chi phí nhiều hơn. Ví dụ, hành
lang và khoảng cách giữa bếp, v.v... có thể được chuẩn hóa để phù hợp
với việc bố trí máy cọ rửa để làm cho quá trình dọn dẹp dễ dàng hơn, tốn
ít công sức và chi phí hơn. Bố trí nhà bếp có thể giảm thiểu sự lãng phí.
Các doanh nghiệp nhỏ hơn không có tài chính sẵn có có thể chuyển đổi
một tòa nhà cũ thành các khách sạn mới, tuy nhiên yếu tố thiết kế sẵn có
làm cho khả năng có thể tiết kiệm chi phí cũng bị hạn chế hơn. Các nhà
máy bia lớn, khách sạn và chuỗi nhà hàng cũng có thể thu được rất nhiều
lợi ích từ việc có thể sử dụng lại các nhân viên chuyên nghiệp. Nhà điều
hành độc lập thường thực hiện nhiều chức năng - quản lý bán hàng, kế
toán chi phí, đầu bếp, người phục vụ, người giúp việc - nhiều vai trò có
nghĩa là khó có thể chuyên môn hóa. Kinh doanh theo chuỗi có thể
hưởng lợi từ sự chuyên nghiệp hóa và chuyên môn hóa kỹ năng kế toán
và tiếp thị chuyên biệt, chẳng hạn như cho phép kết hợp các chương trình
tiết kiệm chi phí và tăng doanh thu hoạt động. Mặt khác, các doanh
nghiệp độc lập thường không có sự chuyên biệt trong việc điều hành
doanh nghiệp của mình; họ thường không có khả năng phản ứng nhanh
290
với sự thay đổi, không có khả năng tăng hiệu quả giao tiếp và quá trình
tư vấn không đảm bảo, không mang lại kết quả cao.
Hiệu quả kinh tế theo quy mô từ kinh doanh chuỗi cũng có thể bị
ảnh hưởng vì nó kéo dài thời gian ra quyết định và những người ở trụ sở
chính phải phụ thuộc vào luồng thông tin từ các nhánh lên. Nói chung,
hầu hết các trụ sở chính phải hoạt động mang tính tập trung cao, ví dụ,
quyết định giá cả và tiếp thị được thực hiện bởi trụ sở chính. Tuy nhiên,
một cuộc khảo sát về chính sách giá đã làm thay đổi quan điểm nói trên
từ 30 nhóm khách sạn, theo đó, chỉ ra rằng 30% người quản lý trong các
nhóm này cho rằng trụ sở chính không đóng vai trò gì trong quyết định
về giá. Trên thực tế, con số này còn thấp hơn, nó thể hiện sự hạn chế
trong vấn đề giao tiếp và phối hợp. Mặc dù vậy, các công ty lớn vẫn
muốn duy trì kinh doanh theo chuỗi. Như Hình 7.13 cho thấy, không có
sự đảm bảo rằng chi phí kỹ thuật, tiếp thị, tài chính và các chi phí khác sẽ
hỗ trợ lẫn nhau khi quy mô hoạt động tăng lên, giúp tiết kiệm được nhiều
hơn, sẽ tạo ra chi phí phục vụ mỗi khách hàng trung bình giảm.
Hình 7.13. Hành vi chi phí
Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng Hình 7.13 chỉ là một giả định.
Thực tế thường nhiều hơn, số liệu này chỉ là dựa trên một số quan sát.
Trong kinh doanh khách sạn và nhà hàng, ngân sách quảng cáo và tiếp
291
thị nhìn chung là thấp, trừ Trusthouse Forte (chiếm khoảng 40% quảng
cáo của ngành khách sạn), nhưng ngay cả trong trường hợp ngân sách
quảng bá cao thì nó vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng doanh thu.
Đường cong giao tiếp và quản lý được phóng đại để nhấn mạnh xu
hướng tăng của nó. Với các nhà sản xuất bia, chi phí tiếp thị sẽ cao hơn
những chi phí được hiển thị. “Chi phí tài chính” cũng sẽ thay đổi đáng
kể, tùy thuộc vào đầu tư, nâng cấp mới các trang thiết bị, cơ sở vật chất.
Các khách sạn không mang tính hiện đại và tiện nghi sẽ ít có khả năng
vay ngân hàng (do không có tài sản thế chấp) hoặc phải vay với lãi suất
cao hơn. Do đó, sự kết hợp các yếu tố trên sẽ xác định bản chất của
đường cong chi phí “tài chính” cũng như mức độ tự chi trả. Tuy nhiên,
Hình 7.13 không cho biết các nhóm khách sạn, nhà hàng lớn có thể tăng
hoặc giảm chi phí như thế nào khi so sánh với các nhóm nhỏ hơn. Chúng
ta đều nhận thấy rằng, chi phí hành chính của các nhà sản xuất bia có sự
hợp tác với nhau sẽ có chi phí đầu tư và chi phí vận chuyển cao, có nghĩa
là lợi nhuận thấp hơn so với các cơ sở nhỏ hơn. Đối với họ, các đường
cong chi phí trung bình và quản lý truyền thông đã tăng lên đáng kể vì họ
có thể không đạt được mức giảm chi phí trung bình trong lĩnh vực tài
chính và tiếp thị như khách sạn do chi phí đầu tư và quảng cáo lớn, bởi
sự cạnh tranh được tạo ra trong ngành, sự tăng trưởng chậm trong nhu
cầu,...
CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN
1. Phân tích các đặc điểm của chi phí kinh doanh du lịch? Các biện
pháp nhằm tiết kiệm chi phí đối với các doanh nghiệp du lịch ở nước ta
hiện nay?
2. Phân tích cơ cấu chi phí kinh doanh du lịch? Liên hệ thực tiễn
với các doanh nghiệp du lịch ở nước ta hiện nay?
3. Tỷ suất chi phí là gì? Trình bày cách xác định và ý nghĩa của tỷ
suất chi phí trong kinh doanh du lịch?
292
4. Trình bày vai trò của chi phí trong doanh nghiệp du lịch? Phân
tích mối quan hệ giữa nâng cao văn minh phục vụ khách hàng với việc
tiết kiệm chi phí của doanh nghiệp du lịch?
5. Ý nghĩa của lợi thế kinh tế theo quy mô ở ngành khách sạn và
dịch vụ ăn uống?
6. Năng suất cận biên giảm dần có xu thế như thế nào trong các
hoạt động của ngành khách sạn và dịch vụ ăn uống?
7. Phân tích cấu trúc chi phí của một cơ sở kinh doanh khách sạn và
dịch vụ ăn uống. Đánh giá sự ứng dụng đó cho ngành này với mức tỷ lệ
các chi phí cố định cao?
8. Giải thích sự tăng trưởng của các doanh nghiệp kinh doanh
khách sạn và dịch vụ ăn uống bằng cách áp dụng tư duy rằng các doanh
nghiệp đó mong muốn đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô?
9. Tại sao cho dù tồn tại hiệu quả kinh tế theo quy mô, nhưng rất
nhiều các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn và dịch
vụ ăn uống vẫn hoạt động ổn định được?
10. Phân tích các đặc điểm hình thành và vai trò của lợi nhuận
trong kinh doanh du lịch? Ý nghĩa nhận thức?
11. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh du
lịch? Các biện pháp nhằm nâng cao lợi nhuận trong doanh nghiệp du lịch
ở nước ta hiện nay?
12. Tỷ suất lợi nhuận là gì? Trình bày cách xác định, ý nghĩa và xu
hướng của tỷ suất lợi nhuận trong kinh doanh du lịch?
13. Trình bày nội dung về chi phí vốn và chi phí hoạt động trong
kinh doanh khách sạn và kinh doanh dịch vụ ăn uống (kinh doanh nhà
hàng)?
14. Hiệu quả kinh tế theo quy mô là gì? Liên hệ với hoạt động kinh
doanh khách sạn và kinh doanh dịch vụ ăn uống (kinh doanh nhà hàng)?
293
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 7
TIẾNG VIỆT
1. Nguyễn Văn Đính & Trần Thị Minh Hòa (2004), Giáo trình
Kinh tế du lịch, NXB Lao động - Xã hội.
2. Nguyễn Hồng Giáp (2002), Kinh tế du lịch, NXB Trẻ.
3. Vũ Đức Minh (chủ biên) (2008), Giáo trình Tổng quan về du
lịch, NXB Thống kê.
4. https://banahills.sunworld.vn/
5. https://www.lottehotel.com/hanoi-hotel/vi.html
TIẾNG ANH
6. A.M Sheela (2007), Economics of hotel management, New Age
International.
7. D.Daryl Wyckoff & W.Earl Sasser (1978), The chain Restaurant
Industry, Lexington Books Lundberg D.E. (1995), Tourism economics,
New York: Jonh Wiley and Sons.
8. Horwath and Horwath (1983), Worldwide Lodging Industry,
Horwath & Horwath International.
9. J.J Clark & R.H Penner (1975), Life cycle costing in the hotel
industry, Industrialization Forum, Vol 6, No 3-4.
10. Mike Stabler & cộng sự (2010), The Economics of tourism,
Routledge New York.
294
295
Chương 8
HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA DU LỊCH
Mục tiêu của chương:
Sau khi học xong chương này, người học có khả năng:
Nắm được khái niệm, hiểu rõ bản chất kinh tế - xã hội của hiệu quả.
Nắm được các tác động kinh tế của ngành du lịch, các chỉ tiêu đo
lường hiệu quả kinh tế của ngành du lịch.
Nắm được các tác động xã hội của ngành du lịch, các chỉ tiêu đo
lường hiệu quả xã hội của ngành du lịch.
Nắm được các nội dung đo lường hiệu quả kinh doanh của doanh
nghiệp du lịch.
Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế - xã hội của
du lịch, từ đó đề xuất được các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh.
8.1. BẢN CHẤT KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA HIỆU QUẢ
Trên thế giới, du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế
hàng đầu, phát triển với tốc độ cao, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc
gia vì những lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội mà nó đem lại. Điều này
càng thể hiện rõ hơn trước xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa với hội nhập
quốc tế hiện nay. Với sự tăng trưởng liên tục trong nhiều thập kỷ qua, du
lịch đã khẳng định là một trong những ngành kinh tế dịch vụ phát triển
nhanh nhất và lớn nhất trên bình diện thế giới, góp phần vào sự phát triển
và thịnh vượng của các quốc gia.
Về mặt kinh tế, sự phát triển của du lịch đã tác động tích cực vào
việc làm tăng thu nhập quốc dân, đóng góp vai trò to lớn trong việc cân
296
bằng cán cân thanh toán quốc tế. Đây là tác động trực tiếp nhất của du
lịch đối với nền kinh tế. Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã thu
hàng tỷ USD mỗi năm thông qua phát triển du lịch.
Về mặt xã hội, du lịch góp phần tạo nhiều việc làm, kích thích khôi
phục và phát triển các lễ hội, làng nghề truyền thống. Làm thay đổi diện
mạo nhiều địa phương - nơi có các khu du lịch phát triển.
Đối với nước ta, lợi ích ngành du lịch mang lại là rất lớn, không chỉ
dưới góc độ đóng góp vào GDP, cải thiện cán cân thanh toán, giải quyết
việc làm, xóa đói giảm nghèo, mà nó còn là phương thức để kết nối -
giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Ngoài ra, cùng với sự phát triển của du lịch cũng dễ tạo điều kiện cho các
ngành kinh tế khác cùng phát triển. Với những thuận lợi mà phát triển du
lịch đem lại thì du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
8.1.1. Khái niệm và bản chất của hiệu quả
Hiểu một cách chung nhất, hiệu quả là phạm trù kinh tế - xã hội, là
chỉ tiêu phản ánh trình độ của con người sử dụng các yếu tố cần thiết
tham gia các hoạt động để đạt được kết quả với mục đích của mình. Đây
là một khái niệm rộng, bao trùm mọi mặt đời sống xã hội, từ sản xuất
kinh doanh đến y tế, giáo dục, quốc phòng,... Về cơ bản, hiệu quả được
phản ánh trên 2 mặt: Hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội.
Hiệu quả kinh tế là phạm trù kinh tế phản ánh mức độ tiết kiệm thời
gian, trình độ sử dụng nguồn lực sản xuất và mức độ hoàn thiện quan hệ
sản xuất trong nền sản xuất xã hội. Có thể xem xét hiệu quả kinh tế với
nhiều quan điểm khác nhau:
Thứ nhất, hiệu quả kinh tế là kết quả đạt được của hoạt động kinh
tế. Hiểu theo quan điểm này thì:
Hiệu quả = Doanh thu
Ưu điểm của quan điểm này là xác định hiệu quả đơn giản, nhanh
gọn, phản ánh được quy mô hoạt động kinh tế; hạn chế của quan điểm
297
này là chỉ tiêu xác định không phản ánh được chất lượng hoạt động
kinh doanh.
Thứ hai, hiệu quả kinh tế là mối quan hệ so sánh (mối tương quan
tuyệt đối) giữa kết quả đạt được với chi phí bỏ ra để đạt được kết quả đó
trong hoạt động kinh tế. Hiểu theo quan điểm này thì:
Hiệu quả = Kết quả - Chi phí = Lợi nhuận
Ưu điểm của quan điểm này là chỉ tiêu hiệu quả dễ xác định, phản
ánh được chất lượng của hoạt động kinh tế; hạn chế của quan điểm này là
chỉ tiêu không mang tính tổng hợp, khó có thể dùng chỉ tiêu này để so
sánh (giữa các bộ phận, giữa các doanh nghiệp), mặt khác do dễ đồng
nhất giữa kết quả với hiệu quả nên không phân định được rõ ràng giữa
hiệu quả và kết quả.
Thứ ba, hiệu quả kinh tế là mối tương quan tối ưu (mối tương quan
tương đối) giữa các yếu tố đầu ra và các yếu tố đầu vào cần thiết của hoạt
động kinh tế đó. Hiểu theo quan điểm này thì:
Hiệu quả = Kết quả/Chi phí
Ưu điểm của quan điểm này là chỉ tiêu phản ánh được chất lượng
của hoạt động kinh tế, cho phép đánh giá được hiệu quả ở nhiều góc độ
khác nhau, có thể dùng để so sánh giữa các doanh nghiệp với nhau; hạn
chế của quan điểm này là việc xác định hiệu quả phức tạp và khó khăn,
đòi hỏi phải xác định được mối quan hệ tương thích giữa các yếu tố đầu
ra và các yếu tố đầu vào, nói cách khác là phải có quan điểm thống nhất
để xác định kết quả đầu ra và tính toán được các khoản chi phí đầu vào.
Như vậy, trong kinh doanh du lịch, để đo lường hiệu quả kinh tế
thường sử dụng quan điểm thứ ba. Bản chất của hiệu quả kinh tế phản
ánh trình độ sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế hoặc trong doanh
nghiệp; là việc sử dụng các nguồn lực một cách tiết kiệm nhất.
Tóm lại, hiệu quả kinh tế là một phạm trù khách quan, phản ánh
trình độ và năng lực quản lý, đảm bảo thực hiện có kết quả cao những
nhiệm vụ kinh tế - xã hội đặt ra với chi phí thấp nhất trong mỗi thời kỳ
298
xác định. Vì vậy, hiệu quả kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của mọi
doanh nghiệp.
Hiệu quả xã hội phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực của xã
hội nhằm thực hiện các mục tiêu của xã hội, phản ánh mức độ ảnh hưởng
của các kết quả đạt được đến xã hội và môi trường. Hiệu quả xã hội của
doanh nghiệp thường được thể hiện thông qua mức độ thỏa mãn nhu cầu
vật chất và tinh thần của xã hội; mức độ tạo việc làm cho xã hội; cải
thiện điều kiện lao động; việc bảo vệ, giữ gìn tài nguyên, hạn chế sự ô
nhiễm môi trường; năng suất lao động xã hội, mức sống của người dân,
mức phân phối lại thu nhập của ngành cho xã hội,... Để xem xét hiệu quả
xã hội, có thể xem xét sự tương quan giữa các kết quả (mục tiêu) đạt
được về mặt xã hội và chi phí bỏ ra để đạt được kết quả đó.
Hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội là hai mặt vừa thống nhất, vừa
đối lập, đây là mối quan hệ hữu cơ gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời.
Đối với một doanh nghiệp bao giờ cũng phải gắn hiệu quả kinh tế với
hiệu quả xã hội.
8.1.2. Các loại hiệu quả
Hiệu quả có thể được đánh giá ở các góc độ khác nhau, phạm vi
khác nhau và thời kỳ khác nhau. Trên các cơ sở này, để hiểu rõ hơn bản
chất của phạm trù hiệu quả kinh doanh cũng cần đứng trên từng góc độ
cụ thể để phân biệt các loại hiệu quả.
Hiệu quả nền kinh tế và hiệu quả doanh nghiệp
Hiệu quả nền kinh tế phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực
trong phạm vi toàn nền kinh tế. Hiệu quả nền kinh tế bao gồm:
- Hiệu quả sản xuất: Thuộc lĩnh vực sản xuất, phản ánh mối quan
hệ kết quả sản xuất và chi phí sản xuất.
- Hiệu quả phân bố: Hiệu quả phân bố các nguồn lực trong nền kinh
tế phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Hiệu quả phân phối: Việc phân phối hàng hóa, sản phẩm dịch vụ
đầu ra sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng như thế nào.
299
Hiệu quả doanh nghiệp là hiệu quả kinh tế trong phạm vi doanh
nghiệp, phản ánh mối tương quan giữa kết quả đạt được với chi phí bỏ ra
để đạt kết quả đó, từ đó đánh giá cả đầu ra và đầu vào.
Hiệu quả tổng hợp và hiệu quả bộ phận
Hiệu quả tổng hợp (hiệu quả toàn phần) là hiệu quả được xem xét
trong phạm vi toàn bộ doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định.
Hiệu quả bộ phận (hiệu quả từng phần) là hiệu quả sử dụng của
từng yếu tố sản xuất kinh doanh (hiệu quả sử dụng chi phí, hiệu quả sử
dụng lao động, hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh, hiệu quả sử dụng cơ sở
vật chất kỹ thuật) hoặc là hiệu quả kinh doanh của từng bộ phận nghiệp
vụ trong doanh nghiệp (hiệu quả kinh doanh lưu trú, hiệu quả kinh doanh
ăn uống, hiệu quả kinh doanh dịch vụ khác...).
Hiệu quả tuyệt đối và hiệu quả tương đối
Hiệu quả tuyệt đối là hiệu quả kinh tế được xác định cho một đơn
vị hay một phương án kinh doanh, mang tính chất cá thể, cá biệt,... và
thường được đo lường bằng số tuyệt đối.
Hiệu quả tương đối là hiệu quả kinh tế được xác định cho nhiều
đơn vị hoặc nhiều phương án khác nhau.
8.2. ĐO LƯỜNG HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA
DU LỊCH
8.2.1. Đo lường hiệu quả kinh tế - xã hội của ngành du lịch
8.2.1.1. Đo lường hiệu quả kinh tế của ngành du lịch
a. Các tác động kinh tế
Khi du lịch phát triển tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nền kinh
tế, bao gồm:
- Tác động đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập quốc
dân của một quốc gia, địa phương. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp
300
liên quan đến nhiều ngành nghề trong nền kinh tế quốc dân. Sự phát triển
du lịch thường kéo theo sự phát triển của một loạt các ngành khác nhau:
Hàng không, vận tải, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, ngân
hàng,... Du lịch là một ngành phát triển với tốc độ cao, tạo ra thu
nhập, đóng góp ngày càng lớn vào GDP và thu nhập quốc dân của các
quốc gia.
Ví dụ, theo Tổ chức Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) năm
2016, đóng góp trực tiếp của du lịch và lữ hành vào GDP đạt hơn 2,3
nghìn tỷ USD, tăng trưởng 3,1% so với năm 2015
24
. Mức tăng này cao
hơn so với mức tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu (2,5%); và cũng cao
hơn mức tăng trưởng của các ngành như xây dựng, dịch vụ tài chính, sản
xuất, bán buôn bán lẻ; chỉ thấp hơn mức tăng trưởng của ngành thông tin
và truyền thông (Hình 8.1).
Hình 8.1. Tăng trưởng đóng góp của các ngành vào GDP năm 2016
Nguồn: Tổ chức Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC)
24
Nguồn: Theo WTTC, Travel & Tourism Economic Impact 2016 World.
301
Về đóng góp cho nền kinh tế chung, ngành du lịch trong năm 2017
đạt doanh thu 510,9 nghìn tỷ đồng tăng 27,78% so với năm 2016. Năm
2017, đóng góp trực tiếp cho GDP của ngành du lịch là 12,97 tỷ USD,
chiếm 5,9% tổng GDP; và tổng đóng góp của ngành du lịch là 20,61 tỷ
USD, chiếm 9,4% tổng GDP (Nguồn: Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế
giới, 2018). Tại Nghị quyết số 08- NQ/TW, Chính phủ đặt ra mục tiêu
tổng đóng góp của ngành du lịch đạt trên 10% tổng GDP vào năm 2020.
Theo báo cáo “Tác động kinh tế của Du lịch và Lữ hành ở Việt
Nam năm 2017”, tổng đóng góp của ngành Du lịch và Lữ hành Việt Nam
vào GDP là 18,4 tỷ USD, chiếm 9,1% tỷ trọng GDP, xếp hạng 104/185
về tỷ trọng đóng góp vào GDP, trong khu vực ASEAN chỉ xếp trên
Brunei, Myanmar và Indonesia. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu từ du lịch của
Việt Nam chỉ chiếm 4,5% tổng giá trị xuất khẩu, xếp hạng 142/185 và
chỉ xếp trên Singapore. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp vào GDP và tỷ
trọng giá trị xuất khẩu từ du lịch của các nước trong khu vực như
Campuchia là 28,3% và 26,5%, Lào là 14,2% và 23,1%, Myanmar là
6,6% và 26,4% (Nguồn: Tổ chức Du lịch và Lữ hành thế giới).
25
Năm 2015, đóng góp trực tiếp của du lịch và lữ hành vào GDP Việt
Nam là 279.287 tỷ VND (6,6% GDP). Đóng góp này chủ yếu đến từ hoạt
động kinh tế của các lĩnh vực như khách sạn, đại lý lữ hành, hàng không
và các dịch vụ vận chuyển hành khách khác (trừ dịch vụ vận chuyển
hành khách từ nhà đến nơi làm việc); đồng thời cũng bao gồm đóng góp
trong lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ nghỉ ngơi giải trí phục vụ khách du
lịch. Dự báo đóng góp trực tiếp của du lịch và lữ hành vào GDP sẽ tăng
khoảng 7,2% mỗi năm trong thời gian tới và đạt 587.593 tỷ VND (7,2%
GDP) vào năm 2026 (Hình 8.2).
25
Theo báo cáo “Tác động kinh tế của Du lịch và Lữ hành ở Việt Nam năm 2017” của
WTTC
302
Hình 8.2. Đóng góp trực tiếp của du lịch và lữ hành
vào GDP năm 2015
Nguồn: Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC)
Năm 2015, tổng đóng góp của du lịch và lữ hành vào GDP Việt
Nam là 584.884 tỷ VND (13,9% GDP). Dự báo tổng đóng góp của du
lịch và lữ hành vào GDP sẽ tăng 7,2% mỗi năm trong giai đoạn tới và đạt
1.232.640 tỷ VND vào năm 2026 (15,2% GDP) (Hình 8.3).
Hình 8.3. Tổng đóng góp của du lịch và lữ hành vào GDP năm 2015
Nguồn: Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC)
303
Theo Bảng 8.1 cho thấy, trong giai đoạn 2000 - 2018, tổng thu từ
khách du lịch tăng dần qua các năm. Đặc biệt, năm 2017 tổng thu từ
khách du lịch tăng gần 30 lần so với năm 2000 và đạt 620 nghìn tỷ đồng
vào năm 2018 với tốc độ tăng trưởng 21,4%.
Bảng 8.1. Thống kê thu nhập du lịch Việt Nam
giai đoạn 2000-2019
Năm
Tổng thu từ khách du lịch
(Nghìn tỷ đồng)
Tốc độ tăng trưởng
(%)
2000
17,40
2001
20,50
17,8
2002
23,00
12,2
2003
22,00
-4,3
2004
26,00
18,2
2005
30,00
15,4
2006
51,00
70,0
2007
56,00
9,8
2008
60,00
7,1
2009
68,00
13,3
2010
96,00
41,2
2011
130,00
35,4
2012
160,00
23,1
2013
200,00
25,0
2014
230,00
15,0
2015
337,83
*
2016
400,00
18,4
2017
510,90
27,5
2018
620,00
21,4
2019
720,00
29,5
Nguồn: Tổng cục Du lịch
304
- Thay đổi cơ cấu kinh tế của một quốc gia, một địa phương theo
hướng có hiệu quả hơn. Du lịch góp phần vào xóa đói giảm nghèo và
chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Các hoạt động du lịch phát triển ở
các vùng nông thôn tạo ra nhiều cơ hội cho cộng đồng địa phương. Các
hoạt động gắn với du lịch cộng đồng tạo thu nhập trực tiếp và chuyển
dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng dịch vụ và phát triển bền
vững. Thông qua du lịch, văn hóa địa phương, các vùng miền được tôn
trọng, bảo vệ và khai thác phát huy giá trị và được giới thiệu, quảng bá
rộng rãi.
Mặt khác, du lịch với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp mang tính
liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, du lịch phát triển sẽ tạo nhiều
công ăn việc làm cho lao động nông thôn mà không cần phải đào tạo
công phu, từ đó góp phần từng bước nâng cao tích lũy và chuyển dịch cơ
cấu kinh tế nông thôn. Hiện nay, tỷ lệ hộ kinh tế làm dịch vụ trong nông
thôn mới chỉ chiếm 11,2%. Tiếp tục khuyến khích phát triển mạnh thêm
du lịch sẽ giúp cho nông thôn giải quyết hàng loạt vấn đề: Tạo công ăn
việc làm, nâng cao dân trí, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, từ đó,
làm thay đổi cơ cấu kinh tế và lao động trong nông thôn theo hướng tăng
tỷ trọng dịch vụ, phát triển nông thôn văn minh, hiện đại phù hợp với sự
nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Tác động đến thị trường: Cung, cầu, giá cả.
- Tác động đến sự phát triển kinh tế của một quốc gia, một địa
phương (đặc biệt là các quốc gia chậm và đang phát triển), tạo cơ sở giúp
phát triển các vùng đặc biệt. Một vùng kém phát triển, ít tài nguyên, khi
phát triển những cơ sở dịch vụ, du lịch ở đó vẫn có thể tạo những hấp
dẫn để thu hút khách, hấp dẫn sự đầu tư của các ngành công nghiệp khác
vào địa phương đó phát triển. Mặt khác, khi vùng địa phương phát triển
thì thu nhập của người dân tăng, đời sống văn hóa tư tưởng của người
dân tăng, người dân an tâm sinh sống định cư.
- Tác động đến cán cân thanh toán thông qua xuất nhập khẩu dịch
vụ. Với sự gia tăng thu nhập ngoại tệ, du lịch góp phần đáng kể vào việc
305
cân bằng cán cân thanh toán quốc tế của nhiều quốc gia. Tại Thụy Sỹ,
thu nhập từ ngành du lịch bù đắp được từ 50-70% cán cân thâm hụt. Dịch
vụ du lịch có giá trị xuất khẩu cao và hiệu quả kinh tế cao nhất trong các
hoạt động xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là theo góc độ thu ngoại tệ và thu
hút lao động, tạo công ăn việc làm. Xuất nhập khẩu dịch vụ có ảnh
hưởng lớn đến cán cân thanh toán của toàn bộ nền kinh tế. Ở Việt Nam,
xét về cơ cấu doanh thu ngoại tệ trong xuất khẩu dịch vụ, doanh thu của
ngành du lịch chiếm trên 50% trong xuất khẩu dịch vụ của cả nước, đứng
đầu về doanh thu ngoại tệ trong các loại hoạt động dịch vụ “xuất khẩu”,
đồng thời có doanh thu ngoại tệ lớn nhất, trên cả các ngành vận tải, bưu
chính viễn thông và dịch vụ tài chính. So sánh với xuất khẩu hàng hoá,
doanh thu ngoại tệ từ xuất khẩu dịch vụ du lịch chỉ đứng sau bốn ngành
xuất khẩu hàng hoá là xuất khẩu dầu thô, dệt may, giày dép và thuỷ sản.
Thêm nữa, với tư cách là hoạt động “xuất khẩu tại chỗ”, du lịch đem lại
hiệu quả kinh tế cao hơn và tạo ra nhiều việc làm có thu nhập cho xã hội
mà hiện nay chưa tính toán hết được. Theo thống kê, kim ngạch xuất
khẩu dịch vụ năm 2017 đạt 13,1 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2016, trong
đó xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 8,9 tỷ USD, chiếm 67,6% tổng kim
ngạch xuất khẩu và tăng 7,4%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm 2017
đạt 17 tỷ USD, tăng 1,6% so với năm trước, trong đó nhập khẩu dịch vụ
du lịch đạt 5,1 tỷ USD, chiếm 29,8% và tăng 12,7%. Nhập siêu dịch vụ
năm 2017 là 3,9 tỷ USD, bằng 29,9% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.
- Tăng nguồn thu của chính phủ: Phát triển du lịch đem lại lợi
nhuận nhiều nhất vì chi phí thấp. Vì vậy, phát triển du lịch không chỉ
tăng thu của doanh nghiệp mà nguồn thu của chính phủ cũng tăng thông
qua thuế. Thu nhập của chính phủ từ thuế trong ngành du lịch gồm thuế
trực tiếp và gián tiếp, đó là thuế thu nhập của các đơn vị và kinh doanh
du lịch và thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng (VAT) do khách
du lịch (người tiêu dùng dịch vụ) đóng góp. Hội đồng Du lịch và Lữ
hành thế giới ước tính năm 1988, du lịch đã đóng góp tất cả các khoản
thuế khoảng 800 tỉ USD.
306
- Khuyến khích nhu cầu nội địa: Khi phát triển du lịch cùng với văn
minh lên cao tạo nhận thức của con người về dịch vụ du lịch tăng, phát
triển nhu cầu tiêu dùng du lịch.
b. Các chỉ tiêu đo lường hiệu quả kinh tế của ngành du lịch
Đo lường hiệu quả kinh tế của ngành du lịch được biểu hiện thông
qua các chỉ tiêu:
- Thu nhập xã hội từ du lịch - là toàn bộ các phần thu được từ du
lịch trong xã hội.
- Tỷ trọng của du lịch trong GDP.
- Xác định tỷ trọng xuất nhập khẩu du lịch trong quá trình hội nhập,
quá trình phát triển kinh tế quốc tế trong du lịch. Chỉ tiêu này phản ánh
sự ảnh hưởng trực tiếp của du lịch đối với cung cầu thị trường thương mại.
8.2.1.2. Đo lường hiệu quả xã hội của ngành du lịch
a. Các tác động xã hội
Du lịch tác động đối với các quốc gia khác nhau vì mức độ phát
triển của các quốc gia khác nhau. Đặc biệt, các nước đang phát triển, các
nước kém phát triển, khi du lịch phát triển tác động đến các mặt xã hội,
bao gồm:
- Tạo cơ hội việc làm mới: Du lịch với tính chất là ngành kinh tế
tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, du lịch phát
triển sẽ tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa
đói, giảm nghèo và đảm bảo công bằng xã hội. Du lịch là ngành thu hút
lao động rất lớn. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, cứ một
việc làm trong ngành du lịch sẽ tạo ra 2,2 việc làm ở các ngành khác, lao
động trực tiếp và gián tiếp phục vụ du lịch hiện chiếm hơn 10,7% tổng
lao động trên toàn thế giới. Du lịch là một trong những ngành tạo ra
nhiều việc làm nhất trên thế giới, ở tất cả các địa bàn từ các vùng đô thị,
nông thôn và đặc biệt là ở cả vùng sâu, vùng xa.
307
Ở Việt Nam, năm 2015, ngành du lịch và lữ hành đã tạo ra
2.783.000 việc làm trực tiếp (5,2% tổng số việc làm). Dự báo đến năm
2026, sẽ tạo ra 3.553.000 việc làm trực tiếp với tốc độ tăng khoảng 2,4%
mỗi năm trong vòng 10 năm tới (Hình 8.4).
Hình 8.4. Đóng góp trực tiếp của du lịch và lữ hành
vào việc làm năm 2015
Nguồn: Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC)
Năm 2015, tổng đóng góp của du lịch và lữ hành vào việc làm (bao
gồm cả những tác động đến từ đầu tư, chuỗi cung cấp, thu nhập phát
sinh) là 6.035.500 việc làm (chiếm 11,2% tổng số việc làm). Đến năm
2026, dự báo ngành du lịch và lữ hành sẽ hỗ trợ tạo ra 7.632.000 việc
làm (chiếm 12,3% tổng số lao động), tăng trung bình 2,3% mỗi năm
trong giai đoạn này (Hình 8.5).
308
Hình 8.5. Tổng đóng góp của du lịch và lữ hành
vào việc làm năm 2015
Nguồn: Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC)
Riêng với dịch vụ du lịch ở nước ta, tính đến cuối năm 2019, ngành
du lịch có hơn 1,3 triệu lao động trực tiếp, chiếm khoảng 2,5% tổng lao
động cả nước; dịch vụ du lịch với các sản phẩm cộng đồng, du lịch bền
vững cũng đã giúp xóa đói, giảm nghèo đáng kể cho nhiều vùng sâu,
vùng xa của nước ta như Sapa (Lào Cai), Bản Lác (Hòa Bình),...; du lịch
phát triển mang lại nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người nghèo
đã góp phần thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các nhóm dân cư trong
xã hội.
- Tái sản xuất sức lao động: Sự phát triển của dịch vụ nói chung và
du lịch nói riêng đã đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe,
tinh thần cho con người.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống, mở rộng giao lưu xã hội: Phát
triển du lịch sẽ phát triển nhận thức về văn hóa, nghệ thuật, tập quán của
309
các địa phương khác nhau. Ảnh hưởng đến sự hiểu biết và đánh giá của
người dân về văn hóa - xã hội.
- Phân phối lại thu nhập quốc dân: Du lịch tham gia tích cực vào
quá trình tạo nên thu nhập quốc dân (sản xuất ra đồ lưu niệm, chế biến
thực phẩm, xây dựng các cơ sở vật chất kĩ thuật...) làm tăng tổng sản
phẩm quốc nội và tham gia tích cực vào quá trình phân phối lại thu nhập
quốc dân giữa các vùng.
- Giữ gìn, bảo vệ môi trường, nhận thức và đánh giá đúng vai trò
của môi trường: Xác định môi trường đóng vai trò quyết định trong việc
định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững. Bởi vậy, du lịch
được định hướng quy hoạch gắn với ưu tiên bảo vệ môi trường, góp phần
tạo cảnh quan, cải thiện khí hậu khu vực và hướng đến một nền du lịch
xanh - bền vững. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mà sự tồn tại và
phát triển của nó tác động qua lại với nhiều ngành kinh tế - xã hội, nhiều
lĩnh vực, trong đó quan hệ giữa du lịch và môi trường gắn kết hữu cơ với
nhau: sự tồn tại và phát triển của du lịch gắn liền với môi trường, du lịch
phát triển chỉ khi môi trường được bảo vệ. Việc khai thác hợp lý, phục
hồi, cải tạo và tái tạo tài nguyên du lịch sẽ làm tốt lên chất lượng môi
trường du lịch, làm tăng sức hấp dẫn tại các điểm, khu du lịch. Ngược lại,
việc khai thác không đồng bộ, không có các biện pháp phục hồi, tái tạo
tài nguyên du lịch sẽ dẫn đến việc phá vỡ cân bằng sinh thái, gây nên sự
giảm sút chất lượng môi trường, sự đi xuống của hoạt động du lịch cũng
như chất lượng của môi trường du lịch ở khu vực đó.
- Tác động khác:
+ Ảnh hưởng hình mẫu cuộc sống của dân cư. Đặc biệt ở các nước
đang phát triển vì sự tác động của khách tiêu dùng dịch vụ du lịch.
+ Cấu trúc xã hội của gia đình có thể bị thay đổi. Vì phát triển du
lịch thu hút nhiều lao động nữ, người đàn ông không còn là trụ cột, xung
đột gia đình, xung đột thế hệ.
+ Nảy sinh nhiều mối bất hòa về cách thức chi tiêu và tiết kiệm
trong gia đình.
310
b. Các chỉ tiêu đo lường hiệu quả xã hội của ngành du lịch
Đo lường hiệu quả xã hội của ngành du lịch thường mang tính chất
định tính, bởi vậy để thuyết phục được lợi ích của sự phát triển du lịch
đối với xã hội cần cố gắng lượng hóa cụ thể thành các chỉ tiêu phản ánh
hiệu quả xã hội.
* Phạm vi vĩ mô
- Số việc làm tạo ra trong lĩnh vực du lịch gồm số lao động trực tiếp
và gián tiếp.
- Tỷ lệ lao động nữ trong tổng lao động du lịch. Theo thống kê,
hiện nay tỷ trọng lao động nữ chiếm 2/3 tổng số lao động du lịch. Có
nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, xuất phát từ các lý do tâm lý,
tính chất của các công việc trong nghề du lịch đòi hỏi phải tiếp xúc trực
tiếp với khách hàng, thu nhập từ lao động du lịch không cao và không ổn
định,...
- Số lao động làm thêm vào thời kỳ cao điểm/thời vụ, vì sử dụng
lao động nhàn rỗi trong xã hội như người hưu trí, sinh viên,... điều này
thể hiện chính sách xã hội của du lịch.
- Số lượng cơ sở du lịch/1000 dân, thể hiện mức sống của dân cư
được cải thiện.
- Lợi ích và chi phí liên quan đến môi trường của hoạt động du lịch.
* Phạm vi vi mô
Tùy từng doanh nghiệp du lịch mà có tác động hiệu quả đến xã hội
khác nhau, có thể sử dụng chỉ tiêu chung:
- Thời gian xếp hàng (thời gian chờ đợi trung bình/khách).
- Việc làm.
- Chế độ lao động (đãi ngộ lao động).
311
8.2.2. Đo lường hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp du lịch
8.2.2.1. Các quan điểm đo lường hiệu quả kinh doanh
Để đo lường hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp du lịch cần
phải thống nhất quan điểm đo lường đầu vào, đo lường đầu ra và đo
lường tỷ số hiệu quả.
Đo lường đầu vào là đo lường các nguồn lực cần thiết để sản xuất
kinh doanh. Trong sản xuất kinh doanh, những nguồn lực này sẽ chuyển
hoá thành chi phí và thường được biểu hiện dưới dạng giá trị bao gồm
chi phí sử dụng lao động, chi phí sử dụng vốn, chi phí cơ sở vật chất,...
Đo lường đầu ra được xác định cho toàn doanh nghiệp hoặc của
từng nghiệp vụ/bộ phận kinh doanh. Đo lường đầu ra là kết quả hoạt
động cung ứng sản phẩm dịch vụ, kết thúc quá trình cung ứng sản phẩm
đến tay khách hàng, bao gồm đo lường đầu ra cuối cùng và đầu ra trung
gian. Trong đó, đầu ra cuối cùng là kết quả kinh doanh dịch vụ hoặc cung
ứng dịch vụ gắn với tiêu dùng trực tiếp của khách hàng và được đo lường
bằng chỉ tiêu giá trị (doanh thu, lợi nhuận) hoặc chỉ tiêu hiện vật (số
khách sử dụng dịch vụ). Đầu ra trung gian là sự chuyển hóa đầu vào
nhưng sản phẩm chưa đến tay khách hàng. Trong kinh doanh khách sạn,
kết quả của bộ phận này là đầu vào của bộ phận khác. Đầu ra trung gian
tồn tại khi quá trình cung ứng, tiêu thụ dịch vụ chưa kết thúc và được đo
lường bằng chỉ tiêu hiện vật.
Đo lường tỷ số hiệu quả (đo lường tỷ số đầu ra và đầu vào): Tỷ
số hiệu quả có tầm quan trọng và vị trí khác nhau trong doanh nghiệp,
nó cũng phán ánh thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp khác nhau
và có thể dùng để so sánh hiệu quả kinh doanh giữa các doanh nghiệp
với nhau.
Có một số loại tỷ số không mang bản chất hiệu quả, không phản
ánh tương quan giữa đầu ra - đầu vào nhưng có thể sử dụng để đánh giá
hiệu quả kinh doanh, đó là: Tỷ suất chi phí, tỷ suất lợi nhuận.
312
8.2.2.2. Các chỉ tiêu đo lường hiệu quả kinh doanh của doanh
nghiệp du lịch
a. Hiệu quả tổng hợp
Hiệu quả tổng hợp là hiệu quả xác định chung cho toàn doanh
nghiệp, phản ánh trình độ sử dụng yếu tố đầu vào của doanh nghiệp.
Hiệu quả tổng hợp của doanh nghiệp được xác định thông qua 2
chỉ tiêu:
- Sức sản xuất kinh doanh:
- Sức sinh lợi:
Trong đó:
H: Hiệu quả tổng hợp của doanh nghiệp.
G
V
: Giá vốn nguyên liệu, hàng hoá trong kỳ.
F: Chi phí kinh doanh du lịch của doanh nghiệp trong kỳ.
D: Doanh thu kinh doanh của doanh nghiệp đạt được trong kỳ.
L: Lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp đạt được trong kỳ.
Hai chỉ tiêu này phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực của
doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, cho biết trong một thời kỳ
nhất định doanh nghiệp thu được bao nhiêu đồng doanh thu và bao nhiều
đồng lợi nhuận trên một đồng chi phí bỏ ra. Chỉ tiêu này càng cao chứng
tỏ trình độ sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp càng cao, hiệu quả kinh
doanh tổng hợp của doanh nghiệp càng tốt.
Ngoài ra, để đo lường hiệu quả kinh doanh tổng hợp của doanh
nghiệp cũng có thể sử dụng chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận:
313
Chỉ tiêu này phản ánh trong một thời kỳ nhất định cứ đạt được một
đồng doanh thu thì doanh nghiệp được hưởng bao nhiêu lợi nhuận. Chỉ
tiêu này càng cao thì hiệu quả kinh doanh tổng hợp của doanh nghiệp
càng tốt.
Hộp 8.1
Hiệu quả kinh doanh ăn uống tổng hợp của khách sạn Phoenix Resort
STT
Chỉ tiêu
ĐVT
Năm 2018
Năm 2019
So sánh
2019 với 2018
+/-
%
1
Danh thu ăn uống
Trđ
14.200
16.058
+1.858
113,08
2
Chi phí ăn uống
Trđ
9.100
10.200
+1.100
112,09
3
Trị giá vốn nguyên liệu,
hàng hóa
Trđ
976
1.007
+31
103,18
4
Lợi nhuận ăn uống
Trđ
3.870
5.200
+1.330
134,37
5
Tỷ suất lợi nhuận
%
0,28
0,37
(+0,09)
6
Hiệu quả kinh doanh
ăn uống tổng hợp
- Sức sản xuất KD
1,41
1,43
+0,02
- Sức sinh lợi
0,38
0,46
+0,08
Nguồn: Khách sạn Phoenix Resort
Từ kết quả đánh giá hiệu quả kinh doanh ăn uống của khách sạn, cho thấy doanh
thu và lợi nhuận ăn uống trên một đồng chi phí bỏ ra của năm 2019 so với năm 2018
đều tăng cụ thể tăng 0,02 đồng và 0,08 đồng. Qua đó, có thể thấy hiệu quả kinh
doanh ăn uống của khách sạn chưa thực sự hiệu quả.
b. Hiệu quả bộ phận
Hiệu quả bộ phận phản ánh trình độ sử dụng các yếu tố sản xuất
kinh doanh hoặc hiệu quả của từng nghiệp vụ kinh doanh. Để có những
đánh giá cụ thể hiệu quả hoạt động của từng bộ phận tham gia vào quá
314
trình kinh doanh, tìm ra nguyên nhân tác động đến hiệu quả chung của
doanh nghiệp. Trong quá trình đánh giá, chúng ta phải sử dụng các chỉ
tiêu bộ phận như: Hiệu quả sử dụng lao động, hiệu quả sử dụng chi phí,
hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật.
(1) Hiệu quả sử dụng các yếu tố sản xuất kinh doanh
- Hiệu quả sử dụng lao động:
Lao động là một yếu tố quan trọng nhất trong doanh nghiệp, bởi
vậy việc quản lý sử dụng lao động, khích thích khả năng sáng tạo của
người lao động là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh
của doanh nghiệp. Để đánh giá trình độ sử dụng lao động trong các
doanh nghiệp du lịch, ta sử dụng các chỉ tiêu sau:
Chỉ tiêu này phản ánh năng lực sản xuất kinh doanh của một lao
động, cho biết mức doanh thu bình quân của một lao động đạt được trong
kỳ. Chỉ tiêu này càng cao chứng tỏ năng suất lao động của doanh nghiệp
càng cao, hiệu quả sử dụng lao động của doanh nghiệp càng tốt.
Chỉ tiêu mức thu nhập hoặc mức lợi nhuận bình quân trong kỳ của
một người lao động:
Chỉ tiêu này phản ánh mức thu nhập hoặc mức lợi nhuận bình quân
của một lao động đạt được trong kỳ. Chỉ tiêu này càng cao chứng tỏ hiệu
quả sử dụng lao động của doanh nghiệp càng tốt.
Hiệu quả sử dụng chi phí tiền lương:
Trong đó: P là tổng quỹ tiền lương sử dụng trong kỳ.
Hai chỉ tiêu này phản ánh mức doanh thu và mức lợi nhuận đạt
được trên một đồng chi phí tiền lương. Hai chỉ tiêu này càng lớn thì hiệu
quả sử dụng lao động của doanh nghiệp càng cao.
315
Trên đây là các chỉ tiêu cơ bản đánh giá hiệu quả sử dụng lao động
sống, trong quá trình đánh giá chung chúng ta cần thiết phải tiến hành
đánh giá hiệu quả sử dụng lao động của từng bộ phận kinh doanh trong
doanh nghiệp. Do tính đặc thù của ngành, các doanh nghiệp kinh doanh
du lịch thể hiện rất rõ nét tính thời vụ trong năm, thì việc xác định hiệu
quả sử dụng lao động ở từng thời gian trong năm là việc làm cần thiết nó
liên quan đến vấn đề bố trí, tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.
Hộp 8.2
Hiệu quả sử dụng lao động trong kinh doanh lưu trú của khách sạn
The Queen Hotel & Spa
STT
Các chỉ tiêu
ĐVT
Năm
2018
Năm
2019
So sánh
2019 với 2018
+/-
%
1
Doanh thu lưu trú
Trđ
26.984
29.517
+2.533
109,39
2
Lợi nhuận lưu trú
Trđ
2.058,88
3.040,24
+981,36
147,66
3
Số lao động bình quân
trực tiếp
Người
17
19
+2
111,76
4
Tổng quỹ lương
Trđ
947
1.058
+111
111,72
5
Năng suất lao động
bình quân
Trđ/người
1.587,29
1.553,53
-33,76
97,87
6
Mức lợi nhuận
bình quân
Trđ/người
121,11
160,01
+38,9
132,12
7
Hiệu quả sử dụng
chi phí tiền lương
- Sức sản xuất KD
28,49
27,9
-0,59
- Sức sinh lợi
2,17
2,87
+0,7
Nguồn: Khách sạn The Queen Hotel & Spa
Qua số liệu cho thấy, hiệu quả sử dụng lao động trong kinh doanh lưu trú tại
khách sạn là chưa được tốt. Cụ thể: Năng suất lao động bình quân năm 2019 giảm so
với năm 2018 là 2,13%. Lợi nhuận bình quân một nhân viên tạo ra năm 2019 tăng
32,12% so với năm 2018. Hiệu quả sử dụng chi phí tiền lương tính theo doanh thu là
chưa tốt, giảm so với năm 2018 là 0,59 đồng. Nguyên nhân giảm là do tốc độ tăng
của chi phí tiền lương cao hơn so với tốc độ tăng của doanh thu. Tuy nhiên, hiệu quả
sử dụng chi phí tiền lương tính theo lợi nhuận thì tăng 0,7 đồng so với năm 2018.
316
- Hiệu quả sử dụng vốn, được xác định thông qua các chỉ tiêu:
Hiệu quả sử dụng vốn chung:
Trong đó: V = V
CĐ
+ V
LĐ
Hai chỉ tiêu này phản ánh mức doanh thu và mức lợi nhuận đạt
được trên một đồng vốn kinh doanh trong một thời kỳ nhất định. Hai chỉ
tiêu này càng cao chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của doanh
nghiệp càng tốt.
Vốn cố định và vốn lưu động đều được đánh giá hiệu quả sử dụng
qua hai chỉ tiêu sức sản xuất kinh doanh và sức sinh lợi của vốn. Song
đối với vốn lưu động, hiệu quả sử dụng vốn còn được xác định thông qua
hai chỉ tiêu: số lần chu chuyển của vốn lưu động và số ngày chu chuyển
của vốn lưu động.
Số ngày chu chuyển của vốn lưu động:
n =
VLĐ
dv
Số lần chu chuyển của vốn lưu động:
l =
Dv
VLĐ
Trong đó:
V
LĐ
= (V
LĐ1
/2 + V
LĐ2
+...+ V
LĐn
/2)/ (n-1).
d
V
là doanh thu theo giá vốn của một ngày (d
V
= D
V
/365).
D
V
là doanh thu theo giá vốn.
Hai chỉ tiêu trên phản ánh tốc độ chu chuyển của vốn lưu động.
Nếu số ngày chu chuyển của vốn lưu động càng ngắn và số lần chu
chuyển của vốn lưu động càng nhiều thì chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn
lưu động của doanh nghiệp càng cao.
317
Thông thường, các chỉ tiêu này chỉ áp dụng trong lĩnh vực kinh
doanh ăn uống, kinh doanh hàng lưu niệm và kinh doanh lữ hành mới có
ý nghĩa.
Hộp 8.3
Hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh lưu trú của khách sạn Rosaliza Hanoi
STT
Các chỉ tiêu
ĐVT
Năm
2018
Năm
2019
So sánh
2019 với 2018
+/-
%
1
Doanh thu lưu trú
Trđ
18.768
21.871
+3.103
116,53
2
Lợi nhuận lưu trú
Trđ
8.888,96
10.848,72
+1.959,76
122,05
3
Vốn kinh doanh lưu trú
Trđ
12.824
13.935
+1.111
108,66
- Vốn cố định
Trđ
9.541
9.866
+325
103,41
4
Hiệu quả sử dụng vốn
kinh doanh lưu trú
- Sức sản xuất KD
1,46
1,57
+0,11
- Sức sinh lợi
0,69
0,78
+0,09
5
Hiệu quả sử dụng V
CĐ
- Sức sản xuất KD
1,97
2,22
+0,25
- Sức sinh lợi
0,93
1,1
+0,17
Nguồn: Khách sạn Rosaliza Hanoi
Theo số liệu trên có thể thấy hiệu quả sử dụng vốn của khách sạn khá tốt. Về
hiệu quả sử dụng vốn chung, sức sản xuất năm 2019 cho thấy cứ một đồng vốn kinh
doanh bỏ ra sẽ thu về 1,57 đồng doanh thu và 0,78 đồng lợi nhuận tương ứng tăng
lần lượt là 0,11 đồng và 0,09 đồng. Nguyên nhân là do tốc độ tăng của doanh thu và
lợi nhuận nhiều hơn tốc độ tăng của vốn. Về hiệu quả sử dụng vốn cố định, doanh thu
và lợi nhuận đạt được trên một đồng vốn cố định bỏ ra năm 2019 so với năm 2018
tăng tương ứng lần lượt là 0,25 đồng và 0,17 đồng. Nguyên nhân tăng là do tốc độ
tăng của doanh thu và lợi nhuận nhanh hơn tốc độ tăng của vốn cố định.
318
Hộp 8.4
Hiệu quả sử dụng vốn trong kinh doanh ăn uống tại Nhà hàng Hutong
STT
Các chỉ tiêu
ĐVT
Năm
2018
Năm
2019
So sánh
2019 với 2018
+/-
%
1
Tổng doanh thu
Trđ
31.366
34.296
+2.930
109,34
2
Lợi nhuận
Trđ
9.036,32
9.297,62
+261,6
102,89
3
Vốn kinh doanh ăn uống
Trđ
55.945
57.748
+1.803
103,22
- Vốn lưu động
Trđ
30.800
32.495
+1.695
106,54
4
Doanh thu theo giá vốn
Trđ
9.735
12.661
+2.926
130,06
5
Hiệu quả sử dụng vốn
- Sức sản xuất
0,56
0,59
+0,03
- Sức sinh lợi
0,16
0,16
0
6
Hiệu quả sử dụng V
LĐ
- Sức sản xuất
1,02
1,06
+0,04
- Sức sinh lợi
0,29
0,28
-0,01
7
- Số lần chu chuyển
vốn lưu động
Lần
0,32
0,39
+0,07
- Số ngày chu chuyển
vốn lưu động
Vòng
1.154,86
936,73
-218,13
Nguồn: Nhà hàng Hutong
Qua số liệu trên cho thấy tổng vốn kinh doanh và vốn lưu động năm 2019 đều
tăng so với năm 2018 tương ứng lần lượt là 3,22% và 6,54%. Sức sản xuất của 1
đồng vốn chung và 1 đồng vốn lưu động năm 2019 đều tăng so với năm 2018. Sự
tăng này là do tốc độ tăng của doanh thu lớn hơn tốc độ tăng của vốn chung và vốn
lưu động. Sức sinh lợi của 1 đồng vốn chung và 1 đồng vốn lưu động năm 2019 giảm
so với năm 2018. Nguyên nhân là do tốc độ tăng của lợi nhuận nhỏ hơn tốc độ tăng
của vốn chung và vốn lưu động. Số lần chu chuyển vốn lưu động năm 2019 tăng 0,07
lần so với năm 2018, số ngày chu chuyển vốn lưu động năm 2019 giảm 218,13 vòng
so với năm 2018. Như vậy, hiệu quả sử dụng vốn của nhà hàng qua hai năm là chưa
tốt, mặc dù số lần chu chuyển vốn lưu động tăng nhưng tốc độ chu chuyển vốn lại
giảm, khả năng quay vòng vốn kém làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Tổng
số vốn tăng chứng tỏ nhà hàng tăng cường vốn đầu tư nhưng hiệu quả sử dụng vốn
chưa tốt. Trong thời gian tới, nhà hàng cần có kế hoạch sử dụng vốn hợp lý để nâng
cao hiệu quả kinh doanh.
319
- Hiệu quả sử dụng chi phí: Chính là hiệu quả tổng hợp khi doanh
nghiệp không kinh doanh hàng ăn uống và hàng hoá. Để đánh giá hiệu
quả sử dụng chi phí, sử dụng các chỉ tiêu:
Hai chỉ tiêu trên phản ánh mức doanh thu và mức lợi nhuận đạt
được từ một đồng chi phí kinh doanh. Hai chỉ tiêu này càng cao thì hiệu
quả sử dụng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp càng tốt.
Hiệu quả sử dụng chi phí cần được nâng cao trong các doanh
nghiệp du lịch trên cơ sở mở rộng quy mô kinh doanh, tăng doanh thu,
lợi nhuận, đảm bảo tốc độ tăng của kết quả đạt được phải nhanh hơn tốc
độ tăng của mức chi phí.
Hộp 8.5
Hiệu quả sử dụng chi phí trong kinh doanh ăn uống
tại khách sạn Phoenix Resort
STT
Chỉ tiêu
ĐVT
Năm
2018
Năm
2019
So sánh 2019 với 2018
+/-
%
1
Doanh thu ăn uống
Trđ
14.058,46
15.130,67
+1.072,21
107,63
2
Chi phí ăn uống
Trđ
8.993,78
9.140,71
+146,93
101,63
3
Lợi nhuận ăn uống
Trđ
3.870
5.230
+1.360
135,14
4
Hiệu quả sử dụng
chi phí
- Sức sản xuất KD
1,56
1,66
+0,1
- Sức sinh lợi
0,43
0,57
+0,14
Nguồn: Khách sạn Phoenix Resort
Theo số liệu trên cho thấy hiệu quả sử dụng chi phí trong kinh doanh ăn uống của
khách sạn tương đối tốt: Tốc độ tăng của doanh thu mạnh hơn tốc độ tăng của chi
phí; sức sản xuất kinh doanh và sức sinh lợi năm 2019 đều tăng so với năm 2018, tuy
nhiên doanh thu và lợi nhuận thu được từ một đồng chi phí bỏ ra cũng chưa cao và
có xu hướng tăng chậm. Trong thời gian tới, khách sạn nên tiếp tục mở rộng quy mô
kinh doanh và có những chính sách sử dụng chi phí hợp lý hơn để nâng cao hiệu quả
kinh doanh cho khách sạn.
320
- Hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, được xác định thông
qua các chỉ tiêu:
H
CSVC
=
Kết quả kinh doanh
Chi phí cơ sở vật chất
Trong đó, chi phí cơ sở vật chất kỹ thuật được đo lường bằng chi
phí khấu hao tài sản cố định, diện tích kinh doanh, số phòng, số ghế ngồi.
Chỉ tiêu này cho biết một đồng chi phí cơ sở vật chất kỹ thuật tạo ra
mức doanh thu hay lợi nhuận kinh doanh là bao nhiêu. Chỉ tiêu này càng
cao chứng tỏ hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của doanh nghiệp
càng tốt.
Ngoài ra, trong kinh doanh khách sạn, nhà hàng còn sử dụng các
chỉ tiêu sau:
Công suất buồng
=
Số buồng hoặc ngày buồng
có khách sử dụng
x 100
Tổng số buồng hoặc ngày buồng
có khả năng cung ứng
Chỉ tiêu này chỉ áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh lưu trú. Chỉ tiêu
này càng cao chứng tỏ hiệu quả kinh doanh lưu trú của doanh nghiệp
càng tốt.
Công suất phòng ăn
(công suất nghế)
=
Số ghế có khách sử dụng
x 100
Tổng số ghế
có khả năng cung ứng
Chỉ tiêu này chỉ áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh ăn uống. Chỉ tiêu
này càng cao chứng tỏ hiệu quả kinh doanh ăn uống của doanh nghiệp
càng tốt.
321
Hộp 8.6
Hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của khách sạn Thái Dương
STT
Chỉ tiêu
ĐVT
Năm
2018
Năm
2019
So sánh 2019
với 2018
+/-
%
1
Doanh thu lưu trú
Trđ
20.412
23.594
+3.182
115,59
2
Lợi nhuận lưu trú
Trđ
6.150
7.588
+1.438
123,38
3
Chi phí khấu hao TSCĐ
Trđ
870
940
+70
108,05
4
Diện tích kinh doanh
m
2
2.300
2.400
+100
104,35
5
Tổng số phòng
Phòng
60
64
+4
106,67
6
Hiệu quả sử dụng chi phí
khấu hao TSCĐ
- H
KHTSCĐ
= D/F
KHTSCĐ
23,46
25,1
+1,64
- H
KHTSCĐ
= L/F
KHTSCĐ
7,07
8,07
+1
7
Hiệu quả sử dụng diện tích
kinh doanh
- H
S
= D/S
Trđ/m
2
8,87
9,83
+0,96
- H
S
= L/S
Trđ/m
2
2,67
3,16
+0,49
8
Hiệu quả sử dụng phòng kinh doanh
lưu trú
- H
phòng
= D/Phòng
Trđ/phòng
340,2
368,66
+28,46
- H
phòng
= L/Phòng
Trđ/phòng
102,5
118,56
+13,06
9
Công suất phòng
%
80
85
+5
Nguồn: Khách sạn Thái Dương
Về hiệu quả sử dụng khấu hao tài sản cố định: Sức sản xuất và sức sinh lợi năm
2019 so với năm 2018 đều tăng, nguyên nhân là do tốc độ tăng của doanh thu và lợi
nhuận đều mạnh hơn tốc độ tăng của chi phí khấu hao tài sản cố định. Về hiệu quả
sử dụng diện tích kinh doanh lưu trú: Doanh thu và lợi nhuận đạt được trên một đơn
vị diện tích kinh doanh lưu trú năm 2019 đều tăng so với năm 2018, nguyên nhân là
do tốc độ tăng của doanh thu và lợi nhuận nhanh hơn tốc độ tăng của diện tích kinh
doanh lưu trú. Về hiệu quả sử dụng phòng: Doanh thu và lợi nhuận đạt được trên một
phòng năm 2019 tăng so với năm 2018. Như vậy, có thể đánh giá rằng hiệu quả sử
dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của khách sạn qua hai năm là tốt.
322
Hộp 8.7
Hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật kinh doanh lữ hành nội địa
của CTCP Đầu tư Dịch vụ Du lịch Việt Nam, Hà Nội
STT
Các chỉ tiêu
ĐVT
Năm
2018
Năm
2019
So sánh
2019 với 2018
+/-
%
1
Doanh thu lữ hành nội địa
Trđ
14.589,26
16.907,26
+2.318
115,89
2
Lợi nhuận kinh doanh
lữ hành nội địa
Trđ
1.271,68
1.356,58
+84,9
106,67
3
Tổng chi phí
CSVCKT (F
CSVC
)
Trđ
5.286,18
6.199,74
+913,56
117,28
4
Hiệu quả sử dụng
CSVCKT
- H
CSVCKT
= D/F
CSVC
- H
CSVCKT
= L/F
CSVC
2,76
0,24
2,73
0,22
-0,03
-0,02
Nguồn: CTCP Đầu tư Dịch vụ Du lịch Việt Nam, Hà Nội
Qua số liệu trên cho thấy: Tổng chi phí cho cơ sở vật chất kỹ thuật (CSVCKT)
năm 2019 của công ty tăng so với năm 2018. Điều này chứng tỏ rằng công ty đang
dần chú trọng đầu tư nâng cấp CSVCKT, trang thiết bị. Tuy nhiên, doanh thu và lợi
nhuận thu được từ một đồng chi phí CSVCKT mà công ty bỏ ra năm 2019 đều giảm
so với năm 2018. Như vậy, có thể đánh giá rằng hiệu quả sử dụng CSVCKT của công
ty không tốt. Mặc dù chi phí dành cho đầu tư CSVCKT ngày càng tăng nhưng hiệu
quả kinh doanh lữ hành nội địa giảm. Trong thời gian tới công ty nên có các biện
pháp sử dụng chi phí CSVCKT hiệu quả hơn, cắt giảm những khoản chi phí không
cần thiết, gia tăng thêm lợi nhuận, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho công ty.
(2) Hiệu quả kinh doanh của từng nghiệp vụ: Được xác định qua 2
công thức
323
Trong đó:
H
i
: Hiệu quả kinh doanh của nghiệp vụ i.
D
nghiệp vụ i
: Doanh thu của nghiệp vụ i.
L
nghiệp vụ i
: Lợi nhuận của nghiệp vụ i.
F
nghiệp vụ i
: Chi phí của nghiệp vụ i.
Các chỉ tiêu trên cho biết mức doanh thu hay mức lợi nhuận của
mỗi nghiệp vụ kinh doanh đạt được từ một đồng chi phí của nghiệp vụ
kinh doanh đó bỏ ra trong một thời kỳ nhất định. Chỉ tiêu này càng cao
chứng tỏ hiệu quả của các lĩnh vực kinh doanh đó càng tốt.
* Một số chỉ tiêu hiệu quả khác
Trong kinh doanh du lịch có thể sử dụng một số chỉ tiêu khác để
đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp như hiệu quả khai thác
khách, tỷ lệ khách hàng hài lòng ở những chỉ tiêu cơ bản, tỷ lệ khách
hàng bỏ đi,...
Hiệu quả khai thác khách trong kinh doanh du lịch được xác định
thông qua các chỉ tiêu:
Chỉ tiêu này được áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh lưu trú, kinh
doanh ăn uống, kinh doanh vận chuyển khách du lịch và kinh doanh lữ
hành.
Chỉ tiêu này được áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh lưu trú và kinh
doanh lữ hành.
324
8.3. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ KINH
TẾ - XÃ HỘI CỦA DU LỊCH
Trong quá trình kinh doanh có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến
hiệu quả kinh tế - xã hội của du lịch. Có nhân tố là chủ quan và có nhân
tố khách quan, có nhân tố tác động trực tiếp, có nhân tố tác động gián
tiếp đến hiệu quả kinh tế - xã hội của du lịch. Để giúp cho quá trình quản
lý, thường người ta chia thành 2 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả
kinh tế - xã hội của du lịch, đó là các nhân tố vĩ mô và các nhân tố vi mô.
8.3.1. Các nhân tố vĩ mô
Điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội: Cơ sở hạ tầng của địa phương
nơi doanh nghiệp kinh doanh (hệ thống đường sá, sự phát triển mạng
lưới thông tin liên lạc,...), các chủ trương chính sách của chính quyền
trung ương và địa phương, tình trạng dân trí,... Điều kiện kinh tế - chính
trị - xã hội ảnh hưởng gián tiếp tới hiệu quả kinh tế - xã hội của du lịch
thông qua nguồn khách và chính sách giá cả đối với các dịch vụ hàng hóa.
Chủ trương, chính sách của chính phủ như các chủ trương đối ngoại
của chính phủ, chính sách thuế, vốn trong lĩnh vực kinh doanh du lịch có
ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút khách du lịch từ đó ảnh hưởng
đến hiệu quả kinh tế - xã hội của du lịch. Chủ trương, chính sách của
chính phủ càng nới lỏng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển
du lịch thì hiệu quả kinh tế - xã hội càng có xu hướng tăng lên.
Cơ chế quản lý kinh tế là một yếu tố quan trọng, nó chi phối, tác
động tới hiệu quả kinh tế của cả nền kinh tế nói chung và kinh doanh du
lịch nói riêng.
Môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành. Do sự
phát triển nhanh chóng của du lịch trong những năm gần đây, số lượng
các doanh nghiệp du lịch mà nhất là số lượng khách sạn tăng lên nhanh
chóng, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp. Từ đó ảnh
hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch.
325
Giá cả là một nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh
của doanh nghiệp du lịch, nó tác động đến hiệu quả kinh doanh của
doanh nghiệp du lịch cả ở góc độ giá cả đầu ra và giá phí đầu vào. Giá
bán đầu ra tăng lên thì hiệu quả kinh doanh tăng và ngược lại. Giá phí
đầu vào tăng thì hiệu quả kinh doanh giảm và ngược lại.
Tính thời vụ ảnh hưởng đến nhu cầu và cầu của khách du lịch, từ
đó cũng ảnh hưởng đến kết quả và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp
du lịch. Thông thường, vào chính vụ, hiệu quả kinh doanh của doanh
nghiệp rất cao. Trong khi đó, vào trái vụ hiệu quả kinh doanh của doanh
nghiệp lại thường rất thấp. Đặc biệt là các doanh nghiệp mà quá trình
kinh doanh gắn liền với điều kiện tự nhiên như khách sạn nghỉ biển, nghỉ
núi,...
Sự phát triển của nền sản xuất tác động chủ yếu đến chi phí đầu vào
của doanh nghiệp từ đó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh
nghiệp. Thông thường, trình độ phát triển của nền sản xuất càng cao thì
hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp theo đó cũng có xu hướng tăng lên.
8.3.2. Các nhân tố vi mô
Đội ngũ lao động là yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả kinh
doanh của doanh nghiệp du lịch thông qua công tác tuyển dụng, bố trí sử
dụng lao động, chính sách khuyến khích đãi ngộ lao động,... do đó, gián
tiếp tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vậy, các
doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải chú trọng đến công tác đào tạo,
nâng cao trình độ của đội ngũ lao động, kể cả đội ngũ cán bộ quản lý và
nhân viên phục vụ.
Cơ sở vật chất kỹ thuật ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của
doanh nghiệp du lịch theo các mức độ và chiều hướng khác nhau, thường
việc đầu tư ban đầu sẽ làm giảm hiệu quả kinh tế đạt được. Song đầu tư
là đòi hỏi của mục tiêu không ngừng nâng cao văn minh phục vụ khách
hàng, thu hút khách du lịch và cũng là mục tiêu chiến lược nâng cao hiệu
quả kinh tế về lâu dài.
326
Việc huy động và sử dụng vốn có hiệu quả hay không cũng sẽ ảnh
hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Trình độ tổ chức quản lý của doanh nghiệp có ảnh hưởng đến kết
quả kinh doanh đầu ra và chi phí kinh doanh đầu vào của doanh nghiệp,
do đó cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp du lịch còn chịu
ảnh hưởng của các nhân tố khác như chất lượng dịch vụ du lịch; cơ cấu
kinh doanh của doanh nghiệp...
CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN
1. Phân tích khái niệm và bản chất của hiệu quả? Sự cần thiết phải
nâng cao hiệu quả?
2. Trình bày các chỉ tiêu đo lường hiệu quả kinh tế của ngành du
lịch? Đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả kinh tế của du lịch trong
nền kinh tế quốc dân và trong doanh nghiệp?
3. Trình bày các chỉ tiêu đo lường hiệu quả xã hội của ngành du
lịch? Đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả xã hội của du lịch trong
nền kinh tế quốc dân và trong doanh nghiệp?
4. Phân tích các tác động kinh tế của ngành du lịch? Ý nghĩa
nhận thức?
5. Phân tích các tác động xã hội của ngành du lịch? Ý nghĩa nhận
thức?
6. Trình bày các quan điểm đo lường hiệu quả kinh doanh trong
doanh nghiệp du lịch? Ý nghĩa nhận thức?
7. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế - xã hội
của du lịch? Các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội trong
doanh nghiệp du lịch ở nước ta hiện nay?
327
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 8
TIẾNG VIỆT
1. Nguyễn Văn Đính & Trần Thị Minh Hòa (2004), Giáo trình
Kinh tế du lịch, NXB Lao động - Xã hội.
2. Nguyễn Hồng Giáp (2002), Kinh tế du lịch, NXB Trẻ.
3. https://hutong.com.vn/
4. https://phoenixresortbacninh.com/
5. http://thaiduonghotel.com.vn/
6. http://thequeenhotel.com.vn/
7. http://www.hta.org.vn/
8. https://www.opentour.vn/
9. https://www.rosalizahotel.com.vn/
10. https://www.wttc.org/
TIẾNG ANH
11. A.M Sheela (2007), Economics of hotel management, New Age
International.
12. Mike Stabler & cộng sự (2010), The Economics of tourism,
Routledge New York.
328
329
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TIẾNG VIỆT
1. Trần Xuân Cầu & Mai Quốc Chánh (2012), Kinh tế nguồn nhân
lực, NXB ĐH Kinh tế quốc dân.
2. Vũ Thùy Dung & Hoàng Văn Hải (2008), Quản trị nhân lực,
NXB Thống kê.
3. Đặng Đình Đào & Hoàng Đức Thân (chủ biên) (2001), Giáo
trình Kinh tế thương mại, NXB Thống kê, Hà Nội.
4. Nguyễn Văn Đính & Trần Thị Minh Hòa (chủ biên) (2008),
Giáo trình Kinh tế du lịch, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
5. Ngô Đình Giao (chủ biên) (1995), Kinh tế vi mô, NXB Giáo dục,
Hà Nội.
6. Nguyễn Hồng Giáp (2002), Kinh tế du lịch, NXB Trẻ, TP. Hồ
Chí Minh.
7. Hoàng Kình (1997), Kinh tế quốc tế, Phần một, NXB Giáo dục,
Hà Nội.
8. Robert Lanquar (2002), Kinh tế du lịch (sách dịch), In lần thứ
hai, NXB Thế giới, Hà Nội.
9. Larue, D. và A. Caillat (1992), Kinh tế doanh nghiệp (sách dịch),
NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
10. Luật Du lịch (2006, 2017), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
11. Nguyễn Văn Lưu (1998), Thị trường du lịch, NXB Đại học
Quốc gia, Hà Nội.
12. Nguyễn Ngọc Mai (chủ biên) (1998), Giáo trình Kinh tế đầu tư,
NXB Giáo dục, Hà Nội.
13. Vũ Đức Minh (chủ biên) (2008), Tổng quan về du lịch, NXB
Thống kê, Hà Nội.
14. Đồng Ngọc Minh & Vương Lôi Đình (chủ biên) (2001), Kinh tế
du lịch & Du lịch học (sách dịch), NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
15. Trương Sỹ Quý & Hà Quang Thơ (1995), Giáo trình Kinh tế
Du lịch (lưu hành nội bộ), Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
16. Đỗ Hoàng Toàn & Mai Văn Bưu (chủ biên) (2005), Giáo trình
Quản lý Nhà nước về kinh tế, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội.
17. Nguyễn Văn Thụ (chủ biên) (2000), Bài giảng Kinh tế du lịch,
Trường ĐH Giao thông vận tải, Hà Nội.
330
18. Nguyễn Xuân Thuỷ (1993), Quản trị dự án đầu tư, Viện Đào
tạo Mở rộng, TP. Hồ Chí Minh.
19. Phạm Quang Trung (2012), Quản trị tài chính doanh nghiệp,
NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
20. Tập thể tác giả Trung Quốc (1998), Dự báo thế kỷ 21 (sách
dịch), NXB Thống kê, Hà Nội.
21. Tổng cục Du lịch (2008), Kế hoạch Marketing du lịch Việt
Nam, Hà Nội.
22. www.vietnamtourism.com
23. www.vietnamtourism.gov.vn
24. https://banahills.sunworld.vn/
25. https://hanoitourism.travel/
26. https://hutong.com.vn/
27. https://phoenixresortbacninh.com/
28. http://thaiduonghotel.com.vn/
29. http://thequeenhotel.com.vn/
30. https://sunvinatravel.com/
31. http://www.hta.org.vn/
32. https://www.flc.vn/
33. https://www.lottehotel.com/hanoi-hotel/vi.html
34. https://www.opentour.vn/
35. https://www.rosalizahotel.com.vn/
TIẾNG ANH
36. Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2
nd
edition, Longman, Melbourne.
37. Clark, J.J & Penner, R.H (1975), Life cycle costing in the hotel
industry, Industrialization Forum, Vol 6, No 3-4.
38. Cooper, C. et al (2005), Tourism: Principles and Practice, 3
rd
edition, Pearson Education, Essex.
39. Daryl Wyckoff, D.& Earl Sasser, W. (1978), The chain
Restaurant Industry, Lexington Books.
40. Doganis, R. (1998), Flying off Course: The Economics of
International Airlines, 2
nd
edition, Routledge, London and New York.
41. Go, F.M. & Jenkins, C.L. (editors) (1998), Tourism and
Economic Development in Asia and Australia, A Cassell Imprint,
London and Washington.
331
42. Horwath & Horwath (1983), Worldwide Lodging Industry,
Horwath & Horwath International.
43. Hughes, H.L. (1990), Economics for Hotel and Catering
Students, 2
nd
edition, Stanley Thornes, Cheltenham.
44. Leiper, N. (1990), Tourism Systems, Massey University
Department of Management Systems Occasional Paper 2, Auckland,
New Zealand.
45. Lockwood, A. & Medlik, S. (editors) (2002), Tourism and
Hospitality in the 21
st
Century, Butterworth Heinemann, Oxford.
46. Lundberg, D.E. et al (1995), Tourism Economics, Jokn Wiley &
Sons, New York.
47. Mike Stabler, M. Thea Sinclair, Andreas Papatheodorou (2010),
The Economics of tourism, Routledge New York.
48. McIntosh, R.W., Goeldner, C.R. & Ritchie, J.R.B. (1995),
Tourism: Principles, Practices & Philosophies, 7
th
edition, Wiley, New
York.
49. Richardson, J.I. (1995), Travel & Tourism in Australia: The
Economic Perspective, Hospitality Press, Melbourne.
50. Ross, S.A., Westerfield, R.W. & Jaffe, J.F. (1993), Corporate
Finance, 3
rd
edition, Irwin, Homewood, Ill.
51. Ryan, C. (1980), An Introduction to Hotel and Catering
Economics, Stanley Thornes, Glos.
52. Sheela, A.M. (2007), Economics of hotel management, New
Age International.
53. Sinclair, M.T. and Stabler, M. (1997), The Economics of
Tourism, Routledge.
54. Tribe, J. (2011), The Economics of Recreation, Leisure and
Tourism, 4
th
edition, Butterworth-Heinemann, Oxford.
55. World Tourism Organisation (1983), The Framework of the
State's Responsibility for the Management of Tourism, WTO, Madrid.
56. World Tourism Organisation (2001), Tourism 2020 Vission -
Global Forecasts and Profiles of Market Segments, WTO, Madrid.
57. World Travel & Tourism Council (2018), Travel & Tourism
Economic Impact 2018, UNWTO, Madrid.
58. www.unwto.org
59. https://www.wttc.org/
332
Chịu trách nhiệm nội dung và xuất bản:
Giám đốc - Tổng Biên tập
ĐỖ VĂN CHIẾN
Biên tập, sửa bản in:
VƯƠNG NGỌC LAM
Trình bày:
TRẦN KIÊN - DŨNG THẮNG
- In 500 cuốn khổ 16
24 cm tại NXB Thống kê - Công ty In và Thương mại Đông Bắc
Địa chỉ: Số 15, Ngõ 14, Phố Pháo Đài Láng, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội.
- Đăng ký xuất bản: 1403-2020/CXBIPH/05-09/TK do Cục Xuất bản, In và Phát hành cấp ngày 28/4/2020
- QĐXB số 67/QĐ-NXBTK ngày 15/6/2020 của Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Thống kê
- In xong và nộp lưu chiểu tháng 6 năm 2020.
- ISBN: 978-604-75-1538-7
Bấm Tải xuống để xem toàn bộ.