Phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm tự sự: Truyện ngắn “Giang” - Bảo Ninh Ngữ Văn 10 Chân Trời Sáng Tạo
Xn gửi tới các bạn bài văn mẫu Phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm tự sự: Truyện ngắn "Giang" (Bảo Ninh). Mời các bạn cùng tham khảo.
Chủ đề: Bài 8: Đất nước và con người (CTST)
Môn: Ngữ Văn 10
Sách: Chân trời sáng tạo
Thông tin:
Tác giả:
Preview text:
Phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm tự sự: Truyện ngắn
“Giang” - Bảo Ninh.
Bảo Ninh là cây viết xuất hiện trên văn đàn một cách nhẹ nhàng, không ồn ào, dữ dội
nhưng ngày càng chinh phục được trái tim của độc giả. Ông từng chia sẻ mình “biết nhiều câu
chuyện đương thời ở Việt Nam, nhưng không viết”, nhà văn chỉ tập trung viết về quá khứ chiến
trường và cái quá khứ xa hơn của nó ở Hà Nội mà ông vẫn gọi là “thành phố quê hương thứ hai
của tôi”. Bằng những trải nghiệm, vốn kí ức giàu có và quý giá về chiến tranh, Bảo Ninh đã cho
ra đời những tác phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc. Một trong số những truyện ngắn thành công
về cả nội dung và nghệ thuật của tác giả là Giang - câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ “thoảng
nhanh nhưng không tắt lịm” của những con người trong chiến tranh.
Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, nội dung “bao trùm hầu hết các phương diện của
đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết ra
để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ” (Từ điển thuật ngữ văn học). Cũng như các
thể loại tự sự khác, những nét độc đáo của truyện ngắn có thể khai thác là: tình huống truyện,
nghệ thuật miêu tả nhân vật, ngôi kể, điểm nhìn,… Đó cũng chính là những đặc sắc trong các
sáng tác truyện ngắn của Bảo Ninh, được thể hiện khá đầy đủ trong truyện ngắn “Giang”.
Truyện ngắn “Giang” viết về đề tài chiến tranh - không nằm ngoài đối tượng mà Bảo
Ninh luôn hướng tới, song ông tự ý thức sâu sắc trong việc thay đổi cách viết bởi trước ông đã
có rất nhiều tên tuổi nổi bật, thành danh như Nguyễn Minh Châu, Lê Minh Khuê,… Tác phẩm
viết về thời kì chiến tranh với hoài niệm, suy ngẫm của một người trong cuộc bước ra khỏi cuộc
chiến, nhìn từ một góc độ khác: góc độ cá nhân, thân phận con người. Là một người lính, cũng là
một thanh niên xung phong, Bảo Ninh đã giữ lại cho mình những kí ức đẹp đẽ trong những năm
tháng máu lửa, và trong chuỗi kí ức đó có hình bóng của một cô gái, một “bóng hồng” để
thương để nhớ trong tâm trí ông: Giang, Phạm Nhật Giang.
“Giang” là câu chuyện về cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng rất mực tình cảm, duyên dáng giữa
cô gái Hà Nội Nhật Giang và anh bộ đội “Hùng” - cái tên Hùng được “phịa vội ra” mà cho đến
mãi mãi về sau, anh cũng không có cơ hội để “cải chính”. Năm ấy, khi “tôi” - chàng lính trẻ vừa
tròn mười bảy vừa được kết nạp vào một tiểu đoàn tân binh đóng quân ở Bãi Nai, vì đạt điểm
cao nhất đội môn thiện xạ mà được chỉ huy cho phép hai ngày nghỉ. Song, “tôi” trở về nhà
nhưng cũng nóng lòng trở lại tiểu đoàn, mười hai giờ trưa đã tức tốc chạy ra bến xe Kim Mã để
bắt xe cho kịp. Sự vội vã, nôn nao ấy đã đem lại cho anh cuộc gặp gỡ định mệnh, gây biết bao
thổn thức, nhớ thương. Những ngày giáp Tết, khi trời mưa rất mỏng cũng chưa tói hẳn, khi
Giang đang đi dánh nước và “tôi” cũng đến giếng để “rửa ráy qua loa tí chút và xâu lại dép”.
Giang giúp anh múc nước: “không xối cho tôi tự gột mà cúi mình xuống một tay nghiêng gầu
nước dội nhè nhẹ, một tay cô cọ bùn đất ở ngón chân, bàn chân và bắp chân tôi”, lại “cọ kĩ cho
tôi đôi dép đúc”. Hành động ân cần, chu đáo và tinh tế ấy đã khiến “tôi” sững sờ đến bất động,
chàng trai mới lớn đã thực sự biết rung động. Giang mới “tôi” đến nhà, dọn cơm mời anh dùng
bữa, bữa cơm trong “túp lều nhỏ, mái gianh vách đất” chỉ có “chiếc giường đơn, ngọn đèn hoa
kì trên chõng tre, chiếc xe đạp Phượng Hoàng” - đơn sơ nhưng cũng ấm áp tình người. Bố của
Giang - cũng là trung tá quân đội, xuất hiện với sắc mặt nghiêm nghị, nhìn chằm chằm hỏi
chuyện, sau nét mặt dịu hơn, lại mỉm cười, động viên “tôi” và cho phép Giang lấy xe đạp đưa
“tôi” về đơn vị. Cuộc gặp gỡ giữa “tôi” và bố Giang cũng diễn ra chóng vánh, nhưng cũng đủ
để độc giả hình dung về người bố mẫu mực, đàng hoàng nhưng cũng rất đỗi tình cảm. Trong
hoàn cảnh chiến tranh, cách xử sự của Giang và bố là hoàn toàn phù hợp. Như vậy, đằng sau
cuộc gặp gỡ vội vã ấy là câu chuyện đầy ắp tình người, niềm tin tưởng tuyệt đối và tình thương
yêu sâu sắc của đồng bào trong những ngày kháng chiến trường kì gian khổ nhưng huy hoàng của dân tộc.
Tác phẩm cũng phần nào thể hiện được những nỗi đau, những mất mát mà chiến tranh đã
gây nên với con người. Tối ấy, “tôi” đèo Giang về Bãi Nai, anh chìm vào lời nói của Giang mà
quên bẵng đi phải kiếm câu chuyện gì đó về mình để nói. Khi Giang đề nghị Tết vào đơn vị chơi
với mình, anh chỉ biết thở một hơi thật dài rồi trầm ngâm suốt đoạn đường. Lúc chia tay, “tôi”
nhìn bóng dáng Giang mờ dần trong màn đêm tĩnh lặng, hai người tạm biệt nhau mà những gì về
Giang anh biết chỉ có tên phố Khâm Thiên, ngõ Chợ. Hai ngày sau, tiểu đoàn của “tôi” nhổ neo
rời Bãi Nai hành quân lên Thường Tín, bất ngờ anh gặp lại bố của Giang, ông chính là tham mưu
trưởng của chiến dịch lần này. Gặp lại người bạn của con, ông vô cùng ngạc nhiên và mừng rỡ.
Ông còn bảo Giang muốn tặng anh một bức ảnh nhưng quên mang theo, để lần sau ông đem đến.
Nhưng, chiến tranh khốc liệt, chẳng có một “lần sau” nào nữa, ông đã hi sinh trong trận chiến
năm ấy. Nỗi đau mất cha, chỗ dựa duy nhất, vững chãi của cô gái mới lớn, có lẽ chẳng ngôn từ
nào có thể diễn tả. Cũng sau lần đó, “tôi” không còn gặp lại Giang nữa - cuộc gặp gỡ lần đầu cũng là lần cuối.
“Chiến tranh, đời lính, tuổi trẻ, mọi sự là như thế, chỉ thế thôi, thoảng nhanh. Thoảng
nhanh nhưng không tắt lịm,…” Hai đoạn văn cuối cùng của tác phẩm là suy ngẫm của tác giả về
chiến tranh: thời gian sẽ phủ bụi, xóa nhòa đi tất cả nhưng không thể xóa đi kí ức của con người.
Những mất mát, éo le, đau khổ, những vết thương không phương hàn gắn của chiến tranh sẽ luôn
như ngọn lửa âm ỉ, thường trực trong tâm trí của người lính.
Không chỉ thành công trong việc thể hiện nội dung, tư tưởng, tác phẩm cũng để lại ấn
tượng cho người đọc về phương diện nghệ thuật. Về tình huống truyện, đó là tình huống nhỏ bé
tưởng chừng vô nghĩa nhưng lại để lại ấn tượng, dư vị khó phai nhòa. Về điểm nhìn trần thuật,
“Giang” được kể lại theo điểm nhìn của nhân vật tôi - anh tân binh. “Tôi” đã kể lại câu chuyện
của cuộc đời mình theo trình tự thời gian một cách đầy đủ, trọn vẹn từ lúc bắt đầu tới khi kết
thúc của một cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng dư vị sâu sắc, khó phai nhòa. Lựa chọn điểm nhìn của
nhân vật “tôi”, câu chuyện càng thêm phần trải nghiệm, chân thực, người đọc được cảm nhận
sâu sắc hơn về tình người trong cuộc chiến, những cảm xúc rung động lãng mạn nhẹ nhàng, tinh
tế và cả những xúc cảm về sự mất mát, về nỗi đau li biệt. Ngôi kể thứ nhất, không phải vị thế
người kể “toàn tri” song đó mới chính là bản chất của con người trong cuộc sống hiện thực:
không bao giờ biết được tất cả - đó cũng chính là nét đặc sắc trong nghệ thuật viết truyện ngắn
của Bảo Ninh. Trong tác phẩm, tác giả cũng đã xây dựng những cuộc đối thoại đặc sắc, thông
qua đó thể hiện rõ nét nội tâm, tính cách nhân vật; đồng thời ngôn ngữ xây dựng nhân vật là thứ
ngôn ngữ giản dị nhưng sâu sắc giàu chất triết lý. Quả đúng như nhận xét của Mai Quốc Liên khi
viết “Đọc truyện ngắn Bảo Ninh”, tác giả cho rằng Bảo Ninh không làm thơ, nhưng văn của ông
“ẩn chứa một chất thơ đích thực, một chất thơ được gạn lọc từ những thân phận người và chan
hòa vào trong một thiên nhiên buồn”.
Sinh thời, Bảo Ninh vẫn luôn quan niệm nghề văn là “một nghề chuyên nghiệp về sự
ngẫm nghĩ, nhà văn tự cho mình là kẻ có khả năng, có trách nhiệm, có ham thú đúc kết thế thái
nhân tình đặng tìm ra cho mình và bạn đọc của mình những giá trị, ý nghĩa ở hiện tại vừa thay
đổi không ngừng theo đời sống con người”. Trong hành trình làm văn chân chính của mình, ông
đã luôn cố gắng chỉn chu trong mọi tác phẩm, đem đến cho độc giả là kết quả của sự đúc kết
những năm tháng trải nghiệm hiện thực tàn khốc và bút lực, cảm nhận tài hoa, tinh tế mà
“Giang” là một trong số đó. Những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật đã làm nên thành công và
sức sống mãnh liệt cho tác phẩm.