Giáo trình Tin học đại cương
Bản quyền thuộc Khoa Công nghệ thông tin Trang 229
Trường ĐH Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh
Thông thường, mỗi người sẽ có các tiêu chí riêng để chọn lọc thông tin, những gợi ý dưới đây sẽ
giúp cho chúng ta tự đánh giá thông tin một cách hợp lý.
Mức độ kiến thức của thông tin: kiểm tra nguồn thông tin tìm được có những điểm mới
nào so với kiến thức đã được học và chúng có sai khác so với kiến thức cũ không.
Tác giả: nguồn thông tin tìm được xuất phát từ một cá nhân hay một tổ chức, từ thành
viên hay từ quản trị viên trang web? Tốt nhất, chúng ta nên tìm hiểu thông tin sơ lược của
tác giả, như: nghề nghiệp, chức vụ, kinh nghiệm, nơi công tác, học vấn, bằng cấp, … Nếu
thông tin bắt nguồn từ một tổ chức thì phải làm rõ những thông tin như tên cơ quan/ tổ
chức, uy tín, lĩnh vực hoạt động, … Chúng ta cũng nên để ý thông tin người quản trị trang
web của tổ chức đó.
Tính cập nhật: kiểm tra nguồn thông tin được đưa lên mạng vào thời gian nào và thông
tin đó có tiếp tục được cập nhật, chỉnh sửa hay không? Đôi khi một thông tin chỉ phù hợp
và chính xác tại thời điểm nó được đăng, trong khi lại lỗi thời, sai lệch với thời điểm hiện
tại. Và nếu thông tin đó được cập nhật liên tục và có nhiều người nhận xét, bình luận thì
độ tin cậy và tính chính xác của nó được bảo đảm hơn.
Tính khách quan: kiểm tra nguồn thông tin tìm được có đưa ra những dẫn chứng, ví dụ
để chứng minh tính đúng đắn và hợp lý của các kiến thức được đưa ra hay không? Một
nguồn thông tin đáng tin cậy bao giờ cũng nêu ra được nguồn gốc của thông tin và tài liệu
tham khảo (nếu có). Vì một thông tin hay kiến thức chỉ được xem là tin cậy khi nó được
phát xuất từ một nguồn hoặc tài liệu tin cậy và có thể kiểm chứng.
Phạm vi thông tin: kiểm tra nguồn thông tin được trình bày theo chiều rộng hay theo
chiều sâu, những kiến thức trong đó được trình bày chi tiết hay tổng quát? Những thông
tin trên Internet có thể chỉ là những kiến thức tổng quát về một lĩnh vực nào đó (theo
chiều rộng) hoặc có thể là những kiến thức chuyên sâu chuyên ngành (theo chiều sâu).
Tùy vào nhu cầu sử dụng thông tin mà chúng ta lựa chọn phạm vi cho phù hợp, tránh đi
quá sâu hoặc đi quá rộng.
Hình thức: kiểm tra thông tin cần tìm được thể hiện ở hình thức nào (trang web, blog, tin
tức, bài báo, diễn đàn, thư điện tử, …); kiểm tra loại tài liệu cần tìm là: văn bản, hình ảnh,
âm thanh, video, phần mềm, …? Chúng ta phải xác định rõ hình thức hay loại tài liệu cần
tìm để việc tìm kiếm và chọn lọc được nhanh chóng, không dư thừa.