-
Thông tin
-
Hỏi đáp
Tiểu luận môn Lý luận nhà nước và pháp luật | Trường Đại học Kiểm Sát Hà Nội
Tiểu luận môn Lý luận nhà nước và pháp luật | Trường Đại học Kiểm Sát Hà Nội được sưu tầm và soạn thảo dưới dạng file PDF để gửi tới các bạn sinh viên cùng tham khảo, ôn tập đầy đủ kiến thức, chuẩn bị cho các buổi học thật tốt. Mời bạn đọc đón xem!
Lý luận chung về nhà nước và pháp luật 40 tài liệu
Đại Học Kiểm sát Hà Nội 226 tài liệu
Tiểu luận môn Lý luận nhà nước và pháp luật | Trường Đại học Kiểm Sát Hà Nội
Tiểu luận môn Lý luận nhà nước và pháp luật | Trường Đại học Kiểm Sát Hà Nội được sưu tầm và soạn thảo dưới dạng file PDF để gửi tới các bạn sinh viên cùng tham khảo, ôn tập đầy đủ kiến thức, chuẩn bị cho các buổi học thật tốt. Mời bạn đọc đón xem!
Môn: Lý luận chung về nhà nước và pháp luật 40 tài liệu
Trường: Đại Học Kiểm sát Hà Nội 226 tài liệu
Thông tin:
Tác giả:
Preview text:
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIỂM SÁT HÀ NỘI BÀI TIỂU LUẬN
MÔN: LÝ LUẬN NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
ĐỀ SỐ 21: “Anh/chị hãy phân tích khái niệm hệ thống hóa pháp luật chính thức
(pháp điển hóa). Trình bày ý nghĩa, mục đích của pháp điển hóa pháp luật.”
Giảng viên: Chu Bình Minh
Họ và tên: Trần Thị Lan Anh Lớp: TMK4A MSSV: TM2373801009
Hà Nội, năm 2024 MỤC LỤC
MỞ ĐẦU........................................................................................................................... 1
NỘI DUNG....................................................................................................................... 2
I. KHÁI QUÁT CHUNG.............................................................................................2
1. Khái niệm pháp điển hóa.........................................................................................2
2. Đặc điểm...................................................................................................................3
a. Pháp điển hóa về nội dung.....................................................................................3
b. Pháp điển hóa về hình thức....................................................................................4
3. Mục đích...................................................................................................................5
4. Ý nghĩa...................................................................................................................... 6
II. THỰC TIỄN............................................................................................................8
1. Lịch sử hình thành và phát triển công tác pháp điển hóa.....................................8
2. Liên hệ hệ thống hóa pháp luật chính thức tại Việt Nam....................................11
KẾT LUẬN..................................................................................................................... 13
TÀI LIỆU THAM KHẢO.............................................................................................14 MỞ ĐẦU
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở giai đoạn hiện nay là đẩy
mạnh thực hiện công cuộc hệ thống hóa pháp luật chính thức. Nghị quyết số 48-NQ/TW
của Bộ Chính trị “về chiến lược cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020” đã đặt ra: Phải
tích cực đẩy mạnh hơn nữa công tác hệ thống hóa pháp luật mà vấn đề then chốt là
chuyển trọng tâm sang hoạt động pháp điển hóa nhằm tạo ra nhiều bộ luật, đạo luật đảm
bảo vai trò quản lý xã hội bằng pháp luật của Nhà nước.
Thực tế cho thấy, công tác hệ thống hóa pháp luật, đặc biệt là pháp điển hóa pháp
luật đã bước đầu phát triển, có một số văn bản quy phạm pháp luật được thống kê và lên
danh mục, một số văn bản quy phạm pháp luật khác được pháp điển hóa.
Việc áp dụng pháp điển hóa trong thực tế đã có lịch sử hình thành và phát triển lâu
dài qua các thời kì lịch sử Việt Nam. Từ lâu, các điều luật được ban hành đã đóng vai trò
quan trọng trong duy trì sự ổn định của xã hội. Song, với xu thế xã hội không bao giờ
ngừng dịch chuyển, kèm theo đó là môi trường sống, cách con người đối diện và chấp
thuận với sự thay đổi đó là cần phải đổi thay để tồn tại trong một tình thế luôn biến
chuyển. Luật pháp cũng không thể giữ mãi một “thế đứng”, mà cũng cần có sự thay đổi,
điều chỉnh để phù hợp với thời kỳ mới và phù hợp với con người trong thời kỳ đó. Chính
vì thế, hệ thống hóa pháp luật chính thức thật sự là một bước tiến cần có cho pháp luật trong thời đại mới.
Như vậy, hệ thống hóa pháp luật chính thức (pháp điển hóa pháp luật) ở Việt Nam
hiện nay là một nhiệm vụ trọng tâm và việc nghiên hoạt động pháp điển hoá ở Việt Nam
là hết sức cần thiết. Xuất phát từ vấn đề cấp thiết được nêu trên, em quyết định lựa chọn
đề tài: “Phân tích khái niệm hệ thống hóa pháp luật chính thức (pháp điển hóa). Trình
bày ý nghĩa, mục đích của pháp điển hóa pháp luật.” 1 NỘI DUNG I. KHÁI QUÁT CHUNG
1. Khái niệm pháp điển hóa
Hệ thống hóa pháp luật chính thức (pháp điển hóa) là khái niệm đã xuất hiện từ
khá lâu trong khoa học pháp lý. Qua từng thời kỳ cũng như phụ thuộc vào đặc điểm của
các hệ thống pháp luật, những điều kiện cụ thể của từng hệ thống pháp luật, điều kiện của
từng giai đoạn và thời kỳ mà ta có thể thấy được những cách quan niệm khác nhau về pháp điển hóa.
Trong Từ điển Luật học, pháp điển hóa được định nghĩa là “Làm thành một pháp
điển (bộ luật) tức là tập hợp, hệ thống hóa các văn bản pháp luật hiện hành, xem xét nội
dung, loại bỏ các điều kiện không còn phù hợp, mâu thuẫn, chống chéo, bổ sung những
điều còn thiếu, những điều cần dự liệu đáp ứng yêu cầu phát triển của các quan hệ xã hội
để ban hành thành một bộ luật. Nhà nước pháp điển hóa Luật hình sự, Luật tố tụng hình
sự, Luật dân sự, Luật Lao động và ban hành các bộ luật hữu quan. Pháp điển hóa là hoạt
động lập pháp khác với hệ thống hóa pháp luật (hệ thống hóa pháp luật là một hoạt động
có tính chất chuyên môn, hành chính).”1
Từ điển Bách khoa Việt Nam đưa ra khái niệm: “Pháp điển hóa là xây dựng bộ
luật, đạo luật trên cơ sở tập hợp, hệ thống hóa các văn bản pháp luật hiện hành, loại bỏ
các quy định không phù hợp, bổ sung, dự liệu những quy định đáp ứng sự điều chỉnh
pháp luật đối với những quan hệ xã hội đang phát triển.”2
Trong cuốn Từ điển giải thích thuật ngữ Lý luận nhà nước và pháp luật năm 2008,
pháp điển hóa lại được giải thích: “Pháp điển hóa là hình thức hệ thống hóa pháp luật
trong đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật, các
chế định luật, các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành luật theo trình tự nhất định,
loại bỏ những mâu thuẫn, chồng chéo, các quy định lỗi thời và bổ sung những quy định
mới. Kết quả của pháp điển hóa là văn bản quy phạm pháp luật mới trên cơ sở kế thừa và
phát triển các quy phạm pháp luật cũ mà điển hình là bộ luật.”3
1 Từ điển Luật học (1999), NXB Từ điển Bách Khoa, trang 351.
2 Từ điển Bách khoa Việt Nam (1998), NXB Đà Nẵng, trang 419.
3 Thái Vĩnh Thắng (2008), Từ điển giải thích thuật ngữ Lý luận nhà nước và pháp luật, NXB Công an Nhân dân, trang 203–204. 2
Từ những phân tích trên, có thể đưa đến sự tựu chung về khái niệm pháp điển hóa
như sau: “Hệ thống hóa pháp luật chính thức (pháp điển hóa) là hoạt động của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền nhằm tập hợp các quy định, các nguồn pháp luật hiện hành và
sắp xếp chúng trong một chính thể thống nhất, khoa học để tạo thành một văn bản quy
phạm pháp luật mới hoặc bộ pháp điển.”4
Cho dù ở những thời điểm khác nhau, những thời kỳ khác nhau, pháp điển hóa có
thể được hiểu theo nhiều nghĩa đa dạng khác nhau. Song, về cơ bản, hệ thống hóa pháp
luật chính thức được tiến hành theo hai cách là pháp điển hóa về nội dung và pháp điển
hóa về hình thức. Pháp điển hóa về nội dung là cách hiểu mang tính truyền thống về pháp
điển việc xây dựng một bộ luật trên cơ sở tập hợp các quy định pháp luật hiện hành, loại
bỏ, sửa đổi các quy định không còn phù hợp, bổ sung thêm những quy định mới để đáp
ứng sự điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội. Thực chất của hoạt động pháp
điển hóa về nội dung là việc xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật ở cấp độ là văn
bản luật5. Pháp điển hóa về hình thức là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
tập hợp, sắp xếp các quy định pháp luật, các nguồn luật đang có hiệu lực pháp luật thành
các bộ pháp điển theo từng chủ đề nhất định.6 2. Đặc điểm
Để hiểu hơn về pháp điển hóa, theo những cách hiểu được chia như trên, dẫn đến
bàn luận về đặc điểm của vấn đề này cũng được xét theo hai cách.
a. Pháp điển hóa về nội dung
Thứ nhất, giống như tập hợp hóa, pháp điển hóa chỉ lựa chọn những quy phạm
pháp luật đang có hiệu lực để đưa vào Bộ pháp điển.
Thứ hai, nếu việc tập hợp hóa nêu trên được tiến hành theo phạm vi hẹp gắn với
việc sắp xếp theo văn bản quy phạm pháp luật thì việc pháp điển hóa theo quan điểm này
lại tách các quy phạm pháp luật trong các văn bản để sắp xếp theo quy phạm pháp luật
mà không sắp xếp toàn bộ văn bản. Vì vậy, trong bộ pháp điển hóa, các quy phạm pháp
luật trong một văn bản có thể được tách ra để đưa vào các phần khác nhau của bộ pháp
4 TS. Nguyễn Xuân Hưởng (chủ biên), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, NXB Chính trị Quốc
gia Sự thật, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, trang 245.
5 TS. Nguyễn Xuân Hưởng (chủ biên), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, NXB Chính trị Quốc
gia Sự thật, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, trang trang 245-246.
6 TS. Nguyễn Xuân Hưởng (chủ biên), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, NXB Chính trị Quốc
gia Sự thật, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, trang 248. 3
điển. Đồng thời, một phần hay một mục nào đó trong bộ pháp điển lại chứa đựng quy
phạm pháp luật của các văn bản khác nhau được sắp xếp theo trật tự về giá trị pháp lý.
Thứ ba, trong quá trình pháp điển hóa, chủ thể pháp điển hóa có thể thay đổi về
ngôn từ sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm các thuật ngữ của các
văn bản quy phạm pháp luật khác nhau khi đưa vào bộ pháp điển là thống nhất với nhau.
Ví dụ, thống nhất về tên gọi một cơ quan nào đó của nhà nước trong bộ pháp điển, bởi vì
cùng là một cơ quan nhưng mỗi giai đoạn khác nhau theo quy định của pháp luật, cơ
quan đó lại có những tên gọi khác nhau. Do đó, khi đưa vào bộ pháp điển, người ta thống
nhất chỉ sử dụng một tên gọi nhất định của cơ quan đó trong tất cả các quy phạm pháp
luật của bộ pháp điển.
Thứ tư, nếu có các điều luật giống nhau hoàn toàn về nội dung, thì khi đưa vào bộ
pháp điển, người ta chỉ đưa vào điều luật có giá trị pháp lý cao nhất, mặc dù tất cả các
điều luật đó đều có hiệu lực pháp lý.
Thứ năm, việc đánh số thứ tự các điều luật trong bộ pháp điển không giữ nguyên
như trong văn bản gốc mà đánh số thứ tự theo bộ pháp điển, tất nhiên, bên cạnh đó vẫn
phải ký hiệu để chỉ số thứ tự và tên văn bản gốc của điều luật được đưa vào pháp điển hóa.7
b. Pháp điển hóa về hình thức
Thứ nhất, việc pháp điển hóa có thể làm thay đổi nội dung, hình thức, hiệu lực và
giá trị pháp lý của các quy phạm pháp luật được lựa chọn để đưa vào bộ luật. Khi tiến
hành pháp điển hóa, các quy phạm pháp luật có thể được chủ thể thay đổi về nội dung,
hình thức, cấu trúc ngữ pháp trong lời văn của quy phạm pháp luật.
Thứ hai, trong quá trình pháp điển hóa, ngoài việc tập hợp các quy phạm pháp
luật đã có sẵn, chủ thể tập hợp hóa có thể loại bỏ những quy phạm pháp luật lạc hậu, lỗi
thời mặc dù chúng đang có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, chủ thể pháp điển hóa có thể
đặt ra những quy phạm pháp luật mới.
Thứ ba, pháp điển hóa được tiến hành bởi chủ thể nhất định và được tiến hành
theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định. Vì thực chất đây là hoạt động ban hành văn
bản quy phạm pháp luật nên hoạt động này phải được tiến hành bởi chủ thể mà pháp luật
7 TS. Nguyễn Xuân Hưởng (chủ biên), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, NXB Chính trị Quốc
gia Sự thật, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, trang 246-247. 4
quy định và phải được tiến hành theo trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Chủ
thể quan trọng nhất quyết định đối với việc pháp điển hóa và quyết định đối với kết quả
của hoạt động này là cơ quan có quyền ban hành văn bản luật - ở nước ta, đó là Quốc hội.
Thứ tư, khác với tập hợp hóa, kết quả của pháp điển hóa là một văn bản quy phạm
pháp luật thuộc loại văn bản luật với tên gọi là bộ luật.8 3. Mục đích
Những mục đích hướng đến của hệ thống hóa pháp luật chính thức được kể đến như:
- Tập hợp được tất cả các quy phạm pháp luật đang nằm phân tán, rải rác ở nhiều
văn bản trong một văn bản pháp luật duy nhất trong đó gồm những quy phạm pháp luật
còn hiệu lực trong một lĩnh vực, chủ đề nhất định (hoặc ở một số nước là do một cơ quan
ban hành), theo một trật tự logic, nhằm bảo đảm thuận lợi cho việc áp dụng, thực hiện văn bản pháp luật.
- Minh bạch hóa và bảo đảm tính cập nhật của các quy phạm pháp luật thông qua
việc bãi bỏ các nội dung không rõ ràng, mẫu thuẫn, không phù hợp với Hiến pháp và các
cam kết quốc tế, chỉ ra sự mâu thuẫn, chồng chéo, không đầy đủ trong hệ thống luật pháp
và chuẩn bị đề xuất các sửa đổi, bổ sung cần thiết từ đó nâng cao tính thống nhất của các quy định pháp luật.
- Góp phần bảo đảm duy trì tính hệ thống của hệ thống pháp luật. Theo cách thức
pháp điển này, phần lớn các quy phạm pháp luật sẽ được sắp xếp vào các bộ luật với
phạm vi nội dung được xác định rõ ràng, ổn định, có tính hệ thống cao. Bộ Pháp điển sẽ
được sử dụng như một phương tiện để thực hiện việc hệ thống hóa các quy định pháp luật
một cách liên tục vì tất cả các quy định mới được ban hành đều được đưa vào Bộ pháp
điển ngay lập tức và các việc thay thế các quy định cũ cũng được thực hiện ngay trên Bộ pháp điển.
- Nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Việc xây dựng các
bộ pháp điển một cách có hệ thống và toàn diện sẽ nâng cao sự ổn định và thống nhất của
8 TS. Nguyễn Xuân Hưởng (chủ biên), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, NXB Chính trị Quốc
gia Sự thật, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, trang 247-248. 5
hệ thống pháp luật và vì vậy sẽ nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.
- Nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho người dân. Có thể nói trong nhiều năm
qua công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đã đạt được những kết quả nhất
định. Tuy nhiên, kết quả đó hầu như mới chỉ giới hạn trong phạm vi các cơ quan nhà
nước. Mặc dù vậy để công khai hóa và phổ biến pháp luật đã được chú trọng thực hiện,
nhưng trên thực tế, việc tiếp cận pháp luật của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do
đó, việc hệ thống hóa, pháp điển hóa làm cho hệ thống pháp luật dễ hiểu, dễ tiếp cận,
thuận lợi cho việc tra cứu sử dụng là hết sức cần thiết. Hệ thống hóa, pháp điển hóa tạo
điều kiện thuận lợi để người dân tìm hiểu pháp luật, làm cho pháp luật gần gũi với đời
sống hằng ngày của họ, tạo cho họ thói quen và tập quán ứng xử theo pháp luật.
- Tạo ra sự tiện lợi cho việc tra cứu, tìm kiếm các văn bản quy phạm pháp luật.
Trong bối cảnh tất cả quy phạm pháp luật đã được sắp xếp một cách hệ thống trong các
bộ pháp điển thì việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định sẽ được thực hiện
một cách dễ dàng hơn trên cơ sở các quy định của bộ pháp điển mà không phải tiến hành
rà soát, kiểm tra các văn bản phân tán trong hệ thống pháp luật như hiện nay. Hơn thế
nữa, trong trường hợp các bộ pháp điển đã được xây dựng ổn định, việc làm luật trong
một lĩnh vực có thể chỉ dừng lại ở việc sửa đổi, bổ sung các bộ pháp điển trong lĩnh vực
đó mà nhất thiết phải chỉnh sửa hay ban hành mới cả một luật hay một bộ luật như hiện nay.9 4. Ý nghĩa
Với những mục đích hướng đến được nói trên, pháp điển hóa đem lại những lợi ích to lớn như sau:
Thứ nhất, tạo lập được một hệ thống pháp luật công khai, minh bạch. Về nguyên
tắc, tất cả các quy phạm pháp luật hiện đang tồn tại trong tập pháp điển là những quy
phạm hiện đang có hiệu lực. Các tập pháp điển này lại được xuất bản thành ấn phẩm, bên
cạnh đó, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các tập pháp điển này được số hóa để đưa
lên mạng internet. Do đó, tất cả các quy định của pháp luật đều được công khai, minh
bạch để người dân cũng như các cơ quan, công chức nhà nước tiếp cận.
9 Nguyễn Phương Thảo & Nguyễn Tuấn Anh (2010), Một số vấn đề chung về Pháp điển hóa, Trang Thông tin Pháp luật Dân sự. 6
Thứ hai, giúp cho cơ quan nhà nước, công chức nhà nước và người dân dễ dàng
tiếp cận, tìm hiểu các quy định của pháp luật để thực hiện. Với việc các quy phạm pháp
luật có liên quan với nhau đang phân tán, rải rác ở nhiều văn bản được đưa vào một tập
pháp điển theo một trật tự logic sẽ góp phần tăng cường khả năng liên kết và tính gần gũi,
dễ hiểu của các quy phạm pháp luật, giúp cho cơ quan, công chức nhà nước cũng như
người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu các quy định của pháp luật để thực hiện. Người dân,
doanh nghiệp không còn phải lo lắng, sợ rằng mình chưa tìm hiểu được hết các quy phạm
pháp luật có liên quan nằm rải rác trong nhiều văn bản, không còn phải lo nghĩ cho rằng,
các quy phạm mà mình vận dụng có thể không còn hiệu lực.
Thứ ba, giúp loại bỏ được những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù
hợp, kịp thời đưa ra những quy định mới để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh, đáp
ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Với việc tập hợp toàn bộ quy phạm pháp
luật trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi một lĩnh vực cụ thể vào
trong một tập pháp điển sẽ dễ dàng phát hiện ra các quy phạm pháp luật mâu thuẫn,
chồng chéo, không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ. Đồng thời, cũng dễ
dàng phát hiện, ra các khiếm khuyết, các lỗ hổng trong hệ thống pháp luật để kịp thời xây
dựng, ban hành các quy phạm pháp luật mới. Với cách làm này sẽ góp phần đẩy nhanh
quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Thứ tư, bảo đảm tính linh hoạt, dễ cập nhật và nhanh chóng thích nghi, phù hợp
với điều kiện hạ tầng xã hội đang biến chuyển liên tục như hiện nay. Sau khi đã xây dựng
thành công các tập pháp điển quy phạm pháp luật theo từng lĩnh vực cụ thể, mỗi khi có
sự thay đổi đối với bất kỳ quy phạm pháp luật nào nằm trong tập pháp điển thì, việc cập
nhật quy phạm đó vào tập pháp điển cũng rất thuận lợi, vì chỉ phải tác động riêng đến quy
phạm có sự thay đổi đó. Trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước đang có nhiều biến
chuyển, việc sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật là một việc làm tất yếu và diễn ra
tương đối thường xuyên. Do đó, với việc các quy phạm pháp luật được pháp điển lại
trong từng tập pháp điển sẽ giúp cho việc sửa đổi, bổ sung chỉ tập trung vào một số quy
phạm pháp luật. Điều này làm cho hoạt động xây dựng pháp luật bớt đi các thủ tục rườm
rà, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý
nhà nước, quản lý xã hội; đồng thời, góp phần giảm tải công việc của các chủ thể có thẩm
quyền xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 7
Thứ năm, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong điều kiện xây dựng Nhà
nước pháp quyền tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách xem xét,
đánh giá về tính thống nhất, tính toàn diện, tính hệ thống của pháp luật Việt Nam; phát
hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, những kẽ hở của pháp luật, trên cơ sở đó, đề xuất
những nội dung cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng các bộ luật đối với những lĩnh vực
đã có tính ổn định cao. Quốc hội, ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ cần thông qua những
luật, pháp lệnh với nội dung đơn giản hơn nhiều vì chỉ nhằm ban hành hay sửa đổi, bô’
sung một hoặc một số quy định cụ thể hoặc có thể thông qua một luật sửa đổi các quy
định của nhiều luật khác nhau. Do đó, tính ổn định của hệ thống pháp luật sẽ ngày càng được nâng cao.
Thứ sáu, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí cho hoạt động xây dựng
pháp luật. Ở nước ta hiện nay, số lượng văn bản quy phạm pháp luật là rất đồ sộ, trong
đó đa số là các văn bản dưới luật, pháp lệnh. Vì nhiều lý do khác nhau mà việc rà soát, hệ
thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật hiệu quả còn tháp. Do đó, việc tiến hành pháp
điển hóa hệ thống quy phạm pháp luật theo quan điểm mới là hết sức cần thiết và đang là
một nhu cầu của xã hội.10 II. THỰC TIỄN
1. Lịch sử hình thành và phát triển công tác pháp điển hóa
- Hoạt động pháp điển hóa cho đến trước năm 1804
Các dự án pháp điển hóa đã phản ánh sự biểu hiện quyền lực, nó tạo nên uy tín cá
nhân cho mỗi vị vua và cho phép duy trì lâu dài sự nghiệp chinh phục các nước. Quan
niệm này đã tồn tại khá lâu trong lịch sử, trải qua các thời kỳ từ Hammourabi đến
Justinien, Louis XIV và cả những vị vua đã được soi rọi dưới ánh sáng triết học của thế
kỷ 18 như Frédéric đại đế (Phổ) hay Vua Joseph II (Áo). Tất cả họ đều tin rằng công việc
này vừa mang lại hạnh phúc cho thần dân vừa mang lại vầng hào quang cho các hoàng tử.
Tại Pháp, trong giai đoạn 1576-1577, thẩm phán B.Brisson là người đã xây dựng
Bộ luật đầu tiên, có tên gọi "Bộ luật Henri III" do hệ thống pháp luật quá lộn xộn trước
đó được ban bố bởi Vua Henri III.
10 Nguyễn Duy Thắng (2023), Pháp điển và những lợi ích đối với hệ thống pháp luật Việt Nam, Cổng Thông tin Điện tử Pháp điển. 8
Sau đó, phải đến khi những sắc lệnh lớn của Colbert được ban hành thì tham vọng
xây dựng bộ luật mới được khôi phục. Sắc lệnh quan trọng ban hành đầu tiên năm 1667
là Sắc lệnh trong lĩnh vực dân sự. Sắc lệnh thứ hai cũng không kém phần quan trọng ban
hành năm 1670 là Sắc lệnh hình sự. Mục đích của Colbert là tiến hành pháp điển hóa.
- Quá trình xây dựng Bộ luật Dân sự 1804 bằng phương pháp pháp điển hóa
Việc xem xét vai trò của Tham Chính trong quá trình xây dựng Bộ luật Dân sự đã
ít được nghiên cứu. Ý tưởng về việc xây dựng một Bộ luật Dân sự đã xuất hiện ngay
trước Cách mạng, đó là ý tưởng về việc thống nhất các tập quán được áp dụng ở miền
Bắc và pháp luật La Mã được áp dụng ở miền Nam. Hiến pháp 1791 cũng quy định "Một
Bộ luật Dân sự có hiệu lực thống nhất trên toàn Vương quốc sẽ được xây dựng. Trong
thời gian này, một số dự án xây dựng Bộ luật cũng được tiến hành với danh nghĩa cá
nhân. Như vậy, Bộ luật Dân sự không phải là thành quả riêng của Tổng tài thứ nhất hay của Hoàng đế Napoléon.
Bộ luật Dân sự Pháp 1804 có hình thức hoàn chỉnh nhất của một Bộ luật. Nó phù
hợp với những đường lối cải cách lớn theo đó trong một tập hợp duy nhất sẽ tập hợp tất
cả các quy định cũ đồng thời bổ sung thêm những quy định mới thể hiện những nguyên
tắc tổ chức của một xã hội mới. Quá trình pháp điển hóa theo hướng đó phải tập trung
được những yếu tố như: sự đứt gãy xã hội, ý chí chính trị, thành tựu kỹ thuật quan trọng,
một tầm nhìn có khả năng tạo ra sự đồng ý của đại bộ phận người dân đối với nội dung
của Bộ luật và đảm bảo tính trường tồn của Bộ luật. Đây là những yếu tố không phải dễ
dàng tập hợp trong lịch sử một dân tộc. Theo Portalis, một Bộ luật để xứng đáng với tên
gọi đó phải đảm bảo hai đặc tính: nó phải vừa có tính thống nhất vừa có tính bao quát. Do
đó, không nên đơn giản hóa một cách tùy tiện mà phải được tiến hành hết sức thận trọng.
Sau thời kỳ Đệ nhất Đế chế, với phong trào phi pháp điển hóa, hoạt động pháp
điển hóa bị chững lại thậm chí là thụt lùi. Tuy nhiên, cũng có một số Bộ luật được ban
hành như Bộ luật Nông thôn, Bộ luật gia đình, Bộ luật an toàn giao thông đường bộ, điều
này đi ngược lại xu hướng chung của giai đoạn đó.
- Pháp điển hóa từ năm 1948 đến năm 1988
Theo quy định của Nghị định ngày 10 tháng 5 năm 1948, Ủy ban pháp điển hóa tối
cao được thành lập. Ủy ban này có nhiệm vụ nghiên cứu hoạt động pháp điển hóa và đơn 9
giản hóa văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc thành lập Ủy ban pháp điển hóa tối
cao là một hoạt động cải cách hành chính hơn là một hoạt động nhằm sắp xếp các quy
định pháp luật. Động lực thúc đẩy công việc pháp điển hóa xuất phát chính từ thực tiễn
hoạt động của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, điều này giải thích mong muốn
làm sao để việc pháp điển hóa được hiệu quả, rõ ràng và chi phí thấp. Từ năm 1948 đến
năm 1988, khoảng 40 Bộ luật đã được hoàn thành như vậy.
- Pháp điển hóa trong giai đoạn hiện nay
Năm 2006, Tham Chính viện đã lựa chọn chủ đề cho các hoạt động của mình là
"An toàn pháp lý và tính phức tạp của pháp luật". Lý do để Tham Chính viện lựa chọn
nội dung này là tình trạng lạm phát văn bản quy phạm pháp luật trong khoảng 20 năm trở
lại đây và tính phức tạp của các văn bản này ngày càng tăng.
Tuy nhiên, vấn đề thực sự đặt ra là khả năng tiếp cận pháp luật của người dân.
Ngay từ năm 1991, Tham Chính viện đã chỉ ra nguy cơ này: "Nếu không cẩn thận trong
tương lai chúng ta sẽ có hai đối tượng người dân: những người có đủ phương tiện để sử
dụng dịch vụ của các chuyên gia phục vụ cho lợi ích của mình và những người hoàn toàn
đứng ngoài mê cung pháp luật, những người bị Nhà nước pháp quyền chối từ". Trước
thực trạng đó, chúng ta cần phải hiểu được các mục tiêu của pháp điển hóa. Trước hết, có
lẽ pháp điển hóa là một trong những giải pháp đơn giản nhất làm cho các quy phạm rõ
ràng hơn, dễ hiểu hơn cho phép mọi người dân, mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận được pháp luật.
Quá trình pháp điển hóa được thực hiện một cách riêng biệt với quá trình cải cách
pháp luật. Nếu cải cách pháp luật có ý nghĩa chính trị thì hoạt động pháp điển hóa có ý
nghĩa kỹ thuật. Pháp điển hóa là công việc, hoạt động của những nhà kỹ thuật lập pháp,
họ thực hiện công việc của mình một cách liên tục và cần các quy định pháp luật có sự ổn
định tối thiểu. Theo đó, Ủy ban có nhiệm vụ xây dựng và trình cho Chính phủ dự thảo
các Bộ luật được xây dựng trên cơ sở những dự thảo Bộ luật được xây dựng theo nguyên
tắc đảm bảo không làm thay đổi nội dung của pháp luật.11
2. Liên hệ hệ thống hóa pháp luật chính thức tại Việt Nam
Những hoạt động pháp điển đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam đã được
tiến hành từ thời Lý với Hình thư năm 1042, nhà Trần với Hình thư năm 1341, đặc biệt
11 Hội thảo khu vực “Pháp điển hóa” (2006), Nhà Pháp luật Việt-Pháp, Viêng Chăn, CHDCND Lào. 10
phát triển ở thời nhà Lê với Quốc triều Hình luật (Bộ luật Hồng Đức) và Hoàng triều luật
lệ (Bộ luật Gia Long) thời nhà Nguyễn. Giai đoạn từ năm 1945 đến nay, quan niệm về
pháp điển ở Việt Nam được hiểu theo hai cách:
Thứ nhất, pháp điển hóa được hiểu là một hoạt động làm luật, kết quả của hoạt
động pháp điển hóa là sự ra đời các đạo luật. Lịch sử lập pháp của nhiều nước cho thấy,
pháp điển theo hướng tạo nên một Bộ luật lớn thường được thực hiện tại thời điểm có sự
chuyển biến lịch sử trong những lĩnh vực có những đường lối cải cách lớn, các nguyên
tắc tổ chức xã hội mới và những chính sách có khả năng tạo được sự đồng thuận xã hội
lớn, đảm bảo cho tính ổn định cho bộ luật. Ở Việt Nam, từ năm 1986, đặc biệt là từ 1992
đến nay, là giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Song, cũng có
không ít các đạo luật được xây dựng, ban hành trên cơ sở kế thừa, phát triển các quy định
của pháp lệnh và pháp điển các quy định dưới luật để trở thành các bộ luật như Bộ luật
Dân sự năm 1995 - văn bản pháp luật quan trọng hàng đầu, là xương sống của hệ thống
pháp luật dân sự - kinh tế trong nền kinh tế thị trường; Và Bộ luật Tố tụng dân sự năm
2004 có thể nói là bước pháp điển quan trọng các quy định pháp luật về tố tụng kinh tế, tố
tụng lao động, tố tụng hôn nhân gia đình, giúp hệ thống hóa một cách khoa học các văn
bản quy phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng dân sự, đem lại hiệu quả cao trong áp
dụng pháp luật tố tụng dân sự tại các cấp toà án.
Thứ hai, pháp điển là việc cho ra đời một bộ tổng tập văn bản quy phạm pháp luật
trên cơ sở tập hợp văn bản, rà soát, sắp xếp các quy phạm hiện hành theo trình tự logic
nhất định. Trong thời gian qua, một số cơ quan nhà nước đã thực hiện một số hoạt động
tập hợp, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật tạo thành các tổng tập văn bản
hoặc cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật nhất định phục vụ thuận lợi cho việc tra
cứu văn bản trong một lĩnh vực cụ thể như: tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ
quan của Quốc hội,… một số cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật nhất định như:
cơ sở dữ liệu luật trên trang thông tin điện tử của Quốc hội (www.vietlaw.gov.vn), Hệ
thống văn bản QPPL trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ (www.chinhphu.vn), Hệ
thống văn bản QPPL của Bộ Tư pháp (www. moj.gov.vn),… Từ khi thống nhất đất nước
đến nay, chúng ta đã hai lần thực hiện tổng rà soát. Lần thứ nhất được thực hiện để xem
xét, nhằm thống nhất nhà nước về mặt pháp luật trong việc áp dụng các văn bản QPPL do
Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đã 11
ban hành trước đó. Thành công lớn nhất của lần tổng rà soát này là công bố được Danh
mục pháp luật hiện hành thi hành thống nhất cho cả nước, gồm 406 văn bản còn hiệu lực.
Song, đến cuộc tổng rà soát thứ hai chưa đạt được kết quả cuối cùng theo mục đích đề ra
do nhiều nguyên nhân khác nhau. Sau đợt tổng rà soát đó, chúng ta cũng triển khai một
số hoạt động rà soát, hệ thống hóa khác như: rà soát, hệ thống hóa nhằm hoàn thiện pháp
luật Việt Nam phù hợp với các điều ước quốc tế để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương
mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, kết quả các đợt rà soát đó mới chỉ đạt ở một mức độ nhất định.12
12 Th.S Phí Thị Thanh Tuyền (2015), Nâng cao hiệu quả hoạt động pháp điển hóa ở Việt Nam, Báo Nghiên cứu Lập pháp. 12 KẾT LUẬN
Pháp luật là sản phẩm của tư duy sáng tạo, vì vậy, việc xây dựng pháp luật không
thể tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm nhất định ngay từ khi mới được ban hành.
Cùng với thời gian, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng nhiều,
khiến chồng xếp về hiệu lực và nội dung. Do đó, việc tập hợp, sắp xếp nhằm phát hiện
những mâu thuẫn, chồng chéo từ đó sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc huỷ bỏ những văn
bản quy phạm pháp luật không còn hiệu lực là một vấn đề rất cần thiết hay chính là thực
hiện hoạt động pháp điển hoá vừa được bàn luận. Mỗi một quốc gia nói chung và Việt
Nam nói riêng, muốn có một hệ thống pháp luật thống nhất, toàn diện và hiện đại đều
phải tiến hành pháp điển hoá như một hoạt động tất yếu cần thiết và quan trọng.
Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng, hệ thống hóa pháp luật nói chung và hệ
thống hóa pháp luật chính thức (pháp điển hóa) nói riêng đã đóng vai trò vô cùng quan
trọng trong việc tạo nên sự hài hòa giữa các quy định, bảo đảm trật tự của bộ pháp điển.
Qua đó, bảo đảm tính linh hoạt, dễ cập nhật và nhanh chóng thích nghi, phù hợp với điều
kiện hạ tầng xã hội đang biến chuyển liên tục như hiện nay.
Qua những vấn đề trên, đã làm sáng tỏ khái niệm chung nhất của pháp điển hóa,
thấy được mục đích hướng đến cũng như ý nghĩa to lớn của việc hệ thống hóa pháp luật
đem lại. Cùng với đó là những nghiên cứu về lịch sử của công tác pháp điển hóa và liên
hệ thực tiễn tới hệ thống hóa pháp luật chính thức tại Việt Nam. 13 TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. TS. Nguyễn Xuân Hưởng (chủ biên), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp
luật, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
2. Từ điển Luật học (1999), NXB Từ điển Bách Khoa.
3. Từ điển Bách khoa Việt Nam (1998), NXB Đà Nẵng.
4. Thái Vĩnh Thắng (2008), Từ điển giải thích thuật ngữ Lý luận nhà nước và pháp luật, NXB Công an Nhân dân.
5. Nguyễn Phương Thảo & Nguyễn Tuấn Anh (2010), Một số vấn đề chung về Pháp điển
hóa, Trang Thông tin Pháp luật Dân sự. (Truy cập ngày 18/01/2024) (Xem chi tiết:
https://phapluatdansu.edu.vn/2010/03/07/20/03/4706/)
6. Nguyễn Duy Thắng (2023), Pháp điển và những lợi ích đối với hệ thống pháp luật Việt
Nam, Cổng Thông tin Điện tử Pháp điển. (Truy cập ngày 19/01/2024) (Xem chi tiết:
https://phapdien.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=7)
7. Hội thảo khu vực “Pháp điển hóa” (2006), Nhà Pháp luật Việt-Pháp, Viêng Chăn, CHDCND Lào.
8. Phí Thị Thanh Tuyền (2015), Nâng cao hiệu quả hoạt động pháp điển hóa ở Việt Nam,
Báo Nghiên cứu Lập pháp. (Truy cập ngày 20/01/2024) (Xem chi tiết:
http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208389)
9. Phí Thị Thanh Tuyền (2017), Luận án Tiến sỹ Luật học, Pháp điển hóa – Nghiên cứu
lý luận, phân tích, so sánh các mô hình pháp điển hóa điển hình trên thế giới và kiến nghị
đối với Việt Nam.
10. Đặng Văn Chiến (Chủ biên) (2016), Pháp điển hóa - Những vấn đề lý luận và thực
tiễn, NXB Chính trị quốc gia.
11. TS Trần Kiên & NCV Phạm Hồ Nam (2020), Pháp điển hóa luật tư: Mô hình và thực
tiễn quốc tế, Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 07 (407). 14