Câu hỏi cuối kỳ môn Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam | Đại Học Hà Nội
Câu hỏi cuối kỳ môn Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam | Đại Học Hà Nội được sưu tầm và soạn thảo dưới dạng file PDF để gửi tới các bạn sinh viên cùng tham khảo, ôn tập đầy đủ kiến thức, chuẩn bị cho các buổi học thật tốt. Mời bạn đọc đón xem!
Preview text:
1. Tính nước trong văn hóa truyền thống Việt:
những biểu hiện của đặc trưng này trong
các thành tố văn hóa Việt Nam
Khám phá vị trí địa chính trị của Việt Nam sẽ thấy một điều rằng:
nước ta tiếp xúc với rất nhiều yếu tố mang tính nước, tính biển. Thật vậy,
Việt Nam nằm gần giữa trung tâm Đông Nam Á, được bao quanh bởi Biển
Đông rộng lớn, với đường bờ biển dài khoảng 3260 km. Hơn thế nữa, Việt
Nam còn là xứ sở của những dòng sông, với số lượng các con sông dài trên
10km lên tới 2360 con sông, trung bình đi dọc cửa biển cứ 20 km thì gặp
một cửa sông. Ngoài ra còn rất nhiều ao, hồ, đầm phá, kênh rạch. . Chính
từ yếu tố vị trí địa lý đó mà tính nước có ảnh hưởng rất sâu sắc trong văn
hoá truyền thống của người Việt. Tính nước ấy còn được thể hiện rất rõ
ràng thông qua cả văn hoá vật chất lẫn văn hoá tinh thần.
Đầu tiên, tính nước thể hiện trong văn hoá vật chất của người Việt,
điển hình như việc ăn, ở, mặc, đi lại… Bàn về việc ăn uống của người Việt,
yếu tố nước (thức ăn có nguồn gốc từ nước) là yếu tố chính tạo nên một
bữa ăn. Trong một bữa ăn sẽ gồm có 3 yếu tố: cơm, rau, và cá. Trong yếu
tố về cá thì yếu tố thuỷ sản vẫn nhiều hơn hải sản. Bởi Việt Nam là xứ sở
sông nước, quanh ta đều là sông ngòi, ao hồ cho nên việc nuôi trồng thuỷ
sản rất thuận lợi; từ đó, đây cũng là nơi cung cấp nguồn thực phẩm chủ
yếu cho bữa ăn. Ngoài ra, ta cũng có thể thấy rằng tính nước trong bữa ăn
của người Việt còn thể hiện qua bát nước mắm. Trong một mâm cơm, bát
nước mắm tượng trưng cho sự đoàn tụ của gia đình vì cả nhà sẽ cùng chấm
chung một bát nước mắm ấy, đồng thời nước mắm có nguồn gốc từ cá, tức
là cũng có tính nước ở trong đó. Bên cạnh đó, tính nước cũng thể hiện rõ
trong việc xây dựng nhà ở của người Việt. Người Việt lênh đênh trên sông
nước đã trở thành thói quen vì thế khi lên đất liền sống định cư, ta đã quen
đặt tên cho nhiều bộ phận của ngôi nhà mang yếu tố nước như: ngói vảy
cá, mái cong, nhà thuyền, nhà bè. Người Việt đặt tên cho nhiều bộ phận gỗ
theo tên các bộ phận của con thuyền như: tàu mái, mũi tàu, dạ tàu, then
tàu, câu tàu, bệ tàu. . Sở dĩ được gọi như vậy vì người Việt rất gắn bó với
sông nước, thậm chí là sống trên sông nước, kiếm sống trên sông nước. Mà
để di chuyển trong sông nước thì chỉ có thể dùng thuyền, vì thế mà người
Việt coi tàu thuyền như chính ngôi nhà của mình, cho nên khi vào đất liền
sống định cư, họ vẫn sử dụng những tên gọi có nguồn gốc từ các bộ phận
của tàu thuyền để gọi. Không chỉ thế, có một yếu tố mà tính nước thể hiện
rất rõ trong văn hoá Việt Nam – đó là giao thông đi lại. Việt Nam với dạng
địa hình sông ngòi dày đặc và giáp biển nên dĩ nhiên người Việt rất giỏi đi
lại trên đường thuỷ. Vì thế đường thuỷ phát triển rất mạnh. Điều đó thể
hiện ở việc: phương tiện đi lại phong phú; người Việt giỏi đi trên sông
nước, giỏi bắc cầu, giỏi thuỷ chiến (thông qua chiến thắng Bạch Đằng năm
938 của Ngô Quyền), vẽ mắt cho thuyền; quan hệ giao thương diễn ra nơi
bến sông; đô thị hầu hết là những cảng ven sông, ven biển ( Hải Phòng, Đà
Nẵng. .). Hơn thế nữa, thói quen đi lại trên sông nước cũng ảnh hưởng tới
thói quen đi lại trên đường bộ ngày nay của người Việt. Ta có thể thấy việc
di chuyển trên sông nước phải thật nhanh nhẹn, không có sự phân chia
thành từng làn, vì thế mà đi một cách tự do. Từ đó, người Việt đã áp dụng
nó vào thói quen giao thông trên đường bộ. Người Việt tham gia giao thông
đường bộ nhưng giữ thói quen của đường thuỷ, đi rất tự do và không theo
bất cứ một làn đường nào, sự phân chia làn đường dường như chỉ mang
tính tương đối, cứ hễ chỗ nào trống là đi. Như vậy, ta có thể thấy tính nước
thể hiện rất rõ trong văn hoá vật chất của người Việt ta, thể hiện rõ nhất
qua việc ăn uống, nhà ở và giao thông đi lại. Điều đó cũng cho thấy tính
nước đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống và văn hoá của người Việt.
Không chỉ văn hoá vật chất, mà ngay trong văn hoá tinh thần của người
Việt, tính nước cũng được thể hiện rất rõ ràng thông qua các tín ngưỡng,
phong tục. . Về tín ngưỡng, người Việt có tín ngưỡng thờ nước, thờ các loài
sống vùng sông nước. Có thể kể đến như Lễ hội Nghinh Ông (Cần Giờ), đây
là lễ hội cầu ngư lớn nhất vùng Đông Nam Bộ, thể hiện tấm lòng thành
kính, nhớ ơn cá Ông và mong cầu cho nghề đi biển của ngư dân huyện Cần
Giờ được thuận lợi. Ngoài ra, cũng có thể nhắc tới lễ hội Chèo bơi Quan
Lạn (Hạ Long) với ý nghĩa kỷ niệm chiến thắng của tướng Trần Khánh Dư
và cầu cho mưa thuận gió hoà, biến cả yên bình để ngư dân thuận lợi ra
khơi. Thêm vào đó, tính nước cũng thể hiện rõ trong phong tục tập quán.
Điều này thể hiện rõ trong phong tục lấy nước đầu năm của dân tộc Tày,
Nùng. Trong dịp đầu xuân năm mới, người Kinh thường hay đi chùa cầu tài
lộc cho gia đình, người thân để lấy may. Còn đối với dân tộc Tày, Nùng thì
họ lại có phong tục hất sức thú vị là lấy nước đầu năm. Bởi họ quan niệm
rằng: nước là sự sống, giúp vạn vật sinh sôi nảy ở. Vì thể để có một năm
mới an khang, sung túc họ sẽ đi lấy nước mới để ở trong nhà. Ngoài ra, tính
nước trong tâm lý người Việt cũng được thể hiện. Đó là sự linh hoạt, mềm
mại như nước - chữ dùng của GS. Cao Xuân Huy. Ngay cả trong những
thành ngữ, tục ngữ, ca dao nghệ thuật, ta cũng bắt gặp tính nước trong đó.
Có thể kể đến như câu: ‘nước đổ đầu vịt’, hay ‘nước tới chân mới nhảy’ đều
chứa ‘nước’ trong đó. Còn về nghệ thuật, đất nước ta có những điệu chèo,
tuồng, múa rối nước, hò, lí,. . và truyền thống mang đậm tính nước bên trong nó.
Như vậy có thể thấy rằng, từ vị trí địa lý đặc biệt là giáp biển và có
một hệ thống sông ngòi dày đặc, tính nước đã ảnh hưởng rất lớn tới văn
hoá truyền thống của người Việt, từ văn hoá vật chất qua việc ăn uống, nhà
ở, giao thông. . cho tới văn hoá tinh thần qua các tín ngưỡng, phong tục.
Tính nước là một trong hai yếu tố quan trọng để tạo nên văn hoá Việt
Nam, đồng thời nó cũng là một nét riêng biệt để khu biệt văn hoá Việt
Nam với văn hoá của các dân tộc khác.
2. Văn hóa Champa: tôn giáo, kiến trúc, ảnh
hưởng của văn hóa Ấn Độ: Bà La Môn, Phật
giáo, kiến trúc Tháp… có đặc điểm gì
Trong bức tranh đa sắc màu của nền văn hoá truyền thống Việt Nam,
thật là một thiếu sót lớn nếu không nhắc tới văn hoá Chămpa. Nền văn hoá
này được hình thành trên nền tảng của văn hoá Sa Huỳnh, có nguồn gốc từ
Vương quốc Chăm pa (tồn tại từ thế kỉ thứ II cho tới năm 1471) ở vùng Nam
Trung Bộ nước ta ngày nay. Sau khi Vương quốc Chăm pa trở thành một
phần lãnh thổ của ta, thì dân tộc Chăm cũng trở thành một thành viên của
đại gia đình 54 dân tộc anh em. Từ đó, văn hoá Chăm pa trở thành một
phần quan trọng trong cái tổng thể là văn hoá Việt Nam. Văn hóa Chămpa
là một trong số ít những văn hoá giữ được nét truyền thống và đặc trưng
cho tới tận ngày nay. Nét đặc trưng của văn hoá Chăm pa được thể hiện
qua rất nhiều mặt, nhưng trong số đó tiêu biển nhất là qua tôn giáo và kiến
trúc, bên cạnh đó ta còn thấy được sự ảnh hưởng đậm nét của văn hoá Ấn
Độ tới nền văn hoá này.
Thứ nhất, ta thấy tôn giáo là một đặc trưng tiêu biểu nhất của văn hoá
Chăm pa. Tôn giáo của người Chăm có ảnh hưởng rất lớn từ văn hoá Ấn
Độ. Giống như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, Chăm pa không có sự kỳ
thị tôn giáo, mà ngược lại bao trùm lên toàn bộ lên lịch sử chăm pa là các
tôn giáo và các giáo phái Ấn Độ. Người dân Chăm pa tiếp nhận tất cả: đức
hiếu sinh, từ bi của Phật giáo, tình thương của Visnu giáo, và cả tính hung
hăng, quyền lực của Siva giáo. Tính chất Siva giáo là đặc trưng trong đời
sống tôn giáo của người Chăm. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, những
yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của Ấn Độ chỉ là cái vỏ bề ngoài, còn thực chất
bên trong đã được biến đổi để phù hợp với đời sống, trong đó chủ yếu là
thờ cúng tổ tiên và thờ Mẹ của người Chăm. Hơn thế nữa, để tìm hiểu rõ
hơn về tôn giáo của Chăm pa, ta không thể không nhắc tới đạo Bà La Môn
- một ảnh hưởng rõ nét nhất của văn hoá Ấn Độ tới văn hoá Chăm pa. Đạo
Bà La Môn du nhập vào Chăm pa khá sớm, vào khoảng thế kỉ thứ 2,3 và tồn
tại cho tới ngày nay. Về con đường truyền đạo thì theo hai con đường
chính là đường bộ và đường biển. Sau khi tiếp nhận, người Chăm đã lọc hết
những tinh túy của đạo Bà La Môn để xây dựng nên đạo Bà Chăm - đây
chính là một trong hai phái hệ của Agam Chăm, chính là tôn giáo chính của người Chăm hiện nay.
Thứ hai, để nói về văn hoá của người Chăm, ta không thể không nhắc
tới những kiến trúc đặc sắc của họ, mà tiêu biểu là kiến trúc đền tháp. Dù
khác nhau về thời gian xây dựng, song những kiến trúc đền tháp đều có
những đặc điểm chung thống nhất. Vì tiếp nhận ảnh hưởng sâu sắc từ văn
hoá Ấn Độ nên kiến trúc đền tháp Chăm cũng có sự tiếp nhận như thế.
Tháp thường được xây trên đồi gò cao theo biểu tượng của núi Meru theo
tôn giáo Ấn Độ. Một công trình tháp gồm 3 phần: đế, thân, mái. Xung
quanh có bốn cánh cửa dẫn vào tháp, tuy nhiên chỉ có thể vào bằng cảnh
phía Đông, còn 3 cánh cửa kia chỉ mang tính hình thức. Mái tháp gồm 3
tầng, xây theo cấu trúc vươn lên cao, mỗi tầng là hình ảnh thu nhỏ của
tháp. Lòng tháp hình vuông, phần trên được xây theo hình vòm cuốn đều.
Mặt lòng tháp không rộng lắm, đủ để đặt một bộ linga-yoni. Xung quanh
bệ thờ là lối đi cho người hành hương. Xung quanh tháp chính còn rất
nhiều tháp phụ bên cạnh thờ các vị thần Ấn Độ. Tháp Chăm chủ yếu xây
bằng gạch, được trang trí tinh tế, sắc sảo thể hiện sự hòa quyện giữa vẻ
đẹp kiến trúc và tôn giáo. Nền điêu khắc Chăm nổi tiếng với phù điêu và
tượng tròn. Trong đó, phù điêu được chạm khắc trực tiếp nên gạch tháp,
nghệ thuật này người chăm đã đạt tới đỉnh cao.
Ngoài tôn giáo và kiến trúc là hai mặt tiêu biểu cho văn hoá Chăm pa
có sự ảnh hưởng rất lớn từ văn hoá Ấn Độ thì vẫn còn một số lĩnh vực văn
hoá khác cũng có dấu ấn của văn hoá Ấn Độ rất đậm nét như lịch pháp,
chữ viết. Về lịch pháp, từ xưa người chăm đã biết sử dụng lịch. Có một hệ
thống lịch pháp của ấn độ đã du nhập vào chăm và được sử dụng cho tới
tận hôm nay. Theo lịch này, ngày âm là ngày cơ bản, một tháng chia làm
hai tuần, một năm có 12 tháng âm, 6 mùa. Về chữ viết, người chăm đã sớm
tiếp thu hệ thống chữ Phạn cổ của Ấn độ để tự sáng tạo ra chữ viết của
riêng mình là chữ Chăm cổ. Chữ này thường được sử dụng để ghi chép và
lưu truyền thông tin. Như vậy, ngoài chữ phạn cổ, chữ chăm cổ vẫn luôn
được sử dụng và lưu truyền.
3. Bối cảnh và một số thành tựu của văn hoá Lý – Trần:
Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm văn hiến với nhiều triều đại xây
dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Từ khi xuất hiện nhà nước Văn Lang
của Hùng Vương cho tới tận ngày nay, trải qua hàng ngàn năm lịch sử,
cùng với dòng chảy của thời gian là sự bồi đắp và xây dựng nên nền văn
hoá truyền thống, đậm đà bản sắc của người Việt. Trong hàng ngàn năm
ấy, không thể không nhắc tới thời kỳ Lý – Trần, thời kỳ mà văn hoá Việt
Nam được cho là bước vào quá trình phục hưng lần thứ nhất, phát triển
rực rỡ, hưng thịnh nhất, để lại nhiều giá trị tốt đẹp cho tới tận hôm nay.
Đầu tiên, nói về thời Lý – Trần ta cần phải hiểu rõ bối cảnh lịch sử.
Thời Lý – Trần kéo dài từ năm 1009 – 1400, trong đó năm 1225 là thời điểm
chuyển giao quyền lực giữa hai tập đoàn phong kiến nhà Lý và nhà Trần.
Đây là giai đoạn đất nước ta bước vào quá trình độc lập tự chủ, xây dựng và
thống nhất đất nước, thống nhất cộng đồng. Đồng thời đây cũng là thời kì
khoan giản, nhân dân an lạc, nhân thứ, nhân từ, rộng mở và dân chủ. Mặc
dù thế nhưng ta vẫn không thể nào tránh khỏi nguy cơ bị thôn tính bởi
nước láng giềng Trung Quốc với rất nhiều cuộc chiến tranh xâm lược nổ
ra. Tuy nhiên nhân dân và triều đình cũng chống trả quyết liệt, giữ vững ý
chí bảo vệ đất nước với rất nhiều cuộc kháng chiến như kháng chiến chống
Tống thời Lý, 3 lần kháng chiến chống quân Mông – Nguyên thời Trần. .
Trong một hoàn cảnh lịch sử như thế, mặc dù vẫn phải đối mặt với chiến
tranh của ngoại quốc, nhân dân ta vẫn một lòng bảo vệ đất nước, đứng lên
quyết liệt chống trả mọi kẻ thù. Cũng chính từ ấy mà nối dài thêm thời
gian tự chủ của đất nước ta. Đó chính là điều kiện thuận lợi để ta có thể gìn
giữ và phát triển nền văn hoá dân tộc, hơn thế nữa còn là đưa nền văn hoá
vào quá trình phục hưng lần thứ nhất.
Thời kỳ Lý – Trần là một giai đoạn được sử sách ghi chép lại với rất
nhiều thành tựu văn hoá đặc sắc, tiêu biểu cho nền văn hoá truyền thống của người Việt:
Thứ nhất là về văn hoá vật chất. Về kinh tế, ở thời kì này, kinh tế nước
ta chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Thủ công nghiệp dần đa dạng ngành
nghề, hình thành các làng nghề chuyên môn hoá vào thời Trần. Thương
nghiệp với hai mặt nội thương và ngoại thương cũng từng bước phát triển.
Về mặt kiến trúc, đây là mảng mà thời kỳ Lý – Trần đạt được rất nhiều
thành tựu rực rỡ với rất nhiều công trình. Phong cách kiến trúc trong thời
kì này được thể hiện theo tiêu chí gọn đẹp, hài hoà và cân xứng. Các công
trình tiêu biểu cho thời kì này có thể kể đến như : Thành Thăng Long, An
Nam Tứ đại khí. . Với thành Thăng Long, đây là công trình tiêu biểu của
thời nhà Lý, đánh dấu sự kiện Lý Công Uẩn ban chiếu dời đô về Đại La.
Thành được xây với mô hình Tam trùng thành quách. Cụ thể là vòng thành
trong là nơi ở của vua, gọi là Cấm thành. Vòng thành giữa là nơi nhà vua và
triều đình làm việc, gọi là Hoàng thành. Vòng thành ngoài là nơi ở của quan
lại và anh em gia đình nhà vua, gọi là Đại La thành. Ngoài ra, thành Thăng
Long xưa còn có 61 phường tập hợp của các thợ thủ công. Bên cạnh đó,
một trong những thành tựu rực rỡ không kém thành Thăng Long, đó là An
Nam Tứ đại khí. An Nam Tứ đại khí có thể được hiểu như bốn công trình
nghệ thuật bằng đồng ở thời Lý – Trần. Các công trình đó bao gồm: Tượng
Phật chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh), tháp Báo Thiên (Hà Nội),
Chuông Quy Điền (Chùa Một Cột, Hà Nội), Vạc Phổ Minh (chùa Phổ Minh,
Nam Định). Mặc dù đây đều là những quốc bảo của nước ta, song khi nhà
Minh sang xâm lược, tứ đại khí đều bị cướp mất hoặc phá hủy để lấy đồng
đúc vũ khí và nhằm làm mất một phần nguyên khí của người Việt. Tuy
nhiên điều đó vẫn không thể phủ nhận được việc rằng, các công trình kiến
trúc trong thời Lý – Trần vẫn luôn là thành tựu tiêu biểu của nền văn hoá Việt.
Thứ hai là về văn hoá tinh thần. Đời sống tinh thần trong thời kì này
cũng có rất nhiều thay đổi, có các tư tưởng, chính sách tiến bộ. Về mặt tư
tưởng, thời kì này có đặc trưng tiêu biểu là “tam giáo đồng quy” nghĩa là sự
dung hợp giữa Phật – Nho – Đạo giáo. Ngoài ra, tư tưởng phổ biến trong
thời kì này còn được nhắc tới tư tưởng khai phóng đa nguyên phối hợp
Phật, Nho, Đạo giáo với tín ngưỡng dân gian. Về tôn giáo, đây là thời kì
phát triển rực rỡ nhất của Phật giáo dưới thời các vua Lý Thái Tổ, Lý Thái
Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông. ., thậm chí trong thời kì này Phật
giáo đã phát triển mạnh mẽ trở thành quốc giáo của cả nước, tác động tới
tâm lý, tư tưởng, phong tục, nếp sống của nhân dân. Còn nhắc tới Nho
giáo, ở thời kì này Nho giáo dần được tiếp nhận, tuy nhiên vẫn chưa phổ
biến rộng rãi và được hưởng ứng như Phật Giáo. Về lĩnh vực văn học, đã
hình thành văn hoá bác học thể hiện qua việc hình thành các tầng lớp tri
thức, văn học chữ viết xuất hiện với cả chữ Hán và chữ Nôm. Về chế độ
khoa cử, nhà Lý đã cho xây dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử và thầy giáo Chu
Văn An năm 1070, mở khoa thi đầu tiên năm 1075, xây dựng quốc Tử Giám
– trường Đại học đầu tiên của nước ta vào năm 1076, nhà Trần đặt danh
hiệu Tam khôi năm 1247. Thêm vào đó, cùng với văn học, các ngành nghệ
thuật như ca, múa, chèo. . cũng ra đời và phát triển. Như vậy, ta thấy về
văn hoá tinh thần ở thời Lý – Trần cũng có nhiều thành tựu nổi bật, đồng
thời cũng đem lại nhiều giá trị tinh thần đáng quý.
Tìm hiểu về văn hoá thời Lý – Trần, ta đã nhận thấy rằng đây là thời kỳ
mà đất nước bước vào giai đoạn tự chủ, phát triển rực rỡ các về văn hoá
tinh thần và văn hoá vật chất, nói cách khác đây là giai đoạn này còn được
gọi là giai đoạn phục hưng văn hoá lần thứ nhất. Trong thời kì này ta đã
phục hưng được các giá trị văn hoá bản địa Đông Nam Á. Bởi trong giai
đoạn trước, ta đã phải trải qua nghìn năm Bắc thuộc, thời kì mà dân tộc ta
chịu sự đồng hóa, Hán hóa của Trung Quốc, nhiều các di sản, công trình
kiến trúc bị phá hủy nghiêm trọng. Sau chiến thắng của Ngô Quyền năm
938 trên sông Bạch Đằng đã mở ra một thời kỳ đất nước bước vào giai
đoạn tự chủ. Bắt đầu từ đây ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển
văn hoá và phục hưng lại các giá trị văn hoá truyền thống. Đặc biệt là thời
Lý – Trần, quá trình phục hưng ấy càng diễn ra một cách mạnh mẽ hơn
bao giờ hết bởi sự ra đời của rất nhiều thành tựu rực rỡ cả về vật chất và
tinh thần, cùng với đó là bối cảnh lịch sử đất nước tự chủ.
Như vậy, thông qua việc tìm hiểu về bối cảnh lịch sử, thành tựu văn hoá
thời Lý – Trần, ta đã phần nào thấy được một cái nhìn tổng quát về thời kì
này. Đồng thời thông qua đó, ta cũng đưa ra được một đánh giá rằng: thời
Lý – Trần là thời kì phục hưng văn hoá lần một, phục hưng các giá trị văn
hoá Đông Nam Á bản địa. Xuyên suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, nền văn
hoá truyền thống vẫn luôn được bồi đắp thêm bởi các giá trị tốt đẹp. Đó
cũng chính là nhiệm vụ của thế hệ người Việt chúng ta hôm nay, phải góp
phần vào việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Có như vậy, văn
hoá Việt Nam mới giữ được nét riêng, là nền văn hoá hoà nhập nhưng không hoà tan.
4.Tín ngưỡng của người Việt:
Việt Nam là một cộng đồng gồm nhiều dân tộc sinh sống. Cũng
chính bởi vậy, mà đời sống tâm linh của người Việt rất đa dạng và phong
phú. Ngoài sự tồn tại của các tôn giáo phổ biến như Phật giáo, Đạo giáo,
Thiên chúa giáo.. thì ở Việt Nam phần lớn người dân vẫn duy trì các tín
ngưỡng dân gian như tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng sùng bái con
người, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng. . Tín ngưỡng có một vai trò vô
cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Nó tác động
tới tư tưởng, tâm lý, phong tục và nếp sống hàng ngày của nhân dân. Vì
thế, tín ngưỡng của người Việt đã trở thành một phần không thể thiếu
trong đời sống và là một nét văn hoá đặc trưng của dân tộc.
Nghiên cứu về tín ngưỡng của người Việt, tác giả Đào Duy Anh đã
đưa ra khái niệm tín ngưỡng là: “lòng ngưỡng mộ mê tín với một tôn giáo
hoặc một chủ nghĩa” (Từ điển Hán – Việt, tr 283). Trong “Từ điển tôn giáo”
thì lại viết rằng: “Tín ngưỡng là lòng tin và ngưỡng mộ, ngưỡng vọng vào
một lực lượng siêu nhiên, thần bí” (tr634). Còn theo Luật tín ngưỡng, tôn
giáo năm 2016 thì: “ Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện
thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để
mang lại sự bình yên về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng”. Mặc dù tín
ngưỡng được khái niệm theo rất nhiều hướng khác nhau, song tựu chung
lại ta thấy bản chất của tín ngưỡng vẫn là sự thiêng hóa một điều gì đó để
đem lại cảm giác an tâm cho con người về mặt tinh thần.
Tín ngưỡng của người Việt là một sản phẩm văn hoá được hình thành
trong mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên – xã hội và với
chính bản thân mình. Không một ai có thể giải thích được nguồn gốc xuất
hiện của tín ngưỡng, bởi nó được hình thành trong một thời gian dài của
lịch sử. Trong các tín ngưỡng dân gian của người Việt thì nổi bật, phổ biến
nhất là ba tín ngưỡng sau: tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng sùng bái con
người, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng:
Thứ nhất, ta nói về tín ngưỡng phồn thực. Tín ngưỡng phồn thực là
sự sùng bái, thiêng hoá sự sinh sản. Biểu hiện của tín ngưỡng này là ở tục
thờ biểu tượng sinh thực khí và tục thờ hành vi giao phối. Trong đời sống
ta cũng có thể thấy nhiều lễ hội dân gian thể hiện được tín ngưỡng này. Có
thể kể đến như lễ hội Linh Tinh Tình Phộc ở Phú Thọ diễn ra vào ngày 11, 12
tháng Giêng, được xem như là thể hiện tín ngưỡng phồn thực cổ của người
Việt. Người tham gia lễ hội gồm có hai nhân vật chính là một nam mặc khố,
tay cầm nọ - tượng trưng cho sinh thực khí nam, một nữ mặc váy đen cầm
nường – tượng trưng cho sinh thực khí nữ. Sau khi chủ tế hô “linh tinh tình
phộc”, cả hai người sẽ làm thao tác tượng trưng cho quá trình giao phối.
Nếu ba lần đâm trúng thì mùa màng tươi tốt, hai lần thì được mùa, một lần
thì làm ăn kém. . Tín ngưỡng phồn thực là một tín ngưỡng lâu đời của dân
tộc Việt. Tín ngưỡng ấy mang ý nghĩa đề cao sự sinh sản, thể hiện ước
vọng, niềm cầu mong về sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật. Đây là
một tín ngưỡng tốt đẹp, vì thế mà nó vẫn còn tồn tại cho tới tận hôm nay.
Thứ hai, ta nói về tín ngưỡng sùng bái con người. Tín ngưỡng này có
nguồn gốc từ quan niệm về Hồn – Vía - Thể xác và truyền thống uống
nước nhớ nguồn, đề cao đạo hiếu của dân tộc ta. Biểu hiện của tín ngưỡng
sùng bái con người ta có thể thấy rõ nhất thông qua tục thờ cúng tổ tiên,
thờ người có công với làng xã, danh nhân, anh hùng và tục thờ vua tổ.
Hàng năm, cứ tới ngày mùng 10 tháng 3 Âm Lịch, người dân cả nước lại nô
nức kéo về Đền Hùng (Phú Thọ) để giỗ tổ Hùng Vương. Dân gian thường có
câu: “ Dù ai đi ngược về xuôi / Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba”. Đây
là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, thể hiện đạo lí uống nước
nhớ nguồn, thờ cúng vua Hùng để tưởng nhớ công lao đã xây dựng nên đất
nước. Ngoài ra, các vị anh hùng dân tộc, những người có công lao lớn với
đất nước cũng được nhân dân lập đền thờ như một cách để tưởng nhớ và
thể hiện tấm lòng biết ơn như đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà
Nội), đền thờ Lý Thường Kiệt (huyện Yên Phong, Bắc Ninh). . Tín ngưỡng
sùng bái con người cũng không ở đâu quá xa xôi, mà ngay trong chính gia
đình mỗi người thông qua việc thờ cúng ông bà tổ tiên, mong ông bà tổ
tiên sẽ bảo vệ và phù hộ những điều tốt lành cho gia đình. Tín ngưỡng
sùng bái con người cũng là một trong những tín ngưỡng tốt đẹp của người
Việt, thể hiện được tấm lòng uống nước nhớ nguồn, tấm lòng biết ơn, đề
cao đạo hiếu sâu sắc. Đây là một trong những tín ngưỡng đặc sắc nhất của
văn hoá Việt vì thế cần được khuyến khích những yếu tố tích cực để bồi
dưỡng tình cảm trong sáng, lành mạnh của con người.
Thứ ba, ta cũng không thể không nhắc tới tín ngưỡng thờ Thành
Hoàng làng. “Thành” có nghĩa là thành trì, “Hoàng” có nghĩa là hào, “Thành
hoàng” có ý nghĩa chỉ người bảo vệ cho ngôi thành. Đây là tín ngưỡng được
du nhập vào Việt Nam ta từ Trung Quốc vào thời nhà Đường. Tuy nhiên,
khi vào tới Việt Nam, tín ngưỡng trên đã có sự thay đổi để phù hợp với văn
hoá của người Việt. Với Thành hoàng của Trung Quốc là đại diện của giai
cấp cầm quyền, bảo vệ quyền lực cho nhà vua. Còn với Thành hoàng ở Việt
Nam, đó là những người đứng về phía nhân dân, chăm lo cho cuộc sống
của nhân dân. Thành hoàng ở Việt Nam gồm có Đô thành hoàng và Thành
hoàng làng, trong đó Thành hoàng làng là vị thần bảo vệ cho một ngôi
làng, được nhân dân thờ ở đình làng. Các cấp bậc của thành hoàng làng
cũng có sự phân chia khác nhau. Dựa vào nguồn gốc mà có thể chia thành:
thiên thần, nhiên thần, nhân thần. Trong nhân thần lại chia thành: chính
thần và tà thần, dâm thần. Trong chính thần, dựa vào công trạng mà có thể
chưa thành: thượng đẳng thần, trung đẳng thần, hạ đẳng thần. Trong cuộc
sống ngày nay, ta vẫn thấy tín ngưỡng thờ thành hoàng làng hiện hữu rất
rõ qua nhiều lễ hội như: lễ hội Đống Đa (Bình Định) để tưởng nhớ công lao
của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, lễ hội Rước Pháo tại làng Đồng Kỵ
(nay là phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) để tưởng nhớ công
đức Thượng đẳng Thành hoàng là danh tướng Thiên Cương thời vua Hùng.
Ngoài ra, cũng có nhiều làng còn thờ những vị thành hoàng làng kì dị như
thần ăn trộm (làng Lộng Khê, Thái Bình), thần gắp phân (làng Cổ Nhuế -
Hà Nội). . Dù trải qua nhiều biến đổi của thời gian, song tín ngưỡng thờ
Thành Hoàng làng vẫn luôn giữ được giá trị cốt lõi. Tín ngưỡng này có vai
trò gắn kết mọi người trong cộng đồng làng xã, giúp duy trì và bảo tồn
nhiều giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Thêm vào đó, còn giáo dục
lòng yêu nước, hướng con người vào những điều tốt đẹp, sống có nhân
nghĩa. Đó đều là những giá trị truyền thống quý báu mà dân tộc ta vẫn
luôn giữ gìn và phát huy từ xưa tới nay.
Như vậy, thông qua việc tìm hiểu về tín ngưỡng của người Việt Nam,
ta đã có một cái nhìn khái quát hơn về khái niệm, ý nghĩa và các tín ngưỡng
tiêu biểu của người Việt. Tín ngưỡng chính là vẻ đẹp của tâm hồn, là tiếng
nói của đời sống tinh thần. Trong đời sống không chỉ tồn tại mỗi tín
ngưỡng, mà còn có cả những điều mê tín dị đoan nhưng lại mang vỏ bọc
của những tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp. Chính vì thế, nhiệm vụ của
chúng ta là phải nhận thức rõ những điều đó, phải biết phân biệt phải trái,
đúng sai để bảo vệ sự trong sáng, tốt đẹp của tín ngưỡng Việt.
5.Tổ chức làng xã truyền thống của người Việt:
“Nước là họp các làng mà thành. Từ làng mà đến nước, dạy dân nên
tục, vương chính lấy làng làm trước” – Trích Chiếu của vua Gia Long năm
1804. Quả thật, xuyên suốt chiều dài lịch sử, làng vẫn luôn có một vị trí
quan trọng trong lòng mỗi người dân Việt nói chung và sự phát triển của
đất nước nói riêng. Nhắc tới làng xã Việt thì người ta sẽ hình dung ngay tới
làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Lãng xã đã đi vào tiềm thức của người Việt
với những giá trị vật chất và tinh thần rất gần gũi, thân thương. Càng tìm
hiểu về làng xã Việt ta lại càng trân trọng những giá trị tốt đẹp mà nó mang lại.
Trước tiên, đến với khái niệm về làng, ta có thể hiểu làng là tổ chức
quần cư của một cộng đồng người có liên kết với nhau về huyết thống, lịch
sử cư trú hoặc phương thức kinh tế, nằm tại khu vực hiện nay là vùng sản
xuất nông thôn hoặc từng là vùng sản xuất nông thôn. Nguyên tắc tổ chức
của làng chủ yếu theo hai nguyên tắc chính là cùng huyết thống và cùng
địa vực. Kết cấu kinh tế của làng xã Việt thường theo hướng tự cấp tự túc,
hoạt động kinh tế chủ yếu sẽ là nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, làng chài…
Thứ hai, về nguyên lí hình thành nên làng xã truyền thống Việt Nam
chủ yếu gồm hai nguyên lí chính sau: theo huyết thống và theo địa vực. Nói
về nguyên lí hình thành theo huyết thống, làng là nơi ở của các dòng họ,
cùng chung mối quan hệ di truyền. Tên làng thường được đặt theo tên họ,
ví dụ như người trong làng mang họ Lê thì tên làng sẽ là Lê Xá. Hình thành
theo nguyên lí huyết thống sẽ đảm bảo được tính đoàn kết, tôn ti, trật tự.
Tuy nhiên, lại gây ra tính gia trưởng, bảo thủ và đóng kín. Về nguyên lí hình
thành theo địa vực, đây là nguyên lí chiếm ưu thế hơn. Nguyên lí này đề
cao quan hệ láng giềng. Tên làng sẽ gồm hai tên: tên Nôm và tên chữ.
Ngoài ra, phân biệt rất rạch ròi giữa dân chính cư và dân ngụ cư. Hình
thành theo địa vực sẽ xây dựng nên tính cộng đồng, bình đẳng nhưng đồng
thời cũng gây ra nhiều thói hư tật xấu như: đố kỵ, cạnh tranh, tính cào bằng, ỷ lại.
Thứ ba, để nói về làng một cách rõ nét hơn, ta không thể không nhắc
tới những đặc trưng của làng. Đầu tiên, làng có đặc trưng là tính cố kết
cộng đồng bền chặt. Đặc trưng ấy thể hiện ở các quan hệ xã hội, các thiết
chế xã hội trong làng như: dòng họ, phường, giáp, hội. Biểu tượng của đặc
trưng này là cây đa, giếng nước, sân đình. Bởi cây đa là nơi mọi người ngồi
nghỉ mát sau những giờ làm việc vất vả, là nơi nghỉ chân của du khách, vì
thế cây đa là nơi giao lưu giữa làng với thế giới bên ngoài. Cùng với hình
ảnh cây đa là hình ảnh giếng nước. Giếng nước chính là nơi chia sẻ, giao
lưu của các bà, các mẹ, các chị trong làng trong khi vo gạo, rửa rau. . Nếu
như giếng nước là nơi giao lưu của phụ nữ trong làng, thì sân đình chính là
nơi dành cho cánh đàn ông. Sân đình là trung tâm hành chính, văn hoá của
làng nên tất cả mọi hoạt động sẽ được diễn ra ở đây. Tính cố kết cộng
đồng bền chặt giúp tăng tình đoàn kết và ý thức tập thể. Nhưng bên cạnh
đó, đặc trưng này cũng gây ra tình trạng dựa dẫm, ỷ lại, cào bằng, đố kỵ,
triệt tiêu ý thức cá nhân. Ngoài tính cố kết cộng đồng bền chặt, làng còn
có một đặc trưng tiêu biểu khác là tính tự trị. Tính tự trị thể hiện qua 4
mặt là kinh tế, chính trị và tư pháp, an ninh, văn hoá tinh thần. Biểu tượng
cho tính tự trị chính là hình ảnh lũy tre. Bởi tre là một loài cây khắc phục
được tất cả những nhược điểm của ngoại cảnh để sống cho dù là ở vùng
đất khô cằn tới mức nào. Luỹ tre mang tới một hình ảnh tự chủ, tự lập bởi
thế nó biểu tượng cho tính tự trị của làng xã Việt, tất cả mọi việc đều được
giải quyết theo lệ làng mà không cần sự can thiệp của thế lực bên ngoài.
Điều đó được thể hiện rõ nhất qua câu nói dân gian: “Phép vua thua lệ
làng”. Tính tự trị giúp phát huy tính cần cù, chịu khó, là cơ sở của lòng yêu
nước. Ngoài ra, còn xây dựng tính thần tự lập cộng đồng, nếp sống tự cấp
tự túc. Tuy nhiên, tính tự trị cũng để lại không ít nhược điểm thể hiện ở
thói tư hữu, ích kỷ, gia trưởng, bè phái. Như vậy, thông qua việc tìm hiểu về
làng xã Việt, ta thấy nổi bật hai đặc trưng là tính cố kết cộng đồng bền
chặt và tính tự trị. Với hai đặc trưng ấy, mỗi đặc trưng đều có những ưu và
nhược điểm riêng, nhưng tựu chung lại chúng đều tạo nên được nét riêng của làng xã Việt Nam.
Trải qua nhiều biến động của thời gian, ngày nay làng xã Việt Nam
vẫn tồn tại nhưng cũng đã ít nhiều có sự thay đổi so với làng xã ngày xưa.
Trong thời đại hôm nay, làng xã cổ truyền đã thay đổi, không còn bao bọc
bởi luỹ tre làng, rất nhiều những lệ làng khắt khe nay đã bị loại bỏ. Làng
ngày nay tồn tại như một đơn vị hành chính cấp nhỏ. Từ đó mở ra rất nhiều
điều kiện thuận lợi để làng xã phát triển, nhất là phát triển kinh tế, tiến tới
đô thị hoá nông thôn. Tất cả những điều đó đều nhằm nâng cao đời sống
nhân dân, xây dựng nông thôn mới, hiện đại và phát triển bền vững. Tuy
nhiên bên cạnh những mặt tích cực đó, ngày nay làng xã Việt vẫn còn tồn
tại nhiều hạn chế. Tình trạng công nghiệp hoá đã khiến diện tích đất nông
nghiệp bị thu hẹp, nhiều người dân rời quê hương lên thành phố kiếm việc
làm khiến lực lượng lao động bị giảm sút. Bên cạnh đó, cùng với sự phát
triển của công nghiệp, một số làng nghề truyền thống cũng đã bị mai một
và đứng trước nguy cơ bị lãng quên hoàn toàn. Hơn nữa, vấn đề về môi
trường ở các làng quê ngày nay cũng ngày càng nghiêm trọng, nhiều người
vì dân trí thấp mà sẵn sàng phá huỷ môi trường sống để kiếm tiền. Làng xã
Việt ngày nay đã và đang phát triển cùng sự phát triển chung của đất
nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó làng xã Việt cũng còn rất nhiều hạn chế cần
phải khắc phục để bảo tồn và phát triển làng xã Việt.
Như vậy, thông qua việc tìm hiểu về tổ chức làng xã truyền thống
của người Việt, ta đã có một cái nhìn rõ nét hơn về lãng xã truyền thống
Việt, cũng như nguyên lý hình thành, đặc trưng và thấy được những mặt
tích cực và hạn chế của làng xã ngày nay. Làng xã Việt từ lâu đã luôn đi vào
thơ ca nhạc hoạ, đi sâu vào tiềm thức mỗi người dân Việt như một biểu
tượng, mang nhiều nét văn hoá truyền thống dù là ngày trước hay hiện tại.
Hình ảnh ngôi làng với cây đa, giếng nước, sân đình sẽ luôn trở thành một
biểu tượng bất diệt trong lòng mỗi người dân Việt về hình ảnh của một
làng quê Việt Nam thanh bình.